Thứ Tư, 10 tháng 5, 2023

Nguyễn Hồng Oanh và Gió gọi

Nguyễn Hồng Oanh và Gió gọi

Chị - người phụ nữ phúc hậu, gương mặt lúc nào cũng tươi roi rói. Gặp chị lúc nào cũng chỉ thấy chị cười thôi. Ấy nhưng khi đã bắt đúng mạch cảm xúc, chị có thể đưa hết cả ruột gan ra mà nói, nói không ngừng. Điều chị nói lại không gì khác ngoài Kiều, Dân ca xứ nghệ và những bài thơ oằn mình trước những ưu tư về “Gió” – những ngọn gió tâm linh bay bổng, mát lành. Chúng ta hãy cùng đến với chị – Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hồng Oanh qua bài thơ “Gió gọi”.
Quả thật, đọc bài thơ Gió gọi trong tập thơ cùng tên của chị, lòng tôi bỗng rung lên những cảm xúc lạ kỳ. Những thanh âm trong trẻo cứ bay bổng ngân nga. Nó có một sức quyến rũ không tưởng,  khiến tôi không thể không bốc điện thoại lên chia sẻ cùng chị.
Nhà thơ Nguyễn Hồng Oanh
Suốt năm năm trời chị cùng các đồng đội thanh niên xung phong ngầy ấy đã lặn lội khắp các nghĩa trang liệt sĩ lớn nhỏ, từ vùng sâu vùng xa, đến miền biên giới, hải đảo. Những nén nhang thay cho tấm lòng biết ơn thành kính chị dâng lên các anh chị –  những chàng trai, cô gái mười tám, đôi mươi lấy ngực mình che cho đất nước, bỗng chốc nằm xuống. Họ không hề nghĩ rằng mình chiến đấu hi sinh để được gì cho bản thân cả. Họ ngã xuống nhẹ nhàng như ngọn gió.
Người bỗng thành ngọn gió
Bay về phía vô cùng
Người bỗng thành giọt nắng
Tỏa xuống dòng sông xanh
Nếu những tác giả khác thường sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa để thổi hồn vào sự vật, thì ở bài thơ Gió gọi, tác giả Nguyễn Hồng Oanh lại làm điều ngược lại. Chị ví những người chiến sĩ đã khuất như những “ngọn gió”, những “giọt nắng”. Lối sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa ngược ấy đã mang lại hiệu quả diệu kỳ khác thường. Một sự thành công hơn cả mong đợi. Cách ví ấy đã giúp chị thêm một lần nữa tái sinh họ – những anh hùng liệt sĩ. Để trong thơ, họ trở thành ngọn gió mát lành thổi về muôn nẻo trên quê hương Việt Nam yêu dấu. Họ hóa thân vào những giọt nắng sưởi ấm cỏ cây, vạn vật. Và hơn thế nữa, giọt nắng ấy đang ngày đêm sưởi ấm muôn triệu trái tim, làm ấm lòng chúng ta và những thế hệ mai sau. Ngọn gió mát lành và giọt nắng vô tư ấy cứ điềm nhiên “Tỏa xuống dòng sông xanh”  hòa vào đất mẹ bao dung.
Gió gọi về phía núi
Nắng gọi về vườn xưa
Tiễn người về quê mẹ
Kịp trước mùa bão mưa
Các anh, các chị đã ra đi mãi mãi, đã trở thành những anh hùng, đã hóa thân thành nắng, gió thổi miên man khắp đất trời tổ quốc. Song ở quê nhà, nơi có căn nhà lá và người mẹ thương yêu thì vẫn ngày đêm canh cánh chờ con. Mẹ vẫn ngồi đó bên ánh đèn khuya và cánh cửa nhỏ không bao giờ khép. Hơn ai hết, tác giả cùng những đồng đội của mình thấu hiểu nỗi chờ mong của mẹ. Họ đã cùng nhau quy tập hài cốt, đưa các anh, chị về với mảnh vườn quê nơi có triền đê ngả bóng chiều hè, nơi có tiếng ru ầu ơ của mẹ vọng về đêm đêm.
“Gió gọi về phía núi/ Nắng gọi về vườn xưa/ Tiễn người về quê mẹ/ Kịp trước mùa bão mưa.”. Những trái tim lớn, những tấm lòng bao dung chất chứa yêu thương đã gặp nhau ở đây, để cùng đưa các anh, chị về với quê mẹ trước mùa mưa bão. Họ sợ mưa gió sẽ không thuận lợi cho việc cất bốc. Họ sợ các anh, chị một lần nữa chịu ướt mưa, bão tố. Đọc đến đây, dù cho câu thơ cứ trong veo, nhẹ như sương khói, nhưng sao trái tim tôi cứ thắt lại, tình thương yêu chan chứa ngập lòng, nước mắt ngân ngấn, cay xè khóe mắt.
Về trên đồi sim tím
Nắng sưởi ấm thân gầy
Chim sơn ca của mẹ
Hát đầy lời gió mây..
Và giờ đây, các anh, các chị đã được về với quê mẹ, nơi có đồi sim tím ngát chiều hè, nơi ngày thơ bé các anh, chị vẫn rủ nhau đùa nghịch, rộn vang tiếng cười khoe hàm răng đen kịt màu sim chín. Nơi hình ảnh tuổi thơ hồn nhiên trong trẻo ngày nào như vẫn còn in trên đường làng, ngõ xóm. Giờ đây, các anh chị đã là những ngọn gió mát lành, là những giọt nắng ấm áp sưởi ấm tấm thân gầy của mẹ. Có gì vui hơn khi được trở về trên đất quê hương, được quây quần bên những người thân yêu, được ủ ấm trong lòng mẹ bao la.
Dù ở hai thế giới nhưng trong bài thơ, tác giả cho ta thấy một sự hòa quyện đầy nhân văn: “Về trên đồi sim tím/ Nắng sưởi ấm thân gầy/ Chim sơn ca của mẹ/ Hát đầy lời gió mây”. Thực tế mẹ – con cách biệt âm dương. Nhưng trong bài thơ, các con của mẹ đã là những giọt nắng ấm áp cho đời. Đặc biệt là hai câu thơ cuối bài. Hình ảnh “chim sơn ca của mẹ” gợi lên cảm giác đầy yêu thương trìu mến. Các con dù đã lớn khôn, sẵn sàng đứng lên, lấy sinh mạng của mình che chắn cho đất nước qua cơn mưa bom bão đạn. Các anh chị dù đã trở thành những anh hùng dân tộc. Song, trong mắt mẹ, các anh, các chị mãi là những chú chim sơn ca nhỏ bé, líu lo bên mẹ năm tháng không rời. Và dĩ nhiên, tiếng hót của chim sơn ca thì luôn trong trong trẻo lảnh  lót, vang xa khắp trời mây.
Bằng thể thơ năm chữ, và cách nhân hóa ngược, tác giả đã đưa người đọc đi vào thế giới tâm linh một cách nhẹ nhàng, tự nhiên mà hết sức bay bổng. Tình yêu quê hương đất nước là thông điệp ngầm ẩn sau tình cảm của tác giả – người thụ hưởng hòa bình hạnh phúc đối với các anh, chị – người đã hi sinh tuổi đôi mươi đẹp đẽ của mình cho đất nước đứng lên, ẩn sau cả sự chờ mong khắc khoải và tình yêu thương vô bờ của những người mẹ. Nó như ngọn lửa ấm áp thổi mơn man xuyên suốt bài thơ, bay khắp miền quê hương và rọi qua bao thế hệ người Việt Nam. Thơ chị luôn đau đáu về thế giới tâm linh, đau đáu về nỗi niềm tri ân những con người đã ngã xuống cho non sông gấm hoa này được trường tồn, phát triển. Trong mạch viết ấy, bài thơ Gió gọi như một nốt nhạc vui, như khúc hoan ca trong trẻo, hồn nhiên, thánh thiện vô ngần.
24/2/2020
Phạm Phương Lan
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn Xuất phát điểm từ một nhà báo cơ sở ở địa phương đã in đậm dấu ấn trong văn nghiệp của Nguyễn Khải: Mọi...