Thứ Năm, 11 tháng 5, 2023

Rộng dài và xanh biếc Trường Sa

Rộng dài và xanh biếc Trường Sa

Tôi may mắn được đọc bài thơ Viết cho Trường Sa của Hoàng Thanh Hương trên Tạp chí Văn Nghệ Gia Lai, số 3/2019. Bài thơ không hiện đại,  cách tân về thi pháp thể loại và ngôn từ, nhưng đã để lại trong tôi những ấn tượng chân thật về hiện thực và con người mà tác giả là chủ thể vừa thể hiện cái tôi trữ tình ngôi thứ nhất của chính mình, vừa thể hiện cái tôi trữ tình nhập vai vào người lính và hoàn cảnh để tâm tình, chia sẻ. Bài thơ làm hiện lên mối quan hệ tình cảm không chỉ giữa tác giả với những người lính đảo mà cao hơn chính là mối quan hệ giữa người lính đảo và những người thân của họ nơi đất liền đang tiễn biệt, hướng về nhau da diết, thương yêu.
Nhà thơ Hoàng Thanh Hương
Xuất xứ bài thơ được tác giả trải nghiệm và xúc động sáng tác trong chuyến công tác theo tàu Trường Sa 571 của Lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân đi thay thu quân, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa.
Cảm giác ngỡ ngàng đầu tiên hiện ra trong tâm tưởng và xôn xao thị giác của tác giả là các hòn đảo Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca, Đá Thị, Đá Nam, Song Tử… Những cái tên tạo thành quần đảo quen thuộc trong sách vở mà ngỡ ngàng trong ánh nhìn trực quan lần đầu tiên chiêm cảm của nhà thơ nơi trùng khơi bát ngát của biển trời Tổ quốc muôn đời, tạo thành xúc cảm thiết tha, luyến lưu, nồng ấm:
Em đã đến những Sinh Tồn, Song Tử
Nam Yết, Sơn Ca, Đá Thị, Đá Nam
Ngày tháng hẹp bỗng chừng như dài rộng
Giữa những thương yêu, lưu luyến, ấm nồng.
Có lẽ xúc động nhất là trên chuyến tầu ấy có biết bao người lính biển đang phải bâng khuâng chứng kiến bao nhiêu người vợ, người yêu và con thơ của mình đang dứng trên bờ tiễn mình ra đảo với ánh mắt buồn đẫm lệ và những cánh tay vẫy chào cho đến khi con tầu xa hút giữa trùng khơi, chỉ còn một chấm xanh hy vọng “Giữa những thương yêu, lưu luyến, ấm nồng”. Đến đây, tôi chợt liên tưởng đến bài thơ Không đề của Nguyễn Bính cũng tả cảnh tiễn biệt của kẻ ở người đi, nhưng trong hoàn cảnh khác: “Hôm nay dưới bến xuôi đò/ Yêu nhau qua cửa tò vò nhìn nhau/ Anh đi đó, anh về đâu/ Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…”. Người con gái đứng trên bờ nhìn con thuyền mang người yêu dần xa hút, đến khi chỉ còn nhìn thấy thấp thoáng một chấm nâu giữa biển xanh vô định: “cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…”.
Đến đảo là đến với sự sống và sự sinh tồn khác, đến với kinh nghiệm quan hệ người khác, mang ý nghĩa nghiệm sinh và triết mỹ hơn. Mọi nhỏ nhặt tầm thường tan biến để nhường cho mọi bí ẩn tươi non sinh nở. Chỉ có con người và cảnh vật lồng vào nhau trong cảm quan sinh thái thiên nhiên và nhân văn tương hợp. Tác giả đã liền cảm nhận điều đó một cách cụ thể và chân thật:
Đêm đảo xa nghe dặt dìu câu hát
Rằng người ơi người ở đừng về
Hoa bàng vuông như từng đóm lửa
Thức nở cùng anh lính gác canh khuya.
Đảo và người lính trở thành những biểu tượng của sự sống và sự bất tử mà lá cờ Tổ quốc là hình tượng cụ thể nhất của tinh thần dân tộc và ý thức  bảo vệ toàn vẹn lãnh hải thiêng liêng của người chiến sĩ hải quân nhân dân:
Em đã đến những đảo chìm đảo nổi
Giữa biển khơi muôn sóng trập trùng
Cờ Tổ quốc căng bay trên cột mốc
Anh giữ biển trời cho em những bình minh.
Người lính đảo cách ly với đất liền, cách biển mấy ngày sông, nhưng họ không cô đơn và càng không cô độc. Vì người lính đảo thường trực trong lòng mình bao hình ảnh thân thương, cao hơn, người thân nơi quê nhà là điểm tựa tinh thần cho từng sinh mệnh người lính, mà tiếng còi tàu là âm thanh  nhắc thức ngày đêm để thường trực trong họ tình yêu Tổ quốc kỳ diệu:
Nơi bốn phía mênh mông sóng nước
Đêm mơ về hương tóc người thương
Nhớ màu mắt ngày tiễn anh ra đảo
Tiếng còi tàu nhói thức đã bao đêm.
Trường Sa mãi rộng dài và xanh biếc trong tâm thức mọi người. Đến đây, Hoàng Thanh Hương đã một lần nữa nhập hồn vào những người lính đảo để từ tình yêu con người cụ thể vươn đến tình yêu Tổ quốc rộng dài, không phải chỉ riêng mình mà chính là của cả mọi người khi hướng về Trường Sa yêu dấu. Yêu một người là để yêu mọi người, yêu biển trời dài rộng của mình đây là cách nói khái quát, hội tụ của tác giả để khẳng định những điều lớn lao, cao đẹp khác:
Em đã yêu một người lính biển
Em yêu quê hương Tổ quốc rộng dài
Máu đã đổ giữa trùng khơi muôn sóng
Cho biển trời xanh thắm hôm nay
Trong bút ký Ngọn sóng khơi xa của mình, in trên Tuần báo Văn nghệ của Hội nhà văn Việt Nam, số 11 (16/3/2019), Hoàng Thanh Hương cũng đã chân thành tâm sự: “Chúng tôi rời đảo về đất liền đem theo nỗi thương nhớ Trường Sa chập chờn trong từng giấc ngủ, với bao khuôn mặt thân thương nhòa trong màu hoa muống biển tím rưng rưng giữa nước trời xanh biếc, những cái xiết tay thật chặt, những choàng ôm thắm thiết rồi vội vàng quay đầu đi giấu giọt nước mắt lưu luyến mỗi khi chia tay nhau nơi cầu cảng… Những bàn tay cứ giơ lên vẫy mãi, những ánh mắt căng lên hướng về nhau như muốn thâu lại trọn vẹn những dáng vóc mới gặp mà đã như hóa thân quen”. Bài thơ Viết cho Trường Sa của Hoàng Thanh Hương đã đọng lại trong lòng người đọc bằng tình cảm và suy nghĩ giản dị, nhưng không giản đơn, trái lại, nó là tiếng nói thi ca phản ánh đúng những gì mà người lính đảo suy nghĩ và mọi người suy nghĩ. Và chính nhà thơ đã cảm xúc và suy nghĩ như thế!.
Vỹ Dạ - Huế, 4/4/2019
Hồ Thế Hà
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...