Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

Tập truyện Aziz Nesin 2

Tập truyện Aziz Nesin 2

TÌM ĐƯỢC CHỖ CỦA MÌNH
Có người đến tâu với Quốc vương Makhmut:
– Tâu Quốc vương, có một người tự xưng là nhà tiên tri xin yết kiến Quốc vương.
Quốc vương ra lệnh:
– Cho dẫn hắn vào.
Nhà tiên tri tự xưng được dẫn vào: đó là một lão già đầu hói, quần áo rách tả tơi. Chân đi đất, má hóp lại vì đói.
– Dẫn hắn đi – Quốc vương truyền – Nuôi hắn bốn mươi ngày bằng mật ong, bơ, đào và nho, bánh ngọt!
Sau bốn mươi ngày Quốc vương sai dẫn kẻ tự xưng là tiên tri đến.
– Thế nào, – Ngài hỏi, – nhà ngươi vẫn còn là nhà tiên tri chứ?
– Vâng…
– Tốt. Nhà tiên tri thường biết được những lời mặc khải. Nhà ngươi cũng thế chứ?
– Bẩm vâng, qua vị thần Giêbrail.
– Thế thánh Ala truyền đạt cho ngươi điều gì qua thần Giêbrail?
– Thánh Ala nói: “Quốc vương đã tìm được chỗ của mình. Hãy cẩn thận đừng để mất”
Tôi thực sự kinh ngạc vì sự xuất hiện bất ngờ của anh ta. Thoạt tiên tôi tưởng cửa sổ bị vỡ tan và một quả bóng bay vào phòng. Nhưng đó không phải quả bóng, mà là người, và hắn không bay qua cửa sổ, mà tông thẳng vào cửa ra vào, suýt làm tung cả bản lề. Đầu tóc anh ta rối bùm, miệng méo xệch, mắt đỏ vằn những tia máu, nhìn trừng trừng như gã điên.
Lúc đầu tôi không nhận ra anh ta, và thú thật, hơi hoảng. Chỉ sau khi định thần tôi mới nhớ ra là chúng tôi đã có lần gặp nhau. Tôi không biết tên anh ta. Tôi gặp anh ta ở nhà một người bạn, và có thể, thậm chí đã nói chuyện với anh ta.
Tôi giơ tay chỉ chiếc ghế và nói bằng giọng lạc hẳn đi vì sợ:
– Chào anh, mời anh ngồi.
Một tay đấm đấm vào đùi, tay kia đấm đấm vào không khí, anh ta lớn tiếng la như người bị uất ức chất chứa trong lòng.
– Không thể tiếp tục như thế được nữa!… Phải chấm dứt ngay sự bất công này…
Tôi không hiểu anh ta muốn nói gì, nhưng muốn để anh ta nguôi dịu, đành phải hùa theo:
– Anh nói đúng lắm! Nhưng xin anh cứ ngồi xuống đã.
Khuôn mặt ông khách của tôi đỏ rực như lửa.
– Anh uống chút nước mát nhé? – Tôi hỏi. Ông khách dường như không nghe thấy lời mời của tôi.
– Phải lật đổ!… Lật đổ… – Anh ta gầm lên.
Bằng cử chỉ cung kính tôi nắm vai anh ta, ấn anh ngồi xuống chiếc ghế sa lông. Đặt một điếu thuốc lá vào tay anh ta. Mở cửa sổ. Đưa cho anh cốc nước.
– Tôi không muốn uống – Anh ta làu bàu.
– Không sao, anh cứ uống đi.
Cuối cùng tôi dỗ được, và anh máy móc tu cạn cốc nước. Từ lồng ngực anh phát ra ra tiếng thở dài nhẹ nhõm.
Tôi pha cà phê cho anh. Vị khách của tôi đã hơi nguôi dịu.
– Tôi thích những người ôn hòa, điềm đạm. – Bỗng anh thốt lên.
– Anh có thể giải thích rõ hơn ý anh muốn nói? – Tôi hỏi anh.
– Tôi thích những người có ý chí kiên định. Một khi họ đã nắm giữ một chức vụ gì thì có doạ giết họ cũng không bao giờ rời bỏ nó. Lối sống của những người này hết sức đều đặn. Họ biết trước ở đâu, vào giờ nào, sẽ làm gì, cùng với ai, bàn về chuyện gì. Có thể ví họ như chiếc xe buýt chạy đúng theo lịch. Thậm chí đi toalet họ cũng đi đúng giờ nhất định, không bao giờ rơi vào hoàn cảnh lố bịch, như chúng ta, trên đường phố… Đầu óc và dạ dày họ làm việc rất trơn tru. Dù làm việc ở bất cứ cơ quan nào họ cũng chỉ rời bỏ công việc khi đã về hưu hoặc khi rời bỏ thế giới phù sinh này.
Con người đó nói đúng về tôi! Song, mặc dù anh ta ca ngợi lối sống ôn hòa, điềm đạm, vẫn có cảm giác anh không thích tất cả những ai, mà theo anh, sống quá ư buồn tẻ.
– Tôi rất thích sự yên tĩnh, ngăn nắp – Anh ta kết luận, – nhưng không sao làm được…
– Anh sẽ làm được, thánh Ala sẽ phù hộ. – Tôi an ủi anh ta.
Anh túm vào mớ tóc đã bạc của mình.
– Anh nói sẽ làm được à?! Nhưng đến bao giờ?! Vào tuổi tôi ư? Lấy ví dụ như anh… Anh thường cất tiền lẻ ở đâu?
– Tiền lẻ ấy à?… Trong túi quần bên phải.
– Còn tiền chẵn?
– Trong ví, ở túi trong bên trái áo vét.
– Còn mùi xoa?
– Tôi có hai mùi xoa, một cái ở túi quần bên trái, một cái ở túi áo vét bên phải.
– Còn lược?
– Ở túi quần sau.
– Chìa khóa?
– Túi quần trước.
– Bút máy?
– Túi trong bên phải áo vét.
– Đấy, thấy chưa, anh biết rõ vật gì ở chỗ nào, còn tôi thì không?
– Tại sao?
– Tại vì tôi không có tất cả những thứ đó! Đôi khi nếu có tiền tôi nhét bừa vào bất cứ túi nào. Để cất tiền, khăn tay, lược, bút máy, sổ điện thoại vào các túi khác nhau, trước hết cần phải có tất cả những thứ đó… – Anh ta lại rít lên. – Mà tôi thì suốt đời không lúc nào có tiền! Đã hai hôm nay tôi chẳng có hột cơm nào vào bụng. Anh cứ xem đôi giày của tôi đây này! Thấy chưa?… Há như mõm cá sấu!… Chúng ta đang rơi xuống vực! Trong nước toàn thất nghiệp! Dân chúng nghèo khổ. Đạo đức suy đồi. Mại dâm phát triển. Cờ bạc lan tràn như bệnh dịch. Người bệnh không mua nổi thuốc. Bệnh viện thì thiếu chỗ. – Anh ta ngừng một giây, chống hai cùi tay xuống bàn, dí mặt vào sát mặt tôi. – Cần phải có cách mạng, c-á-c-h m-ạ-n-g!… Anh đồng ý với tôi chứ?
Tôi đờ người không nói được câu nào. Mãi lúc sau, cố lắm tôi mới thì thào:
– Hãy coi như tôi không nghe thấy những lời anh vừa nói. Đó là việc tốt nhất tôi có thể làm vì anh. Anh không nói gì cả, thậm chí anh cũng không đến đây. Hết!…
Anh ta đứng dậy, bối rối.
– Tôi rất tiếc đã xảy ra chuyện như vậy. Vậy mà tôi cứ tưởng có thể trông mong vào anh.
– Anh đừng nói với ai rằng anh đã đến nhà tôi nhé! Còn về phần tôi, tôi hứa sẽ không tố giác anh.
Anh ta ra về trong bòng buồn rầu, ánh mắt lộ vẻ thất vọng.
Vì lơ sợ, tôi không thể ngồi nhà, phải ra phố. Tôi quay kim đồng hồ cho sớm lên một tiếng rưỡi, rồi đi đến vài người bạn. Khi nói chuyện với người nào thỉnh thoảng tôi lại xem đồng hồ và nói to đã mấy giờ rồi. Tôi làm như vậy vì quá hoảng sợ. Trường hợp nếu anh bạn tôi có ba hoa thì tôi có chứng cớ ngoại phạm. Tôi sẽ lôi mấy người bạn đến làm chứng.
Khi về nhà tôi không tìm thấy trong ví tờ một nghìn lia. Có lẽ do quá sợ khi trả tiền tắc-xi tôi đã đưa nhầm tờ nghìn lia thay cho tờ mười lia!
Tôi ngẩn ngơ cả người. Đối với người lương không lấy gì làm nhiều như tôi, một nghìn lia là cả số tiền lớn. Cả đêm tôi không sao ngủ được. Sáng ra trên đường đi làm tôi lại gặp ông khách hôm qua. Tôi đi cùng với một anh bạn. Tôi ngoảnh mặt đi, hi vọng ông khách có tư tưởng tự do kia không nhìn thấy tôi. Nhưng anh ta đã nhìn thấy và tiến lại gần.
– Khỏe không, ông bạn?
Tôi lạnh nhạt đáp:
– Cám ơn.
– Thời tiết đẹp quá phải không?
Tôi phải nói với các bạn là trời mưa rả rích suốt từ sáng.
– Có gì mà đẹp? – Tôi làu bàu. – Mưa dầm dề…
Hắn ta mỉm cười.
– Tôi lại thích thời tiết thế này. Trời này vào rạp xem phim là thú nhất. Ăn trưa xong tôi sẽ đi xem bộ phim mới. Thôi tạm biệt.
– Chúc anh may mắn.
Hắn bỏ đi. Anh bạn tôi nhìn theo hắn, nói thầm với tôi:
– Con người ta là sinh vật kì lạ. Khi có tiền trong túi thì thời tiết xấu cũng coi là đẹp.
– Hắn có tiền à?
– Trước kia không lúc nào hắn có tiền cả, nhưng bây giờ thì có. Chiều qua hắn đi với một người bạn trên phố Bâyôglơ. Bỗng có vật gì từ một cửa sổ tầng cao rơi xuống. Một cái ví chật cứng tiền rơi trúng đầu thằng cha may mắn này, còn cái chậu hoa thì rơi trúng đầu người bạn bất hạnh của hắn. Anh bạn kia phải đưa vào nhà thương, còn trong lúc hỗn độn thằng cha kia lỉnh đi mất cùng cái ví tiền.
Một tuần sau, trên xe buýt tôi bị một kẻ cắp rạch túi áo vét và lấy đi cái ví tiền, trong đó là toàn bộ lương tháng tôi vừa lĩnh, cộng thêm ba nghìn lia tiền để dành mấy năm nay của tôi.
Hôm sau đang ngồi trên tàu thủy tôi nhìn thấy cái gã tư tưởng tự do kia đi đến gần tôi. Hắn mặc quần áo mới tinh, râu xén tỉa gọn ghẽ, tóc chải rất mượt. Hắn hỏi:
– Sao trông mặt anh buồn thế?
– Không, cũng chẳng buồn lắm. – Tôi đáp.
Mặt hắn rạng rỡ lên.
– Anh đánh giá tình hình kinh tế nước ta như thế nào? – Hắn hỏi.
– Về những vấn đề này tôi dốt lắm, nhưng theo tôi, nền kinh tế nước ta chưa được cao lắm.
Bỗng nhiên hắn nghiêm mặt, nói:
– Lạy Chúa, tình hình đang được cải thiện. Càng ngày càng khá hơn. Người nào thực sự muốn làm việc đều có việc làm. Chỉ có đừng lười!…
Khi hắn ta rời tàu, một trong các hành khách đưa mắt nhìn theo bảo với người ngồi cạnh:
– Anh có thấy người ấy không? Hôm qua hắn bị ô tô tông phải. Hắn bị ngã và chỉ hơi xây xước mũi. Người chủ xe ô tô là một nhà triệu phú nổi tiếng không muốn để chuyện ầm ĩ trên báo chí, đã bồi thường cho hắn ba nghìn lia để hắn đừng kiện ra tòa.
Người ta nói đúng: Họa vô đơn chí. Chẳng bao lâu sau cái hôm trả nhầm tờ một nghìn lia cho gã lái xe tắc xi, rồi bị ăn cắp mất cái ví trên xe buýt, tôi lại bị thằng cháu gọi bằng bác nó lừa.
– Bác ơi, chúng ta mua ô tô đi – Cái thằng xỏ lá ấy xui tôi – Rồi xin đăng kí làm xe tắc xi, sẽ tha hồ mà hốt bạc!
Hóa ra, nếu bỏ ra tám nghìn lia tiền mặt và kí hối phiếu hai mươi nghìn nữa thì có thể kiếm được một chiếc ô tô đã dùng rồi nhưng vẫn còn khá tốt. Mơ ước kiếm lại được số tiền bị mất, tôi nghe lời thằng lừa đảo đó và rút ở nhà băng về tám nghìn lia mà vợ chồng tôi ki cóp suốt cả cuộc đời vợ chồng. Ngoài ra, tôi còn kí vay nợ hai chục ngàn lia. Và kết quả thế nào? Ông cháu giời đánh của tôi biến mất cùng chiếc ô tô! Thế là tám nghìn lia của tôi đi tong!… Thêm vào đó là món nợ hai chục nghìn đeo trên cổ.
Cuộc sống của tôi hoàn toàn bi đát. Đúng lúc đó tôi lại gặp con người kia. Đó là trong xe tắc xi tuyến. Hắn ta tâm trạng rất phấn khởi, cười rất tươi.
– Thật trớ trêu, lúc cần thì không sao tìm được tắc xi. Đành phải đi tắc xi tuyến… – Sau khi im lặng một lát, hắn hỏi:
– Anh thấy tình hình nước ta thế nào?
– Thật tình tôi không biết… – Tôi luống cuống. – Có vẻ như không được tốt lắm…

– Tôi lại nghĩ khác! Không nên than phiền! Dân chúng bắt đầu có nhiều tiền hơn. Việc làm cũng dễ tìm. Nếu đòi hỏi hơn nữa thì đúng là vô ơn!…
Rồi hắn xuống xe tắc xi.
Ông khách ngồi cạnh người lái xe tức tối:
– Anh thấy cái thằng cha bẻm mép nói gì không? Dân chúng nhiều tiền hơn… Tôi biết hắn từ lâu. Mới cách đây thôi, hắn còn đói nhe răng. Nhưng cách đây một tuần hắn vớ được một bọc tiền gói giấy báo. Bây giờ hắn đang rủng rỉnh tiền. Và nói năng nghe rất lạc quan! Đúng là lưỡi lắt léo!
Để hoàn thiện thêm tất cả những tai họa của chúng tôi, một bọn ăn trộm đã lẻn vào nhà tôi và cuỗm đi bao nhiêu đồ trang sức của vợ tôi – nhẫn, chuỗi hạt, hoa tai, tóm lại là tất cả những thứ gì có giá.
Chiều chiều tôi lại ghé qua đồn cảnh sát xem họ đã bắt được tên trộm chưa? Một hôm đang trên đường tới đó tôi gặp gã kia. Trong lòng tôi đang đau khổ mà hắn cứ luôn mồm kể về hắn.
– Anh biết không, nhiều người cứ phàn nàn kêu ca giá sinh hoạt đắt đỏ. Nhưng ai là người có lỗi? Chính họ chứ không phải ai. Sống một cách bừa bãi không có ngăn nắp. Người thực sự phải biết sống có kế hoạch, đúng không?
– Đôi khi có kế hoạch cũng hỏng.
– Ấy đừng nói thế. Những lời của anh nghe như giọng tuyên truyền chống chính phủ.
Cứ chuyện trò kiểu như vậy chúng tôi đến gần đồn cảnh sát và chia tay nhau.
Một viên cảnh sát đưa mắt nhìn theo hắn, nói:
– Có nhiều người may thật!… Tuần trước tại cuộc cá ngựa tay này đặt mười ba lia vào một con và trúng ngay hai mươi bẩy nghìn lia.
Chúng tôi chưa kịp mất hi vọng sẽ tìm được tên trộm thì lại gặp tai họa khác. Ngôi nhà do bố tôi để lại cho tôi bị cháy. Đám cháy bắt đầu từ căn nhà bên cạnh, tất cả có bốn nhà bị thiêu ra tro, trong đó chỉ có mình nhà tôi là không có bảo hiểm. Trong lúc rối trí vợ tôi vớ lấy cái chậu hoa, còn tôi thì ôm cái điếu chạy ra đường – đó là tất cả những gì chúng tôi cứu được từ đám cháy.
Chúng tôi phải đến ở nhờ nhà họ hàng. Từ sáng đến tối tôi phải đi khắp thành phố tìm thuê nhà.
Một hôm khi đi ngang qua ngôi nhà cao tầng tôi nhìn thấy thông báo: “Căn hộ cho thuê”. Tôi đến gặp chủ nhà – và không tin ở mắt mình: Vẫn lại con người đó! Hắn ta mời tôi vào căn hộ của hắn và bắt đầu hót:
– Thánh Ala rộng rãi đối với ai tích cực lao động. Chỉ có đừng lười biếng! Đúng thế không, anh bạn? Phải hi vọng vào thánh Ala. Ví dụ như tôi chẳng hạn…
Sau đó hắn hỏi:
– Anh đánh giá tình hình chính trị nước ta thế nào?
Tôi nói:
– Tôi dốt về chính trị lắm, nhưng tôi thấy tình hình có vẻ căng thẳng.
– Anh nhầm rồi! Đất nước chưa bao giờ phồn vinh như bây giờ. Ơn thánh Ala, ban lãnh đạo đất nước đáng tin cậy. Quả thật, vài phần tử chống đối âm mưu gây ra sự hỗn loạn, tung những tin đồn thất thiệt.
Lời phê phán rõ ràng nhằm vào tôi.
Chúng tôi không thỏa thuận được về giá cả, tôi cáo từ.
Ra đến cổng tôi nói với người gác cổng:
– Sáu trăm lia cho ba buồng. Điên thật!
– Ông bạn ơi – Người gác cổng thở dài, – những chủ nhà như ông này là người không có trái tim. Điều đó dễ hiểu thôi. Vì tiền kiếm được là tiền bất chính. Hắn trúng sổ xố được nửa triệu lia và đã mua ngôi ngà này.
Vài tuần sau khi chúng tôi thuê được một căn hộ ba buồng ở tầng hầm giá bốn trăm lia, thì nhà máy nơi tôi làm việc phải đóng cửa, và tôi bị mất việc. Chủ nhà máy tuyên bố phá sản. Chúng tôi thậm chí không được tiền trợ cấp mất việc.
Ngày hôm đó tôi trở về nhà trong tâm trạng buồn rầu, suy nghĩ không biết làm gì. Bỗng một chiếc ô tô sang trọng đỗ ngay cạnh tôi.
Người ngồi sau tay lái bảo tôi:
– Anh lên đây, tôi chở đi.
Tôi nhìn: hóa ra lại hắn.
Tôi bước lên ô tô.
Anh bạn tôi trông béo hẳn ra, cằm bắt đầu có ngấn, bụng bắt đầu chảy sệ. Lúc nói chuyện với tôi thỉnh thoảng hắn ta lại cười hô hố.
– Cái khác nhau giữa con người và con vật là gì? – Hắn hỏi rồi tự trả lời – Con vật ăn khi nào đói còn con người thì kh-ô-ô-ng… Con người cần phải biết khi nào làm và làm cái gì. Ăn phải có giờ giấc. Song có một số người gặp bất cứ cái gì là ăn cái nấy. Tất nhiên là họ sẽ bị hỏng dạ dầy, gan, và đường tiết niệu. Họ có thể đứng đái ngay giữa đường, hoặc chạy như điên tìm nhà vệ sinh công cộng. Những người đứng đắn ai lại làm thế? Anh dạo này làm ăn gì, sống ra sao?…
– Cám ơn, cũng tạm …
– Anh đánh giá tình hình đất nước thế nào?
– Tình hình không được tốt lắm.
Hắn bỗng the thé:
– Sao anh dám nói thế? Anh rõ ràng là kẻ chống đối! Kh-ôô-ng!… Không thể làm vấy bẩn mặt trời được! Lịch sử nước ta chưa bao giờ biết đến thời kì nào thịnh vượng như bây giờ…
– Xin anh cho tôi xuống đây.
Tôi nhảy xuống ngay khỏi xe như bị ma đuổi.
Một người quen đến gần tôi chào, rồi hỏi:
– Anh nghĩ gì vậy? Anh quen hắn đấy à?
– Ai cơ?
– Thằng cha đi ô tô “Cađilắc” ấy. Hắn vừa được thừa hưởng gia tài bốn triệu lia. Hóa ra hắn có ông bác ở Ai Cập, mà hắn không hề biết mặt. Thậm chí còn không biết là có ông bác ấy. Ông bác giàu có ấy chết để lại toàn bộ gia sản cho hắn.
Những hi vọng cuối cùng của chúng tôi gắn với một thương nhân Stămbun. Cách đây một năm chúng tôi bán cho ông ta mảnh đất của vợ tôi. Ông ta còn nợ chúng tôi mười ba nghìn lia. Tôi có giấy biên nợ. Tôi mong nhận được số tiền đó và bắt tay vào làm việc gì. Khi đến thời hạn trả nợ tôi cầm giấy biên nợ đến gặp nhà buôn này, một người thực thà hiếm có. Tôi tin cho dù tôi có đánh mất giấy biên nợ thì ông ta cũng sẽ trả. Nhưng than ôi, ông ta không trả được vì hôm trước ông ta vừa bị phá sản. Bây giờ cái giấy ghi nợ không đáng giá một xu. Mảnh đất mà chúng tôi bán cho ông ta bị gán cho chủ nợ của ông ấy.
Tối hôm đó, lần đầu tiên tôi vào quán rượu. Trong quán tôi lại gặp hắn! Chính hắn đích thân đến gần tôi. Tôi gọi li vôtka cho hắn.
– Làm sao trông anh buồn thế? – Hắn hỏi.
– Tình hình đất nước tồi tệ quá! Nhân dân thì đói khổ. Không thể cứ tiếp tục thế này được!… Cần chấm dứt ngay tình trạng bất công này!…
Đó là tất cả những gì tôi nói với hắn.
Sau đó hắn đứng dậy ra về.
Người hầu bàn biết rõ hắn, làu bàu:
– Trước đây hắn ngày nào cũng ghé quán nhưng từ khi lấy vợ đâm ra ít thấy đến.
– Sao, hắn mới lấy vợ à? – Tôi hỏi.
– Lấy rồi. Bọn bịp bợm không từ thủ đoạn trục lợi nào. Hắn cưới cô em vợ một nhà tỉ phú, trở thành chủ nhân của mấy đồn điền bông. Bây giờ thì hắn bơi trong tiền.
Khi tôi vừa rời khỏi quán thì có hai người ăn vận thường phục đến bẻ quặt tay tôi rồi dẫn đến đồn cảnh sát. Ở đây tôi lại gặp hắn ta. Hắn giơ ngón tay chỉ vào tôi bảo ngài chánh cẩm:
– Chính hắn đấy!
Khẳng định rằng tôi đã nói xấu chính quyền trong quán rượu, hắn gán cho tôi những lời mà một lần chính mồm hắn đã nói ra ở nhà tôi. Vẻ ngoài của hắn thật đáng tin. Còn tôi thì khiến người ta phải ngờ vực: đôi giày há mõm như mõm cá sấu!
CÁI GÌ ĐÂY?
Các bạn đã bao giờ được chứng kiến một người bị phát bệnh điên như thế nào chưa? Tôi đã thấy rồi.
Ồ, đó là một người có học thức, có văn hóa, và có thần kinh vững phi thường. Con người đáng thương đó bị phát bệnh điên ngay trước mắt tôi. Chuyện xảy ra cách đây hai năm. Một người bạn kéo vợ chồng tôi đến dự bữa ăn tối với những người muốn được làm quen với chúng tôi. Tôi không tài nào từ chối được trước sự nài nỉ của anh. Thế là chúng tôi có mặt tại đám khách khứa.
Tôi không thích những cuộc làm quen như vậy. Lần đầu tiên đến chỗ không quen tôi cảm thấy lúng túng thế nào ấy, và cái thái độ lạnh lùng của tôi thường ảnh hưởng đến tất cả những người xung quanh. Căn phòng nơi tôi đến lập tức biến thành một cái gì như cái tủ lạnh.
Vợ chồng chủ nhân mời chúng tôi hóa ra là những người dễ mến hiếm có. Họ hết sức tìm mọi cách làm chúng tôi vui.
Đến sau chúng tôi có một số khách nữa: hai phụ nữ và những người đàn ông. Bà chủ mến khách mời chúng tôi uống trước bữa ăn.
Những người khách đến tiếp theo làm không khí trong phòng khách bớt tẻ nhạt đì một chút. Nhưng một lúc sau chính họ cũng bị tác động bởi những làn hơi lạnh toát ra từ tôi và bắt đầu bị ướt. Mọi người ngồi cứng đơ, căng thẳng. Hai vị chủ nhà thỉnh thoảng lại quẳng cho chúng tôi một chủ đề nào đó với hy vọng cuộc trò chuyện chung làm tan bớt tảng băng xa lạ. Nhưng nói được dăm ba câu chúng tôi lại im lặng, và trong phòng khách lại bao trùm những khoảnh khắc im ắng nặng nề.

Thỉnh thoảng từ phòng bên cạnh vẳng lại giọng nói trẻ con lanh lảnh. Hai vợ chồng chủ nhà than phiền về cậu con trai của họ. Hóa ra đứa con trai của họ, – cầu thánh Ala ban phước cho cậu, – là một đứa trẻ rất ngỗ nghịch. Trong một thời gian ngắn trong nhà đã phải thay tới bốn cô nhũ mẫu; cô kiên nhẫn nhất cũng chịu được có sáu tháng, và lúc này trong buồng bên cạnh cậu bé đang hành hạ cô bảo mẫu đáng thương. Bố mẹ cậu bé đã quá mệt mỏi trước tính hiếu động quá mức của cậu con quý tử. Khi đề tài này đã cạn, chúng tôi lại im lặng.
Chủ nhà nói:
– Ta hãy chờ ông Fikri đến, ông ấy sẽ làm chúng ta cười đến vỡ bụng.
Cặp mắt một bà khách ánh lên vẻ sung sướng.
– Tôi vừa được nghe tin gì thế này? Ông Fikri sẽ đến à?
– Vâng, chúng tôi đang chờ ông ấy.
– Chao ôi, tuyệt quá! Chúng ta sẽ vui ngay lập tức.
Bà thứ hai kể:
– Một tối chúng tôi đến chơi nhà người quen. Ông Fikri cũng có mặt ở đó. Ông ta pha trò làm chúng tôi cười bò lăn, bò toài ra đất. Mọi người phải van xin: “Thôi đi, anh Fikri…. Hãy tha cho chúng tôi! Không có chúng tôi vỡ bụng vì cười mất!…” Có một bà, nói vô phép các vị, sau khi cười rũ rượi một hồi đã để lại trên ghế một vũng nước nhỏ.
Thế là mọi người tranh nhau nói về ông Fikri: ”Chà! anh ta thật là người vui tính!… Một người biết đùa!…”
Người ta hỏi tôi:
– Ngài có quen anh ta không?
– Không! – Tôi đáp.
– Ôi, thật đáng tiếc! Ngài nên làm quen, ngài sẽ thấy rất mừng!
Một lúc sau lại có thêm khách – các bà và các ông. Sau đó lại một người nữa, một quan chức bưu điện. Thế là chúng tôi cả thảy có mười bảy người. Mọi người tranh nhau ca tụng Fikri, thán phục trước cái tài biết làm mọi người cười vui vẻ của ông ta.
Từ phòng bên tiếp tục vẳng lại giọng của cậu bé tinh nghịch, – lạy thánh Ala cho cậu khỏe mạnh!
Cửa bỗng mở. Mọi người đồng thanh vỗ tay reo:
– Fikri!…
-Fikri!…
Một người đàn ông béo mập bước vào và ngay lập tức gây được thiện cảm. Trông chỉ muốn đến gần và vỗ vỗ vào đôi má phúng phính của ông ta. Trông bề ngoài ông ta trạc bốn nhăm tuổi.
Tôi vốn thường có định kiến với những ai được người ta bốc lên đến tận cung mây, nhưng người đàn ông này đã chinh phục tôi ngay lập tức. Anh ta vừa bước vào là cái không khí lạnh nhạt giữa chúng tôi lập tức tan biến! Mọi người đều thấy vui vẻ và sung sướng.
Mỗi lời ông ta nói đều gây ra những trận cười.
Tôi thử cố chống lại cái không khí vui nhộn toát ra từ con người ấy. Thế nhưng cả tôi cũng bị tan ra, lúc đầu hơi nhếch môi, sau đó miệng cười rộng đến tận mang tai và cuối cùng là cười ha hả.
Điệu bộ, ông ta không lăng xăng, bắng nhắng nên không làm mệt người khác, và đó là điểm tôi thích nhất ở ông ta.
Tôi quan sát ông ta chăm chú hơn. Ông ta nói chuyện rất giản dị. Nhưng mỗi câu nói đều gây cười.
Tôi hỏi người bạn cùng đi với chúng tôi.
– Cái ông Fikri là nhà sư phạm, – bạn tôi đáp. – Sống ở Thuỵ Sĩ bốn năm, nghiên cứu vấn đề giáo dục trẻ em. Sau đó sáu năm ở Mỹ làm cho Hội ”Giáo dục trẻ nhỏ”. Tóm lại ông Fikri là chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục trẻ em. Ông đã giảng trên đài phát thanh về chủ đề này. Ông đã có nhiều công trình được in bằng tiếng Thổ, tiếng Pháp và tiếng Anh, và viết nhiều bài nghiên cứu cho các báo và tạp chí. Mối quan tâm của tôi đối với ông Fikri càng lúc càng tăng. Trong đời tôi chưa từng gặp người nào như thế. Anh ta nói: ”Cái bàn…” – chúng tôi cười, nói: ”Cái cửa…” – chúng tôi lại cười. Trong phòng khách tràn ngập tiếng cười. Cười nhiều chúng tôi bắt đầu chảy nước mắt.
– Ai, anh làm chúng tôi mệt quá, anh Fikri! Thôi đi! Ha-ha-ha!…
– Tôi van anh, anh Fikri, đủ rồi! Hô-hô-hô!…
Người thì ôm bụng, người thì gập hẳn người lại, người thì ngã ra tấm thảm.
– He-he-he!
– Hi-hi-hi!
– Hư-hư-hư!
Tôi rất ngạc nhiên. – Không tin được! Chưa từng thấy!…
Nhưng điều làm tôi kinh ngạc nhất là nét mặt của Fikri vẫn hoàn toàn thản nhiên như không, không hề có một nét cười.
Lợi dụng phút cơn bão cười hơi ngớt đi, tôi lại gần ông ta.
– Từ đâu mà anh có được tính hài hước như thế, anh Fikri? Anh có bí quyết gì dạy chúng tôi với!
– Bí quyết rất đơn giản, – ông Fikri đáp. – Anh không được cáu giận. Không bao giờ. Tôi đã bốn tám tuổi, và cho đến hôm nay chưa hề cáu giận lấy một lần.
– Kỳ lạ thật! Chả lẽ anh không cáu giận bao giờ?
– Không!
– Nếu người ta xúc phạm anh?
– Cũng thế thôi. Ở trường phổ thông tôi có thể trêu tức bất cứ ai, nhưng không ai có thể trêu tức tôi. Người ta có chửi tôi tục tĩu thế nào tôi cũng không giận – tôi chỉ mỉm cười và bỏ đi. Tôi coi đó là sự vô giáo dục của họ.
Chúng tôi nói chuyện về giáo dục trẻ em. Bản thân tôi là người cha nên tất nhiên tôi bắt đầu than vãn về mấy đứa con của mình.
– Tôi hình dung ra, anh Fikri ạ, anh giáo dục con cái giỏi như thế nào?
– Rất tiếc.
– Sao? Thế phương pháp sư phạm của anh?…
– Tôi không có con.
– A.a.a… Vờ anh không sinh được?
– Tôi không có vợ.
Tôi lập tức thấy thất vọng. Một người không có vợ con làm sao có thể hiểu và giáo dục được trẻ con đây? Ôi, thật quá dễ khi anh dạy người khác: ”Đứa trẻ phải giáo dục như thế này, thế này…”.
Nói thực, thậm chí tôi còn cảm thấy hơi giận.
Ông Fikri lại tiếp tục pha trò. Nhưng tôi đã không thể cười được nữa. Tâm trạng tôi đã bị mất hứng.
Nhưng sự tiếc rẻ của tôi kéo dài không lâu.
Chúng tôi cũng không nhận ra mình lại bắt đầu cười hô hố từ lúc nào.
Suốt thời gian đó từ phòng bên cạnh không ngớt vẳng lại tiếng của cậu bé tinh nghịch.
Ông Fikri hỏi:
– Có chuyện gì ở bên phòng ấy thế?
Người ta giải thích cho ông ấy: Đứa trẻ hư quá, không cô bảo mẫu nào dỗ được.
– Ề-ề-ề! Không được! – Ông Fikri tuyên bố. Vào giờ này trẻ con phải đi ngủ rồi. Còn nếu không đặt chúng ngủ, chúng sẽ ngồi thức cùng với người lớn.
Ông Fikri đọc một bài giảng dài về đề tài này. Sau đó ông ra lệnh:
– Dẫn đứa trẻ ra đây!
Bà chủ vội xua xua tay.
– Ấy không, anh Fikri! Anh không biết cái thẳng con ngỗ ngược của chúng tôi đâu! Nó sẽ làm anh mệt bở hơi ra đấy!
Ngài Fikri bằng những luận điểm khoa học chứng minh sự sai lầm của những lời nói đó.
– Không bao giờ được để đứa trẻ ngồi một mình. Nó luôn cần được có hoạt động. Dẫn đứa trẻ ra đây!
Ông bố can thiệp:
– Anh chưa biết nó đâu!… Thằng quỷ con ấy sẽ làm hỏng hết buổi tối đấy!
– Không, cứ dẫn ra đây, dẫn ra đây, – ông Fikri vẫn khăng khăng. Người mẹ nói:
– Tuỳ anh thôi. Nhưng tôi không chịu trách nhiệm đâu đấy nhé!…
Người ta dẫn cậu bé ra.
Đó là một cậu bé tinh nhanh, khoảng bốn tuổi, rất hiếu động, đôi mắt lanh lợi luôn luôn đảo khắp phía. Lúc đầu cậu ta hơi sợ khi nhìn thấy đám đông người lớn.
Ông Fikri khuyên:
– Cứ để câu bé một mình. Đừng để ý gì đến cậu ta. Rút trong vỏ thuốc lá ra tờ giấy mỏng ngăn hai hàng điếu thuốc, ông Fikri gấp chiếc thuyền nhỏ và đưa cho cậu bé. Cậu bé linh hoạt hẳn lên, hỏi:
– Cái gì đây?
– Cái thuyền, – ông Fikri trả lời.
Cậu bé lại hỏi:
– Cái gì đây?
– Cái thuyền. Cháu thấy đấy, cái thuyền. Bố cậu bé nói:
– Thế là anh bị với nói rồi, anh Fikri! Từ giờ đến sáng nó sẽ hỏi anh: ”Cái gì đây, Cái gì đây?”. Nó sẽ làm anh mệt nhoài cho mà xem!
– Ở lứa tuổi này trẻ con đứa nào cũng vậy. – Fikri giải thích. – Chúng hỏi không ngơi mồm. Đó là giai đoạn thiết lập mối quan hệ giữa chúng với thế giới xung quanh. Đứa trẻ nào hỏi càng nhiều thì trí tuệ nó càng cao. Phải nên mừng! Đối với các câu hỏi của chúng phải trả lời thật kiên nhẫn, bình tĩnh. Giáo dục trẻ là một công việc không dễ dàng. Ở đây cần có nhẫn nại và nhẫn nại. Với mỗi câu hỏi cần trả lời một cách nghiêm túc, rõ ràng, tựa như trước mặt bạn là người lớn.
– Thôi được, để rồi xem. – Ông bố nói.
– Cái gì đây? – đứa bé hỏi.
– Cái thuyền, – ông Fikri nhắc lại. – Nó bơi ở trên biển, thế này này: phựt – phựt – phựt…
Bản thân tôi cũng có bốn đứa con, vì thế tôi chú ý theo dõi thí nghiệm sư phạm đang được tiến hành trước mắt tôi.
Ông Fikri lại lấy giấy gập con sói, thằng người, ô tô.
Cậu bé ngay lập tức quấn lấy ông.
Thậm chí tôi cũng phải thừa nhận:
– Thế mới gọi là khoa học. Xem kìa, họ nhanh chóng thân với nhau chưa?
– Đừng chú ý đến chúng tôi, – ông Fikri yêu cầu. – Cứ tiếp tục nói chuyện đi.
Chúng tôi chuyện trò với nhau, nhưng bao nhiêu chú ý vẫn dồn về họ.
– Cái gì đây?
– Con sói con.
– Cái gì đây?
– Cái này ấy à?… Đồng hồ.
Cậu bé chỉ tay vào cái núm đồng hồ của ông Fikri.
Cái gì đây?
– Cái đồng hồ.
– Không, không, cái gì đây?
– Cái này ấy à? … Cái này là cái người ta lên dây cót. Cái núm đồng hồ.
Cậu bé chỉ vào ấm samôva.
– Cái gì đây?
– Ấm samôva. Để người ta đun nước pha trà.
– Không, không. Cái gì đây?
– Cái van ấm.
– Cái gì đây?

– Cái này ấy à?… Cái này… là một bộ phận của ấm samôva…
Ông Fikri quay sang giải thích cho chúng tôi:
– Cần phải trả lời như thế đối với mỗi câu hỏi của đứa trẻ.
Cậu bé chỉ vào bộ ngực núc ních của một bà.
– Cái gì đây?
– Cái này ấy à?… Hừm… Cái áo hở vai.
– Không, không, cái gì đây?
– Cái ngực.
Cậu bé chỉ vào cái nắp ấm samôva.
– Cái gì đây?
– Ấm samôva.
– Không, cái gì đây?
– Ta đã bảo với con là ấm samôva mà!
– Cái gì đây?
– Lạy thánh Ala!… Một bộ phận của ấm samôva. Ông Fikri quay sang chúng tôi:
– Trong bất cứ trường hợp nào cũng không được cáu. Trong giáo dục trẻ con tuyệt đối không được cáu.
– Cái gì đây?
– Cái này ấy à!… Cái chân.
Cậu bé chỉ vào đùi một bà.
– Không, không, cái gì đây?
– Cái vạt váy.
– Cái gì đây?
– Cái bắp chân,
– Cái gì đây?
– Cái bắp chân, con trai của ta, cái bắp chân. Phần này của chân gọi là bắp chân.
– Cái gì đây?
Máu dồn lên mặt ông Fikri, mặt ông lập tức trở thành đỏ tía.
– Cái bắp chân, bắp chân, bắp chân… – Nhưng ông lập tức kìm lại. – Không được cáu giận. Kiên trì, chỉ có kiên trì! Bất cứ trường hợp nào cũng không được giận dữ.
– Cái gì đây?
– Cái đồng hồ.
– Cái gì, cái gì đây?
– Cái đồng hồ mà, con ạ! Cái đồng hồ!
– Cái gì đây?
– Cái núm đồng hồ.
– Cái gì đây?

– Thôi nào, cháu chơi với cái thuyền một lúc đi.
– Cái gì đây?
– Cái bắp chân.
– Không, không, cái gì đây?
– Cái áo hở ngực.
– Cái gì đây?
– Bộ ngực.
Ông Fikri nhét vào tay cậu bé mấy cái đồ chơi gấp bằng giấy và chuyển sang ghế khác ngồi. Nhưng cậu bé lập tức chạy ngay đến chỗ ông, và giơ ngón tay bé xíu chỉ vào cái mũi to của một ông khách hỏi:
– Cái gì đây?
– Cái này ấy à?……Cái mũi.
– Cái gì đây?
– Mũi. Mu-ũi…..m-u-ũ-i…. Cháu hiểu chưa, cái mũi.
– Cái gì đây?
– Ta đã nói với con rồi, cái mũi… Cái mũi, bé ạ! Cái mũi!
– Không, không, cái gì đây?
– Ta đã nói rồi, cái bắp chân. Phần này của chân gọi là bắp chân. Bắp chân. Hiểu chưa?
– Cái gì đây?
– Đây là cái mũi.
– Cái gì đây?
– Mũi
Cậu bé chỉ mãi không thôi vào cãi mũi
– Cái gì đây?
– Mũi, mũi, mũi!…
Ông Fikri nói với chúng tôi:
– Các anh không được cáu. Trong bất cứ trường hợp nào? Hãy kiên trì giải thích đến khi nào đứa trẻ hiểu mới thôi. Mười, một trăm một nghìn lần? Cốt sao cho đứa trẻ hiểu.
Hình như cậu bé tinh quái nắm được ý những điều ông nói. Cậu cứ một mực chỉ vào cái mũi.
– Cái gì đây?
– Mũi! m-ũ-i! m-ũ-i!… m-ũ-i?
– Cái gì đây?
– Mũi, mũi, mũi, m-u-ũ-i!
– Cái gì đây?
– Mũi, mũi, mũi, m-u-ũ-i!
Bộ râu quai nón và lông mày ông Fikri bắt đầu giật giật.
– Cái gì đây?
Tôi nhìn thấy thần kinh ông Fikri đã căng hết mức. Hạ giọng, ông cố nói thật dịu dàng, van xin:
– Mũi, mũi, con ạ, mũi, bé ạ, mũi…
– Cái gì đây?
– Mũi, nhóc con ạ. Mũi, mũi, mũi.
– Cái gì đây?
– Mu-ũi… Nào nói đi: Mũi!
– Cái gì đây?
Ông Fikri thò ngón tay vào cổ áo và nới mạnh nút cà vạt.
– Mũi, mũi, con trai ạ! Cái con nhìn thấy trên mặt bác này gọi là cái mũi.
– Cái gì đây?
Ông Fikri cởi áo vét.
– Mũi!
– Cái gì đây?
– Ta đã nói với con rồi, cái mũi!… Nghe rõ chưa, cái mũi?…
– Cái gì đây?
– A-a-a, thôi đủ rồi! Đây là cái mũi!…
– Cái gì đây?

– Mũi, ta đã nói rồi mà! Chà, cái thằng… – Nhưng ông kìm lại được: – Với trẻ con không được tỏ ra thô bạo. Các vị hiểu chứ? Không bao giờ!
– Cái gì đây?
Ông dài giọng một cách dịu dàng:
– Cái m-ũ-ui…
– Cái gì đây?
– Ôi!
– Cái gì đây?
– U-u-u – Nhưng ông Fikri lại bình tĩnh lại được – Với trẻ con phải hết sức kiên nhẫn. Không được cáu phải trả lời mỗi câu hỏi của chúng.
– Cái gì đây?
– Cái này ấy à?… Cái này là… đôi giày.
– Không, không, cái gì đây?
– Cái khóa kéo.
– Cái gì, cái gì đây?
– Đây là cái núm cầm của khóa kéo.
– Cái gì đây?
– Cái chân.
– Cái gì đây?
– Cái đùi – cái đùi của cô…
Ông Fikri đỏ mặt. Giọng khìn khịt. Ông lại đổi sang ghế khác. Nhưng cậu bé không rời ông nửa bước.
– Cái gì đây?
– Cái chân.
– Không, không, cái gì đây?
– Kim đồng hồ… Ôi, cái thằng!
– Cái gì đây?
– Chà, cái thằng chậm hiểu! Ta đã bảo rồi, cái mũi!…
Bỗng con người vốn rất bình tĩnh, nhã nhặn nhảy bật dạy khỏi ghế và bắt đầu vò đầu bứt tai.
– Cái gì đây? – Cậu bé vẫn dai dẳng.

Và đến đây xảy ra một điều kỳ lạ nhất, ông Fikri bắt đầu chạy khắp phòng, vừa chạy vừa la to:
– Cái gì đây?! Cái gì đây?
Ông ta và cậu bé, hai người cứ thi nhau hỏi:
– Cái gì đây?
– Cái gì đây?
Cậu bé cho rằng bác Fikri muốn chơi trò chơi mới với nó nên cười như nắc nẻ.
– Cái gì đây? – Nó hỏi.
– Thằng ngu như bò? – Ông Fikri kêu lên. – Bây giờ đã hiểu chưa.
Rồi đến lượt ông hỏi:
– Cái gì đây?
Bất ngờ cậu bé từ nãy đến giờ không nói gì ngoài mấy chữ; ”Cái gì đây”, bỗng thốt lên:
– Thằng ngu như bò!
Cả gian phòng chết lặng. Người ta vội lôi cậu bé ra ngay khỏi phòng.
Ông Fikri thì cứ tiếp tục đi đi lại lại khắp phòng miệng lẩm bẩm:
– Cái gì đây?… Cái gì đây?
Chúng tôi cám ơn chủ nhà, chia tay nhau và ra về.
Sau này chúng tôi được biết ngài Fikri đã bị điên thực sự. Mấy tháng giời liền lúc nào miệng ông ta cũng lẩm bẩm như con vẹt: ”Cái gì đây? Cái gì đây?” Sau đó ông ta bình phục và đi sang Mỹ. Bây giờ ông ta đang giảng dạy sư phạm tại một trong các trường Tổng hợp ở đó. 
TIỆC CHIÊU ĐÃI NHÂN DỊP LẮP ĐẶT CHẢO
Người thứ nhất:

– Xin mời các vị đi lối này, lối này. Chúng tôi rất kính trong các nhà báo danh tiếng của chúng ta. V-â-â-n-g…
Người thứ hai:
– Cám ơn các vị!
Người thứ ba:
– Cám ơn! Nhưng tôi chả hiểu nhân dịp gì nhỉ?
– Còn dịp gì nữa! Hôm nay người ta lắp đặt cái chảo mới.
– À, phải rồi. Anh bảo là cái chảo? Đúng, không có chảo thì không thể làm gì được!… Chảo là một vật hết sức quan trọng.
– Xin mời các vị vào phòng căng tin. Nhân đây xin thông báo ngài tỉnh trưởng đã ban cho chúng ta vinh hạnh là sẽ đích thân đến dự. Chúng tôi đang chờ ngài từng phút một.
Người thứ tư:
– Tôi đã có gặp ngài.
Người thứ năm:
Tôi thấy khuôn mặt ngài cũng quen quen. Hình như tôi có gặp ngài ở đâu đó rồi. Khoan, khoan, có phải ngài đã dự bữa tiệc nhân dịp khánh thành cái cổng mới của lò giết mổ gia súc không?
– Rất tiếc là không, thưa ngài. Ngài thử nghĩ coi, người ta tổ chức hai bữa tiệc trong cùng một ngày làm sao mà dự kịp được? Tối hôm đó kẻ hèn mọn này chỉ kịp đến dự tiệc nhân khánh thành cái ống khói ở nhà máy kính.
– Ôi, thưa ngài, tôi lại không đến dự bữa tiệc ấy được. Nhưng nghe bạn bè kể lại, ở đó có món gà lôi rán ngon lắm. Thật tiếc là người ta không thể đến dự hai bữa tiệc cùng lúc được.
– Hượm đã… Tôi nhớ ra đã gặp ngài ở đâu rồi: đó là nhân dịp chúng ta mua chiếc tàu thủy của Nhật…
– Tất nhiên rồi… Hôm đó người ta tổ chức tiệc chiêu đãi, tôi cũng được mời đi dự. Bây giờ tôi cũng nhớ ra rồi. Tôi nhận ra ngài ngay. Ngài toàn ăn bánh rán phết kem.
– Đúng, đúng, tôi mê món bánh rán kem lắm. Trước đó tôi đã ăn quá no tại bữa tiệc nhân dịp… Nhân dịp gì nhỉ? Quên mất rồi… Vì thế tôi không thể động đến những món thịt yêu thích.
Người thứ sáu:
– Thế cái chảo này là chảo gì vậy?
Người thứ bảy:
– Thú thật tôi cũng không biết. Cái chảo, như ngài thấy đấy. Ít ra tôi cũng có cảm tưởng không phải dùng để giặt quần áo lót.
– Xin chúc ngài ngon miệng. Tôi bị đau dạ dày quá.
Tôi cũng thế. Thời gian gần đây ai cũng thấy kêu đau dạ dày. Chẳng qua đó là bệnh phổ biến. Tôi có mang theo bột sô đa đây. Nếu ngài muốn tôi có thể cho một dúm. Ngài uống ngay đi!
– Chà, ngài đúng là biết lo xa? Cám ơn? Từ lần sau tôi cũng phải mang theo bột sô đa. U-r-r-r-r…
– U-u u-u! R-r-r-r!… Ôi, món gà tây rán này cũng ngon lắm! Ngài thử một miếng đi!
– Cám ơn, nhưng tôi thích món bánh nhân thịt hơn.
Người thứ tám:
– Cái vị to béo kia là ai thế nhỉ?
Người thứ chín:
– Vị nào? Vị đang uống uytxki ấy à?
Tiec chieu dai nhan dip lap dat chao Azit Nexin
– Không, vị khác.
– Hay vị đang ăn chuối?
– Không.
– Hay vị đang ăn thịt bê nguội?

– Không, không, cái vị đang để tay sau lưng kia?
– À Tôi không biết. Nhưng đến chỗ nào tôi cũng gặp ông ta.
Người nào đó:
– Vấn đề không phải ở nghi thức long trọng. Tất cả những bữa tiệc này chỉ là cái cớ…
Người khác:
– Tất nhiên, làm sao có thể nghi ngờ được? Thề có thánh Ala, giá không có các bữa tiệc thế này chúng ta không thể gặp nhau được. Tôi nhớ hồi bé ngày nào bố tôi cũng dắt tay tôi đến một nhà thờ nào đó. Mỗi ngày chúng tôi lại đến một khu mới. Những chiếc khay đồng cứ nặng chĩu thức ăn. Không còn thiếu thứ gì? Chúng ta bây giờ cũng vậy…
– Không phải vì ăn uống, mà vì tình bạn?…
– Tất nhiên? Ngài không ăn món gan rán à?
– Tôi thích món cà tím nhồi thịt hơn. Món này nấu cũng khá lắm!
– Đây là nhà máy gì, các vị nhỉ?
– Thề có thánh Ala tôi chẳng biết gì sất. Nhưng cứ qua các máy móc hình như đây là nhà máy chế tạo cơ khí?
– Ôi, nhà máy to thật!
– Nói gì thì nói chứ, thưa các vị, văn minh tiến bộ thật… Tôi khuyên các vị nếm thử món cá sốt chua ngọt. Ngon lắm!
– Tôi không dám ăn no vì còn phải để dành bụng. Sau, đây tôi còn phải dự bữa tiệc khác nhân dịp…
– Đến lúc ấy thì thức ăn cũng tiêu bớt rồi. Ngài nói là tiệc chiêu đãi à? Có lẽ tôi cũng đi.
– Tốt quá… Thế ta đi cùng nhé!
– Đáng tiếc là thân người không xẻ làm ba được. Nên nhiều khi ta bỏ lỡ các bữa tiệc…
– Đúng là tiếc thật! Cách đây không lâu báo chí đưa tin người Mĩ chuẩn bị tặng chúng ta một thiết bị nguyên tử. Có thể đó sẽ là nhà máy nguyên tử mới của chúng ta?
– Mọi người đều nói về cái chảo nào đó.

– Phải thắng, phải chiến thắng, các vị ạ! Phải làm việc và chiến thắng?
Người nào đó:
– Thế có cắt băng khánh thành không nhỉ?
Lại người nào đó:
– Người ta còn chờ Ngài tỉnh trưởng.
– Thế ai là chủ nhà máy này, hở các vị?
– Hình như là một người Mĩ…
– Tôi không cho như vậy. Người Mĩ họ không tổ chức các bữa tiệc như thế này. Tôi chắc đây là nhà máy của ta. Chỉ có điều không biết của ai – của nhóm tư bản độc quyền hay của Cục quản lý nước?
– Làm gì có chuyện! Lẽ nào nước lại được làm ở nhà máy? Nhưng thật tình tôi cũng muốn biết chúng ta đang ở đâu vậy nhỉ?
– Theo tôi, đây là nhà máy sản xuất chảo.
– Thế thì nó phải thuộc về tập đoàn tư bản độc quyền rồi. Chắc ở đây họ sản xuất chảo để sản xuất rượu vôtca Anis. Cái ông kia ở bữa tiệc nào tôi cũng gặp.
– Thế ai ngồi trên hàng ghế danh dự vậy?
– Các nghị sĩ. Họ cũng được mời. Thế anh có đi dự tiệc nhân dịp khánh thành… cái kia không? Tên nó là gì ấy nhỉ?
– Không đi e không tiện. Quả hạnh nhân này không được tươi lắm. Ngài có để ý không?
Một người:
– Đất nước muốn phồn vinh không thể không xây các nhà máy.
Một người nữa:
– Chà, giá mỗi ngày người ta lại khánh thành một nhà máy mới nhỉ… Cá hồi ngon quá!…
– Tối hôm qua ngài có ăn món cá hồi ở bữa tiệc nhân dịp khánh thành… nhà máy ấy… không?… Con ai đây nhỉ? Con ngài đấy à? Cầu thánh Ala phù hộ cháu.
– Và cho tất cả chúng ta!
– Cháu thích món gì cứ lấy đi! Táo, hay cam nhé? Hay bánh ga tô? Cháu ăn đi.
– Suỵt! Ông ta đến.
– Ai cơ?
– Không biết. Có lẽ giám đốc nhà máy. Mà có khi là ông Bộ trưởng cũng nên.
– Hình như là Tổng giám đốc. Tôi có câu hỏi muốn hỏi ngài. Chúng ta biết nhau đã lâu, bữa tiệc nào cũng gặp nhau. Xin lỗi vì tính tò mò, thế chẳng hay quý ngài đang làm việc ở đâu ạ?
– Kẻ hèn tôi ấy à?… Ê… Chú ý… Ngài gì sắp đọc diễn văn nhân dịp lắp đặt chảo…
Diễn giả:

– Kính thưa quý vị! Tôi chân thành chào mừng tất cả các quý vị có mặt hôm nay (có tiếng dao, dĩa kêu lanh canh) để dự lễ lắp đặt chiếc chảo thứ tư tại nhà máy điện của chúng ta. Chúng ta đã tự mình lắp đặt cái chảo này mà không cần sự giúp đỡ của người Mĩ. Tinh thần quyết tâm, nghị lực, nhiệt tình của chúng ta, mà nhờ đó chúng ta đã thắng đội tuyển Hungari với tỉ số ba – một, đã được thể hiện cả ở đây. Khi lắp đặt chiếc chảo này trên miệng lò chúng ta đã không cần sự giúp đỡ nào của nước ngoài, nếu không kể đến bà chuyên gia Mĩ, hai kỹ sư Mĩ và bốn thợ cả Mĩ. Như các vị đã thấy, cái chảo đã được đặt trên miệng lò bằng những phương tiện kĩ thuật trong nước. Tôi cần phải nói rằng, khi cái chảo đã được lắp xong, và chúng ta đang cố tìm ra nguyên nhân vì sao nước không sôi, thì phát hiện ra rằng cái chảo nằm cách miệng lò khoảng sáu mét. Bởi cái chảo rất nặng, nên các chuyên gia cho rằng cách tiết kiệm hơn là cho xây một cái lò mới để khớp với đít chảo. Cái chảo của chúng ta là cái lớn nhất không chỉ ở Cận Đông, mà ở cả vùng Ban Căng. Thêm vào tất cả những cái đó là nó được làm bằng đồng mạ thiếc. Người ta chỉ phát hiện được có hai lỗ thủng ở hai chỗ. Chúng ta đã tự mình khắc phục được hai lỗ thủng đó bằng các phương tiện tự có như xơ gai, bông và nhựa đường. Lần này chúng ta không cần đến sự hỗ trợ của các chuyên gia Mĩ. Những tia nước rò rỉ từ các chỗ vá không đủ sức làm tắt lò. Như các vị đã biết, hiện nay toàn thành phố đang thiếu nước vì hồ Teckôt đã bị cạn, nếu không chúng tôi có thể cho thử nghiệm ngay trước mặt quý vị. Cái chảo này thoạt tiên người ta đào lên trong cuộc khởi nghĩa của Muxtapha. Sau đó nó rơi vào biệt thự của ngài Khalin và một thời gian dài được dùng để nấu kẹo mạch nha. Sau đó trong nhiều năm nó thực hiện sứ mệnh là chảo hơi nước trên một cái tàu thủy. Cái chảo có chín tay cầm, chúng ta đã sáng chế ra cái thứ mười và lắp đặt nó tại nhà máy điện này. Cái chảo này vốn…
Có người nói:
– Giải thích về cái chảo dài dòng quá. Tôi phải đi đây…
Có người nữa bảo:
– Tôi cũng phải đi. Ngày mai chúng ta lại gặp nhau tại bữa tiệc nhân dịp… Ê-ê-ê…

– Tuyệt lắm. Tạm biệt.
– Hẹn ngày mai
Diễn giả:
– Cái chảo này…
NHÀ HÙNG BIỆN
Ông khách ngồi bên cửa sổ toa tàu đưa ngón tay chỉ vào cái hình dáng lờ mờ của ống khói nhà máy ở mãi tít đường chân trời, trong màn sương xanh bao phủ cả một vùng bình nguyên rộng lớn. Nhìn từ xa không phải ai cũng đoán ra đó là ống khói nhà máy – trông nó giống như hình cái bút chì dựng ngược.
-Tôi đã đọc diễn văn tại lễ khánh thành cái nhà máy này đấy, – ông ta nói.
Một hành khách ngồi cùng toa hỏi:
– Đấy là nhà máy à?
– Phải.
– Nhà máy gì?
– Thú thật, tôi cũng không biết.
– Ông đọc diễn văn tại lễ khánh thành mà lại không biết nó là nhà máy gì?
– Có thể ông ấy quên mất rồi, – một hành khách khác chen vào.
– Tôi hoàn toàn không quên. Ngay hồi đó tôi đã không biết nó là nhà máy gì.
– Thôi được, thế nó có hoạt động không?
– Hiện nay thì có thể. Nhưng vào cái ngày khánh thành, khi tôi đọc diễn văn, thì nó không hoạt động. Người ta không sao cho nó khởi động được.
– Ông là giám đốc của nhà máy đó à? – Vị khách thứ hai hỏi.
– Kh-ô-ông, tôi không có liên quan gì với cái nhà máy ấy cả?
– Thế chắc ông được mời tới dự lễ khánh thành như một quan chức nhà nước?
– Cũng không phải, bác ạ, tôi không là ai cả.
– Kì lạ! Nếu thế tại sao ông lại đọc diễn văn tại lễ khánh thành cái nhà máy mà ông không có liên quan gì?
– Hoàn toàn chỉ là tình cờ thôi. Từ bé tôi đã có cái lưỡi rất dẻo. Và nói không phải khoe khoang, chứ tôi rất có tài hùng biện. Trong khung cảnh bình thường tôi nói năng cũng không phải trôi chảy lắm. Nhưng cứ hễ đứng trước đám đông là y như rằng một nhà hùng biện lại thức dạy trong con người tôi. Các vị cũng biết đấy, tài năng là do trời phú. Một khi tôi đã ra trước đám đông và bắt đầu nói thì không ai có thể dừng tôi lại được nữa. Tự nhiên một dòng ý nghĩ sáng sủa kì lạ chợt đến với tôi, tôi có thể nói hàng giờ liền không vấp. Hùng biện – đó là một năng khiếu tự nhiên hiếm có. Các vị hỏi nghệ thuật hùng biện là gì ấy à? Đó là nghệ thuật biết mở mồm ra rồi nói, nói và nói liên tục không nghỉ, không vấp, nói một cách lưu loát, trôi chảy như bôi mỡ. Nói gì ấy à?… Nói gì cũng được. Thậm chí nếu phần cuối không ăn nhập với phần đầu cũng chẳng sao. Cái chính là phải nói. Nếu anh bắt đầu nói và nhận ra chủ ngữ không phù hợp với vị ngữ, cò vị ngữ không phù hợp với bổ ngữ, thì hãy nhớ là đừng có lúng túng; đừng có bao giờ quay lạ, mà cứ kéo dài câu nói ra, trải ra càng nhiều từ càng tố, cho đến khi thính giả hoàn toàn bị rối tinh trong các mớ danh từ, động từ và các loại từ khác. Phần thưởng cho anh sẽ là một tràng vỗ tay, mọi người sẽ phải thố lên: “Chà, nói thế mới là nói chứ!”

Các vị có biết không, tôi từng đọc những bài diễn văn mà sau khi nghe xong mọi người phải đổ xô đến gặp tôi ôm hôn, chúc mừng. Tôi tự hỏi mình: “Này, mi vừa nói gì thế?” Lạ một cái là chính tôi cũng không biết mình vừa nói gì. Vả lại, cũng chẳng ai đoán ra được – cả tôi lẫn các thính giả của tôi. Cái hay của bài diễn văn được xác định bằng cách như thế này. Người ta hỏi diễn giả “Ngài vừa nói gì vậy?”, còn hỏi thính giả “Các vị vừa nghe gì vậy?”: nếu người đầu tiên trả lời anh ta không biết vùa nói gì, còn người thứ hai bảo họ không biết vừa nghe gì, song khẳng định bài phát biểu khiến họ xúc động, – thì hãy coi như đó là bài diễn văn xuất sắc.
Hồi còn đi học tôi là một đứa học trò lười không để đâu cho hết. Đặc biệt với môn toán tôi dốt đặc. Ấy vậy nhưng chưa bị đúp bao giờ. Và tốt cả chỉ nhờ cái tài ăn nói của tôi.
Dịp cuối năm, ở buổi học cuối cùng, tôi đứng lên và thưa với thầy giáo:
– “ Thưa thầy, nếu thầy cho phép, em xin được thay mặt cả lớp thưa với thầy mấy câu…”
“Em có chuyện gì? – thầy giáo hỏi mà không ngờ rằng thầy đã ở trong tay tôi. – Em nói đi!”
Tôi lập tức mở máy:
“Kính thưa thầy, được thầy cho phép, em xin cố gắng bày tỏ tình cảm của chúng em nhân dịp kết thúc năm học…”
Không để cho thầy giáo kịp định thần, tôi tiếp tục:
“Thưa thầy, trong suốt năm học vừa qua thầy như người cầm ngọn đèn pha dẫn dắt chúng em đi theo những con đường khoa học sáng lạn… thầy dẫn dắt chúng em tới những chân trời tươi sáng…”
Và cứ như thế tôi tuôn ra tốt cả những ý nghĩ gì chợt đến trong đầu. Cái chính là không được ấp úng. Phải nói liên tục không vấp váp, không cho người nghe có thời gian suy nghĩ: “Quái, anh ta nói về cái gì vậy nhỉ?”
Thầy giáo lúc đầu hơi bối rối, sau đó đăm chiêu suy nghĩ, sau đó nét mặt trở nên buồn bã, và cuối cùng trên khóe mắt đã thấy ươn ướt nước mắt, tay run run, và mũi bắt đầu xụt xịt. Còn tôi thì tiếp tục cho một tràng nữa. Và bài diễn thuyết của tôi mới cảm động làm sao! Những từ tôi nói ra mới đẹp đẽ làm sao? Đến đá cũng phải chảy nước mắt! Thầy giáo thì cứ chốc chốc phải lấy khăn lau mũi, nước mắt cứ chảy ràn trên má! Tôi cứ nói, còn thầy cứ ngồi khóc. Thỉnh thoảng tôi liếc nhìn khuôn mặt thầy. Tôi thấy thầy sắp ngất đến nơi – bấy giờ tôi mới thôi. Bây giờ đến lượt thầy muốn nói với chúng tôi vài lời. Nhưng thầy lúng túng mãi không nói được. Tay cứ mân mê chiếc khăn, miệng thở khó nhọc, thầy thốt ra qua tiếng nấc nghẹn:
“Các em của thầy… thầy xúc động quá… nên không đủ sức diễn đạt những tình cảm của mình…”
Chỉ nói được mấy câu đó thầy chạy ngay ra khỏi lớp. Chúng tôi cười ầm theo.
Trường tôi có một thầy dạy Hóa tên là Nizam, nổi tiếng trong nhiều trường. Câu nói ưa thích của thầy là: “Chúa được điểm “năm”, tôi được điểm “bốn”, còn học sinh thông minh nhất cũng chỉ được “ba”!”

Nhưng ăn được điểm “ba” của thầy cũng rất khó khăn. Một buổi vào dịp cuối năm tôi đọc tại lớp một bài diễn văn lâm li đến nỗi thầy Nizam suýt nữa bị ngất vì cơn đau tim. Các học sinh phải xốc nách thầy đưa ra khỏi lớp dìu đến phòng giáo viên.
Bác sĩ đến hỏi:
– Ông làm sao thế, ông Nizam?
Những tiếng nghẹn ngào làm thầy không nói được. Các giáo viên khác đoán ra ngay nguyên nhân tốt cả là do bài diễn văn của tôi.
Vì thế tôi là học sinh duy nhất được thầy Nizam cho điểm cao nhất. Khi tôi bước vào phòng thi, giáo viên coi thi òa lên khóc ngay.
“Thôi, thôi, dẫn cậu ta đi ngay cho!”. Giáo viên đó ra lệnh và cho tôi luôn điểm “năm”.
Từ đó đến nay đã nhiều năm trôi qua. Thầy Nizam đã về hưu. Nhưng cứ khi gặp tôi ở đâu là thầy lại òa nên khóc, từ xa nhìn thấy tôi là thầy đã rơm rớm nước mắt.
Không nên sợ những giáo viên có nét mặt dữ tợn. Đôi khi ông thầy có vẻ ngoài nghiêm khắc hóa ra lại là người có trái tim đa cảm.
Vậy là nhờ cái khả năng ăn nói hùng biện mà tôi đã tốt nghiệp trường phổ thông.
Sau khi trở thành viên chức nhà nước, tôi về tỉnh làm việc. Tôi đã đi khắp vùng Suatôlia. Thú thực, tôi hoàn toàn không làm việc, mặc dù tôi luôn được cấp trên cho những nhận xét rất tốt. Người ta thăng tiến cho tôi một lúc hai chức. Nguyên nhân cũng lại nhờ tài ăn nói của tôi.
Một tuần thế nào chúng tôi cũng phải họp nhau một hai lần: lúc thì sếp cũ của chúng tôi ra đi, – chúng tôi mở tiệc tiễn, lúc thì sếp mới đến – chúng tôi mở tiệc ăn mừng. Hiếm có tuần nào là không có tiệc tùng.
Sếp mới đến – chúng tôi ngồi vào bàn tiệc. Các đồng nghiệp đưa mắt nhìn tôi. Tôi nâng cốc và đọc diễn văn chào mừng. Toàn bộ công việc của tôi chỉ có vậy. Tôi còn phải đọc diễn văn chia tay khi sếp cũ ra đi:
“Kính thưa các bạn! Hôm nay là ngày đau buồn nhất trong đời chúng ta, vì thủ trưởng kính mến của chúng ta rời bỏ chúng ta…”
Tôi làm cho bao nhiêu vị khách dự tiệc phải rơm nước mắt. Nếu bữa tiệc tổ chức tại khách sạn, thì đến cả các đầu bếp và người phục vụ cũng phải nhỏ lệ.
Đấy, toàn bộ cuộc đời tôi đã trôi qua như vậy đấy. Cách đây bốn năm, được nghỉ phép một tháng, tôi quyết định đi Stambul chơi. Tôi lên xe buýt và lên đường. Trên xe buýt tôi gặp người bạn thời thơ ấu của tôi là Khami. Chúng tôi ôm hôn nhau như những người bạn lâu năm không gặp. Rồi chúng tôi ngồi nhớ lại chuyện ngày xưa tôi đã dùng tài hùng biện của mình bắt các thầy giáo, rồi sau đó cả ban giám hiệu phải khóc như thế nào.
Khami bắt đầu thuyết phục tôi:
– Tôi van anh, anh hãy ở lại chỗ chúng tôi một ngày đi? Ngày mai chúng tôi cho khánh thành nhà máy mới, sẽ có Lễ khai trương”.
“Được rồi”, – tôi đồng ý.
Chúng tôi xuống xe ở một thị trấn. Tôi ngủ lại ở nhà Khami. Sáng hôm sau chúng tôi đến nhà máy. Công việc chuẩn bị cho lễ khánh thành hết sức nhộn nhịp. Một sự huyên náo không thể tưởng tượng nổi!… Khoảng sân trước mặt nhà máy trông như cái chợ gia súc.
“Ở đây làm gì mà có nhiều gia súc thế?” – Tôi ngạc nhiên.
“Vật hiến tế đấy!” – Khami giải thích.

Những con cừu với sừng mạ vàng được tắm rửa sạch sẽ và nhuộm phẩm hoàng điều đứng thành một dãy. Những con trâu, con bò, con lạc đà cũng đang chờ đến giờ hành hình. Người ta phải giết những con súc vật này đúng vào phút cho nhà máy khởi đông ngay trước mắt chúng tôi. Người ta căng ra sợi băng lụa và chuẩn bị những cái kéo… Người ta bày sẵn các bàn tiệc. Tóm lại… mọi việc đều trôi chảy. Từ sáng sớm từng đám dân các vùng lân cận đã ùn ùn kéo đến nhà máy. Cả một vùng bình nguyên rộng lớn biến thành cái biển người. Đến tầm trưa thì một dòng xe con, xe buýt nối đuôi nhau tiến vào. Giờ phút mong đợi đã đến. Khami bước lên bục diễn đàn. Anh ta là một người hoàn toàn không có chút tài ăn nói nào, nói một hai câu cũng không xong. Sau khi ấp úng nói cái gì không rõ, Khami tuyên bố:
“Bây giờ xin kính mời ngài Omer với bàn tay may mắn của mình sẽ ấn nút cho khởi động nhà máy của chúng ta!”
Theo sắp xếp, người vừa được gọi tên phải ấn vào một cái nút đặc biệt, tức là ra hiệu cho nhà máy khởi động; sau đó nhà máy sẽ chạy trước sự chứng kiến của quan khách. Người ta dẫn viên đại thần tới chỗ cái nút, ông ta ấn vào đó một cái, rồi ấn cái thứ hai, cái thứ ba. Những con vật hiến tế bị kéo nằm xuống đất và người ta kề dao vào cổ chúng.
Khami nghĩ rằng viên đại thần không biết cách ấn nút, nên đã tự mình ấn lại.
Trong đám đông bắt đầu có tiếng xì xào, bàn tán. Trên nét mặt mọi người lộ vẻ ngơ ngác. Lạy thánh ALa!…
Bỗng Khami chạy đến chỗ tôi. Mặt anh ta cắt không còn giọt máu.
“Lạy chúa, hãy giúp chúng tôi với, – Anh ta nói thầm với tôi. – Tôi van anh, xin anh cứu giúp. Chỉ mình anh có thể cứu tôi.”
“Bạn thân mến, sao lại là tôi? Tôi làm được gì? Nhà máy không phải lĩnh vực của tôi. Gì chứ về kỹ thuật tôi mù tịt.”
“Ôi người anh em, tôi chết mất! Bao nhiêu hi vọng tôi trông vào anh đấy. Hãy cứu tôi đi!”
“Cứu anh bằng cách nào, Khami?”
“Anh hãy lên diễn đàn và đọc một bài diễn văn! Chúng tôi đã chuẩn bị xong hết cho việc khởi động máy. Chỉ quên mỗi lắp dây cuaroa vào cái bánh đà. Trong khi chúng tôi cho lắp dây, anh hãy cố nói độ mươi phút. Tôi van anh, anh hãy lên nói đi, cốt sao đánh lạc hướng chú ý của quan khách”.
Và biết làm sao được? Chả lẽ bạn bè lại không giúp? Thế là tôi bước lên diễn đàn.
“Kính thưa các vị khách!…” – Tôi nói.

Tôi cứ bắt đầu, mặc dù hoàn toàn chưa biết cái nhà máy này là nhà máy gì. Tối qua Khami có giải thích cho tôi về nhà máy, nhưng vì đi đường mệt quá, chỉ muốn ngủ, nên tôi bỏ ngoài tai những lời anh ta kể. Tôi vừa nói vừa đưa mắt quan sát nhà máy xem nó là nhà máy gì? Tôi cố hết sức quan sát nhưng không hiểu gì cả, cứ như lạc vào khu rừng tối. Giá như tôi biết đây là nhà máy sản xuất ô tô, hay nhà máy sản xuất đồ gỗ thì tôi có thể nói cả ngày. Tôi đưa mắt tìm Khami – anh ta lặn mất tăm. Thật muốn điên lên được! Các vị cứ thử tưởng tượng xem, tôi đã trót bắt đầu mất rồi!…
Tôi kéo dài thời gian:
“Kính thưa các vị đại biểu. Kính thưa các vị khách quý! Khi nói với tốt cả quý vị… “nhiệt liệt chào mừng”, chúng tôi, hay nói chính xác hơn, tốt cả chúng tôi… cảm thấy niềm hãnh điện không sao tả nổi, bởi vì… các vị đã rủ lòng ban cho chúng tôi niềm vinh hạnh lớn lao bằng sự có mặt của quý vị… Chúng tôi không có đủ từ để diễn đạt hết lòng biết ơn của chúng tôi… nhà máy đi vào hoạt động… Nhưng thôi, chúng tôi không muốn nói trước… Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh rằng, nhà máy này là nhà máy đầu tiên ở nước ta…”
Vừa rót nước từ trong bình vào cốc tôi vừa quay lại nói với người đang đứng sau lưng tôi:
“Hãy bảo với Khami cho lắp cái thắt lưng hay cái dây đai gì đó thật nhanh lên!”
“Cuaroa đã lắp rồi, – người này đáp, – nhưng vẫn không được? Người ta quên lắp vòng bi vào trục. Bây giờ mọi người đang chạy đi tìm vòng bi”.
Tôi bắt đầu giải thích cho đám đông, từ “nhà máy” nghĩa là gì và từ đâu nó xâm nhập vào kho từ vựng của chúng ta.
Một vị hành khách cùng toa hỏi:
– Thế ông biết nguồn gốc à?
– Nào tôi có biết! Tôi không hề biết gì hết. Thế các vị cho rằng trong đám quan khách ấy có người biết được những chuyện hóc búa ấy sao? Thế là tôi bắt đầu đi vào lĩnh vực ngôn ngữ học, tôi giải thích “nhà máy” – đó là từ gốc latinh, sau đó tôi kể lịch sử xuất hiện và phát triển của nhà máy, không quên nhắc đến chuyện nhà máy đầu tiên được xây dựng ở đâu. Bỗng trong đám đông thấp thoáng khuôn mặt quen thuộc: hình như là Khami. Phải, đúng là anh ta! Anh ta ra hiệu cho tôi, ý bảo: “Tôi van anh, anh cứ nói tiếp nữa đi!”
“Thưa các vị khách quý! – Tôi tiếp tục. – Lát nữa đây nhà máy sẽ khởi động, và quý vị sẽ được thấy nó hoàn toàn không giống như bao nhiêu nhà máy khác. Trên thế giới này không có nhà máy nào sánh được với nó, bởi vì nó là một nhà máy công nghiệp hiện đại và độc đáo nhất…”

Tôi liếc nhìn đồng hồ. Trời ơi, chả lẽ tôi mới nói được có năm phút? Tôi lại với tay lấy bình nước và quay sang nói nhỏ với người đứng sau lưng:
“Thế nào?… Người ta chưa tìm thấy vòng bi à?”
“Vòng bi tìm thấy rồi, nhưng vẫn chưa chạy được. Ngài Khami chuyển lời chào ngài và nhờ ngài cứ kéo dài bài diễn văn. Người ta quên lắp cái chảo nhỏ. Bây giờ người ta đang lắp”.
Tôi lại nói thêm gần nửa tiếng nữa.
“Nhu cầu số một của mỗi quốc gia là gì? Xin các vị trả lời hộ tôi – là gì? – Tôi đưa mắt nhìn khắp đám đông. – Tốt nhiên ai cũng biết – đó là các nhà máy? Chúng là thứ cần nhất cho đất nước. Tại sao vậy? Bởi vì nhà máy nào cũng đều có chảo, có trục chuyển động, có ống khói, có động cơ, mô tơ, có giám đốc, có cán bộ, có công nhân, có người bảo vệ, có quầy thực phẩm, có các ống dẫn nước. Nếu nhà máy nào thiếu một trong những thứ kể trên thì nó không bao giờ – các vị nhớ cho, không bao giờ – có thể chạy được! Khi nói với quý vị cái chân lý đương nhiên này, chúng tôi muốn một lần nữa được nói với tốt cả các quý vị: “nhiệt liệt chào mừng!”.
Kính thưa các vị đại biểu, thưa các vị khách quý! Bây giờ tôi xin phép quý vị được kể về một vài đặc điểm của nhà máy. Trước hết, nhà máy là cái gì? Nhà máy – đó là nhà máy. Không hiểu được cái từ này, sẽ không bao giờ, – xin quý vị nhớ cho, không bao giờ – có thể tiến hành khai thác nó được. Và…”
Đúng lúc đó có một mẩu giấy xuất hiện trước mặt tôi. Tôi liếc đọc nó. Đó là lời nhắn của Khami:
“Tôi van anh, người anh em, – anh ta viết. – Hãy kéo dài diễn văn thêm ít phút nữa? Cái ống khói nhà máy đáng lẽ phải lắp ở trên nóc lò, do sơ xuất chúng tôi lại lắp vào cửa sổ phòng giám đốc. Bây giờ chúng tôi đang phải lắp ống khói mới. Anh hãy cố nói thêm một lúc nữa, không có tôi đi đời mất!”
Tôi quay lại phía đám đông.
“Có một bức điện vừa gửi đến, – tôi nói. – Các quốc gia bè bạn lân cận gửi lời chúc mừng chúng ta nhân dịp khánh thành nhà máy và đã đặt hàng do nhà máy này sản xuất.”
Bình nước lọc đã cạn. Mặt trời đã xế. Bóng nắng đã ngả dần trên đất. Còn tôi thì vẫn cứ tiếp tục nói. Bỗng tôi được biết nhà máy đã hoàn toàn sửa xong, nhưng lại thiếu mất thợ cơ khí, người có thể cho nó vận hành. Người ta quên thuê anh này.
“Lạy chúa, xin anh nói thêm lúc nữa đi. Chúng tôi đang cho người đi tìm thợ cơ khí!”. – Người đứng sau lưng tôi khẽ bảo.
Tôi nắm vai anh ta đẩy anh ta đến gần micrô.
“Kính thưa quý vị? – Tôi nói – Và bây giờ một chuyên gia của chúng tôi sẽ giới thiệu tóm tắt với quý vị về nhà máy này!”
Tôi rời khỏi bục và đi ngay ra thị trấn. Tôi lên xe buýt và chuồn thẳng.
Đến bây giờ tôi vẫn không biết cái nhà máy ấy có hoạt động hay không. Từ hôm đó tôi cũng không gặp lại Khami.
Tôi chỉ nghe nói năm ngoái anh ta có dẫn đầu một đoàn đại biểu nào đó đi thăm châu Âu.
HỘI NGHỊ CÁC NHÀ PHẪU THUẬT

Hội nghị các nhà phẫu thuật lần này họp ở thành phố Liubơlitxơ. Nghe đâu đấy là một hội nghị có tầm quan trọng đặc biệt. Hội nghị lần thứ mười này đã thu hút sự chú ý của các nhà phẫu thuật lừng danh nhất thế giới, và có số người tham dự đông chưa từng có. Phóng viên từ khắp các nước đua nhau kéo về dự hội nghị, mặc dù đây chưa phải là một sự kiện có sức hấp dẫn đặc biệt như mặt trận đá bóng hay một cuộc họp báo có các cô đào điện ảnh tóc đen, tóc vàng lên khoe các kiểu quần áo lót. Các nhà phẫu thuật nổi tiếng nhất từ hai mươi ba nước đã đến báo cáo tại hội nghị, trong số đó có cả những bậc danh y có thể tháo lắp các bộ phận của cơ thể người dễ như ta tháo lắp một cái đồng hồ hay một khẩu súng trường tự động vậy! Vì thế các báo chí, sau khi đưa tin về những mẫu quần áo tắm mới nhất và về những vụ giết người rùng rợn, thấy cũng cần phải nói vài dòng về hội nghị các nhà phẫu thuật.
Ngày thứ nhất của hội nghị dành cho lễ khai mạc. Ngày hôm sau toàn thể hội nghị nghe báo cáo. Ngày thứ ba thì bắt đầu tranh luận về các báo cáo. Nhà phẫu thuật nổi tiếng của Mỹ, bác sĩ Cladêman, bước lên diễn đàn cùng với người trợ tá. Các phóng viên báo chí và vô tuyến truyền hình hấp tấp giở sổ tay và bút máy. Các quan khách ngồi kín phòng họp thì đeo ống nghe vào tai để chuẩn bị nghe. Cố nhiên là mỗi người chọn lấy một trong bốn thứ tiếng mà mình nghe thông thạo nhất.
– Kính thưa các bạn đồng nghiệp – Bác sĩ Cladêman bắt đầu nói. – Tôi xin trình bày với các bạn hiện có mặt tại hội nghị thứ mười này về cuộc phẫu thuật lý thú nhất trong cuộc đời 35 năm làm nghề mổ xẻ của tôi. Như các bạn đã biết, cho đến nay, chưa một nhà phẫu thuật nào có thể làm được cái việc thay vân tay trên đầu các ngón tay. Lịch sử y học chưa từng biết đến một trường hợp nào và sách báo cũng chưa từng nói đến một thí nghiệm nào như thế. Người ta chỉ biết rằng, dù lớp da tay có bị thay bao nhiêu lần chăng nữa, thì lớp da mới bao giờ cũng có hoa vân giống hệt lớp da trước. Chính vì thế mà cảnh sát có thể dễ dàng phát hiện ra những tay găngxtơ chuyên nghề nậy tủ sắt và những thủ phạm giết người.
Trong lần phẫu thuật gần đây, tôi đã thí nghiệm thành công việc thay đổi vân tay trên đầu các ngón tay. Trước mắt các bạn đây là ngài Tômatxơ, một kỹ nghệ gia nổi tiếng của Mỹ mệnh danh là “Vua thụ tinh nhân tạo”. Ngài còn có biệt hiệu là “Giếch đấm vỡ quai hàm”. Với biệt hiệu này, ngài đã được Cục điều tra liên bang ghi tên vào sổ đen. Suốt mười năm trời cảnh sát ra công truy nã nhà khoét tủ sắt lão luyện này, nhưng đều vô hiệu. Sở dĩ như vậy là vì, sau mỗi chuyến đi hành nghề về, tôi lại làm phẫu thuật thay vân tay cho ngài Tômatxơ, tức “Giếch đấm vỡ quai hàm”. Tôi xin cam đoan với các bạn rằng, phẫu thuật thay vân tay không phải là công việc phức tạp nhất mà còn là công việc kiếm bẫm nhất, vì cứ mỗi lần như vậy tôi lại được nhà bẻ khóa chia cho hẳn một nửa số của lấy được.
Bây giờ, tôi xin chiếu cho các bạn xem một đoạn phim giới thiệu lại kỹ thuật của công việc mổ xẻ này.
Tất cả các nhà phẫu thuật có mặt trong phòng đều nhất trí công nhận ông bạn đồng nghiệp Mỹ của họ quả là chuyên gia tài ba nhất trong lĩnh vực mổ xẻ. Nhưng bản báo cáo tiếp theo của nhà phẫu thuật Anh đã khiến họ phải thay đổi ý kiến. Ngài B. Lainânxơ bước lên bục cùng với một ngươi nữa.

– Kính thưa các đồng nghiệp? Tôi xin kể cho các bạn nghe một phẫu thuật vốn được coi là phức tạp nhất và đáng chú ý nhất trong lịch sử y học thế giới. Người mà các bạn thấy đang đứng cạnh tôi đây là hạ sĩ Mêchiu. Trong thời gian chiến tranh thế giới thứ hai, một mình ông đã hạ sát được 26 kẻ thù. Nhưng chẳng may một mảnh lựu đạn của quân địch đã cứa đứt đầu ông. Tôi đã chế thành công một thứ keo dán đặc biệt và đã gắn được chiếc đầu vỡ ấy lại cho ông, trông còn đẹp hơn cũ. Bây giờ thì có bom nguyên tử cũng không thể làm chiếc đầu này rời ra được nữa. Và đây, tôi xin trình bày với các bạn bí quyết pha chế thứ keo này…
Nỗi kinh ngạc của những người dự hội nghị thật không sao tả xiết. Ai cũng tin rằng không còn được nghe bản báo cáo nào thú vị hơn thế nữa. Nhưng diễn giả tiếp theo – một nhà bác học Pháp – đã bắt họ phải thay đổi ý kiến. Ông này bước lên diễn đàn với một trang giai nhân tuyệt sắc tóc vàng, mặc quần áo tắm. Trông thấy cô ta, các vị khách có tuổi đang ngồi trên ghế bỗng đều cựa mình nhấp nhổm.
– Thưa các bạn đồng nghiệp kính mến – Nhà bác học Pháp bắt đầu – Tôi muốn kể cho các bạn nghe về một phẫu thuật chỉnh hình có một không hai. Tôi hi vọng các bạn sẽ đánh giá đúng công trình sáng tạo của tôi, nếu tôi tiết lộ cho các bạn biết rằng, người con gái xinh đẹp tóc vàng mà vừa trông thấy các bạn đã phải trầm trồ xuýt xoa này, chính là bà mẹ vợ tôi năm nay đã 65 tuổi.
Sau đó diễn giả cho biết thêm một vài chỉ tiết: sở dĩ ông làm phẫu thuật ấy chẳng qua là muốn trả thù người vợ phụ bạc. Sau khi biến bà mẹ vợ thành một người đàn bà trẻ đẹp ông lại tìm cách bắt nhân tình với bà ta. Cuối cùng, diễn giả trình bày cơ sở khoa học của phát minh kỳ diệu này.
Các diễn giả khác tiếp tục lên báo cáo. Người nào cũng có phát minh phi thường. Chẳng hạn nhà phẫu thuật Đức tuyên bố:
– Con người khi chết không có nghĩ là tất cả các bộ phận đều ngừng hoạt động… Ở người chết vì bệnh nhồi máu chẳng hạn, tim tất nhiên không làm việc được nữa, nhưng ở các cơ quan khác vẫn hoạt động như thường. Còn ở người chết vì bệnh lao thì chỉ có phổi là ngừng hoạt động thôi. Vì thế theo tôi, khi tim hay phổi ngừng hoạt động, thì vẫn chưa thể coi là con người đã chết. Tôi đã lấy những bộ phận còn tốt của người chết để tạo ra những người mới. Trước mắt các bạn – nói đến đây nhà phẫu thuật Đức chỉ vào một thanh niên có vóc người cường tráng trông như thần Apôlông – là một người mà chân vốn là của nhà lực sĩ chết vì bệnh viêm ruột thừa, thân là của nhà đô vật chết vì chứng hoại thư còn đầu là của một bệnh nhân lao.
Các đại biểu hội nghị cho rằng nếu hôm sau nhà bác học Nhật không đưa ra được một phát minh gì mới lạ hơn nữa, thì phẫu thuật của bác sĩ Guynte người Đức lấy các bộ phận sống của người chết để tạo ra người mới quả thực phải coi là phát minh kỳ diệu nhất trong tất cả các phát minh đã báo cáo tại hội nghị.
Nhưng bản báo cáo của nhà phẫu thuật Nhật Himisiama đã làm cho cử tọa hết sức kinh hoàng. Chỉ vào một người đứng bên cạnh, nhà phẫu thuật nói:
– Đây là một người Nhật, do bị tật cà nhắc nên trong thời gian chiến tranh thế giới thứ hai không được gọi vào lính. Không chịu nổi vết nhục tinh thần như vậy nên ông đã mổ bụng tự sát, moi hết ruột gan ra, rồi chém thành từng khúc…
Ngày cuối cùng của hội nghị đã đến. Các báo cáo viên – người nọ muốn tỏ ra mình giỏi hơn người kia, người sau kể những chuyện ly kỳ hơn người trước. Tất cả mọi người có mặt ở hội nghị đều đã lên phát biểu. Riêng có một vị bác sĩ suốt từ đầu đến cuối vẫn chỉ ngồi im nghe các đồng nghiệp của mình, không nói qua một lời nào. Vị chủ tọa quay sang hỏi ông ta:
– Thưa ngài, chả lẽ ngài không có phẫu thuật gì kể cho hội nghị nghe hay sao ạ?
– Có chứ! Nhưng không biết cái phẫu thuật của tôi có đáng để các vị chú ý hay không?
Có nhiều tiếng nói từ trong phòng:
– Có! Có! Chúng tôi muốn nghe ông phát biểu.
– Ai đến dự hội nghị đều phải báo cáo hết!
Thấy mọi người khẩn khoản yêu cầu. Vị bác sĩ bèn bước lên diễn đàn.
– Thôi được, – ông ta nói. – Nếu các vị muốn, tôi xin kể cho các vị nghe về phẫu thuật cắt amiđan của tôi.
Cả phòng cười rộ lên: sau những phát minh “động trời” như thế mà còn dám nói đến chuyện cắt amiđan.
Tiếng cười làm diễn giả phật ý:
– Thưa các vị! Sở dĩ tôi cố ý hạ thấp giá trị phẫu thuật của tôi chẳng qua vì khiêm tốn mà thôi. Nhưng tôi không thể chịu được cái thái độ giễu cợt của các vị. Vừa nghe nói đến cắt amiđan, chưa gì các vị đã cười rồi!
Mọi người càng cười khỏe.
– Cái trò trẻ ranh ấy mà cũng dám gọi là phẫu thuật?
– Tôi thì những việc ấy tôi chẳng thèm làm!
– Làm nhà phẫu thuật mà nói những chuyện ấy thì thật xấu hổ!
Những tiếng la ó càng làm diễn giả tức giận:
– Nhưng các vị có biết người được tôi cắt amiđan là ai không đã chứ?

– Là ai thì có liên quan gì đến phẫu thuật nhỉ? Có là ông Tổng thư ký Liên hiệp quốc thì cũng thế thôi!
Diễn giả đỏ bừng cả mặt, nói liền một thôi.
– Nhưng người tôi cắt amiđan là một nhà báo!
Các đại biểu lại phá lên cười rũ rượi.
– Nhà báo, nhà buôn, viên chức hay anh lính thì có khác gì nhau?
Diễn giả giơ tay nói:
– Xin các vị trật tự! Vâng, thưa các vị, không có gì khác nhau. Nhưng vì hồi đó vừa ban hành luật báo chí, các nhà báo không sao mở mồm ra được, nên tôi buộc lòng phải cắt amiđan cho anh ta thông qua đường… hậu môn!
Vẻ giễu cợt trên mặt các quan khách vụt biến mất, nhường chỗ cho vẻ kính phục sâu sắc đối với diễn giả. Những tràng vỗ tay vang lên như sấm. Toàn thể các nhà phẫu thuật dự Hội nghị quốc tế lần thứ mười đều nhất trí thừa nhận phẫu thuật cắt amiđan của các vị bác sĩ ấy là sự kiện lừng lẫy nhất trong lịch sử y học.
TÊN ĐÊ TIỆN HIẾM THẤY
Tôi làm quen với ông ta trong rừng… các bác sĩ khuyên tôi thay đổi khí hậu, mà phải thay đổi một thời gian lâu, vì thế tôi đến đây. Tôi thuê một ngôi nhà trong làng và một hai tuần liền tôi lang thang trong rừng hoặc thuê xe đi chơi xa, – trong một cuộc đi chơi như thế chúng tôi hội ngộ.
Ở bìa rừng có một ngôi nhà khang trang một tầng trông rất đáng yêu, bà con nông dân đang tíu tít xung quanh, nào đàn ông, nào đàn bà, nhiều người mang theo con nhỏ.
Ngôi nhà dựng trên một bãi cỏ xanh, gần một con suối róc rách, mạch nước ngầm từ lòng đất theo dòng chảy xiết chui qua một thân cây để rồi tỏa ra thành một giải nước ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, xung quanh là rừng cây rậm rạp – quang cảnh đó làm tôi nhớ đến tấm bưu ảnh có in lại một bức phong cảnh tuyệt vời.
Xe ô tô đưa tôi đi chơi khắp cả khu rừng, đến lúc kết thúc tôi chui ra thì chú lái xe bỗng hết sức đột ngột tung ra một câu:
– Chào hỏi cái lão đê tiện ấy thì thật là sỉ nhục!…
– Chú nói ai vậy! – Tôi không hiểu gì bèn hỏi lại.
– Cái lão kỹ sư lâm nghiệp chứ còn ai nữa.
– Làm sao biết được lão ấy?
– Cầu cho lão ấy chết đi mất tăm, mất luôn cả tên cả họ đi cho rồi!… Chúng tôi đây không thèm biết đến tên lão, vì không thể kính trọng được. Chúng tôi cứ độc gọi là kỹ sư thế thôi…

Tôi được biết rằng chú lái đưa tôi đến đây là người tử tế, không hiềm khích, vì vậy chú ấy chẳng hơi đâu mà vu oan giá họa cho một người xa lạ. Còn nếu như chú ấy thóa mạ cái ông kỹ sư lâm nghiệp này thì có nghĩa là ông ta xứng đáng như vậy, ở chốn bồng lai thế này mà gặp phải một tên đê tiện thế kia thì thật khó chịu! Tôi thấy mất hết hứng thú vào chơi trong khu nhà đó. Những vẻ đẹp của nó cứ đeo lấy tôi, cuốn hút tôi, thế rồi tôi không chống đỡ nổi, tôi rảo bước đến nhà người trưởng hạt lâm nghiệp.
Tôi để ý đến những người dân làm tập trung ở bậu cửa nhà ông: đó là những con người đau ốm, có người rên rỉ, có người đi xiêu vẹo, có người đứng không vững, cứ phải bò lết, nhiều người băng bó chân tay… Quang cảnh đó các bạn thường chỉ thấy ở trong bệnh viện.
Bước hết ba bậc thềm gỗ dầy dặn, tôi mở hai cánh cửa lắp kính và bước vào tiền sảnh rộng rãi, trong đó có đặt một chiếc giường thấp thường dùng cho các phòng khám của bác sĩ. Ngay lập tức, một cảnh tượng bất thường đập vào mắt tôi: nằm trên giường úp mặt xuống gối là một người quần bị kéo xuống, máu ở chân chảy ra đầm đìa. Ở gần bệnh nhân là một người đàn ông đang tất bật là việc, có lẽ ông ta là nhà phẫu thuật, và một người phụ nữ, chắc là y tá. Ông bác sĩ đặt tấm gạc lên vết thương, ra sức ấn xuống cho ra hết mủ. Bệnh nhân kêu hộc lên, ngóc đầu khỏi gối, rồi lại rền rĩ gục đầu xuống. Tôi cảm thấy choáng váng…
Không ai chú ý đến sự hiện diện của tôi: mọi người đều bận công việc của mình. Ông bác sĩ thôi không ấn nữa, rồi dùng bông lau vết thương. Bà y tá rửa vết thương bằng nước ôxy già rồi băng lại. Bây giờ ông bác sĩ ngẩng đầu lên, ông ta nhìn thấy tôi là trên gương mặt ông nở một nụ cười chào đón rạng rỡ, nụ cười của cả gương mặt, cả đôi mắt và thậm chí của cả đôi kính. Ông ta chìa tay cho tôi, tựa hồ chúng tôi quen nhau đã lâu.
– Chào ông.
Tôi nắm tay ông ta và tự nhiên cũng đáp lời ông bằng một nụ cười hồ hởi như thế, nhưng bỗng nhớ rằng chú lái xe đã nguyền rủa ông, tôi đành cố gắng tạo cho khuôn mặt mình một vẻ lạnh nhạt.
Lúc này người nông dân đã đứng dạy, ông ta xốc quần rồi khóa thắt lưng.
– Thưa ông kỹ sư, cầu mong ông được trăm tuổi, thưa bà y tá xin được mang ơn bà.
– Hai ngày nữa ông nhớ đến thay băng đấy nhé, – bà y tá nhắc nhở.
– Hai ngày thì được rồi, nhưng ban ngày tôi không đến được vì bận lắm, bà cho phép chiều tối tôi đến.
– Vâng, thế cũng được.
– Đến lượt ai, xin mời vào, – ông kỹ sư gọi to, khi người bệnh lúc nãy mở cửa đi ra.
Một cô nông dân ẵm một em nhỏ bước vào và bắt đầu kể chi tiết cho ông kỹ sư nghe rằng con cô cứ khóc ngằn ngặt suốt ngày đêm không ngớt.
– Tôi xin lỗi, tôi có việc khẩn, các ông bà cũng thấy….

Tôi tự giới thiệu với ông kỹ sư rằng tôi đến vùng này theo lời khuyên của bác sĩ, và trong lúc dạo chơi tôi đã để ý đến ngôi nhà của ông và quyết định vào thăm.
– Ông đến thăm, chúng tôi rất được hân hạnh. Để tôi giải toả hết số bệnh nhân rồi chúng ta cùng uống trà, nói chuyện, – sau đó, ông chỉ bà y tá đang thay tã cho cháu bé khóc nhè, và bảo: Còn đây là vợ tôi.
Tôi cúi chào và cảm thấy mình có lỗi vì đã bước vào đột ngột quấy rầy mọi người làm việc, nhưng đồng thời cũng không hiểu sao ông kỹ sư lâm nghiệp, người quản lý ngành rừng ở đây mà lại làm cái việc chẳng đúng ngành nghề tí nào.
Bà vợ ông ta bắt đầu khám cho cháu nhỏ, bà ta kéo rộng chân đứa bé rồi hốt hoảng kêu:
– Trời ơi! Làm sao thế này! Sao có thể làm thế này được! Thối hết cả ra rồi, vết thương thì dày đặc,.. Thế mà chị còn đòi cháu nó không khóc. Ngay lập tức phải rửa sạch, phải bôi phấn rôm… Để thế này thì đến đất sét khô cũng không rắc được…
Lúc này ông kỹ sư gọi tiếp người bệnh khác, ông chăm chú nghe kể bệnh rồi khuyên ông ta đến bác sĩ ở khu công nhân. Ông nông dân nói rằng ông ta đã đến bác sĩ đó, đã trẻ rất nhiều tiền mà chẳng ăn thua gì, thuốc men chẳng khỏi.
– Ông này nói xạo rồi, – ông kỹ sư quay sang tôi, ông ta chưa hề đến bác sĩ nào… Không phải thế sao? – Ông hỏi người nông dân.
Ông này lặng lẽ gật đầu. Ông kỹ sư rút trong ví ra một tờ trăm lia đưa cho người nông dân.
– Ông cầm lấy đi! Bao giờ khỏi lại về làm ở chòi canh. Sáng mai đến bác sĩ mà chữa. Thôi, chào ông, chúc ông khỏe. – Rồi ông nói với theo:
– Ngày mai tôi vào làm kiểm tra hết mọi việc!… Sau đó ông giải thích cho tôi: – Làm sao một người nghèo có thể đến được bác sĩ, cái gì cũng phải trả tiền tiền khám, tiền thuốc…

Suốt hơn một tiếng đồng hồ tôi quan sát thấy vợ chồng ông kỹ sư luôn tiếp đón bệnh nhân chữa bệnh thay băng, khuyên bảo họ. Có bệnh nhân ông kỹ sư còn viết thư chuyển cho bác sĩ yêu cầu khẩn cho mà không lấy tiền.
Bà chủ đã pha xong trà. Hai ông bà mời cả chú lái đang ngồi chờ tôi trong xe ngoài cửa sổ. Chú lái vừa nãy còn nguyền rủa ông kỹ sư, giờ vội vã bước vào nhà, trân trọng chào hai người bằng những lời tốt đẹp nhất.
Chúng tôi ngồi trò chuyện và uống trà.
Qua câu chuyện dần dần tôi được biết rằng ông kỹ sư đã được quyền về hưu từ lâu, nhưng ông không về vì thấy quanh ông còn bao nhiêu người đau khổ, những người ấy hiểu rằng ông vẫn còn có thể giúp đỡ họ được. Không, không được phép nghỉ ngơi, khi ông vẫn cần cho mọi người và vẫn còn sức lực. Các con của họ, hai gái một trai, hiện đã ở riêng. Những chuyện ấy ông kể cho tôi nghe một cách thư thái, gương mặt ông lộ rõ vẻ thiện tâm khiến tôi kinh ngạc. Cuối cùng ông kỹ sư đứng lên nói:
– Bây giờ chúng tôi đang xây dựng một chòi canh. Tôi phải đi xem công việc thế nào, ông có muốn đi cùng với tôi không?
Nhưng tôi hiểu rằng, tôi đang bứt mọi người ra khỏi công việc, đang quấy rầy họ, làm mất thì giờ, vì thế tôi vội vàng xin rút.
Lúc chia tay, bà chủ còn hồ hởi mời tôi ghé thăm khi nào tôi quay lại chốn này.
– Xin mời ông đến tầm trưa quay lại đây chúng tôi sẽ rất hân hạnh…
Trên đường quay về tôi bảo chú lái:
– Chú bảo rằng ông kỹ sư là một tên đê tiện, nhưng những người ấy quả là thiên thần… Vậy ông ta tồi tệ ở chỗ nào?
Chú lái xì một tiếng:
– Chà… nếu ông biết được cái bọn đê tiện…
– Vì sao vậy?
– Tôi bảo đê tiện là đê tiện… Cứ nói đến là thấy lợm giọng…
Tôi không gặng hỏi thêm nữa.
Chiều tối hôm sau tôi vào một quán cà phê trong làng, ngồi xuống chiếc ghế mây thâm thấp và nói chuyện với ông chủ quán, người vẫn thường trò chuyện với tôi. Tất nhiên, tôi rất muốn biết về ông trưởng hạt lâm nghiệp, vì thế tôi hỏi ông về con người đó.
– Bao giờ chúng tôi cũng gặp phải đủ các loại quan chức xấu bụng, – tôi nghe ông trả lời, – nhưng cái loại đê tiện đến như lão ấy thì chúng tôi mới gặp lần đầu tiên, không còn có kẻ nào tồi tệ hơn được.
– Xin ông bỏ quá cho, ông đừng bắt tôi phải nói lại những chuyện vớ vẩn… –.Nói đoạn ông quay ra, đi vào nhà trong.
Theo như chỗ tôi biết, thì các ông trưởng hạt lâm nghiệp thì ít khi để mắt đến đất đai, rừng núi. Họ thường sống trong những ngôi nhà sang trọng trong thành phố hoặc khu công nghiệp. Còn con người này thì lại ở trong xó rừng hẻo lánh. Tôi đã hỏi ông trưởng thôn về ông kỹ sư, ông trưởng thôn là người có nhà cho tôi thuê.
– Ông cứ hình dung mà xem, lương tâm con người đê tiện ấy toàn những chuyện bẩn thỉu, nếu như lão ta náu mình trong rừng, – ông trưởng thôn đáp.
– Nhưng ông ta tồi tệ cái gì?- Tôi không chịu yên.
Ông đi mà hỏi người khác, đừng có hỏi tôi…
– Chỉ cần nghe đến tên lão là ai cũng rùng mình, sởn gáy… Ông cứ đi mà hỏi rồi sẽ biết…
Quả vậy, tôi đi hỏi ai người ta cũng bảo rằng lão kỹ sư là một kẻ đê tiện, nhưng không giải thích gì cả!
Trong làng chỗ tôi ở cũng có một ông lâm nghiệp. Cũng như mọi người khác, ông ta khẳng định rằng ông kỹ sư kia là một kẻ đê tiện. Tuy nhiên, cũng như mọi người, ông không thể giải thích vì sao. Tôi quyết định đào bới đến tận ngọn nguồn sự ghê tởm chung của mọi người đối với ông ta.
– Có thể là ông ta cố tình gây các vụ cháy rừng chăng? – Tôi hỏi ông lâm nghiệp. – Rồi sau đó đem bán những chỗ đất cháy cho nông dân với giá gấp ba lần?
Ông lâm nghiệp cười khà khà:
– Ông nhặt tin ở đâu thế? Trước kia rừng chúng tôi năm nào cũng cháy ba – bốn lần. Từ ngày cái lão ấy xuất hiện, đã bốn năm nay chưa cháy vụ nào.
– Làm sao trước thì cháy, bây giờ thì không?

– Là vì cái lão kỹ sư ấy suốt ngày đêm không chui ra khỏi rừng, không rời khỏi các chòi canh, lúc nào cũng làm việc, hình như lão ấy không nằm ngủ bao giờ… Không phải là người, mà là một thứ lật đật gì đó. Trước kia rừng chúng tôi có bốn cái chòi canh, không chòi nào có điện thoại cả. Còn cái lão này vừa mới về đã cho xây không biết bao nhiêu chòi, dễ có đến bảy chục cái, đa số chòi có điện thoại. Tất cả điện thoại đều nối với điện thoại nhà lão. Sau đó lão ấy lại cho làm đường nhỏ để dễ chạy vào chữa cháy, nếu chẳng may xảy ra.
– Thế tại sao trước đây mọi việc lại khác?
– Trước kia không có tiền để làm.
– Thế ông này thì sao, người ta cho ông ta nhiều tiền à?
– Không đâu, ông bạn, ông ta cũng chỉ nhận được một khoản như trước đây thôi, nhưng ông ta quản lý không biết thế nào mà lại làm được…
– Như vậy thì ông ta đê tiện ở đâu?
Ông lâm nghiệp thở dài nặng nề, lấy tay đấm ngực thốt lên:
– Chúng tôi mới có thể biết được… Đồ súc sinh!
Chắc hẳn lão kỹ sư ăn cắp gỗ. Vẫn có những người thành đạt, chăm chỉ, làm được nhiều việc có ích… nhưng mà ăn cắp.
Tôi có quen một ông hương sư một làng nhỏ cách chỗ tôi đi xe mất chừng một tiếng. Ông này sắp về hưu. Ông không phải người thành phố, mà là xuất thân nông thôn. Đôi khi chúng tôi gặp nhau, nói đủ mọi chuyện. Tôi quyết định đến chỗ ông, mục đích chính là tìm hiểu đôi chút về ông kỹ sư.
Ông biết không, tôi có quen với ông trưởng hạt lâm nghiệp vùng này, – tôi bắt đầu nói rất vô tư. – Tôi nghĩ rằng ông ta là một tên đại bợm, đã ăn cắp rất nhiều gỗ…
– Ai bảo ông thế? – Ông giáo già ngạc nhiên, thậm chí nhảy cả người trên ghế.
– Chẳng ai bảo, tôi đoán thế thôi…
– Sao ông lại nghĩ vậy?
– Tôi nghe nói rằng ông ta đã chu cấp tiền cho một người nông dân ở làm trên để thuê luật sư. Người nông dân này có vướng mắc với Bộ lâm nghiệp. Vì sao lại như vậy? Chính trưởng hạt cho tiền người lông dân kiện cáo với chính chủ quản của mình… Vậy ông ta phải được món lợi gì chứ?…
– Không hề… Người nông dân có lý đúng, vì thế ông kỹ sư mới cho tiền. Làm thế nào được? Nông dân thì lấy đâu ra tiền thuê luật sư bào chữa….
– Nhưng ông kỹ sư cũng là một viên chức thường. Ông ấy lấy đâu ra tiền? Ông ấy là nhà giàu à?

– Phải, nhà giầu… vợ ông ấy giầu… Phần lớn tiền lương ông ấy đem cho dân nghèo… Năm ngoái ông ấy còn cho tôi tiền chúng tôi sửa sang trường sở.
– Lại còn thế nữa!
– Có gì mà ông ngạc nhiên?
– À, là vì mọi người đều bảo ông ta là tên đê tiện…
– Ông hiểu không… Tất nhiên, chính ông ta là một tên đê tiện. Quân đốn mạt như thế trên đời này chưa thấy bao giờ…
– Không ăn cắp, việc gì cũng trôi chảy, làm việc hết mình, giúp đỡ mọi người… Thế sạo gọi là đê tiện?
– Ông muốn mọi chuyện bí mật của tôi hay sao?
– Ấy chết… Chỉ là tôi muốn biết thôi.
– Tôi đã bảo ông: hắn là tên đê tiện – thế thôi. Còn tại sao như thế thì không quan trọng. Cứ biết là đê tiện – thế là hết chuyện.
Mọi người đều biết rằng ông kỹ sư là tên đê tiện hiển nhiên, nhưng không ai nói những điều đê tiện sau lưng ông ta. Đây quả thật là một nét kỳ lạ thật sự của những người dân địa phương.
Một lần tôi lại đến nhà ông kỹ sư. Trên đường tôi gặng hỏi chú lái.
– Chắc hẳn là ông ta nhận hối lộ? – Tôi hỏi.
– Lạy trời ban phước lành cho ông. Không dưng mình lại đi bôi nhọ người khác sao được. Tất nhiên, ông ta là kẻ vô lại, nhưng ông ta ăn hối lộ thì không ai thấy bao giờ…
– Vậy ông ấy lừa bịp?
– Không đâu, làm gì có chuyện ấy.
Khi chúng tôi đến ngôi nhà xinh xắn của ông kỹ sư thì ông chủ lại đi vắng. Bà vợ mời rất niềm nở:
– Xin mời các ông vào, nhà tôi sắp về rồi… Ông ấy gặp được các ông là mừng lắm đấy. Ông ấy đi đã hai ngày rồi, đi kiểm tra những cây sắp đốn. Những người coi rừng thường hay lừa nông dân, toàn chọn những cây không đúng quy cách, vì thế ông ấy phải thân chinh đi, dự định là sáng nay về. Chỉ chút xíu nữa là tới đây thôi. Mời các ông vào nhà nghỉ ngơi một lát…
– Xin cám ơn, để tôi vào rừng chơi, lát nữa quay lại.
Tôi đi vào rừng. Một ít phút sau đã nghe thấy tiếng còi huýt, tiếng chân chạy, tiếng còi xe. Trèo lên đỉnh đồi tôi thấy một con đường. Trên đó có một chiếc xe dzíp phóng bạt mạng. Đi chơi thêm một lát rồi tôi quay lại. Ông kỹ sư đã về. Ông đứng trước nhà. Ngay lập tức có ba người gác rừng và hai người nông dân đã tới, một già, một trẻ.
– Xin chào ông, – ông kỹ sư chào tôi, – tôi sắp xong việc rồi đây…
Qua câu chuyện của người coi rừng với ông kỹ sư tôi được biết: những người nông dân đã chặt trái phép một cây, khi họ đưa lên xe định chở đi thì bị bắt quả tang. Lúc này bà vợ ông kỹ sư mời tôi vào nhà, nên khúc cuối câu chuyện tôi không nghe được.
Mấy phút sau ông kỹ sư vào:
– Ông đến thăm, chúng tôi được hân hạnh quá. Tôi rất mừng… Bây giờ vừa kịp bữa.
Chúng tôi từ chối không được. Hơn nữa tôi có ý định tìm hiểu ông kỹ sư sâu sắc hơn. Bà vợ ông dọn bàn ăn. Tôi và chú lái ngồi vào chỗ. Ông kỹ sư kể về những tên ăn trộm vừa bị bắt:

– Những người nghèo khổ ấy biết làm gì được. Ruộng đất không có, nếu có thì cũng chỉ tí tẹo, không đủ nuôi thân. Công việc không, xí nghiệp không. Việc mà chúng tôi giao cho họ trong rừng không đủ nuôi gia đình. Đất nương rẫy tôi không cho phép. Vậy thì họ làm gì – chịu ngồi chết đói hay sao? Thế là họ đi chặt cây, bán ra thành phố làm củi… Chúng tôi tóm cổ họ. Tôi ra lệnh cho anh em gác rừng là nếu không có lệnh của tôi thì không được nộp bất kỳ ai cho cảnh sát. Nhà giam thành phố đã chật ních loại ”tội phạm” này. Không phạt họ thì mình không hoàn thành nhiệm vụ, mà phạt họ thì lương tâm mình không yên… Thật là cực!…
Trí tò mò của tôi bị nung đốt: các bạn làm ơn nói cho tôi nghe, một người xứng đáng được gọi là tốt bụng như thế mà làm sao ai cũng nguyền rủa?
Không sao thỏa mãn được, tôi đành lên ô tô sang thành phố bên cạnh. Bên cạnh tôi có một người nông dân. Tôi tìm hiểu ông ta. Đó chính là người được vợ chồng ông kỹ sư băng bó cho vào cái hôm đầu tiên tôi đến. Tôi nói chuyện và tỏ lời khen ngợi ông kỹ sư.
– Cái nhà ông kỹ sư ấy có gì là tốt? – Người nông dân bỗng nổi giận – một tên đểu cáng và đê tiện!
Tôi nhắc đến chuyện ông kỹ sư đã giúp đỡ cho ông này khỏi đau.
– Đấy là một chuyện, còn ông ta đê tiện lại là chuyện khác hoàn toàn, – ông đáp.
Suốt dọc đường tôi làm cho ông nông dân chán ngấy vì những câu hỏi rắc rối, thế nhưng ngoài chuyện nhắc đi nhắc lại rằng ông kỹ sư là tên đê tiện hiếm có thì ông nông dân chẳng nói được gì hơn.
Ở thành phố này tôi có quen một ông chủ cửa hàng. Chính ông này giúp tôi thuê nhà trong làng. Cửa hàng của ông bán đủ mọi thứ, từ máy thu thành, ti vi đến thuốc nhuộm tóc, từ giày dép đến sách vở và động cơ. Tôi hỏi thẳng ông ta rằng vì sao mọi người lại ghét bỏ ông kỹ sư và lại gọi ông là tên đê tiện.
– Nếu mọi người cùng nói thì có nghĩa là đúng!
– Nhưng có gì chứng minh là như vậy?
– Là vì ông ấy tồi tệ…
Tôi bị chế ngự bởi mọi giả thuyết. Hay là ông kỹ sư máu mê đàn bà, cũng có thể ông là người chồng bất chính?…
Ông chủ quán lập tức phản đối.
-Theo như chúng tôi biết thì ông là người chồng tuyệt vời. Như tôi đã nói, trong người tôi cứ sôi lên những giả thuyết bất kỳ. Ông ta cũng không còn trẻ trung gì nhưng biết đâu vẫn là một tên đồi bại?
– Ông đừng có nói quàng nói xiên, – ông chủ quán phản đối. – Ai mà dám nói như thế?
Bất kỳ tôi gán cho ông ta một tội danh gì, lập tức ông chủ quán bênh ông kỹ sư.
Tôi không thể chịu được nữa.
– Nếu như các ông coi người đó là kẻ đê tiện và đồi bại, thì vì sao các ông không làm đơn tố giác lên Bộ?
– Sao lại không có đơn? Mời ông theo tôi!
Chúng tôi bước ra. Ông chủ quán dẫn tôi đến văn phòng luật sư.
– Ông bạn tôi muốn biết vì sao chúng ta lại không làm đơn tố cáo ông kỹ sư lâm nghiệp đê tiện. Xin cho ông ấy xem những đơn đề nghị, khiếu tố…
Ông luật sư lấy ra một cặp dầy cộp.
– Xin mời ông xem…

Tôi bắt đầu đọc. Đấy là những đơn từ của cá nhân, thậm chí của các tổ chức, các văn phòng, cá cơ quan. Nội dung các đơn đều có yêu cầu chuyển ông trưởng hạt lâm nghiệp đi chỗ khác. Các đơn đều gửi về Bộ lâm nghiệp, thậm chí gửi thẳng lên Thủ tướng… có cả bản sao các bức điện gửi đi nữa.
Tôi kinh ngạc:
– Làm sao với từng này đơn thư khiếu tố mà người ta không chuyển ông đi chỗ khác?
– Ông thấy đấy, người ta không chuyển, – ông luật sư đáp.
– Vậy ông ấy làm điều gì tồi tệ? – Tôi lại hỏi luật sư.
– Ông ta là người dày đặc tội lỗi! – Ông luật sư thốt lên. – Thậm chí khó có thể kể ra đây được một tội nào…
Cuối cùng, tôi mất hết hy vọng tìm hiểu vấn đề. Chỉ biết rằng ông kỹ sư là một tên đê tiện đầu bảng, nhưng vì sao thì chịu: trí tò mò của tôi không được thoả mãn. Tôi vẫn thường đến ông kỹ sư. Càng quen nhau, tôi càng quý mến ông. Trong nhà ông đầy những sách vở. Ông đọc nhiều, nói chuyện với ông rất thích thú và bổ ích. Ông giúp đỡ mọi người, nếu có thể, và không hề chờ một lời cám ơn đáp lại.
Cứ nghĩ mãi những lời người ta nguyền rủa ông, tôi đi đến kết luận; ở đời quả là làm ơn nên oán.
Một hôm, không chịu được nữa, tôi bảo ông kỹ sư:
Mọi người đều bảo ông là kẻ xấu. Ở đây không có một người nào khen ngợi ông cả. Thế mà ông đã làm bao nhiêu việc tốt.
Ông mỉm cười:
– Vâng, tôi cũng có nghe người ta nguyền rủa tôi.
– Sao lại như thế?
– Ông đi mà hỏi người ta…
– Thật là cứu nhân, nhân hại, – tôi nói, – họ thật là bội bạc…
– Không, không, ông đừng nói thế, không phải vậy đâu, ông phản đối.
Đã đến ngày tôi phải rời làng. Lúc chia tay tôi gửi lại ông trưởng thôn, chủ nhà, một số quà tặng. Rồi không kìm được mình, tôi hỏi:
– Ông trưởng thôn ơi, ông nghe tôi nói đây. Bây giờ tôi ra đi rồi. Tôi chỉ yêu cầu một điều: ông cho tôi biết, ông kỹ sư ở đây có điều gì tồi tệ?
Ông trưởng thôn đáp:
– Ông ấy chẳng làm gì xấu hổ đối với riêng tôi, nhưng mọi người đều nhất trí bảo rằng ông ấy tồi tệ, làm sao tôi có thể không tin nhân dân?…
Thế là ông trưởng thôn cũng đánh trống lảng. Bây giờ tôi sang thăm ông bạn giáo viên, nhưng tôi cũng không moi được gì từ miệng ông ta.
Tôi rời làng đi tới thị trấn. Còn hai tiếng nữa mới có ôtô Xtambun. Không biết làm gì, tôi bèn tìm tới văn phòng ông luật sư già:
– Tôi đến chia tay ông để về nhà đây…
Ông luật mừng lắm, còn tôi tiếp tục:
– Ông ơi, tôi đến chết vì tò mò thôi… Sáng danh thánh Ala, ông làm ơn cho tôi biết, vì sao ông kỹ sư lại là con người tồi tệ? Ông tin tôi đi, tôi không hở miệng với ai đâu.
Ông luật nói với tôi, giọng đầy tin tưởng:
– Thôi được, tôi tin ông, ông không phải là người buôn chuyện chỗ tôi cũng như những chỗ khác, quan chức đưa về cũng có người xấu, người tốt…
– Lẽ dĩ nhiên, – tôi tán thành.
– Khi có quan chức mà dân không chịu nổi thì bắt đầu có đơn từ khiếu tố.
– Hẳn là thế, tôi thêm vào.
– Nhưng dân càng kêu nhiều bao nhiêu, thì người ta càng giữ quan chức ở lại lâu bấy nhiêu. Chính phủ chẳng vội gì mà thuyên chuyển. Quan tồi thì nói chung là nhiều hơn quan tốt. May ra có một ông quan tốt được mọi người hài lòng thì khắp nơi người ta nhắc tên khen ngợi. Ngay lập tức người đó bị chuyển đi nơi khác. Quan tốt thường lại không được giữ ở địa phương. Dân có kêu mấy, xin mấy cũng bằng không. Chúng tôi đã thấm thía qua kinh nghiệm của bản thân rồi. Bấy giờ hễ có được một ông quan tốt là chúng tôi bắt đầu nguyền rủa hết lời. Chẳng hạn như ông kỹ sư lâm nghiệp, mọi người từ trẻ đến già đều rủa ông ta. Đôi khi chúng tôi còn gửi đơn thư đòi tống khứ cái tên đê tiện ấy đi. Chúng tôi thu thập được hàng trăm, có khi hàng nghìn chữ ký. Bằng cách đó chúng tôi đã giữ được ông ta suốt bốn năm liền. Mong sao giữ được ông ta thêm bốn năm nữa. Còn về ông tỉnh trưởng thì ông cứ thử hỏi mọi người xem.
Đến bây giờ tôi hiểu. Nhưng vì sao Chính phủ lại để quan tồi ở lại, quan tốt lôi đi?
Ông luật sư giải thích:
– Trong cuộc bầu cử vừa rồi ở đây Đảng cầm quyền thu được rất ít phiếu, vì thế Chính phủ tìm cách trừng phạt.
– Ông kỹ sư thì ai làm ăn không lười thảy đều nguyền rủa, nhưng chẳng lẽ các ông không có ai ủng hộ Đảng cầm quyền sao?

– Có chứ. Chính tôi đây là đảng viên của Đảng cầm quyền. Nhưng trong những chuyện này chúng tôi nhất trí lắm: Chúng tôi muốn có những quan chức tốt, vì thế mọi người đồng lòng nguyền rủa ông ấy thậm tệ.
Lúc chia tay, ông luật sư dặn:
– Thế nào ông cũng phải hỏi mọi người về ông tỉnh trưởng đấy.
Ở bến ô tô (ô tô đến chậm) tôi đã hỏi thử ít nhất là hai mươi người. Họ tranh nhau tâng bốc công ơn của ông này đến tận mây xanh.
Chỉ riêng có ông khách ngồi cạnh tôi trên xe, là viên chức trong văn phòng tỉnh trưởng, trả lời tôi một cách dứt khoát, khiến tôi vô cùng kinh ngạc:
– Tỉnh trưởng à? Thằng đê tiện nhất trong những thằng đê tiện.
– Không có lẽ! Ngoại trừ ông ra, mọi người khác đều rất khen ngợi.
– Hẳn là thế rồi… Đơn giản thôi, họ chưa biết rằng hắn ta đã bị chuyển đi nơi khác… Quyết định thuyên chuyển vừa mới về đây sáng nay. Ông chờ mọi người đọc báo, biết chuyện, rồi hỏi người ta mà xem…
KHÓ CẦM ĐƯỢC NƯỚC MẮT!…
Trong nhà tù này người ta xếp lẫn lộn tù nhân thuộc các lứa tuổi và các loại tội do họ gây ra. Trong cùng một buồng giam có cả phạm nhân mười tuổi, cả phạm nhân bị kết án tử hình, lẫn người bị phạt giam ba năm. Vì thế những tên tội phạm nguy hiểm tha hồ ăn chặn quà tiếp tế của những người nhẹ tội. Tệ hại hơn nữa là những chú nhóc bị giam chung với những tên đầu gấu cũng trở thành tay chân cho chúng. Mỗi tên tội phạm nguy hiểm trong buồng giam, mỗi tên tay chân của chúng lại có một chú nhóc được đỡ đầu để làm tay sai.
Đứng đầu cả nhà tù là một tên tội phạm có thâm niên cao. Hắn đã rất nhiều lẫn ra vào tù. Lần cuối cùng hắn bị kết án hai nhăm năm, và đã ngồi tù được mười năm. Những kẻ bị giam lâu trong tù đã biết rõ mọi bí mật của hắn. Hắn, cũng như những đứa trẻ từng làm sai vặt cho hắn, lần đầu tiên vào tù lúc mới mười ba tuổi, sau đó được thả và lại vào lại, lại được thả, rồi lại vào, và cuối cùng bị vướng hẳn.
– Này, hắn là thằng khó chịu lắm? – Những kẻ không ưa sự hống hách của hắn ở trong tù nói về hắn như vậy.
Tên tội phạm này lẽ ra phải chuyển về nhà tù tỉnh từ lâu, vì hắn bị kết án dài hạn, nhưng người ta không sao chuyển hắn đi được. Mỗi năm một hai lần xảy ra chuyện hắn cầm dao đâm người. Nhưng theo luật hiện hành, muốn kết án kẻ phạm tội cần phải kết án tại nơi hắn gây tội ác. Làm sao có thể chuyển hắn về nhà tù tỉnh, khi hắn phải ra trước tòa vì tội đâm người ở thủ đô?
Một hôm, một chú nhóc mười lăm tuổi, được một tên trùm trong tù đỡ đầu, sau khi ngồi tù sáu tháng được thả tự do. Tên cầm đầu khi chia tay với chú nhóc ra lệnh cho chú ta phải trở lại nhà tù càng sớm càng tốt. Vì trong tù chú nhóc được ăn uống đầy đủ hơn nhiều, nên chỉ một tháng sau chú ta lại đã ở sau song sắt. Trong lúc chú sống ở bên ngoài, tên cầm đầu trong tù gửi tiền ra cho chú bé. Mọi việc cứ thế diễn ra đều đặn.
Nhưng người ta đã thay thế giám thị trại. Sếp mới là một người trẻ tuổi và hăng hái. Chỉ chưa đầy mười ngày ông ta đã nắm rõ tình hình trong tù, tìm hiểu được mọi chuyện thầm kín bên trong. Quyết định chấm dứt nề nếp cũ, việc đầu tiên ông ta bắt tay làm là tách bọn trẻ ra và đưa chúng vào phòng giam riêng. Trong phòng giam có biệt danh là “Phòng choai choai” này lúc đầu có bốn mươi tư chú nhóc. Đứa bé nhất mười một tuổi, đứa lớn nhất – mười bảy. Nhưng đang là mùa đông lạnh giá, nên mỗi ngày có thêm vài phạm nhân nhỏ tuổi nữa được tống vào đây. Sau đó lại bổ sung thêm những phạm nhân trên hai mươi tuổi mà không hiểu sao ngài giám thị cũng xếp vào loại “ choai choai”.

Cái trật tự mới do ngài giám thị đặt ra khiến những tên đại bàng trong tù vốn sống không thua gì vua chúa, lấy làm tức giận, nhưng chúng không dám nói công khai ra miệng. Chỉ những tên mà trong người còn chút lòng tự ái, mới rụt rè nói ra sự bất bình của mình:
– Chả lẽ ngài không còn chút lòng thương xót nào? Những chú bé đáng thương này không có ai thăm nuôi cả, nên thỉnh thoảng chúng tôi phải chăm sóc chúng. Bây giờ chúng bị giam riêng như thế làm sao chúng sống được!
Ngài giám thị mới cho tăng khẩu phần của những chú bé nhân ngày Lưỡi liềm đỏ. Nhưng vị sếp có lòng thương người này không chỉ dừng ở đó. Ngài hiểu rằng cái cần nhất đối với những phạm nhân nhỏ tuổi là món ăn tinh thần, là sự giáo dục đúng đắn, vì thế ngài cho gửi tới đây một thầy giáo, người bị kết án sáu năm tù vị một tội rất xấu xa.
Vì ngài không thể kiếm ở đâu một thầy giáo khác. Ngài chỉ có thể sử dụng các phạm nhân mà ngài có trong tay.
Trước khi cử thầy giáo này đến dạy dỗ cho bọn trẻ, ngài giao cho anh ta một nhiệm vụ nghiêm khắc.
– Cẩn thận đấy, – ngài kết luận. – Tôi không chịu nổi bất cứ sự lộn xộn nào Và nếu anh biết giáo dục chúng tốt, anh sẽ được tính thành tích.
Ai cũng biết đối với một phạm nhân, được sự tin tưởng của giám thị còn quan trọng hơn nhiều so với một người ở ngoài nhận được ân huệ của ngài bộ trưởng. Vì thế tay thầy giáo, một người cực kỳ mồm mép, trào nước mắt nói:
– Ôi, thưa sếp, con không có từ nào diễn tả nỗi niềm sung sướng của con. Ngày xưa con là nạn nhân của sự vu khống bỉ ổi. Giờ đây dường như sếp đã trả lại cho con công việc trước đây. Sếp có thể tuyệt đối yên tâm, con sẽ dành cả ngày lẫn đêm cho bọn trẻ của chúng ta.
Quả thật, tay thầy giáo đã làm việc rất đáng khen. Vào cái giờ buổi sáng từ chín đến mười giờ và buổi chiều từ năm đến sáu giờ chỉ có các phạm nhân ít tuổi được dẫn ra ngoài sân tù dạo chơi. Còn các phạm nhân khác bị dồn vào các phòng.
Tay thầy giáo dậy các học trò của mình một số bài hành khúc. Tại các cuội đi dạo, những tù nhân choai choai đứng thành hai dãy, thầy giáo đứng phía trước, rồi tất cả vừa đi vừadậm chân, hát vang các bài hành khúc vòng quanh sân.

Ngài giám thị là một người có trái tim nhân hậu. Đứng sau cửa sổ ngắm nhìn đoàn người diễu hành ầm ĩ ấy ngài không cầm được nước mắt.
Những tù nhân choai choai trong tay thầy giáo biến thành những kẻ ngoan như chi chi. Trước đây khi bị nhốt vào phòng giam chúng làm không còn thiếu trò gì, đập vỡ cánh cửa, dùng các mảnh vỡ đánh nhau, làm náo động cả nhà tù. Nhưng từ ngày thầy giáo được cử về đây, bao nhiêu trò làm loạn chấm dứt hết.
– Đúng là một thầy giáo có nghề. Nguyên nhân là ở chỗ đó. – Ngài giám thị nhận xét. – Trước đây không gì có thể uốn nắn được bọn trẻ này, quát mắng, roi vọt đều không có tác dụng. Vậy mà chỉ cần có thầy giáo này đến mọi việc trở nên khác hẳn. Quả là ông thầy đã tìm được tiếng nói chung với bọn trẻ!
Bọn trẻ được dạy hai bài hành khúc: “ Kỉ niệm lần thứ chín” và bài “Ôi, Tổ quốc ơi”. Khi đi đều bước, lúc đầu chúng hát bài “Kỉ niệm lần thứ chín”, rồi đến bài “Ôi, Tổ quốc ơi”.
“Ôi, Tổ q-u-u-ô-ố-c ơ-ơ-i! Hãy lau đi những giọt nước mắt, vì chúng con bây giờ đã nên người…”
Không, quả thực những đứa trẻ trong phòng choai choai bây giờ không còn nhận ra được. Chỉ mỗi tội chúng không có quần áo gì cả. Hơn một nửa phải đi chân đất. Còn những gì có ở chân những đứa còn lại thì có giầu tưởng tượng đến mấy cũng không thể gọi là dép. Quần chúng mặc rách tả tơi, lộ ra những cái cẳng chân gầy guộc. Những chiếc áo sơ mi rách nát không che nổi những bộ ngực còm nhom.
Nhưng các bạn thử nghĩ coi, ngài giám thị có thể làm được gì? Vì giày, tất, quần áo đều không được tính đến trong ngân sách…
Một ngày hai lần, sáng và tối, ngài giám thị lại rưng rưng sung sướng nghe tiếng hát của bọn trẻ.
– “Ôi, Tổ quốc ơi! Hãy lau đi những giọt nước mắt, vì bây giờ chúng con đã nên người!…”
Ngài giám thị rất muốn có quan trên nào đó ghé thăm nhà tù. Vì, như bất cứ người nào làm được việc tốt, ngài có quyền được người ta khen ngợi. Nhưng tất nhiên, ngài mong có sự viếng thăm của cấp trên không phải chỉ để khoe thành tích của mình. Nếu có quan chức nào đến thăm, khi nhìn thấy những đứa trẻ được uốn nắn thành người như thế biết đâu ông ta có thể ra lệnh cung cấp giày dép, quần áo cho chúng…
Cuối cùng, ước muốn của ngài cũng trở thành hiện thực. Người ta thông báo cho ngài biết đích thân ngài bộ trưởng sẽ xuống tham quan trại.
Ngài giám thị cho gọi thầy giáo đến bảo:
– Này, bây giờ anh đừng phản tôi đấy nhé. Bốn hôm nữa ngài bộ trưởng sẽ đến thăm chúng ta. Đến ngày đó anh phải cho bọn trẻ hát bài hành khúc đấy nhé…
– Bài nào ạ?
– Bài “Ôi, Tổ quốc ơi!” ấy. Hãy tập cho bọn chúng hát thật tốt. Để không có một chỗ nào ấp úng cả. Hát sao cho thật đều! Còn bây giờ hãy thu dọn chăn màn đến ở luôn cùng phòng với lũ choai choai! Anh phải ngày đêm ở bên cạnh bọn trẻ. Phải chú ý dạy chúng cho thật tốt!
Trên nét mặt người thầy giáo lộ vẻ bối rối:
– Liệu con có thể không cần ở cùng phòng với bọn trẻ được không, thưa thầy giám thị. Tốt nhất cứ để buồi sáng con đến với chúng rồi tối quay về phòng mình?
– Không được! – Thầy giám thị nói. – Ta đã bảo anh là không dược. Hãy làm việc với bọn trẻ cho thật tốt!
– Chỉ sợ, thưa thầy giám thị, – người thầy giáo nói. – Sau này nhỡ có đứa nào trong bọn chúng nghĩ ra trò gì dại dột…

– Câm mồm – Thầy giám thị cáu tiết quát lên. – Còn lần chần gì nữa. Đi mau!
Khi thầy giáo đi rồi, thầy giám thị ra lệnh cho viên cai ngục:
– Không được để tay thầy giáo ấy rời khỏi phòng bọn choai choai. Hắn phải ở đó suốt ngày đêm với lũ trẻ.
Ngày hôm đó tất cả nhũng bức tường nhà tù vang lên lanh lảnh giọng trẻ con:
– Ôi, Tổ quốc ơi! Hãy lau đi nhũng giọt nước mắt. Vì giờ đây chúng con đã nên người.
Đến thăm trại giam cùng một lúc có ngài bộ trưởng, ngài tổng giám thị các trại giam, hai viên luật sư và ba quan chức cao cấp của quận. Thầy giám thị trại giam ra lệnh cho viên quản ngục và các tù nhân choai choai đi ra sân trại để chuẩn bị. Sau đó, lựa lúc thuận tiện, thầy báo cáo với ngài bộ trưởng về các việc mình đã làm. Để chấm dứt tình trạng lộn xộn, thầy đã dồn những tù nhân ít tuổi vào một phòng. Sau đó cử một thầy giáo trong số tù nhân đến để giáo dục chúng. Phải, ông thầy này rất yêu nghề và dành hết tâm huyết để dạy dỗ bọn trẻ. Ông ta quả là người thầy giáo giỏi… Ông ấy bảo ông ấy bị kết tội oan. Chẳng qua ông ấy bị hạn.
Ngài bộ trưởng chăm chú lắng nghe tất cả những lời thầy giám thị kể và tỏ ra rất hài lòng. Ngài đã chực đi xuống các phòng để xem bọn trẻ thì bỗng cánh cửa bật mở và cái đầu bù xù của viên quản ngục già ló vào.
– Có chuyện gì? – Thầy giám thị đi ra gặp ông ta hỏi.
– Thưa thầy, bọn chúng không muốn hát hành khúc.
– Tại sao?
– Tôi không biết, thưa thầy!
Tất nhiên viên quản ngục đã biết chuyện gì, chỉ có điều lão không dám nói.

Sao lại không muốn? Tôi đã kể hết cho ngài bộ trưởng rồi:
– Thầy giám thị lập tức cho truyền gọi thầy giáo đến.
– Tại sao các người không hát hành khúc?
– Chúng tôi không hát! – Thầy giáo đáp.
– Cái-gì-ì-ì?
Thử nghĩ xem, hắn không nói “chúng nó không hát “, mà nói “chúng tôi không hát!”! Nghĩa là hắn về hùa với bọn nhóc.
– Tại sao? – Ngài giám thị đỏ mặt tía tai hét lên.
– Không hát, thế thôi!
– Cút ngay khỏi đây!
Ngài giám thị cho gọi cậu thanh niên lớn tuổi nhất của phòng ”choai choai” – cậu có mặt dài – đến hỏi. Cậu này mới hai mươi hai tuổi. Nhưng cũng như vậy, ngoài hai câu “chúng tôi không hát “ ra, ngài không moi được gì từ miệng cậu thanh niên này.
Ngài giám thị muốn phát điên vì tức giận. Khi đó ngài lại cho gọi cậu bé ít tuổi nhất đến hỏi. Đó là cậu bé mười một tuổi, có nước da ngăm ngăm với chỏm tóc dựng ngược như con nhím. Cậu bé này bị bắt khi đang ăn cắp than trên đầu máy. Vì tội nhân còn rất ít tuổi nên người ta chỉ kết án cậu một tháng tù.
Cậu bé đi chân đất. Thân hình tiều tuỵ lộ rõ qua bộ quần áo rách tả tơi. Cánh tay áo rách bên phải chỉ che được cái vai.
– Tại sao tụi bay không hát hành khúc?
Nhưng cậu bé, giống như con lừa con, chỉ đứng cúi gằm mặt nhìn xuống chân, đáp:
– Chúng tôi không hát, thế thôi!
Ngài giám thị vung tay tát cho cậu một cái.
– Trả lời đi, tại sao không hát?
Cậu bé khóc rống lên. Vừa lấy vạt áo rách lau nước mắt, cậu vừa sụt sịt thú nhận.
– Chúng tôi không thể hát được. Không còn sức để hát. Chúng tôi đói không hát nổi. Đã bốn ngày rồi, kể từ khi thầy giáo đến ở với chúng tôi. Vì thầy ấy không thể tiếp tế cho chúng tôi cả thuốc phiện lẫn ma túy từ đại ca. Làm sao chúng tôi có sức mà hát? Ngài có giết chúng tôi thì chúng tôi cũng không thể hát hành khúc được. Thậm chí chúng tôi không còn đủ sức bước đi nữa!
– Lạy thánh Ala! – Ngài giám thị giơ hai tay ôm đầu.
– Bây giờ hãy cho tôi xem các phòng giam – Vừa lúc đó ngài bộ trưởng ở phòng bên cạnh ra lệnh.
– Thầy giám thị đâu rồi nhỉ? – Viên thanh tra luật sư hỏi.
Thầy giám thị đã hoàn toàn tuyệt vọng ra lệnh cho viên cai ngục:
– Hãy chạy ngay đi gặp tay đại ca, lấy của hắn thuốc phiện và ma tuý rồi phân phát cho bọn trẻ! Rồi khi nào mọi việc kết thúc ta sẽ cho chúng biết tay!
Viên cai ngục mang đến một gói lớn hêrôin. Người đầu tiên chạy bổ đến là thầy giáo.
Mọi người bước ra sân trại. Các chú nhóc xếp thành hàng.
Thầy giáo đứng phía trước đoàn người hô to:
– Bước đều, bước!…
Đoàn tù nhân choai choai đi ngang qua ngài bộ trưởng. Bốn mươi tư cậu bé – đi chân đất, cởi trần, quần rách nát. Đi đầu tất cả là cậu bé hai mươi hai tuổi – cậu này lớn nhất, đi cuối hàng là cậu bé mười một tuổi. Chúng bước đi rất nhịp nhàng – khi đoàn diễu hành đi ngang qua ngài bộ trưởng, thầy giáo đưa tay ra hiệu.
– Ôi, Tổ quốc ơi! Hãy lau đi những giọt nước mắt, vì giờ đây chúng con đã nên người!… – Những giọng trẻ con hát vang với niềm say sưa phấn kích.
Ngài giám thị không cầm được nước mắt.
– Quả thật, khó cầm được nước mắt, – ngài bộ trưởng nói. – Sau cuộc diễu hành trọng thể ngài bộ trưởng gọi thầy giáo đến.
– Tôi xin chúc mừng thầy đã giáo dục tốt bọn trẻ. Thú thật, lần đầu tiên tôi được nhìn thấy cảnh này. Thầy không có việc gì làm ở trại này nữa, tôi sẽ chuyển thầy sang trại khác. Tôi hi vọng trong vòng bốn, năm tháng thầy sẽ giáo dục được những đứa trẻ ở đó thành những cậu bé như thế này.
– Tôi xin vâng lệnh ngài, – thầy giáo đáp. – Tôi chi có một yêu cầu mong được ngài chấp thuận.
– Yêu cầu gì?
– Tôi có một cậu bé giúp tôi rất nhiều trong việc giáo dục trẻ. Sẽ rất tốt nếu cậu ấy được đi cùng tôi. Nếu được như vậy tôi bảo đảm với ngài công việc nhất định sẽ thành công.
LÀM THẾ NÀO VIẾT ĐƯỢC BÁO?
Ở các nước phương Tây người ta có xuất bản riêng một loại sách chuyên dạy làm các việc khác nhau. Tác giả của chúng là những người am hiểu và giàu kinh nghiệm. Trong các sách ấy, bằng cách trình bày hết sức dễ hiểu, họ hướng dẫn cho độc giả đủ mọi thứ trên đời, từ cách làm thế nào để sản xuất giấy viết, cho đến phương pháp đấu tranh đòi tự do, dân chủ.

Thú thật, chính những cuốn sách ấy đã gợi ý cho tôi viết mẩu chuyện này. Tôi cũng muốn hướng dẫn mọi người cách làm thế nào để viết một bài báo. Tôi biết cái đề tài này không thích hợp với khuôn khổ một bài châm biếm ngày chủ nhật. Vì cứ thả sức mà viết thì cũng phải được vài tập sách là ít! Nhưng dù sao tôi cũng cố hết sức trình bày thật ngắn gọn những hiểu biết của tôi về vấn đề này.
Vậy làm thế nào để viết được một bài báo? Chắc các bạn sẽ bảo: “Khó quái gì! Có một ý tưởng nào đó bỗng nảy ra trong đầu anh. Anh cầm lấy bút và viết nó ra thôi!”. Thế thì các bạn nhầm? Viết một bài báo đâu có phải đơn giản như vậy, không tin, tôi xin kể riêng cho các bạn nghe chuyện tôi viết báo như thế nào rồi các bạn sẽ hiểu.
Tôi có thói quen sáng nào cũng đọc báo. Và tất nhiên cũng như mọi độc giả, mỗi lần đọc, tôi lại thấy có nhiều chuyện đáng buồn. Tôi đánh dấu lại những chuyện tôi thấy bực mình nhất. Cứ như thế, mỗi ngày tôi thu thập được khoảng mươi, mười lăm đề tài. Ngoài ra tôi còn có sẵn chừng bốn, năm chục đề tài khác. Tất cả các đề tài này tôi thấy cái nào cũng đáng viết thành truyện cả. Nhưng dĩ nhiên là tôi không thể sử dụng tất cả mà phải chọn lấy một đề tài thôi! Đắn đo cân nhắc mãi, cuối cùng tôi chọn một đề tại vô thưởng vô phạt nhất, mà tôi tin là sẽ không có hại gì cho cả tôi lẫn các ông chủ báo, vì nó không động chạm gì đến tầng lớp có thế lực của xã hội. Tôi vừa viết vừa cân nhắc thận trọng từng câu từng chữ cố sao cho giọng văn thật ôn hòa, để không làm mếch lòng một ai. Cuối cùng bài báo đã hình thành. Nhưng như thế chưa phải là xong! Vợ tôi đã chực sẵn ở cửa.
– Mình có thể cho em xem bài mình vừa viết không? – Cô ta hỏi.
Nhưng cô ta hỏi để mà hỏi thế thôi chứ giá tôi không cho phép, thì cô ta vẫn đọc như thường. Mọi khi viết xong bài nào tôi đều giấu kín không cho cô ta biết. Thế mà không hiểu sao cô ta vẫn mò ra được.
Đọc xong mặt vợ tôi xị hẳn xuống.
– Anh không nghĩ đến cái thân anh, thì xin anh hãy nghĩ đến bọn trẻ – Vợ tôi bảo tôi như vậy.
– Nhưng làm sao?
– Còn sao nữa! Thời buổi này mà dám viết những bài như thế!
– Thì biết làm thế nào bây giờ?
Như một người làm vườn thành thạo. Vợ tôi bắt đầu xén tỉa bài báo của tôi: bảo tôi bỏ chỗ này, xoá chỗ nọ, thay câu này, chữa câu kia. Vốn không bao giờ dám cãi vợ, nên tôi ngoan ngoãn làm theo lệnh thị.
Một lúc sau thì thằng con tôi bước vào, mặt nhăn nhó:
– Bố ạ!
– Gì con?
– Chỗ này bố viết hơi…
– Hơi làm sao hả con?
– Hơi gay gắt quá…
Tôi trông cái mặt nó như sắp khóc.
– Bố bỏ câu cuối đi bố nhé…
– Nhưng toàn bộ cái ý nhị là ở câu ấy đấy, con biết không?
– Bố cứ vứt quách cái ý nhị ấy đi cho con!
Tôi đành phải vứt. Lát sau lại đến lượt đứa con gái.
– Bố ơi!
– Hử?
– Câu đầu tiên bố viết hơi… ấy quá!
– Ấy quá thế nào cơ?
– Hay bố bỏ câu ấy đi bố nhé!

Chưa hết. Bên cạnh phòng chúng tôi có một ông luật sư già mà tôi quen đã lâu. Chắc vợ tôi hay lũ con có đứa nào sang ton hót với ông ấy về bài báo của tôi và nhờ ông ấy khuyên can, nên chưa viết xong tôi đã thấy ông này mò sang.
– Thế nào, anh lại mới viết bài gì đấy à? – Ông ta vờ làm ra vẻ vô tình hỏi tôi.
Tôi đưa ông ta xem bài báo. Vừa xem, ông ta vừa sửa lại kính và thỉnh thoảng lại khẽ đằng hắng giọng. Bên túi phải của ông lúc nào cũng có cuốn Hình luật, còn túi trái là cuốn Luật báo chí.
– Cái câu này của anh hơi nguy hiểm đấy…theo Hình luật anh có thể bị kết án một năm tù…
Tôi bèn gạch ngay câu đó.
– Cả chỗ này nữa này… cứ theo luật báo chí thì viết những câu như thế anh có thể bị từ hai năm tù trở lên.
Tôi lại xóa luôn câu này.
Nào đã xong! Trong tay ông ta còn cầm cuốn Dân luật và cuốn Luật rừng nữa. Ông giở cuốn này ra xem, là tôi lại phải xóa thêm một câu, giở cuốn khác, lại phải xóa thêm câu khác…
Biết làm thế nào!
Như thế cũng chưa mùi gì! Cái tôi sợ nhất là còn phải đến gặp bố tôi.
– Đến ngay tao bảo đây! – Tiếng ông quát lên trong máy điện thoại.
Tôi vội vàng mang ngay bài báo đến gặp ông.
– Bốn mươi tuổi đầu mà còn dại! Vừa đến ngưỡng cửa tôi đã nghe thấy tiếng bố tôi quát ầm cả phòng.
Sau khi đón tiếp tôi bằng mấy câu như thế, ông đi ngay vào cái chính. Ông cầm bút và bắt đầu gạch lia lịa trên bản thảo của tôi. “Câu này không được. Gạch! Cả câu này nữa. Gạch!”. Lạy thánh Ala! Thật quả bao nhiêu thứ luật pháp trên đời cộng lại cũng không làm tôi sợ hãi bằng bố tôi. Tôi phải vứt ngay khỏi bài báo, không chút chần chừ, tất cả những câu nào bị bố tôi gạch.
Sau đó tôi mang cái bản thảo bị cắt xén trơ trụi đến tòa soạn, nhưng nỗi lo âu đâu phải đã hết!
– Ông có thể làm cho giọng văn mềm đi chút nữa được không? – Ông chủ báo đề nghị tôi.
– Trời ơi! Mềm như bún thế rồi còn mềm vào đâu được nữa! Mềm nữa thì thành cháo à?
– Hay là bỏ câu này đi vậy?
– Bỏ thì bỏ!
– Còn câu này sửa đi một tí nhé?
– Sửa thì sửa

Chắc các bạn tưởng thế là xong phải không? Xin thưa là còn lâu. Dễ xong thế thì ai mà chả làm được anh viết châm biếm. Còn đến lượt ông biên tập nữa chứ!
– Cái chỗ này phải nó thế nào cho nhẹ đi một chút!
– Đúng lắm! Những bao nhiêu cách nói nhẹ nhàng tôi đã dùng hết cả rồi còn đâu?
Tuy vậy tôi và ông ta vẫn cố bóp óc, tìm ra những cách diễn đạt thật nhẹ nhàng hơn. Tìm mãi cuối cùng cũng ra và lại đưa vào bài báo.
– Câu này nghe hơi gay gắt. Hay ta chữa lại thế này nhé!
– Ừ thì chữa!
– Xin lỗi nhé! Còn câu này nữa. Nó chẳng ăn nhập vào đâu cả.
– Thế thì bỏ đi vậy!
Đến đây hẳn các bạn phải nghĩ là chấm hết rồi chứ gì, đúng không nào? Nếu chấm hết được thì đã phúc!… Một giờ sau lại có tiếng chuông điện thoại gọi tôi.
– Anh Haxan đấy phải không?
– Vâng, tôi đây.
– Trong bài báo của anh hình như có các tên Ali thì phải?
– Đúng rồi!
– Thế thì phiền quá, làm thế nào được nhỉ? Vì anh biết đấy. Ngài Ali giữ chức vụ quan trọng ở chỗ chúng tôi…
– Dễ thôi. Thay bằng tên Muxta vậy!
– Ấy chết! Ngài Muxta lại còn giữ chức vụ cao hơn nữa kia!
– Thôi được. Thế thì không nói tên ai nữa vậy.
Lát sau lại có tiếng chuông nữa.
– Có phải anh Haxan đấy không?
– Tôi đây.
– Trong bài báo của anh có nói đến ngày… mà chúng tôi lại vừa nhận của ông ta…
Rút cuộc bài báo còn toen hoẻn đúng một mẩu. Ngày mai nó sẽ được đăng trong mục châm biếm. Các bạn đọc nó chắc sẽ phải bật cười vì nó buồn cười lắm. Mà làm sao không buồn cười khi đọc một bài châm biếm như thế được? Chính tôi còn phải buồn cười nữa là!
Nhưng ngay ngày hôm đó đã có một lá thư gửi đến tòa soạn buộc tôi vào tội vu khống.
QUÀ TẶNG GIÁ TRỊ
Anh bạn Đôgan của tôi đã ba năm nay không làm việc, không lao động gì cả, vậy mà sống vẫn sung túc. Nếu anh là người độc thân hay sống một mình thì tôi cũng chẳng để ý, đằng này anh có đến bốn miệng ăn, mà tất cả đều sống rất đàng hoàng.
Cách đây ba năm anh có vay tôi một nghìn lia, chỉ bốn hôm sau anh mang trả ngay. Mà tôi biết rõ anh không làm ở đâu cả, mà dường như cũng chẳng có ai để lại gia sản thừa kế gì.
Hôm kia tôi nói với anh:

– Lẽ ta tôi không nên hỏi, nhưng vì anh là bạn thân của tôi, một người bạn học cũ, nên tôi cứ hỏi thẳng. Anh đang làm việc gì và anh kiếm tiền bằng cách nào?
Đôgan cười phá lên:
– Tôi chẳng làm gì cả. Tôi là một công chức với đồng lương có 250 lia một tháng, anh biết rồi đấy. Và tôi đã từng túng thiếu như thế nào! Bây giờ tôi không làm viên chức nữa, và ơn Chúa, tôi kiếm được khá – sống không phải tằn tiện gì. Thậm chí còn để dành được.
Một ý nghĩ xấu thoáng hiện trong đầu tôi. Nhưng vì anh là bạn học cũ, nên tôi nói:
– Cẩn thận đấy, Đôgan, đừng có làm gì liều lĩnh!…
– Kh-ô-ô-ng! – anh đáp. – Tôi không làm gì trái pháp luật cả. Anh đừng lo. Mọi việc đều hợp pháp.
– Nhưng dù sao thì anh đang làm gì?
– Chuyện là thế này. Mỗi ngày ở nước ta lại xuất hiện những lĩnh vực hoạt động mới. Người ta làm ra tiền đúng là từ không khí. Và tôi cũng tìm được một nguồn kiếm tiền.
Thấy tôi có vẻ rất tò mò, anh bảo:
– Anh về nhà tôi đi, anh sẽ thấy.
Căn phòng rộng trong ngôi nhà của Đôgan bày la liệt những chiếc đèn bàn, những đồ trang sức nhỏ, những khung ảnh, lọ hoa, nhũng cái đế để bày chậu hoa, những cuốn anbom đắt tiền, ví da, chụp đèn và nhiều thứ đồ khác kiểu như vậy.
– Cái gì thế này, Đôgan? Anh bắt người nhà làm những thứ này rồi anh mang đi bán à?
Nhưng những đồ vật xinh đẹp ấy hoàn toàn không giống những sản phẩm do nhà làm. Để trả lời câu hỏi của tôi, Đôgan chỉ cho tôi xem một mẩu thông báo trong báo.
– Anh hãy đọc cái này đi.
“Hãng chúng tôi ở Oocmêđanư hôm nay hân hạnh phục vụ quý khách. Những người nào gửi 100 lia vào chi nhánh ngân hàng của chúng tôi khai trương ngày hôm nay ở Oocmêđanư, sẽ được tặng những món quà hiếm và giá trị. Ngoài ra,…
Tôi đọc xong mẩu thông báo rồi ngạc nhiên hỏi:
– Thế này nghĩa là gì?!
Anh nhìn đồng hồ rồi nói:
– Thôi, ta lấy xe rồi cùng đi đến quảng trường Oocmêđanư. Đến đó anh sẽ hiểu tôi kiếm tiền bằng cách nào.
Chúng tôi đi đến chi nhánh ngân hàng khai trương ngày hôm đó ở Oocmêđanư. Ngân hàng đông nghẹt các khách mời.
Khắp nơi chỗ nào cũng có lẵng hoa. Một chiếc bàn dài bày ê hề bánh xăng uych, bánh qui, nước chanh, và các loại xi rô.
Đôgan nói:
– Lạy Chúa, anh ăn thoải mái đi, đừng ngại!
Chúng tôi đã ăn no căng bụng, nhưng Đôgan vẫn cứ mời:
– Này, anh làm tôi giận đấy, hãy ăn thêm những viên hạt dẻ tẩm đường này đi!
– Tôi no căng bụng rồi, Đôgan!
– Thế thì uống thêm nước anh đào đi. Hay nước táo, nếu anh thích.
– Này, tôi thề với anh là tôi no lắm rồi!
– Không sao, cứ nếm thử nhũng chiếc kẹo sôcôla nhân hạt điều này đi, ngon lắm!
– Anh mời tôi ăn cứ như ở nhà bố anh vậy!
– Nếu đây là nhà bố tôi tôi cũng chẳng mời anh như vậy! Nhưng thế đã ăn thua gì! Tại các buổi lễ khai trương tôi còn đứng ra làm lễ đính hôn cho năm hay sáu cô gái nghèo.
– Thôi đừng bốc phét

– Tôi thề đấy, tôi đã đứng ra đính hôn thật mà! Tôi dẫn tất cả khách khứa đến dự lễ. Họ ăn uống no say xong tôi đeo nhẫn cưới cho đôi vợ chồng trẻ. Hoa thì đã có sẵn rồi. Rồi tôi còn nhờ anh thợ ảnh chụp cho đôi trai gái đứng giữa các lẵng hoa nữa. Và mọi chuyện rất tốt đẹp. Anh nghĩ xem, tôi đã đem niềm vui cho bao nhiêu chàng trai cô gái! Họ cứ thử đứng ra tự tổ chức lấy xem, tốn hai nghìn lia cũng chưa chắc tổ chức nổi. Sự việc là như thế đấy, anh bạn ạ. Đã ba năm nay tôi hoàn toàn không đi nhà hàng nữa. Anh cứ thử tính xem, mỗi ngày lại có lễ khai trương ít nhất hai, ba chi nhánh ngân hàng mới. Và tại các buổi lễ này tôi tha hồ ăn uống no say. Thậm chí đôi khi tôi còn đưa cả vợ con đến đây cho ăn. Chúng tôi được ăn thỏa thích đến nỗi tối về không buồn ăn cơm nữa. Có lần tôi còn dẫn bạn bè đến ăn nữa.
– Được rồi, nhưng không có ai nói gì với anh sao?
– Làm sao họ nói được? Vì tôi là khách hàng của tất cả các ngân hàng.
– Nhưng dù sao anh đã kiếm tiền bằng cách nào?
– Khoan đã, đừng vội. Anh có ăn bánh kem không?
– Mec-xi!
Có lẽ chúng tôi đều đã ăn và uống quá nhiều. Đôgan dẫn tôi đến góc phòng khách.
– Anh nhìn đi – Anh nói.
Tôi nhìn. Đập vào mắt tôi là chính những đồ vật như tôi đã nhìn thấy ở nhà Đôgan: chụp đèn, bút máy, các đồ trang sức nhỏ, khăn quàng cổ… Người nào gửi vào ngân hàng 100 liađều được đại diện chi nhánh tặng cho những đồ vật rất đẹp ấy làm kỉ niệm.
Đôgan rút trong ví ra mười bảy ngàn lia.
– Ngày mai sẽ lại khai trương chi nhánh mới, – anh nói. – Tôi sẽ giữ lại mười ngàn cho nó.
Rồi anh gửi vào ngân hàng bảy ngàn lia, và cứ mỗi một trăm lia anh lại nhận được một món quà, tổng cộng anh nhận được bảy mươi món quà.
– Thôi! Ta đi thôi
– Khoan đã! Tôi vẫn chưa hiểu gì cả! – Tôi nói.
Anh bắt đầu tính cho tôi nghe giá trị từng món quà:
– Cái lọ hoa này giá mười lia.
– Ai bán cho anh mười lia, - tôi nói. – Thậm chí hai mươi lia cũng chẳng mua nổi.
– Đó là khi anh mua, còn khi anh bán phải tính một nửa giá thôi. Hơn nữa tôi bán không mặc cả. Hai chiếc khăn len này mỗi cái được mười lăm lia - tổng cộng ba mươi lia. Còn những chiếc ví này, nếu mỗi cái bán hai lia rưỡi sẽ được bảy lia rưỡi.
Anh định giá cho mỗi món quà rồi cộng lại.
– Tổng cộng tôi sẽ được lãi 280 lia từ đống quà này. Còn sáng nay tôi đã đến dự lễ khai trương một chi nhánh mới. Ở đó tôi kiếm được 130 lia. Vị chi một ngày tôi kiếm được 410 lia. Hôm nay vẫn còn là ít. Có hôm tôi còn kiếm được sáu, bảy trăm lia.
– Thôi được, cứ cho là anh sẽ bán được số quà này, nhưng anh lấy đâu ra tiền để gửi vào mỗi chi nhánh mới mở hàng bảy, tám nghìn lia một lúc?
– Không cần phải có nhiều tiền như thế! Cả thảy tôi có hai mươi ngàn lia. Tôi gửi tiền vào một ngân hàng. Ba ngày sau tôi đến và rút nó ra. Còn tiền bán các món quà coi như là tôi được lãi. Sau đó tôi lại dùng số tiền mới rút ra ở một chi nhánh, gửi vào một chi nhánh mới khai trương.
– Một công việc dễ dàng.
– Không đâu, ông bạn ơi, không dễ dàng chút nào. Nhiều lúc, có ba, bốn ngân hàng cùng khai trương một lúc… và tôi không kịp!
– Nhưng nếu người nào cũng làm theo cách của anh thì tất cả mọi ngân hàng sẽ sập tiệm hết!

– Sẽ không xảy ra chuyện gì cả. Hơn nữa tôi đâu có rút toàn bộ số tiền. Làm như vậy sợ không tiện, nên tôi để lại một lia trang tài khoản. Nói ví dụ, ngân hàng này có ba mươi chi nhánh ở Stambul, và ở mỗi chi nhánh tôi để lại một lia. Thế là các ngân hàng khi cho quay vòng những đồng lia ấy họ sẽ thu lợi rất nhiều. Toàn bộ vấn đề là ở chỗ biết quay vòng đồng tiền. Bây giờ tôi phải đem những thứ này ra chợ Capalư bán. Phải giải phóng bớt đống hàng này.
Khi tôi đang chuẩn bị bước ra khỏi tăcxi, chiếc đài ở trong xe phát đi lời quảng cáo của một ngân hàng nào đó:
“Ngày mai chúng tôi khai trương chi nhánh mới ở Karadjaakmêđê. Mỗi khách hàng gửi vào ngân hàng 100 lia sẽ được tặng một món quà giá trị. Xin mời! Xin mời!”
XIN MỜI ĐẾN GIẢI TRÍ
Bốn người chúng tôi cùng đến xin việc tại một toà soạn báo.
Người thứ nhất là một học sinh kém may mắn, hai mươi mốt tuổi, nhiều lần không sao lên nổi lớp mười một.
– Không, con không thể làm nghề gì được, – một hôm người bố cậu ta giận dữ tuyên bố. – Đành cố gắng trở thành nhà báo vậy!
Người thứ hai không có bố. Chỉ có một người mẹ già nua mà một lần cậu ta đã dùng vũ lực lấy đi của bà số tiền trợ cấp goá phụ ba tháng và tiêu sạch trong ba ngày. Một ngày nọ bà mẹ già không chịu nổi nữa và nguyền rủa con trai:
– Cầu xin thánh Ala nghe thấu lời nguyền của tôi! Mong sao cho thằng con tôi sống lay lắt được!
Đó là những lời nói cuối cùng của người đàn bà bất hạnh, mà sau khi nói bà đã qua đời ngay trước mắt của đấng Tối cao, vì chỉ đến lúc đó lí trí mới trở lại với đứa con bất hiếu.
– Từ trước đến nay tôi chưa bao giờ nghe lời khuyên của mẹ tôi, – hắn nói. – Bây giờ tôi sẽ thực hiện lời trăn trối trước lúc chết của bà. Mong sao linh hồn bà ở bên kia thế giới được an ủi.
Để kiếm sống được lay lắt hắn quyết định trở thành nhà báo.
Người thứ ba trong số chúng tôi bị đúp hai năm liền về môn tiếng Thổ, sau đó để trả thù thầy giáo của mình, y quyết định trở thành nhà văn vĩ đại và xin vào làm cho một tờ báo.
Còn về phần cá nhân tôi, tôi chọn nghề làm báo là nghề phù hợp nhất với khả năng của tôi, bởi vì tôi là một trong số những kẻ đi đâu cũng khoe mình là người có thể làm được mọi việc, mặc dù thực tế tôi là người chẳng làm được trò trống gì.
Bốn chúng tôi được toà soạn nhận cho làm tập sự. Nghĩa là làm không ăn lương. Và người nào trong số chúng tôi tỏ ra cần cù và có khả năng mới được người ta hứa nhận vào làm chính thức.
Thế là giữa chúng tôi xảy ra một cuộc ganh đua ngầm khốc liệt.
Cuối cùng một trong số bốn chúng tôi được nhận vào làm chính thức với mức lương sáu trăm lia một tháng. Sau đó mới vỡ lẽ số tiền lương này thực ra không phải tiền do ông chủ bút trả, mà là tiền do người bố của tay học trò bất tài kia trả.
Người ta không nói cho hắn biết, nên hắn cứ nghĩ rằng hắn nhận được tiền của ông chủ bút. Tác giả của toàn bộ sự xếp đặt này là bố của cậu học trò nọ, người muốn hi vọng bắt cậu con trai mình tin rằng dường như cậu ta cũng có khả năng nào đó. Và chính cái “khả năng” ấy đã là nguyên nhân khiến ba người còn lại chúng tôi trở thành những kẻ “không có khả năng” và được lịch sự mời ra cửa.
Cả ba kẻ bất hạnh chúng tôi cùng ngồi trong quán cà phê và bắt đầu vắt óc suy nghĩ xem nên làm gì bây giờ.
– Rồi các anh sẽ thấy, – một người đồng học của chúng tôi lên tiếng, chính cái anh chàng bị đúp về môn tiếng mẹ đẻ. – Vào một ngày nào đó tôi sẽ trở thành nhà văn Thổ Nhĩ Kì nổi tiếng.
– Còn tôi sẽ trở thành nhà viết tiểu thuyết lừng danh! – Anh thứ hai tuyên bố.
– Còn cậu sẽ trở thành ai? – Hai người hỏi tôi.
– Tôi cũng sẽ được nổi tiếng về cái gì đó…
Một tay đầu óc tối tăm nhất trong số chúng tôi phán:
– Muốn trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng cần phải hiểu biết cuộc sống, cần quan sát và tìm hiểu nó. Mà chúng ta thì không biết gì cả về con người lẫn cuộc sống.
Rồi hắn kể một nhà văn Mĩ nhiều năm trời làn nghề đi tìm vàng.
– Nếu vậy, chúng ta cũng đi tìm vàng, – tôi đề nghị.
– Còn một nhà thơ Pháp nổi tiếng nọ đã hành nghề cha cố, – hắn kể tiếp.
– Nếu thế, chúng ta cũng đi làm cha cố.
– Còn một nhà văn vĩ đại nữa đã từng làm người chăn lợn.
– Rất hay! – Tôi kêu lên. – Chúng ta cũng đi chăn lợn.
– Đã đành thế rồi, nhưng ở nước ta không có vàng, không có cha cố và cũng chẳng có lợn.

– Bây giờ mới vỡ nhẽ tại sao ở Thổ Nhĩ Kì không có các nhà văn vĩ đại. – Tôi thở dài tiếc rẻ. – Không có môi trường thích hợp cho nghệ thuật: không cha cố, không vàng, không lợn! Chúng ta đã sinh ra trong đất nước khô cằn! Thử hỏi như thế làm sao trở thành những nhà văn vĩ đại được?

Cuối cùng chúng tôi quyết định trở thành chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau để có dịp gần gũi hơn với cuộc sống và con người.
Một người trở thành kẻ buôn lậu. Đúng hơn là muốn trở thành nhưng không kịp. Hắn bị tóm ngay vào ngày đầu tiên thử tay nghề và bị nhốt sau song sắt nhà tù.
Người thứ hai đeo bộ râu giả, định đi ăn cướp tiệm kim hoàn, nhưng vì tiệm này đã bị cướp sạch trước đó một giờ đồng hồ, nên anh chàng tội nghiệp đã bị bắt oan khi chỉ có một mình trong tiệm vàng. Trên thực tế chưa kịp gây tội ác nào cả, nên kẻ bị bắt oan sợ mang nỗi nhục đã tự kết liễu đời mình – nói tóm lại là đã hi sinh cho việc tìm hiểu cuộc sống.
Trong số ba người chỉ còn lại mình tôi là kiếm được một nghề đích thực. Và chuyện đó đã xảy ra như sau.
Tôi đang ngồi trong quán cà phê ở Bâyôg, buồn bã suy nghĩ xem có cánh nào kiếm cái gì nhét vào bụng. Vì suốt cả ngày tôi chưa có hột cơm nào. Tôi có cảm giác như sắp bị ngất xỉu vì đói.
– Cậu làm sao thế, anh bạn trẻ? – Một người ngồi bàn bên cạnh lên tiếng hỏi. – Sao bụng lúc nào cũng sôi lên ùng ục thế?
Tôi kể cho anh ta nghe những chuyện không may của tôi.
– Tôi có thể cho anh một công việc. Anh có làm được không?
– Tôi làm được. Nhưng tôi phải làm gì?
– Làm nhiệm vụ đánh đấm những kẻ say rượu. Anh sẽ làm vệ sĩ cho quán rượu của tôi.
– Cụ thể là thế nào ạ?
– Từ chín giờ tối đến ba giờ sáng anh phải ngồi ở góc quán rượu. Nếu có khách nào bắt đầu gây gổ khi người ta đưa phiếu thanh toán, anh hãy tóm cổ hắn mà nện thật lực.
Để các bạn hiểu được sự hài hước của lời đề nghị này, tôi xin kể qua một chút về bản thân. Đến thời điểm ấy tôi đã trải qua đúng hai mươi ba thứ bệnh, mà nhiều người trong các bạn hẳn biết rõ: bệnh viêm phổi, ho gà, lên sởi, sốt phát ban, bạch hầu, sốt rét, bệnh hen.v.v… Tôi không nhớ có lần ẩu đả nào mà tôi không bị đánh thừa sống thiếu chết. Vào cái ngày mà tôi cảm thấy khá nhất, trong người tôi nếu không bị sổ mũi, hoặc cúm, thì cũng bị đau răng hoặc đau tai. Chiều cao của tôi là một mét sáu. Lúc đói tôi cân nặng bốn hai kilô.
Tôi nói với ông chủ quán bar:
– Giá ngài bảo tôi: “Hãy bay như chim đi, ta sẽ cho anh ăn!” – Tôi sẽ trả lời: “Được, tôi sẽ bay!” Nhưng bảo đánh người thì thú thật, tôi không thể! Một đứa trẻ con bú mẹ cũng có thể nhấc bổng tôi được. Tôi chỉ sợ làm nhục cho quán bar của ngài thôi.
– Công việc này đúng là phù hợp với anh, – ông chủ quán cười. – Đúng là việc cho loại người như anh.
– Nhưng làm sao tôi có thể đánh ai được? Chỉ cần một chiếc xe tải đi ngang qua tôi đã có thể ngã lăn xuống đất rồi.
– Chuyện vặt! Hãy làm theo những gì tôi bảo anh, mọi chuyện sẽ đâu vào đấy. Vệ sĩ trong quán rượu không cần sức mạnh. Khi người ta ra lệnh cho anh “Hãy nện cho gã kia một trận!” – Anh chỉ việc đến gần hắn ta mà nện.

Tôi nghĩ thầm: Vẩy vẩy điếu thuốc, tôi tiến lại gần ông khách đang tiếp tục làm o “Chắc chắn mình sẽ bị ăn đòn. Cùng lắm mình sẽ bỏ chạy. Tìm hiểu cuộc sống và con người đâu phải đơn giản, một khi anh muốn trở thành nhà văn vĩ đại!”

Tôi chấp nhận lời đề nghị và trở thành vệ sĩ của quán bar “ Chinchin”. Ngay tối hôm đó ông chủ dẫn tôi đến quán rượu của ông và đặt tôi ngồi ở chỗ giữa dàn nhạc và quầy rượu. Cảm thấy máu bốc lên mặt, tôi hỏi ông ta:
Ngài cho tôi ăn chút gì đó và trừ vào lương sau. Tôi chết vì đói mất!
– Trong khi chưa làm việc, anh chưa được nhận thứ gì cả.
Ngay sau khi ăn no rồi chưa chắc tôi đã đánh được ai, huống hồ bụng lại đang đói cồn cào.
– Ngài trả lương tôi bao nhiêu? – Tôi hỏi ông chủ quán. – Và trả như thế nào, theo tháng hay theo tuần?
– Tôi không biết anh sẽ được bao nhiêu. Vì tôi sẽ trả lương anh theo sản phẩm. Anh đánh được càng nhiều khách thì kiếm được càng nhiều tiền. Cứ mỗi trận đánh tôi trả anh hailia rưỡi.
Vậy là người ta tạo cho tôi khả năng làm giàu nhanh: thậm chí nếu không phải tôi đánh người ta, mà ngược lại tôi là người bị người ta đánh.
Dàn nhạc bắt đầu chơi bản nhạc Jaz. Quán rượu dần dần đông khách. Các cô gái cười khúc khích, nũng nịu với khách hàng, thì thầm, õng ẹo. Phần khiêu vũ bắt đầu. Còn tôi thì sắp sửa quỵ vì đói.
Gần mười một giờ có tiếng huyên náo tại một bàn. Tôi run như cầy sấy, vì cảm thấy sắp gặp chuyện chẳng lành.
– Sao, chúng tôi đang ở trong rừng hay một ngõ phố tối tăm đây?! – Một ông khách hét lên. – Ăn cướp của người lương thiện hả? Đưa thứ rượu chua loét thay cho rượu sâm banh mà tính những năm mươi lia các anh không thấy xấu hổ sao? Quân đểu!
Ông chủ nháy mắt ra hiệu cho tôi.
– Ngài bảo gì ạ? – Tôi hỏi.
– Ra cho nó một trận.
Cái gã hộ pháp mà tôi phải ra cho một trận to gấp ba tôi. Tôi không tin rằng quả đấm của tôi có thể tới được bụng hắn.

– Cầu trời giúp đỡ con, – tội vừa đứng lên vừa khấn thầm. – Lạy Đấng Ala toàn năng, tất cả đều trong tay Người! Xin Ngài hãy ban cho kẻ nô lệ gảy còm này sức mạnh của tráng sĩ huyền thoại Kodgi – Yuxuf.
– Vệ sĩ đang đến kìa!
– Vệ sĩ tới rồi!…
Tôi vừa đi vừa cố tỏ ra vẻ bình tĩnh, tự tin, mặc dù tôi biết rằng chắc chắn tôi không tránh khỏi một trận đòn. Và đây: tôi dừng lại trước gã khổng lồ. Làm sao mà đánh được hắn đây? Tôi thậm chí với không tới mặt gã.
Tôi nói:
– Nào, ngồi xuống đi, nhà ngươi!
Gã khổng lồ ngồi xuống ghế. Tôi dí điếu thuốc lá vào sống mũi hắn, giữa hai lông mày, và dụi dụi.
Chắc phải đau lắm. Gã khổng lồ rú lên với giọng đau đớn:
– Ôi-ôi-ôi!…
– Mi muốn rú hả?! Tôi hỏi. – Ta sẽ bẻ gãy cổ ngươi!
– Tôi có nói gì không phải đâu, đại ca?
– Mi cứ thử la hét nữa đi! Chán sống rồi hay sao hả? Cái đồ không biết điều!
Tôi tát cho hắn mỗi bên má một cái, rồi xoay lưng, oai vệ đi về chỗ của mình.
Tiếng nhạc Jaz lại cất bên – Các vũ điệu lại bắt đầu. Một lúc sau ông chủ quầy bar tiến lại chỗ tôi.
– Anh thấy đấy, công việc rất nhẹ nhàng.
– Nhờ ơn thánh Ala! – tôi khấn thầm. – Ông cho tôi hai lia rưỡi đi.
– Tiền nong tính sau. Nếu muốn, anh có thể uống chút gì từ số hai lia rưỡi ấy!
Tôi đến quầy và yêu cầu cô bán hàng cho hai li rượu nhẹ.
Uống xong tôi thấy xa xẩm mày mặt, vì tôi đang đói lả người.
Từ một chiếc bàn có tiếng hét và tôi đi ngay đến đó. Lần này tôi nhìn thấy không phải một, mà hai người. Tôi cho mỗi tên một cái tát.
Tối hôm đó tôi nện được bốn gã. Đến ba giờ sáng khách đã yên và sau khi trừ đi tiền rượu tôi nhận được bảy lia rưỡi.
Tối hôm sau tôi lại đến làm. Lần này tôi đánh được sáu gã.

Trong tay tôi có điếu thuốc lá đang cháy. m xòm. Trong lúc tôi bước qua các dãy bàn, từ bốn phía vẳng lại những tiếng xì xào:

Tóm lại, bây giờ cứ mỗi tối tôi lại bợp tai những gã say rượu và được tiền vì chuyện đó.
Một vài gã không chịu thôi sau hai-ba cái bợp tai. Những gã như vậy bị tôi kéo xuống dưới hầm sau quầy rượu và dùng gậy đập cho một trận nữa.
Vì khao khát kiếm được nhiều tiền hơn, nên tôi sốt ruột đưa mắt đảo quanh các bàn, xem có gã nào bắt đầu gây mất trật tự hay không. Có những hôm không có kẻ nào gây gổ cả và tôi không nhận được đồng nào. Và những đêm như thế chỉ cần có khách hàng nào cười hơi to một chút là tôi lập tức xông đến quát ngay:
– Làm cái gì thế, đây là nhà nhà anh đấy hả? – Rồi không cần lôi thôi gì nữa tôi đập cho kẻ nạn nhân vô tội kia một trận.
Trong những trường hợp như vậy ông chủ chỉ trả tôi một lia. Nhưng cho dù ông ta không trả tôi xu nào đi nữa, thì tôi vẫn tìm cớ tẩn cho khách một trận cốt để luyện cho quen tay.
Ngoài ra, tôi đã quen với công việc này và ham đến nỗi lâu không có ai để đánh tôi thấy buồn bã và bực bội trong người.
Thú thật, chính tôi cũng lấy làm ngạc nhiên về sự dũng cảm và bạo gan của mình. Làm sao một kẻ như tôi bỗng dưng trở thành kẻ chuyên đi đánh người được mới lạ chứ! Dần dần tôi càng tin tưởng vào sức mạnh của mình.
Có một đêm, một trong ba khách hàng ngồi ở cái bàn cạnh cửa sổ, bắt đầu làm ầm ĩ. Hai người bạn cùng bàn cố khuyên anh ta giữ trật tự nhưng không được. Tôi ngó nhìn tên đó và tim tôi bỗng thắt lại vì sợ. Đó không phải là người, mà là một gã đại lực sĩ một quả núi. So với hắn thì tất cả những gã bị tôi đập từ trước đến nay đều không thấm vào đâu.
Tôi đến gần gã vừa gây huyên náo, lấy chân đá vào bụng gã một cái. Hắn rống lên như bị cắt tiết. Tôi lại đá cho hắn một cái nữa vào đít. Rồi cái nữa, cái nữa.
Gã say rượu càng gân cổ gào to hơn. Cái ghế gãy tan, còn gã thì gào càng to hơn. Tôi cầm lấy cái chân ghế gãy và khua khua trước mặt ba tên.
– Cút khỏi đây nhanh lên, lũ chó!
Bọn chúng ngoan ngoãn chạy như vịt. Tôi dồn cả ba tên xuống dưới hầm – rồi dùng gậy đập cho gã khổng lồ một trận tơi bời. Hắn đổ phịch xuống sàn. Tôi quay về phía hai thằng bạn hắn.

– Xin đại ca nương tay, – một trong hai tên kêu lên. – Chúng tôi không có lỗi gì. Bản thân tôi chưa bao giờ đến những quán như thế này. Cái thằng cha bê tha ấy ngày nào cũng tán tỉnh tôi: “Tối hôm nay chúng mình đi giải trí đi…” Tôi không hiểu tại sao hôm nay tôi lại đồng ý. Ở bất cứ quán nào chúng tôi đến hắn đều tìm cách gây chuyện lộn xộn. Chúng tôi phải vất vả lắm mới kìm được hắn. Nhưng hôm nay đến quán của đại ca chúng tôi không sao giữ nổi hắn.
Tên khổng lồ đang nằm bất tỉnh trên sàn nhà bỗng tỉnh lại và bắt đầu lớn tiếng văng tục. Tôi đuổi mấy tay bạn của hắn ra ngoài và cầm lấy gậy. Hắn một lần nữa gục xuống bất tỉnh, nhưng một lát sau lại tỉnh lại và lại bắt đầu gào lên. Đến nửa đêm tôi đã làm cho hắn gần như quỵ hẳn. Khi trời sáng gã hộ pháp lại đứng dậy và tôi lại giơ tay với chiếc gậy. Nhưng thoắt một cái hắn giằng cái gậy khỏi tay tôi và xông ngay vào tôi. Lạy Đấng Ala toàn năng! Mấy ngón tay của hắn như những cái gọng kìm, chộp một cái là như nứt ra một miếng thịt. Tôi cảm thấy hắn sắp sửa dẫm bẹp tôi như con gián. Hắn tóm lấy gáy và quật tôi ngã xuống đất. Tôi hét muốn vỡ cả cổ. Sau đó bị ngất đi. Và tiếp theo xảy ra chuyện gì tôi không còn biết nữa. Tôi nằm bất tỉnh mất ba ngày liền. Một tuần sau mới mở được mắt. Một tháng sau mới hơi nhúc nhích được người, và hai tháng sau mới đứng đậy được.
Tôi đến quán rượu. Ông chủ nhìn tôi vẻ đầy tức giận:
– Công việc của anh không đáng một xu. Hãy lấy nốt tiền công rồi xéo đi!
– Có chuyện gì vậy, – tôi hỏi. – Tám tháng trời tôi đánh người rất tốt mà – Thôi đừng khoác lác nữa, – ông chủ đáp. – Anh nghĩ là anh đánh được các khách hàng của chúng ta à? Chẳng qua họ muốn đến đây để giải trí, và cuối cùng muốn bị ăn đòn cho thật sướng. Không bị ăn tát thì còn đâu là vui nữa! Vì nếu anh không cho bọn say sưa ấy ăn tát, thì bọn chúng thế nào cũng sẽ đập đầu vào tường, đá chân vào cột điện thoại đến chảy máu, hay ngã vập mặt xuống mặt đường nhựa. Người vệ sĩ thực thụ chỉ đánh gã say rượu khi nào hắn đang thích thú. Lẽ nào có thể đánh gã vào buổi sáng, lúc hắn đã tỉnh lại? Đồ con lừa! Hãy cảm ơn số phận vì khách hàng đã không cho anh về chầu ông bà ông vải.
Rồi ông chủ đuổi việc tôi.
Do nắm được toàn bộ bí quyết của nghề nghiệp, tôi sang quán bên cạnh và được bố trí làm đúng việc như vậy.
Bây giờ, cũng như trước đây, tôi hoàn tất niềm vui cho những kẻ đến quán chúng tôi giải trí bằng những trận đánh đập. Nhưng khi nào những gã say đó tỉnh rượu là tôi chuồn ngay tắp lự.
Hôm qua ông chủ cũ của tôi ghé đến quán chúng tôi. Được lắm, đến đây biết điều thì ngồi im, giữ cho lịch sự. Nhưng không, ông ta bắt đầu làm om sòm. Tôi đẩy ông chủ cũ của tôi xuống hầm và nện cho ông ta một trận nên thân. Khi ông ta tỉnh lại là tôi chuồn thẳng.
Bây giờ tôi đã kiếm được những khoản tiền lớn.
Mấy ngày nữa tôi định xin nghỉ phép, và nếu thánh Ala muốn, tôi cũng sẽ đi giải trí một tối cho thật đã đời.
CÁCH TÌM THỦ PHẠM

Các viên chức cảnh sát của nước Panacôrigia đang thực tập tại khóa huấn luyện của Cục điều tra liên bang Mỹ. Tháng cuối cùng của đợt huấn luyện ở 6 tháng này, dành để thực tập sử dụng một thành tựu mới nhất của khoa hình phạm học, gọi là “Máy phát hiện nói dối”. Ngài Hari Oenxơ, giảng viên của lớp học, nói với sáu viên cảnh sát Panacôrigia đang lắng nghe ông một cách hết sức chăm chú:
– Thưa các ông! Đề tài buổi học hôm nay của chúng ta là “Máy phát hiện nói dối”, một công cụ hỗ trợ đắc lực cho cảnh sát trong việc điều tra, phát hiện. Chiếc máy do các nhà khoa học Mỹ sáng chế này sẽ làm cho công việc của chúng ta được giảm nhẹ đi rất nhiều. Chẳng hạn, có 10 người chúng ta tình nghi là thủ phạm gây ra tội ác. Khi gần chiếc máy này lần lượt vào từng người và tiến hành hỏi cung, máy sẽ phát hiện được những lời khai dối trá, và do đó, giúp ta tìm ra đúng thủ phạm.
Ngài Hari Oenxơ ra lệnh mang “Máy phát hiện nói dối” đến rồi nói tiếp:
– Như các ông thấy đấy, chiếc máy nhỏ này gồm có bốn đồng hồ kiểm tra. Bây giờ chúng ta sẽ thí nghiệm chiếc máy này với một phạm nhân.
Người ta dẫn một người đàn ông cao khoảng 1m92, ăn mặc hết sức sang trọng vào phòng, cho ngồi vào một chiếc ghế. Giảng viên Hari Oenxơ giải thích:
– Một cái đồng hồ ta sẽ cắm vào rốn phạm nhân, cái thứ hai nối vào tim, cái thứ ba vào đầu, và cái thứ tư vào xương cụt. Ta đã biết rằng các phản ứng của con người được biểu hiện rõ nhất là ở bốn điểm đó. Nếu phạm nhân khai không đúng thì vùng rốn của y sẽ có mồ hôi toát ra và máy sẽ phát hiện được ngay lập tức, vì nó có khả năng phản ứng rất nhạy đối với bất kỳ hiện tượng chảy mồ hôi nào, dù rất ít và kín đáo, kể cả những trường hợp chảy mồ hôi mà mắt thường không thể quan sát được. Đồng thời kim của đồng hồ đo tim sẽ nhảy lên, kim máy đo não sẽ vạch ra một đường vòng cung, còn chuông của máy nối với xương cụt sẽ reo khi phạm nhân bị kích thích mạnh. Bằng cách đó ta có thể kết luận một cách chính xác kẻ bị tình nghi có tội hay vô tội.

Thưa các ông! Bây giờ ta bắt đầu tiến hành thí nghiệm. Tội nhân mà chúng ta sẽ dùng để thử chiếc “máy phát hiện nói dối” này là Fara Puasinô, một công dân Mỹ gốc Ý. Bố đẻ ra cụ cố ông ta, bị kết án về tội ăn cướp tàu biển, tội đồng lõa với các âm mưu của bọn cướp và tội cưỡng bức ba đồng bọn của mình ngồi lên một cái cọc nhọn, sau đó đã bỏ chạy sang Mỹ và được công lý và pháp luật ở đây che chở. Con người hăng hái ấy, sau khi đã giết tám người bạn cùng đi tìm vàng với mình thì bị hạ sát bởi tay người thứ mười, có để lại một người con trai, tức ông nội ngài Fara Puasinô của chúng ta đây, khiến cảnh sát Mỹ vẫn còn có việc làm. Fara Puasinô phạm tội ác đầu tiên năm 13 tuổi trong một vụ ăn cướp nhà dây thép. Sau khi bị giam hai năm ở trại cải huấn, bị cáo tham gia hoạt động trong các đảng cướp Ancapôn và Đilinbghe, mở một sòng bạc, rồi chuyển sang hoạt động một mình, trở thành thủ lĩnh của một đảng cướp có mạng lưới tay chân rải khắp bang Chicagô. Tính đến nay Fara Puasinô đã bắt cóc 4 trẻ em và 20 phụ nữ, ăn cướp gần 100 nhà băng, buôn hàng lâu, gây ra hai vụ án mạng, chuyên buôn bán phụ nữ da trắng. Trở về già, lúc đã mệt mỏi vì các hoạt động làm ăn bất chính và sau khi đã nghỉ ngơi bốn năm ở trại giam Xing Xing, Fara Puasinô bước vào con đường làm ăn lương thiện và trở thành một trong những nhà kinh doanh nổi tiếng của Mỹ. Ông có hẳn văn phòng riêng ở phố Uôn, làm chủ một tờ báo và ba tạp chí, làm giám đốc hãng chế tạo thép từ sắt tây và là hội viên của bốn ông ty khác. Ngoài ra ông còn có cổ phần trong nhà băng mà trước đây ông đã từng ăn cướp.
Một cảnh sát Panacôrigia hỏi ngài Hari Oenxơ:
– Thế bây giờ ông Fara Puasinô bị kết tội gì?
Ngài Hari Oenxơ đáp:
– Ông ta phạm tội đã phóng ô tô với tốc độ 121 cây số giờ ở đoạn đường cấm phóng nhanh quá 120 cây số giờ.
Các cảnh sát Panacôrigia háo hức đợi nghe thuật lại một tội ác gì rùng rợn, nghe nói đến cái tội quá nhỏ nhặt như vậy thì đưa mắt nhìn nhau chưng hửng. Ngài Hari Oenxơ lại nói tiếp:
– Cảnh sát không tìm được thủ phạm, nên chúng tôi cho bắt tất cả những người bị tình nghi đến đây. Nhờ chiếc máy này người ta đã xác minh được là họ không có tội. Bây giờ chúng tôi sẽ làm thí nghiệm cuối cùng với ngài Fara Puasinô này.
Nói đoạn, giảng viên đưa phích cắm vào ổ điện, bật công tắc rồi quay sang hỏi bị cáo:
– Ông Fara Puasinô? Hôm thứ năm, 19 tháng ba, hồi 14 giờ 31 phút 13 giây, ngồi sau tay lái chiếc “Rôn Roixơ” màu xám, bên cạnh cô nhân tình thứ mười bốn của mình là Ana, trong bộ quần áo thể thao màu xanh da trời, với chiếc cà vạt đỏ chấm trắng mà hiện ông đang thắt đây, trên đoạn đường số 159, ông đã phóng nhanh với tốc độ bị cấm là 121 kilômét giờ, có đúng không?
– Không!
Khi Fara Puasinô trả lời “không”, thì lập tức kim của máy đo rốn nhảy lên, kim máy đo tim vạch ra một đường cong, kim máy đo não ghi lại một đường ký hiệu và chuông của máy nối với xương cụt reo vang. Ngài Hari Oenxơ quay lại nói với các cảnh sát Panacôrigia:
– Đấy, các ông thấy không? Fara Puasinô nói dối và máy đã phát hiện ra sự dối trá của ông ta.
Tất cả cảnh sát Panacôrigia đồng thanh bảo:
– Máy này mang sang nước chúng tôi sẽ mất hiệu nghiệm ngay! Hơn nữa các phương pháp điều tra cổ truyền của dân tộc chúng tôi còn tốt hơn cái máy này nhiều?
– Không thể thế được! – Ngài Hari Oenxơ nói. – Máy này dùng ở bất cứ nước nào cũng đều hữu hiệu như nhau hết!
– Nhưng ở nước chúng tôi nhất định nó sẽ mất công hiệu? – Các cảnh sát Panacôrigia vẫn khăng khăng cãi.
Thái độ quả quyết của họ khiến ngài Hari Oenxơ nổi máu tò mò. Ngài bèn xin Cục điều tra liên bang cho nghỉ phép và lên đường sang Panacôrigia. Tại Cục an ninh quốc gia, người ta dẫn một người đến trước mặt ngài Hari Oenxơ. Đúng như cách ngài Hari Oenxơ đưa Fara Puasinô ra giới thiệu với họ, cảnh sát Panacôrigia cũng đưa một tội phạm của mình ra giới thiệu với nhà chuyên gia Mỹ:
– Tên này biệt hiệu là “Sói” Hakiđiki, hắn giết vợ, mẹ vợ, em vợ và hai người hàng xóm. Đây là lời tự thú của hắn…
Ngài Hari Oenxơ chăm chú đọc lời khai của kẻ sát nhân. Quả thực y thú nhận đã giết năm mạng người. Chính tay y đã ký vào bản tự thú.
Các cảnh sát Panacôrigia nói với ông bạn người Mỹ:
– Bây giờ ông hãy dùng cái máy hỏi cung của ông để thử xem hắn khai thế nào?
Ngài Hari Oenxơ bật máy, rồi hỏi phạm nhân:
– Có đúng anh là “Sói” Hakiđiki đã đâm chết vợ, mẹ vợ, em vợ và hai người láng giềng không?
– Không!
Ồ lạ quá! Mấy cái kim đồng hồ không cái nào nhúc nhích. Chuông cũng chẳng thấy kêu.
– Đ..u..ú..ng! – Ngài Hari Oenxơ kéo dài giọng – Quả thật sang nước các ông chiếc máy này không còn công hiệu nữa. Nhưng tại sao vậy nhỉ?
Một cảnh sát Panacôrigia đáp:

– Vì giá sinh hoạt đắt đỏ, dân nước tôi phải thắt bụng chặt quá, nên rốn của họ không thể toát mồ hôi được nữa. Còn tại sao tim không thể đập mạnh hơn được, thì cũng dễ hiểu thôi: dân chúng đã quá quen với ý nghĩ là bất cứ lúc nào cũng có thể được ăn bánh ô tô, tàu điện, hay thậm chí đang ngồi trên tàu, trên xe cũng có thể được về chầu giời, vì đường xá vừa hẹp lại vừa xấu, nên chả còn gì có thể khiến họ sợ. Các câu hỏi của ông đối với họ thì có mùi gì! Họ đâu có thèm hồi hộp! Bây giờ tôi sẽ giải thích để ông hiểu tại sao cái máy đo não lại không hoạt động được! Vì người ta nói dối nhau nhiều quá, nói dối nhau suốt ngày, vợ dối chồng, chồng dối vợ, người bán nói dối người mua, người mua đánh lừa người bán, người thuê nhà nói dối chủ nhà, rồi chủ nhà lại dối người thuê nhà, nghĩa là nói dối nhau tuốt tuồn tuột, người nọ nói dối người kia, thành thử có nói dối thêm một lần nữa trước cái máy của ông thì họ cũng trơ ra… Còn cái xương cụt của họ thì khỏi cần nói! Cứ xô đẩy chen lấn nhau để vào sân vận động, cứ ngồi ê đít xem đá bóng, cứ đấm đá nhau túi bụi để chen vào rạp hát, cứ nhấp nha nhấp nhổm trên ghế băng các công sở để chờ xin việc hết ngày này sang ngày khác, nên xương cụt của họ đã mất hết cảm giác, không còn có phản ứng gì nữa. Nhất là lại đối với các kích thích nhẹ như thế!
Nghe xong những lời giải thích, ngài Hari Oenxơ quay sang hỏi “Sói” Hakiđiki:
– Vừa nãy anh quả quyết rằng anh không có tội. Thế sao trong tờ khai anh lại thú nhận là đã giết năm người, mà lại còn ký tên hẳn hoi?
“Sói” Hakiđiki đáp:
– Cứ để người ta hỏi cung ông xem ông có khai không nào!
Ngài Hari Oenxơ hỏi mấy viên cảnh sát:
– Làm sao các ông tóm được hắn?

– Có gì đâu! – Các cảnh sát trả lời. – Người ta báo cho chúng tôi biết ở một ngôi nhà nọ, trước đó một tuần, có năm người bị giết. Nửa tháng sau khi nhận được tin, chúng tôi lập tức cho người đến điều tra ngay. Lục soát qua loa một hồi, chúng tôi tìm được ngay những cái xác đã thối rữa trên nền nhà. Nhưng hung thủ đã không còn ở đấy. Bởi vì có năm người bị giết, nên chắc chắn phải có người giết họ. Chúng tôi ra thông cáo: “Yêu cầu kẻ nào giết người đến ngay Sở cảnh sát”. Nhưng vẫn không thấy hắn đến. Cho đăng báo: “Truy nã hung thủ” nhưng vẫn không tìm ra. Chúng tôi lại cho dán yết thị khắp nơi: “Ai tìm được hung thủ sẽ được trọng thưởng”, nhưng cũng chẳng ăn thua gì. “Chúng tôi đã thi hành mọi biện pháp có thể thi hành rồi! Bây giờ thì đừng có ai oán trách chúng tôi nữa nhé!” – Chúng tôi bảo như vậy, rồi ra lệnh tóm cổ tất cả những tên nào hơi có vẻ giống thủ phạm. Trong số đó cố nhiên là phải có kẻ giết người. Vì hắn có bay đi đằng trời! Sau đó chúng tôi tiến hành hỏi cung theo phương pháp riêng của chúng tôi. Cuộc hỏi cung chưa kết thúc, nhưng đến hôm nay đã có mười tên thú nhận là đã can tội giết người. Tên này là một trong số đó.
Ngài Hari Oenxơ tròn xoe mắt.
– Các ông có thể thử phương pháp của các ông với tôi được không – Ngài hỏi.
– Tất nhiên là được chứ! – Các cảnh sát trả lời. – Xin ngài chờ một phút. Xin mời ngài? Đây là 8 phòng tra khảo của chúng tôi.
Ngài Hari Oenxơ bước vào căn phòng đầu tiên người ta chỉ. Mười phút sau, từ căn phòng đó vọng ra những tiếng la hét, van xin, khóc lóc, rên rỉ ầm ĩ, xen lẫn những tiếng rắc! Bốp! Chát! Rồi người ta thấy ngài Hari Oenxơ lao ra khỏi phòng như một mũi tên, miệng kêu váng:
– Thôi, khỏi cần vào các phòng khác!
Nhân viên của Cục điều tra liên bang Mỹ vừa thú nhận rằng: chính ông là tên “Sói” Hakiđiki đã đâm chết năm người, và đã ký tên vào bản tự thú.
Các cảnh sát nói với nhà chuyên gia Mỹ:
– Thế là chúng tôi đã tìm được 11 tên giết người. Ông chính là tên thứ mười một!
…Khi chia tay với ngài Hari Oenxơ, các cảnh sát Panacôrigia nói với ông:
– Tìm thủ phạm đối với chúng tôi không khó. Cái khó là làm sao tìm được tội để gán cho họ. Giá các ông phát minh được loại máy có thể giúp chúng tôi tìm ra cho mỗi thủ phạm, dù chỉ một tội gì đó, thì hay quá!.
TẠI SAO NƯỚC TA CHẬM PHÁT TRIỂN

Được sự đài thọ của Quỹ từ thiện Mỹ “Đzatơ”, một nhóm chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Mỹ chia nhau đi các nước chậm phát triển để điều tra xem nguyên nhân tại sao các nước này lại chậm phát triển. Lúc đầu người ta định gọi chuyến đi của họ là “Cuộc đi khảo sát các nước lạc hậu”. Nhưng sau, xét thấy hai chữ “lạc hậu” có thể mang ý xúc phạm, nên để phù hợp với đường lối đạo đức quốc tế mới, và tranh thủ cảm tình của dân chúng các nước này, người ta thay nó bằng mấy chữ “chậm phát triển”.
Theo sự phân công của Quỹ, ông Trânđơ Uity, giáo sư kinh tế, được phái sang nước Thổ Nhĩ Kỳ. Để giảm nhẹ nhiệm vụ cho giáo sư, người ta tìm sẵn cho ông một người ở Thổ Nhĩ Kỳ để khi sang đó ông chỉ việc tìm cách gặp gỡ, tiếp xúc, đặng thu lượm tin tức. Người ấy tức là ngài Xưtcư, một trong những nhân vật có uy tín nhất về lĩnh vực nói trên.
Khoảng hai, ba tháng sau khi đã hoàn thành sứ mạng của Quỹ Đzatơ tại các nước chậm phát triển, tất cả các chuyên gia và giáo sư đều đã trở về Mỹ. Duy giáo sư Trânđơ Uity, đi nghiên cứu nước Thổ Nhĩ Kỳ, là vẫn không thấy trở về, mà lại cũng không có một tí tin tức gì.
Sợ rằng có thể giáo sư bị ốm, Quỹ Đzatơ đã nhờ giới cầm quyền ở Thổ cho biết địa chỉ của ông, và ngày 26 tháng 4 đã gửi cho ông một bức thư. Ngay sau đó Quỹ đã nhận được thư phúc đáp của giáo sư. Quỹ lại gửi tiếp cho giáo sư một lá thư nữa và cũng lại nhận được thư trả lời ngay. Một cuộc trao đổi thư từ thế là đã thiết lập giữa Quỹ và giáo sư. Sắp tới những bức thư này sẽ được in thành một cuốn sách gồm 3 tập, và theo như người ta dự đoán, những tập thư này có thể trở thành một tác phẩm bán chạy nhất, không phải chỉ ở Mỹ, mà ở khắp thế giới.
Một người Mỹ lãnh việc xuất bản những tập thư này vốn là người bạn cũ của tôi. Ông muốn biết ý kiến của tôi về việc này nên đã gửi cho tôi xem bản thảo. Về phần tôi, xét thấy cũng là điều bổ ích, tôi muốn công bố ra đây một vài bức thư trong số đó để các độc giả cùng đọc.
Ngày 24 tháng Tư năm 1958
Ông Trânđơ Uity thân mến,
Tất cả mọi thành viên trong Tiểu ban nghiên cứu các nước chậm phát triển, trừ có ông, đều đã trở về nước. Chúng tôi rất lo lắng vì đã bốn tháng nay không nhận được tin tức gì của ông.
Chờ thư ông.
Gửi ông lời chào trân trọng.
Ngày 28 tháng Tư năm 1958
Thưa các ngài,
Xin cám ơn các ngài về bức thư ngày 24 tháng Từ 1958. Tôi rất buồn vì cho đến bây giờ vẫn chưa thể cung cấp cho các ngài tin tức gì. Suốt 4 tháng trời nay tôi không sao tiếp xúc được với những nhân vật có thể cung cấp những tin tức cần thiết chỉ vì vướng những ngày hội.
Tự thấy chưa được phép trở về nước khi chưa hoàn thành nhiệm vụ mà Quỹ Đzatơ giao phó, nên tôi quyết định ở lại đây cho đến tận bây giờ. Tôi hi vọng có thể gặp được ngài Xưtcư và các đồng lnghiệp của ông ta trong một ngày gần đây.
Người cộng sự trung thành của các ngài.
Ngày 1 tháng Năm năm 1958
Gửi ông Trânđơ Uity
Chúng tôi hi vọng là đã không hiểu nhầm khi nghĩ rằng ông có ý nói đùa, vì không có nước nào mà hội hè lại có thể kéo dài suốt bốn tháng trời được. Vậy chúng tôi mong rằng chậm nhất là sang tháng Năm này ông sẽ gặp được ngài Xưtcư và các đồng nghiệp của ông ta để hoàn tất công cuộc nghiên cứu, và trong thời gian ngắn nhất có thể trở về nước với bản phúc trình đầy đủ về vấn đề tại sao Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn là nước chậm phát triển.
Gửi ông lời chào thành thực.
Ngày 5 tháng Năm năm 1958
Thưa các ngài
Vào ngày 1 tháng Năm, tức là ngày các ngài viết thư cho tôi, tôi vẫn đang tiếp tục đi tìm ông Xưtcư. Nhưng vì Mồng một tháng Năm là ngày Hội mùa xuân của Thổ Nhĩ Kỳ nên tôi không tài nào tìm được ông ta. Nhưng nhất định thế nào tôi cũng đạt được mục đích. Tôi hi vọng sẽ gặp được ông ta vào một ngày nào đó không phải ngày hội.

Trong bức thư trước tôi không có nói rằng hội hè ở đây kéo dài suốt 4 tháng. Tôi chỉ muốn nói rằng suốt 4 tháng trời tôi không tài nào gặp được ngài Xưtcư vì vướng những ngày hội. Xin các ngài lưu ý cho sự khác nhau giữa hai cách nói. Tôi vẫn chưa mất hi vọng và cho rằng có thể gặp được ngài Xưtcư và các bạn của ông ta vào ngày 6 tháng Năm này.
Đồng sự trung thành của các ngài.
Trânđơ Uity
Ngày 18 tháng Năm năm 1958
Ông Trânđơ Uity thân mến
Bức thư ông báo cho biết ngày 6 tháng Năm chắc chắn ông phải gặp được ngài Xưtcư làm chúng tôi hết sức vui mừng.
Nhưng từ đó đến nay không nhận được thêm tin tức gì của ông, chúng tôi lại bắt đầu thất vọng. Chúng tôi nóng lòng chờ thư trả lời của ông.
Quỹ Đzatơ
Ngày 2 tháng Sáu năm 1958
Các ngài kính mến,
Quả thực tôi có báo cho các ngài biết rằng tôi có hi vọng gặp được ngài Xưtcư vào ngày 6 tháng Năm. Nhưng hôm ấy lúc tôi đến chỗ ông ta, thì ông ta đã đi mất, vì ngày 6 tháng Năm ở Thố Nhĩ Kỳ là ngày Hưdưa Iliát1 nên không thể gặp ai ở nhà hay ở sở cả. Tôi có thể để lại cho ông ta tấm danh thiếp và báo để ông ta biết tôi sẽ lại thăm ông ta vào ngày 15 tháng Năm. Nhưng ông Xưtcư gọi điện cho tôi đề nghị hoãn sang ngày khác, vì ngày 15 tháng Năm là “Ngày tưởng nhớ các anh hùng phi công tử trận” và vào ngày đó ông phải đọc một bài diễn văn quan trọng. Sáng 19 tháng Năm, tôi lại gọi điện cho ông Xưtcư để thỏa thuận thời gian gặp nhau, nhưng vì 19 tháng Năm là “Ngày hội thể thao và thanh niên” nên cuộc gặp của chúng tôi lại phải hoãn sang ngày khác. Mong các ngài tin rằng tôi không hề dám lơ là trách nhiệm được giao phó và luôn luôn bám sát dấu vết của ông Xưtcư. Tôi vẫn hi vọng chắc chắn sẽ gặp được ông ta vào một ngày không phải ngày hội trong tháng Sáu này.
Đồng sự trung thành của các ngài
Trânđơ Uity
Ngày 27 tháng Sáu năm 1958
Ông Trânđơ Uity thân mến

Chúng tôi đã nhận được tin mừng của ông báo cho biết rằng chắc chắn ông sẽ gặp được ngài Xứtcư nội trong tháng Sáu này. Nhưng vì tháng Sáu đã sắp hết mà vẫn không nhận được tin gì mới của ông, nên tất cả chúng tôi, những đồng nghiệp của ông, lại lấy làm thất vọng. Chúng tôi đề nghị ông nếu thấy không thể gặp được ông Xưtcư thì hãy tiếp xúc với những người khác để lấy các tin tức cần thiết. Chờ thư ông.
Gửi ông lời chào trân trọng.
Ngày 18 tháng Bảy năm 1958
Thưa các ngài,
Sở dĩ tôi chậm phúc đáp là vì muốn chờ một tin vui để báo cho các ngài. Tôi xin nói ngay để các ngài biết rằng tôi sẽ không từ bỏ quyết tâm gặp bằng được ngài Xưtcư và các bạn bè của ông ta, dù rằng trong vòng vài ngày tới tôi vẫn chưa thực hiện được điều đó. Hôm qua tôi lại đến chỗ ông Xưtcư, nhưng rất tiếc vẫn không gặp, vì từ ngày hôm kia là hội Cuốcban Bai-ram2. Hội này kéo dài bốn ngày, tức là đến ngày 20 tháng Bảy, và trong thời gian này mà tìm gặp ông Xưtcư thì thật là bất tiện. Ngày 1 tháng Bảy, tức là vào hôm tôi nhận được thư của các ngài, chúng tôi đã suýt gặp được nhau, nhưng rất tiếc ngày 1 tháng Bảy lại là ngày hội Cabôta3, nên cuối cùng lại không được gặp. Xin các ngài đừng nghĩ là tôi không nỗ lực trong việc tìm gặp bằng được ngài Xưtcư. Mới hôm qua tôi lại tìm đến nhà ông ta. Nhưng khi biết rằng ngày 17 tháng Bảy là ngày hội tôn giáo Asura, nên tôi lại không dám quấy rầy ông.
Các ngài có khuyên tôi nếu thấy không thể gặp được ngài Xưtcư và các đồng nghiệp của ông ta, thì tìm gặp các nhân vật khác để thu thập tin tức. Thú thực là không phải là tôi không nghĩ đến chuyện đó. Nhưng vì suốt tháng trời nay tôi theo đuổi ông Xưtcư, nên bây giờ, nếu tôi từ bỏ ý định tìm gặp ông ta vào đúng lúc mà tôi cho rằng tất cả các hội hè hầu như đã vãn, thì toàn bộ công sức của tôi coi như là uổng phí. Với lại, xin các ngài chớ quên rằng đi tìm một nhân vật mới để làm quen ở xứ sở này có thể cũng phải mất đến tám tháng.
Vì vậy tôi quyết định bằng bất cứ giá nào cũng phải tiếp tục tìm gặp bằng được ngài Xưtcư vào một ngày nào đó không phải ngày hội. Hi vọng từ nay đến cuối tháng có thể báo cho các ngài biết tin vui.
Trânđơ Uity
Ngày 2 tháng 9 năm 1958
Ông Trânđơ Uity,

Cả tháng Bảy và tháng Tám đều đã qua mà chúng tôi vẫn không nhận được tin gì của ông. Chờ thư ông.
Ngày 10 tháng 9 năm 1958
Thưa các ngài,
Tôi xin thông báo vắn tắt cho các ngài biết về công việc tôi đã làm tháng hai tháng qua.
Như tôi đã nói trong một lá thư trước, ngày 23 tháng Bảy tôi có đến chỗ ông Xưtcư. Nhưng vì 23 tháng Bảy là ngày kỷ niệm công bố bản hiến pháp đầu tiên, nên cho đến tận bữa ăn trưa tôi vẫn không gặp được ông Xưtcư ở công sở. Để khỏi mất thời gian vô ích, sau bữa ăn tôi gọi điện cho ông ta. Ngày 24 tháng Bảy là ngày Hiệp ước Lôdana4. Ngài ta cho tôi biết là ông Xưtcư mắc bận đi dự lễ kỷ niệm. Không để mất hi vọng, tôi quyết định tốt nhất là đến gặp ông ta tại nhà. Và tuần đầu tháng Tám, tôi có đến gặp ông ta vào một buổi tối. Nhưng người ta cho tôi biết là ông đã đi dự dạ hội Hồ-trăn-tử. Ở nước ông Xưtcư người ta trồng nhiều Hồ-trăn-tử, nên mỗi năm một lần lại có dạ hội Hồ-trăn-tử. Ngày hôm sau chúng tôi cũng không gặp được nhau vì trùng vào sinh nhật của bà Xưtcư. Không thất vọng, ba ngày sau tôi lại đến tìm ông ta. Nhưng hôm đó chúng tôi cũng không kịp nói chuyện gì cả, vì ông Xưtcư vội đi đến một ngôi chùa mà ông thuê người ta cầu siêu cho vị thân sinh đã quá cố của ông. Ngày 30 tháng Tám5 lại là ngày Hội chiến thắng, nên tất nhiên tôi cũng không thể gặp ông ta ở công sở. Hôm qua, lúc tôi đến chỗ ông ta, thì được bảo là ông đã đi dự lễ kỷ niệm Ngày giải phóng Idơmia, tổ chức vào ngày 9 tháng Chín. Đợi khi nào ông ở Idơmia về, tôi sẽ tìm cách gặp ông ta ngay. Xin cam đoan với các ngài là không ngày nào tôi để mất hút bóng ông ta.
Gửi các ngài lời chào kính trọng.
Trânđơ Uity
Ngày 8 tháng 10 năm 1958
Gửi ông Uity,
Quỹ Đzatơ quyết định ngừng việc tìm hiểu nguyên nhân chậm phát triển của đất nước mà ông đang ở. Vậy xin cám ơn ông đã có nhiều nỗ lực và yêu cầu ông trở về nước để tiếp tục các nhiệm vụ bình thường.
Quỹ Đzatơ
Ngày 16 tháng 10 năm 1958
Thưa các ngài,

Qua bức thư cuối cùng của các ngài tôi hiểu rằng Quỹ Đzatơ quyết định ngừng việc đài thọ cho cuộc nghiên cứu ở nước này. Nhưng vì không muốn để công sức mà tôi đã bỏ ra suốt gần 1 năm nay phải uổng phí, nên tôi quyết định sẽ sử dụng tài chính của riêng cá nhân tôi để tiếp tục công việc và sẽ nỗ lực đến giọt máu cuối cùng để gặp cho được ngài Xưtcư và các đồng nghiệp của ông. Vấn đề là ở chỗ: chính bản thân tôi giờ đây cũng rất muốn giải đáp được câu hỏi tại sao nước này chậm phát triển, và bằng bất cứ giá nào tôi cũng phải giải đáp cho được câu hỏi đó.
Tuy các ngài đã có thư yêu cầu tôi như vậy, tôi vẫn xin phép được trình bày vắn tắt với các ngài về công việc tôi đã làm ở đây, vì mấy tháng vừa qua tôi vẫn không chịu ngồi im. Mặc dù ngày 15 tháng Chín tôi không gặp được ngày Xưtcư vì vướng vào ngày kỷ niệm Bácbarốt6. Nhưng tôi được thông báo cho biết là đến 27 tháng chín tôi sẽ được yết kiến ngài Xưtcư tại nơi làm việc. Nhưng té ra 27 tháng Chín lại là ngày Hội tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Bao nhiêu hi vọng đành lại phải chuyển sang tháng Mười. Hôm mồng 6 tháng Mười, chúng tôi lại hụt mất cuộc gặp nhau, chỉ vì hôm đó là ngày kỷ niệm giải phóng Xtămbun. Ba hôm sau tôi đến sở của ông Xưtcư thì được biết ông bận kỷ niệm ngày cưới nên không đến sở.
Từ 28 tháng Mười là bắt đầu 3 ngày Hội Cộng hòa. Trong những ngày hội dân tộc này mà đi quấy rầy người khác tất nhiên là một điều ngu ngốc. Đành lại phải chờ đến tháng Mười một. Trong nhưng ngày tới tôi hi vọng sẽ bắt được ông Xưtcư vào giữa hai ngày hội và sẽ trao đổi với ông về vấn đề tại sao nước ông ta lại chậm phát triển như vậy.
Gửi các ngài lời chào trân trọng.
Ngày 2 tháng 10 năm 1958
Ông Uity thân mến,

Từ lâu Quỹ Đzatơ đã thôi đài thọ cho nhiệm vụ nghiên cứu các nước chậm phát triển. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn biết tại sao đất nước mà ông đang ở lại là nước chậm phát triển, và chúng tôi sẽ rất biết ơn ông nếu ông tiếp tục cho chúng tôi biết kết quả những cuộc điều tra của ông.
Gửi ông lời chào kính trọng.
Ngày 18 tháng 10 năm 1958
Thưa các ngài,
Tôi xin thông báo vắn tắt để các ngài biết về những nỗ lực của tôi trong thời gian qua.
Ngày 10 tháng Mười một là ngày Quốc tang7 của Thổ Nhĩ Kỳ. Chờ cho không khí đau buồn đã dịu, ba ngày sau, tức là ngày 13 tháng Mười một, tôi có đến chỗ ông Xưtcư. Nhưng người ta cho tôi biết ông đã đi Ancara dự lễ kỷ niệm ngày dời thủ đô về thành phố này. Một tuần sau thì ông về, nhưng tôi vẫn không gặp được, vì ông đi xem đá bóng. Hôm sau lại là ngày hội Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế. Hội này kết thúc thì lại bắt đầu tháng diệt ruồi. Chương trình hoạt động của năm 1958 như vậy coi như kết thúc. Sang năm mới, tôi hi vọng có nhiều khả năng gặp được ông Xưtcư. Dù khó khăn thế nào tôi cũng quyết tìm gặp được ông vào một ngày nào đó không có hội hè, mít tinh kỉ niệm hay đá bóng đá banh gì cả, và nhất định cuối cùng sẽ tìm hiểu được nguyên nhân vì sao nước ông ta chậm phát triển.
Trânđơ Uity trung thành của các ngài.
Ngày 28 tháng Hai năm 1959
Kính gửi ông Uity
Sau bức thư cuối cùng với nhiều hi vọng và hứa hẹn của ông, chúng tôi không nhận được thêm của ông tin tức gì nữa. Chúng tôi rất lo lắng trước sự im lặng của ông.
Quỹ Đzatơ
Ngày 10 tháng Ba năm 1959
Thưa các ngài,
Năm 1959 đối với tôi là một năm đầy hi vọng. Trong năm nay, nếu thánh Ala phù hộ thì tôi có cơ hội gặp được ngài Xưtcư. Tôi muốn chia xẻ với các ngài niềm hi vọng này. Ngày 1 tháng Giêng tôi không thể đến chỗ ngài Xưtcư được vì là năm mới. Hôm sau tôi cũng không dám quấy rầy ông, vì vướng lễ Đêm Thánh sinh. Tiếp đó là ngày kỷ niệm chiến thắng Inêniu8. Tôi thấy làm phiền ông ta trong những ngày này thì thật là không tiện, nên đành trông mong vào tháng Hai. Ngày 4 tháng Hai là lễ dâng thánh và ngài Xưtcư phải đi lễ. Sau khi xem kỹ lai lịch và biết rằng ngày 16 tháng Hai không có hội hè hay lễ bái gì cả, tôi lại chứa chan hi vọng.

Nhưng thật không may, đúng ngày đó ngài Xưtcư lại được mời đi dự tiệc tại trường học mà trước đây ngài đã từng học. Ngày 22 tháng Hai là ngày Thiên khải của thánh Muhamét. Tôi định ngày mai sẽ lại chơi ngài Xưtcư, nhưng chợt nhớ ra mai là bắt đầu Tháng ăn chay. Nếu có tin tức gì mới tôi sẽ báo cho các ngài biết ngay.
Trânđơ Uity
Ngày 24 tháng Tư năm 1959
Thưa các ngài,
Trong suốt hai năm qua tôi không thể tìm được ngày nào không phải ngày hội để nói chuyện với ngài Xưtcư và các đồng nghiệp của ông ta. Ngày 12 tháng Tư, khi chấm dứt Tháng Ăn chay thì lại bắt đầu Tuần ăn thịt. Đợi vài ngày cho ngài Xưtcư hồi sức sau hai tháng ăn chay, tôi đến thăm ông ta, nhưng người ta cho biết hôm ấy là ngày 23 tháng Tư, tức là ngày Hội trẻ con. Ngày mai tôi sẽ từ giã xứ sở này.

Trânđơ Uity
Sau khi Giáo sư Trânđơ Uity về nước, Quỹ Đzatơ có yêu cầu ông trình bày lại những kết quả điều tra của mình, nhưng giáo sư nói:
– Thưa các vị, mặc dù đã tốn khá nhiều thời gian và công sức, nhưng tôi không sao tiếp xúc được với một nhân vật nào ở xứ sở này cả, vì những ngày hội hè ở đây quá nhiều. Vì thế tôi không thể tìm hiểu được nguyên nhân vì sao nước này chậm phát triển. Tôi không thể nói gì về vấn đề này cả. Tôi chỉ có thể nói rằng chính bản thân tôi giờ đây cũng đang khao khát muốn biết tại sao nước này chậm phát triển.
Bị chú: Tôi đã viết thư cho ông bạn nhà in Mỹ, người đã có nhã ý cho tôi đọc bản thảo tập thư mà tôi vừa công bố cho các bạn xem mấy bức, và khuyên ông ta cho in ngay tập thư đó. Không hiểu liệu ông bạn nhà in đáng kính có thực hiện lời khuyên của tôi hay không.
Chú thích:
1. Tên một vị thánh
2. Cuốcban Bairam – một ngày lễ của đạo Hồi.
3. Hội Cabôta – Dưới triều vua Ôxman, nước Thổ bị các đế quốc lân cận tước mất quyền xây dựng các chiến thuyền chạy dọc bờ biển. Về sau nhờ các đấu tranh giải phóng dân tộc, Thổ đã giành lại được quyền này.
4. “Ngày Lôdana” – Ngày 24 tháng Bảy 1624 tại Lôdân (Thuỵ Sĩ) Thổ Nhĩ Kỳ đã ký với các quốc gia Antanta một bản hoà ước và một bản công ước về việc sử dụng các eo biển Bắc-Hải.
5. Ngày 30 tháng Tám 1922, quân đội của Phong trào giải phóng dân tộc Thỗ Nhĩ Kỳ dưới sự chỉ huy của tướng M.Kê-mand đã đánh tan quân xâm lược Hy Lạp tại Dumlupưma.
6. Bácbarốt (1473-1566). Một tư lệnh hải quân nổi tiếng dưới triều vua Ôxman.
7. Ngày 10 tháng Mười một 1938, là ngày từ trần của Mus-tapha Kêman Atachiuc, người sáng lập và là tổng thống đầu tiên của nước Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ.
8. Ngày 10 tháng Giêng 1921 là ngày Quân giải phóng dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ giành được chiến thắng đầu tiên trước bọn xâm lược Hy Lạp tại Inêniu.
24/9/2015
Aziz Nesin
Đức Mẫn - Thái Hà dịch
Theo https://isach.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXVăn học miền Nam: Tổng quan 3

Văn học miền Nam: Tổng quan 3 Phần 15 Văn học Từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau 1963 người ta có thể ghi nhận nhiều chuyển biến quan...