Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Ngôi nhà rường bản Trăng

Ngôi nhà rường bản Trăng

Sâm gọi cho tôi bảo đến ăn tân gia. Tôi thoáng ngạc nhiên bởi căn biệt thự khủng vợ chồng gã đã tân gia rồi giờ còn tân gì nữa, định hỏi lại thì gã đã cúp máy. Tôi gọi cho Cầm, vợ Sâm. “Lão nhà tớ vừa tậu được ngôi nhà rường nên hoan hỉ lắm, ông không đến không xong với lão đâu!” – Cầm bảo tôi.
Một thời, tôi và vợ chồng Sâm – Cầm học với nhau ở Nga. Sâm học đạo diễn còn Cầm học sư phạm. Sâm cao lớn, mặt mũi sáng trưng, tóc bồng bềnh lãng tử lắm. Trước khi bén duyên với điện ảnh Sâm từng làm lính pháo. Điều này thì ít người biết vì Sâm không nói. Cũng như tôi, gã cuồng thơ Tố Hữu. “Bâng khuâng nghe năm tháng/ Đẹp như người con gái nước Nga…!” – Anh em gặp nhau, gã đọc thơ như hát. Rồi lại véo von “Hò dô ta nào/ Kéo pháo ta trượt qua đùi/ Hò dô ta nào/ Kéo pháo ta trượt qua rún…”. Nhưng tôi biết trước sau gã chỉ yêu Cầm. Cầm hát hay tuyệt. Tôi chẳng nói ngoa chút nào, Cầm hát tiếng Nga hay hơn cả người Nga.
“Жил был художник один
Домик имел и холсты
Но он актрису любил
Ту, что любила цветы.
Một chuyện tình yêu anh họa sĩ
Gửi trong tranh vẽ những vui buồn
Lòng anh thầm yêu cô ca sĩ
Cô gái rất yêu những bông hồng…”
Có lần Sâm bảo tôi: “Tao yêu tiếng hát của Cầm trước khi yêu Cầm!”.
Về nước, năm trước năm sau thì có thằng Ngọc. Nhà cửa chẳng có, vợ chồng phải sống bám vào ông bà bên ngoại. “Ông bà đuổi thì mình đi!” – Có lần Sâm bảo tôi. Nhưng ông bà nào đuổi. Đuổi Sâm thì khác nào đuổi Cầm. Rồi có thêm cái Nguyệt. Lúc này cuộc sống trong 4 bức tường nhà vợ đã trở nên quá chật chội. Ông bà chẳng nói nhưng Sâm biết không thể duy trì mãi cuộc sống như thế này. “Tao phải đi!” – Gã bảo tôi, giọng buồn buồn. Sâm bỏ nghề đạo diễn trở lại Nga. Cầm cũng bỏ nghề dạy học, gửi Ngọc – Nguyệt cho ông bà, theo chồng sang Nga làm ăn.
Nhà văn Cao Chiến
Thời hậu Xô Viết, không biết vợ chồng họ làm ăn buôn bán gì. Thỉnh thoảng gặp mẹ của Cầm, hỏi hai đứa dạo này làm ăn thế nào thì bà tặc lưỡi: “Nghe bảo cũng được!”. Đi vài năm vợ chồng về mua đất cất nhà tách ra ở riêng, chấm dứt chuỗi ngày sống bám vào ông bà. Rồi lại nhấp nhổm đi. Thấy thế tôi cản: “Nghe bảo bên ấy lộn xộn hơn cả nhà mình, chúng mày tham lam vừa thôi!”. Sâm im lặng, nheo mắt nhìn tôi rồi thở hắt ra: “Lộn xộn mới kiếm được bạn hiền ơi!”. Rốt cuộc vợ chồng Sâm – Cầm lại đi. Giờ về tậu ngôi nhà rường.
Tôi đến đúng hẹn. Ngoài tôi còn vài người nữa cũng là dân học Nga về. Sâm dắt mọi người đi coi ngôi nhà. Cũng như mọi ngôi nhà rường khác, toàn bộ kết cấu bằng gỗ, chẳng có vẻ gì tinh xảo. Mấy hàng cột còn nguyên những vết đẽo thô, lâu ngày lên nước bóng loáng. Tôi ngầm so với căn biệt thự bề thế thì ngôi nhà rường lép vế thảm hại. Trong ánh nắng chiều sự tương phản càng nổi bật. Có lẽ không chỉ tôi mà mọi người ai cũng có chung cảm giác ấy.
“Nhà rường này là nhà rường bản Trăng chứ khác thì tớ đếch thèm!” – Sâm lên tiếng.
“Nhà rường bản Trăng có gì đặc biệt?” – Tôi hỏi, cảm thấy ngạc nhiên.
“Thứ nhất là hương gỗ và thứ nữa là phương thức mua, nhà rường ở bản Trăng không mua được bằng tiền mà phải đổi bằng bạc trắng!” – Sâm bảo tôi.
Gã kể, có dự án làm du lịch sinh thái, tay giám đốc bảo sinh thái thì phải có nhà rường chứ bằng không khó coi lắm. Nói là làm, ông ta ôm chục tỉ đi bản Trăng chắc mẩm chồng tiền xong dỡ nhà đồng bào đem đi luôn nhưng rốt cuộc về không. Có đứa nhân viên thấy thế cười bảo đưa cho nửa số ấy nó lấy nhà cho, cha giám đốc không tin nhưng cũng đưa, bữa trước bữa sau nó đem nhà rường về thật.
“Tài!” – Tôi buột miệng.
“Tài quá đi chứ, đôi bên cùng có lợi. Khu sinh thái có nhà rường còn đứa nhân viên đút túi cục tiền, thơm!” – Ai nấy đều xuýt xoa.
“Chắc thằng cha giám đốc dự án không biết” – Mọi người nói lao xao.
“Tiền tỉ chứ có có phải giấy lộn đâu mà bảo con voi chui qua lỗ kim không biết. Nhưng đành ngậm bồ hòn làm ngọt, hở ra nó chết mình cũng chết, lại còn bị chê ngu!” – Sâm thở hắt ra.
Tôi định hỏi cái nhà rường Sâm mua hết bao nhiêu nhưng chưa mở miệng đã thấy Cầm xuất hiện. “Món lên rồi, mời mọi người cầm đũa!” – Cầm lên tiếng. Bàn tiệc bày ngay dưới nhà rường. Phải nói là Cầm nấu nướng cực kỳ khéo. Mọi người vừa ăn vừa xuýt xoa. Chai vốt ca khủng loáng cái hết bay. Sâm sướng, khui thêm chai mới.
“Người khác nấu tớ đếch ăn được mà cứ phải là Cầm nấu, uống cũng thế, có vợ bên cạnh thì cứ như rồng hút nước!” – Giọng Sâm cao vút.
“Cha này ga-lăng gớm!”.
“Mấy lần có bà xã đâu mà thấy ông uống cũng kinh!” – Ai đó đá ngang.
“Lão xạo vừa thôi nhé, con nào nấu cho ăn mà bảo người khác!” – Cầm nhéo tai chồng một phát, ánh mắt long lanh. Mọi người cười ồ lên.
“Người ta đưa phố lên rừng còn bố cháu làm thứ ngược đời là đem rừng về phố!” – Thằng Ngọc bỗng nói chen vào.
“Bố mày thừa tiền đâm tính quẩn chứ như tao thì mua vài căn cho thuê chả không sướng hơn rước cái của nợ này à!” – Mẹ Cầm nói với cháu nhưng rõ ràng là có ý ám chỉ thằng rể, giọng thoáng một chút mỉa mai.
“Mươi mười lăm năm nữa, chả xa xôi đâu mẹ ơi, mẹ có đốt đuốc giữa ban ngày cũng chả tìm ra ngôi nhà rường nguyên vẹn thế này, có khi lúc ấy mẹ lại chả khen chồng con Cầm hay hay thế!” – Sâm ngoác miệng cười.
“Con thích nhà rường của bố!” – Cái Nguyệt hét toáng lên, vòng tay ôm lấy cổ bố.
“Cha con mày giống nhau thế hở giời!” – Bà ngoại có vẻ phật ý, vùng vằng.
“Gian nan lắm chồng con mới đem được ngôi nhà rường ở bản Trăng về đấy mẹ ơi!” – Cầm dịu dàng.
“Mày cũng bênh nó chằm chặp!” – Bà già mắng át con gái rồi đùng đùng nắm tay thằng Ngọc lôi tuột qua căn nhà lầu.
“Mẹ nói rồi mẹ quên ngay ấy mà!” – Cầm ngả đầu vào vai chồng thầm thì.
“Anh có nghĩ gì đâu!” – Sâm thoáng bối rối.
Từ khi có nhà rường, mọi hoạt động của Sâm hầu như đều diễn ra ở đấy. Bà ngoại bảo Ngọc: “Bố mày dở người, phòng máy lạnh mát như đàn không ở lại rúc vào cái thùng gỗ!”. “Bố cháu cù lần bà ơi!” – Thằng Ngọc phụ họa với bà. Có lần Cầm bảo tôi: “Lão ấy yêu ngôi nhà rường hơn vợ!”. Nói rồi cười, tự dưng đỏ mặt.
Thỉnh thoảng Sâm gọi tôi đến nhà. Gã huyên thuyên: “Nhà rường này có phải nhà rường đâu!”. “Nhà rường lại bảo không phải nhà rường thì là cái gì, khùng!” – Tôi quạu. Sâm chỉ cười. “Chủ nhà bảo ông ấy là đời thứ mấy mà những cột gỗ kia vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, mối mọt không gặm được đã là một nhẽ, ruồi muỗi cũng chẳng dám vo ve. Những đêm trăng sáng đám nam thanh nữ tú hát ca vang lừng rồi dắt nhau vào rừng tình tự…” – Sâm lẩm bẩm nói một mình. Thường những lúc như thế tôi lặng lẽ về.
Một bữa, như bao lần khác, vợ chồng Sâm – Cầm lại bù khú đám bạn cũ, trong đó có tôi. Nửa chừng cuộc vui, bà ngoại lôi cháu đi. Sâm uống mấy li rồi xị mặt ra.
“Mày lại muốn đi nữa à?” – Tôi hỏi bâng quơ. Cũng là hỏi vậy thôi chứ trong thâm tâm tôi nghĩ Sâm còn thiết đi đâu nữa. Nhà cửa đàng hoàng. Tiền bạc rủng rỉnh. Thích gì có nấy. Một cuộc sống đủ đầy có thể nói là hạnh phúc viên mãn rồi chứ gì nữa!
“Tao nhớ nước Nga!” – Sâm thầm thì, nói chỉ vừa lọt tai tôi.
“Vợ chồng mình cùng bay!” – Cầm bỗng cất giọng ngọt ngào. Thì ra nãy giờ nhất cử nhất động của Sâm đều không lọt qua mắt cô.
“Để tính thế nào!” – Sâm thoáng lưỡng lự.
“Chả tính gì hết, ông đi đâu tôi theo đấy!” – Cầm cười, vò mái tóc bồng bềnh của chồng bù lên.
“Tớ chết cậu cũng theo à?” – Sâm nhìn vợ, mắt chớp chớp.
“Ông chết tôi cũng theo!” – Giọng người đàn bà kiên quyết.
Mọi người cười. Rốt cuộc ít ngày sau đó vợ chồng Sâm – Cầm lại bay qua Nga. Cũng như khi Ngọc – Nguyệt còn nhỏ, việc chăm sóc con được khoán trắng cho ông bà bên ngoại.
Tranh của họa sĩ Thành Chương
Thằng Ngọc được bạn rủ đi chơi. Không ngày nào nó không đi. Bà ngoại không biết. Chỉ đến khi Ngọc bị bắt, rồi có đám xã hội đến siết ngôi nhà rường thì bà mới hoảng, gọi cho con gái. Sau một đêm tóc Cầm trắng đi một nửa. “Việc này chỉ có bố của con Nguyệt mới giải được!” – Cầm bảo mẹ.
Sâm – Cầm về. Tôi không nói bạn đọc cũng có thể tự hình dung ra người đàn ông đau đớn thế nào khi ngôi nhà rường bị cưỡng đoạt. Càng đau hơn khi nhìn mái tóc của vợ và thân hình bị ma túy tàn phá của thằng Ngọc. “Tiền nhiều làm gì khi để vợ con như thế!” – Sâm cắn rứt, tự trách mình.
Dò mãi, rốt cuộc cũng tìm được kẻ đã siết ngôi nhà rường. Sâm quyết định đi gặp để xin chuộc lại.
“Soái lấy làm Bar rồi!” – Một đứa bảo Sâm.
“Nhà rường bản Trăng mà đem làm Bar?” – Sâm sẵng giọng, cảm thấy hụt hẫng.
“Ông anh thích đùa dai, bản Trăng chứ bản Trời cũng thế, thứ ấy không làm Bar thì đem đốt than chứ tích sự cái mẹ gì!” – Chúng cười ngặt nghẽo.
“Mấy anh nói với Soái là tôi xin chuộc!” – Sâm bảo đám người.
Đám kia nháy nhau, ánh nhìn thoáng chút e dè. Gã này dám mò vào tận sào huyệt của chúng, còn đòi chuộc nhà thì hẳn chẳng phải đứa tay mơ. Chúng thầm thì, gọi điện thoại đi đâu đó. Mọi việc diễn ra khoảng vài phút.
“Soái đồng ý cho ông gặp!” – Một đứa bật tách ngón tay bảo Sâm.
Biệt khu của người mà đám kia gọi là Soái khá rộng. Công bằng mà nói bài trí trong biệt khu của Soái rất đẹp. Trông Soái chẳng có vẻ gì hung dữ, duy có cặp mắt là lạnh khác thường. Gã đang ngồi gác chân lên bàn, thấy Sâm đến chả thèm bỏ xuống, giương mắt nhìn như định giá món hàng, không biểu lộ bất cứ cảm xúc nào trên mặt.
“Ông đến đòi nhà?” – Gã hất hàm.
“Không, tôi đến để xin chuộc lại!” – Giọng Sâm từ tốn.
“Hay nhỉ, nếu tôi không cho chuộc thì sao?”.
“Tôi sẽ kiện ra tòa!”.
“Chả ăn thua gì đâu!” – Gã Soái trề môi, nhìn Sâm, tỏ thái độ khinh bỉ một cách lộ liễu.
“Ông tự tin quá đấy!” – Sâm đáp trả.
“Pháp luật là tao đây này!” – Gã Soái nhìn xói vào mặt Sâm, nói gằn từng tiếng rất nhỏ. Sâm thấy lạnh cột sống. Giả như gã Soái to tiếng nạt nộ, hoặc đấm ngực hét lên thì Sâm đã chẳng lạnh đến thế. Gã trấn tĩnh lại. Nhiều người… Sâm định nói nhiều người như ông trời còn chết huống hồ mày nhưng kịp ngậm miệng, mình đến năn nỉ chứ đâu phải đôi co với nó.
Gã Soái như đọc thấu ý nghĩ của kẻ đối diện nhưng không tỏ vẻ tức giận mà trái lại còn cảm thấy thú vị, nở một nụ cười khoan dung.
“Người ta bảo với tôi là ông làm đạo diễn điện ảnh, phải vậy không?” – Gã đột ngột hỏi Sâm.
“Lâu rồi!”.
“Sao không làm nữa?”.
“Tôi cần phải kiếm sống!”- Sâm đáp.
“Ai chả cần phải kiếm sống, ông, tôi, tất cả mọi người đều phải kiếm sống – Gã Soái gật gù tỏ thái độ cảm thông, rồi chỉ tay về phía góc nhà nơi có cây dương cầm, hỏi trống không – Biết đàn chứ?”.
“Một chút!”.
“Đàn đi!” – Gã bảo Sâm.
Pằm pằm! Pằm pằm! Những ngón tay dài, mảnh như ống sậy của chàng nghệ sĩ nhấn xuống phím đàn.
“Жил был художник один
Домик имел и холсты
Но он актрису любил
Ту, что любила цветы.
Một chuyện tình yêu anh họa sĩ
Gửi trong tranh vẽ những vui buồn
Lòng anh thầm yêu cô ca sĩ
Cô gái rất yêu những bông hồng…”
Người Sâm run lên. Tất cả như tan vào hư không. Chẳng còn gã Soái. Chẳng còn ngôi nhà rường. Chẳng còn gì hết. Chỉ còn gương mặt dịu hiền của Cầm hiện trước mắt Sâm.
“Ông về đi!” – Gã Soái đột ngột cất giọng cắt ngang tiếng đàn. Sâm như bị hất thau nước vào mặt, bừng khỏi cơn mê. Gương mặt xinh đẹp của Cầm biến mất.
“Còn ngôi nhà rường?” – Sâm ngó sững gã Soái.
“Tôi cho chuộc, ông dỡ nhanh không tôi lại đổi ý!” – Gã Soái vỗ vai Sâm tỏ vẻ thân thiện.
“Nó cho chuộc là tốt rồi!” – Sâm tự nhủ. Tim gã chợt nhói lên. Chỉ có mái tóc Cầm là không cứu được nữa!
Rời khỏi sào huyệt gã Soái tâm trạng của Sâm khá tốt. Gã kể cho Cầm nghe chuyện ở đấy rồi thuê dịch vụ chuyển nhà về dựng lại trên nền cũ. Sau thời gian bị biến thành Bar, ngôi nhà rường có mùi rất lạ, Sâm tẩy kiểu gì cũng không hết. Sàn gỗ còn tệ hơn, rỗ chằng chịt bởi tàn thuốc. Nước cồn chảy thành vệt thâm xì, gớm ghiếc. “Kiệt tác của thời gian mà chúng đối xử như thế…” – Sâm nói, rồi khóc!
Cầm bảo tôi: “Lão Sâm nhà tớ như bị ma ám!”. Cô nói rồi cũng bật khóc. Lúc khác lại bảo: “Tớ muốn bỏ quách lão ấy!”. Bạn bè cùng học với tôi ở Nga yêu và lấy nhau nhiều nhưng gần như tan hết, còn mỗi cặp Sâm – Cầm. Rắc rối của họ có lẽ từ ngôi nhà rường mà ra. Một người đàn bà đẹp và kiêu hãnh như Cầm khó bề chấp nhận thực tế chồng yêu ngôi nhà gỗ hơn yêu mình.
Nói thế thôi chứ trong sâu thẳm trái tim người đàn bà Cầm biết đời mình chỉ có một người đàn ông để yêu thương!
Một buổi chiều, Sâm thấy tức ngực khó thở, mắt quay như hoa đèn. “Anh đau quá Cầm ơi!” – Sâm kêu lên, giọng hụt hơi. “Đau ở đâu?” – Cầm thảng thốt. “Ở đây!” – Sâm quằn quại, vừa nói, vừa chỉ bụng, rồi lại chỉ đầu, chỉ ngực. Lát sau cơn đau dứt đột ngột. Sâm cười, vừa mở miệng “cứ như đùa” thì cơn đau quất trở lại, ói ra mật xanh mật vàng. Hội chẩn, bác sĩ bảo gã bị tụy cấp. “Cảm ơn vợ nhé, anh đi đây!” – Sâm nói lao xao, rồi đi. Năm ấy, giữa những năm 2000, gã chưa bước qua tuổi 49.
Cầm không suy sụp như nhiều người tưởng. Cô hồi người lại, da thịt đầy đặn, trông tươi tắn và xinh đẹp. Vài gã đực âm thầm và lộ liễu theo đuổi. Cầm kệ. Một hôm, cô bảo Nguyệt nấu cơm cho mẹ chợp mắt một chút. Mãi, chẳng thấy mẹ dậy, Nguyệt gọi, lúc này mới phát hiện nhưng đã muộn. Cầm đi, trên vành môi đỏ thắm vẫn nguyên nụ cười.
Nguyệt vừa bước qua tuổi trăng. Có thể nói cô là bản sao của mẹ ngày trẻ. Không như người anh nghiện ngập, Nguyệt yêu ngôi nhà rường. Nó gắn liền với ký ức tuổi thơ của cô. Ngày nào cô cùng quét. Những cây cột gỗ bóng nước trở lại. Sàn gỗ cũng bớt thâm. Những vết rỗ tàn thuốc mờ đi. Có những buổi sáng buổi chiều, có khi nguyên thứ bảy chủ nhật, Nguyệt ở đấy. Cô vẽ, đọc sách, làm thơ. Có những câu thơ ngô nghê khiến cô khóc.
Cha mẹ mất đi, thằng Ngọc như được giải thoát. Những giây phút thăng hoa cùng đám bạn khiến nó ngây ngất. “Mày còn gì nữa, không thì cút đi!” – Mấy đứa bảo Ngọc. Nó ngẩn ra, chẳng biết mình còn gì. Từ lâu ngoại đã chẳng còn sức để quản nó, vả lại có muốn quản cũng chả được. Nó nhìn cánh hẩu, lắc đầu. “Em mày đẹp như tiên nữ…” – Chúng thầm thì. Thằng Ngọc bừng tỉnh, mặt mũi lại tươi rói.
Một ngày, mấy đứa xấu xí xuất hiện trong ngôi nhà rường. “Bọn tao thích coi mày làm tình với tiên nữ!” – Chúng bảo Ngọc. “Đồ biến thái!” – Nguyệt chửi. Tiếng chửi của người thiếu nữ tuổi trăng tan vào mây trắng. Sau biến cố đáng xấu hổ ấy, một người hàng xóm bảo tôi: “Vợ chồng Sâm – Cầm hiền lành sao lại đẻ ra thằng con tai ác thế chứ? Đời con Nguyệt khốn nạn rồi!”. Ngôi nhà rường không còn đứng trên đất cũ. Rồi căn biệt thự đổi chủ. Trong lần hội ngộ hiếm hoi của dân học ở Nga về, khoảng cuối 2018 hay đầu 2019 gì đấy, tôi không nghe ai nhắc đến tên vợ chồng Sâm – Cầm và ngôi nhà rường bản Trăng của họ nữa.
Cuối 2022, sau dịch Covid-19, đúng ra là sau khi dịch Covid-19 lắng đi, một trong những gã từng uống vốt-ca ở nhà Sâm – Cầm gọi cho tôi, bảo đi coi triển lãm tranh. Tôi ừ luôn. Khu trưng bày là một biệt thự được làm từ thời Pháp nên khuôn viên rất rộng, nhiều cây xanh và bãi cỏ. Ở tiền sảnh, đập vào mắt mọi người là hàng chữ chói lọi: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Gã đầu bạc đưa điện thoại cho tôi bảo bấm một phát. Rồi lại đi tiếp.
Tôi và gã lên lầu 2. Người xem lúc này đã thưa thớt. Ở một góc biệt thự, hơi âm u một tí, tôi thấy có nhóm du khách chừng 20 người, tất cả đều trẻ, tôi đoán là sinh viên, đang đứng túm lại và không ngớt trầm trồ.
“So beautiful!” (Đẹp quá!).
“So gorgeous, wish I could be there to touch the real wood columns!” (Đẹp không tưởng, tôi ước có thể đến tận nơi sờ tay vào hàng cột gỗ!).
“Can’t take my eyes off it!” (Tớ không thể rời mắt khỏi nó!).
“It reminds me of Manet’s “Le Déjeuner sur l’Herbe” (Tự nhiên mình lại nhớ “Le Déjeuner sur l’Herbe” của Manet).
Tôi và gã đầu bạc nhìn đám người trẻ. Rồi lại nhìn bức tranh gắn trên tường. Bức tranh được vẽ theo lối tả thực, hình ảnh vô cùng quen thuộc. Rõ ràng là ngôi nhà rường bản Trăng của vợ chồng Sâm – Cầm. Bên dưới đính cái nơ bé bằng ngón tay ghi rành rọt tên người mua và giá, khởi điểm 1.000USD, người mua chốt 20.000USD. Việc chốt giá vẫn tiếp tục cho tới khi hết triển lãm. “Sâm – Cầm ơi, vợ chồng chúng mày về đây coi tranh con Nguyệt vẽ này!” – Gã đầu bạc nói bâng quơ, rồi bật khóc.
4/5/2023
Cao Chiến
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Gió Cửa Hà" - Những ký ức còn nguyên thổn thức

"Gió Cửa Hà" - Những ký ức còn nguyên thổn thức “Gió Cửa Hà” dập dềnh những nỗi niềm. Tâm sự ấy là của một nhân vật trữ tình muố...