Thứ Năm, 25 tháng 5, 2023

Chàng thợ gốm

Chàng thợ gốm

“Bạn đọc thân mến, các bạn hãy cùng tôi trở về ngôi làng nhỏ nằm ven dòng Phước Long giang hùng vĩ, nơi có núi đá Bửu Phong và con đường độc đạo xuyên qua rừng Nai. Năm ấy, bọn cướp đã kéo đến hoành hành. Chúng cướp hết tất cả ghe thuyền của người dân trong làng, vét sạch lúa gạo, bắt đi cả bò và dê. Ai chống cự là chúng chém ngay. Sau đó, chúng bỏ đi, người dân trong làng sợ quá cũng tìm đường sang đất khác sinh sống. Chỉ còn một số gia đình ở lại, trong đó có gia đình một người thợ gốm tên là Lý Mạnh…” Đó là đoạn mở đầu truyện dài hấp dẫn viết cho thiếu nhi của nhà văn Trần Thu Hằng, một trong những cây bút tâm huyết và đạt nhiều thành công về thế giới tuổi thơ. Chuyên đề Văn học thiếu nhi của Vanvn.vn kỳ này sẽ lần lượt giới thiệu truyện dài Chàng thợ gốm thú vị của nhà văn xứ Đồng Nai.

KỲ 1: TUỔI THƠ BÊN DÒNG PHƯỚC LONG GIANG 
I.
Bạn đọc thân mến, các bạn hãy cùng tôi trở về ngôi làng nhỏ nằm ven dòng Phước Long giang [1] hùng vĩ, nơi có núi đá Bửu Phong và con đường độc đạo xuyên qua rừng Nai. Năm ấy, bọn cướp đã kéo đến hoành hành. Chúng cướp hết tất cả ghe thuyền của người dân trong làng, vét sạch lúa gạo, bắt đi cả bò và dê. Ai chống cự là chúng chém ngay. Sau đó, chúng bỏ đi, người dân trong làng sợ quá cũng tìm đường sang đất khác sinh sống. Chỉ còn một số gia đình ở lại, trong đó có gia đình một người thợ gốm tên là Lý Mạnh.
Không may cho ông, bọn cướp đã giết người vợ của ông trong trận càn quét ấy. Hai con trai của ông, Lý Trọng và Lý Quý, còn rất nhỏ. Thế mà ông quyết trụ lại trên mảnh đất này và vẫn tiếp tục làm nghề gốm.
Từ nhỏ, Trọng đã tỏ ra khôn ngoan, mưu lược, làm việc gì cũng biết suy tính trước sau. Còn Quý thì ngược lại, láu táu, hấp tấp, đi đến đâu là đổ bể đến đó. Nhìn Quý làm bể những cái tách sứ gia truyền mà ông Mạnh giận bầm gan tím ruột, và tự nhủ sẽ dứt khoát không trao gia nghiệp vào tay đứa con vô dụng này.
Biết cha không quý mình bằng Lý Trọng, Lý Quý vẫn vô tư. Trong khi Trọng chăm chú nhìn cha nhào đất sét, nắn bình, vẽ gốm thì Quý chạy như ngựa ngoài cánh đồng hoang cùng bầy dê của em. Lên bảy tuổi thì Lý Quý đen như một hòn than, đôi mắt sáng rất tinh nhanh và gương mặt em lúc nào cũng nở một nụ cười vô tư để lộ hàm răng trắng bóc. Còn Lý Trọng mới mười tuổi mà nét mặt đã đăm chiêu như ông cụ non, hai đầu gối chống tai, thường ngồi trên chòi lá nhìn ra sông mơ tưởng điều gì không rõ. Hai anh em chẳng bao giờ đi chơi cùng nhau, thế nên Quý thường bày trò chơi với muông thú quanh mình.
Đó là con Mực, con chó đã bước vào tuổi già nua và con Bạch, con mèo trắng lúc nào cũng lẽo đẽo theo chân Quý những buổi trưa đứng bóng. Theo lời kể của cha thì chính con Mực đã cứu Quý khi bọn cướp định bắt em đi. Giờ thì nó thường nằm ủ rũ trước cửa nhà, và chỉ ngóc đầu dậy tỏ vẻ vui mừng khi em đến gần vuốt ve nó và tặng nó một con chuột nướng thơm lừng. Còn con Bạch thì luôn theo sát, kể cho Quý nghe rành rọt những chuyện nó thấy quanh nhà, thậm chí là ở bìa rừng. Bề ngoài mọi người chỉ thấy vẻ trầm tư lười biếng và chỉ nghe thấy những tiếng ngoao ngao, gừ gừ của nó. Nhưng quả thật nó đang kể chuyện cho Quý nghe: “Hôm nay tôi phát hiện ra một ổ chuột đồng ngay gần vựa củi, nhưng chúng trốn sâu quá, tôi không bắt chúng được… Này, trên cây kia có một tổ chim đẹp lắm đấy nhá. Grừ … ước gì mà tôi bơi được qua sông nhỉ, tôi sẽ chẳng nằm gí một chỗ như lão Mực ấy…”
Quý hiểu hết tất cả những lời của Bạch. Chỉ có ông Mạnh và Lý Trọng thì cho là cậu lẩn thẩn khi suốt ngày nô đùa với chó mèo như thế.
Trong chuồng, đằng sau vựa củi, là con ngựa Ô. Chính Quý là người có trách nhiệm cắt cỏ và cho nó ăn. Mỗi buổi sáng Quý xuất hiện là con Ô lại vui vẻ hí lên một tiếng, rồi cúi xuống liếm mặt, liếm cổ em. Chiếc bờm như những ngọn cỏ lau mát rượi xoà cả vào đầu Quý. Em cười khanh khách và tung rơm lên như trong một điệu múa cổ xưa, con ngựa cũng nhảy cỡn lên phụ họa. Thỉnh thoảng, Quý còn được cha cho đi vào rừng đốn củi, để giúp ông xếp củi lên xe ngựa. Những lần như thế em cùng con Ô tha hồ đùa giỡn với nhau suốt một ngày dài.
Còn Trọng, tất nhiên vẫn suốt ngày tỉ mẩn trong xưởng gốm. Nhờ có Trọng mà ghe thương hồ lấy càng nhiều hàng hơn. Bình gốm Trọng làm ra đẹp và sang trọng hơn ông Mạnh làm rất nhiều, Trọng lại tưởng tượng được nhiều hoa văn đẹp, nhiều tranh tú nữ rất thướt tha để vẽ lên đồ men, sứ. Ông Mạnh nể Trọng bao nhiêu thì lại càng khắt khe với Quý bấy nhiêu. Ông cấm không cho Quý mở cửa lò cũng như chuyển đồ ra căn chòi lá, vì cho rằng thế nào em cũng làm đổ vỡ, hư hỏng.
Quý đã từng theo chân một anh thợ săn trèo lên núi Bửu Phong. Chính những bụi cây mọc trên vách đá dạy em vượt qua những rìa núi chật hẹp hiểm trở nhất. Bầy dê cũng luôn đua tài cùng Quý, chúng can đảm và liều lĩnh nhảy vọt qua những khe núi sắc nhọn và sâu hoắm. Những lúc ấy Quý có cảm giác em cũng là một chú dê dũng mãnh vậy. Bất chấp tiếng đồn về một con cọp ba móng độc ác lảng vảng trong vùng, Quý đã có nhiều cuộc du ngoạn và thám hiểm như thế.
Suốt một khoảng thời gian rất dài, sáng nào Quý cũng lên tận hưởng hương thơm và khí trời trên núi cao. Ánh sáng mặt trời đến vuốt ve đôi má trần trụi của em. Thần Đất, vị thần thân thiện luôn tỏ ra yêu quý chú bé can đảm, thần lắng nghe tiếng cười khúc khích của Quý. Em đang ngắm nhìn dòng sông toả rộng đến tận chân trời. Nơi trời nước giao nhau, những vòm mây rực rỡ cuồn cuộn bay như những con rồng trong cổ tích. Quý ước gì Trọng cũng lên được tới đây để nhìn thấy cảnh tượng này. Chắc chắn anh sẽ vẽ được nhiều thứ thật tuyệt vời. Một làn hương thanh khiết luôn ôm lấy bầu không gian bao la ở trên cao. Những con chim núi gọi Quý bằng tiếng hót lạ tai: “Quý ca, Quý ca[2]!” Sáng nào Quý cũng hít thở đầy lồng ngực hương thơm thanh khiết ấy của núi rừng, và đu qua những vách núi bằng những sợi dây rừng dẻo dai nhất trong tiếng ngợi khen của đàn chim và những chú vượn nhỏ.
Nhưng ẩn sâu trong hang núi, dưới những con đường ngoằn ngoèo sâu hút là nơi ở của nữ thần Bóng tối. Mụ đã trú ẩn ở đó hàng triệu triệu năm, lâu đến nỗi gương mặt và toàn bộ thân hình mụ trở nên đen đủi đến rợn người. Tất nhiên là mụ vô cùng căm ghét loài người và mụ thích bành trướng sự tăm tối lạnh giá của mụ đến tận cùng thế giới. Mụ có một phép thuật lớn lắm, lớn đến vô cùng, đó là có thể tàng hình đến bất kỳ nơi đâu không có ánh mặt trời chiếu đến. Con người bình thường nhìn thì chẳng thấy mụ đâu, nhưng cái bóng của mụ thì đã lướt tới, trùm phủ lên mọi vật. Mụ muốn bóng mụ vươn xa khắp thế gian này, để tiếng cú rúc, tiếng hổ gầm, tiếng con người kêu van hoảng sợ ru cho mụ ngủ yên giấc mãi mãi.
Mụ tiếp tay cho những tên cướp núi, làm cho những nạn nhân trượt chân, gãy tay và ngã lăn xuống những vách núi lởm chởm sâu hun hút. Thế là nữ thần Bóng tối cướp lấy trái tim của họ mang nhốt dưới hang sâu. Còn bọn cướp chia nhau ít của cải, lương thực của họ; chúng lủi vào hang núi, uống ruợu và khóc lóc một cách đầy thác loạn. Vậy là mụ khoái trá và yên ngủ suốt cả đêm dài.
Vì vậy, mụ thề không đội trời chung với những chú bé dũng cảm biết vượt qua cái bóng của mụ. Mụ ghét cay ghét đắng Lý Quý cùng với nụ cười tươi tắn và đàn dê vui nhộn của em. Đã bao nhiêu lần mụ vươn hai bàn tay đầy móng vuốt của mụ đến sát người Quý, định đẩy em rơi xuống hang sâu. Nhưng mụ đều thất bại vì ánh ban mai rực rỡ đã kịp chiếu đến nơi Quý đứng, hôn lên bàn chân em, tiếp cho em sức mạnh. Ánh nắng đã rọi vào đôi mắt đẹp của Quý, khiến nữ thần Bóng tối phải chùn bước. Mụ đành hậm hực chui vào hang tối, chờ đợi một cơ hội khác bằng tâm địa xấu xa càng lúc càng chất đầy ghen tức của mụ.
Thế rồi một lần mụ đã đẩy Lý Quý rơi vào một cái hang sâu nhất trong vương quốc bóng tối của mụ. Nhưng mụ không ngờ thần Đất đã dang rộng đôi tay của mình đón lấy em, và cho cây cỏ mọc lên vùn vụt làm một cái nôi đỡ lấy người em. Vì vậy mà Quý không hề hấn gì cả, em nhanh chóng tìm được đường lên núi. Nấp trong bóng tối, mụ gầm gào: “Tại sao, tại sao lại như thế? Nó là của ta. Trái tim non trẻ trong lồng ngực nó phải thuộc về ta. Nó đã rơi vào tay ta rồi!”.
– Không bao giờ, nữ thần Bóng tối! Mụ hãy đi đi.
Đó chính là tiếng nói êm dịu của các thiên thần Ban mai. Họ được thần Mặt trời phái đến để dẫn đường cho Lý Quý. Tuy họ nhỏ bé và trong suốt như những hạt sương nhưng tiếng nói của họ thật là du dương và mạnh mẽ.
– Đừng hòng ta bỏ đi. Ta không thể chịu thua nó. Từ nay, thằng ranh con này đừng hòng bén mảng đến đây nhé!
– Mụ đã lầm, mụ đã lầm – các nàng đồng thanh hát lên khiến nữ thần Bóng tối co rúm lại – Lý Quý đã đến và sẽ đẩy mụ đi thật xa khỏi thế giới loài người. Chàng sẽ lớn lên và sẽ đi khắp rơi. Rồi mụ sẽ phải lùi bước, lùi bước mãi cho đến khi mụ sẽ phải tan đi và biến mất…
Nữ thần hung hăng đáp: “Ta đã sống triệu triệu năm rồi, còn nó chỉ là một đứa ranh con…”
Các thiên thần Ánh sáng chẳng đếm xỉa gì đến mụ, và vẫn hân hoan tiếp tục bài hát tuyệt vời của mình:
– Hỡi những thế lực tăm tối và tuyệt vọng kia, các ngươi đừng hòng tiêu diệt được con người. Chàng có thiện tâm và chàng là con của thần Đất. Chàng sẽ đi băng qua mụ như những đường cày đi qua mặt đất. Chàng chẳng hề biết đến mụ cùng những lời nguyền rủa của mụ đâu. Chàng đã tha thứ cho mụ rồi đó, vậy thì mụ hãy biến nhanh đi để chúng ta tiếp tục tán dương và phụng sự cho con người…
Lý Quý đứng thẳng dậy trên hai chân trần và sung sướng hít thở làn hương tuyệt diệu. Nụ cười của em trở nên đẹp hơn bao giờ hết. Những thiên thần nắm tay nhau lướt trên mặt nước rộng mênh mông. Tuy không nhìn thấy được họ, nhưng em đã hiểu bài ca cùng những lời khích lệ chân thành ấy.
II.
Cứ mỗi tuần trăng, đúng vào ngày mùng năm, chiếc ghe của cha con ông Bảy thương hồ lại ghé đến căn chòi lá của gia đình ông Lý Mạnh, để mua những lọ gốm, bình gốm, nồi đất và đổi lấy các vật dụng, gạo mắm. Ông Bảy sống trên sông nước đã nhiều năm, cũng cảnh vợ mất sớm mà chỉ có mỗi mụn con gái. Cô bé tên Hồng, có hai chùm tóc dài rất dễ thương. Mỗi lần chiếc ghe của ông Bảy ghé lại, hai anh em Lý Trọng và Lý Quý chỉ thấy Hồng ngồi trong khoang, đôi mắt mở tròn nhìn quang cảnh chiếc chòi lá của ông Mạnh với đủ loại đồ gốm. Có khi Trọng giả vờ buông một câu hò học lỏm được từ những chiếc ghe xuôi ngược trên sông, thì Hồng vội quay đi với một nụ cười bẽn lẽn mơ hồ. Ông Bảy thường mang cho Lý Trọng những kiểu đồ dùng bằng đất ông mua được trên đô thành, và hỏi cậu có làm được không? Ông rất muốn Trọng làm thêm đồ tráng men, đồ sứ để mang đi bán ở nơi ấy. Nhưng Trọng tự lượng sức mình, ngắm nhìn mẫu vật mà không nói không rằng. Có khi ông Bảy lại mang đến cho cậu các hình vẽ mới đang thịnh hành, hoặc đồ dùng của người Trung Hoa. Bởi ông rất hy vọng vào tài năng của Trọng và đã ngỏ lời với ông Mạnh xin cho cậu lên đô thành học thêm về nghề gốm.
Chàng thợ gốm – Truyện thiếu nhi của Trần Thu Hằng, NXB Kim Đồng, 2005.
Sau nhiều ngày đắn đo suy nghĩ, cuối cùng ông Mạnh cũng phải đồng ý, vì ông biết “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Vả lại, ông Bảy thương hồ là chỗ thân quen nhiều năm, đã hết lòng giúp đỡ cho cha con ông trong lúc hoạn nạn – khi các con ông còn nhỏ mà vợ ông đã qua đời, vì vậy ông không có lý do gì mà nghi ngại ý tốt của ông Bảy. Ông Mạnh chuẩn bị cho Trọng lên đường thật chu đáo, kỹ càng, vì cuối cùng, đời con ông sẽ khá hơn đời ông.
Trọng cũng dành nhiều thì giờ để tạm biệt mọi thành viên của gia đình. Thế nhưng cậu vừa ngồi xuống bên chó Mực thì chó Mực đã gừ gừ đứng dậy bỏ đi. Mèo Bạch mách với Quý: “Xem ra chú Trọng không thật lòng lên đó để học tập đâu. Thật đấy, anh Mực rất tinh đời, không qua mắt anh ấy được đâu”. Nhìn thấy Trọng quanh quẩn trước chuồng ngựa, mèo Bạch giả tảng nằm duỗi mình lim dim ngủ, nhưng quả thực đôi mắt vẫn mở hé để theo dõi Trọng. Nhưng Quý thì không tin chuyện ấy. Dù sao thì Trọng vẫn là người kế thừa nghề gốm của dòng họ Lý, còn Quý sẽ suốt đời kiếm củi, đốt lò, múc nước giúp anh mà thôi.
Nhưng đến đêm trước ngày Trọng ra đi, một sự thật được sáng tỏ. Trọng đã rủ Quý ra chòi lá bên sông để trò chuyện. Cậu nói rằng cậu ra đi để thử vận may, tìm cách đổi đời.
– Quý à, mày thử nghĩ xem, nếu tao với mày làm cái nghề gốm này suốt đời, thì thử hỏi có giàu sang lên được không? Tao chán làm anh thợ gốm lắm rồi.
– Nhưng anh Hai giỏi nghề nhất nhà, giỏi hơn cả cha. Em nghe cha dạy là “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”đó anh. Có gì đâu mà anh chán.
Trọng hừ hừ trong cổ họng, rồi nói nho nhỏ:
– Nhưng ở đô thành thì có bao nhiêu là người, có biết bao nhiêu là nghề hái ra tiền, làm quái gì phải tầm sư học đạo cho cực thân như vậy. Bộ mày không nghe những người khách thương hồ kể chuyện hay sao? Ở nơi ấy, chỉ cần một đêm thôi cũng đủ giàu sang cả đời rồi, chỉ cần mày may mắn và dám liều lĩnh. Chuyến này tao lên trên ấy, chẳng bao lâu nữa tao sẽ giàu có. Đến lúc ấy, tao sẽ mua hẳn một chiếc thuyền về đậu ở bến này cho cả vùng phải nể mặt Lý Trọng này.
Quý hỏi lại hết sức ngây thơ:
– Nhưng làm gì mà một đêm thôi đã giàu sang được rồi, hở anh Trọng?
– Xì… Mày thật là ngu dốt quá! Ở đô thành có những quán rượu, những sòng bạc mở cửa thâu đêm suốt sáng… Rồi lại có cả những tiệm vàng đi vào không biết đường ra. Ta sẽ đi học thợ kim hoàn, để làm những đồ trang sức sang trọng cho các bà nhà giàu. Hay là đi đánh bạc cũng không biết chừng…
Quý vội can ngăn anh:
– Anh đừng nghĩ như thế. Anh cứ lên đô thành vui chơi một chuyến cho thoả thích, rồi trở về đỡ đần cho cha. Không có anh, cha không sống nổi đâu. Em xin hứa sẽ làm tất cả mọi việc cực nhọc thay anh, em sẽ giặt giũ, nấu nướng cho anh, miễn là anh thấy vui mà làm việc thôi. Anh đừng bỏ nghề thợ gốm, tội nghiệp cha lắm.
– Thôi khỏi. Trọng nói cộc lốc – Chuyện này tao suy nghĩ lâu lắm rồi. Ngày mai tao đi rồi nên tao nói cho mày liệu trước. Từ lâu tao đã biết cái chốn khỉ ho cò gáy này không dành cho người tài giỏi như tao.
Nói rồi, Trọng bỏ vào nhà để ngủ. Còn một mình Quý ngồi giữa căn chòi lá, em nghe gió thổi ù ù bên tai mà không tin những điều Trọng nói là sự thật. Nếu anh Trọng bỏ đi thật thì Quý biết làm thế nào? Năm nay em đã mười lăm tuổi rồi, nhưng chưa bao giờ được ngồi vào cái bàn xoay gốm, chưa được chấm một nét vẽ nào lên mình gốm. Bởi vì cha không bao giờ cho Quý mó tay vào, sợ đổ bể, sợ xui xẻo. Thật em chẳng biết làm gì ngoài trò leo trèo và chạy nhảy với bầy dê.
Sáng hôm sau, ghe ông Bảy đến nhận hàng và đưa Trọng đi. Cậu ôm chầm lấy cha, hứa sẽ cố gắng học tập và sớm trở về. Nhưng trong khi hứa, mắt cậu cứ liếc nhìn Quý. Em đứng ở kè đá với bầy dê, lặng lẽ nhìn anh. Cô bé Hồng, con gái ông Bảy cũng lên hẳn trên bờ đứng cạnh cha, và chứng kiến phút giây tiễn biệt của hai cha con họ. Năm ấy cô bé đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp có khuôn mặt tròn vành vạnh như mặt trăng. Cô mỉm cười với Quý. Nụ cười đầu tiên của một người con gái dành cho Quý như thế nào nhỉ? Thật là dễ thương biết mấy, giống như một nụ hoa rừng mộc mạc và thơm ngát.
Khi Trọng đeo tay nải bước xuống ghe, cậu đã quay mặt ra sông, không nhìn cha, nhìn em và ngôi nhà nhỏ của mình nữa. Chỉ có Hồng giơ tay vẫy chào Quý, bàn tay rụt rè khiến Quý không bao giờ quên được. Ông Mạnh kêu to lên: “Con ơi! Trọng ơi!”Ông quá mủi lòng xúc động hay là ông quên chưa dặn dò một điều gì… Trọng quay lại nhìn cha, ông Mạnh giơ hai tay lên với với, và nói thật to: “Học xong mau trở về với cha nhé con!”Cậu ta gật đầu một cách miễn cưỡng, khiến Quý cảm thấy đau lòng. Em quyết định nói với cha sự thật.
– Mày nói láo! Ông Mạnh tát Quý thật đau. Ông còn đay nghiến: Tao không ngờ mày còn nhỏ như thế mà đã dám đặt điều nói bậy. Đúng ra tao không nên sinh ra mày.
Nói rồi ông hằm hằm bỏ về nhà.
Trọng đi rồi, một mình ông Mạnh lo làm hàng cho chuyến ghe sau. Quý phải một mình đi vào rừng đốn củi. Con ngựa Ô trở thành người bạn kề cận nhất của em, còn chó Mực và mèo Bạch luôn chờ em trở về để kể cho nghe những câu chuyện. Nào là cha em bồn chồn mong ngóng nhìn ra sông như thế nào. Nào là ông bực bội nhìn những cái bình không đẹp mắt. Quý biết cha đã lớn tuổi nên bàn tay run, khó mà làm theo những đồ dùng ở thị thành theo mẫu của Trọng để lại. Nhưng tất nhiên là Quý chẳng dám nói gì hết. Không phải em sợ cha nổi cơn thịnh nộ, mà em không muốn cha cảm thấy đau lòng hơn thôi.
Rồi ngày mùng năm lại đến. Ông Mạnh dậy rất sớm và ra căn chòi lá mong ngóng. Ông chờ ghe của ông Bảy đến để cho ông biết tin tức của Trọng. Nhưng suốt ngày hôm ấy chẳng có chiếc ghe nào đi qua. Ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa cũng vậy. Ông Mạnh tự nhủ: “Chắc là nó ham học quá thôi mà. Trò giỏi gặp được thầy hay, chắc chắn nó sẽ thành tài. Với lại trước sau gì ông Bảy cũng phải đến lấy hàng và mang gạo mắm đến cho nhà mình”. Những ngày ấy ông ngủ không yên giấc, lúc lúc lại trở mình và nói nhảm điều gì đó, khiến Quý nằm gần đó cũng bị giật mình.
Cuối cùng thì ghe ông Bảy cũng đến. Nhưng ông chỉ có một mình và dáng điệu của ông ủ rũ trông thật đáng sợ.
Ông cho ông Mạnh biết rằng Trọng đã chẳng học hành gì cả. Cậu ta đã trốn đi, dẫn theo cả Hồng, con gái ông. Bao nhiêu tiền ông dành dụm được, họ đều mang đi cả. Cả tháng nay ông tìm kiếm nhưng chẳng thể nào tìm ra tung tích của họ.
– Ông nói bậy – Ông Mạnh tức tối đáp lại. Con trai tôi không bao giờ lại tham lam ích kỷ như vậy. Có lẽ chính con gái ông dụ dỗ nó, làm hỏng sự nghiệp của nó.
Vừa nhìn thấy chiếc ghe quen thuộc xuôi dòng, Quý liền từ trên núi chạy như bay trở về. Em thấy ông Bảy ngồi bệt xuống đất, khuôn mặt hốc hác tiều tụy, râu tóc, lông mày trở nên bạc trắng như cước. Còn cha em lẩm bẩm: “Không đời nào, chắc con tôi bỏ ghe lên bờ cho tiện việc học thôi. Không đời nào nó lại nông nổi đến như thế. Từ bé nó đã là đứa khôn ngoan và tài giỏi rồi, không đời nào lại có chuyện ấy”.
Ông Bảy nói nhỏ:
– Ông đừng nghĩ như thế nữa. Phải biết rằng nó không còn là con ông nữa, cũng như bé Hồng đã từ bỏ cha đẻ của nó, là thằng Bảy thương hồ nghèo kiết xác, suốt đời chỉ biết ngược xuôi sông nước, đổi hũ gạo, con mắm mà nuôi nó lớn lên. Bây giờ thì đừng hy vọng hão huyền nữa, chúng nó đã đi đường chúng nó, còn thân già chúng ta phải làm lại từ đầu thôi ông ạ.
– Không, không đời nào… Ông Mạnh khăng khăng đáp lại – Nó sẽ học thành tài và sẽ trở về đây mở một lò gốm nổi tiếng nhất xứ này. Đến lúc ấy, ông đừng có vác mặt đến đây nữa. Thôi ông đi đi, chẳng cần ông nữa. Tự tôi xoay sở cái ăn cái mặc cũng được rồi.
Nói xong, ông Mạnh bỏ vào nhà. Quý ngần ngừ một lúc rồi bước đến gần ông Bảy, em thấy ông đang ôm mặt khóc. Nghe tiếng chân, ông ngẩng nhìn lên:
– Cậu là ai?
– Dạ, con tên Quý. Con là em anh Trọng.
– Thảo nào… Ông Bảy thở dài – Sao tôi chưa thấy mặt cậu bao giờ?
– Dạ, con đi chăn dê.
Ông Bảy gật đầu, rồi lại vò vò mái tóc thở dài.
– Thôi, tôi đi đây. Cậu ở lại mạnh giỏi, cố chăm lo cho ông già của cậu nghe. Đừng bắt chước thằng Trọng, rồi sẽ chẳng nên người đâu.
Nói rồi, ông sải chân bước xuống ghe, đẩy mái chèo đi một cách mạnh bạo. Quý đứng im nhìn dáng người ông còng còng cúi xuống bên mái chèo, không còn bé Hồng ngồi giữa khoang giơ tay vẫy chào cậu nữa. Ghe ra đến giữa dòng, Quý thấy ông Bảy buông mái chèo, lặng lẽ gieo mình xuống sông.
– Ôi, ông Bảy! Ông Bảy ơi!
Quý kêu lên, nhưng ông Bảy không hề ngoi đầu lên mặt nước. Hoảng hồn, em gọi cha:
– Cha ơi! Cứu, cứu ! Ông Bảy nhảy xuống sông rồi!
Quý vội nhảy xuống nước, bơi ra chỗ chiếc ghe đang lững lờ trôi trên sông. Tuy biết bơi từ nhỏ, nhưng em không được thành thạo lắm, nhất là phải mò tìm để cứu người. Vừa ngụp lặn trong dòng nước mạnh, em vừa khấn thầm: “Lạy trời cho con cứu được ông Bảy. Tội nghiệp ông ấy lắm!” Em cố sức gọi cha, nhưng chẳng thấy ông đâu.
Sau một hồi mò tìm gần như kiệt sức, cuối cùng em cũng ôm được ông Bảy đã bất tỉnh. Mừng quýnh, em ngoi lên mặt nước:
– Cha ơi! Giúp con với! Giúp con với!
Hai tai Quý đã ù đi, đôi mắt hoa lên và ngực em đau tức, không sao thở được. Lúc này, nếu em buông ông Bảy ra thì em vẫn bơi vào bờ được. Nhưng em đã phải cố sức mò tìm ông, lẽ nào em lại để ông chết đuối.
– Cha ơi! – Quý thều thào gọi, lồng ngực em gần như vỡ ra giữa mặt sông rộng mênh mông. Hai người đã trôi xa bờ lắm rồi, làm sao quay trở vào nếu không có sự trợ giúp.
Chợt em nghe tiếng hý vang. Ngựa Ô đang chạy trên bờ đá cao, hướng theo cậu. Một lát sau, có tiếng hú gọi của ông Mạnh:
– Quý ơi! Quý ơi! Con ở đâu?
– Con ở đây này cha ơi! -Quý giơ cao cánh tay còn lại vẫy cha.
Từ trên cao nhìn xuống dòng sông, em chỉ còn là một chấm nhỏ xíu giống như cây lục bình nhỏ nhoi. Ông Mạnh tuyệt vọng kêu trời, không biết phải cứu con như thế nào. Xung quanh chẳng còn nhà cửa, chẳng có một ai giúp đỡ ông.
Ngựa Ô chạy vụt qua. Chó Mực cũng chạy vụt theo – lúc này nó trở nên khoẻ mạnh phi thường. Ngựa Ô cõng chó Mực bơi ra sông. Đến chỗ nước xiết, chó Mực chồm lên mang theo sợi dây cương ngựa bơi ra chỗ Quý. Cảm nhận được hơi thở quen thuộc của con chó già thân yêu, Quý như được tiếp thêm sức mạnh, em nắm chặt lấy sợi dây để ngựa Ô kéo em và ông Bảy vào bờ.
Vừa lúc ấy thì ông Mạnh cũng bơi ra, giúp Quý đưa ông Bảy trở lên chòi lá. Khi ông Bảy tỉnh lại, ông Mạnh đã nắm bàn tay người bạn già để xin lỗi, ông nói với ông Bảy: “Anh là con người của sông nước mà lại muốn chết trong dòng nước sao anh? Ơn trời run rủi cho cha con tôi cứu được anh. Nếu anh có bề nào thì tôi ân hận suốt đời”. Ông Bảy mỉm cười đau khổ:
– Tôi chẳng trách cứ gì ông, chỉ buồn vì lòng người không sao lường được. Giặc giã tôi không sợ, cướp bóc tôi không sợ, nghèo khó đói rét tôi cũng không sợ. Nhưng tôi chỉ sợ tuổi già phải chịu cô đơn oan ức không ai biết đến. Tôi cảm tạ ơn cha con anh cứu mạng, tôi đi đây.
Nói rồi, ông Bảy gượng dậy, lê bước xuống bến sông. Nhưng chiếc ghe của ông không còn nữa.
III.
Ông Bảy ở lại nhà ông Mạnh hơn một tuần trăng để đóng một chiếc ghe khác. Ông Mạnh cố giữ chân thế nào cũng không được. Trước khi ra đi, ông Bảy nói với bạn một cách chân tình:
– Thôi, chuyện cũ bỏ qua. Cuộc đời của tôi gắn liền với sông nước, tôi không thể bỏ được. Còn gia đình anh nhiều đời làm nghề gốm, không vì việc thằng Trọng bỏ đi mà dẹp lò chịu đói. Để tôi đi tìm kế sinh nhai, nhân tiện tôi đi tìm con Hồng và thằng Trọng. Tôi tin là thế nào cũng tìm được chúng và khuyên chúng trở về.
Khi đã nhổ sào, ông Bảy còn ngoái lại nói thật to:
– Cứ làm nồi đi nhé! Tháng sau tôi quay lại đó.
Quý cùng bầy dê của em chạy xuống tận bờ nước để vẫy tay từ biệt ông Bảy. Người bạn già đi rồi, ông Mạnh trở nên suy sụp tinh thần, suốt ngày ông ngồi ở căn chòi lá ngóng ra sông, cơm không buồn ăn, đêm xuống ông cũng không buồn vào nhà để ngủ. Thế là Quý đành bỏ bê bầy dê của em, tìm cách giúp cha nguôi lòng. Nhưng em vốn vụng về, chỉ biết làm lụng và vui đùa với muông thú, nên chỉ khiến cho cha bực mình thêm. Suốt ngày em chỉ biết quanh quẩn gần chòi lá, không dám nói ra suy nghĩ từ đáy lòng mình. Mà thực ra, em cũng không biết phải mở miệng như thế nào nữa. Sống giữa khung cảnh rộng lớn đầy chim chóc muông thú, lâu lâu mới gặp một bóng người, Quý đã chẳng học được gì nhiều ngoài kinh nghiệm đi rừng, đốn củi. Rồi đến một ngày kia, cha em ngã bệnh thực sự. Người ông mềm nhũn, bộ ngực xẹp lép, còn hơi thở thì yếu hẳn đi. Quý lo sợ quýnh quáng, em van vỉ cha:
– Cha ơi! Cha đừng như thế, cha đừng bỏ con, cha ơi!
Lay gọi mãi mà ông Mạnh vẫn không hồi tỉnh. Quý sợ quá, em chạy ra trước cửa nhà, quỳ xuống khẩn cầu:
– Xin ông trời cho cha con sống lại. Chỉ cần cha con mạnh khoẻ, thì việc gì con cũng làm.
Ánh sáng chiếu vào đôi mắt đẹp của Quý những tia sáng cuối cùng. Gió từ sông thổi vào lồng lộng. Từ cõi âm u, nữ thần Bóng tối đang chuẩn bị một bữa tiệc linh đình, mừng có một con người sắp trút hơi thở tuyệt vọng vào tay mụ. Tiếng cười the thé của mụ vang đến tai Quý, y như lần em sảy chân rơi xuống khe núi đá.
Quá đau buồn, em quay lại chỗ cha nằm, ngã vật ra. Nhưng tinh thần của em vẫn không hề khuất phục. Trong cơn mê sảng, Quý thấy bóng cha gượng dậy, cầm con dao xắn lấy một tảng đất sét và trao cho em. Thế là Quý bừng tỉnh. Cha em vẫn nằm đó, thoi thóp trong tuyệt vọng. Nhưng em đã biết em phải làm gì để giúp cha.
Quý cố hết sức để điều khiển tảng đất sét. Em bắt chước dáng người của cha trong khi làm việc, và thầm mong mình sẽ xoay được một bình gốm vừa ý cha. Đất trong tay em mềm mịn lạ thường, như thể hai người bạn thân thiết từ lâu lắm rồi. Lần đầu tiên ngồi vào bàn xoay gốm, Quý cảm thấy công việc không khó khăn như em nghĩ.
Bóng chiều chạng vạng, ấy là dấu hiệu nữ thần Bóng tối đang rình rập nơi ngưỡng cửa ngôi nhà người thợ gốm. Quý hối hả nhào, nặn, cố tạo ra được một chiếc bình. Nhưng cái vật em làm chỉ cao gần một gang tay là đổ ụp xuống, vỡ nát ra. Không, không được nản lòng, em phải làm lại. Trống ngực em đổ liên hồi như thể chính em bị rơi xuống cái bàn gốm lì lợm này vậy.
Không thể cố sức thêm được nữa, Quý đành bê chiếc bình xấu xí lên nhà và lay gọi cha, “Cha ơi! Con vừa làm được đây này! Cha xem có được không?”
Ông Mạnh đang nằm thiêm thiếp, chợt bừng mở mắt “Trọng, con đó phải không? Cha mong chờ con mãi…”
Nghe giọng nói thều thào tội nghiệp của cha, Quý đành nhận bừa: “Dạ, con đây thưa cha…”Em dìu cha ngồi dậy, còn em cố tình đứng sau lưng cha.
– Trời! Cha nhớ con quá chừng! Ông Lý Mạnh bắt đầu nói – Con không có ở nhà, cha cũng không làm được việc gì cả. Còn thằng Quý em con nó mới tệ làm sao! Nó chẳng biết làm cái gì cả, còn dám bịa đặt rằng con đi luôn, không trở về nữa…
– Dạ… Quý sợ hãi vì thấy cha đã trở nên lú lẫn.
– Trọng con! Con nhớ cha lắm phải không? Con học hành xong chưa mà đã về đây rồi? Tiền lưng vốn cha đưa có đủ không con?
– Dạ… Quý lại dạ, và không biết phải trả lời thế nào. Nhưng hình như ông Mạnh chỉ cần hỏi cho yên lòng, chứ không cần nghe câu trả lời. Giọng nói của ông đã trở nên trong hơn, hơi thở cũng mạnh lên thấy rõ…
– Đâu rồi, con mới làm xong thứ gì vậy, cho cha xem…?
Ông Mạnh trở nên tỉnh táo và háo hức kỳ lạ, như thể cơn bệnh biến khỏi người ông lúc nào không biết. Nhưng khi ông cúi xuống nhìn thì, hỡi ơi, một cục đất rỗng và méo mó đang nằm co rúm giống y như Quý đang giấu mình trong bóng tối vậy.
– Quý, mày dám nói láo với cha hả?
Ông quát với vẻ tức giận tột cùng. Quý vội quỳ xuống:
– Thưa cha! Con không dám gạt cha đâu. Nhưng con muốn làm được những chiếc bình thật đẹp giống như anh Trọng đã làm, để cha được vui lòng. Cha sống khoẻ mạnh với con. Con học được mà cha, cực khổ mấy con cũng học mà cha.
– Thôi đi. Ông Mạnh giơ chân đá cái vật Quý mới làm xong, rồi nói nhỏ – Dẹp cái trò này đi. Mày không làm nổi cái gì đâu, dạy cho mày vô ích.
Nói rồi, ông lại nằm dài xuống chiếc giường tre. Quý vội vàng thu dọn xung quanh, rồi bắt tay vào làm một chiếc bình gốm mới. Em tìm cách thay đổi đủ các cách, cốt sao cho chiếc bình đừng bị đổ xuống. Cuối cùng, em cũng làm được việc đó.
Sau khi Quý bưng “sản phẩm”của mình lên, cha em đã không thèm đưa mắt xem thử, mà thẳng cánh phang cho nó vỡ nát ra trước đôi mắt sợ hãi của Quý. Và liên tiếp trong nhiều ngày liền, ông Mạnh đập vỡ hết tất cả những đồ vật mà Quý làm ra. Song hình như việc làm này khiến ông nguôi ngoai đôi chút, sức sống lại trở về mỗi lúc ông thấy đứa con trai nhỏ xuất hiện với vẻ mặt sợ sệt và chiếc bình đất méo mó trên tay.
Quý không dám kêu ca nửa lời, vì em biết là em làm chưa nên, còn cha cũng chẳng có chút tin tưởng nào đối với em cả. Bàn tay của em sao cũng vụng về giống hệt suy nghĩ của em vậy. Trong thâm tâm, Quý rất mong anh Trọng đột nhiên trở về.
Một ngày kia, Quý đã ngủ thiếp đi ngay bên cạnh bàn xoay gốm, vì suốt đêm phải hì hục với những tảng đất sét bướng bỉnh. Khi tỉnh dậy, em nhìn thấy một chiếc bình thật đẹp, còn tươi rói màu đất ướt đang đứng trên bàn xoay. Kêu lên một tiếng mừng rỡ, em định bưng nó lên cho cha xem. Nhất định cha sẽ hài lòng vì chiếc bình tròn trịa, cân đối chẳng khác nào nó đã được bàn tay người thợ gốm lành nghề làm ra. Nhưng chợt nghĩ lại, em không dám mang lên trình cha nữa.
– Mình không thể nắn được chiếc bình đẹp như thế này. Bàn tay mình, mình biết mà…
Quý ngần ngừ mãi. Nếu em mang khoe chiếc bình này, biết đâu cha sẽ lành bệnh. Nhưng sau đó thì thế nào, liệu em có làm nổi chiếc bình thứ hai giống như thế này không?
Em quay đầu nhìn ra ngoài. Chó Mực đang nằm ngoài vựa củi, có vẻ chẳng để ý gì đến Quý. Mèo Bạch thì hấp háy con mắt nhìn em với vẻ khích lệ. Quý lần mò nắn một chiếc bình đất khác, nhưng em hoàn toàn thất bại.
– Lẽ nào đây chỉ là một trò đùa?
Trong lúc đầu óc rối bời, em chợt nghĩ ra một việc. Em quyết định ra chuồng ngựa, ôm lấy cổ con ngựa Ô dũng cảm và thì thầm nói với nó:
– Ngựa Ô này, bạn có biết đường lên đô thành không? Có lẽ chúng ta phải lên đó một chuyến để đi tìm anh Trọng. Chỉ có cách ấy mới giúp cha tôi khoẻ lại mà thôi.
Ngựa Ô cọ cọ chiếc bờm vào cổ Quý, ra chiều đồng ý. Thế là Quý vào buồng xin phép dìu cha đứng dậy.
– Cái thằng khốn này, mày muốn làm gì tao vậy?
– Dạ, thưa cha. Con đưa cha đi tìm anh Trọng. Con đã lót một cái khăn lên lưng con Ô cho cha ngồi. Xin cha cố chịu đựng…
– Sao hả? Tại sao mày không làm bình gốm. Chẳng lẽ cái lò gốm này đóng cửa hay sao?
Quý nhẫn nhục thưa với cha:
– Dạ, sau khi tìm được anh Trọng, con sẽ học. Cực khổ mấy con cũng sẽ học. Nhưng bây giờ cha đang bệnh nặng, cha nhớ thương anh Trọng. Con sợ cha không chờ đợi được…
– Thằng quỷ! Mày muốn tao chết hay sao? – Ông Mạnh gắt lên, nhưng giọng lại dịu hẳn đi.
– Dạ thưa không, con nào dám nghĩ như vậy. Nhưng gia đình ta mấy đời sống bằng nghề gốm, mà con lại bất tài vô dụng. Chỉ có anh Trọng…
– Đừng nhắc đến thằng Trọng nữa – Ông Mạnh nói nhỏ nhưng đau đớn và buồn bực – Nó đã bỏ nghề của cha ông, bỏ nhà bỏ cửa, mày cũng đành đoạn bỏ luôn sao?
Mấy lời nói như một tia sáng chói loà chiếu thẳng vào đầu Quý. Em chợt tỉnh ngộ, liền quỳ xuống xin lỗi cha.
– Thưa cha, con đã hiểu rồi. Dứt khoát con sẽ không được bỏ nghề gốm, cũng không đưa cha đi đâu cả. Xin cha nằm xuống nghỉ ngơi, con đi nấu cháo cho cha ăn rồi lập tức đi làm việc ngay.
Chú thích:
[1] Tức sông Đồng Nai.
[2] Nghĩa là: “Anh Quý! Anh Quý!”
Cuối cùng thì Quý cũng tìm ra “bí quyết” để những chiếc bình gốm có men dị thể màu xanh là thứ người Hoa kiều lẫn người Việt đều ưa chuộng. Hồi Trọng còn ở nhà, ông Bảy đã từng nói: “Gốm Đồng Nai màu đất, gốm Gia Định màu trời”. Nhưng thứ men gốm màu xanh thật đậm có pha những ánh đỏ như máu thì chỉ có lò gốm ông Mạnh mới có. Nghe đâu bình gốm của Quý làm ra đã vào được đại sảnh những ngôi nhà quyền quý ở đô thành. Điều này khiến ông Mạnh vui mừng không kể xiết, hai cha con luôn sát cánh làm việc cùng nhau.
KỲ 2: MIỆT MÀI VỚI ĐẤT 
IV.
Từ đó ông Mạnh không còn mắng nhiếc Quý như trước nữa. Ông chỉ dạy cho em từng chút một, làm sao để chiếc bình gốm cao lên không bị đổ, làm sao khi nung vẫn giữ nguyên được hình dạng và nhất là làm sao vật ấy dùng được, bền đẹp. Qua ánh mắt cha, Quý cảm thấy ông chưa tin tưởng em chút nào, có vẻ như ông rất miễn cưỡng truyền nghề cho đứa con dốt nát như em. Nhưng không hề gì, chỉ cần ông quên được những sự đau lòng là được rồi.
Ông Bảy thương hồ vẫn ghé lại như mọi khi, mặc dù Quý chưa làm được hàng giao cho ông đi bán. Ông vẫn mang đến gạo, mắm và các thứ đồ dùng, thỉnh thoảng lại là mấy bức hoa văn đẹp cho Quý. Điều này càng hối thúc em phải cố gắng, cố gắng hơn nữa.
Nhà văn Trần Thu Hằng ở Đồng Nai
Mẻ gốm đầu tiên Quý đã làm cháy lớp men trên những chiếc bình, khiến chúng lốm đốm màu vàng màu đỏ giống như mặt đất sét mùa mưa. Mấy chục cái bình lớn nhỏ đều bị như vậy. Quý run sợ bày từng cái cho cha xem. Em nghĩ rằng cha sẽ đập… Nhưng ông Mạnh thở dài ngao ngán rồi quay đi nói nhỏ: “Không sao, bỏ đi làm lại con”. Quý khóc ròng vì thấy cha có vẻ thương mình như vậy.
Vừa hay, ghe ông Bảy lại đến. Ông lên hẳn nhà ông Mạnh và thấy Quý đang buồn rầu ngồi giữa những chiếc bình kỳ lạ. Thoáng cái, ông hiểu ngay Quý đã làm hư mẻ nung đầu tiên rồi, nhưng ông vẫn vui vẻ:
– Không sao hết. Để bác mang đi xem người ta nói thế nào. Thua keo này ta bày keo khác mà… . Nào, giúp bác một tay.
Nói rồi, ông tự tay khuân những chiếc bình của Quý xuống ghe. Em đành nghe lời ông, nhưng trong dạ vừa lo sợ vừa buồn. Có lẽ ông Bảy sẽ vần hết chúng xuống lòng sông Cái[1]. Những thứ này chỉ để chật chỗ mà thôi.
Ghe ông Bảy đi rồi, Quý cứ đứng nhìn theo mãi, cho đến khi chiếc ghe vượt khỏi chỗ ông Bảy đã rơi xuống trước kia, cho đến khi nó khuất dạng. Em phải làm lại ngay thôi, không được lười biếng nữa. Nghĩ thế, Quý cắm cổ chạy về nhà, hăm hở bắt tay vào công việc.
Chẳng ngờ ông Bảy quay lại rất sớm. Ông hớn hở báo tin rằng những chiếc bình của Quý đã bán sạch, vì nó lạ mắt và có vẻ sang trọng khác thường. Ông cho hay có một thương buôn người Hoa kiều ở Gia Định đã nhờ ông mua thêm năm mươi chiếc giống như vậy. Nếu làm đẹp, bền thì mai đây sẽ mua nhiều hơn.
Cái tin khiến cha con ông Mạnh ngơ ngác. Quý gần như không tin đó là sự thật, em nghĩ rằng ông Bảy nói như thế để em đừng buồn trước thất bại đầu tiên ấy. Còn ông Mạnh xăm xoi những chiếc bình còn lại của Quý, xem có đúng như lời ông Bảy nói không. Cuối cùng ông bảo:
– Quý à, cứ làm theo lời ông Bảy đi con.
Câu nói ấy khiến Quý giật nảy mình. Em nghe nhiều người nói trăm mẻ nung là trăm màu gốm khác nhau. Thoạt nhìn thì tưởng không khác nhau là bao nhiêu, nhưng những người sành sỏi luôn phân biệt được tốt, xấu và chỉ chọn mua những thứ thật đẹp, thật sang mà thôi. Làm sao có thể làm được men gốm giống như đợt nung trước được? Làm sao em có thể làm lại được?
Ông Mạnh đã hồi phục. Ông hăm hở bắt tay vào cùng Quý làm một mẻ nung mới để sớm có năm mươi chiếc bình giao cho ông Bảy. Cái lò nung của ông quá nhỏ, phải làm hai ba đợt mới đủ. Nhưng không chiếc bình nào có màu vàng tía như da cọp giống như bình Quý làm trước đây. Ông Mạnh nói với con:
– Thôi kệ, không sao. Con làm được như vầy là tốt rồi. Bình gốm làm ra không bán cho người này thì bán cho người khác. Thứ này đâu có tệ…
Nhưng Quý thưa:
– Thưa cha, để con thử làm lại xem sao. Con nghe nói người Hoa kiều trọng chữ tín lắm, con không dám để ông Bảy khó ăn khó nói với họ đâu.
Ông Mạnh không nói gì, nhưng ông rất hài lòng vì thấy Quý suy nghĩ như người lớn. Ông thầm nghĩ: “Tội nghiệp, nó mới có mười sáu tuổi đầu…” Hết ngày này qua ngày khác, Quý miệt mài làm việc, quên cả ăn cả ngủ. Bầy dê sáng sáng tự đi tìm cỏ, chiều tối lại về, kêu be be ầm ĩ để báo tin cho Quý là chúng đã về tới nhà. Chỉ có lúc ấy, Quý mới chạy ra khỏi cái lò hừng hực cháy để gặp chúng. Em ôm từng con dê, vuốt bộ lông thưa và nắm lấy những bàn chân cứng như sắt đang chìa lên cho em. Chúng mừng rỡ be lên nhặng xị, nhảy cỡn lên. Nhưng Quý mỉm cười mở cái hàng rào, em bảo: “Thôi nào, vào đi!”. Nói rồi, em lại nhanh nhẹn quay trở về chỗ làm việc của mình trước đôi mắt tiếc nuối của những người bạn nhỏ.
Mèo Bạch rên lên: “Sao mà tội nghiệp chú ấy quá! Người gầy rộc đi, chân tay be bét bùn với đất, tóc thì cháy xém…”Nhưng chó Mực thì vẫn nằm yên ở cái chỗ bất di bất dịch của nó, gừ gừ một cách nghiêm khắc: “Mặc kệ chú ấy, mặc kệ chú ấy. Phải cố gắng mới nên người được…” Mèo Bạch nghe vậy bỗng ngại ngùng lủi vào vựa củi. Những con chuột trêu ngươi cứ kêu chít chít loạn cả lên.
Cuối cùng thì Quý cũng tìm ra “bí quyết” để những chiếc bình gốm có men dị thể màu xanh là thứ người Hoa kiều lẫn người Việt đều ưa chuộng. Hồi Trọng còn ở nhà, ông Bảy đã từng nói: “Gốm Đồng Nai màu đất, gốm Gia Định màu trời”. Nhưng thứ men gốm màu xanh thật đậm có pha những ánh đỏ như máu thì chỉ có lò gốm ông Mạnh mới có. Nghe đâu bình gốm của Quý làm ra đã vào được đại sảnh những ngôi nhà quyền quý ở đô thành. Điều này khiến ông Mạnh vui mừng không kể xiết, hai cha con luôn sát cánh làm việc cùng nhau.
Chỉ trong ba năm, ngôi nhà của ông Mạnh đã hoàn toàn đổi khác. Cha con ông đã đắp hai cái lò mới to gấp mười lần cái lò nung cũ, và thay phiên nhau cháy suốt. Thế là ông Bảy lo tìm người về đốt than, bửa củi giúp cho Quý. Bản thân ông cũng sắm được một chiếc thuyền lớn, xuôi ngược dòng Phước Long giang mang đồ gốm của Quý đi khắp nơi. Ông bắt Quý phải học vẽ để làm được nhiều thứ hơn, nhất là sau này phải làm được đồ sứ thì mới địch lại với nghệ nhân Trung Hoa được. Ông còn lo tìm thầy rước về dạy thêm cho Quý, những mong sau này em sẽ không thua kém gì những người thợ gốm tài hoa nhất ở đô thành mà ông biết.
Ngôi làng lại trở nên đông đúc nhờ lò gốm ông Mạnh ăn nên làm ra. những người làm thuê cho gia đình ông đã dẫn theo họ hàng, vợ con về sinh sống. Dân làng phiêu tán từ năm bọn cướp đến hoành hành, nghe tin cuộc sống yên ổn, sung túc lại trở về, mở thêm đất, làm ruộng, bắt cá, dệt vải. Thuyền buôn của người Hoa kiều ghé lại ngày một nhiều, làm thành một cái chợ đông đúc ngay ở bến sông.
Quý đã trở thành một chàng thợ gốm vừa giàu có vừa tài hoa. Nhưng dân làng chẳng bao giờ nhìn thấy mặt, vì suốt ngày Quý làm việc trong xưởng gốm của mình, lúc rảnh rỗi lại lo học chữ, học vẽ rồi cả học võ nghệ. Danh tiếng của chàng vì thế mà vang xa khắp nơi. Họ truyền tụng, thêu dệt những câu chuyện li kỳ về chàng, như thể chàng là con của một vị thần được phái xuống hạ giới để giúp người dân an cư lạc nghiệp. Nhờ chàng mà họ không còn sợ cọp rừng, sấu dữ, trở thành người chủ của mảnh đất này.
Một ngày kia, có người báo tin họ đã thấy Trọng ở Gia Định, nhưng lại đi trong một đoàn tù nhân cổ đeo gông, tay cùm chặt, bị dẫn đi khắp các phố phường làm gương răn cho dân chúng. Nghe họ tả mặt mũi hình dáng thì đúng là Trọng, nhưng ông Mạnh và Quý nửa tin nửa ngờ, cho là họ nhìn lầm. Riêng ông Mạnh còn nói rằng Trọng không bao giờ trở nên đổ đốn như vậy. Tuy thế, Quý vẫn xin cha cho mình đi Gia Định tìm anh một chuyến.
Thế là mùa mưa năm ấy, Lý Quý một mình xuôi dòng Phước Long giang ra chốn thành đô.
 V.
Cảnh vật thật mới mẻ bởi những bến sông tấp nập, những chiếc xe ngựa có mui, và những cô gái mặt hoa da phấn bán hàng ở những quán rượu đông người. Thật chẳng khác nào câu chuyện Trọng đã kể cho Quý trước đây. Dĩ nhiên là Quý không lân la ở những quán rượu để chén chú chén anh, nhưng chàng phải tìm vào đó để nghỉ trọ và hỏi thăm về Trọng – và cả cô bé Hồng con gái ông Bảy nữa – dĩ nhiên. Nhưng thật khó mà hỏi được vì hình như lên đến thành đô, cả hai đã thay tên đổi họ. Quý gặp được một chàng công tử tốt bụng tên Nguyễn Bảo. Chàng ta mách nước cứ sắm ít lễ vật vào dinh quan phủ mà hỏi, ắt sẽ ra ngay. Vì bất cứ án gì cũng do quan phủ phê chuẩn mà thành.
Nóng lòng tìm ra tung tích của anh, nên Quý sắm lễ vật rất hậu để xin được gặp quan phủ. Khác xa với suy đoán của chàng, ngài là một người trông thật hiền từ. Ngài mặc áo dài thụng màu đỏ tía, đầu đội mũ cánh chuồn có gắn một viên ngọc bích. Ngài có bộ râu và cặp lông mày bạc trắng như cước. Khi công tử Nguyễn Bảo đưa Quý vào quỳ lạy ra mắt quan phủ, Quý đã nhận ra chiếc độc bình ở gần án thư là do chính tay chàng làm ra. Thế là chàng reo lên một tiếng thích thú:
– Ồ, đúng rồi!
Tiếng reo của Quý khiến quan phủ giật nảy mình. Ngài co người ra phía sau và đưa tay vuốt chòm râu bạc theo thói quen, rồi hỏi:
– Cái gì làm cho ngươi kêu: “Ồ, đúng rồi!” thế hả? Chẳng lẽ ngươi đã gặp ta rồi sao?
– Dạ thưa không. Xin quan trên thứ lỗi cho tiểu nhân đã làm ngài giật mình vô cớ. Tiểu nhân nhận ra chiếc bình gốm do chính tay tiểu nhân làm ra…
– Thế à? Có phải chiếc độc bình có quai kia không? Thế mà trước đây Nguyễn Bảo công tử nói rằng đây là bình gốm của đời nhà Tống lưu lạc từ Trung Hoa sang đây…
Thế là Nguyễn Bảo lỏn lẻn cười trừ, rồi tìm cách chuồn mất. Lý Quý liền kể lại gia cảnh và xin quan phủ cho biết ngài đã duyệt án xử Lý Trọng ra sao.
Quan phủ nhíu mày nhìn Quý. Ban đầu ngài đã cho chàng là một tay khoác lác khi dám nhận chính mình đã làm được chiếc độc bình mà ngài hằng yêu quý. Nhưng sau vài câu hỏi về nghề gốm, thì ngài thấy Quý nói đúng. Suy nghĩ một lúc, ngài nói:
– Thôi được. Nể ngươi là người thợ khéo, lại thật thà, ta sẽ cho thơ lại lục tìm các án tội để cho ngươi biết anh của ngươi hiện nay ra sao. Nhưng thông thường tội nhân bị gông cùm dẫn ra phố xá thì có tội nặng đấy. Đừng mong ta nể nang mà giảm án cho y đâu nghe chưa.
Giọng quan rất nghiêm. Nhưng nói xong ngài mỉm cười chứ không có chiếc búa lệnh đập chan chát lên mặt bàn như lời cha Quý kể. Thế là chàng mừng rỡ, tạ ơn ngài rồi vội vã lui ra ngoài. Thì ra Nguyễn Bảo công tử đang chờ chàng trong hoa viên. Thấy Quý đi ra, chàng ta vội vã đến gần, chắp tay thi lễ:
– Chẳng ngờ đệ lại là chàng thợ gốm Lý Quý con ông Lý Mạnh ở Trấn Biên. Đúng là tiếng đi trước người. Thật là thất lễ. Huynh mời đệ đi uống chén rượu để tạ lỗi với đệ vậy…
Quý cũng vội chắp tay đáp lễ:
– Xin cảm ơn thịnh tình của Bảo huynh, nhưng đệ phải đi theo bác thơ lại đến viện tàng thư xem án của anh Trọng, xin Bảo huynh thứ lỗi.
Nói rồi, chàng cắm cúi chạy theo người thơ lại. Người này mặc áo dài màu xanh, gầy gò và nín lặng. Nhưng thực ra ông ta rất tận tâm, đã bỏ nửa ngày ra để tìm hồ sơ của Lý Trọng. Quý ngồi ở bên ngoài, chờ đến sốt cả ruột mà không dám kêu ca một tiếng. Cuối cùng, người thơ lại gọi chàng vào nói:
– Đúng là có một người tên là Lý Trọng, quê ở Trấn Biên, đã mắc tội cướp của và lừa đảo nhiều lần, quan phủ giảm án chặt tay, lưu đày viễn xứ xuống còn lưu đày viễn xứ mười lăm năm, vì y nói rằng y là thợ gốm, xin quan phủ gia ân cho y bảo toàn đôi tay để làm lại cuộc đời. Đây, bút lục còn rành rành, ta chẳng thêm bớt gì đâu.
Người thơ lại đưa cho Quý xem tờ cung khai và chữ ký chuẩn án của quan phủ. Đã biết được số phận của anh, Quý còn cố gắng hỏi thêm một việc:
– Vậy xin cho con hỏi là anh con bị lưu đầy xứ nào?
– Ngươi hỏi để làm gì? Quan phủ đã cấm không cho lộ tung tích những kẻ mắc án lưu đày, kẻo phép nước không nghiêm.
– Dạ thưa – Quý lắp bắp trả lời – con không dám làm sai đâu ạ. Nhưng con muốn hỏi để biết cho rõ hơn, không thì con không yên tâm mà trở về được.
– Ừ. Cũng được. Để ta xem. Anh của ngươi đã bị đày xuống Hà Tiên gần nửa năm. Không khéo y cũng đã xanh cỏ rồi. Có ai bị lưu đày đến chốn ấy mà trở về được đâu.
Nói rồi, người thơ lại xếp hết giấy tờ lại, nhanh nhẹn cất lên chỗ cũ. Những lời của ông ta như sét đánh ngang tai Quý. Chàng thẫn thờ chắp tay vái chào người thơ lại rồi một mình về quán rượu, thu dọn đồ đạc đi theo thuyền buôn của người Hoa kiều trở về nhà.
Về đến nhà, Quý kể cho cha nghe những điều mắt thấy tai nghe. Đúng như chàng nghĩ, ông Lý Mạnh trở nên đau khổ và suy sụp tinh thần giống hệt như lần Trọng bỏ đi. Ba bốn ngày liền ông không ăn không uống gì, nằm bằn bặt trên giường như người bệnh thập tử nhất sinh.
Khi Quý đem thuốc thang đến dỗ cha uống, ông mở mắt ra nhìn Quý, hai dòng nước mắt theo nhau chảy. Ông nói:
– Quý à, cha xin lỗi đã để con phải lo lắng. Nhưng cha không lo sao được, khi biết tin thằng Trọng bị đày xuống Hà Tiên. Xứ ấy cha biết, rừng thiêng nước độc, cọp rừng sấu dữ còn gấp mấy lần nơi đây. Chỉ có những tội đồ không thể cải hoá được người ta mới đày xuống đó cho có bóng người. Mà thằng Trọng… Không biết nó đã làm gì để đến nỗi… Phen này cha mất một đứa con thật rồi…
Qua ngày thứ năm thì có một vị khách quý tìm đến gia đình ông Mạnh. Đó chính là công tử Nguyễn Bảo. Chàng ăn mặc chải chuốt hơn cả khi trước, lưng giắt một thanh kiếm nhỏ. Chàng nói oang oang:
– Biết tình cảnh gia đình đệ, huynh rất thương tâm. Huynh vừa nghĩ ra được một cách có thể cứu được Lý Trọng, để cho cha con đoàn tụ, anh em sum vầy…
– Thật ư, huynh có cách thật ư? Vậy đệ phải làm gì để cứu anh Trọng?
– Cách này… không khó lắm. Không khó lắm. Nhưng hao tổn tiền bạc. Ý đệ thế nào?
– – Ý đệ… Nhưng mà lệnh quan phủ rất nghiêm, ngài đã nói…
Vừa lúc ấy, cánh cửa thông với buồng trong bật mở. Ông Lý Mạnh chống gậy bước ra. Ông run rẩy quỳ xuống trước mặt Nguyễn Bảo:
– Ân nhân! Xin hãy chỉ cách cứu Lý Trọng con trai tôi. Tốn bao nhiêu bạc tôi cũng chịu, có mất cái mạng già này tôi cũng cam, miễn là thấy được thằng Trọng bình yên trở về.
– Ôi, bác ôi! Xin bác đừng làm như vậy – Nguyễn Bảo rối rít dìu ông Mạnh đứng dậy. Rồi chàng nói tiếp – Nhưng xem ra cũng khó lắm bác ạ. Không khéo còn bị tội nữa đấy. Nếu muốn Lý Trọng bình yên trở về, thì coi như một nửa cơ ngơi của bác phải ra đi…
– Bao nhiêu cũng được, miễn là con tôi thoát được cảnh đoạ đày ấy… Ông Mạnh run rẩy quay sang nói với Quý – Quý con! Cơ ngơi nhà ta được như ngày nay là nhờ con làm nên. Nhưng giờ đây anh con mắc nạn, nếu không tìm cách cứu nó thì nó sẽ chết. Cha xin con hãy cho cha bán gia sản này để cứu anh con. Chỉ cần anh con bình yên trở về, cha chắc rằng gia đình mình sẽ vui vẻ, hoà thuận. Anh em cùng nhau làm lụng, thì cái cơ ngơi này các con chuộc lại mấy hồi…
Quý ôm lấy vai cha, dìu ông trở lại ghế ngồi. Chàng nghe hơi thở của cha yếu ớt vô cùng. Nhớ lại những ngày đầu anh Trọng ra đi, cha đã đau khổ đến thế nào, Quý hiểu rằng chàng không có cách nào khác là vâng theo lời cha, mặc dù trong thâm tâm, chàng nghĩ rằng làm như vậy là sai. Bởi chàng đã được gặp quan phủ, tận mắt thấy sự oai nghiêm của ngài, chàng hiểu rằng ngài không xử oan cho Trọng. Nghĩ mãi, Quý lựa lời nói với cha:
– Thưa cha, để con lên đô thành một chuyến nữa. Con sẽ tìm gặp quan phủ, xin ngài tha cho anh Trọng. Phần con, con xin cam tâm dâng hết gia sản vào công quỹ để bảo lãnh cho anh…
– Ôi, không, không được đâu – Nguyễn Bảo vội vàng ngăn lại – Làm như thế khác nào quan phủ bức ép dân, không được đâu. Vả lại, anh Lý Trọng đã được giảm án rồi, bây giờ xin tha nữa thì làm gì còn phép nước. Mà giả dụ có thể tha được đi, thì chờ đến bao giờ? Chắc chắn là anh ấy sẽ chết trước lúc được trở về… Anh Trọng bây giờ như người đã ở ngoài vòng pháp luật rồi, có trở về đây được cũng phải mai danh ẩn tích, thay tên đổi họ, tránh gặp người thân quen như thế mới có thể bảo toàn tính mạng được.
Nghe Nguyễn Bảo nói, ông Mạnh càng quẫn trí, ông rên lên:
– Phải làm sao đây… Phải làm sao?…
– Thôi thì chúng ta cứ làm theo cách của huynh, để bác đây yên lòng mà anh Trọng cũng sớm trở về, để cha con anh em được đoàn tụ. Của cải thì có đáng gì, dân gian có câu “người sống đống vàng” đấy thôi. Đệ và bác đây cứ bàn tính kỹ đi, chừng nào thuận theo kế của huynh thì báo tin cho huynh biết nhé. Thuyền của huynh đậu ngay chòi lá gần đây thôi, lúc nào cũng có người túc trực ở đó…
Sau vài ngày dùng dằng suy tính, cuối cùng, Quý đành im lặng để cha và Nguyễn Bảo quyết định. Hai người thuê một con thuyền lớn, cho người giả làm quan quân của triều đình đi thẳng xuống Hà Tiên.
Hơn một tuần trăng trôi qua, một đêm kia, có một con xuồng nhỏ cập vào chiếc chòi lá bên sông. Ba bốn người đội nón sùm sụp, lặng lẽ bước lên bờ. Nhìn thấy toà nhà lớn cùng những tháp lò cháy rừng rực, một người bỗng “Ồ!” lên một tiếng.
Trong đêm, chó Mực chợt tru lên một tràng dài. Trong chuồng, ngựa Ô cũng hí vang. Quý giật mình choàng dậy. Chàng thấy mèo Bạch đang giơ chân cào nhẹ lên tấm chiếu của chàng. Chàng hỏi: “Mèo Bạch, có phải anh Trọng đã về không?”– Nó liền gừ gừ một cách bực bội: “Ờ, phải rồi. Chú ấy đang đứng ngắm cái cơ ngơi cũ của chúng ta mà tiếc hùi hụi, nên chưa vào nhà được!”
Quý vội trở dậy, báo tin cho cha, rồi dìu cha ra đón Trọng. Ông Mạnh tay chống gậy, tay nắm chặt lấy tay Quý, vừa đi vừa khóc, vừa gọi. Nhưng Nguyễn Bảo công tử vội bịt miệng ông lại:
– Suỵt, bác gọi thế khác nào báo cho cả làng biết anh Trọng trốn về. Đã dặn trước rồi. Không được khóc, vào nhà đi, vào nhà đi.
– Trọng ơi! Thế là con đã thoát nạn rồi. – Ông Mạnh vẫn không kiềm chế được – Tội nghiệp con. Toà nhà ấy thuộc về người khác mất rồi. Thôi con trở về bình yên là thoả nguyện của cha rồi. Anh em lại cùng nhau làm việc, nối nghiệp cha ông, vài năm nữa chúng ta lại có được tất cả mọi thứ…
Quý vội nắm chặt bàn tay anh. Nhưng Trọng cúi gằm xuống, không nhìn em. Ai mà biết được Trọng nghĩ gì trong giờ phút này. Vừa nhìn thấy Trọng, chó Mực và mèo Bạch liền lảng đi. Mèo Bạch nghe ngóng trong ngoài rồi thì thầm kể cho Mực nghe:
– Anh Mực này, ba cha con họ ngồi nói chuyện suốt cả đêm. Nhưng sao chỉ có mỗi ông Mạnh nói thôi, còn chú Quý thì ngồi nghe. Sao tôi sợ sợ chú Trọng làm sao ấy, anh Mực ạ. Chú ấy chẳng nói chẳng rằng, cứ gườm gườm nhìn quanh nhà như đang toan tính chuyện gì vậy. Có vẻ như chú ấy trở thành kẻ hư hỏng mất rồi. Sao ông Mạnh lại bán tống bán táng mọi thứ đi để rước về một thằng con đáng sợ như thế nhỉ?
– Ờ, kệ chú ấy. Tôi không quan tâm…
– Này, sao anh lại không quan tâm? – Mèo Bạch xù lông vì bị phật ý – Gia chủ có việc quan trọng như vậy mà anh lại không quan tâm? Này, này, dậy mau…
– Hừ, dậy để làm gì, hở con mèo nhiễu sự kia? Để tôi cố ngủ lấy sức. Chẳng bao lâu nữa tôi phải theo cậu Quý đi khỏi cái nhà này rồi. Cả cậu nữa, cậu cũng chẳng ở yên được đâu mà lắm chuyện.
– Thế hả? – Mèo Bạch gào lên chói tai – Tại sao anh lại nói như vậy? Đồ quái gở!
– Con mèo, có con mèo ở đâu? – Bỗng nghe tiếng Trọng quát to lên – Nó đâu rồi? – Chàng sục sạo với một đôi mắt dữ tợn, như thể tiếng gào ban nãy của mèo Bạch đã khuấy động tâm can đen tối của chàng.
Mèo Bạch lủi mất, trước khi Trọng nhìn thấy nó. Chó Mực cũng cúp đuôi, chui vào vựa củi nằm im.
Không biết lời của chó Mực nói đêm ấy đúng đến mức độ nào, nhưng từ ngày Trọng về, cuộc sống của gia đình trở nên nặng nề ảm đạm không chịu nổi. Bao nhiêu lần Lý Quý hỏi anh về cô bé Hồng, con gái của ông Bảy thương hồ. Nhưng Trọng trả lời: “Tao không biết”. Tuy vậy Quý vẫn không chịu thôi, chàng thường tìm cách gợi chuyện, xem Trọng có nhớ được gì liên quan đến cô bé Hồng không. Có lần, Trọng bực bội hỏi sẵng:
– Con bé ấy có gì để mày lo lắng đến như vậy? Mặc kệ nó, tao cũng chẳng biết nó sống chết như thế nào cả.
Quý lắc đầu:
– Em thì em không kệ được. Hồng là con gái của ông Bảy – mà gia đình mình với gia đình ông Bảy có khác gì ruột rà thân thích. Những năm anh bỏ đi, ông Bảy thiếu điều chết đi sống lại vì mất con gái. Bây giờ anh đã trở về rồi, thì cũng phải tìm Hồng cho cha con sum họp. Anh hãy giúp em, vì không ai khác ngoài anh đã biết Hồng đã đi đến đâu, làm gì…
– Xì! Mày khờ lắm! Tao có được trở về đây, cũng không thể sống suốt đời ở đây được. Trước sau gì tao cũng phải đi nơi khác. Chẳng qua tao mới “thoát vòng kiềm toả” nên phải chịu ngồi ru rú trong nhà thế này, để cho cha tạm yên lòng đã. Tao cấm mày không được cho ông Bảy biết tin tao về, nghe chưa? Phiền phức lắm, mất mạng như chơi. Còn chuyện đã qua rồi thì cho qua luôn nghe chú em! Rất cảm ơn chú biết thương yêu, nhường nhịn anh như thế này. Gần một năm trời sống trong cảnh đói khát, bị đày ải thật là thê thảm, giờ được ăn mặc sung sướng như thế này, được cha và em chăm lo đầy đủ như thế này, anh tự thấy mình có phước lắm rồi. Giờ thì đừng nhắc đến cô Hồng cô Xanh gì nữa nhé, anh chỉ thấy rờn rợn vì nhớ đến những ngày cùng túng mà thôi…
Được lời như cởi tấm lòng, Quý mỉm cười với anh:
– Anh cảm thấy thoải mái như vậy là tốt rồi, em cũng không mong gì hơn. Nhưng anh nên suy tính cho kỹ càng, để từ đây về sau không phải mắc tội mà sống trốn tránh nữa. Em định đi tìm Hồng một chuyến, nếu không thì thật là có tội với bác Bảy. Trong lúc em đi vắng, anh ở nhà chịu khó tiếp tục dựng lại lò gốm. Tiền bạc em sẽ giao hết cho cha, cần làm gì cha sẽ chỉ bảo anh cặn kẽ. Anh không phải lo gì cả. Cha sẽ truyền hết bí quyết cho anh, chỉ cần anh chú ý là sẽ hiểu ngay thôi mà. Còn em, em tin là sẽ tìm được Hồng. Đã tìm được anh ở giữa rừng nước Hà Tiên, thì chắc chắn cũng phải tìm được Hồng thôi, đúng không anh?
Lý Trọng gục gặc đầu cho qua chuyện, tâm trí chàng ta để cả vào chỗ tiền mà Quý nói. Còn Quý thì không ngờ vực gì cả, liền đi nói với cha ý định của mình.
Nghe Quý nói, ông Mạnh xúc động đến độ rưng rưng nước mắt. Ông nắm chặt bàn tay chàng mà nói:
– Không ngờ con lại là người sống có tình có nghĩa như vậy. Cha rất mừng. Con hãy giúp cha tìm con bé Hồng về, cũng là giúp cha tạ lỗi với ông Bảy. Còn anh con, vì phải ẩn giấu danh tánh nên khó mà lộ mặt, thì để anh ở nhà lo làm ăn. Anh em con, tuy hai mà như một, đúng không con?
– Thưa vâng – Quý đáp.
Nghe hóng được câu chuyện, mèo Bạch liền vội vàng thổi lại vào tai chó Mực. Chó Mực bật dậy, sủa váng lên. Quý lật đật chạy ra.
– Sao thế, chó Mực? Có người lạ tới sao?
– Không, chú Quý ạ. Nghe tin chú định ra đi, tôi muốn đi cùng chú.
– Tôi cũng muốn đi cùng chú! Mèo Bạch dụi đầu vào chân Quý năn nỉ.
– Ồ, không được đâu. Tôi đi rồi thì các bạn phải ở nhà trông nom nhà cửa, còn phải giúp cha tôi và anh Trọng dựng lò nữa. Tất cả tôi trông cậy vào hai bạn đó.
– Hừ… hừ… Chó Mực rền rĩ – Ở nhà có người như chú Trọng thì mười con chó già như tôi cũng chịu chết.
Quý ngồi xuống vuốt ve chó Mực và mèo Bạch, nói cả hai nên yên lòng vì Trọng là anh của chàng, vừa tài giỏi vừa khôn ngoan hơn chàng. Phải giúp Trọng làm lại tất cả mọi thứ, không thể vì một lần mắc tội mà bỏ mặc. Quý đi tìm Hồng lần này cũng là giúp cho Trọng quên đi những năm tháng lưu lạc mà thôi. “Rồi chúng ta sẽ có những ngày sống vui vẻ như trước đây!” Quý nói thêm.
***
Nhưng đó là một chuyến đi thất bại. Sau hơn hai tháng đi hết những nhánh sông lớn, rồi tìm kiếm qua những ngôi làng, kể cả những nơi hẻo lánh nhất, Quý vẫn không gặp được Hồng. Vì chàng chẳng biết nàng làm nghề gì cả. Những cô gái tên Hồng cỡ trạc tuổi nàng, Quý đều tìm đến, nhưng chẳng ai là cô bé Hồng ngày xưa cả. Chàng thầm trách mình đã thiếu cương quyết đối với Trọng. Nhất định mình phải trở về hỏi thật cặn kẽ về Hồng, phải tìm được Hồng bằng bất cứ giá nào.
Thế là Quý khăn gói trở về nhà. Bấy giờ đã là giữa mùa hè, cây cỏ chết khô, Quý đi giữa những cơn lốc bụi và mong sao sớm được về nhà. Chàng sẽ tắm cho thoả thích nơi bến sông nhà mình, rồi sẽ cùng mèo Bạch và chó Mực ra ngồi hóng mát ở căn chòi lá một đêm. Quý cũng nóng lòng muốn gặp mặt cha vì chàng rất thương nhớ cha. Chuyến đi này thất bại, chắc cha cũng buồn lòng lắm. Nhưng biết làm sao được, anh Trọng quả là con người ngang bướng và thiếu lương tâm. Có lẽ Quý phải nói thật với cha, nhờ cha hỏi chuyện anh Trọng mới được.
Thế nhưng bước chân vào nhà, Quý đã chẳng nghe thấy hơi nóng quen thuộc của lò nung gốm, cũng chẳng thấy Trọng đâu. Đồ đạc trong nhà như không cánh mà bay. Chỉ còn chiếc giường đơn độc ở góc nhà, nơi ông Mạnh đang nằm bất động, xung quanh chỉ có chó Mực và mèo Bạch đang rầu rĩ nhìn chủ. Ngửi thấy mùi của Quý, chó Mực chạy bổ ra, đúng hơn là nó khập khiễng một cách khó nhọc, nhưng sự vui mừng khiến nó quên cả đau. Nó cắn gấu quần của chàng kéo đi đến tận giếng nước mới nhả ra:
– Chú Quý ơi! Thằng Trọng nó ác quá. Chú đi rồi nó bắt ông phải đưa tiền cho nó. Ông không đưa, ông mắng nó. Thế là nó đánh ông, tôi nhảy vào liền bị nó đánh gãy chân luôn. Ngay cả anh Ô, nếu không dứt đứt dây cương chạy về phía núi Bửu Phong thì chắc cũng bị nó bắt đi rồi…
– Trời! – Quý kêu lên hoảng hốt. Chàng không ngờ Trọng lại làm như vậy. Không tiếc tiền bạc, nhưng lòng chàng đau đớn vì cha mình bị hành hạ bởi chính anh trai mình.
– Tôi nữa, tôi nữa! – Mèo Bạch cũng phóng ra, quấn lấy chân Quý – Nó bắt ngang lưng tôi. Úi trời, bàn tay nó cứng như sắt, nó mà nghiến một phát chắc là xương sống của tôi gãy làm đôi luôn quá. Nhưng tôi đâu có để cho nó ức hiếp tôi. Tôi quay đầu lại cắn vào tay nó một phát. Nó điên lên, ném tôi vào tường. Nhưng tôi đâu phải con mèo tầm thường nhút nhát, tôi đu ngay lên xà nhà, nó hết cách giết tôi…
– Thật tội nghiệp cho các bạn quá. Nhưng cha tôi, cha tôi có làm sao không? Để tôi vào thăm cha… Quý kêu lên
– Không sao, ông đang ngủ. Ông cũng đỡ nhiều rồi. May sao Trọng bỏ đi mấy ngày thì ông Bảy ghé. Chắc ông Bảy đến lấy hàng đi bán như mọi khi. Thấy ông bị như thế, ông Bảy liền ở lại để chăm sóc. Không có tiền, ông Bảy liền bán cái thuyền của mình để thuốc thang cho ông. Nếu không thì hôm nay chắc chú đã thấy mồ ông xanh cỏ rồi…
– Trời! Thế ra chiếc ghe nhỏ xíu cột dưới bến là của ông Bảy đó sao?
– Phải rồi! – Chó Mực kêu khùng khục trong cổ họng, đáp lại bằng giọng rất thê lương – Đành phải mua chiếc ghe để lấy cái mà đi lại chứ. Bây giờ chúng ta lại trở về với hai bàn tay trắng, như mười năm trước đây, cùng với một vết thương lòng do đứa con bất hiếu gây ra…
– Thế ông Bảy đâu rồi? Từ lúc tôi về không thấy ông ấy đâu!
– Ông Bảy đưa ngựa Ô vào rừng đốn củi rồi. Mèo Bạch vừa kể vừa rít khìn khịt – Chú Quý à! Nói thật cho chú biết, thấy chú đi lâu quá ông và ông Bảy đã nghĩ chắc chú gặp tai nạn gì, biết đâu đã chết rồi không chừng. Ông vật vã thật thảm. Ông Bảy thấy vậy nói rằng nếu chú không về thì ông Bảy bỏ sông nước về ở với ông luôn. Ông Bảy còn định dựng lại lò gốm, học cách nắn bình, nắn nồi để hai ông kiếm sống qua ngày, nhất là để giúp ông nguôi đi nỗi buồn tán gia bại sản. Ông bảo lo gì không làm được, giàu đôi con mắt khó đôi bàn tay mà lị.
Thế là Quý đã hiểu. Lòng chàng xúc động và biết ơn ông Bảy vô hạn.
Chàng muốn tìm ông Bảy để quỳ xuống tạ ơn đã cứu cha, đồng thời xin ông tha thứ cho anh mình. Nhưng giờ đây chàng phải vào với cha để ông yên lòng. Chàng tự nhủ sẽ không bao giờ rời xa ông nữa.
Khi ông Mạnh tỉnh dậy, nhìn thấy Quý ông đã không tin đó là sự thật. “Ta nằm mơ sao?” Ông lẩm bẩm, rồi khép con mắt đã đờ dại lại. Quý vội ôm lấy cha, khóc nức nở. Hồi lâu sau, ông mới thều thào với Quý:
– Cha xin lỗi con Quý ơi! Ngày trước cha đã không phải với con, không tin con, không thương con… Cha xin lỗi con…
– Cha ơi! Xin cha đừng nói như vậy. Xin cha hãy giữ gìn sức khoẻ, để sống cùng con… Con sẽ làm lại từ đầu, con sẽ không bao giờ rời xa cha nữa đâu, cha ơi! Anh Trọng…
– Đừng nhắc đến thằng con trời đánh ấy nữa. Từ bây giờ nó không phải là con của Lý Mạnh này nữa…
____________
[1] Khúc sông chảy qua thành phố Biên Hòa ngày nay.
Thấy Quý bình yên trở về, ông Bảy lại chia tay ông Mạnh, tiếp tục cuộc sống khách thương hồ. Quý lao vào công việc làm gốm như trước kia. Nhờ có đôi tay khéo léo, lành nghề cùng với sự cố gắng, chăm chỉ mà chàng đã dần dần gây dựng lại lò gốm lớn nhất vùng Biên Trấn…
KỲ 3: TRẠNG GỐM 
VI.
Thấy Quý bình yên trở về, ông Bảy lại chia tay ông Mạnh, tiếp tục cuộc sống khách thương hồ. Quý lao vào công việc làm gốm như trước kia. Nhờ có đôi tay khéo léo, lành nghề cùng với sự cố gắng, chăm chỉ mà chàng đã dần dần gây dựng lại lò gốm lớn nhất vùng Biên Trấn. Chàng chuộc lại được toà nhà cũ cùng những lò gốm của mình, bởi người chủ sau này không yêu nghề mà việc làm ăn càng ngày càng lụn bại, cuối cùng lại phải giao tất cả lại cho Quý. Họ còn nói: “Tôi thật nể phục chú. Bởi vì tôi không chịu học nghề đến nơi đến chốn, không cố gắng hàng ngày nên tôi bị thất bại là đáng đời tôi. Biết đâu sau này tôi sẽ noi gương chú, làm lại từ đầu! Không biết chú có giúp tôi học nghề thêm được không?” Thế là hai bên vui vẻ giao ước với nhau phải cố gắng nhiều… nhiều hơn nữa. Chàng lại mua cho ông Bảy một con thuyền lớn, giúp ông chọn những người giúp việc trung thành. Đồng thời chàng âm thầm nhờ người đi tìm Hồng ở khắp nơi. Có lần ông Bảy nói rằng có lẽ con gái ông đã chết, vì nếu còn ân oán với Trọng, còn nhớ thương cha, nhất định Hồng đã trở về đây rồi. Nhưng Quý vẫn nuôi hy vọng sẽ có ngày cha con họ được đoàn tụ. Chàng tin rằng Hồng không phải là người tham lam và hư đốn như Trọng, nàng chắc chắn sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc đời.
Ông Mạnh chỉ sống được khoảng bốn năm sau khi Trọng bỏ đi. Trước khi mất ông đã gọi Quý đến, và lại ngỏ lời xin lỗi chàng:
– Càng thấy con vất vả cha càng ân hận, vì ngày xưa thường mắng chửi con. Ta tuy là cha mà không giữ phép công bằng, đã quá nuông chiều thằng Trọng, để con phải thiệt thòi. Cha chết đi cũng chẳng có gì để lại cho con, nhưng thấy con được như ngày nay cha cũng vui lòng mà nhắm mắt. Còn lại một mình con hãy sống vui vẻ, và nghĩ rằng cha lúc nào cũng ở bên con. Những lúc gặp khó khăn, con cũng đừng ngã lòng nghe con…
Nói rồi, ông trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay Quý. Từ đây Quý không còn cha mẹ trên cõi đời này. Chàng nghe thấy tiếng rít khoái trá đến cực độ của nữ thần Bóng tối ngoài cửa. Có lẽ mụ đã chực chờ từ lâu lắm rồi. Vì thế Quý quyết không buông xác cha ra, chàng không thể để mụ cướp mất trái tim người cha yêu thương nhất đời mình.
Ông Bảy cũng kịp đến khi ông Mạnh vừa nhắm mắt. Ông khuyên can Quý không nên nghĩ quẩn như thế, phải tẩn liệm cho cha và làm lễ mai táng đàng hoàng.
Chàng khóc:
– Con sẽ dâng trái tim con cho mụ ấy, để cha con được sống lại…
Ông Bảy hết sức kinh ngạc khi nghe Quý nói: “Con sẽ dâng trái tim con cho mụ ấy…” Ông thầm nghĩ có lẽ vì quá đau buồn mà Quý đâm ra nói nhảm. Ông dỗ dành Quý:
– Con ơi! Lá rụng về cội, nước chảy về nguồn. Người chết lại trở về với đất. Con đừng như thế này tội nghiệp cha con lắm.
Rồi ông kể cho Quý nghe một điều bí mật mà cha chàng đã không bao giờ kể. Trong một đêm cũng như đêm này mười mấy năm trước, cha chàng đã nghe tiếng gió thét gào ngoài mặt sông. Ông đã định buông xuôi để chúng cuốn ông vào cõi chết, vì đối với ông lúc ấy, Trọng đã bỏ đi mang theo tất cả những dự định tốt đẹp của đời ông. Song lúc mở mắt ra, ông nhìn thấy Quý, đứa con trai nhỏ của mình đang nằm gục bên chiếc bàn xoay, xung quanh là những chiếc bình dị dạng do chính tay nó làm ra. Tình yêu với đất, với lửa sống dậy trong ông, ông định làm tặng cho con một chiếc bình cuối cùng, để nó nghĩ rằng sự cố gắng của nó cuối cùng cũng có chút kết quả. Đó chính là chiếc bình tươi rói màu đất mà Quý nhìn thấy sau giấc mơ ngắn ngủi. Người cha đã chứng kiến sự vui mừng của Quý, và rất hiểu ý định dùng chiếc bình để chứng minh với cha sự cố gắng của mình. Nhưng chàng đã không dám mang lên cho cha xem. Chính sự trung thực cùng lòng hiếu thảo của Quý đã khiến ông nghĩ lại. Ông phải quyết tâm hồi phục để giúp con chí thú với nghề gốm nhiều hơn, để khỏi phải hổ thẹn trước vong linh của các vị tổ tiên.
Khi ông Bảy kể xong câu chuyện, gió bên ngoài cũng ngừng thổi. Thay vào đó là những ánh ban mai tươi sáng hiện ra, cùng bài ca của những thiên thần bé nhỏ: “Hỡi chàng Lý Quý, con trai người thợ gốm! Hãy trả trái tim tràn đầy tình yêu của cha mình cho thần Đất. Thần là người sẽ gìn giữ nó thay chàng. Để đến khi nào chàng nhắm mắt xuôi tay giống như cha, trái tim chàng sẽ được gắn kết với trái tim cha mình. Ngọn lửa mà chàng nhen lên mỗi ngày sẽ góp phần xua đi bóng tối và cái lạnh, và chúng ta sẽ cùng chiến đấu với nữ thần Bóng tối, đuổi mụ trở về chốn tận cùng trong hang tối. Chàng hãy dồn sức mạnh của đôi tay cho trái tim chàng, hãy can đảm gấp đôi gấp ba lần cho những người mà chàng yêu thương…”
Những chú chim rừng cũng bay về, và đồng thanh hót: “Quý ca! Quý ca!” Thế là sự đau buồn trong lòng Quý dịu lại. Chàng đi mở tất cả những cánh cửa, để lễ an táng cha chàng được tràn đầy ánh sáng.
Vài ngày sau, khi cha đã được yên nghỉ trong lòng đất, Quý lại tìm về với niềm vui của tuổi thơ. Chàng một mình leo lên núi Bửu Phong lúc tinh mơ, và đu mình trên những sợi dây leo thật chắc, chàng mỉm cười nhìn dòng sông mênh mông cuộn chảy. Chính chàng đã đi trên dòng sông ấy và đã thấy được vẻ đẹp chân thật của nó. Thật là không có gì sánh bằng sức mạnh của con sông. Nó đã tưới đẫm cho vùng đất xanh tươi chàng đang sống, bằng dòng nước ngọt ngào và ấm áp.
Quý hú lên mấy tiếng thật to. Thế là rùng rùng – cả ngọn núi chuyển động. Bầy dê thân yêu xuất hiện, chồm cả hai chân trước lên vai, lên tay Quý. Thì ra chúng đã không quên người bạn đã cùng dãi dầu mưa nắng suốt tuổi thơ với chúng. Quý nhận ra tất cả, và mỉm cười vuốt ve con cái của chúng – những chú dê con vừa nhìn Quý vừa cãi cọ inh ỏi xem chàng là ai. Chúng tranh nhau kêu be be váng cả tai. Quý báo tin cho bầy dê biết rằng cha mình đã mất, và ông đã dặn dò lại những gì. Cả bầy dê cùng quay đầu về phía ngôi nhà của Quý, nơi bến sông thuở trước, Quý vẫn thường dắt chúng đi ăn cỏ, uống nước; để tiễn biệt người chủ nhân từ của mình. Theo lời kể của con dê đầu đàn thì ngày xưa, khi bọn cướp tràn vào làng, cha Quý đã đánh nhau với chúng để cả bầy dê chạy thoát vào hẻm núi đá, còn mẹ Quý vì ngăn không cho chúng đốt nhà mà phải thiệt mạng… Sau đó, hai bên chia tay nhau một cách bịn rịn. Con dê đầu đàn nói với Quý: “Chú hãy lên đây với chúng tôi. Bây giờ chúng tôi đã trở thành dê núi rồi, nhưng vẫn nhớ chú và mọi người lắm. Cho chúng tôi hỏi thăm chó Mực và mèo Bạch, cả anh ngựa Ô nữa nhé!”
VII.        
Ông Mạnh mất được hơn một trăm ngày thì Trọng tìm về. Chàng ta ôm lấy nấm mồ của cha khóc lóc vật vã, tỏ ra ăn năn hối lỗi rất thảm thiết. Tuy rất giận anh, song Quý cũng tìm cách an ủi chàng. Khi đã nguôi cơn xúc động, Trọng thổn thức nói với em:
– Anh là một thằng con không ra gì, chắc là cha giận anh lắm. Nhưng em ơi! Anh có nỗi khổ tâm của riêng mình, bây giờ anh chỉ còn có một mình em, em phải tin anh. Em mà không tin anh nữa thì anh chỉ còn cách đâm đầu xuống sông mà thôi, Quý ơi!
– Thôi, thôi, đừng nói như vậy. Em cũng chỉ còn một mình anh thôi. Anh có nỗi khổ gì thì hãy nói với em để em tìm cách giúp anh. Miễn là đừng làm gì thất đức thôi.
– Thật hả? Em tin anh hả? – Trọng vội nín khóc, níu áo em kể lể – Em biết không? Chung quy cũng là thằng công tử Nguyễn Bảo ấy. Chính hắn chỉ vẽ cho cha mướn thuyền, giả người của triều đình vào Hà Tiên để cứu anh. Nhưng chính hắn cũng là người âm mưu cướp đoạt gia sản nhà mình. Lần em đi tìm Hồng, hắn đã mò đến đòi tố cáo anh ra quan phủ. Người ta mà biết anh trốn án lưu đày thì chỉ có nước mọt gông thôi. Anh sợ quá nên mới ép cha lấy tiền đưa cho hắn, hòng bịt miệng hắn. Vậy mà lòng tham không đáy, hắn cứ liên tục ép bức khiến anh sợ quá trốn đi luôn. Nghe đâu bây giờ hắn đã ra hàng giặc, làm quan cho ngụy triều. Bởi thế anh càng không dám ra mặt, sợ dính líu với phản tặc thì khó mà thoát tội tùng xẻo. Anh đã phải sống trốn tránh năm năm nay, màn trời chiếu đất, trốn chui trốn lủi, khổ nhục lắm Quý ơi! Nếu sớm biết như vậy thì cha đừng tìm cách cứu anh làm gì, cứ để anh vùi thây ở đất Hà Tiên cho rồi…
Những lời ấy làm mủi lòng Quý. Chàng nói rằng anh hãy bình tĩnh, trước mắt cứ ẩn mình trong toà nhà rộng của chàng. Còn công tử Nguyễn Bảo, nếu thật sự hắn đã ra làm quan cho ngụy triều thì không còn sợ bị hắn tố cáo nữa. Chàng sẽ tìm cách xin quan phủ tha tội cho Trọng. Vì không ai có thể suốt đời sống chui nhủi ngoài vòng pháp luật được.
Nghe Quý nói đã chuộc lại được toàn bộ gia sản, nghề gốm lại đang rất khấm khá, Trọng bỗng thay đổi thái độ. Chàng nói: “Quý ạ! Chú chẳng thể nào xin quan phủ tha cho tôi được. Thà chú trói tôi mang nộp quan để lĩnh thưởng thì hơn. Còn đã muốn để cho tôi một con đường sống, thì phải chia lại cho tôi một nửa gia sản mà cha để lại, để tôi có cái mà làm ăn sinh sống. Còn chuyện sống trốn tránh, thay tên đổi họ thì chú khỏi lo. Tôi đã sống như vậy bao nhiêu năm rồi. Tại số mệnh của tôi không tốt, nên cứ mắc hết tai nọ đến nạn kia. Đâu được may mắn giàu sang như chú. Ngày ấy nếu tôi không bỏ lên đô thành thì chú đâu có cơ hội mở lò, tậu nhà được như bây giờ. Tôi nói như vậy bởi vì tôi muốn có anh có em. Có chút vốn trong tay chắc chắn tôi sẽ sống đàng hoàng hơn…”
Nghe anh nói, Quý bỗng hiểu Trọng vẫn ngang ngược và tham lam như ngày nào. Nhưng chuyện trước đây không rõ thực hư thế nào, cha cũng đã mất rồi, không nên vì thế mà tranh cãi làm gì. Vả lại, chàng vẫn luôn mong mỏi anh mình quên đi kiếp sống giang hồ mà làm lại cuộc đời. Chàng nói:
– Hai anh em mình đều chưa có vợ con gì, thì cứ cùng ở cùng làm với nhau, cần gì phải chia chác? Vả lại em không yên tâm để anh quyết định một mình bất cứ chuyện gì, nên cứ từ từ…
– Từ từ là thế nào? – Trọng liền cướp lời Quý. Người đời có câu: “Quyền huynh thế phụ”, vậy mà tôi lỡ mắc tội thì chú không còn tôn trọng tôi nữa. Ngày chú còn nhỏ, ai làm bình, nắn nồi để nuôi chú? Chú đừng quên ngày ấy chú suốt ngày chạy rông với bầy dê bẩn thỉu, chẳng làm nên tích sự gì…
Sau khi buông lời trách móc. Trọng đùng đùng bỏ đi. Quý đã suy nghĩ rất nhiều, càng lúc càng thấy đau lòng vì anh chàng không chịu hiểu thiện ý của chàng. Mình phải làm sao đây?
Vài ngày sau, Trọng lại về. Lần này, chàng ta tỏ vẻ biết điều hơn, đã ngỏ lời xin lỗi em rồi thủ thỉ tâm tình:
– Lần trước em đi tìm Hồng mà không được phải không? Nghĩ lại, anh thấy mình tệ quá. Anh phải đi tìm nàng, cưới nàng làm vợ để bù đắp cho nàng bao nhiêu là mất mát trước đây. Thôi thì em hãy cho anh ít tiền lộ phí, để anh đi. Đằng nào anh cũng là tội nhân rồi, có sống chết cũng không quan trọng nữa. Nhưng tội nghiệp Hồng…
Quý gật đầu, chàng hiểu. Thấy chàng suy nghĩ đến đau cả đầu, mèo Bạch lân la góp chuyện. Chẳng ngờ Quý lại hỏi ngay:
– Tôi sẽ đi tìm Hồng một lần nữa. Mèo Bạch có muốn đi cùng tôi không?
– Hử? Chú nghĩ gì mà lạ vậy? Chú đi rồi lấy ai trông lò gốm, lấy ai chăm sóc mộ của ông bà? Chú đừng nói là mọi việc lại giao cho cái thằng đầu trộm đuôi cướp đó nghe không.
– Đừng nói vậy mà mèo Bạch. Anh em tôi chỉ có hai người. Môi hở thì răng lạnh. Tôi không muốn anh tôi chịu khổ, mặc dù anh ấy có tâm địa không tốt thật, nhưng tôi nỡ lòng nào nhìn anh suốt đời sống như một kẻ giang hồ, không có gia đình, không người thân thích được…
Nói rồi, Quý đi chuẩn bị hành trang. Mèo Bạch vội loan báo tin này cho chó Mực:
– Anh Mực này! Lời anh nói đã trở thành sự thật rồi đó. Lần này thì chú Quý hỏi tôi có thích đi với chú hay không đó.
Đang rờ rẫm chuẩn bị khoanh đuôi nằm xuống, chó Mực liền nhảy cỡn lên, hối hả bảo mèo:
– Đến lúc rồi, đi thôi. Để tôi ra báo tin cho ngựa Ô biết…
Thế là lấy lại sức lực của thời trai tráng, chó Mực liền phóng đi.
Trước khi ra đi, Quý nói với Trọng:
– Anh nói đúng, cha mất rồi thì anh có khác gì cha. Anh lại còn có Hồng, phải chăm lo cho nàng. Còn em chỉ có một thân một mình nên sống sao chẳng được. Vậy nên từ nay anh ở lại đây, trông coi lò gốm và chăm sóc mộ phần mẹ cha cho tử tế. Cũng từ nay, anh mang thân phận của em, anh là chàng Lý Quý. Hai anh em ta khá giống nhau nên chẳng ai để ý đâu. Vả lại em cũng suốt ngày đầu tắt mặt tối, chẳng giao du với ai nên anh không phải sợ gì hết. Em trao lại tất cả gia sản và bí quyết nghề gốm cho anh, để anh có thể suốt đời tận hưởng phú quý. Nhưng kèm theo là một điều kiện, anh phải thề thì em mới yên lòng mà lên đường được.
Nghe Quý nói, mắt Trọng sáng rỡ lên. Chàng ôm lấy người em trai, nước mắt vãi ra như mưa:
– Quý ơi! Sao mà em tốt thế? Anh thật là có phước lớn khi có người em như em. Em hãy yên tâm, anh sẽ làm tròn bổn phận của người con trưởng để em ra đi cho thoả chí tang bồng. Em bắt anh thề với em một lời, chứ một trăm lời anh cũng thề. Em hãy cứ tin anh…
– Vậy được. Quý nói tiếp – Từ nay anh phải sống như mọi người bình thường khác, phải chí thú làm ăn, không được tham lam, không được hại người. Nơi đây có nấm mộ của cha của mẹ, anh phải lo hương khói cho đàng hoàng và không được động tâm bỏ đi nơi khác. Đây là cơ hội cuối cùng cho anh làm lại cuộc đời, anh có hiểu không?
– Anh hiểu, anh hiểu lắm chứ. Nếu anh không làm được những điều em nói, thì thề có trời cao đất dày, anh sẽ bị sét đánh chết tươi, muôn kiếp không được làm người…
Thấy Trọng thề thốt như vậy, Quý vội ngăn lại:
– Anh à, em đâu cần anh thề độc như vậy. Chỉ cần anh hiểu ra đạo làm người và cố gắng làm theo, thì em sẽ làm mọi việc giúp cho anh. Chuyến này em đi tìm Hồng, và cũng là để mở mang thêm đầu óc. Trái đất xoay vần, chắc chắn anh em ta sẽ được may mắn chung hưởng hạnh phúc cùng nhau…
Đoàn lữ hành đi xuyên qua rừng Nai, bắt đầu cuộc hành trình về miền ngược, vì Quý nghĩ đã đi hết vùng đồng bằng mà không gặp Hồng, thì có lẽ nàng đang lưu lạc ở những vùng người dân tộc thiểu số. Trong tâm trí chàng, Hồng không thể nào chết được. Chàng vẫn nhớ mãi nụ cười duyên dáng cùng cái vẫy tay lưu luyến của nàng. Vẻ đẹp hồn nhiên ấy không thể mất đi được. Và lý do mà Quý chưa lấy người con gái nào làm vợ, cũng là chàng muốn tìm người thật giống như Hồng. Tuy không có căn cứ gì cả, nhưng chàng vẫn tin tưởng là mình sẽ tìm được nàng.
Ngày ngày, Quý ngồi trên lưng ngựa Ô, còn mèo Bạch ngồi trên lưng chó Mực. Song đôi khi bực bội vì chó Mực bước đi lừng khừng chậm chạp, mèo nhảy phắt lên lưng ngựa Ô, ngồi gọn trong lòng Quý. Thường thì mèo khá xông xáo trong những trò sục sạo các hốc đá, bụi cây, nhưng chỉ bắt được vài ba con chuột nhắt hay rắn mối cho riêng mình, còn cái ăn cho chủ thì chó Mực phải ra tay. Chỉ một loáng, chó Mực đã bắt được một con thỏ to hay một con gà rừng mang về. Quý đào củ, hái cây rừng và chia phần rất công bằng. Thường thì sau một ngày mệt nhọc, đoàn lữ hành lại quây quần bên đống lửa được Quý nhen lên, cùng nhau ăn uống, nghỉ ngơi và kể đủ mọi chuyện vui trên đời. Quý và những người bạn thân yêu lại được sống những ngày vui vẻ như trước đây.
Vừa chầm chậm rảo bước trên những con đường mòn nhỏ hẹp, ngựa Ô vừa nói với Quý: “Chú xem, những bông hoa dại dưới chân chúng ta kìa. Thật là đẹp. Đẹp hơn cây cỏ nơi bến sông nhà mình…” Khi cả đoàn băng qua một con suối nhỏ, ngựa Ô lại nhắc Quý chú ý đến những hòn đá trắng nằm trong làn nước trong veo. Đến các buôn làng, ngựa Ô thường hấp háy mắt nhìn họa tiết của các ngôi nhà và trên y phục của người dân. Nó rất biết ý chủ, vì Quý rất thích ngắm nhìn những thứ ấy. Chàng thường vẽ lại tất cả bằng những mẩu than chì vào quyển sổ riêng của mình. Tất cả sổ sách, ghi chép trước đây Quý đều để lại cho Trọng, nhưng chàng luôn tự nhủ sẽ có lúc chàng tiếp tục làm nghề thợ gốm. Vì vậy Quý vẫn luôn chăm chỉ ghi chép lại những hình khắc, lộng, những hoa văn, hình vẽ lạ mắt. Chàng tự nhủ nếu anh Trọng được nhìn thấy những vẻ đẹp mới mẻ này, chắc chắn anh ấy sẽ tiếc những năm tháng đã qua. Không biết cuộc đời có cho hai anh em một cơ hội được sống gần nhau, cùng chăm lo công việc không nhỉ?
Đi đến đâu Quý cũng giúp cho người dân những việc nho nhỏ, như đào giếng, trồng khoai, tỉa bắp, dựng lều. Ngựa Ô gánh vác những trọng trách như thồ đá, chở gỗ. Vì vậy, đi đến đâu Quý và những người bạn cũng được mọi người yêu thương kính trọng. Họ muốn giữ chân chàng ở lại thật lâu, nhưng Quý lễ phép chối từ, vì chưa tìm được Hồng thì chàng chưa thể dừng chân được.
Một hôm, trong lúc đang băng qua một khu rừng rậm có rất nhiều bụi gai cao ngất, đan chằng chịt như một bức tường thành. Vừa đi Quý phải vừa phát bớt gai. Bỗng có một toán người chạy đến. Họ ăn mặc giống người ở đồng bằng, nhưng lại mang theo vũ khí. Một người trong số họ bị thương ở vai, máu chảy rất nhiều, được ba người kia vừa dìu vừa chạy. Có lẽ họ đang trốn chạy ai đó, quần áo tả tơi, kiệt sức. Nhìn thấy Quý, họ vội dìu kẻ bị thương chạy hướng khác một cách hoảng hốt. Thấy vậy, Quý liền bảo ngựa Ô chạy theo xem có chuyện gì.
Toán người rút kiếm ra chuẩn bị ứng phó với kẻ lạ mặt, nhưng Quý ôn tồn nói:
– Xin đừng ngại, tôi chỉ là một thường dân, thấy quý vị đang gặp hoàn cảnh ngặt nghèo thì hỏi thăm, xem có giúp được gì không?
Sau một thoáng nghi ngại, họ thu kiếm lại, và nói thật nhanh:
– Không giấu gì anh, chúng tôi là nghĩa quân đang bị quan quân ngụy triều truy sát. Chủ tướng của chúng tôi đang bị thương nặng. Chúng tôi chết không sao, nhưng nếu chủ tướng mà chết thì kể như nghĩa quân sẽ tan rã, bọn ngụy triều sẽ ức hiếp, làm khổ muôn dân. Sẵn anh có ngựa ở đây, phiền anh đưa chủ tướng của chúng tôi đi trốn…
– Được – Quý trả lời ngay – Chàng nhảy phắt xuống để đỡ chủ tướng của nghĩa quân ngồi lên lưng ngựa Ô. Tình thế thật cấp bách, chàng nói vội vào tai nó : – Này ngựa Ô, hãy đưa vị này đến nơi an toàn. Ta và mọi người sẽ lần theo dấu vết của cậu.
Ngựa Ô gật đầu rồi biến mất sau rừng gai.
– Kìa, sao anh lại ở đây? Nguy hiểm lắm – Mọi người quát bảo Quý.
– Không sao, tôi phải ở lại cùng quý vị. Thêm một người biết đâu sẽ có ích hơn nhiều đấy.
Lát sau, quân của ngụy triều ập đến rất nhanh. Thật là không cân sức, phía nghĩa quân, kể thêm Quý chỉ có bốn người, nhưng đối phương phải có đến bốn năm chục người. Một cuộc hỗn chiến xảy ra trong rừng gai. Đến lúc ấy mọi người mới biết là Quý cũng biết võ nghệ; đây là lần đầu tiên chàng dùng đến những món võ mình đã học. Chàng chiến đấu dũng cảm không thua một nghĩa quân nào, mặc dù trong tay không có vũ khí. Chó Mực và mèo Bạch cũng nhảy bên này, chồm bên kia rất điệu nghệ, thậm chí còn xông vào cắn tay kẻ nào định chém Quý, chủ nhân của chúng. Nhưng cuối cùng, họ đã không địch lại được với bọn nguỵ quân khát máu, tất cả đều bị chúng bắt trói.
– Đâu rồi, chủ tướng của chúng bay đâu? Khai mau, không ta giết! – Viên tướng của chúng quát lên, khiến Quý ngờ ngợ hình như người này rất quen với chàng.
– Không bao giờ, một nghĩa quân khẳng khái trả lời – Chúng ta thà chết chứ không bao giờ lừa thầy phản bạn như ngươi.
– Á à, dám mỉa mai ta sao? – Viên tướng lồng lộn quát lên, vung roi quất vào những người tù binh – Ta sẽ không tha cho chúng bay đâu!
“Chết rồi!” Quý bỗng chột dạ. Chàng đã nhận ra Nguyễn Bảo, người đã từng kết huynh đệ rất thân thiết với chàng cho đến ngày Trọng bỏ nhà đi lần thứ hai. Phen này nếu nhận ra Quý không biết hắn ta sẽ bày trò gì đây, nhất là Lý Trọng, anh chàng, còn đang sống ở quê nhà, đội tên chàng…
Nghĩ vậy, Quý cứ cúi gằm mặt xuống. Nhưng Nguyễn Bảo không bỏ sót một cử động nào của những tù binh. Hắn đưa tay kéo mặt chàng lên, và ngay lập tức nhận ra chàng.
– Ồ, Lý Quý! “Cố nhân” đây mà. Sao đệ lại chui vào nơi rừng thiêng nước độc để làm gì? Thì ra người đang quản lý lò gốm ông Mạnh chính là Lý Trọng đó sao? Gớm, anh em của đệ kín tiếng thật. Tại sao đệ lại đi theo bọn người phản loạn này? Đệ thật là dại dột! Đáng thương thay!
Quý không thèm đáp lời Nguyễn Bảo. Chàng thầm nghĩ. Vậy là mình đã hành động đúng, mình không phải hổ thẹn khi giúp nghĩa quân. Quá tức tối, Nguyễn Bảo ra lệnh đưa tù nhân về doanh trại. Ở đây, hắn hết dụ dỗ ngon ngọt lại dọa nạt Quý. Hắn hứa sẽ tiến cử chàng cho “vua” của hắn. Chàng là người có tài, chắc chắn là sẽ được hưởng nhiều vinh hoa phú quý nếu chàng chịu khai ra nơi chủ tướng đang ở, và chịu theo hắn.
– Tôi không biết – Quý đáp trước sau như một. Tôi chỉ là một anh thợ gốm nghèo, nên chẳng mơ đến vinh hoa phú quý làm gì…
Lại nói đến cặp đồng minh chó Mực và mèo Bạch. Khi lâm trận thì hăng hái vậy, nhưng đến khi chủ nhân bị bắt, chúng vội lủi ngay vào bụi gai, lấm lét nhìn ra. Nhận ra Nguyễn Bảo, chó Mực liền nhe nanh định xông ra, nhưng mèo Bạch ngăn lại: “Đừng mạo hiểm, hắn chỉ cần hắt hơi một cái cũng đủ cho bọn tay chân bao vây kín khu rừng này, và giết anh rồi. Cứ để chúng dẫn chú Quý và mấy người kia về doanh trại, ta sẽ tìm cách cứu chú ấy sau. Chúng sẽ không dám giết chú ấy ngay đâu…”
Phân công chó Mực đánh hơi đi tìm ngựa Ô về để giải cứu cho chủ, mèo Bạch ở lại thám thính mọi ngõ ngách trong doanh trại của Nguyễn Bảo. Chứng kiến cảnh Nguyễn Bảo đe doạ rồi lại ve vãn mong Quý khai ra sự thật, nhưng bị Quý một mực cự tuyệt, mèo Bạch rất phấn chấn. Từ trên xà nhà thật cao, nó khích lệ chủ nhân: “Meo, meo! Tôi đây chú Quý ơi! Chú đừng nản lòng, đừng nghe lời ngon ngọt của hắn. Chúng tôi sẽ tìm cách cứu chú và các anh em… Meo, meo…”. Nghe tiếng mèo kêu, Nguyễn Bảo nổi xung, hắn ra lệnh thủ hạ bắt lấy con mèo láo xược. Song đố cách gì mà bắt được! Và đố mà biết được điều gì đang chờ đợi kẻ bất trung bất nghĩa như hắn.
Đúng như vậy, chỉ năm ngày sau, ngựa Ô và chó Mực đã trở lại, cùng với hơn năm mươi nghĩa quân nai nịt gọn gàng. Trong đêm, họ đột nhập vào doanh trại nguỵ quân, khiến chúng trở tay không kịp. Nhờ có mèo Bạch dẫn đường, Quý và các nghĩa quân nhanh chóng được giải cứu. Họ quay sang truy tìm Nguyễn Bảo và thủ hạ của hắn. Tuy nhiên, khi mới được báo động, hắn đã nhanh chóng xa chạy cao bay, để cho hơn ba trăm quân lính bị bắt sống. Nghĩa quân đã lập được công lớn, hạ được doanh trại giặc, thu được rất nhiều vũ khí và lương khô. Quý cùng những con vật trung thành của mình được đưa về ra mắt vị chủ tướng hôm ấy.
Gặp lại Quý, ông ta vui mừng mở tiệc khao quân, và khen ngợi chàng:
– Đúng là làm nên sự nghiệp lớn nhờ gặp được người hiền. Nếu không có quý nhân ngày hôm ấy thì chẳng những ta bị mất mạng, mà nghĩa quân cũng tan đàn xẻ nghé, cầm chắc sự thất bại. Ta cùng anh em tụ nghĩa đã ba năm, vì căm ghét bọn cường hào ác bá, sâu dân mọt nước cõng rắn về cắn gà nhà, nên đã quyết tâm tôn phò vua Quang Trung tài giỏi anh minh. Nhưng bọn nguỵ triều vẫn luôn thừa cơ phản loạn. Đây lại là vùng trọng yếu nên giang sơn khó tụ về một mối, dân tình còn phải chịu bao nhiêu nỗi lầm than. Hôm nay nhờ có mối cơ duyên ngàn năm có một mà ta đây được đệ cứu sống, thật là phúc lớn. Vậy chúng ta nên kết làm huynh đệ, sống chết có nhau. Ta là Lê Hữu, nhiều tuổi hơn, làm anh, đệ thấy có được không?
Sau một hồi ngần ngại, Quý đã nhận lời Lê Hữu, vì chàng thấy vị chủ tướng này có vầng trán rộng, đôi mắt sáng và giọng nói rất thành thực. Lê Hữu rất vui mừng nói với chàng.
– Tuy kết nghĩa là huynh đệ, nhưng ơn cứu mạng của đệ, huynh không bao giờ quên. Đệ lại có những con vật trung thành, thông minh, dũng cảm như vậy, nên từ nay đệ sẽ giúp ta huấn luyện nghĩa quân. Đệ thấy thế nào? Phần đệ, đệ có muốn ta làm gì cho đệ không?
– Thưa không. Đệ xin hết lòng hoàn thành công việc được giao. Nhưng gia đình đệ vốn làm nghề thợ gốm. Đệ còn một người anh hiện đang sống trong vùng thương cảng ở Trấn Biên. Vốn trước đây anh của đệ mắc tội, được Nguyễn Bảo bày mưu cứu thoát, chính hắn là người dẫn đệ đi gặp quan phủ, nên cũng có nhiều ân oán với hắn. Nay hắn đã biết rõ tung tích của đệ, e rằng anh của đệ khó lòng được sống yên ổn. Vậy nên đệ tha thiết mong đại huynh giúp đỡ cho anh của đệ…
Nghe nhắc đến Nguyễn Bảo, Lê Hữu chợt tím mặt, không kiềm chế được đã đập bàn nói:
– Đệ đã là người cùng một nhà, thì ta không giấu đệ làm gì. Chính thằng Nguyễn Bảo ấy đã dẫn quân về thành Gia Định, bao vây và giết chết cha ta. Cha ta chính là quan phủ Lê Học mà đệ vừa nhắc đến đó. Không những thế, hắn còn truy sát ta để lập công lớn, hòng thăng quan tiến chức, định làm “Khai quốc công thần” cho bọn nguỵ quân. Phen này ta quyết không tha cho hắn. Đệ hãy yên tâm. Ta đã liên lạc được với quân đội của vua Quang Trung, không chóng thì chày ta sẽ trở về hỏi tội tất cả những kẻ bất trung bất nghĩa như Nguyễn Bảo, trả lại cuộc sống bình yên cho dân lành…
Lý Quý đỡ Hồng lên lưng ngựa Ô. Đoàn người bắt đầu vượt qua dãy núi cao ngất trong cảnh hoàng hôn buông xuống. Họ đi không ngừng nghỉ, vì ở bên kia những sườn núi hoang vu, lãnh địa tăm tối của nữ thần Bóng tối, là một bình minh sáng rạng đang chờ đợi họ. Họ sẽ trở về nơi ấy, sống cuộc sống của những người dân suốt đời yêu thương và gắn bó với quê hương xứ sở.
KỲ 4: NGƯỜI TRAI ĐẤT VIỆT
VIII.
Đúng như lời Lê Hữu nói, chỉ nửa năm sau, từ vùng thượng nguồn Phước Long giang đến tận Phiên Trấn (Hà Tiên), bọn ngụy quân bị quét sạch. Bọn tay sai của ngụy triều, trong đó có Nguyễn Bảo tuy được tha tội chết, nhưng đều bị đày xuống Bạc Liêu, Hà Tiên để phá rừng, lập ấp, ba đời không được ứng thí làm quan.
Lê Hữu được làm quan phủ thay cha. Ông ta cũng tiến cử Lý Quý lên vua Quang Trung, nhằm xin cho chàng có một chức quan. Nhưng Lý Quý vội vàng từ chối. Chàng tình thực tâu với nhà vua rằng chàng xuất thân từ nghề thợ gốm, ước nguyện của chàng là được trở thành người thợ gốm lành nghề, làm nên những đồ dùng đẹp đẽ cho cuộc sống người dân, chứ không thích làm quan. Nghe chàng bày tỏ như vậy, vua Quang Trung đã hết lời ngợi khen và cho phép chàng mở lò gốm ngay trong khu vực hoàng thành.
Khi ấy, vua Quang Trung đang muốn mở rộng bang giao với các nước láng giềng. Vì vậy, thấy đồ gốm của Quý làm ra thật đẹp và độc đáo, vua đã đặt mua để tặng cho sứ thần của các nước. Sứ thần các nước lại mang về dâng lên vua của họ. Nhận được những món quà vừa tinh xảo, vừa trang trọng hiếm có như vậy, vua của các nước láng giềng đã nhận lời giao hảo với Đại Việt. Họ còn ngỏ lời khen ngợi những bộ bình gốm thật đẹp của nghệ nhân nước Đại Việt, và đặt làm thêm các kiểu bình khác. Chẳng bao lâu Lý Quý lại tối mặt tối mũi vào với lò gốm của mình. Chàng cố gắng làm việc, nhưng giờ đây không phải cho riêng gia đình chàng nữa, mà cho cả thể diện của quốc gia. Bất cứ một vật dụng gì, dù chỉ là một quả cầu lửa nhỏ cho đến độc bình tặng cho hoàng đế Trung Hoa, chàng đều để hết tâm trí vào để hoàn thành.
Để ghi nhận công lao của Lý Quý, vua Quang Trung đã đặc cách phong chàng làm Trạng Gốm.
Chiếu chỉ của vua đến vào một buổi sáng, lúc ấy Lý Quý còn đang xoay trần ra, cùng với các thợ phụ nhóm lò cho một mẻ gốm mới. Bây giờ chàng có cả trăm người thợ phụ, với bảy tháp lò cháy rừng rực suốt ngày đêm. Hơi ấm của ngọn lửa lò khiến Quý hăng say làm việc. Khi mọi người biết tin chàng được phong làm Trạng Gốm, ai cũng vui mừng mà đồng thanh lên tiếng:
– Xin chúc mừng vị Trạng nguyên xuất chúng[1] của đất Đồng Nai…
Quý chỉ cười, xua tay mà nói:
– Xin cứ gọi tôi là chàng thợ gốm, kêu bằng Trạng, tôi không quen…
 ***
Một ngày kia, có một người hành khất tìm đến trước ngôi nhà của Trạng Gốm, lấm la lấm lét nhìn vào trong. Thấy người qua kẻ lại quá đông, y sợ quá đứng nép vào gốc cây bên đường, quân hầu cho cơm xong vẫn không đi, đuổi cũng không chịu nhúc nhích. Hồi lâu sau, chính Lý Quý nhìn thấy bảo gia nhân đưa người hành khất vào hỏi chuyện.
Nhà văn Trần Thu Hằng ở Đồng Nai
Bước vào đại sảnh, nơi Quý đang kiểm tra những chiếc bình mới ra lò, bọn gia nhân bắt người hành khất bỏ chiếc nón lá đội sùm sụp trên đầu xuống. Vừa hay chàng ngừng tay để quay ra hỏi chuyện. Thật là không bao giờ ngờ được, ngưòi hành khất kia chính là Lý Trọng.
– Trời! Đúng là anh Trọng rồi. Tại sao anh lại ra nông nỗi này?
– Hu hu hu… Em ơi! Gặp lại em anh cứ ngỡ mình nằm mơ giữa ban ngày. Em ơi! Chiến tranh giặc giã kéo đến, việc làm ăn lụn bại. Anh sống được đến ngày hôm nay cũng là chuyện khó tưởng tượng rồi.
Gặp lại anh qua mấy năm trời xa cách, Quý như quên hết mọi chuyện cũ. Hai anh em mừng mừng tủi tủi, cùng ôm nhau khóc. Sau đó, Quý sai gia nhân lấy quần áo của mình cho anh thay, làm đồ ăn thức uống thật ngon cho anh ăn. Từ đó, Trọng ở lại luôn trong nhà của Quý, chẳng đả động gì đến chuyện sau này ra sao nữa. Thấy Trọng ngang nhiên hưởng thụ, lại còn lên mặt hạnh họe gia nhân, mèo Bạch run cả bốn chân lên, nghiến răng trèo trẹo mà rằng:
– Chướng mắt quá đi thôi. Chướng mắt quá đi thôi. Tại sao trên đời lại có con người lười biếng đê tiện đến chừng ấy. Thật là không thể hiểu nổi, vì sao hai anh em ruột thịt lại khác nhau một trời một vực đến thế…
Chó Mực nhe hai hàm răng trắng nhởn ra, nói với mèo:
– Đêm nay ta sẽ vào tận giường cắn cổ, lôi y tống ra ngoài đường cho bõ ghét. Thế nào hở mèo Bạch? Tuy ta già rồi nhưng chắc chắn là ta vẫn đủ sức làm việc đó một cách gọn gàng đó chứ!
– Xì! – Mèo Bạch nheo nheo mắt tỏ vẻ nghiêm trọng – Tôi chẳng biết anh có đủ sức làm cái việc ấy không, nhưng mà tôi khuyên anh đừng làm cuộc sống thêm rắc rối, không cần thiết. Dù gì thì hắn cũng là anh ruột của chú Quý. Anh em như chân với tay, chú cắn cổ hắn, làm cho hắn sợ nhưng chú Quý sẽ buồn hay vui, anh có hiểu không?
– Grừ… Xem ra anh là chú mèo hơi bị tinh quái đấy. Bây giờ đã là mèo của Trạng nguyên rồi, nên chắc là anh chẳng muốn nhọc lòng tìm lẽ công bằng làm gì, có phải không?
– Tôi chả tranh cãi với anh! Chuyện đâu còn có đó. Người tính không bằng trời tính đâu anh bạn già của tôi ạ.
– Già… hừ… già… Ta già rồi à? Thế đấy! Chó Mực trệu trạo đưa hàm ra rồi ngáp.
Những cuộc trò chuyện giữa chó Mực và mèo Bạch thường kết thúc như thế. Không biết cuộc sống của hai anh em Lý Trọng và Lý Quý sẽ ra sao nếu không có chiếu chỉ của nhà vua, lệnh cho Lý Quý lên đường đi sứ sang Trung Hoa.
Nguyên do là vua nhà Thanh, bấy giờ là Càn Long đang bước vào tuổi bát tuần[2], muốn sửa sang lại hoàng thành của mình ở Bắc Kinh. Việc này cần rất nhiều thợ giỏi. Nghe tin ở Đại Việt có Trạng Gốm rất tài hoa và chăm chỉ, nên ngài đã cho sứ thần sang, xin mượn vị Trạng nguyên này ba năm để giúp phục chế những đồ gốm cổ đã bị hư hại trong hoàng cung.
Biết tin Lý Quý được cử sang Trung Hoa, với một trọng trách đặc biệt như thế, Lý Trọng bàng hoàng như bị đẩy xuống vực núi đá. Chàng ta không ngờ em mình được trọng vọng đến như vậy. Mới ngày nào, Quý còn là một cậu bé đen nhẻm, sợ sệt nhìn cha và anh mỗi lần làm đổ vỡ đồ đạc, vậy mà hôm nay đã là Trạng Nguyên, lại còn được sang Trung Hoa để giúp vua Càn Long những việc khó khăn đến vậy nữa. Rõ ràng là mình tài giỏi hơn nó, mình khéo léo hơn nó; vậy mà tại sao không ai biết đến mình? Phải chăng đứa em trai đáng ghét này đã lấy đi hết may mắn của Trọng rồi. Đúng là thứ khắc tinh của mình đây!
Tuy ghen tức đến tím ruột, bầm gan như vậy, Trọng vẫn ra vẻ mừng vui cho em, và giả vờ bịn rịn khi Quý ngỏ lời chia tay anh. Ý chàng muốn trong ba năm chàng đi vắng, Trọng phải trông coi những lò gốm để công việc không bị đình trệ. Trọng nhận lời ngay, lại còn nói thật to: “Em cứ yên tâm mà ra đi làm việc lớn, anh sẽ dốc hết lòng hết sức thay em tỏ lòng trung thành với đức vua!” Nhưng thực bụng, chàng ta nghĩ : “Thằng em ta chỉ là một thằng thợ gốm vắt mũi chưa sạch mà còn đòi đi sứ à? Quả là trời sập!”
Đến đêm trước ngày Quý lên đường đi sứ, Trọng nói với em:
– Quý à, tuy anh là anh nhưng lại bất tài vô dụng, đã phải ăn bám vào em. Nhưng dù có thế nào đi nữa, anh cũng cầu chúc cho em công thành danh toại, làm tròn phận sự quan trọng nơi xứ người. Anh giờ đây không còn của cải, không sắm được vật gì đáng giá làm quà cho em. Thôi thì để tự tay anh làm một bữa ăn đãi em và bọn ngựa Ô, chó Mực và mèo Bạch. Nếu em có thương anh thì đừng từ chối nhé!
Những lời này làm Quý cảm động rơm rớm nước mắt, nhưng chó Mực nằm gần bậu cửa dỏng tai cảnh giác ngay. Nó khều mèo Bạch đang long nhong chạy trên tấm thảm nhung lại gần mà bảo:
– Này! Lý Trọng đang định giở trò gì đó mà đòi nấu ăn đãi chú Quý với bọn mình đó. Tôi nghi lắm. Anh thử xuống bếp theo dõi xem Trọng làm gì nhé. Không được bỏ sót một hành động nào của y cả, rõ chưa?
Mèo đánh chiếc đuôi cong vòng lên mà đáp:
– Được rồi, anh khéo lo. Cứ để đấy cho tôi.
Nói vậy nhưng mèo lại lơ là ngó bọn chuột đói trên xà nhà, không chú ý đến Trọng. Hồi lâu sau, hai anh em cùng ngồi vào bàn, Trọng mời em một chén rượu, lại quăng cho mèo Bạch và chó Mực, mỗi con một cái đùi gà thơm phức. Thế là canh tư đêm ấy, lẽ ra Lý Quý phải lên thuyền đang chờ sẵn để đi sứ tới Trung Hoa, thì chàng lại ngủ mê ngủ mệt trong biệt phòng. Bên cạnh chàng là mèo Bạch và chó Mực cũng nằm thẳng cẳng, thở phi pho. Ngựa Ô trong chuồng cũng chẳng khá hơn, cứ ngáy như kéo gỗ. Lý Trọng thay áo đổi quần cho em, vừa rón rén, vừa hí hửng bước lên thuyền. Phen này Trạng Gốm đích thực là ta. Sang đất Trung Hoa, ta tha hồ được sống trong nhung lụa, lại có nhiều gái đẹp, rượu ngon. Hi hi, đúng là một bước lên tiên!
IX.
Đúng như Trọng nghĩ, vừa đặt chân vào hoàng thành, mang theo điệp sứ của hoàng đế Quang Trung, chàng liền được tiếp đón một cách long trọng. Chàng được thiết đãi sơn hào hải vị, lại được giới thiệu với các hoàng tử, công chúa con vua Càn Long. Chàng lại còn được dẫn vào vườn thượng uyển, ngắm các loại kỳ hoa dị thảo đẹp mê hồn. Sau đó, vị quan trông coi quốc bảo đưa chàng vào một cung điện ngầm dưới đất, nơi có rất nhiều sách cổ và các loại bình quý hiếm để chàng làm việc.
Bị giam lỏng trong hầm sâu, Trọng suốt ngày mơ tưởng đến công chúa Tiểu Lan, con gái út của vua Càn Long. Vốn biếng nhác, lại chỉ biết bập bõm vài chữ Hán, Trọng không đọc nổi một trang sách nào. Trái lại, vị quan trông coi quốc bảo luôn thúc hối Trọng, giới thiệu cho chàng biết những thứ đồ gốm sứ của hoàng gia đã được truyền từ đời này sang đời khác. Thấy Trạng nguyên quá lười biếng, vua Càn Long tưởng rằng triều đình đón tiếp chưa thật chu đáo, khiến chàng phật lòng; nên ngài truyền cho vị quan ấy nói với Trọng rằng:
– Công việc thật là khó khăn vất vả, nhưng ngoài Trạng Gốm ra thì khó ai hoàn thành tốt đẹp được. Vậy Trạng Gốm nên cố gắng hết mình, nhà vua sẽ trọng thưởng xứng đáng.
– Vậy ư? Càn Long hoàng đế phán vậy ư? Thế thì ngài mau xin với hoàng đế gả công chúa Tiểu Lan cho ta, ta sẽ làm tất cả một cách nhanh chóng và hoàn hảo…
Nghe Trọng yêu sách như thế, vua Càn Long sinh nghi, liền cho người đến doạ chém đầu Trọng, nếu không mau mau bắt tay vào việc. Bí quá, Trọng vơ liều mấy chiếc bình đẹp nhất rồi tìm đường chuồn mất.
Không may cho chàng, hoàng thành có tới ba lớp tường thành, mà tai mắt có mặt ở khắp nơi. Đến cửa hoàng thành, những tưởng sẽ được thoát thân thì một tráng sĩ phóng vút tới, giơ kiếm chặn ngang cổ Trọng. Vốn tham sống sợ chết, Trọng liền quỳ mọp xuống xin tha mạng. Ai dè đó chính là công chúa Tiểu Lan cải nam trang đi bắt sống ngụy Trạng nguyên.
Bị bắt lại, Trọng liền phun ra hết sự thật khiến Tiểu Lan và nhà vua vô cùng tức giận. Ngài cho thị vệ nhốt Trọng vào một cái lồng sắt, treo ngay trên một đảo cá sấu có đến hàng vạn con rất hung dữ. Chưa hả giận, ngài còn sai sứ thần mang tin hoả tốc sang gặp vua Quang Trung, xem có phải thợ giỏi của nước Nam đều như thế hay không!
Đến lúc ấy, nhà vua mới hay tin dữ. Ngài nổi trận lôi đình, bắt tìm Quý về để hỏi tội. Quý tình thực kể lại rằng mình bị bỏ thuốc mê mà bỏ lỡ chuyến đi sứ sang Trung Hoa. Nhưng Lý Trọng là anh của chàng, mọi tội lỗi Trọng gây ra chàng xin lãnh chịu hết.
– Bây giờ mang ngươi ra mà chém, mà giết cũng vô ích. Phải làm sao để tiếp tục kết tình giao hảo giữa hai nước, và phải hoàn thành tốt những công việc bên ấy. Như thế mới đúng là Trạng nguyên của nước Nam ta.
Tuy nói vậy nhưng nhà vua không bắt tội Lý Quý, còn xếp cho một đội thuyền nhanh chóng đưa chàng sang Trung Hoa, vừa là để bày tỏ thiện ý của người nước Nam, vừa là để tìm cách gỡ tội cho Lý Trọng. Biết rằng chuyến đi lành ít dữ nhiều, nên chàng mang theo cả chó Mực, mèo Bạch và ngựa Ô. Tất cả cùng nguyện sống chết có nhau.
Khi Lý Quý đến nơi, không ai tin chàng thật sự là Trạng Gốm của nước Đại Việt. Vua Càn Long bèn ra lệnh thử đưa chàng đến một lò gốm trong hoàng thành, bảo chàng làm một chiếc bình cao bằng đầu người. Nếu làm được thì ngài mới tin.
Quý khẳng khái trả lời:
– Thần xin làm theo lệnh của bệ hạ. Nếu không xong thì bệ hạ xử tội thế nào cũng được, còn nếu thần làm được thì xin bệ hạ gia ân tha cho Lý Trọng anh của thần …
Vua Càn Long nghe Quý nói cảm thấy rất nể trọng, khi thấy Quý đặt tình cảm lên trên cả sinh mạng của mình. Tuy chưa được chứng kiến tài nghệ của chàng song ngài cũng đồng ý. Dù sao thì Lý Trọng cũng là người của nước lân bang, không nên vì một kẻ gian tham như vậy mà để ảnh hưởng tới quan hệ bang giao giữa hai đất nước.
Quý ngồi vào bàn xoay gốm. Thợ khéo Trung Hoa lấy làm ngạc nhiên vì chàng sử dụng bàn xoay rất thành thạo, chiếc bình cứ cao lên, cao lên mãi, vượt qua cả đầu người rồi mà nó vẫn chưa dừng lại. Sau cùng, khi chiếc bình cao hơn bàn tay với, vua Càn Long phải lên tiếng bảo Quý dừng lại:
– Được rồi, được rồi! Cao đến thế là ta phải xây một cái lò riêng để nung nó rồi. Đây mới đúng là cao nhân từ ngàn dặm đến đây. Không ngờ ngươi còn trẻ quá… Chẳng hay Trạng Gốm nước Đại Việt năm nay bao nhiêu tuổi?
– Muôn tâu, thần đã tròn ba mươi tuổi…
Thấy Quý trả lời bằng tiếng Trung Hoa khá rành rọt, mọi người đứng xung quanh càng thêm trầm trồ kinh ngạc. Thật ra vì giao dịch với người Hoa kiều ở thương cảng Nông Nại Đại Phố nhiều năm, nên Quý rất thạo tiếng của họ. Khi chàng bước ra khỏi chiếc bàn xoay gốm, y phục của chàng vẫn sạch sẽ trắng tinh, chẳng khác nào một nho sinh mới rời án thư đi dạo mát.
– Ồ, thật là tài giỏi hiếm có – Vua Càn Long lại khen ngợi – Mau thỉnh Hoàng thái thái[3], cùng hoàng hậu và Tiểu Lan công chúa yêu của ta đến đây, để họ tận mắt được thấy kỳ công này…
Chỉ một lát sau, cả ba người cùng đến một lúc. Hoàng đế Càn Long giới thiệu Quý với các bậc tôn quý của nội cung, rồi lại giới thiệu công chúa Tiểu Lan với Quý. Thật bất ngờ, nàng nhận ra ngay chàng là em trai của Lý Trọng, và vòi vĩnh tâu với cha rằng:
– Hoàng A ma hãy ban người thợ khéo này cho con đi. Nói thật với Người là tất cả công tôn vương tử của Thanh triều, cả thanh niên trai tráng ở đất nước này, con chẳng thấy ai thông minh đĩnh ngộ như chàng…
– Ngoan nào, con gái yêu của ta. Đây là Trạng Gốm mới từ Đại Việt sang đây, ta phải vất vả lắm mới vời được, để giúp ta phục chế lại những di tích của Tử Cấm thành. Chuyện này… con không lẫn lộn công tư được đâu…
Nghe vậy, công chúa Tiểu Lan phụng phịu ra mặt, khiến hoàng hậu phải kéo nàng ra một góc để dỗ dành:
– Phục chế di tích, mở rộng hoàng thành là việc trọng đại, từ thời vua Đường Minh Hoàng cho đến nay, chưa ai gánh vác được như phụ hoàng của con. Vậy nên con đừng làm Người rối trí. Thư thư vài năm, ta sẽ xin với phụ hoàng tứ hôn cho con và Lý Quý. Phần con phải chăm lo học thêu thùa vá may, tề gia nội trợ đi là vừa. Người ta là sứ thần đặc biệt của nước Đại Việt, không phải hạng phu phen đâu mà con muốn là được…
Những lời nói ấy đã lọt vào tai mèo Bạch, vốn rất tinh khôn giấu mình sau những tấm màn nhung thật dày. Lập tức, mèo Bạch đi khoe với chó Mực, phen này Lý Quý sắp trở thành Phò mã Trạng nguyên rồi…
Nhưng chó Mực lắc đầu:
– Tôi không tin. Chú Quý không bao giờ cúi đầu lấy công chúa Tiểu Lan đâu.
– Tại sao? – Mèo Bạch lấy làm ngạc nhiên, hỏi lại.
– Chú ấy là người quân tử, “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất[4]”. Vả lại, chú ấy còn phải đi tìm cô Hồng con ông Bảy thương hồ nữa. Chú ấy sẽ không ở mãi trong những toà cung điện xa hoa này làm gì…
– Anh nói lạ. Tìm làm sao được mà tìm. Với lại Lý Trọng không đi tìm cô ấy thì thôi, chú Quý phải đi tìm làm gì cơ chứ?
Chó già nhóp nhép bộ răng rệu rã của mình, nói thầm:
– Thế mới là chuyện… Thương quá! Tôi chỉ mong sao chú ấy tìm được cô Hồng, cuộc đời chú ấy được thảnh thơi mà chúng ta mới thật sự dừng bước giang hồ được…
Sau khi Lý Quý trổ tài khiến vua Càn Long không còn điểm nào để nghi ngờ nữa, Lý Trọng liền được thả ra khỏi cái lồng treo trên đảo cá sấu. Biết rằng em mình đã sang đến nơi, đang ngồi ở chỗ mình đã ngồi trong thư viện cổ, Trọng cố nài xin:
– Em tôi là Trạng Gốm của nước Đại Việt, được hoàng đế Càn Long vời sang phục chế, trùng tu các di tích. Xin hãy nể mặt tôi một chút, cho tôi gặp em tôi…
Thế nhưng lời thỉnh cầu của Trọng không được chuẩn y. Lính ngự lâm áp giải Trọng ra ngoài cửa hoàng thành, đuổi đi thẳng cánh.
Nhục nhã ê chề, lại đói khát và không biết tiếng Trung Hoa để nhờ người khác cứu giúp, thêm sự uất ức vì thấy em mình lại được nể trọng hơn mình, chàng con trưởng của người thợ gốm Lý Mạnh đã chọn lối thoát cuối cùng: Tự vẫn! Chàng tìm đến một cây cổ thụ, xé dải áo của mình treo cổ lên đó. Thế là hết đời con người lười biếng gian tham.
Lý Quý suốt mấy ngày đêm bị giữ chân trong tầng hầm, đọc các loại văn tịch cổ. Chàng cố gắng làm việc mong lấy công chuộc tội cho anh, không dám đòi hỏi gì cả. Khi chàng xin được gặp anh cũng là lúc chàng nhận được tin tức đau lòng: anh chàng đã chết. Chàng tức tốc xin với vua Càn Long được đứng ra lo mai táng cho anh.
Vua Càn Long chuẩn y, với một điều kiện:
– Nghĩa tử là nghĩa tận, ta không truy cứu tội lỗi trước đây của y. Nhưng kẻ chán sống tự tử thì không thể thương xót được. Vậy nên y chết ở chỗ nào thì chôn cất y ở chỗ đó, để làm gương cho kẻ khác.
Lý Quý tạ ơn vua Càn Long, lập tức cho tẩn liệm xác anh mình rồi chôn cất. Nhìn thấy nấm mồ của anh nằm trơ trọi nơi đất khách quê người, chàng không thể nào kìm được tiếng khóc. Rồi lại nhớ về quê hương, nơi mẹ cha chàng đang nằm trong sự quạnh quẽ, cô đơn, không người hương khói, Lý Quý vô cùng đau khổ. Chàng mong sao cái hạn ba năm sớm chấm dứt, để chàng có thể cải táng cho anh, mang tro xương Lý Trọng trở về chôn cất bên cạnh mộ phần của cha mẹ chàng.
Lạ thay, đêm hôm đó có một người thiếu phụ đến bên nấm mộ Lý Trọng khóc lóc thở than. Nghe tiếng khóc, mèo Bạch và chó Mực lay gọi Quý. Chàng vốn còn nấn ná ở lại để sớm mai đắp lại mộ cho anh, nên chưa trở vào Tử Cấm thành. Thế là ngựa Ô vội vàng đưa Quý trở lại. Nghe tiếng than khóc mang đúng âm điệu tiếng nói quê hương mình, chàng đã chạy đến ôm choàng lấy người thiếu phụ:
– Hồng! Có phải là Hồng đó không? Vì sao nàng lại có mặt ở nơi đây? Vì sao nàng biết anh Lý Trọng đã chết?
Nhận ra Lý Quý, nàng khóc như mưa, không biết vì đau khổ hay vì tự thương mình. Hồi lâu sau nàng mới cất tiếng được:
– Tôi biết Lý Trọng chết trước cả chàng nữa, từ lúc xác chàng còn bị treo lủng lẳng trên cây kia kìa. Nhưng tôi không dám nhận, chỉ biết ngậm tăm nhìn bọn quạ diều lượn quanh mà thôi. Bây giờ tôi chỉ là một đứa nô tì thấp kém, làm sao tôi dám đứng ra lo ma chay cho Lý Trọng? Chàng ấy được như thế này là tôi cảm thấy mát lòng rồi…
Quý nhìn vào mắt nàng, rồi chàng lắc đầu nhè nhẹ:
– Nàng nói dối. Nếu thực sự cảm thấy yên lòng, sao đêm hôm khuya khoắt thế này, nàng lại đến đây than khóc?
– Tôi khóc là vì tự thương cho thân mình. Ngày ấy nếu tôi khôn ngoan hơn, biết suy xét trước sau thì thân tôi đâu đến nỗi này, mà Lý Trọng cũng không phải chết thảm…
Thì ra là mười mấy năm trước, khi Lý Trọng lên ghe thương hồ của cha nàng để “đi học”, nàng đã hồn nhiên khoe với chàng là cha nàng dành dụm được một ít tiền, để sau này cho nàng làm của hồi môn. Trọng đã ngỏ lời yêu thương nàng, dụ dỗ nàng lấy cắp tiền của cha để bỏ sông nước, lên đô thành lập nghiệp cùng chàng. Chẳng ngờ Trọng đã vung hết số tiền trong những canh bạc trắng đêm ở quán rượu, rồi trốn mất. Bọn chủ nợ đã ngang nhiên bắt nàng để trừ nợ. Chúng bắt nàng làm kỹ nữ, ngược xuôi qua bao nhiêu bến sông, chịu muôn vàn cay đắng. Rồi đến một ngày kia, có gã thương buôn người Hoa kiều mua nàng mang về Trung Hoa…Vì tay chân nàng khéo léo, cũng biết giao tiếp, buôn bán nên nàng thường được ra chợ phụ việc. Nhờ vậy mà nàng nghe lỏm được chuyện có Trạng Gốm của Đại Việt được mời sang phục chế đồ gốm cổ trong Tử Cấm thành, lại nghe cả chuyện Trạng Gốm quê ở Biên Trấn, … Nàng chắc trong dạ đến 7, 8 phần đó chính là Lý Trọng; nhưng chẳng ngờ vừa thấy Lý Trọng treo mình ở đó, vừa nghe chuyện lừa gạt đáng xấu hổ của cố nhân. Bao năm qua nàng vẫn hy vọng sẽ gặp lại Lý Trọng và thấy chàng biến cải thành một người tốt hơn… song đó chỉ là ý nghĩ hão huyền, ngu dại…
– Thân tôi khổ nhục như thế, là đáng đời tôi. Nhưng còn cha tôi giờ đây còn sống hay đã chết, chàng có biết không?
Quý đáp rằng từ ngày Đại Việt thái bình trở lại, chàng đã không trở về quê Biên Trấn, nên không gặp cha nàng, cũng không biết tin tức gì của ông.
– Trời ơi! Phải chăng cha đã mất rồi? Thế là con không bao giờ thấy mặt cha nữa, cha ơi! Con thật là một đứa con bất hiếu, biết bao giờ con mới được gặp cha đây, cha ơi!
Nàng lặng lẽ khóc hồi lâu, mặc cho Lý Quý ngồi thẫn thờ bên cạnh. Rồi đột nhiên nàng lau nước mắt, từ biệt Quý và biến mất. Chàng ngơ ngẩn nhìn quanh và bỗng nhận ra trời đã sáng.
X.
Chẳng bao lâu sau, Lý Quý nhận được tin vua Quang Trung đã băng hà vì bạo bệnh. Đã ba lần chịu tang những người thân yêu nhất đời mình, chàng vẫn không thể nào không bàng hoàng đau xót. Bởi vì chàng không thể nào quên được đức can trường và anh minh của ngài, cùng với tấm lòng bao dung độ lượng của bậc minh quân. Tuy chưa hết hạn ba năm, chàng vẫn một mực tâu xin với vua Càn Long, để trở về cố quốc thọ tang vua.
– Đúng là một con người trung hiếu hiếm thấy. Không biết trong số quần thần của ta, có mấy ai được như Lý Quý không? Cho về thì ta cũng muốn cho, nhưng công trình của ta ở Tử Cấm thành còn dang dở, lấy ai thay vào đặng đây…
Nghe vua Càn Long than thở như vậy, văn võ bá quan đều nín bặt, ai cũng cảm thấy hổ thẹn khi đức vua so sánh họ với Lý Quý. Riêng có tên hoạn quan vội vàng quay về nội cung, thẽ thọt nhỏ to với công chúa Tiểu Lan. Sau đó đích thân Hoàng thái thái cho vời nhà vua đến mà phán:
– Nếu cho Trạng Gốm trở về Đại Việt, thì cái công trình muôn đời kia của con sẽ ra sao? Lại nữa, ta chỉ có Tiểu Lan là công chúa mà ta yêu thương, trân quý nhất. Nó cũng là con gái của con đó, con liệu mà quyết định. Nhưng nếu để cho Tiểu Lan phải đau khổ thì ta không để yên cho con đâu.
Nghe Hoàng thái thái ra ý chỉ, vua Càn Long đành lặng im. Ngài tìm kế hoãn binh, hết hứa hẹn lại tránh mặt Lý Quý. Riêng công chúa Tiểu Lan như một kẻ đắc thắng, cho gọi Trạng Gốm đến mà rằng:
– Phụ hoàng của ta không cho chàng trở về Đại Việt đâu. Chàng hãy ngoan ngoãn tuân theo số mệnh của mình. Làm Phò mã của hoàng đế Trung Hoa, có mấy ai được như chàng? Còn ta, ta là người được phụ hoàng cưng chiều nhất, chàng muốn gì mà chẳng được, phải không?
– Thưa công chúa! Tôi chỉ là một người thợ gốm bình thường của nước Đại Việt, đâu dám sánh cùng vị công chúa kim chi ngọc diệp như nàng. Vả lại, tôi cũng đã có ý trung nhân, không thể phụ tình người ấy mà kết hôn với nàng được…
– Ta sẽ xin với phụ vương ban chết cho người đó, lúc ấy chàng chẳng còn phải vướng bận gì nữa, sẽ suốt đời cùng ta sống trong vinh hoa tột đỉnh. Tiếc một cô gái nghèo hèn để làm gì… Nói cho ta biết đi, cô nương ấy là ai, bây giờ ở đâu?
Nghe công chúa Tiểu Lan nói như vậy, Lý Quý đành lặng thinh. Chàng không thể làm liên luỵ đến Hồng được. Chàng càng cảm thấy kinh sợ cuộc sống quyền uy nơi lầu vàng điện ngọc, nó đã biến con người thành những kẻ độc ác. Có ai nghĩ được một nàng công chúa xinh tươi như hoa, như ngọc thế kia mà lại thốt ra những câu nói đáng sợ như thế. Điều ấy càng khiến Quý nung nấu ước mơ trở về quê cha đất tổ, không nơi nào tốt đẹp và thân thuộc với chàng bằng nơi ấy…
Chàng bàn với mèo Bạch, ngựa Ô, chó Mực cách thoát ra khỏi hoàng thành. Công chúa Tiểu Lan đã cho lính ngự lâm theo dõi chàng suốt ngày đêm, sợ chàng trốn đi. Sự theo dõi nghiêm ngặt đến mức một con chim cũng không lọt được, một con sâu cũng không bò qua nổi những vòng vây trong ngoài dày đặc. Bởi vì nàng cho rằng trước sau gì chàng cũng phải khuất phục trước uy quyền và sắc đẹp của nàng.
Không bay lên trời được thì chàng chui xuống dưới lòng đất. Chàng bắt tay vào đào một đường hầm rất sâu, rất dài. Chó Mực và mèo Bạch giao kèo trước:
– Khi chú Quý đào đến cuối đường hầm ấy, chú phải lập tức chui ra ngay. Mèo Bạch sẽ lập tức báo tin cho chúng tôi. Đợi chú đi thật xa, nếu không có động tĩnh gì, chúng tôi sẽ cùng ngựa Ô trốn đi. Chúng ta sẽ gặp lại nhau ở nơi chúng ta đã gặp nàng Hồng lần trước.
Kế hoạch gần như trót lọt. Lấy cớ phải làm việc liên tục dưới hầm sâu, nơi chứa đầy những cổ vật quý giá, Lý Quý tâu với vua xin cho khu vực chàng làm việc nội bất xuất, ngoại bất nhập. Chàng giả vờ cố sức hoàn thành sớm các công việc để có thể kết thân với công chúa Tiểu Lan. Tuy vậy, mèo Bạch vẫn nhởn nhơ ra vào mà chẳng bị ai phát hiện cả. Bởi chẳng ai để ý đến một con mèo gầy nhom, lười biếng, suốt ngày quệt cái đuôi ngắn ngủn đã trụi gần hết lông vào những cột đá chạm rồng trổ phượng. Càng không ai biết được Trạng nguyên Lý Quý còn biết cả tiếng nói của loài vật… Sau hơn ba tháng ròng rã, ngày thì làm việc, đêm thì bí mật đào hầm, Quý đã lọt ra đến ngoài mà không gặp nguy hiểm gì. Nơi đây đã xa Tử Cấm thành lắm rồi. Nhưng ngày hôm ấy, công chúa Tiểu Lan vô cớ muốn hành hạ ngựa Ô. Nàng dẫn ngựa Ô ra khỏi chuồng, cưỡi lên nó và dong ra ngoài. Nàng cứ nhởn nhơ dạo qua vườn ngự uyển, vừa đi vừa than vắn thở dài, nhìn trời nhìn nước. Ngựa Ô trong lòng như có lửa đốt, chốc chốc lại ngó quanh xem mèo Bạch và chó Mực đã ra hiệu chưa. Nhưng chẳng thấy tăm hơi hai người bạn đâu cả, thỉnh thoảng ngựa lại nghiến hàm trèo trẹo, khiến công chúa Tiểu Lan bực bội mắng:
– Đồ thứ ngựa man di mọi rợ, chẳng biết thế nào là phép tắc cả!
Bỗng “khà, khà!”, “meo!”. Chó và mèo cắn lộn nhau, xông vào đánh nhau tơi tả. Nàng Tiểu Lan toan mắng thêm nữa thì “hấp!” Ngựa Ô đã cong mình hất văng nàng xuống bãi cỏ, co vó chạy tế lên.
– Đúng rồi, giỏi lắm anh Ô ạ. Đúng là một bài học nhớ đời!
Chó Mực reo lên, rồi cùng chạy như bay. Mèo Bạch đu lên bờm ngựa Ô, bám thật chặt trong một cuộc tẩu thoát phi thường.
Công chúa Tiểu Lan nén đau và sự xấu hổ, vội quát đoàn ngự lâm quân bắt ngựa Ô lại cho nàng trị tội. Nhưng chú ngựa của rừng Nai, của đất Trấn Biên quyết không thể để ai trói buộc mình thêm nữa. Chú phóng qua những vòng vây, sải qua những bờ hào đầy chông và gai nhọn, vọt qua cả cánh cửa thành đang sập lại. Chó Mực cũng không chạy thua, cùng đáp song song với ngựa Ô xuống mặt đất, và cùng nhau chạy thẳng vào rừng.
Khi đến chỗ hẹn, cả ba đã thấy Quý ở đó cùng với Hồng. Khuôn mặt nàng đầm đìa nước mắt, nhưng rõ ràng là không giấu được sự vui mừng đến nghẹn ngào.
– Những người bạn trung thành và tài giỏi của ta đã đến rồi. Nàng hãy cùng đi với ta nhé, chúng ta sẽ trở về quê hương, sẽ đi tìm cha nàng…
Nói đến đây, Quý nghẹn lời không sao nói tiếp được nữa. Mèo Bạch thấy thế giục giã chàng:
– Nói tiếp đi, chú Quý! Nói rằng chàng sẽ không bao giờ để cho nàng chịu đau khổ nữa, hai người sẽ cùng xe tơ kết tóc, rằng chú đã chờ đợi giờ phút này biết bao năm rồi…
Nhưng Quý vẫn lặng im không dám nắm bàn tay Hồng, ôm lấy nàng, mặc dù nàng đang mong chờ được tựa vào đôi vai mạnh mẽ, và hoàn toàn tin tưởng vào trái tim nhân hậu của chàng. Ngựa Ô hấp háy nhìn cảnh tượng dùng dằng ấy, rồi chợt phá lên cười khi thấy mèo Bạch kêu meo meo nhặng lên, lại còn nhảy lên như con choi choi:
– Thôi đừng làm trò rối nữa. Tự nàng ấy sẽ hiểu tất cả, phải không anh Mực? Chúng ta đi thôi!…
Lý Quý đỡ Hồng lên lưng ngựa Ô. Đoàn người bắt đầu vượt qua dãy núi cao ngất trong cảnh hoàng hôn buông xuống. Họ đi không ngừng nghỉ, vì ở bên kia những sườn núi hoang vu, lãnh địa tăm tối của nữ thần Bóng tối, là một bình minh sáng rạng đang chờ đợi họ. Họ sẽ trở về nơi ấy, sống cuộc sống của những người dân suốt đời yêu thương và gắn bó với quê hương xứ sở.
Chú thích:
[1] Xuất chúng: xuất thân từ dân chúng, không qua thi cử. Còn có nghĩa là khen Lý Quý giỏi giang hơn người.
[2] Bát tuần: Tám mươi tuổi.
[3] Là người giữ chức vụ quan trọng nhất sau Hoàng thái hậu, trông coi tam cung lục viện. Về vai vế, đó là tiếng gọi mẹ kế của vua.
[4] Lời của Khổng Tử: người quân tử là người giàu có không tham nhan sắc, gặp cảnh nghèo khó không chịu hạ mình, gặp sức mạnh đe dọa không chịu cúi đầu khuất phục.
1/10/2022
Trần Thu Hằng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xuống phố

Xuống phố Sáng nay trước khi đi làm con trai nói với mẹ: - Chiều đi làm về, con chở mẹ với em đi dạo phố noel ha? - Thiệt nghen. - Dạ mẹ. ...