Thứ Năm, 25 tháng 5, 2023

Bắt đầu từ số "Không"

Bắt đầu từ số "Không"

Bây giờ, anh tôi đã thành đạt, người ta nói anh gặp may! Tôi không phủ nhận điều ấy. Bởi đời người, ai cũng có lúc gặp may mắn hay đen đủi! Điều muốn nói ở đây, là từ cuộc sống nghèo đói cơ cực biết cách đứng lên hay bi quan chán nản? Điều đó thể hiện bản lĩnh của mỗi con người. Và ai biết chớp thời cơ khi gặp may, biến cơ hội thành hiện thực, nhân rộng cái may thành nền tảng vững chắc, chỗ đứng cho bản thân cả một đời người. Hay để mất cái may như “gió thổi mây bay”!
Tôi đang nói về anh Nguyễn Văn Đoàn, người anh em con cậu con cô của tôi. Anh có số hên, như cách nói của người miền nam. Là nghe dư luận nói về anh như thế, chứ bản thân tôi không nghĩ vậy. Bởi những gì anh có được hôm nay đều do bản thân vật vã, mày mò, lần tìm lối đi cho mình bằng mồ hôi và nước mắt, ý chí và nỗ lực của chính mình…
Tôi và anh thân thiết với nhau từ nhỏ, sống chung ở một xóm ven sông (xóm Thọ Phú, xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), chung giếng nước, đường làng, chia sẻ đói nghèo, thấm thía cái cơ cực đói khát đến nhường nào, hiểu cái giá trị những gì mình đang có được!
Nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc
Tôi không bao giờ quên cái nghèo đói, bữa ăn chìm trong “muối mặn gừng cay” với khoai, rau, cơm chia từng bát. Cơm độn khoai, sắn, có lúc độn cả cám cũng không đủ no. Quanh năm đói, áo không đủ ấm, nhà nào làm thịt gà là phải có công việc quan trọng như: cưới hỏi, giỗ chạp. Thi thoảng có bữa cơm no, có cá mắm là kết quả của ngày lao động nặng nhọc, phấn đấu của cả gia đình vã mồ hôi và nước mắt mới có được… Cuộc sống của chúng tôi ngày thơ bé như vậy. Sống lầm lũi trong cái nghèo mãi rồi cũng quen, khổ mà vẫn không biết mình đang khổ! Tuổi trẻ hồn nhiên, vẫn cười đùa vui vẻ, dù rằng thân hình còm nhom chỉ có xương và da, đuổi theo từng con còng gió nơi bờ sông, đem về nhà nướng thơm lừng để chia nhau! Nhưng cuối những năm tám mươi, cái nghèo không thể nghèo hơn được nữa! Cơm độn khoai, độn cám cũng không còn, sống cầm chừng lay lắt, đói và rét triền miên năm tháng, hoa cả mắt, trong nhà không còn gì để ăn. Cái nghèo trượt thêm, năm 1985 cả nước đổi tiền, nghèo có chiều hướng xuống dốc tận vực thẳm! Có hôm nhà trống trơn, nồi niêu khô coong, phải hái rau khoai thái nhỏ, trộn muối, nấu nhừ để cầm hơi. Đói thường đi với bệnh. Bệnh tả. Khủng khiếp. Tôi không biết cái đói năm 1945 như thế nào, nhưng cái đói của những năm 1985-1986 được chứng kiến, không bao giờ quên! Quê tôi đất chật người đông, nắng gió lào gay gắt, cây cối quắt queo. Mùa mưa lũ trôi nhà trôi cửa, con đê yếu ớt không đủ sức chống đỡ, nước biển tràn về, vỡ đê. Cả cánh đồng lúa chìm trong nước mặn. Tiếng đàn bà, con trẻ khóc như ri! Lấy gì để ăn khi mùa vụ mất trắng. Biết chạy đâu cho thoát cái nghèo? Khổ nhất vẫn là nhà đông con “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”!
Gia đình nhà cậu tôi, Nguyễn Văn Cử, có 7 người con, sáu trai, một gái, trong đó anh Đoàn là người con thứ tư, học phổ thông giỏi nhất nhà. Các con của cậu đang tuổi ăn, tuổi lớn, sống trong những năm tháng đói nghèo, cuộc sống luẩn quẩn, chưa có đường ra?
Khi cái đói không chịu đựng nổi thì mọi ước mơ đều phải dừng, tập trung tìm cái ăn cho bụng sôi réo hằng ngày. Anh Đoàn dừng học phổ thông đi tìm đất mới, tìm sự sống như các anh chị trong làng đã tản mạn bốn phương, hành trình xuôi ngược “sống hay là chết”? Ngày ấy, vùng đất người làng tôi chọn, dừng chân để mưu sinh là huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng theo lời mách bảo của những người đã đi qua chiến tranh. Họ là người lính đã từng đống quân ở đó. Nơi ấy dân thưa, không khí thấp ôn hòa, đất tốt và rộng lớn thích hợp với các cây á nhiệt đới, nhiều giống cây trồng cho củ, quả, rau, có tiềm nang năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt. Và nữa, huyện Đức Trọng còn là đầu mối giao thông đường bộ giữa Quốc lộ 20 với Đà Lạt – Thành phố Hồ Chí Minh – Ninh Thuận – Nha Trang và Quốc lộ 27 kết nối Đà Lạt – Ban Mê Thuột…
Anh Đoàn cùng những người làng theo dòng người tập kết ở đường Quốc lộ I cùng “nam tiến” về vùng đất hứa với ước mơ đổi đời! Không nói hết cái khổ của những con người “tha hương cầu thực”, số tiền trong túi không đủ tiền xe, tiền ăn uống dọc đường, chui lủi nhờ vả các chuyến xe tải, đứng ngồi lẫn lộn với hàng hóa, xin nước uống từng ngụm sau khi đã ăn cái bánh mì chống đói… Vật vã mất mấy ngày đêm ở đường trường, anh cùng nhóm người hốc hác bơ phờ, áo quần nhem nhuốc cũng đến được huyện Đức Trọng, nơi đất đai còn hoang vu vắng lặng. “Đất khách quê người”, trong tay không còn một xu, hai bàn tay trắng, chỉ có cách làm thuê để cứu thân tồn tại. Ai thuê gì làm nấy. Các tổ chức của nhà nước thuê, dân thổ cư thuê, hầu hết làm vườn, trồng cây rau, củ, quả, chăm sóc, thu hái, vận chuyển ra chợ Liên Nghĩa ở thị trấn tiêu thụ. Những người nơi xa đến, xuất thân từ nông dân, có việc làm, quen thuộc với đồng ruộng, lăn xả vì việc đang làm, thành tâm với đất. Đất không phụ lòng người. Chủ thuê trả công xứng đáng. Dần dà, anh Đoàn và mọi người thu nhập đủ sống, lần hồi, tiết kiệm mãi cũng có của ăn, của để. Người và đất Đức Trọng đã mở rộng tấm lòng mến khách nhập cư người xa xứ vào đất trời Tây Nguyên mênh mông…
Việc làm ổn định, anh Đoàn còn có duyên về tình nơi đất khách quê người. Trong một lần đi tiêu thụ sản phẩm cây trồng ở chợ Liên Nghĩa, gặp người con gái Đặng Thị Minh Thuận sinh ra ở Đức Trọng, có một tấm lòng yêu đất, sống vì đất, lầm lũi lao động nơi vườn đồi, cũng đi bán rau ở chợ giống anh Đoàn. Hai người quen, rồi tâm đầu, ý hợp, có duyên phận, thành vợ, thành chồng như trời xui đất đẩy.
Anh Nguyễn Văn Đoàn kiểm tra củ cải khô ở phòng lạnh
“Góp gạo ăn cơm chung”, vốn liếng của anh Đoàn, chị Thuận ngày ấy, gom góp lại chỉ đủ mua vài sào đất vườn đồi. Nhưng anh chị nắm bắt được hơi thở của thị trường, lại tấn tảo, siêng năng, tiết kiệm, quan hệ với khách hàng tốt, biết tính toán, nên chỉ có mấy năm đầu xây dựng, hai vợ chồng đã có vốn kha khá, rồi phát triển dần lên. Vợ chồng tích lũy được đồng nào, đều dành mua đất. Đất cho thuê trồng rau, củ quả, giúp đở người nghèo khổ. “Hữu xạ tự nhiên hương”, khách hàng, bạn bè, quê hương tìm về với anh Đoàn. “Đất lành chim đậu”, những nơi đất hoang vắng, nơi ngày xưa ít người qua lại, giờ thành khu, ấp, thôn, đông đúc, nhộn nhịp người, đông vui. Vợ chồng anh Đoàn từ 2 sào đất vườn, dần dần lên mấy chục sào, và cho đến giờ đã có hơn 100 héc ta trồng nhiều loại củ quả, như: Cà rốt, khoa lang, củ cải, ớt, cà tím, cà chua… được chăm sóc kỹ lượng, chất lượng tốt. Có những giống cây như cà rốt, củ cải do anh Đoàn là người đầu tiên cắm xuống vùng đất này. Đặc biệt, vợ chồng anh Đoàn chị Thuận có tấm lòng bao dung, độ lượng, luôn giúp đỡ người có hoàn cảnh nghèo khổ giống mình như ngày xưa. Đầu tiên, người anh em, họ hàng, cùng quê đang khó, không có việc làm, anh dẫn dắt đưa vào Đức Trọng, cho vay vốn, cho thuê đất, tạo công ăn, việc làm, và nơi ở với mong muốn người quê thoát nghèo! Cho đến giờ, hơn hai mươi năm trời tính từ ngày anh Đoàn nhập cư, ở các huyện Đức Trọng, Sơn Dương, Lâm Hà (Lâm đồng) ngày ấy thưa dân, giờ đã có hàng trăm hộ người quê anh vào lập nghiệp và đều phát triển về kinh tế, không có chuyện nghèo đói như xưa. Đã có Hội đồng hương xã Quỳnh Thọ (Quỳnh lưu, Nghệ An) ở Đức Trọng, Lâm Hà, Sơn Dương… đùm bọc, giúp đỡ nhau lúc ốm đau, bệnh tật, hướng dẫn làm kinh tế.
Không chỉ giúp người cùng quê, anh Đoàn còn có trách nhiệm vai trò của công dân với nơi cư trú. Hàng trăm người lao động ở huyện Đức Trọng và vùng phụ cận đã được nhận vào làm công nhân: lái xe ô tô, máy cày, trồng cây chăm sóc, sơ chế củ quả… Công việc ngày càng phát triển, quy mô lớn, với nhu cầu tất yếu của cuộc sống, vợ chồng anh Nguyễn văn Đoàn quyết định thành lập Hợp tác xã Nam Sơn năm 2014 do anh làm giám đốc, với nhiều hộ gia đình tham gia ủng hộ. Vốn liếng của Hợp tác xã là đất, giao khoán cho các hộ nông dân, cấp giống, phân… mua hết sản phẩm, tìm đầu ra. Người nông dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống. Hàng trăm hộ nông dân là người dân tộc thiểu số ở huyện Đức Trọng được hướng dẫn làm việc ngay trên vườn đồi, có thu nhập ổn định, thoát nghèo, có hộ đã vươn lên làm giàu bền vững. Nhiều người khác được nhận vào làm công nhân, lái xe ô tô, máy cày, trồng cây chăm sóc, sơ chế củ quả… có thu nhập ổn định.
Ngoài làm việc trên vườn đồi, anh Đoàn còn đầu tư hàng tỷ đồng sản xuất phân vi sinh chế biến từ phế phẩm nông nghiệp, chất thải, góp phần làm sạch môi trường và cải tạo nuôi dưỡng đất. Có những lúc sản phẩm từ vườn đồi tiêu thụ không kịp, hàng ế, Hợp tác xã không bỏ mặc người nông dân, mua hết, trả tiền sòng phẳng, nghĩ ra cách tiêu thụ khác. Củ cải, ớt chế biến sấy khô, cho vào phòng lạnh, hay như dưa củ cải mặn ngọt “Đoàn Thuận” đủ tiêu chuẩn nhập dần vào các siêu thị ở miền nam. Một cách làm mới, tỉ mỉ, cần mẫn vì cuộc sống của người nông dân. Phải chăng, đó cũng là một phẩm chất, nhân tố quan trọng của người kinh doanh như anh Đoàn.
Chị Đặng thị Minh Thuận đang kiểm ra cây trồng ở vườn đồi
Công việc hàng ngày dày đặc, kín mít, anh Đoàn quần quật từ sáng cho tới tối ngày vẫn chưa nghỉ ngơi. Chăm sóc vườn đồi được cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ cao, hệ thống điện, nước tưới tiêu phải hướng dẫn người nông dân, nhất là dân tộc thiểu số. Buổi sáng anh Đoàn dùng ly cà phê cũng không ngon, phải trả lời điện thoại điều hành công việc tới dăm bảy lần. Hiện tại vợ chồng anh Đoàn có khoảng 500-600 công nhân thường xuyên chăm sóc cây trồng, đội ngũ lái xe, bộ phận hành chính… Đỉnh điểm cao nhất mùa vụ ở Hợp tác xã Nam sơn có lúc lên tới hàng ngìn người lao động tấp nập.
Tôi vào Đức Trọng mấy ngày với vợ chồng anh Đoàn, đi khắp các vườn đồi ngày xưa là đồi tạp, giờ được quy hoạch trồng rau, củ, quả, đem lại thu nhập xứng đáng cho người nông dân. Có những quả đồi, ngoài rau, củ, quả còn trồng hoa. Hoa màu tím, hoa vàng rực rỡ, chim chóc kéo về nhiều, thấy có bóng người là bay vù lên đầy sức sống. Thiên nhiên đã được “định hướng”, rạo rực, đẹp như mơ! Tôi đùa: “Anh chị cái gì cũng biết, nhẽ ra phải được cấp bằng tiến sĩ nhà nông mới xứng”! Anh Đoàn cười: “không dám, thiếu gì thì học cái ấy O ơi, không ai dạy bằng đời dạy”!
Tôi cũng cười, không nói gì thêm, nhưng hoàn toàn tin tưởng ở vợ chồng anh Nguyễn văn Đoàn, chị Đặng Thị Minh Thuận, bởi những gì anh chị có được đều từ “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mới có được. Mốc thời gian, tính từ sau ngày “đổi mới”, anh chị đã có nhiều thành công. Tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người thoát nghèo. Rau, củ, quả, sản phẩm của Nam Sơn bây giờ có mặt ở các siêu thị ở Lâm Đồng, và các tỉnh miền nam như Đồng Nai, Vũng Tàu, Phan Thiết, Quảng Ngãi, Bình Dương, Cần Thơ, Phú Quốc… và nơi tập kết nhiều nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh.
“Ăn nên làm ra”, nhưng vợ chồng anh Nguyễn Văn Đoàn không bao giờ quên cội nguồn. Hàng năm anh chị vẫn trích thu nhập làm từ thiện, giúp người nghèo khổ, bất hạnh. Những lần về thăm quê nhà, vợ chồng đều thăm hỏi, tặng quà cho người già, em nhỏ, chi tiền hàng trăm triệu đồng xây nhà văn hóa xóm. Ở thị trấn Liên Nghĩa, anh Đoàn đã xây dựng 10 phòng học tại trường Tiểu học Nam Sơn với chi phí đến 4 tỷ đồng, ủng hộ gần hai tỷ đồng làm đường nông thôn mới… Hơn hai mươi năm đã trôi qua, chớp mắt của một đời người, nơi anh Đoàn dừng chân lập nghiệp, ngày ấy “cỏ cây chen lá đá chen hoa”, giờ có đường nhựa, bê tông, thông thương hàng hóa giao lưu. Nhà ở của dân lên tầng thành khu phố. Cuộc sống ở thị trấn Liên Nghĩa thực sự nhảy vọt. Thành công của anh chị đã góp một phần không nhỏ cho bức tranh cuộc sống không chỉ ở Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng, và ở cả quê nhà, mà còn là sự khẳng định một hướng đi, một tinh thần vượt khó vươn lên. Từ những đóng góp ấy, nhiều năm qua anh Nguyễn Văn Đoàn đã được nhận nhiều phần thưởng, là sự ghi nhận của chính quyền tỉnh Lâm Đồng, và mới nhất, năm 2017, anh được nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm đổi mới”, là lực lượng quan trọng trong quá trình phát triển đất nước, được lãnh đạo Đảng, nhà nước khen ngợi.
Bài viết này tôi không chỉ nói về một con người, mặc dù con người ấy vô cùng xứng đáng được tôn vinh. Mà đây còn là sự gom góp lại những kỷ niệm tuổi thơ, những ấn tượng dai dẳng từ những tháng ngày nghèo khổ cơ cực của một kiếp người từ dĩ vãng… Để rồi từ đó vượt lên bắt đầu từ số không. Và tương lai giống như giọt nắng của mặt trời đang lung linh dẫn đường cho vợ chồng anh Nguyễn Văn Đoàn, người nông dân quê tôi, và tất cả chúng ta, tự tin bước tiếp trên đường đời.
22/11/2019
Đàm Quỳnh Ngọc
Nguồn: Văn Nghệ số 35+36/2019
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lương Kim Phương và trong thế giới của Sương

Lương Kim Phương và trong thế giới của Sương Đọc “Sương”, thấy Lương Kim Phương tránh được ba điều dễ mắc trong thơ, đặc biệt là thơ trẻ: ...