Thứ Hai, 4 tháng 12, 2023

Nợ đời 2

Nợ đời 2

CHƯƠNG 11 - NẤC THANG THỨ NHÌ
Cô Hai Phục nhờ tiền bạc của Mái Chín Ngánh mà cô được nhập theo hạng người giàu sang. Chẳng những cô tới lui thăm ông Phủ Tăng, thì vợ chồng ông Phủ Tăng trọng đãi mà thôi, mà vợ chồng ông Phủ lại cũng thường dắt con lên nhà cô mà chơi, còn Liên Hoa năm nay đã lớn rồi thì thường đi chơi xe, hoặc đi coi hát với cô, kêu cô bằng “Chị hai” nghe ngọt xớt, chớ không phải khinh khi mắng chửi cô như hồi trước vậy nữa.
Tới lui chơi vài năm, mà vợ chồng ông Phủ, vì hổ “cái cử chỉ” “phụ bần” của mình ngày trước, nên chẳng bao giờ dám hỏi thăm tới việc cô Phục chửa đẻ, cho biết coi hồi đó cô sanh trai hay là gái, và đứa nhỏ bây giờ ở đâu. Mà cô Hai Phục cũng y như lời của Ba Có dặn, cô chẳng hề nói tới chuyện ấy.
Một buổi chiều, cô Hai Phục đi xe hơi lại nhà ông Phủ rước cô Liên Hoa đi chơi. Cô nghe tin cậu Hai Hùng học ở bên Pháp đã thi đậu bằng Cử nhơn Luật Khoa và cậu đã xuống tàu mà về, trong năm mười ngày nữa cậu sẽ tới Saigon.
Trót năm năm rồi cô đã quên cậu Hai Hùng, nay thình lình cô nghe cậu về gần tới thì trong lòng bồi hồi, nằm ngồi không an. Cô còn oán cái thói đen bạc của cậu chăng? Hay là bếp lửa tình len-lút nhen-nhúm ngày xưa đến bây giờ mà nó cũng ngầm ngầm còn ngúng? Cô bồi hồi mà cô không biết trong hai lẽ ấy tại lẽ nào.
Đêm ấy là thứ năm, nhằm đêm cô đi coi hát bóng, mà ăn cơm tối rồi cô dã dượi, không chịu sửa soạn trang điểm gì đặng đi coi hát. Ba Có thấy đồng hồ treo trên vách đã chỉ 8 giờ rưỡi, mà cô Hai Phục mãi còn bận đồ mát, nằm trên ghế xích-đu thì chị ta hỏi rằng:
- Bữa nay là đêm em đi coi hát bóng mà. Em quên hay sao?
- Em nhớ lắm chớ. Mà bữa nay sao em không muốn đi coi xem hát bóng.
- Sao vậy?
- Tại sao em không biết mà sao em không muốn đi coi hát.
Cô nằm lúc-lắc cái ghế, mắt ngó ngọn đèn khí trân trân một hồi, rồi vùng nói với Ba Có rằng:
- Em mới nghe nói cậu Hai ở bên Tây về gần tới đa, Chị Ba.
- Cậu Hai nào?
- Cậu Hai Hùng là người hồi trước lấy em có chửa rồi trốn bỏ đi qua Tây mà học đó.
- Ờ ợ! Thằng khốn nạn đó mà nhắc tới làm gì. Hồi trước mình nghèo, nên tính vớ nó đặng kiếm xu, chớ bây giờ mình cần gì nó. Nó về thây kệ nó chớ.
- Nghe nói cậu thi đậu cử-nhơn, chớ không phải chơi đâu.
- Cử-nhơn cử nhéo gì cũng vậy, hễ người có cái óc hèn hạ khiếp nhược, thì dù học cho nhiều, làm quan cho lớn, cử-chỉ cũng hèn hạ khiếp-nhược hoài, chớ gì. Đồ đó thấy gớm lắm.
- Không biết chừng hồi trước cậu còn nhỏ tuổi, lại học ít, nên cậu không biết phải quấy. Bây giờ cậu lớn rồi, cậu học giỏi, có lẽ cậu đổi tánh chớ.
- Thử gừng với quế, hễ già chừng nào càng cay chừng nấy. Con người cũng vậy, thái-độ hèn hạ lớn chừng nấy. Em có thấy thứ ngỗng mà nó thành con hạc được bao giờ? Dầu em bắt nó đem để đứng trước bàn thờ Thần; ngỗng cũng là ngỗng, chớ thành hạc đâu được.
- Ngỗng hay là hạc cũng vậy, em sợ cậu về đây cậu kiếm em mà đòi con của cậu, rồi em không biết làm sao chớ.
- Khéo lo dữ hôn!
- Không lo sao được. Cậu thông thạo luật, cậu hỏi mình không biết đâu mà trả lời chớ.
- Cậu có hỏi thì em đừng nói gì hết. Em biểu cậu hỏi qua đây, đặng cậu lết tới đây qua nói luật với cậu cho cậu biết.
- Như cậu có hỏi em nói thằng nhỏ chết, được hay không?
- Được. Mà em để cậu hỏi qua, đặng qua nói chuyện với cậu cho vui mà.
Cô Hai Phục nằm suy nghĩ một hồi nữa, rồi hỏi rằng:
- Chị Ba, như cậu Hai về đây, cậu tới chịu lỗi rồi cậu xin cưới em mà chuộc cái quấy hồi trước, em phải trả lời làm sao?
- Em hỏi kỳ cục quá! Bao giờ mà có chuyện như vậy. Trông thế mà em còn thương thằng đó lắm hay sao mà em ước mơ nó cưới em?
Cô Hai Phục nằm nín khe, không trả lời.
Ba Có thở ra mà nói rằng: “Qua sợ em còn phải nguy về cái tay thằng điếm đó nữa cho mà coi!”
Cô Hai Phục cũng không trả lời.
Cách chừng 10 ngày sau, cô vô nhà ông Phủ Tăng mà chơi, cô gặp cậu Hai Hùng, cậu biết cô nên cậu bợ-ngợ, nhưng mà cậu làm lơ, không dám hỏi.
Bà Phủ bây giờ bà yêu và trọng cô Hai Phục lắm, bà muốn khoe cô, mà cũng muốn phui-pha chuyện cũ cho rồi, nên bà hỏi cậu Hai Hùng rằng : “Đố thằng Hai biết cô nầy là ai?”
Cậu Hai làm bộ lơ láo đáp rằng:
- Cháu đi lâu quá nên cháu quên.
- Cô Hai Phục đó đa. Hồi trước cô nuôi nó, lúc cháu ở đây mà đi học có nó. Cháu nhớ hôn?
- Thưa, cháu nhớ rồi. Bây giờ cô Hai lớn nên trông lạ.
Cô Hai Phục cười mà nói rằng: “Cậu thi đậu cử-nhơn rồi cậu làm lạ với em, chớ em có quên cậu đâu”.
Mấy lời nói ấy gồm đủ các ý trách với cái ý còn dan-díu. Bà Phủ sợ kẻ nói qua, người đáp lại, rồi lòi tình tệ cũ không tốt, nên bà hớt mà nói với cậu Hai rằng:
- Con Hai bây giờ có chồng giàu lắm, nó có xe hơi, có nhà tử tế, chớ không phải như hồi nhỏ vậy đâu.
- Được vậy thì tôi cũng mừng cho cô.
Cô Hai Phục cười mà nói rằng: “Cám ơn cậu. Tôi cũng mừng cho cậu học thành công”.
Câu chuyện chỉ có bao nhiêu đó mà thôi, mà cũng đủ cho cậu Hai thấy cô Hai đã không oán hận mà ý lại không quên cậu.
Cô Hai Phục về nhà cô tỏ thiệt cho Ba Có nghe rằng cô có gặp cậu Hai Hùng. Cô nói rằng:
- Cậu gặp em mà cậu làm mặt lạ chớ.
- Sao em không nhắc chuyện xưa cho cậu nhớ?
- Có chú thím của em ở đó, em nhắc chuyện cũ coi sao được?
- Cậu có hỏi thăm con của cậu hôn?
- Không.
- Cậu đi Tây rồi cậu quên chuyện An Nam hết. Để khi nào qua gặp rồi qua sẽ nhắc cho cậu nhớ.
Hơn một tháng nay Mái Chín Ngành ít tới lui nữa. Hồi trước mỗi ngày mỗi ghé, bây giờ cả tuần lễ mới ghé một lần, mà ghé một lát rồi đi, không chà lết ở ăn cơm, không vui cười hớn-hở như xưa nữa. Tuy vậy mà tiền bạc cũng cho cô Hai Phục ăn xài như thường.
Một đêm cô Hai Phục đi chơi về, cô buồn trong bụng nên ngủ không được, cô bèn dỡ nhựt trình ra mà đọc. Cô thấy có một bài báo nói rằng: Một người khách trú tên Mai-Ngân kêu Mái Chín Ngành, làm nghề thầu khoán ở Cholon, gạt gẫm nhiều hãng mà mua chịu xi măng, mua chịu sắt, lại còn gạt nhà băng mà vay bạc cả thảy trên 200 ngàn. Vài tháng nay không trả nợ cho hãng và nhà băng nào hết. Mấy hãng vào đơn nơi Tòa Thương-mãi mà kiện. Tòa xét sổ sách thì thấy Mái chín Ngành làm nhiều việc gian lận, nên lên án buộc tội sang đoạt theo phép Thương-mãi. Tòa chưa kịp bắt mà giam thì Mái Chín Ngành sợ tội nên đã trốn đi đâu mất. Theo tin của sở Cảnh sát thì có lẽ Mái Chín Ngành trốn lên Cao miên, rồi lén qua Xiêm La đặng quá giang tàu mà về Trung Quốc. Nhà chuyên trách còn đương tập nã, mà chưa biết kẻ phạm bây giờ ở đâu.
Cô Hai Phục đọc chưa hết bài nhựt trình thì rồi cô đổ mồ hôi, cô kêu Ba Có mà nói lại cho chị ta hay. Ba Có chắc lưỡi lắc đầu mà than rằng: “Xui xẻo quá! Làm việc gì mà mắc nợ đến nỗi phải trốn lận. Đây rồi chị em mình mới làm sao đây?”
Cô Hai chau mày nói rằng:
- Thẩy nguy mà thẩy không nói trước cho mình hay chớ. Vậy mà hôm đầu tháng thẩy còn phát đủ tiền cho em xài như thường. Ai mà dè.
- Bởi không phải tại minh mà nó nguy, nên nó có trách mình được đâu.
- Thẩy mắc nợ nần cũng tại em một mớ chớ.
- Tại sao? Mổi tháng nó tốn với mình chừng 500 đồng bạc chớ bao nhiêu. Mấy năm cộng lại nó nhiều lắm là 20 ngàn. Nó mua xe hơi, mua hột xoàn cho em chừng 10 ngàn nữa thì tốn hao tới 30 ngàn, có phải nhiều đâu.
- Ba chục ngàn còn gì nữa!
- Ối! Mà chuyện rồi thì thôi, hơi nào mà tính. Bây giờ mình phải lo phận mình đây.
- Em không lo. Mấy năm nay em để dành được 3 ngàn.
- Ba ngàn nhiều lắm sao? Chớ chi được 30 ngàn thì khỏi lo, chớ ba ngàn mình xài lâu lắm là một năm, tiêu hết rồi làm sao?
- Tới đâu hay đó chớ biết làm sao!
Chị em cô Hai Phục đã mất vú sữa rồi, nên không dám xài phí hời hợt như trước nữa. Chiều chiều cô Hai ngồi xe hơi đi chơi một vòng rồi về, không ăn cơm nhà hàng, không coi hát nữa.
Một buổi sớm mơi hai chị em thức dậy thấy một tốp thợ hồ, thợ sơn xe đổ lại dậm sửa, sơn quét cái nhà bánh ếch ở bên phía tay mặt. Vả cái nhà nầy bỏ trống gần một năm rồi, không có ai mướn. Nay thấy người ta lăng-xăng sơn sửa, muốn biết coi ai mướn, nên Ba Có bước ra đứng dựa hàng rào mà hỏi thăm mấy người thợ. Cách một hồi chị ta trở vô nói với cô Hai rằng:
- Không phải mướn. Người ta mua cái nhà với đất 11 ngàn, nên người ta tu bổ lại đặng dọn mà ở.
- Nhà đó bán hay sao? Hễ em hay thì mấy tháng trước em nói với Mái Chín mua phứt cho chị em mình ở, tiện biết chừng nào.
- Nó gần chết rồi mà mua cái nỗi gì.
- Bề nào cũng chết, mắc nợ mấy trăm ngàn, dầu thêm 11 ngàn nữa cũng không hại gì. Nhà đó bây giờ người Tây hay là người An Nam mua vậy chị?
- An Nam. Mấy người thợ họ nói ông Đốc-Phủ Lê-như-Thần nào ở Lục-Tỉnh không biết, ổng hưu trí, nên mua nhà ấy ở với vợ con.
- Bộ ông đó giàu lắm hay sao mà mua nhà tới 11 ngàn.
- Làm quan lên tới chức Đốc-phủ mà không giàu sao được, em hỏi kỳ quá.
Cô Hai Phục ngồi buồn hiu, cô suy nghĩ thế nào không biết, mà cách một hồi cô lại than rằng: “Em nghĩ lại thiệt em dại quá, hồi đắc thời cứ ham chơi cho sung sướng cái thân, không thèm tính tới việc hậu nhựt, nên nay thất thời mới phải cực lo như vậy”
Ba Có ngó cô Hai mà hỏi rằng:
- Cái gì mà thất thời, em già rồi hay sao?
- Tuy chưa già, song người mình nương tựa nhờ cậy đã tiêu rồi, thì mình thất thời chớ sao.
- Mái Chín Ngành tiêu đó, chưa chắc là rủi hay là may cho mình. Ở đời em đừng có thối chí chớ. Vì năm trước chị em mình nghèo, em không có vi kiến, lại chưa có danh dự gì, nên qua để cho em gần Mái Chín Ngành đặng kiếm tiền. Em tưởng qua để cho em lấy Mái Chín Ngành đó qua vừa lòng đó hay sao? Có phải vậy đâu. Qua dạy dỗ em, qua muốn cho em làm bà nầy bà kia, qua mới vừa lòng, chớ làm “thím mái chín” mà nghĩa gì. Em đừng có buồn, thằng đó bất quá là một nấc thang thứ nhì chớ gì. Em còn phải leo cao hơn mới được.
- Leo lên nữa được hay không chưa biết, chớ bây giờ em thấy phải leo xuống rồi.
- Sao mà leo xuống?
- Đây rồi mình phải kiếm phố rẻ rẻ dọn mà ở, chớ ở nhà nầy rồi tiền đâu mà trả. Đó không phải là leo xuống hay sao?
- Chuyện gì mà phải lại dọn ra phố mà ở? Vậy chớ trước khi gặp Mái Chín Ngành em ở đâu?
- Hồi trước Ông Huyện Hàm ổng trả tiền nhà; bây giờ ai mà chịu trả?
- Em khéo lo dữ! Thứ trả tiền nhà, qua nói ra một tiếng thiếu gì người chịu. Em đừng có sợ mà lo tính trả nhà mướn phố. Tính như vậy thì quê lắm. Em muốn trèo cao thì em phải giữ phẩm giá cho cao mới được chớ. Em không thấy chệc bán trái bom hay sao? Nó muốn bán mắc, nó phải bao bằng giấy lụa, nó bán mắc mới được. Em phải giữ cách sang trọng luôn luôn, mỗi ngày phải bận đồ mới, phải đi chơi xe-hơi, như thường hoài, chớ đừng có làm hèn hạ mà mất phẩm giá.
Cô Hai Phục cười.
Chiều mát Ba Có xúi cô thay đồ mà đi chơi một vòng với chị ta. Cô Hai còn đương trang điểm; Ba Có sửa soạn rồi trước, nên chị ta ra trước sân mà coi sớp phơ lau xe hơi. Thình lình chị ta thấy một ông bịt khăn đen, bận áo dài, tay cầm ba-ton, râu hớt ngạnh trê, mái tóc bạc hoa râm, mắt đeo kính gọng vàng, ngừng xe kéo trước cái nhà đương sơn sửa đó. Ông ấy chống ba ton đi vô, thợ hồ thợ sơn đều bẩm và bẩm quan lớn.
Ba Có biết ông ấy là quan Đốc Phủ Lê như Thần, nên đứng ngó ngay trân trân. Quan Đốc phủ đi chung quanh mà coi nhà thợ làm, đi tới hàng rào, ngang chỗ Ba Có đứng với cái xe-hơi, thì ngài ngó chị ta, miệng cười ngỏn-ngoẻn.
Ba Có cúi đầu mà chào ngài và hỏi rằng:
- Bẩm quan lớn, quan lớn mua cái nhà nầy hay sao?
- Phải. Tôi mua rồi.
- Bất nhơn quá! Hai chị em tôi ở một bên đây, mà hãng bán cái nhà nầy hai chị em tôi không hay chút nào hết. Chớ phải hay bán thì con em tôi nó mua rồi.
- Tôi có một thằng con trai làm việc ngoài Saigon, nó thấy trong nhựt-trình rao bán, nên nó chỉ cho tôi mua đó.
- Có rao trong nhựt trình hay sao? Nhà tôi có mua đủ thứ nhựt trình mà không để ý đến lời rao, nên có hay đâu. Bẩm, quan lớn mua giá bao nhiêu vậy?
- Tôi hưu trí, tôi cần dùng có chỗ ở gấp, nên tôi mua mắc quá. Tôi mua về nhà về đất tới 11 ngàn.
- Bẩm quan lớn, 11 ngàn có mắc đâu. Quan lớn mua đó rẻ lắm. Phải mà con em tôi nó hay bán giá đó, thì nó cũng mua. Bẩm quan lớn, xin mời quan lớn qua nhà tôi uống nuớc chơi.
Quan Đốc-Phủ Thần do dự một chút rồi chống ba-ton đi vòng ra cửa ngõ mà qua sân của Ba Có. Ngài thấy Ba Có y phục chỉnh tề, lại có cái xe-hơi trực sẵn, thì ngài nói rằng:
- Cô, sửa soạn đi, mà tôi qua làm khách cho cô vậy sao phải.
- Bẩm, không. Tôi không có đi đâu hết. Con em tôi nó biểu sớp-phơ đem xe ra chùi lau đặng chiều tối nó đi chợ, chớ bây giờ chưa đi. Mời quan lớn vô nhà.
Quan Đốc phủ đi theo Ba Có mà vô nhà. Ba Có mời ngài ngồi ghế giữa, nhấn chuông kêu bồi bếp biểu chế một bình trà mới, biểu lau chén cho sạch sẽ.
Quan Đốc Phủ thấy đồ đạc hực-hỡ, lại chưng dọn đẹp đẽ, thì khen thầm trong bụng và hỏi rằng:
- Ông chủ nhà đi đâu vắng?
- Bẩm quan lớn, nhà nầy là nhà của con em tôi, chớ không phải nhà của tôi. Nó có chồng Mái-Chín-Ngánh làm nghề thầu khoán. Chồng nó mua bán lộn xộn với mấy hãng sao đó không biết, mà bỏ đi về Tàu. Còn tôi có chồng An nam nhà ở trên Hoà Hưng. Chồng tôi nó mê vợ bé, tôi phiền tôi giao nhà cửa hết, rồi tôi xuống ở chơi với con em tôi đây.
Cô Hai Phục trang điểm rồi, cô ở trong cái phòng một bên, cô mở cửa bước ra. Quan Đốc Phủ thấy nhan sắc, tướng mạo của cô thì ngài chưng-hửng, nên đứng dậy chào cô.
Ba Có nói với ngài rằng: “Bẩm quan lớn, con em tôi đó. Nó là chủ nhà”. Chị ta day lại nói với cô Hai Phục rằng:
“Quan lớn là Quan Đốc Phủ mới mua cái nhà ở dựa bên mình đó”. Cô Hai Phục cúi đầu chào Quan Đốc Phủ rồi ngồi cái ghế gần một bên ngài đó, mùi dầu thơm bay ngạt ngào.
Thằng bồi bưng một mâm trà lên để trên bàn. Ba Có lấy bình trà mà rót ba tách. Cô Hai Phục bưng một tách mà mời Quan Đốc Phủ, tay bưng dịu-nhiễu, miệng cười hữu duyên.
Quan Đốc Phủ đắc ý, nên chúm chím cười mà nói rằng: “Tôi mua nhà về ở chỗ nầy coi bộ êm ái lại vui. Tôi chịu ở chỗ như vầy, chớ ở chỗ đông đảo lộn xộn quá”.
Cô Hai Phục cũng cười mà đáp rằng:
- Bẩm quan lớn. Ở chỗ nầy tốt lắm. Em ở đây hơn bốn năm rồi, không có việc chi hết. Quan lớn hưu trí về ở mấy chỗ nầy thì phải rồi. Em chắc bà lớn thấy chỗ nầy bà lớn muốn nên bà lớn mới đốc quan lớn mua chớ gì.
- Không. Bà bầy trẻ đã mất năm sáu năm nay rồi, còn đâu mà đốc.
- Té ra bà lớn mất rồi sao? Vậy thì quan lớn mua cái nhà rộng mênh-mông rồi ở sao hết.
- Tôi ở với mấy đứa con tôi.
- Quan lớn được mấy cô mấy cậu?
- Sáu đứa, 3 trai 3 gái.
- Quan lớn có phước quá, đã giàu sang mà lại giàu con cháu đông nữa. Quan lớn năm nay được mấy mươi tuổi?
- Tôi được 57.
- Tới 57 tuổi mà quan lớn coi còn mạnh quá. Tôi tưởng đâu quan lớn chừng 45 tuổi, tóc có bạc chút đỉnh, mà răng con y nguyên.
- Phải. Răng tôi còn cứng lắm, ăn mía cũng được nữa.
Quan Đốc Phủ ngó quanh quất, thấy mấy cây đờn treo trên vách bèn nói rằng: “Nhà coi phong lưu quá, có sắm đờn nữa chớ”.
Ba Có nói rằng: “Bẩm quan lớn, con em tôi nó sắm đặng khi nào nó buồn nó đờn chơi giải khuây”.
Quan Đốc Phủ ngó cô Hai Phục trân-trân mà hỏi rằng:
- Chà ! Cô biết đờn nữa sao?
- Dạ, em biết cọt-quẹt ít bản.
- Phong lưu quá!
Quan Đốc Phủ cứ ngồi nói chuyện chơi, uống tới 3 lần nước rồi mới từ mà về. Chị em Ba Có đưa ngài ra tới cửa ngõ.
Ba Có hỏi rằng:
- Bẩm quan lớn, chừng nào quan lớn mới dọn về nhà mà ở?
- Để nó sửa xong rồi tôi dọn. Có lẽ chừng vài tuần nữa nó sửa rồi, sửa ít đỉnh rồi sơn phết nước vôi, chớ không có sửa chi lắm.
- Còn bây giờ quan lớn ở đâu?
- Tôi ở đỡ với thằng con tôi, dưới đường Testard.
Quan Đốc Phủ về, hai chị em Ba Có trở vô sân. Ba Có hỏi cô Hai Phục rằng: “Em muốn làm bà lớn hôn?”
Cô Hai Phục chúm-chím cười mà đáp rắng: “Ổng đáng cha em, coi kỳ quá”.
CHƯƠNG 12 - NHÚM BẾP LỬA TÌNH
L
ối 4 giờ rưỡi chiều. Mặt trời hiu-hiu, gió đàn phay-pháy. Bên đường mấy chậu cau vàng quặt qua quặt lại, ngó lâu có cái vẻ yểu điệu mà lại thanh tao. Ngoài đường xe chạy lăng xăng, trông ra chốn kinh-thành người ta trục lợi tranh danh thiệt là náo nhiệt.
Ba Có lấy xe-hơi đi Cholon từ hồi 2 giờ trưa tới bây giờ mà chưa về. Cô Hai Phục ở nhà một mình cô buồn, nên cô đứng dựa cửa mà ngó ra sân. Khi trời mát mẻ, hoa-thảo tốt tươi, cô nhìn hoa một hồi lâu rồi cô sanh cảm tình-chứa chan trong lòng, cô bèn kéo cái ghế xích-đu đem để trước hàng ba, rồi cô lấy một cây đàn kìm ra nằm tại cái ghế ấy lên dây đờn rao chơi. Cô mặc bộ đồ mát bằng lụa màu xanh da trời, bâu áo, lai tay và lai quần đều có viền màu bông hường.
Gió thổi hiu-hiu, tiếng đờn rỉ-rả, mái tóc dã-dượi, gò má ửng hồng, nhà đạo đức nếu gặp cái cảnh nầy chắc cũng khó dằn ngọn sóng tình dồn dặp. Cô Hai rao chơi một hồi rồi cô cảm hứng, nên cô bắt đờn bàn Văn-Thiên-Tường, tiếng đờn cao thấp như khóc như than, miệng cô lại ca, tiếng ca phù trầm như chim kêu, như nước chảy. Cô đờn ca dứt bài rồi, bỗng có tiếng nói ở trên đầu cô rằng: “Hay lắm! Hay lắm! Phong lưu kiệt! Cô Hai đờn ca tuyệt diệu, mà hôm trước cô khiêm nhường, cô nói cô biết cọt quẹt chớ”.
Cô Hai giựt mình; cô ngồi dậy day lại thấy Quan Đốc Phủ Thần, thì cô thẹn-thùa về cách cô ăn mặc lả lơi, mà cũng thẹn-thùa về sự cô vô ý không hay người ta lén nghe cô đờn ca. Cô lật đật cúi đầu chào Quan Đốc Phủ rằng: “Bẩm quan lớn, xin quan lớn tha lỗi cho em. Quan lớn qua chơi mà em không hay đặng nghinh tiếp”.
Quan Đốc Phủ cười mà đáp rằng:
- Không, cô có lỗi chi đâu mà phải ái-ngại. Tôi không xin phép cô, mà tôi vô nhầu trong nhà cô bắt lỗi tôi mới phải chớ.
- Bẩm quan lớn, em đâu dám. Bẩm quan lớn, em xin mời quan lớn vô nhà.
- Không, không. Ở đây chơi thú vị hơn, vô nhà làm chi. Tôi đứng ở bên rào coi chỉ cho trẻ ở trồng bông tôi nghe văng vẳng có tiếng đờn ca bên nầy, nên lén bước qua coi ai chơi phong lưu đến thế nhỉ. Tôi thấy cô, tôi bèn núp phía sau lưng đặng lén mà hưởng trọn cái thú phong-lưu ấy một lát. Xin cô tha lỗi cho tôi.
- Bẩm quan lớn, em đâu dám bắt lỗi quan lớn. Xin mời quan lớn vô nhà, chớ ở ngoài hàng ba vậy sao phải.
- Không. Ở ngoài nầy mát. Cô cho tôi mượn một cái ghế ngồi đây cũng được mà, ngồi nghe cô đờn ca chơi.
Cô Hai bước vô bưng một cái ghế đem ra, Quan Đốc Phủ rước lấy rồi để đối diện với cái ghế xích-đu mà ngồi. Cô Hai Phục cười mà nói rằng:
- Xin phép quan lớn cho em vô mặc một cái áo dài, chớ em mặc đồ như vầy mà tiếp khách thì vô lễ quá.
- Mình là bạn lân cận với nhau, chớ khách khứa gì mà lễ-phép. Tôi cũng bận đồ mát đây vậy. Tôi muốn cô bận đồ như vậy đó, chớ cô thủ lễ quá thì mất vui.
- Quan lớn cho phép em mới dám.
- Tôi cho phép. Cô cứ nằm cái ghế xích-đu như hồi nãy vậy, nằm rồi đờn và ca nhỏ nhỏ đủ cho tôi với cô nghe mà thôi, nghe đờn ca như vậy mới có thú vị.
- Bẩm quan lớn, có quan lớn ngồi đó, em sợ, em đờn ca lỗi nhịp hết.
- Tại sao vậy?
- Vì quan lớn có oai, làm cho em khớp nên khó ca lắm.
- Đừng sợ gì hết. Cô coi như không có tôi vậy mà. Cô cứ thong-thả ca như hồi nãy đi.
- Bẩm quan lớn, để em biểu bồi lấy rượu la-ve cho quan lớn uống giải khát.
- Được. Mà ở nhà có sẵn rượu hay không?
- Bẩm, có sẵn.
Cô Hai bước vô trong nhấn chuông. Người bồi chạy lên. Cô biểu đi lấy nước đá rồi đem la-ve ra đãi khách.
Quan Đốc Phủ kêu cô Hai mà hỏi:
- Còn chị của cô đi đâu vắng?
- Bẩm, chị Ba em đi vô trong Chợ-Lớn.
- Chị ruột của cô, hay là chị em sao đó?
- Bẩm, chị bạn dì.
- À! Có vậy chăng, chớ cô thứ Hai, còn chị của cô thứ Ba, thì trái cựa quá.
- Bẩm, quan lớn dọn nhà xong rồi hết.
- Bẩm, nhà quan lớn em thấy mấy cô mấy cậu đông, coi vui quá. Bên nầy em có hai chị em nên vắng oe.
- Hai đứa con gái lớn của tôi có chồng rồi nó ở riêng chớ hồi trước còn đông hơn nữa. Bây giờ tôi ở có hai vợ chồng thằng con trai lớn của tôi, hai đứa con trai giữa còn đi học, với đứa con gái út, không đông gì lắm. Cô nằm trên ghế xích đu đó đi, nằm đờn ca nghe chơi mà.
Cô Hai vưng lời. Cô ngồi dựa trên ghế xích đu, tay ôm cây đờn, lên dây rồi rao chơi. Cô ngâm nhỏ-nhỏ, tiếng ngâm lảnh-lót, tiếng đờn trong ngần, quan lớn ngồi nghe những câu tình tứ sâu-xa, ngồi ngó mấy ngó tay nhấn đờn dịu nhiễu thì ngài như say như mê, tưởng tượng như đang ở trong chốn động đào tiên cảnh.
Người bồi bưng một cái bàn nhỏ ra để trước mặt quan lớn, rồi lại bưng ra một mâm, trong mâm có một chai rượu la-ve với 2 cái ly, mỗi ly đều có một cục nước đá. Bồi mở rượu la ve rồi, cô Hai buông cây đờn, cô đứng dậy lấy chai rượu mà rót vào hai ly. Bồi rút lén mà đi mất. Cô Hai bưng một ly rượu mà mời quan lớn, mắc liếc, miệng cười, tiếng mời hữu tình mà lại hữu duyên.
Quan lớn đưa tay rước ly rượu, trong lòng hân hoan, mà cô Hai cụng ly rồi ngài mới uống.
Hơi rượu nồng nàn, hai gò má của cô Hai ửng đỏ, dung nhan coi càng đẹp bội phần.
Quan lớn thêm cảm hứng, nài cô phải đờn ca nữa. Có hơi rượu, cô hai hết ái ngại nữa. Cô bưng một cây đờn tranh ra để trên bàn, kéo ghế lại xít gần, rồi cô lên dây oán mà đờn một bài, và đờn và ca. Quan lớn ngồi nghe đờn mà uống rượu và ngó cô Hai. Gió thổi mái tóc phất phơ trên mặt áo lụa bó sát trong mình, làm cho quan lớn thấy ngài điên đảo tinh-thần, ngẩn-ngơ lòng dạ.
Cô đờn dứt bài rồi, cô đứng dậy ngó quan lớn mà cười, và rót rượu thêm cho ngài uống. Cô nói: “Em lỗi quá, em quên lấy thuốc mà đãi quan lớn chớ. Để em vô buồng lấy thuốc ăng lê cho quan lớn hút”. Cô nói dứt lời thì cô bỏ đi vô nhà. Quan lớn đứng dậy đi theo cô. Cô đi thẳng vô buồng. Quan lớn đứng tại cửa buồng mà ngó. Ấy là cái phòng riêng của cô Hai ngủ, giường đồng chùi sáng ngời, niệm(#1) gòn dầy 2 tấc, mùng và drap đều trắng nõn, bàn rửa mặt đựng đủ thứ dầu thơm, có tủ kiếng lớn để soi đủ mình, có divan cẩm lai để nằm coi sách. Quan lớn nói rằng: “Phòng ngủ đẹp quá, mà chồng bỏ đi về Tàu, để ngủ có một mình chớ”.
Cô Hai day lại ngó quan lớn mà cười. Quan lớn men-men bước vô, tay vuốt râu, miệng cười ngỏn-ngoẻn. Cô đứng ngay cái kiếng lớn, tay vuốt mái tóc mà nói rằng: “Trời ơi! tôi uống rượu mặt đỏ ngòm chớ. Chắc em say rồi à quan lớn”.
Quan lớn đứng một bên cô mà ngó vô kiếng, hai người nhìn nhau rồi cười hết.
Cô bước lại cái bàn nhỏ lấy hộp thuốc ăng-lê với cái hộp quẹt mà mời quan lớn hút thuốc. Quan lớn và lấy điếu thuốc và kề mặt gần cô mà nói nhỏ nhỏ rằng : “Để bữa nào tôi với cô đi Long Hải chơi nghe hôn cô Hai?”
Cô nghiêm sắc mặt và ngó quan lớn mà đáp rằng:
- Bẩm quan lớn em đi sao được.
- Sao vậy?
- Bẩm, quan lớn thì goá vợ, còn em là đàn bà, em đi chơi với quan lớn như vậy, em sợ thiên hạ họ đàm tiếu.
- Mình đi lén, ai biết được mà đàm tiếu. Tôi mướn một cái xe hơi cho lại đây rước cô trước rồi vô Bà-Chiểu rước tôi, làm như vậy thì người nhà biết sao được.
- Bẩm quan lớn, việc gì cũng vậy, hễ mình giấu chừng nào, họ càng hay chừng nấy, giấu sao được. Mà Chị Ba em đời nào chỉ cho em đi một mình.
- Cô Ba khó lắm hay sao?
- Bẩm, không phải khó, song chỉ không chịu cho em đi chơi bậy bạ.
- Đi chơi với tôi mà bậy bạ giống gì.
Cô Hai ngó quan lớn rất hữu tình và cười và nói rằng: “Nếu quan lớn muốn em đi chơi với quan lớn, thì quan lớn nói với chị ba em; chỉ cho thì em mới dám”. Quan lớn gặc đầu nói rằng: “Để bữa nào rồi tôi sẽ nói với chị Ba”.
Hai người nói chuyện tới đó kế nghe có tiếng xe hơi chạy vô sân. Cô Hai lính-quýnh và bước ra và nói rằng: “Chị Ba em về”. Quan lớn cũng theo mà đi ra.
Thiệt quả Ba Có đương mở cửa xe leo xuống. Cô bước lên thềm, ngó thấy Quan Đốc Phủ thì hớn-hở cúi đầu chào ngài và hỏi cô Hai rằng: “Quan lớn qua chơi, mà không có tôi ở nhà. Con Hai, em có biểu nấu nước lấy thuốc mà đãi quan lớn hay không? Mời quan lớn ngồi chơi. Tối rồi sao bồi đâu mất, nó không vặn đèn vậy kìa.
Quan lớn nói rằng:
- Từ hồi chiều đến giờ tôi ngồi ngoài chơi mát quá.
- Con em của tôi nó khờ lắm. Quan lớn qua chơi, mà nó không mời vô salon, nó để ngồi ngoài hàng ba chớ.
- Không. Cô Hai có mời, song tại tôi muốn ngồi ngoài chớ. Dễ hôn! Cô Hai trọng tôi lắm, cô đãi rượu la ve, lại đờn ca cho tôi nghe nữa chớ.
- Thuở nay quan lớn từng nghe những cô ca nhi đại danh trong lục tỉnh; con Hai ca bậy bạ mà nó cũng dám ca cho quan lớn nghe nữa chớ, con có gan thiệt.
- Không. Cô Hai đờn và ca hay tuyệt diệu mà, chưa chắc bọn ca nhi hay hơn cô đâu. Cô ca tôi nghe tôi mê quá.

- Bẩm, quan lớn thấy nó em út quan lớn thương, nên quan lớn khen vị tình, chớ nó ca sao bằng người ta được.

- Phãi, thương thì có, còn khen thì khen thiệt, chớ không phải vị tình đâu. Thôi, tối rồi. Để tôi về để bày trẻ nhỏ ở nhà nó chờ ăn cơm. Bữa nào rảnh hai cô qua nhà tôi chơi.

- Dạ, nếu quan lớn cho phép thì chị em tôi mới dám.

- Gần gũi với nhau, qua lại chơi, phép tắc gì! Người ta bà con xa không bằng xóm láng diềng gần. Biết nhau thì cũng như bà con, hai cô đừng ái-ngại chi hết.

Hai cô đưa quan Đốc Phủ ra tới cửa ngõ rồi từ giã nhau.

Khi trở vô nhà Ba Có hỏi nhỏ nhỏ rằng:

- Em mời ông hay là khi không ổng qua?

- Em buồn em nằm ghế xích đu ngoài hàng ba đờn chơi. Ổng nghe rồi qua, chớ ai mà mời.

- Em coi ý ổng thể nào?

- Trừu chúa!

-Ổng có chọc em hay sao?

- Trời ơi! Ổng già mà ổng đảo nhãn thất kinh. Em đờn ca nhỏ nhỏ cho ổng nghe, coi bộ ổng mê mết. Em vô buồng lấy thuốc đãi ổng, ổng lết vô tới trong buồng em. Ổng lại rủ em đi Long Hải với ổng nữa chớ.

- Bắt mồi rồi a. Ổng có cọ quẹt em hay không?

- Hổng có, song em đứng ổng có theo đứng một bên em, nói chuyện ổng hay kề miệng sát một bên mặt em.

- Được rồi. Còn ổng rủ em đi Long Hải, em trả lời làm sao?

- Em từ chối, em nói không dám, bởi vì chị gắt lắm. Em nói với ổng nếu muốn mời em đi chơi thì phải nói với chị chừng nào chị cho phép thì em mới dám.

- Được lắm. Qua đoán chắc trong vài tháng nữa em sẻ làm “Bà lớn Đốc Phủ” cho mà coi.

- Em nghĩ khó lắm chị.

- Sao mà khó? Ổng goá vợ, em không chồng, nếu ổng thương thì dắt nhau đi xã Tây làm hôn thú, có khó gì đâu mà khó?

- Làm hôn-thú kình-rình quá, ông đương chịu a.

- Không chịu thì thôi, chớ quan lớn mà núp lén, còn bà lớn mà không giấy tờ, thì coi sao được. Em để đó cho qua lo.

- Ổng có con đông quá; ổng nói ổng có hai người con gái lớn có chồng với một người con trai lớn có vợ rồi. Tuổi em đáng con ổng. Em sợ mấy người con ổng không chịu đâu.

- Con ổng chịu hay là không chịu cũng không hại gì. Ổng cưới vợ cho ổng chớ phải cưới vợ cho con ổng đâu, nên con ổng bắt bẻ. Ổng mà kể tới gia đạo của ổng cho em nghe thì ổng đã có ý gì đó rồi. Em để cho chị điều đình đó.

- Sợ buộc ổng cưới ổng không chịu chớ.

- Chị nuôi em, chị dạy em, hy vọng của chị là mong nưng đỡ em lên một địa vị cao sang giàu có. Mấy năm nay tuy em có tiền bạc nhiều, tuy em được đứng vào hàng thượng lưu, ngày nào em hết tiền thì họ xô em xuống hàng hạ lưu như cũ, không có chi bền vững. Quan Đốc Phủ nầy là một quan đốc phủ thiệt thọ, chớ không phải Đốc Phủ Hàm. Theo trong xứ mình bây giờ đây ổng là một người có cái địa vị sang trọng tột bực, dầu hưu trí cũng không mất cái địa vị ấy. Ổng đã sang, mà coi thế ổng cũng giàu nữa, không giàu mà sao dám mua chỗ ở tới 11 ngàn. Ổng dám mua như vậy tức thì trong nhà ổng có năm ba chục ngàn. Ấy vậy ổng là một người giàu sang tột bực. Em phải làm vợ ổng cho được, thì cái mục đích của chị mới đạt được, cái hy vọng của chị mới hoàn toàn. Đường xa 10 phần chị em mình đi đã được 9 phần rồi, còn có một phần nữa em phải ráng. Em phải nghe lời chị; từ rày sắp lên hễ gặp mặt ổng thì em phải vui vẻ, bãi-buôi trêu ghẹo cũng như em nhen nhúm bếp lửa tình trong lòng ổng. Song em phải dè dặt, đừng cho ngọn lửa ấy táp em. Tánh đàn ông hễ không được thì ham, mà được rồi hay chán. Vậy phải để cho người ta ham, chớ đừng làm cho người ta chán. Em cứ giữ cái thái độ “nhem thèm” rồi để mặc qua bẻ lái sửa lèo cho chiếc thuyền dung rủi.

- Em sẽ vưng lời chị. Mà em còn ngại một đều(#2), là em sợ cậu Hai Hùng cậu tới đây trèo bẹo quá.

- Em cứ nhắc thằng đó hoài. Em muốn làm bà Đốc Phủ Thần hay là muốn làm mợ hai Hùng?

Cô Hai bị trách thì cô chau mày, kế bồi mời đi ăn cơm.

Chiều bữa sau Ba Có với cô Hai Phục trang điểm theo người sang trọng, cô Hai mặc y phục không loè loẹt, song đồ thiệt đẹp và mắc tiền, cô đeo hột xoàn nhiều, cô dồi phấn khéo, rồi chị em dắt nhau qua thăm Quan Đốc Phủ Thần mà đáp lễ.

Quan lớn mừng rỡ tiếp rước rất hậu. Ngài kêu con dâu lớn với con gái nhỏ ra mà trình diện với khách. Chị em Ba Có làm quen với hai cô, dùng lời thành thật mà đàm luận, chỉ lối khôn dại đặng mua đồ khỏi lầm, lại mời hai cô lúc nào rảnh thì qua lại chơi. Hai chị em thăm chơi trót giờ rồi mới từ mà về.

Cách vài bữa sau, dâu con của Quan Đốc Phủ qua nhà cô Hai thăm lại mà trả lễ, người con gái nhỏ của Quan Đốc Phủ tên là Cẩm Trâm, mới 14 tuổi, coi bộ quyến luyến cô Hai Phục lắm.

Từ ấy về sau Cẩm Trâm hay qua chơi với cô Hai Phục. Có bữa cô Hai xúi về xin phép với Quan Đốc Phủ, đặng đi xe hơi với cô mà hứng mát. Cô dắt xuống nhà hàng, khi cô mua bòn-bon cho ăn, khi cô mua khăn cho đội, rồi cô lại dắt vô thăm ông Phủ Tăng, cho làm quen với cô Liên Hoa nữa.

Vợ chồng ông Phủ Tăng thấy cô Hai Phục quen biết bực Đốc-Phủ, thì càng kiêng nể hơn nữa. Mà Quan Đốc Phủ Thần nghe con về học lại rằng cô Hai Phục có chú ruột làm Phủ Hàm, thì ngài càng trọng cô thêm.

Chú thích:

(1-) nệm

(2-) điều

CHƯƠNG 13 - CÁ MÊ MỒI

M

ột buổi chiều thứ bảy. Cô Hai Phục ngồi xe hơi đi một vòng hứng mát, đến tối cô ghé Chợ Bến Thành mua một gói trái cây đem về để tối ăn chơi. Về đến nhà cô hối bếp dọn cơm, rồi cô ngồi ăn với Ba Có, không kịp thay đồ. Ăn cơm vừa rồi, chị em đương ngồi tại salon mà uống nước, thì thấy Quan Đốc Phủ, bận đồ mát, ở ngoài sân thủng-thẳng đi vô. Hai chị em tiếp rước niềm nỡ, mời ngồi lăng xăng.

Quan Đốc Phủ cười và nói rằng: “Thằng Ba tôi nhờ mai chúa nhựt, không có làm việc, nên hồi chiều nó dắt vợ con về Mỹ Tho mà thăm ông già vợ nó. Tôi ở nhà với ba đứa nhỏ buồn quá, nên qua đây nói chuyện chơi."

Ba Có đáp rằng: “Bẩm quan lớn có buồn thì qua bên nầy chơi. Chị em tôi có ở nhà luôn luôn, ít đi đâu lắm”.

Cô Hai kêu bồi biểu súc bình, để trà mới mà chế nước uống, rổi cô rón (#1) vô buồng trang điểm lại đặng dung nhan coi cho tươi tắn. Chừng cô trở ra, thì bồi cũng vừa bưng mâm trà lên, nên cô rót nước mời khách uống.

Quan lớn ngồi giữa. Ba Có với cô Hai Phục ngồi hai bên phía ngoài. Quan lớn uống nước mà nói rằng: “Ở Saigon buồn quá, không có chỗ nào chơi cho nó thú vị phong lưu”.

Ba Có cười mà đáp rằng:

- Bẩm, tại ý quan lớn không muốn chơi, chớ ở saigon thiếu gì cuộc vui.

- Cuộc gì vui ở đâu?

- Bẩm, đi coi hát.

- Tôi không thích thứ đó. Hát bội thì nó vẽ mặt vẽ mày như chúa ô, nó la lạc giọng, nó quất roi vô chưn nó mà nó kêu là cỡi ngựa, coi kỳ cục hết sức. Còn hát cải lương thì nó ca hoài, ông vua ngồi phán đoán cũng ca, thằng tướng ra đánh giặc cũng ca, mà ông già bị cháy nhà cũng ca coi càng dị kỳ hơn nữa.

- Bẩm, nếu quan lớn không thích xem hai thứ đó thôi thì đi xem hát bóng.

- Tôi đi coi hát bóng, ngó một hồi thì chảy nước mắt, nên khó chịu lắm.

- Bẩm, nếu quan lớn không ưa hát xướng, thôi thì tới nhà mấy ông mấy thầy đàm luận việc đời chơi.

- Trời ơi! Cô khéo xúi dữ hôn! Tôi đàm luận với mấy ông mấy thầy trên 30 năm, tôi đã thèm rồi. Cô tưởng mấy ông mấy thầy đàm luận vui lắm hay sao?

- Bẩm, mấy quan lớn là bực cao minh, tự nhiên tính những việc ích nước lợi dân, dạy kẻ ngu, răn đứa dữ, dầu nghe không vui cũng có ích lắm chớ.

- Cô lầm rồi. Ý cô tưởng đó, là tưởng theo cái lý. Làm quan phải tính ích nước dạy dân. Mà sách nói như vậy, chớ làm không phải vậy đâu. Tôi ở quan trường mới bước ra đây, tôi hiểu rõ hơn cô. Mấy ông bạn của tôi hễ gặp nhau, thì đàm luận dữ lắm, song ông thì luận ông Chánh nầy hiền ông Chánh kia dữ, ông thì luận người thăng chức mau, kẻ thăng chức chậm, ông thì luận tỉnh nầy tốt, tỉnh kia xấu. Còn mấy ông trẻ tuổi, thì lại có cách đàm luận khác, ông thì luận các kiểu xe hơi coi hiệu nào tốt, ông thì luận mấy tiệm may y phục coi tiệm nào may khéo, ông thì luận mấy cô chơi bời coi cô nào đẹp trên hết. Tôi cũng luận với họ ba mươi mấy năm nay đã nhàm tai mỏi miệng bây giờ tôi thoát khỏi được rồi, cô ghét tôi lắm hay sao, nên còn muốn kéo tôi vô đó nữa?

- Quan lớn buồn mà quan lớn không ưa coi hát, lại cũng không chịu đàm luận với mấy ông mấy thầy, thì tôi biết làm sao cho quan lớn vui được. À! Tôi còn một cách nầy nữa. Quan lớn hưu trí nên rảnh-rang, thôi thì quan lớn dạy mấy cô mấy cậu học, có lẽ giải buồn được.

- Được đâu. Con của mình hễ nó học chữ thì có thầy, còn về tánh nết và cách ở đời, thì đứa nào có phần nấy, chắc gì mình phải dạy nó mới nên.

Cô Hai Phục chen vô nói rằng: “Bẩm quan lớn nói phải lắm. Chú Phủ của em trong Cầu Kho thường cũng nói như quan lớn vậy. Chú nói con của mình hễ đứa nào nên thì nên còn đứa hư thì nó hư, chớ khó mà dạy được”.

Quan lớn ngó cô Hai Phục mà hỏi rằng:

- À, hôm kia con Cẩm Trâm nó nói cô dắt nó vô nhà chú của cô, là quan Phủ trong Cầu kho mà chơi, quan phủ nào đó vậy?

- Bẩm, quan Phủ Hàm Phạm Gia Tăng.

- Ờ, tôi có nghe tên ổng, song không quen.

- Chú bà con làm sao với cô vậy?

- Bẩm, chú ruột. Em ruột của ông thân em.

- À, vậy hả? À khi nào quan phủ có ra đây chơi thăm cô, thì xin cô cho tôi hay đặng tôi mời qua nhà tôi chơi.

Cô Hai Phục nghe mấy lời thì liếc mắc ngó quan lớn mà cười và nói rằng: “Hồi nãy quan lớn nói quan lớn không muốn nói chuyện với mấy ông lớn nữa mà”.

Quan lớn cũng cười và nói rằng:

- Phải, tôi không muốn nói chuyện với mấy ông khác, song chú của cô chắc là nói chuyện vui cũng như cô vậy.

- Bẩm, em nói chuyện vui lắm hay sao?

- Nếu không vui thì tôi có qua đây đâu.

- Bẩm, em nói chuyện vui hay không thiệt em không biết, chớ chú của em chắc nói chuyện là không vui, bởi vì chú hút quá, nói nhựa trân.

- Mấy ông hút họ nói chuyện nghe hay lắm chớ.

- Quan lớn biết hút hay không?

- Hút á phiện mà ai lại không biết.

- Quan lớn muốn giải buồn, thôi để em bày mâm cho quan lớn hút.

- Cô có đồ hút hay sao?

- Bẩm, có. Chồng của em hồi trước có sắm một bộ đồ tốt lắm, để khách hút chơi.

- Được. Tôi hút thì cô phải đờn ca nhỏ nhỏ như bữa hổm nghe chút chơi.

- Bẩm, quan lớn dạy thì em phải vưng, chớ em đâu dám cãi.

Quan lớn mở bóp phơi lấy ra một tấm giấy bạc 5$00 đưa cho cô Hai mượn biểu bồi đi mua một hộp thuốc phiện với một chai rượu sâm-banh. Cô Hai cản tay mà nói rằng: “Bẩm, không phải vậy. Quan lớn qua nhà em mà chơi, quan lớn là khách, em phải đãi quan lớn, có lẽ nào em dám để quan lớn trả tiền. Trong nhà em có sẵn rượu sâm banh lại cũng có thuốc á phiện nữa, khỏi mua”.

Ba Có liền mở tủ lấy ra một chai rượu sâm banh lớn với một hợp á phiện nhỏ. Cô Hai ngắm nghía, nói ở ngoài có gió, bèn kêu bồi biểu lau chùi cái divan trong phòng ngủ, rồi bày mâm á phiện ra đó với mâm rượu sâm-banh. Ba Có mời quan lớn vô phòng. Quan lớn đắc ý, nên nghe mời thì đi liền, không dục-dặc chút nào hết.

Mâm hút để giữa, quan lớn ngồi một bên. Cô Hai leo lên ngồi bên kia và quẹt lửa đốt đèn. Ba Có biểu bồi nhắc một cái bàn nhỏ lại mà để mâm rượu rồi đập nước đá bỏ vô ly.

Quan lớn ngồi ngó cùng trong phòng. Ngọn đèn khí treo giữa phòng có ống bao bằng nhựa màu xanh, nên yến sáng dọi xanh-xanh rất khoẻ mắt. Cảnh đã đẹp mà người ngồi một bên cũng đẹp, trong lòng quan lớn lúc ấy thơ-thới như ngồi trong tiên động.

Rượu rót rồi, Ba Có ngồi cái ghế phô-tơi dựa mâm rượu và nhắc cô Hai mời quan lớn. Cô Hai đi rửa tay rồi lại bưng một ly rượu mà mời. Quan lớn ngồi uống rượu mà ngó hoa khôi sắc đẹp, thì quên hết cái việc ở phàm trần, quên hết lối lợi danh, quên hết đường vinh nhục.

Rượu đã ngà ngà, quan lớn nằm xuống làm thuốc hút, cô Hai lấy cây đờn tranh và cô ngồi ngang đó, cô và đờn và ca rỉ-rả, như khêu ân ái, như ghẹo chung tình. Thuở nay quan lớn cũng từng say hoa đắm nguỵêt, nhưng mà ngài chưa bao giờ được hưởng cái thú thâm-trầm tao nhã đến thế nầy, bởi vậy ngài mê mẩn bàng-hoàng, trong lòng chứa chan cảm xúc.

Cô Hai đờn ca dứt một bài.

Quan lớn nói rằng: “Thuở nay tôi ít nghe đờn ca. Chẳng hiểu tại sao mà cô Hai đờn ca tôi lại khoan-khoái lung quá, chắc cô ca tối ngày sáng đêm tôi nghe tôi cũng không nhàm. Nầy, mà tôi tưởng mình leo lên triền núi ngồi dưới mấy gốc cây, hoặc mình ra ngoài mé biển ngó mặt nước chơn trời, mà có được cô Hai ngồi một bên đờn ca, thì càng có thú vị nhiều hơn nữa. Tôi muốn mời cô Hai bữa nào đi với tôi ra Long-Hải đặng thưởng trăng thưởng gió, ngó nước ngó trời chơi, không biết Cô Ba có vui lòng cho phép cô Hai đi với tôi hay không vậy cô Ba?”

Ba Có liếc cô Hai rồi cười mà đáp với quan Đốc Phủ rằng:

- Bẩm quan lớn, quan lớn dạy thế nào thì tôi cũng phải vưng, chớ tôi đâu dám trái ý quan lớn. Ngặt vì việc quan lớn muốn đó có nhiều chỗ bất tiện, nên khó cho tôi vưng lời được, xin quan lớn thương.

- Đi chơi mà có chi bất tiện đâu?

- Bẩm quan lớn, tuy là đi chơi, song phải cũng có chỗ phải chỗ quấy, con Hai mà được quan lớn mời đi chơi thì nó vinh dự biết chừng nào. Ngặt vì nó là gái đã có chồng, nó đi chơi với quan lớn, sau chồng nó hay được thì còn gì phận nó.

- Chồng của cô Hai về Tàu mà sao hay được?

- Bẩm quan lớn, theo phong-hoá của mình, làm thân đờn bà dầu chồng chết cũng phải thủ-tiết với chồng, huống chi là chồng vắng mặt.

- Vợ chồng cô Hai có hôn thú hôn?

- Bẩm, không.

- Oái, vợ chồng mà không có hôn thú thì có nghĩa gì đâu.

- Bẩm quan lớn. Một ngày gá nghĩa, trăm năm tóc tơ, dầu có hôn thú hay là không có, hễ kết nghĩa vợ chồng thì keo sơn gắn chặt, dầu ngàn năm cũng không nên phai nhợt.

- Tôi có nghe ai nói hôm trước đó, chồng của cô Hai bị Toà thương-mãi buộc tội sang đoạt, có trát tập nã, đời nào mà dám trở qua An nam nữa.

- Bẩm quan lớn, có thiệt như vậy. Mà dẫu Mái Chín Ngành không trở qua An nam nữa, con Hai nó cũng phải thủ tiết trọn đời mà chờ, chớ biết làm sao.

- Thứ chồng khách-trú, cần gì mà cô Hai phải thủ tiết quá vậy.

- Bẩm quan lớn, dầu nước nào cũng vậy, hễ mình kết tóc với người ta, thì phải thủ tiết thủ nghĩa trọn đời, chớ lẽ nào mình dám thay lòng đổi dạ.

- Cô giữ phong-hoá theo đời xưa quá!

- Bẩm quan lớn, cái quí của bọn chị em phụ nữ chúng tôi chỉ có bao nhiêu đó mà thôi, nếu bọn chị em chúng tôi không gìn-giữ, thì có còn giống gì nữa đâu.

- Cô buộc gắt quá, tôi chắc cô Hai cổ không vui lòng chút nào hết. Phải vậy hay không cô Hai?

Cô Hai Phục liếc mắt ngó quan Đốc Phủ và cười và đáp rằng:

- Bẩm quan lớn, những lời chị Ba em mới nói đó là lời chánh đáng. Phận đờn bà chỉ có trinh tiết là trọng, ai cũng phải giữ gìn trinh tiết, Chị Ba em có buộc đều chi gắt đâu mà em không vui lòng.

- Té ra dầu chú Mái Chín không trở qua nữa, cô cũng ở vậy mà chờ, cô không lấy chồng khác hay sao?

- Bẩm, dầu chồng em chết cũng vậy, chẳng luận là còn sống ở bên Tàu.

- Cô năm nay mấy tuổi?

- Bẩm em 23 tuổi.

- Còn nhỏ quá, thủ tiết sao được ?

-Bẩm, dầu không được cũng phải làm cho được. Phận đờn bà nên hay là hư đều tại cái “được” hay là cái “không được”đó mà thôi chớ.

- Dầu có người giàu sang trọng nói mà cưới cô đi nữa, cô cũng thủ-tiết với chú Mái Chín, cô không ưng hay sao?

- Bẩm, có chi quí cho bằng tình nghĩa vợ chồng.

- Cô thương chú Mái Chín lắm hay sao?

- Bẩm quan lớn, nếu không thương thì làm sao mà kết nghĩa vợ chồng.

- Thuở nay, thiệt tôi chưa thấy đờn bà nào mà có nghĩa có tình với chồng như cô Hai vậy. Quí lắm, quí lắm.

- Bẩm quan lớn, để em ca một bài nam “Vọng-phu” cho quan lớn nghe thử coi.

- Ờ, được, được. Cô ca đi.

Cô Hai Phục lên dây đờn rồi ca bài nam.

Quan Đốc Phủ nằm dựa mâm hút mà mắt ngài ngó tay nhấn dây đờn dịu-nhiễu, ngó miệng ca rất có duyên, ngó mặt tròn-trịa mà sáng rỡ như trăng ằm, ngó cặp mắt hữu tình, ngó chơn mày như vẽ, ngó nuớc da trong bóng, ngó mái tóc đen huyền, ngó cổ, ngó mông, ngó tai, ngó ngực, ngó hết cả thảy mình, thì ngài ngơ-ngẩn ngẩn-ngơ, nửa say nửa tỉnh. Ba Có thấy quan lớn mê mết thì chị ta chúm chím cười, rồi đứng dậy bước ra ngoài.

Cô Hai ca dứt bài rồi ngó quan lớn mà cười. Quan lớn ngồi dậy lắc đầu nói nhỏ rằng: “Cô Hai, cô làm người ta chết được, chớ không phải chơi đâu, cô có biết hay không? Tôi lớn tuổi hơn cô nhiều, mà tôi nghe tiếng cô ca, tôi ngó mặt cô, rồi dầu cô muốn tôi giết ai tôi cũng giết hết thảy”.

Cô Hai liếc quan lớn, rồi bưng ly rượu mời quan lớn uống và nói rằng:

- Bẩm quan lớn, tại quan lớn dạy em ca, nên em mới dám ca cho quan lớn nghe. Em có làm giống gì đâu mà quan lớn nói chuyện chết sống.

- Tôi muốn nói cái sắc, cái tài, của cô đó làm cho hết thảy anh hùng đều chết được.

- Bẩm quan lớn, em có muốn làm chi vậy. Anh hùng chết hết, rồi còn ai đâu mà nghe em ca.

Quan Đốc Phủ ngồi suy nghĩ một hồi rồi ngài mới nói rằng:

- Từ rày sắp lên tôi không dám qua đây nữa.

- Bẩm quan lớn, có đều chi phiền em hay sao?

- Không phải tôi phiền. Tôi sợ qua đây nữa, tôi thấy cô rồi tôi dằn lòng không được, mà phải mang tội lỗi chớ.

- Bẩm, em đáng con cháu của quan lớn, dầu thế nào đi nữa em đâu dám bắt lỗi quan lớn hay sao mà quan lớn ngại.

Quan Đốc Phủ nghe mấy lời như vậy, ngài ngó cô Hai mắt đổ hào quang, ngài muốn vói nắm tay cô. Cô giựt tay và đứng dậy và nói nhỏ nhỏ rằng: “Bẩm, có chị Ba của em đứng ngoài kia. Quan lớn nói chuyện chơi, chớ đừng làm như vậy tội nghiệp em”.

Quan Đốc Phủ thất vọng mà lại hổ thầm, nên ngài thở dài và nằm xuống làm thuốc mà hút. Ngài thấy Ba Có bước vô và ngài nói rằng:

- Tôi qua chơi mà vì mê đờn ca, mê sâm banh, mê á phiện, nên rà gà ở khuya quá, chắc cô Ba phiền tôi lắm.

- Bẩm, tôi mừng lắm, chớ có lẽ nào tôi dám phiền.

- Nghe cô Hai đờn ca, dầu thức đến sáng mà nghe tôi cũng không nhàm.

- Bẩm, quan lớn muốn chơi tới chừng nào cũng được, chị em tôi vui lắm.....Con Hai, em kêu thằng bếp biểu gọt củ năng nấu ít chén chè cho quan lớn ăn chơi.

Cô Hai bước ra. Đồng hồ gõ 12 giờ, Quan Đốc Phủ nói rằng:

- Cô ngồi lên đây nói chuyện chơi cô Ba. Tôi hỏi thiệt cô vậy chớ cô Hai nhứt định không chịu cải giá hay sao?

- Bẩm, nó nhứt định như vậy đó.

- Tôi nghe chú Mái Chín trốn về Tàu, có dám trở qua nữa đâu mà chờ. Cô Hai còn nhỏ, phải kiếm nơi khác gá nghĩa đặng có người bảo bọc cho chớ.

- Bẩm quan lớn nói phải lắm. Nó còn nhỏ tuổi quá, ở một mình có phải dễ gì đâu. Ngặt vì Mái Chín Ngánh ở tử tế với nó lắm, nên nó không nỡ phụ bạc. Quan lớn nghĩ đó mà coi, phận nó mồ côi, hồi nhỏ không có một đồng một chữ. Tuy chú nó làm quan, song nó không nhờ nhõi chi được. Nó đụng Mái Chín Ngánh mấy năm, chú Mái Chín Ngánh sắm nhà cửa cho nó, sắm xe hơi, mua hột xoàn, lại còn cho nó năm bảy ngàn làm vốn. Chú ở với nó như vậy đó, làm sao mà nó quên chú cho được.

- Tại chú bỏ cô Hai, thì cô lấy chồng khác, chớ phải chú còn ở đây đâu mà cô bỏ chú cô lấy chồng hay sao mà cô ngại.

- Dầu chồng nào cũng không yêu nó cho bằng Mái Chín Ngánh.

- Cô nói chơi sao chớ! Cô khi An nam không bằng khách trú hay sao?

- Bẩm, tôi đâu dám khinh khi ai. Song khi quan lớn nghĩ lại đi, như nó vậy đó, có An nam nào dám xuất bạc muôn mà cưới nó như Mái Chín Ngánh hồi trước.

- Phải. Xuất bạc muôn mà cưới, tuy không phải nhiều, song có người không đủ sức, nên không cưới nổi. Mà đòi bạc muôn làm chi? Miễn là mình lựa người nào có danh giá cao đủ sức bảo bọc nuôi dưỡng mình sung-sướng trọn đời thì đủ rồi. Nhơn nghĩa mới quí, chớ bạc tiền là phấn thổ, có nghĩa gì đâu.

- Bẩm, quan lớn nói phải lắm. Tôi nói ví dụ cho quan lớn nghe, chớ không phải con Hai đòi cưới bạc muôn nó mới ưng. Nó là đứa ham nhơn nghĩa lắm, chớ không phải nó ham tiền. Nó nhứt định thủ tiết với Mái Chín Ngánh thì quan lớn đủ biết tánh tình nó ra thế nào.

- Cô là chị của Cô Hai. Cô trọng tuổi hơn, cô biết việc đời nhiều hơn, cô phải cắt nghĩa cho cô Hai hiểu. Vợ chồng không có hôn thú, lại chồng là chệch khách, nó đã bỏ mình, thì có tình nghĩa gì mà bo bo thủ tiết trọn đời với nó.

- Xưa rày có nhiều chỗ gắm ghé. Tôi cũng thường can gián nó hoài, tại nó không chịu tôi đâu nỡ ép duyên nó.

- Cô phải ráng mà cắt nghĩa cho cô Hai nghe nữa. Tôi coi ý cô Hai kiêng nể cô lắm. Nếu cô nói riết thì tự nhiên cô Hai phải nghe lời.

- Bẩm quan lớn, chưa có ai cậy mai mối nói mà cưới, mà quan lớn biểu tôi ép nó làm chi.

- Ậy! Cô ép trước đi, hễ cô Hai chịu thì thiếu gì người xin cưới.

- Bẩm, ai ở đâu?

Quan Đốc Phủ ngó Ba Có miệng cười ngỏ-ngoẻn và nói rằng: “Nếu cô Hai chịu, thì người ở gần đây họ áp vô trước hết, khỏi đợi ai ở xa làm chi”.

Ba Có cười ngất. Quan lớn cũng cười xoà.

Ba Có nghiêm sắc mặt lại mà nói nhỏ nhỏ rằng:

- Bẩm quan lớn, con em tôi tuy nó vui vẻ, nói nói cười cười song tánh ý nó chặt-chịa lắm. Xưa rày có nhiều chỗ tử tế lắm theo ve vãn nó hoài, mà nó kháng cự luôn luôn, không thèm ai hết.

- Tại mấy cậu ấy không phải bực sang trọng nên cô Hai mới chê chớ.

- Bẩm, họ sang trọng lắm chớ, người như ông Đốc Tơ Thiện, như ông Huyện Cao, như ông Hội Đồng Hải, thì sang trọng đúng mực, chớ còn đợi sao nữa.

- Mấy ông ấy chưa cao. Còn có người cao hơn nữa.

- Bẩm, để người ấy ra mặt rồi sẽ hay.

- Cô chịu làm mai hay không?

- Bẩm, tôi không dám nói “không chịu”. Mà nếu tôi nói “chịu”, rủi tôi làm mai không thành thì tôi có lỗi.

- Tôi chắc hễ cô chịu thì tự nhiên phải thành.

- Bẩm, không chắc.

- Tại sao vậy?

- Bẩm, tôi hiểu ý con em tôi lắm. Bây giờ nó có xe hơi, nó có hột xoàn đáng muôn bạc, trong nhà lại có bạc mặt đến năm ba ngàn, Nó không thiếu vật chi hết, chỉ chưa có một cái nhà với một miếng đất nho nhỏ mà ở cho an thân. Nếu ai muốn cưới nó, mà chịu mua cho nó một cái nhà, thì chắc nó vui lắm.

- Trời ơi! Nếu cô Hai buộc mua một cái nhà lầu ở theo đường Norodom, giá đáng ba bốn muôn thì ai mua nổi.

- Bẩm, không. Nó không có huy vọng cao quá nhự vậy. Thuở nay nó thường ao ước có một cái nhà bánh ếch ở miệt Phú-Nhuận, hoặc Bà Chiểu, giá lối vài ba ngàn vậy thôi, chớ muốn nhà lầu làm chi.

-Ờ ợ! Muốn như vậy thì có lẽ được.

- Mà tôi coi ý nó, hễ nó ưng ai thì nó buộc phải làm hôn thú đủ phép mới được.

- Cha chả! Buộc gắt dữ hôn!

- Bẩm, nếu lấy chồng mà không có hôn thú thì thành vợ ngày vợ bữa, xấu hổ nó.

- Cô Hai nói cũng phải, song vợ chồng nếu bền chặt nhơn nghĩa là hơn, chớ không phải có hôn thú rồi mới chắc.

Hai người nói chuyện tới đó, kế cô Hai Phục trở vô, ba người ngồi ăn, đàm luận tới hai giờ khuya quan Đốc Phủ mới về ngủ.

Đưa quan lớn ra khỏi cửa rồi, hai chị em thủng thẳng bước vô, Ba Có nói nhỏ với cô Hai Phục rằng: “Cá mê mồi quá! Không thoát khỏi đâu!”

Chú thích:

(1-) lón lén, bước nhẹ nhàng bằng đầu bàn chân

 

 

 

CHƯƠNG 14 - ÁI TINH VỚI KHÁCH ĐA TÌNH

B

ữa sau lối 4 giờ chiều.

Ông Cử Võ Phi Hùng ngồi xe kéo chạy lại ghé ngay cửa cô Hai Phục. Ông mặc một bộ đồ Tây bằng nỉ đen, chơn mang giầy vàng, đầu đội nón xám. Ông ngó số nhà, day lại biểu xa-phu ở đó mà chờ, rồi ông bước vô cửa ngõ.

Cô Hai Phục ngồi trong nhà dòm ra ngó thấy ông, thì cô lính quýnh chạy vô buồng kêu Ba Có mà nói rằng: “Chị Ba, chị ba, cậu Hai Hùng lên kia kìa, tôi nói hay lắm!”

Ba Có chau mày đáp rằng: “ Dữ hôn! Cậu Hai Hùng lên thì lên, chớ chuyện gì mà lính quýnh như vậy. Hổm nay qua trông gặp cậu, mà không có dịp gặp được. Nay cậu mang mặt tới đây thì may cho qua lắm. Em ra mời cậu ngồi đi, để qua bận áo rồi qua sẽ ra nói chuyện với cậu chơi”.

Cô Hai bước ra chào ông cử Hùng, rồi mời vô sa lông mà ngồi. Ông Cử ngó cô mà cười, muốn nói chuyện với cô, song mắc cô lăng xăng kêu bồi kêu bếp nấu nước, chế trà, nên ông nói không được.

Ba Có bước ra hỏi rằng: “Cậu Hai, cậu còn nhớ tôi hay không? Năm trước tôi mời cậu lại nhà đặng tôi nói chuyện sao cậu không lại, còn bây giờ không mời mà cậu lại tìm tới đây?”

Ông cử Hùng dụ dự một chút rồi đáp rằng:

- Phải hồi trước Cô Hai không còn ở nhà dượng phủ tôi nữa, chị đem cô về chị nuôi, rồi chị dắt cô mà đón nói chuyện với tôi đó phải hay không?

- Phải. Cậu còn nhớ hả. Ủa! mà nghe nói cậu đi Tây học, cậu thi đậu cử nhơn, tôi kêu bằng “ông cử” mới phải chớ. Thưa ông cử, không biết tại sao hồi trước ông cử tác tệ, rồi lại trốn đi Tây, không được một lời phải quấy với con Hai vậy?

- Hồi nhỏ khờ dại nên làm bậy, bởi vậy lớn khôn rồi tôi ăn năn, nên tôi mới đến đây.

- Chớ không phải hồi nhỏ ông thấy phận con Hai hèn hạ ông coi trinh tiết của nó như của con trâu hoặc con heo, không có giá trị gì, ông chơi cho phỉ tình rồi ông bỏ, bây giờ ông thấy nó được giàu sang, có xe hơi, có hột xoàn, nên ông ráp lại mà làm nhục nó nữa.

- Chị nói như vậy thì chị coi tôi tiểu nhơn quá!

- Tôi phải lấy cái thái độ cũ mà đoán cái thái độ mới chớ sao.

- Hồi nhỏ khờ dại nên làm bậy. Bây giờ lớn khôn rồi, có lẽ nào còn làm như vậy nữa.

- Cây bần mình trồng dù mấy mươi năm nó cũng là cây bần hoài, chớ có phải lớn rồi nó thành cây đào hay cây gì được đâu.

Cô Hai Phục bước lại rót nước trà mà đãi khách. Ông cử không trả lời với Ba Có nữa, ông ngó cô Hai mà hỏi rằng:

- Hồi đó cô có chửa thiệt hay sao cô Hai?

- Vậy chớ có chửa giả là có chửa thế nào?

- Té ra cô có chửa thiệt. Vậy mà cô sanh con trai hay con gái. Đứa nhỏ bây giờ có ở trong nhà cô hay không, cô kêu nó ra đây coi một chút được hôn?

- Tôi sanh con trai mà nó chết rồi.

- Sanh được bao lâu rồi nó mới chết?

- Sanh ra rồi nó chết liền.

- Rủi dữ há!

Ba Có chận mà hỏi rằng:

- Tại sao mà ông lại nói rủi? May lắm chớ. Nếu thằng nhỏ con sống thì con Hai lấy chi mà nuôi nó?

- Thằng nhỏ nó là dấu tích của tôi với cô Hai. Tôi nói rủi là vì nó chết là mất cái dấu tích ấy.

- Ông quí trọng cái dấu tích đó lắm hay sao?

- Nếu tôi không quí trọng, thì tôi tìm đến đây làm chi.

- Ông nói như vậy, con Hai nó còn phiền nhiều hơn nữa. Ông muốn được phần ông, còn ông không kể phận nó chút nào hết. Ông có biết cái đứa nhỏ ấy là điều nhục nhã của con Hai hay không, mà nó chết ông lại nói rủi?

- Tôi biết lắm chớ, bởi tôi biết, nên trở về nước, tôi thăm cha mẹ bà con rồi, tôi lật đật tìm cô hai đây?

- Tìm chi vậy?

- Tôi tìm đặng bàn tính với cô Hai mà chuộc cái lỗi của tôi ngày trước.

- Ông muốn chuộc lỗi, vậy mà ông làm cách nào, đâu ông nói nghe thử coi?

- Cô Hai muốn cách nào tôi cũng vưng lời theo hết thảy.

- Theo thái độ người quân tử, hễ mình làm ô danh xủ tiết một người đờn bà, thì mình phải cưới cô ta làm vợ, đặng rửa sạch sự nhục nhã của người ta đó. Ông làm ô danh xủ tiết con Hai, rồi ông bỏ trốn mất, bây giờ ông tính chuộc thì đã trễ rồi.

- Làm dầu trễ cũng còn hơn là không làm.

- Ông bằng lòng cưới con Hai hay sao?

- Tôi tính nhự vậy, nên tôi mới đến đây.

Ba Có với cô Hai Phục nghe mấy lời đều chưng hửng ngó với nhau trân-trân, không nói được nữa.

Cô Hai Phục cảm xúc quá, nên cô ứa nước mắt mà nói với ông Cử rằng:

- Cậu có hay vì cậu bỏ em, nên thân em lưu lạc phong-trần, em đã có tới hai đời chồng khác hay không?

- Tôi không hay. Mà tôi tưởng nếu mấy năm nay cô lưu lạc phong trần, thì cái tội của tôi càng thêm lớn, nên tôi cần phải chuộc tội ấy cho gấp hơn nữa.

- Tôi hư lắm. Tôi đâu xứng đáng làm vợ cậu. Xin cậu đừng có nói tới chuyện đó.

Ông Cử Hùng ngồi buồn hiu. Ông ngó sững ra ngoài sân một hồi rồi ông hỏi cô Hai rằng: “Mấy lời cô mới nói đó là thiệt tình hay là giận lẫy mà nói vậy cô Hai?”

Cô Hai cúi mặt mà đáp rằng:

- Em nói thiệt tình, chớ không phải em giận nên em nói lẫy với cậu đâu.

- Nếu cô nói thiệt tình, thì tôi xin đáp với cô rằng: “Cô tự xét mà cô biết cô không xứng đáng làm vợ tôi, ấy là cô xứng đáng làm lung lắm. Ở đời tôi từng thấy có nhiều người họ làm lắm việc tồi bại mà họ không tự xét, họ cứ vinh mặt vinh mày, họ tưởng họ xứng đáng, rồi thiên hạ họ dua bợ cũng hùa nhau cho họ là xứng đáng, những người ấy mới thiệt không xứng đáng làm vợ tôi.

Cô Hai liếc mắt ngó ông cử mà cười.

Ba Có chau mày, coi bộ không vui. Chị ta không muốn để cô Hai Phục nghe những lời thâm trầm và tình tứ của ông cử nữa nên chị ta hỏi ông cử rằng:

- Ông học đã thành tài rồi, bây giờ ông trở về quê hương, ông tính làm việc gì?

- Tôi chưa tính làm việc gì được, bởi vì tôi về tôi hay việc nhà của tôi lộn-xộn lắm, mà lúc nầy ông thân của tôi lại đau nhiều. Để thủng thẳng tôi lo sắp đặt việc nhà cho yên, rồi tôi sẽ tính bề làm ăn.

- Ông cụ bà cụ còn song toàn hay không?

- Bà già tôi mất rồi. Tôi đi Tây có một năm kế ở nhà bà già tôi mất.

- Ông có anh em được mấy người?

- Tôi là con một, không có anh em nào hết. Vì cha mẹ tôi ít con ít cháu, nên qua ở bên Tây tôi suy nghĩ lại, tôi ăn nằm với cô Hai đã có thai nghén, mà tôi bỏ cô tôi đi vậy là thiệt bậy lắm, lẽ thì thầy Ba khuyên tôi phải ở nán lại mà nhìn nhận con tôi sẽ đi mới phải. Mấy năm nay tôi ăn năn biết chừng nào, bởi vậy về tới đây rồi tôi muốn kiếm cô Hai đặng hỏi thăm việc đó. Hôm đó tôi gặp cô dưới nhà dượng phủ mà vì có cô với dượng tôi đó, nên tôi không dám nhìn cô, mà cũng không dám hỏi thăm việc cô đẻ chửa. Thiệt bây giờ tôi mới biết nhà tôi vô phước, nên trời đất mới khiến thằng con của tôi không còn.......

Ông Cử nói tới đó rồi ông ứa nước mắt, bộ buồn thảm ăn năn lung lắm.

Cô Hai nhớ chuyện cũ, thấy bộ của ông cử, thì cô động lòng nên cô củng chảy nước mắt.

Ông cử ngồi nói chuyện hơn một giờ đồng hồ, rồi ông mới từ mà về. Khi ra tới cửa ông day lại mà nói với cô Hai rằng: “Ông thân tôi đau nhiều, nên tối nay tôi mua thuốc rồi khuya nay tôi phải về dưới Cái Vồn. Để ít ngày ông thân tôi mạnh giỏi rồi tôi sẽ trở lên tâm sự của tôi cho cô Hai nghe”.

Ông đi rồi, Ba Có cười gằn mà nói rằng: “ Nếu ai cắc cớ mở hội thi để tuyển nhơn tài mà sung vào cái “ngạch điếm đàng”, thì chắc ông cử Hùng sẽ chiếm thủ khoa”.

Cô Hai Phục chau mày hỏi rằng:

- Ông Cử nói lời nào cũng chánh đáng, mà bộ ông cũng ăn năn thành thật lắm, sao chị lại cho ông là thằng điếm?

- Em còn phải học nhiều nữa mới được. Em chưa biết lịch duyệt nhơn tình, em chưa biết coi tướng mạo, em chưa biết cân lời nói. Qua biết chắc nếu không có qua kiềm chế, thì ngày nay em đã làm vợ của thầy ký Cao, bồng con cho bú, bưng rổ đi chợ, vô bếp nấu ăn, mỗi tháng đến 20 tây thì vô tiệm cầm đồ, chớ làm sao mà trong nhà có bạc ngàn, hột xoàn đeo đầy mình, bước ra cửa thì có xe hơi, mà nay mai đây lại còn được làm “Bà lớn Đốc” nữa.

- Oái ! Chị đừng có nói chuyện đó mà! Kỳ cục quá, ai mà chịu!

- Nói cái gì mà không chịu?

- Nói chuỵên quan Đốc Phủ đó. Ổng lớn tuổi, ổng đáng cha của em, ai mà ưng ổng cho được.

Ba Có nghiêm sắc mặt, ngó sững cô Hai, coi bộ chị ta bất bình, song chị ta liền đổi giận thành vui mà nói rất êm ái rằng:

- Em khờ qúa! Chồng già nó mới cưng nhiều chớ.

- Cưng hay không thì chưa biết, mà chồng già vợ trẻ đi chung với nhau coi như cha con, mắc cỡ quá.

- Mắc cỡ nỗi gì? Mình nhỏ mà họ kêu làm “Bà lớn” mới vinh vang chớ.

Cô Hai cười rồi bỏ đi vô phòng mà nằm không cãi nữa.

Tối lại Quan Đốc Phủ Thần cũng lết qua nhà cô Hai Phục mà chơi. Ba Có tiếp rước ân cần. Cô Hai cũng chào hỏi vui vẻ, song bữa nay cô dè dặt nghiêm chỉnh, không nói giọng lả lơi, không ra dáng trêu bẹo như mấy lần trước. Quan lớn dạy cô đờn chơi, thì cô cũng vưng lời, song tiếng đờn nghe không thăng trầm, giọng ca nghe không cảm xúc nữa.

Cô Hai Phục dè dặt chừng nào thì ngọn lửa tình của Quan Đốc Phủ lại càng lừng lẫy chừng ấy, nên ngài cứ qua hoài, mà có bữa Ba Có lại kiếm cớ đi chợ, để cho ngài thong thả mà nói chuyện với cô Hai.

Bữa chúa nhựt kế đó, hai người con gái lớn của Quan Đốc Phủ, là cô Cẩm Tú và Cô Cẩm Nhung, vợ nào chồng nấy đều tề tựu về đây thăm cha cho biết nhà mới. Người con trai lớn với mấy đứa em nó cũng có ở nhà đủ mặt. Quan Đốc Phủ mừng rỡ, dạy người dâu lớn đi chợ mua thịt cá bánh trái về dọn tiệc đặng cha con ăn uống vui chơi với nhau một bữa.

Chừng ăn cơm rồi, cô Cẩm tú là gái lớn đầu lòng, mới mở lời nói với Quan Đốc Phủ rằng: “Thưa cha, con mới nghe nói từ hôm dọn nhà về đây mà ở, cha hay qua lại cái nhà một bên đây mà chơi hoài. Thưa cha, cha đã trọng tuổi rồi, mà cha lân la chỗ như vầy, bạn bè trong nhà nó xầm xì, coi không được lịch sự, mà mấy đứa em nó cũng buồn nữa. Nếu cha có buồn thì cha đi Đà Lạt, Vũng Tàu hoặc đi Đế thiên, Đế thích mà chơi, chớ chơi chi cái chỗ đó”.

Quan Đốc Phủ nổi giận, ngài đỏ mặt trợn mắt mà nói rằng:

- Bây giờ mầy dạy khôn tao, phải hôn Cẩm Tú?

- Thưa, con đâu dám. Con nói chuyện phải quấy trong nhà cho cha nghe vậy thôi chớ.

- Đời lật ngược rồi, nên con nó dạy khôn dạy dại cho cha nó chớ! Ở lân cận thì phải làm quen với nhau. Người ta là người đúng đắn tử tế, tao tới lui nói chuyện chơi, sao bây lại bắt lỗi tao?

- Thưa, không phải con bắt lỗi cha. Con nói cha gần gũi người như vậy thì thiên-hạ họ chê cười chớ.

- Tao chơi, mắc mớ gì họ mà họ chê cười? Sao mà họ cười ?

Cậu Lê Như Tiên, là con trai thứ ba của Quan Đốc Phủ bèn tiếp với chị mà đáp rằng:

- Thưa cha, con biết tụi nó không tốt.

- Sao mà không tốt. Người ta giàu có sang trọng, con dòng cháu giống, sao bây dám nói người ta không tốt.

- Thưa, con biết rõ hai chị em cô hai đó là phường buôn hương bán phấn, song họ giữ tư cách cao, họ làm bộ mặt quí, đặng họ lột da người ta cho hãm đó cha.

- Cha chả! Người ta như vậy mà bây dám kêu người ta là phường buôn hương bán phấn chớ.

- Thưa, đời nầy họ quỷ quyệt lắm. Bọn buôn hương bán phấn thượng lưu nó cũng dọn nhà tốt, nó cũng sắm xe hơi, nó cũng đeo hột xoàn, nó làm sang trọng như vậy nó hại người ta mới sâu.

- Bây phải biết, cô Hai đó cháu của một quan tri phủ Hàm, chớ không phải đồ bậy bạ đâu.

- Thưa, phải. Cô là cháu của một quan tri phủ hàm, mà con biết hồi trước cô làm cho một thầy ký lục ở Xã tây phải thắt họng, sau cô làm một người Mái Chín tiêu hết sự nghiệp phải trốn về tàu. Cha tới lui chơi với nàng như vậy thì còn gì danh giá của cha.

- Tao biết hết, tao làm quan tột bực, tao đã hai thứ tóc trên đầu, có lẽ nào tao dại hơn bây sao, nên bây dạy tao. Tao nghĩ lại thiệt tao vô phước. Từ nhỏ chí lớn tao ngồi khòm lưng chai đít, làm cho có tiền mà nuôi bây, ngày nay bây nên vai nên vóc, tao già cả phải hồi hưu dưỡng lão trong ít năm rồi có xuống lỗ. Tao buồn tao kiếm người biết lễ nghĩa đặng nói chuyện chơi cho giải khuây. Bây không vừa lòng, bây ra rập với nhau mà kiếm chuyện bắt lỗi tao. Tao hiểu rồi, bây thấy tao già rồi, không làm mọi cho bây được nữa, bây muốn đuổi tao đi nên bây mới sanh chuyện như vầy. Tao không cần bây đâu, bây đừng có lấp lửng, phận của tao thì tao biết tự xử, bây khỏi lo. Để rồi bây coi.

Quan Đốc Phủ thố lộ những lời oán trách như vậy rồi ngài bỏ đi ra ngoài trước, chống tay lên lan can, đứng buồn hiu. Mấy người con của ngày, từ lớn chí nhỏ, đều nhìn nhau nghẹn ngào, không dám hở môi nữa.

Đến xế Quan Đốc Phủ thay đổi áo quần rồi kêu xe kéo mà đi. Mấy con không dám hỏi ngài đi đâu. Hai chàng rể thấy gia đạo xào-xáo, không vui gì mà ở chơi nên dắt vợ về liền.

CHƯƠNG 15 - SỨC MẠNH CỦA ÁI TÌNH

Đ

ồng hồ gõ 9 giờ.

Ba Có với cô Hai Phục đương nằm tại bộ ván lót phía trong nhà mà đọc nhựt trình, thấy có một tờ báo có đăng tin ông cựu Nghị viện địa hạt Võ Phi Thành là thân sanh của ông Luật khoa Cử nhơn Võ Phi Hùng, ở Cái Vồn đã thất lộc, cuộc tống chung cử hành ngày 24, rất long trọng.

Cô Hai Phục hay tin ấy thì cô thở dài mà nói rằng: “ Té ra cậu bây giờ cũng mồ coi luôn về mẹ lẫn cha như tôi vậy!”

Ba Có chau mày ngó cô Hai, kế nghe ngoài thềm có tiếng giầy đi vô, chị ta lồm cồm ngồi dậy thì thấy Quan Đốc Phủ Thần y phục đàng hoàng, khăn đen áo dài, xâm xâm bước vô cửa, chị ta lật đật tiếp chào. Cô Hai cũng ngồi dậy chào mừng.

Quan Đốc Phủ ngồi tại sa lông, bộ tướng nghiệm nghị không nói pha lững, không vui cười như mấy lần trước. Cô hai cứ ngồi bên ván mà coi nhựt trình, chớ cô không qua sa lông mà nói chuyện với khách.

Ba Có lăng xăng kêu bồi chế nước, chừng chị ta thấy cô Hai ngồi riêng một mình, thì chị ta nói rằng: “Con Hai thiệt là tệ quá, tôi mắc lo nước nôi, nó không thèm qua hầu chuyện với quan lớn chớ”.

Cô Hai thấy quan Đốc phủ ngó cô, thì cô buông tờ nhựt trình xuống rồi bước qua sa lông mà ngồi. Ba Có rót nước mời khách rồi hỏi rằng: “Bữa nay quan lớn đi ăn tiệc ở đâu hay sao mà chừng nầy quan lớn còn bận đồ lớn?”.

Quan Đốc phủ thở dài mà đáp rằng:

- Tôi giận mấy đứa con tôi, nên tôi bỏ tôi đi chơi từ hồi xế đến bây giờ. Tôi ghé dưới nhà hàng tôi ăn cơm rồi tôi về đây.

- Mấy cậu mấy cô làm đều chi trái ý quan lớn, thì quan lớn quở trách rồi thôi, quan lớn giận hờn làm chi. Quan lớn trọng tuổi rồi, mà quan lớn giận, thì quan lớn ăn không ngon, ngủ không an, sợ e sanh bịnh chớ.

- Thứ con đời nay nó bắt chước thói gì đâu không biết, nó nói hơi khôn ngoan mình chịu không nổi, làm sao mà không giận sao được.

- Bẩm quan lớn, đời nay mấy cậu tân học, mấy cô thanh niên, họ tự-do lắm, họ muốn làm thế nào họ làm, họ không kể lễ nghĩa, họ không cần đạo đức gì hết. Cái phong trào như vậy, mình phải chịu, phải nhắm mắt co tay mà để cho lượn sóng đẩy đưa rồi tấp vào đâu hay đó, chớ biết làm sao.

- Cô Ba nói như vậy nghĩ cũng phải. Rủi gặp cái đời khốn nạn như vậy, việc quấy mà thiên-hạ họ gặp nhau cho rằng phải còn việc phải thì họ lại rập nhau cho rằng quấy đi nữa, có một mình mà dễ gì cãi cho lại họ, chèo xuôi mái mát ấy là thượng trí. Ngặt gì mình nhắm mắt co tay để trôi theo lượn sóng, sợ e lượn sóng nào không đưa mình tới cái bờ xinh đẹp, mà nó đẩy mình vào cái bến dơ-dáy mới khổ cho chớ.

- Bẩm, quan lớn lo xa quá! Tôi tưởng cái bờ cái bến đó còn xa. Người trộng tuổi như quan lớn hay là như tôi đây chắc là không thấy được. Vậy thì mình chết rồi, lớp nhỏ họ gieo cái nhơn nào, họ sẽ hái cái quả ấy, trối kệ họ, quan lớn buồn giận làm chi cho nhọc trí.

- Lời cô luận-thiệt là đúng đắn. Đời như vầy mình lo cho lắm cũng không ơn nghĩa gì, mà phải lo cho mệt. Đến con trong nhà, mà mình lo cho nó, rồi nó trở lại nó cho mình là ngu nữa chớ.

- Bẩm quan lớn, “nhi tôn tự hữu nhi tôn phước”. Quan lớn làm quan đã thăng tột bực, nay quan lớn hồi hưu thì cứ lo an tâm nhàn tánh, thiện dưỡng tinh thần, làm cho chí hoan lạc, trí thảnh-thơi mà thôi, hơi nào mà còn lo gia đình hay là xã-hội nữa.

- Từ hồi chiều tới bây giờ, tôi cũng có nghĩ như vậy đó. Nếu con tôi nó biết phải thì chẳng nói làm chi, chớ nó muốn làm mặt khôn hơn tôi thì cần gì tôi phải lo cho nó nữa. Tôi muốn kiếm một người có đức, có hạnh, lại biết yêu, biết trọng tôi, tôi kết bạn trăm năm rồi kiếm mua một miếng vườn hoặc trên Thủ-đức, hoặc trên Lái-Thiêu, cất một cái nhà sạch sẽ cao ráo, vợ chồng ở với nhau, trồng hoa quả đủ thứ, rồi lúc trăng thanh thưởng hoa, lúc gió chiều hái trái, say sưa nhân thú, chan-chứa ái-tình với nhau, coi danh lợi như khóm mây bay, coi cuộc đời như trường hí kịch. Hai cô nghĩ thử coi tôi làm như vậy có được hay không?

Ba Có liếc ngó Cô Hai Phục thì thấy cô chúm chím cười, chị ta cũng cười mà đáp với quan Đốc Phủ rằng:

- Cái cảnh mà quan lớn mới tả đó là cái cảnh phong-lưu đệ nhứt. Ấy là cái cảnh bồng lai ở thế gian, sợ bực vương hầu cũng khó mà tạo ra được.

- Thiên hạ họ tạo ra không được là vì lòng họ còn mê danh lợi. Phần tôi đã chán danh lợi rồi, nên tôi muốn làm như vậy đặng cao hơn thiên-hạ chơi.

- Nếu quan lớn làm được như vậy, thì thiệt quan lớn cao hơn thiên hạ lung lắm. Ngặt gì cái cảnh quan lớn tạo ra thì dễ, còn người để giúp cho quan lớn nở lòng nở dạ mà thưởng cái cảnh ấy tôi sợ quan lớn khó kiếm chờ.

- Quan Đốc phủ Thần day qua ngó Cô Hai Phục và cười và hỏi rằng: “Sẵn có cô Hai đây, cô chịu hiệp với tôi mà tạo cái cảnh bồng lai ấy như tôi mới tả đó hay không cô Hai?”

- Cô Hai cúi đầu đáp nho nhỏ rằng: “ Bẩm quan lớn, phần em quê mùa hèn hạ, em không xứng đáng mà chung hưởng thú phong lưu ấy với quan lớn”.

Ba Có tiếp mà đáp với quan lớn rằng:

- Bẩm quan lớn, con Hai nó ái ngại phải lắm. Người đờn-bà mà được làm bạn với quan lớn, thì phải một người vừa có đức, vừa có hạnh, vừa có sắc, vừa có tài mới được. Quan lớn muốn hỏi thử mà chơi, chớ con Hai mà xứng đáng chi.

- Không. Tôi hỏi thiệt chớ, cô nói khiêm nhượng, chớ cô Hai sao lại không xứng đáng chi.

- Nó là gái đã có một hai đời chồng rồi quan lớn quên hay sao?

- Tôi nhớ lắm chớ. Cô Hai có mấy đời chồng rồi lại hại gì hay sao? Tôi đây có phải là trai mới lớn lên hay đâu. Tôi có tới 6 đứa con, tôi có cháu nội cháu ngoại đủ hết. Mình muốn tạo cái cảnh gia đình nhàn lạc thì vợ chồng cần phải đồng tâm chí mà thôi, chớ có cần đều gì khác nữa đâu. Tôi gần gũi cô Hai hơn một tháng nay, tôi thấy tánh nết của cô tôi mến, tôi thấy sắc tài của cô tôi thương, nên tôi mới tính việc trăm năm với cô. Nếu cô Hai không phụ tình tôi thì tôi nguyện, hễ tôi còn sống ở thế gian nầy, thì cô Hai sẽ được mến yêu, kính trọng, sung sướng, thanh nhàn luôn luôn, mà trước ngày tôi chết tôi cũng lo liệu cho cô sung sướng mãn đời cô luôn.

Cô Hai Phục ngồi trơ-trơ, cô không trả lời, mà cái sắc mặt cô cũng không lộ cái vẻ vui mừng chút nào hết.

Ba Có ngó cô hai, coi bộ chị ta bất bình.

Quan Đốc Phủ nói tiếp rằng: “Cô Hai nầy, mấy lời tôi mới nói đó là lời vàng đá, chớ không phải là lời qua đường đâu. Nếu cô vui lòng ưng tôi thì tôi làm hôn thú đủ phép, chớ không phải để cô núp lén mà làm xấu hổ. Tôi tỏ thiệt gia đạo của tôi cho cô hiểu. Hiện bây giờ ruộng đất của tôi mỗi năm có huê lợi lối 10 ngàn giạ lúa. Tôi hưu trí mỗi kỳ 3 tháng tôi lãnh được 480$, tính ra mỗi tháng 160$. Về bạc gởi băng, về số tôi cho vay, tính ra cũng được vài chục ngàn. Nếu tôi cưới cô rồi thì tôi giao cái nhà tôi mua đó cho sấp con tôi ở, tôi cũng giao hết số ruộng đất của mẹ chúng nó đứng bộ cho chúng nó chia nhau mà hưởng huê lợi. Còn phần ruộng tôi đứng bộ, huê lợi 3000 giạ, thì tôi giữ tôi xài. Tôi sẽ mua một miếng vườn, cô muốn chỗ nào tùy ý cô định, rồi tôi mướn cất một cái nhà đặng vợ chồng mình ở mà thưởng hoa thưởng nguyệt, khi ngâm phú, khi đờn ca quên hết sự đời, lánh xa danh lợi, mình thoát vòng trần tục chơi mới có thú vị”.

Cô Hai Phục cũng ngồi làm thinh.

Ba Có thấy vậy mà rước đáp rằng:

- Quan lớn có lòng thương tưởng con Hai, thì nó mang ơn quan lớn lắm chớ. Ngặt không biết mấy cô mấy cậu có chịu hay không?

- Ối chúng nó chịu hay không chịu mặc kệ chúng nó. Tôi thuộc dân Langsa, vợ tôi chết, tôi có quyền cưới vợ khác, sấp con tôi có nào mà cản tôi được.

- Nếu quan lớn liệu việc nhà được, quan lớn muốn biểu con Hai hiệp với quan lớn và gây cuộc phong-trần trăm năm, thì nó phải vưng lời quan lớn, chớ đâu dám cãi. Tuy hồi trước Mái Chín Ngánh ở dưới nó thiệt là tử tế, nhưng mà Mái Chín là chệch khách, sự tử tế của y sao bằng cái tình tri ngộ của quan lớn. Ấy vậy hễ quan lớn cưới nó, thì tự nhiên nó phải tận tâm mà phục sự quan lớn.

- Quan Đốc Phủ vuốt râu, miệng cười ngỏn ngoẻn mà hỏi cô Hai Phục rằng: “Sao cô không nói tiếng chi hết vậy cô Hai? Tôi tính như vậy mà cô có vui lòng hay hôn?”

Cô Hai Phục du dự một chút, rồi cô ngó ngay quan Đốc Phủ mà nói rằng: “Bẩm quan lớn có lòng thương em thì em cảm ơn quan lớn nhiều lắm. Ngặt vì em không thể vưng lời mà kết tóc xe tơ trăm năm với quan lớn được”

Quan Đốc Phủ chưng hửng, Ba Có giận đỏ mặt, mắt ngó cô Hai lườm lườm.

Quan Đốc phủ day qua hỏi cô Hai một cách rất nhỏ nhẹ êm ái rằng:

- Tại cớ nào mà cô chê tôi, đâu cô nói thiệt cho tôi biết một chút coi?

- Bẩm quan lớn, người đến bực quan lớn mà em còn chê nỗi gì. Chẳng những là em không dám chê, mà em nghĩ chẳng có chỗ nào chê được. Quan lớn tính cưới em, quan lớn làm hôn thú đủ phép, mà lại còn tính làm cho thân em sung sướng trọn đời. Em ưng quan lớn, em nhờ cái thơm lây mà em được cái sang trọng giàu có, làm sao mà em chê được.

- Cô biết nhự vậy mà sao cô còn dục-dặc không ưng?

- Bẩm quan lớn, em không ưng quan lớn được là vì trời khiến em đã nặng tình với một người khác rồi. Nếu em mê sự sang giàu của quan lớn mà em ưng bướng quan lớn, em sợ ngày sau em không trọn đạo làm vợ được, rồi quan lớn thí ơn tri ngộ với em, mà em lại đáp cái thói giả-dối với quan lớn, dường ấy chẳng khỏi cái cảnh phong lưu tao nhã mà quan lớn tưởng tượng đó nó sẽ thành cái cảnh ưu-sầu sỉ nhục, càng hại hơn nữa. Em vẫn biết em tỏ thiệt cái lòng của em, tự nhiên quan lớn không vui. Mà em nghĩ thà bây giờ buồn một chút, rồi ngày sau khỏi buồn nhiều.

Quan Đốc Phủ với Ba Có nghe mấy lời của cô Hai thì ngồi bí-xị, cả hai đều uất, người uất vì dỡ dang giấc mộng tình, kẻ mất vì phá hoại công phu gầy dựng.

Quan Đốc Phủ ngồi lặng thinh một hồi rồi ngài đứng dậy từ mà về. Chừng ra tới cửa ngài day lại mà nói rằng: “Cô Hai cô đã nói như vậy, thì tôi không dám nói tiếng chi đi nữa. Tôi chỉ xin cô nên nhớ rằng tôi sẵn lòng chờ cô luôn luôn; ngày nào cô đổi ý thì cô cứ cho tôi biết”.

Cô Hai cúi đầu mà nói: “Cảm ơn quan lớn”

Nãy giờ Ba Có có giận bấy gan, nhưng vì có quan Đốc Phủ ngồi đó, chị ta không phát biểu cái lòng giận ra được.

Bây giờ chị ta thấy cô Hai đứng một mình trước mặt chị ta, thì chị ta dằn nữa không được, lửa giận phừng-phừng, quên hết lễ nghĩa tao nhã, nên sỉ tay trong mặt cô hai mà nói rằng: “Mầy là đồ ngu! Tao nghĩ lại thiệt uổng công tao nuôi dạy dỗ mầy không biết chừng nào! Phải tao dè như vầy thì ngày trước tao có đem về nuôi dưỡng làm chi, tao để cho mầy đi ăn mày. Đồ khốn nạn! Mình ra công sắp đặt đặng cho nó làm “Bà Đốc Phủ” chừng được rồi, nó lại xô một cái, làm cho hư hết công nghiệp của mình!”.

Cô Hai Phục té ngồi trên một cái ghế, cô và khóc và đáp rằng:

- Xin chị Ba tha lỗi cho em. Vì cái tình của em đối với cậu Hai Hùng nặng quá, dầu được làm bà vua đi nữa em cũng không đành bỏ cậu.

- Tao đã có nói với mầy nhiều lần; thiên hạ đều giả dối hết thảy. Thói đời và lòng người chẳng có chút chi là thiệt. Ấy vậy mình chẳng nên thương ai, bởi vì có ai thương thiệt mình đâu mà mình thương họ. Tao đã dặn như vậy mà sao mầy còn thương thằng điếm đó?

- Tại trời khiến như vậy, em biết làm sao! Ví như cậu Hai phụ bạc em thì có lẽ em mới quên được cậu. Chớ cậu còn theo quyến luyến với em, thì làm sao em bỏ cậu mà lấy chồng khác cho đành.

Ba Có lắc đầu, ngồi dựa ngửa trên cái ghế canapé mà than rằng: “Cái hy vọng của tôi đã tan rả hết rồi! Ôi cái thế gian nầy tôi còn cái mục đích nào đâu!”.

Cô Hai khóc mà nói rằng: “Xin chị Ba tha lỗi cho em. Tại cái tình của em nặng quá, chớ không phải em cố ý nghịch với chị”.

Ba Có ngồi suy nghĩ, nước mắt chảy rưng-rưng.

Cách một hồi lâu chị ta thở dài mà nói rằng: “Vậy mới biết mỗi người đều có mạng số riêng. Cái mạng của em phải lụy về ái tình, dầu làm thế nào cũng không tránh khỏi được. Qua thương em qua hết sức lo cứu em, mà cứu không được thì thôi, chớ biết làm sao. Cũng vì lo cứu mà mấy năm nay qua mang tội ác nghiệt với đời nhiều lắm. Đã biết thiên hạ ở ác nghiệt với qua trước, nên qua mới mượn tay em đặng trả, trả nhiều, bởi vậy qua ăn năn hết sức. Qua tưởng từ rày qua phải tu mới được, tu trước làm sao tiêu hao các tội ác nghiệt của qua mấy năm nay, sau cho khỏi thấy thân em lụy về ái tình ngày sau nữa”.

Cô Hai cảm động nên cô khóc rấm rứt.

Cách ít ngày sau ông Cử Võ Phi Hùng mặc đồ tang đến nhà thăm cô Hai Phục. Hai người nói chuyện nhỏ nhỏ với nhau một hồi lâu rồi ông Cử từ mà về, cô Hai trở vô buồng mà trang điểm rồi lên xe hơi mà đi. Ba Có không hỏi cô đi đâu song chị ta đứng ngó theo xe mà mặt coi buồn bực lắm.

Đến khuya cô Hai trở về nhà, người bồi ra mở cửa. Cô bước vô nhà không thấy Ba Có, cô hỏi người bồi, mới hay hồi chiều Ba Có bỏ áo quần vô va ly rồi kêu xe kéo mà đi không nói đi đâu, mà cũng không nói đi chừng nào về.

CHƯƠNG 16 - SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU

Ô

ng Hội đồng Võ phi Thành không phải là nhà cự phú. Ông ở nhà thờ, là một cái nhà ngói cũ mèm, cất theo kiểu xưa, rộng minh-mông mà thấp thỏi tối mò. Sự sản của ông thì chỉ có 40 mẫu ruộng Hương hỏa ông ăn huê lợi với 150 mẫu ruộng phần thực của cha mẹ chia cho ông hồi trước, mà ông chơi bời bài bạc nên mắc nợ hơn 30 ngàn đồng. Ông trả không nổi, chủ nợ kiện thì hành phát mãi hết 150 mẫu ruộng của ông đứng bộ. Tuy hai người em của ông ra trước Tòa đấu giá mà mua ruộng ấy lại, mà Phủ Tăng mua 50 mẫu, thầy Cai Tổng Lung mua 100 mẫu, và hai người có hứa sẽ để lại cho ông làm ăn, nhưng mà ông buồn rầu, nên mang bịnh mà chết.

Ông Cử Võ Phi Hùng tống táng cha xong rồi, ông kiểm điểm gia tài chẳng còn chi hết, chỉ ở cái nhà thờ, góp huê lợi 40 mẩu ruộng Hương hỏa, đặng cúng quải ông bà mà thôi. Sự nghiệp ấy không xứng với tài học của ông, mà cũng không giống cái ý của ông tưởng thuở nay, bởi vậy ông bối rối, ông tuốt lên Saigon than thở với cô là bà Phủ Tăng, rồi đi kiếm cô Hai Phục mà tỏ tâm sự.

Ba Có đã đi biệt tích, mà Cô Hai Phục không muốn ở gần quan đốc phủ Thần nữa, nên cô bàn tính với ông Cử Hùng, mướn một căn phố lầu ở đường Đất đỏ, phía sau có nhà để xe hơi, rồi dọn về đó mà ở.

Ông Củ Hùng òn ĩ với vợ chồng ông Phủ Tăng mượn một ngàn đồng bạc, nói mượn đặng mở phòng làm phó trạng sư. Vợ chồng ông Phủ Tăng sẵn lòng muốn giúp cho cháu lập thân, nên nghe cháu hỏi thì cho liền, không dụ dự chút nào hết.

Nhờ có số bạc ấy nên ông Cử Hùng về ở chung với Cô Hai Phục ông khỏi bợ ngợ hổ thẹn. Ông mướn thợ làm một tấm bản đồng khắc chữ :”Võ Phi Hùng, luật khoa Cử nhơn, Biện sự phòng” để đóng trước cửa, ông đăng lời rao trong báo nhựt trình mà khuyên đồng bang ai muốn kiện cáo đều chi thì đơn-trạng cho. Ông lại xin phụ bút với một tờ nhựt báo, ông viết một bài luận về hoàn-cầu thời sự.

Ông Cử Hùng ở với Cô Hai Phục như tình vợ chồng, mỗi buổi chiều ngồi chung xe hơi đi chơi, có đêm dắt nhau đi coi hát bóng, hoặc ra nhà hàng ngồi uống rượu, không e lệ, không núp lén chi hết.

Bà phủ Tăng thấy nhà của anh mình suy sụp, mà nay cháu mình học giỏi, có bằng cấp cử-nhơn, thì bà có ý muốn kiếm con gái nhà giàu cho sang trọng mà làm mai, đặng cháu mình nhờ nhõi ngày sau. Bà chưa kiếm được, kế nghe ông Cử hùng đã nhập cục với cô hai Phục, thì bà tức giận, tỏ ý muốn đòi số bạc cho mượn và không thèm nhìn biết đến cháu nữa.

Ông Phủ theo can gián bà, ông nói rằng có lẽ taị căn duyên ông trời định, nên hai trẻ trước kia đã quen nhau, rồi bây giờ mới hội hiệp. Huống chi Hai Phục bây giờ cũng có bạc muôn, dầu kết duyên với cử Hùng, nghĩ cũng chẳng kém gì. Bà phủ nghĩ cũng là người thờ “thần kim tiền” như chồng nên nghe chồng nói như vậy thì bà cho là phải, song bà muốn cháu bà có vợ giàu hơn nữa, nên bà không hết giận, bà nhứt định không đến nhà cháu.

Ông cử Hùng và Cô Hai Phục ở với nhau thiệt là tâm đầu ý hợp, trai say bởi tình sâu thăm-thẳm, gái quên thói bạc bẽo ngày xưa. Có đêm đương yêu vì sắc, đương mặn vì tình, ông Cử nhắc lại chuyện cũ, rồi ông hỏi thăm cô hai về sự đẻ chửa. Bây giờ cô hai chẳng còn phiền trách chi nữa, bởi vậy cô tỏ thiệt sự việc cũ lại cho ông cử nghe. Cô nói thiệt cô sanh con trai, song lúc ấy cô phiền ông cử bạc-bẽo với cô nên cô không thèm kể đến con, cô nghe lời Ba Có mà đổi con với một người giàu ở miệt vườn, cô lấy một ngàn đồng bạc. Cô không biết người giàu ấy tên là gì, nhà cửa ở đâu, mà cô cũng không biết hồi đó cô đặt tên cho con của cô là tên gì. Còn đứa con gái của người ta mà cô bồng về thì bữa sau Ba có đem cho nhà mồ côi trên Tân-Định, từ ấy đến nay cô không thấy mặt nữa, nên cô không biết còn hay là mất.

Nếu ông Cử Hùng có ý muốn tìm con, thì nói bao nhiêu đó có lẽ ông tìm được rồi. Ông hỏi cho kỹ lại mà xem cô hai Phục sanh ngày nào rồi ông vô Cholon mà xin coi bộ sanh; ông dọ hết những người sanh con gái ngày ấy tại nhà bảo sanh thì ông tìm phải ra. Tại ông cử muốn hỏi cho biết vậy thôi, chớ ông không có ý tìm con, nên câu chuyện xưa tới đó thì dứt, hai đàng không ai lưu tâm về việc ấy nữa.

Tuy ông Cử Hùng lo làm việc không nghỉ, ông mưu thế nầy, ông tính cách nọ, ông làm cũng ra tiền nhiều, song số tiền ông làm ra không bằng số tiền ông ăn xài, bởi vậy trong vài tháng một ngàn đồng bạc của vợ chồng ông Phủ Tăng đã tiêu hết.

Đã kết vợ chồng thì chẳng còn riêng tư chi nữa. Cô Hai phục có mấy ngàn đồng vốn, hễ hụt tiền xài thì cô châm vô, trong ít năm mấy ngàn đồng bạc đó cũng tiêu hao luôn, rồi cái xe hơi cũng tiêu, rồi những nhận hột xoàn rồi dần dần cũng cầm bán.

Vợ chồng chung chạ trót 12 năm, có khi vui, có khi buồn, có khi dư xài, có khi túng rối; những tài vật cùng là nữ trang của cô Hai Phục bây giờ chỉ còn có một đôi bông tai hột xoàn cô đeo đó là dấu tích thạnh thời của cô mà thôi. Tuy vậy mà cô không tiếc, cô không phiền, miễn sum hợp với chồng, dầu hột muối cũng phải cắn làm hai mà chia cho nhau cô cũng vui vẻ.

Một buổi sớm mơi, Bà Phủ Tăng sai con trai là Gia Trinh ra kiếm ông cử Hùng mà cho hay rằng chú của ông là Cai Tổng Lung chết và khuyên ông phải lập tức vô mà đi với vợ chồng ông Phủ về Cái Vồn đặng lo việc tống táng. Cô Hai Phục muốn nhơn dịp ấy mà ra mặt vợ ông cử với bà con nên cô xin theo. Ông cử không cho, rồi ông đi một mình vô Cầu kho hiệp với cô dượng mà về Cái Vồn.

Ông cử đi tới 10 ngày ông mới về, mà chừng về nhà khí sắc ông khác thường, coi bộ dường như ông đang lo lắng một việc gì quan hệ lắm vậy.

Tối lại cô Hai to nhỏ ông. Ông lặng thinh một hồi rồi ông đáp rằng:

- Việc nhà của chú Tổng lộn xộn quá, không lo sao được. Chú có hai vợ, sanh hai dòng con. Thím lớn mất rồi, để lại 3 người con gái, hai người lớn đã có chồng, còn người nhỏ hơn hết đã 20 tuổi rồi mà chưa có chồng. Thím nhỏ còn sống, thím lại sanh được một đứa con trai, mà nó mới 17 tuổi, còn đi học, nên chưa có vợ. Gia tài của chú Tổng lớn quá, mỗi năm thâu góp huê lợi tới bốn năm chục ngàn giạ lúa. Chú mất rồi bây giờ một đàng là mấy đứa con gái của thím lớn, một đàng nữa là thím nhỏ, ghìm nhau bên nào cũng muốn chia góp huê lợi, nên khó tính cho êm được.

- Có chi đâu mà khó, hai dòng con có bốn người, thì chia phứt gia tài ra làm 4 phần rồi ai lãnh phần nấy mà hưởng thì xong chớ nầy.

- Phải được như em nói vậy thì khỏi lo. Ngặt vì thím nhỏ thím không chịu chia mới khó chớ.

- Tại sao mà thím không chịu?

- Thím có hôn thú bực nhì. Thím lấy cớ thím là kế mẫu hễ chồng chết thì thím hưởng huê lợi mãn đời thím rồi con mới được phép chia.

- Thím nói như vậy mà trúng luật hay không.

- Trúng.

- Nếu như vậy thì tội nghiệp cho ba đứa con dòng lớn quá.

- Tại vậy nên mới rối trí chớ.

- Sao anh không nói với thím Phủ, đặng thím phân xử dùm? Để thím Tổng nhỏ thím đoạt hết gia tài hay sao?

- Cô tôi có can thiệp, mà cô bày một việc gắt quá.

- Bày việc gì mà gắt.

- Cô tôi phân rằng: con dòng lớn còn một đứa chưa có chồng; con dòng nhỏ, là con trai, mà cũng chưa thành định. Vậy thì phải hội bổn-tộc mà cử người thủ hộ gia tài ấy, đợi chừng nào hai đứa nhỏ thành định rồi sẽ làm tờ tương phân. Người thủ hộ coi thâu góp huê lợi, mỗi năm phải xuất một mớ mà cấp dưỡng cho thím nhỏ với mấy người con. Thâu xuất đâu đó phải có sổ sách cho rành rẽ. Chừng lập tương phân gia tài thì số huê lợi còn lại được bao nhiêu sẽ chia đồng cho mấy người con.

- Thím phủ phân như vậy thì công bình lắm. Vậy mà thím Tổng nhỏ chịu hay không?

- Cô tôi phân thì thím đâu dám cãi. Nếu thím cãi thì té ra thím nghịch với bổn tộc. Mình cũng hiểu khi chú Tổng tắt hơi thì vàng bạc trong tủ sắt thím tom góp hết. Nếu thím nghịch thì bổn tộc bươi móc việc ấy, thím ngồi cũng không yên.

- Nếu thím Tổng chịu thì xong rồi.

- Vậy mà chưa xong. Cô tôi buộc tôi phải lãnh làm thủ hộ, thì anh làm dùm cho sắp em.

- Nghe nói hễ làm thủ hộ thì có ăn huê hồng 10 phần trăm trong số thu và số xuất, vậy thì lợi chớ có hại đâu mà sợ.

- Phải. Làm thủ hộ thì có huê hồng, lại có tiền tổn phí cho mướn ruộng và thâu góp lúa ruộng nữa. Gia tài như vậy mỗi năm mình kiếm năm bảy ngàn đồng bạc được.

- Vậy thì làm đặng kiếm tiền mà xài.

- Em đừng có xúi! Cô tôi còn buộc tôi một đều nữa gắt lắm.

- Buộc điều gì nữa.

- Khó nói ra quá.

- Anh tính dấu em hay sao? Nếu việc ấy là việc kia, không nên cho em biết, thì xin anh đừng nói.

Ông cử ngó Cô Hai miệng cười ngỏn-ngoẻn. Ông suy nghĩ một hồi rồi ông nói rằng:

- Không phải là chuyện kín, song nếu qua nói ra chắc em không vui.

- Ối đời em đã nếm mùi buồn và mùi vui đủ hết rồi, nên dầu nghe việc buồn em chẳng buồn chi lắm.

- Ở dưới Cái Vồn hiện bây giờ có một cô mới 28 tuổi, cô góa chồng, mà cô giàu lắm. Cô Phủ muốn qua cưới cô ấy. Cô buộc tôi phải chịu cưới thì cô mới nói với bổn-tộc cử qua thủ hộ gia-tài của chú Tổng.

Cô Hai nghe rõ công việc thì cô cười ngất. Cô ngó ông cử mà nói rằng:

- Việc như vậy mà anh sợ nói ra rồi em buồn chớ! Em nghe thì em vui lắm, chớ có buồn đâu. Thím phủ tính như vậy thiệt là hay, anh thương em, anh theo em 12 năm nay, anh túng thiếu cực khổ quá. Nếu có người nào giàu có mà họ ưng anh, thì anh cũng nên cưới đặng sung sướng tấm thân một chút.

- Em nói lẫy chi vậy?

- Em nói thiệt chớ. Anh là con nhà giàu, đi học thành tài rồi, thì gia-đạo suy-sụp, anh không được hưởng mùi phú quí chi hết. Thím phủ thương anh, nên tính như vậy là phải lắm. Phận em không phải là người xứng đáng làm vợ anh được. Đôi ta yêu nhau, nên hiệp cùng nhau mà tạm gây cuộc thất gia một lúc chơi. Nay anh gặp dịp lập thân, thì anh phải thừa dịp, chẳng nên bỏ qua.

- Qua thương em lắm, nên qua không muốn ham giàu mà phụ em.

- Em cũng vì thương anh lắm, nên em phải khuyên anh hãy nghe lời thím phủ mà cưới chỗ đó. Em thương anh nên em muốn cho anh được giàu sang với người ta.

- Em nói thiệt hay là nói chơi? Có lẽ nào em lại muốn qua bỏ em mà cưới vợ khác.

- Xin em đừng tưởng em như đờn bà khác, hễ thương người ta thì cứ đeo đuổi theo, dầu thương mà phải hại người ta họ cũng không kể. Em không phải như vậy đâu. Nếu em không thương người ta thì có lẽ em mới quyết làm nên, làm tốt cho người ấy mà thôi.

Ông Cử hùng ngồi suy nghĩ rồi ông lại nói chậm-rãi rằng: “Nếu em ở được như vậy thì em là một người tốt lắm. Dầu sau qua được giàu có, qua chẳng hề quên em, thôi, để tối nay rồi qua vô qua tính với thím Phủ coi”.

Cô Hai Phục bước lại vỗ vai ông mà nói rằng: “Anh biết nghe lời phải của em như vậy, thì em mừng cũng không biết chừng nào. Bây giờ còn sớm, mới 8 giờ, thôi anh thay đồ đặng đi vô tính với thím phủ phứt cho rồi, đợi tối mai tối mốt làm chi mà mất thì giờ. Thím Phủ đương muốn gặp anh, vậy thì anh chẳng nên để thím Phủ trông”.

Ông Cử Hùng cười rồi đi thay áo quần mà đi vô Cầu kho.

Cô Hai Phục thấy chồng lên xe kéo đi rồi, cô bèn đóng cửa lại, rồi vô buồng mà nằm, nước mắt tuôn dầm-dề. Cái tình của bọn đờn-ông là vậy đó hay sao? Thấy mình có tiền nên kết nghĩa vợ chồng, chừng mình hết tiền thấy người khác có tiền hơn, mà bỏ mình mà theo người ấy. Nghĩ lại những lời của chị Ba Có nói thật là có lý: trong đời nầy bọn đờn ông là một bầy gian xảo giả-dối. Làm thân đờn bà mình phải rèn thân đúc trí cho cứng như sạn như đá, đừng thèm thương, đừng biết giận, thì mới khỏi bị thiên hạ lường gạt. Tại mình ngu dại, mình tin cậy ái tình, mình mê cái tính xứng đôi vừa lứa, mình say cái mùi nghĩa cũ duyên xưa, mê say đến nỗi một quan Đốc phủ xin cưới đủ phép, cất nhà dọn cảnh cho mình ăn ở, hứa chắc bảo bọc cho mình sung sướng suốt đời, mà mình phủi hết. Lại dứt tình chị Ba Có là người cứu vớt dạy dỗ mình, để đi theo người mình yêu cho đến nỗi hết vàng, hết bạc, hết hột xoàn, hết xe hơi, rồi bây giờ người ấy bỏ mình, cái lỗi ấy là lỗi ái tình, bởi vậy mình không oán trách ai được.

Cô Hai Phục nằm khóc một hồi rồi ngồi dậy vặn đèn lên sáng hoắc. Cô đi rửa mặt, gỡ đầu, dồi phấn, thoa son. Cô đứng ngay tấm kiến lớn mà xem dung nhan, rồi cô lấy tấm hình cô chụp hồi cô đoạt giải Hoa-Khôi sắc đẹp mà so sánh, thì cô thấy hình bây giờ và hình ngày trước khác nhau rất xa. Bây giờ da mặt cô đã đùn nên không còn trong bóng nữa, tóc cô đã rụng nên chơn tóc không ngay, mình cô đã ốm nên cái cổ hết tròn trịa. Cô xem hình rồi cô lắc đầu, cô rửa phấn chùi son cho hết cái vẻ trang điểm. Nay đã 35 tuổi rồi, nhan sắc lợt phai, trang điểm làm sao cho bằng thời xuân xanh được.

Cô tắt đèn mà trở vô giường nằm, đến 11 giờ khuya ông Cử Hùng về kêu cửa. Cô bước ra mở cửa, thấy ông cười ngỏn-ngoẻn thì cô cũng cười mà nói rằng :

- Anh vô trả lời, coi bộ thím Phủ vui hay không ?

- Qua nói qua chịu, thì cô qua mừng lắm.

- Vậy thì tính phứt đi cho rồi trì huỡn mà chi.

- Cô qua biểu sáng mai qua vô trong đặng cô dắt qua về Cái-Vồn trước tính việc cưới vợ, sau tính việc thủ-hộ luôn thể.

- Ừ, hễ gặp dịp thì phải làm xấn tới !

- Qua còn lo một việc nầy: qua cưới vợ thì qua phải về dưới Cái-Vồn. Em ở trên nầy em làm sao ?

- Ối ! Anh đừng có lo cho em. Anh phải lo việc của anh cho xong đi mà. Phận em dễ lắm, thế nào cũng được hết.

- Cô Phủ bây giờ cô thương qua lắm. Hồi nãy qua than túng tiền, cô lấy 200 đồng bạc cho qua mượn liền.

- Tại thím thấy anh có lúa phơi sân, nên thím cho mượn bạc chớ gì.

- Để qua chia lại cho em một trăm đặng ở nhà em xài.

- Thôi, thôi. Em có tiền. Anh cất hết số bạc ấy mà dùng.

- Em phải nhớ rằng qua với em là bạn tri-kỷ, dầu qua có vợ, chớ qua cũng chẳng quên em. Hễ qua về Cái-Vồn thì chắc qua hết nghèo. Vậy thì lúc nào em có túng rối thì em viết thơ cho qua.

- Em rất cám ơn anh.

Ông Cử Hùng xếp hết quần áo bỏ vô một cái rương lớn.

Sáng bữa sau, ông kêu xe kéo mà chở vô Cầu-Kho. Cô Hai Phục đưa ông ra cửa, chừng ông đi rồi cô cắn răng mà nói rằng : “Thiệt là thằng điếm !”.

Ngày ấy cô kêu cu-li chở hết đồ đạc mà đem ra lạc-son mà bán, chỉ chừa quần áo mùng mền mà thôi. Cô cũng kiếm người bán đôi bông hột xoàn. Đôi bông ấy hồi trước Mái-chín Ngành mua tới 1,200$ mà cho cô, bây giờ cô bán có 900$. Cô mua một đôi bông nhỏ 200$ mà đeo đỡ. Cô bán đồ đạc tom góp được 8 trăm rưỡi. Cô chán ngán nhân-tình thê-thái, cô hết muốn ở chốn phồn hoa nữa, nên cô nhất định về Cai-Lậy cất một cái nhà lá nhỏ đặng ở mà lánh đời.

CHƯƠNG 17 - TÌNH XƯA NGHĨA CŨ

H

ồi 11 giờ trưa nắng chan-chan, có một cái xe-hơi lớn, sơn màu đỏ, chở đầy hành khách, ở phía Sài gòn chạy xuống rồi ngừng ngang cái xóm nhà phía tay mặt, trước khúc quanh vô chợ Cai-Lậy.

Cô Hai Phục trên xe leo xuống, tay cô ôm một cây dù cán cụt lợp bằng lụa màu đen, chân mang giầy da đen, mà đầu cũng choàng khăn màu đen, vì trời nắng gắt, nên cô lật-đật(#1) giương cây dù ra mà đứng dựa mé lộ, coi cho mấy người lơ trên mui xe bỏ xuống cho cô một cái rương thiệt là lớn.

Xe chạy rồi, cô ngó vô xóm, nhắm ngoài đường; cô nhớ chỗ nầy phải là chỗ Cai-Tuần Kim ở hồi trước, mà sao bây giờ lại có một cái nhà cao ráo sạch-sẽ, tuy trên lợp lá, song dưới lót gạch, cột kê táng, vách bổ kho, coi đẹp-đẽ, không phải xịt-xạt(#2) như hồi trước. Có một người sồn-sồn với một người trai ở cái ngõ gần đó đi ra. Cô hỏi người sồn sồn ấy rằng :

- Thưa chú, không biết nhà nầy có phải là nhà của cậu Cai-tuần Kim hay không ?

- Phải. Cô ở đâu mà hỏi Cai-tuần Kim ?

- Thưa, tôi ở trên Sài Gòn.

- Vợ chồng anh Cai-tuần Kim khuất hết rồi, còn đâu mà hỏi.

- Vậy hay sao. Bây giờ ai ở nhà nầy ?

- Thầy giáo Hiền nào?

- Thầy giáo Hiền là con của anh Cai-tuần Kim. Cô biết anh Cai Tuần sao không biết thầy giáo ?

- À, à, tôi nhớ rồi. Anh Hiền đó bây giờ làm thầy giáo hay sao ?

- Làm đã 15-17 năm nay lận mà.

- Chà. Hèn chi sửa nhà cửa lại coi tử tế quá. Không biết có ảnh ở nhà hay không ?

- Có mà. Hồi tan học tôi thấy thầy về với mấy đứa học trò. Chắc ăn cơm rồi thầy nghỉ trưa chớ gì.

- Để tôi vô thử coi. Hai bà con làm ơn khiêng dùm cái rương tôi để trong cửa kia được hôn ?

- Được mà.

Cô Hai Phục đi trước, hai người khiêng cái rương theo sau vì rương nặng nên đi cáng-ráng.

Thiệt quả thầy Hiền đang nghỉ trưa tại bộ ván nhỏ lót dựa cửa sổ. Thầy nghe lụi-hụi, giật mình thức dậy, thấy cô Hai Phục bước vào cửa, song mắt thầy còn ba chớp ba sáng, nên không biết là ai.

Cô Hai Phục vụt nói lớn rằng : “Anh Hai, cha chả, năm nay đã có râu có ria lận mà”.

Thầy giáo đứng ngơ ngẩn.

- Cô Hai hỏi nữa rằng : “Anh quên tôi rồi sao ? Tôi là con Phục đây.”

- Thầy giáo la lớn rằng : “ Ủa, em. Dữ ác hôn ! Tới năm nay em mới trở về đây!”

Cô Hai Phục nghe mấy lời ấy, thì biết thầy giáo có ý trách mình, nên cô bước lại bộ ván mà để cây dù rồi lột khăn và ngồi và nói rằng:

- Em quấy lắm. Anh trách bao nhiêu, em cũng chịu hết.

- Không. Qua trách em điều chi đâu. Em đi năm nay nữa là 19 năm. Qua thấy em qua mừng, nên qua nói như vậy chớ.

- Em về đây em mới hay cậu mợ mất hết. Thiệt em không dè. Cậu mợ mất hồi nào vậy anh Hai ?

- Em đi vài ba năm kế ông già qua mất. Còn bà già qua mất mới giỗ được một cái giỗ.

- Thiệt em lỗi quá. Hồi nhỏ em nhờ cậu mợ nuôi dưỡng mấy năm. Chừng em khôn lớn, em không đền ơn cho cậu mợ được, mà chừng cậu mợ mất cũng không có mặt em.

Cô hai nói tới đó rồi cô cảm xúc, rưng-rưng nước mắt, không nói được nữa.

Người sồn-sồn khiêng rương dùm vô đó mới hỏi thầy giáo coi cô Hai đó là ai. Thầy giáo đáp rằng : “ Cô Hai đây là con của bác Hương-thân Luông hồi trước, chú mới về đây chừng 10 năm nay, chắc chú không biết.”

Hai người khiêng rương dùm bèn ngồi lại mà nói chuyện chơi.

Thầy giáo kêu thằng Phu là đứa ở đi chợ nấu ăn cho thầy mà biểu nấu nước chế trà uống. Gần 2 giờ chiều, thầy thay đồ sửa-soạn đi dạy học. Thầy nói với cô Hai rằng :

- Gần tới dạy học rồi. Có lẽ em về ở chơi lâu chớ ?

- Em tính về ở chơi lâu.

- Được lắm. Thôi em ở nhà chơi. Qua mắc đi dạy học, để chiều về rồi nói chuyện nữa.

Thầy giáo đi dạy học.

Hai người khiên rương dùm đó cũng từ mà về.

Cô Hai bèn đi cùng trong nhà mà coi bề ăn ở của thầy giáo Hiền. Cô không thấy dờn-bà, con nít, cô bèn hỏi thằng Phu rằng :

- Vợ con thầy giáo đi đâu vắng vậy em ?

- Bẩm thầy tôi ở một mình, có vợ con gì đâu.

- Ủa ! thầy giáo không có vợ hay sao ?

- Bẩm không. Thuở nay thầy tôi không có cưới vợ.

Cô Hai thấy trên bàn thờ giữa nhà có treo một bức tượng “thánh-nhãn”, thì biết thầy giáo Hiền nhập đạo Cao-Đài. Cô thấy đâu đó đều sạch-sẽ vén-khéo, trước sân lại có trồng bông, trồng kiểng, sau hè có trồng mít, trồng xoài, có dọn chỗ để ngồi thưởng trăng, có xây hồ để nuôi cá, thì cô nức-nở khen ngợi.

Cô coi trước coi sau đủ rồi cô mới mở rương lấy một bộ đồ mát bằng lụa trắng ra mà thay. Cô rửa mặt, gỡ đầu, dồi phấn sơ-sịa, và vì cô đã có sắc sẵn, nên tuy trọng tuổi song coi còn đẹp đẽ lắm.

Tan học Thầy giáo Hiền về, khí sắc hân hoan khác thường. Vừa bước vô nhà thì thầy kêu thằng Phu mà biểu lên chợ kiếm đồ mua về dọn cơm cho cô Hai ăn. Cô Hai cản mà nói rằng :

- Trong nhà có món gì ăn món nấy, cần gì phải mua thêm. Em về đây em mừng quá, nên ăn vật gì chắc cũng ngon hết thảy.

- Trong nhà có vật gì mà cho em ăn.

- Vậy chớ anh nhịn đói hay sao ?

- Qua ăn chay trường, mỗi bữa dùng tương chao, rao rác, không có cá thịt chi hết.

- Anh ăn chay trường hay sao ? Anh ăn chay thì em cũng ăn với anh được mà.

- Sợ em ăn không quen rồi em ăn không no chớ.

- Được mà. Em đã nói em về đây em mừng lắm, nên ăn vật gì cũng ngon hết.

- Em về đây thiệt em mừng lắm hay sao ?

- Mừng lắm.

- Vậy sao 19 năm nay em không chịu về một lần nào hết ?

Cô Hai nghe hỏi tới câu đó thì cô chúm-chím cười rồi nói rằng : “Việc đó nói ra dài lắm, để thủng thẳng rảnh rồi em sẽ nói rõ công chuyện của em cho anh nghe, anh mới hết trách em. Bây giờ để lo ăn cơm, vì hồi trưa em ăn bánh mì nên đói rồi”.

Bữa nay nhằm ngày 12 âm lịch, nên mới tối thì mặt trăng đã lên cao, dọi trước sân sáng quắc. Cô Hai bước ra ngồi trên cái băng bằng cây mà ngó trăng hứng mát. Gió thổi hiu hiu đưa mấy chùm bông huệ quặc quà quặc quại, rồi lại phất mùi thơm bát ngát. Vừng trăng vặc vặc soi gương mặt của cô Hai coi sáng rỡ, miệng hữu duyên mắt hữu tình.

Thầy giáo đốt nhang cúng nước, đọc kinh vái lạy xong rồi thầy xách một cái ghế ra sân để ngay trước mặt cô Hai mà ngồi. Thầy ngó mông một hồi rồi thầy hỏi cô Hai rằng.

- Em tính về ở chơi chừng bao lâu ?

- Em đi 19 năm nay em đã thèm rồi. Em tính về đây kiếm chỗ cất một cái nhà nhỏ mà ở đặng xa lánh thói đời là thứ làm cho em chán ngán, không biết có được hay không ?

- Sao lại không được. Chung quanh đây còn bộn đất trống. Em muốn cất chỗ nào thì em chỉ chỗ rồi qua nói với chủ đất cho em cất. Mà sao em nói nghe như hơi em chán đời, em muốn tu vậy ?

Cô hai lặng thinh một hồi lâu, rồi cô thở dài mà nói rằng : “Đời đáng chán lắm. Em không hiểu tu có ý nghĩa gì. Nếu tu mà trốn nợ đời được thì em tu phứt cho rồi”.

Cô nín một hồi nữa rồi cô ngó thầy giáo mà hỏi rằng : “Em nghe thằng Phu nói từ hồi nhỏ tới bây giờ anh không chịu cưới vợ, phải vậy hay không anh Hai ? Tại sao mà anh không chịu cưới vợ ?”

Bây giờ tới lúc thầy giáo không trả lời.

Thầy ngồi cúi mặt xuống đất mà suy nghĩ. Cách một hồi lâu thầy mới đáp rằng :

- Qua có chuyện buồn nên không muốn lập gia-thất làm gì.

- Nếu anh có chuyện buồn thì lại cần phải cưới vợ đặng có người hủ-hỉ mà giải-khuây cho anh chớ.

- Giải khuây sao cho được.

Thầy giáo vụt đướng dậy mà chắp tay sau đít thủng thẳng đi ra lộ, dường như thầy không nghe câu của cô Hai hỏi thầy vậy. Cô hai lấy làm lạ nên ngồi ngó theo, cách một lát, thầy trở vô, cô bèn nói rằng : “Em coi bộ anh buồn quá. Anh có chuyện gì uất trong lòng xin anh nói cho em hiểu một chút. Em đây là em của anh ở trong nhà, chớ phải người xa lạ gì hay sao mà anh dấu”.

Thầy giáo thở dài và đáp rằng :

- Việc buồn của qua không thể nói ra được, nhứt là khó nói cho em hiểu.

- Tại sao vậy ? Anh không tin bụng em hay sao ?

- Không phải qua không tin em. Sợ nói ra cho em nghe rồi em không tin chớ. Mà thôi, nói làm chi; nói ra thì phải loạn tâm loạn trí, chớ không ích gì. Qua tu đã lâu rồi …… thôi …… chuyện cũ không nên nhắc lại.

- Anh nói dụt-dặt, em nghe em tức quá, nên bắt hỏi hoài. Anh tu thì tu, chớ tu rồi không tỏ cái việc buồn ra được ?

Thầy giáo ngồi ngó cô Hai trân-trân.

Yến trăng tỏ rạng, ngọn gió lai-rai, mặt mày cô sáng rỡ như hoa nở sớm mai, quần áo cô phất-phơ, lại bay mùi thơm bát ngát. Tứ bề im-lìm lặng-lẽ, chỉ nghe tiếng dế than thở trong đám cỏ mà thôi.

Thầy ngắm cảnh nhắm người, rồi sanh mối cảm xúc trong lòng, không thể dằn nữa được, nên thầy thở ra một cái rất dài mà nói rằng : “ Qua buồn, qua không thèm cưới vợ, qua tu niệm trường chay đó là tại em, chớ không phải việc gì khác đâu. Em biết hay chưa?”

Cô Hai ngó sửng-sốt thầy, cô chau mày biến sắc rồi hỏi nhỏ nhỏ rằng :

- Thiệt như vậy hay sao ? Em có dè đâu !

- Bởi tại em không dè, nên qua mới buồn qua muốn chết đó. Em nhớ hay không ? Ngày bà phủ ghé rước em, qua muốn cản, không cho em đi. Mà qua thấy em hăng-hái muốn đi quá, nên qua không nỡ cản. Em đi rồi thì qua buồn rầu, không còn muốn việc chi nữa hết; qua hết muốn học; mà cũng không thèm tưởng tới việc tương lai. Lúc ấy qua như người lãng trí mất hồn, sợ cha mẹ rầy nên phải đi học như thường, song vô trường ngồi cầm chừng, về nhà đi thẩn-thơ, sự sống của qua không có mục-đích chi hết. Qua buồn quá rồi sanh ra cái lòng xấu : qua thầm vái em lên ở với bà Phủ em bị cực khổ đáo để cho em chịu không nổi, đặng em trốn mà về. Qua vái rồi qua đợi, đợi cho đến hơn 3 năm, ông già qua mất, qua được cấp bằng làm thầy giáo, rồi qua coi nhựt-trình, qua thấy hình em họ in lớn đại, họ lại nói em đoạt giải hoa-khôi sắc đẹp. Tờ nhựt-trình ấy qua còn cất để dành trong tủ, lâu lâu qua lấy ra chơi cho đỡ giải buồn. Qua hay tin ấy thiệt mừng cho em, mà qua lại buồn thêm cho phận qua, bởi vì qua hết trông em trở về nữa rồi. Qua buồn hết sức, nên qua nhứt định không thèm cưới vợ. Tuy làm thầy giáo mà rồi ban đêm qua tụng kinh niệm Phật, qua quyết theo tam-quy ngũ giới, trau dồi lục-căn đặng dứt lục-trần. Qua tu theo Phật hơn 10 năm, mà sao qua vẫn còn tư tưởng em hoài, qua mới day qua theo đạo Thầy mấy năm nay đây.

Thầy giáo nói một hồi, rồi thấy cô Hai móc khăn mu-soa trong túi ra mà lau nước mắt. Thấy cô cảm xúc, thầy càng cảm thêm, nên nói không được nữa !

Cô Hai cúi mặt lắc đầu nói rằng :

- Em không dè anh có tình với em, mà cái tình lại nặng nề đau đớn quá như vậy. Chớ chi em biết thì dầu ở trên SaiGon mà ăn vàng em cũng không thèm. Sao hồi em ra đi anh không tỏ thiệt cho em biết ? Vì khi thấy mặt nhau anh mắc cỡ anh mở miệng không được, sao từ khi em đi rồi cho tới bây giờ anh không chịu gởi thơ mà nói cho em hay ?

Thầy giáo đáp rằng :

- Qua không biết em có thương qua không mà qua dám nói.

- Phải nói thiệt ra rồi mới biết em thương hay không chớ. Lỗi lại anh không nói ra, chớ không phải tại em đâu. Mà thôi, bây giờ em xin lãnh cái lỗi ấy. Em hứa từ đây tới già em sẽ làm cho anh hết buồn rầu đặng em chuộc lại lỗi của em. Anh chịu hay không ?

Thầy giáo ngồi ngẫm nghĩ một hồi rồi nói rằng : “Như vầy mà tu giống gì nữa được !”

Cô Hai cười. Thầy giáo ngó cô, thầy cũng cười.

Cái tình của cô đã có cái tình khác chiếu đối, ở một bên mà cô không hay, để cho cô dung rủi 19 năm trường, xông pha gió bụi, dày dạn thị-phi, khi phải uất thói đời, khi phải mang mặt giả.

Còn cái công tu niệm của thầy chất-chứa mười mấy năm trường, bị chữ tình trong giây phút đều vỡ tan sụp đổ hết.

Hai người đều không dè cuộc đời xoay vần như vậy, không dè đã tan mà rồi lại hiệp, ngại ngùng còn sợ nỗi hiệp rồi mà có tan nữa hay không. Trăng trong gió mát, thầy tỏ lòng hoài vọng, cô kể chuyện phong trần, thầy rõ tâm-sự của cô, thầy càng yêu, cô được biết tình cảm của thầy, cô càng mến, một nhà vui-vẻ, quên hết ưu sầu.

Chú thích:

(1-) lật đật

(2-) xệch xạc, lôi thôi

CHƯƠNG 18 - BẠN CŨ CHUYỆN XƯA

T

hầy giáo Hiền và cô Hai Phục sánh duyên với nhau đã được hơn 3 năm.

Thầy đi dạy mỗi tháng lãnh lương 45 đồng bạc. Cô ở nhà hằng bữa lo cơm nước, coi cho trẻ ở lau chùi bàn ghế, chỉ cho học trò nhổ cỏ tưới bông. Hễ có buồn thì thầy đọc truyện cho cô nghe chơi, hoặc cô khảy đờn và ca nhỏ nhỏ cho thầy giải muộn. Cái cảnh an nhàn đầm ấm nầy làm cho vợ chồng say sưa mà quên hết những mùi gió bụi, quên hết những thói lợi danh của đời.

Một buổi chiều chúa nhật, vợ chồng ăn cơm sớm rồi nằm với nhau trên một bộ ván nhỏ nằm tựa cữa sổ mà hứng mát mà luận việc đời. Thầy cảm hứng mà nói với cô rằng : “Em nghĩ đó mà coi, ở đời nào nghĩ phải làm giàu cho to, làm quan lớn, mới được hưởng hạnh phước. Cái hạnh phước ở trước mặt mỗi người, tại mình nịch chữ lợi danh, nên nó mới xa mình, rồi mình tìm không được chớ. Qua lấy làm tiếc quá. Tại em bỏ lên SaiGon mà mình mất hạnh phước hết 19 năm, chớ chi em ở nhà thì mình hưởng hạnh phước trọn đời, không mất năm nào hết “.

Cô Hai lắc đầu đáp rằng : “Em tưởng không phải vậy đâu. Nhờ em lưu lạc 19 năm đó nên bây giờ em mới được hưởng hạnh phước thảnh thơi đây a anh. Em mắc “nợ đời” em phải trả cho xong. Rồi em mới rảnh rang được chớ. Anh chẳng nên tiếc, mà anh cần phải cầu nguyện cho nợ đời của em dứt thì mình hưởng hạnh phước mới lâu dài.”

Cô nói tới đây rồi cô ngồi dậy; cô ngó ra cửa mà ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi cô day vô ngó thầy mà nói giọng buồn :

- Em coi nợ đời của em chưa dứt.

- Em còn nhớ chuyện cũ người xưa nữa làm chi, mà em nói như vậy.

- Xin anh đừng nghi bụng em chớ. Nếu anh nghi thì nhục cho em quá. Vợ chồng ở với nhau hơn 3 năm rồi anh chưa tin lòng dạ em hay sao ? Em thường nói với anh, em coi sự phú quí như đôi giày rách không có giá trị gì, bởi vì em có nếm thử rồi. Còn về cái tình, thì trong đời nầy chỉ có một mình anh đối với em, anh có cái tình thiệt mà thôi. Em sợ em chưa trả dứt nợ đời, là vì em có một đứa con, mà thuở nay mẹ con lìa nhau, em đẻ con mà em không nuôi dưỡng nó nên em sợ tội lỗi chỗ đó chớ.

- Việc đó em sợ cũng phải. Mà em nói hồi em sanh nó ra rồi, em đổi nó cho một cô nhà giàu. Nó được về tay kẻ giàu có thì tự nhiên nó no ấm, chớ có thất dưỡng đâu mà em sợ.

- Cuộc đời dời đổi, mình biết đâu được mà dám chắc.

Hai vợ chồng đàm luận tới đó thì có một người thình-lình bước vô cửa mà hỏi lớn rằng : “Xin lỗi, không biết nhà nầy phải là nhà của thầy giáo Hiền hay không vậy ông ?”

Trời đã chạng vạng tối. Hai vợ chồng thầy giáo ngó ra, không biết ai, chỉ thấy một người đờn bà tuổi trên 50, mình mặc y phục nhuộm màu dà theo mấy bà vãi, chân không có giầy guốc, đầu choàng hầu khăn đen, tay xách một cái giỏ nhỏ.

Thầy giáo vừa leo xuống đất vừa đáp rằng : “ Thưa, phải. Bà ở đâu mà hỏi thăm thầy giáo Hiền ? “

Bà ấy chỉ cô Hai và cười và nói : “Có con Hai kia ! Hai, em quên chị hay sao?”

Cô Hai lại gần dòm bà ấy, rồi ôm ngang mình Bà mà nói lớn rằng : “Ủa chị Ba ! Chị đi đâu mà mấy năm nay em hỏi thăm cùng hết không ai biết chị ở đâu mà chỉ ? sao chị biết em ở đây mà chị tìm ? “

Người đờn bà nầy là Ba Có.

- Chị ta để cái giỏ lên trên bàn, lột cái khăn đen thì lòi đầu trọc lóc. Chị ta nói rằng: “Qua đi tu từ đó cho đến bây giờ, em kiếm sao ra”.

Cô Hai day lại nói với thầy giáo rằng : “Chị Ba đây là người nuôi dưỡng dạy dỗ em hồi trước, em thường có nói với anh đó”

Thầy giáo bước lại chào Bà Có và nói rằng : “Cô Hai thường nhắc nhở chị hoài. Nay tình cờ mà chị tới đây cho em biết, thiệt em mừng lắm. Mời chị ngồi”.

Cô Hai hỏi Ba Có nữa rằng :

- Sao chị biết em ở đây ?

- Qua về SaiGon kiếm em không có. Qua chắc em về Cai-Lậy nên qua xuống đây. Qua hỏi thăm bên chợ, biết em, họ nói em bây giờ làm bạn với thầy giáo, rồi họ chỉ nhà cho qua lại đây.

- Em gặp chị em mừng quá. Thôi, chị ở đây với em. Chị muốn tu ở nhà tu cũng được, cần gì phải đi đâu. Thầy giáo đây cũng tu vậy. Mà nếu chị chịu ở đây chị tu, thì có lẽ em cũng tu với chị.

- Không được. Chị có am riêng. Chị ở đây rồi bỏ am cho ai.

- Am của chị ở đâu?

- Ở trên núi ông Tô.

- Núi ông Tô ở đâu lận?

- Thuộc về núi thất sơn, ở gần chợ Xà-Tón.

- Thuở nay em không biết. Ủa! mà quên nữa chớ. Để nấu cơm cho chị ăn, gặp nhau mừng quá, cứ nói chuyện hoài.

- Không. Qua ăn cơm bên chợ hồi nãy rồi.

- Bất nhơn dữ hôn! Sao không qua đây, lại ăn ngoài chợ nữa vậy?

- Qua ăn chay, mua cơm với ít trái chuối mà ăn thì đủ rồi. Qua sợ kiếm em không được, nên xe xuống tới là qua lo cơm nước cho xong rồi qua mới đi hỏi thăm.

Thầy giáo kêu thằng phu, biểu đốt đèn nấu nước, chế trà mới mà đãi khách. Còn Cô Hai thì múc nước cho Ba Có rửa mặt, rồi trải chiếu đem gối mời chị ta nằm nghỉ.

Ba Có hỏi Cô Hai Phục tại làm sao đã đùa Quan Đốc Phủ Thần mà theo ông cử Hùng, rồi lại trở về Cai Lậy mà lập gia thất với thầy giáo. Cô Hai ngồi khỉ khâm thuật hết công chuyện lại cho Ba Có nghe, cô nói ở với ông Cử 12 năm, lần hồi tiêu hết xe hơi, hột xoàn cùng là tiền bạc, rồi ông Cử ham giàu bội nghĩa, nghe lời Bà Phủ Tăng đi cưới vợ, cô hờn nên trở về Cai lậy mà lánh thói đời; chẳng dè về đến đây hay thầy giáo nặng tình với cô, nên cô phải lấy nghĩa mà báo đáp. Cô kể đủ mọi đều, không dấu-diếm chỗ nào hết, rồi cô lại nói rằng: “Em đụng thầy giáo ba năm nay, trí em rất nhàn lạc, thân em rất an ổn, bây giờ em đã biết hạnh phước là cái gì rồi, không phải lúc em có tiền bạc nhiều, hay là lúc em dựa người cao sang mà em có cái hạnh phước như vầy đâu. Bởi vậy em không tiếc cái chức bà “Đốc Phủ” sang trọng, mà em cũng không phiền cái thói ông Cử Nhơn bạc bẽo, sợ e làm bà Đốc hay bà Cử cũng không được hưởng cái hạnh phước nầy.”

Ba Có chau mày nói chậm rãi rằng:

- Từ ngày chị phiền em, chị bỏ em mà đi tu, chị lo có một đều, là lo em máng tay ông cử Hùng mà em phải bị khổ não...........

- Chị đoán thiệt là đúng lắm. Chánh thằng điếm, chớ không có tình nghĩa chi hết.

- Tại em bị tình nặng ám mắt em nên em không thấy, chị là người đứng ngoài vòng, chị sáng suốt hơn em, nên nghe tiếng thấy bộ, thì đã biết tâm ông cử rồi, có lạ gì đâu.

- Hồi trước em cãi lời chị, vậy mà chị còn hờn em hay không?

- Hồi đó chị giận em thiệt, song giận là vì sợ em bị hại, chớ không phải là sợ cái ý gì khác đâu. Thôi, bây giờ chị thấy em hưởng hạnh phúc thì chị vui lắm, còn hờn nỗi gì nữa.

- Tại sao chị cạo đầu đi tu? Chị nói cho em nghe thử coi. Đi tu chi vậy? Mười mấy năm nay chị tu, mà trí chị có được an tịnh hay không?

Ba Có ngồi lặng thinh, coi ý không muốn tỏ việc của mình. Thầy giáo thấy vậy bèn bước tránh ra ngoài sân, ý muốn cho chị em thông thả mà nói chuyện. Ba Có bèn kêu mà nói rằng: “Thầy giáo ngồi đây chớ. Chị em tôi có chuyện gì giấu thầy đâu mà thầy phải ái ngại”.

Thầy giáo trở vô.
Ba Có nói rằng: “Con Hai, em không biết tại sao mà chị đi tu? Em không biết cũng phải, bởi vì thuở nay chị có nói tâm sự của chị cho em hiểu đâu. Chị vốn là con nhà giàu có sang trọng. Ông thân của chị hồi đó là một viên quan, quyền thế ít ai bì kịp. Khi chị được 18 tuổi, thì cha mẹ chị định gả chị cho con một viên quan khác. Đám hõi rồi, kế ông thân của chị bị dân thưa kiện lum tùm, quan trên mở cuộc tra vấn rất gắt. Ông thân của chị sợ tội, nên tuôn hết của tiền ra mà lo, chạy sấp chạy ngửa mà lo không khỏi tội, nên bị cách chức. Bên chồng của chị thấy nhà chị suy sụp, thì lật đật hồi hôn. Cha mẹ của chị bị thất thời nhục nhã, bị dân tình khinh dễ, bị hết của hết tiền, rồi lại thấy sui gia phụ bạc nữa, thì buồn rầu chịu không nổi, dắt chị về Saigon ở được ít tháng kế lần lượt khuất lần. Lúc đó thân chị bơ vơ, không có bạc tiền, mà cũng không nơi nương dựa. Chi có quen với một người đờn bà hồi trước là vợ của một thầy đội, chồng chết rồi về Sài gon ở buôn bán. Chị xin ở đậu với thím đội đó, chớ có tiền đâu mà mướn phố ở cho nổi. Tuy chị là con quan, nhưng mà bậy giờ đã thất thời, nếu không làm thì lấy chi mà ăn. Chị nghĩ ở đất Saigon ai cũng như nấy, có ai biết ai đâu mà sợ xấu hổ, chị mới nấu chè thưng, bánh canh mà bán đặng kiếm lời độ nhựt. Nhờ chị buôn bán năm sáu năm, tuy không dư giả lắm, song thân chị cũng được no ấm lành lẽ, tuy không vui vẻ thong thả, song chị giữ lòng trong sạch, không nhục tổ tông, không hổ phận gái. Một bữa nọ chị đi bán gặp một ông Huyện, ổng nhìn rồi ổng biết chị, bởi vì hồi trước ổng còn làm thông ngôn thì ổng có làm việc với ông thân của chị. Ổng tỏ ý thương xót thân chị, khi trước ở lầu hồng gác tía, mà bây giờ đi mua gánh bán bưng. Ổng nói tiếng nào cũng trung hậu nhơn nghĩa, ổng hỏi thăm chỗ chị ở, ổng mua áo quần mà đem lại cho chị, ổng còn đưa cho chị mượn 20 đồng bạc để làm vốn buôn bán nữa. Ổng tới lui thăm chị ít lần rồi tỏ thiệt rằng ổng goá vợ nên muốn kết nghĩa trăm năm với chị. Thân chị cũng như người đương chới với giữa dòng sông, có vật gì níu mà sống thì chị níu liền, lại thấy ý ổng tử tế quá, chị còn dục dặc gì nữa. Chị ưng ổng, song tới lui mà thôi, chớ không chịu làm hôn thú và cũng không rước về nhà ở chung. Hễ chị nói tới việc đó, thì ổng nói rằng ổng có con, để thủng thẳng ổng tính việc nhà yên rồi vợ chồng ở chung mới được. Ổng không cho chị đi bán nữa, mỗi tháng ổng đưa cho chị 20$ mà trả tiền cơm tiền nhà. Ông Huyện làm bạn với chị được sáu tháng rồi ổng bặt tin không tới lui nữa. Chị đi hỏi thăm thì hay ông đã cưới vợ rồi, cưới một người gái lỡ thời trong Cholon giàu có lắm. Thầy giáo với con Hai nghĩ coi nhơn tình như vậy có oán hận hay không?
Cô Hai Phục nói rằng:
- Việc của chị mới nói đó giống như việc của em vậy chớ gì?
- Phải. Mà chị bị gạt có một lần chị biết khôn. Còn em lôi thôi để cho chúng gạt được một lần thứ nhì nữa.
- Mà bây giờ sao em không biết giận. Mình cứ giữ thói cho chắc, ai giả dối thì để cho trời phật phạt họ. Bây giờ chị cũng vậy, chị không biết giận nữa. Mà hồi trước có phải vậy đâu. Hồi trước chị hung hăng lắm, nhứt mà gạt mà cho ô danh xủ tiết chị thì chị thù oán vô cùng. Chị không biết làm sao mà nhục người gạt chị đó được, chị cuồng trí rồi chị oán hêt thảy thiên hạ không chừa một người nào.
- Tại như vậy đó chị cậy tay em trả thù cho chị đó phải hôn?
- Phải. Phận chị đã trọng tuổi, mà lại không có sắc, khó cho chị hại cái giống đờn ông, nhứt là cái giống đờn ông cao sang được. Chị thấy em có sắc, trẻ tuổi, chị mới nuôi dạy em đặng giết thiên hạ mà trả thù cho chị.
- Bây giờ em nói thiệt với chị, hồi trước em vưng lời chị, em làm nhiều việc nghĩ lại tội nghiệp người ta quá, như chuyện thầy Cao đó, hễ em nhớ tới là em không vui.
- Bây giờ chị còn ăn năn nhiều hơn em nữa. Chị là cái óc, em là cái tay, tại óc khiến tay mới làm, nên chị có tội nên em vô tội. Chẳng phải việc thầy Cao mà thôi, việc nào chị cũng ăn năn hết thảy. Vay có một người, mà chị bắt nhiều người phải trả, tội là tại chỗ đó, mà hồi đó chị cứ hăng hái làm cho tới hoài, chị không kể tội phước chi hết. Chừng em chống cự, em không nghe lời chị nữa, chừng đó chị mới mở mắt mà thấy đường tội phước, chị mới biết mà lo sợ cho cái kiếp sau. Tại như vậy đó mà chị đi tu đó em à.
- Mấy năm nay chị đi tu, mà chị có bớt ăn-năn không?
- Bớt làm sao được. Tu đặng-ăn năn xám hối hàng ngày chớ. Mình phải nhớ tội lỗi của mình làm, rồi cầu nguyện mà chừa cải, thì tội lỗi mình mới tiêu được. Tại chị ăn năn sám hối nhiều quá, nên chị lo sợ, chị phải bỏ am mà kiếm em đây.
- Chị bắt em phải đi tu với chị hay sao?
- Không phải vậy. Chị đã nói cái tội lỗi về phần chị, em có tội gì mà phải đi tu. Ví dầu em có tội đi nữa, những việc người ta làm với em đó đã đủ mà chuộc tội em rồi. Theo chị tưởng thì số em vay thì em đã trả được, bởi vì em nếu chưa trả dứt thì có đâu em được hưởng cái hạnh phúc nhàn lạc yên ổn em nói với chị hồi nãy đó. Chị tìm em là vì hôm trước chị có hay một việc quan hệ lắm. Việc ấy không phải là việc của chị em mình làm, mà cũng tại mình bày việc khác nên mới sang việc đó.
- Việc gì đâu chị nói rõ cho em hay thử coi.
- Em nhớ lại mà coi, cách 20 năm trước em có sanh một thằng con trai tại nhà bảo sanh Cholon.
- Việc đó em quên sao được. Em sanh rồi chị đổi cho một bà nhà giàu nào đó mà bắt một đứa con gái.
- Em biết người đờn bà đổi con với em đó là ai hay không? Đó là vợ nhỏ của Cai tổng Lung, tức là thím dâu của ông cử Hùng đó.
- Úy! Sao từ hồi đó cho đến bây giờ chị không nói co em biết?
- Nói cho em biết càng rộn trí em, chớ có ích gì. Trời Phật công bình lắm. Thằng nhỏ gốc của kiếng họ Võ, tuy không ai thèm nhìn, song tự nhiên trời khiến nó cũng nhập về kiếng họ đó.
- Té ra thằng con của em bây giờ nó là em chú bác với ông cử Hùng.
- Phải rồi.
Cô Hai Phục chưng hửng, cô ngó Ba Có và ngó thầy giáo mà nói rằng: “Trời sắp đặt kỳ cục quá! Ôi mà con tôi nó được giàu có như vậy thì tôi mới an lòng”.
Ba Có lắc đầu mà nói rằng:
- Chưa an đâu em. Để chị nói có đầu có đuôi cho em hiểu. Hôm trước vợ nhỏ của thầy Cai Tổng Lung đi cúng chùa trên núi ông Tô. Tình cờ cô ghé am của chị ma cúng, cô gặp chị thì cô chưng-hửng. Cô có nghỉ tại am một đêm, cô thuật hết công chuyện nhà cho chị nghe, cô kể gia tài, cô nói chuyện thủ hộ, cô thuật việc cử Hùng cưới vợ không dấu chuyện nào hết. Cô lại nói cô mang ơn chị lắm, nhờ có chị nên hồi đem con về cô mới được yêu vì sang trọng, rồi bây giờ cô mới được giàu có vững vàng. Song thuở nay nằm đêm cô thường nhớ đến con gái của cô. Từ khi Thầy Cai Tổng chết rồi cô muốn kiếm con của cô đặng đem về mà nuôi, song không biết chị ở đâu mà hỏi thăm đặng cô xin con nhỏ lại. Cô gặp chị cô mừng lắm, cô cậy chị đi kiếm dùm con nhỏ cho cô, dầu tốn hao bao nhiêu cô cũng không nệ.
- Hồi đó chị đem con nhỏ mà cho nhà mồ côi Tân Định bây giờ chị lên đó mà xin lại, có khó gì. Chị đem con nhỏ mà trả lại cho bà Tổng thì bả sẽ thưởng chị.
- Bây giờ chị tu, chị có màng bạc tiền nữa chi em. Chị bày mưu đặng đoạt của người ta, cái tội ấy lớn quá. Mà cái mưu ấy còn chia lìa mẹ con người ta nữa. Chị muốn kiếm con nhỏ đặng trả lại cho cô tổng đặng chuộc bớt cái tội, ngặt kiếm không được chị mới buồn chớ.
- Không có trong nhà mồ côi hay sao?
- Hồi đó chị nói vói với em, chớ chị không có cho nhà mô côi. Chi đi dọc đường chị gặp cô năm Kiêu, cô thấy con nhỏ ngộ cô xin cô nuôi. Chị cho cô, mà mấy ngày rày chị ở trên Sàigon chị tìm kiếm hết sức, không ai biết cô năm Kiêu xiêu lạc xứ nào. Vợ chồng cô là bợm bài bạc, nay ở chỗ nầy, nay ở chỗ khác, biết đâu mà kiếm.
- Báo hại quá! Bây giờ làm sao?
- Chị có biết làm sao bây giờ. Tưởng kiếm được thì chị trả lại cho cô Cai Tổng Lung, đặng mẹ con tương hiệp cho chị hết ăn năn về khoản ấy. Bây giờ kiếm không ra thì thôi. Mà chị tìm em không phải nói chuyện ấy. Chi còn một việc khác rắc rối hơn nữa. Chuyện ấy can hệ em. Em phải ra tay gỡ rối, gieo một chút âm đức mà cứu người ta, đặng nó nhẹ bớt cái tội lỗi cho chị em mình.
- Việc gì vậy?
- Em rõ biết Cai Tổng Lung chết rồi thì bổn tộc cử ông Cử Hùng thủ hộ gia tài, coi thâu góp huê lợi, mỗi năm phát một mớ tiền mà cấp dưỡng cho vợ nhỏ và các con của Cai Tổng Lung, thủ hộ đến chừng nào các con thành đinh rồi thì sẽ lậpờ tương phân.
- Em có nghe việc đó.
- Bây giờ thằng Lăng là con trai của Cai Tổng Lung, tức là con ruột của em đó, nó được 20 tuổi rồi, nó thôi học về nhà cưới vợ.
- Nó có vợ rồi hay sao?
- Cưới vợ rồi. Nhờ cưới vợ đó nên nó thành đinh, nó buộc người thủ hộ, là cử Hùng, Phải tính sổ sách, giao huê lợi thu góp mấy năm nay đó lại cho chị em nó chia nhau, cử Hùng làm tiêu hết 30 ngàn đồng bạc, không có mà giao, nó vào đơn tại quan biện lý mà kiện cử Hùng về tội sang đoạt tài sản của kẻ chưa thành đinh. Toà bắt giam cử Hùng mà tra xét sổ sách....
- Đáng kiếp dữ! Làm việc gì đâu mà tiêu của người ta hết 30 ngàn đồng?
- Theo lời Cô Cai Tổng Lung, thì tại bài bạc. Cử Hùng lên Đà Lạt đánh phê, đánh xe lữa mấy lần đều thua hết, nên mới thiếu tiền thủ hộ đến số đó.
- Trời thiệt là có con mắt. Hễ vay thì ổng bắt trả nhãn tiền. Việc nầy sợ đi đại hình chớ không phải chơi. Để cậu ở tù cho sáng con mắt.
- Hồi nãy em nói em không biết giận ai nữa. Chị tưởng em tu đắc đạo rồi, té ra bây giờ em nói còn hơi oán, còn ghét cử Hùng quá, như vậy thì cái lòng của em chưa được từ bi như Phật. Em phải tu mới được, có tu mới hết cái “tánh thấy người bị hại mà vui cười”.
Nãy giờ thầy giáo Hiền ngồi nghe hai người nói chuyện, thầy không cãi chi hết. Chừng thầy nghe Ba Có nói câu sao đó thì thầy kính phục lòng đạo đức của chị ta quá, nên chen vô nói rằng: “Mấy lời chị Ba nói đúng đắng lắm. Em hai em hãy ghi nhớ lấy mà tu tâm luyện tánh đặng khỏi hờn giận. Ở đời hễ muốn hưởng hạnh phước thì đừng có chấp tính đời mới được.”
- Em xin vưng lời. Còn Chi Ba kiếm em đặng nói chuyện cử Hùng sang đoạt tài sản cho em nghe làm chi?
- Em đành để cho con của em, là con của cử Hùng, nó làm hại cha nó hay sao?
Cô Hai Phục chau mày, ngồi lặng thinh.
Cách một hồi lâu, cô mới nói rằng:
- Bây giờ em biết làm sao đây? Cử Hùng có vợ giàu lớn. Vậy thì vợ ông ra bạc mà thường cho sắp con của Cai Tổng Lung, ổng mới khỏi tội chớ.
- Em đừng có nói tới vợ cử Hùng. Cô Cai Tổng Lung nói con mẹ đó tiền nhiều lắm, song nó rị mọ, mấy năm nay cử Hùng không nhờ được một đồng xu, mà còn bị nó sai khiến dày bừa hèn hạ nữa. Cử Hùng bị giam có cử người nhờ nó xin cứu giùm. Nó nói chồng nó làm việc gì hồi nào đâu nó không biết, nó không có ăn số bạc đó, nên không có tiền đâu mà trả nợ lãng như vậy.
- Nếu nói như vậy thì có tình nghĩa vợ chồng gì đâu.
- Thì nhơn-tình vậy đó a.
- Thôi, ông cử Hùng giựt của người ta, bây giờ không có mà trả, thì ở tù mà trừ, chớ biết làm sao.
- Cử Hùng nó bị đày, hay là nó bị chết chém đi nữa, cũng mặc kệ nó, không can cập đến chị em mình. Ngặt có một đều nầy là con của nó ra làm thiệt hại nó, mà cái cuộc ấy gốc bởi mình tạo ra, nếu mình để như vậy, dầu thế gian không ai biết được, chớ trời phật vẫn thấy rõ, thế thì mình có tội nhiều lắm. Kiếm con của cô Cai Tổng Lung không được mà trao lại cho cô, ấy là một tội. Bây giờ để cho con của cử Hùng giết ổng nữa, thế thì chị tu biết mấy kiếp nữa mới thành chánh quả.
Ba Có nói tới đó rồi ngồi khóc.
Cô Hai Phục thấy chị ta ăn năn như vậy, thì cô động lòng, song không biết làm sao.
Thầy giáo Hiền nói rằng: “Chị Ba lo sợ về hai cái tội ấy thì phải lắm. Tại chị bày mưu đổi con, nên bây giờ mới sinh ra hai cuộc rắc rối là mẹ lìa con, con hại cha. Về cái việc chị kiếm con không được mà trả lại cho cô Cai Tổng Lung, thì vợ chồng em không thể giúp được, bởi vì chúng tôi không biết con nhỏ, mà cũng không biết mặt cô năm Kiêu, thì biết làm sao mà tìm. Mà việc đó không gấp lắm, để thủng-thẳng chị tìm kiếm, chừng nào ra cũng được. Huống chi trong việc ấy người có tội nặng hơn hết là cô Cai Tổng Lung, bởi gì cô tham tiền không kể gì con là máu thịt của cô. Nếu bây giờ kiếm hết sức mà không ra đứa nhỏ, ấy là trời Phật phạt cô Cai Tổng Lung, vì cô gieo cái nhơn ác, là mưu đoạt gia tài của người, thì cô phải trả được cái quả khổ, là buồn rầu về cái nỗi mất con. Còn vì cái việc con của Cử Hùng thì có lẽ vợ chồng em giúp được cho chị mà gỡ rối. Đã biết tại cử Hùng gieo cái nhơn ác, là không kể tới con, nên bây giờ mới được cái quả ác là bị con hại. Nhưng mà chị Ba với cô Hai Phục cũng liên can tới cái tội ấy, vì hai người giúp tay hồi trước, nên ngày nay con mới hại cha. Vậy thì cô Hai phải giúp với chị Ba mà gỡ cái rối ấy, chớ không nên vì giận cử Hùng mà bỏ xuôi, mà để cho con mình phạm tội hại cha”.
Cô Hai Phục ngó chồng mà hỏi rằng:
- Em làm sao mà gỡ rối được? Em có bạc đâu mà thường thế cho cử Hùng?
- Không cần gì mà phải ra tiền bạc. Lấy cái miệng mà gỡ rối cũng được.
- Làm sao?
- Em phải đi với chị Ba qua Cái Vồn. Em đến nhà mà thăm con của em, là con của Thầy Cai Tổng Lung đó. Em thuật rõ đầu đuôi tự sự lại cho cậu nghe, rồi khuyên cậu phải rút đơn, đừng có buộc tội cử Hùng mà phải mang tội bất hiếu bất nghĩa với trời phật.
- Em nói ra thì chắc nó cười, nó nghi Cử Hùng mưu sự mướn em tới nói như vậy, chớ nó tin sao được.?
-Nếu cậu không tin, thì em nài cậu hỏi lại cô Cai Tổng Lung coi có phải như vậy hay không.
- Trời ơi, cô Cai Tổng Lung làm thế nào mà cô chịu. Nếu cô chịu thì cô mất gia tài còn gì?
- Cô chối sao được, có chị Ba làm chứng.
- Chứng như vậy mà ai tin; họ nói chị Ba với em mưu sự mà cứu Cử Hùng chớ.
- Nếu cậu nhỏ đó tin lời em thì tốt. Còn như cậu không tin thì thôi. Mà dầu mình biết trước cậu không tin đi nữa, em cũng phải qua đó nói thiệt cho cậu hiểu. Phải làm như vậy thì lương tâm của em với chị Ba mới bình an.
Cô Hai Phục không còn lời gì mà cãi được nữa.
Ba Có phục ý kiến của thầy giáo, nên chị ta nói rằng: “Lời thầy giáo nói đó đúng đắng lắm. Con Hai, em phải nghe theo, mà đi với chị qua Cái Vồn. Dầu mình can được hay là không được, mình phải qua giáp mặt với cậu Lăng mà nói cội rể của cậu cho cậu biết. Đã biết nếu mình dỡ chuyện cũ ra mà nói thì cô Cai Tổng Lung nguy lắm. Mình không nỡ làm hại cử Hùng, có lẽ nào mình lại hại cô Cai Tổng Lung. Vậy qua đó mình bàn tính với cô trước, rồi sẽ liệu chước mà nói cho cô khỏi bị hại”
Cô Hai Phục chịu đi.
CHƯƠNG 19 - ĂN NĂN TỘI ÁC
D
ựa bên đường Vĩnh long qua Cần thơ, còn chừng ít trăm thước nữa tới cầu Cái vồn, ngó qua tay mặt thấy cuộc nhà kinh-dinh, ngoài có hàng rào sắt, trong có sân rộng lớn, sau cái sân ấy là một cái nhà ngói nền đúc cao, tường sơn trắng, một bên có một lẫm lúa, một bên có nhà xe hơi, còn phía sau có vườn sum sê thạnh hậu.
Cuộc nhà nầy là nhà của Cai Tổng Lung.
Ba Có với cô Hai Phục đi xe đò qua tới đó thì lối 3 giờ chiều.
Cô Cai Tổng Lung đương ngồi tại nhà cầu, cô dòm thấy Ba Có ở ngoài lộ đi vô, thì cô mừng nên cô nói lớn rằng: “Chị Ba xuống kìa kìa! Hôm lên am, chị hẹn 17 xuống, thiệt đúng ngày chị xuống tới”.
Ba Có bước vô cửa, cô Cai Tổng thấy cô Hai Phục đi theo sau, không biết là ai nên hỏi rằng:
- Chào chị Ba, còn cô đây là ai?
- Con Hai đây là em của tôi. Nó là má của con Hai hồi trước đó, cô quên hay sao?
- Cô Cai Tổng hội ý nên gặc đầu. Cô mời khách ngồi, rồi hỏi nhỏ Ba Có rằng: “Con nhỏ đâu? Sao chị không dắt xuống luôn thể đặng tôi coi năm nay nó bao lớn?”
Ba Có ngó quanh ngó quất mà không trả lời.
Cô Cai Tổng biết ý nên nói rằng: “Không có sao đâu mà chị sợ. Vợ chồng thằng nhỏ tôi mới qua Cần Thơ. Sắp nhỏ nó làm ngoài vườn. Trong nhà còn có con nhỏ ở, mà nó là cháu của tôi”.
Ba Có nói nhỏ nhỏ rằng:
- Chị em tôi kiếm chưa được.
- Sao vậy? Nó có chồng rồi vợ chồng nó dắt nhau đi xứ khác làm ăn hay sao?
- Tôi không hiểu. Để tôi nói cho cô nghe. Hồi chị em tôi đem nó về đó, rồi má nó lấy chồng nên đem gởi nó cho một người bà con nuôi dùm. Cách ít năm sau tôi lên núi mà tu, còn má nó mắc lo làm ăn. Người bà con đó đem con nhỏ đi đâu không biết, mà đi biệt tích, tôi tìm hết sức mà tìm không ra. Chị em tôi còn lo kiếm nữa, có lẽ phải kiếm được. Vì sợ quá ngày cô trông, nên tôi phải xuống mà trả lời cho cô hiểu.
Cô Cai Tổng nghe như vậy thì buồn hiu.
Con nhỏ ở xách bình trà lên rót mà đãi khách.
Cô Hai Phục liếc ngó Cô Cai Tổng thì thấy cô, mới 45 tuổi mà da mặt dùn, tóc đã bạc hoa râm, thân thể cô ốm nhách, như người không có thịt.
Cô Cai Tổng mời khách uống nước và hỏi cô Hai Phục rằng:
- Cô Hai bây giờ ở đâu?
- Em ở bên Cai lậy.
- Hồi trong nhà bảo sanh, trước khi về, cô có lại phòng tôi mà hun thằng nhỏ. Chị em gặp nhau có một lần đó, rồi 20 năm nay không gặp nữa, nên tôi thấy cô mà tôi quên chớ.
- Bây giờ coi cô ốm nhiều quá. Cô có bịnh hay sao?
- Mấy năm nay tôi đau rề rề hoài. Không có bịnh gì lắm, có cái ăn không được, ngủ không được, mà tôi ốm như vầy đó. Tôi uống thuốc đủ thầy hết mà bịnh cũng trơ trơ. Họ có tiền họ ăn uống sung sướng. Có một mình tôi có tiền không ích chi hết. Hôm trước tôi nghe lời người ta khuyên, tôi lên Thất Sơn mà cầu trời khấn Phật, tôi mới gặp Cô Ba đó.
Cô ăn chay thử coi.
- Rất đỗi là cá thịt, chả nem, đồ chiên, đồ xào đây mà nuốt còn không vô. Ăn chay phải ăn rau cỏ, ăn sao cho nổi rồi sợ ốm thêm nữa chớ.
Ba Có rước mà cãi rằng:
- Ăn chay sao lại ốm? Tôi ăn trường chay mười mấy năm rồi đây, cô coi tôi có ốm chút nào đâu?
- Thuở nay tôi không có ăn, nên sợ ăn không được chớ.
- Ăn ít ngày tự nhiên quen. Như cô đó, cô cần phải ăn chay niệm phật hơn người ta mới được.
- Tại sao vậy?
- Cô không biết hay sao? Cô xét lại mà coi, cái chuyện cô làm ngày trước đó tội là dường nào. Bây giờ cô giàu có sang trọng, mà cô ăn ngủ không được mà đến nỗi ốm như tàu lá, ấy là trời phật phạt cô đó, nói cho cô biết.
- Tôi có làm việc gì thất đức đâu mà Phật trời phạt tôi?
Cô tráo con đặng làm cho chồng yêu, mà đoạt gia tài của sắp con chồng, làm như vậy mà cô còn khoe rằng cô không có làm việc gì bất nhơn thất đức.
- Chồng tôi không có con trai; tôi muốn chồng tôi có người kế nghiệp, nên tôi làm như vậy, cũng như tôi xin con trai của người ta cho chồng tôi nuôi đặng lập tự. Tôi làm đó là làm ơn cho chồng tôi, có chỗ nào ác đâu.
- Cô lén chồng mà làm, cô không cho chồng hay, tức thị cô làm gian. Con là máu thịt của cô, cô không thương, cô đành đem đổi với người ta, ấy là cô ác. Cô tráo con đặng cho người ta yêu trọng rồi chia gia tài, ấy là cô tham. Cô gồm đủ gian, ác và tham, sao cô còn nói rằng không có tội. Bởi cô có tội nên trời Phật khiến bây giờ cô có tiền nhiều mà cô hưởng không được, bây giờ cô muốn đem con của cô về đặng cô nuôi chung hưởng phú quí với cô, mà con cô đi biệt tích, tìm không ra, để cho cô phải buồn thảm trọn đời mà đền tội gian ác.
Cô Cai Tổng nghe Ba Có cắt nghĩa như vậy thì cô buồn hiu, cô ngồi ngẫm nghĩ lại rất lâu rồi cô nói rằng:
- Sao hồi trước chị không cắc nghĩa cặn kẽ, như vậy cho tôi hiểu, chị lại xúi tôi làm rối bây giờ chị nói làm ác ?
- Tại hồi đó tôi còn mê muội quá, tội không thấy tội phước, nên tôi mới dám xúi cô làm. Sau tôi hiểu thì tôi giựt mình, bởi vì tội ác của cô làm đó, tôi cũng có một phần, nếu cô bị trời Phật phạt, thì tôi chạy cũng không khỏi. Bởi tôi biết ăn năn, tôi biết sợ tội, nên tôi biết cạo đầu đi tu đặng cầu trời khấn phật mà đền cái tội ác tôi xúi cô làm đó. Nếu cô không chịu ăn năn nhận tội, thì tôi sợ e trời phật còn phạt cô nặng nề hơn nữa, chớ không phải hưởng gia tài không được, tìm kiếm con không ra đó là đủ đâu.
- Bây giờ ăn năn, tôi biết làm sao? Gia tài của thầy đó để lại quá lớn, tôi bỏ hết mà đi tu như cô sao được.
- Theo đạo phật thì sắc tức là không, không tức thị sắc. Phú quí ở thế gian là giả cuộc nên không có nghĩa gì. Cô không nên ham, không nên tiếc làm chi. Nhưng mà tu cũng có nhiều cách, người tu ở nhà, kẻ tu tại chùa; đều cần hơn hết là tu thì phải thành tâm. Nhiều người quyết tu rồi cũng cạo đầu vô chùa ở làm công quả mà nghe kinh lạy phật, song nếu lòng họ không thành, dầu họ ở chùa bao năm đi nữa thì bất quá họ dối thế, chớ không bổ ích chi cho cái kiếp của họ được. Cô muốn tu thì ở nhà mà tu cũng được, song cô phải thành tâm, đừng kể bạc tiền vườn rộng, đừng màng phú quí công danh, phải lo đường nghĩa nhơn đạo đức mà đi, nhứt là phải nhớ tội ác của mình làm ra đó, thì nên tận âm lo sửa lại đặng chuộc bớt tội của mình. Cô làm như vậy thì đủ rồi chẳng cần phải vô chùa, hay là phải lập bàn thờ phật rồi đốt nhang vái, đánh chuông gõ mỏ tối ngày.
Cô Cai Tổng ngồi nín khe, mà coi sắc mặt cô lo lắng lắm.
Ba Có thấy bộ cô đã nhận tội, thì nói tiếp rằng: “Tại tôi muốn giúp cho cô, mà ngày nay tôi phải mang hai tội ác lớn lắm, một là tôi chia lìa mẫu tử, làm cho cô phải biệt ly con của cô, hai là tôi làm cho phụ tử tương tàn, mới có việc cử Hùng sang đoạt tài sản của con, rồi con kiện thưa mới ở tù như vậy”.
Cô Cai Tổng nghe mấy lời như vậy thì cô chưng hửng nên ngó Ba Có mà hỏi rằng:
- Chị nói cái gì vậy? Cử Hùng sang đoạt của con là ai?
- Cậu Lăng đó là con của cậu Hùng chớ ai.
- Sao vậy?
- Thì Cử Hùng lấy con Hai đây có nghén rồi bỏ trốn đi Tây. Sau con Hai đẻ cậu Lăng mới đổi với con của cô đó.
- Trời đất ơi! Thiệt như vậy hay sao?
- Thiệt như vậy.
- Sao hồi đó cô không nói cho tôi biết?
- Hồi đó tôi không dè, sau tôi mới hay cô là thím dâu của cử Hùng.
Cô Cai Tổng ngồi suy nghĩ một hồi nữa, rồi cô thở dài mà nói rằng:
- Hèn chi thằng nhỏ tôi bây giờ nó giống cử Hùng quá. Thuở nay bà con ai cũng nói như vậy, mà họ tưởng anh em chú bác giống nhau, nên họ không nghi.
- Tôi nói thiệt, chị em tôi qua đây, là trước cho cô hay là kiếm con nhỏ không được, sau xin cô hãy lập thế nói với cậu Lăng rút đơn bãi việc kiện đó đi, chớ nếu để cho cậu Lăng làm cho cử Hùng ở tù, té ra con hại cha, sái nhơn luân, rồi chị em mình bị tội với trời phật nhiều lắm.
- Biết làm sao mà nói bây giờ?
Cô Hai Phục nói rằng: “Cử Hùng ở với tôi nhiều chỗ quấy lắm. Xin cô biết cho rằng chẳng phải tôi muốn cứu Cử Hùng nên tôi đến đây. Hôm qua tôi nghe chị Ba tôi cắt nghĩa, tôi mới nghĩ lại nếu để cho con tôi nó giết cha nó thì nó mất đức hết. Ấy vậy mà tôi mới qua đây là can việc đó, tuy bề ngoài như cứu Cử Hùng, song bề trong là cứu tâm đức của con. Nếu cô không chịu can gián mà dẹp việc kiện thưa, thì tôi phải nói thiệt công chuyện cho con tôi hiểu rồi tôi năn nỉ với nó mà xin rút đơn đặng chị em tôi khỏi mang tội với phật trời”
Cô Cai Tổng biến sắc mà nói rằng:
- Ý! Cô nói thiệt với nó sao được! Cô nói ra thì chết tôi còn gì!
- Thầy Cai Tổng khuất rồi. Tôi nói riêng cho một mình con tôi biết, thì bà con trong tộc có hay đâu mà sợ.
- Dầu thiên hạ không hay đi nữa, mà con tôi nó biết tôi không phải là mẹ nó, thì cũng đủ hại tôi rồi.
- Hại cho cô là sao?
- Nó hết kính phục tôi là đủ rồi.
Đương nói chuyện tới đó thì nghe tiếng xe hơi chạy vô sân. Cô Cai Tổng Lung lật đật nói nhỏ rằng: “Hai vợ chồng nó đi Cần Thơ về kìa. Hai cô đừng nói việc ấy cho nó biết, nói ở Cai Lậy qua thăm tôi mà thôi, để nó tôi can gián nó”.
Cậu Lăng mặc đồ âu phục, còn vợ cậu ăn mặc rất kim thời, vợ chồng xuống xe rồi dắt nhau bước vô. Cô Cai Tổng nói rằng: “Hai cô đây, là chị em với má, ở bên Cai lậy qua thăm má đây con”.
Vợ chồng cậu Lăng chào hai cô. Cô Hai Phục ngó cậu sửng sốt, trong lòng cảm xúc hết sức, muốn mừng con mà mừng không được.
Cậu Lăng đứng ngay Cô Cai Tổng mà nói rằng: “Con đi chợ, con có ghé ông trạng sư nữa, má à. Ổng nói vụ của mình đó Toà đòi rồi, thứ ba tuần tới sẽ xử.”
Ba Có với cô Hai Phục thấy mặt cậu Lăng hớn hở, thì hai người biến sắc.
Cô Cai Tổng Lung lắc đầu nói với con rằng:
- Việc đó hổm nay má tính nói với con mà má chưa kịp nói!.......
- Má muốn nói giống gì?
- Má muốn khuyên con thôi, làm hại người ta mình lấy tiền lại cũng không được.
- Thôi làm sao được má. Đồ ăn cướp mà còn thương nỗi gì. Phải trừng trị cho nó tởn, chớ nếu mình dung nó, rồi sau nó ăn cướp người khác nữa.
- Nó là anh của con, chú bác cũng như ruột thịt, con làm cho nó ở tù, con tốt gì.
- Xấu tốt cũng vậy, con không cần. Ảnh ăn cướp mà ảnh còn nói phách lắm, lại cô Phủ của con cổ lại thách đố con nữa. Để con làm cho ảnh sáng con mắt, và cho cô Phủ biết mặt con mà.
- Thôi, bà con mà ăn thua với nhau làm chi. Má xin can con; con hãy nghe lời má mà xin đơn bãi nại đi.
- Anh cử đem chồng đủ 30 ngàn rồi con sẽ bãi nại.
- Nó không có tiền, làm sao mà chồng đủ 30 ngàn cho con được.
- Ảnh hay khoe vợ ảnh giàu lắm. Vợ ảnh ra tiền được chớ. Hay là cô Phủ ra tiền trả thế cho ảnh, cổ binh ảnh dữ lắm kia mà.
- Số bạc ấy là của chung của mấy chị em con, chớ có phải là của riêng mình con hay sao mà con gắt gao lắm vậy.
- Thưa phải, của ấy là của chung của mấy chị em con, song mấy chị của con đã làm giấy giao quyền cho con thay mặt, thì con phải làm tròn phận sự, dẫu cha ruột con đi nữa, con cũng không dung cho được.
Cậu nói bao nhiêu đó rồi bỏ đi lên nhà trên mà thay áo quần.
Cô Cai Tổng, Ba Có, Cô Hai Phục nhìn nhau, lắc đầu, không biết nói sao được.
Cô Cai Tổng dòm quanh-quất không thấy ai, cô bèn nói nhỏ với cô Hai rằng: “Hai cô sợ tội, mà tôi xét lại, tội của hai cô có một, tội của tôi bằng mười. Tôi đã can gián hết lời, mà không được, bây giờ biết làm sao. Thôi, tại mình làm mình phải chịu, xin hai cô đừng buồn. Hồi nãy chị Ba nói phải lắm; phận tôi trời phật bắt đầu phạt tôi rồi, phạt tôi không được thấy mặt con, mà lại phạt tôi giàu có song không được hưởng. Vậy thì tôi nghe lời chị ba, rồi đây tôi sẽ tu niệm mà gỡ bớt cái tội gian tham xảo trá của tôi làm dó. Còn con tôi nó sòng-sòng quyết một không chịu tha cho Cử Hùng, ấy là tại trời khiến như vậy đó a hai cô. Trước kia cha không có tình với con thì làm sao sau nầy con nó có tình với cha được. Ác hữu ác báo, máy trời như vậy, mình làm sao mà sửa cho được.”
Cô Hai Phục ngó Ba Có, muốn biết coi ý cô thế nào. Ba Có chau mày suy nghĩ mà gặc đầu nói rằng: “Cô Tổng nói phải lắm. Ác hữu ác báo. Hễ làm thì phải chịu, không phép cưỡng cầu trốn tránh. Bây giờ chị em ta phải ăn năn chừa cải mà nhờ cái kiếp sau”.
Vợ Chồng cậu Lăng thay đồ rồi trở xuống nhà coi dọn cơm tối.
Cô Hai Phục với Ba Có ăn cơm rồi ở đó nghỉ một đêm.
Cô Hai Phục thấy ý cậu Lăng kính mẹ, thương vợ, một nhà thảo thuận, nếu cô nhắc chuyện xưa, thì tự nhiên sự thảo thuận ấy phải vỡ tan, rồi sự của cô tưởng là phải nó trở nên một sự quấy nữa, vì vậy mà cô không hở môi, ở chơi tới sáng xe đò qua tới rồi đi về với Ba Có.
CHƯƠNG 20 (CHƯƠNG KẾT) -
B
a Có trở về am, trên núi Ông Tô, từ ấy đến nay không ai gặp mặt nhau.
Cô Hai Phục sánh duyên cùng thầy giáo Hiền, tuy không giàu, không sang, song chồng lo dạy học, vợ lo việc nhà, vợ chồng đồng tâm hiệp ý hưởng phú phong lưu, khi chồng đọc truyện cho vợ xem chơi, khi vợ đờn ca cho chồng khiển hứng, chẳng còn ao ước việc chi nữa.
Ông Cử Hùng bị toà kêu án 2 năm tù, mất hết danh dự mà lại mất luôn vợ nữa.
Cô Cai Tổng Lung đến bây giờ mà cô cũng chưa gặp con, cô buồn rầu ăn năn, ngày đêm ăn chay niệm phật, thân thể ốm teo, không hưởng được thú giàu sang chút nào hết.
Cậu Lăng gắt gao tiện-tặn, gia tài chia cho mấy chị rồi mà cậu cũng còn giàu, song cậu giàu rồi mà trong thân không ai nhờ được.
Ông Phủ Tăng mới chết, thằng rể lớn với thằng con trai út sanh tâm ham mộ ngựa đua, chúng nó quyến dụ bà Phủ, tuần nào cũng đi với chúng nó lên Trường đua, chẳng biết cá ngựa ăn hay là thua, mà bây giờ trong nhà ăn xài coi mòi bẩn chật hơn hồi trước.
Còn Quan Đốc Phủ Thần từ ngày không hiệp được với cô Hai Phục mà tạo cảnh bồng lai ở thế gian, thì ngài thất vọng nên không tính chấp nối tóc tơ nữa, cứ ở nhà trồng bông sửa kiểng vui thú với con cháu mà thôi.
Trời thưởng phạt rất công bình, mà con người ai cũng có mạng số nấy, hễ làm lành thì gặp lành, tính dữ thì gặp dữ, không tránh đâu cho khỏi.
SAIGON, Avril 1936
(Theo bản in NXB Duc-Luu-Phuong, Saigon, 193?)

19/5/2015
Hồ Biểu Chánh
Theo https://isach.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hắn 0000

Hắn 1. Hắn Hắn còn nhớ rõ cái ngày cha hắn bán bộ sách quý với giá ba chục nghìn bạc để lấy tiền cho hắn đi Pháp. Ngày ấy lòng hắn như nở ...