Thứ Tư, 10 tháng 5, 2023

"Lấp lánh phía hiên đời" của Phương Loan

"Lấp lánh phía hiên đời"
của Phương Loan

“Lấp lánh phía hiên đời” là những nỗi vương mang vời vợi cách xa mà không là hào quang rạng rỡ bảy sắc cầu vồng…
Tác giả Phương Loan với tập thơ “Lấp lánh phía hiên đời” đã cho chúng ta hiểu thêm về một mạch ngầm trôi thoát trên phiến đời bão giông. Đó vừa là một lối đi nhưng cũng là sự cắt nghĩa về cuộc đời bằng chính thơ ca.
Tôi hành hương về miền bản ngã
Thắp hoa đăng soi nghiệp riêng mình
Trong sâu thẳm hồn hoang rời rã
Ánh hào quang bừng sáng tâm linh.   
(Soi)
Vâng! Từ “miền bản ngã” với “hồn hoang rời rã” để tới được sự “bừng sáng tâm linh” là cả một cuộc hành trình gian nan kiếm tìm về miền thức tỉnh và bừng ngộ xa xôi… Phương Loan đã cho ta thấy lối đi riêng của chị ngay từ khởi đầu mà không cần ẩn giấu hay quanh co. Đó là một niềm tin, một sự tự tin đầy kiêu hãnh về chính mình hay cũng là bản thể ta vậy:
Được mất bại thành chỉ là điều mộng mị
Ta với đời vẫn trọn vẹn một tình yêu!
(Tờ lịch cuối)
Những hư ảo trên cõi đời đã khiến loài người mải mốt kiếm tìm, cõi thực cõi mê pha quyện vào nhau, chân giả khó lường, thực hư nào đã hiểu, tiền tài danh vọng ai nổi vô tâm… Thế mà với Phương Loan, chị đã đóng đinh vào thơ mình bằng những lời tâm huyết như thế. Với chị tình yêu cuộc đời là trọn vẹn nhất, đó là sự dâng hiến, là hy sinh, là kiếm tìm bản ngã, là phát hiện những tầng ý sâu xa để trả ơn đời, từ trải nghiệm đến suy ngẫm và tâm linh…
1. Thơ Phương Loan là một vùng cảm thức trầm buồn và thương nhớ.
Còn ai nữa
phiên chợ đời hiu quạnh
Còn lại gì
phía cuối cuộc phong ba!
(Phía cuối phong ba)
Nhà thơ Phan Phương Loan (Phan Kim Loan)
Hoan ca cũng rất cần cho cuộc sống, nhưng có lẽ những khúc hoan ca không cho ta thấy được hết phía sau của những nỗi niềm nhân sinh… bởi lẽ đó mà bi ca dễ hằn sâu, dễ thấm đọng vào cõi lòng hơn cả. Khi mà hành trình sáng tạo thường gắn liền với cô đơn thì nỗi buồn cũng là một sự giải thoát như niềm vui… đó đều là sự dấn thân. Tác giả Phương Loan đã chọn sự dấn thân không chút ngại ngần cùng với thơ là vậy. Ai biết được phía cuối cuộc phong ba là tỉnh thức hay sẽ là cuộc bão táp tiếp theo? Dù là gì đi chăng nữa thì hạnh ngộ mãi là một niềm riêng mong mỏi kiếm tìm, với Phương Loan cũng vậy:
Đời cho ta bao điều chiêm nghiệm
Sống thực lòng thì đời vẫn đẹp sao!
(Tờ lịch cuối)
Tương tự như thế, trong dân gian đã từng có câu: “Khôn ngoan chẳng lọ thật thà/ Lường thưng, tráo đấu, chẳng qua đong đầy”. Lời giản dị mà mỗi người muốn rút ra được là phải từ biết bao chiêm nghiệm, từng trải có cả đớn đau… Bởi nên sống trong một xã hội xô bồ nhiều biến đổi thăng trầm thì việc chọn cho mình cách sống thực lòng là cả một cuộc chiến đấu nội tâm kiên trì bền bỉ không phân tâm dao động hay “dĩ hòa vi quý” với chính mình. Cuộc đấu tranh đó dường như không hồi kết và cung trầm buồn như một lẽ chẳng sai.
Lạnh từ cái thuở đam mê
Tặng ai câu nói bốn bề lạnh đông.
(Sài Gòn lạnh đông)
Tập thơ “Lấp lánh phía hiên đời” của Phương Loan
Lạnh lẽo đâu phải là một thuộc tính nguyên sơ của con người bởi tính cộng đồng có từ buổi khai sáng, thế mà tác giả Phương Loan có thể “Lạnh từ cái thuở đam mê” lạnh về khiến ta phải giật mình sửng sốt (?). Không lẽ đó là một sự can đảm riêng mang trong mình từ cội rễ? Hay bởi cơn cớ đời đã làm cho thơ lạnh từ buổi chưa kịp “thôi nôi”? Đó chính là một khúc trầm sâu lắng mà chị đã mang theo hành trang thơ mình.
Ta miên man
Ta dại cuồng
Ta say nốc cạn giọt buồn không tên
(Ta là ta)
Sự tự thú như là lời khẳng định cho phẩm cách cùng bản ngã cá nhân đã được hòa trộn và ảnh hưởng từ những gì được đưa đến trong đời. Để rồi trong cung đường riêng ấy, Phương Loan miệt mài thêu dệt nên sự lấp lánh phiên bản trầm buồn muôn thuở mà không phải là tiếng hát hay lời ca.
Trong bài thơ “Những sợi tơ lòng” nhà thơ Chế Lan Viên tuổi 17 của hơn 80 năm trước đã cầu mong:
Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh
Một vì sao trơ trọi cuối trời xa!
Ðể nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh
Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo!
Đó dường như là tận cùng của bế tắc, của dao động trước thời thế, của bi ai trong bể trầm luân lịch sử và kiếp người… Tuy không cùng hoàn cảnh lịch sử, không cùng sự dấn thân hay “nhập vai” vào một dân tộc nào đó nhưng Phương Loan vẫn có những nỗi niềm sâu tận:
Đêm cô đơn sương lạnh vẫy trăng ngà
Cánh sóng bạc ngại ngùng tung bọt trắng!
Biển mênh mông chìm vào đêm vắng lặng
Ta hoang đường… hồn tận chốn xa xăm!
(Thu trong kỷ niệm)
Đây cũng là con đường thơ mà chị đã chọn cùng với bao nhớ nhung hay phiền muộn để mà dâng hiến cho cuộc đời bởi đời cứ mãi đáng yêu.
2. Thơ Phương Loan là một lẽ sống chân tình, một phong cách ngay thật.
Về với em đi anh
Để mùa đông không lạnh
Để mầm yêu trổ nhánh
Để hương đời thơm ngát ngày xanh.
(Phiên khúc anh)
Tình yêu không cầu kỳ mà vẫn dịu dàng tinh tế, không so đo đòi hỏi mà vẫn cứ thấm đẫm niềm yêu, không bủa vây giăng mắc mà vẫn đơm bông kết trái ngọt lành, bởi tình yêu đã bắt đầu từ chân thật, yêu thương và nồng ấm, thiện lành…
Thật thà giữa cuộc mưu sinh
Cho con ánh sáng lung linh sao trời
(Chị tôi)
Dù trong hoàn cảnh khó khăn vật lộn mưu sinh hay là trong những cảnh ngộ trớ trêu thì sự chân thật, ngay thẳng luôn là tiêu chí hàng đầu trong từng ý thơ, trong từng lời thơ của tác giả Phương Loan. Chị đã ý thức đủ đầy và tâm niệm thường nhật tự trong tấm lòng yêu đời, yêu người và yêu thơ của mình.
Em là loài hoa dại
Anh gió trời vi vu
Trong mênh mông trời đất
Ta hoá thành lời ru.       
(Một lần lạc bước)
Trong từng gân thớ lời thơ ta đã thấy sự dung dị chân thật của tác giả rồi. Thơ không phải là khẩu hiệu và dứt khoát không bao giờ nên là khẩu hiệu mà ý thơ phải toát ra từ chính lời thơ theo cách tự nhiên, chân thực, biểu cảm, tượng trưng…, ẩn chứa và sâu sắc nhất. Tuy chưa phải là người làm thơ chuyên nghiệp nhưng trong thơ mình Phương Loan đã thể hiện được rất nhiều.
Ôi! Màu hoa nông nổi
Mùa đã sang…
sao em còn rực rỡ thế làm gì?
Để cháy lòng… ngân ngấn mắt mi!
(Chớm hạ)
Sự chân thật đến mức vượt thoát làm ta cũng cảm khái cùng tác giả vậy.
3. Thơ Phương Loan là nỗi niềm đeo đẳng day dứt cùng tình yêu hụt hẫng, không vẹn tròn… mà vẫn cứ tin yêu.
Chút tàn phai ta nhâm nhi nhạt ngọt
Phía nhu mì ta say khướt nghìn khuya.
(Bên kia bờ mê muội)
Sao không phải là sự say khướt từ phía hoang đàng mà lại là từ phía nhu mì của lòng ta? Có lẽ sự nhu mì đã được “luyện đan” để chuyển hóa thành những vần thơ từ đây chăng? Và rằng đúng như vậy ta càng cảm phục hơn sự dấn thân của tác giả Phương Loan cùng với thơ và đời…
Mãi là khách du hành lữ thứ
Nên ngàn đời vẫn lạ lẫm trần gian!
(Vu vơ)
Sự hụt hẫng như từ tiền kiếp để đến ngàn đời mà vẫn cứ lạ lẫm với trần gian thì đúng là điều đặc biệt của người – thơ Phương Loan rồi. Sự lạ lẫm đó vừa là cô đơn tận cùng: Trong thế giới cộng sinh/ Mà một miền đơn lẻ/ Trong không gian quần thể/ Lại một đời phân ly (Ngược xuôi nhân sinh). Lại cũng vừa là sự thật thà đến ngây dại đây chăng: Nửa đời còn mãi ngô nghê/ Vẫn mong nắng hạ đồng quê vẫy chào (Lời ru). Vâng! Thơ là vậy, không thể giả dối, Phương Loan đã minh chứng cho ta điều ấy qua thơ chị.
Vuốt phẳng phiu giấc chiêm bao nhàu nhĩ
Điểm phấn son cho thỏa một nụ cười
Cửa thị phi ta khép.
Đời bình lặng!
Phía hiên đời lấp lánh một vầng trăng. 
(Phía hiên đời lấp lánh một vầng trăng)
Sự day dứt của nỗi lòng trong yêu thương nhưng vẫn vững niềm tin cũng là day dứt khác lạ của tâm hồn… Thông thường khi tin yêu và được tin yêu người ta đều lạc quan, yêu đời, phấn chấn và nhịp sống dâng tràn. Nhưng với Phương Loan thì dù phải “vuốt phẳng” giấc mơ vốn không đẹp, phải khép “cửa thị phi” mà chị vẫn tin cuộc đời luôn có một vầng trăng thơ tươi đẹp chào đón mình. Trong chị luôn có những day dứt miên man cùng những niềm tin khoáng đạt và vô điều kiện đến vậy.
Người đi rồi ai quay về bến hẹn
Ai nghìn trùng vội thắp nến tà dương
Để mặc niệm cuộc chia ly vội vã
Mà lòng mình thì cứ mãi yêu thương…
(Lời của lá)
Sự không trọn vẹn trong tình yêu luôn là những mất mát, những hẫng hụt, những chịu đựng, hy sinh nhưng tấm lòng vị tha nhân hậu đã giúp cho mỗi người luôn chăm dưỡng được lòng yêu thương mà chế ngự được sự ươm mầm thù hận, đó cũng là những gì mà tác giả đã gửi gắm, đã chuyển tải tới người đọc chúng ta qua những hình ảnh thơ thật thành tâm và trang nhã.
4. Thơ Phương Loan là giấc mơ về miền hạnh phúc sâu thẳm song hành với bừng ngộ về hạnh phúc đời thường.
Vắt tình xếp chữ làm thơ
Niềm tin đánh mất câu thơ nghẹn lời
Nhân tình thế thái rụng rơi
Câu thơ sấp ngửa mù đời thế gian!
(Hụt hẫng)
Cuộc mưu sinh nhọc nhằn đã lấy đi khá nhiều sức lực và niềm tin về cuộc sống trong mỗi chúng ta, những tác động đời thường đã làm tâm hồn trở nên chai sạn, lỳ trơ, sự lãng mạn và thăng hoa cũng giảm sút theo cùng. Phương Loan cũng không ngoại lệ, trong những thời khắc thiếu tự tin về nhân tình thế thái, chị cũng rơi vào hụt hẫng, bi quan, song đó cũng lại là những phút trải lòng chân thật nhất, giản đơn nhất mà đậm nét nhất của chị, một cô giáo làm thơ…
Sau những bộn bề trong vòng tròn lẩn khuất
Tự cởi lòng… để chân bước thong dong
Nửa cuộc trăm năm ta buông mình rất thật
Ngại mỉa mai gì mà tự hái hoa hồng
chưng cất để được phút thơm tho           
(Phía hiên đời lấp lánh một vầng trăng)
Trên con đường về với bản ngã cũng lắm chông gai, những giả dối, những thị phi cùng nỗi sợ hãi có làm cho ai đó đánh mất mình cũng không còn là điều lạ. Riêng một tâm hồn thơ thì luôn luôn khác, sự vượt thoát có thể không phải là diệu kỳ hay riêng lạ nhưng bằng một tấm lòng chân thật, tác giả đã nói hộ biết bao người luôn biết sống là mình trong biển đời nhiễu nhương, luôn đầy khí chất lạc quan hy vọng để vượt qua những cám dỗ tầm thường để mong cho nhịp đời mãi mãi thẳng hướng nguyên khôi.
Cứ tự do trên ngút tầng khoáng đạt
Cho lãng mạn, cho cồn cào, cho khát khao bỏng cháy giấc đàn bà
Bờ môi say, hương ái ân nồng nàn miền nguyên thủy
Nửa cuộc người, nay tìm về cho trọn giấc mơ xa              
(Phía hiên đời lấp lánh một vầng trăng)
Hiếm khi ta thấy Phương Loan bay bổng hay “loạn nhịp” trong thơ bởi cung cách trầm buồn cố hữu, thế nhưng hơn một lần chị đã thay đổi để làm mới thơ mình. Tuy không dùng ngôn ngữ hiện đại hay cách tân, không cầu kỳ hay phù phiếm trong câu từ, thơ chị vẫn đủ đằm thắm, mượt mà và cuốn hút sâu xa.
Ta ngụp lặn đi kiếm tìm hạnh phúc
Mãi tận đâu trong cảnh giới ta bà
Rồi một ngày bạc đầu mới nhận ra                         
(Hạnh phúc ở ngay đây)
Có những chân lý vô cùng giản dị, nhưng để tự tìm ra chân lý cho riêng mình là không hề đơn giản. Đó là sự đánh đổi bằng thời gian của đời người, sự trải nghiệm của đớn đau, của nước mắt và giằng xé tâm can. Thật hạnh phúc khi mỗi chúng ta chợt bừng ngộ tỉnh thức sau bao dằn vặt kiếm tìm:
Hạnh phúc đời thường rất đỗi tự nhiên
Chẳng phải ở đỉnh vinh quang hay ở nơi giàu có
Ở mâm cơm lúc sum vầy, lúc sẻ chia nghèo khó
Ở sự gắn kết, vun bồi; ở cho, nhận yêu thương
(Hạnh phúc ở ngay đây)
Sự thức tỉnh của con người dù ở trong thế giới đời thường hay trong cõi thẳm tâm linh đều luôn hướng tới những giá trị chân thiện mỹ, luôn triệt tiêu mầm ác, gieo trồng để mầm thiện nảy nở sinh sôi. Bởi nên sự thức tỉnh giản dị ở đây đã góp thêm niềm tin yêu về cuộc sống cho mỗi người chúng ta. Xin cảm ơn tác giả Phương Loan cùng với những bất ngờ trong thơ mà chị đã dành cho độc giả, những mâu thuẫn nội tại của tâm hồn trong một thể thống nhất bản ngã, một bản ngã chân nhân.
11/2/2020
Hoàng Mai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn Lê cả đời Chí Thụy

Văn Lê cả đời Chí Thụy Nhân dịp kỷ niệm 100 ngày nhà thơ, nhà văn, đạo diễn Văn Lê - Lê Chí Thụy (1948-2020) từ giã cõi trần, Văn Học Sài ...