Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

Sài Gòn một thời đã xa

Sài Gòn một thời đã xa

Nếu ai đã từng sống với Sài Gòn một thời gian, đủ để có những kỷ niệm vui buồn, thì chắc sẽ nhớ Sài Gòn nếu vì lý do gì đó, không còn ở nơi ấy.
Tôi đã xa Sài Gòn dễ chừng hơn hai mươi năm! Quãng thời gian đủ làm cho một đứa trẻ sinh ra, lớn lên và biết yêu thương…
Nhà văn Đặng Hoàng Thám
Mấy hôm trước tôi có việc phải lên thành phố. Và tôi đã có một buổi chiều thư thả chạy xe máy dọc theo con rạch Bến Nghé. Đường Võ Văn Kiệt thông thoáng, cây xanh bóng mát khiến người ta khó hình dung mấy mươi năm trước cặp theo con rạch này, lô nhô, cao thấp những dải nhà sàn lụp xụp vươn, lấn ra con rạch Bến Nghé nước đen sì như nước xả thuốc nhuộm! Hồi ấy, có rất nhiều ghe, tàu của bà con dưới miền Tây chở nông sản lên bán, đậu dày kín đoạn rạch Bến Nghé gần cầu Ông Lãnh.
Tôi đã từng có những lần đi theo ghe nhà lên bán trái cây ở chợ cầu Ông Lãnh. Đây là chợ trái cây đầu mối của Sài Gòn khi ấy. Tàu, ghe đậu san sát dưới bến.Tiếng người gọi nhau í ới. Tiếng chào mời, ngã giá, có cả tiếng cãi vã then thét. Tiếng ghe máy nổ xình xịch. Tất cả tạo nên một thứ âm thanh huyên náo của “chợ” như đúng nghĩa đen của nó! Điều đặc biệt là ở chợ trái cây này, dân bốc vác toàn là phụ nữ! Họ gánh, vác, khênh những giỏ hàng có trên 40kg thật gọn gàng, khẩn trương. Công việc rất nặng nhọc, Ai thấy cũng ái ngại! Khi ngoài trời vẫn còn tăm tối mù sương, đêm dần về sáng thì những “phu” bốc vác đã có mặt. Có lẽ chén cơm, manh áo, sự sống gia đình, đã oằn nặng trên đôi vai của những người phụ nữ ấy… Vì là bến thương hồ nên ở đó người ta bán cà phê, ăn uống hầu như suốt ngày đêm. Bạn có thể thưởng thức cà phê vỉa hè ngon tuyệt dưới dạ cầu Ông Lãnh.
Tôi còn nhớ ở dải phố cổ đối diện với bờ rạch Bến Nghé có một quán hủ tiếu Nam Vang thật ngon. Chủ quán là người Hoa. Ông ta hơi ốm, mặc áo xám tro cài hai hàng nút chính giữa, thường ngồi trên ghế cao ở góc quán với cái quạt giấy phe phẩy. Mọi việc đã có vợ con và người giúp việc nấu nướng, chạỵ bàn. Đèn măng-sông sáng choang, dân vãng lai, khách thương hồ sì sụp, ăn uống ngon lành. Gần đó, chợ Cầu Muối cũng thức suốt đêm đón những chuyến hàng rau cải từ Đà Lạt và các nơi về. Nhịp sống như trôi đều với nhịp thời gian…
Những ngày đi học ở Sài Gòn, vào những buổi chiều tôi thường hay xuống bến Bạch Đằng. Trên sông Sài Gòn có rất nhiều con tàu to, màu trắng, mớn nước đỏ, cờ treo sặc sỡ, ngược xuôi trông khá vui mắt. Lục bình trên thượng nguồn từng đám tản mác trôi về, nắng chiều vàng nhạt rọi xiên lên những hàng dừa liêu xiêu bên kia sông. Bên ấy là Thủ Thiêm, vẫn còn hoang sơ, dân cư thưa thớt. Bến Bạch Đằng có lẽ với tôi là nơi đông vui, náo nhiệt và lãng mạn nhất! Hồi đó “cu” nào có bồ ít ra cũng vài lần dẫn “người ấy” dạo chơi ở bến sông này. Các nàng thích nhất là những xe kem, “nghiện” tiếng “lắc rắc” của kéo cắt, nhấp khô bò cán trộn đu đủ xanh bào nhuyễn. Ôi! Món ấy không hiểu vì sao mà người ta gọi tên nó là “bò bía”, giống như cà na muối đường chua ngọt gọi là “ô mai”. Nhưng không phải ai cũng vậy, có những “cặp” luồn sâu vào những quán cà phê thanh lịch, thưởng thức nhạc nhẹ du dương, êm đềm. Cũng có đôi bạn ngồi với nhau trên băng đá công viên tâm tình mặc thời gian cứ trôi như dòng sông đêm âm thầm, lặng lẽ…
Tôi trở về Sài Gòn, nơi có một thời tuổi trẻ thân thương gởi lại nơi này. Nắng Sài Gòn vẫn đẹp, lãng mạn như ngày xưa. Và những lứa đôi, những bạn trẻ vẫn đi bên nhau, ngồi bên nhau, kể nhau nghe những chuyện buồn vui bên dòng sông lung linh ánh đèn hư ảo, khi buổi chiều vừa khép mắt, thành phố lên đèn…
8/2/2020
Đặng Hoàng Thám
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...