Thứ Tư, 10 tháng 5, 2023

Trịnh Công Sơn và khát vọng hòa bình

Trịnh Công Sơn
và khát vọng hòa bình

Chẳng phải nỗi buồn chiến tranh và niềm mong mỏi hòa bình da diết trong những Trịnh Khúc kia đã có sức lay động mãnh liệt đến cõi lòng một người từng đi qua chiến tranh… và lan tỏa trong tâm hồn tôi, níu giữ trái tim tôi từ thời thơ bé?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Tôi nghe nhạc Trịnh từ nhỏ – những năm đầu thập kỉ 90 của thế kỉ trước. Hồi ấy phương tiện nghe nhìn còn thô sơ, thiếu thốn lắm chứ không phải như bậy giờ. Tôi hay sang nhà ông cậu họ, nghe ké Khánh Ly hát Ca khúc da vàng qua chiếc cassette cũ. Nghe để có cái mà nghe giữa cái thời mà đối với bọn trẻ con nông thôn chúng tôi, âm nhạc hãy còn là một cái gì xa xỉ lắm chứ chẳng phải vì hiểu biết hay tâm đắc gì.
Ông cậu tôi vốn là sinh viên ở Sài Gòn trước năm 1975, một người trí thức từng kinh qua chiến tranh mà cho đến tận bây giờ dư chấn của cuộc chiến thảm khốc ấy chừng như vẫn còn nặng trĩu trong tâm trí cậu, hiện hữu trong một ánh mắt buồn xa xăm. Tôi để ý thấy mỗi lần nghe nhạc Trịnh, cậu hay nằm vắt tay lên trán, vẻ mặt trầm tư, thỉnh thoảng lại buông ra một tiếng thở dài, mắt ngân ngấn nước. Tuổi thơ “như đá ngây ngô”(1), tôi chẳng thể nào lý giải nổi vì sao cậu lại như thế, cũng chẳng hiểu gì về những ca từ của Trịnh. Vậy mà những khúc hát trầm buồn, khắc khoải kia đã vận vào tôi lúc nào không biết. Chỉ biết rằng mỗi khi có nhạc Trịnh mở lên ở đâu đó, dù đang làm việc gì tôi cũng cố gắng dừng lại để lắng nghe, nghe bằng tất cả niềm háo hức và say mê tuổi nhỏ.
Khi lớn lên, tôi bắt đầu nghe nhạc Trịnh một cách có ý thức. Những trải nghiệm xen lẫn buồn vui; hạnh phúc, đắng cay của cuộc đời giúp tôi tự tạo cho riêng mình một cách để hiểu Trịnh. Thế giới của Trịnh lúc này rộng lớn, sâu thẳm hơn rất nhiều lần so với những cảm nhận ngu ngơ của tôi thời thơ bé. Nhạc Trịnh trong tôi là những giai điệu, những ca từ bình dị mà quyến rũ: lúc trong sáng hồn nhiên như “nỗi niềm cổ tích”(2); lúc trữ tình êm ái như tiếng đàn rơi trên tay người thiếu nữ; lúc lại ma mị, khói sương như vọng về từ  huyền sử xa xăm. Nhạc Trịnh trong tôi là tiếng nức nở phận người trong sự bủa vây của lạc lõng, cô đơn, tuyệt vọng. Nhạc Trịnh trong tôi là tiếng ca say đắm về tình yêu – phép màu xoa dịu mọi niềm đau. Nhạc Trịnh trong tôi là tấm lòng thao thiết hướng đến thế giới ngoài kia “ Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”(3)…
Trong vô vàn những cảm xúc, suy tư về Trịnh; lạ thay nỗi ám ảnh vây phủ tâm hồn tôi vẫn là những khúc hát da vàng như tiếng thở dài khắc khoải mà tôi đã nghe từ chiếc cassette cũ của ông cậu hồi nhỏ. Tôi nhận ra trong những ca khúc mà ngày xưa tôi chẳng hiểu gì ấy chứa đựng một nỗi đau chiến tranh nhức nhối, một khát vọng hòa bình thiết tha.
Ai đó thật có lý khi cho rằng chỉ có những người trực tiếp cảm nghiệm nỗi đau thương trong chiến tranh mới thực sự hiểu hết ý nghĩa, thấy hết giá trị của hai tiếng “hòa bình”. Trịnh Công Sơn là một trong những người như thế. Ông như được sinh ra để mang trong mình sứ mệnh của sự hóa giải: hóa giải buồn đau, thù hận, cay đắng, xót xa bằng khát vọng hòa bình cháy bỏng trong những ca khúc của mình.
Trong vô vàn những cảm xúc, suy tư về Trịnh; lạ thay nỗi ám ảnh vây phủ tâm hồn tôi vẫn là những khúc hát da vàng như tiếng thở dài khắc khoải
Thế hệ Trịnh Công Sơn là “thế hệ lạc lõng”, “thế hệ bỏ đi” theo cách nói của văn hào người Mỹ E. Hemingway. Đó là thế hệ của những con người bị ném vào lò lửa chiến tranh trở ra là những con người  lầm lì, hoang hoải, bơ vơ. Với trái tim nghệ sĩ mẫn cảm, đa đoan, Trịnh Công Sơn hiểu hơn ai hết cái giá khủng khiếp mà con người phải trả cho cuộc chiến. Vì thế mà trong những ca khúc của ông, đặc biệt là Ca khúc da vàng, bóng ma chiến tranh cứ lởn vởn, chập chờn tạo thành một nỗi âu lo thường trực. Chiến tranh là đổ nát, hoang tàn “Hàng νạn tấn bom trút xuống đầu làng/ Hàng νạn tấn bom trút xuống ruộng đồng/ Ϲửɑ nhà Việt Nam cháу đỏ cuối thôn”(4); là tiêu điều, chết chóc “Một ngày mùa đông/ Trên con đường mòn/ Một chiếc xe tang/ Trái mìn nổ chậm/ Người chết hai lần/ Thịt da nát tan” (5); là đói khát, vất vưởng “Ghế đá công viên, dời ra đường phố/ Người già co ro, buồn trong mắt đỏ/ Người già co ro, nhìn qua phố chợ/ Khi chiến tranh về, đốt lửa quê hương”(6) để rồi nó trở nên đầy ám ảnh trong hình bóng còm cõi, già nua của bà mẹ Việt Nam “Nhớ tới một đời đã xới vun, hôm nay bỏ vườn với xóm thôn/ Chân mẹ già sao run quá, qua xương trắng với máu hồng”(7).
Càng thấm thía nỗi đau chiến tranh, khát vọng hòa bình càng trở nên thao thiết trong những ca khúc của Trịnh. Ông mong mỏi ngày quê hương “không có đạn bay” cho “tiếng chân trẻ rộn ràng”, cho “tay mẹ nồng nàn” và “trời đất yên vui”(8). Ông mơ ngày đất nước thanh bình để được rong ruổi khắp mọi miền, sẻ chia niềm vui sum họp “Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi không ngừng/ Sài Gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam/ Tôi đi chung cuộc mừng/ và mong sẽ quên chuyện non nước mình”(9). Ông trông chờ ngày thống nhất “Đêm sông Hương nhung nhớ/ Ngày Cửu Long mơ/ Mơ một ngày Hồng Hà góp hội trùng dương”(10) để được nối vòng tay lớn xây dựng lại quê nhà “Chờ lúa thơm lên dưới những bàn tay dân mình/ Chờ lòng yêu thương đất nước quyết đi xây thanh bình”(11). Có hiểu được khát vọng hòa bình đau đáu trong tim Trịnh, ta mới hiểu được niềm vui bất tuyệt trong giây phút với tay tới hòa bình “Rừng núi loan tin đến mọi miền/ Gió Hòa bình bay về muôn hướng/ Ngày vui con nước trôi nhanh/ Nhịp sống bao la xóa bỏ hận thù”(12).
Khát vọng hòa bình trong những ca khúc Trịnh Công Sơn chẳng phải là cái gì quá lớn lao, xa vời. Trái lại, nó nhỏ bé, giản dị, đơn sơ như chính cuộc đời của bao nhiêu người dân Việt nghèo khổ, lam lũ thời ấy. Nó đơn giản chỉ là ước mong được đi lại, cười đùa ngay trên mảnh đất mình sinh ra mà không phải sợ hãi, âu lo; chỉ đơn giản là giấc ngủ bình yên không phải giật mình vì tiếng súng. Vậy mà biết bao người Việt thời Trịnh Công Sơn đã phải đợi chờ trong mỏi mòn, tuyệt vọng; thậm chí có người đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn không thể tìm thấy được. Bất chợt tôi nhớ đến “giấc mộng bình thường” mà Phạm Duy từng nói đến trong câu hát phổ từ thơ Huy Cận “Ngủ đi mộng vẫn bình thường/ À ơi có tiếng thùy dương đôi bờ” (13). Người Việt trông mong một cuộc sống bình thường bởi họ đang phải ngụp lặn trong một thời đại bất bình thường. Nỗi trông mong ấy vì thế mà trở nên thiêng liêng, cảm động biết chừng nào.
Bây giờ thì tôi đã có thể lý giải được vì sao ngày trước ông cậu tôi thường vẫn hay thở dài và trầm tư mỗi khi nghe nhạc Trịnh. Chẳng phải nỗi buồn chiến tranh và niềm mong mỏi hòa bình da diết trong những Trịnh Khúc kia đã có sức lay động mãnh liệt đến cõi lòng một người từng đi qua chiến tranh như cậu hay sao? Và phải chăng đó cũng chính là điều kỳ diệu khiến nhạc Trịnh lan tỏa trong tâm hồn tôi, níu giữ trái tim tôi từ thời thơ bé? Xin cảm ơn Trịnh đã cho tôi hiểu thế nào là sự tàn khốc của chiến tranh, hiểu được giá trị của hòa bình để từ đó biết trân quý những gì mình đang có. Xin ông trên chín tầng trời, hãy tiếp tục làm người du ca phiêu lãng, nguyện cầu cho quê hương được mãi mãi thanh bình.
Chú thích:
(1) Lời ca khúc “Rồi như đá ngây ngô” của Trịnh Công Sơn.
(2) Chữ dung của Nguyễn Tuân.
(3) Lời ca khúc “Mưa hồng ” của Trịnh Công Sơn.
(4) Lời ca khúc “Đại bác ru đêm” của Trịnh Công Sơn.
(5) Lời ca khúc “Ngụ ngôn mùa đông” của Trịnh Công Sơn.
(6) Lời ca khúc “Người già em bé” của Trịnh Công Sơn.
(7) Lời ca khúc “Người mẹ Ô Lý” của Trịnh Công Sơn.
(8) Lời ca khúc “Xin cho tôi” của Trịnh Công Sơn.
(9) Lời ca khúc “Tôi sẽ đi thăm” của Trịnh Công Sơn.
(10) Lời ca khúc “Lại gần với nhau” của Trịnh Công Sơn.
(11) Lời ca khúc “Chờ nhìn quê hương sáng chói” của Trịnh Công Sơn.
(12) Lời ca khúc “Ta đã thấy gì trong đêm nay” của Trịnh Công Sơn.
(13) Lời ca khúc “Ngậm ngùi” của Phạm Duy.
15/3/2020
Hồ Tấn Nguyên Minh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...