Thứ Tư, 10 tháng 5, 2023

"Cô độc" Uông Triều - Sống đúng bản ngã, chết cho tư tưởng

"Cô độc" Uông Triều - Sống đúng
bản ngã, chết cho tư tưởng

Nối tiếp “Tưởng tượng và dấu vết”, “Người mê”, thì “Cô độc” vẫn là cuốn tiểu thuyết mà Uông Triều tiếp tục hành trình khám phá, giải phẫu tâm lý con người với những tầng vỉa sâu hơn, khó nắm bắt hơn…
Cuộc sống là hành trình con người đi tìm mình và tự khẳng định mình. Trong những ngày tháng chông chênh và vô định, không ít người dễ phải trải qua nỗi cô đơn, thậm chí là sự lạc lối khi đi tìm câu trả lời cho ý nghĩa của sự tồn tại. Tuy nhiên, sống đúng bản ngã, “chết cho tư tưởng” có lẽ là mục đích lớn nhất của những cá nhân muốn được là mình và được cống hiến. Tiểu thuyết “Cô độc” của nhà văn Uông Triều đã gợi mở cho người đọc thấy rõ điều đó.
Nhà văn Uông Triều
1. Tôi là ai?
Nhà triết học Socrates đã từng nói: “một cuộc sống không bị tra vấn, là một cuộc đời không đáng sống”. Cho nên câu hỏi “Tôi là ai”? luôn là sự tìm kiếm có ý nghĩa của triết học, tôn giáo và văn học nghệ thuật. Như một nỗ lực để hiểu chính mình, nhân vật Ba – B trong tác phẩm đã có cả một hành trình phân thân trong quá khứ – hiện tại, các vai khác nhau người tình – người con – người chồng – biên tập viên, trong mối quan hệ khác nhau tình yêu – gia đình – cơ quan – riêng bản.
Trong hành trình đó, nhân vật được nhà văn khai thác, mổ xẻ đến tận cùng mọi ngõ ngách tâm lý, mọi suy nghĩ sáng tối, kể cả những cảm giác mới chỉ chập chờn, mong manh, mơ hồ vừa chạm đến, để nhân vật  thực sự được sống đúng với bản thể, với phần sâu kín nhất của chính mình.
Uông Triều đã quan sát nhân vật từ hai điểm nhìn chính: Ba và B. Gắn với điểm nhìn về Ba là mối quan hệ của anh với gia đình, những chuyến đi và với Cầm. Còn gắn với điểm nhìn từ B là công việc của một biên tập viên, với đồng nghiệp. Hai con người, hai mảng màu này khi soi chiếu, khi hòa hợp, khi mâu thuẫn, khi đồng nhất, làm nhân vật hiện lên với mọi chiều kích.
Đầu tiên trong công việc, B được biết đến là một biên tập viên sách giỏi, cá tính của nhà xuất bản. Anh làm việc trong căn phòng hơn trăm năm tuổi chỉ dành cho người giỏi nhất, không có hoán đổi giữa chừng, trừ phi về hưu hay chết đi thì người khác mới được thay thế.
Khao khát lớn nhất của đời anh là “tìm kiếm một bản thảo vĩ đại làm lừng danh cho sự nghiệp” và “lưu danh trong nền văn chương thế giới”. Đã có lúc gặp được bản thảo hay, thấy “những con chữ nhảy múa, chứa đựng những bí ẩn khôn cùng”, lại sẵn tư tưởng ủng hộ cái mới và nổi loạn, những tưởng ước nguyện của B sẽ đạt được, thế nhưng cái anh nhận được lại toàn những thứ nhạt thếch, vô vị.
Càng cố công tìm kiếm thì lại càng không thấy. Đặt nhân vật vào bi kịch này chính là một thủ pháp để Uông Triều có dịp giải phẫu toàn bộ bí ẩn sâu kín trong nội tâm bản thể con người. Ấy là cảm xúc giận dữ của B khi thẳng tay ném những bản thảo tồi vào lò sưởi, là khoái cảm khi nhìn thấy những tờ giấy cháy quăn, là ngạo nghễ ngắm những tàn tro nguội lạnh, là hưng phấn bất tận khi ngửi mùi giấy cháy…
Với B, nếu  “tất cả những thứ quá xuất sắc đều bị căm ghét” thì tất cả những thứ rác rưởi cũng cần loại sạch. Anh buồn đau vì không thể giúp những cuốn sách hay ra đời thì phải cố gắng để những thứ tồi tệ vĩnh viễn không bao giờ xuất hiện.
Với gia đình, mối quan hệ của Ba cũng lỏng lẻo, đứt gãy. Anh và bố không hợp nhau. Mọi sự lựa chọn của anh đều đi ngược lại: bố muốn anh hoạt bát, năng nổ thì anh lại đắm mình vào thế giới suy tư, chọn công việc trầm lặng. Bố muốn anh gần nhà thì anh lại chọn một công việc nơi xa.
Người Việt thường phải gánh trên vai rất nhiều trách nhiệm nên sẽ là tội lỗi nếu như ai đó chỉ biết sống cho mình. Nhưng với Ba, nếu sống chỉ để làm hài lòng người khác thì sẽ là giả dối với bản thân, mà anh thì lại khát khao đến tột độ được là chính mình. Anh chấp nhận trở thành đứa con bất hiếu, chấp nhận đi ngược lại truyền thống để sống đời mình, dẫu cho là khiếm khuyết.
Trong quan hệ với những người tình, tác giả để cả Ba và B cũng xuất hiện. Ba đầy đủ, trọn vẹn với Cầm và B hao khuyết, mất mát với Ngọc. Dẫu với ai thì anh luôn bị rơi vào tình trạng mâu thuẫn: muốn yêu, muốn được làm tình, muốn đi đến khoái cảm tận cùng nhưng lại không muốn gắn cuộc đời mình với bất cứ một ai, dù đó có thể là tình nhiều năm với Ngọc, tình một đêm với Cầm, hay tình phảng qua với các cô gái trong các chuyến lãng du. Bi kịch của Ba – B là càng muốn trốn vào dục vọng để khỏa lấp sự cô độc thì lại càng cô độc. Bởi lẽ đi tận cùng của khoái cảm thì con người ta chẳng còn khoái cảm nào nữa, thay vào đó chỉ là sự trống rỗng, cô đơn.
Cô độc – tiểu thuyết mới của nhà văn Uông Triều.
Với những người xung quanh, B rơi vào bi kịch bị mất trí nhớ, hay “trí nhớ suy tàn”. Anh như một nhân vật bị mất quá khứ. Quá khứ của anh nhiều khi là những khoảng trắng xóa. Tất cả các hình ảnh của cuộc sống cứ mờ mờ, ảo ảo, các sự việc cứ không đầu không cuối, giăng mắc như khói sương, rồi rơi vào quên lãng…
Như vậy, câu hỏi “tôi là ai?” đặt ra trong “Cô độc” của Uông Triều thật không dễ trả lời, nó cho thấy rằng con người của đời sống hiện đại ngày càng phức tạp, không hề đơn giản, không hề trong suốt. Đặc biệt khi hướng tiếp cận của tác giả là đào sâu vào nội cảm thì càng khiến con người trở nên khó nhận diện, bởi mỗi một chiều kích sẽ có những gương mặt khác nhau. Ấy là một biên tập viên B tài năng, trách nhiệm nhưng cũng lạnh lùng, tàn nhẫn, kỳ dị. Là người tình đắm say nhưng cũng bạc bẽo. Là người con đầy trăn trở với gia đình nhưng cũng ích kỉ. Qua nhân vật, người đọc thấy được mối quan hệ giữa con người trách nhiệm và con người tự do được đưa lên lựa chọn, và cách sống đúng với bản ngã đã cho thấy sự chiến thắng của tự do.
2. Chết cho tư tưởng
Lý tưởng suốt đời của B là được sống trong cô độc, vùi mình trong tĩnh lặng. Hành trình cuộc đời anh là những chuyến đi xa, về núi, về biển, về hồ – những nơi yên lặng và cô tịch. Chỉ những nơi đó anh mới chạm được vào miền thân thuộc sâu thẳm của lòng mình. Nếu không thì B sẽ giam mình vào không gian của căn phòng bí hiểm, ở đó anh được sống với mọi nghĩ suy và tưởng tượng.
Những đám đông chưa bao giờ cho anh hứng thú, chỉ khi một mình, anh mới thấy thoải mái và dễ chịu. Anh chọn nghề biên tập sách cũng bởi nó là một trong những nghề cô độc nhất thế giới, không phải tiếp xúc với nhiều người. Rồi B chấp nhận cuộc sống không vợ, không con, không bạn bè, chỉ có rượu và người tình. Anh coi đó là cái giá phải trả và cũng là cái được nhận từ lối sống này.
Thậm chí B còn sẵn sàng chết cho tư tưởng của mình. Là một biên tập viên bản lĩnh, anh không chỉ làm việc với những con chữ rất đam mê, ngăn cản sự ra đời của những tác phẩm tồi, mà còn đấu tranh chống lại những thế lực ngầm vẫn đang chi phối đến hoạt động của nhà xuất bản – để trở thành “kẻ phản bội vĩ đại”.
B đốt di ảnh của giám đốc đầu tiên và hai biên tập viên tiền nhiệm từng làm việc trong phòng anh. Rồi anh muốn đập nát những hình nhân tượng sáp trong tủ kính, muốn “giáng cho những kẻ ấy một cú chí mạng mà không sợ bị trừng phạt”, dẫu có trở thành “kẻ sát nhân trong thế giới câm lặng tuyệt đối”. Bởi vì sao? Vì chúng là hiện thân của bóng tối, của cái bảo thủ trì trệ, là thế lực kìm hãm sự phát triển. Bọn họ chết rồi nhưng cứ không chịu chết hẳn, vẫn muốn có tiếng nói ghê gớm điều khiển người sống, khiến Mạo phải tự tử, Ngụy phải cắt tai. Rồi B còn đốt cả bức ảnh của chính mình để sau này nó không còn là bóng ma đe dọa người khác. Cái chết của B khiến người ta nghĩ đến những mẫu người sẵn sàng tử vì nghiệp, họ đấu tranh và kết thúc cuộc đời để cho một bình minh mới được lóe rạng. Cái chết ấy là một cách thức để tạo hình cho lý tưởng.
Nối tiếp “Tưởng tượng và dấu vết”, “Người mê”, thì “Cô độc” vẫn là cuốn tiểu thuyết mà Uông Triều tiếp tục hành trình khám phá, giải phẫu tâm lý con người với những tầng vỉa sâu hơn, khó nắm bắt hơn. Cái “tạng” văn dám nói hết, viết hết những gì mình nghĩ, người khác nghĩ, đời sống có thể có, đi đến tận cùng mà không sợ hãi hay thỏa hiệp theo lòng độc giả đã trở thành căn tính nhà văn của Uông Triều. Và với “Cô độc”, Uông Triều đã có dịp đưa người đọc dạo một vòng qua cái thênh thang của của tâm hồn, quăng họ xuống cái sâu tối của bản năng, bắt chứng kiến cơn cùng quẫn mà nhẹ tênh của bản thể, để vừa khinh bỉ, vừa xót xa, vừa trân quý con người.
16/3/2020
Nguyễn Thanh Hương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...