Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Mắc nợ mùa thu

Mắc nợ mùa thu

Chừng khuya, tiếng bàn đạp vẫn đều đều, tiếng quạt ù ù chẳng có tác dụng xua đàn muỗi đang vo ve dưới chân. Qua tháng bảy, mạ lại tất bật may đồ học sinh tối ngày để kịp cho mấy đứa mặc trong ngày khai giảng. Em ngồi phụ mạ đơm nút, làm khuy đến rã rời, chốc chốc lại dừng để trả lời tin nhắn của Viên. Bất chợt, bật cười vì nhớ lúc chiều Viên nói em thương Viên ít thôi, để đó Viên thương em bớt, chứ không nhiều quá Viên nhận chẳng hết. Vừa nói anh vừa đưa tay gõ vào đầu, cử chỉ như người cha nựng yêu đứa con gái bé bỏng. Em thích chi lạ.
Tiếng ú ớ say ngủ của Bờm làm ngắt quãng suy nghĩ chùng chình trong em, nhìn qua thấy mùng mền bị đạp tung tứ phía. Mạ đứng dậy đi vén lại mền, sửa tay chân thằng nhỏ nằm trong ấy rồi thỏ thẻ, ngày mai nó tròn mười tám tuổi rồi. Lúc mạ trở lại bàn máy, em nghe tiếng bàn đạp nặng hơn như chở nặng trĩu của ký ức mười mấy năm trước và những năm sau, năm sau nữa…Em thở dài, chỉ nghĩ may mà em đơm nút, mạ đơm không khéo lại đâm vào tay.
Năm Bờm hai tuổi, em vừa lên sáu. Ngày ba đi, mấy chậu bông cúc mọc lổn nhổn khắp vườn nở ra vàng ươm, cây me trước sân lá rụng lả tả. Em chạy theo cả một đoạn đường dài, thấy cây nào cũng vàng vọt, lá rơi thành thảm dưới chân, nên chắc mẩm, lúc ấy, hôm ấy đúng là mùa thu. Về nhà, thấy mạ rũ rượi ôm em Bờm mà khóc. Đôi mắt Bờm vẫn hoang dại, nhìn trân tráo mọi thứ xung quanh chẳng biết quen lạ, chẳng đinh ninh được gì.
Nhà văn trẻ Diệu Ái ở Quảng Trị
Em mười tuổi, Bờm vẫn như đứa trẻ lên hai, luôn ú ớ trước những ánh nhìn dò xét ái ngại của người khác và chẳng thể trả lời tử tế trước những câu hỏi kém tử tế của người đời. Em hai mươi tuổi, Bờm vẫn vậy, vẫn là đứa trẻ trong hình hài thằng bé đang lớn, chẳng biết buồn khóc hay nghĩ suy. Mạ nói chắc lúc có bầu, mạ uống thuốc nên Bờm mới vậy. Rồi vì Bờm như vậy nên ba mới đi tìm thằng con trai khác ở người đàn bà khác. Mạ mang em và Bờm đến vùng đất xa xôi này, ở mãi từ đó đến giờ nên có nhiều bận em cứ ngỡ đây là quê mình. Miền đất cũ có ngôi nhà đầm ấm đôi khi trở về trong giấc mơ hẫng hụt của em, cứ trở đi trở lại ở khung cảnh bờ sông hôm em trượt chân xuống vì mải chạy theo con diều của Bờm. Em dấp dới ở đó, uống bụng nước ngai ngai phân trâu, kịp thấy Bờm xấp xải bẻ cây rồi lội ra đưa em nắm. Mạ khăng khăng nói và em cũng tin rằng, Bờm của mình tỉnh táo đâu thua gì người ta. Thế mà chòm xóm luôn dè chừng và chỉ trỏ bảo Bờm mãi chẳng bao giờ lớn thêm.
Em hay lấy tay bưng không khí trên đầu mình bỏ qua phía Bờm, coi như phần khôn ranh mình một ít cũng được, chia bớt nửa cho đứa em tội nghiệp. Bờm cười nắc nẻ, thấy vậy cũng làm theo, nó cũng đưa tay trên đầu hốt đại khái một khoảng rồi ném qua đầu em, cứ như trả lại phần khôn cho chị, em lỡ an phận phần ngơ ngáo rồi. Ba mạ con vẫn chơi trò tranh nhau phần xấu xa như thế. Như lúc em dậy thì, mụn nổi tùm lum, mạ vờ đưa tay làm phép lấy mụn qua mặt mạ, để mặt em trơn tru. Hay ngày xưa, mỗi lần chúng em ốm hay ngã, mạ lại đưa tay ôm mấy phần đau đớn qua người, em vô tư cười hỉ hả bởi cảm giác thấy khỏe hơn, bớt đau hơn. Có khi, ngồi nhìn mạ cúi mặt bên bàn máy, em định chạy tới hứng hết phần nhăn nheo cằn cỗi trong lòng mạ để mạ nhẹ nhàng hơn, nhưng biết là không được, chỉ như muối bỏ bể khi lòng mạ tự gieo hạt cằn cỗi từ rất lâu rồi, trước cả mùa thu năm đó.
Nếu tình yêu có thể cầm nắm và ném qua ném về như thế, em sẽ cầm phần yêu trong tim mạ đi tìm ba rồi ném qua cho ba thật nhiều. Mạ ít cũng được, ba cần nhiều nhiều hơn. Em cũng sẽ ném hết cho Viên. Chứ người thương nhiều luôn là người khổ nhiều, thương ít cho lỡ dang dở mình cũng chóng quên.
Viên hỏi em có từng hình dung về cuộc sống, về gia đình mới của ba rồi tha thứ và chấp nhận. Em chẳng dám nghĩ xa như thế, chỉ thấy gần gụi trước mắt rằng, người đàn bà đã từng là của ba, mãi mãi của ba chẳng tỏ vẻ hờn giận để dạy con bằng những hờn thù về người cha của chúng. Chỉ là mạ không bao giờ nhắc. Em cũng vờ như mình quên. Còn Bờm, chẳng biết gì để mà nhớ. Nhưng em biết rằng, đàn bà khác với đàn ông, họ có thể tha thứ nhưng vĩnh viễn không bao giờ quên được. Nên khi má Viên hỏi, em lí nhí bảo ba mất rồi, mất từ hồi em chưa sinh. Viên kéo em ra, bảo em nói dối chẳng bao giờ lọt, cứ nói thẳng tuột ra, anh thương em là thương hết thảy con người. Em định cự cãi, anh không tì vết trong khi em lại quá sơ sài. Sơ sài từ gốc gác đến một người cha cho đúng nghĩa.
Nhiều đêm, ngồi đơm nút áo để nghe tiếng thằn lằn chần chừ chạy tới chạy lui rồi dừng lại lựa chỗ mà ị bậy trên tóc mình, em nghĩ hay là nói ra, rồi lại xỏ mũi kim vào nút, hay là thôi, cứ thắt đi thắt lại từng đường may rối rắm. Viên là người con trai đầu tiên làm em rung động sau những hồ nghi về những người đàn ông khác, liệu rằng có vì một điều gì đó chẳng may sau này mà bỏ rơi em. Nên em từng sợ nếu không yêu Viên, em biết yêu ai bây giờ, nếu không tin Viên em biết tin ai, nếu Viên không là chồng thì ai. Nỗi lo sợ hoài nghi cứ đảo lộn hệt như đám lá khô lúc chiều bị Bờm xới xáo rồi tung lên trời như pháo.
Mùa nối nhau đi ngang cửa, nhiều lúc tội tình nghe mạ chạnh lòng nén tiếng thở dài khi gò lưng xỏ kim vào máy. Mây chiều bảng lảng, đến hoàng hôn cũng vội. Đời mạ, vậy là đã tới buổi hoàng hôn. Thời gian cứ quay quắt giày xéo những ngổn ngang đổ bể, tan nát dở dang. Đời đâu giống mấy bộ phim lãng mạn hay cuốn tiểu thuyết diễm tình phi thực tế.
Hôm Viên khoe cậu em trai tuấn tú kém Viên mười tuổi vừa thi đậu một trường đại học danh tiếng. Em chỉ nghĩ nếu mạ không uống thuốc chắc Bờm cũng giống em Viên đúc tạc, cũng mặt mũi khôi ngô, cũng học hành trôi chảy.
Em gấp gáp về trường làng, cầm bàn tay cáu bẩn của mấy đứa nhỏ rèn chữ mà nhiều khi ứa nước mắt vì nghĩ chẳng thể dạy Bờm đánh vần tên mình trong giấy khai sinh. Em trốn Viên sau bữa anh dẫn em về nhà. Viên hoang hoải chẳng hay biết lý do, cứ tìm em mòn mỏi qua tháng ngày. Cho đến hôm đứng trên bục giảng, ngó ra cửa sổ thấy tay anh nắm chặt tay Bờm, cả hai tựa cửa thất thểu nhìn em. Giữa sân trường, bàng đang mùa rụng lá, mấy khóm cúc vàng rộm, rực rỡ cả một góc sân, chẳng như khóm cúc lổn nhổn nơi góc nhà ngày xưa. Hàng nước mắt trong em chần chừ và cố tình thôi chảy. Tự nhiên mà nhớ nhiều hôm hai đứa qua hàng áo cưới, Viên bảo chụp hình cưới ngoại cảnh, lá rơi hoa rụng giữa vườn đẹp mê. Em cũng hình dung mình cập rập lúng túng thế nào để ngày gặp mặt hai gia đình đừng xảy ra. Rồi nhiều khi thấy mâu thuẫn với lòng mình, nửa muốn sống hết mình vì tình yêu, nửa muốn chết đi vì nó. Lúc Viên choàng tay ôm, em bảo Viên nếu cưới sợ hết yêu lắm, nên cứ yêu như thế này cho chắc. Viên thắc mắc, vẩn vơ với những giả thiết mơ hồ, em không thích má anh hay tại gia đình anh phức tạp.
Chẳng hiểu vì cớ gì mùa thu đẹp đẽ bình yên bị vấy nợ bởi bao dùng dằng vô lý. Nhiều khi em ước mình như Bờm, suốt ngày chạy nhảy trong sân với bầy chuồn chuồn cánh đỏ hay ngồi lỳ ở bờ ao nhìn cá quẫy đuôi mà cười vô tư lự. Không hay biết điều gì. Kể cả chẳng hay biết rằng trên đời ngoài mạ còn có ba, là người đàn ông đã mặn nồng với mạ rồi có mình trên đời, sau rồi lại mặn nồng với người đàn bà khác để tạo ra những đứa trẻ khác – những đứa trẻ hoàn hảo. Bờm không biết để nhớ, để hận, hay để phân vân nên tha thứ, nên quên hay nên vờ như không biết.
Ngôi nhà có đám tường vi tím nhạt, cánh cổng nhỏ xíu xinh xinh, ai cũng cư xử nhẹ nhàng, có người đàn ông quen thuộc mà Viên gọi bằng dượng. Em chào dượng mà tái lợt đi. Suốt bữa cơm, dượng cứ loay hoay bảo em quen thiệt, hình như gặp ở đâu rồi. Dượng quê miền Trung nhưng giờ nói giọng Nam ngọt như mía, em thì lơ lớ thứ giọng pha Bắc pha Nam. Chính cái câu quen quen của dượng Viên mới làm em trốn khỏi anh chứ không phải là sự hồ nghi lo lắng của má anh qua ánh nhìn thắt ruột khi đứa con trai mình si mê đứa con gái không cha, quê quán vô phương đã vậy còn đeo mang đứa em ngơ ngáo. (Chuyện này nhất định em chẳng giấu, em tự hứa lấy chồng phải xác định tư tưởng chăm sóc Bờm chứ mạ đâu thể mãi trăm tuổi mà lo cho nó. ) Lúc ấy, cái lúc dượng Viên bảo em quen, em đã nghĩ xa xôi về con bé mười tám năm trước tay chân dính đầy cát, mắt mũi nhòe nhoẹt nước chạy theo níu áo, khóc ré giãy đành đạch gọi ba đừng đi, ở nhà với mạ con con với con nhỏ bây chừ, váy áo tinh tươm trắng trẻo đang ngồi dịu dàng nhai cơm mà như nhai sạn, liệu có khác nhau là mấy.
Vùng quê nghèo khổ và những con người khắc khổ đột nhiên trở về trong tâm trí. Khi họ may bộ đồ mới rồi buộc cả nhà mình ăn bánh ít trừ tiền công, hay gò lưng may áo dài cưới đẹp đẽ cho người ta xong, họ lẳng lặng chẳng trả tiền, bảo chị cứ lấy lại áo đi, mạ cười đắng đót lấy để làm gì, thôi coi như tặng dì làm kỷ niệm. Xóm có nhà giỗ chạp thì người ta mừng húm, đi ăn giỗ gói theo bao bị thiệt nhiều, hoặc cái vườn chuối nhà chủ sau buổi ấy cũng trụi lá để đùm gói mang về cho đám con ở nhà. Má Viên là cán bộ về hưu, những câu chuyện tủn mủn về nơi – thực – sự là quê của em làm bà dè chừng. Em cười nhẹ, đó là quê thiệt nhưng con giũ sạch hết rồi. (Chỉ trừ mấy chuyện họ gọi Bờm là thiểu năng hay khẳng khái chỉ trỏ ba mạ con kia bị chồng, cha bỏ). Mặt bà hiện lên những dấu hỏi, kiểu như chẳng hiểu thằng con ngon lành của mình chết mê chết mệt chi con bé này. Thế thôi mà tự nhiên em thấy lòng mình đắc ý, ít nhất rồi từ đây mùa thu cũng giông bão ít nhiều. Có điều, khi trời quang mây tạnh, biết nói làm sao cho Viên hiểu, dượng anh thấy em quen là vì máu em đang chảy cùng dòng với ông ấy. Em chỉ mong mình đừng mắc nợ mùa thu thêm nữa, nợ tình thì có trả được mô…
18/7/2021
Diệu Ái
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...