Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2023

XXXXTruyện ngắn kỳ ảo - Một đóng góp của Tự lực văn đoàn cho văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

Truyện ngắn kỳ ảo - Một đóng góp của
Tự lực văn đoàn cho văn học
Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

Lâu nay, nhắc đến “Thất tinh” của Tự lực văn đoàn, người ta thường nghĩ đến những thành công vượt trội của họ ở thể loại tiểu thuyết. Trong mảng sáng tác khiêm tốn là truyện ngắn của nhóm này, nếu xét về số lượng, truyện ngắn kỳ ảo lại khá nhạt mờ, yếm thế so với truyện ngắn lãng mạn. Vậy nhưng, vẫn có thể tạo được dấu ấn riêng trong một địa hạt không thực sự phù hợp về môi trường, thổ nhưỡng, vẫn khẳng định được địa vị của người tiên phong dẫu chỉ là những phút ngỡ dừng chân ghé tạm, đó là tầm vóc của Tự lực văn đoàn.
Việc tìm đến yếu tố kỳ ảo là lẽ tự nhiên của một số nhà văn trong Tự lực văn đoàn – những người ngay từ nhỏ đã từng mê mẩn bao giai thoại, truyền kỳ dân dã, từng “thích nhất chuyện Liêu trai” (Khái Hưng). Những sáng tác kỳ ảo của văn đoàn này bộc lộ rõ khát khao, tham vọng của họ trong việc tiểu thuyết hóa truyện truyền kỳ để thoát khỏi áp lực lâu đời của Liêu trai chí dị (Bồ Tùng Linh) và Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ). Sự gặp gỡ, hòa kết giữa quan niệm sáng tác, nội dung thể hiện đậm chất phương Đông truyền thống và kĩ thuật viết tân kỳ, hiện đại của phương Tây trong truyện ngắn kỳ ảo cũng là minh chứng cho một chủ trương lớn của văn đoàn này: đem phương pháp khoa học Thái Tây ứng dụng vào văn chương Việt Nam nhằm giúp cho con người “lúc nào cũng mới mẻ, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ”.
Nhà phê bình Bùi Thanh Truyền
Truyện ngắn kỳ ảo của Tự lực văn đoàn gắn liền với tên tuổi của Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ (Hoàng Đạo cũng có một số tác phẩm mang dấu ấn cổ tích mới cho thiếu nhi như Con cá thần, Sơn Tinh, Lên cung trăng…). Mảng sáng tác này phần nào cho thấy hiện tượng không thuần nhất của văn xuôi lãng mạn thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Từ đây, thực đơn Tự lực văn đoàn có sự xuất hiện một món ngon và lạ, cải thiện khẩu vị đọc của công chúng văn học lúc bấy giờ.
Cái nhìn mới mẻ về hiện thực, con người
Với sự ra đời của những truyện ngắn kỳ ảo Tự lực văn đoàn, lần đầu tiên đề tài tâm linh cùng những biểu hiện đa dạng của nó được dành sự quan tâm đặc biệt. Hướng vào mảng hiện thực cao nhất trong đời sống tinh thần của con người vốn luôn bí ẩn, phức tạp, truyện kỳ ảo đã góp phần khơi mở một vỉa tầng vô tận ở bề sâu, bề xa trong cõi lòng vi diệu. Bằng cách ấy, các truyện như Bóng người trong sương mù, Linh hồn, Ma xuống thang gác… bước đầu chạm đến vô thức văn hóa dân tộc, gợi bao suy nghiệm về cách hành xử phải đạo với cõi vô hình – phần tất yếu của cuộc sống con người trần thế.
Việc mở rộng, lạ hóa không gian theo bước chân, tâm cảm của nhân vật trung tâm cũng là một thành công đáng ghi nhận của mảng sáng tác này. Nỗi khát sống, khát đi của người nghệ sĩ hòa với nỗ lực vượt thoát những môi trường sống tù đọng, tẻ nhạt đã mang lại những mê đắm rất đời cho không gian nghệ thuật. Đó là cảnh sắc miền ngược, là cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, những đêm tối của làng quê, cảnh chùa chiền nửa tiên nửa tục… – những bối cảnh hết sức lý tưởng cho sự sinh tồn của loại truyện kỳ ảo. Sự dung hợp không gian để dàn cảnh, tạo môi trường huyền hoặc nhằm triển khai tự nhiên, hợp lý câu chuyện có thể bắt gặp trong Lan rừng của Nhất Linh. Bắt đầu từ chuyện chàng trai tên Quang tìm vào bản Lang để thuê ngựa rồi đi lạc, khung cảnh cứ liên tục dịch chuyển, từ chiều đến tối, nửa đêm, sáng rồi lại chiều hôm sau, thực ảo nhập nhòa… Vẫn là chốn cũ nhưng cố nhân thì một vực cách vời, “không hề thấy một dấu vết gì của cô gái cũng như ngôi nhà của cô”, cả một đám lan rừng với mùi thơm mê dụ cũng chẳng còn. Cái tài của người viết, bằng lối trực họa đầy ấn tượng, đã khiến người đọc không khỏi ngấm cái cảm giác “rờn rợn, sợ hãi” của nhân vật trước cảnh “non cao rừng cả”, “một thế giới huyền ảo”, “chỉ một màu sương trắng lờ mờ dưới ánh trăng”. Truyện này, cũng như Câu chuyện mơ trong giấc mộng, đem đến cho độc giả những cảm giác kỳ thú, mang đậm chất thơ. Nhờ vậy, tác giả đã khiến ta đem lòng yêu những cảnh đồi núi “khác hẳn cái cảnh “bùn lầy nước đọng” miền hạ du phẳng lì và buồn tẻ” (Nhất Linh).
Bằng mĩ cảm và độ bén nhạy trong cách nhìn đời, nhìn người, nhà văn khai thác, thể hiện bức tranh hiện thực theo tiêu chí, quy luật, chuẩn thẩm mĩ riêng: vẻ đẹp muôn hình ngàn vẻ của thực tại khách quan trong tương quan với thế giới nội tâm vi tế của con người. Thế Lữ cảm thụ cái đẹp với một tâm hồn mới và diễn tả nó bằng một nghệ thuật mới. Với cái nhìn duy mĩ, nhà văn đã tạo cho mình một quan niệm hoàn toàn hướng đến cái đẹp, cả cấp độ lý thuyết lẫn thực tiễn sáng tác. Trong Tự lực văn đoàn, Thế Lữ không đi theo hướng của sáu nhà văn còn lại, mà rẽ sang một lối khác, với ba loại hình truyện ngắn đậm phong cách riêng: truyện kinh dị, truyện trinh thám và truyện lãng mạn đường rừng, mang lại cho cái kỳ ảo trong văn xuôi Việt Nam đầu thế kỷ XX một tông điệu mới. Là người am hiểu sâu sắc hội họa, ông rất thành công khi dựng cảnh thiên nhiên. Đó là những bức tranh lộng lẫy và huyền ảo, có khi hùng vĩ uy nghi, có khi thơ mộng bí ẩn… với chủ trương thường trực là thoát li hiện thực, tìm đến miền lý tưởng cho sự giải thoát của cái tôi cá nhân lãng tử. Vì thế, truyện của ông vừa gần gụi vừa rất đỗi xa vời, chân thực nhưng cũng đầy hư huyễn, gợi lên trong ta bao luyến ái chẳng đặng đừng.
Thông điệp nhân văn từ miền hư huyễn
Nếu chỉ nhằm thỏa mãn tâm lý chuộng lạ của độc giả, những truyện kỳ ảo của văn đoàn Tự lực sẽ có cơ chết yểu. Sức sống của mảng sáng tác này chủ yếu được quyết định từ một phương diện khác, đó là những chủ đề, tư tưởng nhiều sức ám gợi. Khát vọng về một tình yêu không vương lụy thời gian, sự tương giao, hòa hợp trong đời sống vợ chồng, cái nhìn trân trọng về tình mẫu tử, quan niệm sống vô sự với tự nhiên, quỷ thần, cách giải bài toán về mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại… trong các truyện Lan rừng, Câu chuyện mơ trong giấc mộng, Bóng người trong sương mù (Nhất Linh); Hoa bên suối, Đêm trăng, Tiếng hú ban đêm, Ma xuống thang gác (Thế Lữ); Linh hồn (Khái Hưng)… sẽ không hề cũ và mất đi ý nghĩa tích cực của chúng đối với người đọc mọi thời.
So với truyện kỳ ảo truyền thống, các truyện kỳ ảo của Tự lực văn đoàn đậm chất triết lý hơn. Đây là một phương diện được các nhà văn hiện đại tiếp biến từ phương Tây trên nền tảng của truyền kỳ dân tộc. Truyện Linh hồn kể chuyện một người đàn ông đã phải dứt tình với người vợ Tây vì người đàn bà ấy đã đối xử tệ bạc với hai đứa con gái là con của anh ta với người vợ trước. Mọi người cho rằng: linh hồn của người vợ cũ đã xui giục người chồng li dị. Truyện thể hiện rõ nét phong cách truyện ngắn Khái Hưng: không có gì to tát nhưng lại chứa đựng “một ngụ ý rất cao” về cách sống, cách xử sự ở đời, sự vênh lệch trong cuộc “cưỡng hôn” văn minh, văn hóa… Ý nghĩa triết lý này dễ được người đọc chấp nhận bởi nó khởi đi từ logic trong sự kiện, tình huống truyện cùng sự dẫn dắt tinh tế, sáng sủa trong lối kể của tác giả. Khác với những truyện kỳ ảo cùng thời (Kim Ba chí dị của Kim Ba, Tân Liêu trai của Phong Ngạn), các tác giả Tự lực văn đoàn thường không để lộ ý định khuyên răn người đời phải sống theo đạo lý “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”… một cách lộ liễu. Ví như truyện Ma xuống thang gác (Thế Lữ), thông qua tình huống ma hiện hình hết sức rùng rợn, người đọc sẽ nhận ra rằng: âm dương hai cõi song tồn, ta chớ làm trái với cách sống “dĩ hòa vi quý” rất người của ma, bằng không sẽ phải chịu hậu quả đích đáng.
Đa phần các truyện này được thể hiện bằng bút pháp tiểu thuyết tân kỳ và phản ánh qua tâm trạng, bối cảnh của con người hiện đại, vì thế việc trình bày ý tưởng của tác giả không gượng ép, khô khan mà tự nhiên, giàu sức gợi. Ở Bóng người trong sương mù, cuộc sống đương thời hiện lên rất rõ qua hình ảnh chuyến tàu hỏa, những nhịp cầu sắt bắc qua sông, nghề lái tàu của những người đàn ông Việt, những chuyến công du của các quan toàn quyền trong nhà nước bảo hộ… Chân dung nhân vật cũng không được đặc tả bằng cái nhìn khách quan bên ngoài mà chủ yếu được soi ngắm từ bên trong, với sự dằn vặt, sám hối, tri ân của người đàn ông trước cái chết và ân tình sâu nặng của vợ mình… Đây là “trang sức” hữu hiệu mang lại diện mạo, phong cách tân thời rất rõ cho truyện ngắn kỳ ảo Tự lực văn đoàn.
Ở một số truyện, với tinh thần duy vật, người viết muốn đem kiến thức khoa học để giải mã những hiện tượng thần bí mà theo họ đó là sản phẩm sinh ra từ sự u muội, mê tín dị đoan của người Việt bình dân. Không giống với Nhất Linh và Khái Hưng, trong nhiều tác phẩm theo lối kỳ ảo – giải ảo của mình (Đêm trăng, Lưỡi tầm sét, Hoa bên suối, Hai lần chết, Ông phán nghiện, Tiếng hú ban đêm, Những tiếng nói thầm, Bên đường Thiên Lôi, Dòng máu đứt quãng, Cái xác đuổi người…), Thế Lữ đều chủ tâm hóa giải các hiện tượng kỳ dị, bí hiểm bằng tri thức hiện đại hoặc bằng nguyên nhân dễ hiểu ở đời thường.
Nỗ lực cách tân, hiện đại hóa hình thức văn xuôi đầu thế kỷ XX
Trước hết, xét về phương diện chất liệu, qua truyện ngắn kỳ ảo, các nhà văn Tự lực văn đoàn đã góp phần tạo nên một mảng văn xuôi giàu chất thơ. Với cái nhìn thi ca, lãng mạn, họ làm cho chất liệu của cuộc đời và cảm xúc của tác giả “luyện thành một thứ hợp kim nhuyễn từng phân tử” (Huy Cận). Sức mê đắm của câu văn với sự đan quyện giữa các thuộc tính vừa mơ hồ vừa hiện hữu, vừa đứt đoạn vừa liên tục, vừa cụ thể vừa trừu tượng, vừa sáng rõ vừa hàm nghĩa… được đẩy tới vô hạn. Đây là minh chứng cho tính ưu việt của một lối văn đa nghĩa, giàu có về nội dung và hiện đại về hình thức biểu đạt.
Việc miêu tả đối tượng qua cảm giác là một điểm mạnh của các cây bút Tự lực văn đoàn trong mảng truyện ngắn kỳ ảo. Sự ngạc nhiên, lo lắng, hãi sợ và nỗi đợi chờ một cách nóng ruột cái khoảnh khắc tấm màn bí mật được vén lên là những yếu tố gây hấp dẫn chủ yếu. Chính cảm giác của nhân vật đã lan sang người đọc một cách tự nhiên theo hiệu ứng dây chuyền, khiến độc giả sống hết mình với trang viết của nhà văn. Nhờ thế, những truyện ngắn này đã bước đầu vượt khỏi phạm trù văn học “giao thời” ba mươi năm đầu thế kỷ XX với một cấu trúc thể loại mới mẻ, trong đó quy luật tâm lý thay cho trục diễn biến đường thẳng theo trình tự thời gian, và cái nhìn đa chiều trong soi chiếu nhân vật thay cho lối trần thuật một giọng của người kể chuyện. Bắt đầu từ văn đoàn Tự lực, văn xuôi kỳ ảo đã đào sâu vào thế giới nội tâm của con người, giúp người đọc cảm biết được những miền vi tế trong vẻ đẹp của cái “tôi” và hình thành ở họ cách đọc “phản tỉnh” đầy mới mẻ, tích cực.
Khác với truyện ngắn lãng mạn và truyện sinh hoạt đời thường, ở truyện ngắn kỳ ảo, nhà văn Tự lực văn đoàn dường như thiên về lối viết theo sự dẫn dắt của trực giác, linh cảm. Tác giả cảm nhận, giải mã cuộc sống, tính cách con người không phải do chi phối của lý tính mà theo những mách bảo của trái tim. Vì thế, độ tinh tế, nhạy cảm của người viết là hết sức quan trọng. Điều này kéo theo những biến điệu rất rõ trong ngôn từ nghệ thuật. Tần số ngôn ngữ chỉ cảm giác xuất hiện khá cao là cơ sở để nhà văn tạo nhịp cầu nối hai thế giới thực – ảo, xa – gần, lạ – thường, bất khả tri – khả tri… Nó cũng là chất keo gắn nối những tâm hồn đồng điệu, để những thông điệp giàu tính nhân văn của người viết phát huy hiệu quả thẩm mĩ. Nồng độ cảm giác cũng là chất men để thi tính của ngôn từ ám ảnh, làm say mê độc giả. Là nhà thơ tiêu biểu, xuất sắc nhất trong buổi bình minh của Thơ mới, Thế Lữ đã đưa vào truyện yếu tố lãng mạn đằm thắm cùng với chất thơ tươi trẻ, lập nên kỳ tích “dung hợp được văn Thái Tây với văn Á Đông”. Tác giả những truyện Vàng và máu và Một đêm trăng đã tỏ ra “có óc khoa học của Edgar Poe và tâm hồn thi sĩ của Bồ Tùng Linh, hai nhà viết những truyện ghê gớm huyền hoặc, làm cho độc giả yếu bóng vía phải rùng mình lúc đêm khuya” (Khái Hưng).
Về mặt cốt truyện, thành công đáng ghi nhận của mảng sáng tác này là những dụng công trong cách sáng tạo tình huống kỳ ảo (fantastic situation); qua đó nhân vật bộc lộ trọn vẹn tính cách, giá trị thẩm mĩ của tác phẩm cũng được phát huy tối đa. Đây là một bước tiến lớn của truyện ngắn Tự lực văn đoàn so với trước đó. Thường gặp nhất là những tình huống kỳ ảo – tâm linh. Kiểu tình huống này phản ánh mối quan hệ giữa cái ảo và cái thực trong đời sống, giúp con người nhận thức cái này thông qua cái kia và ngược lại. Sự cảnh báo của con bướm giống “một cái hình người đàn bà mặc áo rộng đứng dang tay” và việc đột ngột hãm phanh để cứu nguy cho cả đoàn tàu của người chồng như một minh chứng cho hiện tượng thần giao cách cảm chỉ có thể xảy ra đối với những ai luôn thương yêu, gắn bó, sống vì nhau hết lòng. Đằng sau tiếng vỗ khẩn thiết của cánh bướm lạ lùng là đồng vọng của bao thanh âm đẹp đẽ về một tình yêu thủy chung, cảm động (Bóng người trong sương mù – Nhất Linh).
Thứ đến là những tình huống tượng trưng, trong đó ý nghĩa của hình tượng cũng như sự bộc lộ chủ đề rất kín đáo, thậm chí có khi bị phủ bởi một lớp sương mờ huyền hoặc. Những tình huống này đã tạo ra nhiều chi tiết đắt giá, vừa nặng ý nghĩa biểu hiện, lại phong phú giá trị được biểu hiện. Ván cờ nửa thực nửa hư trong Tương tri là cái cớ để nhà văn trình bày quan niệm sống thoát tục của cụ Tú – nhân vật chính của truyện. Nhập nhằng giữa tiên và tục, ván cờ phản ánh bản chất và sinh mệnh con người. Khái Hưng chơi cờ người với chữ để rồi đắng đót nhận ra: đời người là những ván cờ tiên mà được thua chỉ là hư ảo.
Sự hiện diện của những tình huống đặc biệt ấy đã làm cho cốt truyện có nhiều đột biến, bất ngờ, khó đoán định; vì thế truyện diễn ra khá linh hoạt, ít tuân theo trình tự diễn biến của các sự kiện hoặc lời kể theo trục thời gian tuyến tính vốn chỉ đáp ứng tâm lý tiếp nhận thông thường. Người viết thường sử dụng cốt truyện hai bước với sự tham gia đắc lực của yếu tố kỳ ảo. Đó là cốt truyện lồng ghép (truyện lồng truyện) – một đặc điểm của tiểu thuyết nói riêng, văn xuôi hiện đại nói chung. Bước thứ nhất chuẩn bị, tạo đà cho bước thứ hai là cốt truyện chính với sự hiển xuất, chi phối của những sự kiện, tình huống kỳ lạ, khác thường. Chẳng hạn, chuyện kể của Đình về lai lịch của “con ma đàn ông, hình vóc gầy gò” là oan hồn của một tên ăn trộm thắt cổ tại “cái nhà gạch hai tầng ở gần vùng quê, chung quanh toàn ruộng vườn mênh mông và những ao chuôm đang lấp dở” trong Ma xuống thang gác chỉ có tính chất mào đầu, tạo môi trường để câu chuyện chính – hồn ma hiện hình làm cho đám học trò nghịch ngợm, dám cợt nhả quỷ thần một phen lạc phách xiêu hồn – diễn ra một cách tự nhiên, hợp lý, sáng rõ hơn.
Để tăng hiệu quả lắp ghép, mở rộng cốt truyện, tạo sắc màu linh dị, cuốn hút cho câu chuyện, người viết đã khai thác thế mạnh của motif giấc mơ với sự đan cài các mảng không gian ảo – thực, vật lý – tâm lý cùng bao trăn trở, tiếc nhớ của người trong cuộc (Câu chuyện mơ trong giấc mộng – Nhất Linh). Kết thúc mở cũng được chú trọng nhằm tạo ra một màn sương hư ảo, nới rộng liên tưởng, đồng sáng tạo ở người đọc, hướng tình cảm và lý trí của họ về những lẽ huyền vi, bí nhiệm của cõi đời. Việc Quang đến thuê ngựa rồi chẳng biết đi đâu về đâu giữa chốn rừng thiêng xa lạ trong Lan rừng khiến câu chuyện lãng mạn hiện đại vẫn phảng phất hơi hướng truyền kỳ (Từ Thức tiên hôn lục, Lưu Nguyễn nhập thiên thai…). Tuy nhiên, nét khu biệt ở đây là nghệ thuật dẫn truyện độc đáo và lối tổ chức câu chuyện khá mới mẻ của nhà văn. Nhờ thế, nó gợi hướng vọng về một tình yêu tuyệt đẹp nhưng cũng thật huyền hồ, xa ngái, một khao khát đi tìm sự hòa điệu, giao cảm giữa con người với thiên nhiên kỳ thú mà bí ẩn vô cùng…
Ở mảng sáng tác này, các tác giả thường xây dựng kết cấu hành động đan cài tâm lý. Đây là một nét phong cách của các cây bút lãng mạn trong nỗ lực thử sức ở địa hạt kỳ ảo nhiều sức hút. Văn phong vừa khúc chiết vừa hướng tới sự giản dị, trau chuốt, mềm mại, giàu hình ảnh, tốc độ với cách kể lôi cuốn, tạo được không khí, thể hiện rõ tính hiện đại của văn chương Tự lực. Ở đó, trí tưởng tượng bay bổng, óc quan sát tinh tế, tư duy phân tích sắc sảo, sự ảo diệu trong lối kiến tạo câu chữ được dịp thăng hoa. Thử đọc một đoạn trong Chùa Hương của Khái Hưng khi ông đặc tả tiếng tiêu trên thuyền đi vào chốn Phật: “Tiếng bổng cất cao tận đỉnh trời xanh. Tiếng trầm rơi trên làn sóng tan trong nhịp chèo. Âm nhạc ngừng, nhưng tiếng ngân còn kéo dài trong êm lặng của ban đêm, lưu luyến với luồng ngấn trắng chuyển động chạy sau thuyền. (…) Cả một đêm trăng sáng chung đúc lại chỉ còn có cảm giác thần tiên ấy: cái đẹp như đã kết tinh trong tư tưởng, và không bao giờ nhạt phai trong trí nhớ. Ngoài ra mọi vật, mọi ý, mọi sự, đều mờ dần cho đến khi biến đi không còn vết tích”. Truyện bắt đầu như thế và cứ dần dần ma mị thêm với sự xuất hiện của nhà sư nửa tu, nửa tục, với những bến Đục, bến Trong, bể sâu, bể cạn. Khái Hưng giao lưu thật giả trong một giấc mơ bí mật, mà sư lão, sư tổ có thể vừa chân tu, vừa thảo khấu. Lời văn đầy chất họa và nhạc tính cùng nồng độ cảm xúc của ngôn từ khiến truyện mang dáng dấp “tân Liêu trai” khi người viết như đang cố tình tạo một giai thoại hư huyền về chùa Hương – cõi tâm linh thành kính, đồng thời nó cũng thể hiện rõ phong cách của tác giả: lãng mạn pha một chút hiện thực. Đây là một nỗ lực lớn để người viết vinh danh câu văn Việt hiện đại.
Khơi mở một mùa đầu ngoạn mục
Bằng sự tiên phong cả trong quan niệm lẫn thực tiễn sáng tác, các tác giả Tự lực văn đoàn đã góp phần khai mở một khuynh hướng mới với sức hấp dẫn mạnh mẽ của yếu tố kỳ ảo, của một lối viết quen mà lạ, của những trải nghiệm từ một thế giới khác hẳn cái quen nhàm, mòn cũ thường hằng. Không ít nhà văn có tên tuổi lúc bấy giờ đã từng thử bút qua đề tài kỳ ảo, châu tuần quanh Tự lực và sáng danh từ văn đoàn này. Với sự hỗ trợ của hai tờ báo uy tín là Phong hóa, Ngày nay cùng nhà xuất bản Đời nay lừng danh một thuở, Tự lực văn đoàn đã trực tiếp hoặc gián tiếp giúp nhiều cây bút chưa mấy tên tuổi chinh phục độc giả bằng những truyện huyễn ảo kiểu mới. Cách ba nghìn năm của Cung Khanh (Nxb Đời nay, 1942) là tập truyện ngắn mô phỏng truyền kỳ pha chất ngụ ngôn. Nhà văn Trần Tiêu, một cây bút hiện thực khá sắc sảo, cũng có một truyện ngắn giàu chất kỳ ảo từ nhan đề đến nội dung: Ma. Tập truyện Sau lũy tre (Nxb Đời nay, 1942), thông qua những câu chuyện nửa thực nửa hư đề cập đến sự kém hiểu biết của người nông dân về bệnh tật, về ma quỷ, với bút pháp hài hước, óc tưởng tượng phong phú, văn sĩ họ Trần này đã góp thêm vào bức tranh văn học hiện thực phê phán trước Cách mạng một gam màu khác.
Một đặc trưng của truyện kỳ ảo là phương thức gây ấn tượng mạnh mẽ, kích gợi mọi cảm giác, suy tưởng của con người, theo quan điểm của Edgar Poe là “mỗi truyện ngắn cần để lại một ấn tượng duy nhất mãnh liệt”. Vì thế, dẫu với các nhà văn như Khái Hưng, Nhất Linh, truyện ngắn không phải là thế mạnh, người viết vẫn khiến độc giả khó quên nhờ những trang văn đậm màu sắc liêu trai hiện đại. Đây cũng là cơ sở để họ gợi hứng, mở màn cho một mùa bội thu truyện ngắn kỳ ảo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX với hàng loạt tác giả, tác phẩm ưu tú: Trọng Miên (Trăng xanh huyền hoặc, Người đẹp Đông phương, Đàn bồ câu trắng, Người đàn bà trong trăng, Pho tượng sống…), Tchya (Oan nghiệt, Thần hổ, Ai hát giữa rừng khuya…), Bùi Hiển (Một trận bão cuối năm, Chiều sương), Thanh Tịnh (Làng, Am cu-ly xe, Ngậm ngải tìm trầm), Đỗ Huy Nhiệm (Một chuyện lạ, Ngủ với ma, Tết trên Mường)… Đặc biệt, người có công kế tục và vinh danh truyện ngắn kỳ ảo giai đoạn này là Nguyễn Tuân với hàng loạt tác phẩm: Loạn âm, Xác ngọc lam, Lửa nến trong tranh, Trên đỉnh non Tản, Chùa Đàn, Tâm sự của nước độc, Một truyện không nên đọc vào lúc giao thừa… Đây là mảng sáng tác rất hợp với cái tạng tài hoa, phóng túng của tác giả này bởi một lý do cơ bản để ông viết “yêu ngôn”, như chính bộc bạch của nhà văn, là “muốn mỗi ngày trong cuộc sống của tôi phải cho tôi cái say của rượu tối tân hôn”.
Cả Thơ mới cũng bị hút vào trường lực của cái “kỳ”. Đó là trường hợp Vũ Hoàng Chương với bài thơ Cảm thông có lời đề từ “Tri ngã giả, kỳ tại thanh lâm hắc tái giang hồ” của Bồ Tùng Linh và các thi phẩm khác như Tình Liêu Trai, Nửa truyện hồ li, Đêm đông xem truyện quỷ… ớn lạnh những kỳ tình: “Liêu Trai nghi hoặc người trong truyện – Hay đó tình duyên một kiếp xưa?”. Như thế, từ trường của kỳ ảo, mà một trong những trung tâm chính của nó là văn đoàn Tự lực, đã bước đầu được khẳng định. Để đến bây giờ, chúng vẫn còn đủ sức làm xao động tâm hồn và khối óc của độc giả mỗi khi lần giở những trang viết nặng dấu ấn thời gian và nỗi lòng nhân thế một thời.
Trong tham luận tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai về vai trò hiện đại hóa văn học của Tự lực văn đoàn, giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã khẳng định: “Nhóm Tự lực văn đoàn không phải là nhóm duy nhất nhưng là nhóm quan trọng nhất và là nhóm cải cách đầu tiên của nền văn học hiện đại”. Để có được vinh dự này, truyện ngắn nói chung, các sáng tác kỳ ảo nói riêng của nhóm, như đã trình bày ở trên, góp một phần không nhỏ. Bằng tình cảm, sự trân trọng văn học dân tộc đi kèm với độ bén nhạy, thức thời của nghệ sĩ tây học, các tác giả Tự lực văn đoàn đã sáng tạo ra những truyện kỳ ảo mới đáp ứng nhu cầu tiếp nhận văn học của người đọc, mang lại chỗ đứng vững vàng cho những đứa con tinh thần hiếm quý của mình. Nỗ lực khơi mở một nhánh riêng trong văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX của đội ngũ này đáng được trân trọng. Chính vì thế, 80 năm qua, đọc lại những truyện ngắn kỳ ảo ấy, người đọc vẫn cảm nhận đầy đủ sự tươi mới, hiện đại và bổ ích – một dư vị và nhã thú chỉ có được ở những tác phẩm thực sự có cốt cách và phẩm chất văn học. Với những đặc trưng và sức hấp dẫn riêng cả trong nội dung phản ánh và phương thức thể hiện, hoàn toàn có thể tin tưởng vào sức sống, sự lan tỏa của truyện ngắn kỳ ảo – dòng riêng giữa nguồn chung Tự lực văn đoàn.
18/11/2019
Bùi Thanh Truyền
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Hai con mắt Ông Cửu Niệm ốm li bì đã gần hai tháng. Ông ta mắc một bệnh mà các thầy lang đều cho là bệnh mê sảng của những người già...