Thứ Hai, 1 tháng 5, 2023

Tiểu thuyết "Năm lá quốc thư" của Hồ Anh Thái - Từ góc nhìn văn hóa

Tiểu thuyết "Năm lá quốc thư"
của Hồ Anh Thái - Từ góc nhìn văn hóa

Bốn mươi năm ông viết văn cũng là khoảng thời gian ông gắn bó với nghề ngoại giao. Đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên, hay là sự sắp đặt của số phận? Hồ Anh Thái viết về ngành ngoại giao, người ngoại giao, cũng là viết về mình, về những buồn vui, được mất, mà hơn ba mươi năm ông có được trong tư cách một nhà ngoại giao chuyên nghiệp.
Nhà văn Hồ Anh Thái
Kể từ truyện ngắn đầu tay Bụi phấn đăng trên Văn nghệ Quân đội (1979) đến nay Hồ Anh Thái đã có hơn bốn mươi năm cầm bút. Ông thuộc vào số những nhà văn có sức viết, sức sáng tạo bền bỉ, mạnh mẽ nhất trong văn học đương đại Việt Nam. Tác phẩm của ông, từ truyện ngắn, tiểu thuyết, đến tiểu luận, đều mang lại cho người đọc một hứng thú riêng. Rất riêng, dường như chỉ có ở ông. Nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết của Hồ Anh Thái đã được dịch và xuất bản ở ngoài nước, trong đó có những tác phẩm, như Người đàn bà trên đảo, Trong sương hồng hiện ra đã có mặt ở hơn mười quốc gia trên thế giới. Ông là một trong sáu nhà văn hiện đại Việt Nam được giới thiệu trong bộ Từ điển tiểu sử văn chương (*) ở Mỹ. Ở Hồ Anh Thái, nhà ngoại giao, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông, đã hợp nhất thành một thể bất phân. Trong văn học Việt Nam đương đại, điều này dường như chỉ có ở Hồ Anh Thái. Tác phẩm của ông chứa đựng nhiều giá trị văn hóa sâu sắc. Đó là một thứ văn hóa đã phần nào thể hiện được sự tổng hợp Đông - Tây, truyền thống và hiện đại. Trong đó, hai yếu tố nổi trội là văn hóa Ấn Độ và văn hóa Việt Nam. Đa văn hóa, liên văn bản là hình thức kết cấu thường gặp trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái, Năm lá quốc thư là một tác phẩm như vậy.
1. Năm lá quốc thư - chuyện của người trong nghề nói về nghề
Năm lá quốc thư là tiểu thuyết được Nhà xuất bản trẻ xuất bản vào cuối năm 2018, khi Hồ Anh Thái vừa kết thúc nhiệm kỳ Phó Đại sứ quán Việt Nam ở Indonesia. Trong văn học hiện đại Việt Nam, đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên, và duy nhất cho đến nay, viết về ngành ngoại giao, người ngoại giao. Nó là kết quả sáng tạo của một dự định, được Hồ Anh Thái ấp ủ từ những ngày đầu viết văn. Trước đó, ông đã thể nghiệm ở hai truyện ngắn Lá quốc thư I (1994), Lá quốc thư II (1995). Trong Lời nói đầu tiểu thuyết Năm lá quốc thư, ông viết: “Ngay từ buổi đầu viết văn, tôi đã tâm niệm sẽ viết một cuốn tiểu thuyết về các nhà ngoại giao. Bốn mươi năm qua ý tưởng ấy cứ ở mãi trong đầu, cho đến bây giờ mới viết ra được” (trang 5). Bốn mươi năm ông viết văn cũng là khoảng thời gian ông gắn bó với nghề ngoại giao. Đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên, hay là sự sắp đặt của số phận? Hồ Anh Thái viết về ngành ngoại giao, người ngoại giao, cũng là viết về mình, về những buồn vui, được mất, mà hơn ba mươi năm ông có được trong tư cách một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Năm lá quốc thư được ông định danh là tiểu thuyết. Điều đó chứng tỏ, ông đã có một ý thức nghệ thuật rõ ràng, “sử dụng quyền hư cấu để đưa người đọc bước vào một khung cảnh thuần túy tiểu thuyết” (trang 5). Đó là một sự cẩn trọng, tinh tế, khi viết về nghề mà cả đời ông gắn bó, về những người mà ông đã gần gũi, sẻ chia. Là một thể loại có tính dân chủ, tiểu thuyết cho phép ông thể hiện một cái nhìn gần, “không khoảng cách” (M. Bakhtin), với tâm thế của người đối thoại. Những gì ông thể hiện trong Năm lá quốc thư là một thế giới mở, pha trộn, đan xen, hư và thực, hư cấu (Fiction) và phi hư cấu (Non Fiction). Từ những nhân vật như Đại sứ 1, Đại 2, Đại sứ 3… cho đến tôi, nàng, ông Trưởng phòng tổ chức, tòa Đại sứ, Nước Cộng hòa Dân chủ Malastan, Nước Cộng hòa Sinkistan… đều là những sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, đó không phải là sản phẩm của một hư cấu, tưởng tượng thuần túy. Đó là sáng tạo, là “bịa một cách nghệ thuật”, dựa trên một hiện thực đầy ắp chi tiết, sự kiện, mà tác giả là một phần của hiện thực đó. Đọc Năm lá quốc thư không ít người trong nghề ngoại giao đã nhận ra bóng dáng của một vài người bạn học cùng khóa ở trường Đại học năm xưa, hay một ai đó mà mình đã gặp trong giới ngoại giao. Kết cấu của Năm lá quốc thư phảng phất kết cấu của tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi, ra đời gần mười năm trước đó. Đức Phật, nàng Savitri và tôi như tên gọi, là câu chuyện về ba nhân vật Đức Phật, Savitri và tôi. Mạch ngầm văn bản là xung đột giữa đạo và đời; giữa nhập thế và giải thoát; giữa khổ hạnh và dục lạc; xưa và nay. Cũng như thế, Năm lá quốc thư là những chuyện kể về năm lá quốc thư, mà giữa chúng không có nhiều khác biệt. Những lời viết trong lá quốc thư, không dành cho riêng ai, ngay cả khi đã được ghi rất rõ: “Tôi trân trọng thông báo việc bổ nhiệm ông/ bà…” Đằng sau những dòng chữ ấy, tuyệt nhiên không hiện lên bất cứ số phận, phẩm chất của một ai. Đó là hình thức giao tiếp mang tính công thức, nghi lễ của văn hóa ngoại giao, một thứ văn hóa chỉ những người trong nghề, sành nghề, mới hiểu. Tiểu thuyết Năm lá quốc thư, bởi thế, không phải là câu chuyện về năm lá quốc thư, mà Đại sứ Việt Nam trình lên nguyên thủ các quốc gia. Không có thông điệp gì từ nội dung năm lá quốc thư. Đó chỉ là một thông lệ quốc tế, nghi thức ngoại giao. Nội dung của tác phẩm được thể hiện ở những câu chuyện về năm lần trình quốc thư, gắn với công việc, con người cụ thể. Tác phẩm có bố cục được bài trí theo trật tự tuyến tính, từ Lá quốc thư thứ nhất, Lá quốc thứ thứ hai… cho đến Đoạn kết là Lá quốc thư thứ năm. Ứng với một lá quốc thư là một chương của tiểu thuyết, có khả năng tồn tại độc lập như một truyện ngắn, một hồi ức mang dáng dấp tự truyện. Các hình thức điện ảnh, thi ca, âm nhạc đến võ đạo, báo chí, tiểu luận… được tích hợp một cách sáng tạo. Ẩn chứa trong đó là những câu chuyện văn hóa, không chỉ là văn hóa ngoại giao, mà còn là văn hóa của người làm ngoại giao. Và xa hơn là văn hóa của một quốc gia, một dân tộc.
2. Nhà ngoại giao và văn hóa ngoại giao
Trong Năm lá quốc thư, nhân vật kể chuyện là “Anh” thuộc kiểu người “biết tuốt”, giữ vai trò kết nối câu chuyện xung quanh năm lá quốc thư thành một chỉnh thể nghệ thuật sinh động, thống nhất. Lối viết của Hồ Anh Thái là lấy điểm nhìn diện. Mỗi chi tiết, sự kiện được kể, đều có sức khơi gợi, mở ra khoảng trống cho tư duy, tưởng tượng của người đọc. Tính đối thoại, vì vậy, là một đặc điểm nổi bật của Năm lá quốc thư. Từ câu chuyện về ông Đại sứ 1 không biết tiếng Anh, luôn sử dụng một thứ ngôn ngữ của văn hóa làng xã, chỉ thích uống rượu vodka Nga với cá trích nướng, đến câu chuyện Đại sứ 2 hiểu canh gà Thọ Xương trong câu ca dao “Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương” là “ngày xưa ở làng Thọ Xương lừng lẫy với đặc sản món súp gà “Chicken soup Thọ Xương Village” (trang 77)… đã hé mở phần nào về người ngoại giao, khác xa những gì người đọc tưởng tượng. Bên cạnh các Đại sứ 1, 2, 3, là những ông quản trị, hành chính, tạp vụ… làm việc trong Đại sứ quán. Họ hiện lên nhếch nhác, hành xử như những người thiếu văn hóa. Cũng như các vị Đại sứ, họ là sản phẩm của một nền văn hóa nông nghiệp, sản xuất tiểu nông. Nền văn hóa đó chứa đựng nhiều giá trị làm nên diện mạo, bản sắc văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, bước vào thời hiện đại, kiểu tư duy, lối sống, cách ứng xử… của văn hóa tiểu nông đã lỗi thời, trở thành lực cản cho quá trình hội nhập của đất nước. Thay đổi, trước hết là trong nhận thức, là yêu cầu bức thiết của quá trình hội nhập, toàn cầu hóa. Sứ mệnh văn hóa của nhà ngoại giao là kết nối các nền văn hóa, đưa đất nước hội nhập với các quốc gia trên thế giới. Các Đại sứ, các nhân viên trong Đại sứ quán, phải là người am hiểu văn hóa, có văn hóa, “phải là nhà văn hóa”. Nhìn vào họ, phía sau họ luôn hiện diện văn hóa của quốc gia, dân tộc. Nó thể hiện từ trang phục, nghi thức giao tiếp… đến quan điểm, lối sống, cách ứng xử trong cuộc sống, công việc. Trong Năm lá quốc thư, mỗi nhân vật được khắc họa đều có đặc điểm, diện mạo riêng. Ông Đại sứ 1, là Bộ trưởng Công nghiệp, trước khi nghỉ hưu được đưa đi làm đại sứ để hạ cánh an toàn. Ông Đại sứ 2, trước khi trở thành đại sử là một phiên dịch trong cơ quan ngoại giao. Đại sứ 3 là một phụ nữ, được bổ nhiệm nhờ ưu thế giới tính, giỏi ăn nói, khéo che đậy mưu mô. Họ có thừa tham vọng, mưu mô, toan tính. Cái thiếu ở họ là một nền tảng văn hóa, ý thức tự trọng và tinh thần phụng sự đất nước. Đại sứ 2, rất giỏi kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài để trục lợi. Ông đã khước từ lời mời của giám đốc nhà hát nước bạn đưa nhà hát tuồng Việt Nam sang biểu diễn, bằng một ngôn ngữ ngoại giao: “Vấn đề này chúng ta sẽ trao đổi cụ thể sau”. Với ông, “Các loại ca vũ kịch của ta có gì mà xem. Chẳng thấy nhân văn nghệ thuật gì ở những cái múa may, những cái vung tay “như ta đây”, những câu hát hò réo rắt bất tận” (trang 79). Nhận thức ấy đã cho thấy những khoảng trống văn hóa ở một vị đại sứ.
Tiểu thuyết “Năm lá quốc thư” của Hồ Anh Thái
Gắn bó với nghề ngoại giao hơn ba mươi năm trên nhiều cương vị, có dịp đến nhiều quốc gia trên thế giới, Hồ Anh Thái nhìn thấy nhiều vấn đề của ngành ngoại giao và những người làm ngoại giao trong cơ quan Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó, tư duy nhiệm kỳ là vấn đề nổi bật, chi phối hoạt động, ứng xử của những người làm ngoại giao. Một nhiệm kỳ đại sứ chỉ ba năm. Mọi toan tính của đại sứ và những người cộng sự chỉ bó hẹp trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy: “Người đi luân chuyển thì quyền lợi và trách nhiệm cũng mang dấu ấn nhiệm kỳ. Cái gì thuộc về quyền lợi thì hưởng cho nhanh, cho kịp trong vòng ba năm mình công tác. Hưởng thụ nhanh trong vòng ba năm” (trang 331). Suy nghĩ đó đã dẫn tới toan tính, ứng xử “Chọn việc nào dễ mà làm. Việc nào xương quá thì nhường lại cho nhiệm kỳ sau. Có những việc cứ nhiệm kỳ trước đẩy lại cho nhiệm kỳ sau, đẩy mãi, hàng chục năm vẫn chưa thực hiện được” (trang 332). Đại sứ nhiệm kỳ sau thường “phủ nhận những gì thuộc về nhiệm kỳ trước” (trang 333), sẽ thay mới mọi thứ có thể thay, sắm mới mọi vật dụng có thể sắm. Ẩn kín trong chiêu bài làm mới cơ quan đại sứ là những toan tính cá nhân. Trong cái nhìn của Hồ Anh Thái, lối tư duy nhiệm kỳ không chỉ có ở ngành ngoại giao. Nó đã trở thành một hội chứng, nhiễm vào mọi giới, mọi lĩnh vực trong xã hội Việt Nam. Gốc rễ của nó là ở tầm nhìn ngắn, chỉ thấy cái lợi trước mắt của cá nhân, thiếu một tầm nhìn xa, rộng. Đó là tư duy, lối sống tiểu nông đã ăn sâu, bám chặt trong cách cảm, cách nghĩ, lối hành xử của con người Việt Nam từ bao đời nay. Thay đổi tư duy lối sống ấy là hết sức khó khăn. Song nhất thiết phải thay đổi. Nhận thức đó càng sâu sắc hơn khi tầm nhìn văn hóa được mở rộng.
3. Văn hóa Việt Nam - thay đổi để hội nhập, phát triển
Gắn với nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, văn hóa Việt Nam có thiên hướng trọng tĩnh hơn trọng động. Ngại thay đổi, không muốn thay đổi. Dị ứng với cái khác, cái mới, là tâm lý phổ biến trong tình cảm, lối sống của con người Việt Nam. Trong môi trường văn hóa làng xã, điều đó khó nhận biết, và dường như không có nhiều tác động. Đi nhiều, tiếp xúc nhiều, mới thấy sự lỗi thời của lối sống ấy. Trong Năm lá quốc thư, lối ứng xử ấy bắt gặp ở mọi người, từ Đại sứ đến những nhân viên trong cơ quan đại sứ: “Ăn gì của người ta cũng không vừa miệng, ăn gì cũng chê” (trang 109), “Đi ra nước ngoài, sang đến ngày thứ ba thì đã có người kêu lên: Trời ơi ba ngày rồi không được ăn cơm… Ám ảnh cơm Việt cứ tăng dần đậm dần theo thời gian tạm trú ở nước ngoài, thành một thứ thèm thuồng khao khát đến mức quay quắt gay gắt” (trang 113). Hội chứng thèm cơm Việt, theo Hồ Anh Thái, có nguyên nhân ở tình cảm gắn bó với làng quê của người nông dân Việt Nam: “Anh đi anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương” (trang 113). Tuy nhiên, “hội chứng ám ảnh cơm Việt” còn có gốc rễ ở lối sống “Khư khư bám giữ những gì cố hữu của mình, coi cái của mình là nhất, dè dặt và cảnh giác với cái mới, sợ cái mới, không sẵn sàng mở lòng đón nhận những cái khác lạ” (trang113). Từ góc nhìn của một nhà văn hóa, nhà ngoại giao, Hồ Anh Thái đã thể hiện cái nhìn phản tư, nhận thức lại các giá trị văn hóa truyền thống. Đó là cái nhìn của tỉnh táo, khách quan, không bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông. Từ câu chuyện về văn hóa ẩm thực của người làm công tác ngoại giao, Hồ Anh Thái đã truyền đi thông điệp về sự cần thiết phải thay đổi tư duy, thay đổi lối sống của con người Việt Nam. Thay đổi để tồn tại, hội nhập vào thế giới hiện đại. Một khi con người Việt Nam chưa vượt qua thái độ kỳ thị, dị ứng với cái mới, cái khác mình, ngoài mình, thì rất khó để học hỏi, tiếp thu, hội nhập một cách sâu rộng vào thế giới hiện đại, văn minh.
Sống trong tình trạng khép kín của không gian làng xã hàng ngàn năm đã hình thành ở con người Việt Nam một thói quen tùy tiện trong ứng xử, bất chấp chuẩn mực, luật pháp, miễn sao có lợi cho mình. Trong Năm lá quốc thư, không khó để người đọc nhận ra lối sống ấy. Nó có các Đại sứ 1, 2, 3 cho đến nhân viên tạp vụ, ông quản trị, ông biệt phái. Họ trục lợi từ những cái vặt vãnh, như mua giấy vệ sinh, mua xoong nồi, chảo rán… cho đến việc “Nghĩ ra các hội thảo, chủ đề thật kêu nhưng thực ra vô thưởng vô phạt. Nghĩ ra những cuộc đi khảo sát tình hình địa phương. Nghĩ ra, vẽ ra, bày ra. Nghĩ ra mọi lý do để mua sắm… Mục đích của nó là tiêu tiền” (trang 214).  Một ông biệt phái của cơ quan ngoại giao, có thói quen bòn từng cuộn giấy vệ sinh của cơ quan, ăn cắp vặt, “Sang phòng làm việc của người khác, đứng bàn bạc một lúc, thấy cái bút hay hay cái bật lửa hay hay là ông lặng lẽ cầm đi. Có khi phòng tiếp khách mất cái ấm siêu tốc đun nước. Có khi bếp tập thể mất cái máy xay sinh tố. Có khi phòng họp mất cái bình nước lọc” (trang 204). Nhân cách, lòng tự trọng ở những con người ấy đã không còn. Nhiều người trong cơ quan Đại sứ vào nhà hàng, khách sạn nước bạn mua hóa đơn khống về thanh toán, “Hơi một tí là cán bộ chạy đến quán ăn nhà hàng cửa hiệu để mua hóa đơn. Không ăn không mua chỉ xin mua hóa đơn” (trang 210). Họ bất chấp điều đó làm ảnh hưởng đến thanh danh những người bạn nước ngoài: “Căn cứ vào hóa đơn thì các ông quan chức nước bạn chịu oan tày trời. Các ông suốt lượt đều được sứ quán mời ăn mời uống, đánh chén tưng bừng. Mời đi mời lại. Oan cho các bạn quá” (trang 207). Đó là căn bệnh đã lây nhiễm trong số đông người Việt, đủ ngành đủ giới, từ trong nước đến ngoài nước. Dường như ai cũng tìm cách bớt xén, từ ngân sách đến thời gian: “Sáng ra, sáu giờ sáng lấy xe chở con đến trường. Tám giờ quay về chở vợ ra chợ. Chiều vừa ngồi làm việc một lúc thì hai rưỡi lại đánh xe ra, đi đón con. Cái xe như là xe riêng của nhà anh ta. Thời gian làm việc cũng chỉ để đi đưa đón vợ con là hết. Thỉnh thoảng lại xin nghỉ, em phải đến trường làm thủ tục trả học phí cho con, em phải đến trường họp phụ huynh cho con” (trang 282). Ai cũng nhận ra điều đó, song không ai lên tiếng. Lối sống “dĩ hòa vi quý”, “chín bỏ làm mười” trong văn hóa làng xã đã biện minh cho thái độ dửng dưng trước những sai trái, miễn sao có lợi cho mình. Những người như nhân vật “Nàng” sống ngay thẳng trung thực, dám đấu tranh với những hành vi tiêu cực của bà Đại sứ, đã bị vu oan, cô lập, trục xuất về nước, trong sự dưng dưng của mọi người. Thói hám lợi, nỗi sợ hãi, tâm lý đám đông… đã ăn sâu trong không ít người trong giới ngoại giao. Bước ra từ cuộc sống thời bao cấp, đối mặt với kinh tế thị trường, con người luôn có nguy cơ bị tha hóa. Cái xấu cái ác có mặt ở khắp nơi, thậm chí lấn át, đe dọa cái tốt. Người muốn sống tốt cũng trở nên khó khăn, thậm chí là lạc loài, dễ gặp tai họa. Khi con người cá nhân trỗi dậy, cũng là lúc con người dễ bị tổn thương, dễ bị tha hóa. Công tác ở nước ngoài trong tư cách Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, không ít người đã trở thành “Đại sứ bạt mạng toàn quyền”. Họ để cái tôi cá nhân lên trên tất cả, đánh mất sứ mệnh của mình trước đất nước, nhân dân. Chạy chức, chạy quyền đã không còn là hiện tượng cá biệt. Thêm vào đó là lối ứng xử “Trăm cái lý không bằng một tý cái tình”, “cha truyền con nối”… trong văn hóa làng xã. Ông Bộ trưởng Công nghiệp sắp đến ngày nghỉ hưu, được bố trí làm đại sứ là thể hiện sự quan tâm của cấp trên, mà không ít người trong đó đã từng chịu ân huệ của cha chú của ông Bộ trưởng. Tuổi tác, ân huệ, quan hệ… là những thứ ông có. Thứ ông thiếu là khả năng của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Con đường tiến thân của Đại sứ 2, Đại sứ 3 và nhiều người trong cơ quan đại diện cũng không có nhiều khác biệt. Họ có thể đi trên con đường quen thuộc “rầm rập tài tử giai nhân vận động xin xỏ lóp bi. Lại tường đông ong bướm đi về ra hiệu đánh tiếng”18. Cũng có thể, họ thuộc vào những người có số mà “Có thời người ta gọi đấy là 5C: Con Cháu Các Cụ Cả. Có khi được cụ thể thành nhà mặt phố bố làm to, trứng rồng lại nở ra rồng” (trang 326). Đó là biểu hiện của một cơ chế lỗi thời. Những kẻ tà tâm đã nhân danh một lối ứng xử “thấu lý đạt tình” trong văn hóa truyền thống để trục lợi.
Trong Năm lá quốc thư, bên cạnh gam màu xám xịt, những câu chuyện được kể trong Lá quốc thư thứ tư và Lá quốc thư thứ năm đã mang đến cho người đọc một cảm giác tươi mới. Cùng với hình ảnh Đại sứ 4, Đại sứ 5 – “Anh”, sự gắn kết của hai nhận vật “Nàng” và Roza giúp người đọc có niềm tin vào sự trường tồn của cái thiện, cái đẹp. Đó là những giá trị văn hóa mang tính vĩnh hằng. Đây không hẳn là lối kết thúc có hậu, thường gặp trong cổ tích ở nhiều nước phương Đông, như Việt Nam, Ấn Độ. Tất cả vẫn chưa có gì rõ ràng. Vẫn còn đó hình ảnh ông biệt phái, lợi dụng hộ chiếu ngoại giao, đưa hàng cấm qua cửa khẩu hải quan; bà Tham Tán tham lam, lắm lời, ít học; ông phụ trách quản trị “kéo qua cửa khẩu biên giới một va ly đựng thịt lợn và rượu” (trang 321). Vẫn một giọng kể điềm tĩnh, khách quan, Hồ Anh Thái đã giúp người đọc hiểu rõ hơn về những vất vả, khó khăn và phẩm chất cần có của một nhà ngoại giao chân chính. Nhân vật Đại Sứ Bốn là một phác thảo đẹp về giới ngoại giao Việt Nam, điển hình cho thế hệ đã đi qua chiến tranh. Không được đào tạo một cách bài bản hệ thống, nhưng bù lại, ông có “Một tinh thần tự học bền bỉ và rất cầu thị… Đấy là một ông đại sứ tuổi sáu mươi tóc bạc… Thế hệ ông không được học hành ngoại ngữ một cách bài bản. Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Chiến đấu xong rồi, hòa bình rồi, lúc ấy họ mới được chuyển ngành sang mặt trận ngoại giao” (trang 313). Khác với các Đại sứ 1, 2, 3 trước đó, Đại Sứ Bốn là người từng trải, lịch lãm, biết hài hước đúng lúc, luôn quan tâm người khác. Làm Đại sứ ở một nước Tây Á, nơi có địa chính trị phức tạp, ông đã giúp nước bạn hiểu hơn về văn hóa và con người Việt Nam. Ông đã thể hiện văn hóa ngoại giao vừa theo đúng nghi thức, nghi lễ, vừa thể hiện sự linh hoạt, thân thiện trong từng ứng xử.
Kết luận
Nhận thức lại các giá trị văn hóa truyền thống là một cảm hứng đã được Hồ Anh Thái thể hiện ở nhiều tiểu thuyết trước đó, như: Người đàn bà trên đảo (1988), Trong sương hồng hiện ra (1990), Cõi người rung chuông tân thế (2002)… Nói tới văn hóa là nói tới những gì thuộc về con người, do con người, góp phần nâng cao giá trị cho con người. Nơi nào có con người nơi đó có văn hóa. Tuy nhiên, giá trị văn hóa không phải là bất biến. Nó vận động đổi thay theo thời gian. Có những cái trong quá khứ là giá trị nhưng đến nay đã lỗi thời, phản giá trị. Trong Năm lá quốc thư, điều đó đã được Hồ Anh Thái soi chiếu từ những câu chuyện “bếp núc” trong giới ngoại giao. Ông cẩn trọng qua từng cái nhìn, từng con chữ. Sự nhạy cảm, khả năng quan sát của một nhà văn và năng lực phân tích của một nhà văn hóa kết hợp với những trải nghiệm phong phú, sâu sắc của nhà ngoại giao, đã giúp ông có được cái nhìn đa chiều về văn hóa, không chỉ riêng ở giới ngoại giao. Nhiều vấn đề đã được mở ngõ qua cái kết-mở ở Lá quốc thư thứ năm. Ở đó có những vấn đề quốc gia đại sự, có những vấn đề gắn với số phận con người. Mỗi người đọc tự tìm cho mình một thông điệp văn hóa ẩn chứa trong đó.
Chú thích:
(*) Bộ Từ điển Tiểu sử Văn chương của nhà xuất bản Mỹ, Gale – Cengage Learning, đã ra đến tập thứ 348. (Dictionary of Literary Biography, Volume 328: Southeast Asian Writers).
24/3/2022
Nguyễn Văn Hạnh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...