Thứ Năm, 25 tháng 5, 2023

Bút ký Sương Nguyệt Minh: Nhớ Trường Sa

Bút ký Sương Nguyệt Minh:
Nhớ Trường Sa

Không cắt nghĩa nổi vì sao các đảo chìm ngoài những tên nam tính, mạnh mẽ, thô mộc: Đá Tây, Đá Đông, Đá Bắc, Đá Nam, Đá Lát, Đá Lớn, Đá Thị, Tốc Tan, Kiêu Ngựa, Cô Lin, Len Đao…, lại có những cái tên rất nữ tính và lãng mạn, mơ mộng, dịu dàng đến không ngờ: Tiên Nữ, Thuyền Chài, Trăng Khuyết, Vũng Mây, Hoa Lau, Vành Khăn, Én Ca, Suối Ngọc, Suối Ngà,…?
Gọi là đảo chìm, nhưng thực ra nó là cái vành môi của miệng núi lửa cũ rộng hàng chục cây số vuông. Các miệng núi lửa có hình dạng khác nhau, cái tựa hình ô van như Len Đao, cái giống hình thang như đảo Cô Lin, Núi Le, cái hình dẻ quạt giấy như đảo Đá Tây, cái giống mõm trâu như đảo Tiên Nữ… Trên vệ tinh, hoặc đi tầu biển nhìn từ xa, ai ai cũng cảm thấy vẻ đẹp của đảo chìm mê dụ đến nao lòng, mướt mát: phía ngoài là màu xanh thẫm của đại dương mênh mang, tiếp đến màu xanh lá mạ vành môi lúc thủy triều lên ngập dạn san hô, và cuối cùng màu xanh lam là lòng hồ. Có dạn san hô dài đến hơn 40 cây số như bãi Thuyền Chài, hay chỉ khoảng chục cây số như dạn san hô Tiên Nữ, Tốc Tan… Có điều kì thú là: nếu biển ở phía ngoài vành đai san hô sóng lừng cấp 8, cấp 9, thì trong lòng “hồ” chỉ còn cấp 4, cấp 5. Những vùng biển này cá cua tụ tập đến nhiều, nên thuyền của ngư dân cũng tụ, họ đến khai thác rất đông và lòng “hồ” cũng là nơi tầu thuyền neo đậu tránh cơn đỏng đảnh giận dữ bất chợt của thủy thần.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh
Cuối năm 1987, đầu 1988, tình hình biển Đông rất nóng bỏng, căng thẳng, tầu chiến Trung Quốc rình rập, uy hiếp, “lấy thịt đè người”, “lấy của người làm của mình” chiếm một số đảo chìm của Việt Nam. Đô đốc Giáp Văn Cương, Tư lệnh Quân chủng Hải Quân, là một tướng chiến lược tài ba nhìn xa trông rộng, ông báo cáo với Bộ Quốc Phòng và Bộ Chính Trị xin phép đưa lính thủy đánh bộ ra các đảo chìm… đồn trú. Sự có mặt của người lính ở các dạn san hô và thềm lục địa vừa là khẳng định, vừa là bảo vệ chủ quyền. Đề xuất của đô đốc được chấp nhận, triển khai rất nhanh chóng; Quân chủng Hải quân mở chiến dịch CQ-88, tổ chức lực lượng, phương tiện đóng giữ thêm các đảo chìm, dạn san hô ở Trường Sa hiệu quả đến mức: có nhiều vùng khi tầu Trung Quốc đến đổ quân thì đảo chìm đã có chủ nhà là những người lính biển Việt Nam… đóng quân, họ buộc phải quay tầu đi. Biển mênh mông, mà tình thế cấp bách, một số bãi đá, ta chưa kịp đồn trú, phải đưa tầu ra bảo vệ và cắm mốc chủ quyền. Ở dạn san hô Cô Lin, khi tầu chiến Trung Quốc đến đổ quân và tấn công, thuyền trưởng tầu HQ 505 Vũ Huy Lễ phải ra lệnh lao tầu (ủi tầu) lên bãi đá, biến thành cái lô cốt để chiến đấu giữ đảo không lọt vào tay người phương bắc…
Các thế hệ người lính đóng quân ở đảo chìm đã từng trải qua 5 đời… nhà đảo. Mỗi nhà đảo là một căn cứ, dù là dã chiến hay lâu bền thì cũng đã đẫm mồ hôi, nước mắt và máu người lính biển. Đời “nhà” thứ nhất là… cái Pông tông. Pông tông thực ra là một hình khối chữ nhật bằng sắt rỗng, kín nước, không chèo, không máy lái, giống như cái xà lan, bên trong có vách dọc và các vách ngang làm “xương”, nổi trên nước, di chuyển phải có tàu lai dắt, hoặc đẩy. Quân đội Mỹ, Liên Xô thường dùng Pông tông để đựng đạn dược chở trên sông biển… Cái Pông tông này được tầu lai dắt ra đảo chìm và biến thành “căn cứ nổi”, được chằng néo xuống bãi đá san hô, mỗi cái neo nặng… 1 tấn. Trên Pông tông có phòng ở, có khoang chứa lương thực, thực phẩm và… vũ khí đạn dược, có một khoảng sân chơi nho nhỏ, có trận địa, công sự… cho lính giữ đảo ăn ở, sẵn sàng chiến đấu. Khỏi phải nói cái sự gian khổ của người giữ đảo bị nắng nóng, mưa chan, sóng biển mặn đánh quăng quật, có khi bị đứt dây chằng néo và trôi đi trong mịt mù bão tố. Điển hình nhất là cái Pông tông ở đảo chìm Đá Nam bị dông bão cuốn trôi nổi hơn mười ngày trên biển. Lính đảo hết đồ ăn, hết nước ngọt, 2 khoang Pông tông bị rò nước, vẫn cứu nạn 29 người dân tị nạn bị vỡ thuyền. Trôi nổi trong âm u vô định, tưởng rằng sẽ nằm lại dưới đáy biển Đông, cuối cùng họ cũng may mắn được Hàng không mẫu hạm Mỹ cứu nạn, đưa lên mẫu hạm ăn uống, tắm giặt, tiêm phòng, khám sức khỏe, rồi lên máy bay trực thăng chở vào đất liền Philipins và được đại sứ quán nước ta đến đón rước trong nước mắt mừng vui.
Pông tông ở đảo chìm bây giờ chỉ còn trong ký ức lính giữ đảo thời ấy. Dạo tôi ra Trường Sa vẫn còn thấy một cái Pông tông sắt gỉ, cũ mèm, nằm trơ trọi ở điểm đóng quân B đảo chìm Đá Lớn. Lòng chợt se sắt…
Hơn hai mươi năm trước, đất nước vẫn gian lao, người người kiếm ăn bạc mặt vẫn đói, đến mức con gái đi lấy chồng mang theo một chỉ vàng làm của hồi môn đã khiến “dư luận” xôn xao. Cả nước đói thì lính đảo Trường Sa cũng không thể đủ đầy. Vì vậy, thế hệ nhà đảo chìm thứ hai ở Trường Sa chỉ là những cái nhà cao chân là những cọc gỗ cọc xi măng cốt thép đóng chi chít xuống nền đá san hô, trên làm sàn, làm cột, làm mái và lợp tôn do lữ đoàn 131, lữ đoàn 83 công binh hải quân xây dựng, còn gọi là… nhà cao cẳng. Mái nhà đảo giống nửa hình tròn uốn cong như cái mui thuyền; có 2 sân ở cửa trước cửa sau, được lát các tấm gi sắt lột ở đường băng dã chiến từ thời chiến tranh chống Mỹ. Cũng vẫn nắng nóng, và không chịu được sóng lớn, sóng lớn đánh trùm lên cả mái, cuốn sạch xoong nồi, bát đĩa, gạo, cá khô, thùng nước ngọt xuống biển. Lính nhìn nhà đảo, nhìn trời, nhìn biển, tiếc xót ruột mà chỉ biết dòm theo những cái xoong, cái áo trôi lập lềnh, trên sóng dữ biển Đông. Nhưng, “méo mó có hơn không”, vẫn còn đỡ hơn thời phơi mặt, cháy da ở Pông tông. Bây giờ, đến một số đảo chìm vẫn thấy phế tích “căn cứ” cũ là các cọc chống tua tủa được lính đảo lát sàn, vây ván xung quanh, đổ đất… trồng rau xanh, có cầu dẫn để đi lại.
Đời nhà đảo chìm thứ ba. Có lẽ, cảm hứng vì nhiệm vụ chiến đấu an toàn bền vững choán hết tư duy nhà thiết kế nên nhà đảo nhìn xa xa giống… cái lò gạch, đến gần hình dạng nó giống lô cốt có nhiều lỗ châu mai trổ ra, chẳng khác gì bót đồn trú lính Pháp ngày xưa ở Mai Lĩnh trên đê sông Hồng, hay cái tháp nước Hàng Đậu. Sóng biển, bão tố dù đến cấp độ nào cũng… không sợ. Nhưng, lính đảo ăn ở, sẵn sàng chiến đấu trong cái không gian chưa đầy một trăm mét vuông ở… “lô cốt” tường dầy, dưới nắng nóng Trường Sa ngày này qua tháng khác, nỗi khổ thế nào xin dành cho trí tưởng tượng bạn đọc. Ngày nay, cái “lô cốt” trên đảo chìm này vẫn được giữ lại, làm công sự, làm nơi chứa đồ, nơi trồng rau xanh xung quanh,… cứ sừng sững đứng giữa biển khơi như một cột mốc chủ quyền, như tượng đài ký ức một thời gian lao.
Sau đó, là đời nhà đảo thứ tư, xây hai tầng, và bây giờ đời nhà đảo thứ 5 xây 3 tầng như cái nhà dân dụng to đẹp, khang trang. Chân đế vững chắc được đổ bằng hàng trăm mét khối bê tông. Các nhà đảo chìm thì hiện đại đều có lan can cho lính ngắm biển. Tầng trên cùng là phòng họp, phòng chỉ huy đảo, tầng hai lính đảo ngủ, và tầng hầm để bảo quản lương thực thực phẩm… Kì vĩ, hoành tráng nhất trong hàng loạt đảo chìm có lẽ là đảo Đá lớn A. Xi măng cốt thép dưới nắng lóa chói chang chân đế vươn cao gần 2m, hình khối khác nhau theo nhu cầu sử dụng dân dụng và quốc phòng. Sân rộng có thể 2 máy may trực thăng cùng hạ cánh cùng một lúc. Trơ trọi giữa bãi đá san hô và xi măng cốt thép, mùa hạ nóng như rang, mùa đông rét lạnh buốt lòng. Vậy mà, ở đảo chìm Thuyền Chài trồng được một cây bàng vuông ra quả. Dường như trong tất cả các điểm đảo chìm ở Trường Sa thì chỉ có cây bàng vuông duy nhất sống được ở đảo Thuyền Chài. Trong nhiều nỗi khổ của lính đảo, có nỗi khổ bảo quản súng đạn. Nước biển mặn, hơi gió cũng mặn. Chiều nào cũng phải lau súng, nếu lơ đãng vài ngày thì súng gỉ đỏ như con tôm luộc. Người lính đảo viết câu khẩu hiệu ngay phía trên giá súng: “Súng không lau súng mau han gỉ. Người không rèn ý chí không cao”. Cũng có đảo viết là “… Người không rèn ý chí mau phai”.
Các nhà đảo chìm có chiến hào bằng bê tông cốt thép dẫn ra lô cốt, công sự. Thành công sự hình tròn ở trên, cấp dưới là khối bê tông hình vuông, khoảng thừa ra 4 góc ấy cũng biến thành nơi lính đảo đặt 4 chậu rau xanh. Rau mùng tơi trồng dưới mặt sàn cũng đua với trời xanh leo, bám vào thành công sự pháo 37 ly rập rờn. Bỗng một ngày đẹp trời, anh lính đảo nghỉ tay tầm tay hướng giữa giờ huấn luyện, sững sờ bắt gặp cái ngọn mùng tơi non tươi có mấy lá nhỏ vươn lên trên mặt  công sự. Cũng như khách ra thăm đảo bất ngờ khi nhìn thấy chiếc cối xay bột gạo bằng đá màu huyết dụ gần gũi mà lòng nao nao, như đang ở xóm mạc quê nhà ngồi bên các mẹ các chị xay bột gạo nước để làm bánh lá, bánh lùng, bánh dày… Cối đá xay bột của ai đó mang từ đất liền ra tặng đảo chìm đá Tây cũng là điều thú vị bất ngờ.
Đảo chìm chỉ có cầu thuyền nhỏ cho thuyền hoặc xuồng máy cập, chứ không có cầu tầu lớn. Có nghĩa là tầu chở vật liệu xây dựng, chở lương thực thực phẩm, chở lính ra thay quân, hay chở đoàn công tác ra kiểm tra, thăm đảo thì phải neo đậu ngoài vành miệng núi lửa, rồi dùng loại xuồng bình thường được đấu dây vào ca nô lai dắt, hoặc xuồng CQ… chạy trên ngọn sóng vận tải vào đảo.  Nếu không may thủy triều rút nhanh, xuồng mắc cạn, hoặc nước chỉ còn 50-60 cm thì… các chiến sĩ hải quân lại đạp chân trên bãi đá san hô mấu nhọn cạnh sắc, xắn áo chìa tay ra đẩy, chìa vai ra kéo. Ngồi trên xuồng nhìn những bàn tay lính đảo săn chắc rám nắng ra sức đẩy xuồng, ai cũng quặn lòng, có người cảm thấy mình như bất nhẫn. Nhưng biết làm sao được, nơi sóng gió đầy bất trắc ấy chỉ có người lính đảo chủ nhà khỏe khoắn săn chắc, dầy dạn kinh nghiệm, không phục tùng và theo sự hưỡng dẫn của họ thì nghe ai?
Một góc đảo Nam Yết 
Chúng tôi bước lên đảo chìm đã thấy một dãy chậu nhôm, chậu men đổ đầy nước ngọt để sẵn, bên cạnh là khăn mới, trắng thơm tho… dành cho khách. Khổ thế! Người Việt Nam “nhịn đói đãi khách”, lính đảo dù sống nơi khó khăn, gian lao, chủ nhà đảo vẫn giành thuận lợi và chiều người đất liền hết mực. Chỉ riêng cái việc ngồi trên tầu HQ đè sóng vật vã cả tháng, dù là mỗi đảo chỉ thăm chớp nhoáng vài ba giờ cũng chưa hết hàng chục điểm đóng quân của lính đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn giữa mênh mông trời biển xa vời. Còn tầu chở sắt thép, chở đá, xi măng xây đảo, chở vũ khí đạn dược, chở lương thực thực phẩm, nước ngọt… phải neo tầu lại, quá tải sang xuồng CQ. Không phải đảo chìm nào cũng đã kịp xây bến xuồng đâu nhé! Đảo nào có bến xuồng còn đỡ vất vả, điểm đóng quân nào chưa có bến thì lại phải neo xuồng từ xa, rồi lội bì bõm chân đạp đá sắc san hô vác vật liệu, đồ ăn, vác nước lên đảo thì còn nhiêu khê, gian lao biết bao nhiêu. Nước Việt mình hiện nay như một bà mẹ nghèo đông con, phải giật gấu vá vai bù trừ, các con thương mẹ chắc hẳn cũng cam chịu và nhường nhịn, sẻ chia. Các chiến sĩ bảo vệ biển đảo Trường Sa cũng nhận thức được thực trạng đó, chấp nhận gian lao hi sinh, cảm thông chia sẻ khó khăn với đồng bào cả nước như một trách nhiệm và tình cảm.
Gọi là nhà lô, nhà chòi, tổ chim,… cũng sinh động; gọi là: “khách sạn trên thềm lục địa”, “mắt thần ở biển Đông”… thì mộng mơ; còn gọi mộc mạc, gần gũi nhất là… nhà giàn DK1. DK là chữ cái đầu viết tắt của cụm từ Dịch vụ – Khoa học kỹ thuật. Số 1 chỉ những nhà giàn ở vòng ngoài cùng, xa đất liền nhất. Bên trong cái cụm từ “Nhà giàn DK1” khô khan, gai lạnh ấy là cuộc sống gian lao, hào hùng và lãng mạn của những người lính biển.
Đô đốc Giáp Văn Cương không chỉ là người có ý tưởng, và đề xuất xây dựng, đem quân đồn trú ở đảo chìm được Bộ Chính Trị chấp nhận, mà ông cũng là người biến ý tưởng xây dựng nhà giàn DK1 vừa làm dịch vụ kinh tế – khoa học – kỹ thuật, vừa đồn trú bảo vệ lãnh hải, thềm lục địa tổ quốc trở thành hiện thực. Còn Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Ngọc Nam (nguyên Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Công binh) là chủ nhiệm công trình thiết kế nhà giàn DK1, về sau ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Vùng biển đang hiện diện nhà giàn DK1 có đáy kéo dài từ bờ ra thoai thoải đến 200m độ sâu. Từ đáy sâu hơn 200m trở ra biến đổi, chia cắt và nhiều dốc đứng, thăm thẳm. Thềm lục địa vùng biển nhà giàn DK1 là dãy cồn cao gần mặt nước, có các dạn san hô, nhiều điểm nhô cao cũng dưới mặt biển từ khoảng 3 đến 20m. Sương mù ở vùng biển DK1 ít, nhưng dông tố thì… khủng khiếp, nhiều đến mức nản quá không đếm nữa. Mùa gió đông bắc, sóng cực đại cao đến 8m, sóng bão tố cao tới 15m có thể đánh trùm nước lên tòa nhà… 5 tầng.
Đến quần đảo Trường Sa mà chưa đến Nhà giàn DK1 thì chưa thấy trọn vẹn sự kì vĩ của đại dương và con người, chuyến đi biển coi như khuyết thiếu một chặng đầy sự mới lạ, khác biệt, hiếm khi quay trở lại trong đời. Tôi đã chứng kiến một bình minh nhà giàn lộng lẫy ban mai. Mặt trời to như cái nong đỏ rực đội nước nhô lên đường chân trời, biển phẳng lặng như cái gương khổng lồ. Nhìn từ xa, nhà giàn DK1như một bông hoa hướng dương vàng rực đội nước vươn lên trời xanh. Càng đến gần những ô cửa, những lan can, những bậc thang lên xuống… hiện ra gần gũi, thân thuộc, xen lẫn cảm giác mới lạ như đang bắt gặp một khách sạn hiện đại giữa không trung chạm vào cả các đám mây trắng đang trôi mải miết. Những cán bộ, chiến sĩ mặc sắc phục hải quân đứng dàn hàng ngang hùng dũng, uy nghiêm trên lan can tầng hai giơ tay lên mũ dải yếm đang tung bay trước gió chào… đón đoàn công tác. Trong khi nơi “chiếu nghỉ” nhà giàn một số chiến sĩ túc trực chờ kéo dọc dòng “bốc” người, bốc hàng thì trên sân thượng, nơi đỗ máy bay trực thăng và đặt trận địa súng phòng không, phân đội trực chiến vẫn gióng khẩu 12ly7 chĩa lên canh trời. Nhà giàn DK1 hiên ngang giữa biển Đông đẹp lãng mạn đến lạ lùng. Nhưng, ít người biết DK1 đã trải qua 3 thế hệ nhà giàn, thế hệ nào cũng thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu người lính biển.
Thế hệ đầu tiên (cũng như các đảo chìm) gọi là nhà giàn nhưng thực ra là cái nhà giàn chân đế pông tông. Nó đơn giản thô sơ, mang thân phận nổi chìm của chiếc phao lớn hình khối rỗng, kín nước, làm bằng kim loại, được neo đặt trên nền đá san hô. Chỉ gặp sóng cấp 5 cũng có thể bị xê dịch. Khoảng tháng 6/1989,  nhà giàn DK1/4 bãi Ba Kè xây dựng có bền chắc hơn, thiết kế khung nhà liên kết với chân đế. Chân đế là… pông tông – người ta bơm vữa bê tông vào pông tông cho nó đông kết rồi đánh chìm. Kế đó, các cột bê tông chôn sâu xuống thềm san hô để định vị, hãm chân đế không xê dịch. Nhà giàn pông tông chỉ là giải pháp tình thế trong thời gian rất ngắn phải căng quân ra đồn trú bảo vệ thềm lục địa, trước khi tầu Trung Quốc đưa quân đến chiếm đoạt.
Sau đó, là thế hệ thứ hai mới đích thực là nhà giàn có 4 cọc kim loại đóng xuống nền đá san hô. Kết cấu hạ tầng là khung chân và thượng tầng là một tầng nhà ở, dưới gầm là tầng phụ để làm kho, bếp… được thi công từng phần trên đất liền, rồi vận chuyển lên tầu Hoàng Sa 1.200 tấn, tầu Trường Sa 600 tấn, với đầu máy 15.000 sức ngựa. Tầu chở ra bãi cạn, nhóm thi công sẽ cẩu hạ từng bộ phận của nhà giàn lắp ghép trên bãi đá san hô ngập nước giữa biển…
Bây giờ, đã là thế hệ nhà giàn thứ ba có 6 chân cọc, có ba tầng nhà…; sơn gam màu vàng trắng là chủ đạo, tô điểm thêm màu xanh hài hòa, nhìn xa như tòa khách sạn lộng lẫy giữa biển đông.
6/11/2019
Sương Nguyệt Minh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...