Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Linh quyển của đất

Linh quyển của đất

Bỗng dưng những ngày mất ngủ ập đến. Như một lơ lửng. Đêm, những cơn xanh tía vầng mắt. Ngày lảo đảo trôi qua lá phổi không còn chút khí.
Những ngày rỗng toát ở trường y, nó bắt đầu lục soát lại mình trong những cơn tự nghi hoặc.
Rắc… Roạt…. Xào…
Rồi những ngày ngủ vùi chiếm chỗ. Ngủ đến nhoài lịm. Nó ngủ như chưa bao giờ được ngủ. Mấy hôm trước, nó được thực hành trên cơ thể người. Cảm giác rỗng toát bắt đầu từ đó. Giống như cảm giác đau tức ở vùng ngực trong những giấc mơ, ở đó người mơ thấy mình bất lực, không nhấc nổi chiếc then cửa khi nhà bị cháy. Lửa liếm dần đến trong bộ dạng đầy đe doạ. Nó thấy mình cách cơ thể người một chiếc then vô hình. Chịu. Cơ thể người là một vi diệu của tạo hoá. Nó nhận ra không phải cứ học giỏi toán, hoá, sinh là có thể trở thành bác sĩ. Một người không có tiên thiên cảm âm thì có học đến mấy cũng chỉ là một anh thợ nhạc. Cũng vậy, nếu không có tư chất chiếm lĩnh lâm sàng và cận lâm sàng thì nó không thể làm bác sĩ được, lối ăn vay dựa vào kết quả xét nghiệm không ổn. Nó không muốn mình bất lương. Nó vẫn đi thực tập tại bệnh viện, tham gia seminar như một cái xác. Đầu nó hoang hoác… Nó không thể nộp bài tiểu luận, cũng không có báo cáo case lâm sàng môn bệnh học. Thời học trò phổ thông, nó là thần đồng về toán, hoá, sinh. Nhưng giờ đây, nó hiện nguyên hình một kẻ dốt đặc về giải phẫu học và sinh lý bệnh.
Nhà văn Đặng Ngọc Hùng ở Bình Thuận
Rắc… Roạt…. Xào…
Trong mơ, nó thấy một bàn tay khổng lồ vô hình nào đó thọc vào lòng quả đất đẩy biển lên, biển dềnh ứ. Rồi biển rút lui giần giật. Nó chạy theo biển nhưng không kịp. Nó thấy đuối sức. Như một khoái cảm tổ tông truyền, nó ngập trong cát. Cát đỏ, cát vàng, cát trắng. Mấy năm sau, nó biết đó là giấc mơ về kỷ đệ tứ. Một mình nó trên địa đới Đà Sơn hoang quạnh. Lúc bấy giờ, trong ký túc xá trường y, nó thấy cảnh trong giấc mơ mới đúng mà miền khí hậu của đời nó. Nó sẽ về sống cùng với hậu duệ của đá granit, riolit, cát kết.
Một tháng sau, trường y buộc thôi học một sinh viên tự ý nghỉ học quá số ngày theo quy chế. Đó là nó. Nó đi về những con sông ngắn từ những rặng đại sơn đổ nước thẳng ra biển. Nó sẽ theo những con sông cộc cằn ra biển. Giữa sông và biển là quê nó. Sông, biển không đánh lừa nó như cơ thể người.
Vậy là nó trở về nơi sa thạch rạn vỡ. Ở đó có tiếng rền rẫm của cát. Cha mẹ nó há hốc mắt vì tuyệt vọng. Chỉ còn non nửa chặng đường nữa là đại gia đình có một bác sĩ làm vẻ vang dòng họ. Vậy mà nó…Người duy nhất hiểu nó là bác Hai.
Bác Hai chào đời năm Thìn. Đó là năm trận đại hồng thuỷ đổ xuống xứ này. Người chết như rạ. Trên bước đường xuôi nam, lưu dân miền ngoài đã dừng chân và gọi xứ này là Thuận Bình. Thuận Bình ăn cá bỏ đầu. Trần đại hồng thuỷ đã tàn phá miền đất an hoà. Sang năm Tỵ, bao nhiêu nước bốc hơi sạch. Một năm đại hạn. Trong đêm đen, ông nội nó ném lưỡi dao lút vào cây chuối: Không đào giếng thì chết khát. Người ta thi nhau đào giếng theo kiểu đổi công. Khi đào giếng nhà ông nội, một trai làng phát hiện chiếc mỏ neo. Ông nội nó sai cất giữ cẩn thận như một báu vật. Người ta đồn, đêm đêm, trong nhà ông nội có tiếng sóng biển, tiếng cát vãi trên mái nhà. Ông nội nó vuốt râu: “Ở đây xưa là biển”.
Một ngày nọ, cả nhà phát giác chiếc mỏ neo bị mất. Không còn ai nghe tiếng sóng biển, tiếng cát vãi trên mái nhà. Một thầy pháp cao đạo được vời đến, ông phán: “Một người từ rặng đại sơn đến đã bí mật đoạt chiếc mỏ neo”. Ông nói thêm: “Đúng, xưa ở đây là biển. Chiếc mỏ neo mất, làng sẽ động vì mất gốc”.
Mấy năm sau, ông nội dời nhà từ Phước Thiện Xuân về Phước Thiện Hạ. Trong phút lâm chung, ông vẫy con cháu lại gần và thều thào: “Phải cố tìm lại chiếc mỏ neo”.
Lại nói, năm lên ba tuổi, bàn tay phải của bác Hai bỗng quặt quẹo và cuối cùng biến thành khối thịt gân hình mỏ neo. Dang dở đại học, anh Hai phải vào lính. Với chiều cao gần một thước chín, anh được tuyển vào không quân. Một cách ngẫu nhiên, người ta nhận ra bàn tay phải hình mỏ neo nơi anh và chuyển anh sang bộ phận vật cụ yểm trợ. Người ta sợ bàn tay phải hình mỏ neo ảnh hưởng đến kỹ năng điều khiển thiết bị của một phi công tuơng lai. Dù vậy, trong những trận bóng chuyền, bàn tay hình mỏ neo đã vung ra những cú đập hiểm hóc. Một gã lính Đại Hàn nói với anh Hai: “Mày đập không mạnh lắm, nhưng khó đỡ. Tao có cảm giác quả bóng da bị mày đập vỡ ra thành một bao cát bay tứ tung. Thiệt mà, tao nghe rõ ràng rắc… roạt… xào…”.
Sau này, từ trại cải tạo ra, anh Hai gầy dựng đội bóng chuyền cho huyện. Đội bóng trở nên nổi tiếng miền duyên hải với những cú đập không cần lực nhưng hiểm. Rắc… Roạt… Xào… Những cú đập ngoắt xuống theo trường phái mỏ neo. Vậy mà, mấy năm sau đội bóng đã tan tác vì các học trò trong đội tự ý đi du nhập những kiểu đập trời giáng thời thượng từ bốn phương. Bác Hai chua chát: “Học người ta cũng tốt, nhưng phải giữ bản nguyên của mình. Tụi nhỏ tự đánh mất bản nguyên”.
“Bác hiểu”, bác Hai trầm ngâm, “Con làm cái điều mình thích, vậy là đủ”.
“Bác còn nghĩ đến lời trăng trối của ông nội không”, nó rụt rè hỏi.
“Làm sao quên được hả con? Giá mà trời cho tìm lại chiếc mỏ neo, linh hồn của ông nội con sẽ được chiêu niệm”.
Linh hồn ông nội con sẽ được chiêu niệm. Nó sẽ làm mọi cách để tìm lại chiếc mỏ neo. Nó xắn hai tay áo, đứng vụt dậy để khởi đầu một quyết tâm.
Nó đã làm đủ thứ nghề để có tiền trả học phí hai năm trung cấp. Đất đã hút hết tâm trí của nó. Nếu phẫu thuật cơ thể người khiến nó thấy chán vì bất lực, thì phẫu diện đất đã đưa nó vào những giấc mơ tiếp nối. Trong những giấc mơ đẹp có màu đất, nó nghe thấy tiếng rền rào của thạch anh vỡ. Một con thuyền đang xuôi theo một dòng sông ngắn ra biển. Nước xiết. Cửa biển kia rồi. Ô, sao lạ vậy, biển còn xa mà! Không tin được, cửa biển ở Phước Thiện Thu. Người ta neo thuyền lại. Kìa, chiếc mỏ neo… Tiếng nước chảy hoà với tiếng rền rào của granit vỡ. Mặt trời thiêu đốt vô vàn hạt granit, chúng ngả màu đỏ. Nó giẫm lên bãi granit vỡ nhào tới nhưng chiếc mỏ neo đã tan chảy trong nước. Nó ngẩn ngơ.
“Ngành này đào tạo không kịp đáp ứng nhu cầu”, một đứa bạn cũ lâu ngày gặp lại nói.
“Sao vậy?”, một đứa khác hỏi.
Thằng kia ngửa mặt lên trời cười: “Đào tạo ra bao nhiêu, ở tù hết bấy nhiêu”.
Ra vậy. Nó hiểu ẩn ý của thằng bạn. Nhưng nó không chấp. Thấm thoát nó ra trường. Có thực mới vực được đạo. Nó lao vào làm việc để kiếm tiền và… cất giữ cẩn thận. Nó phải dành dụm tiền cho hai mục đích: dấn thân vào những chuyến phượt về những miền cát và một ngày nào đó sẽ đi tìm lại chiếc mỏ neo cho hương hồn ông nội.
Theo một đứa bạn cùng lớp có cha làm sếp lớn, nó đi làm cố vấn về đất cho những ai có nhu cầu. Bao nhiêu cuộc chiến tranh đã đi qua vùng đất này từ nhiều thế kỷ. Mặt đất còn run rẩy. Lòng đất còn đau quặn vì thương tích. Những cuộc ly tán do chiến tranh đã làm chảy trôi, lẫn lộn quyền sở hữu, mỗi hạt đất chứng kiến những vang động nỉ non của lịch sử. Và vì thế giờ đây cái nghề của nó hái ra tiền. Và đúng như thằng bạn hay đùa của nó đã tiên tri: Đào tạo ra bao nhiêu, ở tù hết bấy nhiêu. Tài hại kỷ, mấy ai thoát được lưới tiền. Nhưng nó thoát trong mọi trường hợp. Đúng là nó tiên thiên về đất như có người khuất mặt rỉ tai. Vụ khó đến mấy nó cũng tìm ra sợi chỉ rút để giải quyết. Nó giúp người ta không bị rối trí trong mê cung luật pháp và người ta “ơn nó”. Nó không làm viên chức. Nó không “chạy sổ”, không “cò” đất. Vậy là thoát.
Bốn năm tư vấn về đất, nó có cả đống tiền sau khi đã đền ơn bậc sinh thành một số tiền kha khá. Cụng bác Hai một ly bia, nó khoác tay nải đi về những miền cát. Ngày hôm đó, biển quê nó ngả màu mồng tơi và bốc thứ mùi dễ sợ dù không ai xác định được là mùi gì. Nó bắt đầu qua vùng cát tỉnh láng giềng Thuận Ninh. Ở Văn Bình, Mỹ Tường, nó hít sâu mùi tỏi, mùi hành đang kỳ thu hoạch, những thứ cây gia vị chỉ thơm nồng nàn khi được trồng trên vùng sa mạc. Đến Cam Giới, nó vốc thứ cát trắng chuyên xuất khẩu làm pha lê và suy nghĩ miên man. Đất sẽ hoá thân khi qua lửa. Đất sét hoá thân thành gốm sứ. Đất cát “trải nghiệm” trong lửa thành pha lê. Gốm sứ và pha lê. Đâu chỉ khác ở hoá thân. Nó bấm điện thoại: “Bác Hai ngủ chưa? Dạ, con ở gần đèo… Bác cho con hỏi câu này, người xứ cát dư thừa nhiệt tình nhưng sao khó thích nghi…”.
Im lặng.
“Bác”, nó sốt ruột.
“Bác đây”, bác Hai thủng thẳng, “Con nói đúng. Nhưng có những thứ đất không hoá thân thành gì cả. Dù vậy, ngay cả khi đó, đất nào cũng có bản nguyên”.
“ Bản nguyên? Ý bác…”, nó thăm dò.
“Bản nguyên của đất làm nên linh quyển. Linh quyển của con người. Chẳng hạn, không chỉ giọng nói dẻo hơn, dễ nghe hơn, nguời vùng đất sét, đất xám, đất nâu… thích nghi tốt hơn người đất cát”, ông bác quả quyết.
Nó hiểu. Theo suy nghĩ của bác Hai, phẫu diện đất(1) là một đối ảnh của phẫu thuật tính cách con người.
Đêm đó, trong ngôi nhà trọ ở hạ nguồn một con sông miền Trung, nó lại xanh tía vầng mắt. Nó suy nghĩ về bản nguyên của đất, đến gần tinh mơ. Thức dậy vào giữa buổi sáng, nó hối hả trả tiền trọ và đi về phía một đồi cát. Không một bóng nhà. Nhưng rõ ràng nó nghe có tiếng ai đọc mấy câu vần vè, giữa sa mạc bỏng rẫy. Giọng khô nẻ, chỉ thấy ở người miền cát. Ủa, hình như là giọng của nó? Không, miệng của nó đang mím chặt mà. Như một âm vực ngủ quên, từ giọng nó.
Dềnh từ biển
Vỡ qua hà lưu
Trùng trùng vĩnh cửu
Nằm chờ cơn gió
Từ đại dương
Hằng hà bay
Bay.
Giữa trưa. Nó dốc ngược chỗ nước còn lại trong chai. Điện thoại kẹp tai:
“Bác”.
“Hà hà, bác biết thể nào con cũng gọi mà, lại bản nguyên đất phải không?”, tiếng nói ông bác ngùn ngụt như cái nóng ban trưa.
“Dạ. Con nghĩ có phải đó cũng là một dạng vô thức tập thể?”.
Một phút, hai phút, bác Hai thở ra: “Hơn cả vô thức tập thể. Con có nhớ câu chuyện về muối của người Bàlamôn không?”.
Làm sao nó quên được. Ở Nỗng Cà Lang, sau khi bày xong mọi thức cúng, chư thầy cắn hột muối, khấn: “Sot bil rai, tao di thol, pô ra hi, pô ra hik, pô bu lô bak, pô mu khai lak, pô daratlak, pô Etha, pô Adam, pô saai-muk ron, pô kek sara, mai padhi bak kluw, paihi bak pluh”. Thằng bạn người Chăm chuyển ngữ đại ý câu thần chú: “Được thánh thần phân nhiệm, chúng con khẩn mời các vị thần linh xuống trần gian chứng giám chúng con đã nếm cắn hạt muối trong ngày giỗ”. Sau khi nếm tượng trưng các món ăn, các thầy bốc lên hột muối thứ hai, cắn nếm và khấn:
Di ôn kak ki, kan kah
Klah di dey kâu ni
Thằng bạn nói ý nghĩa câu sau là nhớ lời thánh thượng, chúng con đã ăn muối để ngăn ngừa điều phạm phải cho bản thân.
Phần lớn cư dân Chăm ngày nay đã xa biển, thậm chí rất xa. Nhưng ẩm thực Chăm không thể thiếu muối. Muối không chỉ là hồi ức về biển. Muối là một hiện thể. Đó cũng là một dạng linh quyển.
Năm sau, nó đi qua những miền đất khác. Nó ghi chép nhận xét của nó về linh quyển của đất núi, đất đồi, đất lúa… Một buổi sáng giữa những ngày phượt, để không trở thành người rừng, nó mua một tờ báo. Không thể tin được, những hạt cát thiên nhiên ở quê nó đã hoá thân thành chân dung các vị nguyên thủ dự Hội nghị APEC qua bàn tay của một nữ nghệ nhân. Không cần chất kết dính, không nhuộm màu, đúng là những hạt dị thường.
Hai năm sau, nó đi tìm chiếc mỏ neo để chiêu niệm hồn ông nội nó. Nó hướng về rặng đại sơn.
Tôi gặp nó tại quán cà phê Tím, trong một buổi sáng lạnh ở Đà Sơn, nơi khởi nguồn một vài con sông cộc cằn chảy về miền cát. Ở xứ sở hoa, nhưng quán này chỉ có mấy cây phượng tím. Cửa tím. Rèm tím. Bàn ghế sơn màu tím. Tôi đến khi quán vừa mở cửa. Khi tôi thở vài hơi thuốc, một thanh niên đẩy chiếc xe lăn trên là một cô gái còn khá trẻ. Ngay lúc đó, quán bật nhạc: “Rồi mai, có một lần tôi đưa em về trên đỉnh yên bình, hiền hòa”. Nó nhìn tôi. Tôi nhìn nó.
Rắc… Roạt… Xào…
Nó buông chiếc xe lăn, chạy qua với tôi, như gặp lại người quen: “Chú dân Thuận Bình?”. Tôi ừ. Nó oà khóc. Ngoài trời có mưa phùn. Con dốc vắng. Cà phê thơm mịt mờ.
Chuyến đi tìm chiếc mỏ neo, nó mượn chiếc xe đắt tiền của một đứa bạn. Đến Đà Sơn, do mất tập trung, nó va một cô sinh viên khiến cô này bị gãy hai chân. Vừa lúc ấy, nó thấy trước mặt độ mươi thước có chiếc mỏ neo. Thay vì dừng xe cứu cô gái, nó rồ ga tới chiếc mỏ neo. Chiếc mỏ neo nảy lùi tâng tâng trên đường. Nó đuổi theo, đuổi theo mãi. Chiếc mỏ neo cứ nảy. Cho đến khi trời đất tối sầm, nó tỉnh thức trong đồn công an. Một người luôn sống có trách nhiệm với người khác như nó mà phải chịu cái tiếng cán người rồi bỏ chạy. Tình ngay lý gian. Chiếc mỏ neo có một hấp lực không cưỡng nổi. Nó không nhận ra nó vừa cán người. Gia đình cô gái không nhận tiền bồi thường thương tật. Họ chỉ đòi nó săn sóc cô gái trong ba năm. Nó chấp nhận. Nó nghĩ nếu nó không phải chăm sóc cô gái này, nó sẽ bị lương tâm nhiếc móc suốt đời. Cô gái đó đang ngồi trên xe lăn trước mặt tôi. Khổ nỗi Đà Sơn đẹp nhưng nó không hợp với linh quyển đất đỏ. Nó khôn nguôi nhớ linh quyển của những hạt cát trường kỳ chờ gió, những bụi xương rồng cũ kỹ, ngơ ngác trong sa mạc.
Nó cũng khôn nguôi nghĩ về chiếc mỏ neo của ông nội.
Nó kể chuyện cho tôi nghe như hàn huyên với cố nhân. Khi câu chuyện lắng lại, bỗng cô gái nói: “Em biết một nhà có chiếc mỏ neo mà anh nói. Nó được mua lại từ một tá điền dưới Thuận Bình cách đây hơn nửa thế kỷ với giá hai cây vàng. Hiện giờ nó được chôn duới một cái hầm bí mật”.
“Em nói thật chứ? Em nói thật chứ? Nhà đó ở đâu”, nó gào lên.
“Nhà em, của ông nội em để lại”, cô gái nhấp ngụm cà phê, “Nếu có được chiếc mỏ neo, anh đưa em đi theo nhé”.
“Anh sẽ đưa em về Thuận Bình”, nó ngoéo tay cô gái.
Trời đang mưa phùn bỗng trở nên nặng hạt. Xung quanh quán Tím, mưa rơi xối xả. Lạ, những hạt mưa nhỏ, mịn, khô và tuôn chảy như cát. Cát trắng xoá cả đất trời. Cát trắng giữa cao nguyên bazan Đà Sơn. Ô, hình như thị lực của tôi có vấn đề: Cô gái vịn xe lăn đứng dậy và đi đến bên quầy, tua lại bài hát.
Rồi mai, có một lần tôi đưa em về trên đỉnh yên bình, hiền hòa” (2).
Chú thích:
(1) Phẫu diện đất: thuật ngữ của địa chất học, địa lý, địa chính, có nghĩa là bề mặt cắt thẳng đứng từ trên mặt đất xuống đến tấng đất mẹ; quan sát phẫu diện đất thấy được các lớp đất, tầng đất tuỳ điều kiện sinh hoá và tác nhân bên ngoài ở từng nơi.
(2) Lời trong bài hát Mùa xuân trên đỉnh bình yên của Từ Công Phụng.
29/4/2023
Đặng Ngọc Hùng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyền thông là một nghề bạc đức

Truyền thông là một nghề bạc đức Tôi đã nhiều lần có suy nghĩ loáng thoáng như thế và viện đủ cớ bao biện cho cái nghề mưu sinh của mình. ...