Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Truyện ngắn Trần Thu Hằng: Cầu ván ghép

Truyện ngắn Trần
Thu Hằng: Cầu ván ghép

1. Bờ môi đứa trẻ thoáng nụ cười mê đắm khiến Sư Nhật Tâm thảng thốt. Vì sao đứa trẻ nằm trong gai và bóng tối tê lạnh lại có thể nở một nụ cười hồn nhiên như thế? Trong lúc ôm xiết lấy hình hài nhỏ bé ấy vào cà sa, sư dường như tin chắc chính Sư đã được bọc vào tấm áo ấm hơi người, trong một đêm rất dài và tịch lặng cách đây ba mươi năm. Điều ấy Sư đã lờ mờ biết từ lâu, nhưng bây giờ Sư tin chắc, khi chính Sư đã bế lên tay một đứa trẻ sơ sinh nơi cổng nghĩa trang.
Nhưng đứa trẻ không hề khóc, không hề cựa quậy, mắt nhắm lại, đôi môi cười mãi không thôi. "Nó chết rồi!" Thầy trụ trì nói, khi Sư mang đứa trẻ đến gần bếp lửa thầy đang nấu nước pha trà. "Nó chết rồi, con ạ!". Thầy nhắc lại khi Sư nhướng mắt lên nhìn thầy với sự giận dữ. Có ai đến gần xé nhanh tấm áo cũ quấn quanh người đứa bé, chỉ cho Sư thấy vết tay người hằn trên cổ nó. Và hai tay, hai chân bé nhỏ tím bầm, bị trói trong tấm áo để khỏi giãy dụa. Nhật Tâm chợt rùng mình và khóc. Nụ cười đứa trẻ nhợt nhạt quái ác trong tăng phòng khi trời dần sáng lên. Sư đã không sao ngừng khóc cho đến khi làm lễ táng thi thể ấy ở nghĩa địa, nơi ban sáng Sư thấy nó nằm. Suốt cả cuộc đời tu hành của mình, Nhật Tâm đã đến gần bao nhiêu người chết, đã cầu siêu cho bao nhiêu sinh linh, đã đứng ở phía bên phải quan tài không biết bao nhiều lần, nhưng chưa có bao giờ Sư khóc như hôm nay.
2. Nhật Tâm đã không ngừng khóc trong buổi sáng ấy. Người ở cảng Đồng Nai đến báo cho Sư cái tin một cô gái điếm chết vì tự tử được vớt lên, cô gái ấy không có thân nhân, không ai nhận làm giấy chứng tử, nên xác nằm ở bờ sông đã đưa về nghĩa trang nằm phía đối diện chùa. Đây là một lệ quen hễ có người chết vô thừa nhận là dân trong vùng tìm vào chùa, và tìm đích danh Nhật Tâm. Trước khi đi, Sư bôi dầu phụng lên thân cho đỡ sợ, theo đúng lời chỉ bảo của thầy trụ trì. Suốt cuộc đời tu hành, Sư đã làm chứng cho bao nhiêu cái chết, Sư không còn nhớ nữa. Có những cái chết lành, có những cái chết dữ, có những người tự tử mà thân xác họ là một thách thức, một sự giận dữ cay nghiệt khiến người tu hành phải sợ.
Khi đến nơi, Nhật Tâm phải len qua đám đông từ chân cầu xuống đến bờ sông. Dòng sông lạnh ngắt, chảy băng băng những mảnh cỏ vàng úa. Sư nhận thấy những cô gái rất quen mặt, đêm đêm vẫn qua lại trước cổng chùa với vẻ bồn chồn nhẫn nhục, đang ở đó. Sư toan quay đi vì thứ trang phục nhàu nát, phô phang trên người họ. Nhưng một người đàn bà quỳ sụp xuống, giọng nói khản đặc: "Bạch thầy! Xin thầy rủ lòng thương! Chị em chúng con nhơ bẩn, tội lỗi. Xin thầy đứng ra lo ma chay cho hương hồn chị ấy được siêu thoát… Tội nghiệp chị ấy…"
Cả ba bốn người kia cũng quỳ sụp xuống, chắp tay thành kính, sợ sệt. Nhật Tâm yên lặng, gió sông làm quần áo Sư xoắn lại. Đêm đêm, Sư vẫn nghe tiếng họ cười the thé ngay bên ngoài hàng rào râm bụt, có khi chửi rủa rất tục tằn, rồi những âm thanh ấy chìm lấp trong bóng đêm. Mỗi buổi sáng, Sư thức dậy nhờ tiếng âm nhạc ngũ hành, và cả buổi sáng sớm nay cũng thế.
– Bạch thầy! Xin thầy rủ lòng từ bi…
– Bạch thầy!… Giọt nước mắt của những người đàn bà khiến Nhật Tâm phải cố nén tiếng khóc vào tim, nhìn cho thẳng vào gương mặt đang cầu khẩn của họ. Sư được nghe những tiếng khai khẩu như đã nghe bao nhiêu lần người sống nói về người chết. Sư thường nhìn thẳng để nghe những lời nói đó, không phải để cảm thương mà để những lời cầu nguyện của mình thành thực. Vào những lúc như thế này, người ta không thể nói dối một điều gì về nguời chết: "Không, không, chị ấy không bị giết, không bị tai nạn gì hết. Chị ấy không thể nào sống được nữa, chị ấy đã bỏ đi cách đây cả tuần lễ… Chúng con chẳng biết chị ấy đi đâu và sáng nay thì thấy xác chị ấy nằm ở đây"…
Đám đông đổ xô đến, nhưng không ai chạm vào Nhật Tân. Sư dường như không nghe thấy gì nữa, trái tim không nhói lên như lúc nhìn thấy đứa trẻ vào lúc sáng sáng sớm. Sư không còn xúc động khi người ta đặt cái quách đỏ thẫm lên chiếc quan tài to và dài phía dưới. Người ta bảo đó là hai mẹ con và người đàn bà đã gieo mình xuống sông Đồng Nai sau khi ném đứa con mới sinh vào cổng nghĩa địa. Nhật Tâm cử hành lễ tang này dưới sự giám sát của công an phường, dân chúng đi xem đông vô cùng. Sư không còn nhớ gì nữa, Sư chỉ nhớ mình hay đi qua cánh cổng chùa bỏ ngỏ trong đêm, băng qua đường lộ như một kẻ mộng du. Sư chỉ lờ mờ cảm thấy có một người bồng sư lên trong tiếng khóc yếu ớt, mơ hồ cách đây ba mươi năm… Phía sau Sư, thằng Sang điên dại tru lên, vò xé chiếc quần đùi đen và lăn lộn trong bụi đỏ. Chưa bao giờ nó dám đến gần đám đông như thế này, mặc dù mỗi lễ tang Nhật Tâm đều thấy cái đầu rối của nó ẩn hiện xa xa, nơi những lùm cây dại. Nó không chạm được vào hai chiếc quan tài vì mấy người phu khiêng hòm đã xúm lại đánh cho nó nằm đơ ra rồi trói lại cẩn thận. Thằng Sang không thôi kêu lạc cả giọng, những tiếng không giống tiếng người nhưng hình như mọi người đã quen nghe.
– Chị ấy nói cái thai ấy là của thằng Sang… Chị ấy đã nói tất cả những gì thuộc về đời mình với con rồi đột ngột bỏ đi… Không, đêm ấy là một đêm hè, chúng con đều đã có khách, chỉ có chị ấy… chị ấy đùa giỡn nó, hình như đã lấy gạch ném nó… Nó điên lên, nó như con chó… Không, không, chị ấy đã không sao chống cự được…
Nhật Tâm nhiều lần đưa mắt ngăn lời, nhưng người đàn bà ấy vẫn nói, trong tiếng nức nở chao đảo. Cái kẹp tóc xổ ra. Những nguời đàn bà khóc, không còn để ý gì đến xung quanh. Đám đông tò mò đi theo Nhật Tâm cho đến khi Sư mệt mỏi trở về chùa, khăn áo rũ xuống ướt mồ hôi. Tiếng kêu của thằng Sang vẫn còn vang vào sân chùa, đuổi theo Sư vào tận tăng phòng. Mặt trời đã quay về phía sau dãy nhà ngang, rọi nắng xiên xiên đâm thủng những bộ đại y treo trên tường.
Nhật Tâm chần chừ nhìn tấm chõng được xếp gọn gàng, rồi lại nhìn những đốm nắng vàng yếu ớt. Những quyển sách lặng tờ nằm im trên bàn làm Sư nhớ đến nhiệm vụ nghiên cứu kinh sách của mình. Song những tiếng ú ớ, run rẩy thỉnh thoảng lại làm người Sư nóng bừng lên. Cho đến khi ánh chiều làm một đường thẳng mơ hồ trên đầu Sư, tiếng nhạc ngũ âm thầm thì choán lấy không gian, Nhật Tâm đứng dậy thay áo và đi tìm thầy trụ trì của mình.
– Con muốn đưa thằng Sang đi đâu? Nó điên dại như vậy, không ai nhận nó làm công quả được.
– Con nghĩ không đưa nó vào chùa được. Chỉ có cách là đưa nó vào bệnh viện tâm thần, ở đó có những trại riêng.
– Nhưng chúng ta không có tiền, con ạ. Thầy trụ trì rời bàn trà đứng lên, vẻ đăm chiêu, mỏi mệt.
Nhật Tâm giấu mặt vào hai bàn tay, cổ họng Sư đắng lại. Cố nuốt trôi những cảm giác ớn lạnh của cả một ngày, Sư nói:
– Nhưng thưa thầy, nếu không làm ngay, sẽ chẳng có ai làm việc này đâu. Và chẳng bao lâu nữa, thằng Sang sẽ chết ngay ở cổng nghĩa trang.
– Tội nghiệp! Thầy trụ trì thở dài. Nó đã sống ở đó không biết bao lâu.
Sáng hôm sau, nhân viên bệnh viện đến đưa thằng Sang đi, sau khi ký với nhà chùa một cam kết: mỗi tháng chùa sẽ nộp viện một trăm hai mươi ngàn đồng, cho đến khi thằng Sang chết. Nhật Tâm đứng ra quyên góp số tiền ấy. Các bà vãi đua nhau khen ngợi việc làm của sư. Có bà bảo:
– Xem ra thầy chẳng thọ bằng thằng này đâu. Nó khoẻ lắm, chỉ tội điên thôi…
3. Trong vòng sáu tháng, nghĩa địa giải toả để làm một khu chung cư lớn. Khi người đầu tiên bước vào sân chùa, tìm sư Nhật Tâm nhờ xem việc bốc mộ, Nhật Tâm không ngờ sẽ có hàng chục, rồi hàng trăm người đến mời sư đi làm lễ cải táng cho người thân của họ. Từng nấm mộ xây bị đập ra, bị bóc khỏi những hàng mộ, trống hoác dưới chân những bụi cây dại. Một vài tuần đầu tiên, sư chỉ làm một hay hai lễ. Nhưng rồi do thúc bách của công trình, sư không thể từ chối việc làm lễ từ sáng sớm cho đến tối mịt cho cả chục nấm mộ thuộc những dòng họ, gia thế khác nhau, vì không thể hoãn những ngày giờ tốt lành cho việc chuyển mộ. Sư băn khoăn không biết sẽ làm gì với những nấm mộ vô thừa nhận…
Không ai làm việc bằng Nhật Tâm, vì thầy trụ trì phải làm lễ nhập tiểu vào chùa, theo ý nguyện của các thân chủ, người đồng môn nhỏ tuổi hơn sư lại nhập vi thất trong am nhỏ ở vườn chùa, không phụ giúp gì được. Nhật Tâm không biết lệnh giải tỏa này có từ khi nào, sư chỉ làm theo lời thỉnh cầu của những người sống muốn người thân được vào vào chùa hay yên nghỉ trên một mảnh đất khác. Mỗi lần chứng kiến cảnh khai quât một nấm mộ xưa cũ, sư lại có thể nhớ đến người ấy, đến cái chết của người ấy. Có người là thầy giáo cũ ở trường tiểu học, cũng có người sư chỉ được biết sau khi làm lễ siêu độ trước khi chôn cất… Nhưng cũng có khi sư không thể nhớ nữa, mà bồi hồi nhớ đến những lần làm lễ cầu siêu đầu tiên, vào năm mười hai tuổi, sư theo chân thầy trụ trì, khi ấy thầy còn khỏe mạnh…
Nhưng đến tuần lễ thứ tư, Nhật Tâm không thể thiền định ban đêm sau mỗi ngày như thế. Bàn chân Sư bước qua những khoảng trống đã đào lên, hụt hẫng, và có cảm giác mình rơi xuống. Trong trí Sư thoảng nhớ một buổi sáng, thầy trụ trì đi qua sân chùa rụng đầy hoa sứ với bộ áo lam mỏng manh, mà sao Sư không rơi xuống, chỉ những luồng khí vô hình trì kéo Sư, xé rách quần áo Sư, thấm vào da thịt Sư. Nhật Tâm không thể tỉnh dậy vào lúc tiếng âm nhạc ngũ hành vang lên thành tiếng trong không gian thanh vắng nữa. Tiếng nhạc không sao chạm đuợc vào Sư. Và cuối cùng, Sư không thể rời chiếc chõng tre sau một đêm chìm ngập trong bóng tối.
– Thầy ơi!
Thầy trụ trì đến bên Sư mỗi sáng sớm, vẫn với bộ áo lam nhẹ cũ. Nhưng Sư không hề biết điều đó, cho đến ba tháng sau đó, Sư mới cảm thấy mình đang thở, có bàn tay chà sát hai bên tai làm mặt sư nóng bừn lên… Sư gọi “Thầy ơi!”, bồi hồi nhìn đôi mắt sâu, khắc khổ đang âu yếm nhìn mình trong phòng tối. Những ngón tay cứng gầy chạm vào ngực Sư, ngăn lại cảm xúc, ngăn lại ký ức…
– Thầy ơi!
Thầy gật đầu. Một tuần sau chú tiểu nhỏ bảy tuổi mang đến cho Sư một cây gậy và Sư có thể rời tăng phòng. Ánh nắng làm Sư run sợ và tiếng nhạc ngũ hành lanh canh êm ấm làm Sư không sao cất lời. Bao nhiêu năm rồi, âm thanh từ những ống kim loại tròn nhỏ va chạm nhau đánh thức Sư những lúc Sư cần thức dậy. Thầy trụ trì đã bảo người càng đạt đến trình độ thiền định cao càng cảm nhận được tiếng ngũ âm sâu sắc. Những âm vang thanh nhẹ loang vào tâm Sư…
Đứng ở sân chùa một hồi lâu, Nhật Tâm nhìn thấy khoảng đất trống đang được san lấp hối hả bên kia lộ, hai cột cổng nghĩa trang có hai chữ "An Bình" không còn nữa.
– Trời ơi! Sao lại thế? Sao lại thế?
Tuy còn nhớ rất rõ câu chuyện giải tỏa nghĩa trang, Nhật Tâm vẫn không khỏi kêu lên, lòng hoảng hốt nhìn hàng rào kẽm gai ngả nghiêng quây quanh khu đất trống không. Những tiếng gầm rú man dại của máy ủi và những chuyến xe chở đất…
Sư ngã bệnh gần nửa năm trời.
Một buổi sớm, có lẽ cũng sớm như lần sư bước ra nghĩa trang vắng lặng và bồng đứa hài nhi đã chết vào lòng, có người nóng nảy đến gõ cửa chính điện, báo tin có người chết trên công trường. "Mới hôm qua còn thấy nó bò lê quanh hàng rào, kêu khóc như điên… Nó trần truồng, đen thui à…"
– Thằng Sang! Nhật Tâm bật kêu lên, chợt nhớ đến hình ảnh nó lẩn quất quanh nghĩa địa những lần sư làm lễ.
– Xin thầy giúp giùm cho nhanh nhanh. Để càng lâu, công nhân tụi tôi càng sợ, càng háo… Bên công an người ta…
– Nhưng làm sao nó chết?
– Tôi không biết. Không có vết thương, không ai bị đánh cả. Hôm qua còn thấy nó khóc….
– Nhưng làm thế nào nó về đây được? Vì sao? Suốt cả ngày sư băn khoăn điều đó.
Phải đến chiều hôm đó, người chết mới được đặt vào quan tài đóng bằng gỗ xây dựng bám đầy đất cát, trong một bộ đồ lao động màu vàng may sẵn. Nhật Tâm, bằng cách nào đó đã đến gần nhìn vào mặt người chết trước khi hai công nhân đóng đinh đậy nắp lại. "Nó là một thằng điên… Nó điên…" Họ nói với nhau.
– Nhưng làm sao nó chết?
– Nó chết, tự nhiên mà chết. Đêm qua ông bảo vệ còn nghe nó rên khóc như ma ngoài hàng rào. Thế mà… Cái thằng sướng thiệt.
– Ua, thầy…
Nhật Tâm chắp tay chào những người làm công. Ván hòm đã đóng lại, nhưng gương mặt thằng Sang thì còn như hiện lên đau đớn, nham nhở trên mặt gỗ sứt sẹo. Bây giờ, chân tay nó đã bất động và đôi mắt nhắm nghiền dưới lớp gỗ dày. Nhật Tâm không thể hiểu khuôn miệng há rộng, méo mó của nó là khóc hay là cười. Sư đi theo đoàn người vác quan tài về nghĩa trang mới về bên kia sông. Mặt trời như một khối lửa tàn bên trên khu đất bị cày xới. Với đỉnh đồng trong tay, sư gõ những tiếng cầu siêu nhỏ. Đó là lần làm lễ dài nhất trong đời Sư…
11/8/2021
Trần Thu Hằng
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tâm tình với ý nghĩ

Tâm tình với ý nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao nhiêu chuyện ...