Thứ Tư, 10 tháng 5, 2023

Thơ Nguyệt Ánh - Niềm yêu mơ vĩnh cửu

Thơ Nguyệt Ánh
Niềm yêu mơ vĩnh cửu

Cầm bản thảo tập thơ Gọi về miền nhớ của tác giả Nguyệt Ánh, tôi đắn đo và suy nghĩ nhiều để viết mấy dòng cho đứa con tinh thần đầu lòng của chị. Không suy nghĩ, đắn đo sao được, khi xuyên suốt tập thơ là cả một thế giới thơ tình yêu với nhiều cung bậc cảm xúc nhớ thương, hờn giận, muộn phiền… trào dâng từ trái tim của một niềm yêu mơ vĩnh cửu.
Nhà thơ trẻ Nguyệt Ánh
Hóa ra, chính cái chữ “Tình” rộng rinh mênh mông kia nên thơ ca viết ra tưởng dễ, song đọng lại hồn người một bài hoặc đôi câu thơ hay quả là khó vô cùng. Thấu hiểu điều đó, nên việc làm “bà mối” bắt nhịp cầu duyên giữa tác giả – một cô giáo dạy Văn làm thơ – với trăm ngàn trái tim độc giả đã và đang yêu giữa cõi người thật khó lắm thay. Bởi lẽ ấy mà tôi băn khoăn mãi, khó khăn nhiều lắm mới đặt bút viết đôi dòng tựa này.
Như đã nói, xuyên suốt 54 bài thơ trong thi tập Gọi về miền nhớ của tác giả Nguyệt Ánh bao trùm một cung điệu tình yêu chứa chan vạn thuở. Đạo Tình Yêu có tín đồ đông nhất, nhưng cũng khổ lụy nhiều nhất, trong đó có nữ tác giả Nguyệt Ánh chăng? Với dăm bài viết cho mẹ, cho em gái, cho con so với số lượng toàn tập chủ yếu là thơ tình yêu quả là không đáng kể, chỉ như chút thanh âm khác lạ rung ngân trong bản đàn tình ái tràn ngập cõi yêu mơ tha thiết. Trạng thái cảm xúc tình yêu trong thơ Nguyệt Ánh phần lớn là nỗi buồn vỡ tan không gì che chắn nổi. Dù không gian nghệ thuật phong phú, xê dịch đến đâu vẫn không ngăn được “niềm đau giông bão”. Một góc phố, một con đường, một biển lớn, một buồng riêng… hiện ra trong hiện thực hay huyễn mộng chập chờn vẫn không xua tan nỗi cô đơn, sầu thương khắc khoải. Tôi nói thế, hẳn bạn đọc cho rằng có gì lạ đâu, những nhà thơ đi trước đã nói cả rồi. Quả là không sai, có điều ta hãy lọc ra trong thi tập này những câu thơ hay, những ý tình và cảm xúc thật sự được cất lên từ điệu hồn tác giả. Ví như cái thi tứ gặp người yêu cũ đi với người khác đã được nhiều nhà thơ khai thác, nhất là các nữ sĩ: “Nếu anh đi với người yêu/ Xin anh hãy nhớ một điều nhỏ thôi/ Con đường ta đã dạo chơi/ Xin đừng đi với một người khác em” (Con đường – Phan Thị Thanh Nhàn). Đến tác giả Nguyệt Ánh, không quá tài hoa và sắc nét như thơ Phan Thị Thanh Nhàn, song cảm xúc thơ chị thành thật lắm, thành thật đến đáng thương; nó đau đớn, phũ phàng quá khiến ta dễ dàng sẻ chia và đồng cảm: “Em vùi mình giấu nước mắt trong mưa/ Xóa tan hết những điều vừa trông thấy/ Anh với người ta đẹp đôi đến vậy/ Em nhận về mình giông bão, người ơi!” (Lối riêng). Cũng chính từ khi thấu hiểu cái “lối riêng” nghiệt ngã ấy, Nguyệt Ánh nhận về mình là người “gánh đa đoan”, muốn bán nhưng lại “sợ trời trêu ngươi” nên đành vác lên thân phận cuộc đời mình nỗi buồn của tình yêu với khối u tình muôn thuở: “Nợ duyên một gánh tròng trành/ Trần gian còn lắm lênh đênh kiếp người” (Gánh đa đoan).
Tập thơ “Gọi về miền nhớ” của Nguyệt Ánh
Điều làm tôi trăn trở, không thể không nói đôi lời về các bài thơ “nửa già nửa non” trong thi tập. Đó là các thi phẩm Mắc cạn, Gọi về miền nhớ, Trách trời mưa, Một chút cho đời, Buôn Hồ dấu yêu… Quả vậy, tác giả Nguyệt Ánh có những bài thơ tình thoáng nhìn non vụng, nhưng tình ý lại thẳm sâu. Người làm thơ thành danh sẽ nói “sến”, nhưng không có cái “sến” ấy làm sao đo được một tấm lòng yêu, một cảm xúc nỉ non, van lơn đến tột cùng của nỗi đớn đau tưởng chừng khánh kiệt: “Mình buông tay anh nhé/ Như sen rũ mùa hè/ Không còn vương nắng hạ/ Vắt kiệt rồi tiếng ve” (Mình buông tay anh nhé). Cái cụm từ “anh nhé” hơi “sến”, nhưng cái tình thật của người làm thơ thì không chê đâu được. Đó là những câu thơ dung dị, rất đỗi bình thường song lại ẩn chứa một nỗi niềm mênh mang, khắc khoải. Bạn sính chữ nghĩa, tôi sính cái tình thật, biết sao giờ? Có lẽ nhờ đó mà tôi nghĩ rằng, với người đọc “bình dân”, họ sẽ bỏ qua câu chữ để lắng hồn mình trong tình ý, cảm xúc để rồi khóc cười đa đoan cùng với tác giả chăng?
Thơ Nguyệt Ánh thi thoảng cũng lấp lánh cái nhìn lạc quan, yêu đời nhưng dường như tác giả cố dỗ mình nhiều hơn thì phải. Vẻ đẹp của khu vườn mộng kia có lẽ cũng chỉ nằm trong cõi yêu mơ, nó dệt bằng ánh sáng của niềm khát khao đến cháy bỏng từ một nỗi lòng mơ tưởng: “Dát trăng vào những đêm trường/ Ru bờ vai lạnh, riết tương tư sầu/ Dìu vào giấc mộng tìm nhau/ Vườn yêu tràn ngập sắc màu ái ân” (Vườn mộng). Thảng hoặc, có được nụ cười trên môi bước đi giữa cõi đời, tô điểm cho cuộc đời niềm vui sống cũng đã ẩn giấu biết bao nỗi niềm yêu mơ trắc ẩn, nhọc nhằn: “Thêm một chút nụ cười/ Cho đời luôn tươi sáng/ Thêm một chút lãng mạn/ Cho vơi bớt nhọc nhằn” (Một chút cho đời). Có thế, Nguyệt Ánh mới tâm sự cùng người em sớm trở thành góa phụ bằng những câu thơ gan ruột, giàu lòng yêu thương, động viên: “Nếu mệt rồi hãy ngủ đi em/ Yêu dấu con thơ dù khuyết người chia sẻ/ Dù duyên nợ cuộc đời em trắc trở/ Hãy mở lòng đón nhận nửa về sau” (Gửi em).
Về nghệ thuật, qua thi tập Gọi về miền nhớ, phải công bằng thấy rằng, thơ Nguyệt Ánh chưa có nhiều bứt phá và sáng tạo. Phần lớn thơ chị được viết bằng các thể thơ truyền thống gần gũi có từ giai đoạn Thơ mới 1932 – 1945. Thể thơ 5 chữ, 7 chữ, lục bát, nhất là thơ 8 chữ (chiếm số lượng nhiều nhất) đã phần nào chuyên chở được các trạng thái và cảm xúc trong tình yêu đến với độc giả. Cũng không quá chủ quan khi nói rằng, chính các thể thơ quen thuộc và gần gũi ấy là phương tiện nghệ thuật để tác giả Nguyệt Ánh lần đầu bày giãi tâm tư của mình đến với bạn đọc được tự nhiên hơn. Ngôn ngữ thơ trong thi tập Gọi về miền nhớ mang trọn vẹn ý tình như chính tâm hồn tác giả muốn khơi tỏa, thành ra không xa lạ với người tiếp nhận. Dù vậy, chính cách biểu đạt trực tiếp cảm xúc qua ngôn ngữ đủ để cho trái tim người đọc bâng khuâng, nhất là những bài thơ có được ý tứ vững vàng: “Có thử thách nào nghiệt ngã thế không anh?/ Sao phải bắt em rạch ròi quên – nhớ/ Giữa nhớ và quên trong em điều không thể/ Càng cố quên người, nỗi nhớ lại đầy thêm…” (Thử thách). Trong thi tập Gọi về miền nhớ, có mấy bài làm theo thể lục bát tôi cho là khá chắc tay về nghệ thuật của tác giả Nguyệt Ánh: Gánh đa đoan, Bao giờ trả hết mẹ ơi!, Chờ. Bài thơ Chờ viết về tâm trạng đợi chờ mòn mỏi của hình tượng người chị thật cảm động nhờ tác giả biết lấy lòng mình để hiểu lòng người. Vẻ đẹp bài thơ có chiều sâu cảm xúc, đẹp ở hình tượng thơ, đồng thời với thể thơ lục bát nhuần nhuyễn và có tính chuyên nghiệp đã tạo vóc dáng chững chạc cho thi phẩm: “Chị ngồi hong tóc mơ phai/ Nhặt hoa xoan rụng trải dài ngõ quê/ Đan tay chị vét lời thề/ Trăng vàng rớt đáy sông quê thuở nào” (Chờ)
Thơ Nguyệt Ánh đang ở giai đoạn khởi đầu. Cấu tứ, ngôn ngữ, giọng điệu nhìn chung hãy còn chịu ảnh hưởng của các lớp nhà thơ đi trước. Vẻ đẹp dấu ấn cá nhân trong thơ chị vẫn còn lẩn khuất đâu đó trong từng “bóng mây thơ” nơi chân trời thi ca phía trước. Hi vọng rằng, sự trải nghiệm cuộc đời và thi ca sẽ  giúp cho Nguyệt Ánh có được những bài thơ mới lắng sâu thi tứ và cảm xúc nồng đượm hơn. Như cánh chim thơ đang bắt đầu sải cánh, ai biết được nó sẽ bay bao xa giữa trời đất dặm dài? Bầu trời thi ca có lẽ còn rộng mở nhiều hơn, đang chờ đón những đường bay thi ca lấp lánh và ngoạn mục từ hồn thơ tác giả. Trân trọng giới thiệu tập thơ Gọi về miền nhớ của nhà giáo Nguyệt Ánh đến với bạn đọc gần xa.
Buôn Hồ, 1/11/2019
 Thành Văn
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...