Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Miền quê yêu dấu

Miền quê yêu dấu

Màn chiều buông tím thẫm núi đồi Nậm Cuổi. Trên triền núi cao chon von, đôi bạn vẫn cắm cúi bước đi. Người con trai mặc bộ đồ chàm chạc hai mươi lăm tuổi, cao ráo, rắn rỏi, đôi mắt sáng, lông mày hình lưỡi mác, da ngăm ngăm đen.
Xốc lại chiếc ba lô học trò sau lưng, anh quay lại nhoẻn miệng cười thật tươi với cô gái trẻ gọn gàng trong bộ đồ ký giả đang rảo bước cũng theo sau:
– Hà Châu ơi! Cố lên! Đến nhà kia ta nghỉ tạm nhé.
Cô gái vuốt mấy sợi tóc mai lòa xòa trên trán, mắt dõi nhìn theo tay chỉ của chàng trai. Lưng chừng dốc hiện ra một ngôi nhà nhỏ mới dựng, lợp đá đen sẫm. Rất tự nhiên, chàng trai nắm tay cô gái chạy xuống dốc. Vừa đến nhà, anh ta đã cuống quít  gọi to:
– Chủ nhà ơi! Có khách quý đến thăm đây này!
Nhà văn Phùng Cù Sân ở Lai Châu
Dáo dác nhìn quanh không thấy người, anh ta đẩy cửa xộc vào nhà lẩm bẩm:
– Ồ, đi đâu rồi nhỉ?
Rồi nhanh nhẹn lấy ghế mây, chạy vào bếp lấy ấm nước đun sôi để nguội đặt lên bàn:
– Hà Châu ngồi nghỉ, uống nước đi em.
Hà Châu tròn xoe mắt, ngạc nhiên:
– Anh Phanh à! Chủ nhà đi vắng, mình tự tiện thế này, họ về thấy thì sao?
Phanh cười to:
– Người quen mà… Ơ bản mình, đến nhà người quen cũng giống như đến nhà mình thôi mà.
Hà Châu nhỏ nhẹ:
– Anh Phanh ơi! Thế bao giờ mới đến bản Nậm Coóng?
Phanh ôn tồn nói:
– Thôi muộn rồi, ta cứ nghỉ nhờ ở đây, sáng mai mới vào Nậm Coóng cũng được thôi mà… Mà Hà Châu đi bộ cùng tôi cả ngày rồi, chắc cái chân mỏi lắm rồi chứ?
Hà Châu bẽn lẽn:
– Cũng may nhờ có anh mang giúp đồ. Thú thật, từ nhỏ đến giờ chưa lần nào Hà Châu đi bộ xa như thế này.
Ngước cặp mắt bồ câu trong veo nhìn Phanh, giọng Hà Châu bỗng trở nên sôi nổi:
– Anh Phanh ơi! Hôm qua nghe anh báo cáo thành tích tại cuộc thi của Huyện đoàn về mô hình theo chủ đề “Thanh niên lập nghiệp giúp nhau làm ăn có hiệu quả” em thấy hay quá! Thế nhưng sao anh bí mật thế? Suốt một ngày đi cùng nhau, anh chưa kể cho em nghe về gia đình đâu nhé?
Phanh nheo mắt nhìn Hà Châu, cười hóm hỉnh:
– Thế Hà Châu cũng chưa kể cho tôi biết vì sao cô nhà báo Thủ đô xinh đẹp lại lặn lội lên tận huyện Sìn Hồ và quyết tâm vào xã Nậm Cuổi thế này?
Hà Châu lấy tay che miệng ra điều bí mật:
– Để mai đến Nậm Coóng tìm được nhà người quen, rồi em sẽ kể anh nghe…
Có tiếng động bên ngoài, một bà già người Thái chừng bảy mươi tuổi, khòng lưng đeo bó củi lớn bước vào nhà.
Phanh nhanh nhẹn chạy ra, đỡ bó củi giúp bà.
– Bà ơi! Sao bà lấy củi về muộn thế?
Hà Châu đứng dậy, lễ phép:
– Cháu chào bà ạ!
Bà cụ ngắm nghía cô gái, tấm tắc khen:
– Bà chào cháu! Ôi con gái đẹp quá! Xinh quá!
Phanh nói:
– Bà ơi! Đây là Hà Châu – phóng viên báo chí ở Hà Nội, cháu mới quen ở hội nghị của huyện đoàn hôm qua đấy bà ạ. Còn bà đây là bà nội của Phanh đấy Hà Châu ạ.
Hà Châu ngạc nhiên:
– Thế mà anh Phanh bảo mai mới đến nhà.
Bà Lả cười:
– Nó trêu cháu thôi mà. Thôi, chắc hai cháu đói rồi, Phanh vào bếp nấu cơm đi cháu.
Thấy Phanh bật điện sáng choang cả gian nhà nhỏ, Hà Châu ngạc nhiên và thích thú. Hiểu ý, bà cụ cười hiền hậu:
– Điện nước thôi mà cháu! Bản mình bây giò nhà nào cũng dùng điện nước rồi cháu ạ.
Phanh chạy vào bếp, một lát đã nghe thấy tiếng gà kêu quang quác.
Hà Châu hỏi:
– Bà ơi! Thế bố mẹ anh Phanh đi đâu chưa về?
Bà cụ lặng đi giây lát:
– Bố mẹ nó mới mất năm kia… trong một vụ lở núi, nước to lắm…
Hà Châu chớp chớp mắt;
– Cháu có nghe đài báo nói…
Bà cụ ngước đôi mắt nhìn xa xa:
– Chỉ một đêm thôi, ba mươi chín người dân bản mãi mãi ra đi, trong đó có con trai và con dâu bà. Bố thằng Phanh – bà lặng đi trong giây lát – bố nó mải cứu giúp mọi người… nó đã cứu được một bà già và hai đứa nhỏ, đến khi nhìn thấy vợ giữa dòng lũ, nó lao ra ôm được vợ thì một đợt lũ khác lại ập tới. Cả hai vợ chồng nó bị lũ cuốn trôi đến tận Pa Há, mãi ba hôm sau mới tìm thấy xác.
Bà cụ nấc lên nghẹn ngào. Hà Châu ôm lấy cụ, xúc động:
– Vậy chỉ có anh Phanh ở cùng bà thôi?
– Ờ, lúc đó thằng Phanh đang học lớp  mười hai ở trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Lai Châu. Nó học giỏi lắm, năm nào cũng được nhà trường khen. Vậy mà, thương bà già yếu, đau buồn, nó xin về làm việc ở xã.
Hà Châu nhẹ nhàng hỏi:
– Bà ơi! Bà cho phép cháu thắp nén hương lên bàn thờ bố mẹ anh Phanh nhé!
Bà cụ vừa lấy khăn lau nước mắt vừa gật đầu. Hà Châu lấy từ ba lô  ra một gói bánh đặt lên bàn thờ, thắp  hương rồi quay ra. Nhìn thấy bức chân dung một thiếu nữ Thái vẽ bằng bút chì đen treo trên vách nhà, Hà Châu  cuống quít hỏi bà:
– Bà ơi bà, sao bà lại có bức ảnh này?
Bà cụ chậm rãi:
– Ảnh bà hồi mười tám tuổi đấy cháu ạ. Anh bộ đội đã vẽ tặng bà đấy!
Hà Châu lắp bắp:
– Bà, bà ơi! Có phải người bộ đội ấy tên là Hồng Dung – người ở Làng Ngọc Hà, Hà Nội phải không bà?
Bà cụ tròn mắt ngạc nhiên:
– Sao? Vì sao cháu biết?
Hà Châu đến bên ba lô, lấy từ quyển sổ ra một bức ảnh nhỏ giống hệt bức ảnh treo trên vách:
– Bà ơi! Vì cháu là cháu nội của ông Hồng Dung đây mà! Cháu thực hiện ước nguyện cuối cùng của ông cháu là lên Nậm Cuổi tìm người con gái Thái đã cứu sống ông năm xưa. Ồ, chính bà là bà Lả đấy ư?
Bà Lả lặng đi trong giây lát:
– Thế ông cháu…
– Ông cháu mới mất năm ngoái. Trước phút lâm chung, ông trao cho cháu quyển hồi ký đã cũ và tấm ảnh này bảo cháu tìm bằng được bà… cho ông cháu xin lỗi.
Bà Lả lảo đảo vịn vai Hà Châu:
– Phà ơi! Thế mà bà nghe tin ông mất cách đây hơn năm mươi năm rồi cơ mà.
Đúng lúc đó Phanh bê mâm bát từ dưới bếp lên, vui vẻ nói to:
– Cơm chín rồi đây, bà ơi bà! Mời phóng viên Thủ đô ăn cơm với bà cháu tôi nào!
Thấy hai người ngồi im lặng, mắt đỏ hoe, Phanh hỏi dồn dập:
– Bà, bà làm sao thế? Hà Châu sao thế này?
Hà Châu đến bên Phanh, nhỏ nhẹ nói:
– Anh Phanh ơi! Người Hà Châu cần tìm chính là bà đây mà.
Phanh mở to đôi mắt ngạc nhiên, bà Lả thủ thỉ:
– Phanh ơi! Bà chưa kể cho cháu nghe chuyện này…
Mắt bà nhìn về phía xa xăm, nói như nói một mình:
– Năm mươi hai năm về trước, một buổi chiều bà đi nương về muộn. Đến bên con lạch nhỏ, bà giật mình nhìn thấy một xác người đổ ập bên tảng đá, tấm áo choàng loang lổ máu. Bà hét lên một tiếng rồi bỏ chạy. song bà lại nghĩ có lẽ người ấy chưa chết. Bà lấy hết can đảm quay lại, sờ tay vào ngực trái người ấy thì thấy tim còn đập… Bà vội chạy một mạch về nhà báo cho bố mẹ bà. Hai ông bà thay nhau cõng người ấy về nhà thay quần áo, băng vết thương ở ngực và đặt vào giường của bà. Một chốc, chó sủa vang khắp bản. Bà nghe bố mẹ bà thì thầm: “Chắc bọn lính đang tìm cán bộ Việt Minh đấy!”. Bố bà đẩy bà vào buồng, nói như ra lệnh:
– Con nằm ôm lấy nó, phải cứu nó con ạ!
Bà lắp bắp:
– Con sợ lắm! Bố mẹ ơi, con sợ…
Chó sủa vang gầm sàn nhà, bước chân người rầm rập, đuốc cháy sáng rực khắp bản. Bố bà đẩy bà vào chăn:
– Phải cứu lấy cán bộ con ạ!
Bà run lên bần bật: Phà ơi! Từ bé đến giờ chưa bao giờ bà để trai bản nắm tay, thế mà bây giờ phải chung chăn với người đàn ông xa lạ, lại sắp chết… Hỏi làm sao bà không run, không sợ.
Có tiếng thằng lính quát: “Ông bà kia! Có nhìn thấy Việt Minh chạy vào đây không?”. Bố bà nhanh miệng: “Từ chiều đến giờ, vợ chồng tao không thấy ai cả”.
Thằng lính hỏi: “Thế ai nằm trong chăn kia?”
– Con gái tao, chồng nó bị ốm! – Mẹ bà nhanh trí đáp.
Như có một sức mạnh lạ kỳ, bà nhắm nghiền mắt lại, ôm chặt lấy người đàn ông đang mê man bất tỉnh. Bà run lắm, sợ bọn lính biết, sợ mùi đàn ông không quen.
Phanh sốt ruột hỏi:
– Rồi sao nữa hở bà?
Bà Lả uống một cốc nước rồi chậm rãi kể tiếp:
– Đêm đó, khi bà tỉnh dậy thì không thấy bố bà và người đàn ông đâu cả. Nửa đêm bố bà trở về gọi mẹ và bà ra góc bếp thì thầm: “Bây giờ tôi đưa hai mẹ con vào rừng với Việt Minh. Tôi phải trụ lại ở bản kẻo bọn nó nghi ngờ”.
Đêm hôm sau, anh Muôn hàng xóm của bà chạy vào rừng báo tin: Bọn mật thám dò la, biết bố mẹ bà chỉ có mình bà là con gái, lại chưa lấy chồng, chúng trói gô bố bà lại, đánh đập dã man, tra khảo: “Thằng đàn ông hôm qua ngủ với con gái mày trong buồng là ai?”. Bố bà cương quyết không khai, chúng nó đã chặt đầu ông treo cọc phơi nắng suốt ngày để uy hiếp dân bản… Lúc đó, bà mới biết bố bà là cơ sở cách mạng và anh Muôn bạn từ thuở chăn trâu với bà cũng làm liên lạc cho Việt Minh…
Hà Châu nói:
– Vâng! Trong hồi ký ông cháu kể lại: Lúc ấy ông từ Quỳnh Nhai sang bắt liên lạc với cơ sở xã Nậm Cuổi, đến bản Nậm Coóng thì bị địch phục kính, may mà có bà và hai cụ cứu giúp.
Bà Lả trầm ngâm:
– Sau khi lành vết thương, ông Dung dạy bà và anh Muôn tập  đọc, tập viết. Ông khen bà thông minh, nhanh nhẹn, còn anh Muôn thì dũng cảm mưu trí. Bức ảnh này ông vẽ khi bà dang ngồi tập viết đấy! Thế rồi cơ sở bị mất liên lạc, ông cùng một đồng chí khác về Ban Cán sự tỉnh báo cáo tình hình, không may vấp phải mìn của giặc. Bà nghe tin cả hai người đã hy sinh. Suốt một tuần bà khóc sưng cả mắt, không ăn uống gì cả. Năm sau, Sìn Hồ mình giải phóng, ai cũng vui cười ra nước mắt. Bà khóc nhiều nhiều vì nhớ đến bố bà, nhớ đến người con trai Hà Nội hiền lành, tốt bụng.
Phanh nhỏ nhẹ hỏi bà:
– Bà ơi! Thế lúc đó ông của Hà Châu và bà đã yêu nhau chưa bà?
Bà Lả cười móm mém:
– Chưa ai nói ra miệng thôi, nhưng cái bụng của bà ưng ông lắm rồi.  Nhiều lúc đang viết bà cùng ông Muôn bà thấy hai má nóng ran lên. Ngẩng nhìn lên, bà thấy ông Dung nhìn bà lạ lắm! Rồi ông lại lảng cái nhìn đi nơi khác… Bà biết ông cũng quý  mến bà nhưng chưa dám nói.
Hà Châu nhìn bức ảnh treo trên vách;
– Nhìn ảnh bà lúc trẻ đẹp thế kia cơ mà!
Bà Lả cười e thẹn:
– Bà không đẹp đâu, ông cháu khắc vẽ bà đẹp thôi. Mà ông cháu cũng đẹp lắm đấy!
Bà nâng cằm Hà Châu ngắm nghía:
– Nào, cháu cho bà xem nào. Cháu giống ông cái mũi cao này, đôi mắt sáng này, cái miệng cười thật tươi này.
Phanh như sực nhớ ra điều gì:
– Bà ơi! Thế cái ông Muôn là liên lạc học chữ cùng bà bây giờ ở đâu hả bà?
Bà Lả cười mắng yêu:
– Cha bố anh chứ! Cái ông Muôn ấy là ông nội của anh đấy, anh ạ!
Giọng bà bỗng trở nên trầm lắng:
– Nghe tin ông Dung hy sinh bà buồn lắm! Mặc dù hai người chưa nói lời yêu nhưng bà không sao quên được ông. Những lúc bà buồn, ông Muôn là người hiểu rõ bà nhất, luôn động viên an ủi bà. Sìn Hồ giải phóng mãi năm năm sau, bà mới nhận lời lấy ông Muôn đấy!
Hà Châu nói:
– Bà ơi! Trên đường trở ra, ông cháu lọt vào ổ mìn của giặc, bị cụt cả hai chân, mê man bất tỉnh. Đêm ấy bà con lẻn đi chôn, may quá ông cháu vẫn còn thoi thóp thở.
Bà Lả thở dài:
– Phà ơi! Thế mà sao ông cháu không nhắn tin lại cho bà… Suốt bao nhiêu năm rồi?
Hà Châu buồn bã nói:
– Ông cháu không muốn làm khổ bà vì ông đã cụt cả hai chân.
Bà Lả ngước mắt nhìn Hà Châu dò hỏi:
– Vậy tại sao?
– Vâng! Bà nội cháu lúc đó là y tá, cũng là người Hà Nội, đã chăm sóc ông tận tình chu đáo và đem lòng yêu thương ông. Mãi đến năm 1959, ông bà cháu mới cưới nhau. Mà ông bà cháu cũng chỉ đẻ mỗi mình bố cháu thôi.
– Thế tại sao ông cháu không bảo bố cháu lên Nậm Cuổi thăm bà?
Hà Châu cảm động:
– Có, bà ạ. Năm 1979, bố cháu tình nguyện lên biên giới. Bố hứa với ông nội sau khi hoàn thành nghĩa vụ sẽ về Nậm Cuổi thăm bà, thăm nơi ông hoạt động cách mạng năm xưa… Thế nhưng trong một trận chiến đấu bảo vệ biên giới ở xã Pa Tần, bố cháu đã hy sinh. Lúc đó cháu còn đang nằm trong bụng mẹ.
Bà Lả ôm lấy Hà Châu, nghẹn ngào:
– Phà ơi! Khổ thân cháu tôi chưa!
Hà Châu lấy khăn mùi xoa lau nước mắt, khe khẽ kể tiếp:
– Sau này khi đã lớn, cháu có hỏi ông cháu tại sao lại đặt tên bố cháu là Quỳnh, nghe cứ như tên con gái ấy! ông cháu xoa đầu cháu, ôn tồn nói: “Để nhớ mãi một vùng quê yêu dấu đã cưu mang, che chở, cứu sống ông khi còn hoạt động bí mật…”.
Bà Lả nhìn xa xăm, nói như nói một mình:
– Ừ phải rồi. Năm ấy Sìn Hồ và Quỳnh Nhai là một liên huyện của cách mạng, gọi là Quỳnh Hồ mà.
Như để phá tan không khí trầm lắng, Hà Châu nũng nịu khoe bà:
– À! Bà ơi! Mà tên cháu cũng do ông nội cháu đặt đấy! Ông cháu bảo  Hà châu có nghĩa là dù sống ở Hà nội vẫn luôn nhớ đến mảnh đất Lai Châu đậm tình, đậm nghĩa.
Bà Lả tủm tỉm cười sung sướng:
– Thế ư cháu?
Hà Châu hỏi bà:
– Bà ơi! Thế sau ngày giải phóng bà có đi học làm cán bộ không bà?
Phanh nhanh nhảu đỡ lời bà,không giấu nổi tự hào:
– Có chứ! Bà và ông nội anh cùng đi học trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh, rồi bà về làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã nhiều khóa… Trong khi ông nội anh thì đi hết chiến trường này đến chiến trường khác. Sau này, bố anh cũng đi bộ đội, mẹ anh cũng đi làm Chủ tịch phụ nữ xã đấy!
Hà Châu ôm lấy bà, thủ thỉ:
– Được tin Sìn Hồ chuẩn bị kỷ niệm giải phóng huyện, cháu xung phong lên viết bài cho báo Dân tộc và Miền núi. Nhân dịp này cháu cũng muốn tới thăm bà con cô bác xã Nậm Cuổi, thăm lại nơi ông cháu đã sống năm xưa, thăm cha cháu đã yên nghỉ nơi Nghĩa trang Liệt sĩ huyện. Rất may, trong hội nghị của Huyện đoàn cháu gặp được anh Phanh. Không ngờ anh Phanh lại là cháu nội của bà.
Bà Lả lau nước mắt:
– Bà cũng không ngờ có ngày lại được gặp cháu gái ông Dung ở đây. Cháu về Hà Nội không quên Sìn Hồ, không quên Nậm Cuổi chứ?
Phanh nói:
– Bà ơi! Bà cháu mình chưa cho Hà Châu đi đâu. Mai bà đưa cháu và Hà Châu đi thăm nơi đầu tiên bà gặp ông Dung nhé! Thăm cả phiến đá bà và ông nội cháu thường học bài nữa bà nhé!
Bà Lả gật đầu:
– Ừ, được rồi, được rồi…
Hà Châu nói:
– Bà ơi! Đến ngày 19 tháng 12 kỷ niệm giải phóng huyện Sìn Hồ, cháu sẽ đưa cả mẹ cháu lên thăm bà và anh Phanh đấy.
Bà Lả chòng tay ôm cả Phanh và hà Châu vào lòng, âu yếm:
– Ôi! Bà vui quá. bà vui sướng quá! Các cháu yêu của bà…
Rồi như sực nhớ ra, bà gắt yêu:
– Ồ, mải nói chuyện qua, cơm canh nguội hết cả rồi. Bà cháu ta ăn cơm đi nào!
20/7/2021
Phùng Cù Sân
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...