Thứ Tư, 10 tháng 5, 2023

Đến "Cùng ban mai" gặp "Mùa gió nở"

Đến "Cùng ban mai"
gặp "Mùa gió nở"

May mắn, tôi có hai tập thơ của Tô Thi Vân, “Cùng ban mai” do con gái nhà thơ tặng, “Mùa gió nở” do chính nhà thơ đề tặng. Nhận thơ mà chưa gặp nhà thơ lần nào, âu cũng là duyên văn chương vậy. Hai tập thơ xuất bản cách nhau hai năm, nhưng cùng để lại cho tôi một ám ảnh, ám ảnh về một thi nhân có nhiều nét quen quen của Tú Xương, Tản Đà, Nguyễn Bính… thơ của làng quê tần tảo, thơ của thị thành thay đổi, thơ của danh thắng Việt Nam… Nghĩa là cả hai tập thơ vừa có sự lắng nghe sâu sắc tinh tế của nhà thơ về cuộc sống, về con người; vừa có sự từng trải, sự chiêm nghiệm và trải nghiệm của nhà thơ với cuộc đời. Con gái ông học với tôi đã 2 năm, và tôi rất muốn tìm hiểu về ông qua thơ ông. Tô Thi Vân có trái tim nhạy cảm? Nhà thơ có cuộc sống gần gũi với những người lao động “chân lấm tay bùn”, hay một con người biết “lắng nghe cuộc sống”? Một con người chân chất bình dị, hay một con người bay bổng lãng mạn?
Nhà thơ Tô Thi Vân
Đọc những bài thơ “Cái đẹp”, “Trái yêu”, “Trăng”… ở tập “Mùa gió nở” với những câu thơ rất mới, rất táo bạo “Trái ngực em cao/ Trái ngực em tròn/ Trái ngực em thơm/ Anh đã hôn/ Anh đã hái/ Ngọt ngon/ Kỳ diệu sao/ Trái ngực vẫn còn/ Trái ngực căng tròn/ Rung cành xuân mẩy/ Lòng anh luôn khát khao/ Bàn tay từng run rẩy/ ngực em đầy/ Đôi ngọn núi yêu” (Trái yêu) Ít ai biết rằng người viết những câu thơ mang vẻ đẹp phồn thực đó đã “Tiễn con gái thứ năm vào Huế”.
Khi đọc những bài “Chiều đông”, “Với những người đánh dậm” – (Mùa gió nở); “Mùa đi”, “Nỗi niềm” – (Cùng ban mai), ta như bắt gặp một thi nhân từng sống lận đận với cuộc sống lam lũ của dân quê những tháng ngày trăn trở với đời, với thơ, với người… Trong bài Nỗi niềm nhà thơ chân thành bày tỏ nỗi niềm của mình: “Tôi là con của nhà quê/ Rách lành với những thói lề xa xưa/ Cơm cà chan vỏng nước mưa/ Khoai lang làm nghé trẻ bừa chiếu manh”; hình ảnh những người đánh dậm vào thơ Tô Thi Vân thật đến mức người đọc như cảm nhận hết nỗi nhọc nhằn, rét mướt, tần tảo của họ trên những cánh đồng quê “Trong mưa rét… những người đánh dậm/ Bên mép đường lầm lụi bước theo nhau… Những ngón tay gầy vuốt phẳng phiu những đồng bạc vụn…” (Với những người đánh dậm). Gắn bó với cuộc sống ở làng quê, nhà thơ cũng cảm nhận được sự đổi thay như kiểu ông Tú “Trời kia xui khiến sông nên bãi/ Ai khéo xoay ra phố nửa làng” (Vị Hoàng hoài cổ); “Đêm làng xanh đỏ đèn mờ/ Lẻ loi tiếng vạc lặng tờ tua rua/ bao nhiêu chuyện thật như đùa/ Đổi đời từ đất…/ bỏ bùa làng tôi” (Chuyện làng). Không hẳn buồn, không hẳn vui; nhưng đọc bài Chuyện làng vẫn có cái cảm giác nháo nhác, nhộn nhạo, đổi thay và tiếc nuối “Áo nâu hoài niệm những ngày hàn vi”.
Khi nhận tập thơ Mùa gió nở, giở ra một cách tình cờ, tôi bắt gặp bài thơ “Vợ ơi” chợt giật mình, như gặp lại thi nhân Cao Bá Quát lúc bị đày ải, xa nhà nhớ vợ và tưởng tượng khi bước qua bậu cửa thì vợ mình đang giã gạo thuê cho nhà hàng xóm. Một liên tưởng chẳng ăn nhập gì vào nhau, vậy mà vẫn liên tưởng. “Bỗng dưng muốn gọi “vợ ơi” vì “Mê chơi… thành cuộc sa đà/ Mải vui quên vợ ở nhà đơn côi”… những câu thơ nhuốm vị chua chát của nhà thơ “Thương vợ” nổi tiếng thế kỷ XIX mà vẫn rất cảm động. Thốt nhiên cảm động. Thốt nhiên giật mình. Cái tình vợ chồng lồ lộ ra như thế! Cái nghĩa trăm năm sâu sắc đến thế! “Tháng năm/ vợ con se sém mặt mày trên đồng lượm những hạt vàng/ Mình – kẻ vô tích sự – nằm nhà vêu vao quạt nan phe phẩy” (Ngày mùa). Tự trách mình là vô tích sự, tự thấy mình  làm bận lòng vợ con, âu cũng là người có tình, người thủy chung, nên xa nhà mới gọi “Vợ ơi” tha thiết đến như thế. Với thơ thì hết lòng, với đời thì tri ân “Hạt gạo trắng thấm mồ hôi nước mắt/ Hạt cơm thơm mọng tiếng khóc tiếng cười/ Tôi quỳ lậy đồng quê rơm rạ/ Những hạt vàng lấm láp… thơ ơi”. Tri ân với đời, âu cũng là sống hết mình, vắt kiệt mình ra mà sống vậy. Để những câu thơ suy tư, trăn trở, những câu thơ mải miết kiếm tìm, những câu thơ từ lòng mình chân thật…
Nhà phê bình Hoàng Thị Thu Thủy
Đọc thơ Tô Thi Vân vẫn là ám ảnh bởi câu, bởi chữ, bởi thể thơ, bởi bao điều trăn trở. Có cảm giác như nhà thơ đã lao động miệt mài với từng câu chữ để tìm cho mình một giọng điệu riêng, một nét riêng không giống ai. Mùa gió nở – “nở” – quen mà lạ, lạ mà quen “Tháng giêng nghiêng – non nửa dòng xuân” nên “Gió ùa ra/ gió ríu đôi ríu ba/ Ôm ấp nhau quấn quít nhau nõn nà hớn hở/ Thức muôn mầm biếc ái ân/ ríu rít mùa sinh nở/ Thầm thì mắt lá, cây đời” – những câu thơ mới mẻ đầy tính nhân sinh, tha thiết tình yêu cuộc sống… “Cánh dơi chao nhô nháo trời chiều” (Chiều không tên), sao là “nhô nháo” mà không là “nháo nhác”, không là “lô nhô”? Bởi “Người tất tả kéo về/ Người vội vã lao đi/ Mối lợi danh – miếng cơm manh áo/ Sấp ngửa đồng tiền nhớp nháp mồ hôi/ Những cơn lốc do người/ theo người huyên náo”. Con người đã “tất tả”, “vội vã”, “nhớp nháp”, “huyên náo” thì ắt những con dơi “nhô nháo” – lô nhô, láo nháo trong chiều loạng choạng vậy. “Sương giăng mờ trắng ao làng/ Như có điều gì quái quắc”… “Chén trà ấm tay thơm ngát/ Se lạnh than thát mặt người” (Không đề 3). Những từ “quái quắc”, “than thát” nghe sao mà lạ. Cũng như câu thơ “Mấy ngày liền lòng buồn sũng sịu” (Tháng ba), “buồn sũng sịu” vì nhớ mẹ hiền xưa…
Mỗi từ, mỗi ngữ nhà thơ sử dụng như có chủ đích, với biết bao trăn trở để rồi mới đọc nghe cứ là lạ, đọc nhiều lần thấy quen quen, rồi hay, rồi có lý. Thơ Tô Thi Vân câu ngắn, câu dài theo mạch cảm xúc, suy tư, không hẳn là thơ 5 chữ, 7 chữ, không hẳn theo một thể loại nào mà là thơ tự do, tự do theo câu chữ, tự do theo suy nghĩ, tự do theo mạch suy tư. Và qua thể thơ tự do tôi có cảm giác nhà thơ sống với thơ, ăn với thơ, nghĩ với thơ, ngủ với thơ – nghĩa là những dòng thơ triền miên theo năm tháng, theo suy tư, theo tấm lòng, neo đậu trong hồn nhà thơ những ấn tượng, những suy tư, những nỗi niềm. Đọc cả hai tập thơ mới thấy nhà thơ đi nhiều, xem nhiều, nghĩ nhiều, biết nhiều; những địa danh đã đi vào thơ ông như “Huế, Hội An, chùa Hương, Côn Sơn, Trung du”… nhưng quê hương Hà Tây mới là nơi gắn bó nhiều nhất với tác giả. Nên khi viết những câu thơ về quê hương như có cả hồn vía của cái tôi tác giả gửi vào trong đó “Sông Đà vàng trăng tãi/ Ba Vì mây trắng trôi/ Bạn cũ còn đâu nữa/ Thành cổ lại quét vôi” (Sơn Tây); “Mây cháy trời tây chiều sẫm/ Hồng hoang sà xuống Ba Vì/ Chất ngất khối tình non nước/ Bút thần cá nhảy diều bay” (Nhớ Sơn Tây).
Rất nhiều bài thơ viết về “trăng, rượu và thi nhân” – “Hoàng hôn tửu”, “Đêm rượu mối”, “Rượu đêm”, “Uống rượu với họa sĩ”, “Một đêm trăng chùa Hương”, “Đêm trăng trắng”, “Trăng núi”, “Trăng”…. Đọc bài thơ “Đêm rượu mối” mới thấy hiện thực là mảnh đất màu mỡ cho thi nhân, mới thấy cái tình của nhà thơ với sinh linh “mối” bé nhỏ “Hình như có một chú mối/ Say… tắm trong cốc tôi/ rưng rưng niềm nhân thế/ Mối hay là … ai ơi”. Sao lại có những câu thơ trữ tình thiết tha đến như thế. Trong bài Lời trăng, nhà thơ cũng có những câu thơ “ngông nghênh” theo kiểu “Đêm trăng buồn lắm chị Hằng ơi” – “Lúc ả/ lúc ông/ lúc chị/ lúc bà… Lúc như miếng cau/ lúc tựa cánh diều/ lúc cái bánh đa/ Thây kệ trần gian/ Ngước giời mắt thịt/ Mình/ bạn cùng gió mây/ Lúc tỏ mờ/ khi tròn khuyết/ Huyền hoa”.
Cuộc sống với mọi dáng vẻ, hình hài hiện hữu trong thơ Tô Thi Vân. Cảm xúc thơ từ những gì giản dị gần gũi trong cuộc sống hàng ngày trong mối giao thoa giữa làng – phố cùng những danh thắng nơi nhà thơ từng đặt chân đến sống động trong thơ Tô Thi Vân. Điều đáng nói là trong thơ ông người đọc như bắt gặp sự lắng nghe, sự tinh tế của nhà thơ với con người và cuộc đời. Đúng là đến “Cùng ban mai” đã có “Mùa gió nở”.
4/3/2020
Hoàng Thị Thu Thủy
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Gánh hàng rong dưới mưa

Gánh hàng rong dưới mưa Tháng năm hoa phượng nở cuối sân trường. Từng tán lá rộng, xanh ngắt, làm nổi bật chùm hoa đỏ rực rỡ. Cơn mưa xối ...