Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Mẹ đi lấy chồng

Mẹ đi lấy chồng

Nhạc nền vẫn dìu dịu, tiếng nữ MC thanh trong cao vút “Thưa quý vị và các bạn, yêu nhau cậy mớ cau trầu/ mẹ cha đã định em về với anh/ hết rồi áo tím áo xanh/ giờ em đã có bên anh là chồng. Vâng…xin giới thiệu cặp đôi tân lang và tân giai nhân đẹp nhất ngày hôm nay. Xin kính mời cô dâu Ngọc Huơng và chú rể Tấn Phước cùng bước lên sân khấu để làm lễ tơ hồng. Kính mời đại diên họ nhà trai là ba mẹ của chú rể, kính mời họ nhà gái là ba và dì của cô dâu cùng bước lên sân khấu để uống ly rượu mừng của đôi tân hôn ngày hôm nay!”.
Cô dâu áo soa-rê trắng tinh khôi khoét ngực khá sâu được chú rể dìu lên sân khấu. Chiếc  vương miệng tiệp màu với áo cưới sáng lấp lánh. Nụ cười trên môi cô dâu còn sáng hơn cả chiếc vương miệng. Chú rể thì khỏi nói rồi, cứ cười toe như trẻ em được quà.
Khuôn ngực cô dâu tròn đầy trắng mịn dưới làn áo khoét sâu trông rất gợi cảm. Khuôn ngực đó khiến các bà các cô dự tiệc xì xào vì con gái gì mà ngực to quá thế! Khéo “dìm chết” thằng chú rể tối đêm nay. Bà khác có vẻ hiểu biết hơn “xì” một tiếng rõ dài “Gái…gái một con thì có. Cô dâu có một đời chồng và đứa con riêng năm tuổi. Chú rể mua trâu được nghé mà”.
Nhà văn Đào Phạm Thùy Trang ở Tây Ninh
Cả bàn ồ lên, bà cô áo dài xanh bảo rằng “Thời thế đảo lộn, trâu già ham gặm cỏ non/ trẻ con thì ham đồ cổ”. Thằng chú rể hai bốn tuổi, ế ẩm gì mà sợ, lại đi rước con cô dâu ba mươi mốt tuổi”. Chị váy hồng có vẻ thông cảm hơn “Thời đại nào rồi mà dì nói vậy? Quan trọng là hạnh phúc của tụi nó. Chưa chắc mấy đứa con gái mà biết sống bằng mấy nhỏ qua một lần đò nhen!”.
Cô gái trẻ, đâu chừng 20 tuổi ngồi bàn kế bên góp tiếng xì xào “Chú rể là anh chú bác với em đó! Ảnh cưới chị Hương mẹ ảnh đâu có chịu, vì ảnh chưa vợ mà chị có chồng rồi. Hông xứng. Nhưng ảnh quậy quá, bỏ nhà đi bụi cả tháng nên mẹ ảnh mới chịu đó. Xời ơi, tại ảnh là con trai một nên mẹ ảnh chiều vậy thôi chứ em mà là mẹ  ảnh thì còn lâu nha! ”.
Chị áo đầm đỏ vừa bẻ đầu con tôm vừa huýt vào vai cô gái trẻ “Mày cũng chưa chồng đó nhen! Khẩu nghiệp à con!”. “Xời, dì Tám nói quá, con còn lâu mới lấy chồng”.
Từ cổng Tân Hôn, một ông già khoảng hơn 60, sơ mi trắng phẳng phiu, tay ẳm bé gái tầm 4-5 tuổi, đang di chuyển vào sân khấu. Vừa đi ông vừa lau nước mắt cho bé gái, xong lại trao qua tay người thanh niên đi chung “Để cậu Út ẳm con chút nha, ông ngoại có việc xíu rồi ngoại ẳm”. Ông trao bé gái cho người thanh niên và bước nhanh về hướng sân khấu. “Hông chịu…hông chịu…quại bỏ con…huhu..quại ơi…quại…”. Bé gái gào lên.
Thanh niên trẻ ẳm ngược bé gái ra hướng cổng Tân Hôn dỗ dành “Nín đi Susi, chút ngoại ẳm, giờ Út ẳm cho nè…mua kẹo mút hén?”. “Năm kẹo mút, mười kẹo mút hả út?”. Bé gái nín khóc, lại dụi mắt. Cậu Út lấy trong túi áo mình ra cây kẹo dỗ cháu, con bé vừa cầm kẹo vừa ngó vô sân khấu gào lên “Mẹ kìa…mẹ làm công chúa kìa…con muốn mẹ…mẹ…”. Cậu Út phải ẳm bé bước nhanh về hướng khác, tránh quang cảnh tưng bừng trên sân khẩu đang làm lễ giao bôi.
Tiếng sâm banh nổ vang, dây tơ hồng bung lên treo lòng thòng giữa sân khấu, hai khuôn mặt đẹp nhất buổi lễ áp vào nhau…Máy ảnh chớp lóe bảo cười lên…cười lên…. Tiếng cười câu chúc vang dậy. Qua làn khói trắng bồng bềnh của mấy viên đá khói, hình như mắt cô dâu cũng mờ đi. Vì hạnh phúc hay vì nước mắt?
Hường hồi tám tuổi đã xa mẹ. Vì bà chê cha cô nghèo, sống bao năm nay mà bà chưa có cái áo mới, đôi dép mới càng là thứ xa xỉ. Bà xin cha cô bỏ nghề thợ hồ để đi buôn đi bán như người ta bởi cuộc đời này chỉ có buôn bán mới làm giàu được. Nhưng cha Hường bảo, cái nghề thợ hồ cha truyền con nối, giờ bảo bỏ đi buôn thì biết buôn gì cho chắc ăn? Mà sống cảnh “bay khô tiền ráo”, nhà hai đứa con nhỏ, thêm cha mẹ chồng già, mà thu nhập chính chỉ là đồng lương thợ hồ của chồng. Thì mẹ Hường không sống được.
Huống chi bà đẹp lắm. Nét đẹp tự nhiên của con gái nông thôn chưa biết dùng son phấn. Mái tóc dày và dài bồng bềnh như mây ôm gọn gương mặt trái xoan thanh tú, dáng chuẩn ba vòng tuy có hơi gầy. Vậy thì làm sao bà lại phải chịu cảnh nghèo khó này.
Ngày bà bỏ mấy cha con Hương ra đi để lấy chồng khác, bà đã ôm con gái 8 tuổi khóc xin hãy tha thứ cho mẹ, rồi mẹ sẽ mua cho con nhiều búp bê, nhiều quần áo đẹp, Đây nè…một búp bê, hai búp bê…những con búp bê với mái tóc vàng, áo quần xanh đỏ đủ màu đã mê hoặc cô gái nhỏ.
Trong căn nhà vách đất mái tôn năm đó, người đàn bà ấy đã bỏ lại thằng con trai 3 tuổi còn say ngủ và cô con gái 8 tuổi đang mê chơi búp bê để đi cùng người đàn ông khác khá giả vì  không chịu nỗi cảnh nghèo khổ với chồng mình.
Hơn hai mươi năm nay cha của Hương vẫn cực khổ nuôi con và không cưới vợ nữa. Nỗi đau tình năm ấy đã khiến ông mất niềm tin vào cuộc đời. Ông bảo rằng cả đời này ông chỉ có hai đứa con là điểm tựa duy nhất.
Hai mươi hai tuổi Hường lấy chồng. Hai năm sau thì sinh con. Người chồng ấy là chồng một tay ăn chơi có hạng mà Hương không biết. Tiền Hương xài không thiếu nhưng chồng luôn đi từ sáng tới khuya mới về. Hỏi thì anh bảo bận làm ăn. Hỏi nhiều làm gì, chẳng phải em chỉ mong một cuộc sống không nghèo khó sao? Ừ thì cuộc sống của Hường không nghèo, nhưng luôn cảm giác bất an vì chồng cứ “bí mật” khiến Hường không yên bụng.
Rồi một ngày khi đưa con đi bác sĩ về, Hương thấy nhà rất đông người. Họ nói chồng Hương chết. Tại sao chết? Hôm qua còn mạnh khỏe ca hát vang nhà kia mà? Thì ra, đêm qua họ đã chơi trò mô tô bay ở một tiệc sinh nhật của người bạn và chồng Hương chết do tại nạn ở cuộc đua xe ấy.
Sau tang chồng, Hương trở về nhà cha ruột. Bốn năm hôn nhân làm dâu, làm vợ rồi làm mẹ thì có làm gì ra tiền để cất nhà mới mà không về nhà cha ruột tá túc?
Đôi mắt người cha già như thâm quầng hơn bởi nhìn đứa cháu ngoại mồ côi vừa bập bẹ nói. Hương đã quen tay ở không xài tiền lớn nên suốt mấy tháng sau ngày về nhà cha ruột thì không đi làm. Trang sức trên người lột xuống bán đi vì cái ăn cái mặc. Bán hết số trang sức trên người thì Hương cũng vừa xin được chân phục vụ ở nhà hàng. Hàng ngày đi làm từ 10 sáng tới 10 giờ đêm, mọi sự chăm sóc con cái đều “khoán” cho cha và em trai mình.
Ông ngoại đi làm về thì rước cháu, lo cho cháu ăn ngủ trước khi mẹ nó về. Hôm nào cậu của Susi đi làm về sớm thì chở cháu đi công viên ăn gà rán uống trà sữa. Cuộc sống tưởng bình yên thì Hương báo tin rằng sẽ lấy chồng. “Đời đàn bà dù có làm vua làm chúa gì cũng phải có nơi nương tựa mà ba. Ba cho con ưng anh Phước nhé! Ảnh thương con lắm’.
Nhưng nhìn thằng rể tương lai mặt non choẹt khiến ông không yên dạ. Nó lại là con một, là “trai tân” nữa. Ở cái xó quê này, quan niệm cổ hủ vẫn còn lớn lắm. Lời ra tiếng vào liệu con ông có vượt qua được? Nhưng thằng rể tương lai một mực xin ông cho cưới Hương, nếu không nó sẽ chết cho ông và mẹ của nó vừa lòng! Ông cảm ơn nó còn không hết, vì nó bao dung độ lượng biết bao mới đòi cưới con gái ông. Thì đâu có lý gì ông từ chối, nhưng lời chị sui tương lai làm ông lo ngại:
– Tui chỉ nhận dâu chứ không nhận cháu nội ngang hông nha! Tui cưới con Hương để nó làm dâu làm vợ nhà tui chứ không chịu nó đem con nó về sống chung à! Anh coi nuôi giùm được cháu ngoại thì tui mới cưới con gái anh cho con trai tui, chứ mai này dẫn cả bầy cả lủ về nhà tui là không được à!
Hai nhà cách nhau có mấy ngã tư. Ông hứa sẽ giữ cháu ngoại lại để nuôi cho mẹ nó yên lòng đi lấy chồng. Ông chỉ xin chị sui, mỗi khi con bé bệnh hay việc học hành gì đó cần mẹ thì bà cho con dâu về lo cho con bé. Chị sui ngần ngừ hồi lâu rồi cũng đồng ý. Xong bà lại giao kèo “Tui sẽ cưới con Hương như cưới con gái mới lớn, vì thằng ông nội nhà tui quậy quá, sợ nó điên tình chết bất tử. Nhưng tui nói trước, sau bữa cưới thì cô dâu phải đưa hết vàng cưới cho tui cất nha!”. Hương toan cãi, nhưng Phước đã kịp đạp chân cho cô im lặng.
Đám cưới diễn ra xuôi chèo mát mái
Đêm tân hôn. Bà già chồng vào phòng ngọt nhạt “Hương à, tháo vàng đưa mẹ cất cho ngủ ngon đi con. Đeo vàng nhiều quá bị thần vàng đè nặng bóng vía ngủ không được đâu à!”. Cô dâu khẽ khàng tháo từng sợi đây chuyền, đôi bông tay, cặp vòng xuyến…Mấy  chiếc nhẫn vàng tây do bạn bè tặng cũng tháo ra đẩy về phía mẹ chồng. Khi trên người cô chỉ còn duy nhất chiếc nhẫn đính hôn thì mẹ chồng mới cười cười bước ra khỏi phòng.
Hương ngồi khóc thút thít, rằng em tưởng lấy anh là cuộc đời hết khổ, ai dè nỗi nhục này ai thấu? Có ai khổ như tôi không nè trời? Áo cô dâu chưa thay ra mà mẹ chồng đã cất hết vàng cưới? Huhu sao tôi khổ thế này?
Chú rể nằm dài vì mệt bởi lễ tiệc cả ngày bất chợt ngồi bật dậy lấy trong túi ra chiếc lắc cùng sợi dây chuyền vàng chóe bảo “Này là của chú rể tặng cô dâu. Em cứ đeo đi cho đẹp. Mẹ mà hỏi thì nói chồng con mua vàng xi cho con đeo lấy oai cô dâu mới. Như vậy bả sẽ nhột liền!”
Cô dâu quẹt nước mắt cười tươi rói.
Ở cách căn phòng tân hôn đó mấy ngã tư đang có một bé gái không ngủ vì khóc đòi ông ngoại tìm mẹ về cho nó.
20/7/2021
Đào Phạm Thùy Trang
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhân vật nữ trong tiểu thuyết Patrick Modiano Patrick Modiano là nhà văn lớn của văn học Pháp từ nửa sau thế kỷ XX đến nay. Ông là chủ n...