Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

Về quê ăn Tết

Về quê ăn Tết

Ngày nay, khái niệm về quê ăn tết chỉ còn phù hợp với các bạn sinh viên hay những người lao động ở tỉnh xa vào các thành phố lớn kiếm sống. Dẫu công việc học hành hay mưu sinh bận rộn đến đâu, năm hết Tết đến luôn nhắc nhở người ta nghĩ về nguồn cội. Có thể nơi quê nghèo ấy vẫn còn ông bà, cha mẹ hay anh chị em, họ hàng sinh sống, nhưng cũng có thể trải bao thăng trầm, ly tán, nơi ấy chẳng còn mấy người thân thuộc, dẫu vậy tiếng gọi của nơi chôn nhau cắt rốn vẫn là một sức mạnh vô hình hút người ta trở về.
Đấy, như ở một nước láng giềng nọ, mỗi khi Tết đến là giao thông tắc nghẽn nghiêm trọng, lý do duy nhất là người lao động về quê ăn tết. Ngoại trừ những người từ lúc sinh ra cho đến khi qua đời chỉ sống ở một chỗ thì không biết đến khái niệm “về quê ăn tết”, còn hầu hết, ít nhất cũng một lần trong đời trải qua cái cảm xúc nôn nao, rạo rực, tìm mọi phương tiện giao thông để kịp về quê trong mấy ngày giáp Tết, cùng với đủ thứ quà cáp tay xách nách mang lỉnh kỉnh. Thời ấu thơ của tôi, món quà được trông ngóng nhất là bộ quần áo mới hay xấp vải. Ba tôi, cả cuộc đời ở trong quân ngũ nên đối với chúng tôi, những năm thơ trẻ, cái cảm xúc mong ngóng người thân về nhà ăn tết trở nên quá quen thuộc.
Nhà văn Đào Minh Hiệp
Trong suốt thời gian chiến tranh, tôi nhớ chỉ có đôi lần được đón ba về nhà ăn tết, thường thì đơn vị rảnh ngày nào ông tranh thủ nghỉ phép về thăm gia đình ngày ấy rồi lại tất bật trở về đơn vị. Nhiều năm ông vào chiến trường, bặt vô âm tín. Mối dây liên lạc duy nhất của gia đình với ông là cuốn sổ lương của ông, mà hàng tháng tôi được tin cậy đi lĩnh tiền về, giao cho mẹ. Mỗi lần về phép, cha thường mang theo đủ thứ quà, chủ yếu là tiêu chuẩn của một cán bộ trung cao mà ông để dành cả năm mang về cho các con. Trong trí nhớ của tôi, chỉ đơn giản là mấy lon sữa hộp và đồ hộp, bộ quân phục mùa hè mới toanh cùng với vài mét vải ga-bạc-đin hay vải sơ mi màu trứng sáo. Nhưng thời đó, đối với chúng tôi, những món quà nhỏ ấy chẳng khác gì sơn hào hải vị và gấm vóc lụa là. Mấy hộp thịt cá thì sau vài ngày chỉ còn là mấy cái lon sắt tây, mài miệng làm gáo múc nước. Quần áo thì mẹ bóp lại đôi chỗ là tôi mặc vừa, còn vải tôi nhường cho mấy đứa em chia nhau, nhưng phải để dành đến gần Tết mới may để mặc cho mới.
Thời của chúng tôi, những năm ấy, có một chiếc sơ mi màu xanh lá cây may theo kiểu áo bay của quân đội là sang lắm. Tôi nhớ có lần cha tôi mang về một cái. Tôi mặc đến lớp, trông như phi công trẻ, cả bọn lác mắt, đưa tay ve vuốt, xuýt xoa. Mặc cho đến lúc chiếc áo bạc phếch, tôi mang đi nhuộm lại.
Đào Minh Hiệp (thứ ba từ phải sang) với các bạn Tuy Hòa sau ngày thống nhất đất nước năm 1975
Năm đầu tiên khi tôi được trở về quê ăn tết cũng là năm đất nước thống nhất. Sau buổi đầu thăm viếng, làm quen, anh chị em, bà con họ hàng đã tổ chức nhiều chuyến du ngoạn bằng xe máy đi đèo Cả, núi Nhạn, Long Thủy, Sông Cầu… để giới thiệu cho tôi biết về chính quê hương của mình và về những người bạn mới. Trước đó, họ đưa tôi ra chợ, đến các sạp vải, cũng là bà con họ hàng cả, để chọn mua một mớ vải các loại, rồi lại đưa tôi đến các tiệm may sành điệu nhất lúc bấy giờ để gọi là tân trang. Vậy là mớ quần áo may sẵn tôi mang từ Nga về chẳng còn cơ hội để cạnh tranh.
Sau ngày tốt nghiệp đại học, do đặc thù nghề nghiệp địa chất, gần mười năm trai trẻ tôi phải làm việc xa gia đình. Chỉ sau vài tháng đặt chân lên vùng đất Tây Nguyên lúc ấy còn hoang sơ để nhận công tác, tôi đã biết ngay thế nào là sốt rét ác tính khi đồng nghiệp phải khiêng tôi trên võng chạy trong rừng đến đơn vị bộ đội đóng quân gần đấy để nhờ cấp cứu. Năm đầu tiên về quê ăn tết, dượng tôi khi ấy là một lãnh đạo tỉnh, nhìn vóc dáng bơ phờ, hốc hác, khác hẳn với chàng trai hồng hào khi mới ở Nga về, lắc đầu, thở dài, hỏi: “Con có muốn về dưới này không?”. Tôi nhìn ông, cảm giác như có vật gì đó chẹn ngang ngực, nhưng tôi chỉ lắc đầu: “Con trụ được”. Ăn tết xong, tôi lặng lẽ khoác ba lô ra quốc lộ đón xe trở lại Tây Nguyên. Vàtôi đã “trụ” lại được gần mười năm ở Liên đoàn Địa chất 7 khi đó đóng Gia Lai. Nhờ tinh thần “bám trụ kiên cường”, nên cứ gần Tết là các anh lãnh đạo cho tôi tranh thủ về quê ăn tết, chỉ dặn trả phép đúng hạn. Quà tết những năm ấy tôi mang về cho mẹ và các em là mấy kýcàphê rang và vài mét vải tiêu chuẩn được phân phối, còn chúng tôi chủ yếu mặc quần áo bảo hộ lao động được cấp.
Thời kinh tế thị trường, quà tết chủ yếu là phong bì lì xì với đủ loại mẫu mã, màu sắc bắt mắt, nhưng người cho và người nhận chẳng mấy bận tâm về món quà. Thời chúng tôi, những đứa trẻ ăn chưa no, quà tết luôn là niềm mong ước, là niềm vui chân thành sưởi ấm tâm hồn thơ bé trong những ngày đông giá lạnh. Bởi lẽ khi tặng quà, người lớn đã gửi vào đó cả niềm mong ước nhỏ bé và bình dị của con trẻ ấp ủ suốt một năm dài.
20/1/2020
Đào Minh Hiệp
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...