Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Truyện ngắn của Thế Đức: Bão đỏ

Truyện ngắn
của Thế Đức: Bão đỏ

Nguyễn Nhạc chiếm được Gia Định rồi thì sai Long nhương tướng quân Nguyễn Huệ kéo quân xuống bình định tiếp phía Nam.
Thời ấy, vùng đất này, dân cư còn thưa thớt, cây cối mọc như rừng, muông thú tự do sinh sống, nhiều vô kể.
Một con sông lớn chảy từ vùng thượng nguồn đổ về. Khi mùa nước hung dữ đã vơi dần, dòng sông lại trở nên hiền hòa, ngày đêm miệt mài trôi về miền vô tận.
Nguyễn Ánh liên tiếp bại trận, phải lẩn trốn, chui lủi khắp đó đây. Lắm lúc lương thực cạn kiệt, chúa tôi phải đào cả củ rừng để ăn mà sống qua ngày, sau đó, lại dạt ra tận đảo Phú Quốc mới yên thân được.
Nguyễn Nhạc thấy tình hình đã yên ổn, cứ thúc ép Nguyễn Huệ rút quân về đại bản doanh để dễ bề kiểm soát. Đêm trước ngày Nguyễn Huệ đưa đại quân trở về, ông cùng người thuộc cấp thân tín đi thị sát trên dòng sông ấy. Hai người giong thuyền dưới đêm trăng. Cánh buồm đang no gió, căng phồng, bỗng Nguyễn Huệ ra lệnh:
– Cho thuyền đi chậm lại!
– Thưa Tướng quân, có chuyện gì vậy? Người thuộc cấp ngạc nhiên, hỏi.
– Ta đồ rằng, sắp tới sẽ diễn ra trận đánh rất ác liệt. Đây là dịp thật hiếm có, ta muốn được ngắm nhìn dòng sông yên bình đầy ắp ánh trăng như thế này.
– Dạ thưa! Tướng quân là người của trận mạc, dễ tưởng máu lửa đã nhuộm thẫm từng bước chân người rồi mà phần đời vẫn còn đẹp như trong mộng vậy!
– Ông nói thế là quá lời với ta rồi. Dù thế nào thì ta vẫn là một con người, chứ đâu phải quỷ thần, ma dữ, chỉ biết có mùi hôi tanh của máu!
Người thuộc cấp nghe Nguyễn Huệ nói thế, cảm như mình vừa nói điều phạm với chủ tướng, vội quỳ xuống:
– Tiểu nhân không dám nghĩ như vậy! Xin tướng quân tha tội!
Nguyễn Huệ cười hiền, đỡ người thuộc cấp dậy, rồi nói:
– Không sao! Là ta cũng chỉ nói vậy thôi chứ nào có trách cứ gì ông! Ta hiểu ý tốt câu nói của ông mà!
Nhà văn Thế Đức ở Hà Nội
Sóng vỗ mạn thuyền ràn rạt. Nguyễn Huệ đứng phía trước, tay đặt trên đốc kiếm nhìn về phía xa xa. Đêm khuya, cảnh trăng như vẽ. Gió lồng lộng thổi khiến chiếc áo choàng của vị tướng trẻ bay phần phật. Người thuộc cấp vừa cầm lái con thuyền, vừa chăm chú dõi theo. Nom Nguyễn Huệ quả là uy nghi, hệt như vị thủy thần đang cưỡi trên mình con sóng bạc thật lớn.
Chợt Nguyễn Huệ cất tiếng, giọng nói của ông bỗng nhiên trầm lắng hẳn:
– Sao bỗng dưng ta thấy nhớ những lần được thày dạy học của ta cho gọi thưởng thức tiệc trà đến thế nhỉ? Cứ mỗi lần vào tuần trăng, hai thày trò ta thường ngồi đàm đạo thơ. Đáng lẽ, ta đã có được mối nhân duyên với gia đình thày dạy của ta. Nhưng rồi Hoàng Huynh ta nghe lời khuyên của thày dấy binh khởi nghĩa, ta phải bỏ học theo Hoàng Huynh lên rừng xây dựng căn cứ. Từ đó, ta dốc lòng luyện tập võ công, và tiếp theo là con đường trận mạc cứ triền miên mãi…
Càng nói, giọng Nguyễn Huệ càng trở nên trầm mặc, nghẹn ngào hơn. Con người đã từng bách chiến bách thắng, giọng nói vang dậy như sấm mà lúc này bỗng nhiên lại rưng rưng lạ. Người thuộc cấp thấy chủ tướng của mình xúc động như vậy thì không thể giấu nổi sự bối rối. Giọng ông run run:
– Thưa tướng quân, chuyện nhân tình thế thái trong thời loạn ly vẫn thường xảy ra đầy ngang trái như vậy. Tiểu nhân xin tướng quân bớt cảm phiền để khỏi ảnh hưởng đến tâm can người!
Nguyễn Huệ nghe nói, cắt lời:
– Ta biết. Nhưng ta cũng muốn giãi bày đôi chút cho nhẹ bớt nỗi ưu phiền nếu ông không nỡ từ chối?
– Thưa tướng quân, tiểu nhân đâu dám từ chối ân huệ của người!
Nguyễn Huệ bắt đầu kể:
– Thày dạy của ta có một người con gái nuôi từ nhỏ. Ông và cả gia đình yêu quý, chiều chuộng nàng như cành vàng lá ngọc, đến nỗi ai cũng lầm tưởng đó chính là con gái của Người sinh ra. Thuở ấy, ta đã đem lòng thương trộm nhớ thầm nàng. Ta thường bị nàng hút hồn, nhiều khi cứ ngơ ngẩn mãi! Qua ánh mắt của nàng, ta hiểu nàng cũng có nhiều thiện cảm với ta lắm. Lũ bạn học của ta thời đó thì lại rất dị nghị với ta. Bọn họ coi chuyện “con thày, vợ bạn” là điều cấm kỵ. Nhưng với ta thì khác. Ta nghĩ bọn họ đã lầm khi đặt hai vế đối đó với cùng một nghĩa. Há đã là những vế đối bên cạnh nhau thường có hàm ý đối nghịch nhau. Bởi vậy, ta có thể tạm giải nghĩa như thế này – Nguyễn Huệ vẫn đứng nguyên tư thế cũ, mắt nhìn đăm đắm về phía xa tít, rồi tiếp – Ở vế đối thứ nhất đương nhiên là điều cấm kỵ. “Vợ bạn” thì không bao giờ được đầu mày cuối mắt, dù chỉ một khóe mắt đưa ngang cũng đã phạm vào điều cấm kỵ ấy rồi. Nhưng còn ở vế kia thì như ta đã nói. Ông là người từng trải việc đời, ta muốn được biết hàm ý của ông nên chăng?
– Thưa tướng quân! Khi biết được tướng quân đem lòng yêu thương con gái, thái độ của ông ấy ra sao ạ?
– Thày ta có vẻ phấn chấn lắm và đã dành cho ta rất nhiều sự ưu ái.
– Tiểu nhân trộm nghĩ, thái độ của ông ấy chính là câu trả lời cho tướng quân rồi đấy ạ!
Nguyễn Huệ quay lại:
– Ta cám ơn ông! Ta cũng nghĩ như thế! Vậy mà thời thơ ấu ta đã không đủ bản lĩnh để vượt qua sự dị nghị của lũ bạn học. Sau này, đã có lần ta cho người đi tìm nàng, nhưng cả gia đình họ đã không còn ở đó nữa! Nguyễn Huệ thở dài: Chiến tranh triền miên, đầu rơi, máu chảy, chẳng biết họ thế nào? Ta thật có lỗi với nàng và cứ day dứt mãi cho đến tận bây giờ. Giá đừng xảy ra chuyện binh đao lửa đạn thì ta vẫn là bổn phận của người học trò, và…
Nguyễn Huệ im lặng một hồi. Dòng sông mênh mông, phủ đầy những con sóng bàng bạc. Phía trước là một hòn đảo nhỏ đang trầm tư giữa bốn bề sông nước. Trong bầu tâm sự của ông vốn chứa đầy nỗi trắc ẩn lại càng thêm xào xạc. Bất giác, Nguyễn Huệ cất giọng trầm trầm, nhưng đầy cảm hứng ngâm mấy câu thơ:
“Chênh chếch vầng trăng soi đảo nhỏ
Nơi chốn hoang vu có thấu tỏ lòng ta?
Nào ai đâu muốn lìa ánh ngọc.
Để sợi tơ hồng níu mãi hồn ta!”
Thật lạ, Nguyễn Huệ vừa dứt lời, từ trên nền trời thăm thẳm bỗng thấy một vì sao sa xuống hòn đảo nhỏ. Rồi lại có ánh hào quang chói lòa làm cả hai người cùng thấy lóa mắt. Phải chăng đó là điềm báo của ông Trời? Nguyễn Huệ nghĩ vậy. Ông quay lại nói với người thuộc cấp:
– Cho thuyền đi tới đó! Ta muốn được khám phá điều bí mật kỳ diệu này!
Người thuộc cấp nghe nói, vội đáp:
– Thưa tướng quân, nơi ấy là một hòn đảo hoang vu có rất nhiều rắn độc. Vài năm trở lại đây, người ta lại nghe thấy cả tiếng hổ gầm. Dân chúng quanh vùng đồn nhau có mãnh thú rất hung dữ vượt sông vào đó lánh nạn binh đao của con người. Đã có một đám thợ săn cừ khôi rủ nhau ra bẫy hổ nhưng không thấy ai trở về. Bây giờ lại đang lúc khuya khoắt, ta cũng không nên mạo hiểm mà tới đó!
– Không sao đâu! Chẳng lẽ Nguyễn Huệ ta lại sợ một con hổ. Ta e đó là điềm báo của ông Trời. Nếu đã là điềm báo, cho dù lành hay dữ đều rất linh thiêng, nếu ta muốn thoát khỏi nơi này như một kẻ trốn chạy thì chắc cũng chẳng dễ gì!
Người thuộc cấp vâng lệnh, đưa con thuyền quay mũi hướng về phía đảo. Họ lách theo từng bụi cây mọc như rừng bên mép nước để tìm lối lên bờ. Tin đồn về mãnh thú quả không sai khi một tiếng hổ gầm thật lớn làm rúng động cả mặt nước. Rồi tiếng chân chạy rầm rập trên lá rụng và củi khô nghe rôm rốp. Nguyễn Huệ vừa kịp nói với người thuộc cấp chuẩn bị cung nỏ để trừ ác thú thì bất ngờ nghe tiếng những mũi tên bật khỏi ná vun vút bay về phía con thuyền.
Bằng phản xạ hết sức thiện nghệ của người lính chiến, Nguyễn Huệ và người thuộc cấp nhanh như chớp, tung mình lao vút lên cao để tránh những đường tên hết sức lợi hại. Ngay lập tức, gần chục bóng người tựa những bóng ma cũng lao vút lên, vây chặt lấy họ. Một tên mặt đen sì, nom rất dữ tợn, tay múa đao, tay chỉ mặt Nguyễn Huệ quát lớn:
– Tên giặc cỏ Nguyễn Huệ kia, tội của ngươi thật đáng chết! Ngươi đã nổi loạn đánh đuổi Chúa Công ta trôi dạt khắp chân trời góc bể. Nay lại tới đây, định tróc nã cả ái phi yêu của Người nữa ư? Phen này ta quyết bắt ngươi phải nộp mạng. Tự tay ta sẽ mang đầu ngươi về để dâng lên Chúa Công của ta!
“Ái phi!” Nguyễn Huệ nghe nói, chợt hiểu mọi chuyện. Ông chỉ tên mặt đen sì, đáp:
– Ta là nghĩa quân áo vải cờ đào. Chúa tôi các người hà hiếp, bóc lột dân chúng đến tận xương tủy. Cực chẳng đã, Hoàng huynh ta mới dấy binh khởi nghĩa. Dân theo như nước, đã cuốn sạch cơ đồ bạo chúa của các người. Ngươi không mau mau quy hàng, ta hứa sẽ cho ngươi một cơ hội để lập công chuộc tội. Bằng không, cái đầu kia của ngươi nhất định sẽ phải lìa khỏi cổ!
Người kia hét lên một tiếng như sấm, rồi chĩa gươm lao thẳng vào Nguyễn Huệ. Cuộc “không chiến” diễn ra rất ác liệt. Tiếng giáo mác khua động cả đất Trời. Chớp lửa làm nhòe cả ánh trăng. Đường gươm của Nguyễn Huệ như có pháp lực siêu nhiên hết sức kỳ diệu. Đến lúc chân của ông và người thuộc cấp vừa chạm đất thì cả gần chục cái đầu của những người kia đã lăn lông lốc dưới chân họ.
Trận đấu kết thúc nhanh chóng. Máu chảy đỏ lòm. Mùi tử khí hòa lẫn ánh trăng lạnh lẽo ghê người.  Chẳng lẽ nước Nam này chẳng còn một tấc đất nào được yên bình? Đến một hoang đảo nhỏ, tưởng chỉ có loài cầm thú mới sinh sống nổi mà vẫn đầy ắp linh khí của tử thần! Nguyễn Huệ nghĩ vậy và lòng bỗng thấy se lại! Ông quỳ xuống, nâng thanh kiếm vấy máu đỏ lòm lên trước mặt, than thở:
Ta xin thề với bầu trời đầy những vì sao
Lòng Huệ không hề muốn thanh gươm này nhuộm máu.
Đêm ngày ta chỉ ước dệt cảnh non nước thái bình.
Máu chảy, đầu rơi, tất thảy đều là hồn thiêng sông núi.
Anh hùng! Ta liệu có xứng danh?
Nguyễn Huệ nói xong, đứng dậy, đưa mắt nhìn những cái đầu mắt vẫn mở trừng trừng như còn đang hết sức oán giận, bảo:
– Ta với các ngươi vốn xuất thân không thù oán gì nhau nhưng lại thờ phụng hai chủ. Ta theo Hoàng huynh của ta, còn các ngươi thì lấy Nguyễn Ánh để làm minh chủ. Nếu hôm nay, các ngươi đánh thắng được ta thì số phận của ta cũng giống như các ngươi mà thôi. Đó là hậu quả tất yếu của nạn binh đao lửa đạn, các ngươi cũng đừng thù hận gì ta nữa!
Nguyễn Huệ vừa dứt lời thì cả từng ấy đôi mắt từ từ khép lại.
– Ta cầu cho linh hồn của các ngươi mau được siêu thoát! Nguyễn Huệ tiếp lời, rồi khoát tay bảo người thuộc cấp: Ta đi thôi!
Hai người men theo một con đường mòn đi sâu vào trong đảo. Ở chốn hoang vu thế này mà lại có một con đường mòn như thế, rõ ràng Nguyễn Ánh đã đem “ái phi” lẩn trốn ở đây khá lâu rồi! Nguyễn Huệ vừa kịp nghĩ vậy thì bỗng phát hiện có ánh  lửa bập bùng ở phía trước. Ông chỉ cho người thuộc cấp biết và ra hiệu đề phòng cẩn thận. Hai người lăm lăm tay kiếm, uốn mình nhẹ nhàng như hai con rắn trườn tới. Trời! Nguyễn Huệ thảng thốt. Suýt nữa thì ông đã bật lên thành tiếng. Trong một túp lều nhỏ, một người đàn bà còn rất trẻ, đẹp đến lạ lùng, đang ngồi cạnh đống than còn hồng rực. Xung quanh người đàn bà ấy là những cô gái cũng rất trẻ. Có lẽ họ là những người hầu. Tất cả tụm lại. Nom bộ dạng đủ thấy họ đang hoảng sợ vô cùng. Người đàn bà đẹp mê hồn kia chính là “ái phi” của Nguyễn Ánh! Nguyễn Huệ đoán vậy, và ông vẫn còn chưa hết cơn thảng thốt. Giữa chốn hoang liêu, sông nước, trăng sáng vằng vặc thế này, nếu không vì trận “không chiến” ban nãy đã làm cho họ quá khiếp sợ, dễ thường những người đàn bà kia lại chẳng dệt chốn này thành hòn đảo tiên đẹp nhất trần gian?
Nguyễn Huệ thoáng nhìn mái tóc mượt mà như dòng suối đang chảy của người đàn bà ấy thì bỗng thấy chạnh lòng. Ông chợt thở dài…
Người thuộc cấp thấy vậy, cũng lấy làm ái ngại thay. Ông ghé tai nói nhỏ với chủ tướng điều gì, nhưng nguyễn Huệ xua tay, khẽ nói: “ Hãy đừng làm họ sợ hãi thêm nữa!”
Rồi Nguyễn Huệ giơ tay làm hiệu để hai người quay trở về bến sông.
Nguyễn Ánh vùng dậy, thét lớn:
– Ái Phi! Ái Phi của ta có làm sao không?
– Bẩm Chúa Công! Có lẽ Chúa Công mê ngủ đấy ạ! Người hầu cận già vội nói.
– Ta đang ở đâu thế này? Ta vừa trải qua cơn ác mộng thật khủng khiếp! Đúng là Ái phi của ta đang gặp nạn rồi!
Nguyễn Ánh vẫn chưa hết cơn hoảng lọan. Ông chạy thẳng ra ngoài, ngồi phịch xuống một tảng đá bên cạnh, miệng không ngớt lẩm bẩm: “Mệnh trời! Mệnh trời! Nghiệt ngã! Thật là nghiệt ngã quá!” Phải mất lúc lâu, ông mới định thần lại được.
– Đúng là ta đã mê ngủ thật! Nguyễn Ánh kéo vạt áo thấm mồ hôi vã trên trán, rồi vẫy tay gọi người hầu cận già:
– Chắc vì ta quá xót thương cho Ái phi của ta đang gặp muôn vàn cay đắng nên hóa thành ác mộng đấy thôi. Không biết giờ này, số phận của nàng có được yên ổn hay không? Ta cầu mong cho cơn ác mộng vừa rồi không phải là sự thật!
Người hầu cận già nghe Nguyễn Ánh gọi người đàn bà chưa hề có chức phận gì là “ái phi” thì tỏ ý ngạc nhiên. Ông chắp tay, cúi đầu, mắt ngước nhìn Ánh mà miệng thì cứ lập cập định nói điều gì nhưng lại không dám. Nguyễn Ánh hiểu ý, ngắt lời:
– Ông đừng bắt bẻ gì ta nữa! Ta cũng rất lấy làm tiếc vì chưa kịp làm lễ phong hiệu cho nàng để có danh chính ngôn thuận. Ta đã gặp nàng trong hoàn cảnh giặc giã như thế này, biết làm sao được? Thật đáng thương thay! Nguyễn Ánh trầm ngâm chốc lát, rồi tiếp: Nhưng ta cũng nói để ông biết, trong lòng ta, từ bấy lâu nay, ta đã coi nàng như người vợ yêu của ta rồi. Nếu ta gọi nàng là “ái phi” thì cũng chẳng có gì là sai cả!
Nguyễn Ánh nói xong, ngồi im lặng hồi lâu. Ông nhớ lại câu chuyện hồi đánh chiếm vùng đất Thuận Hóa. Ánh nghe tin bắt được một người có quan hệ với giặc Tây Sơn thì mừng lắm, truyền cho mang tới. Nhưng truy xét mãi, người này vẫn một mực chỉ nhận đã làm nghề dạy học cho các môn sinh trong khắp thiên hạ chứ tuyệt nhiên không biết gì đến ba anh em Nguyễn Nhạc. Ánh vốn tính cẩn thận, định sai đem giết để phòng hậu họa về sau. Nhưng khi gặp người con gái của người này thì Ánh lấy làm sửng sốt. Ánh thốt lên: “Thật tuyệt mỹ giai nhân! Đó là ngọc quý Trời đã ban cho, ta không thể không nâng niu, giữ gìn, để làm chỗ ươm hạt cho xã tắc sơn hà mai sau!”
Ánh cho gọi đưa người con gái ấy đến, và nói: “Ta thật hổ thẹn vì đã để lũ người kia làm cho mỹ nhân phải kinh sợ. Sắc đẹp của nàng phải sánh ngang thiên hạ, cùng với Tây Phi thời xuân thu, hay Dương Quý Phi của Đường Minh Hoàng. Ánh ta thật không còn mong ước gì hơn là có được nàng để suốt đời sủng ái, cho được bõ công ta nhọc nhằn đánh giặc…”
– Dạ bẩm chúa công, hạ thần không dám mạo phạm mà chỉ nghĩ tới phép tắc triều chính thôi ạ!
Người hầu cận già thấy Ánh bỗng ngơ ngẩn, vẻ mặt như mất hết thần khí của một bậc Quân vương nên vội thưa bẩm như vậy.
Nguyễn Ánh giật mình, cười xòa:
– Chuyện nhỏ! Đang lúc loạn ly mà ông vẫn quen như thời nước nhà còn thịnh trị vậy. Việc quan trọng nhất của ta bây giờ là tiêu diệt được giặc Huệ. Khi nào công thành danh toại, bất cứ kẻ nào, kể cả bản thân ta nếu bất tuân theo luật lệ đã định thì cứ tùy theo nặng nhẹ mà xử chứ nhất định không tha! Nguyễn Ánh ngã người, một tay chống về phía sau, đỡ lấy tấm thân khô đét cho khỏi đổ, tay kia vỗ bồm bộp lên cái bụng lép kẹp: Chà! Ta thấy đói bụng quá! Ngươi xem có cái gì cho ta ăn tạm được không?
– Bẩm Chúa công! Xin Người đợi một lát ạ!
Người hầu cận già chạy đi. Lát sau, ông bưng tới một đĩa sắn luộc đã bóc vỏ còn nóng hôi hổi, dâng lên Nguyễn Ánh.
– Hạ thần xin mời Chúa công dùng tạm ạ!
Nguyễn Ánh nhón một miếng đưa lên miệng. Mùi sắn thơm phưng phức. Đang lúc đói bụng cồn cào nên chỉ một loáng đĩa sắn đã bay sạch. Bây giờ thì Ánh thấy cái bụng đã ổn mà cái tâm cũng bớt phần hoang mang. Chợt Ánh ngước mắt nhìn lên trời. Mảnh trăng khuyết đã chếch hẳn về phía bên kia. Ánh giật mình, vội nói:
– Có lẽ đã tới ba canh giờ rồi đấy nhỉ? Sáng sớm, ta cần phải lên đường đi Long Xuyên. Chu Văn Tiếp hẹn đón ta. Hôm nay ta sẽ hội kiến với các tướng người Xiêm trước khi tới chầu Đức vua ở Vọng Các. Ta thề quyết sống mái với Nguyễn Huệ một phen! Hai hàm răng Ánh bỗng nghiền vào nhau ken két khi cái tên Nguyễn Huệ vừa bật ra khỏi miệng: Ta thề không bao giờ quên được những ngày khoai sắn thay cơm, sống nhục như cái kiếp chó trâu ở chốn bùn lầy nước đọng như thế này!
Đôi mắt Nguyễn Ánh long lên, trắng dã. Ông đứng bật dậy, bước vào lều, vừa đi vừa lẩm bẩm: “Người Xiêm sẽ giúp ta! Người Xiêm sẽ giúp ta tiêu diệt giặc Huệ! Ta sẽ băm vằm thằng giặc cỏ này ra làm muôn mảnh mới hả dạ được! Khi ấy, ta sẽ đón nàng về và sẽ bù đắp cho nàng tất cả!”
Nguyễn Ánh bước tới cửa lều, bỗng quay phắt lại, bảo:
– Ngươi sửa soạn xiêm áo cho ta thật chu đáo. Dẫu gì thì cũng đừng để mất uy danh nhà chúa của ta với các nước lân bang! Nhớ đánh thức ta dậy sớm, nghe chưa!
Nói rồi, Nguyễn Ánh khom người, chui vào lều, ngã xuống chiếc đệm cỏ. Được một lát, lại thấy Ánh ngồi nhỏm dậy, tay vẫy vẫy gọi người hầu cận già.
– Ông lại đây ta bảo! Nguyễn Ánh đổi giọng thân mật, thì thào: Chuyện ái phi của ta, chưa có bá quan nào được ta cho biết đâu nhé! Ông hiểu ý ta chứ?
Bấy giờ, Nguyễn Ánh mới thật sự cảm thấy vững dạ. Ông lại ngã người xuống đệm cỏ. Ông muốn làm giấc ngủ nhưng lại không sao ngủ nổi. Bóng đêm đã làm ông hết sức sợ hãi. Hễ cứ nhắm mắt thì mỹ nhân, cơn ác mộng đẫm máu và giặc cỏ Nguyễn Huệ lại hiện ra trước mắt. Ông cố gạt đi, rồi tự trấn an: “Người Xiêm mạnh lắm, họ sẽ giúp ta lấy lại tất cả! Ta cần phải nghỉ ngơi để mai còn đi Long Xuyên lo chuyện đại sự!”
Nguyễn Ánh thấm mệt, cả tấm thân như muốn rã rời thành từng mảnh. Ông vừa chợp mắt thì bỗng nhìn thấy giặc Huệ cưỡi trên lưng con tuấn mã thật lớn, kẹp trên tay người đàn bà đã làm ông say đắm, điên đảo, đang cố vùng vẫy, kêu cứu rất thảm thiết. Máu tràn ngập hòn đảo. Chính nơi ấy ông đã sai người đem nàng tới ẩn náu trong lúc rút chạy. Máu loang đỏ cả dòng nước, thấm vào tận nơi ông nằm làm lưng áo ướt đẫm. Ông giật mình choàng tỉnh, đưa tay rờ rẫm khắp mình mẩy xem có đúng máu thật không? Tiếng kêu ken két lại bật ra từ hai hàm răng, nghe rợn cả người!
Bỗng Nguyễn Ánh vùng dậy, vớ lấy thanh kiếm treo bên cạnh, chạy ra khỏi lều. Ông gọi người hầu cận già bảo mang ngựa tới. Nguyễn Ánh lồng lộn, khoác vội bộ đồ đi trận rồi nhảy phắt lên lưng ngựa. Hòn đảo đẫm máu đang ở trước mắt Nguyễn Ánh. Ông gào lên: “Ánh Ngọc! Ánh Ngọc! Ta sẽ đến cứu nàng! Ta sẽ đến cứu nàng!”
Nguyễn Ánh cúi rạp mình trên lưng ngựa. Con đường vẫn còn vắng lặng, đang mờ hơi sương pha lẫn chút ánh trăng nhàn nhạt bỗng nổi gió ào ào. Bấy giờ, Nguyễn Ánh mới biết mình vừa trải qua một cơn mê sảng. Người ông đang lên cơn sốt. Tiếng gà gáy đâu đó báo hiệu đêm đã sắp tàn. Nguyễn Ánh chợt nhớ tới buổi hội kiến cùng các tướng người Xiêm ở Long Xuyên trước khi tới chầu đức vua ở tận xứ người. Ông vội đưa cánh tay gạt mồ hôi. Rồi lại đưa cả hai bàn tay xoa xoa, vuốt vuốt lên khuôn mặt nóng hầm hập cho tỉnh hẳn cơn mộng mị. Nguyễn Ánh lặng lẽ kéo dây cương cho con ngựa chiến rẽ về ngả ấy…
Thỉnh thoảng, Nguyễn Huệ lại bị cơn dị ảo hành hạ bởi sự hồ nghi về hai người đàn bà nọ cùng có một vẻ đẹp mê hồn, cùng có một mái tóc dài, óng mượt như dòng suối đang chảy. Ông đứng dậy, bước ra khỏi tư dinh. Cái mô hình trận đánh sắp tới được Nguyễn Huệ xây trên nền cát đã đánh dấu xong mọi vị trí mai phục trọng yếu. Ấy vậy mà lòng dạ ông vẫn cứ rối tơi bời. Ông đi đi lại lại hồi lâu trên cái lối mòn lát bằng những viên đá cuội trắng muốt. Vườn cây cảnh đầy hoa thơm, cỏ lạ, chim chóc hót líu lo, ong bướm nô đùa bên nhau từng đàn như ngày dạ hội đầu xuân. Mọi khi, nơi này là cái thú vui bất tuyệt mỗi lúc ông làm việc căng thẳng, mệt nhọc. Ấy vậy mà lúc này ông rất hững hờ, vô cảm, chẳng còn thấy thích thú gì cả.
Nguyễn Huệ vẫn đi lại hồi lâu như vậy, rồi bỗng quay phắt lại, nhấc viên sỏi trắng nho nhỏ đặt vào một góc trên dòng sông đang chảy. Nơi ấy nằm khá xa vị trí có những khẩu đại bác đen ngòm đặt ở hai bên bờ. Nguyễn Huệ gật gù:
– Được! Được lắm!
Đôi mắt ông long lên tia sáng lạnh như có ánh thép khi cái dự tính vừa vụt lóe trong đầu. Cũng vừa đúng lúc ấy, người thuộc cấp của ông vội vàng bước tới:
– Hạ thần vâng mệnh tướng quân đã trở về rồi ạ!
Nguyễn Huệ sốt sắng:
– Vậy sao rồi?
Người thuộc cấp thuật lại tỷ mỷ về chuyến đi ấy. Nguyễn Huệ nghe xong, nét mặt càng thêm đăm chiêu. Ông nói:
– Thôi được! Ta cám ơn ông! Ông hãy về nghỉ ngơi cho đỡ mệt, rồi ta sẽ liệu tiếp!
Vẫn không thể tìm ra được manh mối của cha con nàng thì cái sự hồ nghi của ta vẫn còn là một bí mật chưa có lời giải! Giá lúc ấy ta không quá kiêu hãnh như một người hùng thì bây giờ đỡ nhọc nhằn cho ta quá! Nguyễn Huệ nghĩ tới lời khuyên của người thuộc cấp hãy giữ họ lại lúc gặp mỹ nhân trên hòn đảo nhỏ.
Lại vẫn là vẻ đẹp mê hồn và mái tóc dài, óng mượt, bồng bềnh như dòng suối nhẹ trôi ám ảnh. Nguyễn Huệ thổn thức. Dạo ấy, lũ bạn học cùng lớp đã tốn không biết bao giấy mực để làm thơ ca ngợi sắc đẹp của nàng. Có người còn nói: “Người ấy làm hoa phải ghen tỵ, không dám khoe sắc. Liễu rủ bên hồ phải e thẹn với mái tóc của nàng, chẳng dám rung rinh trước gió mỗi khi nàng dạo chơi ngoài vườn…”
Đôi mày vốn đã xếch ngược của Nguyễn Huệ  bỗng nhíu sít vào nhau. Ông nhớ lại buổi học cuối cùng đến chào từ biệt thày. Người thày mà ông rất mực kính trọng nắm chặt tay ông hồi lâu, rồi nói: “Ta hy vọng vào tài trí hơn người của con sẽ cứu giúp được thiên hạ!” Huệ cảm động: “Thưa thày, giang sơn đại nghiệp còn tùy thuộc vào mệnh Trời, nhưng con nguyện làm hết sức mình để không phụ công lao thày chỉ bảo!” Nói xong, Huệ kính cẩn cúi đầu, cáo lui.
Vừa bước ra cửa, Huệ bỗng giật mình. Người con gái ấy đã đứng nấp sau tấm rèm chờ sẵn. Thật may, chính Huệ cũng đang bồn chồn không biết làm thế nào để được gặp nàng. Vừa nhìn thấy Huệ, nàng vội tiến đến. Cả hai đều thấy xốn xang, muốn nói với nhau một điều gì để bày tỏ nỗi lòng mà không thể cất lên thành lời. Huệ ngập ngừng, rồi đưa tay nắm chặt lấy tay nàng. Đôi bàn tay ngọc của nàng ngoan ngoãn nằm trong tay Nguyễn Huệ. Bốn con mắt lóng lánh nhìn nhau. Hồi lâu, nàng mới e ấp nói: “Chàng hãy bảo trọng! Lúc nào em cũng ngóng trông, chờ đợi chàng!” “Ta quyết không phụ tấm lòng của tiểu thư! Nhất định sẽ có ngày ta trở về!” Huệ nói rồi quay đi. Vụt trong khoảnh khắc ấy, Huệ thấy nước mắt ướt nhòe trên hàng mi cong vút, rồi lăn dài trên đôi má trắng hồng của nàng…
Nguyễn Huệ vẫn bước tới bước lui, hai tay cào ngược lên mái tóc để trần, quăn tít. “Ta đã lấy được cả thiên hạ. Chẳng lẽ người đàn bà ta đã từng yêu thương lại rơi vào tay Nguyễn Ánh!” Bờ môi ông bị hàm răng nghiền chặt, nhòe cả máu!
– Không!
Nguyễn Huệ bật lên thành tiếng. Ông quay phắt lại, bước tới dòng sông có cái sơ đồ trận đánh, mắt nhìn như xuyên thẳng vào nơi ông vừa đặt viên sỏi nhỏ màu trắng. “Nếu đúng vậy, thì mối cừu địch giữa ta và Ánh đúng là do trời định! Bây giờ lại có thêm một sự mất còn nữa, không thể dung thứ!”
– Thưa tướng quân!
Nguyễn Huệ giật mình. Người thuộc cấp đột ngột xuất hiện trở lại, vội vàng nói tiếp:
– Xin tướng quân xá tội! Thái Đức Hoàng đế sai tiểu nhân cấp báo với tướng quân, Nguyễn Ánh đã dẫn hai vạn quân Xiêm cùng với ba trăm chiến thuyền đổ bộ lên vùng Kiên Giang – Rạch giá. Bên phía tây còn có ba vạn quân theo đường bộ cũng đang rầm rộ tiến sang…
– Ta biết cả rồi!
Nguyễn Huệ gật đầu. Ông nhanh chóng lấy lại phong độ của một kẻ kiêu hùng, nom bình thản như không có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra. Ông bước tới, nắm chặt tay người thuộc cấp.
– Ông lại đây! Ý đồ của Ánh đã nằm gọn trong lòng bàn tay ta rồi! Nguyễn Huệ chỉ vào cái sơ đồ cát: Mọi việc đã đâu vào đấy cả. Ta đang chờ chúng đến để tự chui đầu vào rọ. Ta hứa với ông, chỉ đúng một trận, xác của năm vạn quân Xiêm sẽ bị quăng tất xuống dòng sông này!
Nguyễn Huệ ngưng lời, đưa mắt nhìn xuôi về phía cuối con sông, tay chỉ nơi ông vừa đặt viên sỏi nhỏ màu trắng, rồi thì thầm với người thuộc cấp một điều gì có vẻ rất quan trọng. Người thuộc cấp nghe xong, vội đan lồng hai bàn tay vào nhau, đưa lên ngang mặt với một động thái rất mạnh mẽ.
– Tiểu nhân xin hết lòng phụng sự tướng quân!
– Ta cám ơn ông! Nguyễn Huệ nói, rồi lấy trong người một chiếc hộp nhỏ, rất xinh xắn, đưa cho người thuộc cấp: Nàng sẽ nhận ra ta ngay khi nhìn thấy kỷ vật này. Bây giờ, ông hãy đi ngay đi kẻo không kịp nữa đâu…
Nguyễn Ánh nhanh chóng thất vọng khi đội quân Xiêm tỏ ra ỷ thế làm càn, đi tới đâu là đốt phá, cướp của, giết người, gây rất nhiều tội ác tới đó. Ông gặp hai tướng Xiêm là Chiêu Tăng và Chiêu Sương, rồi nói:
– Ánh ta đã vì thất thế trước giặc cỏ Tây Sơn mà phải nhờ cậy đến đức vua và hai vị tướng quân giúp đỡ. Nếu hai vị tướng quân để cho quân sĩ chỉ lo chạy theo cái cuồng vọng cướp bóc, hãm hiếp đàn bà con gái, vơ vét của cải, để đến lúc mất cả lòng dân thì ta e khó bề đương đầu nổi với giặc Huệ!
Chiêu Tăng tỏ vẻ khinh thị, phẩy tay cười lớn:
– “Quốc vương” chớ phải lo xa quá! Ta phục mệnh đức vua đem quân vượt biển sang giúp “Quốc Vương”. Nay chưa phân được thắng bại mà “Quốc Vương” đã dị nghị với quân sĩ của ta tham lam độc ác thì có khác gì bảo chúng ta như loài thú cắn lại chủ nhà. Ta thề với ‘Quốc vương”, nếu chỉ vì tư lợi mà phải thất trận, làm nhục quốc thể, thì ta không thể trốn khỏi tội trời diệt! Rồi để an ủi Nguyễn Ánh, Chiêu Tăng nói tiếp: Quốc Vương thấy đấy, chẳng phải vì giặc Huệ quá sợ, nên đại quân của ta đã chiếm đến tận Tiền Giang rồi mà hắn vẫn án binh bất động, đâu có dám nghênh chiến! Chiêu Tăng cười lớn: Vừa rồi, giặc Huệ lại xin ta giảng hòa. Ta tương kế tựu kế, vờ đồng ý để bất ngờ tấn công khiến chúng trở tay không kịp. Giặc Huệ tin ta thực bụng, nên không phòng bị gì cả! Chiêu Tăng lại cười: Ta xin nói để Quốc Vương yên lòng, đến đêm mùng 9 tháng này, ta sẽ khởi binh tiến đánh một trận thật lớn. Quốc Vương cứ đem ngự binh đi trước xông thẳng vào thuyền giặc. Ta cùng các tướng của ta đem tất cả chiến thuyền lớn nhỏ tiến lên, phá các thuyền chắn ngang sông của chúng, thế nào cũng toàn thắng! Chẳng qua là Quốc Vương đang bị thất thế, quân mỏng tướng hèn nên mới bị giặc Huệ lấn át, làm cho Quốc Vương quá sợ hãi mà đâm hoang mang vậy thôi!
Nguyễn Ánh nghe chiêu Tăng nói đến thắng lợi dễ như trở lòng bàn tay thì càng thêm ngờ vực nhưng cũng đành bất lực. Ông thất thểu ra về, trong lòng tràn ngập nỗi buồn tủi. Thế là ta đã tự lấy đá mà đập vào chân mình rồi! Lũ tướng quân họ Chiêu đúng là có mắt như mù, chẳng hiểu gì về giặc Huệ cả! Hắn là một kẻ đại gian hùng, ẩn hiện khôn lường, đã từng trăm trận trăm thắng mà lại coi khinh hắn như trẻ con là tự rước họa vào thân rồi!
Nguyễn Ánh vội vã triệu văn võ bá quan đến, bảo:
– Ta đã gặp Chiêu Tăng và Chiêu Sương nhưng thấy chẳng thể trông mong gì ở quân Xiêm được nữa nên càng lo lắng vô cùng. Các ngươi hãy liệu tính trước, nếu tình huống xấu xảy ra thì hãy cùng nhau đồng tâm hiệp sức lại mà kháng chiến lâu dài! Nói rồi, Nguyễn Ánh ngửa mặt lên trời than thở:
– Giặc Huệ còn chưa tiến đánh mà ta đã mất cả Chu Văn Tiếp. Ta thật xót thương cho đại Đô đốc quá, nhưng ngặt nỗi còn mỏng phận nên chẳng biết lấy gì mà đền đáp ân nghĩa của đại đô đốc cả. Nay lại nhờ cậy tất cả văn võ bá quan đảm nhận trọng trách nặng nề trước sự tấn công của giặc Huệ, không biết bao giờ ta mới báo đáp được công ơn của các vị đây!
Nguyễn Ánh nói rồi ôm mặt khóc nức nở. Bá quan ai nấy đều bối rối, cùng đồng thanh thưa bẩm:
– Chu Văn Tiếp chẳng may gặp nạn hòn tên mũi đạn. Nhưng còn chúng thần vẫn một lòng một dạ sát cánh bên Chúa Công, quyết tiễu trừ giặc cỏ Tây Sơn. Xin chúa công hãy bình tâm và vững tin để chúng thần còn có chỗ dựa mà dốc lòng dốc sức!
Nguyễn Ánh nghe lời bá quan, gạt nước mắt:
– Các ngươi nói vậy khiến ta cũng thấy vững dạ hơn rồi! Ánh ta xin thề, dẫu thịt nát xương tan cũng phải nuôi bền ý chí, quyết không đầu hàng giặc Huệ!
Người hầu cận già đứng bên cạnh, thỉnh thoảng lại liếc mắt nhìn trộm Ánh. Trong những giọt nước mắt thù hận, đau đớn của Nguyễn Ánh trước bá quan khiến ai ai cũng cảm động, còn chứa đựng một nỗi niềm riêng tư liệu có ai hiểu được? Có chăng thì chỉ một mình viên quan hoạn này mới hiểu được tâm can của Ánh.
Nguyễn Ánh bắt gặp cái liếc nhìn ấy của người hậu cận già. “Lão đi guốc trong bụng ta mất! Chỉ mình hắn mới biết ta lúc này đang nghĩ tới Ánh Ngọc. Chỉ tiếc là hắn không thể hiểu nổi để thông cảm cho ta!” Nguyễn Ánh hậm hực nghĩ tới lời sàm tấu của lão khi Ánh gọi Ánh Ngọc là ái phi. “Cái  hạng người không còn cái thứ ấy thì làm sao hiểu nổi sự rung động trong con tim của người đàn ông mỗi khi nhìn thấy mỹ nhân, chứ nói gì đến chuyện yêu đương, đực cái nữa! Thế mà hắn lại dám cả gan chõ vào chuyện đời tư của ta!” Ánh càng hậm hực hơn: “Cũng ngặt nỗi ngôi báu của ta còn đang trong lúc gian nan. Hắn lại là kẻ từng phụng sự ba đời tiên Chúa. Nếu ta không khéo cư xử, sẽ mang tiếng vì hiềm khích riêng tư mà ghét bỏ cả bề tôi trung tình như hắn thì khó bề thu phục được nhân tâm của văn võ bá quan…”
Thôi, mặc hắn! Ánh làm mặt phớt lờ.
Ánh còn quá nhiều việc phải lo. Rồi Ánh gọi Lê Văn Quân vừa thay thế Chu Văn Tiếp đã tử trận, giao cho việc dẫn quân đi tiên phong theo lệnh của Chiêu Tăng. Cái đầu quá thừa thãi trí thông minh của Ánh đủ để nhận biết sự thất bại của quân Xiêm là điều không thể tránh khỏi. Ánh lại gọi Mạc Tử Sinh, giao cho việc chuẩn bị sẵn sàng phương án để kịp thời đào tẩu. Còn một việc rất quan trọng, ngày đêm, không lúc nào là Ánh không nghĩ tới. Ngày đêm Ánh lo lắng, dằn vặt, đau khổ. Công việc ấy không thể giao cho ai khác ngoài một võ tướng Ánh coi như người nhà, có thể tin tưởng mà nhờ cậy được.
Tan buổi chầu, Ánh cho mật truyền người ấy tới gặp, rồi lấy tấm sơ đồ vẽ vị trí hòn đảo mà Ánh Ngọc đang nương náu, trải ra bàn. Sau đó, Ánh cùng người võ tướng ấy chụm đầu bàn bạc rất tỷ mỷ.
Cũng vào thời điểm này, Nguyễn Huệ đã nắm bắt rất chính xác mọi hoạt động của liên quân Xiêm – Nguyễn. Ông đã điều động quân đội tới mai phục trên đoạn sông Tiền từ Rạch Gầm đến Xoài Mút. Thủy quân được giấu trong các con rạch. Bộ binh và pháo binh được bố trí kết hợp cả trên bờ và cù lao giữa sông thành đội hình rất chặt chẽ. Chỉ chờ quân thù dẫn xác đến, tự chui đầu vào rọ như lời ông đã từng nói với người thuộc cấp bữa nọ…
Người đàn bà trên cù lao ấy chính là Ánh Ngọc. Mỹ nhân nhìn bữa ăn đạm bạc, rồi lại nhìn lũ người hầu mà nước mắt ứa tràn:
– Các em cũng phải ăn đi, đừng nhường nhịn cho ta nữa! Ta làm sao nuốt nổi khi các em cũng đói bụng như ta! Ta muốn các em hãy coi ta như người chị của các em vậy thôi! Không chủ, tớ gì ở đây cả! Mà đã bao giờ ta là ái phi trong phủ chúa? Ta chỉ là thứ con dân, cũng bị cưỡng ép như các em mà phải đến cái chỗ cơ cực như thế này! Giọng người đàn bà hết sức dịu ngọt: Nào! Chị em ta hãy chia đều để ai cũng có phần như nhau cả đi! Số phận của chị em ta, hễ sống thì cùng sống, mà chết thì cùng chết. Lương thực dành cho chị em ta cũng không còn nhiều nữa. Rồi chị em ta sẽ khai hoang, cuốc đất, gieo hạt, trồng củ để tự nuôi thân. Đợi khi nào có cơ hội thì trở về với gia đình!
Ánh Ngọc nói xong, cả từng ấy con người đều ứa tràn nước mắt. Họ cảm động khôn cùng, tôn Ánh Ngọc làm chị cả. Công việc gì cũng hỏi ý kiến chị cả. Tất thảy đều nghe lời chị cả bảo ban, dạy dỗ.
Những ngày đầu, Ánh Ngọc có ý định cho ngả cây, đóng bè gỗ để vượt sông nhưng ai cũng bịn rịn, chẳng muốn rời nhau. Đất nước gặp nạn binh đao lửa đạn triền miên. Trong số họ, nào có ai còn gia đình để mà trở về sum họp. Họ thề sẽ cùng sống chết bên nhau mãi mãi. Ánh Ngọc biết vậy, càng thương các em hơn, coi họ chẳng khác gì ruột thịt của mình.
Mấy chị em dốc sức phát quang cây cối ở một góc đảo, rồi cứ tuần tự những công việc mùa màng của nhà nông mà làm. Ai nấy đều rất hăng hái, vui vẻ…
Từ ngày hòn đảo nhỏ không còn cái ác hiển hiện, không còn những người đàn ông mặt mày lì lợm ngày đêm canh chừng. Cũng không còn tiếng hổ gầm. Không còn những người thổ dân xấu số bị giết hại mỗi khi ra săn bắn, Ánh Ngọc không còn âu sầu, buồn tủi nữa, sắc đẹp của nàng cũng vì thế mà càng thêm phần lung linh, huyền ảo. Nàng vốn là người có nét mặt rất hiền dịu, nay còn hiền dịu hơn cả hoa lá cỏ cây trong rừng. Vì thế, chim chóc, cùng vô số muông thú trên đảo thi nhau kéo đến quần tụ quanh nàng để được làm bầu bạn. Ban ngày, chim chóc líu lo hót cho nàng vui. Cầm thú thì chăm chỉ hái quả, bới củ, mang về cho nàng và tất cả mọi người làm thức ăn. Ban đêm, chúng canh chừng cho nàng được ngon giấc, chẳng khác gì câu chuyện cổ tích từ ngàn xưa mà lại có ở ngoài đời thực.
Tối hôm ấy, tiết trời se lạnh. Chị em Ánh Ngọc ngồi quây quần bên nhau, vừa nướng bắp, vừa nghe Ánh Ngọc kể chuyện đến tận khuya. Giọng nàng vốn êm như lòng mẹ, trong như dòng nước đang chảy từ khe suối trên đỉnh núi cao, bỗng nhiên đượm buồn và có cả nước mắt.
– Thuở ta còn nhỏ, cha ta có rất nhiều học trò – Nàng kể – Khi ta vừa đủ tuổi để biết nghe tiếng lòng thầm thì, có một chàng trai đã đem lòng thương trộm nhớ thầm ta. Những ngày đầu, ta cũng chỉ ngưỡng mộ bởi chàng thông minh, học giỏi. Cha ta cũng rất yêu mến chàng. Rồi chẳng biết từ khi nào, ta đã đem lòng yêu chàng say đắm. Một buổi, người ấy đến chào từ biệt cha ta rồi đi biệt tích. Ta đã mòn mỏi mong chờ mà không thấy người ấy quay trở lại. Có lần, ta hỏi cha. Nhưng cha ta bảo người ấy đi làm việc gì ấy, lớn lắm, chẳng biết có khi nào trở về nữa không?
Ánh Ngọc kể đến đây, những giọt nước mắt thi nhau lăn dài trên má. Nàng nghẹn ngào kể tiếp:
– Rồi một hôm, quân nhà Chúa kéo về lùng sục. Cha đem ta chạy miết vào tận phía trong để lánh nạn. Họ truy đuổi và bắt được cha con ta nộp cho nhà Chúa. Nhưng khi Ánh nhìn thấy ta lại mở lòng khoan dung mà không nỡ đem đi giết. Ánh ra lệnh thả cha ta. Còn ta thì được Ánh đãi ngộ rất tử tế.
Tuy vậy, Ánh vẫn không làm ta hết sợ hãi. Ta cứ nghĩ rồi sẽ bị Ánh làm nhục để thỏa mãn sự hoang dâm mà những người đàn ông quyền lực vẫn thường làm. Vậy mà ta đã nhầm. Ánh không hề thúc ép ta. Ánh chỉ một mực xin ta nhận lời làm ái phi của Ánh. Ánh Ngọc ngưng lời. Tay cầm que củi, khều khều cho ngọn lửa cháy to thêm. Tiếng bắp nổ lách tách, thơm ngào ngạt. Nàng tiếp: Ta nhìn mặt Ánh còn non choẹt. Sau này ta mới biết Ánh còn ít tuổi hơn cả ta thì bỗng dưng thấy cảm động và thương Ánh. Nhưng tuyệt nhiên, chưa bao giờ ta có tình yêu với Ánh. Ta vẫn một lòng khắc khoải nhớ tới người xưa. Ta van vỉ xin được từ chối ân huệ của Ánh. Ta biết, sự từ chối của ta có thể bị lôi ra chém vì tội phạm thượng. Nhưng ngược lại, chẳng những Ánh không chém, mà càng hết lòng yêu chiều ta. Ánh muốn chinh phục ta bằng sự cảm hóa chứ nhất định không chiếm đoạt tình yêu của ta một cách tầm thường.
Ánh Ngọc ngưng lời, buông tiếng thở dài đánh thượt, rồi tiếp:
Khi Ánh bị quân Tây Sơn đánh tơi bời. Ánh đem ta chạy trốn khắp nơi. Lúc cùng đường, Ánh vẫn dành cho ta một sự sủng ái đặc biệt, rồi sai người đem ta tới chốn này với một lời hứa nhất định sẽ sớm đến đón ta…
Ánh Ngọc đang kể chuyện bỗng giật mình nghe tiếng đại bác nổ rền ở phía đầu sông.
– Lại đánh nhau nữa rồi! Nàng hoảng sợ, vội  quỳ xuống, chắp hai tay vào nhau, mặt ngửa lên trời, nói: Ta thương các em! Ta thương bầy chim! Ta thương tất cả muông thú bầu bạn của ta mà cầu xin Trời Đất anh minh hãy phù hộ cho hòn đảo xinh đẹp này tránh được hòn tên mũi đạn…
Ánh Ngọc vừa nói đến thế, bỗng thấy hòn đảo nổi gió ào ào. Tiếng gươm giáo khua, tiếng la hét, tiếng kêu khóc, làm cả người lẫn chim chóc, muông thú trên đảo hoảng sợ, tán tác.
Hai nhóm cừu địch theo lệnh của hai con người đang làm huynh đảo vùng đất Gia Định cùng đến đúng lúc đã chạm mặt nhau. Trận đấu vô cùng ác liệt. Một bên do người thuộc cấp thân tín của Nguyễn Huệ, từng có lần sống mái với địch ngay trên hòn đảo này dẫn đầu. Một bên là viên tướng hết lòng thờ phụng minh chủ Nguyễn Ánh làm thủ lĩnh. Họ đều muốn thể hiện lòng trung thành qua trận chiến giành lại mỹ nhân. Trận kịch chiến đã qua một hồi dài. Những đường gươm sắc lạnh, mùi máu tanh tưởi, mùi tử khí rợn người, bao trùm khắp hòn đảo. Những cái đầu của những người lính cả hai phía lần lượt rụng như trái chín trong rừng. Thây người như xác thú, vắt lên nhau chồng chất. Đến gần sáng, chỉ còn lại hai tên đạo trưởng, võ nghệ cao siêu, biến hóa khôn lường, nên còn chưa bị dính vào đường gươm mũi giáo. Tên kia chỉ người thuộc cấp của Nguyễn Huệ, lớn tiếng quát:
– Nhà ngươi dại dột theo gót giặc cỏ Nguyễn Huệ. Hắn chỉ là tên phiến loạn chứ làm gì có danh phận dòng dõi quyền quý. Chi bằng ngươi hãy đầu hàng đi! Giặc Huệ sắp bị tiêu diệt rồi rồi đó! Minh chủ Nguyễn Ánh vốn đầy lòng nhân từ sẽ tha tội chết cho ngươi và ngươi còn được trọng dụng nữa!
Người thuộc cấp của Nguyễn Huệ nghe nói vậy, liền mắng:
– Nhà ngươi có nghe tiếng đại bác nổ vỡ trời vỡ đất đó không? Long nhương tướng quân Nguyễn Huệ là một bậc đại anh hùng, hễ đánh là thắng. Năm vạn quân Xiêm mà tội đồ Nguyễn Ánh rước về sắp làm mồi cho cá cả rồi. Ngươi hãy sớm tỉnh ngộ để khỏi làm cái hồn ma, vừa đói khát, vừa không có nổi thước đất mà vùi thây xác!
Lời qua tiếng lại một hồi, cả hai tên lại lao vào nhau như hai con ác thú. Người thuộc cấp của Nguyễn Huệ vận khí công, tung mình, bay vút lên cao, rồi định bổ lưỡi gươm xuống đầu đối thủ. Tên kia lượng sức mình, biết không thể địch nổi miếng võ hiểm ấy của đối thủ nên cuống cuồng tháo chạy. Người thuộc cấp của Nguyễn Huệ thấy vậy, cả cười. Đằng nào mà hắn chẳng cùng chung số phận với lũ quân Xiêm và minh chủ của hắn. Ông không thèm đuổi theo nữa mà tra thanh gươm còn dính đầy máu vào bao rồi tìm đường đi sâu vào trong đảo.
Mỹ nhân và những người gái hầu của nàng đang sợ hãi nép mình trong túp lều khi xưa ông đã từng gặp. Vừa nhìn thấy ông, những người đàn bà ấy sợ quá, cúi rạp mình mà lạy như tế sao xin được tha cho mạng sống.
Người thuộc cấp thấy vậy, vội quỳ xuống:
– Ta vâng lệnh bề trên tới đây để cứu giúp mọi người. Xin tiểu thư và mọi người đừng sợ hãi!
Ánh Ngọc nhìn người đàn ông, lại nghe nói những lời nhân từ như vậy cũng thấy bớt sợ hãi dần. Người thuộc cấp nhìn mỹ nhân tiếp lời:
– Xin hỏi, phải chăng tiểu thư chính là mỹ nhân tên Ánh Ngọc, người xứ Hoan Châu?
– Dạ thưa! Chính phải! Mỹ nhân nói.
– Ta được đại anh hùng Nguyễn Huệ sai đến đón rước tiểu thư về ra mắt người!
– Ta không hiểu! Sao lại là Nguyễn Huệ?
Người thuộc cấp nói cho mỹ nhân biết đại anh hùng Nguyễn Huệ chính là Hồ Thơm. Người đã từng là học trò của thày giáo Trương Văn Hiến, cha của người đẹp Ánh Ngọc.
– Trời ơi! Ba Thơm! Đại anh hùng Nguyễn Huệ! Liệu ta có thể tin được?
– Đại anh hùng Nguyễn Huệ có gửi tiểu thư kỷ vật này để làm tin! Mong tiểu thư nhận giúp!
Ánh Ngọc mở chiếc hộp nhỏ người thuộc cấp của Nguyễn Huệ vừa trao, nàng bỗng thốt lên:
– Ôi! Đúng là chiếc trâm cài tóc ta đã tặng khi chàng đến chào từ biệt cha con ta ngày ấy…
Ánh Ngọc vừa nói đến thế, bỗng một mũi tên bắn lén bay vút tới. Người thuộc cấp không kịp che chắn cho nàng. Ánh Ngọc ôm lấy ngực, trong tay nàng vẫn nắm chặt kỷ vật người thuộc cấp của Nguyễn Huệ vừa trao. Một dòng máu từ từ chảy, loang đỏ cả tấm thân kiều diễm đang nằm trên tay người thuộc cấp. Nàng chỉ kịp nói:
– Ba Thơm của em! Trái tim Ánh Ngọc vẫn mãi mãi thuộc về chàng!.
30/3/2023
Thế Đức
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiếng gọi đêm cuối năm

Tiếng gọi đêm cuối năm Đêm hai mươi sáu Tết, chị đứng trên ban công tầng bốn, lặng lẽ đưa đôi mắt u buồn nhìn xa xăm xuống đường phố. Hai ...