Thứ Năm, 11 tháng 5, 2023

Thơ Trần Hoàng Vy viết cho thiếu nhi

Thơ Trần Hoàng Vy viết cho thiếu nhi

Đọc thơ viết cho thiếu nhi của Trần Hoàng Vy, tôi thấy anh đã sử dụng nhiều yếu tố của thi pháp ca dao, đồng
dao để viết được những bài đồng dao mới rất hay…
Nhà thơ Trần Hoàng Vy
Thơ viết cho thiếu nhi rất khó. Bởi thế, trong số các nhà thơ hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam có được mấy người thành công trong sự nghiệp sáng tác dành cho thiếu nhi (!). Người ta thường nghĩ rằng, một tác phẩm viết cho thiếu nhi, trước hết phải có tính giáo dục. Điều này là một thuộc tính của văn học thiếu nhi, nhà thơ trước hết phải là nhà giáo dục. Tất cả những gì thuộc về “cái tôi” trong thơ trữ tình đều phải nhường chỗ cho “Cái trẻ con” trong thơ thiếu nhi. Nhà thơ trữ tình buông thả hồn thơ trong mọi nẻo đường cảm xúc thì nhà thơ viết cho thiếu nhi phải tự trói buộc với trẻ. Nhà thơ phải nhập thân vào trẻ, cảm nhận hiện thực như trẻ, nói tiếng nói của trẻ, sống trong thế giới thần thoại của trẻ; nhưng đồng thời nhà thơ phải đứng ngoài trẻ, tỉnh táo và có trách nhiệm dẫn dắt trẻ; và trên hết, nhà thơ vẫn phải là nhà thơ, tức là người sáng tạo cái đẹp bằng ngôn từ. Cho nên viết cho thiếu nhi, dù là thơ có mục đích giáo dục, thì thơ vẫn phải là thơ, và là thơ hay, thiếu nhi cũng hấp dẫn với cả người lớn. Ôi, làm thơ cho thiếu nhi khó biết bao nhiêu! Tôi tự hỏi,  Nhà thơ Trần Hoàng Vy đã vượt qua cái khó trở thành nhà thơ của trẻ như thế nào?
1. Nhà thơ – nhà giáo dục
Tất nhiên nhà thơ không phải là nhà giáo. Bởi nhà giáo là người có nhiệm vụ giáo dục trẻ theo mục tiêu, chương trình, sách giáo khoa, phương pháp sư phạm ở trường. Nhà thơ giáo dục trẻ bằng cái đẹp của thơ ca. Thiếu phẩm chất này thơ viết cho trẻ không có chỗ đứng. Thực ra, tự thân văn chương đã mang chức năng giáo dục. Nhưng nhà thơ đem đến cho tâm hồn trẻ cái đẹp, sự khám phá cái đẹp, từ đó hình thành nên những phảm chất và giá trị nhân văn nơi trẻ.
Tập thơ 98 bài thơ thiếu nhi hướng đến các cháu tiểu học, lứa tuổi mà tâm hồn còn rất trong trắng, lứa tuổi đang sống trong thế giới thần thoại, cổ tích, con người và vạn vật cùng một bản thể. Các cháu vui chơi với vật nuôi, với cỏ hoa, với thiên nhiên như vui chơi với người. Thơ ca thông qua đó để dạy cho trẻ tri thức xung quanh, dạy cho trẻ những phẩm chất nhân bản, hình thành cho trẻ những truyền thống dân tộc, gúp trẻ tiếp cận với thế giới hiện tại. Thơ Trần Hoàng Vy nói những điều như vậy thật tự nhiên, hấp dẫn và mới lạ.
Ở phố chẳng bao giờ thấy khói
Khói cơm chiều như khói ở quê
Ờ phố toàn mái tôn, mái ngói
Đâu mái tranh nghèo khói tỉ tê?
Nhớ khói, căn bếp của bà ấm
Gió mùa đông xao xác phên gầy
Màu khói ám, củ khoai lang nóng
Cứ lan dần trên những ngón tay…
Cháu xa quê, lần về thơ thẩn
Ngắm khói, ngắm tóc bà như mây
Sợ khói bay, sợ bà… đi mất
Nên chụp ảnh bà giữa khói cay…
(Khói bếp)
Tôi đọc bài thơ mà lòng bồi hồi xúc động nhớ lại hình ảnh bà tôi ngày xưa ở quê nghèo, và chắc chắn bạn đọc nào ở quê, đã từng được bà yêu thương chăm sóc, không thể không lặng người đi trước những tứ thơ tuyệt hay. Bài thơ vừa là tâm trạng, vừa là câu chuyện của cháu một lần về thăm bà; quan sát tinh tế, kể tự nhiên và bày tỏ chân thành. Đằng sau những yếu tố của cấu trúc thi ca là cái đẹp của tình bà, là sự khám phá cái đẹp trong khói bếp, là ngôn ngữ trần thuật sắc nét, có sức làm bùng nổ cảm xúc và lay động sâu xa trái tim bạn đọc. Bài thơ chứa đựng một thông điệp tế nhị. Hãy giữ lấy cái đẹp ấy, hãy giữ lấy tình cảm thân thương ấy dù cuộc sống thành thị có là mất đi bao điều tinh tế quý giá của tâm hồn Việt.
Trần Hoàng Vy giúp các cháu khám phá nhiều vẻ đẹp của tình gia đình và thông qua đó là những bài học nhẹ nhàng thấm thía.Tiếng ve nhắc cháu về thăm ông (Cám ơn tiếng ve), Ông thay bà đón cháu ở nhà trẻ, lỉnh kỉnh mọi thứ, nhưng cũng là đầy ắp tình thương (Ông đi nhà trẻ). Ông thay cô giáo giải đáp cho cháu những điều trái ngược mà cháu không hiểu, chẳng hạn tại sao trâu thì biết bơi, còn bò thì “Qua sông không được/ cứ kêu ụm bò…”( Ông ơi). Điều này chắc chắc các cô giáo ở thành phố không thể trả lời cho cháu được. Ông cũng dạy cháu những bài học từ cổ tích, thật giản dị cụ thể :”Gieo gió thì phải gặt bão/ Tham tàn phải gặp tai ương/ Làm người hiền phải thử thách/ Người tài phải lắm gian nan”(Cổ tích).
Hình ảnh người cha, người mẹ cũng được khắc họa ấn tượng trong tâm hồn trẻ qua những sinh hoạt đời thường: Bố làm con ngựa, Quà của ba, Con dế của bố, Sợi tóc bạc của mẹ, Dê con quỳ bú mẹ. Có khi chỉ một chi tiết rất nhỏ cũng đủ giúp trẻ nhận ra bao nhiêu tình yêu thương của mẹ.
Vở mới thơm giấy mới
Nắn nót mẹ đề tên
Bé bắt đầu lớp mới
Chăm ngoan nhé đừng quên
(Quyển vở mới)
Trần Hoàng Vy cũng dành nhiều bài rất hay nói với các cháu về tình quê hương, tình người, tình yêu tổ quốc: Quê hương, Nhớ Quê, Chợ quê, Chợ tết, Hồ Dầu Tiếng, Sông Vàm Cỏ, Hoàng sa, trường sa (Đảo), “ta phải đòi đảo ta”.Người hành khất, Dì lao công, chú phi công (Đu quay), cô giáo (Cô giáo bệnh, Tóc cô)
Những buổi bình minh nhuộm đỏ
Con thuyền đưa trẻ qua sông
Mái chèo vỡ đôi hạt nắng
Đến trường con chữ bềnh bồng
Buổi trưa vó đăng lộng gió
Lục bình xanh ngắt ven sông
Con cá quẫy mình trong vó
Dòng sông sóng vỗ phập phồng…”
(Sông Vàm cỏ)
Những chi tiết đời thường vào thơ thật tự nhiên, dung dị, nhưng dưới ngòi bút tài hoa của Trần Hoàng Vy, chúng hiện lên là những hình ảnh thơ tuyệt đẹp: lục bình xanh ven sông, con cá quẫy trong vó, những cần vó, bè đăng vươn lên trong nắng gió, con thuyền đưa trẻ qua sông…. Tứ thơ này thì khó có nhà thơ nào khác vượt được Trần Hoàng Vy khi viết về sông nước:”Con thuyền đưa trẻ qua sông/ Mái chèo vỡ đôi hạt nắng”.Tôi cũng đã nhiều lần có mặt trên những con đò chở học trò qua sông buổi sáng có nắng lấp lánh trên sông, nhưng chỉ thấy mũi con đò rẽ sóng, rẽ vầng mặt trời long lanh dưới nước, chưa thể nhận ra điều thú vị này của “Mái chèo vỡ đôi hạt nắng” trên sông. Đó là cái đẹp và là những giá trị chỉ có thơ ca mới có. Vì thế dù cuộc sống có thế nào thì nhà thơ vẫn lừng lững diễm tuyệt trong không gian và thời gian, bởi vì nhà thơ giúp ta nhận ra cái đẹp mật ngay trong cái đời thường.
2. Những bài học từ thiên nhiên
Thơ viết về thiên nhiên, hoa trái, mùa màng là một mảng rất hay của Trần Hoàng Vy. Nếu so sánh với thơ thiên nhiên của thơ cổ điển, cùa thơ Lãng Mạn (1930-1945) và ca dao viết về thiên nhiên, bạn đọc sẽ nhận ra chỗ độc đáo thơ thiên nhiên Trần Hoàng Vy viết cho trẻ.
Trần Hoàng Vy giúp các cháu học biết về sự vật xung quanh, nhưng cũng đồng thời khơi gợi trong các cháu cảm thức về cái đẹp trong thế giới thần thoại. Đó là chỗ sâu xa của giáo dục nhân bản. Nhiều bài thơ có thể làm cả bạn đọc người lớn kinh ngạc về vẻ đẹp của thiên nhiên sự vật mà ta đã có lần bắt gặp đâu đó.
Cánh sen khép cửa
Che nhụy, che hoa
Mưa qua lại nở
Hương se chan hòa
Có con ếch cốm
Che dù lá sen
Làm lăn hạt nước
Tưởng đêm lên đèn
Cao giọng học bài
Ộp à ộp ộp
Sau khi cho trẻ nhận biết về sen, nhà thơ cho trẻ thưởng thức cái cái đẹp hương sen. Bài thơ về sen chưa có gì đặc biệt. Câu chuyện phát triển bằng một tình huống bất ngờ. Đó là sự xuất hiện của con ếch cốm dưới lá sen. Có lẽ con ếch xoay mình làm rung rinh lá sen, và hạt nước trên lá sen lăn qua lăn lại. Và Tứ thơ độc đáo sáng lên:” Có con ếch cốm/ Che dù lá sen/ Làm lăn hạt nước/ Tưởng đêm lên đèn”. Nhân tiếng ếch kêu ồm ộp, nhà thơ nhắc nhở các cháu việc học bài.
Bìa sách 98 bài thơ thiếu nhi của Trần Hoàng Vy, Nxb HNV 2015
Tập thơ còn có nhiều bài về các loài cây, loài hoa trái: Cây dừa, cây chuối, rừng sim, Hoa mai, chùm phượng sớm, bằng lăng, hoa gạo đỏ, Hoa cỏ hôi, Hoa dã quỳ, Thạch thảo, Lộc vừng, Quả thanh trà, quả mít, Hoa mồng gà, Hoa lan hài, đóa sen, Hoa đồng tiền. Thơ về bốn mùa, mưa nắng có nhiều bài hay, để lại những ấn tượng sâu nặng nghĩa tình: Tháng Ba, Nắng thu, Mưa, Mong mưa, Mùa xuân, Ngựa gọi xuân…
Lúa đồng mỏi mắt mong mưa
Sợi dây lang rũ ngọn lưa thưa gầy
Lá nằm thiêm thiếp trên cây
Bụi gai xấu hổ giăng đầy lối qua
Trở mình tiếng sấm thật xa
Ông mây còn mãi tà tà rong chơi
Giữa trưa đang nắng, mưa rơi
Trẻ con réo gọi, mưa rời rạc buông
Mong mưa lũ trẻ … tắm truồng
Ngàn cây thức dậy, đổi buồn làm vui
(Mong mưa)
Bài thơ nói được nỗi lòng người dân quê trong cơn nắng hạn. Hình ảnh thơ cực tả những cơn nắng làm héo rũ lòng người:” Sợi dây lang rũ ngọn lưa thưa gầy/ Lá nằm thiêm thiếp trên cây/ Bụi gai xấu hổ giăng đầy lối qua”. Phải là nhà thơ gắn bó cả đời mình với đồng quê mới có thể viết được những câu thơ hay xót ruột đến thế, và hẳn nhiên, những tứ thơ này cũng có sức gợi trong lòng trẻ tình yêu thương với cuộc sống ở quê.
Trong thế giới tâm hồn trẻ thơ thì loài vật là gần gũi và đông đảo nhất. Trần Hoàng Vy cũng có nhiều bài thơ hay khám phá cái đẹp của thế giới loài vật. Nhạc khúc vườn, Dàn kèn ếch, Ban nhạc đêm và Hòa âm vườn là những bài thơ khá tuyệt (tuy nhiên, chỉ những bạn đọc đã sống ở miền quê mới thưởng thức được cái diệu kỳ của thơ).
Bắt đầu tiếng trống Uềnh Oang
Vĩ cầm của Dế, tiếng đàn của Ve
Nhạc đêm trình diễn… sau hè
MC… cậu Cóc tiếng nghe đều đều
Vạc Sành tiếng hát rất phiêu
Con Xiển Tóc vỗ…cánh điều hoan hô
Fan là chuối với tần ô
Lá trầu, bụi xả, chậu ngò, rau răm…
(Ban nhạc đêm)
Máy lạnh là …lá rì rào
Trưa hòa âm bước lạc vào vườn mơ
Ve kim lảnh lót bất ngờ
Tiếng con dồng dộc lay bờ tổ rơm
Chim sâu lích chích thử đờn
Giọng chiền chiện giống tiếng hờn Nam ai
Em nằm trên võng lắng tai
Dòng sông gió chảy trượt dài vào mơ…
(Hòa âm vườn)
Hai bài thơ này giới thiệu với các cháu nhiều loài vật của vườn quê, ban ngày cũng như ban đêm. Và nếu chỉ đem đến cho các cháu tri thức về thiên nhiên quanh mình như vậy cũng đã đủ cho mục đích giáo dục. Nhưng nhà thơ Trần Hoàng Vy còn đem các cháu vào thế giới âm nhạc với khả năng thẩm âm và thưởng thức âm nhạc rất tinh tế. Trong dàn đồng ca hợp xướng của muôn loài, thanh sắc của từng nhạc công vẫn hiện lên thật mượt mà, độc đáo và ấn tượng. Tiếng con dồng dộc lay bờ tổ rơm/ Chim sâu lích chích thử đờn/ Giọng chiền chiện giống tiếng hờn Nam ai…”,” Fan là chuối với tần ô/ Lá trầu, bụi xả, chậu ngò, rau răm…”. Thế giới thiên nhiên của muôn loài hiện lên thật kỳ thú.
Và không chỉ có Dàn kèn ếch, Ban nhạc đêm và Hòa âm vườn, trong 98 bài thơ thiếu nhicòn nhiều con vật khác, mỗi con vật lại đem đến một điều thú vị riêng. Con vạc sành “Như chiếc lá… dán trên tường”, hải âu giữ biển. Con vịt, con cún, gió, bưởi, bòng vui ơi là vui khi mưa đến (Mưa sớm). Chim bói cá lẫn trong lá xanh, vút một cái mỏ đã xâu được cá. Con vện, mèo khoang, con gà tre ngây ngô biết bao trong những trò tinh nghịch. Hình ảnh con dế đi lạc thật đáng thương. Con gấu ở sở thú lại gợi cho các em nhiều bài học vệ sinh, đom đóm bay đêm lại là hình ảnh đóm đi học, thắp sáng quê hương (Đom đóm đi học), Con diều hâu gợi bài học lòng yêu thương đối mặt với cái ác. “Tiếng cu gáy” là một bài thơ về đồng quê đẹp xôn xao mùa thu, đầy màu sắc, ánh sáng và âm thanh của một vùng quê thanh bình.
Cúc cù cu… cúc cù cu
Tiếng con cu gáy gọi thu trở mình
Chợt vàng đồng ruộng lúa xinh,
Mùa đang mẩy hạt, uốn mình giăng câu
Tiếng con cu gáy hồi lâu
Xôn xao gió, nắng trên đầu vàng hoe
(Tiếng cu gáy)
Tập thơ cũng có những bài thơ hướng trẻ từ thiên nhiên đến đời sống xã hội. Nhà thơ đem đến cho trẻ nhiều bài học thú vị. Cháu sẽ nhặt lá cây mai ngày nào để mai nở hoa đúng dịp tết (Chim chính, bé và lão mai). Một vỏ ốc biển tưởng như vô ích lại trở thành giá trị trong bàn tay con người (Vỏ ốc biển). Ngôi sao trên biển cũng là ngôi sao trên mũ, thức cùng chú hải quân (Ngôi sao). Xóm giã bàng gợi ra nhiều suy nghĩ về những con người lao động. Cái đồng hồ nhắc nhở về giá trị của thời gian đối với đời người. Nuôi heo đất để ủng hộ ngư dân (Em nuôi con heo đất).Chiếc xe đạp con lại dạy các cháu sự cẩn thận và lòng nhân ái. Câu chuyện của ông cháu trên xe buýt tưởng đã rất quen, nhưng nhà thơ cũng khám phá thêm những giá trị nhân văn mới (Trên xe bus). Biển nhắc bài học đừng xây nhà trên cát. Đồ chơi công nghệ (Cái Ipad) cũng thấm thía bao tình cảm gia đình.
3. Thơ viết cho trẻ
Nhà thơ Trần Hoàng Vy đã có nhiều tác phẩm đặc sắc viết cho thiếu nhi, đồng thời anh cũng đạt nhiều giải thưởng từ địa phương tới trung ương. Vì thế, viết về thơ của anh mà nói chuyện khen chê, tôi nghĩ, chắc anh chỉ cười (!). Tôi chọn cách chia sẻ với anh những cảm nghĩ của mình về thơ viết cho trẻ. Biết đâu, tôi có thể hiểu biết thêm về những gì nhà thơ Trần Hoàng Vy đã đóng góp cho văn chương thiếu nhi Việt Nam.
Đọc thơ viết cho thiếu nhi của Trần Hoàng Vy, tôi thấy anh đã sử dụng nhiều yếu tố của thi pháp ca dao, đồng dao để viết được những bài đồng dao mới rất hay. Đồng dao nhiều bài dạy cho trẻ về sự vật xung quang (Cái bống là cái bống bang; Ông trăng xuống chơi cây cau; Con tôi buồn ngủ buồn nghê…), Trần Hoàng Vy cũng có những bài dạy cho trẻ về sự vật mà đồng dao không có (Nghỉ hè, trái rừng về phố, Mưa sớm, Chim chích, bé và lão mai, Tháng Ba…). Đồng dao có bài là một câu chuyện ngộ nghĩnh và đa nghĩa: Con mèo mà trèo cây cau, Con vỏi con voi/ cái vòi đi trước…Trần Hoàng Vy cũng có nhiều bài thơ kể chuyện sống động: Đom đóm đi học, Dàn kèn ếch, Khúc nhạc vườn, Người hành khất, Khói bếp, Chợ tết. Nhiều bài trong tập 98 bài thơ thiếu nhi có thể dùng hát ru như hát ru của ca dao (Tiếng cu gáy, Làm chị, Chợ quê, Cây chuối)
Đồng dao còn có những bài hát không có nghĩa nhưng có hình ảnh ngộ nghĩnh được trẻ hát trong các trò chơi như rồng rắn đi đâu, Thiên đàng địa ngục, Chi chi chành chành.
Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết trương
Ma vương thượng đế
Dắt dế đi tìm
Ú tim thằng bé
U… ập
Tôi lại ước ao nhà thơ Trần Hoàng Vy sáng tác những trò chơi và những bài đồng dao đi kèm chơi trò chơi ấy. Và nếu có thêm những bài thơ kể truyện như ca dao (Con mèo mà trèo cây cau hay Thằng cuội ngồi gốc ây đa, Cái cò các vạc, cái nông/ sao mày dẵm lúa…) thì thơ thiếu nhi của anh sẽ có nhiều cơ hội đi sâu vào thế giới tâm hồn trẻ thơ.
Nhưng ngay trong tập 98 bài thơ thiếu nhi này, tôi cũng thấy nhiều bài đáng được đưa vào sách giáo khoa cho các cháu học, vì giá trị giáo dục và giá trị thẩm mỹ rất cao. Xin chúc mừng nhà thơ Trần Hoàng Vy nhân dịp anh phát hành tập thơ.
19/12/2020
Bùi Công Thuấn
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...