Thứ Tư, 10 tháng 5, 2023

Trần Lê Khánh và khách thơ tri âm

Trần Lê Khánh
và khách thơ tri âm

Trong tập “Lục bát múa” có hai câu như vận vào Trần Lê Khánh: “một lần đứng ở chân trời/ bàng hoàng nhặt được những lời gió bay”. Chuyện chữ nghĩa đến với anh như một sự tình cờ, định mệnh. Và anh bước vào thế giới thi ca cũng rất tự nhiên, nhẹ nhàng bằng tất cả niềm say mê chân thành. Say mê và tự nhiên như tình yêu pha chút nghịch ngợm anh viết trong “Bẫy trăng”: “Đêm đó/ Em rủ anh đi bẫy trăng/ Bằng vũng nước con con đầu ngõ/ Anh cười/ Rằng trăng chỉ thích biển hồ sông suối/ Thích dạ khúc buông trôi/ Ngọn đèn buồn rượi/ Đêm đêm giả vờ đứng im/ Giăng bầy thiêu thân bay về nhìn/ Rơi vào vũng nước/ Bẫy em”.
Nhà thơ Trần Lê Khánh
Trần Lê Khánh vốn chỉ là người yêu văn chương, không tỏ ra có năng khiếu sáng tác. Nhưng rồi sau một cú sốc mạnh về tâm lý và bệnh tật, anh tìm đến thơ như một sự giải toả, cứu rỗi. Và trong vòng một năm anh đã xuất bản hai tập thơ dày dặn, đều do NXB Hội Nhà văn ấn hành: “Lục bát múa” và “Dòng sông không vội”.
Có thể nói Trần Lê Khánh khá có duyên với thể thơ lục bát truyền thống. Và anh biết tạo ra sự khác biệt bằng mỗi bài 2 câu độc lập trong một tập thơ liên hoàn như bản trường ca.Trong bài “Múa cùng lục bát”, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã viết: “Lục bát còn là tình. Câu lục bát trông như đôi tình nhân: Nàng cao thước sáu còn chàng cao thước tám. Yêu vận: Họ ôm nhau nơi eo lưng mà dạo chơi. Lục bát có thể cười, lục bát có thể khóc. Có thể lả lướt thướt tha. Có thể khúc kha khúc khuỷu. Có thể bình lặng mặt hồ. Có thể sóng cuồng giông tố. Có thể tỉnh tỉnh, có thể điên điên. Có thể nằm dài. Có thể nhảy múa. Trần Lê Khánh mê lục bát và muốn nó nhảy múa. Trông như một điệu luân vũ là lục bát của Khánh”. Và cũng theo Nhật Chiêu: “Trong tập thơ “Lục bát múa”, ngôn từ muốn làm ngọn gió, bay theo một vòng tròn, ra đi rồi lại trở về trên tụ điểm quen thuộc, thân thiết. Cứ thế, ngọn gió ấy tự nhân mình lên, tự là nhân duyên cho mình.Ở đây, viết như là tự động, viết như là tự múa:
sương run run cỏ run run
luân hồi ngọn cỏ trùng trùng
nhân duyên
Ở đấy, “cởi” và “mặc” là động tác múa của thời gian:
trời mây chải chuốt điệu đà
cởi đi mặc lại, giặt là thiên thu
Như vậy, thiên thu được cởi, được mặc, được giặt, được là trong cuộc làm đẹp, cuộc chơi của trời mây. Như vậy, cái thiên thu là cái bao giờ cũng cũ và bao giờ cũng mới. Nó là nó nhưng cũng có thể làm cho khác đi. Cũng như một cô gái, cởi và mặc là hai thời khác nhau, đi và múa là hai thời khác nhau”.
Các tập thơ của nhà thơ Trần Lê Khánh
Nhà thơ Võ Quê trong bài “Bởi đã thấm đượm hồn ca dao Việt…” cho hay trước khi tiếp cận tập thơ “Lục bát múa” đã có dịp đọc chùm thơ ngắn của nhà thơ Trần Lê Khánh trên tạp chí Sông Hương số đặc biệt ra ngày 22-9-2016 với lời giới thiệu súc tích: “Những bài thơ ngắn, nhưng như chiếc kính hội tụ những cao vợi thanh sạch không gian, lắng lại trong ánh nhìn của chiếc lá sen. Và những tàn lá sen ấy, ứa ra những giọt lệ thiền”. Và nhà thơ Võ Quê cho rằng: “Nhận xét này cũng rất phù hợp với nội dung thơ lục bát hai câu trong tập “Lục bát múa” của nhà thơ Trần Lê Khánh. Có lẽ bởi đã thấm đượm hồn ca dao Việt; trí huệ minh mẫn, tâm hồn hào hoa, ông đã hóa thân vào bốn mùa thiên nhiên: “chớm đông, quân tuyết chưa gần/ cây di tản lá xuống hầm hết trơn”. Cùng sự tưởng tượng phong phú mà mỗi bài lục bát hai câu của ông rất gợi cảm, gợi tình: “người đi tặng hết chờ mong/ em đem nêm chặt vào lòng gối êm”. Khái quát cao, vận dụng hình ảnh đẹp trong đời thực và ảo mà mỗi bài hai câu lục bát đã có một cấu trúc riêng, độc đáo: em đem dĩ vãng cúng dường/ cánh đồng sen nhỏ đau thương bùn lầy”.
Khi vào TP.HCM tham dự Hội thảo Quốc tế Văn học Việt – Hàn do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức vào cuối tháng 11-2017, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã tranh thủ đến tham dự buổi giới thiệu tập thơ “Dòng sông không vội” của Trần Lê Khánh và phát biểu cảm tưởng. “Tôi nghĩ rằng anh Trần Lê Khánh hình như không có ý định làm thơ từ trước, không hề mặc định mình “biết” làm thơ. Anh Khánh chỉ là một số phận đi qua cuộc đời này, chạm vào thi ca và thi ca vang lên. Thơ anh tự nhiên, đơn giản như vậy nhưng lại rất gần gũi, đặc biệt”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều còn thổ lộ: “Đêm qua, tôi có đọc 2 bài thơ của Trần Lê Khánh và sáng nay tôi đọc lại: “Màu linh hồn” và “Về”. Khi đọc một bài thơ, tôi thường khảo nghiệm trên một bài thơ về ngôn ngữ, ý tứ, cấu trúc, tư tưởng. Bài thơ “Về” nói một con chim đến đậu trên một chiếc lá vàng. Rồi cả con chim và chiếc lá lại mong kiếp sau hóa thành người để cả hai cùng trở về dưới gốc cây cũ đó, ngồi xuống và đợi chờ nhau. Cách thức này giống một bài thơ Tứ tuyệt, Đường luật nhưng nó tự do đến vô cùng. Và chính sự tự do này, ngôn ngữ này đã mang đến một vẻ đẹp hoàn toàn khác cho một thể loại thơ ngắn. Ở đó, trong sự tự do này lại chứa đựng niêm luật kiên định và chắc chắn, nhưng không phải thể thơ Đường luật hay các thể thơ khác, mà là đảm bảo tính bền vững bởi cấu trúc thơ hiện đại trong ngôn từ”.
Một người đọc khá kỹ thơ Trần Lê Khánh là nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, trong bài “Linh hồn mỏi trên những vết son” đã nhận định: “Nếu tập thơ “Lục bát múa” chỉ thuần thể loại câu sáu chữ bắt cặp câu tám chữ, thì tập thơ “Dòng sông không vội” đa dạng hơn. Tập thơ “Dòng sông không vội” chia thành các phần “Hư vô”, “Ngày về của mây”, “Câu gió’, “Trái tim kiến cắn”, “Tuyệt đối”, “Nước mắt về biển”, “Vầng trăng hoá thạch”, “Mùa xuân mềm” như tỏ bày những mạch nguồn sáng tạo riêng của tác giả”. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho biết thêm: “Tập thơ “Dòng sông không vội” không hề thong dong nhàn nhã như tên gọi. Ngôn từ gấp gáp và ý tưởng cũng gấp gáp. Không khó hình dung, nhiều bài thơ được Trần Lê Khánh buông rơi vần điệu xuống bản thảo rất nhanh, như sợ không kịp với những suy tư sốt ruột của mình. Ngay cả thể loại lục bát trong tập thơ “Dòng sông không vội” cũng chuyển nhịp dứt khoát và táo bạo, ví dụ bài “Mưa cũ” thánh thót những tiếng gõ lên kỷ niệm: “Mưa làm gió ướt tả tơi/ Chưa đem vắt mà lại phơi làm gì/ Cành nặng vì lá ra đi/ Lòng nặng vì ném tình si vội vàng/ Khác gì giặt sạch hồng nhan/ Có ai khiến được hoa tàn phút giây/ Mây nặng vắt gió lên cây/ Vài hạt mưa cũ lung lay thì buồn” hoặc bài “Ngày về của mây” bồng bềnh theo nhung nhớ mù khơi: “Hàng cây từ thuở đứng im/ Em về phố cũ rêu tìm cánh bay/ Gió ru chiếc lá trên tay/ Bỏ rơi giọt nắng cay cay mắt buồn”.”
Nhà thơ Xuân Trường trong bài “Cái lạ trong thơ Trần Lê Khánh” đã cảm nhận: “Đọc thơ Trần Lê Khánh tôi có suy nghĩ là tôi và anh đang chơi với nhau một ván cờ mà các ma trận ngôn ngữ của anh đã dự đoán vài nước trước tôi. Đã nhiều lần tôi gõ cửa mà chỉ bắt gặp một ít, rất mong manh trong tâm hồn anh. Về hình thức, anh nặng về thơ không vần, những bài thơ ngắn, tính khái quát cao, mượn muôn việc để nói một việc, mượn muôn điều để nói một điều, có lẽ vì vậy mà đòi hỏi ở người đọc phải có thời gian, phải đau đầu, trong quá trình cảm nhận: Ví dụ trong bài “Khi bóng lên ngôi” anh viết: “Biển bước chân lên cát nắng/ đi mãi không đến được nơi/ rách tươm đôi giày trắng/ đổ mồ hôi thay áo ngàn đời/ bầy tiên cá xuống biển bơi/ hóa thân về mấy phương trời/ mắc cạn nơi cơn gió lặng/ biển thành dãy núi đứng chơi/ trời cao đánh rớt thế gian/ mộng du lớp lớp thiên đàng/ lần tay tìm loài cây cỏ/ dấu chân mây trắng lang thang/ người dọ dẫm chốn hư vô/ thiên thai ngàn mé điên rồ/ bỏ sau lưng bước không tới/ khi ngàn lần bóng lên ngôi”. Cũng theo nhà thơ Xuân Trường: “Tôi tin rằng những cái lạ trong Trần Lê Khánh sẽ là những cái hay nếu anh dày công hơn nữa. Tuy nhiên Trần Lê Khánh còn có nơi vụng về, dễ dãi, hay dùng nhiều từ cổ như: Sầu, hiu hiu, nhưng anh đã biết đặt chúng đúng vị trí đây cũng là cân não của anh. Tôi không thể nói hết những điều phải nói cho thơ Trần Lê Khánh trong cái mới lạ này. Tôi tin thơ anh còn khởi sắc nhiều hơn trên hành trình phía trước”.
Khi chủ trì buổi ra mắt tập thơ “Dòng sông không vội”, nhà thơ Phan Hoàng cho rằng, so với “Lục bát múa” thì tập thơ “Dòng sông không vội” là một bước tiến mới đáng ghi nhận của Trần Lê Khánh trên con đường dấn thân vào thi ca. Bước tiến ở đây là sự hướng tới, phấn đấu hết mình của anh để trở thành một nhà thơ đích thực. Bởi có những người khi xuất bản vài tập thơ, được kết nạp vào hội này hội nọ cứ nghĩ mình đã là nhà thơ ghê gớm rồi, nên không chịu đọc, không chịu học, không chịu sáng tạo nữa. Vì vậy hướng phấn đấu, sự lặng lẽ sáng tạo, học hỏi của Trần Lê Khánh để trở thành một nhà thơ đích thực trên con đường hành trình thơ riêng của mình là một điều đáng quý. Và những khách thơ tri âm đang chờ đợi ở anh.
15/2/2020
Hoàng My
Nguồn: Văn Nghệ số 6+7+8/2018
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Hoa Ngày luân chuyển theo nhịp điệu của trời đất. Sài gòn sớm mai mờ hơi sương trong se lạnh mùa noel. Thời gian như muốn tạo một dấu...