Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

Tập truyện Aziz Nesin 1

Tập truyện Aziz Nesin 1

GIỚI THIỆU TÁC GIẢ
Azit Nexin (Aziz Nesin), tên khai sinh Mehmet Nusret Nesin (20/12/1915-6/7/1995), là một nhà văn châm biếm nổi tiếng thế giới của Thổ Nhĩ Kỳ.
Những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống như chuyện uống trà, cưới hỏi, vệ sinh ǎn uống… qua con mắt của Nexin đều mang một ý nghĩa hài hước và thú vị bởi ông luôn có những liên tưởng hết sức độc đáo, sáng tạo. Biệt tài của Azit Nexin ở chỗ ông biết phát hiện ra những khía cạnh tức cười trong những chuyện tưởng như không có gì đáng cười, và kể lại chúng bằng giọng hài hước khiến ta không thể nín cười.
Tiếng cười trong các truyện ngắn của ông mang nhiều sắc thái khác nhau, có khi là: Cười sắc bén mạnh mẽ đã kích lớp thống trị; Cười chua chát và đau xót trước những bất công và tệ nạn quan liêu, tham nhũng đầy con người vào tình cảnh trớ trêu cười ra nước mắt; Cười dí dỏm mang tính phê phán nhẹ nhàng trước những thói hư tật xấu của con người… Song dù là tiếng cười nào đi nữa cũng đều xuất phát từ mục đích cao đẹp là mong ước cho mọi người cuộc sống ấm no hạnh phúc trong một xã hội công bằng.
XẾP HÀNG
Tôi vòng từ hiệu “Hàng nội hoá” ở phố Bachêcana sang nhà Bưu điện mới và thấy một dòng người xếp hàng dài lũ lượt. Hàng người như một cái đuôi! Mà không phải là một cái đuôi thường, đây là một cái đuôi có xoắn có nút hẳn hoi, như là một cái đuôi ngựa thồ.
Ngã tư bị nghẽn tắc. Bọn tài xế thò tay ra cửa sổ, đập thình thịch vào thành xe, càu nhàu.
– Đúng lúc này thì cấm còi! Các cậu cứ phóng qua cái đám này xem sao nào!
Còi nào cho lại được, có bắn cao xạ cũng chẳng ăn thua. Đoàn xe dùng chắn sốc gạt người để mở đường tiến lên với tốc độ mỗi mét năm phút, có khi còn ít hơn.
– Chen đi đâu thế!
– Nhìn đằng trước kia!
– Nhìn đằng sau xem!
– Đứng vào hàng đi!
– Hàng nào?
– Hàng nào chẳng được, cần gì!
– Bạn ơi, những người này không sao bỏ cho biết phép văn minh được. Chúng ta đang ở thế kỷ hai mươi. Mà thế nào là thế kỷ hai mươi? Là văn minh. Thế nào là văn minh? Văn minh thứ nhất là bom nguyên tử, thứ hai là xếp hàng. Muốn sao thì bạn cũng phải nắm được hai thứ này. Cẩn thận! Khéo bước hụt đấy!
– Không, ông bạn ơi, chưa đủ đâu. Văn minh còn là có nilông, chất dẻo, kẹo cao su. Ngoài ra xin báo cáo với ngài còn cả quần áo tắm nữa… Cẩn thận, mù à? Dẫm ngay vào chỗ chân rộp của người ta!…
– Còn lưỡi dao cạo an toàn “Gilét” thì sao? Các ngài quên à? Đã nói đến văn minh là phải nói đến “Gilét”.
– Thế còn “hu-la-húp”? Này, đừng có chen, đồ khỉ!
– Tôi biết rõ một điều: chừng nào chúng ta còn chưa biết cách xếp hàng thì chưa ra người gì cả. Ối! Lách đi đâu thế này?…
Đằng sau có người quát:
– Dẹp ra một tí! Bẩn đừng có trách!
Một người qua đường bảo bạn cùng đi:
– Đã có hàng thì phải xếp mới được! Nghe lời khuyên thông tuệ đó, tôi cũng đứng vào. Thật ra là thế này: Chỉ cần anh dừng lại một cái là đằng sau có một hàng nối ngay lập tức.
– Lạy trời phù hộ cho cái người đã nghĩ ra xếp hàng!
– Đừng quên tắc xi đấy nhé! Xếp hàng là một, tắc xi là hai.
Bà lão đứng trước tôi hỏi:
– Mua gì chẳng được? Đã có hàng thì cứ xếp.
– Chắc chắn người ta sẽ bán cho một thứ gì đây.
Mấy phút sau chính người nói câu đó lại hỏi người bên cạnh:
– Cậu có biết xếp hàng mua gì không?
Rồi anh ta lại phải trả lời đúng câu hỏi đó của người khác:
– Mua gì chẳng được.
Một người nói:
– Không có hàng thì làm sao dẹp được nạn đầu cơ.
Một người khác hùa theo:
– Cái bọn đầu cơ làm chúng ta khánh kiệt! Ai nghĩ ra cái lối xếp hàng này hay thật…
Hai anh cảnh sát, một người đứng cuối, một người đứng đầu luôn miệng hô:
– Đừng ồn!
– Đứng vào hàng!
– Dẹp ra cho xe đi!
Chúng tôi bước nhau tiến lên, đúng hơn là nối nhau từng tấc đất mà tiến. Chín giờ sáng tôi có hẹn một người. Bây giờ đã gần chín giờ.
– Này ông bạn, ông đến sau tôi. Đừng có làm trò cù lần như thế!
– Có nhà ông cù lần thì có, ông bạn chí tôn ạ. Tôi đứng đây từ bẩy giờ sáng. Người này đến cũng chen lên trước, người kia đến cũng chen lên trước, tôi đã không thèm nói, nhưng xem ra không nói không được.
Một người đứng trong hàng nói:
– Cuộc đời là thế bạn ơi, không làm gì được đâu. Như tôi ăn lương Nhà nước đã hăm hai năm. Những bọn nhãi ranh hôm qua, nay đã là trưởng phòng, giám đốc cả. Ai cũng thế, cứ đến là chen lên trước…
– Xin lỗi ông, sắp bán gì thế?
– Dào, chính tôi cũng chẳng biết nữa. Đúng hai tiếng rồi, người bảo bán lốp ôtô, người bảo bán dầu hoả.
– Tôi mua lốp làm gì?
– Cái nhà cô này, thế mà cũng đòi nói! Nếu thánh Ala đã cho ta lốp thì mai đây sẽ cho ta cả chiếc ôtô.
– Liệu có bán cả bốn chiếc lốp một lúc không đấy?
– Cái đó thì không biết. Chưa ai ra khỏi hàng, có ai mà hỏi.
– Thế họ chuồn đi đằng nào cả?
– Người ta bảo ra cửa sau để khỏi chen lấn.
Đến mười rưỡi. Dòng người mỗi lúc một dài.
– Nếu bán lốp thì phải có giấy cơ đấy. Không giấy không bán cho đâu.
– Giấy nữa? Giấy của Đảng dân chủ à? Sáng danh Chúa, chứng ta đều là người dân chủ cả đấy!
– Bán dầu thì thèm vào đứng.
– Bán gì chẳng được, miễn là có.
– Dầu đựng vào túi à? ác thật, nhà có can mà không mang đi kia chứ.
– Lấy tích kê đã, rồi chạy về nhà lấy can vẫn kịp.
– Lại còn tích kê nữa cơ à?
– Cậu ở đâu mà ngốc thế? Chẳng nhẽ người ta biết cậu hẳn! Đừng có hòng!… Này, còn phải nói thế nào nữa, đừng xô anh em thế!…
– Xin lỗi anh đằng sau họ đẩy.
– Ông hiểu cho, tôi còn có việc cần…
– Việc cần!… Xem ông ấy kìa! Theo ông, những người khác đều ăn không ngồi rồi cả hay sao? Ai chả có việc. Ông cứ chờ đấy, chẳng sao cả đâu.
– Tôi xin hỏi, không biết đến trưa có mua được không nhỉ?
– Tôi nghĩ rằng… Chen đi đâu thế này? Anh muốn ngồi lên vai tôi à?
– Không kính lão tí nào. Giáo với chả dục!
– Hẳn là ông đã ngoài bốn mươi tuổi?
– Sao anh lại nghĩ thế?
– Bởi vì khi người ta ngoài bốn mươi xuân, người ta thường cho rằng trên đời không còn ai lịch sự và tử tế cả…
– Ông có biết bán gì không?
– Inxulin.
– Inxulin? Nó là cái gì thế?
– Thuốc chữa bệnh đái đường.
– Vậy tôi dùng làm gì? Của nợ!
– Người anh em gàn quá đấy! Thế nào là của nợ?
– Cứ mua đi rồi bán lại. Ông Guinút hàng xóm nhà tôi chỉ có thế mà giàu to đấy. Mua ở đây có hai đồng rưỡi mà bán được những hăm nhăm đồng.
– Các ông biết không, thế hoá ra nước nhà có lĩnh vực hoạt động mới.
– Thế ông nghĩ sao? Này, xếp hàng không phải là chuyện đùa đâu. Người ta xếp hàng mà xây được nhà đấy… Bỏ cái cùi tay ra khỏi đầu tôi đi?
– Tốt nhất là ông cất cái đầu của ông ra khỏi cùi tay tôi thì có!
– Xin lỗi, ông làm ơn cho biết người ta bán gì vậy?
– Vải thô.
– Gì nữa? Mỹ chứ còn gì. Bây giờ cái gì cũng Mỹ cả.
– Không phải vải thô đâu. Không biết cũng đòi nói. Xi măng!
Bà già đứng trước tôi nổi giận:
– Không phải vải thô, không phải muối, cũng không phải dầu hoả. Các người không nghe đài hả?
– Nghe chứ. Nhưng sao?
– Ngài thị trưởng cấm mọi thứ xếp hàng, trừ xếp hàng mua cà phê thì được. Bây giờ còn xếp hàng gì khác ngoài cà phê nữa.
Cái tin cà phê truyền như điện trong đám xếp hàng.
– Cà phê à? Hay quá nhỉ!
– Cà phê thì tôi xếp hàng hai ngày cũng được. Cứ phải là mua được rồi mới chịu đi.
– Lệnh thế này: Chỉ được phép xếp hàng mua cà phê thôi. Xếp hàng mua thứ khác thì bị trừng phạt.
Mười một giờ trưa… Chỉ còn độ mươi bước nữa là tới quầy hàng. Các rèm cửa sổ đều buông kín nên không biết bên trong làm gì.
– Người ta có bán người không?
– Mỗi người năm mươi gam.
– Đừng hòng. Mỗi người năm mươi gam thì làm sao đủ cho mọi người được.
– Được có năm mươi gam thì riêng tôi, tôi chẳng thể đứng lâu như thế này được.
– Thì cốt sao được năm mươi gam đi. Rồi sau mình cho thêm hai cân đậu vào, trộn đều lên, thế là có hai cân rưỡi cà phê hảo hạng rồi.
Một người bảo bạn:
– Này, mình quên không mang tiền, cậu đưa cho mình hai đồng rưỡi đi.
Người kia đáp:
– Được thôi nhưng không phải cho vay: cậu đưa cho mình nửa suất cà phê của cậu.
Người la, người kêu cứu, người bị chen bẹp, người đánh rơi ví, người bị lạc bạn… Tóm lại đủ mọi cảnh trên đời… Người ta xô đẩy mọi phía, chèn ép mọi phía… Cuối cùng, tôi cúi đầu xuống chui vào tấm rèm sắt hé mở.
Người bán hàng hỏi bà già trước tôi:
– Cụ mua số mấy?
– Lại còn số nữa?
– Không số sao được? Cụ ơi, mau lên hết giờ rồi. Nói đi cụ!
– Đã xay rồi à? Cháu ơi, bảo họ xay cho già mịn vào nhé. Mịn nhất ấy…
– Mịn hay không thì cũng thế thôi, cụ ạ. Chỉ còn đằng có tuyết thôi.
– Cha mẹ ơi, già này sống đến bạc đầu mà chưa bao giờ thấy cà phê có tuyết cả.
– Cà phê gì nữa? Cháu hỏi cụ mua số mấy cơ mà?
– Số ba mươi lăm. Cho già loại có nơ ấy…
– Cụ lại nói chuyện gì vậy.
– Thế không phải cháu hỏi số giầy à?
– Cháu bán mũ, cụ ơi, mũ ấy mà,..
Người bán hàng lấy mũ trong hộp ra.
– Cha mẹ ơi, già mua mũ làm gì? – bà già nói – mà lại là mũ đàn ông nữa chứ…À, mà thôi, đã xếp hàng chắc là rẻ hơn. Thôi, cứ cho già một chiếc, già mua cho thằng con trai. Bao nhiêu ấy nhỉ?
– Sáu mươi tám đồng bẩy hào ba.
Bà cụ trả tiền và lấy một chiếc mũ màu cà phê. Bây giờ đến lượt tôi. Người bán hàng nói:
– Mũ Ý đấy thưa ông, ngày mai ông không mua nổi nữa đâu. Bây giờ mua cái gì cũng thế, không phải là dễ. Ông chọn mau lên…
Đông cũng như hè, có bao giờ tôi đội mũ đâu. Nhưng nghĩ một tí, tôi quyết định rằng nếu đã xếp hàng thế này hẳn là rẻ, tôi liền mua một cái.
Người đứng sau tôi kêu ầm lên, vẻ nóng ruột, tựa hồ người ta sắp bán hết mất mũ, không còn đến lượt anh nữa:
– Cho tôi bốn chiếc đấy nhé. Một chiếc số năm sáu và ba chiếc số năm bẩy. Màu nâu hoặc màu be.
Tôi trả sáu mươi tám đồng bẩy hào ba xu và lấy một cái.
Lối ra đầu kia. Phải trèo lên một cái thang rồi đi cửa sau phố khác. Lúc ấy là mười hai giờ kém mười lăm. Mua được cái mũ rẻ tôi mừng quá quên cả mệt.
Tôi ôm hộp mũ đi cho đến chiều tối. Lúc năm giờ chiều tôi, ra bến ca nô về nhà. Đến quầy vé tôi thấy có người gọi tôi:
– Giepđét!
Tôi quay lại thì anh Buckhan – “gương lé”, bạn học cũ với tôi. Anh ta bị đuổi khỏi trường Lixê vì hạnh kiểm xấu. Tôi sẽ kể hành tung của anh ta cho các bạn nghe. Dưới chân anh ta đặt một cái gương con để ngắm đùi các cô gái. Một bữa anh ta bị phát hiện và đuổi học. Từ đấy anh ta mang biệt hiệu “gương lé”. Lâu lắm tôi không gặp anh ấy.
– A, Buckhan, xin chào! Thế nào, khỏe chứ?
– Cám ơn, cũng khá.
– Bây giờ cậu làm gì?
– Phò phạch!
– Phò phạch gì?
– Có gì làm nấy. Mình phò bọn con buôn đi bán hàng ế. Chẳng hạn hôm nay mình giúp một thằng Do Thái bán chín trăm bảy mươi cái mũ.
Nghe đến chữ “mũ” tôi đã giật mình, bèn hỏi:
– Cậu bán thế nào?
– Dễ thôi. Hàng của người ta xếp xó. Trong làng buôn ai cũng biết mình cả.
Hắn ta đến chỗ mình. Đôi bên thoả thuận hăm lăm phần trăm lãi suất. Đến ba giờ chiều mình bán hết trơn. Cầu trời phù hộ cho hắn, hắn phải trả mình tám trăm năm mươi đồng. Đáng lẽ mình được chín trăm đồng, nhưng cửa kính quầy hắn bị vỡ, thiệt hại chia đôi.
– Như vậy cậu làm sao bán được chỗ hàng ấy?
– Chỉ cần vài ba đồng là mình thuê được chừng mười lăm thằng ma cà bông. Trong nửa giờ bọn ấy tổ chức được một dãy xếp hàng trước cửa hiệu. Cũng chả đến nửa giờ đâu. Ai đi qua thấy xếp hàng cũng đứng lại. Cậu biết không, ở nước ta bây giờ người ta đâm mê xếp hàng. Mà khi xếp hàng rồi thì đuổi họ cũng không được. Sau đó thì cầu biết đấy. Như chiều nay chẳng hạn: chúng nó bán được hết mũ và đóng gọn cửa hàng. Dân chúng mua như cướp ấy. Vất vả lắm mới kìm được. Bọn ngốc nhiều lắm bạn ạ.
– Đúng đấy – Tôi liền đồng tình.
– Cậu không thể hiểu hình dung được có bao nhiêu thằng ngốc trên đời.
– Hình dung được chứ. Lại còn những thằng ngu đến mức…
Thật là vô khối giống lừa.
– Giá cậu được nhìn mặt những thằng ngốc ấy…
– Nhìn cái quái gì? Mình biết thừa rồi. Nhưng loại mũ ấy có rẻ được chút nào không?
– Rẻ gì, thứ ấy cửa hàng nào chả có.
– Mình cũng muốn xem… Không, không phải xem lũ ngốc đâu, mình muốn xem mũ ấy…
– Còn mười lăm phút nữa ca nô mới đến. Đi với mình, mình sẽ chỉ cho cậu xem mũ ấy trong các cửa hàng.
Tôi nhìn những ô kính tủ hàng mà không dám tin vào mắt mình nữa: ở đâu cũng toàn thứ mũ tôi vừa mua sáng nay. Giá đồng loạt: sáu mươi tám đồng bảy hào ba xu.
– Như thế nghĩa là đáng lẽ được mua thoải mái trong bất cứ cửa hàng nào thì bọn ngốc kia nhất thiết phải chen lấn nhau xếp hàng, huých đạp lẫn nhau, xé quần áo của nhau rồi mới mua được thứ hàng đó với giá cả đó? – Tôi hỏi giả bộ như không có chuyện gì xảy ra cả. – Trên đời này nhiều thằng ngốc thật đấy.
Ngốc khổ ngốc sở ấy chứ! Ngày mai mình sẽ đi bán điếu cho cửa hàng Grant. Lão còn ế đến hàng ngàn chiếc điếu chứ không ít.
– Điếu cũng mua à?
– Bọn ngốc ấy cái gì chẳng mua. Bán điếu cũng mua mà thậm chí đến xe điếu cũng mua hết, miễn là xếp hàng. Mình chỉ sợ độc có mỗi một điều.
– Điều gì? Sợ không đủ hàng bán. Đám người ấy phá nhà chứ chẳng chơi.
Tôi với Buckhan – gương lé trở về chỗ canô. Đến nơi anh ta hỏi:
– Cậu cầm cái gì thế?
Tôi giấu hộp ra sau lưng để anh ta khỏi nhìn thấy nhãn.
– Mua một đôi dép về nhà ấy mà. – Tôi trả lời cho qua quít.
Về nhà tôi để mũ lên bàn.
Lúc làm việc thỉnh thoảng tôi ngẩng đầu lên nhìn. Một mặt nó gợi nhớ cái xuẩn ngốc của tôi, mặt khác, nó cũng là một nguồn an ủi; thật hú vía, suýt nữa ngày mai tôi đi mua xe điếu thì sao? Biết dùng nó làm gì được?.
VÌ SAO CHÚ MÈO CÚP ĐUÔI CHẠY?
Bất kỳ việc gì cũng có cái “tại sao” của nó.
Không, câu mở đầu như thế chưa được! Phải bắt đầu bằng một câu gì nghe triết lý hơn kia! Hay thế này vậy: “Dù thế nào thì thế, sau cơn bực dọc, người ta cần phải được trở về trạng thái bình tĩnh.”
Thực ra thì câu này nghe cũng chưa ổn. Có lẽ những lời nói vĩ đại chỉ có ở miệng các bậc vĩ nhân mà thôi! Chính vì thế mà lúc nào tôi cũng thấy thương cho cái thân phận mình. Truyện nào tôi cũng bắt đầu bằng một câu đáng được lưu truyền thiên cổ. Thế mà tuyệt đối không một ai thèm coi cả tôi lẫn những lời nói của tôi ra cái gì cả! Mà bạn tưởng các bậc vĩ nhân phát ra được những câu gì đặc biệt lắm sao? Có một bậc vĩ nhân bảo: “Mùa hè nóng.” Thế là mọi người rối rít ca tụng: “Trời ơi! Chí lý biết chừng nào, sâu sắc biết chừng nào! Cái chân lý vĩ đại mà nhân loại phải tìm kiếm hàng trăm năm nay, đã được Ngài nói ra trong ba chữ!”.
Một vĩ nhân khác trước lúc tắt thở thốt lên: “Mở cửa ra!”. Người ta lại đưa nhau bình phẩm: “Chà! Cả một ý tưởng vĩ đại chứa đựng trong câu nói thiên tài! Chỉ bằng mấy chữ, nhà tiên tri đã vạch đường cho hậu thế!”
“Mở cửa ra!” Câu đó nghĩa là gì?
Muốn hiểu hết ý nghĩa thâm thúy của mấy chữ này cứ gọi là phải viết hàng núi sách! Vì thâm ý vĩ nhân muốn nói rằng…
Mà đã là bậc vĩ nhân thì Người muốn nói gì? “Này hỡi nhân loại! Đừng có ru rú trong cái xó chuồng tăm tối như bầy lừa ấy nữa! Hãy mở cửa ra cho ánh sáng kiến thức rọi chiếu vào!”
Hoặc giả Người ta muốn nói: “Hãy mở cửa ra mà nhìn thế giới! Cho ánh sáng kiến thức soi rọi vào cái đầu óc ngu dốt của các người!”
Thế nhưng cũng như tất cả mọi người bình thường khác, trong lúc hấp hối thấy khó thở, nên bậc vĩ nhân yêu cầu “mở cửa ra” cho dễ thở hơn chút. Có thế thôi!
Sau này chết đi, sang bên kia thế giới, việc trước tiên là tôi phải tìm ngay Gớt và hỏi ông:
– Người ta bảo trước lúc vĩnh biệt cõi trần, ngài có nói: “Vén rèm lên cho sáng thêm một chút!” Vậy ngài nói câu ấy là có ý sâu xa gì không?
Tôi chắc thế nào Gớt cũng mỉm cười mà bảo:
– Thật tôi có nói “Cho sáng thêm một chút” à? Chắc vì lúc đó tôi thấy mắt tự nhiên tối sầm lại, nên bảo vén rèm lên để nhìn rõ mọi người xung quanh. Thế thôi!
…Tôi đang đi trên đường. Bỗng từ ngôi nhà nọ, một chú mèo phóng như bay, rồi thoáng sau thì mất hút. Chính vì chú mèo này mà tôi cứ phải suy nghĩ mãi. Vì sao nó lại gào lên một cách thảm thiết như vậy? Bất kỳ chuyện gì, như tôi đã nói, cũng có cái tại sao của nó. Vậy thì tại sao chú mèo cúp đuôi chạy?
Đó chính là câu chuyện tôi sắp kể cho các bạn nghe bây giờ đây. Tôi sẽ thuật lại đầy đủ, theo đúng trình tự. Có điều tôi không biết nên chọn phương pháp nào cho thích hợp? Phương pháp dân chủ, từ dưới lên trên, hay phương pháp truyền thống phương Đông, từ trên xuống dưới? Nghĩa là bắt đầu từ chú mèo đến ngài Tổng trưởng, hay từ ngài Tổng trưởng xuống đến chú mèo? Không! Dẫu sao thì cũng không nên bỏ các truyền thống của ta!
Vậy thì đầu đuôi câu chuyện của chúng ta nó như thế này:
Một hôm, tất cả các báo, cứ y như là bảo nhau, nhất loạt lên tiếng công kích một vị Tổng trưởng nọ. Điều đó, làm vị Tổng trưởng hết sức đau buồn, đến nỗi Ngài không biết làm gì nữa. Mà hễ khi nào thấy buồn bực trong lòng và không biết làm gì nữa, là y như rằng ngài cho gọi ông phụ tá đến… Ngại đặt cho ông ta một câu hỏi. Ông phụ tá trả lời. Ngài lại đặt câu hỏi khác. Ông phụ tá lại trả lời rất rành rọt. Thành ra Ngài không có cớ gì để trút nỗi bực lên đầu ông ta được. Nhưng chết cái là, dù thế nào thì thế, sau lúc bực dọc, người ta cần phải được trở về trạng thái bình tĩnh! Ngài Tổng trưởng lại đọc tiếp câu hỏi thứ ba. Ông phụ tá tường trình lại cặn kẽ cách thức ông giải quyết công việc đó ra làm sao. Thế là cơn dông tố nổ ra! Không phải làm như thế! Làm như thế là không được! Hoàn toàn không thể được!… Có thể được chứ ạ! Không thể được!… Được chứ ạ! Khô… ô…ng đ.ư.ợ.c! Ngài Tổng trưởng hả lắm: thế là cuối cùng ngài đã nguôi được cơn giận. Ngài đã xạc cho ông phụ tá một trận nên thân. Bây giờ ngài mới cảm thấy bình tĩnh lại.

“Dù thế nào thì thế, sau cơn bực dọc người ta cần phải được trở về trạng thái bình tĩnh.” Nhưng ông phụ tá làm thế nào để bình tĩnh lại được? Xin từ chức à? Không được! Vì cớ gì? Ông bèn hỏi ông chánh văn phòng một câu. Ông chánh văn phòng trả lời. Ông hỏi tiếp câu nữa. Ông chánh văn phòng vẫn trả lời được. Nhưng được thì được, chứ trong lúc trả lời, ông chánh văn phòng vẫn không tránh khỏi sơ xuất. Xong rồi! Ông phụ tá cho gọi viên thư ký đến.
– Viết đi! Ông ra lệnh cho người thư ký.
Ông phụ tá đọc cho người thư ký chép một lúc lâu và thấy cơn giận nguôi dần. Lạy trời! Giá ông không trút bỏ được nỗi bực thì ruột gan ông đến vỡ tung ra mất! Rồi cả gia đình ông cũng vì thế mà mất hết bình tĩnh, sẽ quay ra cáu gắt nhau mất!
May lắm! Nhưng còn ông chánh văn phòng thì biết làm sao đây? Làm sao đây? Làm sao ông có thể ngậm viên bồ hòn ông phụ tá vừa tặng ông mà lấy làm ngọt được! Ông bèn ấn nút chuông:
– Gọi cho tôi ông thanh tra Ali vào đây!
– Thưa ông, ông Ali đi thanh tra đã 10 hôm nay rồi ạ!
– Thì gọi ông Vêli!
– Thưa ông, vâng.
Ông thanh tra Vêli vào:
– Bẩm ông cho gọi tôi?
– Ông đã làm xong cái việc tôi giao chưa?
– Bẩm ông đã ạ!
– Còn việc kia?
– Bẩm việc kia cũng xong rồi ạ!
– Ông nói rõ xem xong là xong thế nào?
Ông Vêli trình bày lại cặn kẽ đầu đuôi.
– Nhưng có phải làm như thế đâu? Hoàn toàn không phải! Ai bảo ông làm như thế? Làm thế là láo toét! Láo toét hết! Ông hiểu chứ? Ôi! Lạy Đức Ala!
Ông chánh văn phòng gắt ngậu cả lên. Vì nếu không gắt thế, ông đến tắc thở mất!
Đến lượt ông thanh tra thấy tức quá! Nhưng biết làm thế nào? Chả lẽ chịu câm à? Không! Thế này thì tức lắm, không chịu được!
– Ông trưởng phòng!
– Dạ, ông bảo gì ạ?
– Sáng nay tôi dặn ông cái gì?
– Sáng nay ạ? Bẩm ông không có dặn gì cả!
– Vô lý, không có lẽ!
– Sáng nay nào tôi có gặp ông đâu ạ!
– Nếu vậy thì sáng hôm qua?
– Hôm qua ông bị mệt không đến sở ạ.
– Thế thì sáng hôm kia!
– Sáng hôm kia ông có dặn là…
– Nghĩa là tôi có dặn chứ gì? Nhưng tôi dặn cái gì mới được chứ? Tại sao ông không làm tròn trách nhiệm? Thái độ của ông như vậy là không thể dung thứ được, ông hiểu chưa? Không thể được! Tôi cấm đấy!… Cương quyết cấm!
Mặt ông trưởng phòng dài thưỡn ra. Nhưng dù thế nào thì thế, sau lúc bực dọc, người ta cần phải được trở về trạng thái bình tĩnh.
– Gọi ông phó phòng vào đây!
Ông phó phòng vào. Ông trưởng phòng hỏi:
– Biểu đồ ông làm xong chưa?
– Thưa ông đã!
– Xong toàn bộ chứ?
– Xong toàn bộ ạ!
– Thế các tờ phiếu đã ghim lại với nhau chưa?
– Ghim rồi ạ!
Làm gì mà cứ phải đúng răm rắp thế nhỉ?
– Thế gửi đi chưa?
– Thưa đã ạ!
Cứ làm như không thể chậm lại được ấy!
– Gửi bao giờ?
– Hôm qua ạ!
– Sao? Hôm qua à? Sao lại chểnh mảng đến thế được nhỉ? Cái kiểu đâu lại đổ đốn như vậy? Phải làm việc chứ! Làm việc! Làm việc hàng ngày! Tôi yêu cầu ông! Ông rõ chưa?
Chao ôi! Khi trút được cơn bực, người ta cảm thấy nhẹ nhõm làm sao!
Ông phó phòng bước vào phòng ông trưởng bộ phận. Ông thở một cách nặng nhọc.
– Cái gì thế này?
– Chứng từ để chuyển sang phòng kế toán đấy ạ!
– Ra thế đấy!… Thế là rõ rồi. Đến giờ mà vẫn còn ngổn ngang bừa bãi thế này… Lại còn cả đống này nữa này…
Ông phó phòng vừa bước ra, ông trưởng bộ phận tức giận đấm bốp một cái xuống bàn:
– Haxan đâu?
– Haxan nào ạ? Haxan bộ phận 2 hay Haxan kế toán ạ? Lại còn Haxan làm ở phòng đăng lục nữa ạ! Hay ông muốn gọi ông Haxan lục sự?
– Lôi cổ đến đây bất cứ thằng Haxan nào cũng được! Nghĩa là cứ gọi cho tôi tay Haxan lục sự ấy!
– Thưa ông đã có chuông nghỉ, ông ấy đi ăn cơm rồi ạ!
– Nếu vậy… anh tên là gì?
– Huyxên.
– Huyxên hay Muyxên cũng vậy thôi! Tôi bảo cho các anh biết, tất cả lũ các anh…
Ông trưởng ban nổi trận lôi đình khoảng 10′. Cuối cùng ông thấy nguôi giận, rời khỏi sở.
Còn Huyxên thì quay sang hạch sách ông văn thư. Cửa kính sao lại bẩn thế này? Trần nhà gì mà đẩy mạng nhện thế kia? Bàn nào cũng đầy bụi. Sàn nhà thì chẳng chịu lau chùi gì cả… Không thể chịu được! Không chịu được! Hiểu chưa? Hả!…
Ra khỏi sở, Huyxên cũng thấy nhẹ nhõm hẳn, cái nhẹ nhõm hẳn, cái nhẹ nhõm của người trút bỏ được cái áo bông nặng trĩu khi vụ rét vừa hết.
Ông văn thư định trút giận lên đầu người gác cửa, nhưng ông này lại về nhà mất rồi. Làm sao bây giờ? Dù thế nào thì thế, sau cơn bực dọc, người ta cần phải được trở về trạng thái bình tĩnh. Ông văn thư bước lên xe điện.
– Cái nhà anh này! Dẫm cả vào chân người ta! – ông bắt đầu sinh sự với ông khách đứng bên cạnh – Chân cẳng cứ xéo bừa đi, chẳng nhìn gì hết!
Ông khách im không nói. Người soát vé tiến đến.
– Ông lấy vé đi!
– Anh không thấy tôi đang bị ép thế này à? Cả hai tay đều không nhúc nhích nổi thì làm sao mà rút được ví? Lúc nào xuống tôi sẽ mua!
– Không được!
– Sao lại không được?
– Đã bảo không được là không được! Ngộ nhỡ nhân viên kiểm tra đến thì làm sao?
Thế là thành to tiếng. Rốt cuộc, ông văn thư cũng tìm được người để trút giận.
Hết chuyến cuối cùng, người soát vé trở về nhà. Chị vợ toét miệng cười khi thấy anh về.
– Làm cái gì mà nghe răng như cái con khỉ thế? – Anh soát vé bỗng thấy điên tiết – Cái thằng bố mày đây đứa nào cũng bắt nạt được, mà mày còn…
Chửi mắng vợ một trận nên thân xong, anh ngồi vào bàn điềm nhiên xới cơm ăn.
Chị vợ thì bắt đầu thút tha thút thít. Trong lúc đó, chú mèo cứ quẩn dưới chân. Cáu tiết, chị đá cho nó hai cái vào lưng. Thế là chú mèo “ngheo” lên một tiếng thảm thiết rồi nhảy bổ ra đường.
Chị vợ anh soát vé nép sát vào người chồng. Tình yêu đằm thắm nhất thường đến sau nước mắt. Cả đôi đều đã bình tâm lại.
“Bất kỳ việc gì cũng có tại sao của nó″. Ví thử các báo đừng công kích ngài Tổng trưởng, thì việc gì chú mèo tội nghiệp nhảy bổ ra đường!
Con người dù sao cũng khôn ngoan, biết cách trở về trạng thái bình tĩnh. Nhưng còn chú mèo? Chú nhảy bổ đi mất như hoá dại. Liệu rồi chú có lấy lại được bình tĩnh hay không?
Điều ấy đến bây giờ tôi vẫn chưa dám chắc.
CHÁT XÌNH! CHÁT CHÁT BÙM!
Tôi hiểu được thấu đáo điều này: con người cần phải làm mọi việc cho đúng lúc, phù hợp với lứa tuổi của mình. Nếu không sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ. Người ta nói vậy mà đúng, ai đến năm bốn mươi tuổi mà còn chơi bời phá phách thì kẻ ấy sẽ không được yên ổn ở trên cõi đời này. Nếu anh ta nhất định muốn chơi bời thì hãy chơi bời vào cái tuổi hai mươi, không thì ba mươi đi. Chứ tôi đây – cầu trời phù hộ cho bạn khỏi thấy cảnh ấy – lại chơi bời vào cái lúc năm mươi tám tuổi đầu. Và nếu hôm nay tôi đang phải ngồi nhà thương điên thì ngoài bản thân mình ra, tôi còn biết buộc tội cho ai được nữa. Tôi đã bị trừng phạt đích đáng về tội chơi bời không đúng thời, đúng tuổi.
Cầu xin đấng Ala giữ gìn cho bầy con của Ngài khỏi lầm đường lạc lối! Tôi có thằng con trai học năm cuối của trường Đại học bách khoa và một đứa con gái, cháu nó lại xinh đẹp nên chúng tôi phải vất vả lắm mới buộc nó học hết trung học, nó đi lấy chồng rồi. Tôi đã có hai đứa cháu ngoại… Thôi, để tôi kể chuyện cho các bạn từ đầu – Tôi đã phát rồ và phải vào nhà thương điên như thế nào. Bạn thấy đấy, tôi có nói nhảm đâu, tôi đang nghị luận một cách bình thường đấy chứ. Tôi có thể đặt câu hỏi không kém gì Exat Mamút1. – Tôi nói còn chí lý và lô-gich hơn cả nhiều nghị sĩ nữa kia.
Nhưng dù sao tôi vẫn đang ở nhà thương điên. Nguyên nhân mọi chuyện chỉ tại Chát-xình-chát- chát-bùm.
Vâng! Kẻ tôi tớ trung thành của các bạn đây vốn là luật sư. Bạn còn nhớ xưa kia ta từng có một trường luật đấy chứ? Tôi tốt nghiệp chính cái trường ấy đấy. Mà còn được xếp vào loại ưu nữa kia, giờ thì gọi là ”giỏi” ấy mà! Quả tình tôi là một luật sư, song không ở trong số những kẻ đi cãi cho bọn ”chó sói” khét tiếng mổ thịt cả mẹ, cả chị, cả vợ, cả con cái và hàng chục mạng người thân thích khác. Những chuyện ly dị, cãi cọ trong gia đình và mọi thủ đoạn buôn bán rắc rối tôi cũng chẳng nhận cãi làm gì. Đã mấy năm nay rồi, tôi chỉ là luật sư ăn lương Nhà nước tại một sở nọ, nghĩa là làm cố vấn tư pháp.
Tất cả bạn đồng học của tôi đều đã trở thành những ông hoàng. Lần nào đến văn phòng của họ tôi không giấu nổi vẻ ngạc nhiên. Không, lạy giời, tôi không ghen tị với ai cả, nhưng mỗi khi trông thấy các cô đánh máy trẻ măng của họ, tôi không tài nào nhịn liếm môi được.
Như tôi đã nói đấy, tôi đã bỏ lỡ mất thời cơ, không làm đúng lúc công việc phải làm và bây giờ thì đứng nhìn người khác mà…
Cuối cùng, tôi không chịu được nữa. Tôi bèn gửi đăng báo: ”Văn phòng luật sư cần mướn một nữ thư ký trả lương hậu”. Nghe nói trên thế giới đàn bà nhiều hơn đàn ông, nhưng nhiều hơn bao nhiêu thì tôi chịu không hình dung nổi. Ai đến xin làm nữ thư ký cũng ngắm tôi như người đi tậu nhà vậy. Họ đưa ra hàng loạt câu hỏi, tựa hồ không phải tôi muốn mướn họ, mà họ định mướn tôi ấy. Và sau mỗi cuộc lục vấn như vậy họ bỏ đi, buông thõng một câu:
– Để tôi nghĩ xem và trả lời sau.
Tôi không nhớ kỹ là trong đời tôi đã có bao lần phải tốn nhiều nước bọt đến thế này không. Đồng thời cũng thấy khiếp sợ… Ngày thứ ba khi đăng báo, có một cô đến văn phòng tôi. Không phải một cô gái thường đâu mà là hồ ly tinh hiện hình thì đúng hơn! Bạn đừng nóng ruột, tôi sẽ tả kỹ cô nàng và bạn sẽ phải tin tôi thôi. Trên vai, cô đeo một cái túi xách như loại các sĩ quan vẫn mang khi diễn tập, chỉ khác cái là to gấp đôi. Chiếc váy cô ta mặc là thứ váy mà không thể hiểu nổi đâu là trên, đâu là dưới nữa. Và dưới chiếc váy giật gân ấy là hai bắp chân nõn nà tựa như hai quả ô liu khêu gợi:
”Hãy ăn tươi nuốt sống chúng tôi đi!”. Đôi chân để trần đi giầy cao gót, mớ tóc lộng lẫy chấm đến vai.
“Ôi, trời đất, nhân danh đấng Sáng thế, xin hãy cho tôi có đủ sức!” – Tôi thoáng nghĩ thầm. Và cô ta đung đưa cặp đùi tiến lại bàn, tôi thì suýt nữa ngã gục xuống để trở thành một vật hy sinh của tình ái.
– Ông cần thư ký? – Cô ta hỏi.
Tôi không còn đủ hơi sức để trả lời, tôi cũng không nói nổi được lấy một tiếng nào. Tôi chỉ nhớ là ngực tôi phập phồng như bễ lò rèn. Cô nàng ngồi trước mặt tôi.
– Em tên là Bixen ạ – cô ta bắt đầu – 21 tuổi, cao một thước 62, nặng 57kg. Nỗi ham thích nhất của em là khiêu vũ. Em rất mê nhảy. Mục đích của đời em là trở thành tài tử điện ảnh. Trong các loại hoa, em thích nhất hoa mộc lan, nước hoa thì loại “Ôrigan”. Moi tình cuối cùng của em là một thủy thủ Mỹ.
Vừa vừa kể cho tôi nghe đoạn tiểu sử ngắn ngủi ấy, cô ta vừa ra sức nhai kẹo cao su. Thấy tôi cứ lặng thinh, cô ta hỏi:
– Thế nào, có được không ạ?
Tôi lé mắt nhìn chiếc váy mặc hớ hênh quá! Lấy hết nghị lực, tôi cố sức thốt lên:
– Đư… ư… ợc lắ… ắ…m!
– Em xin ba trăm đồng một tháng ạ.
Từng ấy thì gần bằng tất cả số lương luật gia của tôi rồi còn gì, nhưng không sao. Đối với cô nàng thế này thì cũng không tiếc.
Thế là chúng ta đã làm quen với Chát- xình-chát-chát-bùm rồi đấy. Cô ta chính tên là Bixen, nhưng tôi gọi cô ta là Chát-xình-chát-chát-bùm.
Vì sao? Vì ngay hôm đầu, ngay từ giờ phút đầu tiên ấy, cô ta đã luôn miệng nhắc đi nhắc lại:
– Chát-xình-chát-chát-bùm… Chát-xình-chát-chát-bùm.
Đồng thời cứ giật người lên một cách lạ lùng, và khẽ nhún nhảy…
Công việc tôi đang làm đương nhiên là bị xếp xó rồi. Chúng tôi cùng ăn bữa trưa và bữa chiều với nhau. Đến thứ sáu cô ta hỏi:
– Chủ nhật này đi đâu ạ?
– Em thích đi đâu chúng ta đi đấy – Tôi đáp.
– Ta ra ngoại thành chơi nhé.
Thế là chúng tôi đi ra ngoại ô thành phố, đến các hòn đảo, các khu vườn. Mọi sự đều hay, nhưng các cuộc đi ấy chẳng mang lại cái gì béo bở cho tôi cả. Tôi sợ đụng phải cô ta. Giá như cô ta vô tình bỗng chạm phải tôi thì tôi giật thót người lên như bị điện giật vậy.
Ngoài ra, lần nào cô ta cũng kiếm một chàng trai trẻ nào đó và họ bắt đầu ưỡn ẹo:Chát-xình-chát-chát-bùm, Chát-xình-chát-chát-bùm. Họ nhảy đến hàng giờ đồng hồ! Làm như thể may sắm cho cô ta, cho ăn cho uống, dẫn đi chơi lại kèm theo việc bỏ vào tín cho cô ta ba trăm đồng, để cho cô ta vui chơi với kẻ khác… Có lần một thằng mất dạy nào đó trông thấy chúng tôi trong hiệu ăn đã nói:
– Đấy là con gái ông? Ối chà chà, tuyệt quá!
Tôi bèn cạo râu mỗi ngày hai lượt. Sơ-mi hồ bột, quần là thẳng nếp, mỗi ngày một bộ com-lê mới, bông hoa cài ngực áo… Vợ tôi thường hỏi:
– Mình làm sao thế?
– Làm thế nào được, thời buổi bây giờ phải thế, – Tôi đáp quanh co…
Tôi điên người vì cô nàng của tôi lại cứ nhún nhảy với bất cứ một kẻ đê tiện nào. – Cuối cùng, tôi nói thẳng cho cô ta biết là tôi ghen. Giá bạn được thấy cô ta biến sắc đi như thế nào! Nàng tiến lại gần ngồi vào lòng tôi, đỡ lấy cằm tôi và nói:
– Ông già ơi, ông chả biết cái quái gì cả. Giá như ông biết nhảy có phải hay bao nhiêu không!
Đó là cử chỉ âu yếm nhất mà tôi được cô ta ban cho trong đời. Một ý nghĩ vụt qua trong óc tôi; tôi sẽ học nhảy giấu cô ta, tôi sẽ cho cô ta một mẻ ngạc nhiên! Bấy giờ thì còn ai lôi được cô ta ra khỏi cánh tay tôi nữa. Nhưng tôi đã ngần này tuổi đầu mà còn đến trường học nhảy thì coi sao được? Tôi bèn kín đáo học lỏm cách giơ chân múa tay của những kẻ được cùng cô ta nhảy trong hiệu ăn hay tiệm nhảy sau khi cô ta bỏ mặc tôi. So với những điệu nhảy thời nay thì những điệu nhảy khi xưa của chúng tôi chẳng qua là như ngỗng bước…
Về đến nhà tôi vào ngay trong buồng khoá cửa lại và bắt đầu nhảy, chân dậm miệng nhịp: “Chát-xình-chát-chát-bùm!… Chát-xình-chát-chát-bùm!”
Bị kích thích đến quá độ, tôi dậm chân mỗi lúc một mạnh.
Những người ở tầng dưới lúc đầu tưởng tôi gõ báo cho họ khỏi làm ồn nên mọi người lập tức yên lặng ngay. Nhưng sau đó, tiếng dậm chân và tiếng động lạ tai cứ tăng lên mãi nên họ bên lên gác chỗ tôi xem sự thể ra sao. Nghe thấy ồn ào, vợ tôi, con trai, con gái, con rể, các cháu tôi chạy cả lên và nhòm qua lỗ khóa:
– Trời ơi, ông cụ phát điên rồi, – mọi người lo lắng nói.
Vợ tôi bên bảo:
– Ít lâu nay tao thấy cung cách ông ấy có cái gì đáng ngờ lắm. Tao đã để ý thấy cái gì khang khác…
Tôi vẫn tiếp tục công việc của mình: Chát-xình-chát-chát-bùm!… Chát-xình-chát-chát-bùm!… - Vợ con tôi ào lên khóc nức nở.
– Tao chẳng vào đâu, tao sợ lắm, – Vợ tôi nói.
– Con cũng chịu thôi! – Con gái tôi kêu lên.
– Phải báo cho sở cảnh sát, – Chàng rể tôi bỗng nghĩ ra.
Khi ba người cảnh sát xông vào buồng tôi, tôi vẫn mặc độc chiếc quần lót, tay ôm chiếc gối dậm chân trước gương, miệng thì hát: Chát-xình-chát-chát bùm!… Chát-xình-chát-chát-bùm!… Một người cảnh sát ôm ngang lấy lưng tôi, vật xuống trói lại, quẳng lên ôtô và chở vào nhà thương điên.
Thoạt đầu tôi định nói: ”Các người ơi, tôi có điên đâu, tôi học nhảy đấy mà!”. Nhưng sau tôi nghĩ nếu thế lại càng nguy. Người ta lại bảo: Xem đồ ngốc kia, gần sáu mươi tuổi đầu rồi mà còn phải nhục nhã vì một con bé con. Thôi hơn hết là tôi đừng có nói ra. Cứ mặc cho họ tưởng rằng tôi điên thật thì cùng lắm người ta còn thương hại tôi. Sau khi quyết định như vậy, tôi lại tiếp tục giả vờ điên. Ngay cả ở sở cảnh sát và trước mắt các bác sĩ tôi vẫn nhẩy cẫng lên mà hát: Chát-xình-chát-chát-bùm!… Chát-xình-chát-chát-bùm!… Các bác sĩ đương nhiên là nghĩ ngay ra được một cái tên Pháp lẫn la tinh nào đó để đặt cho căn bệnh của tôi.
Thế là đã một năm nay tôi nằm tại nhà thương để chữa bệnh thần kinh. Dần dà tôi ít ngâm nga câu Chát-xình-chát-chát-bùm!… Chát-xình-chát-chát-bùm…. hơn trước. Sắp tới đây tôi sẽ làm ra vẻ như trí khôn đã trở lại và họ sẽ cho tôi xuất viện. Quả tình trí khôn đã trở lại với tôi thật, nhưng quá ư là muộn…
Chát xình chát chát bùm… Chát xình chát chát bùm!
BIẾT ƠN VẠN BỘI
– Bạn thân mến. Tôi mới quen một thiếu phụ. Duyên may thật sự!
– Nàng đẹp lắm hả?!
– Còn phải hỏi. Anh xem, ảnh của nàng đây.
– Đẹp thật đấy! Cố gắng, đừng bỏ lỡ đấy.
– Hẳn đi chứ!… Anh có biết tôi say đắm đến thế nào không.
– Nhưng nàng có chú ý đến anh không?
– Hẳn là có…
– Thế thì phải chinh phục ngay trái tim nàng.
– Tình hình thế nào, có gì hay không đấy?
– Tuyệt lắm. Hôm nọ tôi đã kể anh nghe rằng tôi có một nàng…
– A, thế nào rồi?
– Tôi yêu, yêu đến mất trí!
– Nhưng nàng có yêu anh không?
– Chưa biết.
– Phải làm sao cho nàng yêu anh!
– Làm thế nào?

– Điều ấy thì tôi có thể bàn với anh được. Thứ nhất là quà tặng. Phụ nữ bao giờ cũng thích được quà. Đầu tiên có thể hoa, đặc biệt là tử đinh hương… Sau đó đến một thứ quý hơn… Và nhớ thường xuyên nói với nàng rằng nàng rất thông minh.
– Hay đấy, tôi sẽ cố theo lời anh nói.
– Trời ơi, tôi không biết nói sao để cảm ơn cho anh hết!
– Mọi việc tốt đấy chứ?
– Bạn thân mến, anh thật hiểu lòng dạ đàn bà. Tôi đã làm theo đúng ý anh. Nàng đối với tôi hoàn toàn có thiện cảm rồi. Nhân danh đấng Ala, anh bảo tôi phải làm gì bây giờ?
– Anh phải mời nàng đi xem phim. Nhưng phải chọn phim đừng nghiêm túc quá, có thể là chuyện gì bi thảm, một hài kịch nhẹ nhàng, hoặc một màn vũ nhạc gì đó. Xem xong nhất thiết là phải ăn kem va-ni. Nhớ rằng trong túi anh luôn luôn phải có sô- cô-la và phải mời nàng ăn luôn.
– Thế nào tôi cũng làm đúng như lời anh dặn. Tôi yêu đến hoá điên rồi!
– Hôm qua bọn mình xem phim. Vào rạp tôi mời kẹo sô-cô-la. Nàng bằng lòng lắm. Xem xong vào hàng bánh kẹo ăn kem va-ni. Nàng bảo tôi là hạng đàn ông có thẩm mỹ tinh tế. Tuần này bọn mình định đi chơi xa. Nhân Đức Ala, anh khuyên tôi đi hướng nào nhỉ?
– Theo tôi, các bạn nên ra đảo Hoa Cương. Nên thuê hai con la mà cưỡi. Sau đó ra bãi tắm. Rồi đi khiêu vũ. Nhưng nhớ chỉ mời nàng nhảy van thôi đấy,
– Lạy Chúa!… Làm sao tôi chinh phục được người đàn bà ấy nhỉ?
– Anh cứ theo đúng lời tôi, mọi việc đâu sẽ vào đấy!
– Tôi thật không biết cảm ơn anh thế nào cho hết.
– Không cần… Tôi chỉ muốn truyền kinh nghiệm cho anh thế thôi.
– Thế nào, các bạn có đi chơi không đấy?
– Đi chứ!… Tuyệt vời lắm! Nhưng tôi không gặp may…
– Sao vậy?
– Hoá ra nàng có chồng rồi, chúng mình chỉ dạo chơi thôi, chẳng có gì hơn nữa.
– Thế nàng có yêu chồng không?
– Không đâu, nàng bảo chồng thô lỗ, ngu độn như lừa, chẳng biết gì hết, đối với anh ta, tâm hồn phụ nữ là một buồng tối.
– Một thiếu phụ đáng thương! Vì sao nàng không ly dị đi?
– Nàng bảo nếu tôi đáng tin thì ngày hôm nay nàng sẽ nộp đơn ly dị! Tôi không biết mình phải làm gì…
– Chớ để mất nàng!
– Công việc của anh thế nào?
– Anh đừng có hỏi. Bọn mình chưa một lần nào hôn nhau. Nàng nhút nhát quá. Nhưng tôi cảm thấy nàng yêu tôi.
– Tiếp tục tặng quà đi. Mua nước hoa đắt tiền vào, chẳng hạn nước hoa “Xau đau” ấy. Sau đó… tôi cũng không biết… Mua một loại vải đẹp đi… Hầu hết phụ nữ thích màu xanh lơ hoặc là xanh nhạt.
– Ngộ chồng nàng biết thì sao?
– Làm gì mà đoán ra được? Chính nàng nói hở ra rằng hắn ta là một gã khờ kia mà. Nếu anh muốn, tôi sẽ đi chọn vải giúp anh…
– Hay quá… Ta đi luôn nhé!
– Tình hình thế nào rồi?
– Tốt quá anh ạ! Tôi đưa nước hoa, nàng bảo đúng là thứ nàng thích nhất. Tôi tặng vải, nàng sướng rơn lên. Bạn ơi, tôi đang hớn hở như một cậu học trò! Anh bảo tôi phải làm gì để có nàng trọn vẹn?
– Anh đọc cho nàng nghe những vần thơ của Iakhi Kêman. Phải thề thốt sẽ lấy nàng làm vợ. Phải hối thúc nàng mau ly dị gã khờ kia…
– Lâu nay anh trốn biệt đi đâu thế?
– Bận quá, không gặp anh được. Nàng ly dị rồi đấy!
– Thế anh vẫn quyết lấy nàng đấy chứ?
– Tất nhiên!
– Vậy thì phải nhanh lên, kẻo…
– Tôi không biết lấy gì để đền đáp ơn anh. Hôm qua chúng tôi làm lễ thành hôn rồi. Anh đã cho tôi một hạnh phúc lớn quá. Tôi đã có một gia đình, có vợ, có người yêu thương…
– Người anh em của tôi ơi. Tôi phải cảm ơn anh mới đúng, chính anh đã cho tôi một hạnh phúc lớn lao. Chính anh đã giúp tôi thoát được khỏi cái con mụ vợ yêu quái của tôi đấy!
CẢ MỘT Ổ
Tại bến tàu ở Kađưkây, một người phụ nữ trẻ tuổi đang kêu la:
– Ối trời đất ơi! Cái ví của tôi, cái ví của tôi…! Bắt lấy nó!
Đám đông nhốn nháo lên. Thằng ma cà bông đi chân đất chạy trên cầu tàu, nhảy từng bậc một. Người phụ nữ trẻ trung xinh đẹp van nài những người đứng bên cạnh:
– Đuổi nó hộ tôi với! Tóm lấy nó!
Thằng ăn cắp chuồn mất. Năm phút trôi qua. Bỗng một viên cảnh binh trẻ tuổi hiện ra. Tay viên cảnh binh đặt trên vai thằng ăn cắp đã xoáy chiếc ví
– Ví của ai đây?
Chiếc ví màu đen, to, bóng loáng. Người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp vui sướng vùng ra khỏi đám đông chạy bổ đến bên người cảnh binh.
– Của tôi! Chà, đội ơn ông quá!
Thằng ăn cắp đi đất, cởi trần, trên người không có chỗ nào túm được cả. Viên cảnh binh luồn tay vào nắm lấy mớ tóc dài giữ cho hắn khỏi chạy mất. Thân hình bẩn thỉu của thằng ăn cắp lộ ra từ những chỗ thủng ở chiếc quần lính cũ giờ đã biến thành mớ giẻ rách.
Viên cảnh binh trẻ tuổi bảo người phụ nữ:
– Mời bà theo tôi về bốt.
– Để làm gì? Ví này là của tôi mà! Ai cũng trông thấy thằng cha này giật ví ở tay tôi.
– Phải gửi lời khai của bà để trình toà.
Họ đi về bốt, viên cảnh binh và thằng kẻ cắp đi trước người đàn bà theo sau. Nghe người phụ nữ kia khai xong, viên cảnh sát trưởng kinh tởm nhìn thằng ăn cắp người nồng nặc mùi súc vật chết.
– Thằng kia, mày không biết xấu hổ à? Khoẻ như con lừa ấy! Giá đi làm ăn gì có phải hơn không?…
Thằng ăn cắp cúi đầu im lặng.
– Sao mày làm nghề ăn cắp hả?
Thằng ăn cắp thong thả ngẩng đầu lên:
– Thế còn những kẻ khác làm nghề gì? – Nó nói.
– Câm ngay!
Viên cảnh sát trưởng hỏi người phụ nữ trẻ:
– Hanưm Ephendi, trong ví của bà có những gì?
– Tiền, sáp môi, chiếc gương, hộp phấn…
– Có bao nhiêu tiền?
Người phụ nữ nín lặng. Viên cảnh sát trưởng thò tay định cầm chiếc ví nằm trên bàn, nhưng người phụ nữ ngăn lại.
– Xin ông đừng mở ra! Trong ví tôi có… thôi, ông để tôi mở lấy.
Song viên cảnh sát trưởng đã cầm lấy chiếc ví và dốc ra mọi thứ bên trong: hộp sáp môi, chiếc gương, hộp phấn, ít tiền lẻ và… hai trăm đồng đôla.
– Bà lấy tiền đôla này ở đâu? – Viên cảnh sát trưởng hỏi.
– Tôi không thưa kiện gì người này cả, – người phụ nữ chỉ tay vào tên ăn cắp nói vội – Tôi chỉ yêu cầu cho tôi lại chiếc ví, tôi về!
– Tôi đang hỏi về số đôla này.
– Lạy trời, mà thôi, tôi cũng chẳng cần chiếc ví nữa. Cứ để lại chỗ các ông cũng được. Tôi đi về đây.
– Bà không về được! Bà lấy đôla ở đâu? Người phụ nữ cúi mặt xuống.
– Mađam Eleni mới đưa cho tôi sáng nay.
Thằng ăn cắp ngẩng đầu lên ngó viên cảnh sát và cười khẩy:
– Thế mađam Eleni này ở đâu? – Người phụ nữ thì thầm tiết lộ địa chỉ.
Thế là cảnh sát trưởng cảnh binh, thằng ăn cắp và người phụ nữ lên xe hơi của sở cảnh sát đi đến nhà mađam Eleni. Ngay trong gian phòng đầu tiên họ chạm trán phải một cặp đang ở trong tư thế không lấy gì làm tao nhã cho lắm.
Trong khắp sáu căn buồng, viên cảnh sát trưởng bước chân vào bất kỳ chỗ nào cũng đều thấy những cặp như vậy cả.
Cảnh sát trưởng xông tới mađam Eleni:
– A, chính mụ là chủ nhà chứa. Chúng ta đã hoài công tìm kiếm mụ Eleni suốt sáu tháng nay đấy? Mụ lấy đâu ra số tiền đôla này?
Có một khách làng chơi là Rida trả tôi.
Những người đàn ông vừa bị bắt gặp trong cảnh bậy bạ ấy được thả ra, vì họ là đàn ông. Còn đàn bà vì không phải là đàn ông nên bị đưa đến nhà thương ở Ahưcapư để khám bệnh. Sau đó viên cảnh sát trưởng, thằng ăn cắp, người phụ nữ xinh đẹp và mađam Eleni, lại đi xe hơi của sở cảnh sát đến nhà Rida. Tại nhà Rida, trên tầng thứ bảy, đang tiến hành xây dựng.
– Các người làm gì ở đây?
– Có gì đâu
– Có gì đâu à? Thế công nhân với những người coi việc này là cái gì? Nghĩa là các người đã xây phạm pháp?
Thằng ăn cắp ngẩng đầu lên nhìn viên cảnh sát trưởng và lại cười khẩy. Sau khi đã lập biên bản về việc xây dựng bất hợp pháp, cảnh sát trưởng hỏi Rida:
– Anh lấy số đôla này ở đâu?
– Ali đưa cho tôi.
Cảnh sát trưởng gọi dây nói đến Cục an ninh xin một xe vận tải kín mui. Tất cả số hành khách cũ và Rida lên xe. Họ đến nhà Ali.
Cảnh sát trưởng hỏi Ali:
– Ông có đưa số tiền đôla này cho Rida không?
– Có.
– Sao ông lại đưa cho hắn?
– Ông ta bán sắt làm nhà cho tôi.
Cảnh sát trưởng quay lại Rida:
– Sắt làm nhà? Thanh có giấy phép không?
– Không à? Thế đấy!… Nghĩa là anh lại còn đầu cơ cả sắt nữa?
Sau đó hắn lại hỏi Ali:
– Anh lấy tiền đôla này ở đâu?…
– Tôi được bạc đêm qua ở nhà Huxây.
Thằng ăn cắp vẫn luôn luôn cúi xuống lại ngẩng lên nhìn viên cảnh sát trưởng và cười khẩy. Người cảnh binh, viên cảnh sát trưởng, thằng ăn cắp, người phụ nữ khả ái, Rida và Ali ngồi lên xe vận tải đến nhà Huxây.

Trên những bàn trải dạ xanh có mười nghìn đồng, những quân xúc xắc và cỗ bài. Sau khi những con bạc đã được đưa đến công tố viên, cảnh sát trưởng hỏi Huxây:
– Anh lấy đâu ra tiền đôla này?
Chiếc tàu “Ghêsimsgơsêk” sang Mỹ mới quay về. Nuri đưa cho tôi. Anh ta là thợ máy đấy.
Các hành khách cũ và Huxây lên xe vận tải đi đến nhà người thợ máy Nuri. Trong nhà tay thợ máy Nuri này còn tìm thấy mười cân thuốc phiện trắng nguyên chất. Nuri thú nhận là đã nhận tiền đôla của Ixan. Ixan thì bị bắt quả tang đang phạm tội ở toà biệt thự trên đồi Bôcpho. Ở đây hắn sản xuất thuốc phiện trắng.
– Anh lấy tiền đôla của ai?
– Của Rêsan.
– Rêsan là ai?
– Hắn buôn lậu quần áo lót phụ nữ bằng nilông từ Bâyrút đưa về.
Thằng ăn cắp thong thả ngẩng lên nhìn viên cảnh sát trưởng và cười khẩy. Tất cả lại lên xe vận tải bây giờ thì đến nhà Rêsan.
Rêsan nói đã cầm đôla của mụ Nêvin buôn quần áo lót nilông và áo tắm chun.
Song mụ này không có nhà. Mụ vẫn ở Pari hay La Mã như thường lệ.
Viên cảnh binh nói:
– Lạy Chúa, cũng may mà không có mụ ta ở nhà; trong xe cũng không còn chỗ nào trống nữa rồi.
Thằng ăn cắp ngẩng đầu lên nhìn viên cảnh sát trưởng và cười khẩy.
Viên cảnh sát quát:
– Này, thằng bợm kia! Không việc gì mày cứ phải cười khẩy mãi thế! Rõ ràng là trong bọn này thì mày vẫn còn là kẻ nhẹ tội nhất!
Thằng bợm bị xử tội ăn cắp và ngồi tù ba tháng.
Bây giờ bọn nó làm ăn lương thiện rồi. Và thấy bóng chiếc ví đầm ở đâu là nó tránh cho xa như tránh bệnh hủi vậy.
CÓ NÊN LÀM BÁC SĨ KHÔNG CON?
Chúng ta thiếu thầy thuốc là thế, nhưng một số người vẫn phải chạy sang Âu, sang Mỹ kiếm ăn! Thì ra có những nhà thông thái nửa mùa của chúng ta muốn rằng các bác sĩ trẻ học ở nước ngoài trở về trước hết phải qua một kỳ sát hạch rồi mới được hành nghề.
– Anh về nước làm gì? – Một bác sĩ già, giàu kinh nghiệm, làm giám khảo hỏi.
– Ðể làm việc, để chữa bệnh ạ.
– Hừm, tất nhiên… Ngoài ra anh còn biết làm gì nữa?
– Thế là thế nào ạ?
– Thế là thế, chứ còn thế nào nữa? Thí dụ, biết sáng tác nhạc, làm thơ, đóng phim, buôn bán… Hay cũng có thể anh có khả năng làm nghị viện, làm bộ trưởng, làm chính khách… Tất nhiên anh sẽ phải làm một việc gì như thế chứ.
– Dạ, không. Cháu chỉ chữa bệnh thôi ạ. Cháu con nhà nghèo, làm cho nhà nước lương không đủ ăn, nên cháu sẽ làm tư…
– Hà… hà… hà… Không có ham chánh, phó giáo sư mà đòi làm tư? Thế lấy ai dẫn khách cho anh lúc đó?
– Tức là dẫn bệnh nhân ấy ạ?
– Phải, khách ấy mà…
– Chắc là bệnh nhân tự đến lấy…
– Làm sao bệnh nhân tự đến được?
– Nếu bệnh nặng thì có xe chở đến…
– Ðược rồi, vậy cái người chở bệnh nhân ấy tên là gì?
– Làm sao cháu biết được tên anh ta, anh ta đã chở cho cháu bao giờ đâu.
– Tôi không hỏi tên riêng mà hỏi cái loại người chở khách bệnh nhân ấy gọi là gì?
–?…
– Loại đó gọi là lái, như là lái buôn ấy… Ðằng này là lái y học. Như anh chẳng hạn, anh cũng không bao giờ gửi bệnh nhân phòng khám công đến bác sĩ tư, phải không nào? Nếu không ai chỉ thì sao bệnh nhân đến chỗ anh được? Một điều như thế mà ở nước ngoài người ta cũng không dạy anh hay sao? Thôi được, bây giờ anh nói đi, thế nào là hữu ái nghề nghiệp?
– Là tương trợ lẫn nhau, phải không ạ?
– Thế là anh không biết rồi, để tôi giảng cho mà nghe. Giả dụ bây giờ có người đến kêu với anh là bị bệnh trĩ. Anh khám xong rồi gửi đến cho một người chuyên về phụ khoa…
– Người ta bị trĩ sao lại gửi đi phụ khoa?
– Bạn anh ăn tiền rồi lại gửi cho một người bạn káhc chữa răng…
– Nhưng…
– Tay nha sĩ ấy lại gửi đi da liễu, da liễu lại gửi đi chiếu điện, chiếu điện lại gửi đi nhãn khoa. Cuối cùng hắn ta bị gửi đi thần kinh. Ðến lúc ấy thì thần kinh của hắn cũng suy sụp thật… Nếu hắn còn đủ cơm ăn nước uống thì rồi tự hắn sẽ khỏi bệnh, nhược bằng không thì hắn sẽ chết và bệnh cũng hết. Chết rồi hắn lại còn phải rơi vào tay thầy thuốc một lần nữa, đó là tay giải phẫu lâm sàng. Thôi, bây giờ anh nói đi, anh phải làm gì để được nổi tiếng?
– Cháu sẽ cố gắng điều trị giỏi và sống có lương tâm…
– Hức!… Nghe đây! Anh phải lăng xê lên báo một câu quảng cáo: “Người nghèo khám không lấy tiền. Hàng ngày khám sau bữa cơm trưa.” Khi khách đến hơi đông anh rút xuống chỉ khám thứ hai, thứ năm… Sau đó mỗi tuần một lần, sau đó mỗi tháng một lần… Khi khách đã kéo đàn kéo lũ mà đến thì anh thôi không khám xuông nữa. Từ đó về sau anh cứ tăng dần tiền khám. Người ta sẽ nghĩ rằng chắc anh phải có những bí quyết gì ghê gớm lắm thì mới lấy đắt như vậy. Thế là tất cả bệnh nhân đổ xô đến… Sau đó anh lại phải cho đăng báo những lời bệnh nhân gửi đến tri ân… Thôi, còn trường hợp này, nếu một bệnh nhân đến mà anh không tìm thấy bệnh gì thì anh xử lý như thế nào?
– Cháu sẽ bảo rằng anh ta khoẻ…
– Chặc… chặc…! Thế mà cũng đòi làm bác sĩ! Chẳng lẽ trên đời lại có người hoàn toàn khoẻ mạnh? Mà nếu như quả thật hắn ta không có bệnh gì thì anh cũng phải cho hắn một cái đơn chữ rất ngoáy đến nỗi hắn không tài nào đọc được rồi bảo hắn ra hiệu thuốc… Dù anh có viết trời đất gì đi nữa thì thằng chủ hiệu rất tâm lý kia sẽ tìm ra ngay vô khối bệnh tật cho khách… Hừ, anh càng viết mờ mịt bao nhiêu thì tờ hoá đơn lại càng rành mạch bấy nhiêu… Ngoài ra anh lại phải thường xuyên viết báo về nhiều vấn đề khác nhau, chẳng hạn “Bàn về chế độ thuê nhà”, “Công tác bảo vệ rừng”, “Ðạo đức người lái xe”, “Vì sao người ta mất trí”… như thế là để tên tuổi anh thường xuyên xuất hiện trên mặt báo và mọi người sẽ nói rằng: anh ta hiểu biết ghê thật! Phải khéo léo làm sao sau này lên được chức thị trưởng, tỉnh trưởng, nghị sĩ hoặc thậm chí bộ trưởng… Ðó, ta nhìn thấy rất rõ rằng anh không thể làm nổi bác sĩ đâu… Tốt nhất là anh nên quay lại chỗ anh mới học bên Ðức, bên Mỹ gì đó!
– Cháu xin cám ơn, chúc bác khỏe!
– Anh cũng khỏe nhé, đừng có ốm đấy!
CHO MỘT TÁCH TRÀ ĐẶC NHÉ
Ở những người cùng thế hệ với tôi, nghĩa là những người sinh ra vào cuộc Đại thế chiến thứ nhất và lớn lên đúng vào cuộc Đại thế chiến thứ hai, thì trừ một vài trường hợp rất hãn hữu, còn thì tôi cam đoan anh nào cũng phải có một thói lập dị nào đó. Mà thậm chí đối với nhiều anh, nó còn trở thành một thứ nghiện nữa là đằng khác. Tôi dám đánh cuộc là phần đông những anh nào hễ cứ vừa đi ngoài đường vừa lẩm bẩm nói hay mủm mỉm cười một mình, hay vừa đi vừa nháy mắt hoặc nhún vai, thì đều là chạc tuổi tôi cả.
Riêng về phần tôi, cái thứ nghiện đó là nước chè. Ngày nào mà chưa uống đủ hai ba chục chén là tôi không chịu được. Tất nhiên, sở dĩ tôi chỉ kể ra một cái thói hư dễ tha thứ nhất trong số các thói hư của tôi, chẳng qua là vì tôi độ lượng với mình mà thôi, chứ thực tình tôi còn nhiều tật xấu khác mà thậm chí ngay đối với bản thân tôi, chưa chắc tôi đã dám thú nhận.
Cái bệnh nghiện nước chè của tôi phát sinh là do một hoàn cảnh như thế này. Bấy giờ là vào những năm chiến tranh thế giới thứ nhất, thời kỳ mà tìm được một mẩu bánh mì khô là đã quý lắm rồi. Một hôm, khi tôi mới được độ chín tháng, không biết ông bố tôi kiếm được ở đâu một ống bơ nước chè to đại. Ông thả vào đấy mấy cái vỏ bánh mì khô, ngoáy lên, rồi cho tôi uống. Thế là vi trùng nghiện nước chè thấm vào máu tôi ngay từ lúc mới lọt lòng.
Thật không ngờ cái sự nghiện nước chè ấy đã khiến tôi nhiều phen khốn khổ, nhất là những lần tôi phải đi xa. Nhưng khổ nhục nhất có lẽ phải nói là cái lần tôi có việc phải dừng chân tại một tỉnh nọ, mà tôi không muốn nói tên ra đây.
Sáng hôm ấy, vì phải đi tiếp đến một nơi xa bằng ô tô buýt nên tôi dậy rất sớm. Ở khách sạn ai cũng biết tôi là anh nghiện chè, nên sáng nào họ cũng mang đến cho tôi một lúc mấy tách. Bởi thế nên trước khi ra khỏi buồng, tôi đã kịp tợp hết bốn tách.
Trong câu chuyện của tôi có đôi chỗ có thể làm các bạn khó chịu vì nó không được văn minh cho lắm, nên tôi phải nói trước. Chắc các bạn đã biết, nước chè có công dụng rất tốt là vì, nói vô phép các bạn, nó rất lợi tiểu. Cứ cho vào bốn tách thì thế nào cũng phải cho ra một tách.
Sợ nhỡ ô tô, nên cứ để nguyên cả bốn tách ở trong bụng, tôi lao vội xuống dưới nhà. Nói của đáng tội bốn tách đối với tôi thì vẫn chưa mùi mẽ gì, vì tôi đã quen rồi.
Ông chủ khách sạn là một con người vui tính và tốt bụng mà tôi mới quen biết. Khi tôi xuống đến dưới nhà ông bảo tôi:
– Từ giờ đến lúc xe chạy hãy còn thời gian. Mời ông xơi tách trà đã!
Tôi uống với ông ta tách thứ năm.
– Tôi biết ông thích uống nước trà lắm, – ông ta nói. – Vậy mời ông xơi thêm tách nữa!
Nước chè của ông ta rất ngon, nên không nói chắc các bạn cũng biết là tôi không thể từ chối nổi. Thế là thành sáu tách tất cả. Sáu tách đối với tôi thì cũng chưa lấy gì làm nhiều lắm, nhưng dù sao cũng cần phải ra ngoài một chút. Tôi đã định xin phép, nhưng thấy chủ nhân cứ thao thao bất tuyệt nên không dám ngắt lời. Vừa lúc đó thì có bà chạc trung tuần bước vào.
– Thưa ngài, tôi là người hôm qua được hầu chuyện ngài bằng điện thoại đấy ạ! – Bà ta tự giới thiệu.
– Ồ, rất hân hạnh được gặp bà.
Người đàn bà ấy hóa ra vừa là nhà thơ, nhà viết truyện ngắn, nhà viết tiểu thuyết kiêm nhà viết kịch. Bà ta đã đưa tặng tôi bốn tác phẩm của mình.
– Xin lỗi, bà dùng trà hay cà phê ạ? – Tôi hỏi.
– Xin ông nước trà ạ!
Không hiểu sao, tôi cảm thấy nếu chỉ gọi nước trà cho mình bà ta thôi, thì thật là bất lịch sự. Nên tôi lại phải uống với bà ta một tách nữa là thành bảy tách.
Sau tách thứ bảy, tôi đã bắt đầu thấy hơi khó chịu, tuy chưa đến mức khó chịu lắm. Nhưng lẽ nào vừa làm quen với một người phụ nữ đã vội đứng dậy xin phép đi ra. Đã mấy lần tôi định nói: “Xin lỗi bà, tôi chạy về buồng một phút, tôi để quên một thứ ở đấy” hoặc “Xin phép bà, tôi chạy ra chỗ máy điện thoại một phút”. Nhưng bà khách đang cơn cao hứng bàn luận về thơ ca, nên tôi không sao nói xen được câu nào.
– Cuộc sống ở đây mới buồn làm sao – Cuối cùng bà ta thở dài nói.
– Vâng, nhất là lúc này tôi lại càng cảm thấy buồn… – Tôi đáp.
– Nhưng ngài còn có thể trút bỏ nỗi buồn của mình.
– Đấy là bà tưởng vậy thôi, chứ giá mà tôi có thể trút bỏ được nỗi buồn này…
– Thế cái gì làm ngài khó chịu ạ!
– Đó là cái ước muốn không thực hiện được… Tôi thấy… khó diễn đạt quá.
– Vâng, ngài nói đúng. Không phải bất cứ tình cảm nào ta cũng có thể diễn đạt thành lời được, vì ngôn ngữ của chúng ta nghèo nàn quá!
– Dạ không. Kể ra diễn đạt thì cũng có thể diễn đạt được, nhưng tôi cứ cảm thấy khó nói thế nào ấy…
Bà khách hơi tỏ vẻ ngạc nhiên.
– A! Thế ra ngài…
Nhưng bà ta chưa kịp nói hết câu thì vừa lúc có ba người đàn ông tiến lại phía chúng tôi. Một người đã có tuổi, còn hai người kia chạc trung niên. Đó là ông bác sĩ của tỉnh và hai ông luật sư.
Họ mới biết tin là tôi đang ở đây.
– Rất hân hạnh được làm quen với các ông.
Các vị khác mới này cũng cần phải tiếp đãi. Nhưng ngoài trà và cà phê ra thì không còn cái gì khác. Vì thế tôi sẽ lại phải cùng uống với họ.
– Ồ, không đời nào – Ông bác sĩ tuyên bố, – Ngài là khách của chúng tôi thì chúng tôi phải đãi ngài chứ! – Rồi ông quay sang bảo người hầu bàn: – Cho năm tách trà nhé!
Tách thứ tám đã cạn mà tôi vẫn chưa tìm được cớ gì để ra ngoài một lát. Lúc này tôi đã thấy khó chịu thực sự rồi chứ không còn nói đùa nữa. Nhưng vừa làm quen với họ xong, chả lẽ… Hơn nữa, cả ba vị khách này đều là những người có tư tưởng tiến bộ cả.
– Theo ý ngài thì có cách gì để giảm nhẹ gánh nặng cho dân chúng không ạ? – Viên luật sư hỏi.
– Trời ơi! Làm sao có thể nghĩ đến chuyện giảm nhẹ gánh nặng cho người khác, trong khi chính tôi đang cần được trút bỏ gánh nặng trong người!
– Tôi thấy cần phải đi ra ngoài.
– Ngài định nói gì ạ? – Ông bác sĩ không hiểu.

– À, chắc là ngài muốn nói phải đi ra khỏi biên giới nước ta. – Ông luật sư trả lời thay tôi. – Phải, chúng ta phải cho thanh niên đi du học nước ngoài thật nhiều mới được, vì có nhiều cái chúng ta phải học hỏi ở họ lắm!
Nói vô phép các bạn, lúc này tôi đã.. buồn… cứng cả người, không thể nhịn được nữa. Thôi kệ? Chả lịch sự thì đừng! Tôi nghĩ thầm như vậy rồi bảo họ:
– Xin lỗi các vị một chút…
Nhưng chưa kịp đứng lên thì một nhân vật mới đã xuất hiện. Đó là một thương gia trẻ mà tôi mới quen biết cách đây hai hôm. Ông này đối với tôi cũng có rất nhiều cảm tình thân thiện.
– Ô tô sẽ khởi hành từ trạm giao thông. – Ông ta báo cho chúng tôi biết.
Tôi vội vàng đứng dậy, định tìm cách chuồn khỏi họ một chút. Nhưng không kịp. Ông thương gia đã kẹp chặt một bên nách tôi, còn nách bên kia ông luật sư. Tôi không nỡ xúc phạm đến cử chỉ thân thiết của họ, nên đành chịu cứng. Có hai người xốc nách hai bên, tôi bước ra khỏi khách sạn như một tên tội phạm. Tám chén nước trà cứ ùng ục trong bụng, may mà có hai người đỡ hai bên, chứ không thì có lẽ tôi không đi nổi.
– Ngài khó chịu ạ?
– Vâng, hơi khó chịu.
– Ngài làm sao thế?
– Tôi cũng không biết nữa. Nhưng tôi thấy trong người hơi khó chịu, y như có cái gì nó…
– …Đè nặng trong người phải không?
– Vâng, hình như thế.
– Thì tình cảnh nước nhà thế này ngài bảo ai mà không thấy đau lòng?!
Chúng tôi đi hết một quảng trường, rồi lại vượt qua hai dãy phố. Trời ơi! Tôi chỉ mong sao đến trạm cho nhanh! Đến đó rồi, thì có ngượng đến mấy cũng mặc, tôi phải chạy đi tìm ngay cái chỗ cần thiết.
Nhưng không ngờ, trạm to thế mà cái chỗ tôi cần tìm thì lại không có.
– Ngài uống trà hay cà phê ạ?
– Không, cảm ơn! Tôi không uống gì đâu!
– Ấy chết! Sao lại thế ạ! Muốn gì ngài cũng phải uống với chúng tôi một chén đã!
Người ta mang trà đến. Tôi uống vội uống vàng hết ngụm này đến ngụm khác để tranh thủ thời gian. Cứ mỗi ngụm tôi lại thấy bụng đau nhói. Uống hết tách thứ chín, tôi bắt đầu vã mồ hôi. Nhưng có khi ra mồ hôi thế lại hóa hay, vì có thể tôi sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Thấy mặt tôi lấm tấm mồ hôi, viên luật sư hỏi:
– Ngài khó chịu ạ?
– Vâng, tôi thấy khó chịu lắm!
– Tôi có thuốc đây! Uống vào sẽ hết ra mồ hôi ngay!
– Ấy thôi! Tôi không uống thuốc đâu!
Nhưng người thư ký vẫn mang đến cho tôi mấy viên thuốc và một cốc nước. Mọi người đồng thanh bảo:
– Ngài uống đi ạ!
Giá như được lựa chọn, thì có lẽ tôi xin được nuốt ngay một tấm bọt biển hay một tờ giấy thấm còn hơn! Mọi người gần như phải dùng vũ lực ép tôi uống mấy viên thuốc và cốc nước.
– Tôi không chịu nổi nữa đâu – Uống hết cốc nước tôi bảo họ – Tôi phải đi ra ngoài đây!…
– Ngài vẫn thấy khó chịu ạ?
– Tôi khó chịu lắm!
Tôi lảo đảo đứng dậy, định đi ra, thì có một người bước vào nói:
– Ô tô sắp chạy. Xin mời các vị lên xe cho!
Tình trạng mỗi lúc một nguy ngập: gần hai chục vị trí thức của tỉnh mà tôi mới quen biết ra tiễn tôi. Người nào cũng tranh nhau nói, tranh nhau kể. Làm thế nào tôi thoát khỏi tay họ được!
Chúng tôi đã đến trạm giao thông. Nhưng té ra người ta chưa bơm lốp xe. Viên thư ký trạm cũng là một anh chàng sính chuyện văn chương. Anh ta nói:
– Tất nhiên là ngài không biết chúng tôi, nhưng chúng tôi thì biết ngài rất rõ. Trong khi chờ bơm xe, xin mời ngài uống với chúng tôi chén trà đã!
– Cám ơn anh, tôi vừa uống xong!
– Ấy chết! Xin ngài đừng từ chối!
Chao ôi! Thử hỏi trên đời này còn có thứ cực hình nào hơn thế nữa! Uống hết tách thứ mười, tình trạng tôi đã hoàn toàn nguy kịch: Tim tôi đập mạnh, tai ù lên. Tôi không còn nghĩ gì đến chuyện xấu hổ nữa. Tôi phải hỏi thẳng xem nhà vệ sinh ở đâu để tôi chạy đi mới được.
– Chỗ đi tiểu ở đâu nhỉ? – Tôi nhăn nhó hỏi.
– Nhà vệ sinh ấy ạ?
– Phải.
– Ở sân nhà thờ lớn kia ạ! Cách đây khá xa.
Đúng lúc đó, người tài xế đã bơm xong lốp xe bước vào:
– Xin mời các vị lên ô tô cho!
Cái bộ dạng của tôi lúc này đã thảm hại lắm, ấy thế mà tôi vẫn phải cố gượng cười với những người đi tiễn thì không biết trông cái mặt tôi nó ra làm sao? Tôi phải cố gắng nhếch mép làm một nụ cười méo xẹo, ô tô bắt đầu chuyển bánh. Chúng tôi vẫy tay chào nhau.
Đi được một lúc thì tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Cỏ lẽ những cái xóc ô tô đã làm cho cái bụng đầy nước của tôi nó xẹp đi chăng? Xe cứ tiếp tục chạy.
– Bao giờ thì đến nơi nhỉ?
– Khoảng hai tiếng rưỡi nữa!
Kể ra, cứ ngồi yên một chỗ như thế thì cũng chưa sao, tôi thấy vẫn còn có thể chịu được. Đi chừng một tiếng rưỡi đồng hồ thì ô tô bắt đầu tiến vào một thị trấn và dừng lại trước một quán cà phê.
Tôi vội nhảy ngay xuống, hai tay ôm lấy bụng. Đưa mắt nhìn xung quanh, tôi hi vọng tìm được một nơi nào khuất vắng. Nhưng chết rồi, lại có bốn người nào đang vừa tiến về phía tôi vừa mỉm cười!
– Chào bác ạ! Xin giới thiệu, chúng tôi là những giáo viên ở đây. Chúng tôi được người ta gọi điện báo cho biết là bác sẽ đến đây.
Chắc các bạn đã hình dung được tình cảm thảm hại của tôi lúc này. Tôi trả lời họ mà mặt thì nhăn nhó:
– Rất hân hạnh!
– Ô tô còn đỗ ở đây chừng dăm, mười phút. Vậy mời bác xơi nước đã!
Nghe nói đến “nước”, tôi bủn rủn cả chân tay. Người ta kéo tôi vào tiệm cà phê.
– Tôi không muốn uống trà đâu!
– Nếu vậy bác xơi cà phê nhé
– Không, cà phê cũng chịu thôi!
– Thế thì bác phải uống một chút gì, chứ không thì thật tủi cho chúng tôi!
Rồi họ vẫn cứ mang trà đến. Nhưng trà nào có ra trà! Uống xong tách thứ mười một, bụng tôi đau quặn.
– Ở đây nhà đi tiểu ở chỗ nào nhỉ? – Tôi đành hỏi thẳng.
Bỗng có tiếng người tài xế kêu to:
– Yêu cầu hành khách lên xe thôi!
– Nhà vệ sinh ấy ạ? Ở trường học đằng kia cơ ạ! – Một vị giáo viên nói rồi chỉ về phía tít ngọn đồi trước mặt. Nhưng tôi còn hơi sức đâu mà leo lên được đến đấy!
– Yêu cầu hành khách lên xe! – Người tài xế lại giục một lần nữa.
– Không có ai quan tâm gì đến khó khăn của chúng tôi cả. – Một vị giáo viên nói.
– Vâng. – Tôi đáp – Chẳng ai muốn lâm vào tình cảnh của người khác làm gì. Mỗi người có nỗi khổ riêng của mình.
– Không biết tình trạng này kéo dài đến bao giờ nữa?
Chân tôi lúc này muốn khuỵu xuống.
– Tôi chỉ mong sao chóng đến khách sạn thôi. Đến đó tôi sẽ dễ chịu ngay!…
Mọi người không hiểu tôi muốn nói gì, nhưng vẫn cười ầm lên, vì tưởng tôi khôi hài.
Tôi lên ô tô ngồi.
– Chúc bác lên đường bình an!
Thế là lần này chúng tôi không kịp chuyện trò gì với nhau. Thôi được, để đến lúc về vậy.

Nhớ những cái xóc của ô tô nên tôi lại thấy dễ chịu hơn. Hay là nói với tài xế cho xe dừng lại? Không biết có nên không nhỉ. Trong xe có đến năm, sáu chục hành khách, cả đàn bà trẻ con. Mọi người sẽ tập trung nhìn tôi mà cười mất! Lúc ấy thì biết chui vào đâu? Thôi, tốt nhất là cứ quên đi, đừng nghĩ đến nữa thì sẽ thấy dễ chịu thôi! Tôi nghĩ thầm như vậy.
Đúng lúc đó, có một chú bé bỗng kêu lên:
– Mẹ ơi! Con muốn đi tè!
– Cố nhịn đi một tí con!
Một hành khách kêu to bảo bác tài xế.
– Bác tài ơi! Cho xe dừng lại một chút nhé? Có người muốn đi tiểu?
– Phải tính trước từ nhà chứ? – Người tài xế càu nhàu. – Cứ mỗi người dừng lại một tí thì kiếp nào mới đến nơi được?
Tôi đang mừng thầm, nghe nói thế lại cụt hứng. Lại phải cố bóp bụng mà chịu vậy.
Ba tiếng rưỡi sau, chúng tôi mới đến nơi. Mọi người xuống xe. Khách sạn đã ở ngay trước mặt. Tôi chạy vội ngay về phía đó. Nhưng có ba thanh niên bỗng chặn tôi lại. Cùng đi với họ có hai đại biểu của phái đối lập.
– Chúng tôi đang họp hội nghị.
Té ra cả hai vị đại biểu này đều quá tha thiết muốn gặp tôi, nên đáng lẽ phải đi từ sớm, nhưng họ đã nán lại đến tận chiều để chờ gặp tôi. Biết làm thế nào bây giờ?
– Xin lỗi các vị một phút đã…
– Xin ngài để sau hẵng hay, chúng tôi đang đợi ngài.
Chúng tôi bước vào một gian phòng đầy người ngồi.
Hội nghị chưa khai mạc.
– Mang trà ra đây nhé!
Tôi uống tách thứ mười hai. Có người hỏi:
– Không biết đến bao giờ mới chấm dứt những thủ tục này?
– Xin lỗi, ở đây có nhà vệ sinh không ạ?
– Sao ngài lại hỏi thế ạ?
– A, tôi chỉ muốn biết thế thôi!…
– Mang thêm trà nhé!
– Thôi cảm ơn, tôi đủ rồi.
– Đủ là thế nào ạ! Chúng tôi được biết là ngài thích uống trà lắm mà!
Tôi lại uống tiếp tách thứ mười ba.
– Ngài bảo liệu đến bao giờ mới chấm dứt tất cả những cái trò này?
– Riêng về phần tôi thì tôi thấy thật là nhục nhã!
– Trà gì mà loãng thế. Bảo pha đặc vào nhé! Này anh bạn! Cho thêm nước trà nhé! Mà thật đặc vào!
Tôi lại cạn chén thứ mười bốn.
– Thật không chịu đựng nổi nữa!
– Vâng, đúng là như vậy! Thì ngài bảo nỗ lực đến hết sức mình mà vẫn không đạt được nguyện vọng, thì ai còn đủ kiên nhẫn mà chịu đựng nữa?!
– Xin lỗi các vị, tôi đến khách sạn một chút rồi quay lại ngay!
Tôi muốn chạy, nhưng không chạy nổi nữa, mà phải khom người đi ra ngoài.
– Rất hân hạnh được gặp ngài. Tôi là chánh văn phòng thị chính. Ngài thị trưởng của chúng tôi hỏi thăm ngài từ sáng.
Chúng tôi vừa nói chuyện vừa đi về phía khách sạn.
– Xin mời ngài vào ạ! Đây là tòa thị chính.
Chúng tôi bước vào ngôi nhà của Tòa thị chính.
– Xin mời ngài xơi nước!
– Cảm ơn ông, tôi không uống được nước trà.
– Ồ thưa ngài, một chén thì có hề gì đâu ạ!
Thế là lại thêm chén thứ mười lăm.
– Ngài xơi thêm chén nữa ạ!
– Thôi đủ rồi ạ, cảm ơn ông.
Có tiếng chuông điện thoại. Viên giám đốc cầm lấy ống nghe.
– Bẩm ngài, vâng. Đang ở đây ạ! Vừa mới đến xong ạ!
Đoạn ông quay sang bảo tôi:
– Ngài tỉnh trưởng đang chờ ngài.
– Thôi để xin phép ông lúc khác…
– Ồ không được. Ngài là khách của chúng tôi. Chúng tôi không để ngài đi đâu cả!
Chúng tôi bước vào buồng làm việc của ông tỉnh trưởng.
– Xin mời ngài xơi nước.
– Thú thật với ngài là tôi không uống được nước trà. Uống vào tôi bị sặc ngay.
– Dù sao cũng mời ngài xơi một chén. Chả lẽ khách đến chơi mà đến một ngụm nước cũng không có.
– Cám ơn ngài, nhưng tôi không thể uống được!
– Ấy, không được! Có vội gì thì ngài cũng phải xơi một chén.
Uống hết chén thứ mười sáu, tôi bỗng cười phá lên như điên. Viên tỉnh trưởng và chánh văn phòng tòa thị chính thị vẫn đang bàn luận về tình hình đất nước.
– Thưa ngài, quả thật với cung cách làm ăn hiện nay thì đáng cười thật!
– Tôi cảm thấy bị tức lắm.
– Vâng, quả là cái lề lối mòn cũ nó làm ngài khó chịu, nhưng bây giờ chắc ngài đã thấy dễ chịu hơn… Ngài chớ nên quên rằng bây giờ không còn như trước nữa…
– Ôi, lạy Chúa. Tôi không biết! Tôi thấy mỗi lúc một tức…!
Về đến khách sạn, tôi lăng ngay chiếc cặp vào góc phòng và hỏi người gác cửa:
– Chỗ đi tiểu ở đâu?
– Thưa, ngài cần thuê phòng một người chứ ạ?
– Một trăm người cũng được! Nhưng chỗ đi tiểu đâu?
Anh ta chìa cho tôi ba tờ khai.
– Trước hết xin ngài điền vào ba tờ khai đã!
– Anh muốn viết gì vào đấy thì viết, nhưng nhà đi tiểu ở đâu?
– Thưa ngài, đã có lệnh của cảnh sát, ai không có đủ giấy tờ thì không được thuê buồng ạ!
Tôi đặt trước mặt anh ta tờ giấy khai sinh và bảo:
– Đây, anh giữ lấy làm kỷ niệm! Anh nói ngay cho tôi, nhà đi tiểu ở chỗ nào?
– Thưa, ngài từ đâu đến ạ?
– Tôi van anh!
– Ngài sẽ ở lại mấy ngày và sau đó sẽ đi đâu ạ?
Phải cố sức lắm tôi mới mở bật được cánh cửa và leo lên cầu thang.
Ở phía cuối hàng lang, tôi nhìn thấy một cánh cửa có ghi số: 00. Tôi đập cánh cửa, nhưng hoá ra cửa lại khóa từ trong.
Tôi mở cánh của bên cạnh. Đó là phòng ngủ. Nhưng thôi cũng đành. Vì tôi không thể nhịn thêm một phút nào nữa.

Ôi, thật là nhẹ nhõm. Người nào chưa từng phải chịu đựng như tôi, thì không thể hiểu thế nào là hạnh phúc. Tôi thanh thản bước xuống cầu thang. Tầng dưới là tiệm cà phê. Tôi khoan khoái ngả người xuống một chiếc ghế và dõng dạc gọi người hầu bàn:
– Ê, này! Cho một tách trà nhé! Thật đặc vào!.
CÁI KÍNH
Một hôm, cách đây chừng bảy, tám tháng, có người bạn hỏi tôi:
– Tại sao anh không đeo kính?
– Làm sao tôi phải đeo?
– Tuổi anh bây giờ là phải đeo rồi chứ còn sao nữa! Không đeo, đến lúc mắt hỏng nặng, không nhìn thấy gì đâu?
Từ lúc người bạn đó ra về, mắt tôi tự dưng mờ hẳn. Nhìn lúc gần lúc xa đều không rõ nữa.
Lâu nay tôi vẫn thầm mong cho tóc chóng rụng, cho trán hói đi. Rồi đeo thêm chiếc kính vào cho ra dáng trí thức. Vì tôi cho như thế là dấu hiệu của một anh trí thức. Ngay như anh bán thịt bây giờ mà để trán hói và mang kính vào, tôi cho trông cũng không khác gì giáo sư đại học! Nhưng cái mơ ước ấy của tôi không thực hiện được, vì tóc tôi mỗi ngày một dày thêm. Thế thì ít ra tôi cũng nên sắm cái kính mà đeo vậy, để nhìn thấy tôi, người ta bảo: bác học đấy!
Vậy là tôi đi khám đốc tờ. Khám xong ông này bảo tôi:
– Anh bị cận thị! Một phảy bảy nhăm đi-ốp!
Theo đơn ông ta dặn, tôi sắm một cái kính. Nhưng cứ động đeo vào là tôi thấy mặt mày sa sầm, buồn nôn không chịu được. Thậm chí có lần, nói vô phép các bạn, tôi nôn thật! Nôn thốc nôn tháo, nôn ra cả mật xanh mật vàng. Không đeo thì không nhìn thấy, mà đeo thì tuy nhìn thấy được, nhưng lại bị cảm giác buồn nôn. Thật đúng là khổ!
Một ông bạn khác thương hại bảo tôi:
– Tôi có thể giới thiệu với anh một bác sĩ giỏi. Anh hãy đến ông ta khám xem.
Ông bác sĩ này xem mát tôi, rồi xem chiếc kính.
– Thằng cha lang băm nào cho anh đơn mua cái kính này thế? Có phải anh bị cận thị đâu!
– Thế thì tôi bị làm sao ạ?
– Viễn thị! Hai đi-ốp.
Tôi lại mua kính mới. Đeo chiếc kính này tôi không còn thấy chóng mặt buồn nôn nữa, nhưng lúc nào cũng bị chảy nước mắt. Đâm ra mắt tôi lúc nào cũng đỏ hoe, như khóc ai vậy. Tôi bị cái cảm giác thương xót rất lạ. Cặp kính này chỉ có thể đi đưa đám là hợp.
Một ông bạn thân tỏ vẻ ái ngại cho tôi:
– Thế này thì cậu đến mù mất! Cậu phải đi khám bệnh viện nhà nước xem sao! Ở đấy họ khám cẩn thận. Lại có giáo sư nhãn khoa nữa, chứ không như mấy ông bác sĩ tư!
Bệnh viện nhà nước quả là có khác thật: máy móc nhiều, mà dụng cụ cái gì cũng sáng nhoáng.
Tôi được một giáo sư khám. Tôi kể cho giáo sư nghe cái bất hạnh của tôi.
– Người thì bảo tôi là cận thị, người thì bảo là viễn thị. Giáo sư giận lắm.
– Quân ngu! Anh không phải cận thị, cũng không phải viễn thị, mà là loạn thị.
Theo đơn của giáo sư, tôi mua đôi kính khác. Cặp kính này tôi đeo vừa lắm, trông cái gì cũng rõ. Phải mỗi tội cái gì bây giờ như cũng lùi hẳn ra xa. Mấy bức tường trong căn phòng tôi sống hàng chục năm nay, dường như bị lùi xa đến hàng ba chục thước. Tôi giơ tay chực bắt tay người quen, nhưng không sao với tới được. Định viết, giấy đã chạy khỏi tay đến hai thước. Nhìn vật gì cũng thấp bé tí xíu. Người thì chỉ bằng hạt đậu ván… Nhưng hại nhất là tôi không ăn uống gì được. Vì vừa ngồi vào bàn là đĩa thức ăn đã chạy đi xa hai chục thước rồi. Mùi xúp nóng bốc ngay dưới mũi, nhưng cứ cầm thìa chực múc, thì bát xúp đã ở cách xa hàng hai mét! Tôi không ăn uống cử động gì được nữa. Một anh bạn phải dắt tay tôi dẫn đến một bác sĩ khác tốt nghiệp ở Mỹ về. Khám xét cẩn thận xong ông ta bảo tôi:
– Đứa nào cho anh mua cái kính này đây? Đúng là đồ lang vườn dốt nát! Anh cứ kiện lên phòng công tố cho nó bỏ mẹ!
– Thôi! Cứ để thánh Ala trừng phạt hắn! – Tôi nói.
Tôi lại thay kính mới. Bây giờ mắt tôi nhìn cái gì cũng hóa hai. Nhà tôi đang bảy người, bỗng nhiên hóa thành mười bốn. Mỗi người lại có một người giống hệt mình. Thật tôi chưa bao giờ thấy chuyện lạ như vậy. Chả lẽ lại có những người giống nhau đến mức độ như thế hay sao? Vô lý quá! Nhìn xuống chân thì thấy bốn chiếc ủng, nhìn bàn tay thì thấy có mười ngón.
Tôi đến một ông bác sĩ khác. Ông này học ở Đức về.
– Ai bảo anh đeo kính này?
– Làm sao ạ?
– Sai chứ còn làm sao nữa!
Hóa ra một mắt tôi bị viễn, còn mắt kia thì cận. Vị danh y mới lại ghi cho tôi chiếc kính khác. Bây giờ tôi không phân biệt được sáng tối nữa.
Xung quanh tôi tối như hũ nút.
– Đứa dốt nào ghi cho anh chiếc kính này vậy hả? Mắt anh hoàn toàn bình thường, có làm sao đâu?
– Nhưng tôi không nhìn thấy gì cả! Tối cứ như bưng ấy!
– Thế là anh bị quáng gà thôi, chứ chẳng có làm sao hết!
Lại uống thuốc, lại tiêm, lại kính mới… Bây giờ các vật ở xa trông lại hóa gần. Chân đáng lẽ leo lên tàu thủy, thì lại bước ngay xuống biển… Vì tàu chưa cập bến, nhưng trông cứ như đã ngay sát bờ. Không còn viên bác sĩ nào trong tỉnh là tôi chưa mò đến! Ông này bảo mắt phải tôi cận, mắt trái viễn, thì ông khác nói ngược lại. Ông trước kêu loạn thị, thì ông sau phán là bị đục nhãn mắt. Đeo kính của cái ông bảo tôi bị đục nhãn mát, nhìn cái gì cũng ra màu xanh cả. Có ông còn đoán tôi bị chứng mù màu. Nhìn phía trước nhìn sang bên, nhìn xa nhìn gần, cái gì cũng biến thành hai, màu sắc lẫn hết. Đi trên đường thẳng mà tôi có cảm giác như bước xuống cầu thang, mỗi bậc cách nhau hàng bốn năm chục phân. Tôi cứ phải bước từng bước dài như lạc đà vậy.
Một lần, đang đi trên cầu, thế quái nào tôi bước hụt một cái, ngã lăn ngay xuống dưới. Vì cứ tưởng những bậc cầu thấp hơn một mét. Cái gì cũng mờ mờ ảo ảo. Người ta đỡ tôi dậy.
– Cái kính của tôi đâu rồi? – Tôi hỏi.
Họ tìm thấy kính đưa cho tôi. Tôi đeo kính vào thì… Thánh Ala ơi!… Mọi vật bỗng trở nên sáng sủa rõ ràng quá! Vật nào đúng vật nấy, rõ như một! Rõ như chưa bao giờ tôi có thể nhìn rõ như vậy. Hay kính của người khác chăng? Không! Đích thị kính của tôi đây mà! Đúng gọng sừng to màu đen đây! Tôi sướng không làm sao tả được! Bây giờ thì đừng hòng tôi bước chân đến một anh bác sĩ mắt nào nhé! Tôi đã đọc được cả mấy dòng chữ nhỏ nhất trên báo và nhìn rõ cả tên chiếc tàu thủy đâu tít ngoài xa. Tôi đi về nhà, lòng vô cùng sung sướng:
– Kính của anh sao thế kia? – Vợ tôi hỏi.
– Làm sao?
Tôi bỏ kính ra xem. Ngón tay thò qua được cả lỗ gọng! Té ra mắt kính đã bị vỡ rơi mất rồi mà tôi không biết.
CHỈ VÌ SƠ Ý
Anh ta đang đứng ở bến ô tô buýt, trước cổng ngôi nhà của Bộ và đợi ai đó.
Từ trên ô tô buýt bước xuống một người đàn ông đeo kính và mặc áo măng tô nâu. Hai người ôm nhau. Đó là những người bạn cũ. Đã lâu lắm họ không gặp nhau.
Rồi những tiếng kêu vang lên:
– Ô-ô-ô!
– U-u-u!
Tiếp đó là:
– Cậu thế nào?…
– Không sao, còn cậu?
– Có gì mới không?…
– Lạy thánh Ala…
– Bọn mình vẫn sống bình thường…
Người đeo kính và mặc áo măng tô nâu bắt đầu mời bạn mình đến chơi.
– Đến thì đến, – người kia nói. – Nhưng mình đang đợi một người bạn. Chờ anh ta ra chúng ta cùng đi.
– Các cậu hẹn gặp nhau ở đây à? – Người đeo kính hỏi.
– Không, chúng tôi đi cùng nhau. Anh ấy có chút việc ở Bộ, phải ghé vào đó… Chỉ năm phút nữa sẽ ra thôi.
– Ồ, cậu đợi vô ích thôi. Anh ta sẽ không ra đâu.
– Sao lại không ra? Nhất định sẽ ra mà!
– Tớ cam đoan với cậu, anh ta không ra ngay được đâu
– Cậu biết anh ấy à? – Người bạn tò mò hỏi.
– Không biết. Nhưng chắc chắn anh ấy không ra ngay được đâu.
– Sao cậu có thể nói như thế về người mà cậu không biết?
– Anh ta sẽ không ra. Không cần biết anh ta tớ vẫn có thể khẳng định được điều đó.
– Nhưng tại sao anh ấy lại không ra? Anh ấy bước vào trong cái cổng này mà. Anh ấy lừa tớ để làm gì?
– Tớ không bảo là anh ấy lừa. Nhưng bất cứ người nào hễ bước qua cổng một cơ quan nhà nước thì đều…
– Anh ấy sắp ra ngay bây giờ đây này.
– Cậu đừng chờ, không ra đâu. Cho đến hết giờ làm việc anh ấy không ra đâu.
– Anh ấy là người giữ lời hứa lắm. Rồi cậu sẽ thấy.
– Cậu hãy tin mình đi, anh ấy không thể ra được mà!

– Nghĩa là, cậu cho rằng, trong lúc mình đang đứng chờ ở đây, thì anh ta đang ba hoa tán phét với một người quen nào đó? Nhưng, thứ nhất, anh ta không có ai quen ở Bộ này cả, thứ hai, anh ấy không phải loại người thích ba hoa tán phét.
– Cậu bảo anh ấy ghé vào Bộ có việc phải không?
– Đúng. Nhưng đó là việc đã được giải quyết rồi. Anh ấy chỉ rẽ vào lấy tờ quyết định đã được kí. Có thế thôi. Anh ấy chỉ vào văn phòng nhận tờ quyết định rồi ra thôi.
– Thế là rõ rồi. Cậu có thể đừng chờ anh ta nữa, nếu không cậu sẽ phải đứng đây cho đến hết ngày làm việc.
– Tớ đã nói với cậu là công việc đã được giải quyết rồi mà. Anh ta chỉ việc đến nhận tờ giấy ở văn phòng rồi về thôi.
– Không về được đâu, anh bạn ơi. Việc đó ngoài thẩm quyền của anh ta.
– Nhưng vấn đề đã giải quyết xong rồi mà! Còn nếu như gặp chuyện quan liêu phiền phức anh ấy cũng chẳng đợi đâu.
– Tớ thề có thánh Ala là anh ấy không ra ngay đâu. Thôi, ta đi thôi.
– Như thế không tiện.
– Cách đây không lâu tớ có việc phải ghé vào một công sở. Mà thật ra cũng chẳng có việc gì quan trọng… Tớ có một anh bạn quen làm việc ở đấy. Tớ ghé vào để mời vợ chồng anh ấy tối đến nhà tớ ăn cơm. Sau khi đã thỏa thuận xong xuôi mọi việc, tớ bước ra khỏi văn phòng, đi xuống cầu thang, bỗng nhiên tớ lạnh cả người. Tớ sờ tay lên đầu, không thấy cái mũ ở đó. Tớ nhớ lại: trước khi vào phòng anh bạn quen tớ treo cái mũ lên cái mắc áo ở ngoài hành lang. Khi ra về tớ chỉ mặc áo măng tô, mà quên mất cái mũ. Thề có thánh Ala, tớ chưa bước chân ra khỏi cơ quan, mới chỉ xuống có ba bậc thang. Tóm lại, tớ quay lại ngay chỗ giá treo áo, nhưng cái mũ đã biến mất. Chó thật? Không có cái mũ tớ không dám đi đâu cả. Đi đâu mà không có mũ tớ bị sổ mũi ngay. Hơn nữa đó lại là cái mũ Italia. Hiện nay có đốt đuốc soi cả ngày cũng không kiếm đâu ra cái mũ như thế. Đó là cái mũ của ông bố vợ tớ đi Italia về cho tớ. Tớ mới đội chưa được một tuần.
Tớ cứ chạy từ đầu hành lang này đến đầu hành lang kia: “Trời ơi, cái mũ của mình đâu rồi!”. Những người đến cơ quan cứ nhìn tớ mà cười. Làm sao họ hiểu được?! Còn tớ thì ngay lập tức bắt đầu sổ mũi. Vì thậm chí khi ở nhà, lúc nằm trên giường hay đi lại trong nhà tớ lúc nào cũng phải có cái mũ chụp vào đầu.
Tớ cứ vừa chạy khắp hành lang vừa hắt hơi. Mọi người cứ cười lăn ra. Một lũ vô lương tâm! Thú thực, chính tớ cũng hiểu cái cảnh ngộ tức cười của mình, nhưng tớ làm sao mà cười được.
Tớ chạy vào phòng anh bạn quen, hắt hơi rõ to rồi kêu lên:
– Không may rồi, bạn ơi! Tôi không may rồi! Cái mũ mất rồi!
– Khoan, cậu cứ bình tĩnh, chúng ta sẽ tìm thấy ngay thôi. – Anh ấy an ủi tôi.
Sếp của anh bạn tôi, cũng ngồi trong phòng đó, có vẻ cáu:
– Thưa ông, ông đừng quên là ông đang ở trong công sở! Ở đây không cái gì có thể mất được!
Lạy trời, chả lẽ tớ còn không biết các công sở của ta là như thế nào hay sao?! Mất thì không mất, chỉ có điều là tìm không thấy thôi! Còn nếu có thấy, thì cũng không dễ gì mà nhận lại được!
Tớ và anh bạn quen đi ra hành lang. Anh ấy gọi người bảo vệ đến hỏi:
– Ở đây ban nãy có treo cái mũ. Nó đâu rồi?
– Cái mũ ấy ạ?… Màu xanh lá cây phải không ạ?
– Phải rồi, phải rồi, màu xanh lá cây… – Tôi mừng quá.
– Chiếc mũ có lông, đúng không ạ?
– Đúng là có lông, người anh em ạ!
– To bằng ngần này, đúng không ạ?
– Phải, phải, to như thế…
– Có dải lụa đen phải không ạ?
– Chính xác!
Tại hành lang xuất hiện sếp của anh bạn tôi.
– Ông bạn thấy chưa? Tôi đã nói rồi mà. Ở công sở một cái kim cũng không thể mất được. Đừng nói cái mũ, mà đến cả hộp nữ trang cũng không ai lấy cả.
Người bảo vệ tại tiếp tục:
– Vành mũ hơi cong lên phải không ạ?
– Hơi cong, hơi cong, đúng rồi bác ạ!
– Phía trên đỉnh hơi bóp vào?
– Hoàn toàn đúng.
– Và có hai lỗ nhỏ cho thoáng khí?
– Phải, phải, có hai lỗ thoáng khí! Ôi, láy chúa bác làm ơn nói cho biết nó đang ở đâu đi!
– Tôi đã giao nó cho ông Vitgiani. Tôi cứ ngỡ có ai bỏ quên.
Tôi chạy đến gặp ông Vitgiani.

– Xin ông giúp cho,… – Vừa nói được đến đó tôi bắt đầu hắt hơi một chập như một tràng pháo liên thanh. Mấy bức tường rung lên như sắp đổ. Hiện nay ở nước ta người ta xây những ngôi nhà như thế này: anh chỉ cần nói nhỏ một tiếng thôi là âm thanh dội vào mấy bức tường và trần nhà vọng lại thành tiếng sấm vang khắp căn phòng. Ông Vitgiani quay sang hỏi cô đánh máy:
– Hồ sơ của cái mũ tìm thấy đâu rồi?
– Tôi chuyển cho phòng đăng kí rồi ạ, – cô gái đáp.
– Cái gì? – Tôi kêu lên. – Các vị lập hồ sơ về cái mũ của tôi thế nghĩa là gì?
Ông Vitgiani tức giận:
– Sao anh khéo bày ra cái chuyện mất mũ thế?! Anh lôi chúng tôi vào các công việc mất thì giờ này!… Sau đó lại tỏ ra ngạc nhiên tại sao chúng tôi phải lập hồ sơ cho nó. Vì cái mũ được tìm thấy ở hành lang. Theo anh, chúng tôi cần phải làm thế nào?
Tôi nói với cô gái:
– Này, cô ơi… – rồi hắt hơi một cái mạnh đến nỗi làm giấy tờ trên bàn cô ta bay tứ tung khắp phòng.
– Trời ơi! – Cô gái kêu lên rồi nói giọng như khóc: – Suốt buổi sáng tôi vừa sắp xếp lại đống hồ sơ, bây giờ ông làm rối tung hết rồi. Bây giờ làm sao đây?!
Mọi người tức giận vì tôi đã hắt hơi không đúng lúc.
– Thánh Ala ơi! Này, cô cháu ơi, tôi đâu cố ý. Hắt hơi cứ như là mệnh lệnh của Sultanấy. Lúc muốn hắt hơi cô cứ thử nhịn xem!
– Thế ông không thể lấy khăn che miệng được hay sao?
– Ôi, cô bé ơi, nhưng hắt hơi đâu phải như người khách đến gõ cửa và nói: “Xin lỗi, tôi đến rồi đây…” Nó ập đến bất ngờ như viên thanh tra ấy chứ.
Cô gái bới tìm trong đống giấy rơi tứ tung dưới đất bản sao hồ sơ về cái mũ của tôi. Đó là một mẩu giấy nhỏ màu hồng. Bản chính thì được ghim vào mũ và đã gửi đến phòng đăng kí vào sổ, ở đây còn lại bản sao. Tôi liếc nhanh mấy dòng chữ. Tại góc trên bên phải có đánh máy: “Nội dung công văn: về chiếc mũ màu xanh lá cây, có lông, có dải băng đen và hai lỗ thoáng khí, tìm thấy ở giá treo mũ ngoài hành lang.”
Cô gái tìm trên đống giấy một con số nào đó và đưa cho tôi:
– Đến phòng đăng kí mà tìm.
Tôi chạy ngay đến gặp nhân viên phòng vào sổ.
– Xin 1ỗi, tôi đến mấy cái mũ…
– Số?
– Số năm mươi chín?
Anh nhân viên tìm một lúc trong cuốn sổ, cuối cùng hỏi:
– Về việc trả tiền nợ công tác phí phải không?
– Nợ nào, ông bạn? Công tác nào? Cái mũ của tôi, màu xanh lá cây, có hai lỗ thoáng khí…
Anh nhân viên tức giận.
– Tôi không có thì giờ quan tâm đến những cái lỗ trên mũ! Hãy nói số đi!
– Năm mươi chín, người anh em ạ…
– Dưới cái số này ghi nợ công tác phí đây thôi!
– A, trời ơi! Hóa ra anh hỏi không phải số mũ. Vậy mà tôi cứ tưởng… Phải, phải. Tôi xin lỗi. Đây, số công văn đây.
Anh nhân viên lại lật giở những cuốn sổ đăng kí.
– Cái này phải không?… Về cái mũ màu xanh lá cây, có lông, có dải lụa đen và hai lỗ thoáng khí, tìm thấy ở mắc treo áo ngoài hành lang?
– Phải, đúng rồi. Cầu thánh Ala ban thưởng cho anh! Thế là cuối cùng cũng tìm ra.
Anh nhân viên ngắt lời tôi:
– Đã gửi đến ông chánh văn phòng để lập biên bản.
Tôi chạy đến gặp anh bạn quen.
– Này, ở đây cậu có người che chở nào không?… Nghĩa là, có người nào có thế lực ấy, cậu hiểu không?
Cần phải cứu lấy cái mũ.
Anh bạn quen dẫn tôi đến ông phụ trách phòng các việc đặc biệt.
Ông này gọi ông chánh văn phòng đến:
– Tại sao không trả cho ngài đây cái mũ của ông ấy?
– Ai không trả? – Viên chánh văn phòng nổi cáu. – Ai cần đến cái mũ của ông ấy! Số năm mươi chín! Tất cả chúng tôi chả ai đầu to như thế. Đội vào có mà chụp đến tận mắt!
Đã có bao nhiêu chuyện như thế rồi họ còn làm nhục cái mũ của tôi! Đến đây tôi lại hắt hơi. May mà tôi kịp quay mặt vào tường, chứ không bao nhiêu giấy tờ trên bàn lại bay khắp phòng.
– Chúng tôi đã lập biên bản về nó, – ông chánh văn phòng tiếp – Ghim vào mũ và đã gửi đến phòng số 2.
– Ông hãy đến phòng số 2 mà nhận cái mũ của mình, – ông phụ trách phòng đặc biệt bảo tôi.
– Việc này đã không còn thuộc trách nhiệm chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ ngâm việc gì lâu. Có việc gì là chúng tôi làm cái thủ tục cần thiết và gửi đi ngay.
Giá đó là cái mũ trong nước sản xuất tôi đã nhổ toẹt vào. Nhưng đây là mũ Italia, hơn nữa lại là quà của ông bố vợ tặng. Loại mũ này bỏ ra hai trăm lia cũng không kiếm được!
Tôi thất thểu tìm đến phòng số 2. Ở ngoài cửa có một đám đông đang đứng xếp hàng, không thể nào lách qua được. Người nào cũng kể cho người bên cạnh nghe nỗi khổ của mình. Còn nỗi khổ của tôi là cái mũ.
– Ông phải đi lại đã lâu chưa? – một ông xếp hàng trước tôi hỏi.
– Từ sáng…
– Về việc gì?
– Về cái mũ, – tôi đáp và kể lại cho ông ta nghe đầu đuôi câu chuyện xảy ra với tôi.
Ông này tức giận:
– Sao lại thế được! Tôi đi đi lại cả nửa năm trời để xin giải quyết một việc mà vẫn chưa ăn thua gì. Vậy mà việc của ông mới từ sáng đã được giải quyết ngay?
– Ông ta hạnh phúc thật, – một người nào đó nói. – Số may mắn!
– May mắn gì ở đây? – Một người khác lâu bầu. – Chắc lại đút lót cho ai đó nên công việc mới được giải quyết nhanh như thế.
Hóa ra, việc cái mũ được giải quyết nhanh như thế là may mắn!
Cuối cùng tôi cũng chen được vào phòng số 2. Nhưng hóa ra người ta đã kịp chuyển cái mũ đến phòng khác rồi.
Tôi tức đến nghẹn cổ, nhưng không dám để lộ mà chỉ nhẹ nhàng hỏi:
– Sao các vị gửi nó đi nhanh thế?
– Trời ơi! Trời ơi! – Ông nhân viên kêu lên. – Ngâm thì họ không thích, thúc đẩy cho nhanh họ cũng không bằng lòng!
– Các vị cứ giữ lại cái mũ của tôi ở đây lâu hơn chút nữa có được không?
– Thưa ông, đây không phải phòng trông giữ quần áo!
Tôi nhớ đến một trò chơi thời trẻ con: người ta giật cái mũ trên đầu một người và bắt đầu ném cho nhau, còn chủ nhân cái mũ cứ nghển cổ chạy quanh, cố bắt lấy nó. Tôi lúc này cũng giống như vậy. Tôi không sao lấy lại được cái mũ của mình. Các thủ tục hành chính lần này được giải quyết nhanh đến nỗi khi tôi bay đến một phòng thì cái mũ của tôi đã được chuyển sang phòng khác.
Cuối cùng đến ngày thứ mười của cuộc rượt đuổi tôi mới tóm được nó trong phòng kho. Người giữ kho từ chối không trả cái mũ cho tôi.
– Việc này quan trọng. Tôi không thể trao cho ông được. Làm sao tôi biết cái mũ này có đúng là của ông không?
Tôi kể ra các đặc điểm:
– Số năm mươi chín. Ngoài đầu tôi ra, cái mũ này ai đội cũng sẽ rộng. Màu xanh lá cây.
– Hừm!… Chả lẽ trên đời này mình ông có mũ màu xanh lá cây?
– Có lông…
– Mũ có lông nhiều lắm. Thế ông có mang theo tấm ảnh nào của ông không?
– Ở một bên thành mũ có hai lỗ thoáng khí.
– Những mô tả của ông rất đúng với biên bản. Nhưng ngộ nhỡ ngày mai có người nào đến đây bảo cái mũ là của ông ta thì sao?
Cuối cùng tôi cũng chứng minh được cái mũ là của tôi. Người ta lại lập thêm một biên bản nữa. Tôi kí vào đó. Ơn chúa! Cuối cùng tôi lại được sở hữu cái mũ của mình.
– Giấy chứng minh của ông! – Người ta bảo tôi.
– Giấy chứng minh? Tôi không mang theo…
– Thế thì chúng tôi không thể trả được.

Xác định cái mũ là của tôi, tôi đã làm được, còn khẳng định tôi là tôi, tôi không sao chứng minh được. Tôi chạy về nhà mang giấy chứng minh đến. Rồi anh bạn quen giúp thêm một chút nữa. Thế là cuối cùng cái mũ đã nằm trong tay tôi. Nhưng cái gì thế này? Trước đây trên mũ chỉ có hai lỗ thoáng khí, còn bây giờ là hai trăm cái lỗ? Đó là kết quả của việc người ta ghim vào đó đủ các loại hồ sơ, biên bản. Không còn là mũ nữa, mà là cái rây bột! Không thể nào đội nó được nữa. Tóm lại, chỉ vì sơ ý tôi đã mất toi… cái mũ.
CHUYỆN ĐỜI TRONG QUÁN RƯỢU
- Chào ngài!
–?…
– Tôi xin chào ngài ạ!
– Xin chào, chúc ngài một buổi tối đẹp!
– Tôi không quấy rầy ngài đấy chứ?
– Có gì đâu… Có điều… Tôi không nhớ đã gặp ngài ở đâu?…
– Chúng ta chưa gặp nhau bao giờ… Hà-hà! Bây giờ mới gặp…
– À thảo nào…
– Chẳng là tôi thấy có người ngồi uống một mình, tôi chợt nghĩ, ta thử đến ngồi bên, nói chuyện…
– À ra thế…
Vậy ta có thể nâng cốc làm quen được không?
– Xin sẵn lòng ngay…
– Ngài biết không, tôi không thích uống một mình. Uống phải có nhóm, hoặc một vài bạn!
– Nhưng tôi không thích đông người, tôi chỉ thích ngồi với chính mình thôi…
– Biết làm sao được, người ta vẫn bảo, sự cô đơn là ân huệ của thánh Ala.
– Và còn là ân huệ của tôi nữa chứ. Sự cô đơn của thánh là vĩ đại, còn của tôi là tiểu tiết…
– Ngài nói hay quá! Xin nâng cốc vì sự cô đơn tiểu tiết của ngài…
– Xin cám ơn!
– Ngài có muốn ngồi sang bàn tôi không?
– Không, tôi không muốn quấy rầy ngài…
– Vậy ngài cho phép tôi sang ngồi với ngài nhé!
– Xin vâng, mời ngài…
– Tôi vui quá đi mất? Xin hỏi, hiện giờ ngài sinh sống ra sao?
– Sống ra sao à? Mà liệu đây có phải là cuộc sống không?! Thà chết quách đi còn hơn!
– Làm sao lại phải thế… Nếu có nỗi buồn thì phải giải tỏa! Nào, xin nâng cốc chúc sức khỏe ngài?
– Cả của ngài nữa? Thế còn ngài sống ra sao?
– Tôi ấy à? Tuyệt vời! Chỉ có thể nói là tuyệt hảo!
– Một con người hạnh phúc… chúc ngài giữ mãi được lòng yêu đời!
– Vậy xin nâng cốc vì lòng yêu đời! Tôi rất thích cái quán rượu ấm cúng này.
– Còn tôi thì chẳng thích ở đây tí nào…
– Nghĩa là ngài thích sòng bạc, thích nhà hàng lớn?
– Tôi không thể chịu được.
– Vậy thì những quán cà phê ngoài trời dọc phố bờ sông?
– Tôi căm thù chúng!
– Vậy sao ngài lại tới đây?
– Cũng không biết nữa… Nào, để nâng cốc… Xin thêm một li nữa đi!
– Chúc ngài có trạng thái tâm hồn sảng khoái! Ngài cứ ngồi với vẻ mặt như người chết rồi thế này… Ngài có một nỗi đau khổ gì vậy?
– Không phải chỉ có một nỗi đau khổ? Cả đời tôi là những nỗi khổ tràn trề!… Tôi đã mất mẹ…
– Xin chia xẻ nỗi đau. Ngài hãy gắng lên… Nào, ta uống để tưởng nhớ bà cụ? Bà cụ ngài mất khi nào nhỉ?
– Bốn mươi lăm năm đã qua… Năm ấy tôi mười ba tuổi.
– Ngài bớt sầu đi! Thời gian chữa lành mọi bệnh…
– Tôi vẫn cứ thấy như là hôm qua…
– Những việc ấy không ai giúp được ngài cả… Làm thế nào được kia chứ? Mẹ tôi cũng mất bốn mươi lăm năm trước đây, hồi ấy tôi cũng mười ba tuổi. Thôi, tốt nhất là ta cạn chén!
– Ngài có vẻ như là không thấy đau khi mẹ mất?
– Ngài nói gì vậy?… Tôi cũng đau khổ lắm chứ… Nhưng phải nghĩ thế nào đây? Cái chết là tất yếu. Tôi đành cố quên… Nếu không thì không sống nổi?
– Còn tôi thì lại cố nhớ!
– Nhưng mà còn phải sống!
– Sống thì ích lợi gì?
– Thế nhưng chết thì có ích lợi gì không? Chúng ta ai rồi cũng tới đó cả? Việc gì phải vội?
– Ngài là người lạc quan chủ nghĩa!
– Tất nhiên, cuộc đời này thật là đẹp! Còn ngài, tôi thấy ngài là người bi quan chủ nghĩa!
– Tất nhiên, xung quanh ta cái gì cũng ghê tởm…
– Nhưng ngài đừng quan tâm đến cái ghê tởm, cố gắng làm sao không biết đến nó.
– Nhưng tôi có điếc và có mù đâu… Thôi, ta lại làm một li cái đã…
– Tuyệt vời! Xin chúc mừng ngài thoát khỏi mọi điều nặng nề!
Chuyen doi trong quan ruou Azit Nexin
– Cảm động quá… Tôi đề nghị ta gọi nhau bằng “cậu, tớ” đi, như thế thú vị hơn nhiều.
– Xin kí cả hai chân hai tay!
– Xin cạn chén cho tình bạn hai ta!
– Xin cậu. Cậu dẹp buồn đi, cậu ơi! Vui lên đi!
– Không được đâu… xung quanh toàn là đau đớn và tai họa… Bố tớ đã qua đời.
– Bất hạnh quá… Thế ông cụ về trời hồi nào?
– Mới đây thôi, mới vẻn vẹn có hai tháng… Ông ấy bị cái ung.

– Đừng khóc, người anh em… Ông cụ tớ cũng đã mất, mà cũng mới hai tháng, mà cũng ung thư.
– Thế sao cậu chẳng đau lòng tí nào?
– Ích gì kia chứ. Dẫu tớ có bị giết chết đi nữa thì ông cụ cũng chẳng hồi sinh lại được.
– Tớ nhìn cậu và thấy kinh ngạc…
– Có gì mà kinh ngạc? Ông ấy cũng chẳng còn trẻ dại nỗi gì, ông ấy cũng đã sống đủ số năm tháng trời cho: tám mươi lăm tuổi…
– Lạ quá nhỉ? Ông già nhà tớ cũng tám mươi lăm.
– Tớ còn cho rằng ông ấy gặp may: cuối cùng ông ấy đã thoát được những đau đớn không sao chịu được… Nào ta tưởng nhớ ông ấy một li!
– Xin vâng… Nhưng dù sao thì cái chết cũng là một cái gì quái đản… Cứ nghĩ đến nó là cuộc sống trở nên nặng nề quá sức…
– Còn tớ thì cứ có dịp nghĩ đến nó là cuộc sống lại ra chừng bội hảo?
– Vợ tớ bỏ tớ rồi… Vợ tớ… Làm sao chịu đựng được cái nỗi nhục ấy?
– Uống đi, rồi sẽ quên hết… Cậu biết không, tớ cũng bị bỏ…
– Thế cậu còn vui cái nỗi gì nữa? Rõ ràng là cậu không yêu cô ta, còn tớ mà thiếu nàng – tớ không sống được…
– Sao lại thế… Tớ cũng yêu chứ, nhưng cậu đừng quá ủy mị. Đã chạy đi – thì cứ để chạy đi cho khỏe!
– Thế nhưng tớ biết làm gì, tớ biết ăn nói ra sao?
– Rất đơn giản? Cho cô ấy được li dị, còn mình lấy vợ khác? Thế là xong! Thôi, ta lại bỏ qua chuyện ấy! Nào, cạn li cho tình yêu!
– Khoan đã, cậu… tớ còn một tai họa – nhân tình có việc phải đi hai tuần…
– Vậy thì đó cũng chính là lí do khiến tớ bồn chồn lo lắng! Tình nhân của tớ cũng đi. Tớ buồn quá, nhưng lại vui vì sắp được gặp lại… Nào, hãy uống vì những chiến tích yêu đương của cậu!
– Cậu làm tớ phát điên mất… Tớ đang ốm! Cậu hiểu không?
– Tớ thương cậu quá, thật lòng đấy. Nào, ta uống chúc sức khỏe cậu! Cụng li đàng hoàng – rồi cậu sẽ quên hết bệnh tật…
– Chao ôi, ước gì…
– Cậu có bị loét dạ dày không?
– Sao cậu lại đoán ra được?
– Đơn giản thôi, vì chính tớ bị.
– Vậy mà sao cậu bình chân như vại?
– Nhưng cuống cuồng lên làm gì? Như thế có thể xấu đi, chẳng hạn nó chuyển thành ung thư. Thà cứ để loét còn hơn… Thôi, ta lại uống, cầu chúc tớ với cậu không bị ung thư!
– Trời hỡi, làm sao tớ lại rủi ro đến thế?
– Còn gì nữa?
– Ở cơ quan chúng nó chèn ép, nửa năm nay không lên chức nào… Mà trong bọn lãnh đạo tớ lại chẳng quen ai, chẳng có ô dù gì cả…
– Hà hà hà? Thôi đi, người anh em, cậu làm tớ vui quá! Nào, một tợp nhanh lên!
– Tớ nói cái gì mà cười?

– Có gì đâu… Hà… Hà…! Có điều là chuyện tớ, cũng y hệt như vậy? Tớ ở công sở cũng tối tăm lắm…
– Thế sao vẫn vui được?
– Vậy khóc lóc hay sao? Ít ra thì tớ vẫn giải quyết được công việc, còn để mà sống thì cần quái gì ô dù? Uống chút xít đi!
– Rồi người ta tống khứ cậu ra khỏi nhà vì hết tiền trả, lúc ấy xem cậu còn vui được không?
– Chà, hà… hà… hà…! Cổ vẫn còn khô rượu… Cậu nói vui quá, chỉ có điều tớ hết sức…
– Cậu có chuyện gì?
– Chính tớ bị đuổi ra khỏi nhà và bị tịch biên tài sản…
– Lại thế sao? Tớ cũng bị hệt như vậy, tớ mất cả máy thu thanh, cả tấm thảm…
– Cái đồ vứt đi ấy mà chúng nó cũng lên biểu bảng hẳn hoi…
– Thế còn cậu, sao cậu lấy làm hài lòng?
– Bởi lẽ nó không còn là cái máy thu thanh nữa, mà là cái ”đỉ bo”, cuối cùng là tớ thoát được nó, còn tấm thảm thì toàn những rệp với mối… Có gì mà tiếc, bao giờ có tiền tớ mua mới hết!
– Cậu biết hi vọng, thế là tốt, còn tớ thì hoàn toàn khác…
– Sao cậu lại không thế?
– Cậu biết không, chỉ riêng những chuyện tớ kể cho cậu nghe cũng đủ…
– Có chuyện mà khóc… Rót đi!
Làm sao mà không khóc được kia chứ… Kết quả bầu cử vừa rồi – ê chề quá. Cái đảng danh giá nhất của chúng tớ mất bao nhiêu là phiếu…
– Cậu vào đảng ấy đấy à? Còn tớ thì cho rằng đó là chuyện trục lợi!
– Miệng lưỡi cậu cũng lắt léo đấy chứ?

– Sao lại không? Bị một cái tát như thế, chính đảng ấy tất phải khôn ra, phải ráng sức, còn nếu nó lên cầm quyền lúc này thì nó chỉ bị làm nhục mà thôi.
– Thôi, tốt hơn hết là ta lại uống…
– Sẵn sàng!
– Không một khi đã không may mắn, thì sẽ không may mắn.
– Sao cậu lại rền rĩ lên thế?
– Làm sao được… Hôm qua đội bóng “Phì phò” lại bị thua rồi. Thế là năm nay chúng tớ không thành quán quân được nữa…
– Tớ không hiểu sao cậu cứ lo buồn mãi. Đội “Phì phò” phải mau chóng loại trừ những tên ba láp còn huấn luyện viên thì cũng đã đến lúc phải dùng chổi xể mà quét bỏ đi: Rồi xem sang năm đội “Phì phò” sẽ cho mọi người biết tay!
– Nào, xin một li cho anh em ”Phì phò”!
– Cụng đi, anh bạn!
– Chao ôi, giá như không còn những khoản nợ…
– Cậu lại có chuyện gì rồi? Thế cậu còn nợ bao nhiêu?
– Cả thay tròn bốn ngàn lia …
– Cả thảy bốn ngàn? Đúng bằng món nợ trên vai tớ…
– Mà cậu cứ vui?
– Nếu không thì chết à! Nợ nần đuổi theo kị sĩ như cái roi đuổi theo lưng ngựa, đó là động lực tốt nhất để làm việc…
– Ôi chao, lại vẫn còn tai họa!
– Chẳng lẽ cậu không thể thôi những khúc bi ca này sao? Còn tai họa gì nữa?
– Cậu có đọc báo không?
– Sao lại không?
– Hành tinh chúng ta đang bị nguy khốn? Sao chổi sắp quệt vào trái đất…
Nghĩa là tận thế chứ gì? Vui quá. Ha… ha… ha?
– Tất cả chúng ta cùng chết?
– Đáng đời quá rồi? Ha… ha…ha? Vui quá, mà phải vui chứ! Nào, cạn đi!
– Trời đất ơi? Tớ buồn nôn…
– Sao cậu cứ rên rỉ mãi vậy?
– Không có gì đâu.
– Không có gì thì đừng kêu trời lên như thế!
– Tớ chỉ kêu trời thế thôi… Để có cớ mà uống…
– Vậy thì tớ có lời khen cậu. Tuyệt quá!… Ha… ha… ha!
– Cậu cười cái gì?
– Để uống cho nó vui hơn… Không thể uống mà lại không có niềm vui!
– Hô… hô… hô…!
– Ha… ha… ha!

Quán rượu nhỏ đã đông người, Trên tường, đối diện với quầy rượu treo một tấm gương to. Cạnh gương, sau một chiếc bàn nhỏ suốt buổi tối có một ông khách ngồi một mình. Ông ta nói chuyện với bóng mình rất lâu, những câu nói lảm nhảm của ông cứ xen kẽ với tiếng cười, tiếng khóc…
Bỗng có một tiếng ”choang” vang lên! Đầu tiên ông khách ném vào gương cái li rượu, rồi sau là cái bình rượu. Những mảnh gương văng ra loảng xoảng – người đối chuyện với ông suốt cả buổi tối đã bị giết chết.
Thế nhưng vẫn còn lại một điều không ai biết được: Cái con người đã thôi tồn tại ấy là ai: người lạc quan hay kẻ bi quan?
TÊN HĂMĐI BIỆT HIỆU CON VOI ĐÃ BỊ BẮT NHƯ THẾ NÀO?
Từ sở cảnh sát Xtămbun người ta gửi cho tất cả các quận cảnh sát một bức điện như sau:
“Lợi dụng lúc hai người cảnh sát của chúng ta trên đường đi áp giải ngủ gật, vì suốt ba ngày ba đêm phải canh gác liên tục, tên đạo chích đại bợm đã nhiều lần tái phạm, biệt hiệu “Voi Hămđi”, đã tẩu thoát. Y trạc 35 tuổi, vóc người cao lớn, cân nặng 200 kilô, tóc hung nhạt, miệng mất ba chiếc răng, hàm trên có một chiếc đổ chì, hàm dưới bên trái có một chiếc nanh bịt vàng, mặc quần áo nâu kẻ sọc, tóc hơi thưa, mặt tròn, mắt màu hạt dẻ. Qua điều tra, Sở đã có đầy đủ chứng cớ để xác nhận rằng y đã bỏ chạy. Vậy thông tri để các quận biết, nếu quận nào thấy tên “Voi Hămđi” xuất hiện tại địa phận thuộc quận mình cai quản, hoặc giả nếu y có đến gặp một viên chức cảnh sát nào để hỏi thăm, thì các quận báo cho y biết rằng, chúng ta yêu cầu y đừng làm cho chúng ta thêm vất vả, mà nếu có dịp nào thuận tiện thì hãy đến đầu thú tại Sở cảnh sát Xtămbun. Kèm theo đây là ảnh của tên trộm nhiều lần tái phạm, biệt hiệu “Voi Hămđi”.
Trên sân ga thuộc một đồn cảnh sát, hai nhân viên cảnh sát nói chuyện với nhau:
– Ramadan này, cậu nhìn cái thằng cha đang uống xalép kia xem, có lẽ đúng hắn là “Voi Hămđi” cũng nên!…
– Hừm! … Trông cũng hao hao… Đưa ảnh hắn đây nào!
Viên cảnh sát rút trong túi ra một chiếc ảnh đưa cho bạn.
– Ồ, không phải, đây là cậu chứ Ramadan!
– Ừ nhỉ, ảnh tớ chụp hôm nghỉ lễ đấy! Trông được không?
– Cũng được. Nhưng đáng lẽ cậu phải cười lên một tí. Thôi lấy ảnh tên “Voi Hămđi” ra xem nào!
Ramadan rút ra một tập ảnh và loay hoay tìm.
– Đây là ảnh con trai tớ. Nó chụp hồi đi lính. Còn đây là ai cậu biết không, Macmút?
– Trông như thằng cha buôn lậu thuốc phiện Đunman Ali ấy!
– Còn đây là một con “chuột cống” ở khách sạn Suphi.
– Chà, ảnh lẫn lộn lung tung cả!
– Thôi, tìm ảnh “con voi” ấy đi mau lên!
Macmút và Ramadan lúi húi giở tập ảnh.
– Nhanh lên Macmút, hắn uống hết xalép rồi, sắp chuồn bây giờ!
– Xem kìa, hắn nhìn quanh có vẻ lấm lét lắm!
– Đây rồi, ảnh đây! Đúng hắn rồi!
Nói đoạn, hai viên cảnh sát tiến lại phía người có dáng điệu khả nghi.
– Ê này, anh bạn, đứng yên đấy!
Họ hết ngắm bức ảnh lại ngắm người.
– Nghiêng người đi một tí xem nào, anh bạn!
– Hình như không phải hắn, Ramadan ạ!
– Cứ dẫn về cho ông đồn trưởng ông ấy xem. May ra ông ấy nhận diện được hắn.
– Nào anh bạn, đi thôi! Về đồn với chúng tôi!
Tại một nơi khác, hai viên cảnh sát nói chuyện với nhau trước cửa chợ:
– Thật xấu hổ, Suycruy ạ! Chúng mình lùng sục suốt từ sáng đến giờ mà vẫn không tìm được cái thằng “Voi Hămđi” ấy!
– Này, hay là nó kia kìa!

– Đâu? Ừ, có khi đúng hắn cũng nên. Cứ hỏi thử xem.
– Xin ông cho biết tên.
– Mustapha.
Hai viên cảnh sát thì thầm:
– Hắn bảo tên là Mustapha.
– Thì chẳng lẽ hắn nói thẳng với cậu: Tôi là “Voi Hămđi” à?
– Phải, tên này bợm lắm chứ chả phải vừa!
– Thôi, mời ngài cứ theo chúng tôi!
Trong một tiệm càphê thuộc quận khác, hai viên cảnh sát tâm sự với nhau:
– Hôm qua tớ tìm được ba gã “Voi Hămđi” thế mà chẳng gã nào vừa lòng ông đồn trưởng cả!
– Thì tớ đã bảo cậu là ông ấy khó tính lắm mà!
– Suỵt! Cậu thử nhìn cái thằng cha đang uống chè kia xem kìa!
– Thôi đích hắn rồi!
– Nhưng trong giấy nói là hắn to béo cơ mà. Còn thằng cha này thì gầy nhom!
– Hắn mới bị gầy đi đấy! Trốn tránh như thế khổ lắm chứ sung sướng gì!
– Ừ phải, … nhưng thằng cha này tóc đen, mà “Voi Hămđi” hình như tóc hung nhạt.
– Thì cậu bảo lang thang khắp nơi các bờ bụi, nắng gió như thế, làm gì tóc chả đen đi!
– Thì đã đành rồi! Nhưng có cái tóc thằng cha này nó lại đen nhánh và rậm quá cơ! Mà trong giấy thì nói là “Voi Hămđi” tóc thưa kia mà!
– Có thể là hắn đeo tóc giả để người ta khỏi nhận ra cũng nên.
– Thôi, thế ta còn đứng đây làm gì nữa, lại bắt thằng bợm đi thôi!
Họ lại gần người kia:
– Anh tên gì?
– Hămđi.
Hai cảnh sát nhìn nhau một cách đầy ý nghĩa rồi phá lên cười:
– Thế thì về bót, đi!
Trên một khúc đường nhựa, hai người cảnh sát bắt giữ một người qua đường.
– Há miệng ra!
– Trong miệng tôi có gì đâu!
– Không có thì cứ yên chí mà há ra!
Người đi đường há miệng. Hai viên cảnh sát khám hàm răng anh ta. Người nọ hỏi người kia:
– Này, xem lại trong giấy xem Con voi ấy mất mấy cái răng?
Người kia đọc:
– Mất ba cái răng, hàm trên có một chiếc đổ chì, hàm dưới bên trái có một chiếc nanh bịt vàng…”
Viên cảnh sát đếm răng người qua đường:
– Một, hai, ba, bốn… Đừng cựa quậy. Nhấm hết rồi! Một, hai, ba, bốn, năm… hai mươi bốn! Hắn có hai mươi bốn cái răng.
– Hai mươi bốn à? Thế thì thiếu mấy cái nhỉ? Này, anh có biết anh thiếu mấy cái răng không?
– Tám cái.
– Hắn nhổ bớt răng đi để người ta khỏi nhận ra đấy.
– Thưa ông cảnh sát, răng tôi toàn là răng giả cả, không có một chiếc răng thật nào đâu ạ!
– Này cậu xem lại trong giấy có nói gì đến răng giả không?
– Không thấy nói gì cả. Chắc họ quên đấy. Nhưng tớ thề rằng đúng hắn là “Voi Hămđi” đấy. Cứ nhìn hàm dưới của hắn mà xem! Cả răng bịt vàng là gì đây! Thôi, mời ông đi theo chúng tôi.
– Đi về đâu ạ?
– Về bót, mau!
Mỗi ngày, Sở Cảnh sát Xtămbun nhận được hàng trăm bức điện từ khắp các quận cảnh sát gửi về, nội dung đại khái như sau:
“Phúc đáp bức điện số… ngày…

Quận chúng tôi đã bắt giữ được 14 tên Hămđi, cả 14 tên đều mặc quần áo kẻ sọc, tám tên có răng nanh bịt vàng. Vậy yêu cầu Sở cho biết con số đó đã đủ chưa, hay còn phải tiếp tục tìm thêm?”
Hoặc như sau”
“Phúc đáp bức điện số… ngày…
Hiện nay, tại quận chúng tôi có giam hai tá “Voi Hămđi” cân nặng từ 180 đến 220 kilô. Sở dĩ có sự chênh lệch về trọng lượng như vậy, có thể là vì cân không được chính xác. Tất cả bọn này mắt đều màu hạt dẻ. Không còn gì nữa, chúng đều là “Voi Hămđi cả”. Những tên bị bắt đã được giải đi. Quận chúng tôi đang tiếp tục truy nã thêm. Nếu tìm được, chúng tôi xin giải tiếp về Sở sau. Nay kính cáo”.
Điện của Sở cảnh sát Xtămbun gửi các quận cảnh sát:
“Hiện nay, tất cả các nhà giam đều đã chật ních. Số “Voi Hămđi” bị bắt coi như đã đủ.
Sở xin gởi lời cảm tạ tất cả các quận và yêu cầu ngừng việc truy lùng và bắt bớ các tên “Voi Hămđi” cho đến khi có lệnh mới”.
Bị chú: Tên “Voi Hămđi” ngay hôm tẩu thoát đã bị bắt.
NHỚ MUA CHUN QUẦN ĐẤY NHÉ
Buổi sáng tôi chuẩn bị đi làm. Thế mà câu chuyện bắt đầu:
– Đã suốt ba ngày người ta bảo anh, thế mà anh vẫn cứ quên. Ở nhà không còn một mẩu phó mát nào cả!
Suốt ba ngày mọi người bảo tôi! Thế nhưng mà tiền ở đâu?
– Thế nào, anh mua phó mát chưa? – Buổi chiều mọi người hỏi.
Như một diễn viên bi kịch, tôi đưa tay vỗ bôm bốp lên trán và kêu lên:
– Dào ơi! Quên tịt đi mất chứ lị!
Tôi đã cố ý làm thế. Buổi sáng người ta lại yêu cầu tôi một việc gì đó. Tôi trả lời: được, rồi, tôi sẽ mua, chiều về – lại đúng cái tiết mục ấy: – ”Dào ơi! Quên tịt đi mất chứ lị!”
Nhưng bố tôi đã biết tỏng tòng tong cái mẹo vặt ấy. Lần thứ ba nghe câu hỏi truyền thống: phó mát đâu rồi? Tôi vừa định đưa tay lên trán, thì bố tôi đã thay tôi cất giọng dào ôi!”, rồi ông quay nhìn mọi người trong nhà mà giải thích một cách hóm hỉnh:
– Nó quên tịt đi mất rồi còn đâu!
Từ ngày đó tôi không được quyền quên bất cứ chuyện gì. Sáng hôm sau tôi đang cạo râu thì có người bảo:
– Đừng quên mua phó mát đấy nhé!
– Được rồi.
Lúc tôi đi giày, lại có tiếng gọi:
– Xà phòng hết rồi đấy, nhớ mua nhé!
– Xong ngay!
Đang xuống cầu thang tôi lại nghe thấy:
– Đường ăn hết rồi, nhớ nghe!
– Được, được!
Tôi nắm quả đấm cửa lối ra, từ trên gác vọng xuống tiếng kêu thất thanh:
– Có nghe thấy không đấy! Cà phê, cà phê!
– Cà phê làm sao?
– Hết rồi, mua đi!
– Nhất trí!
Tôi đóng cửa, thở phào, nhưng vừa đặt chân xuống vỉa hè đã thấy tiếng gõ ở cửa sổ.
– Còn gì nữa?
– Đi đâu mà vội vàng thế? Lúc về nhớ mua một ít bát đĩa. Mua thêm cả dầu ô liu.
– Sẽ mua, sẽ mu…a…a!
Tôi rảo cẳng được vài bước thì lại thấy có tiếng hối hả ở cửa sổ:
– Này, không còn hột gạo nào đâu! Chiều mua về đấy!
– Đâu sẽ có đó!
Những cuộc tiễn đưa sáng nào cũng vậy.
Nhưng, thế vẫn chưa đủ. Từ các ô cửa lớn, cửa nhỏ mở toang đuổi theo tôi suốt dọc đường phố là đủ thập loại giọng nói: hách dịch có, lo âu có, trầm trầm có, vang vang có, dịu dàng có mà khàn khàn cũng có: chà chà!

Ôi chao, những giọng người chết tiệt này! Tất cả các khu nhà lân cận cứ như bị nảy dựng yên, mọi người nhảy hết ra đường, ngó hết ra cửa sổ.
– Có chuyện gì thế nhỉ?
– Nhớ mua chun quần đấy nhé; loại tôn tốt vào! Đừng có mà quên!
– Bóng đèn tuýt năm ống!
– Bấc đèn dầu hỏa!
Tôi cắm đầu cắm cổ chạy giống như anh phu khuân vác ngoài đường trông thấy nhà chức trách nhưng chưa kịp rẽ ngang thì đã thấy một chú bé đuổi kịp:
Bà thím sai cháu nhắn….
– Nhắn gì?
– Bảo rằng không còn củ hành nào:
– Cháu về bảo bà ấy kiểm tra lại xem còn những gì. Những thứ khác chú sẽ mang về.
Buổi sáng tôi đi làm là như thế đấy. Các bạn đã thấy đầu óc tôi bề bộn những gì chưa? Cho đến tận chiều trong hộp sọ tôi vẫn cứ chập chờn những phó mát, dầu ăn, hành tỏi, chun quần…
Buổi sáng hôm nay đến văn phòng, cũng như mọi khi đầu óc tôi đầy các thứ phải mua, toàn là những đồ ăn và tạp phẩm.
Tôi có nhiệm vụ phải giải quyết những công văn khẩn nằm trên bàn tôi từ chiều hôm qua. Tôi làm một lúc xong và gửi đi các nơi.
Một lúc sau thì ông giám đốc bước vào. Mặt ông đầm đìa mồ hôi, hai cánh mũi phập phồng. Ông chìa vào mặt tôi mấy tờ giấy: – cái gì đây?
– Công văn ạ…
– Đọc đi!
Tôi cầm lấy mấy tờ giấy, liếc mắt xem.
– Đọc to lên!
Tất cả mọi người trong phòng, các cô đánh máy, thư ký, tất cả những viên chức đến đây công tác đều dỏng tai nghe. Tôi bắt đầu đọc:
– Kính gửi tổng cục, bẩm quan. Chúng tôi xin trả lời lệnh của ngài số… ngày… Sau đây chúng tôi xin liệt kê những biện pháp cụ thể đối với những điểm cần xem xét lại khẩn cấp và đã được nghiên cứu cẩn thận, chúng tôi xin trình để ngài rõ những gì chúng tôi coi là cấp thiết:
– Loại bỏ ngay thứ phó mát nông dân vì lý do là theo chúng tôi giá cả mặt hàng này là quá cao.
– Chun quần phải thu mua của bọn bán rong ở khu Ma-khô-mút pa-sa.
– Hai trăm năm mười gam thịt bò để nướng chả, nhớ bảo họ chặt đôi ra cho;
– Khi mua bóng đèn tuýp phải kiểm tra chất lượng, đừng mang cái nứt về như lần trước;
– Vì giá xà phòng lên cao nên phải tận dụng nước xà phòng, không được đổ phí;
– Để tiết kiệm cà phê, phải sử dụng hai nước, nước sau đổ thêm bã cũ vào;
Văn bản này chúng tôi xin trình quan trên với tư cách bản hướng dẫn tiến hành các biện pháp cụ thể”.
– Thế này là thế nào? – Ông giám đốc lại gầm lên một lần nữa. Tôi hiểu rằng tôi đã làm tiêu tan một văn bản chính thức vì đã nhồi nhét vào đó sản phẩm của cái đầu bất hạnh.
Trong phòng dậy lên một tràng cười nhất loạt.
– Làm sao anh lại khốn khổ đến nông nỗi như thế? – Ông giám đốc tiếp tục.
– Chính tôi cũng không biết.

– Thôi, anh đã ngu xuẩn, đần độn rồi. Nhưng sao trưởng phòng của anh lại ký?
– Tệ hại quá! Tôi kêu lên.
– Cứ cho rằng trưởng phòng nhắm mắt cho qua, nhưng chánh văn phòng cũng chuyển lên là thế nào?
– Văn bản cứ trao tay là đi thôi ạ!
– Được rồi, lại cho rằng chánh văn phòng đãng trí, thế những phó giám đốc thì mắt để đâu?
– Xấu hổ và nhục nhã!
Giám đốc im lặng suy nghĩ.
– Cái bọn này bỏ qua đã đành. Còn ta, chính ta, làm sao ta cũng cho chuyển cái giấy lộn này lên Tổng giám đốc kia chứ?
– Thế hóa ra…
– Làm sa… o… o?
– Tuyệt vời quá!
– Nếu Tổng giám đốc cũng khoát tay không đọc và gửi cho Bộ trưởng thì còn ra thế nào nữa?
– Thế thì chúng ta chết cả nút? Mọi người đồng thanh kêu lên.
– Lạy trời, nhưng mà thoát rồi! Tổng giám đốc lơ đãng đã nhầm phong bì và gửi đi không phải cho bộ trưởng, mà là cho một bà đầm.
– Ối giời!…
– Nhưng bọn văn thư đãng trí đã gửi cho tôi cái phong bì đáng lẽ gửi cho bà đầm, còn cái gửi cho Bộ trưởng thì không biết đi đâu.
Lúc này mọi người thở phào nhẹ nhõm. Cám ơn những người đãng trí! Quả thật, vì họ mà trên báo có một thông tín:
”Để tiết kiệm, cơ quan X đã sa thải hai mươi viên chức, thay vào đó đã tuyển vào ba trăm quan chức mới”. Ở đời chuyện gì cũng xảy ra được.
SẾP CON
Tôi đẩy cánh cửa kính xoay, bước vào hỏi người gác cửa:
– Đến gặp giám đốc đi lối nào hở bác?
Gã gác cửa ưỡn người, mặt vênh lên rất trịnh trọng, mà theo tôi hiểu, chỉ vì lí do là có người phải đến nhờ vả hắn. Hắn hất cằm ra hiệu đi về bên phải.
Tôi đi về hướng đó và nhìn thấy cái thang máy. Ngồi cạnh cửa có một người, chắc hẳn là người trực thang máy.
Tôi định tiến đến thang máy thì người trực chặn tôi lại:
– Đi đâu?
– Đến gặp giám đốc.
Lão trực thang máy lẩm bẩm câu gì đại ý như: ”Thật lắm loại người…”, rồi buông thõng một câu:
– Gặp ai thì cũng phải hỏi chứ! Thế tôi ngồi đây để làm gì?
– Xin lỗi, tôi muốn gặp Ngài giám đốc…
– Một người chưa lên được. Chờ thêm ba người nữa.
– Nhưng tôi có việc khẩn.
– Khẩn cũng phải đợi? Dưới bốn người thang máy chưa chạy.

Rồi hai tay chắp sau lưng, lão ta đi đi lại lại trước mặt tôi với vẻ mặt tỉnh bơ, đầy thỏa mãn trước ấn tượng lão gây cho tôi.
Có một người khách nữa định tiến về phía thang máy.
– Này, chạy đi đâu đấy! – Lão trực thang máy giận dữ quát lên. – Không thấy à? Mới có hai người!
Cuối cùng thì cũng đủ bốn người, người thứ tư là một phụ nữ. Chúng tôi sung sướng tiến lại phía thang máy. Nhưng lão trực thang đóng sập cửa ngay trước mặt chúng tôi, cho chìa khóa vào xoay một vòng, rồi nhét chìa vào túi.
– Chúng tôi cần lên trên… – Người phụ nữ rụt rè nói.
Lão trực thang máy nhìn bà ta với vẻ trịch thượng và lạnh lùng.
– Phải đến cho đúng giờ! Có chuông báo nghỉ trưa rồi… Bây giờ hãy đi đâu đó, đến một rưỡi hãy tới!
– Sao vậy?
– Vì giờ nghỉ trưa thang máy không làm việc, quy định của chúng tôi là như vậy. – Lão ta nói rồi chỉ ngón tay lên đồng hồ treo tường. – Một rưỡi đến rồi sẽ được lên.
Thực ra tôi muốn gặp ông giám đốc chẳng có việc gì quan trọng lắm. Chẳng qua tôi quyết định đến đây để chúc mừng anh ta được bổ nhiệm vào cương vị quan trọng. Tôi cho rằng tôi hoàn toàn có quyền tự hào về sự thăng tiến nhanh của anh ta trên đường công danh, vì từ lúc anh ta còn bé tôi đã có cảm tình với cậu học sinh mê đọc này, và lúc nào cũng sẵn sàng cho anh ta sử dụng tủ sách của tôi. Tôi đã sung sướng thế nào khi nghe anh ta nói: ”Thưa thày, thày là người đã dạy dỗ em nên người.” Sau đó anh ta được sang châu Âu du học, và từ đó đã mấy năm chúng tôi chưa gặp lại nhau.
Sau khi vào nhà hàng ăn trưa, tôi thả bộ loanh quanh mấy phố gần đó, ngắm nghía các cửa hàng. Và đúng một giờ rưỡi tôi khoan khoái tiến lại phía cái thang máy bí hiểm. Ở đó đã có một dòng người đang xếp hàng. Cuối cùng có bốn người may mắn (trong đó có tôi, cùng người trực thang máy) được bước vào thang máy. Tôi lên tiếng nhắc lại là tôi cần gặp ông giám đốc. Chúng tôi đi. Mọi người lần lượt bước ra, cuối cùng còn lại mình tôi. Thang máy lên đến tầng cuối cùng và dừng lại, lão trực thang mở cửa ra.
– Ông ta ở tầng này à?
– Ai?
– Thì tôi nói rồi, tôi cần gặp ông giám đốc.
– Sao không nhắc? Tôi làm sao nhớ hết được! Đi ra đi, rồi đi bộ xuống dưới hai tầng.
Tôi đi bộ xuống và nhìn thấy một tiền sảnh lớn cùng một hành lang rộng, hai bên là những cánh cửa phòng làm việc. Cạnh mỗi cửa có một người trực.
Tôi tiến đến hỏi một người gần nhất:
– Xin lỗi, phòng giám đốc ở đâu ạ?
Hắn đưa mắt chỉ về phía một cái cửa.
– Xin hỏi, đây có phải phòng giám đốc không ạ?…
Tôi hỏi người ngồi cạnh căn phòng được chỉ.
– Không biết đọc à? – Người này xẵng giọng bảo.
Tấm biển treo trên cửa ghi: ”Phó giám đốc”.
– Thế phòng giám đốc ở đâu ạ?
Thay cho câu trả lời là cái hất đầu sỗ sàng về hướng khác. Tôi đi theo hướng đó: trước mắt tôi có ba cái cửa, và không có biển đề gì cả. Cạnh cửa sổ có một người đứng tuổi đang ngả lưng vào bậu cửa đọc báo.
– Xin lỗi, tôi muốn gặp ông giám đốc.
Gã này vẫn không rời mắt khỏi tờ báo.
– Giám đốc nào?
Bị bất ngờ vì câu hỏi, tôi đứng ngây ra, lúng túng không biết trả lời thế nào.
– Giám đốc thứ nhất, thứ hai, hay thứ ba?
– Quả thật tôi không biết… Tôi chỉ biết tên ông ấy là Chetin.
– Hừm, gày còm, dáng lòng khòng, phải không? Mắi ti hí… Răng hơi vẩu…
”Thế này thì quá lắm!”
– Tôi cần gặp ngài Chetin, tôi lạnh lùng nói.
– Biết rồi! Biết rồi! Hói đầu… Đúng ông ta rồi! Dáng đi hơi tất bật… Đúng không? Lúc nói thì chả ai nghe ra câu gì… Đúng ông ta chứ còn ai nữa? Có nghĩa là ông muốn gặp ông tổng giám đốc… Mũi như cái khuy áo. – Đúng ông tổng giám đốc rồi. – Thế gặp ông ta có việc gì?

– Việc đó không liên quan đến anh? – Không nhịn được nữa tôi nói xẵng.
– Để tôi còn báo cáo với tổng giám đốc.
– Thế ông ấy không có thư kí à?
– Có. Thì sao?
– Anh hãy bảo là tôi muốn gặp ông ấy. Cửa nào vậy?
– Ông có hẹn hôm nay không?
– Không.
-Vậy Tổng giám đốc không tiếp ông được.
– Nhiệm vụ của anh là vào báo cho ông ấy biết.
– Làm sao tôi có thể báo cáo hết mọi việc được.
– Anh hãy chuyển cái này cho ông giám đốc? – Tôi nói và đưa cho anh ta tấm danh thiếp.
Anh ta miễn cưỡng cầm lấy nó, vân vê trong tay, sau đó uể oải tiến về phía một cánh cửa và biến nhanh vào trong như người chui xuống đất.
Tôi đợi mãi, đợi mãi vẫn không thấy anh ta ra. Cuối cùng tôi đành về mà chẳng được việc gì.
Trên đường về nhà tôi bỗng nảy ra ý nghĩ gọi điện cho Chetin. Tôi rẽ vào bưu điện và gọi điện thoại. Chetin nhận ra tôi ngay. Qua giọng nói của anh ta tôi cảm thấy anh ta thực sự vui mừng: ”Tôi van thày – anh ta nói, – xin thày hãy ghé qua chỗ tôi! – ”Tốt lắm, tôi sẽ đến chỗ anh ngay bây giờ!”.
Tôi tiến lại phía cửa xoay. Chetin đã đứng đón tôi ở đó và khi nhìn thấy tôi anh ta chạy ngay ra ôm choàng lấy tôi.
– Rất mừng là thày đã đến? Tôi cứ định ghé thăm thày nhưng không biết địa chỉ mới của thày.
Chúng tôi vào thang máy.
Tôi cảm thấy hơi bất tiện, anh Chetin ạ, – tôi nói. – Việc gì anh phải xuống tận cửa đón tôi?
Nhưng anh ta cười và ghé vào tai tôi nói thầm để lão trực thang máy không nghe thấy:
– Chốc nữa tôi sẽ kể hết cho thày nghe.
Chúng tôi bước vào phòng làm việc. Mọi thứ trong phòng thật sang trọng. Đồ gì cũng choáng lộn. Còn phải nói, phòng tổng giảm đốc cơ mà?
– Anh Chetin thân mến, – tôi nói. – Trông anh vẫn trẻ quá! Giá cho đi học phổ thông vẫn được. Thế anh đã đến ba mươi chưa nhỉ?
– Tôi ba mươi ba tuổi rồi, thưa thày.
– Mới ba mươi ba mà đã chức vụ cao như thế này? Tôi thành thực chúc mừng anh đấy. Cứ nhìn anh có thể đoán chưa đến ba mươi.
– Chính vì cái bề ngoài này, thày có biết không, mà không ai muốn thừa nhận tôi là tổng giám đốc. Nếu tôi không xuống tận nơi đón thày thì thày không có cách nào gặp tôi được.
Tôi quyết định không kể cho anh ta nghe về những chuyện phiền phức tôi vừa gặp phải.
– Phải, thày ạ, ở đây người ta cách li tôi với toàn bộ thế giới bên ngoài. – Chetin nói thêm. – Người ta không cho ai vào gặp tôi.
Tôi thấy buồn cho anh ta.
– Nhưng ai có thể cách li anh với mọi người? – Tôi hỏi vẻ không tin.
– Ôi Thật may là thày đã đến với tôi? Tội cứ mong mãi có người nào để tâm sự, để kể hết những chuyện xảy ra ở đây.
Anh ta ngừng một lát rồi bắt đầu kể.
– Lúc tôi mới ở châu Âu về, thày biết không, người ta cử tôi đến Angcara. Tôi làm việc ở đó một thời gian, hai lần được lên lương, rồi sau chuyển thẳng về đây làm tổng giám đốc. Lão tổng giám đốc trước tôi là một người có tuổi, trông bệ vệ, từng trải. Mọi cái ở lão ta đều đúng điệu: phía trước là cái bụng phệ vượt gần tới cằm. Phía sau là cái gáy có ngấn chảy xuống gần đến lưng. Vừa nhìn thấy tôi lão ta cau hết cả mặt lại!… ”Rất tốt, con trai thân yêu của ta ạ, – lão ta nói, – là con còn trẻ như vậy. Cầu thánh Ala rủ lòng thương con. Ta hi vọng con sẽ đảm đương được công việc”. Từ đó trở đi lão luôn miệng gọi tôi là ”Sếp con của ta, sếp con của ta!”
Tôi bắt đầu thấy run mỗi khi nghe những lời ấy. Cuối cùng không nhịn được, tôi nói: ”Dù sao tôi cũng có tên. Tên tôi là Chetini” Lão ta làm ra bộ giận, nhưng khi có mặt các cấp dưới của tôi – những người phục vụ, gác cổng, trông thang máy… lão ta vẫn lên giọng bề trên gọi tôi là ”Con trai của ta”. Lão ta đã giao công việc cho tôi, nhưng lúc nào cũng nhắc: ”Kinh nghiệm cũng rất cần… Kinh nghiệm, con trai ạ, là điều rất quan trọng!” Dần dần tôi biết tỏng con người lão ta. Ở con người đáng thương này đầy những mâu thuẫn: một mặt lão ta ý thức được sự dốt nát của mình, mặt khác lão ta lại có tính tự ái kinh khủng. Thử hình dung xem, lão thấy khó chịu thế nào khi phải bàn giao công việc cho một người chỉ đáng tuổi con cháu lão?! ”Con trai ạ, nếu có điều gì khó khăn lúc nào con cũng có thể nhờ bác chạy giấy Abđula cho đến ý kiến. Bác ấy sẽ không bao giờ từ chối giúp con đâu”, ”Xin lỗi Ngài, nhưng tôi không có ý định học hỏi ở người loong toong”. – ”Ồ, sao con lại nói thế? Chả lẽ có thể khinh bác ấy chỉ vì bác ấy làm nghề chạy giấy sao? Ta đã phục vụ hai mươi sáu năm rồi, đã từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng, và phải thú thực với con rằng, có thể học được nhiều điều ở các nhân viên chạy giấy đấy. Mà trong số đó người nhiều kinh nghiệm nhất là bác Abdula. Hãy cố gắng giữ quan hệ tốt với bác ấy vì lợi ích của cơ quan ta”. Tôi thấy lão ta ấn chuông, rồi quay sang nói với người loong toong vừa bước vào: ”Bác Abdula, đây là tổng giám đốc mới của chúng ta, một người còn rất trẻ và ít kinh nghiệm. Bác hãy giúp đỡ cậu ấy, như đã từng giúp tôi, để công việc cơ quan được trôi trảy như trước. Hãy cố gắng nhé. Tôi hi vọng vào lòng tốt của bác”. – ”Tôi sẽ coi cậu ấy như con đẻ của mình! Nghĩa vụ của tôi là giúp đỡ cậu ấy, – Lão chạy giấy nói.
Đến đây tôi không nhịn được nữa: ”Cút ngay!” – Tôi hét lên, và lão chạy giấy lập tức biến ngay.

Đấy, lão tổng giám đốc cũ đã ”bảo vệ” và ”củng cố” uy tín của tôi bằng cách như thế đấy!
Ngày cuối cùng đột nhiên lão ta nói với tôi: ”Sếp con của ta, sếp cho phép ta hôm nay giới thiệu sếp với các nhân viên của cơ quan ta”. – ”Xin ông đừng lo, tôi sẽ tự mình làm quen với họ”. Nhưng tất cả viên chức cơ quan, như trước kia, đều chỉ nghe lời giám đốc cũ và chả thèm đếm xỉa gì đến tôi. Tôi đành phải chấp thuận.
Tổng giám đốc cũ cẩn thận dắt tay tôi dẫn vào phòng họp. Thày biết đấy, tôi không phải người dễ nhân nhượng, nhưng ở đây vẫn phải quy phục.
”Thôi được – tôi nghe – cứ mặc cho lão già được lên mặt lần cuối cùng trước khi cuốn xéo khỏi đây”.
Lão già đặt tay lên vai tôi và bắt đầu bài diễn văn:
”Kính thưa các đồng nghiệp! Xin cho phép tôi giới thiệu với các bạn ngài tổng giám đốc mới”. Sau đó lão ta nâng cằm tôi lên một cách âu yếm như vuốt má đứa trẻ con và tiếp tục;
”Tôi hi vọng các bạn sẽ tiếp tục phấn đấu và tỏ lòng kính trọng ngài tổng giám đốc mới non trẻ này” – Đoạn lão vỗ vỗ vào má tôi như bố vỗ má đứa con trai.
Tôi ngượng quá chỉ muốn độn thổ? Nhưng biết làm sao được! Chả lẽ lại cắt ngang lời lão ta trong buổi chia tay?… Quá lúng túng vì bất ngờ, không biết ứng phó thế nào tôi cứ đứng ngây ra và cười như anh chàng ngố.
Trong khi đó lão ta vẫn thao thao;
”Các đồng nghiệp kính mến! Chắc các vị đều biết có câu châm ngôn ”không nên đánh giá con người theo tuổi tác”. Anh bạn trẻ thân mến của chúng ta đây tuy tuổi còn rất trẻ nhưng đã từng du học châu Âu và đọc rất nhiều sách báo. Tôi muốn bày tỏ hi vọng rằng, vì những tình cảm tốt đẹp mà các bạn dành cho tôi, các bạn sẽ thực hiện mọi mệnh lệnh của vị sếp con của tôi, tổng giám đốc trẻ này. Nhưng thưa các bạn, mặt khác tôi cũng đề nghị các bạn chớ quên truyền đạt những kinh nghiệm quý báu của các bạn cho chàng sếp trẻ này, ngài tổng giám đốc non trẻ của chúng ta. Hãy hứa với tôi, các bạn sẽ không tiếc sức mình để truyền đạt lại kinh nghiệm to lớn của các bạn cho vị tổng giám đốc trẻ này”. Những tiếng hô: ”Chúng tôi hứa” – bị chìm nghỉm trong một tràng cười rộ. Còn tôi thì cứ đứng cười ngây ra như anh thộn. Tôi cảm thấy phải nói câu gì đó để cứu vãn tình hình.
”Xin các vị cho phép…” – Tôi lên tiếng, nhưng lão giám đốc cũ đã ôm lấy tôi ghì chặt đến nỗi tôi không thở được chứ đừng nói gì lên tiếng, sau đó lão nhấc bổng tôi lên và hôn vào má tôi. Rồi giơ tay rất kịch, lão kêu to: “Xin tạm biệt các bạn thân mến” Thế rồi lão rời khỏi phòng, vừa đi vừa đưa tay chùi nước mắt đang trào ra. Tất cả mọi người dự họp đều lau nước mắt, chạy ùa theo lão. Những bà có tuổi thậm chí còn khóc nức nở. Chỉ còn lại mình tôi đứng trơ trọi giữa phòng…
Thời gian ấy, thày biết không, chúng tôi đang đi tìm thuê một căn hộ, và chúng tôi tạm ở nhờ nhà bà chị vợ tôi. Ngay từ khi ở Angcara về chúng tôi đã bắt đầu tìm ngay, nhưng tìm mãi vẫn không được căn hộ nào thích hợp vì đắt quá, chúng tôi không đủ tiền. Còn ở cơ quan thì quan hệ lại như vậy, thật buồn muốn tự tử được. Dù nói chuyện với bất kì ai cũng đều được đáp lại bằng cái nhìn nịnh bợ và câu nói ”Sếp con”. Thậm chí bà đánh máy đến gặp tôi cũng nói: ”Con trai ơi!… Con trai làm việc này đi, con trai, làm việc kia đi!” Cứ như thể ở đây tôi không phải là tổng Giám đốc, mà là đứa trẻ mồ côi vậy…

Cứ mở hồ sơ chứng từ ra xem là không biết đâu mà lần. Những vụ việc đơn giản nhất cũng rối tinh hết cả: chuyện biển thủ dễ che đậy nhất khi nào mọi thứ bị làm cho rối mù lên. Cứ bắt tay vào vụ nào là y như rằng không thể lần ra được đầu mối và không thể hỏi ai được, bởi vì tôi đánh hơi thấy ở đây chỗ nào cũng có một đường dây liên kết ngầm. Tất cả mọi người, từ nhân viên loong toong đến các cán bộ lãnh đạo, người nào cũng đều có mánh khóe gian lận nào đó.
Để chấn chỉnh lại công việc, tôi phải ngồi ở cơ quan đến tận tối. Một hôm đã khuya tôi đang ngồi làm việc thì lão loong toong của tôi bước vào, cái bản mặt xu nịnh của lão ta làm tôi muốn nôn. ”Con trai của ta, ông tổng giám đốc cũ bảo ta phải bảo vệ con như con đẻ của mình…” Tôi đứng phắt dậy. ”Cút ngay!” – Tôi hét lên. Nhưng lão vẫn nhìn tôi như người bố hiền từ sẵn sàng tha thứ cho sự hỗn láo của đứa con trai, và nói:. ”Con trai ạ, anh đến sở sớm quá, sớm bằng các nhân viên dọn dẹp. Còn về thì cũng về muộn như họ, có khi còn muộn hơn. Nếu cứ tiếp diễn mãi như vậy, thì con trai ạ, người ta sẽ bắt đầu coi anh như loại nhân viên quèn và không còn kính trọng anh nữa đâu. Tất nhiên anh tha lỗi cho ta, chỉ có điều nếu anh không muốn nghe những lời khuyên và không sử dụng kinh nghiệm nhiều năm của ta thì thật uổng! Bởi dù gì đi nữa ta làm ở đây cũng đã hai mươi bốn năm. Anh nên biết rằng đã có bao nhiêu giám đốc qua tay ta rồi. Ta đáng tuổi cha chú của anh, con trai ạ…” Nhưng thày biết đấy, tính tôi rất cương quyết. Tóm lại là tôi đuổi việc ngay lão ta.
”Bác xéo ngay – tôi nói – Đừng để bao giờ tôi trông thấy mặt bác ở cơ quan này nữa”.
Nhưng tôi chưa kịp đóng cửa thì ông phó tổng giám đốc của tôi, và ông giám đốc thứ hai đã bước vào và hai người thi nhau khuyên bảo tôi. Cứ người này nói thì người kia phụ họa thêm ”Con trai ơi, tất nhiên là anh đúng. Nhưng bác ta là nhân viên lâu năm ở cơ quan…”, ”Tất nhiên anh hiểu rõ việc mình làm, nhưng không nên đuổi bác loong toong này”. ”Chúng tôi khuyên anh với tư cách những người bằng tuổi cha chú anh, và vì lợi ích của chính anh”. Cứ người này ra lại có người khác vào, và tất cả đều nói hệt như nhau.
Lúc này tôi mới hiểu ra: mọi người đã liên kết với nhau bởi một sợi dây vô hình, và họ liên kết rất chặt chẽ khó mà bẩy nổi? Nếu tôi đuổi lão loong toong này, tất cả sẽ cô lập tôi, mà tôi còn phải làm việc với họ. Tôi bèn quyết định chuyển lão ta sang bộ phận khác. Thế là mọi người lại đồng thanh bảo tôi: ”Tại sao anh lại đẩy một người có kinh nghiệm như thế đi chỗ khác, cứ để bác ấy ở chỗ cũ có lợi cho anh hơn” – Và họ nhất quyết đòi tôi giữ lão ta lại.
Một lần khác cũng đang ngồi làm việc trong phòng thì lão ta lại vào. ”Con trai ơi! Cho phép ta… Xin anh đừng giận những lời ta nói, ông giám đốc cũ yêu cầu ta phải chăm nom anh, như chăm nom con trai đẻ của mình… Anh muốn một mình làm thay mọi việc cho tất cả mọi người. Như thế không được đâu, con trai ạ… Anh phải để cho những người khác làm việc với chứ”. ”Thôi được, – tôi đáp – Tôi sẽ lưu ý”.
Hôm sau, lão lại cho tôi một lời khuyên: Nếu không có giấy hẹn trước thì không được tiếp bất kì ai, hãy để cho mọi người phải ghi tên đăng kí xin gặp trước một tuần, rồi tuần sau đó tôi phải tỏ ra rất bận, và trước khi đến được chỗ tôi khách khứa phải hỏi qua những người gác cổng; chạy giấy, các nhân viên, các ông trưởng phó phòng cùng cả ba vị giám đốc khác. ”Nếu không, – lão Abđula nói, – người ta sẽ coi anh không đáng một xu, con trai ạ. Ông Tổng Giám đốc phải có một vẻ đường bệ và khó gặp được”.
Thày có hiểu rằng phía sau chuyện đó ẩn chứa điều gì không? Không ai trong số họ sống được bằng lương cả nên người nào cũng phải tìm cách kiếm thêm. Nếu cộng thêm đủ các thứ tiền vòi vĩnh, sách nhiễu thì thu nhập của họ hoàn toàn không ít. Nhưng kể từ khi tôi về đây thì họ khó kiếm chác hơn.

Thế là trong lúc tôi bù đầu vì công việc thì người nhà tôi suốt ngày phải đi tìm thuê nhà. Có một căn hộ ưng ý, giá sáu trăm lia một tháng, nhưng chủ nhà đòi trả trước một năm tiền nhà. Vợ tôi bảo: ”Ông chủ nhà làm việc ở cơ quan anh đấy. Anh hãy nói chuyện với ông ta, may ra ông ta không đặt điều kiện ấy nữa – ”Ai cơ?” – Tôi hỏi. ”Hình như là một trong các giám đốc của anh. Tên là Abôtuxêla thì phải”. Tôi điểm lại trong óc tất cả mọi người nhưng không nhớ ai có tên đó.
Sáng chủ nhật tôi cùng vợ đi thuê nhà. Chúng tôi đến một ngôi nhà lớn ba tầng gặp chủ nhà. Ông ta cũng sống luôn tại ngôi nhà này. Và tôi gặp ai thày biết không? Hóa ra chính là lão chạy giấy Abđula.
Tôi đau khổ quá. Đường đường là một tổng giám đốc mà không thuê nổi một căn hộ với giá phải chăng, trong khi lão chạy giấy ở sở có hẳn một ngôi nhà ba tầng. Lão ta nói thẳng ngay với tôi: ”Con trai ơi, (lão gọi tôi như thế ngay trước mặt vợ tôi) ta đã hứa với ông giám đốc cũ phải bảo vệ, chăm sóc anh, vì thế ta sẽ không lấy trước một năm tiền nhà nữa, mà chỉ lấy trước nửa năm thôi.” Tôi chưa kịp mở mồm lão ta đã tiếp: ”Chỉ cần nếu anh muốn, một tháng anh có thể kiếm được số tiền bằng tiền thuê nhà cả năm” – ”Bằng cách nào?” – ”Chỉ cần anh đừng để hễ người nào cần gặp là cho gặp ngay. Mọi người chúng tôi, từ gác cổng hay chạy giấy cũng phải kiếm miếng ăn chứ…”
Tóm lại tôi lại ra về tay không. Đấy, công việc như thế đấy, thày ạ.
Tôi về đây thế là sắp được hai tháng, và đến bây giờ tôi vẫn không biết bắt đầu từ đâu. Mối liên kết của họ ở đây rất chặt. Vì nếu họ để cho tôi gỡ được dù chỉ một nút nào đó trong các trò gian lận của họ thì lập tức tôi sẽ lần ra tất cả! Vì thế họ tổ chức một bức tường chắn xung quanh tôi, không cho phép ai vào gặp tôi. Tôi thử tìm cách chống lại. Tôi cho đặt một phòng chỉ dẫn ở tầng một. Họ liền che cái tấm biển đi để không ai nhìn thấy.
Vì thế tôi phải đích thân xuống cửa gặp thày nếu không thày không có cách nào đến gặp tôi được.
– Thế anh định làm gì bây giờ? – Tôi hỏi Chetin sau khi nghe câu chuyện của anh ta.
– Tôi định đi Angcara nói chuyện với Bộ trưởng. Ông ta cũng vừa được bổ nhiệm. Tôi quen ông ấy, một người rất tốt. Tôi sẽ kể hết cho ông ta mọi chuyện.
– Tốt lắm. Nhưng liệu ông ta sẽ giúp anh bằng cách nào?
– Tôi hiểu ông ta không thể thay thế tất cả các nhân viên trong cơ quan. Mà không làm thế, thì không thể nào thay đổi được tình hình… Phải thay ít nhất một phần ba số người.
– Chà, cầu thánh Ala phù hộ cho anh…
Tôi buồn rầu chia tay với Chetin.
Mấy tháng sau tôi được tin Chetin đã về hưu.
Một hôm chúng tôi gặp nhau trên tàu thủy. Trông anh ta rất buồn. Tôi hỏi nguyên nhân tại sao anh về hưu, anh ta kể:
– Tôi đến gặp Bộ trưởng, kể cho ông ta nghe hết tình hình cơ quan. Ông ta bảo: ”Tôi biết hết. Và chỉ có một biện pháp: sa thải và sa thải!… Nhưng sa thải không chỉ các nhân viên cơ quan anh, mà cả các nhân viên của cả Bộ nữa. Cứ cho là chúng ta sẽ sa thải họ, nhưng thay bằng ai đây? Chính anh thấy đấy, một cuộc cách mạng như vậy chúng ta không đủ sức làm.” – ”Thế chúng ta sẽ làm gì? – Tôi hỏi”. Bộ trưởng đáp: ”Hoặc chúng ta xin về hưu, hoặc chúng ta phải thích ứng với tình trạng đó”. Thế là ba tháng sau tôi xin về hưu.
– Còn Bộ trưởng?

– Ông ấy tạm thời vẫn làm. Nhưng tôi nghe nói người ta đã chuẩn bị người thay ông ấy. Thày có đọc báo nói về cuộc khủng hoảng chính phủ chưa?
– Tất nhiên thay Bộ trưởng dễ hơn nhiều so với thay tất cả các nhân viên trong Bộ.
– Nhưng ở đây vấn đề không phải chỉ ở một Bộ…
– Thế bây giờ anh làm gì?
– Chả làm gì cả… Tôi ngồi nhà không có việc làm.
Sau lần đó lâu lắm tôi không gặp Chetin. Tôi chỉ nghe nói anh ta bắt đầu làm chính trị. Tên anh ta thường xuyên xuất hiện trên báo. Anh ta trở thành nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, sau đó lãnh đạo một Bộ, nhưng không phải cái Bộ mà trước kia anh ta làm tổng giám đốc một trong các cơ quan của nó, mà Bộ khác. Tôi thậm chí lấy làm tiếc khi nghe tin đó. Vì có thể biết đâu anh ta lập lại được trật tự trong Bộ ấy… Nhưng tất nhiên tôi mừng cho anh ta. Anh ta không lập được trật tự trong Bộ, nhưng chắc anh ta biết cách sống tốt.
Sau khi đọc báo về việc bổ nhiệm anh ta, tôi gửi ngay bức điện về Angcara:
”Chúc mừng Sếp con?” Đáp lại anh ta gửi thư mời tôi đến Angcara chơi. Tôi đến. Anh ta thu xếp cho tôi vào làm việc ở Bộ anh ta.
Tiền lương không nhiều lắm, một nghìn tám trăm lia một tháng, nhưng chỉ phải làm buổi sáng. Mà nếu không đến cơ quan cùng chẳng ai trách móc gì, vì chẳng ai cần đến tôi lắm. Nhưng dù sao tôi vẫn cố gắng hàng ngày đến cơ quan, trừ hôm nào ở nhà có việc gì bận lắm.
Vì cả ngày ngồi nhà cũng buồn!…
NGÀI CÒI
Tôi cứ đi lang thang trên phố để tìm việc làm. Có lẽ số phận đã hoàn toàn quay lưng lại với tôi. Khi nào con người lâm vào tình trạng không lối thoát, đương nhiên, trong đầu anh ta bao giờ cũng toàn những ý nghĩ vớ vẩn. “Chà, giá mình là phụ nữ, – tôi nghĩ, – chắc chắn mình sẽ tìm được việc làm ngay!”.
Với những ý nghĩ buồn bã ấy tôi đi về phía Dolmabakhche. Những phố giáp với sân vận động chật kín những người hâm mộ. Người ta chen lấn, ép sát vào nhau chật đến nỗi quả táo cũng không còn chỗ mà rơi. “Đông cứng thế này làm sao người ta vào sân được nhỉ?”. Tôi ngạc nhiên thầm nghĩ. Dòng người xô tôi đi lúc thì về phía trước, lúc thì về phía sau. Có lúc tôi cứ đứng nguyên một chỗ và chỉ biết xoay tròn như con quay, vì bị ép từ bốn phía.
Càng ngày tôi càng mất hy vọng thoát ra khỏi cái biển người này. Các bạn đừng nghĩ là tôi buông tay đầu hàng. Không, suốt một tiếng đồng hồ tôi cố huých, xô, đẩy, hoàn toàn tuyệt vọng tôi đã sợ là nếu không bao giờ thoát ra được chỗ này thì coi như đời tôi chấm dứt!
Bỗng có một tiếng còi vang lên. Và tiếng còi nghe chói tai làm sao! Thậm chí người bị điếc bẩm sinh có khi cũng nghe thấy. Và lập tức, như có phép thần, đám người dày đặc ấy bỗng dãn ra. Và giữa một lối đi vừa hình thành có một người tay cầm còi đang đi qua. Tôi nhìn kỹ người đó. Trời ơi, hóa ra đó là anh bạn Musa của chúng tôi!
– Mu-sa-a-a! – Tôi gọi to.
Trong trường hợp khác có lẽ tôi đã kêu ”Này, bạn Musa!”. Nhưng một nỗi sợ hãi và kính trọng trước tiếng còi đã ngăn tôi lại.
Musa quay lại, nắm lấy tay tôi và kéo đi cùng. Cứ mỗi lần khi phía trước có đám đông cản đường anh lại lấy còi ra huýt. Và đám người đang chen lấn xô đẩy nhau lập tức nhường lối cho chúng tôi đi. Cứ thế chúng tôi đi tới cổng sân vận động. Musa lại lấy còi ra huýt. Người soát vé đứng tránh ra một bên.
– Xin mới các vị vào!
Sau khi đi qua cái cửa xoay tôi mới thở phào.

– Này, Musa, – tôi hỏi, – anh đã trở thành Tổng giám đốc Cục thể dục thể thao rồi hay sao vậy? – Tại sao mọi người ai cũng phải tránh đường cho anh?
– Chuyện của tớ sẽ nói sau. Bây giờ tốt nhất cậu hãy kể về mình đi. Hiện cậu đang làm gì?
– Chẳng làm gì cả. Đã năm tháng nay tớ đi tìm việc làm. Nhưng không chỗ nào người ta nhận đàn ông cả. Thấy vậy tớ đã nghĩ: hay là mình ăn mặc giả đàn bà vậy? Kẻ lông mày và tô môi vào? Nhưng, nói thật, mình cũng thông cảm với các ông chủ. Giá mình là họ mình cũng tuyển một phụ nữ trẻ đẹp nào đó thay vì một anh đàn ông. Vì đàn ông hay đàn bà đều có thể làm tốt như nhau công việc được giao. Và khi nhìn thấy trước mặt một phụ nữ xinh đẹp anh cũng thấy thích thú hơn chứ!
– Nghĩa là cậu đã hoàn toàn mất hy vọng, – Musa nói.
– Thế cậu nghĩ sao – năm tháng trời bị thất nghiệp dễ chịu lắm hay sao?
Đúng lúc đó trận đá bóng bắt đầu – và cuộc nói chuyện của chúng tôi tất nhiên phải gián đoạn. Sau khi trận đấu kết thúc chúng tôi đứng dậy và đi ra phía cổng. Để mở đường Musa lại thỉnh thoảng lấy còi ra thổi.
Rồi chúng tôi đã ở ngoài quảng trường.
– Chúng ta sẽ lên tăcxi tuyến, – Musa nói.
Lên tăcxi tuyến, nói thì dễ, nhưng làm thế nào mà chen lên nổi! Trên quảng trường một đám người khổng lồ đang đợi tăcxi tuyến, vì cũng như chúng tôi, họ cũng muốn đi loại xe này. Một chiếc xe nữa trả khách xong là có ngay hàng chục người lao tới.
– Cứ thế này không khéo phải hai ngày nữa mới đến lượt đến chúng ta, Musa, – tôi hỏi.
– Cậu hãy chờ một phút, – anh đáp. Sau đó anh rút chiếc còi trong túi ra và dừng một chiếc tăcxi đang chạy qua. Và thật kỳ lạ! Không có ai dám bước lên xe cùng chúng tôi. Chúng tôi ngồi vào xe.
– Musa! Anh đã trở thành giám đốc cảnh sát giao thông rồi hay sao? – Tôi hỏi.
Anh đưa ngón tay trỏ lên môi, ý bảo tôi im lặng.
Chúng tôi xuống xe ở Nisantase. Musa rút ví và định móc tiền trả tiền tăcxi, nhưng anh lái xe nhất định không chịu.
– Thưa ngài. Không đáng gì đâu ạ.
Thật quá lạ lùng!
– Anh quen tay lái xe này đấy à? – Tôi tò mò hỏi.
– Không.
– Này, Musa. Hay anh đã trở thành cảnh sát trưởng?
Anh lại đặt ngón tay trỏ lên môi.
– Bây giờ để tôi mua vài thứ, rồi ta sẽ về nhà.
Cạnh quầy hàng thịt có một dòng người đang xếp hàng dài đến nỗi không nhìn thấy đuôi. Tiếng ồn ào, la ó, tranh cãi. Xem như có vẻ sắp đánh nhau nữa.
Nhưng anh Musa của chúng tôi đã rút còi ra thổi! Và lập tức cả hàng người im lặng ngay. Từ sau cửa người chủ cửa hàng chạy ra, cúi rạp người chào Musa.
– Xin mời ngài!
– Cho một cân thịt, loại ngon nhé, – Musa yêu cầu.
– Ngài còn cần gì nữa không ạ?
– Có óc lợn không?
– Chục cái có đủ không ạ?
– Thế là đủ.
Người bán hàng thịt gói cẩn thận vào giấy. Musa rút ví định trả tiền nhưng ông ta khoát tay:
– Chúng tôi không định nhận tiền của ngài đâu ạ! Không khi nào!
– Musa này, hay anh đã trở thành thị trưởng rồi? – Tôi hỏi anh khi chúng tôi bước ra phố.
Nhưng anh không nói gì, chỉ đưa một ngón tay lên miệng.
– Tôi mua chỗ thực phẩm này là cho ngày mai. – Cuối cùng anh bảo tôi. – Còn hôm nay tôi và anh sẽ đến một nhà hàng nào đó ăn tối. Anh có cần thứ gì không?
– Không, không cần gì cả.
Chúng tôi rẽ vào quầy bán hoa quả, sau đó vào cửa hàng bánh mì. Và lần nào cũng vậy, trước khi vào, Musa lại rút còi ra thổi một tiếng thật to. Anh bước ra ngoài hai tay ôm các bọc hàng căng phồng. Và không nơi nào anh phải trả một xu nào.
Khi đã mua bán xong xuôi anh dừng một chiếc tăcxi lại và chúng tôi đi về nhà. Anh cất các túi hàng ở nhà và chúng tôi đến sòng bạc. Và người lái xe này cũng không lấy tiền của anh.
Tất cả các bàn trong sòng bạc đều đã có người ngồi. Nhưng khi Musa lôi chiếc còi ra, – anh thậm chí chưa thổi, thì mấy anh hầu bàn đã chạy vội đến chỗ chúng tôi, và sau họ là đích thân ông chủ.

Người ta kê riêng cho chúng tôi một cái bàn ngay trước sân khấu. Không hề hỏi chúng tôi cần gì, người ta đã mang đến đủ các thứ đồ nhắm.
– Hay anh là thanh tra, hả Musa? – Tôi hỏi.
Nhưng anh vẫn không giải thích gì. Chỉ giơ một ngón tay lên ra hiệu bảo tôi im lặng. Rõ ràng anh đã trở thành một nhân vật quan trọng. Nhưng cụ thể anh giữ chức vụ gì thì tôi chịu không thể đoán nổi.
Dàn nhạc bắt đầu chơi. Nữ ca sĩ bắt đầu hát.
Chúng tôi cứ ngồi ung dung thưởng thức. Những anh hầu bàn cứ lăng xăng xung quanh chúng tôi chờ sai bảo.
Thật chưa bao giờ tôi được hưởng khoái lạc như thế!
Bỗng phía sau chúng tôi nổi lên tiếng ồn ào. Hóa ra đó là một người say rượu định gây sự đánh nhau. Nhưng họ chưa kịp cầm dao thì tiếng còi của Musa đã bắt họ phải dừng ngay lại. Những con sư tử lập tức biến thành những con chó con ngoan ngoãn cúp đuôi.
Chúng tôi chén no nê hết hai trăm lia. Nhưng ông chủ không muốn nhận tiền. Một xu ông cũng nhất định không lấy!
Tôi về nhà Musa ngủ. Ngày hôm sau là chủ nhật. Musa tự tay làm bữa sáng rất thịnh soạn. Sau khi ăn xong, tôi định chia tay nhưng Musa không cho tôi đi.
– Cậu hãy ở chơi với mình một tuần, – anh đề nghị. – Có thể cậu sẽ được học điều gì đó.
Vậy là tôi đã ở nhà anh một tuần. Suốt ngày chúng tôi cứ đi giải trí vui vẻ. Ăn uống thỏa thích. Và tất cả đều không mất tiền.
Thỉnh thoảng tôi lại hỏi anh.
– Cậu nói thật đi, cậu đã trở thành người quan trọng rồi phải không?
– Nhưng anh vẫn lặng thinh. Mãi cuối cùng không giữ được anh mới nói:
– Tớ sẽ tiết lộ với cậu một bí mật. Nhưng cậu không được để lộ cho ai biết đấy!
– Tớ sẽ không nói với ai đâu!
– Cậu thề đi!
– Tớ xin thề!
– Hứa danh dự đi!
– Tớ hứa danh dự!
Khi đã tin vào những lời thề của tôi, anh mới rút chiếc còi ra, hôn nó một cái rồi áp lên đầu.
Cái còi này không phải là còi thường, mà là còi có phép thần. Một hôm ở Karakiô tớ đang đứng đợi tăcxi tuyến. Đợi mãi mà không sao tới lượt. Trong tay tớ lúc ấy đang cầm cái còi có buộc dây này. Tớ cứ quay quay cái còi trong tay rồi vô tình đưa lên miệng thổi một tiếng. Lập tức không biết ở đâu có một người chạy vội đến – chắc có lẽ là một cảnh sát chìm. Anh ta ưỡn thẳng người và hỏi:
– Bẩm ngài muốn truyền gì ạ?
Tớ bảo:
– Hãy thiết lập trật tự ở đây. – Rồi bỏ đi.

Tại một nơi khác tớ cần sang đường. Nhưng ô tô nối đuôi nhau chạy không lúc nào dứt. Làm thế nào bây giờ? Tớ rút còi ra và thổi một tiếng rõ to. Bao nhiêu ô tô lập tức dừng cả lại và thế là tớ cứ thản nhiên bước sang đường.
”Chà! Kỳ diệu thật!” – Tớ nghĩ. Hóa ra chỉ cần cầm lấy cái còi là tất cả những điều anh muốn đều trở thành hiện thực. Sau đó tớ hiểu ra nguyên nhân của vấn đề. Đó là vì ở nước ta tất cả mọi thứ đều được thực hiện theo còi. Tàu thủy nhổ neo theo còi, tàu hỏa khởi hành cũng theo còi. Còi chấm dứt mọi cuộc cãi lộn. Bất kỳ ai cứ nghe thấy tiếng còi là bỏ chạy ngay. Bây giờ tớ chỉ cần giơ còi lên thổi là lập tức trên quảng trường này sẽ không còn bóng người, mọi người đều bỏ chạy hết. Bấy giờ tớ mới chợt vỡ nhẽ ra là mọi việc ở nước ta đều do còi điều khiển. Từ đó tớ đâm ra sống nhờ cái còi này. Chỉ có điều cậu phải nhớ đừng tiết lộ chuyện này với ai. Nếu không sẽ xuất hiện nhiều kẻ cạnh tranh với tớ. Và thế là hỏng bét tất cả.
Tôi đã giữ lời hứa với Musa là không kể cho ai nghe về điều bí mật này. Nhưng tôi không hứa với anh ấy là không bao giờ tôi viết truyện về nó. Còn bây giờ tôi cũng có một yêu cầu với các bạn. Xin các bạn giữ kín những điều tôi viết ở đây…
Ngay sau khi chia tay với Musa tôi lập tức đi mua một cái còi. Nhưng khi tôi vừa thử thổi, – đó là ở quảng trường Takxim, – lập tức tôi bị bắt ngay. Và ngay hôm sau trên tất cả các báo có đăng mẩu tin về tôi: “Đã bắt được một tên thanh tra rởm!” “Đã bắt được một kẻ tự mạo danh là cảnh sát!” Có Chúa chứng dám, trong đầu tôi không có một ý định xấu xa nào. Khi ấy tôi mới hiểu cần phải biết cách thổi còi nữa! Nếu bạn làm việc đó một cách không dứt khoát, tay run run, thì lập tức sẽ có người nào đó nghi ngờ ngay.
Vì vậy, tôi đề nghị: bạn chớ kể cho ai biết chuyện phải thổi còi như thế nào. Nếu không chúng ta sẽ có thể làm hại những người biết cách thổi còi.
24/9/2015
Aziz Nesin
Đức Mẫn - Thái Hà dịch
Theo https://isach.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXVăn học miền Nam: Tổng quan 3

Văn học miền Nam: Tổng quan 3 Phần 15 Văn học Từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau 1963 người ta có thể ghi nhận nhiều chuyển biến quan...