Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Truyện ngắn Vũ Thiện Khái: Hang vàng

Truyện ngắn Vũ
Thiện Khái: Hang vàng

Đứng ngoài quốc lộ nhìn về, một vùng quê tôi điệp trùng núi đá. Tưởng chừng chúng mọc liền nhau tạo thành một dãy nối liền với rặng Trường Sơn hùng vĩ. Thực ra mỗi hòn đứng riêng một chỗ, cách nhau một cánh đồng nho nhỏ hay một làng xóm đìu hiu dăm chục nóc nhà. Hòn nào cũng đều nhỏ, thấp, na ná như được nặn cùng khuôn.
Ngọn Kỳ Lân được dân gian sùng kính tôn xưng là núi Chúa cũng chỉ cao chưa đầy dăm trăm mét. Đỉnh núi Chúa quanh năm lảng vảng sương mù. Nghe nói dưới lớp sương mù ấy luôn lảng vảng những hồn ma âm u lẩn quất trong các hang động mịt mù âm khí. Làng cổ Kỳ Lân đông đúc nhất vẫn chưa quá mấy trăm gia đình quần tụ quanh chân núi Chúa. Cư dân ở đây đa phần bản tính hiền lành, nhút nhát. Con trẻ còn nằm trong nôi đã được mẹ hát ru những câu chuyện ly kỳ về vô số kho tàng châu báu còn chôn giấu bên trong vách đá cheo leo vây quanh thung lũng Cô Hồn trên đỉnh Kỳ Lân. Tôi và không ít đứa bạn đều ấp ủ suốt thời niên thiếu giấc mơ một mình thám hiểm những hang động kỳ bí đầy ắp vàng bạc ấy. Nhưng đến lúc tuổi đời chững chạc, chẳng mấy thằng cả gan leo cao hơn chỗ thả bầy dê đông đúc nhà mình.
Nhà văn Vũ Thiện Khái ở Tây Ninh
Nhà tôi lưng quay vào vách núi Kỳ Lân. Những ngày không có sương mù, đứng giữa sân tha hồ phóng tầm mắt bao quát một vùng non nước sông Nguồn cuồn cuộn phù sa lượn gần sát cửa nhà, rồi chảy vòng vèo quanh chân dăm quả núi đá vôi trơ trọi mấy bụi cây lè tè, xơ xác  .
Mấy đời cụ kỵ nhà tôi đã sinh sống dưới chân núi Chúa. Đến đời tôi, trong mắt người làng Kỳ Lân vẫn bị coi là kẻ ngụ cư. Vẫn tách biệt một mái nhà lủi thủi bên này núi Chúa. Bởi nhà tôi không tấc đất cắm dùi, chuồng không một con dê, đời nối đời kiếm ăn bằng nghề đục đá. Dân chính gốc Kỳ Lân hầu hết mang họ Vũ. Duy nhất mỗi nhà tôi đơn độc họ Trần. Đơn độc và bé nhỏ như ngôi nhà tường quây đá xám của chúng tôi chơ vơ bên này sườn núi. Chả biết cái chỗ cổ lỗ che mưa nắng của tôi đã im ắng nằm ì ở đây tự đời nào. Tôi nghĩ ít nhất cũng ngoài hai trăm năm tuổi. Ấy là tôi lấy tuổi bà cố nội tôi hiện còn tại thế mà suy đoán vậy. Hôm qua cố bảo tao trăm hai. Hôm khác lại trăm ba chục tuổi. Chả biết tuổi nào chính xác. Tại thời điểm này, gia tộc tôi còn độc nhõn hai nhân khẩu. Một bà cố nội với một thằng tôi. Theo thứ bậc huyết thống, tôi là chắt nội năm đời của cố. Hình như ông Trời già nua đã bỏ quên cố tôi trong xó tối thế gian này. Từ mười năm nay tôi chỉ thấy cố thu lu một chỗ trên chiếc giường tre ọp ẹp. Đêm cũng như ngày, không lúc nào cố ngả lưng nằm nghỉ hay duỗi thẳng chân tay. Cứ nguyên một tư thế ngồi bó gối, xòe hai bàn tay xương xẩu đan mấy ngón bé tẹo vào nhau, khư khư ôm hai ống chân chỉ còn da bọc xương khô khấc. Tôi thầm nghĩ, phải đội trên đầu hàng thế kỷ thời gian nên lưng cố mỗi năm mỗi cúi xuống, mỗi ngày mỗi thu nhỏ lại. Nhỏ và im thít y hệt chiếc hũ sành lăn lóc đầu chái bếp. Chả biết lúc nào cố thức, lúc nào cố ngủ. Nhắm hay mở thì hai mắt cố cũng chỉ là hai cái khe nhỏ rí chia đôi khuôn mặt nhăn nheo, meo mốc giống trái táo Tầu khô đét. Miệng cố mở hết cỡ mới đút vừa muỗng canh nhỏ xíu. Một ngày cố chỉ ăn một bữa. Một khẩu phần không đổi gồm nửa chén nhỏ nước cơm đặc và lưng ly nước lã không hơn. Vậy mà lâu nay cố vẫn dai dẳng sống, vẫn vững chãi ngồi đấy, dẫu hơi thở chỉ phơ phơ phất phất. Nhiều bận nửa đêm soi đèn, không thấy miệng cố phóm pha phóm phém, tưởng cố tịch rồi, tôi sợ hãi lay lay vai cố, đã nghe lào phào qua đôi môi mỏng như lá cỏ: Tao chưa thể bỏ mày mà đi đâu. Đừng lo. Bao giờ mày cánh lông cứng cáp, đủ sức mở cửa kho vàng trong núi Chúa thì tao mới yên lòng nhắm mắt xuôi tay chắt ạ. Tôi suýt phì cười. Nghĩ cố đang kể chuyện cổ tích, nhưng chẳng dám cãi nửa lời.
Một sáng mùng một tết, lâu rồi, tôi luộc con gà, đơm đĩa xôi đệ lên bàn thờ cũ kỹ bày duy nhất một bát nhang bằng đồng đen xỉn. Cố khìn khịt mũi nhận ra mùi hương trầm thơm thoảng, lào phào hỏi: Lại tết nữa à? Ngừng một lát, cố vẫy tay gọi tôi: Tết này tao trăm mười bẩy tuổi rồi chắt ạ. Tôi hỏi: Cố vừa khai với ông thôn trưởng trăm ba chục mà. Đắc ý, cố phóm phém cười không có tiếng: Tao lừa họ đấy. Chắt còn khờ khạo lắm.
Năm nay tôi tròn mười bẩy tuổi. Cố bảo: Đã cập tuổi bẻ gẫy sừng bò rồi đấy nhá. Nhà mình sắp đại phú rồi. Tôi lại suýt phì cười. Túi áo tôi chả bao giờ dư vài chục bạc. Cũng chả có con bò nào cho tôi thử sức bẻ gẫy cặp sừng. Bắp chân, bắp tay tôi đang thì cuồn cuộn, bó củi năm, bẩy chục kí từ thung lũng Cô Hồn trên đỉnh núi Kỳ Lân, tôi vác lên vai, leo một mạch qua quèn Tử Thần chênh vênh, vài giờ sau đã về đến chợ làng họp dưới bóng đa cổ thụ bên bến Phù Vân. Bến  Phù Vân trước cửa nhà tôi, cách một cái đầm không rộng lắm. Lưng nhà tôi quay vào vách núi. Ngày tôi còn bé, cố ngồi phơi nắng góc hè, tôi đứng giữa sân ngửa cổ ngước nhìn ngọn núi Kỳ Lân cao ngất. Cố chỉ tay lên lưng chừng vách đá dựng đứng, trống trơn, chỗ ám khói đen sì, chỗ loang lổ hung hung đỏ, chỗ trăng trắng màu vôi nung sống. Cố hỏi: Thấy cái lỗ hổng tròn tròn trống hoác giữa vách đá cháy kia không? Cửa hang vàng đấy chắt ạ. Rồi cố kể: Thuở cố mười lăm tuổi về làm dâu họ Trần, đã thấy cái cửa hang trống rỗng ấy trên vách núi này rồi. Ông Cố của Cố mày, tức cụ Tổ mười đời của tôi truyền lại, cái thằng lái buôn mắt xếch ngoại bang ấy đã cuỗm hết vàng bạc trong hang ấy đấy. Nó đến bằng con thuyền ba cột buồm, táp vào bến Phù Vân.  Nó ngắm nghía mấy ngày rồi phao tin sẽ mở lò vôi, lò gạch ở đây. Nó bảo: Sẵn củi, sẵn đá vôi trên núi, sẵn đất sét ven sông Nguồn mà các nị chịu ở nhà lá vách đất thế này thì tội quá. Nói rồi, nó tung ra nhiều tiền, dân làng kìn kìn lên núi chặt củi khô vác về bán cho nó. Lại thuê dân công xếp từng bó cành khô thành đống cao lưng vách núi. Một đêm, đống củi ấy bùng cháy ngất trời. Đến lúc lửa tàn, lộ ra lỗ hang hoang hoác giữa vách núi nhẵn thín cháy xèm cháy xuộc. Ai nấy mới té ngửa, mình bị nó lừa, xếp củi làm thang cho nó trèo lên, tìm cửa hang vàng. Lần khác, cố nghiêm nét mặt úp mở: Trên núi Kỳ Lân mình còn nhiều hang vàng lắm đấy. Từ thời hai vị Trưng nữ Vương giết thái thú Tô Định, đuổi giặc Tầu ra ngoài bờ cõi, thằng quan Tầu cai trị vùng này bị nghĩa binh chém bay đầu. Xác nó dạt bến Phù Vân táng vào hàm cá sấu. Vong linh ác quỷ của nó bay về thung lũng Cô Hồn nhằm canh giữ số của cải cướp bóc của dân mình, đang nằm sâu trong mấy hang động rùng rợn ấy. Đêm đêm nó hiện hình con ma không đầu, ngất nghểu đoạn cổ cụt lủn kêu hú từng tràng dài man dại qua lỗ họng phì phì máu đỏ. Hơn ngàn năm rồi, nó có chịu đi đầu thai kiếp khác đâu. Vẫn nuôi hy vọng cháu chắt bao đời sau của nó mò sang lấy trộm đống vàng luyện bằng máu tổ tiên mình đấy. Khi nào mày mình đồng da sắt, cứng cáp hơn người, thì leo lên núi Chúa mà thu hồi những kho châu báu ấy về cho dân, cho nước. Tao biết nó chôn ở chỗ nào rồi. Nó đang ở đây này, đây này. Vừa nói cố vừa thận trọng sờ sờ làn da bụng nhăn nheo dưới vạt áo vải nâu âm ẩm mồ hôi người già.
Năm tôi mười tuổi, mẹ tôi mất. Mười ngày sau cha tôi đột ngột qua đời. Bỗng chốc tôi thành đứa trẻ mồ côi. Hôm các ông thợ đá lôi được thân hình cha tôi bê bết máu ra khỏi đống đá dưới chân núi Kỳ Lân, họ lắc đầu căm giận chỉ cho cố tôi thấy một vết thương đáng ngờ sau gáy và mấy túi áo túi quần cha tôi đều bị xé toạc. Họ bảo hình như có kẻ ác muốn tìm vật gì thì phải. Cố tôi chỉ khóc và than thở mỗi câu: Oan nghiệt. Thật là oan nghiệt. Lúc ấy, ngoài bến Phù Vân, bóng chiếc thuyền ba cột buồm đang hối hả nhổ neo rời bến.
Mấy hôm trước đó, cha tôi thất thểu vác mẹ tôi từ thung lũng cô Hồn về nhà, bà chỉ còn là cái xác xanh xám với một mu bàn chân xưng tấy in mấy dấu răng rắn cắn. Một tay vuốt đôi mắt mẹ tôi mở trừng trừng, một tay chỉ con thuyền ba cột buồm đang nhấp nhô ngoài bến Phù Vân, cố tôi ghé tai mẹ tôi nói nhỏ: Thôi con hãy buông bỏ mọi thứ mà về với chốn của con cho mát mẻ. Họ đang đợi con ngoài sông Nguồn đấy.
Cha tôi là thợ đục đá. Nghề gia truyền từ đời ông cố, ông sơ. Đá núi Kỳ Lân màu xanh biếc, rất mịn mặt, nổi nhiều vân kỳ ảo. Tay nghề tinh sảo của thợ đá Kỳ Lân chả đâu bằng, nên sản phẩm từ đá Kỳ Lân nổi tiếng khắp vùng. Tôi nghe cố kể: Năm ấy, cha tôi chở đá giao hàng cho một tỉnh xa, mũi bè đụng một người con gái nhô lên chìm xuống vật vờ giữa sông Nguồn, cha tôi vớt lên, cứu sống. Họ thành vợ chồng từ đấy. Tôi là đứa con duy nhất ra đời từ mối nhân duyên có vẻ tình cờ ấy. Rồi chả hiểu vì sao, cha tôi vô cớ bỏ nghề đục đá, ngày ngày cùng mẹ tôi lên núi, nói rằng đi tìm thuốc quý. Lâu lâu ông đem về bó lan rừng, con tê tê hay kỳ đà gì đó. Thu nhập chả là bao, lạ kỳ ông vẫn dư tiền ung dung chơi bời, mời mọc bạn bè nhậu nhẹt.
Lâu nay tôi thường chiêm bao thấy mẹ tôi mặt mày xánh mét, nửa người ướt sũng nhô lên khỏi mặt sông Nguồn gọi với vào bờ mỗi một câu: Mẹ bị người ta bắt buộc phải làm chuyện ấy. Muôn phần xin lỗi con. Có lần tôi còn trông thấy lăn dài trên mặt mẹ hai dòng nước mắt ròng ròng máu đỏ. Tôi kể chuyện này với cố nội. Cố chỉ thở dài: Oan nghiệt, thật là oan nghiệt.
Củi mỗi ngày mỗi hiếm, tôi chuyển sang nghề tìm cây ô rô bán cho thợ làm vồ đục đá. Vồ ô rô gõ chan chát vào chuôi đục thép mà không bị mòn, bị vỡ. Gỗ ô rô cứng hơn thép, là đặc sản chỉ mọc trong thung lũng Cô Hồn. Trải qua cả trăm năm dẻo dai kiên cường xuyên rễ vào kẽ đá mới nên cây ô rô ngắn ngủn to cỡ bắp chân, cưa ra được vài cái thân vồ. Ai cả gan khai thác nó, phải chấp nhận mạo hiểm bò trên vách đá cao vút hoặc đụng độ với loài rắn thung Cô Hồn cực độc. Nghe đồn trong thung sâu ấy có loài rắn lạ, nọc của nó độc gấp nhiều lần nọc rắn hổ mang. Bị nó cắn chỉ còn con đường chết. Mới mười tuổi thơ tôi đã phải ngày ngày la lỏm trên núi Chúa kiếm củi nuôi tôi, nuôi cố nội. Cái thung lũng Cô Hồn nhiều người kinh sợ ấy, tôi lại thấy hiền lành như góc vườn nhà mình vậy. Tôi đã mấy lần gặp loài rắn lạ ấy. Không hiểu sao, những con rắn thân to cỡ bắp chân, lưng dài hàng mét vằn xanh vằn đỏ ấy, bò qua chân tôi thân thiện đến độ tôi suýt đưa bàn tay ve vuốt đôi mắt nó luôn tỏ ra dịu dàng như mắt người thiếu nữ lâu nay tôi vẫn gặp trong những giấc chập chờn giữa lưng đèo. Lạ kỳ, mỗi lần tôi gặp rắn là trước mặt tôi lại thấp thoáng một tà áo xanh phơ phất lúc xa xa lúc thật gần. Đôi khi cái bóng hư ảo ấy quay lại một thoáng đủ cho tôi trông thấy một gương mặt thiếu nữ đẹp như hoa, đăm đăm nhìn tôi mênh mang thương xót. Tháng trước, tối mười tư tháng bẩy, tôi đi giao hàng cho mấy bác thợ đá trong làng, qua miếu thờ bà cô Tổ họ Vũ đang lúc đèn nến sáng choang, chuông trống thì thùng mở màn cuộc lễ. Bác thợ đá tôi quen bảo: Đêm nay là ngày giỗ Bà cô Tổ. Tôi ngước nhìn lên điện thờ, thấy bức tượng bà Cô choàng xiêm y lộng lẫy, bàng hoàng nhận ra khuôn mặt bà giống y khuôn mặt người thiếu nữ ảo mờ tôi thường gặp trong thung lũng Cô Hồn. Lạnh toát sống lưng, tôi lập cập về nhà hỏi cố. Cố tôi cười phóm phém: Thì đấy là Bà cô Tổ họ Trần ta, chứ ai đâu mà xa lạ. Năm xưa cụ thượng tổ họ Trần nhà mình sai người con gái út cực kỳ xinh đẹp đội lễ lên chùa dâng lễ xá tội vong nhân vào tối mười bốn tháng bẩy. Cô mất tích từ đêm ấy. Một trăm ngày sau, về báo mộng: Con bị bọn người lạ mặt nhét sâm vào miệng rồi chôn trong thung lũng Cô Hồn. Đói quá cha ơi. Tỉnh dậy, cụ Tổ biết ngay bọn nào đã bắt con mình làm thần giữ của cho nó rồi. Uất ức, thương con, nhưng cũng đành phải nín câm. Nhà nghèo lấy tiền đâu xây miếu để ngày ngày thờ cúng. Năm ấy, làng Kỳ Lân phát dịch bệnh lạ, nhiều con cháu họ Vũ chỉ ốm sơ sơ mấy ngày đã chết. Ông trưởng tộc nhờ cụ Tổ mày gieo quẻ bói. Cụ tổ mày liều lĩnh phán: Họ Vũ có một bà cô Tổ bị chết oan vào đúng ngày mười tư tháng bẩy, lâu lắm rồi. Nay bà cô ấy hiển linh. Con cháu nên lập miếu thờ ngài, sẽ được đời đời hưởng phúc. Ngôi miếu thờ bà cô Tổ họ Vũ có từ đấy. Nghe vậy, biết vậy, đừng hé răng hé lợi, mắc tai vạ nghe con.
Sáng nay tôi sắp sửa đồ nghề chuẩn bị lên núi như mọi bữa, cố nội tôi khịt khịt mũi nói trong cổ họng: Nó đấy, cái mùi tử khí ấy lại luẩn quẩn ở đây rồi. Đang chờ mày ngoài ngõ ấy. Đi đi, chân cứng đá mềm nghe con. Tôi đeo bị lên vai bước ra cổng. Trước mặt tôi một ông khách lạ mặc bộ đồ bảo hộ lao động lưng áo in hàng chữ tượng hình đã đứng đó tự lúc nào. Những công nhân nước ngoài đang lao động trên công trường xây dựng nhà máy nhiệt điện dưới chân một quả núi bên kia sông Nguồn cũng mặc những bộ đồ như vậy. Người này mặt choăn choắt, hai bên mép chĩa ra hai mẩu râu ngạnh trê nhọn hoắt. Chú ý nhìn vào đôi mắt hắn, nó ti hí, một mí, lành lạnh vô hồn, bất giác tôi ớn lạnh nhớ đến đôi mắt mẹ tôi thuở ấy. Ông ta nói tiếng Việt rất sõi: Xin lỗi, cậu tên Quỷnh, Trần Quỷnh phải không. Tôi gật. Ngộ muốn nhờ cậu dẫn đường vào thung lũng Cô Hồn kiếm mấy giò lan quý. Nghe nói cậu thuộc đường, lại biết tránh rắn độc. Nể tài cậu quá. Xong việc, ngộ xin hậu tạ. Tôi im lặng, trở vào hỏi cố, Cố giục: Đi đi. Đến lúc kết thúc chuyện này rồi chắt ạ. Quả quyết quay ra, tôi sững người nhìn thấy cha tôi với chiếc đầu đầy máu me đứng sau lưng ông ta. Xa xa bóng bà cô Tổ xiêm áo xanh mờ thấp tha thấp thoáng.
Tôi vững lòng lầm lũi đi trước dẫn đường. Ông ngạnh trê lặng lẽ theo sau. Đến giữa đoạn quèn đá cheo leo, tôi quay lại: Ông biết chỗ này chúng tôi gọi là gì không, quèn Tử Thần đấy. Ông ta không đổi sắc mặt, lùi lũi ra hiệu cứ tiến bước. Sáng nay sương mù dầy đặc. Ngọn cỏ dưới chân và những ngọn cây dại lúp xúp ven lối mòn ướt sũng. Tôi trông thấy cha tôi lắc lư cái gáy nổi rõ vết thương bầy nhầy máu cục, cái vết thương mấy ông thợ đá năm ấy bảo rất đáng ngờ. Lướt theo tôi, bóng tà áo xanh và mớ tóc dài chấm gót lả lả bay giữa sương mù đặc quánh. Tôi còn nghe rào rào, tiếng gì như tiếng động hàng trăm con rắn trườn trong bụi cỏ. Đường tụt xuống thung Cô Hồn sáng nay nhơn nhớt rêu xanh trơn tuột. Ông Râu trê vẫn nhanh nhẹn bước kịp tôi. Chỉ tay về phía mỏm đá hình đầu chó lưỡi chảy thè lè chồi lên trên màn sương xám, Râu Trê hỏi: Đi được tới đó không? Tôi gật. Tới đoạn đường mòn tương đối quang quẻ, tôi nghe giật giọng: Này nhóc, quay lại xem cái gì đây. Chĩa thẳng vào ngực tôi một họng súng ngắn trong tay Râu Trê. Tôi lầm lì im lặng. Hắn hất đầu: Muốn sống, tao bảo hướng nào, tìm đường rẽ về hướng đó. Tôi lầm lì gật đầu rảo bước. Chợt nghe gió rít sượt qua đầu, sau lưng nổ một tiếng đoàng. Tôi nhảy phắt núp sau tảng đá ông voi. Thằng Râu trê quằn quại nằm vật xuống cỏ, hai bàn tay ôm vào nhau, miệng bật miếng tiếng xì xồ qua đám bọt hồng hồng trào ra hai bên ngạnh trê đen nhánh. Khẩu súng văng đi đâu mất. Mấy phút sau hắn lên cơn co giật rồi nằm cứng đơ người. Tôi biết hắn đã bị rắn cực độc cắn, ngỏm rồi. Lục túi áo hắn, tôi lấy được tấm gia phả viết trên tờ giấy cổ những chữ vuông vuông cùng những đường vẽ nhằng nhịt mấy mũi tên chĩa vào mấy mỏm đá hình thù kỳ dị. Tôi nhận ra mấy mỏm ấy tôi đã từng leo trèo tìm kiếm những cây ô rô trăm tuổi.
Hộc tốc chạy về nhà, cố nội tôi hôm nay thay váy áo mới, đầu đội khăn nhiễu tam giang đang ngồi đợi tôi. Cố cười móm mém: Ta biết cháu làm được mà. Nói đoạn, cố đưa cho tôi chiếc túi nhỏ, bảo: Của cha con để lại cho con đấy, nó dặn khi nào khôn lớn đưa cho con. Bây giờ cố đi được rồi. Con ở lại chân cứng đá mềm. Đi ngay đi. Con biết chỗ nào bảo vệ được con mà. Chậm chân thì nguy đấy. Tôi thụp quỳ lạy cố ba lần. Đóng chặt cửa, tôi tắt lối mòn dẫn đến nơi tôi cần đến. Tới nơi, tôi ký biên bản giao nộp tờ gia phả ghi lằng nhằng những ký hiệu chỉ dẫn của ông khách lạ. Lại mở cái túi cố tôi đã giữ khư khư bên mình gần chục năm trời. Hỡi ơi, trong túi ấy chỉ còn một dúm giấy vụn vàng vàng. Vài mẩu bằng đầu ngón tay y chang thứ giấy tấm gia phả tôi vừa trình báo.
Đêm ấy, nghe tiếng trống phát tang nổi lên bên làng Kỳ Lân, biết cố tôi đã về Trời. Tôi ôm mặt khóc. Ba hôm sau, tôi được thông báo: Lúc khâm liệm, không thể kéo thi thể bà cố duỗi thẳng chân tay ra được. Đành phải thửa tấm hậu sự tròn như thùng đựng rượu, đặt cố ngồi thỏm vào trong ấy. Buổi di quan, đông nghìn nghịt trẻ già trai gái làng Kỳ lân long trọng thương tiếc tiễn đưa người cao tuổi nhất vùng, người mang trong mình bao nhiêu huyền thoại chứa trong lòng núi Chúa. Chỗ cố ngồi an nghỉ dưới chân núi Chúa, mặt hướng ra bến Phù Vân. Từ nơi ấy, đừng hòng bóng con thuyền lạ ba cột buồm nào lọt qua đôi mắt nhỏ rí như sợi chỉ của cố tôi.
Giải mã những hang vàng bí mật trong núi Kỳ Lân, sứ mạng của tôi từ bây giờ mới bắt đầu. Tôi ước muốn khi nào được phép, tôi sẽ kể nốt những chuyện không hẳn hoang đường của những tấm gia phả chôn giấu châu báu vấy máu tổ tiên tôi tự ngàn năm trước, hiện đang nằm trong tay những kẻ khác máu tanh lòng bên kia biên giới. Tôi biết chúng chưa bao giờ từ bỏ dã tâm chiếm đoạt.
17/7/2021
Vũ Thiện Khái
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...