Thứ Năm, 11 tháng 5, 2023

Không gian đời tư trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ

Không gian đời tư trong
truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ

Xây dựng những không gian nhỏ hẹp, đồng thời lại cắt rời mối liên hệ giữa những không gian cá nhân ấy với không gian công cộng, Nguyễn Thị Thu Huệ kiến tạo những không gian “ốc đảo” giữa lòng đô thị, tồn tại biệt lập và tách rời mọi vang động xung quanh…
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ
Trần Đình Sử đã định nghĩa: “Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại cùng thế giới nghệ thuật. Không có hình tượng nghệ thuật nào không có không gian, không có một nhân vật nào không có một nền cảnh nào đó. Không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện một quan niệm nhất định về cuộc sống”. Như vậy, không gian nghệ thuật là phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật. Không gian nghệ thuật trở thành phương tiện chiếm lĩnh đời sống, mang ý nghĩa biểu tượng nghệ thuật và là hình thức tồn tại của hình tượng nghệ thuật. Không gian nghệ thuật không những cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng, mà còn cho thấy những quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay một giai đoạn văn học. Nó cung cấp cơ sở khách quan để khám phá tính độc đáo cũng như nghiên cứu loại hình của các hình tượng nghệ thuật. Vì vậy không thể tách hình tượng ra khỏi không gian mà nó tồn tại.
Không gian nghệ thuật là một biểu tượng chủ quan, ước lệ gắn với cách cảm thụ và quan niệm về thế giới của người nghệ sĩ. Không gian nghệ thuật trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ hiện lên rất đa dạng và phong phú như: không gian xã hội, không gian gia đình, không gian đời tư. Trong đó, không gian đời tư được tác giả chú trọng thể hiện.
Nhờ có khoảng không gian đời tư nhân vật dễ dàng bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ và sự cô đơn trống vắng của mình trong cuộc sống hiện tại. Nhân vật Sao trong Giai nhân là một người khi còn trẻ đầy những ham muốn, cô đã từng thay người yêu như thay áo, đến khi tất cả những người đàn ông đều rời xa cô mới cảm thấy tiếc nuối và ân hận. Từ đây, cô cứ giam mình trong căn phòng kín để suy nghĩ, hồi tưởng về một thời vàng son và đối diện với nỗi cô đơn trong hiện tại. Trong căn phòng dường như tách biệt với thế giới bên ngoài, Sao quanh quẩn trong bốn bức tường và dọn dẹp lặt vặt, cô chờ tiếng điện thoại, khát khao có một tiếng gõ cửa của ai đó để biết rằng người ta vẫn nhớ đến cô nhưng tuyệt nhiên không có. Một mình trong không gian trống vắng, Sao nghĩ về quá khứ, hiện tại và tương lai của mình. Quá khứ càng huy hoàng bao nhiêu thì hiện tại và tương lai càng ảm đạm bấy nhiêu. Ngắm mình trong gương, đối diện với lòng mình Sao nhận ra “Sao bắt đầu già đi, bắt đầu cần một mái ấm gia đình vững chắc và ngay chính lúc này, cô thấm dần sự cô quạnh, lẻ loi” [1, tr. 469], giá như ngày ấy Sao biết trân trọng những gì mình có thì giờ đây cô không phải rơi vào tình cảnh đáng thương như thế.
Trở lại văn đàn năm 2012 với tập truyện ngắn Thành phố đi vắng, Nguyễn Thị Thu Huệ thường đặt nhân vật của mình trong những không gian cá nhân nhỏ hẹp. Sự xuất hiện hình ảnh những căn phòng mười bốn, mười sáu mét vuông hoặc rộng hơn là không gian của một ngôi nhà cổ với nhiều thế hệ, nhiều gia đình chung sống. Trái ngược với sự giãn nở đến chóng mặt của không gian đô thị chung, không gian cá nhân ngày càng teo tóp và bức bối. Trong không gian hẹp dễ va động và cọ xát này, trớ trêu thay con người cá nhân không tìm thấy sự an toàn và cảm giác ấm áp. Ngôi nhà đánh mất hàm nghĩa tổ ấm, chỉ đơn thuần là nơi trú ngụ của những thân xác rã rời. Với nhân vật Quang trong Chủ nhật được xem phim hoạt hình khi người yêu đã đi xa, không gian quen thuộc của anh là “Căn phòng mười bốn mét vuông, tầng xép của một khu nhà Pháp cổ” [2, tr. 231], không gian ấy là nơi để những chiều chủ nhật thừa thãi nằm nghiên cứu các chương trình tivi và luôn dừng lại ở phim hoạt hình. Với nhân vật nữ trong truyện ngắn Trong lúc ăn một bát phở gia truyền: “góc phòng mười hai mét vuông, không cửa sổ” [2, tr. 76] giữa một chung cư cũ là lựa chọn duy nhất cho ngày cuối tuần nếu không muốn ra đường và đối mặt với “bọn cướp chuyên nghiệp” có trang bị vũ khí. Đặt nhân vật của mình trong không gian nhỏ hẹp để gặm nhấm nỗi cô đơn, chán nản, qua đó độc giả nhận thấy xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống của con người đủ đầy về vật chất nhưng tinh thần họ lại cảm thấy bất an, vô vị và cảm nhận cuộc sống thật vô nghĩa.
Nhân vật chính trong truyện ngắn Thành phố đi vắng, trở về xứ sở thân yêu của mình sau ba năm xa cách nhưng tất cả đều vỡ òa trong sự thất vọng bởi cảnh vật vẫn như xưa nhưng tình người đã đi vắng. Cô chọn cho mình không gian là căn phòng khách sạn ngày xưa, nơi ở này cô cảm nhận rõ rệt những mất mát, đổi thay của tình đời, tình người và những mất mát khó gọi thành tên. “Ba năm qua rồi, giờ cô đứng một mình nơi cửa sổ, nhìn xuống đường. Sau lưng cô, trong phòng, không có những bức phác thảo rải kín mặt giường. Không quần áo bừa bãi vắt khắp nơi. Không có anh. Không có bia. Mùa hè nhưng lạnh. Giá vẽ mini gập nguyên dựng góc cửa. Bảng màu và những ống sơn gọn gàng im lặng chân giường” [2, tr. 275 – 276]. Nhốt mình trong căn phòng nhỏ, cô gái đã cảm nhận một cách sâu sắc sự đổi thay của cuộc sống phố phường. Trong môi trường sống ấy con người dường như chỉ biết sống cho bản thân mình và bàng quan với tất cả mọi thứ xung quanh. Điều đó sẽ dẫn đến sự thiếu vắng tình người, thiếu sự cảm thông chia sẻ giữa con người với nhau trong cuộc sống. Với lối viết trung tính, tác giả đã chuyển tải thành công cái mất mát trong cái đang tồn tại, cái trống trải lặng im trong cái ồn ào giữa cuộc sống nhộn nhịp, đông đúc.
Xây dựng những không gian nhỏ hẹp, đồng thời lại cắt rời mối liên hệ giữa những không gian cá nhân ấy với không gian công cộng, Nguyễn Thị Thu Huệ kiến tạo những không gian “ốc đảo” giữa lòng đô thị, tồn tại biệt lập và tách rời mọi vang động xung quanh. Dường như đời sống phố thị vốn ồn ã, náo nhiệt không vọng đến, không mảy may tác động đến những không gian cá thể này. Bằng trực cảm phụ nữ, Nguyễn Thị Thu Huệ nhận ra con người đô thị đang ngày một thờ ơ, xa lạ với không gian sống của chính mình. Với việc xây dựng không gian cá nhân nhỏ hẹp trong tập truyện Thành phố đi vắng, ở đó hình ảnh con người cá nhân hiện nên nhỏ bé, co ro thu mình trong xã hội hiện đại bởi họ luôn cảm thấy bất an trước cuộc sống thực tại. Qua đó, độc giả thấy được sự cảm nhận tinh tế của Nguyễn Thị Thu Huệ trước những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống và nhận thấy bước phát triển mới trong phong cách nghệ thuật của nhà văn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Thị Thu Huệ (2004), 37 truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ, NXB Hội Nhà văn.
2. Nguyễn Thị Thu Huệ (2012), Thành phố đi vắng, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
31/12/2019
Đoàn Thị Lan
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cửa tiệm hạnh phúc

Cửa tiệm hạnh phúc Lời ngỏ Lời mở đầu Bạn thân mến, Trước khi tôi và bạn cùng đồng hành vào những trang sách bàn về hạnh phúc tiếp sau đây...