Thứ Năm, 25 tháng 5, 2023

Những cũ kỹ bất chợt

Những cũ kỹ bất chợt

Sau hai ngày rưỡi đứt liên lạc vì bão lụt, nhà nào cũng reo òa lên: Có điện! Thói quen trong đời sống ghê thật. Thường thì điện thoại cứ nhè lúc cúp điện mà hết pin. Vừa cắm sạc đã nghe chuông reo, bạn bè, người quen hỏi thăm, mưa bão hư hao gì không, nước ra khỏi nhà chưa…
Ừ, vẫn như mọi năm, vừa dọn xong bùn non trong nhà, đang lo sân vườn, ngoài ngõ. Nghỉ chờ nước rút thêm, mở mail, cùng lúc 2 truyện ngắn của 2 cây bút nữ gửi, nhờ đọc… Cả hai truyện ngắn của những bạn trẻ đang viết có nét riêng và hay này đều vin tựa vào thời gian để gửi gắm tâm trạng các nhân vật nữ. Thời gian là khái niệm vừa cụ thể vừa mơ hồ, luôn ám ảnh đời người huống chi người cầm bút. Nhưng thường, “qua bên kia sườn dốc cuộc đời” người ta mới chiêm nghiệm về thời gian. Thường ví “xưa như trái đất” để nói sự cũ kỹ, vậy mà các bạn viết trẻ vừa sớm chững chạc đã đưa nỗi giăng mắc tâm trạng vào bóng thời gian không cũ.
Lê Hoài Lương
Cũng như, sau cơn bão số 12, miền Trung gánh chịu thêm mấy cuộc ảnh hưởng bão 13, 14, 15 dai dẳng mưa dầm, nước lui ra khỏi nhà nước lại vào mấy bận, cánh đồng cứ trắng lăng nước, nhà nông mỏi lòng chờ, mãi đến nửa tháng 11 âm mới xuống giống. Hôm nay cánh đồng trước nhà vừa kịp nhu nhú xanh, òa lên cảm giác mới mẻ rất ngàn năm qua. Có lẽ thời gian là người thầy vĩ đại nhất của sự nhẫn nại. Và may sao, lòng người cũng hồn nhiên vui buồn cùng những lặp lại đều đặn và tẻ nhạt ấy. Bởi, thời gian còn kỳ diệu khi cho con người cơ hội để hy vọng, mơ ước.
Nên xuân đi xuân lại biết bao xuân, lòng người vẫn nhiệt thành “tống cựu nghinh tân”. Trẻ nhỏ lớn lên từng năm từ những bộ quần áo mới. Người lớn bao lần còn chúc nhau những điều đẹp đẽ nhất “Năm mới, chúc…”. Bàn thờ gia tiên mỗi nhà lại trưng bày vật lễ ấm nồng mừng đón ông bà, cha mẹ về đoàn tụ trong thành kính “mừng tuổi” của con cháu. “Thác là thể phách, còn là tinh anh”, nếp nghĩ, lòng thành này là vẻ đẹp của nguồn cội.
Năm nay, giao thừa Tết Tây ở Quy Nhơn có phần học từ… Tây: đồng hồ đếm ngược. Cũng hay, một hiệu ứng cộng đồng rất lớn cho niềm vui đón chào năm mới. Chưa thay được Tết truyền thống nhưng trong mỗi người, cảm giác “tống cựu nghinh tân” luôn sẵn. Cùng đếm nhé…, và chúng ta đã bung bỏ lớp áo cũ khoác lên hồn mình một “happy new year”, cái khoảnh khắc vỡ òa niềm vui và hy vọng. Giao thừa nào cũng đã muôn năm cũ nhưng vẫn cứ mới. Như cây cỏ, con người rồi sẽ già đi. Mà không cũ. Mỗi một lớn lên rồi già đi đều mới. Trẻ con có áo mới, có tiền lì xì, con gái rồi rực rỡ thiếu nữ, rồi trưởng thành, lớn lao việc làm mẹ, rồi làm bà… Hồn nhiên thiên thần trẻ nhỏ đẹp, thiếu nữ dạt dào mơ ước đẹp, người mẹ người bà đẹp và cao quý thiên chức nữ. Con trai, đàn ông cũng vậy. Chuỗi đời người ấy chỉ mỗi người một lần được cảm nhận trong đời. Nên mới, luôn mới.
Ngay những vấn đề khoa học vẫn chưa thể cùng tận, rốt ráo. Nguồn gốc loài người chẳng hạn. Không bàn cách lý giải của tôn giáo, cả trăm năm qua nhân loại tin vào “Học thuyết tiến hóa” của S. Darwin, rằng loài người là từ loài vượn người tiến hóa mà thành. Và rằng, gen của vượn người và người trùng đến 98%. Trùng đến cỡ đó còn gì. Một số nhà khoa học cho rằng con sứa hay quả dưa hấu cũng có 98% là nước, nhưng 2% còn lại mới quyết định sứa và dưa. Người ta buộc phải chứng minh, truy tìm trong khảo cổ một loài chuyển tiếp. Vì cốt lõi của “thuyết” là “tiến hóa” mà. Đây là mấu chốt vấn đề. Và bao hóa thạch đã liệt kê dãy dài, trong đó có người chuyển tiếp niên đại đến cả triệu năm… Và mới đây, trong các dãy “cận” người ấy, người ta xác quyết một hóa thạch là người thật, còn một khởi phục hồi từ một cái răng, đích thị là của lợn rừng! Có thể người ta nhầm, cũng có thể một trò lừa khoa học: Con người khao khát tìm biết mình xiết bao!Vậy là vẫn chưa tìm ra người chuyển tiếp: Học thuyết về nguồn gốc loài người vẫn khuyết một mắt xích quan trọng. Mọi thứ cứ còn là thách đố tự ngàn năm không dễ có lời giải…
Chao ôi, cũ như người nguyên thủy, người chuyển tiếp vẫn mới toanh thách thức. Nguồn gốc loài người vẫn cứ bí ẩn. Đời người hữu hạn vẫn mênh mông một câu hỏi xưa cũ.
30/11/2019
Lê Hoài Lương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bùi Giáng - Thi sĩ của mùa xuân vĩnh cửu

Bùi Giáng - Thi sĩ của mùa xuân vĩnh cửu Bùi Giáng có một mùa xuân vĩnh cửu, bởi đơn giản chính ông tự xưng mình là “trung niên thi sĩ”. T...