Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Buôn O xử kiện

Buôn O xử kiện

Tung, tung, tung…
Mặt trời đứng trên đỉnh đầu, dấu bóng người xuống bàn chân. Nắng. Nóng. Trời xanh không một gợn mây. Bầy gà nằm dưới gầm sàn há mỏ, thè lưỡi ra thở. Buôn O chìm vào giấc ngủ giữa buổi trưa hè bỗng nhiên bị đánh thức dậy bởi tiếng trống. Tiếng trống phát ra từ nhà Già làng làm lung lay cả mái nhà lợp gianh xung quanh, lan qua suối sâu, tràn lên nương rẫy, ập vào vách núi ngân dài.
Nhà văn Hồng Chiến ở Đắk Lắk
Hàng trăm con người chen nhau đứng đầy đầu sàn, chật kín khoảng sân trước nhà già làng, quên luôn cái nóng như đang đổ lửa xuống đầu, mắt trợn tròn nhìn Y Bin đang đánh trống như trút hận. Già làng hơn tám mươi tuổi, lưng đã khòng, bộ ngực hom hem nhìn thấy rõ từng thẻ xương sườn dưới làn da đen xạm, nặng nhọc bước lên cầu thang; quát:
– Dừng lại!
Tiếng Già không to, nhưng âm thanh đủ mạnh làm tiếng trống đang kêu như sấm nổ bỗng dừng, Y Bin buông dùi trống quay lại, cả người đổ gục xuống sàn nhà, gào lên:
– Già làng ơi! Khốn nạn lắm, khốn nạn lắm, già làng ơi!
– Có chuyện gì mà mày nổi trống?
– Chúng nó, chúng nó… làm loạn rồi!
– Đứa nào?
– Con vợ tao với thằng Y Mít, chúng nó, chúng nó…
– Chúng nó làm sao?
– Chúng nó cho, cho, cho…
– Cho cái gì, phải nói rõ chứ.
Giọng già làng đã có phần gay gắt, Y Bin gào lên:
– Chúng nó cho cái… đi đái gặp nhau!
Mặt già làng hình như xạm lại, hai hàm răng cắn vào nhau:
– Mày thấy hay nghe ai nói?
– Tao thấy mà, khố của nó đây, váy của con vợ tao đây.
Y Bin đứng dậy, hắn lôi một cái yên (1) và chiếc khố dệt rất đẹp, còn mới từ trong bụng, ném xuống sàn nhà. Mắt già làng tối sầm lại, giọng lạnh tanh:
- Mày gặp chúng ở đâu?
- Bên gốc cây sung to, cạnh rẫy nhà tao.
– Lũ con trai lên đưa hai đứa về đây.
Ngoài đầu sàn, bọn đàn ông rùng rùng kéo nhau lên rẫy bắt kẻ phạm luật về phạt. Lũ chúng đi bắt phạm mà vui như đi hội; vui vì biết lại được nghỉ việc không phải làm để ở nhà dự xữ và nhậu. Vui vì được ăn, được uống thật nhiều mà không mất gì, của phạt mà.
Y Bin chạy ra đầu sàn gọi mấy người bạn hay nhậu đi bắt ngay một con bò đực lớn và một con heo năm gang nhà mình mang về buôn làm thịt cúng Yang, cũng là thức ăn bữa chiều để họp buôn. Người dân trong vùng tính trong lượng heo bằng gang tay người lớn đo vòng cổ; con heo lớn có vòng cổ năm gang phải hơn tạ rồi. Bữa cúng đầu tiên và các lễ cúng tiếp theo đều do bên phạm luật phải trả. Cánh đàn bà cũng gùi đến chín ché rượu cần, cao chín gang tay, cột vào chín gốc cây, chôn gần đầu sàn nhà già làng.
Tiếng trẻ con reo hò, từ phía chân núi vọng đến, cả đoàn người đông đúc, lớn bé, trai gái, đủ thành phần vây quanh hai kẻ tội phạm khốn khổ, đẩy về buôn. Người đàn bà đi trước chắc chưa đến ba mươi mùa rẫy, mặt trái xoan, mắt đen láy nhìn thẳng về phía trước ra vẻ bất cần sự đời. Trên người đàn bà chỉ có chiếc áo cũ của người đàn ông buộc ngang bụng, che chỗ kín còn bộ ngực đồ sộ treo hai quả dừa trên ấy tròn như của thiếu nữ chưa có con, khoe ra trước mắt mọi người. Người đàn ông đi sau tuổ chắc cũng bằng người đàn bà đi trước; to, cao, vạm vỡ, trước bụng treo một nhánh lá cây rừng che chỗ kín; đầu nhìn xuống chân, mắt không dám nhìn người xung quanh. Cả hai người được đưa đến đầu sàn nhà già làng, tự giác cùng quỳ xuống bên nhau.
Già làng từ trong nhà bước ra đầu sàn, trên người mặc chiếc áo truyền thống màu đen có dệt hoa văn màu đỏ dài tới đầu gối che khuất luôn chiếc khố phía trong. Đám đông đang ồn ào như chợ vỡ bỗng im phăng phắc, hàng ngàn cặp mắt chăm chú nhìn về phái già làng. Già làng đứng đầu sàn, ngữa mặt lên trời lầm rầm khấn vái cầu xin Yang (2) trước khi xét xử rồi ngồi lên chiếc ghế làm bằng một khúc cây rừng cao khoảng ba gang tay, đen bóng, dựng đứng.
Dưới đất, Y Bin mặt gãy, trán dô, có vẻ hả hê khi đứng bên người vợ ngoại tình và kẻ tình địch; đôi mắt trắng dã, không giấu được niềm vui. Già làng nhìn đám người, rồi nhìn hai kẻ có lỗi, hỏi:
– Hai đứa chúng mày hôm nay đã làm chuyện vợ chồng với nhau ngoài suối phải không?
– Phải.
Người đàn bà nhìn thẳng vào mắt già làng trả lời. Già làng nhìn người đàn ông đang quỳ bên cạnh người đàn bà hỏi tiếp:
– Đúng vậy không Y Mít?
– Đúng!
– Chúng mày, trai có vợ, gái có chồng, đứa nào cũng có con cái tốt rồi sao còn đi làm chuyện vợ chồng trái luật lệ như thế? Mang máng cho heo ăn ra đây.
Hình như mấy người đàn bà đứng gần đấy đã chuẩn bị sẵn, bê ngay cái máng cho heo ăn dưới gầm sàn ra đặt trước mặt hai người đang quỳ. Chiếc máng bằng gỗ, dài bốn gang tay, rộng hơn gang tay; các cạnh sứt mẻ nhiều chắc do heo cắn; xung quanh máng đen sì. Già làng phán:
– Chúng mày là người mà lại sống với nhau như heo vì thế phải chịu phạt ăn như heo. Đổ cám.
Một người đàn bà đứng tuổi xách gùi đến, bốc hai nắm cám thả vào máng rồi lôi một quả bầu đen bóng từ trong gùi ra, mở nắp, rót nước vào máng. Đôi nam nữ khốn khổ, chống tay xuống đất cùng úp mặt vào máng ăn cám. Đám đông đứng vây quanh nhiều người rùng mình; có phụ nữ còn lén kéo gấu áo lên chùi mắt để hở cả rốn.
Chờ hai kẻ khốn khổ ăn hết chỗ cám trong máng, già làng lại hỏi tiếp:
– Chúng mày làm chuyện này nhiều chưa?
Người phụ nữ đáp:
– Nhiều rồi?
– Lâu chưa?
– Lâu rồi?
– Tại sao có chồng mà còn mang cái ấy đi cho người đàn ông khác?
Người đàn ông hình như thấy ăn năn với tội lỗi của mình, đầu gục xuống ngực, đôi mắt nhìn xuống đất không hé môi nói câu nào. Người đàn bà đôi mắt rực lửa, khuôn mặt đỏ hồng lên như người say rượu, khi nghe câu hỏi: “Tại sao có chồng mà còn mang cái ấy trao cho người đàn ông khác” liền đứng bật dậy. Hai thanh niên trên người mặc độc một cái khố, cánh tay rắn chắc như lõi cây trắc đứng sát phía sau, cùng giơ tay ấn vai người phụ nữ bắt quỳ xuống. H’Vét – vợ Y Bin chống tay xuống đất, ngữa mặt nhìn lên bầu trời trong xanh xa thăm thẳm không một gợn mây như cầu xin Yang rồi nói:
– Có Yang làm chứng, tất cả tại hắn, tại cái con người được gọi là chồng ấy.
– Mày nói tại tao, tao xui mày lên rẫy làm chuyện vợ chồng với hắn à?
– Mày không bảo tao làm vậy, nhưng chính mày buộc tao làm vậy. Mày nghĩ lại đi, người ta lên rẫy có vợ có chồng, có a xâu lon ton chạy trước dẫn đường; còn tao thui thủi một mình cái mồm không biết nói chuyện với ai, cái mắt không biết ngó ai; giống như con thú hoang trên rẫy…
– Tao cũng phải vất vã đi hết buôn này qua buôn khác mới kiếm nhiều tiền mang về mua cho nhà nhiều thứ; hai đứa con có nhiều đồ chơi, quần áo đẹp mặc cả ngày mà không ai trong buôn được như thế. Vậy mà mày còn chưa bằng lòng ư?
– Tiền nhiều ư, đồ nhiều ư, nhiều như thế để làm gì khi cả ngày, cả tuần tao không được ôm chồng ngủ; ăn cơm, uống rượu một mình. Tao cần có một người chồng, người ấy luôn bên cạnh tao, cùng tao làm việc, cùng tao nuôi con, vui buồn có nhau, có đói một tý cũng được mà…
Già làng hình như cũng bị bất ngờ trước câu trả lời của H’Vét nên lặng đi không nói nên lời. Đám đông đứng xung quanh ồn như vỡ chợ. Bọn phụ nữ hình như tán đồng với ý kiến của H’Vét, còn bọn đàn ông lại phản kháng lại, chân dậm thình thịch xuống mặt đất cứng như voi dậm. Già làng giơ tay hai lên phía trước, đám đông trở lại yên lặng như cũ.
– Y Mít, tại sao mày có vợ rồi mà lại đi làm chuyện vợ chồng với người đàn bà khác?
– Già làng biết không, tao cũng như con thú suốt ngày một mình trên rẫy thôi.
– Nhưng vợ mày làm cán bộ, hắn đi giúp nhiều người mà.
– Trước đây tao cũng vui cái bụng nhiều lắm khi thấy vợ làm cán bộ, đi đây đi đó nhiều, toàn ăn cơm của nhà người khác; nhưng khi lên rẫy nhìn người ta đi làm có đôi còn tao chỉ một mình, buồn lắm. Nhìn qua rẫy bên cạnh, H’Vét cũng khổ như tao, nên chúng tao đến với nhau cho vui thôi. Có vui mới khỏe để làm rẫy được nhiều mà.
Đám đông lại ồn ào bởi tiếng trao đổi qua lại, người đồng ý, người phản đối… Già làng lại phải ra hiệu giữ trật tự rồi hỏi:
– H’Vét, mày còn muốn làm vợ Y Bin nữa không?
– Không!
– Y Bin, ý mày thế nào?
– Ồ, không được đâu, tao không muốn bỏ vợ, mất con mà muốn già làng phạt thật nặng thàng Y Mít để hắn chừa ôm vợ tao thôi.
H’Vét đứng bật dậy gào lên:
– Tao không muốn làm vợ mày nữa, tao muốn làm vợ Y Mít. Xin Già làng đấy!
Hai thanh niên lại phải ấn vai, ép H’Vét quỳ xuống. Hình như Già làng cũng bất ngờ trước thái độ của H’Vét, chậm rãi nói:
– Y Mít, ý mày thế nào?
– Hỏi con vợ tao ấy!
– Y Mít, mày là thằng đàn ông hèn, chỉ đáng làm a xâu (3) thôi. Tao nhầm!
H’Vét vùng đứng bật dậy, hai mắt như có tia lửa trong ấy, quay nghìn Y Mít, thét lên. Nói xong ngửa mặt nhìn lên trên cười như điên. Hai thanh niên đứng bên cạnh hình như bị tiếng cười thôi miên, đứng im như tượng nhà mồ. Già làng lại nói:
– H’Lan đâu, ý mày thế nào?
H’Lan khuôn mặt tròn, tóc dài quá lưng, mấy sợi tóc quăn phủ xuống trán như muốn che đôi mắt sắc sảo của người phụ nữ mảnh mai, cao hơn tất cả lũ con gái trong buôn nửa cái đầu, tuổi gần ba mươi mà nhìn như gái đôi mươi. Bước ra khỏi đám đông đến đứng bên Y Mít, H’Lan cúi đầu trả lời:
– Thưa già làng, vì các con, tôi cũng không bỏ chồng được; nhưng đã là luật tục thì cứ đúng mà xử thôi ạ!
– Ý Y Bin như thế nào?
– Tôi vất vã, cực khổ đi kiếm nhiều tiền về nuôi vợ, nuôi con mà còn bị thằng Y Mít xấu xa làm chuyện vợ chồng với vợ tôi nhiều lần như thế, mong già làng phải phạt thật nặng cho nó chừa.
– Nhưng bây giờ mày có phải chồng còn là chồng tao nữa.
Nghe H’Vét nói vậy, Y Bin vội trả lời:
– Y Mít hèn như thế thì làm chồng em sao được. Anh có cũng có lỗi trong chuyện để em nhiều ngày sống một mình, nhưng em cũng có lỗi vì không nói với anh cái điều không bằng lòng. Thôi, vì các con chúng ta bỏ qua mọi chuyện để sống và nuôi con. Xin Già làng phạt thật nặng thằng Y Mít cho nó chừa làm chuyện vợ chồng với người khác.
Già làng hỏi:
– Theo mày thì phạt nó bao nhiêu?
– Phải đền cho tôi 10 con trâu, 10 con bò, 10 con heo ba gang, 10 con gà.
– Vì sao phạt nặng thế?
– Thưa già làng vì nó đổ nước vào bụng vợ tôi nhiều lần quá rồi.
– Y Mít, mày có chấp nhận hình phạt vậy không?
– Hỏi vợ tao ấy.
Già làng quay qua hỏi H’Lan:
– Theo H’Lan phạt thế đúng chưa?
– Thưa già làng, hắn đã có vợ mà còn làm chuyện vợ chồng với vợ người khác thì… phạt thế là phải rồi.
Già làng giơ tay lên trời, cầu xin Yang rồi tuyên:
– Thằng Y Mít có vợ rồi mà còn nhiều lần làm chuyện vợ chồng với H’Vét đã có chồng, ta tuyên phạt: Y Mít phài đền cho Y Bin 10 con trâu, 10 con bò, 10 con heo ba gang, 10 con gà. Hai vợ chồng về nhà quên chuyện hôm nay để bảo nhau cùng chung sống, dạy con cái nên người.
Cả đám người vây xung quanh hò hét ầm ĩ, vậy là có kẻ có tội, có người bị phạt; trâu, bò, heo, gà sẽ bị thịt để cúng Yang và mọi người được vui vẻ nhậu. Bỗng H’Lan giơ tay lên trời xin nói, già làng lại ra hiệu mọi người im lặng. H’Lan cúi đầu nói:
– Thưa già làng, thằng đàn ông đổ nước vào bụng đàn bà bị phạt như vậy là đúng lắm lắm; nhưng còn con đàn bà quyến rũ chồng người khác lấy nước sung sướng của vợ người ta thì cũng phải phạt cho công bằng ạ.
– Đúng rồi, đúng rồi!
Lũ đàn bà cùng nhau gầm lên, má người nào cũng như vừa trong bếp nấu cơm ra, hai tay vỗ vào lưng nhau ra vẻ đắc ý. Cánh đàn ông đứng như trời trồng, mắt trợn ngược. Già làng lên tiếng:
– Ý H’Lan là…
– H’Vét quyến rủ chồng tôi lấy hết nước sung sướng của tôi nên cũng phải bị phạt ạ.
– Phạt như thế nào?
Già làng hỏi, H’Lan trả lời:
– H’Vét phải đền cho tôi 10 con trâu, 11 con bò, 11 con heo ba gang, 11 con gà.
– H’Vét, chịu không?
Nghe già làng hỏi, H’Vét cúi gằm mặt xuống không trả lời. H’Lan nói tiếp:
– Tôi cũng có lỗi trong việc này vì không chia sẻ công việc với chồng, không có nhiều thời gian bên chồng để lo việc nhà. Còn Y Bin cũng có lỗi vì lo làm giàu mà không quan tâm đến tình cảm vợ chồng, để vợ một mình như vậy là không tốt. Chúng ta đã có gia đình, con cái, hãy sống vì chúng chứ không phải vì đam mê nhất thời của mỗi người.
– H’Lan làm cán bộ, nói cũng phải, ai cũng có lỗi trong chuyện này vì thế cộng qua trừ lại ta thấy phải xử như sau: H’Vét phải chịu phạt một con bò, Y Mít một con heo và một con gà; dòng họ Y Mít phải góp năm ché rượu, dòng họ bên H’Vét góp sáu ché rượu để làm lễ cúng Yang và tạ lỗi với thần linh. Người trong buôn có phục không?
Đám đông lại được dịp hò hét, vỗ tay ầm ầm tỏ ý bằng lòng. Hai kẻ tội đồ cũng được phép đứng dậy về nhà mặc quần áo, chuẩn bị làm lễ cúng Yang.
Chú thích tiếng Êđê:
(1) Yên: váy;
(2) Yang: thần linh;
(3) A xâu: con chó.
28/4/2023
Hồng Chiến
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...