Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

Thương nhớ chợ Viềng

Thương nhớ chợ Viềng

Chừng dăm, bảy năm nay tôi chưa về lại chợ Viềng. Cái áng chừng đó là bắt đầu từ ngày tôi trở thành công chức xa quê, lấy vợ rồi sinh con. Cái áng chừng đó như thể tôi đang bội bạc với một miền xa ký ức xóm làng mà lòng thì đầy thương nhớ.
Ở quê tôi, hết chợ Viềng mới gọi là hết Tết và hết Tết rồi người ta mới trở lại công việc của đồng áng, mùa vụ. Với người lớn ngoài việc đi chợ để cầu may cho gia đình trong một năm thì còn tính chuyện mua sắm, trao đổi những vật dụng nông cụ. Còn với con trẻ, những đồng tiền mừng tuổi đầu năm đã mang lại những niềm vui rất lớn khi được đi chơi chợ Viềng: này là tò he, này bóng bay, này đu quay, này tam cúc… cứ thế mà hớn hở đong đầy. Những đứa trẻ nghèo, không có tiền đi chợ Viềng cũng chẳng sao. Chúng sẽ chơi bằng mắt, ăn bằng mắt, khao khát dân lên đầy mắt khi một năm mới gặp được cảnh này.
Nhà thơ Đoàn Văn Mật
Tôi nhớ vào đêm mồng bảy giáp ngày mồng tám tháng giêng, cả nhà thường không ngủ, quang quang, gánh gánh chuẩn bị cho buổi chợ sớm và sự chuẩn bị ấy cũng ngóng ngùi lắm lắm. Nhà nghèo, hết tết, ngoài vài bồ thóc để ăn dè, bòn xẻn cho 6 miệng ăn cho gia đình trong suốt nửa năm thì đống rơm nho nhỏ đầu ngõ chính là thứ bán được ở chợ Viềng. Tối ấy cha tôi ngồi nhẩm tính rằng sẽ lấy đi mấy gánh rơm để bán trong phiên chợ đầu năm, còn mẹ, tất tả buộc lại quang gánh: hai gánh rơm này để đổi lấy một cái chân bò, gánh kia cho liềm, cuốc, dao kéo. Nếu dư dả ra sẽ bán thêm gánh nữa dành mua đồ chơi cho con. Chỉ gánh rơm thôi cũng phải dè xẻn ngọ ngằn, toan tính sao cho đủ. Vừa tính, cha, mẹ vừa xếp rơm vào quang. Bao giờ gánh rơm của cha cũng nhiều gấp rưỡi của mẹ vì nhà cách chợ tầm tầm 3 cây số, cha tuy ốm yếu nhưng thường nhận phần nặng hơn về mình. Khi rơm được xếp đầy gánh là khoảng 10 giờ đêm, cha vào châm vài điều thuốc lào, mùi khói thả ra nặng nhọc lo toan, mẹ làm hớp trà xanh ấm bụng rồi tất tả cùng nhau đi đến cổng chợ để kịp bán cho những ông chủ lò mổ. Cũng không phải cứ mang rơm đi là có thể bán được. Có năm cha mẹ nhọc nhằn gánh rơm đi bán từ đêm, tờ mờ sáng lại nghễu nghệt mang về bởi mùa đông rét đậm dài ngày trâu, bò tiêu hao quá nửa, thợ mổ thành ra ít đi mà người bán rơm lại quá nhiều. Thế là không bán được rơm! Thế là có tiền để sắm mua chợ Viềng. Thế là…. nghe đâu mà buồn! Dù không có tiền nhưng cha mẹ vẫn dẫn anh em chúng tôi đi, có thể là vào sáng mồng tám, có khi là cuối chiều: đi cho biết, đi cho vui, đi để xem bằng mắt, nghe bằng tai và vui chơi bằng thèm khát và tưởng tượng.
Với anh em chúng tôi thì chợ Viềng cũng là lúc thử tài, khoe sức và học theo người lớn bán bán mua mua. Cách để chúng tôi bán hàng ở chợ Viềng là nặn ra những con gà bằng đất, khoét rỗng ruột, rồi cắm vào lưng nó chiếc kèn làm bằng ống sậy, dẫu không to vang nhưng cũng biết gáy ò ó o… ra trò. Dầu không thể sánh được những con gà đất sặc sỡ sắc màu của nghệ nhân trong vùng nhưng con gà kia người ta bán mười đồng, mình đây chỉ bán một. Và những con gà đất mà lũ trẻ chúng tôi làm ra cũng chỉ dành cho đám trẻ nghèo như mình. Số tiền bán được cũng chả là bao, có khi chỉ vừa đủ mua một vài thanh kẹo kéo. Được thế cũng đủ vui cho những ngày đầu năm mới.
Với những người nghèo đi chợ Viềng, thịt bò dẫu đầy ra đấy nhưng chỉ dám mua một cái chân sau vì chân sau bao giờ cũng rắn dai, ít thịt và rẻ tiền hơn rất nhiều so với chân trước. Đôi khi có muốn mua một cái cây về trồng, hay thứ vật dụng gì đó cũng phải chờ đến lúc tàn chợ mới dám mua. Bởi lúc ấy chỉ còn lại những đồ ế, rụng, heo hắt mà người bán cố đẩy đi để thu về những đồng bạc lẻ cuối cùng. Nhưng có sao đâu được đi chợ Viềng, được ngắm chợ Viềng là may mắn rồi!
Bây giờ chợ Viềng đã khác. Bán buôn, thương mại đủ cả, người đến từ tứ phương, người về thường trăm nẻo, nhộn nhịp, lấn chen, xô đẩy suốt mấy ngày. Bây giờ có muốn về tìm lại một con gà đất như xưa, một bộ tam cúc của ngày nào hay những thứ nông cụ: cày cuốc, thúng mủng, dần sàng… e là khó kiếm. Bây giờ xong vụ gặt, không mấy người còn mang rơm về nhà vì có mang cũng chả biết dùng vào việc gì. Trâu, bò không nuôi, bếp ga dụng sẵn, xong vụ người ta đốt tại đồng làm khói bay lên tận trời, mù mịt khắp phố khắp làng. Bây giờ mấy ông chủ lò mổ trâu, bò để bán chợ Viềng đều dùng bằng đèn khò để thui da, vặt lông, vừa nhanh, vừa đẹp. Bây giờ người ta lũ lượt đi tìm mua tài vận, tìm sơn hào, hải vị từ đâu mang tới chứ đâu phải ở quê mình. Bây giờ quê đã khác xưa, mình cũng khác xưa nên đâu hay mà tìm lại, đâu có mà trở về. Nhưng nỗi nhớ về chợ Viềng một thời thương khó thì còn ngậm ngùi lắm.
18/1/2020
Đoàn Văn Mật
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...