Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

Còn thương giấy hẩm

Còn thương giấy hẩm

Trong bao nhiêu ký ức về làng cũ, tôi luôn giữ trọn niềm xúc cảm của những ngày cận kề với Tết. Bởi khi ấy, má sẽ đi chợ từ tinh mơ và trong đôi quang gánh cũ, ngoài những phong hương trầm, giấy đỏ và vài ba vật dụng cần thiết, bao giờ cũng có những cuộn giấy báo hẩm màu. Chúng đã dệt những giấc mơ đầy màu sắc cho tôi trong suốt những tháng năm ấu thơ xa lắc.
Từ những cuộn giấy báo hẩm màu ấy, má tỉ mẩn “thay áo” cho bức vách đắp bằng đất bùn trộn rơm khô dự trữ từ mấy vụ mùa trước. Ngày mới dựng lên căn nhà mái bằng này, bốn bên bức vách đượm thơm mùi đất đồng và phẳng lỳ các mặt. Qua bao tháng năm nắng hạn mưa dồn, lâu dần bề mặt vách nứt ra nhiều kẽ hở. Trong kẽ hở ấy, thi thoảng lũ bọ cạp hay rết chui vào trú ngụ và chỉ đợi thời tiết chuyển mùa, khi xuất hiện một cơn mưa giông mát đất, chúng thường bò ra bề mặt và di chuyển lên phía bộ ván gỗ nơi mấy anh em chúng tôi hay nằm.
Những cuộn giấy báo cũ hẩm màu ấy, má phải nhờ các bà hàng xén mua lại nơi chợ huyện mang về. Chiều 28 Tết, má trải chúng ra rồi dán lại vuông đều các mặt vách và thể nào đêm ấy, trong mùi trầm hương lẩn khuất, tôi nằm đọc từng chữ một trên mặt báo, có khi không đầu không cuối vì chúng đã bị đảo lộn hết thảy trước khi chìm vào giấc mơ với bao nhiêu chữ nghĩa đan xen cùng những tranh ảnh từ vô số tờ báo cũ trong niềm vui thơ trẻ.
Trong lúc dán, gặp những tờ báo có truyện tranh thiếu nhi, má thường gộp chúng lại thành một tập để dành cho tôi. Đó cũng là những “tập truyện tranh” đầu tiên tôi được sở hữu và phấn khích khoe với đám bạn trường làng.
Cũng từ những tờ giấy báo hẩm màu này, má dán vào một cái thùng tôn đã cũ rồi chọn một cây hoa vạn thọ nở đều và vàng ươm nhất cho vào chính giữa gian thờ nơi nhà trên. Chỉ cần mấy tờ giấy báo, má đã tạo cho chúng dáng vẻ rất ấm cúng và thâm trầm. Năm tháng cứ chất chồng với bao thay đổi, rồi chúng tôi chuyển nhà với bao nhiêu vương vấn.
Ngày chuyển về nhà mới, dẫu chỉ là cuộc di cư từ đầu làng đến cuối làng, tôi vẫn có cảm giác như người tha hương. Căn nhà tranh cũ dỡ ra, tận dụng hết thảy những gì có thể như kèo cột, những thanh rui, mè và cả bộ cửa bằng gỗ cây mằng lăng rừng đã bị nứt nẻ đôi chỗ. Má tôi gánh một đôi quang thúng chứa nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh thu dọn được đi trước, tôi ôm theo con chó nhỏ, nhìn những cây ổi sẻ trong vườn đang mùa cho trái rồi rưng rức khóc.
Má cứ đi được một đoạn lại trông về hướng cũ, má ngóng tôi hay chính má cũng rượi buồn khi phải rời xa ngôi nhà hơn hai mươi năm gắn bó. Tôi hỏi má sao không tháo những tờ báo cũ mang theo về nhà mới. Má nói nhà mới chưa có những kẽ hở do nắng mưa dồn thấm, hãy để chúng ở đây vì chúng thuộc về nơi này.
Thi thoảng tôi vẫn một mình ôm con chó nhỏ quay về thăm nhà cũ. Mái tranh không còn, gió mưa mặc nhiên rơi xuống làm bong đi nhiều mảng báo trên bức vách ẩm. Tôi gom chúng lại, mặt chữ đã nhòe hay vì mắt tôi rưng rưng khóc? Con chó nhỏ hết chạy góc này lại qua góc khác rồi rúc vào tay tôi ra chiều thông cảm.
Phải mất nhiều năm tháng, tôi mới tìm được cảm giác thân quen trong ngôi nhà mới song cho đến tận sau này, mỗi khi bắt gặp bất cứ cái gì cũ kỹ, lòng tôi lại trào lên cảm xúc khó tả. Và khi cảm giác thân thương đã bám rễ trong lòng, tôi lại phải rời đi lần nữa. Mỗi độ Tết về, căn nhà mới xây bằng gạch không cần phải thay “áo mới” nữa song má vẫn giữ thói quen trang hoàng lại thùng tôn cũ để làm chậu hoa Tết.
Năm nay mới tháng mười mưa lũ đã về. Đêm cuối năm, nằm nghe tiếng gió hun hút luồn qua ô cửa, chợt nhớ mùi vách đất trộn bùn rơm nơi mái nhà xưa cứ mỗi độ bão về lại thấm nhão xiêu xiêu trước gió với tấm áo hẩm màu bởi bao nhiêu con chữ. Chính những yêu thương của má, những thơm thảo bình dị của quê hương đã ươm trong tôi những giấc mơ thiện lương và ấm áp.
11/2/2020
Nguyên Hậu
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyền thông là một nghề bạc đức

Truyền thông là một nghề bạc đức Tôi đã nhiều lần có suy nghĩ loáng thoáng như thế và viện đủ cớ bao biện cho cái nghề mưu sinh của mình. ...