Thứ Hai, 1 tháng 5, 2023

Tiểu luận Lưu Đức Hạnh: Những đặc sắc của văn học Thanh Hóa

Tiểu luận Lưu Đức Hạnh: Những
đặc sắc của văn học Thanh Hóa

Trong khoảng thời gian 1955 - đến nay, ngoài diên cách tỉnh, có một lực lượng tác giả văn học Thanh Hoá trưởng thành, được khẳng định, phân bổ khắp các lĩnh vực của sáng tạo văn chương và khoa học văn chương. Không kể những người là hội viên các hội văn nghệ địa phương, chỉ những tác giả hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã có gần 70 người…        
Văn học Thanh Hóa có những đặc sắc cần tổng kết, khắc họa.
1. Văn học dân gian Thanh Hóa rất đa dạng, phong phú từ tục ngữ, ca dao, dân ca đến thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười. Bao gồm của dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số anh em như Mường, Thái, Mông, Dao, Thổ, Khơ mú,…
Nhìn trong sự so sánh toàn hệ thống, văn học dân gian (VHDG) Thanh Hóa có 3 đặc sắc.
Thứ nhất, thể loại nổi bật nhất – truyền thuyết. Trong đó điểm sáng là Truyền thuyết về Lê Lợi, vị anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ Khởi nghĩa Lam Sơn; người lập nên vương triều Hậu Lê dài nhất trong lịch sử dân tộc (1428 – 1789) – Ông tổ trùng hưng thứ hai đất nước ta. Đây là một thiên biên niên sử dân gian trên dưới 100 chuyện kể theo các chủ đề khác nhau, chứa đựng tư tưởng nhân dân sâu sắc. Một hình thái văn học rất đáng phổ biến, nghiên cứu. Khi nó chiếm lĩnh gần như hoàn toàn văn đàn trong vòng 20 năm (1407 – 1427), thực thi nghĩa vụ yêu nước, cứu nước.
Thứ hai, nơi sản sinh đặc sản Truyện cười Trạng Quỳnh. Nhân vật cười dân gian ở Việt Nam và thế giới không ít, song không ai nhiều “chuyện” (hơn 40 chuyện), có mở đầu, kết thúc, hành trạng lớp lang như Trạng Quỳnh. Lại duy một Trạng Quỳnh là “người của nước”; các vị kia đều “dân địa phương”. Trạng Quỳnh nghênh ngang phủ Chúa, cung vua, giễu cợt “đấng chí tôn”, lập mẹo chửi “ngôi cửu ngũ”, nhiều bận “vuốt râu hùm”. “Chị em” với Bà Chúa Liễu, một trong “tứ bất tử” của người Việt. “Ta, chú” cùng thành hoàng làng. Nghĩa là ngang hàng, nhiều khi trịch thượng cả thần quyền lẫn vương quyền. Phê phán nhẹ nhàng, hóm hỉnh mà sâu sắc tật xấu của người dân quê. Nanh nọc, táo tợn trước thói hư của đám quyền quý. Trạng Quỳnh  giao tiếp với sứ Tàu làm vẻ vang quốc thể. Quen biết nữ sĩ tài danh Đoàn Thị Điểm theo kiểu bạn bè thân mật. Người có thể sống được như thế phải rất thông minh, có chân tài, đầy bản lĩnh, nhiều dũng cảm, khá phóng khoáng, ung dung, tự tại. Tung hoành trên đỉnh xã hội phong kiến mạt kỳ như một người lính giàu sức chiến đấu, Trạng Quỳnh giành nhiều chiến thắng. Cuối cùng biết sẽ hi sinh nên điềm tĩnh tự chọn cách “lưỡng bại câu thương” trước thế lực lớn mạnh nhất, quyền lực nhất. Truyện Trạng Quỳnh với ai, lúc nào, thời nào cũng hấp dẫn, lôi cuốn, là chuỗi ngọc vô giá của văn học nước nhà. Sống thời Lê Dụ Tông (1705 – 1729), truy gốc tích, Trạng Quỳnh xuất thân là một ông hương cống (cử nhân) ở làng Bột Thượng (nay thuộc xã Hoằng Lộc, Hoằng Hóa), không ra làm quan. Nhân vật vừa có nét tài hoa, lãng tử – một phá cách của nhà nho quân tử cộng chút ít chất uy mua nông dân, máu láu lỉnh thị dân. Phải chăng, đây là chân dung nhà nho tài tử đầu tiên, đặc sắc bậc nhất trong văn học Việt Nam? Ra đời trước 100 năm hình ảnh nhà nho tài tử của các tác giả Nguyễn Du (1766 – 1820), Phạm Thái (1777 – 1813).
Truyền thuyết về Lê Lợi và Truyện Trạng Quỳnh là 2 kiểu loại nổi bật, vô đối trong kho tàng VHDG Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Lưu Đức Hạnh
Thứ ba, cũng có thể nói, tinh hoa của ca dao Việt Nam là ca dao Thanh Hóa. Xin đưa một dẫn chứng xác đáng. Khi làm Bố chánh và Tổng đốc Thanh Hóa (1889 – 1906), Vương Duy Trinh (? – ?) đã thực hiện việc biên soạn bằng một tinh thần trọng thị Thanh Hóa quan phong (Bài ca dân gian của các địa phương ở tỉnh Thanh Hóa) công bố năm Thành Thái thứ 15 (1903). Ông viết trong Lời dẫn như sau: “Đến đời gần đây, thói thường người ta chỉ ưa chuộng văn chương, từ cú,…Còn như những câu ca dao được sáng tác tại những nơi làng quê ngõ hẹp, thì người ta lại tỏ ý khinh bỉ, mà cho là những câu hát quê mùa ở ngoài đường sá, không đáng lưu ý, thật là đáng tiếc thay!”. Cho nên ông muốn qua những câu ca ca dao ấy “có thể hay biết dân tình thế thái một cách khái quát” như ý kiến Tiến sĩ Phan Hữu Nguyên, Tri huyện Nông Cống đương thời mà ông tán thành. Thanh Hóa quan phong ghi, in bằng chữ Nôm, (một phần chữ Thái cổ), sưu tầm theo từng phủ huyện, châu của tỉnh ta bấy giờ. Đây là công trình sưu tầm, chú giải ca dao, dân ca vào loại sớm nhất ở Việt Nam, biên soạn có phương pháp, tư liệu có giá trị và có ý nghĩa quan trọng. Bởi những thực thể văn hóa này được tìm thấy ngay trong xã hội mà ngày nay ta gọi là cổ truyền. Nó là bằng chứng chân thực, thuyết phục để tìm hiểu đời sống sản xuất, sinh hoạt; đời sống tư tưởng, tình cảm, phẩm chất, cung cách, nhân cách con người Thanh Hóa. Bởi chưa hoặc rất ít bị pha trộn với tư liệu của tỉnh, thành khác. Ta sẽ rất kinh ngạc và thú vị nhận ra rằng, hầu như những câu, bài ca dao hay, quen thuộc bậc nhất của nước ta, tác giả là người dân Xứ Thanh. Ví dụ như Đến đây mận mới hỏi đào; Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa; Con cò lặn lội bờ sông; Rủ nhau đi cấy đi cày; Ơn trời mưa nắng phải thì,…
2. Văn học trung đại Thanh Hóa cũng như văn học trung đại Việt Nam, gồm hai dòng chữ Hán và chữ Nôm với một số ghi nhận nổi bật.
Một là, có những tác giả khai sáng. Tác phẩm văn học viết Việt Nam đầu tiên (bằng chữ Hán) – bài thơ Bạch vân chiếu xuân hải (Mây trắng rọi biển xuân) là của một người Thanh Hóa. Khương Công Phụ, quê xã Định Thành, huyện Yên Định ngày nay. Ông đỗ tiến sĩ, làm quan nhà Đường – đời Đường Đức Tông (780 – 804). Tác phẩm mở đầu văn học thời phong kiến độc lập tự chủ cũng là của một người Thanh Hóa. Bài thơ Vương lang qui (Chàng Vương trở về) của Ngô Chân Lưu – Khuông Việt đại sư (933 – 1011), người huyện Nông Cống bây giờ. Đến nay, tập truyện hải ngoại đầu tiên của văn học nước ta vẫn là Nam ông mộng lục (Viết trong mộng của ông người nước Nam) của Hồ Nguyên Trừng (1374-1446) quê huyện Hà Trung. Ông cùng vua cha (Hồ Quý Li), vua em (Hồ Hán Thương) bị giặc Minh bắt về Trung Quốc sau cuộc kháng chiến thất bại năm 1407. Sống nơi đất khách quê người Hồ Nguyên Trừng viết tác phẩm này, gồm 31 truyện, hiện còn 28 truyện. Trong đó có Dũng mãnh thần kì, kể chuyện Lê Phụng Hiểu, người huyện Hoằng Hóa, thời Lí Thái Tông (1028 – 1054) là sự tưởng niệm người anh hùng dẹp loạn nước. Hội Nhà văn Việt Nam đầu tiên cũng do một tác giả Thanh Hóa – vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497) thành lập, trước Hội Nhà văn bây giờ 462 năm.
Hai là, Thanh Hóa có một số tác giả ghi dấu ấn đậm nét.
Lê Quát, tự Bá Quát, hiệu Mật Phong, năm sinh năm mất chưa rõ, người huyện Đông Sơn. Ông sống vào cuối Trần cùng Phạm Sư Mạnh là hai người nổi tiếng nhất về văn chương bấy giờ. Thơ ông còn lại 7 bài, thấm thía nỗi buồn thế sự của người yêu nước, thương dân, có tài, song bất lực.
Hồ Quý Ly (1336 – ?) người xã Hà Đông, Hà Trung, vị vua sáng lập vương triều Hồ; một nhà cải cách vĩ đại. Sau cuộc kháng chiến chống xâm lược Minh thất bại. Hồ Quý Ly và các con bị bắt về Trung Quốc (1407), “ôm mối hận nghìn năm của người anh hùng” như Nguyễn Trãi cảm thán. Tác phẩm của Hồ Quý Ly hiện còn 5 bài thơ. Nổi tiếng nhất là bài Trả lời người phương Bắc hỏi về phong tục nước An Nam (Đáp Bắc nhân vấn An Nam phong tục). Bài thơ thể hiện tinh thần tự hào dân tộc cao cả, tình cảm thắm thiết với đất nước, một cốt cách hào sảng.
Nguyễn Mộng Tuân, tự Văn Nhược, hiệu Cúc Pha, năm sinh, năm mất chưa rõ. Người làng Viên Khê, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn. Ông đỗ thái học sinh (tiến sĩ) cùng khoa với Nguyễn Trãi (đời Hồ – 1400). Tác phẩm còn lại là 41 bài phú và 143 bài thơ. Điều này chứng tỏ Nguyễn Mộng Tuân là một trong những cây bút sung sức thời Lê sơ. Theo nhận xét của Lê Quý Đôn (1726 – 1784) thơ Nguyễn Mộng Tuân “được nhiều người ham chuộng”.
Lê Thánh Tông (1442 – 1497) vị vua nổi tiếng anh minh trong lịch sử nước ta. Người đưa chế độ phong kiến đến cực thịnh. Lê Thánh Tông không những tổ chức lãnh đạo văn học có hiệu quả nhất thời đại phong kiến mà còn là một tác giả văn học xuất sắc. Tuy sinh ra ở kinh thành Thăng Long nhưng ông gắn bó với quê gốc Thanh Hóa rất chặt chẽ. Lê Thánh Tông có những tác phẩm viết về quê hương rất hay. Ví như bài thơ làm khi vua thăm quê mẹ (Định Hòa, Yên Định): “Ruộng đồng vạn khoảnh lúa xanh tươi/ Thứ nhất là “ăn” ấy ý trời/ Dừng ở đầu thôn dăm kẻ đến/ Rằng mùa sẽ vượt mọi năm thôi”.
Đào Duy Từ (1572 – 1634) người xã Hoa Trai huyện Ngọc Sơn (nay là phường Nguyên Bình – thị xã Nghi Sơn). Vì con nhà phường hát nên đi thi hương bị đánh hỏng. Phẫn chí, ông bỏ Đàng Ngoài (thuộc chúa Trịnh) vào Đàng Trong theo chúa Nguyễn, trở thành một nhà quân sự, chính trị, văn hóa lỗi lạc. Tác phẩm còn đến ngày nay: Ngoa Long Cương vãn, Tư Dung vãn và Hổ trướng khu cơ, bộ binh thư thứ 2 của nước ta sau Binh thư yếu lược của Trần Quốc Tuấn.
Nhữ Bá Sĩ (1788 – 1867) quê xã Hoằng Cát, Hoằng Hóa, đậu cử nhân năm 1821, từng làm đốc học Thanh Hóa. Khi thực dân Pháp xâm lược, năm 1860, Nhữ Bá Sĩ dâng sớ Tây bất khả hòa (Không thể hòa Tây dương), năm 1864 dâng Tĩnh Dương tam sách (Ba kế sách yên giặc Tây). Năm 78 tuổi còn nằm võng vào Nghệ An mưu việc đánh Pháp nhưng việc chưa thành thì mất. Tác phẩm của Nhữ Bá Sĩ gồm nhiều lĩnh vực: triết học, giáo dục, lịch sử, địa lý, đạo đức học, văn học. Theo đánh giá của học giả Trần Thanh Mại (1908 – 1965) thì “Nhữ Bá Sĩ là một trong số người có sự nghiệp văn học khá đồ sộ” (tạp chí Sông Hương số 243- 12.6.2009). “Với lòng yêu nước sâu sắc, với số lượng tác phẩm có nhiều đóng góp về nội dung và thể loại, Nhữ Bá sĩ xứng đáng được coi là nhà văn có tầm cỡ ở thế kỷ XIX” (Từ điển văn học tập 2, Nxb Khoa học xã hội, H. 1984).
Ba là, văn học trung đại Thanh Hóa có hai hình thái – phong trào lớn xuất hiện trong công cuộc chống ngoại xâm.
Thứ nhất, Văn học Lam Sơn diễn ra trong khoảng 80 năm, khởi đầu từ Khời nghĩa Lam Sơn (1418 – 1427) kết thúc bởi Lê Thánh Tông và Hội Tao đàn (1495 – 1497). Văn học Lam Sơn tập trung tạo dựng, tô đậm, hình ảnh anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi – bậc đế vương và hình tượng Đất nước – Đài xuân; ca ngợi sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm, dựng vương nghiệp Lê Sơ.
Thứ hai, Văn học Cần Vương gắn liền với Phong trào Cần Vương khởi nghĩa sôi nổi hơn 10 năm (1885 – cuối TK XIX) ở Thanh Hóa. Tác giả đồng thời là lãnh đạo chống xâm lược. Những Phạm Bành (1830 – 1887), Tống Duy Tân (1838 – 1892), Trần Xuân Soạn (1849 – 1923), Hoàng Bật Đạt (1842 – 1887), Nguyễn Đôn Tiết (1831 – ?), Lê Khắc Tháo (1839 – 1887),… Đây là đội ngũ chiến sĩ – nhà văn; nhà văn – chiến sĩ đầu tiên của văn học nước nhà. Họ đã không tìm con đường nào khác ngoài con đường tận tụy chiến đấu, hi sinh; chủ yếu, trước nhất dùng văn học làm vũ khí chiến đấu. Với tư tưởng – nghệ thuật xả thân vì nước, văn chương Phong trào Cần Vương vì thế tràn đầy âm hưởng bi hùng, nở rộ cảm thán, thuật hoài, kí thác, khóc bạn, viếng bạn. Những tác phẩm ngắn đầy khí phách và vang động.
Chí muốn cứu dân nên phục Việt
Lòng thề một chết chẳng hàng Tây
(Hoàng Bật Đạt – Câu đối làm khi khởi nghĩa)
Lòng ở Đông A thà một chết
Chí về Nam Việt sống thừa sao
(Phạm Bành – Gửi bạn)
Một phong trào văn học viết sôi nổi đầy nhiệt huyết, giàu tính chiến đấu, hi sinh. “Danh thơm chẳng mất trong trời đất/ Chính khí còn đây với núi sông”, như chính một tác giả văn học thời kì này đã cảm khái.
3. Văn học hiện đại ở Thanh Hoá cũng như văn học Việt Nam khởi đầu từ những năm 20 thế kỷ XX đến nay.
Thời kì trước CMT8 – 1945 có 2 dòng – văn học cách mạng (vô sản) và văn học công khai. Văn học cách mạng thống nhất tư tưởng nhưng chia hai khuynh hướng thi pháp. Đinh Chương Dương (1885 – 1972), Lê Mạnh Trinh (1896 – 1983), Lê Tất Đắc (1906 – 2000) gắn với trung đại. Trần Mai Ninh (1917 – 1947), Thôi Hữu (1919 – 1950) gắn với lãng mạn. Chẳng hạn, thơ Đinh Chương Dương: “Tang bồng nghìn dặm chí nam nhi/ Tai mắt cùng nhau chả khác chi/ Sương tuyết chạy qua cầu thệ thủy/ Gió mưa ngồi rũ điếm tà huy” (Tự thuật). Thơ Trần Mai Ninh: “Cầm tim trên đỉnh bàn tay/ Hỏi rằng thao thức đến ngày nào yên” (Nhịp muôn đời).
Văn học công khai phát triển đến đỉnh cao thơ mới, văn xuôi lãng mạn và hiện thực phê phán. Trong bối cảnh đó, Thanh Hóa góp 2 khuôn mặt khó trộn lẫn. Đái Đức Tuấn (1908 – 1969) quê ở Quảng Xương, biệt hiệu Tchya. Truyện được Vũ Ngọc Phan (X. Nhà văn hiện đại, Nxb Tân Dân, H. 1942) gọi là “Liêu trai Việt Nam”. Giọng văn, câu văn dài dòng, cổ lỗ, đậm hơi hướng trung đại. Thơ cũng vậy. Ví như “Em về theo bóng mây Tần/ Hồn anh dựa đỉnh non Thần theo em”. Hay “Sóng liều nghịch với sầu thương/ Thuyền cô đẫm bóng tà dương nhẹ chèo/ Sương tàn lả ngọn ba tiêu/ Lòng trần thoảng sạch bể chiều nhấp nhô”.
Người thứ hai, Hồ Dzếnh (1916 – 1991), thực sự là một văn tài.  Hồ Dzếnh tên thật Hà Triệu Anh, cha từ Quảng Đông chạy loạn sang. Mẹ lái đò trên bến sông Ghép. Ông sinh ra ở quê mẹ, làng Đông Bích, xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương. Nổi tiêng với tập truyện ngắn Chân trời cũ (1942) giành cho quê cha mang lòng trắc ẩn tinh tế, dịu dàng. Tập thơ Quê ngoại (1943) giành cho quê mẹ đậm nét hình ảnh người phụ nữ Việt Nam “dịu dàng và cao quý” và hình ảnh ngôi làng vô cùng thân thương mà ông gọi là làng tôi: Làng tôi thắt đáy lưng… tre/ Sông dài, cỏ mượt đường đê bốn mùa… Tôi yêu nên chính là say/ Tình quê Nam Việt, bàn tay dịu dàng/ Thơ tôi: Đê thắm, bướm vàng/ Con sông be bé, cái làng xa xa (Lũy tre xanh).
Thời kỳ  từ  CMT8 – 1945 đến nay, văn học Thanh Hóa có 4 khuôn hình – định dạng.
Thứ nhất, chất men cách mạng, kháng chiến buổi đầu dưới chính thể dân chủ nhân dân hợp với chất người Thanh Hoá đã tạo cho mảnh đất này cái cơ duyên là nơi sản sinh ra những tác giả thơ “mở đầu cho dòng văn học cách mạng và kháng chiến”. Thơ là “lối nói” có khi chen “thổ ngữ”. Tính chất thơ tráng ca, hình tượng thơ Đất nước – tráng sĩ. Câu thơ tuôn chảy theo mạch gập ghềnh, đứt nối, bẻ gập bởi hơi thở dập dồn, hùng biện của những nhân vật trữ tình quyết liệt, hào hoa, phơi phới vì ngọn gió thời đại, vì tráng chí tuổi trẻ đánh giặc cứu nước. Hãy đọc vài đoạn trong Đèo Cả của Hữu Loan:
Gian nguy/ lòng không nhạt/ Căm thù/ trăm năm xa/ Máu thiêng/ sôi dào dạt/ Từ nguồn thiêng/ ông cha… Sau mỗi lần thắng/ Những người trấn đèo Cả/ Về bên suối đánh cờ/ Người hái cam rừng/ ăn nheo mắt/ Người vá áo/ thiếu kim/ mài sắt/ Người đập mảnh chai/ vểnh cằm/ cạo râu.
Một mùa thơ Thanh Hóa ghi dấu ấn đậm nét trên văn đàn hoàn toàn mới. Đấy là Trần Mai Ninh với Nhớ máu (1946), Tình sông núi (1947); Thôi Hữu với Lên Cấm Sơn (1948); Hồng Nguyên (1924 – 1951) với Nhớ (1948); Hữu Loan (1916 – 2010) với Đèo Cả (1946), Màu tím hoa sim (1949). Ngoài ra còn có Hà Khang (1925 – 2003) với Có một mùa chiêm (1948), Nghìn ngày kháng chiến gặp mùa lúa chiêm (1949); Minh Hiệu (1924 – 2000) với Mưa núi (1949).
Thứ hai, Thanh Hóa vùng tự do trong kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954), đảm nhiệm vai trò hậu phương lớn; là căn cứ địa của văn hoá kháng chiến. Đây là nơi qui tụ văn nghệ sĩ trước cách mạng, địa điểm bồi dưỡng, rèn luyện họ thành nghệ sĩ – chiến sĩ. Những Nguyễn Tuân, Hải Triều, Nguyễn Đình Lạp, Mạnh Phú Tư, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Xuân Sanh, Đồ Phồn, Vũ Ngọc Phan, Huyền Kiêu, Nguyễn Lương Ngọc, Hoàng Xuân Nhị… (văn học); Bửu Tiến, Chu Ngọc, Lộng Chương, Hà Văn Cầu, Đình Quang… (sân khấu); Nguyễn Văn Thương, Văn Chung, Phạm Sĩ Sáu… (âm nhạc); Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim, Phạm Viết Song, Nguyễn Văn Tỵ, Bùi Xuân Phái, Sĩ Ngọc… (hội họa – điêu khắc).
Cũng là nơi xây dựng, phát triển lực lượng văn nghệ sĩ mới của cách mạng – kháng chiến: Hoàng Trung Thông, Xuân Hoàng, Trần Hữu Thung, Vũ Tú Nam, Dương Tường, Minh Hiệu, Nguyễn Trọng Oánh, Cẩm Lai, Cẩm Thạch, Thanh Hương. Nơi đây chính là “cái nôi” và “cách tay đưa” cho văn nghệ Việt Nam buổi đầu “dân quốc” ấy.
Thứ ba, dần dần thành hình văn nghệ địa phương Thanh Hóa với các bộ môn, cây bút: truyện ngắn, tiểu thuyết, ký, kịch, thơ trữ tình, thơ trào phúng, phê bình, lý luận. Quá trình này bắt đầu mạnh mẽ trong kháng chiến chống Mỹ, nhất là sau chống Mỹ. Xin lấy số liệu sau để so sánh. Trong số 13 cây bút người Thanh Hóa có mặt khoảng 1955 – 1964, chỉ có hai người ở tại Thanh Hoá: Minh Hiệu, Hoàng Tuấn Phổ. Nhưng chỉ trong chống Mỹ đã có một thế hệ/ đội ngũ tác giả ra đời: Mai Ngọc Thanh, Quế Anh, Vương Anh, Anh Chi, Nguyễn Văn Chương, Anh Tuấn, Văn Đắc, Mai Ngọc Uyển, Nguyễn Ngọc Quế. Đào Phụng, Nguyễn Thị Thu Hương, Lê Thị Nhung, Đỗ Minh Dương, Phạm Minh Dũng, Bùi Nhị Lê, Lê Văn An, Việt Anh, Vi Lập Công, Vân Du, Nguyễn Thế Phương, Hồ Nguyên Cát, Nguyễn Ngọc Liễn, Đặng Ái, Lê Sĩ Oanh, Lê Hữu Thuấn, Kiều Vượng. Điều đáng khẳng định là, từ phong trào  địa phương, những cây bút Thanh Hoá đã vươn ra, vượt lên, góp mặt với cả nước từ buổi ấy đến bây giờ: Mai Ngọc Thanh, Vương Anh, Văn Đắc, Anh Chi,Nguyễn Ngọc Liễn, Đặng Ái,… Đến nay đã là một lực lượng hùng hậu, gần 150 tác giả là Hội viên Hội VHNT tỉnh và 24 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (kể cả các nhà văn đã quá cố) với hàng trăm tác phẩm in thành sách. Có những tác giả nổi bật như Kiều Vượng, Từ Nguyên Tĩnh, Hà Thị Cẩm Anh, Nguyễn Minh Khiêm.
Thứ tư, trong khoảng thời gian 1955 – đến nay, ngoài diên cách tỉnh, có một lực lượng tác giả văn học Thanh Hóa trưởng thành, được khẳng định, phân bổ khắp các lĩnh vực của sáng tạo văn chương và khoa học văn chương. Không kể những người là hội viên các hội văn nghệ địa phương, chỉ những tác giả hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã có gần 70 người (kể cả các nhà văn đã quá cố). Có những tên tuổi rất nổi tiếng: Nam Mộc, Văn Tâm, Hà Minh Đức, Nguyễn Thế Phương, Định Hải, Mã Giang Lân, Triệu Bôn, Lê Minh Khuê, Chu Văn Sơn cùng Lã Nguyên. Nổi bật là Nguyễn Duy. Ông cùng Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đức Mậu, Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh,… là những tên tuổi góp phần đáng kể vinh danh nền thơ chống Mỹ. Cũng là nhà thơ sau này đã góp phần chuyển giọng, báo hiệu một thời mới trong thi ca đến nay còn rất ngổn ngang.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc các Hôi VHNT Việt Nam; Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong Văn chương nết đất, giới thiệu cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại Thanh Hóa (Nxb Hội Nhà văn – 2015) đã nhận xét “Do tính chất đặc biệt về mặt địa lí, văn chương Thanh Hóa vừa có cái phong tình hào hoa của đồng bằng Bắc Bộ, vừa có cái cứng cỏi và sâu sắc của miền Trung”.
Như vậy, Văn học Thanh Hóa quả là một thực thể hấp dẫn với bề dày lịch sử và chiều sâu tư tưởng, nghệ thuật.
2/6/2022
Lưu Đức Hạnh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tôi đã viết ‘Bến không chồng’ như thế Tôi viết bằng cả tấm lòng yêu thương của một người lính từ chiến trường về nhìn thấy quê hương, th...