Thứ Năm, 11 tháng 5, 2023

Những bài thơ mang đậm sắc màu tình tự của Chế Lan Viên

Những bài thơ mang đậm
sắc màu tình tự của Chế Lan Viên

Chế Lan Viên có nhiều bài thơ được đưa vào giảng dạy các bậc học như Người đi tìm hình của nước, Tiếng hát con tàu, Gửi Kiều cho em những năm đánh Mỹ… Nhưng ông cũng có nhiều bài thơ giàu chất tình tự khác. Như bài Hoa đào nở sớm, Xuân, Thu, Rét đầu mùa nhớ người đi phía biển…
Sau đây là những cảm nhận về một vài bài thơ tình tự của Chế Lan Viên.
Nhà thơ Chế Lan Viên
Bài thơ: Hoa đào nở sớm
Hoa đào trước ngỏ em qua
Sáng nay bỗng ướm cành hoa vào mùa
Đầy vườn lộc biết cây tơ
Năm đi chưa hết, đã ngờ xuân đâu
Bỗng dưng một đóa hoa đầu.
Nghe như đất lạ năm nào gặp em
Phải rằng xe xích thời gian
Vầng dương bên ấy mọc sang bên này ?
Nắng hoe, bướm trở mình bay
Cành non nở vội kịp ngày chào hoa.
Lòng anh tự độ em qua
Hoa bay bướm dạo cùng ta vào đời.
Hãy đọc những lời thơ tình tự với mùa đông năm ngoái, với mùa Xuân năm nay, với cành đào tươi thắm… trong bài thơ Hoa đào nở sớm:
Hoa đào trước ngỏ em qua
Sáng nay bỗng ướm cành hoa vào mùa
Quả là không ngờ được. Như câu thơ cổ: Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”. Thật bất chợt, thật bất ngờ. Mỗi ngày em đều đi qua ngỏ. Mới hôm qua đây thôi, em vẫn thấy cây đào trơ cành trụi lá. Vậy mà, phút chốc chỉ một đêm trôi thật khẽ:  “Sáng nay bỗng ướm cành hoa vào mùa”. Nét thi vị làm lay động lòng người chính là cái sự “ bỗng ướm cành hoa vào mùa”. Chỉ là “ướm “thôi. Nhẹ nhàng. Rất duyên. Rất mới. Và chính cái “sự “bỗng” đáng yêu đó, mà:
Đầy vườn lộc biết cây tơ
Năm đi chưa hết, đã ngờ xuân đâu
Năm đi chưa hết, đào đã ướm hoa, khiến cho lòng thi sĩ cảm nhận cái đẹp hồn nhiên của đất trời, và ngỡ ngàng là bởi: “đã ngờ xuân đâu”.Xuân chưa đến mà vườn đã đầy lộc.Làm sao không mở căng lồng ngực mà đón gió thơ:
Bỗng dưng một đóa hoa đầu.
Nghe như đất lạ năm nào gặp em
Đóa hoa đào đầu tiên nở trên cành lộc biếc. Màu hồng đào tươi tắn hay màu hồng nhạt xinh xinh. Không hề nghe tác giả giới thiệu. Nhưng là màu hồng đậm hay nhạt, không gian như bừng sáng. Cành đào như một cô gái đang điệu đàng làm duyên. Lại dùng từ “ bỗng dưng”. Ừ thì bỗng dưng sao đào nở sớm?.Và Ừ thì bỗng dưng sao nhớ da nhớ diết về kỷ niệm một thời dấu yêu?
Kỷ niệm đã trổi dậy khi nhân vật trữ tình nhìn thấy đóa hoa đào đầu mùa ướm trên cành lộc biếc. Nên mới “nghe như”. Cách chuyển đổi cảm giác từ “thấy” thành “nghe” của nhà thơ quả thật là điêu luyện.. “Nghe như đất lạ năm nào gặp em”. Thì ra, từ cái chuyện bắt gặp đóa hoa đào nở sớm là cái cớ để nhớ về câu chuyện: “gặp em đất lạ năm nào”. Cũng là một sự “bất ngờ” thú vị. Để cho thi sĩ bật ra câu hỏi về cổ xe thời gian phiêu du chốn chốn. Rằng có phải:
Phải rằng xe xích thời gian
Vầng dương bên ấy mọc sang bên này
Mặt trời mọc phương Đông và lặn ở Phương Tây. Chuyện đã là thế từ hằng hà sa số các năm…Làm sao có chuyện: Vầng dương bên ấy mọc sang bên này? Thế là vầng dương đã có sự hoán ngôi đổi chỗ như thế. Vầng dương bên ấy là bên nào? Bên này là bên nào? Có ai biết không? Phải chăng, là bởi cái lòng yêu say yêu đắm, yêu quên cả không gian và thời gian nên mới có sự xê dịch như thế không? Nắng hanh hoe vàng óng, bướm theo hấp lực của hoa mà trở mình dậy, trở mình bay. Cành non xanh biếc cố nở vội để kịp chào bình minh lên, kịp chào đóa hao hồng đào tươi lắm:
Nắng hoe, bướm trở mình bay
Cành non nở vội kịp ngày chào hoa.
Và tình yêu của anh, tấm lòng của “anh từ độ em qua” như chấp thêm đôi cánh thiên thần, như hoa bay, bướm lượn tung tăng vào đời. Sức mạnh của tình yêu quả nhiên vô lượng:
Lòng anh tự độ em qua
Hoa bay bướm dạo cùng ta vào đời
Lời thơ như lời kể chuyện. Cộng hưởng trong kỷ niệm nhớ tình yêu ấy là không gian thi vị, là cái bỗng dưng- cái bất ngờ khi bắt gặp hình ảnh hoa đào nở sớm. Yêu là yêu say yêu đắm. Hình ảnh “hoa đào nở sớm” là cái cớ để anh nhớ về em, về một mối tình thơ. Bài thơ thật nhẹ nhàng, những hình ảnh sinh động và những lời thơ như lời hát, nhịp thơ như nhạc điệu ngân nga…Tất cả toát ra từ tâm hồn yêu đời, yêu người, yêu thơ ca của một nhà thơ tài hoa vào bậc nhất của trường phái thơ Loạn ngày ấy ở đất Quy Nhơn.
Bài thơ: Rét đầu mùa nhớ người đi phía biển
Cái rét đầu mùa se se lạnh. Chỉ se se lạnh thôi cũng đã làm nên một câu chuyện tình yêu bằng thơ. Bài thơ vỏn vẹn chỉ có 4 câu, mỗi câu 8 chữ, nhưng 32 chữ ấy đã viết nên một câu chuyện tình yêu vừa có sắc thái miên man lạnh, vừa có sắc thái ấm áp lạ lùng:
Cái rét đầu mùa anh rét xa em 
Đêm dài lạnh chăn chia làm hai nửa 
Nửa đắp cho em ở vùng sóng bể
 Nửa đắp cho mình ở phía không em.
Khí hậu đầu mùa, thu đã trở mình chuyển sang đông, chuyển cái nóng ấm sang giá lạnh. Chỉ đầu mùa đông, nhưng chính sự chuyển động của thời tiết làm gợi nhớ rằng “anh đang rét xa em”. Sự ngăn cách đã làm cho tim anh cũng rét, thân anh cũng rét. Sự diễn tả tinh tế tình cảm cách xa nằm chính trong ngôn ngữ thơ giàu chất lãng mạng.
“Anh rét xa em”, mấy ai là nhà thơ có cách diễn tả tâm trạng như thế? Và trong cái nhớ nhung rét mướt vì xa cách ấy, tấm chăn bỗng trở thành vật chứng cho sự nhớ nhung, là cầu nối cho anh và em đắp cùng một chiếc. Và chỉ một chiếc chăn chung mà thôi, dù anh và em đang “ ở hai đầu nỗi nhớ” cách xa. Thật là khéo khi bày tỏ tình cảm nhớ thương da diết thế.
Ca dao xưa có bài Tát nước đầu đình. Chàng trai trong bài ca ấy đã tỏ tình với cô  gái một cách khôn ngoan: Áo anh sứt chỉ đường tà/ Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu/ Áo anh sứt chỉ đã lâu/ Mai mươn cô ấy về khâu cho cùng/ Khâu rồi anh sẽ trả công/ Ít nữa lấy chồng anh sẽ giúp cho…Giúp cho đôi chiếu em nằm, đôi chăn em đắp đôi trầm em đeo”. Là sự trả công là người sẽ chung chăn chung gối, và đến cả đôi: đôi chiếu, đôi chăn. Nhưng chàng trai trong “ Rét đầu mùa nhớ người đi biển”lại còn khôn khéo  hơn, tình cảm hơn khi chỉ cần đôi ta chung chăn một chiếc trong đêm dài lạnh lẽo, trong đêm dài cách ngăn…nhưng sẽ chia chăn làm “hai nửa”. Và hình như cái sự “chia làm hai nửa ” ấy đã làm cho anh và em cảm thấy ấm áp hơn, tình cảm hơn, yêu thương, chia sẻ ngọt bùi với nhau hơn:
Đêm dài lạnh chăn chia làm hai nửa
 Và hai nửa ấy, một nửa là anh đắp cho em ở vùng sông bể “mưa nguồn, gió biển” bất trắc trùng trùng, còn nửa kia, anh đắp cho mình, đang rất lạnh lùng đơn chiếc “ ở phía không em”:
Nửa đắp cho em ở vùng sóng bể
 Nửa đắp cho mình ở phía không em
Cách bày tỏ tình yêu sao thật sâu sắc và ấm nồng, dù trời đang rét đầu mùa se se lạnh và sẽ…dần chuyển sang giá buốt…”Nửa đắp cho mình”, nghe đã xót lòng, nhưng tự  đắp cho mình “ở phía không em” lại càng xót lòng hơn.
Bài thơ thật ngắn, thể thơ 8 chữ có nhịp điệu như lời tâm sự. Và lời tâm sự ấy, bằng những ngôn từ giản dị, nhưng có sức nặng lan tỏa,  đã truyền đến trái tim người đọc một thông điệp: yêu nhau chia ngọt sẻ bùi” thật đáng trân trọng. Như nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công sơn đã từng hát rằng: Hãy yêu nhau đi, cho rừng xanh lá… Hãy yêu thương… hãy yêu thương bằng tất cả tấm lòng… như chàng trai trong “Rét đầu mùa nhớ người đi biển”.
Thơ là tiếng nói của cuộc sống dội vào nội tâm của thi nhân. Mỗi nhà thơ có một phong cách thể hiện khác nhau tùy thuộc vào đời sống của họ và của thời đại. Điệu hồn của cá nhân nhà thơ thể hiện qua giọng điệu thơ của họ. Và tất nhiên,  có sự tác động của nhịp điệu đời sống. Là nhà thơ mang tâm hồn cực kỳ nhạy cảm, Chế Lan Viên thích ứng rất nhanh nhạy với các tiến bộ trong nghệ thuật
Với nhà thơ Chế Lan Viên, cuộc đời thơ của ông phản ánh chận thật cái tôi của đời sống cá nhân: sáng tạo, đa sắc thái, đa giọng điệu, luôn tìm tòi nét mới cho thơ. Chế Lan Viên đã sống trọn cuộc đời cho thơ ca với nét tài hoa vào bậc nhất. Là nhất trụ trong tứ trụ của “ Bàn thành tứ hữu” vang vọng trên văn đàn Việt Nam, có những đóng góp cho Văn học Việt Nam. Và “là bậc thi hào mà những sáng tạo nghệ thuật chưa có hồi kết.
Tài liệu tham khảo:
1/ Nguyễn Đăng Điệp (2002) - Giọng điệu trong thơ trữ tình - Văn học.
2/ Đoàn Trọng Huy (2014), Chế Lan Viên - độc đáo một tiếng thơ giàu sắc điệu, Văn học và ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH-NV tp. HCM
3/ Nguồn: wikipedia.org/.
31/1/2020
Nguyễn Thị Liên Tâm
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cái Sống Ở khu phố tôi trưa trưa thường có chim bay. Chim đây là bồ câu. Bay từng đoàn đông đảo. Bay cả buổi trưa. Xem ra không phải v...