Thứ Hai, 1 tháng 5, 2023

Cảm nhận khi đọc "Mạch ngầm con chữ" của Thy Lan

Cảm nhận khi đọc "Mạch ngầm
con chữ" của Thy Lan

Khi đọc một tác phẩm phê bình văn học của bất kỳ một nhà văn nào, tôi có thói quen thường định riêng cho mình mấy tiêu chí để dễ đánh giá. Một là, khả năng nhìn nhận, đánh giá khái quát, gọi ra được thần thái, hồn cốt của tác phẩm văn chương; hai là, khả năng chỉ ra bút pháp sáng tạo cơ bản, hướng đi của tác giả; ba là, khả năng khám phá, xuyên thấu cái mới, cái độc đáo trong tác phẩm văn chương; bốn là, xem ngôn ngữ cảm thụ văn chương chiếm ưu thế hay ngôn ngữ của lý luận chiếm ưu thế. Nói như cách mà người làng tôi nghe tiếng chặt cây biết được ba cái: Gỗ cúng hay mềm; dao sắc hay cùn; người chặt khỏe hay yếu.
Có thể do xuất phát điểm cảm hứng khác nhau tạo nên cách nhập vào tác phẩm khác nhau, không nhất thiết phải quy định tiêu chí này xuất hiện trước, tiêu chí kia xuất hiện sau, nhưng khi đọc xong tác phẩm phê bình tiểu luận, các tiêu chí ấy dù ít hay nhiều, dù đậm hay nhạt, phải được thể hiện. Từ mức độ nông sâu rộng hẹp tinh thô cao hay thấp được thể hiện tôi ngầm cân đo đong đếm xem “gỗ cứng hay mềm; dao sắc hay cùn; người khỏe hay yếu”.
Mười sáu bài viết trong tập “Mạch ngầm con chữ” của Thy Lan, trừ một bài bình cụ thể một bài thơ – “ Biểu tượng thơ Lòng tay hình châu thổ”; một bài tham luận “Lý luận phê bình văn học trẻ một vài cảm nhận”; mười bốn bài còn lại đều thuộc dạng phê bình tác phẩm văn học.
Nhà phê bình văn học Thy Lan ở Thanh Hóa
Cái rõ nét nhất, mạnh nhất của Thy Lan chính là sự đánh giá khái quát các tác phẩm văn chương khi được tiếp cận. Từ “Tuyển tập Truyện ngắn I, II” của Từ Nguyên Tĩnh, mỗi tuyển tập hơn bốn chục bài, độ dày mỗi tập hơn sáu trăm trang, Tập truyện ngắn “Vọng phu hai mặt” của Đào Hữu Phương, “Một nửa của người đàn bà” của Hà Cẩm Anh đến một tập thơ năm sáu chục bài, trăm bài như: “Dâm bụt vườn hoang” của Lê Quang Sinh, “Mưa dắt ngang chiều” của Lâm Bằng”,  “Giải Mã” của Nguyễn Minh Khiêm, thơ Văn Đắc, ba trường ca: “Sức bền của đất”, “ Trường ca biển”, “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh… đụng đến tập nào, dạng nào, văn xuôi, thơ hay trường ca, Thy Lan đều thể hiện được sức đọc, đọc có nghề nghiệp, đọc có lý luận soi dọi, đọc có phân tuyến, phân loại tương đối kỹ. Điều tưởng hiển nhiên thế nhưng trong thực tế, không phải ai cũng có khả năng nắm bắt thần thái hồn cốt tác phẩm.
Không nắm bắt được thần thái, hồn cốt tác phẩm thì Thy Lan không thể viết “Tuyển tập ba trường ca: Sức bền của đất, Trường ca biển, Đường tới thành phố” là sự tích tụ khát vọng, tư tưởng, tình cảm của tác giả về cuộc đời, con người; về cách lấy cái hữu hạn để ứng xử với cái vô cùng” ( tr.29”. Vượt tới một cung bậc cao hơn, Thy Lan viết: “Trường ca Hữu Thỉnh kết hợp hài hòa những yếu tố truyền thống và hiện đại, nhuần nhị bản sắc phương đông mà vẫn mới lạ. Tác giả đã sử dụng nhiều thủ pháp, bút pháp nghệ thuật đồng hiện, tái hiện, nhân hóa, ẩn dụ, so sánh, điệp từ, điệp ngữ, điệp câu, câu đặc biệt… Thể loại thơ đa dạng lục bát, thất ngôn, song thất lục bát, thơ tự do”…(tr.42). Đánh giá về truyện ngắn Từ Nguyên Tĩnh, Thy Lan cũng rành rọt “Tuyển tập truyện ngắn Từ Nguyên Tĩnh gồm 40 truyện, 548 trang, có ba mảng đề tài chính: Chiến tranh, nông thôn, thế sự. Với bút pháp tự sự, xen lẫn trữ tình, lãng mạn, những trang việt của ông thấm đẫm tính chân thực, thẳng thắn đến mức trần trụi” (tr.43). Ở hai nhận định có tính phổ quát về hai cây bút, một thơ, một văn xuôi, Thy Lan sử dụng cùng một phương pháp, đánh giá khái quát cả nội dung và bút pháp sáng tạo cơ bản của các tác giả. Cách viết này có thế mạnh là tích hợp nhiều cái trong một, không chi tiết, tập hợp nhiều trích dẫn, văn phong phóng khoáng, ít bị bắt bẻ. Cái hạn chế cơ bản của nó là ít sức thuyết phục. Người đọc có cảm giác tác giả trốn được điểm yếu của mình là đụng vào chiều sâu cái cụ thể để minh chứng.
Sự khái quát hóa của Thy Lan có hai dạng chính. Dạng thứ nhất, thy Lan đánh giá giá trị nội dung, nghệ thuật toàn thể tác phẩm, tác giả. Dạng thứ hai, Thy Lan khái quát theo từng vấn đề, từng mạch vỉa nhỏ. Đây cũng là một cách để đi sâu vào ngôn ngữ, hình ảnh, nét độc đáo riêng của từng tác phẩm, tác giả. Chẳng hạn, khi nói về thơ Lê Quang Sinh, Thy Lan không trình bày tất cả các vấn đề thơ Lê Quang sinh, chị chỉ tách bóc ra, đi vào một khía cạnh: “Yếu tố lạ hóa và cộng hưởng trong “Dâm bụt vườn hoang” của Lê Quang Sinh”. Hay nói về nhà thơ Văn Đắc, Thy Lan không mổ xẻ thơ ông toàn tập hay trọn vẹn một tập nào mà chị chỉ lẩy ra một ý đó là cái chất “lắc lư” riêng biệt của Văn Đắc. Với cách chọn lựa đó, Thy Lan không đuối tầm trước tác phẩm, không ngợp trước tác giả. Từ một khía cạnh ấy, Thy Lan vẫn có điều kiện khái quát được về tác giả, thể hiện được cái nhìn toàn cục tác phẩm. Chẳng hạn, chị viết cảm xúc chủ đạo của nhà thơ trong một tập thơ cụ thể là “Dâm bụt vườn nhà” nhưng lồng vào đó, toàn bộ cách cảm, cách nghĩ, phong cách ngôn ngữ, bút pháp sáng tạo của nhà thơ gần như đã hiện lên. Chị viết “Điềm tĩnh và cháy bỏng là cảm xúc chủ đạo trong “Dâm bụt vườn hoang” của nhà thơ Lê Quang Sinh. Những cảm xúc chân thành, tha thiết, lắng đọng, hay cô đơn, diệu vợi, miên man, đều được anh chia sẻ tỉ mỉ mà không rườm lời; sâu sắc mà không cầu kỳ; tận cùng của nỗi niềm mà lại mở ra bao suy tư, trăn trở” (tr. 6).
Đến Văn Đắc, Thy Lan lại chú trọng cái tôi, cái bản ngã nhà thơ là chính. Vẫn là khái quát, nhưng dưới một góc nhìn khác: “Cái tôi của Văn Đắc giao thoa, hòa hợp, đến kỳ lạ; một chút khoát đạt, một chút cô đơn, một chút bộc trực, nóng nảy, bốc đồng; một chút vội vàng, kiêu kỳ, ảo vọng… cứ nhấp nhổm như muốn trộn lẫn, như muốn khác biệt làm nên hình hài, mà nâng đỡ, nuôi lớn khát vọng không gì cưỡng nổi” ( tr. 21).
Nhìn thấy cái lớn, cái tổng quát, cái mạnh, cái đẹp, cái ưu nổi trội của tác giả, tác phẩm, Thy Lan cũng nhìn ra cái nhân, cái hạt, cái nhấn nháy, cái thủ pháp của từng cây bút. Thy Lan nhận chân được từng nhân vật trong Truyện ngắn của nhà văn Hà Cẩm Anh: “con người với nhau trong phần lớn các truyện của chị lại sống với nhau rất vô ơn, giả tạo, tham tiền tài, địa vị (Cuộc đời bị đánh cắp), tàn nhẫn (Của hồi môn), tha hóa, sa đọa, vô trách nhiệm (Một nửa của người đàn bà), kỳ thị, ích kỷ, ngu muội (Giải vía). Thy Lan dám mạnh dạn chỉ ra cái chưa hoàn thiện của nhà văn: “Dù rất công phu nhưng tập truyện trên vẫn bộc lộ những yếu điểm không tránh khỏi sự quá tham chi tiết trong một tác phẩm. Nhiều chi tiết bị lặp lại trong cùng tác phẩm hoặc ở những tác phẩm khác nhau” (tr. 84). Có chỗ Thy Lan còn đi sâu vào chi tiết rất nhỏ mà thường khi đánh giá một tác giả lớn, đã thành danh, người khôn ngoan không mấy khi đụng tới.
“Mạch ngầm con chữ” và các tác phẩm khác của Thy Lan
Chị viết về văn phong Từ Nguyên Tĩnh: “Câu văn nhìn chung ngắn gọn dễ hiểu nhưng nhiều khi đi theo đường mòn, ít sáng tạo. Cách xử lý câu của tác giả có lúc còn lúng túng. Người đọc khó cảm nhận nội dung tác giả đang đề cập” (tr. 54). Viết như thế là mạnh, thẳng, không né tránh. Đôi khi, nhà phê bình Thy Lan bị cái tiểu tiết trong tác phẩm cuốn hút, chi phối. Chị quên mất độ lùi về không gian, thời gian, quên mất mình đang điều khiển cả một sân khấu lớn lại miên man với vài chùm đèn nhấp nháy. Chẳng hạn, trong bài viết về Huy Trụ, chị say sưa bình những động từ, tính từ ở một bài rất cụ thể : “Bài thơ trần tục mà không dung tục, quyết liệt mà không phô. Nhiều động từ, động tính từ mạnh “gom” “thả”, “ủ”, “nhu nhú”, “ nâng”, “nghiêng ngả”, “đợi”, “rung”, “đằm”, “mặc”, “mơn man”, “căng tròn”, ”đưa”… (tr. 57).
Thy Lan không phải chỉ “đối thoại với màu hồng”, Thy Lan dám trực diện với nhiều mảng màu “xám, tối”. Thưởng thức văn chương như thế là có chính kiến. Phê bình văn học như thế là có bản lĩnh. Tác giả sáng tác văn chương với tác giả phê bình văn chương có thể trở thành tri âm tri kỷ được. Nhiều lúc chị thả hồn vào con chữ bắt gặp mạch nguồn cảm xúc không kìm nén được. Rồi chị bình phẩm văn chương, bình phẩm chữ nghĩ đến ngọn nguồn lạch sông từng dấu chấm dấu phẩy. Cái hồn như thế là tốt. Nhưng cái trí như thế là chưa tốt, là thái quá, là chưa khắc chế được ngòi bút.
Văn phong chị dung dị, mượt mà, chia sẻ là chính. Chị thường hay bắt đầu bài viết bằng cách giới thiệu tác giả, tác phẩm, hiền lành, mộc mạc. Có đến sáu bài được bắt đầu như thế. “Ông Văn Đắc quê Thanh…” (Lắc lư cùng Văn Đắc. tr.17); “ Từ Nguyên Tĩnh xuất thân từ một người lính”…(Ám ảnh trong truyện ngắn Từ Nguyên Tĩnh. Tr43); “ Hà Cẩm anh là cây bút dân tộc Mường”… (Hồn Mường trong truyện ngắn Hà Thị Cẩm anh). Tr73); “Nhà văn Đào Hữu Phương sinh ngày 22-12-1947”… (Âm hưởng làng quê qua tập truyện ngắn vọng phu hai mặt của Đào Hữu Phương. Tr138); “ Nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm quê ở huyện Yên Định”… (Thử giải mã về Giải mã của Nguyễn Minh Khiêm.tr.170); “ Nhà thơ Mạnh Lê sinh năm (1953 – 2008)” (Mắt ngủ rồi trái tim còn thao thức. tr. 185).
Bên trái chị là một độc giả thưởng thức văn chương, cảm thụ văn chương. Nhưng bên phải chị là nhà lý luận phê bình. Trái tim và khối óc. Các bài viết của chị bộc lộ khả năng thẩm thấu văn chương mạnh mẽ. Đó là phẩm chất hàng đầu tạo nên sự tinh nhạy, tạo nên sự khác biệt trong đánh giá, định vị tác phẩm. Nhưng tạo nên vóc dáng, tầm cỡ của nhà phê bình lý luận văn học lại là tri thức, học thuật. Khi viết về thơ tác giả này tác giả kia, viết về truyện ngắn của tác giả này tác giả kia là lúc thuận lợi để người ta so sánh, đối chứng, phân tích ảnh hưởng xu hướng sáng tác này, trào lưu văn học kia cả trong nước lẫn thế giới. Đó là cái cớ để bộc lộ phông kiến thức mình, nền tảng học thuật của mình. Chưa thấy Thy Lan bung ra học thuật. chị vẫn tiếp cận tác giả, tác phẩm, vấn đề cần lý giải bằng phương pháp truyền thống.
Mười sáu bài viết, chỉ thấy một lần Thy Lan dẫn lời Sóng Hồng “Thơ là một hình thái nghệ thuật cao quý”… (tr. 5), một lần trích lời Hữu Thỉnh: “Có cái mới nhưng không hay. Đạt đến cái hay thì luôn mới” (tr. 105). Không phải trích dẫn người nọ người kia là chứng minh được phông kiến thức rộng. Đó cũng không phải gốc của học thuật. Bạn đọc muốn được thấy một ngòi bút Thy Lan không chỉ mạnh cảm thụ văn chương mà phải là một cây bút, như chính chị viết: “Ở lĩnh vực phê bình mang yếu tố tài năng, phản ánh trình độ học vấn, kiến thức được đào tạo, được tích lũy, khả năng tổng hợp của người sáng tạo” (tr. 192).
19/11/2015
Nguyễn Minh Khiêm
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...