Thứ Tư, 10 tháng 5, 2023

Nhà thơ Nguyễn Như Bá - "Mây miền lạ" dưới góc nhìn sinh thái

Nhà thơ Nguyễn Như Bá - "Mây
miền lạ" dưới góc nhìn sinh thái

Con người đã và đang từng bước thể hiện sự mạnh mẽ, sự bá chủ của mình với vũ trụ nhưng cũng cùng lúc họ phải đối mặt với những hệ lụy từ sự tương tác với môi trường. Ô nhiễm, hạn hán, cạn kiệt các tài nguyên… đã ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi một người trên trái đất. Con người dần nhận ra rằng để giải quyết những hệ lụy từ sự tương tác của mình với thiên nhiên cần sự tham gia của mọi ngành khoa học lẫn sự nhân văn. Và dòng văn học sinh thái ra đời như “sự hối lỗi muộn màng”, của những người cầm bút nhằm cảnh tỉnh thái độ con người đối với tự nhiên, môi trường. Dĩ nhiên nó cũng mở ra một hướng đi mới để người đọc tiếp nhận và khám phá những phương diện mới mẻ khác của các tác phẩm văn học.
Nhà thơ Nguyễn Như Bá
“mây miền lạ” là tập thơ thứ 4 của nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Như Bá với 36 bài thơ được sáng tác trong những chuyến lãng du sông núi. Người đọc dễ dàng bắt gặp ở thơ ông sự rung ngân, thao thức của trái tim yêu và cả những cảm quan sâu đậm về sinh thái. Cảm hứng nghệ thuật trong thơ ông được soi chiếu trong mối quan hệ tương hỗ với thế giới tự nhiên. Những biểu tượng mây, nước, hoa, lá, trăng… trong thơ ông tạo nên một trường sinh thái đa dạng, phồn sinh được nối kết bằng cảm xúc, bằng tâm hồn nhạy cảm. Thế giới thơ của Nguyễn Như Bá là sự kết hợp của những ngôn từ được làm mới, được lắp ghép lại với nhau theo một “trường nghĩa lạ lẫm” của cấu trúc thơ chứ không phải dịu êm của vần điệu. Tác giả sử dụng sự linh hoạt của các thể thơ và hình ảnh để làm nên “độ nảy” của thơ chứ không phải theo một trục tuyến tính cố định, ở đó có sự đối lập, sự trùng lặp và đan xen giữa những khoảng trắng của không thời gian tạo nên sự gợi mở của tri âm và đồng điệu nơi người đọc. Ở bài viết này, chúng tôi sẽ lần theo mối quan hệ mật thiết giữa nhà thơ và các biểu tượng sinh thái trong “mây miền lạ” như một sự tự vấn về triết lý “thiên nhân hợp nhất” của phương Đông.
1.“Mây miền lạ” – sự gợi mở mật thiết giữa tác giả và những biểu tượng sinh thái.
Ra đời từ những năm 70 của thế kỷ XX, phê bình sinh thái không còn là mới với thế giới song nó còn mới mẻ với văn học nước nhà. Tiếp nhận văn học theo khuynh hướng này nghĩa là lấy thiên nhiên làm đối tượng trung tâm của thế giới sống cũng như thế giới của nghệ thuật. “Lấy tư tưởng “sinh thái là trung tâm” không phải là tư tưởng hạ thấp con người mà thực ra lợi ích của sinh thái suy cho cùng chính là lợi ích bền vững của nhân loại” [3]. Thơ Nguyễn Như Bá là sự giao hòa giữa thiên nhiên và con người trong những triết lý hiện tồn cô đọng, được cắt nghĩa qua các biểu tượng thiên nhiên. Theo Từ điển thuật ngữ Văn học “biểu tượng là khái niệm chỉ một giai đoạn, một hình thức của nhận thức cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc sau khi tác động của sự vật vào giác quan ta đã chấm dứt” [2. tr. 23]. Như vậy biểu tượng là một ký hiệu thẩm mĩ sáng tạo của người nghệ sĩ và được khoác lên một lớp ý nghĩa mới. Khai mở biểu tượng sinh thái trong “mây miền lạ” chúng tôi từng bước tiếp cận đến mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên trong chiều sâu nội tâm của tác giả.
Nguyễn Như Bá nương theo tự nhiên và mượn tự nhiên như một đối trọng để so sánh “Gió xuân đi thu về xanh lắm/ phấn son em rực rỡ hương quỳnh” [1. tr. 6]. Gió trong tự nhiên được xem như tự do, đầy sự siêu nhiên và có ảnh hưởng đến muôn loài lẫn cuộc sống con người. Tác giả đối thoại với gió như sự luân chuyển của thời gian để ngắm nhìn, để nói lên tiếng lòng đầy xao động. Gió trong thơ ông không chỉ là thiên nhiên mà còn là một sinh thể với những xúc cảm riêng “gió cảm thông gió cũng vu vơ” [1. tr. 14]. Tâm trạng vu vơ ấy là sự đè nén của nỗi nhớ, là sự đồng vọng của những hoài niệm cũ chợt ùa về trong vài phút ngoái lại nhìn chốn cũ. Gió là một miền gợi cảm trong ông và mang đến những niềm vui mới. Tác giả ví von gió như tình nhân với những yêu thương hờn dỗi, với những ý thức của riêng mình “gió nắng còn cứ tình nhân thôi” [1. tr. 53].
Tập thơ “mây miền lạ” của Nguyễn Như Bá
Những biểu tượng sinh thái như nắng, mây, cây hoặc phố phường xuất hiện nhiều trong thơ ông và chúng tạo nên thi ảnh riêng cho những vần thơ đầy rạo rực, tình tứ của ông “Hỏi trăm năm còn bao nhiêu nữa/ cứ vui đi đâu dễ tương phùng/ ngày mai xa vô cùng mưa nắng/ cầu hôn em cái nhìn đê mê” [1. tr.42]. Mưa nắng trong thơ ông trở thành thời gian để so sánh để gợi nhắc trong những ham muốn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ trong hạnh phúc lứa đôi. Trái tim yêu trong con người thơ của Nguyễn Như Bá luôn khát khao, luôn trẻ để rồi cuống cuồng lên trong trình hiện với thời gian “Giây phút đợi bất ngờ hỏi nhỏ/ không hẹn hò phù du nhanh lên/ cơ hội hiếm vào nhau tha thiết/ tơ nguyệt lơ chớ buông em ơi” [1. tr. 43]. Tác giả mượn chút nắng cuối chiều nơi Sa Pa để neo giữ lòng mình trước những xao động bởi tiếng khèn của cô gái Mông và ký thác tâm hồn trước rung rinh của cảm xúc “Nắng Sa Pa cuối chiều xao xuyến/ chút đậm đà không quên chơi vơi/ có lạc bước phone anh thương nhớ/ dừng chỗ nào mây đợi gió ơi” [1. tr. 45]. Thiên nhiên luôn mang đến những ấm áp, những tươi đẹp cho cuộc sống nên con người cần mở rộng lòng để lắng nghe những yêu thương, những rung động mới để nuôi dưỡng tâm hồn mình luôn trẻ trung. Thiên nhiên điều tiết cuộc sống, gợi mở nên những thanh tịnh trong thẳm sâu tâm hồn trước những xô bồ ồn ã “Nắng hồng hào lung linh vãng tịnh/ chớ khởi nghi trong sáng chừng nào” [1. tr. 46]. Cuộc sống hiện đại đầy sự ganh đua, huyên náo, Nguyễn Như Bá luôn neo tâm hồn mình vào thiên nhiên thuần khiết để nuôi dưỡng cảm xúc, để níu giữ những phút rung rẩy tinh khôi.
2. “Mây miền lạ” – sự đồng điệu với thiên nhiên
“Thiên nhiên, là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn con người. Hoa cỏ, cây cối, bốn mùa xuân hạ thu đông, tình người tự nhiên, tình trai gái, tình gia đình máu mủ tình quê hương cũng là bộ phận tự nhiên trong sinh thái tinh thần. Những ai chỉ nhìn tự nhiên như khách thể nhận thức, mà không sống với tự nhiên sẽ không bao giờ hiểu được các bí ẩn của tự nhiên cùng những thi vị, mĩ cảm của tự nhiên” [4]. Giữa lúc mà sự mơ hồ sinh thái và sự phát triển của nền kinh tế thị trường khiến con người thờ ơ, dần quay lưng lại với thiên nhiên thì hồn thơ Nguyễn Như Bá lại dễ dàng đồng điệu, dễ dàng hòa hợp với thiên nhiên trên bước đường thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh. Những cảm xúc phố phường, những cây cầu hay cỏ cây đều gợi lên trong ông những thi hứng “Chiều tha thiết con đường thơ mộng/ nào cảnh đẹp tha hồ phương giao/ mây không dừng bên nhau khắp nẻo/ lữ du theo ngây ngất đi cùng” [1. tr. 28]. Biển chiều và mây non như là chứng nhân cho nổi nhớ, cho sự hụt hẫng của sự trống vắng nhớ nhung “Ngỡ là không với miền biển cát/ vẫn mây non lãng đãng đỉnh chiều/ em đâu rồi hàng cây xanh biếc/ dấu chân xưa sóng lạc thủy triều” [1. tr. 30]. Ông gửi gắm nỗi niềm của mình vào trong cơn gió mơ màng về bóng dáng của người thương và đôi lúc cả sự đồng lõa cho những rạo rực của tình yêu “giữa mênh mông không cần bí mật/ vào nhau đi mặc gió chênh chao…” [1. tr. 69].
Thiên nhiên trong “mây miền lạ” là môi sinh phong phú và đa dạng từ hiện tồn đến tâm hồn. Một thiên nhiên căng tràn sức sống với “vầng trăng suông ra vào đêm lẻ/ luôn canh chừng gió cuốn rừng hương” [1. tr. 20] hay “nhớ nhung theo những đêm mộng mị/ giấu vào đâu kia ánh trăng vàng” [1. tr. 22]. Nhớ thương trong tình yêu được tác giả gửi vào trăng như một miền lưu giữ ký ức để gợi mở những suy ngẫm về khát vọng về cung bậc nhớ thương của cảm xúc “hồn nhiên gió giữa chừng thi sĩ/ ôi cảm hứng khơi nguồn ngẩn ngơ/ yêu đôi vai nắng mưa nương náu/ vẫn tình mình miền lạ trẻ trung” [1. tr. 26-27]. Nguyễn Như Bá tái hiện một thế giới tự nhiên đầy sự hồi quy, đầy sự căng tràn nhựa sống.
Tình yêu, hờn dỗi trong thơ của ông được thổ lộ qua những biểu tượng sinh thái đó là chiều Seoul với “Chiều Seoul mây ơi vạn dặm/ len vào em hương rượu Soju/ hồn lên men biển bờ sóng cát/ len vào em ấm áp nồng đưa” [1. tr. 38]. Và cả những phút giây buông nỗi buồn ra để ngắm nhìn cuộc sống “buồn bã gì buông theo ý gió/ khói sương đâu ngự mãi đỉnh chiều” [1. tr. 41]. Thiên nhiên là cảm hứng, là trung tâm của vũ trụ “Màu cát bụi trong sân ngoài ngõ/ gió mưa rơi nắng rọi mỗi ngày/ chẳng khác nào dòng sông ngọn núi/ khắp hư không nhật nguyệt bao trùm” [1. tr. 32], gần gũi và an nhiên trong một tổng hòa của môi sinh được tác giả liệt kê thành những biểu tượng trải khắp không gian. “Đối diện mình ngày xưa sách kể/ về núi sông về những cuộc tình/ những con đường với bình minh mới/ nhanh lên em trông còn bao la” [1. tr. 67] hay “ôi! Trăng kia trinh bạch dịu dàng/ muốn lấy hết từ đầu đến cuối/ cho phát hành sông núi đời anh” [1. tr. 18] những cặp đôi song hành trong thơ Nguyễn Như Bá cứ gợi lên những suy tưởng trong người đọc về tình yêu về mối quan hệ giữa con người trong thiên nhiên hiện tồn.
“mây miền lạ” của Nguyễn Như Bá như một sinh quyển mà ở đó các biểu tượng sinh thái có thể giao hòa và tương tác với nhau thành một chỉnh thể sinh động, đầy sức sống. Thiên nhiên và con người tương giao với nhau. Mỗi một biểu tượng sinh thái như tạo thành màn cộng hưởng của cuộc sống. Với không thời gian đa chiều tác giả như khai thác hết mọi chiều kích từ thấp đến cao, từ xa đến gần, từ chiều rộng đến chiều sâu đến cả sự tiềm ẩn tư duy trong miền cảm thức hỗn độn. “mây miền lạ” là sự gắn kết của thiên nhiên và con người trong một chỉnh thể của sự sống với nhiều chiêm nghiệm, nhiều triết lý trong mối quan hệ với sinh thái mà tác giả gởi trao đến người đọc trong hệ thống biểu tượng. Mây, nước, cỏ cây, trăng, sương, hoa lá… cây cầu, nắng… tất cả hiện hữu lên trong thơ ông với sức sống trường tồn, phồn sinh, hài hòa tươi đẹp và bảo vệ thiên nhiên là thông điệp mà “mây miền lạ” nhắn nhủ cùng bạn đọc. Thơ Nguyễn Như Bá nhiều suy nghiệm nhưng đôi lúc ông sa đà vào sự cách tân ngôn từ khiến người đọc khó bắt được mạch cảm tư duy thơ. Dĩ nhiên, để thơ đi đến hoàn mĩ cần một chặng đường tinh nhặt những rung ngân cảm xúc và gọt giũa ngôn từ…
Tài liệu tham khảo:
1/  Nguyễn Như Bá (2019), mây miền lạ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
2/  Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) (2009), Từ điển thuật ngữ Văn học, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
3/  Trần Thị Ánh Nguyệt (2018), “Phê bình sinh thái – Vài nét phác thảo”, http://tapchisonghuong.com.vn/.
4/ Trần Đình Sử (2015), “Phê bình sinh thái tinh thần trong nghiên cứu văn học hiện nay”, http://www.vanhoanghean.com.vn/.
23/2/2020
Hạ Quyên
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn

Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn Xuất phát điểm từ một nhà báo cơ sở ở địa phương đã in đậm dấu ấn trong văn nghiệp của Nguyễn Khải: Mọi...