Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

Bố ơi, con nhớ

Bố ơi, con nhớ…

Nhớ ngày xửa ngày xưa, bố chở con bằng chiếc xe đạp Hữu Nghị cũ mèm đi qua những con phố nhỏ Hải Phòng. Con thích ngồi trên cái ghế mây buộc đằng sau xe bố, cảm giác vững vàng và chở che. Lần nào cũng vậy, khi buộc cái ghế vào sau xe, bố cũng hát bài Bé bé bằng bông cho con cười thích thú. Lúc ấy con mới lên ba nhưng bố đã ngoài năm mươi tuổi. Bố cứ bảo cha già con cọc, nhưng nhờ vậy mà bố thấy mình trẻ lâu.
Nhà giáo Phan Dương
Bố luôn chiều con với tất cả những gì liên quan đến đèn sách. Bố mua vở, bọc sách, mua cái ngòi bút lá tre, hay cái ngòi bụng bầu mà con thích, cái hộp bút bằng sắt, cây bút chì hai đầu xanh đỏ bố cũng chắt chiu mua cho con những ngày khốn khó. Con nhớ mình đã giữ cây bút ấy cho đến gần hết cấp 1 vì nó đã mòn còn một lóng ngón tay.
Con nhớ cái dáng liêu xiêu bố viết, vẽ giúp con những bài tập khó. Đến giờ con vẫn nhớ hình cái liễn trong quyển tập giấy vàng được bố vẽ dưới ánh đèn dầu tù mù vào một ngày giông bão.
Con nhớ bố đã rất lo con chới với khi chuyển đến trường mới mà không lọt vào Top 5 của lớp. Không phải vì thành tích, mà bố sợ những thay đổi làm con mất thăng bằng.
Ngày bé, con nhớ bố luôn là người đưa đón con đi học. Con nhớ mãi những ngày mưa tầm tã, bố quấn tấm vải mưa, đạp chiếc xe lọc cọc từ cơ quan về đưa con đi học ở nhạc viện rồi lại chờ đón con về trong đêm. Những ước mơ phù phiếm của con về đàn ca nhạc họa, đều được bố khích lệ. Nhờ bố, mà trái tim con đến giờ vẫn không chai sạn.
Con cũng nhớ những đòn roi của bố dành cho những cố tật của con. Thế nhưng chưa bao giờ bố chần chừ, ngán ngại hay đánh con vì việc học. Con chưa bao giờ thấy bố đùn đẩy việc chăm sóc tinh thần con cho mẹ. Nếu không đi công tác, tối nào bố cũng dành ít phút trò chuyện cùng con. Tiếc là, lúc ấy con còn bé quá, tiếc là quãng cách năm tháng của bố con mình quá xa, nên con không hiểu hết những ân tình của bố.
Con nhớ những ngày bé nghỉ học, nhà không ai, bao giờ bố cũng là người xung phong chở con theo đến chỗ làm. Ở đó, con cũng không bao giờ làm phiền bố, con tự tha thẩn chơi, chuẩn bị cho bố lon cơm, hũ muối tiêu, quả dưa leo để cùng bố ăn trưa. Cơ quan bố với con luôn là điều kỳ bí. Ở đó có mái vòm cao, bức tường dày, bậc thang gỗ xây theo kiểu Pháp. Lúc nào đến đó con cũng thấy lạnh, thấy hun hút và chơi vơi. Nhưng nhờ những bậc thềm, ngưỡng cửa nơi đó, vô hình bố đã cho con khả năng biết tự đương đầu dù trong lòng sợ hãi.
Lớn hơn một chút, nhà của bố luôn rộng cửa đón các bạn của con, bố rất thích các bạn đến học nhóm, chơi cầu, đánh cờ, lò cò, trốn tìm, hò hét… nhờ cách yêu thương con của bố mà con có thật nhiều bạn.
Nghề nghiệp của con gần như một sự sắp đặt, mặc dù cái đầu lơ ngơ của con không hiểu sao lại cứ thích những thứ đẩu đâu như triết học, nhưng cuối cùng con lại đi theo nghề của bố dù cho bố không ép, không bắt, không định hướng gì. Bố để “tùy con” nhiều chuyện, đến độ con cảm thấy giận bố; thế nhưng bố ơi, nhờ đó con biết cách tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Con nhớ…
Con nhớ, nhớ những ngày nằm Chợ Rẫy, Thống Nhất, giữa những cơn đau hành hạ, bố vẫn quan tâm đến mọi người, vẫn hài hước, vẫn cười, vẫn sợ làm phiền con, vẫn sợ hai đứa bé nhà con không ai chăm sóc.
Và con nhớ, nhớ cách bố xoa đầu con lần cuối, khi con đã gần bốn mươi, chỉ để hỏi con về cái đầu bị chấn thương ngày bé, chỉ để nhắc con giữ sức khỏe khi phía trước còn nhiều việc phải lo, chỉ để nhắn rằng con đừng bao giờ để tắt nụ cười trên môi…
Bố ơi, con nhớ…
22/12/2019
Phan Dương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cửa tiệm hạnh phúc

Cửa tiệm hạnh phúc Lời ngỏ Lời mở đầu Bạn thân mến, Trước khi tôi và bạn cùng đồng hành vào những trang sách bàn về hạnh phúc tiếp sau đây...