Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2023

XXXXNguyễn Quang Thiều đi về phía sáng

Nguyễn Quang Thiều
đi về phía sáng

Con đường thơ ấy có hai làn song song ngay từ khởi thủy: dân tộc và hiện đại. Chỉ có điều, không phải đấy là hai làn ngược chiều. Có một nỗ lực đổi mới chung làm thành nền tảng cho cả hai làn đường ấy: những cách tân về vật liệu và hình thức…
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Những con thuyền sinh ra từ rừng sâu
Mang hình lá đổ về biển cả
Cánh buồn nâu như những bàn tay nhỏ
Vẫy con, vẫy con về với biển
Nơi dòng sông vừa gặp vỡ òa
(Những con thuyền sông Đáy, trong Ngôi nhà mười bảy tuổi, 1990)
Xa…
Xa ngơ ngác con đường
Người đi, người đi, người đi. Vừa bước vừa vấp
(Tha phương, trong Sự mất ngủ của lửa, 1992)
Rồi sau đó trong bài hát của con gà trống đất nung, tôi với người mỗi người mỗi ngả
Nấc lên, cười lên đẩy chiếc xe số phận một bánh lên đường
(Với chiếc xe một bánh, trong Những người đàn bà gánh nước sông, 1995)
Và hơn thế,
Ra đi… đó là ánh sáng
(Nhịp điệu châu thổ mới, 1997)
Ra đi từ hồ nước cũ
Con đường
Con đường
Con đường
(Lễ tạ, trong Bài ca những con chim đêm, 1999)
Hãy cho ta được lặng im, hãy để ngôn ngữ ta chảy âm thầm và nóng bỏng như máu trong ta. Hãy để ta đớn đau, hãy để ta hành hình chính ta. Hãy để ta đi. Con đường ta vô tận.
[…] Ngày nào cũng có đêm tối, đấy là nhà tù của con, tòa án của con. Đấy là ác mộng của con, vô vọng của con, trống rỗng của con.
Nhưng đấy là chiếc gương trung thực nhất của con. Đấy là nơi con nhìn thấy con đường của cơn mơ.
(Cây ánh sáng, trong Cây ánh sáng, 2008)
Có một con đường như thế, con đường của sự ra đi và trở về, của đêm đen và ngày rạng, của hiện thực và mơ mộng, nối kết các tập thơ của Nguyễn Quang Thiều. Làm nên lộ trình thơ Nguyễn Quang Thiều.
Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Quang Thiều rút bài thơ Lễ tạ từ tập Bài ca những con chim đêm đặt lên đầu tập Châu thổ (thơ tuyển lần thứ nhất, 2010). Con đường/ Con đường/ Con đường/ Dắt ta về hồ nước cũ. Đó là con đường trở về trong tâm tưởng, về không gian của tuổi thơ, quá vãng của dòng họ, nguồn cội của làng nước, nhưng không phải để định cư tại đó, mà để thúc giục bước lữ hành. Ra đi từ hồ nước cũ/ Con đường/ Con đường/ Con đường.
1. Tôi đã thử đi tìm một cách Nguyễn Quang Thiều tự định nghĩa bản thân qua tập Châu thổ. Nói tự định nghĩa bởi, thứ nhất, Nguyễn Quang Thiều tự tuyển chọn thơ cho mình; và, thứ hai, tự cấu trúc cho tập thơ ấy. Quả thật, ở đấy, xuất hiện một ý hướng rất rõ ràng. Có vài trường hợp không thực sự biểu lộ rõ rệt ý hệ của tác giả: việc thay đổi một phần hoặc thêm định ngữ cho tên bài thơ, như Những đám mây khổng lồ thành Những đám mây vàng, Tưởng niệm thành Tưởng niệm Joseph Brodsky(trong tập Nhịp điệu châu thổ mới); đổi tên một số bài thơ (tên mới hay phục hồi tên khởi thủy?) như Bản khai sinh lần thứ 2thay thế cho Không đề (trong tập Những người đàn bà gánh nước sông), Thiên nga thay thế cho Cái chết (trong tập Bài ca những con chim đêm); trừ trường hợp Cầu tự thay thế cho Boston 1911(trong tập Nhịp điệu châu thổ mới), chúng tôi sẽ trở lại hiện tượng cá biệt này. Các trường hợp mang tính ý hệ rõ ràng sẽ cho ta một hình dung về Nguyễn Quang Thiều qua chính cái nhìn của tác giả. Một, loại bỏ một số bài thơ: ở Ngôi nhà mười bảy tuổi loại 22/27 bài, ở Những người đàn bà gánh nước sông loại 2/27 bài (các tập Sự mất ngủ của lửa, Nhịp điệu châu thổ mới, Bài ca những con chim đêm, Cây ánh sáng được giữ nguyên; không tuyển chọn trường ca, gồm: Những người lính của làng, 1994, và Lò mổ, chưa xuất bản). Hai, bổ sung bài thơ lẻ: thêm Bức thư vào liền sau Bản khai sinh lần thứ 2; và đặc biệt, thêm Dâng trà vào liền sau Lễ tạ.
Khảo sát trên đem đến những nhận định gì? Ở trường hợp thứ nhất, nếu thay Boston 1911 bằng Cầu tự, bài thơ mất đi một chỉ dẫn thời gian để bớt đi một nét nghĩa, nhưng bù lại, trở nên mờ đục và đa nghĩa hơn rất nhiều dù chỉ mất đi một chỉ dẫn. Thứ nữa, trong việc đọc liên văn bản, Boston 1911 với bài thơ liền sau (Boston 1994) dễ gây hiểu lầm: đồng nhất nhân vật trữ tình trong hai bài; trong khi, vẫn có thể cắt nghĩa chủ thể nhà thơ đến Boston, có một xúc cảm tức thời (1994) và một vọng tưởng về quá khứ (1911). Sự thay đổi này, vì vậy, khiến cho bài thơ trở nên mông lung, nhân vật trữ tình trở thành phiếm chỉ, như cái cách một người viết nào đó đã cho rằng, câu kết của bài thơ “Người đi cầu tự cho tương lai của xứ sở mình”, là một khẳng định sứ mệnh cao cả của nhà thơ! (Thêm một dấu ngoặc đơn để nói rõ, “nhà thơ” ở đây là danh từ chung, chứ không phải đại từ thay thế cho Nguyễn Quang Thiều). Ở trường hợp thứ hai, rất hiển minh, Nguyễn Quang Thiều chưa có ý định tổng kết bản thân trên phương diện trường ca. Ở trường hợp thứ ba, bài Bức thư cũng có chung một trường ngữ nghĩa với bài liền trước, Bản khai sinh lần thứ 2, những khế ước tình yêu qua con chữ. Trường hợp thứ tư vừa như một giải thích cho nhận định về trường hợp thứ ba, vừa bộc lộ việc định nghĩa bản thân của Nguyễn Quang Thiều. Khách thể mà nhà thơ hướng tới trong Dâng trà là người cha của mình (Thưa cha, con đã dâng trà); khi được đặt liền sau Lễ tạ, mà khách thể nhà thơ hướng tới là cố hương (hồ nước cũ, nơi những người thân yêu đã mất, những không gian xưa cũ đã xa xôi), nghiễm nhiên chiếm một vị trí trang trọng, mang một thông điệp, một ý nghĩa trong thế giới thơ Nguyễn Quang Thiều: xác định không gian và cảm hứng của tuyển thơ lần thứ nhất. Đó là miền “châu thổ” và tình yêu rứt ruột với miền đất ấy. Bởi nếu ta gạt sang bên cạnh tùy bút Trong căn phòng của một người bại liệt được tác giả trích dẫn “thay lời tựa”, như một định hướng người đọc, chiếu theo đặc trưng của thể tựa, bạt; thì tuy vẫn là thơ như những bài thơ khác trong tập tuyển, Lễ tạ và Dâng trà lại có một vị trí đặc biệt, do tính chất cá biệt của nó (được tách ra từ một tập thơ, và được bổ sung từ thơ lẻ), được đặt lên vị trí trang trọng mở tập, một xác định không gian cố hương, một xác định khách thể hướng tới là người thân yêu (người cha ở đây như một hoán dụ), cũng có phẩm chất như một định hướng người đọc. Cũng còn bởi, Dâng trà được viết bằng thể lục bát, mà ngoài đó, chỉ có thêm một bài nữa được tuyển thuộc thể này: Bây giờ đang cuối mùa đông(mà một bài lục bát còn lại trong tập Ngôi nhà mười bảy tuổi (Mùa hè trên vạt cỏ), và toàn bộ những bài thơ có vần trong tập thơ đầu tay này, đều bị tác giả gạt bỏ, dù là “thuở ban đầu lưu luyến”): Dâng trà được viết để hướng tới người cha kính yêu, Bây giờ đang cuối mùa đông được viết để hướng tới những người phụ nữ làng Chùa thân yêu, cái ý hướng ấy đã níu hai bài thơ “lạc thể” mà không “lạc điệu” này ở lại tập tuyển, như một tuyên ngôn, một tôn chỉ của tập thơ. Quê hương và những người thân yêu là chủ đề xuyên suốt Châu thổ, là khởi điểm và cũng là đích đến, của hành trình thơ lần thứ nhất mà Nguyễn Quang Thiều tự đặt ra cho mình.
Trong chủ ý ban đầu, để đi tìm Nguyễn Quang Thiều trong cái nhìn của chính tác giả, tôi muốn hướng đến thơ Nguyễn Quang Thiều ngoài Châu thổ. Nhưng ở đấy tôi không có gì nhiều, ngoài 22 bài trong Ngôi nhà mười bảy tuổi và 2 bài trong Những người đàn bà gánh nước sông (là Những người đàn bà mùa đông và Trong giấc ngủ muộn). Chúng tôi cũng chưa đủ điều kiện để sưu tập các bài thơ lẻ. Giải thích điều này như thế nào? Ở Những người đàn bà gánh nước sông, ngoài lý do, đây thực sự không phải hai bài thơ xuất sắc, khó tìm được lý do thuyết phục cho việc chúng không hiện diện trong tập tuyển, nếu như không tính đến lý do nhầm lẫn hay lỗi kỹ thuật ấn loát, vì trong tập có xuất hiện trường hợp: bài thơ Trong khu vườn hoang tàn của quyền lực ở chính văn được ghi ở mục lục là Gửi một ông Vua (?!). Phần bị loại bỏ trong Ngôi nhà mười bảy tuổi thì khá sáng rõ: Nguyễn Quang Thiều, về mặt hình thức, từ chối lối thơ nương vào vần luật; và, về mặt tư tưởng, từ chối những phát ngôn đèm đẹp dễ bị đồng hóa, dễ tìm thấy ở những nhà thơ trước và cùng thế hệ. Lựa chọn cho mình xuất phát điểm từ Sự mất ngủ của lửa, cùng một số chỉnh sửa không nhiều như đã chỉ ra ở trên, Nguyễn Quang Thiều định vị bản thân trong tư cách một nhà thơ đổi mới dù cảm hứng thơ vẫn phát xuất từ những gì gần gũi, thân thuộc.
2. Nếu đi tìm nỗ lực đổi mới thơ của Nguyễn Quang Thiều, có thể tìm thấy biểu hiện rõ rệt nhất ngay trong tập thơ Sự mất ngủ của lửa. Gần như toàn bộ các bài thơ trong tập đều được sáng tác trong mấy năm,1990-1992, tức trong làn sóng Đổi mới lần thứ hai. Làn sóng lần thứ nhất, từ 1986-1989, bắt đầu bằng Đại hội Đảng VI đến khi Đại hội IV Hội Nhà văn kiện toàn tổ chức xong, là giai đoạn mà đổi mới được lĩnh xướng bởi những nhà lãnh đạo văn nghệ. Chuyển qua làn sóng thứ hai, bắt đầu bằng việc công bố các sáng tác của Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường và kết thúc bằng việc cuộc tranh luận quanh Lý luận và Văn học(Nxb. Trẻ, 1990) của Lê Ngọc Trà dừng lại mà không ngã ngũ, vai trò lĩnh xướng đổi mới được chuyển sang chính nhà văn, bộc lộ qua chính sáng tác và diễn giải của họ, với tất cả những đột phá và giới hạn tự thân. Đổi mới lắng lại cho đến tháng 9/1993, khi Ban Chấp hành Hội Nhà văn quyết định trao Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1993 cho Sự mất ngủ của lửa của Nguyễn Quang Thiều (cùng với Xúc sắc mùa thu của Hoàng Nhuận Cầm, Nxb. Hội Nhà văn, 1992); thì gần như ngay sau đó, cộng hưởng với sự trở lại của các nhà thơ Nhân văn – Giai phẩm (Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, và phần nào đó, cả Hoàng Hưng, xuất hiện trở lại với mật độ dày dặn), hiện tượng Nguyễn Quang Thiều góp phần dấy lên một cuộc tranh luận kéo dài về thơ hiện đại và tính hiện đại trong thơ. Ở đây nảy sinh một vấn đề, tôn chỉ ban đầu của Đổi mới (tự do và dân chủ cho văn học) nhạt dần, dù tiến tới một viễn tượng văn nghệ tách rời chính trị không phải là một mục tiêu kém hấp dẫn, để nhường chỗ cho một diễn ngôn văn học mới, nơi ghi nhận sự gắn bó ngày càng chặt chẽ giữa văn học với dân tộc và nhân loại qua hội nhập và toàn cầu hóa, có thể gọi một cách ước lệ là diễn ngôn dân tộc chủ nghĩa. Chính tính chất “Tây hóa” của những bài thơ trong Sự mất ngủ của lửađã đẩy Nguyễn Quang Thiều vào sân khấu chính của sự đổi mới văn học lúc này, đó cũng là điều xảy đến với Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Hoàng Hưng, khi mà Bảo Ninh và Nỗi buồn chiến tranh của ông đã bị loại khỏi không gian ấy. Lựa chọn giữa cái nhìn khác về dân tộc và bổ sung thêm cái nhìn khác cho dân tộc, phương án thứ hai khả dĩ dễ được chấp nhận hơn. Dù rằng, dẫu có may mắn là được chấp nhận, nhà văn giai đoạn này vẫn không hề nguôi ngoai vấn đề dân tộc. Nguyễn Quang Thiều đã trở lại ngay với niềm canh cánh thiết thân ấy trong Những người đàn bà gánh nước sông, và sau đó không lâu, Nhịp điệu châu thổ mới. Tôi sẽ còn trở lại vấn đề này ở phía sau.
Sự ra đời của Sự mất ngủ của lửa, như vậy là, có thêm được sức mạnh của thời điểm xuất hiện. Vẻ “Tây hóa” đã ngay lập tức gây sự chú ý và phân hóa công chúng tiếp nhận, khi vấn đề bản sắc văn hóa ngày càng được chú trọng như một phản ứng có tính nước đôi của việc văn học và dân tộc ngày càng tiến sâu hơn nữa vào quá trình quốc tế hóa. Điểm thu hút sự chú ý dư luận trong thơ Nguyễn Quang Thiều, đầu tiên và trước nhất, ấy là ngôn ngữ thơ. Nguyễn Quang Thiều làm mới thơ mình ở hai điểm then chốt: một, sử dụng ngôn ngữ không đặc tuyển cho thơ; hai, không sử dụng những quy phạm vần luật thơ truyền thống. Tức là làm một cuộc cách mạng về vật liệu và hình thức thơ. Bởi thế, khi đã từ chối ngôn ngữ và quy phạm truyền thống, thơ Nguyễn Quang Thiều cũng không còn nương vào mắt chữ, cấu trúc câu thơ, kết cấu bài thơ, hay cái hồn thơ mà cấu tứ mang lại. Thơ Nguyễn Quang Thiều, ấy là một thế giới chữ, một hiện thực chữ. Cái hiện thực thứ hai này, được tạo bởi ngôn từ không suồng sã hóa cũng không thi hóa, để trở thành thế giới hiện sống hay thế giới nghệ thuật thơ, làm nên sức mạnh và vẻ đẹp thơ Nguyễn Quang Thiều.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp, nhà thơ Phan Hoàng trong một cuộc tọa đàm văn học ở tòa soạn VietNamNet.
3. Hiện thực chữ trong thơ Nguyễn Quang Thiều, bắt đầu từ Sự mất ngủ của lửa, hiện lên khá rõ ràng qua hai dạng thức: hiện thực trong suy tưởngvà hiện thực trong mơ tưởng. Quan sát đời sống bằng con mắt suy tư cá nhân rồi sắp đặt nên thơ tạo thành dạng thức hiện thực thứ nhất, chép lại những giấc mơ làm thành dạng thức hiện thực thứ hai. Dạng thức thứ nhất phổ biến trong Sự mất ngủ của lửa, làm nên sự mới lạ của tập thơ; dạng thức thứ hai mới nhen nhóm, nhưng sau sẽ trở thành một bút pháp quen thuộc trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Khởi đầu là vậy, về sau, trở thành cấu trúc suy tưởngvà cấu trúc giấc mơ, như một đặc trưng thi pháp Nguyễn Quang Thiều.
Có thể nói, chính sự quan sát, suy tưởng và trình bày kết quả của nó làm nên sự độc đáo đầu tiên mang tên Nguyễn Quang Thiều, như trong Chuyển động, Trong quán rượu rắn, Bầy kiến qua bàn tiệc,… đặc biệt là trong Trên đại lộ và Câu hỏi cuối ngày. Trước Nguyễn Quang Thiều, chưa ai viết những câu thơ như thế này:
Những người đàn bà vác dậm đi thành một hàng dọc về phía bên phải sát mép đại lộ
Người họ bọc kín bởi những lớp vải nâu và đen
Chỉ đôi tay, đôi chân và đôi mắt lộ ra
Nhưng tất cả cũng một màu như thế
Những chiếc dậm đan bằng tre trên vai họ như vầng trăng khuyết vớt từ bùn lên
Những cái giỏ bên hông như những cái đầu trọc lắc lư theo nhịp bước
Bóng họ đổ xuống đường thành những vũng đen
Họ lặng lẽ đi như đội quân thất trận
Cán dậm chúi xuống mặt đường – Những nòng súng hết đạn
Những tấm áo rách sặc mùi bùn phơi trong lòng dậm như cờ ngày việc làng giã đám
Vảy cá bám trên áo họ lấp lánh những tấm huân chương
Họ chẳng cần tung hô, cũng chẳng đợi đón chào
Như mây trước cơn giông trôi nặng nề, oi bức
Những người đàn bà vác dậm đi thành một hàng dọc về phía bên phải sát mép đại lộ
Họ đến từ đâu và sẽ đi đâu
Với mùi tanh cua ốc tỏa quanh người
Và cũng chưa có ai day dứt đến ám ảnh trần tục như thế này:
Tôi tựa lưng vào bức tường xám mốc
Đợi chuyến xe tan tầm
Đó là khoảng thời gian tôi đói nhất và buồn nhất trong ngày
Phía bên kia đường tôi đợi
Những chiếc lá tôi không biết tên
Phủ đầy bụi
Những chiếc lá dịu dàng rụng xuống
Cơn mưa buổi chiều vàng thẳm dâng lên
Trong cơn mơ đói và buồn
Các cô gái đẹp mặc váy cưỡi xe máy phóng qua
Như dao sắc phất vào tôi tứa máu
Tôi nấc lên một câu hỏi như người sặc khói
Rằng nếu tôi lấy họ
Tôi sẽ ngủ với họ thế nào
Và chuyến xe tan tầm lại đến
Ọp ẹp và bẩn thỉu như chiếc lồng vịt khổng lồ
Tôi vội vã bước vào trong đó
Các cô gái buôn chuyến đang ngoẹo đầu ngủ
Tóc tai áo quần sặc mùi cá khô
Giấc mơ sẽ thế nào trong giấc ngủ thế kia
Và lòng tôi nhói một câu hỏi 
Rằng nếu tôi lấy họ
Tôi sẽ ngủ với họ như thế nào.
Những bài thơ như thế này thường dội vào người đọc một cảm xúc dữ dội, người yêu mến sẽ lấy làm thích thú vì nhà thơ nói hộ được tận đáy lòng mình, bằng một lối nói rất lạ mà rất chính xác, người không yêu mến thì dễ dàng cho đấy là “phản thơ”.
Thơ Nguyễn Quang Thiều, ở dạng thức thứ hai, dễ lay động lòng người hơn. Bởi nỗi ám ảnh khôn nguôi, hiện lên trong nhiều bài thơ, là tình yêu đắm đuối gia đình, làng nước, cánh đồng, dòng sông, côn trùng, cây cỏ, vật dụng hàng ngày,… Chúng thường trực trong tâm cảm nhà thơ, mà khi được trở về gần gụi thì lấp lánh những vẻ đẹp thuần phác, khi xa xôi thì luôn vang vọng trong những giấc mơ gọi về quá vãng. Trong thơ, Nguyễn Quang Thiều hay nhắc nhiều đến cơn mơ, mơ mộng; và nhiều bài thơ có lẽ cũng được hình thành từ những giấc mơ như thế. Hiện thực trong bài thơ Âm nhạc tuy rất rõ ràng, cụ thể, nhưng hoàn toàn không phải là hiện thực đời sống được quan sát, mà là hiện thực được hiện lên trong tâm cảm nhà thơ:
Cỗ xe tang trôi mãi vào cơn mê
Những con rồng gỗ vảy vàng bay lên trong tiếng kèn, tiếng trống
Con nhón gót, cỏ may biền biệt trắng
Có ai khẽ khàng bế mãi con lên
Con muốn lẩn vào khăn áo đám ma quê
Con muốn đắp lên cơn ho của con tàn hương thơm và ấm
Con nhìn thấy bà nội mặc áo tơ tằm ngồi giữa ngàn ngọn nến
Bà rót một bình nước mưa trong để đợi con về
Cũng một biểu hiện như thế, những đụn khói đốt đồng tháng Mười không còn là hiện thực được quan sát thấy, mà là hiện thực vọng về từ ký ức tuổi thơ:
Ta đi qua tháng mười, ta đi qua tiếng gọi buổi chiều của mẹ
Mây trời vun lên những đống rơm khô
Dấu chân ta xóa dấu chân chú bê vàng lạc mẹ và dấu chân chú bê vàng xóa dấu chân ta
Khi bóng đêm vụt ra đứng chặn trước mặt ta, ta vội quay lại tìm dấu chân mình
Òa khóc.
Ta tin có một mụ phù thủy đã biến ta thành một chú bê
Càng về sau, hiện-thực-giấc-mơ này càng phổ biến trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Thậm chí, có những bài thơ hiện lên như được tác giả chép thẳng từ cơn mơ khi bừng tỉnh, mà ở khía cạnh nào đó, mượn cách nói của chính Nguyễn Quang Thiều, đấy là “văn bản lần thứ nhất”. Hiện thực trong cơn mơ đã không được tái cấu trúc, không được gọt giũa, trau chuốt, để hiện lên với tất cả tính chất thảng thốt, độc sáng của nó. Song, cần phải nói thêm rằng, giấc mơ là một phần của đời sống (thơ) Nguyễn Quang Thiều chứ không chỉ tồn tại đơn thuần như một kỹ thuật của lối viết siêu thực được tác giả sử dụng. Sự tương đồng giữa giấc-mơ-thơ của Nguyễn Quang Thiều với thủ pháp giấc mơ của chủ nghĩa siêu thực phương Tây đã khiến nhiều người cho rằng thơ Nguyễn Quang Thiều thuộc vào dòng siêu thực. Tôi thì cho rằng, biểu hiện tuy giống nhau, nhưng căn cốt của mỗi biểu hiện ấy là khác nhau rất xa, sẽ là hợp lý hơn nếu đặt một góc nhìn tương đồng chứ không phải ảnh hưởng khi đặt thơ Nguyễn Quang Thiều vào lộ trình hiện đại hóa thơ Việt Nam, mà thơ ca phương Tây luôn được đem ra như một dẫn chiếu.
4. Hiện thực của suy tưởng và mơ tưởng phân chia thế giới thơ Nguyễn Quang Thiều thành hai nửa tưởng chừng đối lập mà hài hòa: đêm đen (bóng tối) và ngày rạng (ánh sáng), hiện hữu và khát vọng. Suy tưởng và mơ tưởng trở thành sợi dây đan kết thế giới ấy. Bởi hiện hữu đen tối không thường xuyên bị cột chặt với hàm nghĩa là cái xấu, cái ác; bất chấp việc tương lai sáng láng lại thường xuyên gắn chặt với hàm nghĩa cái tốt, cái thiện, nhất là sự mới mẻ. (Đêm) mơ luôn luôn là một không gian của bóng tối, dẫu không phải là ác mộng, thì ánh ngày vẫn đem đến cho nó một sự hồi sinh: ánh ngày thiêu đốt cơn mơ để nó trở lại rực rỡ và quyến rũ hơn khi màn đêm buông xuống. Suy nghĩ thấu đáo về cuộc sống này, dẫu đôi lúc cuộc sống có “buồn hơn cái chết”, thì viễn tượng mà suy tư thấu nhập cũng không loại trừ cuộc sống này: suy tư để thấy được cái đẹp của cuộc sống, và của khát vọng sống. Nguyễn Quang Thiều luôn hiện diện như vậy trong thơ: một chủ thể hướng thượng (và/trong/qua) mơ mộng. Và khi còn mơ mộng, Nguyễn Quang Thiều còn mang trong mình dấu chỉ của mỹ học lãng mạn. Đó là dấu nối Nguyễn Quang Thiều với thơ Việt Nam truyền thống. Nó cắt nghĩa cho việc ngay sau khi để cho biên độ của sự sáng tạo văng ra rất xa trên quỹ đạo của sự đổi mới thi ca với Sự mất ngủ của lửa, Nguyễn Quang Thiều lại có thể dễ dàng thu hẹp biên độ ấy để trở về với cái gốc truyền thống trong Những người đàn bà gánh nước sôngvà Nhịp điệu châu thổ mới,chí ít là ở đề tài và chủ đề, ở việc bày tỏ trực diện tình cảm, cảm xúc trong thơ, dù không đó không hẳn là thơ theo kiểu “ngôn tình” truyền thống nữa.
Hai nửa của thế giới thơ Nguyễn Quang Thiều luôn hiện diện và gắn bó với nhau một cách khăng khít, để nói như một so sánh đã trở nên quen thuộc, hai mặt của một tờ giấy. Nhưng cũng có lúc, nửa này hay nửa kia của thế giới ấy được tô đậm. Có thể lần ra bút pháp của Nguyễn Quang Thiều khi xây dựng thế giới ấy một cách khá rõ rệt trong hai bài thơ dài: Nhịp điệu châu thổ mới và Bài ca những con chim đêm. Ở đấy, con đường hướng sáng làm thành cốt chuyện cho bài thơ thứ nhất; và, sự phong nhiêu của đêm đen làm thành kết cấu cho bài thơ thứ hai.
Như được tác giả bộc bạch trong thay lời tựa, người bà bại liệt đã là nguồn cội cho sự sinh thành tài năng và tư cách thi sĩ của nhà thơ. Nhịp điệu châu thổ mới, với đề từ “Tưởng nhớ ngày mất của bà nội”, chính là một cách nói thơ về nguồn gốc thi sĩ ấy. Với niềm tin “con đường của cái chết đẹp không bao giờ đánh lừa hướng đi của bóng tối” và “ra đi… đó là ánh sáng”, Cậu Bé của châu thổ kia đã đi tìm linh hồn đất ấy “bằng những cách gieo âm tiết của mình”. Và sinh thành một miền châu thổ mới – châu thổ của ngôn lời:
Đêm vĩ đại và linh ẩn đã chuẩn bị con đường cho Cậu Bé
Những quả đồi tự xưng tên tuổi thật của mình
Tất cả thức dậy và đứng lên, những quả đồi bóng tối
Thức dậy không quờ tay tìm đèn và không cả ho khan
Thức dậy và rút những chân hương ra khỏi ngực mình
THỨC DẬY ĐỂ CHÀO ĐÓN MỘT GIỌNG NÓI
Bài ca những con chim đêm không có một mạch tự sự như thế. Mở ra bằng không gian của sự tĩnh lặng, bỗng bật lên một tiếng chim đêm, nó đánh thức thế giới tăm tối tưởng chừng như đang ngủ vùi ấy. Tiếng chim ban đầu vọng về từ những quả đồi bên kia đánh thức thi sĩ. Đầu tiên là ký ức. Không chỉ là ngôi nhà, ấu thơ, cơn mơ; mà qua đó, nhận ra chính bản thân mình “cầm một cây nến trắng/ Đi trong thế giới của thì thầm và của mắt ngước lên”. Thi sĩ nhận ra khát vọng của mình. Để rồi từ đó, khi tiếng chim “lên đến đỉnh đầu”, rồi “phủ ngập trên mênh mông mặt hồ” “tiếng chim đơn độc và rền rĩ”, thì cả thế giới của tưởng tưởng ùa ngập trang thơ: đôi tình nhân thành phố mới đến ngủ quên, những linh hồn cũ mới thức dậy nghe trên những sườn đồi, thị trấn bị lãng quên, người nông dân và con bò trên cánh đồng đói nghèo,… đều thức dậy để lắng nghe tiếng chim đêm ấy – tiếng chim chào đón sự ra đời của một tiếng nói, tất nhiên, vẫn là một-tiếng-nói-thơ:
Và từ căn phòng đèn quên tắt của đôi tình nhân đến từ thành phố
Từ bờ dốc sỏi làm trượt chân con chuột ăn đêm
Đến ngôi nhà cuối cùng trong thị trấn bị lãng quên
Và xa nữa, người nông dân chờ chết và con bò chờ chọc tiết
Cả chiếc dao mũi nhọn đang nguyền rủa sứ mệnh của mình
Và tận cùng đáy nước, chiếc lưỡi câu vứt đi mẩu mồi cuối cùng run lên thổn thức
Đều nghe thấy trong ánh sáng ngôi sao rực rỡ
Trong tiếng bầy chim đêm vang vang những tiếng chuông vàng
Giọng nói của đứa bé trong bụng người đàn bà câm cất lên rền rĩ:
MẸ HÃY MANG CON LÊN ĐỈNH ĐỒI
Chính lúc này, nhanh hơn tiếng sấm, nhanh hơn cả tia chớp, chúng ta nhìn thấy
Con đường và số phận dân tộc chúng ta từ một đỉnh đồi.
Luôn từ một ranh giới nào đấy, đường chân trời của một cánh đồng, khúc quành của một dòng sông, đường viền của một đỉnh đồi, cái thế giới bên này luôn là một dự phóng cho cái thế giới bên kia còn khuất lấp. Nhưng luôn luôn là một thế giới đã được báo hiệu tốt lành: Đẻ cho ban mai một dải trứng hồng.
Ban mai, như vậy, là từ khóa quan trọng nhất mở vào thế giới thơ Nguyễn Quang Thiều.
5. Thơ Nguyễn Quang Thiều ở nửa sau của cuộc hành trình tìm về/tới châu thổ (mới), tuy vẫn thống nhất ở triết lý lãng mạn về cuộc đời, đã trở nên đa dạng và phức tạp hơn. Bởi rất giản dị, còn mơ mộng, còn khao khát đổi thay thì còn lãng mạn. Hay giản dị hơn nữa, chính từ khóa “ban mai” đã chỉ ngay phía trên, chính là một dấu chỉ cho tâm thức lãng mạn. Không chỉ là đề tài lớn thân thuộc (cố hương với những người thân thích, những nông dân, những đàn bà và những đứa trẻ, với dòng sông, cánh đồng, những con thú, những bờ cây cỏ), tập Cây ánh sángchưng cất thơ từ những điều nhỏ nhặt và gần gũi hơn, hiện diện bởi những địa điểm, thời khắc, sự kiện, con người mà nhà thơ hạnh ngộ. Chất liệu mang tính cá nhân này khiến cho thơ Nguyễn Quang Thiều trở nên khó hiểu, khó cảm hơn; lại cũng là một cơ hội đẩy thơ Nguyễn Quang Thiều về phía tượng trưng, siêu thực. Vẫn là những giấc mơ, nhưng trong những bài thơ về H, hay trong những bài thơ ghi lại một khoảnh khắc nhà thơ viết lên “văn bản không đèn” chẳng hạn, người đọc khó chia sẻ hơn rất nhiều so với những giấc mơ về người thân (đặc biệt là người bà nội) và ký ức ấu thời. Vẫn là suy tưởng về cuộc sống đời thường, song bật lên là những chiêm nghiệm về nghệ thuật, văn hóa, dân tộc. Chiếm một tỉ lệ khá lớn (so với chính tập thơ và so với tỉ lệ ở những tập thơ khác) là những bài thơ về những mảnh đất, những hiện tượng văn hóa và xã hội, những con người ở bên ngoài biên giới quốc gia. Cũng độc đáo là những bài thơ suy tưởng về nghệ thuật (trong việc đưa ra quan niệm về nhà thơ, về mối quan hệ giữa sự thật và nghệ thuật, vai trò và khát vọng sáng tạo,…). Bài thơ dài Cây ánh sángnhư muốn ôm trọn vào nó những suy tưởng ấy. Bài thơ là sự phân thân của chủ thể nhà thơ, của nhân vật trữ tình trong khát khao đối thoại về niềm tin, về bản chất con người và nghệ thuật, về khả năng cứu rỗi khi người ta thấu thị được những điều ấy. Nghệ thuật không chỉ đưa con người vượt thoát sự vây bọc của thế giới trần trụi mà còn tìm thấy cho con người sự tự do trong chính sự vây bọc trần trụi ấy:
Trong một ánh sáng ấy, một âm nhạc ấy, một ngôn ngữ ấy, trong một bầu trời ấy
Và Người đã biến chàng trở thành một chiếc lá nhỏ không bao giờ tàn úa
trên cành của tán lá ban mai kỳ vĩ trong vũ trụ ngập tràn.
Sau Những người đàn bà gánh nước sông và Nhịp điệu châu thổ mới, như sự trở về với cội nguồn cảm hứng dân tộc, nhất là ở sự quen thuộc và gần gũi của đề tài và chủ đề, Nguyễn Quang Thiều đã tiếp tục trở lại với lộ trình cách tân của mình, bắt đầu bằng Bài ca những con chim đêm, và sau đó, Cây ánh sáng. Chắc sẽ có người đọc hụt hẫng khi không tìm thấy trong hai tập thơ này, nhất là trong Cây ánh sáng, vẻ đẹp kỳ vĩ, dồi dào, lộng lẫy của ngôn từ và cảm hứng thơ Nguyễn Quang Thiều như trong những tập thơ trước. Có lẽ, sự cộng hưởng giữa nguồn cội nhà quê trong Nguyễn Quang Thiều và vô thức quê mùa của người đọc trong lúc sự lựa chọn giữa tính dân tộc và tính hiện đại trong thơ (như đã nói tới ở trước, kéo dài từ 1994 đến 1996, và còn gây ra những bận tâm đến tận 1999) đã tăng thêm sức cuốn hút của những bài thơ viết về cố hương. Sự lựa chọn của Nguyễn Quang Thiều, sau Sự mất ngủ của lửa, thể hiện trong hai tập thơ liền sau ấy, như vậy, là tạo được hiệu ứng nghệ thuật, mà vẫn có cơ hội đưa sự đổi mới thơ vào bối cảnh của sự thử thách: làm thế nào để đổi mới thơ ở một chủ đề, đề tài đã trở nên quá quen thuộc. Tôi không nghĩ rằng Nguyễn Quang Thiều đã khôn khéo trong trường hợp này, bởi không có không gian cho sự khôn khéo trong thơ, mà là đứng trước ngã ba buộc phải lựa chọn, vô thức đã dắt dẫn Nguyễn Quang Thiều hướng về ngả dân tộc chứ không phải ngả hiện đại. Chỉ đến sau này, khi hội nhập và toàn cầu hóa trở thành một thực tế lịch sử, câu chuyện biện biệt dân tộc và hiện đại, tính dân tộc và bản sắc dân tộc không còn trở nên riết róng như trước, Nguyễn Quang Thiều ngay lập tức mở rộng không gian của đổi mới thơ mình sang phía hiện đại, tiếp vào nguồn mạch đã được khơi thông từ Sự mất ngủ của lửa. Đó là lúc Bài ca những con chim đêm ra đời. Để sau đó, tiếp tục trở thành một dòng mạch chính trong Cây ánh sáng.
Như vậy là, cho đến Châu thổ, Nguyễn Quang Thiều đã có thể tổng kết một lộ trình cách tân thơ của mình. Con đường thơ ấy có hai làn song song ngay từ khởi thủy: dân tộc và hiện đại. Chỉ có điều, không phải đấy là hai làn ngược chiều. Có một nỗ lực đổi mới chung làm thành nền tảng cho cả hai làn đường ấy: những cách tân về vật liệu và hình thức. Ngôn ngữ văn xuôi và chất văn xuôi đổ bộ vào thơ Nguyễn Quang Thiều đã làm nên cả những điều khả thủ và giới hạn của nó. Thơ Nguyễn Quang Thiều rất ít khi hay ở chữ mắt, ở câu, thậm chí ở cả hồn cốt của tứ thơ; mà hay ở sự phong nhiêu của ngôn ngữ, sự đa dạng của kết cấu, của sự bay bổng hay sâu lắng của suy tư, mơ mộng. Bước vào thế giới thơ của Nguyễn Quang Thiều, kiểu như Châu thổ, vì vậy, người đọc dễ bị ngợp, khó tìm thấy cây mà cũng khó nhận thấy rừng. Tìm một vấn đề nào đó, hay tiếp cận thơ Nguyễn Quang Thiều từ một hướng nào đó, thì không quá khó, nhưng để nắm bắt phong cách, giọng điệu, bút pháp thì không hề đơn giản. Tôi không nghĩ rằng Nguyễn Quang Thiều sẽ đi tìm cho mình một sự ổn định, dù ngay lúc này, ông đã tìm cách tự ổn định hóa qua cách định nghĩa mình qua Châu thổ; song có thể, đó là một cái ngoái lại cần thiết để người lữ hành bước tiếp, bởi phía trước, sau khúc quành, sau chân trời là ban mai, là ánh sáng. Chỉ có một điều cuối cùng cần phải nói thêm, tôi nghĩ vậy, là với một khát vọng ra đi, thì đích đến chưa chắc đã phải là mục đích tối hậu, cái giá trị nằm ở chính con đường đi đến cái đích đến ấy. Nghĩa là mãi mãi vẫn trên đường. Vì sau ban mai còn nhiều những ban mai nữa…
18/11/2019
Đoàn Ánh Dương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Véo von tiếng địch

Véo von tiếng địch Một buổi chiều êm đềm ấm áp, thoáng điểm mấy hạt mưa xuân. Công chúa Li Nương, con Ðức Hùng Vương thứ mười bốn, cùng mấ...