Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Khi bố thắt nơ cho cây hoa hồng

Khi bố thắt nơ cho cây hoa hồng

1. Mẫn ngắm nghía mấy chậu hoa bố vừa kỳ cạch bưng bê xếp đặt chúng cho ngay ngắn, thẳng hàng. Cô lấy tấm giẻ ướt kỳ cọ trên thành chậu cho sạch bóng lớp bụi bám lâu ngày. Ngày thường để lăn lóc mỗi chậu một nơi. Góc này chậu đồng tiền, góc kia thược dược, mé bên trái hiên chậu hồng nhung, bên phải là chậu mẫu đơn nở rộ. Nhưng ngày Tết bố muốn quy hoạch chúng lại. Bố bảo Mẫn điểm rắc thêm vào quanh gốc cây những sợi kim tuyến óng ánh sắc bạc xanh đỏ tím vàng cho thêm phần lộng lẫy, lung linh.
Dù gì cả năm cũng chỉ đón Tết một lần. Bố nói để đón Tết nhưng Mẫn nghĩ có khi bố chờ một khoảnh khắc nào đấy, biết đâu mẹ về ngang qua đây, dẫu không bước vào nhà thì cũng nhìn thấy những đóa hoa mùa xuân của bố con Mẫn, nhớ Tết cũ trong căn nhà xưa mà ấm lòng.
Nhà văn Vũ Thị Thanh Hòa ở Hải Dương
Bà Mỳ ngồi trên chiếc ghế mây têm trầu. Tay bà chậm chạp chấm chấm cái đầu đũa vào bình vôi rồi quệt lên miếng trầu đang têm dở. Bà làu bàu vọng ra:
– Mẫn ơi, xong chưa còn ra trông nom hàng quán chứ. Hàng họ cũng chỉ chờ dịp Tết này là đông khách. Hàng một nơi người một nẻo khéo quay ra quay vào chỉ còn cái quán không!
Mẫn ngó ra quán. Làm gì có ai. Nếu khách đến mua không thấy chủ, kiểu gì họ chả gọi ơi ới. Dịp Tết này đông khách nên có khi đang ngồi vào mâm rồi bố và Mẫn cũng phải thay phiên nhau đứng dậy phục vụ khách luôn. Lựa lúc nào vắng khách mới lại dọn mâm ăn tiếp. Hàng bán chạy, từ hôm Mẫn được nghỉ Tết về phụ bố trông quán cũng đã phải nhập hàng đến vài bận. Dự định sang nhà cái Ly cùng phòng trọ rồi rủ nhau đi chơi mấy chỗ mà vẫn chưa thực hiện được.
– Bà ơi, tranh thủ vắng khách cháu vào dọn dẹp một tí thôi. Khách đến là biết ngay mà!
– Cha bố cô, chỉ cãi bà là nhanh thôi. Cô không biết thằng đó nó vừa mới được ra à?
Bà vừa nói vừa đánh mắt nhìn về phía ấy. Mẫn chợt hiểu ý bà. Mẫn chưa gặp nhưng nghe bà con lối xóm kể Thiện mới được ra tù dịp này. Độ Thiện mới bị bắt làm dân làng xôn xao. Quán nhà Mẫn là nơi bàn tán rôm rả nhất. Người làng bất ngờ vì ai cũng nghĩ Thiện hiền lành, gia đình nền nếp, cơ bản. Ai ngờ có lúc bố mẹ lại phải khăn gói đi thăm nuôi anh ta theo diện “ăn cơm suất, mặc áo sọc”. Thiện bị dính án tù 25 tháng vì tội đánh bạc. Người tỏ vẻ thương cảm, người chép miệng xót xa. Cuộc đời dài lắm, chả ai biết đâu mà lần. Thế nên chẳng dám nói trước được điều gì. Chuyện Thiện phải vào tù đã thành bài học răn dạy con cháu của nhiều gia đình trong xóm. Đấy, nhìn thằng Thiện mà rút kinh nghiệm, mà tránh. Có ra tù cũng khó làm lại cuộc đời. Còn ai tin tưởng mà nhận vào làm việc và giao lưu, kết bạn nữa chứ…
– Bà ơi, anh ta vi phạm pháp luật đã phải trả giá cho hành vi của mình rồi. Có là người cải tạo, lao động tốt mới được ra sớm, ra trước thời hạn. Bà lúc nào cũng đề cao cảnh giác, phân biệt đối xử thế thì làm sao người ta hòa nhập được ạ?
Bà Mỳ thấy mình đuối lý không nói thêm nhưng có vẻ vẫn còn hậm hực.
– Ừ thì tôi cứ nói thế để cô biết mà đề phòng. Chứ xảy ra rồi thì còn nói làm gì cho mệt. Mà cô cứ hơ hớ ra thế kia, đêm hôm một mình ở quán nó lại chả làm ễnh bụng ra ấy à?
Mẫn khe khẽ cười. Bà cứ ra rả thế thôi chứ thực ra bà có lo cho con cháu mới nói vậy. Năm xưa Thiện chỉ vì thất tình nên mới chán đời, nghe bạn bè rủ rê cũng nhảy vào chiếu bạc đỏ đen để quên đi người cũ. Không ngờ lần ấy có người trong nhóm vì mâu thuẫn với nhau nên đã báo công an đến bắt luôn tại trận. Tang chứng, vật chứng rõ ràng, không thể chối tội. Anh ta cùng nhóm bạn phải tra tay vào còng số 8. Từ chuyện đó mà bà cũng đánh đồng, quy kết anh ta có thể làm ra những chuyện thất đức khác thì thật không nên.
– Bán cho tôi cân chè Thái Nguyên nào!
Mẫn nhìn ra, chợt sững người. Hai bà cháu vừa nhắc đến Thiện thì bất ngờ anh ta xuất hiện. Thiện đi chiếc xe máy Dream, cẩn thận dựng xe sát lề đường rồi bước vào quán mua hàng. Mặt anh ta phảng phất nét buồn, chẳng như trước đây lúc mua hàng ở quán, kiểu gì anh ta cũng phải tếu đùa, trêu chọc Mẫn vài câu.
– Anh Thiện mua chè đi hỏi vợ đấy à?
Mẫn cất lời trêu, muốn phá tan không khí tẻ nhạt.
– Người như tôi thì giờ còn hỏi được ai hở cô?
Thiện trả lời khách sáo. Mẫn mở hòm định đưa trả lại 5 nghìn tiền lẻ, quay ra thì anh ta đã nổ máy rời đi. Người trong xóm mà có vẻ xa lạ như người qua đường. Có lẽ anh ta còn mặc cảm về mình.
2. Bé Vân được nghỉ Tết thì thích lắm. Thi thoảng nó lấy lược chải đầu, nhổ tóc sâu cho bà và chơi cờ cùng bà. Con bé có chất giọng hay, nó đọc cho bà nghe những mẩu chuyện vui khiến bà Mỳ cười nói suốt. Mẫn bận làm mứt, rang sẵn hạt hướng dương rồi chia đều hai loại, loại túi 0,5 kg và loại túi 1 kg để bán. Con bé Vân lăng xăng, quẩn quanh bên cạnh xem chị gái làm, có lúc nó làm chân sai vặt, được việc phết.
Mẫn nhìn bé Vân thoáng thở dài. Nó thiệt thòi hơn chúng bạn. Con bé lớn lên mà không được bàn tay chăm bẵm của mẹ. Mẹ bỏ ba bố con ra đi từ khi bé Vân được hơn 1 tuổi, Mẫn lúc ấy đang học lớp 9. Mấy năm qua bố vẫn cảnh gà trống nuôi hai chị em Mẫn. May mà còn có quán tạp hóa. Bố ngược xuôi lên thành phố lấy hàng, tằn tiện tích cóp từ cả những nải chuối đẵn ở vườn, mớ rau mua lại của hàng xóm, những quả trứng gà còn nóng hổi mà gà mẹ vừa rời ổ đem ra bán để cho chị em Mẫn ăn học. Ngày mẹ còn ở nhà, Mẫn từng chứng kiến nhiều cuộc cãi vã, to tiếng giữa bà và mẹ.
– Loại người không biết đẻ như cô nên để người phụ nữ khác thay thế chứ gia đình tôi không thể không có cháu trai nối dõi tông đường. Con trai tôi bị mù nên nó mới lấy cô làm vợ.
Những câu nói của bà nội như xát muối vào lòng mẹ. Bữa cơm mẹ cũng bị bà hắt hủi chẳng tha. “Đã không đẻ được con trai thì ăn lắm làm gì cho tốn cơm tốn gạo!”. Một bên là mẹ, một bên là vợ. Sau nhiều lần giảng hòa không thành, bố đành bất lực nhìn mẹ quả quyết ra đi. Mới đầu bà vẫn còn giữ thái độ hả hê khi bố được tự do, có thể lấy vợ mới kiếm đứa con trai nối dõi tông đường. Thế nhưng mặc cho bà mất công nhờ người dẫn mối, giới thiệu hết người này đến người khác bố vẫn dửng dưng chẳng hề lay chuyển. Bố bảo, bố có thể sống hết phần đời còn lại mà không cần có con trai. Đời bố chỉ cần có Mẫn và bé Vân là đủ. Bà ngao ngán thở dài. Năm này qua năm khác, thấy bố lủi thủi bán mua, cặm cụi cầm cả cây kim sợi chỉ để khâu lại chiếc áo, chiếc quần bị rách, chiếc cúc bị đứt cho con gái, bà mới thấy mình sai lầm. Mẫn và bé Vân lớn lên đều ngoan ngoãn, lễ phép, học giỏi ai cũng khen. Nhà thiếu vắng bàn tay của mẹ, bố và hai chị em Mẫn vất vả nhiều thêm, bà bắt đầu thương hai cháu gái và dò la tin tức của mẹ. Nhưng bên ngoại cũng không biết mẹ bỏ đi đâu. Bà ngoại bảo hôm đó mẹ sang nhà khóc tức tưởi. Lòng mẹ héo hon, gương mặt hốc hác, đôi mắt trũng sâu sau những đêm không ngủ và gầy rộc đi vì những lời nói xúc xiểm, cay nghiệt của bà nội.
– Con biết mình không thể sinh được nữa. Con sẽ cho anh ấy tự do để kiếm tìm hạnh phúc mới. Dẫu sao bà nội bọn trẻ cũng chỉ là một bà mẹ bình thường, chỉ vì lo lắng cho dòng dõi và hạnh phúc con trai mình mà thôi. Chả trách người ta được!
3. Hai mươi tám Tết, trời rét ngọt. Mẫn tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, mang chăn, ga, vỏ gối đi giặt giũ để phơi phong sớm cho thơm tho cửa nhà. Bé Vân thấy thím Biền đi chợ qua ngõ bèn đòi theo đuôi ra chợ, hí hửng xin tiền bố để mua bóng bay về chơi. Con bé tung tăng mang về túi bánh rán cùng chùm bóng bay to tướng. Nó hăm hở bảo Mẫn tìm sợi dây dài để thả bay lên cao cho đẹp. Mẫn tất bật, quay ra quay vào lấy hàng cho khách, con bé đã leo lên hiên tầng hai xoay xở với sợi dây dài. Cái vỏ chăn Mẫn phơi trên thành lan can vừa lúc đó có cơn gió mạnh thổi qua làm cho bị xô lệch. Con bé một tay loay hoay với chùm bóng tay kia túm vội cái chăn cho khỏi rơi xuống đường, mất đà người cũng nhoài theo. May mà còn túm hờ được con sứ. Nhưng con sứ lâu ngày bị lung lay đẩy con bé vào thế lửng lơ, nguy hiểm vô cùng. Nó hét lên sợ hãi. Mẫn nghe tiếng hét của em thì hốt hoảng nhìn lên, luống cuống chẳng biết nên làm gì. Thiện cũng vừa ngang qua thấy cảnh tượng thót tim đó chẳng kịp nghĩ suy bèn dừng xe, chạy vội đến dang tay đón nó. Có lẽ nếu chỉ chậm một bước chân thôi thì bé Vân đã cùng con sứ rơi ngay xuống đất. Con bé mặt tái mét trong vòng tay của Thiện. Thiện lúc đó bị ngã ngửa, loay hoay mãi mới gượng dậy được, cùi chỏ tay bị quệt xuống mặt đường trầy xước vệt dài đến rớm máu. Mẫn và mọi người cùng chạy đến dìu anh ta vào nhà. Bà nội cuống quýt hỏi han.
– Ơn giời, thật phúc đức cho con cháu nhà tôi. May quá có anh Thiện cứu giúp chứ nếu không tan xương nát thịt thì con bé cũng què quặt suốt đời rồi còn gì. Anh bị thế này tôi áy náy quá. Anh còn đau lắm không?
Thiện vẻ mặt tuy vẫn còn đau nhưng cũng gượng nói:
– Bà cứ yên tâm. Cháu chỉ bị ngoài da thôi. Ở vào hoàn cảnh đó ai nhìn thấy cũng sẽ cứu giúp em ấy thôi.
Bé Vân vẫn còn tái mét mặt vì chưa qua hết nỗi sợ hãi, ngồi sát mép giường run rẩy. Bà Mỳ giục bố nhất quyết phải đèo ân nhân ra Trạm Y tế kiểm tra vết thương cho yên tâm. Mẫn nhìn theo xe bố chở Thiện vừa ra khỏi cổng thì nhìn bà nội cười bảo:
– Bà thấy chưa? Anh ta là người tử tế mà. Bà cứ tin vào những điều tốt đẹp đi ạ!
Bà Mỳ cười bỏm bẻm:
– Chuyện đã qua rồi mà cô còn trêu bà nữa sao!
4. Hai mươi chín Tết, bố ngong ngóng trông ra cổng. Từ ngày mẹ đi, ánh mắt ấy chưa bao giờ thôi niềm hy vọng. Mấy hôm trước trong bữa cơm nghe bố bâng quơ thèm ăn mấy củ hành muối, thèm chấm bát nước cáy khi xưa mẹ vẫn làm. Bà trầm tư không nói gì. Có hôm Mẫn thấy bà lò dò chống gậy ra sân đưa tay rờ lên cái khóa cổng, bà gắt gỏng gọi ngay bé Vân đem chìa khóa ra rồi lạch cạch mở khoá cầm vào. Bà loẹt quẹt đôi dép đứng giữa sân nói to: “Tết nhất này đã khóa cổng sớm làm gì vội, ngộ nhỡ ai đó đến chơi mà nhà khóa cổng thì người ta vào làm sao?”. Mẫn biết “ai đó” mà bà nói ở đây là ý nói mẹ. Bố con Mẫn ngạc nhiên khi thấy bà ngồi ở hiên tỉ mẩn bóc rổ hành đầy. Không biết hành làm cay mắt bà hay có chuyện gì khiến khóe mắt bà rưng rưng. Bà vui vẻ khoe với bố vại hành muối bà vừa nén xong như thể con trẻ vẫn thường chạy đi khoe mỗi khi được mặc tấm áo mới.
Lâu rồi nhà Mẫn không gói bánh chưng, phần vì nhà bán hàng bận rộn chẳng mấy khi được ngơi tay để chuẩn bị bao nhiêu là công đoạn trước khi đặt nồi lên bếp. Mà việc trông nồi bánh cũng mất khối tiếng đồng hồ. Những việc vo gạo, đãi đỗ, rửa lá dong, gói bánh thường thì trước đây mẹ vẫn làm. Bà giục bố đi đong gạo nếp và ít đỗ xanh. Bà bảo việc hàng quán bận thì cứ để bà lo phần gói và trực trông bánh. Bao năm qua Tết nhất qua loa đại khái rồi, năm nay phải chuẩn bị cho tươm tất. Chiều muộn, bà sai Mẫn chở Vân mang quà Tết sang nhà Thiện. Bà đã chuẩn bị sẵn chục cân gạo nếp và quả gấc chín vừa cắt trên giàn.
– Hai chị em sang nhà bên ấy cảm ơn đi. Con người ta cũng phải nghĩ đến tình nghĩa chứ chẳng thể qua cầu rút ván được đâu các cháu ạ!
Mẫn vừa sắp đồ vào làn vừa kể bà nghe chuyện Thiện hôm vừa rồi còn được biểu dương trong chiến dịch diệt chuột đồng của thôn nhà. Mùa săn chuột với cái cuốc, cái thuổng cùng khói rơm đồng chiều với đội thanh niên xung kích năm nào cũng diễn ra. “Nhà anh ta trông thế mà sát chuột nhỉ. Chịu khó tu chí làm ăn thì lấy đâu chả được vợ. Sông có khúc người có lúc thôi”, bà lẩm bẩm.
5. Tối ấy, chuông điện thoại của bố reo. Bố cầm máy lên nghe nhưng phía bên kia im lặng. Bố gặng hỏi hồi lâu cũng không có tiếng trả lời. Mẫn bảo, chắc ai đó nhầm máy. Rồi lại có cuộc gọi đến nữa. Nhưng bố tin chắc không phải là nhầm máy. Chắc hẳn mẹ gọi về. Mãi sau, bố nhận được tin nhắn gửi đến. “Nếu bố con ở nhà vẫn còn đợi em, hãy thắt trên cành hoa hồng sợi dây lụa màu đỏ. Lúc đó em sẽ về”. Nghĩa là, mẹ đã từng về qua ngõ mà cả nhà không ai hay biết. Sáng hôm đó, bố con Mẫn chộn rộn trong lòng. Bà ngạc nhiên bảo, Tết này lại còn thắt nơ cho hoa nữa cơ đấy. Hẳn là năm tới sẽ có niềm vui mới rồi.
Bố mở toang hết cánh cửa đón nắng ấm vào nhà. Mẫn hình dung mẹ đang ở quanh đây, chuẩn bị nấu nồi nước mùi già cho cả nhà. Bữa cơm chiều 30 Tết năm nay cả gia đình sẽ quây quần đoàn tụ. Căn bếp chẳng còn lạnh lẽo như mấy năm qua. Tiếng bát đũa sẽ rộn ràng, mùi xào nấu sực lên thơm nức. Mẫn biết, chẳng phải chỉ bố con Mẫn, bà cũng đang ngong ngóng tiếng bước chân mẹ về. Như người ta thường mong Tết đến, xuân sang…
27/3/2023
Vũ Thị Thanh Hòa
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiếng gọi đêm cuối năm

Tiếng gọi đêm cuối năm Đêm hai mươi sáu Tết, chị đứng trên ban công tầng bốn, lặng lẽ đưa đôi mắt u buồn nhìn xa xăm xuống đường phố. Hai ...