Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

Xuân ở vùng cao Phú Mỡ

Xuân ở vùng cao Phú Mỡ

Phú Mỡ (huyện Ðồng Xuân) là xã xa nhất, cao nhất, hẻo lánh nhất của tỉnh Phú Yên (cách TP Tuy Hòa gần 100 cây số). Nơi đây đồng bào dân tộc Chăm, Ba Na sinh sống. Năm nay là năm đầu tiên bà con hân hoan đón Tết bởi tuyến đường Xuân Phước – Phú Hải (xã Phú Mỡ) vừa hoàn thành.
Cùng với đường rộng mở, thời gian qua, Nhà nước đầu tư xây dựng trạm bơm điện Phú Giang, Phú Lợi, đập Bà Quân, Cây Vừng và Suối Hàn tưới 65ha lúa, với 542 hộ đồng bào hưởng lợi. Năm nay vùng đất giáp ranh 3 tỉnh Phú Yên, Gia Lai, Binh Ðịnh này, bà con đón Tết vui xuân, ấm cúng, sum vầy.
Nhà văn Mạnh Hoài Nam
TỪ ÐÁ MÀI QUA DỐC RUỘNG
Ði trên tuyến đường Xuân Phước – Phú Hải, lên đến dốc Ðá Mài rồi xuôi xuống cầu Cà Tơn là đến thôn Phú Tiến. Phú Tiến là thôn đầu tiên của xã Phú Mỡ tính từ dưới xuôi lên. Thôn có 3 làng, làng Phú Tiến 1, Phú Tiến 2 và Phú Tiến 3, bà con ở đây gọi tắt làng 1, làng 2, làng 3.
Gần Tết, nhà nhà được chỉnh trang để đón Tết. Ông So Minh ở làng Phú Tiến 1, chia sẻ: Năm nay là năm đầu tiên người trong làng đón Tết đi trên con đường mới. Từ đây xuống làng Bà Ðẩu (xã Xuân Quang 1) chúc Tết, đi xe máy không quá 10 phút. Còn trước đây đi gần 1 giờ mới đến vì đường đi quá xấu, lởm chởm đá dăm. Bằng chứng là có đoạn phóng đường mới (tuyến tránh), đường cũ vẫn còn bên cạnh, mưa thì xói lở, xẻ dọc xẻ ngang, nắng thì bụi mịt mù.
Xóm làng Phú Tiến 2 ngửa mặt ra cánh đồng, mùa này lúa ra lá non đơm lên màu xanh mát. Bà La Lang Thị Xinh ở đây cho hay: Cánh đồng Phú Tiến rộng trên 10ha, ăn nước từ đập Cây Vừng, Suối Hàn. Từ ngày có lúa nước, bà con ở đây không mua gạo chợ nữa.
Thiếu nữ vùng cao – Ảnh: Lê Minh
Ðến ngã ba Phú Tiến (tuyến đường Xuân Phước – Phú Hải rẽ vào thủy điện La Hiêng), đây là ngã ba rộng nhất trên tuyến đường này, nhà cửa khang trang. Từ đây lên dốc Ruộng (dốc cao nhất trên đường lên Phú Mỡ), mùa này gió u u nghe êm tai. Qua bên kia dốc Ruộng là thôn Phú Giang, trung tâm xã Phú Mỡ. Trước đây từ đỉnh dốc xuống đến nửa dốc Ruộng là ôm cua cánh chỏ, sụp xuống làng Hội rồi qua làng Bè (thôn Phú Giang), nay đường mới đi thẳng. Ông La Chí Cu, Trưởng thôn Phú Giang cho hay: Làm đường mới xuống nửa dốc Ruộng có độ mải, còn trước đây đến nửa dốc ôm cua tức rực. Hơn nữa tuyến đường mới này là cơ hội cho làng Hội mở rộng khu dân cư, bà con giãn dân sống hai bên đường thuận lợi đi lại.
ÐẾN VÙNG GIÁP RANH 3 TỈNH
Phú Mỡ có 5 thôn, Phú Tiến, Phú Giang, Phú Ðồng, Phú Lợi và Phú Hải. Trong đó có 3 thôn, Phú Ðồng, Phú Lợi và Phú Hải nằm bên kia sông Bà Ðài (đầu nguồn của sông Kỳ Lộ), vùng này giáp ranh 3 tỉnh Phú Yên, Gia Lai, Bình Ðịnh.
Trước đây chưa có cây cầu bắc qua sông Bà Ðài, người dân ở đây lội sông qua lại trung tâm xã, nay có cầu bắc qua sông nằm trên tuyến đường Xuân Phước – Phú Hải, người dân đi lại thuận lợi. Bà La Lang Thị Hờn ở thôn Phú Lợi chia sẻ: Sông Bà Ðài chảy qua xã Phú Mỡ, người dân 3 thôn bên này qua lại bến nước Phú Giang. Ở đây không có chợ phiên họp nên bà con thường mua hàng hóa từ người rao bán trên xe mô tô, bà con quen gọi là chợ di động. Mùa nắng bến sông nước cạn, thỉnh thoảng chợ di động rao bán đến bên này. Ðường sá, sông suối cách trở, vì thế thức ăn mua chủ yếu là nước mắm, cá mặn để dự trữ trong nhà. Nay có cầu mới, người dân qua lại trung tâm xã thuận lợi.
Trong 3 thôn nằm bên kia sông Bà Ðài thì thôn Phú Hải ở xa nhất, cách trung tâm xã 15km. Người dân ở Phú Hải sinh sống dựa vào rừng keo. Ông So Nung, một người dân ở đây chia sẻ: Ðất ở đây phù hợp trồng cây keo. Các nơi khác sản lượng rừng trồng đạt 60 tấn/ha, còn vùng này có người thu hoạch đạt 100 tấn/ha. Cuộc sống bà con ở đây khấm khá nhờ trồng rừng.
Ông So Minh Thương, Trưởng thôn Phú Hải cho biết: Diện tích rừng keo lai Phú Hải lên đến 1.000ha, nhiều người có từ 10-50ha rừng; trồng 1ha rừng, sau khi trừ chi phí, lãi 30 triệu đồng, nhiều nhà sắm được ti vi, xe máy.
Theo ông Thương, năm nào cũng vậy, ngày giáp Tết gia đình ông thường làm heo trước cúng Giàng, sau tặng cho bà con trong làng. Mùa xuân này, có đường mới khang trang, đường qua trung tâm xã có cầu bắc qua sông Bà Ðài đã giúp cho việc giao thương thuận lợi, báo hiệu người dân nơi đây sẽ đón Tết sum vầy, đầm ấm.
Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ La O Hóa chia sẻ: “Tết cổ truyền ở Phú Mỡ thường được bà con chuẩn bị con gà, ký thịt, ché rượu. Ba bữa Tết, bà con đi chúc Tết và cùng vui vẻ uống rượu cần, cầu mong sức khỏe, làm ăn phát đạt, con cháu học giỏi. Tết nhà nào cũng có bánh thuẫn, bánh men, bánh quy, bà con đón Tết vui xuân, ấm cúng, sum vầy”.
27/2/2020
Mạnh Hoài Nam
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Băn Khoăn Phần thứ nhất -  Chương 1 Cảnh rời trường Cao đẳng trở về nhà, lòng hớn hở, trí thảnh thơi: chàng vừa đến xem bảng và không ...