Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Hẹn với K71

Hẹn với K71

Đất nước Campuchia được giải phóng tháng 1.1979, thì tháng 7 Tổng Công ty Du lịch Việt Nam điều động tôi do trẻ trung nhất cơ quan, và chưa có gia đình cùng một số nhân viên khách sạn sang Phnom Penh để giúp nước bạn xây dựng lại đội ngũ nhân viên cho Khách sạn Le Phnom(1) chuẩn bị đón khách quốc tế sang thăm và thị sát Campuchia.
Thành phố Phnom Penh lúc đó thật xơ xác, hoang tàn và bất an. Từ 7 giờ tối trở đi ngoài đường phố vắng tanh không một bóng người. Súng vẫn nổ đì đùng, quân Cách mạng của Hun Sen cùng bộ đội tình nguyện Việt Nam vẫn bắn nhau với tàn quân Khmer Đỏ suốt đêm.
Dân chúng trong thành phố lúc đó vô cùng đói khát, khổ sở. Chợ búa trong thành phố không phải được mua bán bằng tiền mà trao đổi bằng hiện vật được thỏa thuận với nhau. Dân chúng có thể trao đổi tất cả  từ đường, sữa đến rau, củ, hoa quả v,v… ở ngoài chợ bằng gạo. Thậm chí, có lần tôi còn nhìn thấy một bà mặc sà rông khá to khỏe đội nguyên cả một cái tủ lạnh trên đầu đến chợ để đổi lấy gạo ăn.
Nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư ở Hà Nội
Đường sá xa xôi, vận chuyển lương thực, thực phẩm sang quá khó khăn do thời tiết nắng nóng lại không có xe đông lạnh, đơn vị thường phải cho xe tải về Sài Gòn lấy thêm một số nhu yếu phẩm cần thiết cho khách sạn.
Hôm ấy là tối thứ 7, tôi vừa nhận được bức điện báo Mẹ ốm con về ngay. Thủ trưởng T. thông cảm cho phép tôi được đi theo xe tải về thăm nhà hai ngày với điều kiện chiều thứ 2 phải có mặt ở đơn vị.Tôi vội vã đến nơi hẹn đã thấy trên thùng xe tải có hai cậu bộ đội trẻ măng nữa đi cùng. Một cậu bộ đội đưa cho anh Toản khẩu AK 47:
– Anh cầm để đề phòng cho chắc ăn!
Cậu kia đưa tôi khẩu AR 15 cười nói:
– Khẩu này nhẹ hơn ưu tiên cho phụ nữ!
Thế rồi chúng tôi tiến đến Phà Neak Loeang. Phà Neak Loeang là bến phà lớn nhất trên quốc lộ 1 của Campuchia thuộc tỉnh Prey Veng. Đoạn từ Neak Loeang đến Phnom Penh chạy dọc bờ phải sông Mekong.
Từ Phnom Penh về Sài Gòn dài khoảng 200km. Song đoạn đường từ Phnom Penh đến bến phà Neak Loeang chỉ gần 70 km mới lại là quãng đường khó nhằn nhất vì đường bị mìn bom tàn phá tan tành. Anh Toản lặng lẽ tập trung tinh thần đánh vật với cái vô lăng. Còn tôi im thít chăm chú theo dõi con xe của chúng tôi đi kiểu rùa bò, rập rình lên xuống đánh võng rích rắc đến thót tim vì sợ bị lật xe. Thế rồi, thật tai họa, chiếc xe tải của chùng tôi bị hỏng cái gì đó, nằm ì ra, khiến anh Toản phải bò ra sửa chữa mất đến 2 tiếng  đồng hồ nó mới nổ máy trở lại.
Đến quá trưa chúng tôi tới được bến phà thì thật ngạc nhiên: bến phà vắng tanh. Trong chốt gác của Ban quản lý bến phà chỉ có mấy anh bộ đội, trên bờ sông còn một nhóm mấy người dân Campuchia ngồi bán những đồ ăn uống vặt vãnh.
Anh Toản lẩm bẩm:
– Quái lạ! Đành là chúng ta bị lỡ chuyến phà trước rồi. Nhưng mọi khi ở đây đông lắm, hàng đoàn xe cả quân sự và dân sự có đến mấy chục chiếc. Sao hôm nay chẳng còn thấy chiếc nào nhỉ?
Anh vội vã chạy đến Ban quản lý bến phà của mấy anh bộ đội rồi một lát sau quay về chán nản thông báo:
– Phà của bên Tiền Giang sang bị hỏng rồi. Hai ngày nữa mới có phà sang cơ. Thảo nào các xe ở đây quay về hết rồi.
– Nhưng em thấy vẫn còn một cái phà nhỏ gắn ca nô kia kìa. – Tôi thắc mắc – Xe của mình có giấy ưu tiên cơ mà.
– Tôi đã đưa giấy ưu tiên cho các anh ấy xem rồi. Nhưng các anh bộ đội nói cái ca nô ấy chạy bằng xăng. Mà xăng hiện tại rất hiếm, chỉ ưu tiên cho trường hợp đặc biệt khẩn cấp số 1 của quân đội. Nếu mình có 20 lít xăng cho ca nô chạy từ đây sang bến bên kia rồi quay về thì các anh ấy cũng sẽ tạo điều kiện cho mình mượn ca nô.
– Thế thì tốt quá rồi còn gì! – Tôi mừng rỡ  kêu lên.
Anh Toản nhăn mặt :
– Xe của mình chạy bằng dầu điêzen cơ mà. Anh biết đào đâu ra 2 chục lít xăng bây giờ.
Ngay lúc đó, trước sự ngỡ ngàng của chúng tôi, một anh bộ đội Việt Nam khoảng 30 tuổi trong bộ quân phục sĩ quan bạc mầu, hông đeo súng ngắn, đầu tóc còn ướt rượt, tiến đến chỗ chúng tôi đang ngồi. Anh bộ đội này có lẽ phải cao tới 1m75, khuôn mặt vuông chữ điền, mũi thẳng, hai mắt rất sáng dưới đôi lông mày đậm nét vươn lên mềm mại như đại bàng vỗ cánh. Anh có nước da ngăm đen có lẽ do nắng mưa dãi dầu. Anh ta đẹp một vẻ đẹp phong trần và hào sảng đến nỗi trái tim chưa một lần được yêu của tôi khẽ hẫng đi một nhịp. Anh mỉm một nụ cười tươi rói và thân thiện nói với chúng tôi:
– Xin  cho hỏi đồng chí nào là chỉ huy ở đây?
Tôi và hai anh lính đồng loạt nhìn sang anh Toản. Đương nhiên là anh Toản rồi, vì anh là chủ xe, tôi là người đi nhờ, còn hai anh bộ đội kia chỉ là binh nhất, binh nhì được cử đi theo để áp tải hàng hóa.
– Đồng chí cần gì? Đồng chí vừa mới ở dưới sông lên! Bơi từ bên kia qua à? – Anh Toản ngờ vực nhìn mái tóc ướt và bộ quần áo có vẻ hơi ẩm của anh bộ đội kia hỏi. – Tôi có thể xem giấy tờ của đồng chí được không?
– Vâng! Tôi vội quá không chờ được nên bọc ba lô vào tấm ni lon bơi qua sông! – Anh bộ đội cười ngượng nghịu đưa giấy tờ cho anh Toàn xem. – Các anh ở Ban quản lý dưới kia nói rằng xe của các anh có khả năng sẽ quay về Phnom Penh. Tôi có thể xin đi nhờ được không?
Anh Toản cầm giấy tờ vừa đọc lướt qua lập tức cười toét:
– Ồ, K71 cơ à! Ở đấy toàn những anh chàng búa bổ cả. Thảo nào cậu dám bơi qua sông trước mũi Khme Đỏ. À mà sao cậu không đợi phà chở sang mà bơi làm chi cho mệt? – Anh cau mày hỏi, rồi lại tự đùa tếu – Thích đua nhanh hơn phà hay muốn tắm một chút ?
Anh K71 bật cười:
– Thi thố, tắm táp gì chớ. Chẳng qua thời gian quá gấp! – Rồi buồn rầu anh nói tiếp: – Tui không đợi được nên đành tự bơi qua zậy. May quá  còn gặp các đồng chí có ô tô. Nếu quay về Phnom Penh thì cho tui đi nhờ, còn các đồng chí ở lại đây chờ hai ngày nữa thì tui sẽ chạy bộ về Phnom Penh.
Tất cả chúng tôi đều sững sờ khi nghe anh nói vậy. Sẽ chạy bộ ư? Cái quãng đường chúng tôi đi bằng ô tô hì hục, vất vả suốt từ sáng đến quá trưa mới đến được đây! Ngưỡng mộ quá! Tôi bí mật quan sát anh chàng đẹp trai K 71. Càng nhìn, tôi càng có một cảm giác lạ lùng: Hình như tôi đã gặp anh ở đâu, nhưng không sao nhớ ra được. Hình như anh này giống ai đó, nhưng là ai thì tôi chẳng nhớ.
Anh Toản quay sang hỏi tôi:
– Cô Thoa thấy thế nào?
Tôi buồn bã trả lời:
– Có lẽ mình phải quay về Khách sạn Le Phnom thôi anh ạ!
Tôi thoáng thấy anh K71 khẽ nhíu mày nhìn tôi vẻ nghĩ ngợi gì đó khi tôi nhắc đến Khách sạn Le Phnom. Còn anh Toản quay sang anh K71 gật đầu:
– Chúng tôi quay về Phnom Penh luôn thôi! Mời đồng chí K71 lên buồng lái ngồi cùng cho vui… À mà đợi tôi một chút.
Anh Toản ra đằng sau thùng xe lấy mấy bơ gạo rồi đi ra đám mấy người dân ngồi bán hàng vặt bên đường. Một lát sau anh Toản mang về chục trái bắp và một túi ni lon có mấy con lươn to bằng nửa cổ tay trẻ em bỏ vào một cái thùng.
– Kiểu gì thì bữa tối chúng ta cũng phải đánh chén cho đàng hoàng.- Anh Toản cười sảng khoái trước khi ngồi vào sau tay lái.
Thế là tôi được ngồi ở giữa anh lái xe và anh K71. Hai anh bộ đội vẫn ngồi sau thùng xe. Chúng tôi quay đầu xe về Phnom Penh. Anh Toản lại lặng lẽ tập trung tinh thần đánh vật với cái vô lăng. Còn tôi không im thít nữa vì vừa lên xe một lát anh K71 đã hỏi:
– Cô Thoa người Hà Nội đúng không?
– Dạ, vâng! Sao anh biết ạ? – Tôi mỉm cười bẽn lẽn.
– Thế mới thần thánh chứ! – Anh K71 mỉm cười nói tiếp – Anh còn biết em làm ở Công ty Du lịch nữa cơ! Tài không?
Tôi bật cười nhớ đến cái nhíu mày của anh lúc trước:
– Chắc anh đoán được vì thấy em nói về Khách sạn Le Phnom, chứ gì? Còn giọng Hà Nội thì cũng khó giấu mà!
– Ủa! Còn nhiều thứ anh đoán được lắm! Không tin cứ chờ xem! – Anh K71 mỉm cười hóm hỉnh.
Nghe cứ như một anh chàng đang tán tỉnh một cô gái. Tôi im lặng không nói gì vì tôi vốn không có nhiều sự tự tin vào nhan sắc của bản thân lắm, nên mọi lời tán tỉnh nhất là của các anh chàng đẹp trai, lại còn đẹp trai quá cỡ như anh chàng này nữa thì chỉ có thể coi là mua vui cho hết đoạn đường dài. Giá mà tôi xinh đẹp, cao ráo như Mai Khanh cô bạn thân mấy năm cuối học phổ thông của tôi ở ngoài Hà Nội thì tốt biết mấy. Mai Khanh cao tận 1m 69, lại cùng nói giọng người miền Trung nữa giống anh K71 kia. Tiếc là Mai Khanh không ở đây, nếu có họ sẽ là một cặp đôi rất đẹp. Tôi lan man nhớ về những ngày tháng mới quen Mai Khanh.
Đó là một ngày cuối xuân năm 1967, trong bữa ăn tối bố tôi thông báo với cả nhà rằng: “Bên cạnh nhà mình đã có thêm hàng xóm mới. Đó là gia đình cô chú Mai, Hạnh cán bộ miền Nam tập kết. Vợ chồng cô chú ấy đều là dân gốc Quy Nhơn, Bình Định rất giỏi võ thuật nên được tổ chức phân công ra Bắc để vào một Lực lượng đặc biệt”.
Tôi thì đã biết từ buổi trưa khi gia đình mới ấy chuyển đến. Cô Mai mới khoảng 34, 35 tuổi có nước da mầu mật ong, dáng người rất thon thả, rắn rỏi và khuôn mặt đẹp thật duyên dáng, mặn mòi. Chú Hạnh hơn cô chừng 5 tuổi, rất cao lớn, vạm vỡ, mặt vuông chữ điền với cặp lông mày sẫm bay lên như cánh đại bàng, nhưng chú lại có nụ cười hiền khô. Và Mai Khanh, con gái của cô chú Mai, Hạnh.
Mai Khanh vô cùng xinh đẹp, trắng trẻo với đôi mắt to tròn đen láy như hạt nhãn. Tuy mới 14 tuổi thôi nhưng Mai Khanh đã cao tới 1m68. Đặc biệt Mai Khanh có thân hình rất uyển chuyển mềm mại. Có lẽ do cô được cha mẹ cho luyện tập võ thuật từ bé. Mai Khanh xin vào học đúng lớp 7A của tôi ở Trường cấp 2 Ngô Sĩ Liên.
Tranh của họa sĩ Thụy Vy
Khu tập thể của chúng tôi thuộc sự quản lý của Ban Tổ chức Trung ương nằm trên phố Lê Thánh Tông. Có vườn hoa Tao Đàn xinh xắn ngay bên kia cổng khu tập thể. Hàng ngày nhà cô chú Mai, Hạnh đều ra vườn hoa Tao Đàn từ lúc 4 rưỡi, 5 giờ sáng. Suốt một tiếng đồng hồ, họ cùng nhau ôn luyện võ công thay cho việc tập thể dục. Thỉnh thoảng tôi dậy sớm được thì cũng chạy ra ngồi ở ghế đá xem cô Mai múa roi vun vút, đi những bài quyền thật đẹp mắt; xem chú Hạnh dạy các thế võ cho Mai Khanh, và nghe cả nhà họ trò chuyện, cười đùa trêu chọc nhau thật vui vẻ và hạnh phúc. Khi tôi trầm trồ thán phục:
– Sao má Mai Khanh giỏi thế!
Mai Khanh nhoẻn cười khoe:
– Má Mai Khanh là con gái Bình Định mà, nơi có câu ca dao: “Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định múa roi đi quyền” ấy. Má là con gái họ Hồ thuộc dòng võ sư Hồ Ngạnh nổi tiềng ở Bình Định. Còn ba mình mang họ Trương là hậu duệ chắt chút của thầy Trương Văn Hiến. Thầy Hiến là một người toàn tài đã dạy cả văn lẫn võ cho ba anh em Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc và nhiều vị quan văn, quan võ của triều đại ấy đấy. – Mai Khanh giải thích tiếp – Chính vì vậy cả nhà Khanh luôn văn ôn võ luyện hàng ngày để giữ được ngọn lửa truyền thống của gia đình, dòng họ.
Cùng sống chung một khu tập thể, cùng học chung một lớp học, hơn thế nhà ở lại sát vách nhau thế là chúng tôi tự nhiên trở thành đôi bạn thân. Thân đến nỗi Mai Khanh thường cho tôi cùng chung nhau đọc những bức thư từ chiến trường gửi ra. Thư ấy là của anh Trương Xuân Quyền, anh trai của Mai Khanh.
Thư của anh Quyền kể về các trận đánh ác liệt anh đã tham gia để bảo vệ căn cứ địa cách mạng. Mai Khanh khoe:
– Anh Quyền của Mai Khanh mới 18 tuổi thôi nhưng đã hai lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới. Anh ấy giỏi tất cả các môn võ công và binh khí từ bé nên mới 15 tuổi đã được bác Hồ C. đích thân tuyển chọn cho đi theo về bảo vệ Trung ương Cục cách mạng. Khi nào anh ấy ra Hà Nội, tớ sẽ giới thiệu anh ấy với bạn.
Nhưng rồi lời hứa của Mai Khanh mãi vẫn chưa thực hiện được. Hơn một năm sau, do tình hình đặc biệt của chiến trường miền Nam gia đình cô chú Mai, Hạnh lại tan tác. Chú Hạnh được Trung ương Cục miền Nam gọi vào. Sáu tháng sau, chú ấy hy sinh trong khi đang trực tiếp bảo vệ các đồng chí lãnh đạo cao cấp trong một trận càn. Cô Mai đang làm công tác ở Cục Cảnh vệ bảo vệ phái đoàn ngoại giao ở Hà Nội, nhất định xin vào Nam công tác để trả thù cho chồng. Cô ấy cũng hy sinh sau đó 1 năm.
Chẳng còn cha mẹ, thế là Mai Khanh phải chuyển đến học nội trú trong Trường học sinh miền Nam. Từ đó chúng tôi chỉ còn liên hệ được với nhau qua thư từ. Rồi tôi vào học Đại học Ngoại ngữ Hà Nội khoa tiếng Anh. Còn Mai Khanh được tuyển vào học Trường An ninh C500. Tốt nghiệp Đại học xong, tôi thì vào Sài Gòn làm ở Công ty Du lịch Việt Nam, còn Mai Khanh hiện đang làm ở Cục Cảnh vệ nối tiếp bước con đường đáng khâm phục của cha mẹ cô ấy. Hiện tại chúng tôi vẫn thư từ với nhau. Cuối năm trước cô ấy còn viết thư cho tôi. Cuối thư có đoạn: “… Anh Quyền sau chiến thắng 1975 đã được Đoàn 180 điều ra Bắc rồi đi học ở nước ngoài mấy năm. Khi nào anh ấy về, có dịp vào đó, nhất định tớ sẽ bảo anh ấy đến thăm bạn… Bắt tay Thoa, chào thân ái và quyết thắng!”.
Xe của chúng tôi đi được khoảng hơn ba chục km, thì trời chập choạng tối. Bỗng ở bụi cây ven đường một thằng nhỏ khoảng 13 tuổi cầm một khẩu AR15 nhảy phắt ra trước mũi xe chĩa họng súng vào chúng tôi quát lớn:
– Bari!
Chúng tôi đồng loạt chĩa súng ra ngoài đe dọa để tự vệ. Riêng anh K71 chỉ nghiêng người ra ngoài giơ khẩu súng lục lên trời xua nhẹ và nói một câu dài tiếng Khmer réo rắt như hát:
– He kaun! Kmean kar chkbari now tinih te! Tow leng kanleng phsaeng!
Thằng bé sững người, nhìn một loạt họng súng từ trong ô tô đang chĩa ra ngoài liền hạ súng rồi nhanh như chớp biến mất vào một bụi cây ven đường.
Anh Toản ngạc nhiên hỏi:
– Cậu cũng biết tiếng Khmer à?
– Dạ, trước năm 1970 em cũng hay tháp tùng các đồng chí cấp trên đi nhờ lối Campuchia để ra Bắc, vào Nam. Rồi từ hồi tháng 2 đến giờ thì được cử sang bên này làm nhiệm vụ, nên cũng học được vài câu của đồng bào Khmer.
– Nó quát cái gì thế ạ? – Tôi tò mò hỏi.
– À, có gì đâu! Nó hỏi xin thuốc lá ấy mà! Nên anh bảo nó, ý là: Ê bé con! Ở đây không bán thuốc lá! Đi chỗ khác chơi đi!
– Đơn giản thế thôi sao? – Tôi ngạc nhiên.
– Đơn giản vậy thôi! Nó là trẻ con đang thèm thuốc lá ấy mà. Bọn Polpot đã phát súng đạn cho trẻ em Campuchia trong các trại tập trung và khích lệ chúng hút thuốc lá đến nghiện ngập! – Anh mỉm cười hiền hậu, song lại nghiêm mặt – Còn nó mà là Polpot chính hiệu thì nó đã bắn luôn vào xe rồi, chứ không nhảy ra trước mũi xe thế đâu.
– Thế thì đi tối cũng nguy hiểm đấy nhỉ! – Anh Toản bảo: – Thôi bây giờ cũng muộn rồi, đằng nào cũng phải ăn một chút. Để anh dừng xe nấu cơm cho các cô cậu.
– Để em giúp anh một tay! – Tôi xung phong.
– Khoan đã! Để tìm một chỗ đường thật trống và quang đãng anh ạ! – Anh K71 ngăn lại – Kia! Phía đằng trước khoảng nửa km nữa, em biết có một nơi ta có thể dừng tại đó nghỉ ngơi qua đêm mà vẫn đề phòng được từ xa chống du kích Khme Đỏ đột kích.
– Ồ! Xem ra cậu rất thông thạo địa hình vùng này! – Anh Toản tấm tắt khen sau khi thấy một quãng đường rất dài trước mặt trống hoác không một bóng cây, mô đất.
Chúng tôi đỗ xe lại. Anh 71 tự lãnh nhiệm vụ cùng hai cậu bộ đội cầm súng cảnh giới. Anh Toản và tôi nổi lửa nấu cơm. Cánh lái xe thật tài. Trên xe của họ có đủ tất cả các dụng cụ phục vụ bếp nước. Trong nháy mắt anh Toản đã mổ rửa làm sạch mấy con lươn. Chưa đầy nửa tiếng chúng tôi đã có một nồi cơm chín thơm phức và trã lươn om thơm cháy mũi. Ăn cơm xong còn được tráng miệng mỗi người 2 trái bắp luộc.
Đêm đó chúng tôi ngủ trong xe tải. Anh Toản được ngủ trọn vẹn vì phải lái xe cả ngày hôm trước và sáng mai lại lái sớm. Tôi cùng anh 71 và hai cậu bộ đội chia 2 nhóm thay nhau phiên canh gác cho mọi người ngủ. Họ ưu tiên cho tôi và một cậu lính trẻ đi ngủ trước. Tôi nhanh chóng chìm vào một giấc ngủ mê mệt sau một ngày dài quá mệt mỏi vì đi xe trên đường xấu…
– Thoa ơi! Dậy đi! Đến thành phố rồi!
Tôi bừng tỉnh mở mắt và nhận ra ô tô của mình đang đỗ trong thành phố Phnom Penh và anh 71 đã đứng dưới đất trước cửa xe, ba lô đeo trên vai, quân phục tề chỉnh với nụ cười rạng rỡ:
– Anh phải đi rồi! Mình chia tay nào! – Giọng anh thật trầm ấm đầy trìu mến.
– Ôi! Sao anh không đánh thức em dậy gác khi đến phiên? – Tôi dụi mắt cho đỡ ngái ngủ trách móc.
– Họ đã gọi cô rồi! – Anh Toản vội ngăn tôi lại – Nhưng thấy cô chỉ trở mình ú ớ rồi lại nằm im nên cậu 71 đã ngăn hai cậu lính trẻ lại để cho cô ngủ tiếp rồi gác thay cô đấy!
– Anh làm em xấu hổ quá! – Tôi phụng phịu, một cảm giác vừa biết ơn vừa cảm mến dâng trào. Tôi vội vàng trèo xuống xe, tiến đến trước mặt anh – Bắt đền anh đấy!
– Đợi khi anh về Sài Gòn đã nhé! Bắt đền gì cũng được! Mình còn có nhiều cơ hội gặp nhau mà! – Rồi anh 71 chìa tay khẽ nói: – Mai Khanh muốn qua anh gửi tới em một cái bắt tay thật thân thiết! Bắt tay Thoa, chào thân ái và quyết thắng!
Cái câu cuối bức thư của Mai Khanh được anh 71 nhắc lại một cách chính xác khiến tôi ngỡ ngàng, bàng hoàng.
– Anh Quyền! Anh đã về nước rồi sao? – Tôi kêu to, nước mắt muốn trào ra vì xúc động. Tôi vội đặt bàn tay nhỏ bé của mình lọt thỏm vào bàn tay to dày ấm nóng của anh một cách tin cậy.
– Ừ . Anh về hồi tháng 1, nhưng tháng 2 được điều thẳng sang đây để giúp các bạn Campuchia. – Anh Quyền cười rồi kể tiếp – Hôm kia tranh thủ đi công tác, anh đã đến cơ quan Du lịch tìm em theo lời hứa với Mai Khanh. Nhưng mọi người ở cơ quan nói em đang đi tăng cường ở Khách sạn Le Phnom bên Campuchia. – Anh cười vui vẻ – Chính vì nán lại tìm em nên anh mới bị lỡ chuyến phà buổi sớm và phải bơi qua sông cho kịp thời gian về đơn vị. Và chắc là có duyên nên chúng mình mới được gặp nhau trong buổi lỡ phà định mệnh này.
– Anh ở đâu trong thành phố này? – Tôi rụt rè nghẹn ngào hỏi. – Em có thể đến gặp anh không?
– Nơi anh làm việc em không thể tự do vào được! Đó là nơi ở và làm việc của các đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước Campuchia em ạ.
– Vậy khi có điều kiện thuận lợi, anh hãy đến với em nhé! – Tôi mếu máo xụt xịt.
– Anh sẽ đến ngay khi có dịp! – Anh buông tay, khẽ ôm vai tôi một cách lưu luyến, vẫy chào rồi hẹn một câu cứ âm vang khắc khoải mãi trong lòng tôi – Chờ anh nhé! Anh sẽ về!
Sau đó hai tuần, tôi được điều trở lại làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng để phù hợp với việc chăm sóc mẹ ốm bệnh, tôi xin thôi không làm ở Công ty Du lịch nữa. Từ đó tôi mất liên lạc với anh và cả Mai Khanh.
Lời hẹn: “Chờ anh nhé! Anh sẽ về!” cứ vang vọng mãi khiến tôi không thể nguôi ngoai trong lòng. Tôi vẫn ngóng anh hàng ngày, hàng tháng rồi hàng năm. Tôi tin với tài năng của mình, dù ở đâu trên đất nước Việt Nam này, anh cũng tìm thấy tôi. Nhưng đã mãi mãi chẳng bao giờ tôi còn được gặp lại anh nữa. Điều này tôi chỉ được biết khi 7 năm đã trôi qua, Mai Khanh có dịp vào Sài Gòn và tìm gặp lại tôi. Mai Khanh nói anh đã hy sinh vào tháng 2 năm 1980.
Khi tôi kể lại cho bạn nghe cuộc gặp gỡ định mệnh cuối cùng bên bến phà lỡ chuyến, Mai Khanh đã òa khóc vì hạnh phúc và nói: “Ít nhất, anh ấy cũng đã có một mối tình!”.  Mai Khanh đã nói đúng, vì cho tới lúc này, tôi vẫn chờ anh.
Giờ đây cứ mỗi lần nhìn thấy một phái đoàn ngoại giao hoặc nguyên thủ quốc gia của trong nước hay nước ngoài xuất hiện trên đường phố hay trên Ti Vi với đội Cảnh vệ đẹp uy nghiêm trông thật thanh bình, tôi không thể không nhớ đến anh – Trương Xuân Quyền, nhớ tới cô Mai, chú Hạnh, nhớ đến Mai Khanh trong cái gia đình toàn những con người tuyệt vời cao quý ấy. Họ lung linh trong vẻ đẹp của chính mình. Vẻ đẹp lộng lẫy của một bó đuốc sáng cháy tới giọt cuối cùng vì một sứ mệnh cao cả: âm thầm cống hiến trọn vẹn đời mình vì sự bình an toàn tuyệt đối của các nhân vật cao cấp và các lãnh tụ quốc gia, do Đảng và Nhà nước giao phó.
Chú thích:
(1) Khách sạn Le Phnom ở Phnom Pênh hiện nay là khách sạn 6 sao: Le Royal Raffles Hotel.
14/12/2022
Nguyễn Thị Anh Thư
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  “Gió Cửa Hà” - Những ký ức còn nguyên thổn thức “Gió Cửa Hà” dập dềnh những nỗi niềm. Tâm sự ấy là của một nhân vật trữ tình muốn bộc bạ...