Thứ Hai, 4 tháng 12, 2023

Nợ đời 1

Nợ đời 1

CHƯƠNG 1 - PHÚ QUÝ MÊ NGƯỜI
Nhà nước mới mở cái lộ quản-hạt cho xe-hơi chạy từ Sài Gòn xuống Cần Thơ. Nhơn-dân ở dọc theo lộ nầy, thuở nay cứ xẩn bẩn trong chốn thôn quê lo lập vườn làm ruộng, phần nhiều chưa thấy những cơ xảo(#1) văn-minh phát hiện nơi thị-thành, bởi vậy hễ nghe tiếng xe-hơi chạy ồ-ồ trên lộ, thì công cấy công mạ đương loi-nhoi dưới ruộng đều xóng lưng xây mặt mà ngó, còn trong xóm trong làng thì con nít người lớn đều bỏ nhà chạy ra sân đứng mà coi.
Một buổi trưa, trời ui-ui, gió mát-mẻ, có một cái xe-hơi ở phía dưới Mỹ Thuận chạy lên, qua khỏi chợ Cai-Lậy một đổi rồi rề-rề ngừng ngay cái xóm nhà dựa lộ, bên mé tay trái.
Nhơn-dân trong xóm chạy túa ra đứng dài theo lề đường mà coi, đờn-ông có, đờn-bà có, bà-già có, con-nít có, song ai nấy đều đứng xa xa mà ngó chớ không dám lại gần, không hiểu tại họ sợ cái mầu-nhiệm của món cơ-xảo lạ lùng, hay là tại họ kiêng hơi oai nghiêm của người chủ xe sang trọng.
Cái xe còn mới tinh nên kèn cản chói sang lòa, lại sơn màu lá cây sậm nên coi mặn-mòi đẹp-đẽ.
Người sớp -phơ mở cửa xe leo xuống, mặc đồ tây trắng, mang giày tây trắng, đội kết cũng màu trắng, giơ tay ngoắt đám dân làng và kêu mà nói rằng: “Ê! mấy người lại đây đặng hỏi thăm một chút coi nào”.
Bộ oai nghiêm, giọng cứng-cỏi, ai nấy tưởng hoặc quan lớn đi vãng dân vãng làng, hoặc đội quản đi kiếm bắt đạo-tặc, nên trơ mắt nhìn nhau, không dám bước lại. Người sớp-phơ kêu nữa rằng: “Ai đó, đi lại đây một người cho bà lớn hỏi thăm một chút; kêu sao đứng trơ trơ đó”.
Ông cai-lân Cư, tuổi đã 64, mà sức còn mạnh-mẽ, tóc xợp-xạp, râu le-the, nhìn mặc một cái quần vải trắng cũ trổ màu luốc-luốc với một cái áo quảng-đông vải xiêm tay rộng, vai có vắt một cái khăn vằn sọc xanh sọc trắng, ông nghĩ mình có chức sắc lớn nhỏ chút đỉnh trong ấp, không lẽ không đởm-đương trong cơ hội nầy mà tỏ dấu trên trước trong xóm, bởi vậy ông nắm cái khăn vằn mà lau miệng, tằng-hắng một tiếng mà làm dạn-dĩ, rồi thủng-thẳng đi lại chỗ xe đậu. Mấy người đứng với ông, ngó thấy ông đi thì đi theo, có lẽ không nỡ để cho ông đi một mình, mà cũng có lẽ muốn coi cái xe hơi cho tường-tận, song kẻ nhát người dạn nên đi rải-rác sau xa.
Ông Cai-lân đi gần tới thì người sớp-phơ nạt rằng: “Dữ hôn! Kêu lại hỏi một chút, mà làm bộ đứng đẳng! Ông ở đây có làm chức gì hay không?”
Ông bị rầy, liền chấp tay khum lưng mà xá và đáp rằng: “Thưa, tôi làm chức Cai-lân”.
Người sớp-phơ thấy ông lóm-khóm sợ-sệt thì tức cười nên đổi giọng nói dịu rằng: “À, ông làm Cai-lân! Ông đi riết lại gần đây cho bà lớn hỏi thăm một chút, ông Cai-lân”.
Ông Cai-lân lại tới, thấy trên xe có ba đứa nhỏ với một bà đầu choàng khăn màu trứng gà, mình mặc áo màu xám tro. Ông nghe nói “bà lớn” thì sợ, nên vừa thấy thì rúc cái khăn vằn vắt vai, vò tròn trong tay mà xá.
Người đờn-bà ngồi trên xe mà sớp-phơ xưng hô “bà lớn” đó, gặc đầu rồi hỏi rằng: “Ông ở xóm nầy, ông biết Hương thân Luông hay không?”.
Ông Cai-lân đứng ngơ-ngáo, dường như không hiểu câu hỏi. Người đờn-bà nói tiếp rằng: “Hương-thân Luông thiệt tên là Phạm-gia-Luông, anh ruột của ông Phủ Phạm-gia-Tăng, nghe nói hồi trước ở xóm dựa bên chợ Cai-Lậy đây, ông không biết hay sao?”
Ông gục-gặc đầu mà đáp rằng: “Ờ, ở! Tưởng hỏi ai, chớ Hương-Thân-Luông tôi biết lắm, sao lại không biết. Hương-Thân-Luông chết hồi năm tức(#2) lận mà”.
Người sớp-phơ bước lại vỗ vai ông Cai-lân mà nói rằng: “Ê! ông Cai-lân, bà lớn đây là bà Phủ ở trên Saigon, ông trả lời phải có phép tắc, lơ-mơ ở tù chết, chớ không phải chơi đâu”.
Ông Cai-lân day lại ngó sớp-phơ rồi xá bà lớn mà nói rằng: “Xin lỗi bà lớn, tôi quê mùa không hiểu”.
Bà lớn cười mà đáp rằng:
-Phải, Hương-Thân-Luông chết lâu rồi, tôi biết. Mà vợ con còn ở đây hay không?
-Bẩm bà lớn, vợ cũng chết lâu rồi.
-Ủa, chết hồi nào?
-Bẩm, thím Hương-Thân chết hồi năm kia, năm nay mãn khó rồi.
-Cơ khổ dữ hôn! Vậy mà tôi có hay đâu! Chỉ chết còn con bây giờ ở đâu?
-Vợ chồng có một đứa con gái; hồi thím mất, Cai-tuần Kim thấy con nhỏ bơ-vơ chú thương, nên chú đem về chú nuôi mấy năm nay.
-Cai-tuần Kim nhà ở gần đây hay không?
-Bẩm, nhà ở đằng trước kia, ngay ở chỗ cây cột dây-thép thứ nhì đó.
-Con nhỏ bao lớn?
-Bẩm, năm nay nó được 15-16 tuổi.
-Đâu, ông làm ơn dắt xe tôi lại nhà Cai-tuần Kim một chút đặng coi con nhỏ ra làm sao. Tôi đây là bà Phủ Tăng, em dâu của Hương-Thân-Luông. Ông biết quan lớn của tôi hay không?
-Bẩm, tôi biết hồi nhỏ. Mấy chục năm nay quan lớn không có về trong làng, nên gặp chắc tôi quên.
Sớp-phơ mở cửa xe và biểu ông Cai-lân leo lên đặng đi chỉ nhà Cai-tuần Kim. Ông Cai-lân du-dự, ngó cái xe muốn leo lên, song mại hơi nói rằng: “ Tôi đi bộ được mà”. Sớp-phơ nắm cánh tay ép ông leo lên và nói rằng: “Ông đi bộ theo sao kịp xe. Ông lên ngồi đặng chỉ nhà cho tôi ngừng chớ”.
Ông Cai-lân Cư lên ngồi dựa bên Sớp-phơ, trong ngực phập-phồng; chừng nghe máy rồ ông càng thêm sợ, nên quíu hai tay chưn.
Xe rút chạy; mấy người đứng dọc theo lề đường thấy ông Cai-lân ngồi trên xe thì thấy làm lạ, không hiểu tại sao ông lại được đi xe, nên chong mắt ngó theo mà hỏi nhau.
Ông Cai-lân mới được ngồi xe-hơi lần thứ nhứt, ông lấy làm đắc ý, một tay cầm cái khăn vằn, một tay vuốt râu, miệng chúm-chím cười. Ông chỉ phía trước mà nói với sớp-phơ rằng: “Cậu ngừng ngay cái nhà, chỗ cây cột dây-thép trước kia, chỗ có bụi cây chưn-bầu(#3) đó. Nhà Cai-tuần Kim ở đó đa”.
Ông nói dứt lời, thấy có một đứa con gái, chừng 15-16 tuổi, đương đứng trên lề đường mà coi xe, ông liền ngoắc và kêu mà nói lớn rằng: “Phục, có bà lớn Phủ kiếm mầy đây nè; trở về nhà cho mau. Trở về”.
Ông lại day lại phía sau mà nói với bà Phủ rằng: “Bẩm bà lớn, con nhỏ đó là con của chú Hương-Thân.”
Bà Phủ gặc đầu, rồi xe ngừng ngay một cái nhà lá ba căn xông, nhà dọn vén-khéo sạch sẽ, trước có sân để đạp lúa, hai bên hè có trồng rau ớt chút đỉnh.
Sớp-phơ mở cửa xe. Ông Cai-lân leo xuống, miệng cười ngỏn-ngoẻn. Ông ngó một đám người ta đương đứng trong sân và kêu mà nói lớn rằng: “Chú Cai-tuần, có bà lớn Phủ kiếm chú đây. Chú bước ra cho bà lớn biểu”. Ông bước lại đứng gần chỗ bà Phủ ngồi mà nói rằng: “Có hai vợ chồng chú Cai-tuần Kim ở nhà đủ hết kia. Để tôi kêu chú ra đây cho bà lớn hỏi thăm”.
Bà Phủ nói: “Thôi, để tôi vô nhà. Nhà ở gần mà”. Bà vừa nói vừa leo xuống đất. Ba đứa nhỏ cũng theo bà mà leo xuống, một đứa con gái chừng 13-14 tuổi, và hai đứa con trai chừng 9-10 tuổi, con gái mặc áo tím quần trắng, đi giầy thêu nhổn-nha, còn con trai mặc đồ tây xám, đầu đội kết đen, coi chẳm-hẳm lắm.
Bà Phủ trạc chừng 45 tuổi, nhỏ thó, thấp người, mặt dồi phấn trắng toát, chơn mày cạo nhỏ rí, nhưng mà cặp mắt oai nghiêm, tướng đi yểu-điệu. Ông Cai-lân Cư thấy Cai-tuần Kim tới lộ thì nói rằng: “Bà lớn Phủ đây là em dâu của chú Hương-Thân-Luông hồi trước. Bà lớn kiếm chú mà hỏi thăm con Phục. Biểu bầy trẻ chạy kêu con Phục về đây coi. Tôi mới thấy nó đi phía trên kia.”
Cai-tuần Kim chừng 40 tuổi, đen-đúa, vạm-vỡ, nghe nói bà Phủ thì lột khăn mà xá và nói rằng: “Mời bà lớn vô nhà”. Anh ta day lại kêu vợ mà biểu vô quét ván trải chiếu.
Bà Phủ với mấy đứa nhỏ đi theo Cai-tuần Kim mà vô sân. Ông Cai-lân Cư ngoắt kêu con Phục om-sòm, biểu chạy về cho mau. Còn dân trong xóm tựu lại, tốp đứng chung quanh cái xe-hơi mà coi, tốp đi theo coi bà Phủ và mấy đứa nhỏ.
Bà Phủ vô nhà vừa ngồi, thì ông Cai-lân dắt con Phục vô mà nói rằng: “Bẩm bà lớn, con nhỏ nầy là con của chú Hương-Thân-Luông đây”. Ông lại day qua mà nói với con nhỏ rằng: “Bà lớn đó là thím dâu của cháu đa. Tội nghiệp quá! nghèo khổ, côi-cút, có cô bác giàu sang mà có biết đâu mà đi tìm. Bà lớn phải thất công đi tìm cháu như vầy, thiệt bà lớn nhơn đức quá”.
Bà Phủ thấy con Phục mặc áo quần bằng vải đen cũ xì, đầu tóc rối nùi, tay chưn lem-luốc, nhưng mà gương mặc sáng rỡ như trăng rằm, nước da trắng trong, hai môi đỏ chói, chơn mày nhỏ mà lại cong-vòng như vẽ, miệng tự nhiên mà cũng như chúm-chím cười hoài, hai bàn tay ngón nhỏ mà dài, cặp con mắt long-lanh đa tình đa cảm. Bà thấy nhan sắc ấy thì bà khen thầm trong bụng, nên bà gục-gặc đầu mà hỏi rằng: “Má của cháu mất hồi nào? Sao cháu không gởi thơ cho chú thím hay?”
Con Phục đáp rằng:
-Thưa, cháu không biết chú thím ở đâu, nên không biết làm sao mà gởi thơ.
-Cháu được mấy anh em?
-Thưa, cháu có một mình, không có anh em nào hết.
-Năm nay cháu mấy tuổi?
-Thưa, 16 tuổi.
-Từ ngày má cháu mất rồi cháu ở với hai vợ chồng anh Cai-tuầm Kim đây phải hôn?
-Thưa, phải. Mợ Cai tuần thương cháu nên đem cháu về nuôi.
-Có bà con chi hay không?
-Ở một xóm thuở nay quen biết cha với má cháu, chớ không có bà con.
Cai-Tuần Kim chen vô nói rằng: “Thưa bà lớn, ở trong xóm quen biết nhau lâu. Chị Hương Thân mất, vợ chồng tôi thấy cháu bơ-vơ tội nghiệp, nên đem nó về làm phước”.
Bà Phủ cười mà nói rằng: “Anh không có bà con, mà anh ở như vậy, thiệt là anh tốt lắm. Quan lớn của tôi ổng hay chắc là ổng cảm ơn anh biết chừng nào. Hồi trước anh Hương-Thân ở nhiều cái không phải, quan lớn của tôi ổng giận, nên ổng không chịu nhìn ảnh là anh em nữa. Tuy vậy mà chừng nghe ảnh mất rồi thì vợ chồng tôi cũng buồn, không biết vợ con ảnh ra làm sao. Mấy năm nay tôi có ý đi kiếm tìm mẹ con chỉ đặng đem về Saigon rồi giúp vốn cho chỉ làm ăn. Ngặt vì đường-sá cách-bức, đi không tiện, nên không biết làm sao. Nay nhờ nhà-nước mở cái lộ nầy cho xe hơi chạy, tôi về Cái-Vồn, quan lớn tôi dặn tiện đường phải ghé kiếm mẹ con chỉ. Thiệt chỉ mất, vợ chồng tôi không hay, chớ nếu tôi hay, thì dầu xa-xuôi cách nào cũng xuống đặng trước lo chôn-cất chỉ, sau đem cháu về nuôi, ai nỡ để nó bơ-vơ như vầy. Vợ chồng anh Cai-tuần ra công nuôi nó mấy năm nay, thiệt là phước đức lớn lắm. Thôi, như tôi không gặp thì không nói gì; bây giờ tôi gặp cháu tôi đây, tôi nói với hai vợ chồng cho tôi rước nó về Saigon. Công ơn hai vợ chồng nuôi nó mấy năm nay, quan lớn tôi không quên được đâu. Hễ tôi về tôi nói lại đây thì chắc quan lớn tôi sẽ xuống mà cám ơn”.
Vợ Cai-tuần Kim đứng dựa cây cột nghe bà Phủ xin rước con Phục thì cười mà đáp rằng:
-Vợ chồng tôi nuôi nó mấy năm nay cũng mến tay mến chưn. Phần tôi không có con gái, nên tôi thương nó lung lắm. Bà lớn bắt nó thì tội nghiệp vợ chồng tôi.
-Phải, tôi biết chị nuôi nó thì tự nhiên chị thương; bây giờ tôi rước nó đi thì làm sao mà chị khỏi buồn được. Nhưng mà tôi xin chị Cai-tuần phải nghĩ đều nầy: Quan lớn tôi ổng làm tới chức Tri Phủ Hàm, giàu có sang trọng, danh giá ở Lục-Châu ai ai cũng đều biết. Nếu ổng bỏ con cháu rơi-rớt, không đem về mà nuôi, thì còn gì là danh giá của ổng. Tôi phải đem nó về đặng cho nó học chữ nghĩa bánh mứt, học thêu thùa may vá, rồi tôi kiếm chỗ sang trọng xứng đáng mà gả nó lấy chồng, chớ nếu để nó ở đây với hai vợ chồng, thì thiên hạ họ cười quan lớn tôi, mà rồi cái thân nó ngày sau cũng cực khổ tội nghiệp.
Ông Cai-lân Cư chen vô nói rằng: “Bà lớn nói phải lắm. Thím Cai-tuần chẳng nên cãi, phải để cho bà lớn đem con Phục về Saigon bà lớn nuôi nó, đặng nó nhờ ngày sau. Thím thương nó thì phải để cho nó đi, chớ thương mà thím giữ nó lại thì cũng như thím ghét thím hại nó. Chú Cai-tuần nghĩ thử coi tôi nói đó phải hay là quấy.”
Cai-tuần Kim thở dài mà nói rằng: “Ông nói đó phải lắm chớ. Bà lớn thương con Phục, bà lớn đem nó về trển mà nuôi, ấy là cái phước của nó, có lẽ nào tôi lại cản trở. Mà bà lớn là thím dâu, còn vợ chồng tôi là người dưng, tôi có quyền gì mà dám cản. Nhưng còn ngại một điều nầy là không biết con Phục nó chịu đi hay không chớ.”
Bà Phủ cười mà nói rằng: “Có lẽ nào nó không chịu đi”. Bà ngoắt con Phục mà nói tiếp rằng: “Lại đây cháu, lại gần cho thím hỏi một chút. Cháu chịu lên Saigon ở với chú thím hay không? Cháu lên trển rồi Thím may áo quần tốt cho cháu bận, thím mua dây chuyền, sắm vàng, sắm bông cho cháu đeo, thím cho đi học, như mấy đứa em của cháu đây vậy. Sao, cháu bằng lòng đi với thím hay không?”
Con Phục thấy cái xe hơi đã chóa mắt, thấy bà Phủ và mấy đứa nhỏ đi với bà ăn mặc lòe lét thì đã động lòng, lại còn nghe những lời dụ dỗ dịu ngọt như vậy nữa, thì có thế nào mà nó không mê cho được, bởi vậy nó ngó vợ chồng Cai tuần Kim rồi cúi đầu đáp nhỏ-nhỏ rằng: “Thưa, cháu bằng lòng”.
Bà Phủ cười mà nói rằng: “Ờ, vậy mới phải chớ”.
Cai-tuần Kim không còn lời chi mà cản nữa được, nên phải cười gượng mà biểu con Phục rằng: “Thôi con vô gói áo quần mà đi với bà lớn”.
Con Phục đi vô buồng. Vợ Cai-tuần Kim ngó theo, mà chảy nước mắt, nên phải lấy vạt áo mà lau.
Ông Cai-lân Cư ngó ba đứa nhỏ mà hỏi bà Phủ rằng:
-Cô với hai cậu nhỏ đây là con hay là cháu của bà lớn?
-Con của tôi hết.
-Bà lớn với quan lớn được mấy người con?
-Có ba đứa đó.
-Có phước quá, giàu của mà cũng giàu con. Được tới hai người con trai. Bà lớn còn làm phước đem cháu về nuôi đây, chắc trời phật còn cho bà lớn có con trai thêm nữa.
-Thôi, bao nhiêu đó cũng đủ rồi.
Cai-tuần Kim cùng nhiều người khác nữa cũng chen vô mà nói chuyện.
Còn con Phục vô buồng đặng xếp quần áo mà gói. Thằng Hiền, là con của Cai-tuần Kim, năm nay đã được 18 tuổi nó đương ngồi chồm-hổm tại cửa sau, nó thấy con Phục thì bước lại gần mà hỏi rằng: “Em đi với bà đó hay sao?”
Con Phục cười mà đáp rằng: “Đi”.
Thằng Hiền đứng ngó trân-trân, bộ buồn thảm lắm. Chừng con nhỏ gói đồ gần xong, Hiền mới nói tiếp rằng: ”Em đi qua buồn lắm, chắc qua chết, chớ học giống gì được nữa”.
Con phục day qua thấy Hiền ứa nước mắt, nhưng vì cái màu phú quí nó mạnh hơn cái thảm thiết của Hiền. Bởi vậy con Phục đã không cảm động mà lại đành đoạn cười và đáp rằng: “Giống gì mà buồn. Tôi đi rồi lâu lâu tôi về tôi thăm. Thôi, anh ở nhà mạnh giỏi”. Nó nói dứt lời rồi xách gói bước ra khỏi cửa buồng.
Bà Phủ đương ngồi khoe giàu khoe sang với mấy người trong xóm, bà thấy con Phục sửa soạn rồi bà bèn nói rằng: “Thôi, tôi kiếu mấy bà con đặng đem con nhỏ về cho sớm kẻo quan lớn tôi ở nhà ổng trông.Về đây chắc ổng mừng lắm. Con Phục thưa với vợ chồng anh Cai-tuần Kim mà đi cháu cần gì mà phải đem áo quần theo nhiều; về trển rồi thím may đồ lụa đồ nhiễu cho mà bận, chớ đồ dưới nầy mà đem về Saigon bận sao được”.
Con Phục bước lại chấp tay cúi đầu xá vợ chồng Cai tuần Kim. Hai vợ chồng cai tuần cảm động nên không nói được một tiếng chi hết.
Bà Phủ dắt ba đứa con với con Phục ra xe, sau lưng người ta đi theo rần rần, kẻ khen bà Phủ nhơn đức, người mừng cho con Phục có phước.
Con Phục xách gói lên ngồi phía trước với sớp-phơ, mặt mày hớn hở, miệng chúm chím cười hoài. Ông Cai-lân Cư nói rằng: “Thôi bà lớn về trển mạnh giỏi. Xin nói dùm với quan lớn bà con trong làng gởi lời thăm quan lớn. Còn con Phục, cháu được như vầy là nhờ cái đức của bà lớn. Cháu về trển phải gắng ăn ở tử-tế cho quan lớn bà lớn thương đặng sung sướng tấm thân. Từ rày sắp lên cháu khỏe rồi, khỏi đi mót lúa, khỏi đi đuổi trâu nữa”.
Bà Phủ nói rằng: “Thôi, ông Cai-lân với vợ chồng anh Cai-tuần ở lại mạnh giỏi. Hai vợ chồng Anh Cai-tuần có công nuôi cháu tôi mấy năm nay, thiệt tôi cám ơn lắm. Để ít ngày rồi quan lớn tôi sẽ xuống mà thăm hai vợ chồng. Bây giờ có lộ, nên đi dễ rồi. Tôi kiếu hết mấy bà con”.
Xe hơi rút chạy, bà Phủ tươi cười, con Phục hớn hở.
Ai nấy đứng ngó theo thảy đều vui, duy có thằng Hiền, đứng phía sau, nó rưng rưng nước mắt rồi bỏ đi trước vô nhà.
Chú thích:
(1-) Khéo léo
(2-) Năm tuất
(3-) trâm bầu
CHƯƠNG 2 - CON LÀ MÁU, CHÁU LÀ MỦ
T
ại chợ Cầu Kho đi theo đường Nguyễn-Tấn-Nghiệm lên trại lính tập Aux Mares, qua khỏi đường Galliéni(#1) một khúc xa xa, thấy bên tay trái có một cái nhà lầu ba căn, mỗi căn đều cuống cửa bán nguyệt, ngoài có hàng rào sắt sơn đỏ lòm, trong có sân rộng lớn trồng nhiều thứ hoa quả, một bên có nhà để xe, một bên có nhà bồi nhà bếp. Vì nhà cũ nên kiểu vẻ không khéo, nhưng mà nhờ cái sân rộng, nên đứng ngoài lộ ngó vô cũng có vẻ nguy nga đẹp-đẽ.
Cái nhà ấy là nhà của ông Tri-Phủ Hàm Phạm-Gia-Tăng.
Ông Phủ Tăng gốc ở Cai Lậy. Hồi nhỏ ông có học đủ hai thứ chữ: Chữ nho và chữ tây. Tuy thứ chữ nào ông học cũng tham-nham(#2) mà thôi chớ không giỏi, song khi ông được 20 tuổi, cha mẹ mất khuất hết rồi, ông không chịu ở với anh là Phạm-Gia-Luông, ông tuốt lên Saigon quyết chí kiên nhẫn, tấn thủ đặng lập thân, lập nghiệp. Ông lăn-lóc với kinh thành trong mấy năm, việc gì ông cũng làm, chỗ nào ông cũng ở; nhờ tánh ông nhỏ-nhen, nhứt là nhờ lời ông lanh lợi, nên ông thường được no cơm lành áo.
Một bữa nọ, Tăng đi lệu-khệu may gặp cô Võ-Thị-Phuông người ở Cái-Vồn, kiện để chồng, bị Tòa-sơ Cần-Thơ bát đơn, cô chống án lên Tòa Phúc-Án(#3), nên cô lên Saigon kiếm Trạng-sư mướn cãi giúp. Tăng lãnh đem đường chỉ nẻo, mưu tránh dại tìm khôn; trong mấy tháng cô Phuông được án để chồng, mà rồi cô lại đánh ụp với Tăng, mướn phố ở chung, kết tình ân ái. Trong lúc dìu-dắt hầu kiện, Tăng đã biết cô Phuông là con gái của một nhà giàu lớn, mẹ mất sớm, còn cha thì già, tuy cô có một người anh cả với một người em trai, song bề nào ngày sau cô cũng được hưởng gia tài của cha mẹ, bởi vậy Tăng quyết lấy đạo vợ chồng mà lập đường công danh, nên hẹn non thề biển, làm cho cuộc trăng gió trở nên cuộc đá vàng.
Thiệt quả, cách vài năm sau, ông già của cô Phuông qua đời, anh em cô thuận phân gia tài, cô Phuông lãnh phần ăn được 30 ngàn đồng bạc mặt với 200 mẫu ruộng tốt tại Cái-Vồn mỗi năm cho mướn được bảy ngàn giạ lúa.

Tăng thấy kế lập nghiệp đã thành tựu, đường công danh đã rộng mở, mới òn-ỷ bày vợ xuất 10 ngàn đồng bạc mua cuộc nhà nguy-nga mình mới thấy trước đó. Còn 20 ngàn thì để làm vốn cho vay. Cách cho vay của Tăng thiệt là khôn khéo: nhứt định chẳng chịu giùm cho ai số vốn quá một ngàn, mà ai muốn vay từ năm trăm sấp lên một ngàn thì phải treo ruộng hoặc treo phố cho chắc-chắn mới chịu ra bạc. Tăng thường dặn vợ phải làm như vậy mới khỏi mất vốn, bởi vì mấy chủ vay lớn nếu họ không trả thì mình lấy ruộng lấy phố mà trừ, còn mấy chủ vay nhỏ dầu mỗi năm có một hai người trốn đi nữa, thì số tiền lời của người khác cũng đủ mà đắp số vốn mất, không đến nỗi thiệt hại được.

Vợ chồng chuyên có một nghề vay mà số ruộng đất ngày càng tăng hoài, số bạc vốn cũng tăng bằng năm, bằng bảy, rồi lại được thưởng chức Huyện-Hàm, sau xuất năm ngàn đồng bạc cứu giúp thủy tai mới thăng hức Phủ-Hàm.

Lúc viết truyện nầy thì vợ chồng ông Phủ Tăng có 3 đứa con:

1. Con gái Phạm-Thị-Liên-Hoa, 13 tuổi

2. Con trai Phạm-Gia-Trinh, 11 tuổi,

3. Con trai Phạm-Gia-Tường, 9 tuổi.

Vợ chồng cưng con không ai bì kịp, mà lại cũng cưng bạc tiền chẳng có chi bằng, bởi vậy cách mười mấy năm trước Phạm-Gia-Luông, là anh của ông Phủ, nghe em giàu có, lên hỏi mượn 200 đồng bạc đặng đem về mua trâu làm ruộng. Thời vận chẳng may nên trâu chết, lại ruộng thất, Luông không trả 200 đồng bạc lại được, vợ chồng ông Phủ mắng nhiếc đủ điều, rồi cấm biệt không cho Luông tới nhà nữa. Khi Luông chết, vợ Luông có mượn người lên cho hay, mà vợ chồng ông Phủ cũng không thèm về, chỉ gởi cho 5 đồng bạc mà thôi. Hôm nay bà Phủ về Cái-Vồn thăm anh em, nhờ có lộ mới nên đi ngang qua Cai-Lậy; ông Phủ nhớ tới thân tộc, ông dặn bà ghé hỏi thăm, nên bà mới ghé và rước con Phục đó.

Lối 5 giờ chiều xe hơi của bà Phủ Tăng về tới nhà, chạy thẳng vô sân mà đậu.

Con Phục thuở nay chưa lên Saigon, mà cũng chưa tới nhà giàu một lần nào, bởi vậy trên xe leo xuống nó ngó quanh quất, thấy nhà lầu đồ sộ, thấy vườn hoa đẹp-đẽ, trong lòng hồi hộp, tay ôm gói áo quần đứng trân-trân.

Ông Phủ Tăng ở trong nhà nghe xe về, ông bước ra sân mừng vợ mừng con; ông ôm hai đứa con trai nhỏ ông hun, rồi ông day lại thấy con Phục thì ông hỏi bà rằng: “Con nhỏ nào đây? Bà mướn ở dưới phải hôn?”

Bà Phủ và bước xuống xe và đáp rằng:

-Không. Con của anh hai đó đá.

-Anh hai nào?

-Anh hai mình ở dưới Cai-Lậy, chớ anh hai nào.

Ông Phủ nghe nói như vậy thì ông chăm chỉ ngó con Phục rồi hỏi bà nữa rằng:

-Con của anh hai mà bà chở nó lên trên nầy làm giống gì?

-Chỉ chết rồi, nó bơ-vơ ở với người ta, tôi thấy vậy nên tôi đem nó về đó.

-Đem về mà làm gì! Chỉ chết hồi nào?

-Chết đã mãn tang rồi.

Con Phục từ nhỏ chí lớn không biết mặt chú. Nay nó gặp thì trong bụng mừng thầm, tưởng chú nghĩ tình cốt nhục mà niềm-nỡ. Chừng nó nghe mấy lời lạt lẽo ấy thì trong lòng nó lạnh ngắt, nên nó đứng ngẩn-ngơ.

Ông Phủ hỏi nó rằng:

-Mầy được mấy anh em?

-Cha mẹ cháu sinh có một mình cháu mà thôi.

-Hử! Năm nay mầy mấy tuổi?

-Thưa, cháu được 16 tuổi.

-Từ khi má mầy chết tới bây giờ mầy ở với ai?

-Cháu ở với vợ chồng cậu Cai-tuần Kim.

-Ở một năm bao nhiêu?

-Thưa, vợ chồng cậu Cai-tuần Kim thấy cháu côi cút bơ vơ thì thương nên đem cháu về nuôi, chớ không phải mướn cháu.

-Nếu vậy thì về trên nầy mà ở cũng phải, ở giữ hai đứa nhỏ và dắt nó đi học.

Bà Phủ tiếp nói rằng: “Tôi cũng tính như vậy nên tôi đem nó về đó. Nó ở dưới mình(#4) thì có nghĩa hơn là ở dưới người ta, may áo may quần cho nó bận rồi giao hai đứa nhỏ cho nó đưa rước đi học.”

Ông Phủ gặc đầu rồi dắt ba đứa con vào nhà.

Bà Phủ kêu một ông già đang lui cui tưới bông gần đó mà nói rằng: “Ông Cao, ông dắt con Phục xuống nhà bồi cho nó cất quần áo, rồi một lát tôi sẽ kêu nó lên nhà lầu tôi sai cắt phần việc cho nó làm”. Bà dạy rồi bà đi thẳng vô nhà lầu với chồng con, còn con Phục tay ôm gói áo đi theo ông Cao xuống nhà bếp.

Con Phục đi coi cùng trong nhà bồi nhà bếp, rồi lần lần bước ra đứng núp vách tường nhà lầu mà xem hoa.

Trời chiều mát mẻ, hoa nở đủ màu, tiếng cười inh ỏi trên lầu, xa mã rần-rần ngoài lộ. Cảnh tình coi lạ mắt mà bề ăn ở cũng chưa yên, con Phục bồi hồi trong lòng rồi nhớ xóm mình ở xưa nay, nhớ cái nhà của Cai-tuần Kim rưng-rưng nước mắt.

Người nấu ăn bưng đồ lên nhà trên mà dọn cơm, ông Cao thôi tưới bông, ông cũng phụ mà bưng, song hai người không ai nói động đến con Phục. Nó thấy vậy mới lén đi gần cửa ngõ mà ngó ngoài đường, thấy xe kéo nghểu nghểnh không hiểu là xe gì, thấy thiên-hạ lại qua có nhiều người mặc áo quần không giống với người Cai-Lậy. Nó đương đứng ngó mông, thình-lình ông Cao chạy ra kêu mà nói rằng: “Nè em, bà lớn kêu nãy giờ ở trỏng. Làm giống gì mà đứng ngoài nầy? Bà lớn biểu vô coi cho cậu ba, cậu tư ăn cơm”.

Con Phục theo ông Cao mà trở vô. Bước lên nhà lầu, nó thấy vợ chồng ông Phủ với ba đứa con đương ngồi tại bàn ăn cơm.

Bà Phủ chau mày hỏi rằng: “Mới đó mà Mầy đi đâu mất vậy?”

Con Phục cười ngỏn ngoẻn đáp rằng:

-Cháu ra đứng chơi ngoài cửa ngõ.

-Chơi giống gì ở ngoải? Con gái không được phép ra đứng ngoài đường. Lạy đứng sau lưng cậu ba cậu tư đây, coi gắp đồ ăn cho hai cậu ăn.

Con phục đã quen cái thói hèn hạ, lại thấy bàn ghế tủ giường trong nhà cái nào cũng đẹp, nên nó mắc ngó đồ, không để ý đến mấy lời quở nó đó.

Ông Phủ nói: “Con nhỏ bận đồ dơ dáy quá. Nếu bà tính giao sắp nhỏ cho nó, thì phải may áo trắng cho nó bận sạch-sẽ mới được chớ”.

Bà Phủ gặt đầu đáp rằng: “Chớ sao. Để mai rồi tôi mua vải mướn may đồ mới cho nó bận. Giữ sắp nhỏ mà ăn bận dơ dáy sao được”.

Bà lại day qua nói với con Phục rằng: “Mai mầy tắm-rửa cho sạch-sẽ nghe hôn. Phải rửa mặt gỡ đầu, chớ đừng làm như thói ở dưới ruộng vậy không được. Nhà tao là nhà quan, khách-khứa tới thường. Phải ăn nói cho có lễ phép, phải giữ áo quần cho sạch sẽ. Thôi, lại góc kia vặn đèn lên coi nào”.

Con Phục nghe bà Phủ biểu thì vưng lời, ngó theo tay bà chỉ mà đi lại góc vách tường, song lại đó rồi nó đứng lơ láo, không thấy cái đèn nào hết, nên không biết tại sao mà biểu kỳ như vậy. Ông Phủ biết nó quê mùa, không hiểu đèn khí(#5), ông bèn buông đũa, bước lại dạy nó cách đốt đèn tắt đèn. Nó thấy vặn một chút đàng nầy, mà đèn lại bực cháy đàng kia, thì nó lấy làm lạ hết sức, nên đứng chưng-hửng.

Ông Phủ vặn cháy hết các đèn trong nhà sáng trưng. Cho đồ đạt càng thêm hực-hỡ, con Phục dòm thấy lại càng thêm đắc ý hơn nữa.

Sắp nhỏ ăn cơm rồi, bà Phủ biểu con Phục coi rửa tay rửa miệng và bưng nước cho chúng nó uống. Chừng người nấu ăn bưng đồ nấu ăn dư đem xuống bếp hết rồi, bà Phủ mới kêu ông Cao mà dặn chừng dưới nhà bếp ăn cơm thì kêu con Phục ăn với. Thiệt một lát ông Cao lên kêu con Phục xuống nhà bếp mà ăn cơm với ông, người nấu ăn và người sớp-phơ.

Đồng hồ gõ 8 giờ, cô Liên-Hoa, là con gái của ông Phủ đứng trên thềm nhà lầu kêu mà nói rằng: “Phục, mầy lấy giống gì đó? Bà biểu mầy lên nhà trên cho bà dạy việc”.

Người sớp-phơ cười và nói với ông Cao rằng: “con Phục là con nhà bác, đứng vai chị, mà cô hai kêu bằng : “mầy” chớ!

Con Phục nghe mấy lời bình phẩm ấy, song nó không buồn, hăng-hái bước lên nhà lầu. Nó thấy ông Phủ nằm trên bộ ván lớn, đương làm thuốc á-phiện mà hút, bà Phủ nằm phía bên kia, cô Liên-Hoa đứng dựa bàn đọc sách còn hai cậu nhỏ thì giỡn chơi, cười la om sòm.

Bà Phủ thấy con Phục thì bà nói rằng: “Đâu bước lại gần đây đặng nghe thím dặn nè. Mầy là con cháu trong nhà, thím tin cậy lắm, nên thím mới đem về thím nuôi. Vậy phải hết lòng lo coi sóc công việc trong nhà cho chú thím. Đừng có làm công chuyện dưới nhà bếp, ở dưới có thằng bếp nó lo. Còn ngoài vườn thì có ông già Cao ổng lo nhổ cỏ tưới cây, mầy cũng khỏi làm những việc ấy. Mầy chỉ lo nội nhà trên với coi sắp nhỏ mà thôi. Con Liên Hoa nó học nhà trắng. Một tuần nó mới về nhà một ngày, mà nó đi hay là về đều có xe hơi đưa rước, nên mầy khỏi lo, duy có hai đứa nhỏ nó học ở trường Cầu-Kho đây, mỗi buổi học phải đưa, chừng tan học phải rước. Xưa rày ông già Cao đưa rước hai đứa nó mà ổng già cả lụm-khụm quá nên thím không vừa lòng. Thím muốn mầy lãnh đưa rước em đi học thì thím mới chắc ý. Vậy hễ khuya thức dậy thì mầy lo quét nhà cho sạch sẽ, rồi đưa hai em đi học. Một lát trở về coi giặt áo giặt quần cho nó, lo dọn dẹp trên nhà lầu, gần tan học đi rước em, rồi về coi chừng nó ăn ngủ. Công việc của mầy chỉ có bao nhiêu đó mà thôi: dọn dẹp trên nhà lầu, săn-sóc hai đứa nhỏ”.

Ông Phủ nói tiếp rằng: “Thím mầy dặn đó, phải nhớ mà làm. Con gái phải siêng năng, chớ đừng có ham chơi-bời mà hư thân. Phải gắng làm công chuyện cho giỏi, rồi thím mầy sắm áo quần cho mà bận. Tối phải ngủ trên nhà trên, ngủ bộ ván để phía sau đó, đặng có việc gì thím mầy kêu cho dễ. Chú nói đó nhớ hôn?”

Con Phục dạ và cúi đầu, chớ không nói chi hết.

Bà Phủ nói: “Thôi, lại bóp chưn cho thím một chút. Ngày nay ngồi trên xe hơi sao mỏi bắp chưn quá”.

Con Phục bước lại đứng dựa ván mà bóp chưn cho Bà Phủ, bóp chưn rồi đến đấm lưng, bóp đấm trót nửa giờ đồng hồ, hai tay mỏi muốn rụng rồi bà mới dắt vô trong, chỉ một bộ ván nhỏ có trải một chiếc chiếu trắng cũ mà biểu nằm đó ngủ. Trước khi bước ra bà dặn thêm rằng: ”Thôi, ngủ cho sớm đặng sáng dậy sớm mở cửa quét nhà, rồi đi theo ông Cao đưa sắp nhỏ đi học một lần cho biết đường. Để mai tao đi chợ mua vải mướn may áo quần mới cho mà bận.

Con Phục vì lạ người lạ chỗ, nên nằm thao thức hoài ngủ không được. Tuy nó ăn cơm dư với bạn bè dưới nhà bếp, tuy phần việc cắt cho nó làm là phần việc của tôi tớ, tuy nó ngủ một bộ ván nhỏ với một manh chiếu cũ không có mùng mền, nhưng mà nó không để ý đến những việc ấy, nó cứ nhớ được đi xe hơi, được nằm trong nhà lầu, nhứt là nhớ những câu: “Con cháu trong nhà”, “tin lắm mới đem về nuôi”, ”may áo quần mới cho mà bận” bởi vậy trong lòng nó vui vẻ, không hờn chú-thím, không buồn bổn phận chút nào hết.

Cách một lát, nó nghe bà Phủ kêu Ông Cao biểu đóng cửa rồi bà dắt ba đứa con lên lầu. Ông Phủ nằm hút thêm ít điếu rồi ông cũng tắt đèn mà lên lầu, mang giầy hàm ếch bước lên thang lầu tiếng nghe lẹp-xẹp.

Con Phục cũng còn thao thức nữa, nó nhớ mặt cha hồi trước cũng giống như mặt chú nó, duy cha nó còn tóc, còn chú nó thì hớt tóc ma-ninh, cha nó nghèo nên áo quần cũ rách, chú nó giàu nên chơn vớ chơn giày. Nó nhớ chú nó gặp nó không có nhắc tới cha nó. Nó suy nghĩ không hiểu tại sao vậy, suy nghĩ riết rồi ngủ quên.

Trời sáng con Phục mới thức dậy mở cửa đi rửa mặt, rồi kiếm chổi quét nhà, quét ván, lau ghế, lau bàn.

Ông Phủ dậy trước, ông biểu cô Liên-Hoa sửa soạn rồi ông kêu sớp-phơ đem xe hơi ra mà đưa cô vô nhà trắng cho kịp giờ học. Ông lại biểu con Phục coi bận áo quần cho hai đứa con nhỏ của ông là Trinh và Tường, coi lấy bánh mì với sữa bò cho chúng nó ăn, rồi dắt chúng nó lại trường Cầu-Kho, ông Cao cũng đi theo mà chỉ đường một lần cho con Phục biết đặng sau nó đưa rước một mình cho được.

Xe hơi đưa cô Liên-Hoa trở về nhà rồi bà Phủ mới thức dậy. Bà trang điểm thoa dồi, thay quần đổi áo trót một giờ đồng hồ rồi bà mới lên xe hơi mà đi chợ Bến Thành. Chừng bà trở về, bà kêu con Phục chạy ra xe ôm vô mấy gói đồ của bà mua. Ông Phủ hỏi bà mua vật gì mà lục cục tới ba bốn gói. Bà mở một gói ra là gói vải đen, bà nói để may quần cho con Phục. Bà mở một gói nữa, là gói vải trắng mà có lộn vải bông, bà nói hai thứ vải đó để may áo cho con Phục. Bà mở luôn gói thứ ba, bà lấy ra một cái khăn choàng hầu bằng lụa trắng, bà kêu con Phục lại mà biểu đội thử cho bà coi. Con Phục nước da trắng đỏ, gương mặt tròn trịa, nó đội cái khăn mới lên thì mặt mày sáng rỡ coi đẹp vô cùng.

Bà Phủ ngắm nó bà cười, rồi móc túi lấy ra một gói nhỏ bằng ngón tay, bà đưa cho nó mà nói rằng: “Thím cũng có mua một đôi bông nhận hột đây. Đeo thử coi”.

Con Phục thấy đôi bông thì chóa mắt, trong lòng khấp khởi, cảm phục chú thím hết sức. Tuy đôi bông đáng giá chừng một đồng rưỡi, nhưng mà thuở nay nó thấy chớ chưa được đeo lần nào, bởi vậy nó mừng cũng như người ta mới sắm được đôi bông xoàn. Vợ chồng ông Phủ dắt nhau lên lầu, nó lén lại đứng trước một cái tủ kiến mà soi, thấy hai trái tai hột chói sáng sáng, thì nó lấy làm đắc ý.

Thường nghe thấy mật ngọt nên chết ruồi, kim tiền hay mê chúng. Thiệt quả con Phục vì mấy lời dịu ngọt của bà Phủ, rồi lại vì mấy thước vải với một đôi bông tai, mà nó sanh mối cảm trong lòng, mới về ở một vài ngày mà nó thương yêu kính phục chú thím như trời như biển. Đưa rước hai đứa nhỏ đi học thì nó ân-cần sốt-sắng, mà về nhà chẳng lúc nào nó ở không, quét nhà, quét cửa rồi thì lau bàn, lau tủ; trưa nắng thì giặt đồ đem phơi; chiều mát thì lo tắm sắp nhỏ. Đã vậy mà nó còn phải lo hầu trầu nước cho bà Phủ, ban đêm phải đấm bóp cho bà. Nó làm không hở tay, mà trong lòng nó lại vui, không tiếc cái thú quê mùa mà thong thả ở dưới Cai-lậy chút nào hết.

Cách mấy ngày bà Phủ mướn may áo quần mới xong rồi, bà Phủ đưa cho con Phục một cái áo vải trắng bông đỏ với một cái quần vải đen, bà biểu bận thử cho bà coi. Con Phục nó có sắc sẵn, mà hổm nay nó tắm gội, mặt mày tay chưn đều sạch sẽ, tóc tai bới vén khéo, nên bận đồ mới vô coi nó càng thêm đẹp đẽ bội phần. Bà Phủ ngó nó bà cười, rồi bà đi mở tủ lấy ra một chiếc đồng trơn bà đưa cho nó mà nói rằng: “Có một chiếc đồng hồi trước sắm cho con vú của thằng Tường đây. Con Vú, thôi ở, tao giận tao đòi lại. Đây mầy đeo thử coi vừa hay không?”

Con Phục thấy chiếc đồng mà đeo vô tay trái, vì cườm tay nó trắng nỏn lại no tròn, nên nó đeo chiếc đồng khít-khao coi vừa lắm. Bà Phủ nói: “Đeo vừa thì lấy mà đeo, song phải giữ, đừng làm móp nghe”. Con Phục được đeo bông tai, được bận áo quần mới mà lại được đeo vòng đồng nữa, thì sự vui mừng của nó chẳng có chi bằng. Nếu lúc nầy mà vợ chồng Cai-tuần Kim lên khóc lóc năn-nỉ xin nó trở về, thì chắc dầu nói thế nào nó cũng không chịu.

Ở được mấy tháng, con Phục tuy làm cực, song nó không phiền. Nó chỉ buồn có một điều là hay bị cô Liên-Hoa mắng chưởi và bị hai cậu nhỏ đánh đập ngắt véo.

Một bữa chủ nhật, lối 5 giờ chiều, có một bà Hộ ở trong Chợ lớn ra thăm bà Phủ. Con Phục lăng-xăng lo trầu nước, cô Liên Hoa ở trong nhà tắm cô kêu nó om sòm biểu lấy áo quần cho cô thay, mà nó mắc chế nước nên không vưng lời mau lẹ được. Chừng nó lấy áo quần ôm vô nhà tắm, thì cô Liên Hoa giựt cái quần đập trên đầu nó mà chửi rằng: “Đồ chó đẻ, tao kêu mầy sao mầy ở miết ngoải? Cái mặt sao giống đĩ ngựa quá!”

Con Phục bị đánh quần trên đầu và bị chửi nữa thì nó tức giận thái quá, không thể dằn được nên nó la lớn rằng: ”Mầy hỗn ha, Liên-Hoa? Để tao mét với chú thím cho mầy coi”.

Cô Liên-Hoa xỉ trong mặt nó mà nói rằng: “Mầy mét thây kệ cha mầy. Tao không sợ đâu. Đồ đĩ!”.

Con Phục giận ứa nước mắt, nó quay quả trở lên nhà lầu, thấy bà Phủ đương ngồi nói chuyện với bà Hộ thì nó bước lại ngay mặt mà nói rằng: “Thưa thím, con Liên Hoa nó hỗn quá! Nó đập quần trên đầu tôi, nó chửi cha tôi, nó mắng tôi là đồ chó đẻ, đồ đĩ ngựa”.

Bà Phủ chu mày, trợn mắt nạt rằng: “Ế! Nó chửi mầy thây kệ mầy! Tuồng mặt mầy đó nó đập quần trên đầu không đáng hay sao? Đồ vô phép! Có khách nó theo làm rộn, không để nói chuyện “.

Con Phục ríu ríu bước ra, liếc thấy ông Phủ đương nằm làm thuốc á phiện tại bộ ván gần đó, mà ông không nói chi hết, thì nó bước lại cái thềm bên chái nhà ngồi mà khóc thút thít.

Một lát khách về, bà phủ kêu nó vô bà nói rằng: “Mầy vô phép quá! Tao đã có dặn mầy: nhà tao là nhà quan, ăn ở phải cho có lễ nghĩa. Trước mặt khách sao mầy dám kêu tao bằng thím, sao mầy dám kêu cô hai bằng con Liên Hoa? Tao nói một lần nầy nữa cho mầy biết: nếu mầy muốn ở trong nhà tao thì mầy phải kêu Liên Hoa bằng “cô Hai”, phải kêu hai đứa nhỏ bằng “cậu ba và cậu tư” chớ không được phép kêu con nầy, thằng kia nữa. Còn hồi nãy tại sao con Liên Hoa mắng chửi mầy?”

Con Phục bệu bạo thưa rằng: “Thưa, hồi nãy tôi mắc chế nước trà cho khách uống. Cô hai đi tắm, cô kêu tôi đem quần áo, mà tôi mắc chế nước, nên phải chậm trễ một chút, cô giận cô đánh chửi tôi”.

Ông Phủ buông ống hút, ông men-men đi lại gần mà nói rằng: “Dữ hôn! Chuyện nhỏ mọn như vậy mà cũng thưa gởi lộn xộn. Nó biểu lấy quần áo cho nó thay, sao không lấy cho mau, để nó lạnh nó đau rồi làm sao? Đừng có vậy nữa”.

Con Phục nghe chú nói như vậy thì hết trả lời được đứng trân trân. Vợ chồng ông Phủ dắt nhau ra sau xem hoa.

Sáng bữa sau Liên-Hoa lên xe hơi đi vô Nhà-Trắng, Con Phục đưa Trinh và Tường đi học, nó còn nhớ việc hôm qua đã bị mắng chửi mà lại còn bị quở trách, nên trong lòng không vui. Thình lình Tường vụt chạy trước, nó sợ thằng nhỏ vấp té, nên la lớn rằng: “Đừng có chạy; mầy chạy rủi mầy té tao bị rầy sao”.

Tường nghe la thì đứng lại, trợn mắt ngó con Phục. Chừng con Phục với thằng Trinh đi tới thì nó nói rằng: “Con chó, sao mầy dám rầy tao?”. Nói vừa dứt lời thì nó lại lấy sách mà đập con Phục. Trinh chạy lại xô Tường ra mà nói rằng: “Mầy hỗn hả Tường? Sao mầy kêu chị Phục là con chó? Mầy hỗn trời đánh mầy cho mà coi!”

Tường thấy Trinh binh con Phục thì giận, nên cùng quằn bỏ mà đi, miệng nói lẩm-bẩm rằng: “Để tao về mét má cho mà coi.” Trinh nói rằng: “Mầy giỏi thì về mét đi. Tao làm chứng cho Chị Phục. Mầy hỗn, mầy chửi mầy đánh chỉ, lại còn hăm về nhà mét nữa chớ!”.

Con Phục tuy bị đánh bị chửi, song thấy Trinh binh nó thì nó hết phiền, nên dịu ngọt dỗ hai đứa nhỏ mà dắt vô trường. Chừng nó trở về một mình, đi dọc đường nó nhớ mấy lời Tường hăm mét má hồi nãy thì trong long nó lo sợ, lo Tường mét rồi chú thím rầy nữa.

Nó và đi và suy nghĩ, thình-lình ở sau lưng có tiếng người hỏi rằng: “ Em ở dưới(#6) ông Phủ bà Phủ phải hôn em? Ở một tháng bao nhiêu vậy?”

Nó day lại thì thấy một người đờn-bà gánh bánh-canh với chè-đậu đi bán, người trạc trừng 35 tuổi, mặc quần lãnh và áo bà-ba xuyến đen, bộ dong-dãy gọn gàng. Người ấy thấy con Phục day lại thì cười mà hỏi rằng: “Em ăn bánh-canh hôn em? Bánh-canh bữa nay ngon lắm”.

Con Phục đứng lại, cũng cười mà đáp rằng:

- Tôi không ăn. Tôi không có đem tiền theo.

- Không sao đâu mà. Qua bán chịu cho. Em ở với ông Phủ Qua biết, xa lạ gì sao mà ngại.

Người đờn-bà ấy và nói và để gánh dựa lề đường rồi múc một chén bánh-canh mà đưa cho con Phục, bánh-canh còn nóng, hơi lên nghi-ngút. Con Phục thấy bánh-canh ngon, lại nghĩ thằng Trinh khi thì cho nó một xu khi thì cho hai xu, mấy tháng nay nó giấu để dành được một cắc ở nhà, dầu xài vài ba xu cũng không hại gì, bởi vậy nó bưng chén bánh-canh và hỏi rằng:

- Chị múc bao nhiêu vậy?

- Hai xu.

- Tôi ăn rồi mai mốt tôi gặp chị nữa, tôi sẽ trả tiền đa.

- Được mà, chị em, thứ một hai xu mà nghĩa gì, dầu không trả cũng được.

- Chị bán chịu, có nhiều người xấu, họ ăn rồi không trả tiền thì chị cụt vốn chớ.

- Ta coi theo người, ta bán chịu chớ.

- Chị bán cho tôi, thì để bữa nào tôi gặp chị tôi sẽ trả tiền, chớ đừng có lại nhà mà đòi đa, nghe hôn.

- Ai mà dại quá vậy, nên em phải dặn.

Con Phục ngồi dựa cái gánh mà ăn.

Người bán chè ngó nó rồi hỏi nữa rằng:

- Em ở nhà ông Phủ có sướng hay là cực?

- Không phải ở mà.

- Coi! Qua thấy em ở trong đó! Ở cái nhà cũ trong đường Nguyễn-Tấn-Nghiệm kia chớ đâu.

- Phải, tôi ở đó, mà không phải ở đợ.

- Vậy chớ ở sao?

- Tôi là cháu của ông Phủ đó, tôi kêu ông bằng chú ruột.

- Cháu ông Phủ!

Người bán chè thấy làm lạ, ngồi ngó con Phục trân-trân, con Phục và bánh-canh mà cười và nói nữa rằng:

-Tôi nói thiệt chớ. Cháu ruột đa. Cha tôi hồi trước là anh ruột của ông Phủ, cha mẹ tôi mất rồi, chú thím tôi mới kiếm đem về nuôi.

-Cháu ông Phủ sao bận đồ vải, đi chơn không, in như ở đợ với ổng vậy? Em đừng chịu. Em về nói với ông Phủ phải mua đồ hàng lụa cho em bận, phải sắm giầy dép cho em mang. Ông Phủ giàu sang, con gái ổng thấy bận đồ tốt, đi xe hơi, còn cháu ổng sao cho ăn bận như đày tớ vậy!

-Rước tôi về rồi, thím tôi mới mua may quần áo nầy cho tôi bận đó.

-Tốt lành gì! Đừng thèm. Hồi trước em ở đâu?

-Tôi ở dưới Cai-Lậy.

-Em nghe lời qua, về đòi may áo quần hàng cho em bận, đòi mua giầy cho em mang. Cháu ông Phủ gì mà đeo bông hột chai, phải đòi mua bông hột xoàn mà đeo.

-Ai mà dám.

-Em sợ vợ chồng ông Phủ đó hay sao?

-Sao lại không sợ.

-Hay đánh em lắm sao?

-Không có đánh, chú thím tôi có rầy chút đỉnh. Mà có đứa con gái lớn với thằng út nó hỗn lắm, nên nó hay đánh chửi tôi.

-Hứ! Hai đứa nhỏ hỗn như vậy, mà ông Phủ bà Phủ không rầy nó hay sao?

-Không. Chú thím tôi cưng con lắm.

-Con là máu, cháu là mủ! Tại em nghèo nàn côi-cút nên mới bị hất-hủi cái thân như vậy đó, chớ phải em giàu thử coi. Nuôi em trong nhà có bắt em làm công chuyện hay không?

-Không có làm giống gì lắm. Phần tôi thì đưa rước hai đứa nhỏ đi học. Về nhà tôi quét nhà quét cửa, lau ghế, lau bàn, giặt đồ, tắm rửa cho sắp nhỏ, có khách thì lo trầu nước, thay ống nhổ, tối thì bóp chơn đấm lưng cho thím tôi vậy thôi.

-Trời ơi công việc làm quá công việc của một đứa đày tớ, vậy mà em nói không có giống gì lắm. Vậy chớ còn đợi giống gì nữa!

-Công việc làm không cực gì lắm. Tôi phiền có cái hai đứa nhỏ nó mắng chửi đó.

-Nuôi mà biết thương kìa, cho em ăn học, làm cho em sung sướng tấm thân, chớ nuôi mà bắt làm công việc như đày tớ, lại khỏi trả tiền mướn, đó là lường công, chớ nuôi giống gì. Đừng thèm ở. Qua coi em lịch sự lắm, mặt mày trắng trẻo, tay chơn dịu nhiễu. Em đi theo qua, rồi qua gả em lấy chồng, chắc em sung sướng lắm.

-Tôi còn nhỏ mà lấy chồng giống gì?

-Lớn đại còn gì! Em năm nay mấy tuổi?

-Tôi 16 tuổi, tết nầy mới 17 tuổi.

-Dữ hôn! Mười sáu mười bảy tuổi rồi, còn nhỏ gì nữa. Cỡ đó có chồng phải lắm chớ.

Con Phục ăn hết bánh canh, trả chén cho người bán, rồi ngồi bẹp xuống đất, khoanh tay trên đầu gối mà suy nghĩ. Người bán chè rửa chén và úp lên tràng và cười mà nói rằng: “Cái sắc của em đó nếu có đồ bắt kế(#7), thì mấy ông mấy thầy họ trét. Đời nầy con gái có sắc đẹp thì lo gì không sung sướng”.

Người bán chè mới nói tới đó, thì có một cái xe hơi mui kiến chạy tới, trong xe có một người đờn bà trẻ tuổi, trang điểm thiệt đẹp, quần áo thiệt tốt, ngồi coi như tiên nữ hạ trần.

Xe qua khỏi rồi, người bán chè nói rằng: “Người đó là con hai Kiêu, hồi nhỏ má nó nghèo, nó đi gánh nước lở vai, nó lấy Tây mấy năm rồi sau đó đụng một thằng mái chính mê nó quá, bây giờ nó có nhà tốt, nó đi xe hơi, coi sướng hôn? Qua biết nó lắm. Nó là con của thím Tiều hồi trước ở Chợ-Đủi chớ đâu. Hồi nhỏ nó có lịch sự được như em vậy đâu”.

Con Phục thở dài một cái rồi đứng vậy phủi đít. Chị bán chè cũng đứng dậy, để gánh lên vai mà nói rằng: “Bữa nào em có rảnh qua nhà qua chơi. Qua ở ngoài cầu Rạch-Bần. Em ra tại cầu đó em hỏi thăm “chị Ba bán chè” thì ai cũng biết hết”.

Chị bán chè nói dứt rồi, chị gánh gánh mà đi và chị rao: “Ai ăn bánh canh chè-đậu hôn”, tiếng nghe lảnh lót.

Con Phục thủng-thẳng đi về, bên tai còn vẳng-vẳng những lời của chị Ba Có, trước mắt còn lao-xao cái xe của cô Hai Kiêu.

Chú thích:

(1-) Hiện nay là đường Trần Hưng Đạo

(2-) lam nham

(3-) phúc thẩm

(4-) chỗ, nơi mình

(5-) đèn điện

(6-) với

(7-) chưng diện

CHƯƠNG 3 - CON GÁI VỚI CHỮ TRINH

N

gày qua tháng lại, tuy con Phục làm công việc khổ mà lại còn bị rầy la mắng chửi, nó nghe những lời châm chích của chị Ba bán chè làm cho nó hết hân hoan vui-vẻ, song nó cũng an phận mà ở làm tôi mọi cho chú thím một năm rưỡi.

Một buổi sớm mơi, con Phục đi rước Trinh và Tường đến nhà, thì thấy có một người trai chừng 20 tuổi, mặt trắng-trẻo, mặc một bộ đồ âu-phục bằng nỉ xám, chơn mang giầy vàng, đương ngồi tại bộ ghế giữa mà nói chuyện với vợ chồng ông Phủ và kêu ông Phủ bằng dượng.

Bà Phủ thấy Trinh và Tường thì kêu mà nói rằng: “Lại xá anh hai đây nè. Quên anh hai hay sao?”

Trinh và Tường bước lại xá người trai ấy. Người ấy níu tay kéo hai đứa nhỏ vào lòng.

Con Phục đi thẳng vô trong thì thấy ông già Cao quét dọn một cái giường sắt thuở nay để trống, không. Ông Phủ bước vô nói với ông Cao rằng: “Ờ, dọn quét cho sạch sẽ đi, rồi lên lầu vác tấm niệm(#1) lớn đó mà trải. Dọn cho cậu Hai ngủ dưới nầy đặng ban đêm cậu học cho thong-thả.”

Người trai ngồi ngoài trước nói chuyện, mà ông Phủ kêu bằng cậu Hai đó, tên là Võ-Phi-Hùng, con trai lớn của thầy Hội đồng Võ-Phi-Thành ở Cái Vồn, dưới Cần Thơ.

Thuở nay cậu học trường trung-đẳng Albert Sarraut ngoài Hà Nội, thi tú tài đậu được lần thứ nhứt rồi, nay nghe trường trung đẳng Chasseloup-Laubat ở Saigon mở đủ các lớp học thi tú-tài, nên cậu về xin vô đó học thêm một năm chót, đặng thi lần thứ nhì mà lấy bằng-cấp Tú-tài cho hoàn-toàn. Nhưng mà cậu sợ ở trong trường tù-túng, nên cậu tính ở ngoài rồi mua xe máy mỗi bữa cỡi đi học cho thong-thả.

Vả bà Phủ có một người anh trai với một người em trai mà thôi, anh là thầy Hội đồng Võ Phi Thành, còn em là Võ Phi Lung, mới được cấp bằng làm Cai tổng, cũng ở miệt Cái-Vồn. Cậu Võ Phi Hùng, là con trai của thầy Hội đồng Thành, thì kêu bà Phủ bằng cô ruột, bởi vậy cậu ghé thăm vợ chồng ông Phủ và xin ở đậu mà đi học. Đã có tình cô cháu, mà cha mẹ cậu lại giàu sang, tự nhiên vợ chồng ông Phủ niềm nở trọng đãi, chịu cho ở liền, nên dọn dẹp giường nệm lăng-xăng đó.

Cũng một hạng cháu, mà cháu của ông thì hèn hạ như tôi tớ, lại còn bị đánh chửi; còn cháu của bà thì được hậu đãi như thượng khách, được ngủ giường sắt nệm gòn, được ăn cơm chung với vợ chồng ông Phủ.

Từ nầy con Phục còn cực hơn thêm nữa, nó phải giặt khăn, giặt vớ, giặt áo quần mát cho cậu Hai Hùng; cậu tập cho nó ít lần rồi nó đánh nón, đánh giầy trắng cho cậu nữa.

Cậu Hai có tánh vui vẻ, nói với con Phục thì dùng lời dịu ngọt luôn luôn, cậu hai nói chuyện với nó, mà hễ nói thì cậu cười, năm ba bữa cậu lại cho nó hoặc 5 xu, hoặc một cắc mà đền ơn nó giặt đồ cho cậu. Bởi cậu ở như vậy, nên con Phục cực thêm mà nó không phiền, coi bộ nó lại sốt sắng mà phục sự cậu lắm.

Cậu Hai Hùng ở nhà ông Phủ, ban đêm cậu ngủ một mình trong một cái phòng ở từng dưới; con Phục tuy ngủ từng dưới, song nó nằm trong một cái xép nhỏ ở phía sau, còn vợ chồng ông Phủ với mấy đứa con thì ngủ trên lầu. Đêm nào cũng vậy, lối 9 giờ thì vợ chồng ông Phủ dắt con lên lầu. Cậu Hai thức học khuya, chẳng có bữa nào cậu tắt đèn đi ngủ trước 11 giờ.

Cậu Hai ở được vài tháng. Một đêm nọ, trời mưa dầm dề, giông gió vụt-vụt. Vợ chồng ông Phủ biểu ông Cao đóng cửa rồi dắt mấy đứa con lên lầu. Cậu Hai Hùng ngồi tại bàn viết mà làm bài. Ngoài sân mưa gió ầm-ầm, dầu ở từng dưới la làng, ở trên lầu cũng không nghe. Cậu Hai buông cây viết, cậu lấy một điếu thuốc mà hút, rồi cậu đi nhẹ nhẹ vô phía sau, lại cái xép nhỏ tối mò, chỗ con Phục ngủ đó, cậu kêu mà hỏi rằng: “Phục a, Phục hồi sớm mơi qua đưa cái khăn mu-soa cho em giặt rồi em để đâu em?”

Con Phục dạ và đáp rằng: “Thưa, tôi giặt rồi, tôi xếp tôi để trong giường cậu.

Cậu Hai vừa bước và nói rằng: “Đâu em dậy lấy mà đưa cho qua. Trời mưa muốn sổ mũi”.

Cậu trở ra bàn viết mà ngồi. Một lát con Phục cầm cái khăn đem ra đưa cho cậu. Cậu vói nắm tay nó mà kéo lại một bên cậu. Nó day mặt ngó lên thang lầu, miệng chúm chím, mặt mắc cỡ sượng, nó và trì lại và gỡ tay cậu. Cậu một tay cứ nắm chặt tay nó còn một tay choàng ôm ngang mình nó và hỏi rằng: “Em muốn đội khăn mới hay là muốn xức dầu thơm hôn, qua mua cho”. Con Phục cười và nói nhỏ rằng: “Cậu buông ra. Chú thím tôi hay, phải đòn chết”.

Cậu ôm mà hun hai bên gò má nó. Nó gỡ ra được rồi đi riết vô cái xép mà ngủ.

Tối bữa sau, cậu Hai Hùng cũng ngồi học một lát, nghe trên lầu im lìm, cậu sẻ lén đi vô buồng của cậu mà lấy một cái khăn lụa, một ve dầu thơm cậu mua hồi chiều, cậu lại mở bóp phơi lấy một đồng bạc giấy, rồi cầm hết trong tay mà đi nhẹ nhẹ vô xép con Phục. Bữa nay trời có trăng nên trong cái xép không tối lắm. Mờ mờ cậu thấy dạng con Phục nằm co trên một bộ ván nhỏ. Cậu vừa bước vô thì nó cựa mình, rồi day qua mà ngó, song không hỏi, không nói chi hết. Cậu biết nó thức, cậu bèn ngồi ghé trên bộ ván, nhẹ nhẹ kéo tay nó mà nói nhỏ rằng: “Hồi chiều đi học về, qua ghé chợ Bến-Thành mà mua cho em một cái khăn với một ve dầu thơm đây. Qua cũng cho em một đồng bạc em cất để dành ăn bánh, chừng nào xài hết em nói rồi qua cho nữa”.

Tội nghiệp cho thân phận con gái, nhứt là con gái không có học thức, không hiểu nhơn tình, gặp cái cảnh như vầy thì đâu có trí mà đảm đương chống cự đặng giữ mình tiết trong giá sạch cho được. Nếu la lên, thì sợ xấu hổ, mà lại e còn bị đánh bị chửi nữa, bị đuổi ra khỏi nhà. Muốn năn nỉ xin cậu Hai đừng làm việc quấy cho được. Huống chi phận mình hèn hạ, còn phận cậu sang giàu, cậu có tiền nhiều, cậu bận đồ tốt, cậu học giỏi, cậu nói hay, mấy tháng nay cậu tử tế với mình bây giờ cậu lại mua đồ cho mình nữa, có lẽ nào mình kháng cự mà làm mích lòng cậu.

Có lẽ tại cảnh tình như vậy đó nên con Phục nắm lấy cái khăn, ve dầu và đồng bạc. Cậu Hai Hùng xô nó nằm xít vô trong, rồi cậu nằm với nó, mà nó cũng không chống cự chi hết, để cậu thong-thả muốn thế nào tự ý.

Việc gì cũng vậy, khó tại khởi đầu mà thôi. Đường đi qua một lần, lần sau chẳng con bỡ ngỡ gì nữa; qua đêm sau cậu Hai Hùng học rồi cậu tắt đèn đi ngủ thì cậu đi thẳng vô cái xép nắm tay dắt con Phục qua phòng cậu mà ngủ với cậu, ngủ đến hừng sáng rồi nó mới trở về cái xép của nó. Từ đó về sau cậu Hai cứ làm như vậy hoài, song ban ngày cậu tề tỉnh như thường, cậu nói ngay thẳng, chẳng bao giờ cậu pha lửng.

Con Phục càng ngày càng đổi dáng, bây giờ nó ăn mặc sạch sẽ hơn hồi trước, tóc tai vén khéo hơn, mà nhan sắc coi cũng đẹp hơn. Ông Phủ là đờn ông nên ông không thấy cháu trổ mã sửa dáng. Còn bà Phủ là đờn bà, tự nhiên con mắt bà khác hơn ông, bà dòm thấy con nọ đổi thay dáng thì bà phát nghi, rồi ít tháng sau bà thấy bụng nó ngày càng lớn thì bà càng thêm nghi nữa.

Có lễ, nên các trường cho học sinh nghỉ một tuần. Cậu Hai Võ Phi Hùng về Cái Vồn thăm nhà.

Một đêm bà Phủ biểu Liên Hoa dắt hai em lên lầu mà ngủ trước, bà còn nằm tại bộ ván, chỗ ông hút mà nói chuyện với ông. Chừng sắp nhỏ đi rồi, bà mới nói với ông rằng:

- Tôi coi bộ con Phục sao tôi nghi quá.

- Nghi giống gì?

- Tôi coi bụng nó sao một ngày một lớn in là nó có chửa.

- Nó ở nhà đây hoài, lấy ai được mà có chữa?

- Ông khéo nói! Sao lại lấy trai không được. Mỗi ngày nó đưa rước bầy trẻ, nó muốn lấy trai có gì khó đâu. Mình có theo mà giữ nó đâu nên nó sợ.

- Đưa rước bầy trẻ, nó đi có một lát rồi về, ngày giờ đâu có mà trai gái.

- Sao lại không có. Đưa hay là rước cũng vậy, đây lại đó mà nó đi hơn một giờ đồng hồ. Nó đưa bầy trẻ lại trường, rồi nó ghé nhà nọ nó trai gái, mình biết sao được.

- Mà bà thấy bụng nó lớn thiệt hay sao? Tôi bất ý coi.

- Lớn thiệt đa! Coi như có chửa bốn năm tháng.

- Đâu để mai tôi coi lại coi. Nếu thiệt nó làm việc khốn nạn, lấy trai có chửa, làm xấu hổ cho mình, thì đập đầu nó ra ngoài sân đặng nó đi làm đĩ, chớ chứa nó ở trong nhà nữa mà làm gì.

- Ông đừng có nóng. Việc đâu còn có đó, để thủng-thẳng coi lại coi.

- Thôi để sáng mai tôi coi lại. Nếu thiệt nó có chửa, thì tôi đánh đuổi nó ra khỏi nhà liền.

Qua ngày sau, vợ chồng ông Phủ thức dậy rồi ngồi lại bàn ăn mà ăn cháo lót lòng với mấy đứa con. Con Phục đứng sau lưng cậu Trinh đặng coi chừng múc cháo cho hai cậu nhỏ ăn. Ông Phủ ngó nó một hồi rồi hỏi rằng: “Phục, sao bụng mầy lớn dữ vậy?”

Con Phục lật đật lấy tay che cái bụng, day mặt chổ khác không trả lời.

Bà Phủ Liên Hoa và hai đứa nhỏ đều chong mắt ngó nó. Nó càng thêm khó chịu, nên ứa nước mắt.

Ông Phủ ngồi ăn hết chén cháo rồi ông buông đũa mà nói rằng: “Cha mẹ mầy chết hết, mầy thân sơ thất sở bữa đói bữa no. Thím mầy thấy vậy tội nghiệp nên đem về mà nuôi. Mầy được ấm no lành lẽ rồi lại sanh chứng, mầy khôn nên thì mầy nhờ; mầy dại mầy hư thì mầy chịu, tao không cần gì. Ngặt vì mầy ở trong nhà tao, ai cũng biết mầy là cháu của tao, mầy chửa oan đẻ lạnh như vầy thì còn gì danh giá của tao. Tao nuôi mầy ấm no sung sướng, rồi mầy đền ơn cho tao đó đã đa há? Đồ khốn nạn! Mầy làm xấu cho tao, tao phải đập chết mầy tao mới vừa lòng. Mầy lấy thằng nào có chửa đó, mầy nói cho tao nghe thử coi”.

Con Phục đứng cúi mặt xuống đất, nước mắt chảy ròng ròng, mà cũng làm thinh, không chụi nói tiếng chi hết.

Bà Phủ nói rằng: “Thấy nó ở với người ta cực khổ tội nghiệp nên tôi mang về đây nuôi. Ai dè nó khốn nạn như vầy. Mà cũng phải lắm, cặp con mắt nó đó, không lấy trai sao được. Ông không nhớ hay sao? Bữa tôi rước nó về đó, tối lại thì nó ra đứng đường liền. Cái óc nó là óc làm đĩ mà. Thứ con cháu hư như vậy đó, biểu thương nó thì làm sao mà thương cho được đây, mà mình có giận mình đuổi nó đi, đố khỏi nó ra ngoài rồi nó gieo tiếng oán nó nói mình độc ác”.

Ông Phủ nghe bà nói ông nổi nóng nên ông đứng dậy chạy lại giơ tay muốn bạt tai(#2) con Phục, mà rồi ông không đánh, ông xô cái vai nó và nạt rằng: “Đồ mọi rợ! Mầy giống nào ở đâu, chớ dòng của tao không có hư thúi như vậy! Tao muốn đập chết mầy cho khuất con mắt tao! Mầy lấy thằng nào đâu mầy phải chỉ ra cho tao biết một chút coi”.

Con Phục và khóc thút-thít và nói rằng:

“Cậu Hai lấy tôi!”

Ông Phủ đương nóng nảy, mà bốn tiếng nói nhỏ nhỏ ấy vừa bay ra thì làm cho lòng ông lạnh ngắt. Ông đứng xuôi xị, day lại ngó bà, không biết nói sao được.

Bà Phủ biến sắc, môi tái xanh, bà dùng đứng dậy gọn-gàng, bà bước lại hỏi con Phục rằng:

- Mầy nói, mầy lấy cậu Hai mà cậu Hai nào?

- Cậu Hai ở trong nhà nầy đây.

- Hả! Mầy nói sao? Cái léo mẹ tiên tổ mầy, mầy hư, mầy thúi, mầy làm đĩ lấy trai ở đâu, cho có chửa bụng thè-lè, rồi bây giờ mầy nói xáng-xả cho cháu tao hả? Cháu tao như rồng như phụng, còn mầy là quân ăn mày, mầy rửa đít cho nó cũng chưa được, sao mầy dám nói như vậy?

Bà Phủ và nói và xỉ vào trong mặt Con Phục, nó sợ quá nên đưa hai tay bụm mặt. Bà giận, bà bèn giựt cây chổi lông gà máng theo cây cột gần đó, bà áp đập loạn đả trên đầu trên vai nó. Con Phục vụt chạy vô trong mà tránh đòn. Bà Phủ và rược theo và mắng rằng: “Đồ đĩ chó! Mầy phải đi ra khỏi nhà tao liền bây giờ đây. Đi, đi cho mau, tao không chứa nữa.”

Con Phục chạy vô cái xép, chỗ nó ngủ mà trốn. Bà Phủ vô theo và bà nói rằng: “Lột đôi bông tai với chiếc đồng trả lại đây, rồi trả lại mau. Tưởng mầy tử-tế thì cho đeo vòng, đeo bông, chớ mầy khốn nạn như vầy thì không cho giống gì hết. Mau cởi đồ trả lại đây mau”.

Con Phục cởi chiếc đồng với đôi bông giao lại cho bà. Bà lấy đồ ấy bỏ vào túi, rồi và bước ra và nói rằng: “Mầy gói áo gói quần mà đi ra khỏi nhà tao lập tức. Mầy còn ở nán thì tao đánh mầy chết, nói cho mà biết. Tao cho áo quần đó là phước đức của mầy lớn lắm, lẽ thì tao lột trần lột truồng mầy mới vừa bụng tao”.

Bà Phủ ra ngoài trước uống nước, rồi ngồi lại bộ ván mà ăn trầu, bộ bà còn giận lắm. Bà thấy ông Phủ đương đốt đèn sửa-soạn mâm hút, bà nói rằng: “Ông thấy hôn! Tôi làm phước cho cháu ông, tôi rước nó về tôi nuôi, bây giờ nó trả ơn cho tôi đó! Quân khốn nạn thiệt! Rau nào sâu nấy, cha mẹ nó như vậy, lại sanh nó như vậy phải lắm”.

Ông Phủ ngồi chùi ống hút, ông nín khe, không nói một tiếng.

Cách một hồi, con Phục xách một gói áo quần ở trong bước ra, nước mắt, nước mũi chàm-ngoàm. Nó bước lại đứng ngay trước mặt ông Phủ và xá và nói răng: “Thưa, chú ở lại mạnh giỏi, cháu đi”. Ông Phủ gầm đầu ngó mâm hút ông không nói chi hết. Con Phục trở lại xá bà Phủ rồi đi ra cửa.

Liên-Hoa đứng ngó theo miệng chúm-chím cười.

Cậu Trinh cũng đứng ngó mà bộ cậu buồn lắm.

Trông theo cậu thấy con Phục cậu chiụ không được hay sao, nên chừng con nọ xách gói bước xuống thềm thì cậu kêu mà hỏi rằng: “Chị Phục, chị đi thiệt hay sao?”

Con Phục day lại, lấy vạt áo lau nước mắt, rồi lầm-lủi ra cửa ngõ mà đi tuốt.

Chú thích:

(1-) nệm

(2-) đánh vào tai

CHƯƠNG 4 - CHỈ PHẢI VẠCH QUẤY

T

uy con Phục lên ở đất Saigon đã hai năm rồi, nhưng mà ngày như đêm nó mắc làm tôi mọi, được ra khỏi nhà là lúc đưa rước hai cậu nhỏ đi học mà thôi, chớ không được đi chơi đâu hết. Đường sá thì nó biết có khúc đường từ nhà ông Phủ Tăng lại trường học Cầu kho. Thân tộc thì trừ ông Phủ ra, nó chẳng có bà con nội ngoại xa gần nào khác nữa.

Nay bị đánh đuổi nó phải đi, mà ra ngoài đường rồi nó bối-rối không biết phải đi đâu. Vì nó quen khúc đường lại Cầu kho, nên nó thủng-thẳng đi lại đó.

Còn lễ, học-trò chưa đi học, nhà trường đóng cửa vắng hoe. Con Phục để cái gói trên lề đường Galliéni rồi ngồi khoanh tay một bên đó. Lúc ấy đã 9 giờ sớm mơi, trời nắng gắt. Nó bèn mở gói lấy cái khăn lụa trắng của cậu Hai Hùng mua cho nó đó mà đội đặng che nắng. Mặt nó buồn mà nó đội cái khăn lên thì gương mặt nó có cái vẻ thiên chơn nghiêm nghị, coi đẹp đẽ vô cùng.

Đường Galliéni hồi đó chưa có xe-điện chạy, chỉ có xe hơi, xe kiếng với xe kéo mà thôi. Nó ngồi ngó xe qua lại rồi bồi hồi không biết đi đâu. Phải trở về Cai-lậy chăng? Về lạy vợ chồng Cai-tuần Kim mà xin cho ở lại. Nghe nói đi Cai-lậy thì đi xe lửa xuống Mỹ tho rồi đi bộ về Cai lậy được. Con Phục thò tay vô túi móc tiền của cậu Hai cho ăn bánh đó đem ra mà đếm, thì còn có năm cắc hai xu, làm sao mà đi xe lửa được. Phải chờ cậu Hai lên mà tỏ công việc cho cậu Hai nghe rồi xin tiền cậu về mới được. Mà nghe nói lễ nghỉ học, cậu về Cái-vồn một tuần rồi cậu mới lên. Bây giờ biết ở đâu mà chờ cậu.

Con Phục ngồi suy nghĩ tới đó rồi nó sực nhớ nó có quen với chị Ba Có, là chị bán chè. Chị hay rủ nó ra nhà chị chơi. chị chỉ nhà chị ở cầu Rạch-Bần, ra tại cầu đó hỏi thì ai cũng biết. Nó tính đi kiếm nhà chi Ba Có mà xin ở đậu ít bữa chờ cậu Hai lên xin tiền rồi sẽ về Cai-Lậy.

Nó bèn xách gói đi dài theo đường Galliéni hỏi thăm họ mà ra cầu Rạch Bần, đi dọc đường nó thấy ai ngó nó cũng mắc cỡ, nên để cái gói trước bụng hoài. Ra tới cầu Rạch Bần, nó thấy trước dãy phố lá có một bà già ngồi đút cơm cho một đứa nhỏ ăn. Nó bèn ghé mà hỏi thăm nhà chị Ba Có.

Bà già chau mày ngó nó rồi lại hỏi nó rằng:

-Hỏi thăm Ba Có nào?

-Chị Ba Có bán bánh canh chè đậu đó mà.

-À, ạ! Nó không có ở đây nữa. Nó có chồng rồi dọn nhà đi đã bảy tám tháng nay lận mà.

Con Phục nghe nói như vậy thì buồn hiu. Biết có một mình chị Ba Có, mà chị lại không còn ở đây nữa, bây giờ còn biết nương dựa với ai! Nó đứng ngơ-ngáo rồi hỏi bà già rằng:

-Không biết chị Ba Có dọn nhà đi ở chỗ nào đâu bà há?

-Nó dọn ra ngoài kia. Kiếm con Có chi vậy? Có bà con với nó hay không?

-Thưa, tôi không có bà con, chị em quen biết lâu, hồi trước chỉ chỉ nhà cho tôi và biểu tôi có rảnh ghé chơi. Tôi kiếm thăm chỉ, chớ không có chuyện chi hết. Bà biết chỉ dọn nhà ở chỗ nào, xin bà làm ơn chỉ dùm cho tôi.

-Phải kiếm nó mà đòi tiền hay không?

-Thưa, không. Tôi đâu có tiền cho chỉ mượn mà đòi.

-Ờ, nếu không phải đòi tiền thì ta chỉ dùm cho, bởi vì nó hung lắm, nếu chỉ nhà cho người ta đòi tiền nó thì nó vô nó chửi mắng nát. Nó có chồng rồi mướn phố ở ngoài đường Luovani.

-Đường đó ở chỗ nào đâu bà?

-Không biết hay sao? Đây đi thẳng ra Bến-Thành, đi một đỗi gặp cái ngả tư. Cái đường ngang đó là đường Luovani. Quẹo qua ngả tay mặt thấy có một dãy phố ngói chừng vài chục căn. Con Có ở nhằm căn thứ ba.

- Cháu cám ơn bà. Thôi, để cháu đi kiếm thử coi.

Con Phục từ giã bà đi. Thiệt quả nó đi một lát thì gặp ngả tư, nó quẹo qua tay mặt, có một dãy phố dài, nó đếm đến căn thứ ba, rồi đứng ngoài lộ ngó vô coi có thấy chị Ba Có hay không.

Một lát, Chị Ba Có ở phía sau đi ra trước, bận áo dài bằng lụa trắng, bận quần lãnh đen, chơn mang guốc, mặt mày sạch sẽ, tóc tai vẻn-vang, chớ không phải u xù như hồi bán chè vậy. Con Phục ngó thấy thì mừng quýnh, nên kêu: “Chị Ba” rồi xâm-xâm đi vô cửa.

Ba Có thấy nó thì chưng hửng(#1), nên nói lớn rằng: “Ủa em! Dữ hôn, từ hồi đó đến giờ mới chịu ghé nhà chị đa. Ai chỉ cho em biết chị ở đây mà em lại?”

Con Phục lột khăn và để cái gói trên bàn rồi cười mà đáp rằng:

-Em ghé trong cầu Rạch-Bần em kiếm, nhờ họ chỉ nên em mới biết mà kiếm ra đây.

- Em đi đâu mà có gói đồ đó?

- Em thôi ở dưới chú thím em rồi. Chú thím em đánh đuổi nên em mới đi đây.

- Sao vậy?

Con Phục mắc cỡ nên không trả lời. Nó thấy có bầu nước lạnh với cái ly để trên bàn nó bước lại rót nước mà uống. Ba Có kéo ghế ngồi têm trầu mà ăn và nói rằng:

- Em được ra khỏi nhà đó là em có phước lớn. Thứ làm mọi mà không ơn mà ở làm gì.

- Em nghĩ thiệt chị nói trúng lắm: làm mọi mà không ơn.

- Mội lần qua thấy em có đeo đôi bông tai với chiếc đồng sau đâu mất rồi? Bộ họ đuổi mà họ còn lột đồ lại hay sao?

- Phải a, thím em lột lại hết.

- Nhỏ mọn quá! Mà tại sao đuổi em vậy?

Con Phục chau mày, thở ra, đứng suy nghĩ một hồi rồi vụt nói rằng: “Nói em lấy trai có chửa, làm xấu làm hổ nên đánh đuổi em”.

Ba Có ngó mặt và ngó bụng con Phục rồi nói rằng:

-Mà thiệt em có chửa mà. Em trai gái với ai vậy?

- Cậu Hai lấy em chớ ai. Tại em khai thiệt, thím em giận, mới đánh đuổi em đó.

- Cậu Hai nào?

- Cậu Hai Hùng là cháu kêu thím em bằng cô, cậu ở đậu trong nhà mà đi học.

- Cậu lấy em có chửa, rồi bây giờ đổ bể cậu không tính gì hết sao?

- Lễ nghỉ học, cậu về Cái-Vồn thăm nhà, không có ở trên nầy.

- Chừng nào cậu lên?

- Nghe nói nghỉ trọn một tuần lễ, bữa nay mới có 3 bữa.

- Chừng cậu lên cậu phải tính sao mới được chớ. Lấy người ta có chửa rồi làm lơ, người ta lôi lưng chớ. Mà tại sao ở trong nhà, mà cậu Hai lấy em cho tới có chửa mà không ai hay, đâu em đọc công chuyện cho qua nghe thử coi.

Con Phục tuy quê mùa thiệt-thà, nhưng mà nó cũng có liêm sĩ, nó cũng biết làm thân con gái chẳng có chi quí giá bằng cái trinh tiết, bởi vậy nó nghe Ba Có hỏi tới chuyện nó ân ái với cậu Hai hùng thì nó hổ thẹn, cúi mặt xuống đất, rưng-rưng nước mắt. Ba Có thấy vậy bèn nói rằng: “Qua thấy em qua thương cũng như em ruột của qua vậy. Em còn nhỏ dại, có việc gì em phải tỏ thiệt cho qua biết đặng qua chỉ chỗ dại khôn cho. Chị em mà mắc cỡ nỗi gì?”

Phận con Phục mồ côi, thuở nay buồn hay là vui, ức-uất hay là đắc ý, nó không biết tỏ với ai. Nay nó nghe mấy lời dỗ về êm-ái của Ba Có, thì chẳng khác nào cây khô gặp nước mưa, bởi vậy nó kéo ghế ngồi gần Ba Có rồi khì-khầm(#2) thuật hết công chuyện cho Ba Có nghe. Nó nói ban đầu cậu Hai Hùng ở tử tế với nó làm sao, cậu mua cho nó vật gì, cách cậu làm sao mà được nó, nó nói không sót mảy-múng nào hết.

Ba Có nghe rõ đầu đuôi, chị ta ngồi suy nghĩ một hồi lâu rồi hỏi rằng:

- Cậu Hai đó giàu hôn? Con của ai ở đâu vậy?

- Cậu là cháu kêu thím em bằng cô ruột. Nghe nói cậu là con của ông Hội đồng gì ở dưới Cái-Vồn không biết, thế khi cha mẹ cậu giàu, nên cậu ăn mặc sung sướng lắm.

- Cậu trai gái với em mà cậu có thề thốt cậu sẽ cưới em hay không?

- Cậu không có nói tới cái đó.

- Cậu không có hứa làm vợ chồng với em hay sao?

- Không có.

- Em dại quá. Nếu cậu muốn em, thì em phải muốn làm khôn mà buột cậu cho chắc chớ. Để cho người ta lấy trước rồi buột sao được. Cậu hay em có chửa hay không?

- Hôm trước em có nói với cậu.

- Em nói rồi cậu có tính lẽ nào không?

- Cậu nói em nói bậy, chớ giống gì mà có chửa. Coi cậu tưởng em nói gạt cậu.

- Thằng điếm chó! Lấy người ta có chửa rồi muốn làm lơ đa!

Ba Có bước ra cửa nhả bã trầu rồi trở vô hỏi nữa rằng:

- Bây giờ em muốn làm sao đây?

- Em có biết làm sao đâu. Em lỡ dại thì em phải chịu. Em tính kiếm chị đặng xin chị làm ơn cho em ở đậu ít ngày chờ cậu Hai lên, em xin cậu ít đồng bạc đặng đi xe về Cai lậy.

- Ý! cái gì mà xin ít đồng bạc! Sao em khờ quá vậy? Đền cái danh giá cho em ít nào cũng phải năm ba trăm mới được chớ. Mà em về Cai lậy làm giống gì? Có bà con anh em gì ở dưới hay sao?

- Em mồ côi cha mẹ, chỉ có chú em đó mà thôi, chớ không có bà con nội ngoại nào khác nữa hết.

- Vậy thì em về Cai lậy ở với ai?

- Em tính trở về ở với cậu Cai-tuần Kim.

- Có bà con hay không?

- Không. Hồi má em mất, vợ chồng cậu ở gần, thấy phận em bơ-vơ thì thương nên đem về nuôi, sau thím em xuống kiếm em mà bắt em về trên nầy đó.

- Không có bà con mà trở về đó sao được. Hồi nào được người ta ở tử-tế, em không thèm ở dưới người ta, lại bỏ đi theo bà Phủ, bây giờ mang bụng chửa trở về, ai mà chiụ chứa.

Con Phục nghe câu đó thì biết lỗi, nên ngồi khóc ròng.

Ba Có để cho nó khóc một hồi cho bớt cái uất ức rồi nói rằng: “Em tính trở về Cai lậy thì sái lắm. Thân con gái duy có trinh tiết là trọng hơn hết. Cha mẹ em dầu giàu dầu nghèo cũng vậy, bề nào cũng có danh giá trong xóm trong làng. Nay cha mẹ em mất rồi, em bỏ xứ mà đi, lại lấy trai có chửa, nếu em trở về trong làng, chi cho khỏi thiên-hạ chê cười em là gái hư, mà họ lại cười đến cha mẹ em nữa, họ nói cha mẹ em bạc đức nên con cháu mới làm đĩ lấy trai hư như vậy. Qua tưởng em về Cai lậy thì mang xấu, chớ không ai thương yêu đâu mà về”.

Con Phục nghe lời cắt nghĩa như vậy, nó tủi phận, nên càng khóc hơn nữa. Nó nói bệu-bạo rằng : ”Nếu em về Cai Lậy không được thì em phải chết, chớ biết đi đâu bây giờ”.

Ba Có cười mà đáp rằng:

- Chuyện gì mà phải chết? Chết đâu cho uổng vậy.

- Vậy chớ em biết làm sao?

- Ở đây với qua. Tuy qua nghèo mà qua tốt lắm, tuy qua không có bà con, mà qua biết thương em, chớ không phải như vợ chồng ông Phủ vậy đâu. Em thấy thiên hạ hay chưa hử? Họ giàu sang, họ ở nhà tốt, họ ngồi xe hơi, bề ngoài coi hực hỡ, mà trong ruột họ không ra khỉ gì hết. Cái đời nầy là đời khốn nạn, đời trọng bạc tiền, khinh nhơn nghĩa. Hễ có tiền dù quấy cũng tốt cũng sang, hễ không có tiền dầu phải cho mấy đứa đi nữa cũng không ra gì. Qua nói cho em biết, hồi nhỏ qua có học chữ nho bốn năm rồi qua học chữ quốc ngữ ba năm nữa. Qua không phải là con ngu dại, mà bị cái đời khốn nạn đó nên thân qua mới ra như vầy. Qua oán thiên hạ hết thảy, qua nói thiệt, trừ ra người nào qua thương thì thôi, kỳ dư qua quyết lắt túi gọt đầu họ hết thảy. Nếu qua chưa làm cho thỏa chí ấy là tại trời, phật không giúp, chớ không phải tại qua không muốn đâu. Qua phải trả thù cho bằng được rồi qua sẽ ăn chay niệm phật.

Ba Có nói tới đó, mặt đỏ phưng phừng, bộ giận dữ lắm. Chị ta têm trầu ăn nữa, rồi tay xỉa thuốc ngoai rạch mà nói tiếp rằng: “Em nghĩ đó mà coi, như phận em côi cút, may lại có một ông chú giàu sang, ở nhà lầu nguy nga, làm tới chức ông phủ. Lẽ thì khi cha mẹ em còn sống, chú em phải ân cần bảo-bọc cho cha mẹ em làm ăn, chừng cha mẹ em khuất rồi phải đem về mà nuôi dưỡng, cho em ăn học, rồi chừng em khôn lớn kiếm chỗ tử tế gả em lấy chồng. Cái nầy khi cha mẹ em còn sống, chú em không ngó ngàng tới, chừng cha mẹ em khuất, cũng không cần tới em. May thím em có dịp đi Cái Vồn về ghé hỏi thăm chơi, ngó thấy em sạch sẽ lại nghĩ trong nhà thiếu đầy tớ gái, mới làm bộ thương yêu, nói rước em về nuôi. Hử! nuôi giống gì vậy! nuôi sao lại bắt giặt đồ, bắt súc ống nhổ, bắt đấm lưng bóp cẳng, bắt đưa rước con đi học. Đó là mướn đày tớ mà khỏi trả tiền, chớ nuôi giống gì. Đã vậy chú thím của em nuôi thằng cháu trong nhà, không lo dạy dỗ nó, để cho nó phá duyên con gái nhà nghèo. Lẽ thì chừng nghe câu chuyện như vậy đó, thím em phải rầy cháu rồi phải tính thế nào với em cho vuông tròn, chớ có đâu lại áp chế, đánh đuổi em đi cho nhẹm việc. Việc nầy nhiệm(#3) được hay sao. Còn cậu Hai đó, cậu lại khốn nạn nữa. Cậu là con nhà giàu sang, cậu lấy đồng tiền mà choá mắt bịt miệng em là gái nghèo khổ. Cậu trai gái với em tới em có chửa mà cậu lại làm bộ không tin. Rõ ràng cậu là một con quỉ sanh ra đặng phá trinh phá tiết của con gái thiệt thà, chớ không có liêm sĩ chi hết. Em thấy hay chưa? Chú thím của em tuy giàu sang, ngoài mặt làm bộ coi nhơn nghĩa lắm, mà sở hành thì độc ác chớ có nhơn nghĩa chi đâu. Còn cậu hai Hùng tuy cậu học giỏi, song việc của cậu làm có giống sách của cậu học đâu. Đời khốn nạn như vậy đó, chẳng phải chú thím của em hay cậu hai Hùng mà thôi đâu, phần nhiều thiên hạ đều như vậy hết thảy, họ giả nhơn nghĩa để giết người ta, họ dùng học thức để lừa kẻ dại. Thôi em đừng có buồn, ở đây qua nuôi. Em đừng có ngại qua chẳng phải như chú thím của em, nuôi em đặng bắt làm tôi mọi đâu. Qua nuôi em thì qua phải làm cho em được giàu sang cho tụi nó ghê qua mới nghe; mà ví dầu không được giàu sang bằng chúng nó, thì ít nữa em cũng được sung sướng tấm thân”.

Con Phục ngồi nghe Ba Có chỉ chỗ phải vạch chỗ quấy chẳng khác nào như soi lòng tợ mở trí cho nó, bởi vậy chừng Ba Có nói dứt lời thì nó đáp rằng:

- Chị thương em, chị chỉ chỗ khôn dại cho em hiểu, thì em mang ơn chị đã nhiều rồi. Chị còn bảo em ở đây với chị cho chị nuôi, thiệt em ái ngại quá.

- Ái ngại nỗi gì?

- Chị không phải bà con, mà chị cũng không giàu có, cho em ở đây thì tốn hao cho chị. Em mạnh giỏi thì em làm công việc cho chị mà ăn cơm, chẳng nói làm chi rồi chừng em đẻ mới biết làm sao.

- Khéo lo dử hôn! Qua nghèo thiệt, song đủ cơm nuôi em mà. Chừng em đẻ thì qua cũng nuôi, có sao đâu mà sợ. Qua bây giờ khá mà, qua có chồng rồi, em hay hôn?

- Hồi nãy em đi kiếm chị trong cầu Rạch Bần, em nghe họ nói chị có chồng rồi.

- Ờ qua có chồng rồi. Anh Ba của em làm thầy ký kho cho nhà thuốc ngoài Catinat, ăn lương tới 80. Anh Ba của em trưa về đây ăn cơm nghỉ trưa, rồi chiều về nhà trên Chí Hoà. Ảnh có nhà, có đất, có nuôi ngựa đua nữa. Chị lớn ở trển với 3 đứa con, còn ảnh mướn căn phố nầy cho qua ở, ảnh về đây có buổi trưa mà thôi.

- Té ra ảnh có vợ lớn hay sao?

- Ừ, mà chị đó sợ ảnh lắm; qua làm bé chớ chỉ không dám nói động tới qua. Để trưa anh Ba em về đây, em là em bạn dì với qua nghe hôn.

- Chị chứa em trong nhà, ảnh rầy hôn?

- Rầy cái gì? Ảnh tử tế lắm mà. Để trưa ảnh về đây cho em coi. Thôi, em đem gói đồ vô cất trong buồng, rồi đóng cửa ra sau bếp phụ nấu cơm với chị. Nè, mà cậu Hai Hùng bữa nào lên?

- Hết lễ, rồi cậu mới lên đặng đi học.

- Được. Để bữa nào thấy học trò đi học rồi qua sẽ dắt em đi đón cậu. Cậu phá trinh tiết của người ta, cậu làm cho người ta có chửa, thì cậu phải tính lẽ nào, chớ cậu làm lơ có được đâu. Em phải chỉ cậu cho qua biết mặt đặng qua nói chuyện với cậu. Nếu cậu nói lôi-thôi, qua kéo lưng chớ phải chơi sao.

Con Phục cất gói áo quần, rồi chị em hiệp nhau làm cá nấu cơm.

Chú thích:

(1-) ngạc nhiên

(2-) thì thầm

(3-) nhẹm

CHƯƠNG 5 - DỨT TÌNH

T

hiệt tình, Ba Có làm bé thầy Khuyên đã bảy tám tháng rồi. Thầy đã 48 tuổi, còn Ba Có mới 35 tuổi. Thầy chơn-chất hiền lành, còn Ba Có thì giòn-giã lanh-lợi, bởi vậy thầy cưng vợ nhỏ, không cho bán chè-đậu bánh-canh nữa, mướn phố ngói cho ở, lại cho tiền ăn xài phủ phê.

Đến trưa thầy Khuyên cỡi xe máy về ăn cơm. Ba Có dắt con Phục ra trình diện, nói rằng nó là em bạn dì, chồng bỏ mà lại có chửa, không nơi nương tựa, nên đến xin ở đậu. Thầy Khuyên gặc đầu nói rằng: “Em út nó nghèo mình phải nuôi nó chớ sao. Để nó ở với mình cho có bạn mình đi đâu thì nó coi nhà. Được lắm đa.”

Con Phục thấy tánh tình thầy tử-tế mà lại vui-vẻ, thì hết ái ngại nữa.

Cách ít ngày Ba Có đi chợ về, mới bước vô cửa thì kêu Con Phục mà nói rằng: “Em Hai a, bữa nay học trò đi học. Vậy thì sáng mai chị em mình thức dậy sớm đặng cùng nhau đi đón cậu Hai. Em biết thường cậu đi học cậu hay đi đường nào?”

Con Phục nghe nhắc tới cậu Hai thì nó hổ thẹn, nên làm thinh một chút rồi đáp rằng:

- Mỗi lần đi học em thấy cậu đi lên đường phía trên nghe họ kêu đường Ô-Ma-Ô-Qủi gì đó.

- Biết rồi. Đường trên đó là đường Ô Ma. Mà thường bữa cậu đi xe hơi hay xe kéo?

- Cậu đi xe máy.

- Vậy thì dễ lắm. Thường thì cậu đi giờ nào? Về giờ nào?

- Sớm mơi đúng 7 giờ cậu đi tới 11 giờ cậu về. Buổi chiều gần 2 giờ cậu đi, còn bận về không chừng, bữa về sớm, bữa về tối.

- Buổi chiều đón không tiện, bởi vì thầy Ba quá 2 giờ rưỡi thẩy mới đi làm, 2 giờ mình đi không được. Để mình đón buổi sớm mơi. Qua dặn trước em, hễ gặp cậu Hai em phải làm mặt giận cho hung, em nói em có chửa, em buộc cậu phải tính cho vuông-tròn, không thôi thì em kéo lưng cậu. Em phải nói cho gắt, rồi qua tiếp qua nói cho. Nếu cậu nói lôi-thôi, em phải mắng miết cậu mới được.

- Nói nặng sợ cậu giận cậu đánh chớ.

- Cha chả! Gan trời đa! Có qua đó chi. Cậu giỏi cậu đánh còn khá hơn nữa. Em đừng sợ gì hết. Phải nói cho hẳn-hoi đặng cậu sợ cậu mới nuôi em ăn mà đẻ chớ.

- Khó nói quá; em không quen nên không biết nói sao được.

- Như em không biết nói, thì em cứ làm mặt giận, em buột cậu phải cưới, rồi qua tiếp qua nói cho.

- Ừ, chị phải tiếp với em mới được.

- Chớ sao.

Sáng bữa sau, mới 6 giờ thì Ba Có đã dắt con Phục lên đường Ô Ma đi thơ thẩn mà đón cậu Hai Hùng, thấy ai đi xe hơi cũng ngó chừng coi có phải cậu Hai Hùng hay không. Lối 7 giờ có một người bận đồ tây trắng, cỡi xe máy, ở trong đường Nguyễn Tấn Nghiệm chạy ra. Con Phục đứng ngó rồi nói rằng: “ Cậu Hai kia!”

Ba Có đứng giữa đường, chừng xe máy cậu Hai chạy gần tới thì chị ta kêu mà nói rằng: "Cậu Hai, Cậu Hai, ghé đậu cho tôi hỏi thăm một chút”.

Cậu Hai Hùng thấy con Phục thì cậu biến sắc, phần Ba Có chàng-ràng trước cái xe, cậu lính- quýnh đạp không được, nên cậu nhãy xuống rồi kéo cái xe vô lề đường.

Ba Có thấy con Phục đằng xa mà khóc, bèn kêu mà nói: “Lại đây em, lại nói chuyện chớ, sao đứng đẳng”

Con phục lấy vạt áo lau nước mắt và men-men đi lại. Nó không nói chi hết, mà cậu Hai cũng đứng làm thinh. Ba Có thấy vậy bèn nói với cậu Hai rằng: “Con Phục là em của tôi. Nó là con của dì tôi hồi trước. Nó khờ dại, cậu dụ dỗ trai gái làm cho nó có chửa. Ông Phủ, bà Phủ giận lột đồ đánh đuổi nó đi. Bây giờ nó bơ-vơ, không chỗ ở, không cơm ăn, phần thì thiên-hạ chê cười nữa. Việc nầy cậu tính lẽ nào xin cậu nói cho tôi biết; chớ nó buồn rầu, nó đòi tự vận ngày một, cậu muốn làm lơ, cậu để cho nó chết hay sao.

Cậu Hai Hùng bối-rối trong trí, mà cậu thấy những người đi đường, dầu đi qua hay đi lại, ai cũng dòm ngó cậu, cậu mắc cỡ, nên cậu cúi mặt xuống đất và nói nhỏ nhỏ rằng: “Tôi có biết chuyện gì đâu mà tính”.

Ba Có trợn mắt hỏi rằng: “Cậu nói sao? Cậu lấy em tôi có chửa, rồi bây giờ cậu muốn chối hả? Ê! chuyện nầy không phải dễ đâu. Cậu phải tính cưới nó, hoặc cậu phải nuôi nó, chớ cậu lôi thôi, tôi biểu nó lôi lưng cậu xuống bót cho cậu coi”.

Người đi đường nghe Ba Có nói lên giọng thì đứng lại mà coi.

Ba Có không ái ngại chi hết, chị ta nói tiếp rằng :” Cậu là con nhà giàu, cậu lại có học thức nữa, cậu phải biết nhơn nghĩa chớ. Cậu còn nhỏ mà cậu chơi đoản hậu quá, thì cậu làm nên sao nổi. Cậu phải suy nghĩ lại. Em tôi khờ dại, bây giờ tôi phải rước nó về mà nuôi. Nhà tôi ở trên đường Louvain, căn thứ 3. Tối nay cậu phải ra đó cho tôi nói chuyện cho cậu nghe. Tôi nói cho cậu biết, nếu tối nay cậu không ra thì sáng mai tôi biểu nó đón kéo cậu cho cậu mang xấu, tôi không vị tình nữa”.

Cậu Hai mắc cỡ quá, cậu cười ngỏn-ngoẻn, và dắt xe máy mà đi. Ba Có kéo con Phục đi theo và nói láp dáp rằng: “Gặp chồng mà nó cứ đứng khóc, không biết nói tiếng chi hết. Con tệ quá!”

Cậu Hai leo lên xe máy đi, không nói chi hết, mà cũng không từ giã, Ba Có kêu mà nói vói rằng : “ Tối cậu ra hay không cậu Hai. Chị em tôi chờ đa”. Cậu Hai đạp xe máy chạy tuốt, Ba Có cười và nói rằng: “Câụ nầy đẹp trai há. Bộ thiệt-thà. Qua thấy vậy qua mới hăm doạ cho cậu sợ. Để tối cậu ra nhà rồi mình sẽ bơm ngọt cậu lại. Cách mình buột người ta, thì phải làm như vậy. Ban đầu phải nói gắt cho cậu kiêng nể, rồi sau đó ngọt cậu mới dính. Để qua o bế xuôi cậu về nhà xin tiền nuôi em. Em bất nhơn quá! Qua đã có dặn rồi, mà sao gặp cậu em không làm giận được, em không nói chi hết, cứ đứng khóc hoài”.

Con Phục đáp rằng: “ Thấy cậu Hai, em mắc cỡ quá, nên nói không được”.

Ba Có cười và nói rằng: “Bụng chành-ành còn mắc cỡ nổi gì! Ở đời phải cho lanh lợi mới được, khi phải làm bộ giận, khi phải làm bộ mừng, khi phải làm bộ buồn, khi phải làm bộ vui. Gặp cảnh nào thì mình phải làm cảnh ấy thì mới nên việc. Em giàu hay nghèo, sướng hay cực là tại cơ hội nầy đa, nói cho em biết”.

Hai chị em dắt nhau đi thẳng ra chợ Bến-Thành mua đồ đặng về nấu cơm.

Tối bữa ấy Ba Có đợi tới 10 giờ mà không thấy cậu Hai Hùng ra. Chị ta biểu con Phục đóng cửa đi ngủ và nói lẩm bẩm rằng: “ Thằng điếm thúi nầy muốn chết. Để sáng mai rồi mầy coi tao”.

Sáng bữa sau Ba Có dắt con Phục đi đón cậu Hai Hùng nữa, lại dặn nó, hễ gặp thì néo kéo cậu, làm cho vỡ-lở ra tới bót tới toà thì có chị ta, không sao đâu mà sợ. Hai chị em đứng chỗ hôm qua mà đón tới 8 giờ rưỡi, song không thấy tăm dạng cậu, nên phải bỏ mà đi chợ. Đến 10 giờ Ba Có mắc lo nấu cơm, nên sai con Phục đi đón một mình dặn nó hễ gặp thì níu, buộc cậu phải cho tiền ăn đẻ. Con Phục đón tới 12 giờ mà không thấy cậu Hai đi học về. Bây giờ nó mới biết giận, nên xế nó đi đón nữa, đón tới chiều tối mà không gặp cậu đi học buổi chiều, lại cũng không thấy cậu đi học về.

Ba Có nghi cậu Hai sợ gặp nên trốn đi ngả khác, chị liền biểu con Phục đón thử đường Galliéni, con Phục nghe lời, bữa thì đón đường Ô Ma, bữa thì đón ngả Galliéni, đón tới 2 tuần lễ mà cũng không gặp được.

Một buổi sớm mơi, con Phục đi đón về, vừa bước vô nhà thì nó khóc mà nói với Ba Có rằng:

- Chị nói nó là thằng điếm thúi, thiệt quả rồi chị ôi!

- Hả? Em nói ai là điếm thúi?

- Cậu Hai Hùng đó chớ ai.

- Sao vậy?

- Nó trốn mà đi Tây đã năm sáu bữa rày rồi.

- Sao em biết? Ai nói với em?

- Em mới gặp ông già Cao là người bạn của chú thím em, ổng nói em mới hay.

- Ổng nói làm sao?

-Ổng nói hôm lễ rồi nó lên học có một hai bữa gì đó, kế nó đi xe hơi với thím em về Cái Vồn xin giấy xin tờ. Nó ở dưới sáu bảy bữa, rồi trở lên sửa soạn xuống tàu đi Tây mà học. Nó đi đã năm sáu ngày rồi.

- Phãi rồi, mình đón gặp nó lần đầu, nó thất kinh không dám đi học nữa, nên tính đi Tây mà học đặng khỏi gặp mình chớ gì. Hèn chi hổm nay em đón đường nào cũng không thấy hết. Đồ khiếp-nhược quá! Ăn ở như vậy học làm sao cho nên được.

- Quân khốn nạn thiệt.

- Em thấy hay chưa? Họ giàu sang, họ học giỏi, họ ở ăn như vậy đó. Mình nghèo, họ nhìn bà-con là họ muốn mình làm mọi cho họ, chớ không phải nhìn đặng họ bảo bọc làm nên cho mình. Mình là con gái, họ muốn mình là họ muốn làm cho phỉ tình-dục của họ, mình dại để cho họ lấy thì mình chịu, dầu có chửa có nghén cũng thây kệ mình, họ đã không biết lo chuộc cái tội họ phá trinh tiết mình, mà họ cũng không kể gì đến máu thịt của họ, là đứa nhỏ ở trong bụng đó. Qua thấy cái đời như vậy nên qua oán thiên hạ hết thảy. Thiệt cách 10 năm trước qua thối chí, qua muốn cạo đầu lên núi lập am ở mà tu, đặng đừng có thấy những điều bất nhơn bất nghĩa, những việc nhơ-nhuốc tồi bại của thế gian-nữa. Mà rồi qua nghĩ nếu mỗi người thấy cử chỉ đê tiện của thế gian thì giận rồi bỏ mà đi tu hết dường ấy thì còn ai mà vạch chỉ những thói đê tiện ấy cho người đời biết mà sửa đổi tánh-tình. Bởi qua nghĩ như vậy nên qua còn ở đây, ở đặng mà vạch mắt ngoáy tai người đời, ở mà răn dạy trừng-trị thiên hạ. Vợ chồng ông Phủ vô nhơn nghĩa, em chống mắt mà coi qua răn dạy. Cái cậu Hai Hùng vô liêm-sĩ, em yên lòng mà chờ qua trừng trị. Hễ vay thì phải trả, nợ đời không thể nào trốn chạy nữa đâu.

Con Phục thiệt thà, thuở nay chưa từng nghe ai nói luận việc cao xa, chưa từng nghe ai chỉ thói đời ấm-lạnh, nay nó đương uất vì tình mà ngã lòng thối chí, nó đương buồn giận thói đen bạc của người nó trông cậy, mà nó được nghe những lời châm-chích cay đắng của Ba Có, thì chẳng khác nào như ai đó rọi sáng tâm-trí của nó, bởi vậy nó nổi giận, vụt đứng vậy nói rằng: “Chị nói phải lắm! Thiệt thiên hạ không ra chi hết! Tôi kính trọng họ mà họ coi tôi không bằng con heo. Tôi thương yêu họ mà họ coi tôi chẳng khác nào một đôi guốc, để họ mang đi cho sạch chưn, rồi chừng gặp giầy thì họ đá guốc vô vách. Tôi tức quá mà biết làm sao trả thù cho được bây giờ”

Ba Có nhích mép cười một cách rất cay đắng mà nói rằng:

- Phải trả thù. Nếu em muốn thì qua giúp cho. Thân chị ngày nay phải ra như vầy, bây giờ em cũng vầy nữa, đau đớn biết chừng nào. Còn gì nữa mà tính nhơn nghĩa, mà mong thương yêu, mà lo kính trọng thiên hạ. Hai đứa mình kết thành chị em đặng hiệp nhau giết họ chơi cho họ biết chừng.

Con Phục liếc mắt ngó Ba Có thì thấy mặt chị ta khác thường, lộ cái vẻ hiền từ dễ thương-mến, mà lại có vẻ khắc bạc đáng ghê đáng sợ. Rõ ràng là cái tướng của người tử tế với kẻ lương-thiện, hung ác với-tay gian -dối.

Ba Có ngồi ngó sững ra ngoài đường, không hiểu chị ta nghĩ thế nào, mà cách một hồi mặt chị ta lại đổi giận ra vui và nói với con Phục rằng: “Thôi, em đừng buồn gì hết. Có qua đây, qua ráng nuôi em, có cơm ăn cơm với nhau, có cháo ăn cháo với nhau. Chừng em đẻ qua cũng lo cho, nếu không tiền thì vô nhà thương thí mà nằm, có sao đâu mà em sợ. Em để rồi coi, không biết chừng rồi ngày sau em có chồng sang trọng hơn thằng điếm đó nữa, em giàu có hơn vợ chồng ông Phủ mà coi”.

Con Phục ứa nước mắt mà đáp rằng:

- Em nghĩ lại, em giận cậu Hai hơn hết.

- Qua hiểu, tại em thương yêu Cậu quá, nên bây giờ em mới oán như vậy đó. Em phải tập tánh lại, đừng thương ai nữa hết, bởi vì có ai thương mình đâu mà mình thương họ cho uổng công. Ở đời mình phải coi thiên hạ là một bầy-gian xảo giả-dối hết thảy. Mình phải rèn lòng đúc trí cho cứng như sạn như đá, đừng thèm thương, đừng biết giận, thì mình mới khỏi bị họ lường gạt và mới có thể giết họ được.

- Tại sao mà chị cũng oán thiên-hạ dữ vậy?

- Việc riêng của qua, khó nói cho em nghe được. Qua chỉ xin em tin chắc rằng qua cũng là một người bị xã-hội dày bừa như em vậy. Em biết bao nhiêu đó là đủ rồi.

Con Phục thuở dài, lấy tay rờ bụng, rồi đứng vậy đi lấy chổi quét nhà.

Con người có nhiều cái tình nó phát hiện một cách lạ lùng, không thể cắt nghĩa được. Ba Có tướng mạo khắc bạc, mở miệng ra thì nói những lời oán hận loài người, mà đối với Con Phục thì chị ta tuy không bà con, song thương yêu nó như chị em ruột. Chẳng lẽ bây giờ lấy nó lỡ chưn trái bước, chiu-chít bơ-vơ nên mới thương, sự thương yêu ấy phát biểu từ khi mới gặp nó một lần đầu. Tại thấy thân phận nó con gái côi-cút nghèo-nàn, biết nó thế nào cũng là một vật để làm vui cho đờn ông mà thương, hay là tại thấy nó có nhan sắc nghiêng nước nghiêng-thành muốn lợi dụng cái nhan sắc ấy mà thương? Điều ấy khó đoán được, bởi vì Ba Có kín-mít, không chịu bày tâm sự của mình, mà cũng không tỏ ý riêng cho ai biết.

Con Phục nương-náu với Ba Có đã được mấy tháng, thân được no-ấm, trí được thảnh-thơi. Thầy Khuyên thấy nó nhỏ-nhoi thiệt-thà thầy cũng thương.

Ở trong nhà Ba Có dạy nó từng chút, dạy cho nó biết cách khôn dại ở đời, dạy cách đứng ngồi có duyên, dạy cách ăn nói đúng mực, dạy cách liếc truyền ý, dạy cách cười đưa tình, dạy cách điệu làm cho người mê, dạy sửa sắc làm cho chúng ngó, dạy không sót một chỗ nào hết. Chị ta thấy nó bận áo cụt quần vải mà thôi, chị ta mới òn-ĩ xin tiền Thầy Khuyên mà để dành rồi tháng thì may cho nó một cái quần lụa trắng, tháng thì may cho nó một cái áo xuyến đen dài, bởi vậy thân nó được ấm no thảnh thơi mà cũng lành lẽ.

CHƯƠNG 6 - ĐỔI CON

H

ơn một tuần nay, bộ Con Phục ột-ệt(#1) lắm.

Một buổi sớm mơi sáng chúa-nhựt Ba Có dòm thấy nó âm-ỉ(#2), nghi nó tới thời kỳ khai hoa, bèn khoá cửa gởi nhà cho người ở một bên rồi dắt con Phục vô nhà bảo-sanh Chợ-Lớn. Chị ta lanh lợi, vô tới nhà thương thì đi kiếm cô mụ-chánh làm quen, rồi cậy cô coi dùm coi chừng nào Phục đẻ. Cô mụ coi rồi nói có lẽ Phục tới ngày mai 9-10 giờ mới sanh. Ba Có lại hỏi cô coi như vậy mà cô có biết trước sẽ sanh con trai hay là con gái hay không? Cô mụ cười rồi đáp rằng: “Con em chắc là sanh con trai chớ gì. Tôi nói có sai thì đem mà chém tôi đi”. Ba Có hỏi: “Làm sao mà cô biết trước sự đó được?”. Cô mụ trơn mắt đáp rằng: “Tôi ở nhà thương nầy đã 17 năm, tôi coi 10 người trật chừng một là nhiều. Để rồi coi mà”.

Vì ngày chúa-nhựt thầy Khuyên không có ăn cơm, Ba Có rảnh-rang, nên không lật-đật gì về. Chị ta để con Phục ở lại phòng thí, rồi đi dài theo mấy phòng nhà giàu mà chơi. Đi ngang qua một cái phòng hạng nhứt, Ba Có thấy một cô trạc chừng 25, 26 tuổi, mặt trắng trẻo, bụng chành-bành, đương ngồi một cái ghế trước phòng, bộ coi buồn-hiu. Chị ta muốn làm quen, nên đứng lại ngó cô nọ mà cười ngỏn-ngoẻn và hỏi rằng:

- Cô năm phòng nầy phải không cô?

- Phải.

- Chừng nào sanh mà bộ coi âm-ỉ dữ vậy? Cô có mượn cô mụ chánh coi dùm hay không? Mượn cổ coi đi. Cô mụ chánh ở nhà thương nầy họ đồn cổ coi giỏi lắm .

- Cổ coi cho tôi rồi.

- Cổ có nói chừng nào sanh hay không?

- Cổ nói khuya nay, mà có trễ lắm lối bảy tám giờ sớm mơi mai.

- Nếu vậy thì cô sanh trước con em tôi một chút. Con em tôi lối mười giờ mai. Nè, cô mụ nầy có nghề hay lắm, cô coi tay mà cổ biết đẻ con trai hay là con gái. Cô có mượn cô mụ coi dùm cái đó hay không?

- Tôi không có mượn, song cổ có nói cổ chắc tôi sanh con gái. Cổ nói như vậy mà mình tin sao được. Trước khi đi lên nằm nhà thương, thầy Cai có dắt tôi lại ông Đốc-tờ Cần-Thơ coi mạch đặng tiêm thuốc dưỡng thai cho tôi. Thầy Cai có cậy ông Đốc-Tờ coi thử coi tôi sanh con trai hay con gái. Ông Đốc-Tơ cười ngất, ông nói việc đó dù thầy thuốc giỏi đến bực nào cũng không đoán trước được. Nay lên đây cô mụ cổ nói tôi sanh con gái, tôi không biết sao mà tin.

- Không. Thuở nay tôi thường nghe người ta đồn cô mụ nầy coi việc đó hay lắm. Không biết cổ học nghề đó ở đâu, mà cổ coi mười người không sai một.

- Cổ coi hay thiệt sao?

- Hay thiệt, chớ không phải nói chơi đâu.

Cô nọ nghe Ba Có nói như vậy rồi thở dài rồi bước vô giường mà nằm, mặt coi buồn bực lắm.

Ba Có còn muốn nói chuyện nữa, nên bước vô phòng kéo ghế mà ngồi rồi hỏi rằng:

- Cô mụ chánh nói cô sanh con gái hay sao?

- Phải. Cổ nói tôi sanh con gái. Nếu lời cổ nói mà đúng thì tôi vô phước lắm.

- Con gái hay là con trai cũng là con, trời cho sao thì mình nuôi vậy, sao cô sanh con gái mà cô lại nói vô phước?

- Chị không rõ gia-đạo của tôi. Tôi phải sanh con trai thì mới khá, chớ sanh con gái thì không ích gì hết.

- Cô ở đâu mà nằm nhà thương đây?

- Tôi ở dưới Cần Thơ.

- Dữ hôn! Ở dưới mà lên sanh tới trên nầy.

- Có xe hơi thì đi mấy hồi. Thầy cai tôi thẩy muốn như vậy, nên thẩy lấy xe hơi nhà thẩy đưa tôi lên đây rồi thẩy về làm việc, thẩy dặn chừng nào sanh thì đánh dây thép cho thẩy hay.

- Cô nằm nhà thương có một mình, không đem ai theo đặng ở mà nuôi cô hay sao?

- Có chớ. Tôi có đem theo một người vú-già. Tôi lên năm sáu bữa rày. Hôm mới lên quan Thầy coi mạch rồi nói tôi còn lâu, song biểu tôi nằm trước trong nhà thương đặng uống thuốc an-thai. Hôm đi không đem áo quần theo nhiều, phần thì tôi tưởng còn lâu mới sanh, nên hồi khuya nầy tôi sai chị vú đi xe đò về dưới lấy áo-quần thêm cho tôi bận. Chẳng dè hồi nãy tôi muốn đau bụng, tôi mượn cô mụ coi, cổ nói có lẽ khuya nầy sanh. Bất nhơn quá, tôi sai lỡ chị vú về dưới, chiều mai chỉ trở lên mới tới, chừng tôi sanh đây có một mình.

- Có sao đâu mà cô lo. Trong nầy có mấy người học mụ thiếu gì. Như cô không có ai nuôi, cô có cần dùng việc gì, thì cô cậy mượn mấy người ấy được mà. Té ra cô đây là cô Cai-Tổng ở dưới Cần-Thơ?

- Phải. Ở nhà tôi là Cai-Tổng Lung ở dưới Cái Vồn.

- Cô có được mấy người con rồi?

- Tôi chưa có con; tôi sanh lần nầy là sanh con so.

- Hèn chi cô không muốn sanh con gái!

- Không phải vậy. Họ nói sanh con gái đầu lòng dễ nuôi hơn chớ. Mà tôi muốn sanh con trai là tại một việc riêng. Chẳng dấu chi chị, tôi là vợ của Thầy Cai Lung, mà vợ nhỏ chớ không phải vợ chánh. Chị Cai lớn có sanh được ba đứa con, mà gái hết, chớ không có trai. Tôi có nghén xưa rày Thầy Cai tôi nói hoài, thẩy nói nếu tôi sanh cho thẩy một chút trai đặng có người nối nghiệp cho thẩy,thì thẩy cưng tôi lắm, thẩy rước tôi về ở chung nhà lớn liền. Tại như vậy đó nên tôi mới muốn sanh con trai chớ. Thầy Cai tôi giàu có lắm, nếu tôi sanh con trai thẩy mới nhìn, rồi sau con tôi mới được ăn gia tài, chớ con gái thẩy có đến 3 đứa rồi, thẩy màng gì nữa.

Ba Có nghe chuyện như vậy thì chị ta ngồi suy nghĩ. Người khôn lanh việc gì tính cũng lẹ. Chị ta kéo ghế ngồi gần cô Cai-Tổng Lung mà nói nhỏ nhỏ rằng: “Dầu mà cô đẻ con gái, nếu cô muốn nó hoá ra con trai thì cũng được có khó gì đâu”.

Cô Cai nghe mấy lời cô lồm-cồm ngồi dậy ngó Ba Có mà hỏi rằng:

- Con gái làm sao hoá con trai được?

- Mình đổi.

- Ai có con mà chịu đổi?

- Lựa người nghèo cực, mình đổi mình bù tiền nhiều, thì có lẽ họ chịu chớ.

- Cha chả, nếu lỡ tôi sanh con gái, mà ai chịu đổi con trai cho tôi, dầu bù năm bảy chục hoặc một trăm tôi cũng bù.

- Nếu cô muốn, thì tôi lãnh tôi đi kiếm tôi nói dùm với người ta cho. Mà một trăm ít quá, sợ người ta không chịu. Cô không nghe người ta nói con trai giá đáng một ngàn hay sao?

- Việc tình cờ, tôi không có sẵn tiền nhiều ở đây, nếu quá số ấy thì tôi không thể bù nổi.

- Cô nói gia tài của Thầy Cai lớn lắm. Nếu cô muốn con của cô là trưởng-nam đặng sau hưởng ít nào củng phân nửa cái gia tài ấy thì bây giờ cô tốn hao một hai ngàn có lỗ lã gì đâu. Huống chi cô có con trai, thầy Cai lại còn cưng cô hơn vợ lớn ở nhà, cô nhờ biết bao nhiêu.

- Chị nói phải lắm. Ngặt vì bây giờ thình-lình, tôi không có tiền sẵn, biết làm sao.

- Thôi, để tôi làm ơn tôi kiếm họ tôi nói thử coi có ai chịu hay không.

- Khoan! Chị đợi tôi nói chuyện một chút. Tôi sợ làm lôi thôi, ngày sau đổ bể, thầy Cai thẩy phiền thẩy bỏ tôi chớ.

- Làm sao mà đổ bể được? Cô nói chị vú về dưới chiều mai chỉ mới lên. Khuya nay hoặc sáng mai thì cô sanh; như mà cô sanh con trai thì thôi, còn như rủi cô sanh con gái thì cô đổi trước khi chị vú lên, làm như vậy chị vú biết sao nổi, mà chừng đánh dây-thép cho Thầy Cai lên thẩy thấy con trai thì thẩy hay con trai, có cái gì mà nghi được.

- Sợ mấy cô mụ họ thấy mình đổi chọn lộn xôn, họ mách với quan thẩy chớ.

- Việc đó có can cặp gì với họ. Sanh thì về phần cô mụ chánh, cổ biết con trai hay là con gái. Chừng sanh rồi mình làm sao tự ý mình, cổ có cần biết tới làm chi. Miễn là lúc sanh rồi, người ta lại hỏi tên họ đặng lập khai sanh, mình trình đứa nhỏ đúng con mình, có cô mụ làm chứng, rồi mình đổi ai biết được.

- Ờ, còn khai sanh nó nữa! Tôi đẻ con gái thì tôi phải khai con gái. Chừng về nhà tôi đem con trai về, không trúng với khai sanh, mới làm sao? Tôi làm bạn với thầy Cai không có hôn thú.

-Nếu vậy thì quá dễ. Theo phép lập khai sanh mà không có mặt thầy Cai, lại cô không có trình hôn-thú, thì tự nhiên đứa nhỏ phải khai theo họ mẹ, còn chỗ tên họ người cha thì người ta phải biên “không biết cha là ai”. Còn mẹ là đờn bà, không có giấy thuế thân, tự nhiên mình muốn khai tên họ gì cũng được, ai biết đâu mà cãi. Hễ hai đàng ưng-thuận đổi con rồi, chừng cô đẻ, nếu con gái thì cô khai sanh con gái, song tên họ mẹ thì cô lấy tên của người kia mà khai. Chừng người kia sanh, hễ con trai thì họ khai sanh con trai, song họ lấy tên họ của cô mà khai người mẹ, làm như vậy trong nhà thương biết sao nổi chớ.

- Nhưng người kia họ có chồng đủ phép, khai sanh có tên họ cha rồi làm sao?

- Ai dại gì đi lựa người như vậy! Nói thiệt với cô, tôi có một con em có chồng không hôn thú, mà chồng nó bỏ nó rồi. Tôi mới đem nó vô nhà thương hồi nãy, cô mụ chánh coi rồi chừng 10 giờ mai nó sanh, lại chắc sanh con trai. Vậy để tôi đi nói với nó thử coi nó chịu đổi con hay không, rồi tôi trả lời cho cô hay.

- Được a, đâu chị làm ơn nói dùm thử coi.

Ba Có vội-vã trở lại phòng thí kêu con Phục ra ngồi hỏi nhỏ rằng:

- Em tính sanh rồi em để con em nuôi, hay là em cho người ta?

- Chị định lẽ nào tự ý chị.

- Mình nghèo, nếu nuôi con, mình mắc ôm ẵm nó đó, đi làm lụng không được, thì chết đói còn gì.

- Em oán thằng Hùng lắm, để em đẻ rồi em kiếm kẻ hung dữ em cho, đặng thằng nhỏ ngày sau nó làm du-côn ăn-cướp cho cái dòng thằng cha nó mang xấu chơi.

- Được! Mấy tháng nay em học với qua đã kha khá rồi, nên em mới biết tính trả thù như vậy đó. Mà em tính như vầy thì hay song không có lợi. Để qua nói cho em nghe kẻ hung dữ họ nghèo, họ mắc lo kiếm ăn, họ có thèm nuôi con nuôi làm chi mà em cho. Mà dầu họ có chịu nuôi đi nữa, có lẽ em phải chịu tiền cho họ, chớ họ đương(#3) cho em tiền đa. Chị em mình nghèo, phải lo kiếm tiền. Em đẻ rồi phải lo sắm vi-kiến đặng có kiếm chồng. Nếu không tiền làm sao. Qua mới làm quen được một cô nhà quê, mà giàu lắm, cổ nằm phòng nhứt mà mụ coi nói cổ sẽ sanh con gái. Cổ rầu quá, cổ nghe nói em sẽ sanh con trai thì cổ muốn đổi con với em, như em chịu cổ bù một trăm đồng bạc chịu hôn?

- Chịu chớ. Mà cổ bù 100, rồi cổ bắt mình phải nuôi con cổ thì cực mình quá.

- Em khờ quá! Hễ đổi con rồi mình muốn làm gì thì tự ý mình; mình muốn để nuôi thì để, hay là muốn cho ai thì cho chớ.

- Nếu vậy thì được.

- Cổ xin bù 100 rồi mà qua chưa chịu. Qua đòi một ngàn, cổ nói không có tiền sẵn ở đây. Việc tiền bạc để qua lo cho, qua đòi được nhiều chừng nào càng tốt chừng ấy. Qua không dại đâu.

- Chị tính lẽ nào em cũng vâng lời hết. Mà cô nào, ở đâu mà lại đổi con như vậy?

- Em không biết đâu, người ta ở dưới Lục-Tỉnh mà.

- Tụi dưới vườn lên chị ráng gọt nó, bộ nó có lợi gì nên nó mới muốn có con trai; mình phải thừa dịp nầy.

- Qua biết mà, có lẽ nào qua đợi em dạy. Mà em phải đẻ con trai mới được a.

- Chị chịu phứt đi. Chắc đẻ con trai. Như rủi sanh con gái thôi bất quá mất công tính, chớ tốn hao gì mà em sợ.

Ba Có thấy Phục hiệp ý với mình thì mừng, nên lật-đật lại cho cô Cai-Tổng Lung hay, song về số bạc đòi thì nói Phục đòi đến một ngàn. Cô Cai năn nỉ, nói việc tình cờ mình không có tới số bạc ấy. Cô xin chừng đổi con cô đưa 100, rồi đợi thầy cai lên lập thế xin thầy mà đưa thêm ít chục nữa. Ba Có nói việc tiền bạc để chừng đổi con rồi sẽ tính lại.

Chị ta lân-la ở trong phòng nói chuyện chơi với cô Cai tổng Lung. Đến trưa, chị ta nhớ Con Phục có nói cậu Hai Hùng là con của một ông Hội đồng ở Cái Vồn, chị ta bèn hỏi cô Cai rằng:

- Cô ở Cái Vồn mà cô biết Cậu Hai Hùng là con của ông Hội đồng nào đó hay không? Cậu Hai Hùng hồi trước học trên Saigon, cậu mới đi Tây chừng bốn năm tháng nay.

- Sao lại không biết. Nó là con của anh chồng tôi là Hội đồng Thành, nó kêu thầy Cai tôi bằng chú ruột. Sao chị biết nó?

- Hồi cậu học trên Saigon, cậu có quen với tôi. Có lẽ ông Hội đồng Thành giàu lắm hay sao mà cho cậu đi Tây?

-Ảnh cũng giàu, song thua thầy Cai tôi nhiều. Ảnh góp chừng 10 ngàn giạ, còn thầy Cai tôi góp trên 40 ngàn. Đã vậy ảnh đánh bạc lớn lắm, nghe nói ảnh mắc nợ cũng bộn.

Ba Có được biết căn nguyên của cậu Hai Hùng, rồi nhớ tới việc đổi con, thì chị ta lấy làm lạ cho cái thiên-cơ khéo sắp đặt. Mà sắp đặt như vậy là may hay là rủi? Đều ấy không thể đoán trước được. Chị ta nghĩ riêng như vậy mà thôi, chớ chẳng hề ló mòi cho cô Cai biết, mà nhứt định dấu kính không cho con Phục hay.

Đến xế Ba Có về, có hứa với Phục khuya sẽ trở vô thăm.

Khuya lại chị ta khoá cửa, gởi chìa khoá cho người ở một bên dặn nếu trưa thầy Khuyên về thì nói rằng chị ta mắc vô thăm Con Phục đẻ, xin thầy ra tiệm ăn cơm đỡ một bữa.

Chị ta vô tới nhà bảo-sanh, nhằm lúc cô Cai đương chuyển bụng, đến 8 giờ thiệt cô sanh một đứa con gái. Chị ta đợi mụ làm thuốc tắm em rồi đi hết, chị ta mới lỏn vô phòng thì thấy cô Cai nằm buồn xo.

Cô Cai vừa thấy mặt Ba Có lắc đầu nói rằng: “Thiệt quả con gái rồi chị “.

Ba Có gặc đầu đáp rằng :

- Tôi hay rồi. Tôi vô từ tảng sáng tới giờ. Tôi nghe cô chuyển bụng mà tôi nhát quá, tôi không dám vô. Cô sanh mạnh giỏi tôi mừng cho cô.

- Tôi buồn quá, chị. Sanh thứ con gái có ích gì đâu. Cô làm sao nói đổi dùm cho tôi con trai cho tôi thì tôi mang ơn lắm.

- Nó chưa đẻ nên chưa biết con trai hay gái. Mà nó đòi tới một ngàn, biết làm sao.

- Tôi lạy chị làm ơn nói dùm. Bởi tôi không có tiền sẵn chớ như có thì bao nhiêu tôi cũng chịu hết.

- Nó muốn chuyển bụng ở đẳng. Để chừng nó sanh sẽ hay.

- Phải làm sao mà đổi trước khi chị vú lên, chớ để thấy con gái rồi đổi sao được.

- Cô đừng lo. Có lẽ nội buổi sớm mơi nầy mình tính xong. Cô nói chiều chị vú mới lên mà sợ giống gì. Nè, mà nếu sớm mơi nầy có thầy ký lại hỏi tên họ đặng lập khai sanh thì cô khoan khai, đợi con kia nó đẻ rồi sẽ khai luôn nghe hôn. Cô nói để thủng thẳng chiều hay mai cô kiếm tên tốt cô đặt cho con nhỏ rồi cô sẽ khai. Theo luật còn 8 bữa còn khai được, mình trễ một hai ngày có hại gì.

- Cha chả! Mà có cái nầy khó quá chị.

- Cái gì khó?

- Tôi đẻ con gái, mụ chánh mụ phụ đều biết. Nếu tôi đổi con trai, sáng mai cô mụ phụ lại tắm cho em, cổ thấy khác, cổ hỏi rồi bể việc chị vú biết còn gì.

- Tôi đã có tính tới chuyện đó rồi, cô đừng lo. Phàm đứng sanh cho nhà giàu thì phần của cô mụ chánh, song sanh rồi cổ không biết tới nữa. Còn mụ phụ nào đứng giúp đó thì mỗi bữa cổ lo săn-sóc tắm-rửa cho em. Người khác không xen vào được. Hồi nãy cô sanh, tôi đứng ngoài chơi mà tôi đã nhìn mặt cô mụ-phụ đó rồi. Nếu cô đổi con, thì tôi o bế nói trước với cô mụ phụ đặng cổ kín miệng, rồi chừng cô về cô đền-ơn cho cổ vài chục đồng bạc thì êm chớ gì.

- Chị tính hay quá. Xin chị điều đình dùm, nếu xong việc thì tôi không quên ơn chị đâu.

Cô mụ phụ xách hai ve nước nóng vô phòng thấy Ba Có ngồi nói chuyện thì hỏi rằng:

- Cô nhỏ nhỏ ở ngoài Saigon vô nằm phòng thí hồi sớm mơi hôm qua đó phải là em của cô hôn?

- Phải, sao đó cô mụ?

- Con so mà cổ sanh lẹ quá.

- Sanh rồi hay sao? Con trai hay con gái?

- Con trai. Thằng nhỏ lớn quá, còn đương tắm ở đẳng chưa cân, mà tôi chắc nó nặng ít nào cũng 3 kilo 8.

Ba Có ngó Cô Cai mà cười rồi chạy lại phòng sanh mà coi.

Cách một hồi chị ta trở lại nói với Cô Cai rằng: “May cho nó lắm. Thiệt con em tôi sanh con trai.”

Cô Cai cười rồi day qua ngó con, thấy nó nằm ngủ, lòi hai bàn tay ngón trỏ mà dài, cái mặt tròn-trịa dễ thương, thì cô ứa nước mắt.

Ba Có nói rằng:

- Con em tôi gắt quá, nhứt định một ngàn nó mới chịu đổi, chớ ít hơn không được. Nó nói nó thương con nó lắm.

- Tôi không có tiền biết làm sao đây. Tôi nói thiệt với chị hôm Thầy Cai đưa tôi lên đây thẩy đưa cho tôi 200. Hổm nay ăn xài và đưa cho chị vú đi xe, hao hết 30$. Bây giờ trong mình tôi còn 170$. Thôi để tôi chịu 150$.

- Nó nói không được, phải đủ số một ngàn. Tôi nói dùm hết sức mà nó không chịu bớt.

- Khổ quá! thôi, tôi nói như vầy; bây giờ chị đưa đỡ 150$, chừng tôi đánh dây thép cho Thầy Cai lên, tôi xin thêm được bao nhiêu thì tôi đưa hết cho chị nữa, được hôn.

- Để tôi nói lại với nó coi được không. Tôi tưởng nếu nó không chịu, thì cô đưa được bao nhiêu hay bao nhiêu, còn thiếu bao nhiêu thì cô làm giấy rồi sau về dưới cô sẽ gởi lên trả, có khó gì.

Cô Cai nằm suy nghĩ một lát cô nói chẩm-hẩm rằng: “Được làm giấy thì tôi làm cho, rồi sao tôi sẻ gởi trả dần. Xin chị nói dùm với cổ”.

Ba Có đi một lát rồi trở lại nói con Phục chịu đổi theo lời cô Cai xin. Chị ta bèn bàn tính với cô Cai bây giờ hai đứa nhỏ phải khai sanh tên gì, mẹ tên họ gì. Cô Cai nói thầy Cai tên Lung thì con của thầy phải đặt tên là Lăng. Mà cô tên là Lê thị Mẹo thì khai sinh phải để đứa nhỏ là Lê Văn Lăng. Còn con ruột của Cô thì phải khai là Thị Hai vì nó đầu lòng.

Ba Có là tay khôn ngoan nhậm lẹ, việc khó cho mấy chị ta tính cũng phải dễ. Chị ta tuốt lên phòng giấy o bế thầy ký đặng khai sanh luôn cho hai đứa nhỏ. Thầy ký cầm giấy viết đi xuống nhà sanh, vô phòng cô Cai thì Cô khai tên là Phạm Thị Phục 22 tuổi, cô đặt tên con là Phạm Thị Hai. Qua bên phòng thí thì con Phục khai tên nó là Lê Thị Mẹo 25 tuổi, nó đặt tên con nó là Lê Văn Lăng. Thầy ký biên rồi thầy ký ngó con Phục mà nói rằng: “ Cô cất tuổi lên chi vậy? Cô chừng 17-18 tuổi chớ gì tới 25 lận”. Ba Có hớt mà đáp rằng: “Không, con em tôi nó nhỏ vóc, chớ nó trọng tuổi lắm đó thầy. Nó 25 tuổi thì nó khai 25, chớ khai gian làm chi. Đờn bà có thuế má gì mà chồng tuổi cho mau ra lão”.

Thầy ký rùn vai rồi bỏ đi lên phòng nhà giấy.

Ba Có đi kiếm cô mụ phụ mà òn ĩ thông mưu, xin cô kín miệng thì cô Cai sẽ cho vài chục đồng bạc, cô mụ nghe hứa đền ơn thì cô nhận lời liền, lại cô tưởng Phục nghèo đổi con bất quá có lợi chừng ít chục đồng bạc là nhiều, nên cô không kèo nài chi hết.

Ba Có sắp đặt xong rồi mới bồng con của con Phục đem giao cho cô Cai Lung. Cô Cai móc túi lấy ra 150$ mà đưa cho Ba Có, rồi biểu Ba Có bồng con của cô mà giao lại cho Con Phục. Chừng Ba Có bồng con nhỏ mà đi thì cô Cai ngó theo, cô chảy nước mắt, và nói vói rằng: “Xin chị làm ơn nói với cô đó ráng nuôi dùm con tôi cho tử tế nhé”.

Ba Có lại lãnh đi đánh dây thép dùm mà cho thầy Cai Tổng Lung hay rằng cô Cai sanh con trai, mẹ con mạnh giỏi.

Chiều lại chị ta lên nhà lấy hai tờ rời khai sanh mà giao cho hai người, tờ của Lê Văn Lăng, mẹ là Lê Thị Mẹo thì giao cho Cô Cai, tờ của Phạm Thị Hai, mẹ là Phạm Thị Phục thì giao cho Phục.

Chiều bữa sau Thầy Cai Tổng Lung lên tới, thầy biểu đưa thằng nhỏ cho thầy bồng thử; thầy bịt khăn đen, bận áo dài, mang giầy tây, râu ngạnh trê, mà thầy bồng thằng nhỏ còn đỏ hói, thầy đi qua đi lại, miệng cười ngỏn ngoẻn, coi ngộ quá. Cô Cai đưa tờ khai sanh cho thầy coi, thầy nói đặt tên Lăng phải lắm. Thầy ngó thằng nhỏ một hồi rồi thầy nói rằng: “ Thằng Lăng coi nó giống tôi quá mình há. Tôi có con trai nối dòng rồi, tôi không lo gì nữa. Mình phải chịu cực ở nhà thương cho đủ 10 bữa, đặng trước là mình bổ dưỡng, sau nữa thằng Lăng nó cứng cát. Từ rày trở đi mình muốn thứ gì tôi cũng cho hết thảy. Tôi ở trên nầy thăm mình vài bữa rồi tôi về làm việc, đúng 10 ngày tôi sẽ đem xe lên rước mình với thằng Lăng”.

Cô Cái nói rằng:

-Đẻ trên nầy tốn hao lung quá. Thầy phải cho tôi ít trăm đồng bạc để tôi đền ơn mấy cô mụ và tôi mua đồ chơi.

-Được mà. Mình đẻ con trai cho tôi như vầy, dầu hết nhà tôi cũng không phiền. Mình cần lo bổ dưỡng, lo chi việc hao tốn.

Thầy để thằng nhỏ nằm trong nôi, rồi mở bóp phơi lấy đưa cho vợ 300$ và nói rằng: “Đó, mình muốn ăn xài việc gì tuỳ ý, miễn là mình vui thì thôi. Còn đền ơn cho mụ thì để bữa lên rước mình tôi sẻ đưa tiền cho mà đền ơn”.

Thầy Cai mướn phòng ở khách sạn ngoài Saigon mà nghỉ đặng vô ra thăm hai bữa rồi về. Cô Cai tỏ thiệt với Ba Có rằng Thầy Cai cho có 300$. Cô không dám xin nhiều, sợ thầy nghi, cô đưa thêm cho Ba Có 200$ và hứa để ít bữa cứng cát ngồi dậy được rồi cô sẽ làm giấy thiếu 650$, sau cô sẻ trả.

Phục nằm nhà thương đủ 8 bữa, người ta không cho nằm nữa. Ba Có vô rước nó về, lại ghé phòng cô Cai mà biểu cô phải làm giấy thiếu Phạm Thị Phục 650$, hứa qua năm sau sẽ trả lại, song nếu có tiền thì trả trước lần lần cũng được.

Cô Cai thấy chồng vui mừng, không nghi chi hết, nên cô làm giấy liền, lại đền ơn riêng cho Ba Có 20$.

Phục bước lại hun thằng Lăng, rồi bồng con Hai đi về với Ba Có, Cô Cai ngó theo mà rưng rưng nước mắt.

Chú thích:

(1-) có vẻ nặng nề, chậm chạp

(2-) đau ngâm ngâm

(3-) không chịu

CHƯƠNG 7 - HỌC ĐẶNG LÀM BÀ

P

hục bồng con nhỏ về nhà, con nhỏ khát sữa nó khóc, nên Phục phải vạch áo lên mà cho nó bú.

Ba Có ngó thấy thì chắc lưỡi lắc đầu mà nói rằng: “Không được, em cho nó bú rồi xệ cập vú còn gì!”

Phục nghe mấy lời thì lấy làm lạ, nên ngó sững Ba Có mà hỏi rằng:

- Vậy chớ nó khóc biết làm sao? Phần sữa căng khó chịu quá, nên để con bú bớt chớ.

- Qua tính cho em làm bà nầy bà kia, chớ qua có tính cho em nuôi vú đâu mà em lo cho bú. Phải tính thế nào, chớ qua không muốn cho em nuôi con nhỏ nầy chút nào hết.

- Không nuôi thì bỏ cho ai nuôi? Mình đổi con với người ta họ lại bù tiền cho mình nữa, không nuôi sao được.

- Không. Việc nuôi đó không có giao kèo. Mình muốn để nuôi cũng được, hay là muốn cho ai tự ý mình chớ. Mà em nuôi con của người ta làm chi? Nếu em nuôi nó, em cứ ở nhà ôm nó mà cho bú hoài rồi làm sao?

- Vậy chớ bỏ nó cho ai bây giờ?

- Qua tính để sáng mai qua bồng nó lên nhà nuôi mồ côi trên Tân-Định qua cho phứt rảnh.

- Chị tính sao cũng được, song em nghĩ con của mình họ đem về học nuôi tử-tế, còn con của họ giao cho mình mà mình đem bỏ nhà mồ-côi, coi cũng kỳ lắm chớ.

- Đời nầy chẳng có cái gì gọi bằng kỳ hết. Em tưởng họ đổi con của em đặng họ nuôi hay sao, đó là tại họ thương nó lắm hay sao? Có phải vậy đâu! Họ vì cái lợi trước mắt, họ muốn đoạt gia tài, nên họ mới làm như vậy chớ. Họ tính lợi thì mình dại gì mà bo-bo nhơn nghĩa. Họ bù cho em, chịu một ngàn đồng bạc, nhiều nhỏi gì đó, mà em phải thí thân đặng nuôi con cho họ. Không được đâu. Để qua đi mua một hộp sữa bò rồi khuấy mà cho con nhỏ bú đỡ tới sáng mai qua bồng nó qua đem cho nhà nuôi mồ côi. Nhan sắc của em cầu một muôn đồng bạc, biết qua chịu đổi hay chưa, có lẽ nào vì có một ngàn đồng bạc mà phải hủy cái nhan sắc ấy.

Phục sanh sản rồi thì sắc lại càng đẹp hơn trước, xinh bội phần, lưng eo, ngực nở, da trắng đỏ, mặt no tròn, cười hữu duyên, đi yểu điệu. Nó vẫn biết nó có sắc, nhưng mà nó nghe Ba Có khen, thì nó thẹn nên day mặt ngó chỗ khác.

Ba Có ngó liếc nó rồi nói rằng:

- Em đi nhà thương nằm sanh, về tiền xe, về tiền bánh hàng, về tiền đền ơn cho mụ, tốn hao không đầy 5 đồng bạc, mà mình có lợi bạc mặt được 370$. Còn 650$ nữa, để đó gắp gì mà đòi. Bề nào họ cũng trả, bởi vì qua biết họ sợ mình khai thiệt rồi hư việc của họ, bao giờ họ dám chối. Hiện bây giờ 370$ của em còn y nguyên đây, em muốn mua thứ gì em nói đi, đặng qua mua sắm cho.

- Bạc ấy là bạc của chị làm ra, chớ nào phải bạc của em mà em dám biết. Em nhờ chị mà em được no ấm lành mạnh đây, cái ơn ấy trả lớn lắm, em không biết làm sao mà đền được, có lẽ nào em dám nói tới việc bạc tiền với chị.

- Em đừng nói vậy. Qua nuôi em là muốn làm nên cho em, chớ không phải qua tính làm lợi cho qua đâu. Thiệt qua muốn có ý lợi dụng em, song lợi dụng đặng trả thù xã-hội chơi, chớ không phải lợi dụng đặng qua kiếm tiền. Để thủng thẳng ngày sau rồi em sẽ biết bụng qua. Còn em nói em mang ơn qua, em không biết làm sao mà báo đáp. Em muốn đền ơn cho qua thì không có khó gì, em cứ làm theo lời qua dạy, em không trái ý qua, bao nhiêu đó thì đủ đền ơn rồi. Qua nói trước cho em biết, qua không dạy việc hại cho em, mà qua cũng không muốn em làm không được việc đâu. Dầu lời qua dạy hay ý qua muốn, cũng đều mong làm lợi ích cho em mà thôi, nếu qua chung hưởng là hưởng cái vui được thấy trả oán trả thù đó thôi.

- Thân em nhờ có chị nên mới còn sống được như vầy. Em nói thiệt, dầu chị đem mà bán em đi nữa em cũng vui lòng. Vì chị không muốn tỏ tâm sự của chị cho em hiểu, nên em không rõ ý chị như thế nào. Nhưng mà chị dạy cách nào, chị muốn việc gì, em cũng làm theo hết thảy.

- Lời em nói đó, em phải nhớ đó.

- Em thề chẳng bao giờ quên.

Ba Có ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói rằng: “ Sáng mai sẽ đem con nhỏ lên nhà mồ-côi qua cho. Còn số bạc mình kiếm được đây, mà dùng sắm chút đỉnh quần áo và nữ trang cho em, còn bao nhiêu phải để cho em học. Học chi có ích, phải học mới được”.

Phục thở dài mà đáp rằng:

- Hồi nhỏ vì cha mẹ em nghèo, nên em không đi học được. Bây giờ lớn rồi mà học giống gì?

- Nhỏ thì học theo nhỏ, bây giờ lớn thì phải học theo lớn, sao lại học không được. Em tưởng qua biểu em đi học đặng làm cô-giáo hay sao? Có phải vậy đâu. Học chi vậy cho mất ngày giờ, mà không danh vọng gì hết. Qua muốn cho em học đặng làm bà nhà giàu, hoặc làm bà Hội đồng, hay là bà Huyện, bà Phủ kìa mới sang trọng chớ.

- Có trường học như vậy hay sao?

- Trường của qua đây. Em không hiểu, để qua cắt nghĩa cho em nghe. Đời nầy đờn-ông trong xứ mình họ tấn bộ lung lắm; không phải họ tấn bộ về tài nghề, hay là về văn học, hay là về cơ xảo, hay là về đạo đức. Không, mấy khoa ấy họ không thèm ngó tới, mà nếu có ai học giỏi họ lại ganh ghét khích bác, nếu có ai mến đạo đức họ lại khinh bỉ ngạo báng. Họ tấn bộ có một khoa mà thôi, là khoa háo sắc. Tánh háo sắc của họ, không biết họ trau dồi thế nào, mà qua coi nó mạnh mẽ cực điểm, mạnh mẽ đến nỗi hễ thấy gái đẹp thì họ mết, không kể gì phẩm giá của gái son, không biết trọng chữ trinh cho đờn bà có chồng. Miễn là họ phỉ tình dục của họ thì thôi, dầu tốn hao bao nhiêu họ không cần, dầu phạm danh nghĩa thế mấy họ cũng không sợ. Cái đời như vầy đó nếu mình không nương theo mà cầu lợi cầu danh thì mình quê quá. Qua nói thiệt với em, vì cái tính háo sắc của đờn ông đó mà ngày nay thân qua mới ra như vầy đây. Nhắc tới thân phận của qua thì qua tức giận oán thù lắm. Tiếc vì qua không có sắc, mà lại trọng tuổi, nên qua không thể báo thù được. Em có sắc mà lại còn nhỏ, nên qua tính dạy em đặng trả thù cho qua, em chịu hay không?

- Em đã nói dầu chị đem em đi bán, em cũng vui lòng nữa, ấy vậy chẳng có việc gì chị dạy mà em không chịu.

- Được lắm. Qua tính dạy em học là dạy các điệu để cho đờn ông mê. Xưa rày qua đã dạy em cách đi đứng cho dịu dàng, dạy điệu nói chuyện cho thanh nhã, đã gần xong rồi. Bây giờ phải dạy cho em biết chữ quốc ngữ, đặng em đọc tiểu thuyết coi nhựt trình, rồi dạy em học đờn, học ca, học ngâm, học làm thuốc á phiện, phải dạy cho em thạo đủ mấy nghề ấy thì mới làm cho đờn ông mê được.

- Cha chả, học nhiều thứ quá, biết chừng nào mới rồi.

- Em đừng lo. Học các thứ một lượt, trong sáu tháng thì xong hết. Em cứ lo tiếp dưỡng cho thân thể cứng cáp đi, rồi khởi công mà học. Qua làm đốc học, qua cần mẩn thì chắc em học mau lắm.

Phục cười. Ba Có đi mua sữa đặng cho con nhỏ bú.

Sáng bữa sau, Ba Có kêu một cái xe kéo, biểu Phục đưa cái khai sinh của con Hai, rồi bồng con nhỏ mà đi, nói đem lên nhà nuôi mồ-côi trên Tân Định mà gởi cho họ nuôi.

Xe chạy vừa khỏi Đất-Thánh tây thì có một người đờn bà che dù đỏ, kêu mà hỏi rằng: “Chị Ba, chị đi đâu đó?”

Ba Có ngừng xe. Người đờn bà ấy đi lại, té ra là cô Năm Liêu, chị em quen biết hồi trước. Hai người mừng nhau, rồi cô năm Kiêu hỏi rằng:

- Chị bồng con đi đâu mà đứa nhỏ còn đỏ lắm-lói vậy?

- Không phải con của tôi. Con của họ, vì họ nghèo quá nuôi không nổi, nên họ mượn tôi đem cho nhà nuôi mồ côi.

- Hứ! Con đâu mà đem cho như vậy! Đâu đưa cho tôi coi thử. Con trai hay là con gái vậy?

- Con gái.

- Nè, con nhỏ ngộ quá há? Mặt dễ thương lắm chớ. Nó sanh được bao lâu rồi đây?

- Được tám, chín bữa.

- Mới sanh mà con nhỏ cứng quá. Tôi muốn xin đặng tôi nuôi chơi.

- Cô nuôi làm gì? Cô không có con hay sao?

- Đâu mà có. Bởi vậy nên tôi mới muốn nuôi chớ.

- Có muốn nuôi thì tôi cho cô nuôi, chớ để cho nhà mồ-côi cũng vậy.

- Tôi muốn xin tôi nuôi quá. Mình không có sữa, mình cho nó bú bằng sữa bò được không?

- Được lắm chớ.

- Con nhỏ nầy có khai sanh đủ phép hôn?

- Sao lại không có, đẻ nhà thương không khai sanh sao được.

- Thôi, tôi mời chị lại nhà tôi chơi, lại đó đặng tôi nói cho ở nhà tôi hay, rồi tôi lãnh tôi nuôi cho.

Cô Năm Kiêu kêu một cái xe kéo nữa, rồi dắt Ba Có về nhà ở đường Champagne. Chồng của Năm Kiêu là một tay đổ bác(#1), chớ không có nghề nghiệp chi hết, song ăn mặc sung sướng, nhà cửa hực hỡ, tuy ở một căn phố mà dọn dẹp vén khéo sạch sẽ lắm.

Cô Năm Kiêu nói chuyện mình muốn nuôi con nhỏ cho chồng nghe, thì người chồng bằng lòng, và lấy 5$ mà đưa cho Ba Có, mượn đem về đưa cho mẹ con nhỏ. Ba Có giao con nhỏ với lá khai sanh rồi lên xe trở về, nói dối với Con Phục rằng người ta có cho 5$. Phục tin Ba Có, nên không gạn hỏi chi hết.

Một tháng vừa qua, thì thân thể của Phục đã mạnh khoẻ lại như xưa, mà Ba Có cũng đã sắm vi-kiến cho nó đủ rồi hết, may áo quần thêm, mua giầy thêu, mua khăn sạt, mua một chiếc vòng cẩm thạch, mua một đôi bông nhận hột sa-lông.

Từ nay, bữa nào cũng vậy, hễ ăn cơm chiều rồi thì Ba Có trang điểm cho Phục, biểu đánh răng cho trắng, dạy thoa son làm môi đỏ, biểu chuốt móng tay rồi nhuộm phao hồng hồng, biểu dồi phấn từ mặt cho tới cổ, cho tới bàn tay bàn chưn, rồi chị em dắt nhau đi ra Bến Thành mà chơi. Chị thì cứ mặc đồ đen, còn em thì cứ bận quần trắng áo màu. Khi màu tím, khi màu hột gà, khi màu khói nhang, khi màu biếc.

Phục đã có sắc sẵn, mà bây giờ nó ra mã đờn bà, lại nhờ trang điểm khéo, y phục tốt, nên sắc đẹp càng bội phần, đẹp vì cái gương mặt có vẻ hiền từ, đẹp vì hình vóc đề đạm, má dong dãy, nhứt là đẹp về cái miệng cười rất có duyên, vì tiếng nói dịu dàng, đi đứng yểu điệu. Những trai đi chơi chẳng có mặt nào gặp mặt Phục mà không liếc ngó, chẳng trầm trồ.

Một buổi chiều, hai chị em ngồi chơi tại một cái băng, ngoài đường kính lấp. Cách một hồi có hai thầy, ở phía dưới mé sông đi lên, rồi cũng ngồi xề nơi cái băng ấy, phía đằng kia, một thầy trạc trừng 22-23 tuổi, một thầy trạc trừng 25-30 tuổi, thầy lớn bận đồ tây, thầy nhỏ bận đồ mát, song bận đồ lụa trắng mới tinh, lại chưn mang giầy hàm ếch cũng mới. Thầy lớn nói với thầy nhỏ rằng:

- Hồi hôm toa đờn bản gì hay quá, mỏa ngồi mỏa nghe cảm hết sức.

- Chắc là anh nói bản Văn Thiên Tường chớ gì.

- Mỏa không biết tên bản gì. Để bữa nào toa đờn lại, rồi tới cái bản đó mỏa sẽ chỉ cho toa.

- Hồi hôm tôi đờn cây tranh, mà anh khen hay, chắc là anh khen bản Văn-Thiên-Tường chớ gì. Anh chưa nghe tôi đờn cây kìm. Trời ơi, cầm cây kìm mà tôi đờn nam thì ngư trầm lạc nhạn nghen anh. Để bữa nào tôi đờn cho anh nghe thử coi.

- Toa đờn kìm còn hay hơn nữa sao?

- Đúng lắm. Ở đất Vĩnh Long các thầy đờn đều cho tôi tươi nhứt về cây kìm.

Hai thầy nói chuyện tới đó thì Ba Có xen vô mà hỏi rằng: “Xin lỗi thầy, không biết thầy dạy đờn thì thầy ăn bao nhiêu tiền công, một bản là bao nhiêu vậy thầy hả?”

Thầy lớn cười ngất mà đáp rằng:

- Tôi có biết đâu.

- Nãy giờ tôi nghe thầy nói chuyện đờn, tôi tưởng thầy dạy đờn chớ.

- Phải. Thầy đờn hay lắm, ngón tươi, nhịp chắc, mà thẩy làm thầy thông chớ không phải làm thầy đờn.

Thầy nhỏ bận đồ mát, kêu bằng thầy tư đó, day qua hỏi cô Ba Có rằng:

- Cô hỏi thầy đờn chi vậy?

- Tôi muốn cho con em tôi đây học ít bản đờn tranh, ít bản đờn kìm, mà không biết thầy đờn ở đâu đặng cho nó học.

Hai thầy nghe như vậy bèn liếc mắt ngó Cô Phục.

Phục ngồi nghiêm chỉnh, cứ ngó ngay trước mặt, dường như không dè người ta nhìn mình.

Thầy lớn nói với Ba Có rằng:

- Cô muốn cho cô em học đờn thì cô nói với thầy tư đây thẩy dạy dùm cho được mà. Thẩy có thua thầy đờn nào đâu.

- Thẩy làm thầy thông thầy ký, tôi đâu dám vô phép mà cậy thẩy dạy em tôi.

- Được mà. Thẩy không có vợ con, ban đêm thẩy thả đi chơi bậy cũng vậy, thẩy dạy dùm còn có ích hơn, không biết chừng thẩy dạy mà thẩy không ăn tiền công nữa.

- Nếu thẩy không ăn tiền công thì tôi đâu dám cho học. Bẩm thầy, không biết học đờn một bản phải trả bao nhiêu tiền?

Thầy nhỏ cười mà đáp rằng:

- Cái đó không có chừng, tuỳ theo tài của ông thầy, mà cũng tuỳ theo thế lực của học trò nữa. Học thành thục rồi có người họ đền ơn 3 đồng một bản, có người đền ơn 5 đồng một bản, có người tới 10 đồng.

- Xin lỗi thầy tư, không biết nhà thầy ở đâu vậy thầy Tư?

- Tôi không có dọn nhà riêng, Tôi ở đậu với anh tôi ở đường Bourdais.

- Té ra cũng gần tôi mà. Hai chị em tôi ở đường Louvani. Tôi ở dãy phố 20 căn đó, nhà tôi số 72. Mời hai thầy bữa nào có đi chơi vô ngã đó, ghé nhà tôi uống nước. Tôi ở nhà có hai chị em, chớ không có ai hết.

Ba Có nói dứt lời rồi liền đứng dậy rủ Phục xuống chợ cũ mua trái cây và cúi đầu từ hai thầy mà đi, Phục cũng chắp tay cúi đầu mà từ giã, bộ nghiêm nghị lắm.

Đi được một khúc, Ba Có nói nhỏ với Phục rằng:

- Em đừng ngó lại chỗ hai thầy ngồi đó nghen hôn.

- Sao vậy?

- Nếu mình ngó lại, thì người ta biết mình ngó chừng, rồi người ta cho mình là bọn “tứ thời” đi trêu bẹo người ta. Mình đừng thèm ngó lại, họ mới mê mà đi theo mình.

- Chị nói phải lắm.

- May quá đi chơi tầm bậy mà kiếm được thầy cho em học đờn học chữ chớ.

- Người ta làm thầy thông, người ta đương chịu dạy mình a.

- Dạy mà. Để rồi em coi, tối nay thầy sẽ lại nhà mình; lại mà dạy dùm mà không ăn tiền đâu.

- Sao chị biết? Thầy có hứa dạy đâu.

- Em quê mùa qúa! Qua thấy cặp nhãn của thẩy thì qua đã biết thẩy mê em rồi. Qua nói thẩy sẽ tới nhà mình, em muốn cá bao nhiêu qua cũng cá hết. Thẩy nói thẩy không có vợ, qua nói mình ở nhà có hai chị em, có cái gì ngăn cản đâu mà thẩy không lại nhà mình?

- Chị đoán như thầy bói.

Hai chị em đi vòng xuống chợ cũ rồi thủng thẳng trở về nhà, nhắc ghế để trước cửa mà ngồi nói chuyện chơi. Thiệt quả, lối 8 giờ tối thì thầy Tư bận đồ mát hồi chiều đó thủng thẳng đi ngang qua, day mặt vô phố dòm kiếm số nhà. Ba Có khều tay Phục mà chỉ, rồi bước ra chào thầy, mà mời thầy ghé nhà chơi.

Thầy Tư nầy tên Cao con của Hương sư Hàng ở Vĩnh Long. Thầy mới 22 tuổi, thi ra trường rồi xin đi làm việc tại phòng văn quan Đốc lý thành phố Saigon đã được một năm rồi mà chưa cưới vợ. Thầy ở đậu tại nhà một người anh nhà bác, là ông Phán Khải, làm việc sở Tạo-Tác.

Ba Có tiếp thầy Tư Cao vô nhà, mời thầy ngồi, hối Phục rót nước trà, lấy thuốc điếu mà đãi.

Thầy Tư Cao bợ-ngợ, không dám ngó Phục, thầy nghĩ không lẽ ngồi lặng thinh hoài, nên thầy nói rằng: “ Đường nầy mát quá, ban đêm tôi hay đi chơi phía trên nầy hoài mà không dè chị ở đây”.

Ba Có nghe thầy kêu bằng chị, thì hiểu ý thầy, nên cười mà nói rằng:

- Bây giờ biết rồi thì tối thầy lên chơi, tôi có chồng mà chồng tôi ban đêm về nhà lớn trên Chí Hoà, không có đây. Tôi ở nhà có hai chị em. Con Hai đây là con của dì tôi nó gốc ở dưới Cai Lậy, nó lên ở với tôi đặng học đờn học chữ cho biết chút đỉnh với người ta. Hồi chiều tôi nghe nói thầy đờn hay. Nếu thầy vui lòng dạy dùm con Hai thì tôi mang ơn thầy lắm.

- Nếu cô Hai muốn học với tôi, thì có lẽ nào tôi dám từ, song tôi mắc làm vệc, ban đêm mới rảnh được.

- Thì cầu học ban đêm cũng đủ mà. Đêm nào thầy rảnh thì lên dạy dùm nó ít giờ, cần gì phải dạy tới ban ngày. Nè, mà nó nghèo, nhưng thầy dạy thì tôi xin thầy ăn tiền công re rẻ vậy nghe hôn, chớ thầy đòi mắc quá, nó không có tiền mà trả đa.

- Không mà. Tôi dạy dùm cô Hai mà chơi, chớ tiền gạo gì.

- Thầy không ăn tiền, tôi sợ thầy dạy không hết lòng chớ.

- Không ăn tiền dạy mới kỹ đa chị.

- Thầy làm như vậy thì ơn nghĩa lớn quá, con em tôi làm sao mà đền đáp cho nổi.

- Tôi làm ơn nghĩa thì cô Hai lấy ơn nghĩa mà đáp, có khó gì.

Phục bước lại mời thầy Tư Cao uống nước, liếc mắt hữu tình ngó thầy, miệng cười như hoa bán khai mà nói rằng:

- Thưa thầy, thầy mới biết em mà thầy nói như vậy, thì em cảm-tình lắm. Song em xin tỏ với thầy, ví như thầy muốn làm ơn nghĩa với em, chẳng phải em sợ em không có đủ ơn nghĩa mà đáp lại. Ngặt vì đời nầy là đời kim tiền, nếu em dùng ơn nghĩa mà đáp ơn nghĩa, em sợ trái mùa chăng?

- Đời kim tiền, mà mình làm nhơn nghĩa, mình mới cao chớ.

- Cao thì mệt.

- Mệt mà vui.

Trai gái ngó nhau, mắt liếc miệng cười, coi tâm đầu ý hiệp lắm. Ba Có thấy vậy thì nói rằng:

- Nè mà thầy dạy nó học đờn, thầy phải tập nó ca nữa đa, nghe hôn.

- Cô Hai muốn học thứ gì tôi cũng dạy hết thảy.

- Nó muốn học chữ quốc ngữ nữa.

- Cũng được nữa.

- Chừng nào khởi công dạy?

- Nếu cô Hai muốn học gấp, thì tôi dạy liền bây giờ cũng được. Ở nhà có đờn hay không?

- Không có. Để mai đi mua mới học được.

- Chị khỏi mua. Tôi có đờn sẵn, để tối mai tôi đem lại tôi dạy.

- Thầy sẵn lòng như vậy thì con Hai mang ơn lắm.

Ba Có bỏ đi ra đằng sau, để con Phục nói chuyện với khách cho thong thả.

Thầy Tư Cao mê-mết, ngồi nói chuyện chơi tới 11 giờ khuya mới chịu về.

Đêm sau Thầy Tư đem một cây kìm với một cây tranh lên mà dạy Phục học. Ban đầu còn ké-né e lệ, dạy trong vài đêm rồi, thì tình biết tình, nghĩa thắm nghĩa, gió trăng mang mát, ong bướm vởn vơ, khi thì dạy đờn, khi thì dạy ca đến khuya tối dắt nhau ra chợ ăn mì, khi thì chong đèn trò chuyện sáng đêm, khắng khít thề nguyền tràn-trề ân ái.

Trong mấy tháng mà Phục đã đờn được ít bản tranh, ít bản kìm, biết ca trúng nhịp, lại biết đọc nhựt báo, thầy dạy đã không tính tiền công, mà lại sắm giường sắt, mùng lưới cho học trò nằm, sắm một đôi bông xoàn cho học trò đeo, sắm một bộ dây chuyền, sắm áo sắm quần, sắm giầy sắm dép, không thiếu vật chi hết.

Một đêm thứ bảy, Thầy Tư Cao mắc đi ăn tiệc với chúng bạn, thầy không lên nhà Ba Có được.

Phục nằm trên ván mà nói chuyện với Ba Có, chậm rãi nói rằng: “Thầy Tư thẩy thương em lung lắm, thầy nói hễ thẩy xa em chắc thẩy chết. Em muốn thứ gì thẩy cũng mua cho hết thẩy. Không biết tại sao mà em biểu thẩy làm hôn thú đặng vợ chồng dọn về ở chung với nhau, thì thẩy cứ làm lơ hoài”.

Ba Có nghe mấy lời thì lồm cồm ngồi dậy ngó phục mà hỏi rằng:

- Em muốn làm hôn thú chi vậy hử?

- Làm hôn thú cho chắc chắn chớ chi.

- Trời đất ơi! em quên lời qua dặn rồi sao? Qua đã có nói với em; phận mình là đờn bà, họ muốn mình là họ muốn làm cho phỉ cái tình dục của họ, chớ không có nghĩa gì hết. Qua đã có khuyên em; ở đời phải tập tánh lại, phải rèn lòng đúc trí cho cứng như sạn như đá, đừng thèm thương ai, đừng thèm giận ai thì mới khỏi bị người ta lường gạt, sao em chưa thoát khỏi cái biển nầy? Em tưởng thầy Tư thương em lắm sao? Chớ chi thẩy thương thiệt, thì thẩy đã về nói với cha mẹ thẩy mà cưới em rồi. Mà qua nuôi em, qua dạy em, có phải qua tính cho em làm cô thông thím ký đâu; qua muốn cho em làm “bà” kìa chớ. Em làm vợ Thầy Tư sang trọng sung sướng gì đó mà mong? Thẩy ăn lương một tháng ít chục đồng bạc, nếu em làm vợ thẩy thì bất quá người ta kêu em là “ cô thông” mà em phải xách rổ đi chợ, em phải vô bếp nấu ăn, rồi sau em sanh con, em phải ẵm bồng cho bú cực khổ. Qua làm lơ để cho em ân ái với thầy Tư, là qua muốn trước cho em học đờn, học ca, học chữ, sau nữa cho em có vi kiến đủ mà cao bay xa chạy. Nay em học gần thành, mà vi kiến cũng có ít đỉnh rồi, qua đương tính kế dứt dây cho em bay cao, sao em lại tính buộc chưn buộc cẳng.

- Nếu dứt dây thì tội nghiệp cho thầy lắm.

- Hứ! em quên mau quá! Tội nghiệp! Tội nghiệp! vậy chớ hồi đó họ dứt dây em đó, họ có tội nghiệp cho em hay không?

Phục nằm lặng thinh một hồi lâu rồi ngồi dậy mà nói rằng: “ Chị nói phải. Em học còn non một chút. Em hứa chắc với chị từ rày về sau em không dại như vậy nữa đâu”. Thà là em gạt thiên hạ, chớ em không để cho họ gạt em nữa.

Ba Có gặc đầu và cười.

Cái vấn đề muốn đặt cho cô hai Phục làm Bà, là một vấn đề quan hệ của Ba Có, ngày đêm chị ta chẳng hề quên. Chị ta nghĩ nếu muốn cho Hai Phục làm “Bà lớn” thì trước hết phải cho lộn vào đám giàu sang. Mà muốn đạt được cái mục đích ấy thì điều cần nhứt là phải có tiền đặng sắm áo quần cho tốt, lên xe xuống ngựa thì mới được chen lộn vào đám giàu sang được.

Tuy mấy tháng nay Thầy Tư Cao có phụ tiền cho Phục ăn xài cũng bộn, nhưng mà số bạc của cô Cai Tổng Lung đưa hồi trước nó tiêu mòn lần lần, còn không đầy một trăm. Tuy thầy Tư Cao có sắm áo quần nữ trang cho Phục nhưng mà những đồ ấy là đồ tầm thường, không đủ làm cao phẩm giá cho Phục được. Vậy phải đi Cần Thơ kiếm vợ bé của thầy Cai Tổng Lung mà đòi tiền.

Ba Có hễ tính rồi thì làm liền. Chị ta nói cho Phục hay rồi một mình tuốt xuống Cần thơ.

Lê thị Mẹo sanh cho thầy Cai Tổng Lung một đứa con trai thì thầy coi như vàng như ngọc, nên thầy đã đem mẹ con cô về ở chung tại nhà lớn, vợ lớn của thầy yếu thế nên không dám cằn nhằn ngăn cản chi hết.

Thị Mẹo thấy Ba Có đến nhà thì biến sắc, song mấy tháng nay cô dấu đút để dành đã đủ số bạc rồi. Cô nói với vợ chồng thầy Cai Tổng rằng Ba Có là người cô kết làm chị em hồi lúc cô nằm nhà thương mà sanh, nay có dịp đi Cần Thơ nên ghé thăm cô. Ba Có là tay thợ, muốn có tiền chớ không phải muốn hại ai làm chi, bởi vậy vừa thấy mặt cô cai nhỏ thì chị ta mừng rỡ, hỏi thăm lăng xăng, bồng thằng Lăng mà nựng, làm bộ coi như thân thích lắm vậy. Vợ chồng thầy Cai niềm nỡ, không nghi đều chi hết, lại cầm ở chơi bữa sau mới về.

Tối lại thừa lúc không có ai, Ba Có mới nói nhỏ với thị Mẹo rằng: “Chị em tôi nghèo quá, nên xuống đây cậy cô cho mượn tiền về xài”.

Thị Mẹo gặc đầu, ngó trước ngó sau không thấy ai, mới móc túi lấy một gói mà đưa cho Ba Có nói rằng: ”Tôi trả đủ số sáu trăm rưỡi, chị trao cái giấy cho tôi hồi trước đó lại cho tôi”.

Ba Có bước ra sàn đếm bạc, rồi trở vô giao cái giấy cho cô Mẹo. Hai người ngó nhau mà cười.

Thị Mẹo hỏi nhỏ rằng:

- Con Hai mạnh giỏi thế nào chị?

- Xổ sữa lắm. Biết trườn rồi.

- Chị làm ơn nuôi dùm nó.

Ba Có gặc đầu khoác tay, rồi hỏi nhỏ lại rằng: “Thầy cai có nghi hay không?”

Thị Mẹo lắc đầu và cười.

Sáng bữa sau, Ba Có trở về Saigon. Có tiền nhiều chị ta mới đặt may y phục, và dọn chỗ Phục ở rất đẹp đẽ. Mỗi buổi chiều chị ta buộc Phục phải ngồi xe-kéo đi chơi một vòng, và mỗi tối thứ bảy chị ta lại dắt đi coi hát Cải-Lương hoặc đi coi hát bóng.

Cô Hai Phục đã có sắc khuynh thành, mà lại còn biết đờn ca, văn nói khôn khéo, bởi vậy những ông giàu sang ăn chơi ai cũng trầm trồ gắm ghé.

Phục đã nổi danh chút đỉnh; may lúc ấy có một Hội phước thiện tổ chức một cuộc lễ để lấy tiền cứu giúp nạn lụt, lại có bày cuộc đấu sắc đẹp. Cuộc thi ấy cô giựt được giải nhứt. Các nhựt báo đều đăng tên của cô, chân dung của cô mà khen ngợi làm cho danh tiếng của cô bừng lên, từ Nam chí Bắc ai cũng đều biết mặt “Cô Hai Phục” là gái đẹp nhứt trong Lục Tỉnh.

Khách làng chơi lại càng xôn xao hơn nữa, đem xe tới dành nhau mà rước cô đi chơi, phải tốn bạc trăm mới nói chuyện được với cô. Từ rày cô Hai Phục thường có bạc ngàn trong nhà, bề ăn xài chẳng khác bực giàu sang.

Thầy Tư Cao tỏ ý không muốn cho cô đi chơi. Cô chau mày hỏi rằng: “Thầy đủ sức chịu mỗi tháng 500$ cho tôi xài hay không, mà thầy không muốn cho tôi đi đờn ca?”

Thầy Tư Cao cúi đầu, không trả lời, mà sắc mặt buồn lắm.

Chú thích:

(1-) bài bạc

CHƯƠNG 8 - BƯỚC NẤC THANG ĐẦU

T

hầy Tư Cao cũng còn ở đậu tại nhà Ông Phán Khải mà đi làm việc.

Một buổi chiều, thầy đi làm việc về, thầy bước vô nhà thì thấy ông thân với bà thân của thầy đương ngồi nói chuyện với bà Phán. Thầy chào mừng cha mẹ, rồi ngồi tại đó mà nói chuyện, chớ không thay đồ. Cách một lát ông Phán Khải về, ông cũng ngồi lại đó mà hỏi thăm bà con cô bác dưới tổ quán.

Ông Hương Sư Hàng, là ông thân của thầy Tư Cao, nói chuyện với ông Phán ít câu rồi day qua hỏi thầy Tư Cao rằng: “Mầy làm giống gì mà mắc nợ đến bạc ngàn, nên gởi thơ xin một ngàn mà trả nợ?”.

Thầy Tư cúi mặt xuống đáp nhỏ nhỏ rằng:

- Con ăn xài thâm thủng một ngày một ít, nên mắc nợ có làm giống gì đâu.

- Mầy làm việc ăn lương mỗi tháng 40 đồng. Mầy ở đậu tại nhà anh Phán mầy đây, mỗi tháng mầy trả tiền cơm có 12 đồng, tại sao xài không đủ mà tới thâm thủng?

- May áo quần bận, vô hội nầy hộ kia với người ta, có 28 đồng làm sao mà đủ.

- Mầy bận đồ Tây, may một bộ giá chừng năm đồng bạc. Không lẽ mỗi tháng mầy may đến ba bốn bộ đồ. Còn hiệp hội với anh em thì bất quá mầy vô chừng 5 hội là nhiều, ví như mỗi hội mầy đóng một đồng bạc, thì tốn có 5 đồng bạc chớ bao nhiêu. Mầy nói thế nào kia, chớ mầy nói sắm áo quần với vô hội mà phải mắc nợ bạc ngàn, thì mầy khi người ta quá.

Thầy Tư ngồi lặng thinh, không trả lời được.

Ông Hương sư Hàng liếc mắt ngó con, rồi cười gằn mà tiếp rằng: “Công việc của mầy trên nầy tao với má mầy đều biết hết thảy. Mầy đừng có giấu. Tao nghĩ lại công tao cho mầy ăn học tốn hao bạc ngàn thiệt là uổng lắm. Học làm chi mà hư quá vậy? Phải tao dè như vầy thì hồi nhỏ tao bắt mầy giữ trâu, rồi lớn tao bắt mầy làm ruộng, như hai thằng anh của mầy, thì xong quá”.

Thầy Tư bị cha quở trách, thầy ứa nước mắt và nói nhỏ nhỏ rằng: “Con có làm việc chi quấy đâu mà hư?”

Ông Hương sư chau mày nạt rằng:

- Mầy mê đĩ như vậy đó, mầy nên lắm hả?

- Con có mê đĩ đâu.

- Vậy mà nó còn chối nữa chớ! Không mê đĩ, vậy chớ làm giống gì mà mắc nợ bạc ngàn? Mầy muốn hư thì tao bỏ cho mầy hư. Tao không biết tới mầy là con nữa đâu. Mầy có mắc nợ mặc kệ mầy; mầy trả không nổi họ kiện mầy rồi giam thân mầy thì mầy chịu. Phải, tao làm cực khổ cho có tiền đặng để lại cho con. Mà để cho con là con nên kìa, chớ con hư như mầy thì đừng có trông lãnh gia tài của tao. Không lẽ tao làm đổ mồ hôi xót con mắt đặng có tiền cho mầy nuôi đĩ.

Thầy Tư Cao không trả lời được nữa.

Ông Phán Khải muốn vớt dùm cho thầy Tư, nên can rằng: “Thằng Tư nó còn nhỏ, tự nhiên nó chơi-bời chút đỉnh. Chú giận chú nó như vậy, chớ lẽ nào mà bỏ nó, hễ nó có đôi bạn thì nó lo làm ăn chớ gì.”

Ông Hương - Sư trợn mắt đáp rằng : “Nó mê đĩ điếm thì để nó lấy quân đó, cưới vợ tử - tế cho nó mà làm gì.”

Ông Phán thấy ông Hương-sư còn giận quá, ông không dám nói nữa.

Cơm dọn rồi, bà Phán mời hai vợ chồng Ông Hương-sư đi ăn cơm. Tối lại ông Hương-sư đi vô Cholon mà thăm một người quen. Ông vừa ra khỏi nhà, thì bà Hương-sư nói rằng :

“Con làm bậy, cha con giận con lung lắm. Xưa rày ổng cậy mai nhờ mối, tính cưới con của thầy Ban-Biện cho con. Ổng tính gần xong kế nghe con ở trên nầy sanh tâm trai-gái đào-đĩ, ổng giận hết sức. Hôm kia ổng được thơ con gởi xin một ngàn mà trả nợ, thì ổng càng giận thêm nữa, ổng giận đến nỗi bỏ ăn bỏ ngủ. Ở dưới nhà ổng rầy-rà lung lắm, ổng hăm ổng từ con, nói cho con biết. Sao con dại dữ vậy ? Cha mẹ ráng làm có tiền cho con ăn học, con muốn vật gì cha mẹ cũng cho hết thảy. Mấy năm con học trên Sàigòn mỗi năm tốn hao tới hai ba trăm, cha mẹ cũng vui lòng mà chịu. Bãi trường về nhà, con muốn học đờn, cha mẹ cũng rước thầy dờn cho con học. Từ nhỏ chí lớn con ăn học tốn hao của cha mẹ không biết bao nhiêu. Con ra làm việc mấy năm nay, con có lương-hưởng, mà con không giúp đỡ cho cha mẹ thì thôi, chớ sao con lại sanh chuyện mà làm cho phiền lòng cha mẹ nữa. Má khuyên con hãy bỏ cái tánh chơi-bời bậy-bạ đó đi; con có thương con nào thì cũng dứt phứt cho rồi, con lo tu tỉnh lại rồi lần lần má sẽ thăng-thỉ(#1) với cha con đặng xin ổng tha lỗi cho con, chớ con còn đeo-đuổi theo đồ đó, ổng giận chắc ổng bỏ luôn con đa, nói cho con biết”.

Thầy Tư Cao đương bối-rối về nợ nần, lớp tiền góp, lớp bạc tháng, họ đòi tứ tung, thầy chịu không nổi. Thiệt nếu có chừng 500 đồng bạc thì thầy trả dứt nợ hết. Nhưng mà thầy viết thơ về xin cha mẹ một ngàn ấy là thầy muốn cho có dư đặng thầy sắm đồ dọn nhà mà ở với cô Hai Phục. Chẳng dè cha mẹ đã không chịu cho bạc đặng thầy trả nợ mà lại còn rầy thầy về sự chơi-bời. Thầy có chơi-bời gì đâu? Thầy thương cô Hai Phục, thầy có ân tình với cô, tự nhiên thầy phải nuôi cô. Cô là gái không chồng, thầy là trai không vợ, hai đàng ân ái với nhau, có can danh phạm nghĩa chỗ nào đâu, mà gọi rằng hư, rằng quấy. Kết đôi bạn trăm năm phải để cho cha mẹ cưới mới nên, chớ còn để cho thong thả cho tình kiếm tình đồng thinh đồng khí mà phối hiệp thì hư hay sao? Cái lý thuyết như vậy có cái gốc chắc-chắn gì đâu mà buộc mình phải nhắm mắt làm theo cho được. Mà lại làm con không phép cãi lời cha mẹ, hễ cha mẹ rầy thì phải chịu. Cha rầy tuy cha nói nặng lời, song không có tiếng gay-gắt, còn mẹ rầy, tuy mẹ nói ngon ngọt, song lời nói châm trong gan trong ruột nên khó chịu không biết chừng nào.

Thầy Tư ngồi nghe mẹ nói thì thầy buồn hiu.

Vợ chồng ông Phán Khải nói có ban hát hay mới lại, nên mời bà Hương-Sư đi coi hát chơi cho vui. Thầy Tư đương buồn nên thầy kiếm chước nói nhức đầu mà ở nhà. Thầy đi ra đi vô một mình, sự buồn càng dồn-dập thầy chịu không được, nên thầy bận đồ mát, chơn mang guốc, lần lần đi lên đường Louvain.

Tới trước cửa Ba Có, thầy thấy có một cái xe-hơi đậu ngoài đường, còn trong nhà thì có ba người khách: một người chừng 45 tuổi, để râu ngạnh trê, mặc áo dài,bịt khăn đen, còn hai người nữa thì lối 25-30 tuổi mặc âu phục, mà tướng mạo sang trọng lắm. Ba người khách ngồi chung quanh cái bàn giữa mà nói chuyện. Cô Hai Phục cũng ngồi chung với khách, cô bận áo màu hột gà, mặt dồi phấn môi thoa son, nói cười ngã-ngớn, coi lả-lơi lắm. Ba Có thì ngồi tại cái ghế dựa vách, sụt vô trong nhà ăn trầu, mặt mày coi cũng hớn hở.

Thầy Tư Cao đương buồn rầu về nỗi riêng, muốn lại cho gặp cô Hai Phục hoặc may có bớt buồn chăng. Nào dè lại tới đây lại thấy cái cảnh như vầy chưng-hửng. Thầy tính tháo trở về, mà đi được vài bước thì thầy trở lại, đứng ngó vô nhà nữa. Cô Hai Phục cũng cứ cười giỡn với khách. Thầy Tư Cao lấy làm xốn mắt khó chịu, nên thầy nhứt định đi vô coi khách nào đó cho biết, thầy không thẹn về y phục của thầy khiếm lễ.

Thầy Tư xâm-xâm đi vô cửa. Ba người khách ngó thầy trân-trân. Cô Hai Phục cứ nói chuyện, cô không chào hỏi, mà cũng không thèm ngó. Duy có một mình Ba Có nói rằng: “Ngồi trên ván đó chơi thầy Tư “.

Người bận áo dài hỏi rằng : “ Thầy đây là ai ? “

Ba Có hớt mà nói rằng : “ Thầy dạy con Hai đờn ca đó đa “.

Một người khách bận đồ Tây nói rằng : “May dữ hôn ! Có sẵn thầy đờn đây, thôi mời đờn ít bài cho Cô Hai hát nghe chơi”.

Thầy Tư Cao giận đỏ mặt, thầy bước lại bộ ván mà ngồi, mắt ngó người khách biểu đờn đó lườm-lườm mà nói rằng : “Tôi tập đờn đặng khi nào tôi buồn tôi đờn cho tôi tiêu khiển, chớ không phải học đờn dặng đờn cho thiên-hạ nghe đâu.”

Cô Hai Phục chau mày, day lại nói với thầy Tư Cao rằng:

- Thầy vô lễ quá : Mấy ông muốn nghe thầy đờn, mấy ông dùng lời lịch-sự mà mời thầy. Dầu thầy không chịu đờn thì thầy cũng nói cho có lễ nghĩa, chớ sao thầy tỏ lời khinh-rẻ người ta như vậy.

- Chỗ nầy mà lễ-nghĩa gì ?

- Thầy nói sao ?... Thầy muốn làm nhục tôi hả ?

- Người khách bận áo dài thấy bộ hai đàng muốn xung đột, bèn can rằng : “Thôi, thôi, tưởng thẩy vui lòng, mình mời thẩy đờn đặng ca ít bài nghe chơi. Thẩy không chịu thì thôi, ép thẩy làm chi.”

Thầy Tư ngồi lặng thinh, mà mặt coi giận lắm.

Người khách ấy day qua nói với Ba Có rằng :

- Chị Ba, sao chị không mướn một cái nhà bánh-ếch cho rộng-rãi sạch-sẽ để hoa-khôi sắc đẹp ở đặng anh em tới chơi, chị ở căn phố chật-hẹp nực-nội quá, sợ hoa-khôi bịnh chớ.

- Trời ơi! Chị em tôi nghèo muốn chết, tiền bạc đâu mà dám mướn nhà bánh-ếch mà ở. Quan Huyện tưởng chị em tôi là đại điền chủ như quan Huyện vậy sao ?

- Nhà bách-ếch mướn một năm chừng năm sáu chục, chớ bao nhiêu.

- Thưa phải. Chừng năm sáu chục; mà phải có tiền đặng trả tiền mướn, chớ chị em tôi làm gì có tiền trả nổi. Nếu quan Huyện chịu trả tiền mướn thì họa may.

- Được mà. Chị mướn mà dọn đi. Tiền nhà anh em tôi chịu cho.

- Mướn nhà họ buộc phải đóng tiền trước ít nữa là một tháng. Lại dọn nhà ít nữa phải có bàn ghế tủ giường. Chị em tôi làm sao mà trả trước tiền nhà và mua sắm đồ đạc cho nổi.

- Để tôi đưa trước cho chị một mớ để dọn nhà…… Đừng có lo không tiền mà……

- Ông và nói và phành bóp-phơi lấy ra năm tắm giấy săn(#2) mà đưa cho cô Hai Phục và nói rằng : “Đó, dọn nhà đi. Dọn cho xong đặng tuần sau tôi lên chơi. Dọn chỗ nào trên nầy thì nói cho ông Thầy Thuốc biết, đặng chừng tôi lên ổng dắt tôi lại“.

Cô Hai Phục cầm năm tấm giấy săn, mắt liếc ông rất hữu tình cười và nói rằng: “Em cám ơn ông. Mà chừng em dọn nhà tử tế, ông lên ông phải ở đó, chớ đừng có ở ngoài nhà hàng đó nữa đa “.

Ông gật đầu đáp rằng :

- Như đi một mình thì ở đặng, chớ nếu đi có bà thì ở sao đặng.

- Ông sợ bà lắm sao ?

- Không phải sợ. Nhưng mà việc chơi, cho đờn-bà họ biết làm chi.

- Chuyến sau ông lên ông phải mua đồ ăn tân-gia đã nghe hôn.

- Được, cô muốn tôi đi hạ bằng vật gì ?

- Em muốn ông đi cho em một chiếc vòng nhận chừng năm hột xoàn. Em thấy ngoài nhà hàng có bán một chiếc vòng em muốn quá. Nó để giá là 350 đồng.

- Được mà.

Khách ở nói chuyện tới 10 giờ rưỡi rồi lên xe hơi mà đi, hẹn với nhau tuần sau sẽ gặp nhau mà ăn lễ tân-gia.

Cô Hai Phục đưa khách đi rồi cô trở vô, tay nắm sắp giấy bạc miệng chúm-chím cười.

Thầy Tư Cao ngồi ngó cô lườm-lườm và hỏi rằng : “Cô Hai, bây giờ cô quyết làm cái nghề nhục-nhã nầy hay sao ?”.

Cô Hai nghiêm sắc mặt mà hỏi lại rằng :

- Nghề gì mà thầy dám gọi là nghề nhục-nhã?

- Nghề đưa cửa trước rước cửa sau, nghề rù quến bướm ong mà lấy tiền, chớ nghề gì. Cô làm như vậy đó thanh cao lắm há ?

- Tôi cần học với thầy là học đờn học ca mà thôi, chớ tôi không cầu thầy dạy phong hóa. Cái môn phong hóa của thầy đó là đồ giả-dối, để gạt người, chớ không có giá-trị gì.

- Những việc và những người mà thầy cho là thanh cao đó bề ngoài coi tốt đẹp, còn bề trong thì thúi-hoắc. Thầy đừng có khoe thanh cao với tôi.

Thầy Tư lắc đầu, thở ra, nước mắt rưng rưng, không nói được nữa.

Cô Hai nói tiếp rằng : “Thầy là người có ăn học mà thầy vô lễ quá. Hồi nãy thầy bước vô nhà tôi, thầy thấy khách của tôi, thì thầy lấy mắt mà ngó, chớ không chào. Người ta mời thầy đờn chơi, thầy lại trả lời khiếm nhã. Tôi tỏ ý trách thầy, thì thầy lại cùn-quần nói chỗ nầy mà lễ nghĩa gì. Sao trước mặt khách của tôi mà thầy dám nhục tôi như vậy? Tôi nói cho thầy biết, từ rày sắp lên nếu thầy còn muốn tới lui chơi, thì hễ gặp nhà tôi có khách thầy đừng có vô. Còn như thầy vô thì phải chào hỏi cho đủ lễ. Nếu thầy cãi lời tôi thì tôi cấm tuyệt không cho thầy tới nữa”.

Thầy Tư giận đỏ mặt, thầy đứng dậy nói rằng: “Cha chả, bây giờ cô còn bắt lỗi tôi nữa hả?. Tôi không đánh cô đó là may phước cho cô lắm. Cô đừng có ọ ẹ mà chọc giận tôi”.

Nãy giờ Ba Có ngồi nghe hai đàng cãi lộn, chị ta không nói chi hết. Chừng chị ta thấy thầy Tư nói lớn lại lên tay lên chưn thì chị ta xốc lại xô thầy mà nói rằng: “Thầy có gan thì đánh thử coi. Thầy đánh một cái, tôi làm heo cho thầy ăn liền. Thầy có quyền gì mà thầy được lên giọng với em tôi?”

- Cô Hai làm cho em buồn lắm. Chị ba ơi!

- Thầy vui hay là buồn cũng vậy, có ăn thua gì với tôi đâu.

- Không ăn thua sao được. Chị nghĩ lại mà coi, tôi gần cô Hai mấy tháng nay, tôi thương yêu cô, tôi ra công dạy cô học, tôi tốn hao với cô đến năm bảy trăm đồng bạc...

- Thôi, thôi, thầy đừng có kể công ơn. Thầy tưởng năm bảy trăm đồng bạc của thầy đó nhiều lắm sao? Thầy không thấy hồi nãy đó sao? Em tôi nó nói một tiếng cũng có năm bảy trăm.

- Chị Ba, xin chị nín để em nói chuyện phải quấy cho chị nghe. Không phải em kể công hay là kể của. Em nhắc chuyện để mà nghe vậy thôi. Em ra công dạy cô là vì em thương cô. Bây giờ cô sanh tâm làm việc hèn hạ nhục-nhã quá, mà lại làm trước mặt em, thì em đau đớn hết sức. Em phải chết, chớ em sống mà thấy như vầy em chịu không được.

- Vậy chớ thầy muốn cho nó nhịn đói mà lấy thầy phải hôn? Thầy quê mùa quá! Cái thời kỳ “Trọng nghĩa khinh tài” đã qua lâu rồi, thầy không dè hay sao? Thời đại nầy là thời đại “đứa khôn lột da đứa dại”. Thầy đừng có tưởng việc nó làm đó là hèn-hạ hay là nhục nhã. Không có đâu, thiếu gì bực cao sang họ lập mưu mà lật lưng thiên hạ, họ cũng uốn lưỡi, họ cũng bẹo hình, mà có ai chê cười gì đâu, người ta lại còn khen họ khôn, khen họ giỏi nữa chớ.

Thầy Tư nghe mấy lời thì thầy ngẩn-ngơ. Thầy đứng suy nghĩ một hồi rồi chắc lưỡi lắc đầu mà nói rằng: “Uổng cái tình tôi thương cô Hai quá!”. Thầy nói dứt lời liền bước ra cửa. Ba Có cười và nói rằng: “Tôi khuyên thầy, ở đời mình phải thương lấy mình, chớ đừng có mong thương thiên hạ. Ai cũng tính lật lưng hết thảy, không ai thương mình đâu mà mình thương họ.”

Thầy Tư lầm lũi đi tuốt. Ba Có ngó Cô Hai Phục và cười và nói rằng: “Đó, học mà dốt là vậy đó. Học theo sách chớ không học ở đời. Thẩy tốn với mình có năm bảy trăm, mà học được bài học ở đời, có phải là mắc đâu”.

Trong nhà đã có tiền, sáng bữa sau Ba Có với cô Hai Phục ngồi xe kéo đi kiếm nhà mà mướn. Vô tới xóm Tân An gần Kho Đạn, thấy có ba cái nhà bánh ếch treo bảng cho mướn mỗi cái giá 45$00 một tháng. Hai chị em thấy xóm thanh tịnh, lại nhà cũng rộng rãi mát-mẻ, có nhà tắm, có nhà xe, trước có sân trồng bông, sau có nhà bồi bếp ở, bèn mướn một cái rồi mua tủ, giường, bàn, ghế dọn về mà ở.

Thầy Khuyên là chồng của Ba Có, trưa cũng theo về đó mà nghỉ.

Dọn nhà mới được hai bữa. Một buổi chiều, cô Hai Phục với Ba Có nhắc ghế ra sân ngồi hứng mát. Cô Hai Phục nhớ lại hồi trưa có mua một số nhựt trình mà cô chưa coi, cô bèn lấy ra đọc cho Ba Có nghe chơi. Cô vừa mới mở ra thì thấy chương thứ nhứt có một bài tựa đề chữ lớn như vầy:

“THẦY CAO TỰ TỬ”

Cô Hai Phục biến sắc, Ba Có thôi thúc nên cô đọc bài ấy như vầy:

“Sớm mơi hôm qua, một người quét lá cây trong vườn Bách Thú lại tới góc một cây da lớn, gần chỗ chuồng nhốt rùa, xảy thấy một người trai, mặc đồ Âu phục, thắt cổ treo tòn-ten trên nhánh cây. Tri hô lên. Cò Bót lại tới, mở dây đem xuống thì người trai ấy chết đã lâu rồi, mình mẩy không có thương tích chi hết. Phóng viên của bổn báo đi điều tra, mới hay người bạc mạng nầy là thầy Cao, năm nay 23 tuổi, làm ký lục tại dinh quan Đốc-lý Thành phố Saigon. Thầy không có vợ, ở đậu tại nhà một người anh nhà bác, là ông Phán Khải ở đường Bourdais. Theo lời ông Phán Khải nói thì mấy tháng nay thầy Cao có tư tình với một cô mua hương bán phấn, thầy mê say-đắm nên mắc nợ. Cha mẹ thầy ở Vĩnh long nghe tin ấy thì có lên quở trách thầy. Có lẽ thầy buồn về nỗi cha mẹ rầy, mà lại thêm lo việc nợ nần nữa nên thầy chán ngán cuộc đời mà tự-tử cho hết cái kiếp lao tâm khổ-trí.”

Cô Hai Phục đọc rồi, cô khóc mà nói rằng: “Thầy Tư chết chắc là tại em ở bức với thẩy quá, chớ không phải mắc nợ, hay là tại cha mẹ rầy đâu. Em nghĩ lại em ăn-năn hết sức. Tội nghiệp quá, thẩy thương em thiệt, chớ không phải giả-dối như thiên hạ.”

Ba Có chau mày, coi sắc mặt chị ta cũng buồn, song nét buồn vừa lộ ra thì lại đi mất liền, rồi thay một cái nét giận, mà nói rằng: “Ối! hơi nào mà thương tiếc! Người nầy chết là tại người kia, rồi người kia chết là tại người nọ. Ở đời vần công mà giết nhau, có lạ gì. Thầy Tư là một cái nấc thang đầu để cho em bước mà leo lên cái địa vị cao-sang. Em còn phải bước nhiều nhấc thang khác nữa, chớ nào phải một cái đó là đủ đâu. Nếu mới bước nấc đầu mà em dụ-dự muốn đứng lại đó, thì làm sao mà trèo cao được. Qua đã dặn em đừng thương ai hết mà”.

Cô Hai Phục lau nước mắt, rồi mới qua chuyện khác, muốn bày cuộc đờn ca mà ăn mừng cô dọn nhà mới.

Chú thích:

(1-) năn nỉ

(2-) (cent): 100

CHƯƠNG 9 - ƯNG MÁI CHÍN

M

ột đêm. Lối mười giờ, có một cái xe hơi lại đậu ngay cửa ngõ cô Hai Phục, sớp-phơ leo xuống mở cửa xe. Cô Hai Phục với Ba Có bước xuống. Cô Hai Phục mặc một bộ đồ màu Hạ-Châu, tay ôm bóp da xám. Còn Ba Có thì mặc đồ lụa trắng. Hai người bước xuống xe rồi cô Hai Phục mở bóp lấy một đồng bạc mà đưa cho sớp-phơ và nói rằng: “Anh lấy đồng bạc đây đi uống nước rồi sẽ về. Xin anh nói lại dùm tôi cám ơn quan Huyện lắm”.

Cô nói rồi xâm-xâm vô cửa ngõ, mùi dầu thơm bay bát ngát. Ba Có đã nhấn chuông điện mà kêu bồi nên có một người trai ra mở cửa ngõ.

Hai chị em vô nhà vặn đèn khí lên thì thấy đồ đạc hực-hỡ, bàn mặt đá, ghế xích đu, tủ cẩm lai, tranh sơn thuỷ, mấy cửa sổ có treo màn tụi, chỗ tiếp khách có trải ta-bi(#1) trên bàn có bình bông tươi, dựa cửa có chậu kiểng kiểu(#2), có sắm ván đi-văn để nằm hút thuốc á phiện, có sắm đủ thứ đờn cho khách hoà chơi.

Khi bước vô nhà thì cô Hai Phục và cười và nói với Ba Có rằng:

- Mình về coi bộ ông Huyện ổng buồn dữ. Tại sao chị thúc về quá vậy chị Ba? Còn sớm mà.

- Mấy ổng chơi như vậy vô lễ lắm. Qua không muốn cho em ở lại đó nữa.

- Mấy ổng cũng tử tế với em như thường, chớ họ có thất lễ với em đâu mà chị bắt lỗi.

- Không phãi họ tử tế đó là đủ. Em phải nhớ rằng em là “hoa-khôi-sắc-đẹp”, mà em lại có cái tài đờn ca hay, nói chuyện giỏi. Em vừa có sắc vừa có tài, đờn ông con trai đều nao-nức muốn em. Em phải giữ phẩm giá cho cao, thì người ta mới trọng, rồi em mới có lợi lớn, chớ ai rước em đi đờn ca, em cũng đi hết thảy, bực tầm thường trong túi có đôi ba chục cũng được gần em, em làm như vậy, phẩm giá em nhỏ quá, rồi cái sắc với cái tài của em có quí gì đâu. Qua phiền mấy ông hồi nãy, là tại họ không biết trọng em. Đã có em rồi, họ còn kêu thêm hai cô ca nhi kia nữa làm chi. Nếu em ở đó thì em giống như hai cô ca nhi kia, nhẹ thể của em quá, được đâu.

- Chị nói phải lắm, song ông Huyện, ổng rước mình đến mà mình bỏ ổng mình về như vậy sợ ổng phiền chớ.

- Thằng cha đó phiền hay không phiền cũng vậy không cần gì.

- Ổng ở với chị em mình cũng khá lắm chớ. Ổng cho mình tiền đặng dọn nhà, ổng còn đi hạ cho em một chiếc vòng nữa, ổng ở như vậy còn gì nữa.

- Em tưởng bao nhiêu đó là nhiều lắm sao? Qua coi thằng cha đó rít-róng lắm, xài không được. Anh ta mở miệng chưng là đại điền chủ ở Lục tỉnh, mà xuất một đồng bạc thì run phát rét. Em không nhớ hay sao? Hôm mình dọn nhà lên trên nầy em biểu anh ta đi hạ cho em một chiếc vòng nhận xoàn. Anh ta làm lơ, qua phải nhắc tới hai ba lần, lại có hai thằng cha cặp tàu(#3) đó nó đốc nữa, anh ta mới chịu mua, mà mua chiếc vòng có 200, nhận xoàn đậu(#4), coi như đồ bỏ. Mấy tháng nay lên nghe đờn, nằm hút mấy lần rồi, mà nó trơ mặt địa hoài. Hôm trước qua bảo mua cho em một cái xe hơi, nó kiếm chuyện nói lãng.

- Để mình xỏ mũi nó rồi thủng-thẳng mình dắt nó, chị muốn làm gấp quá sao được.

- Qua coi tướng thằng cha nói dóc lắm, khoe của, sợ vợ, đủ các tánh xấu hết, xài không vô đâu. Em tưởng nó đưa cho em 500 đặng dọn nhà đó là nó thiệt có hảo tâm hay sao? Không đâu. Vì có hai thằng cha theo cặp tàu đó nó muốn chưng giàu(#5), nên làm bảnh như vậy đó. Nó nghĩ đưa 500 mà gần được một “hoa khôi sắc đẹp”, lại sau hễ lên Saigon thì có chỗ ăn, ngủ, chơi, khỏi tốn tiền nữa, nó tính chẽ (#6) nên nó mới lòi ra đó chớ. Còn hôm nọ anh ta đi có vợ theo, anh ta lén vô đây, mà lo ra quá, chơi một lát rồi lật đật về sợ vợ nghi; người đã bỏn sẻn, mà lại sợ vợ nữa, thì có ích chi mà mình phải vị tình vị nghĩa. Đời nầy giống đờn ông thảy đều háo sắc, mà họ lường lắm. Mình phải dè dặt mới được. Ông nào có muốn em thì em cứ nói em sợ qua rầy, rồi em để mặc qua điều-đình cho. Em phải nhớ em đừng có thương ai hết, cái mục đích của mình là cạo đầu, lột da-hết thảy, không chừa thằng nào. Phải lo làm cho có tiền, hễ có tiền rồi em làm “bà lớn” cũng được nữa.

Cô Hai Phục cười ngất rồi nói rằng: “Cha chả! Nếu em làm “Bà lớn”, em đi đám tiệc rủi gặp chú thím em rồi làm sao?”

Ba Có cũng cười mà đáp rằng: “Vậy coi ngộ lắm chớ. Nếu hổ thẹn thì về phần ai, chớ có phải phần em đâu mà em lo.Qua muốn như vậy lắm”.

Hai chị em thay đồ rồi tắt đèn đi ngủ.

Đến lúc nầy thầy Khuyên thấy cô Hai Phục thường có khách giàu sang đến nhà, thì thầy ké-né, bởi vậy thầy mượn cớ nhà dọn xa sở của thầy, nên thầy ở ăn cơm trưa và nghỉ đậu nhà một người anh em bạn dưới Bến-Thành, chớ thầy không lên ăn cơm với Ba Có nữa. Tuy vậy mỗi tuần thầy đều ghé thăm Ba Có có một lần, có lần thầy ở ăn cơm nói chuyện chơi, có lần thầy thăm một chút rồi đi.

Một buổi chiều thứ bảy, thầy Khuyên ghé thăm, thầy vừa bước vô cửa thì cô Hai Phục mừng rỡ và nói rằng:

- May dữ hôn! Có anh Ba ghé đây. Đi lên Thủ Dầu Một ăn cơm chơi, anh Ba.

- Cơm đâu trển mà ăn?

- Lên nhà hàng mình ăn. Họ đồn nhà hàng Thủ Dầu Một nấu đồ ăn đúng lắm. Lên ăn cơm rồi mình kiếm sầu riêng mua chơi.

- Tôi không rảnh, sợ đi không được.

- Ban đêm anh có làm việc gì đâu mà không rảnh? Từ hồi chiều tới bây giờ, hai chị em tôi muốn đi, ngặt không có đờn ông nên đi không tiện. Như anh chịu đi, thì em sai bồi xuống Saigon mướn một cái xe hơi lên đây cho mình đi. Đi chơi anh Ba.

- Tôi đi không tiện.

- Anh đi với em và chị Ba, anh hổ thẹn hay sao, nên anh không chịu đi?

- Sao mà hổ thẹn? Tại tôi mắc việc, nên đi không được chớ.

- Mắc việc gì, đâu anh nói cho em nghe thử coi?

- Chiều mai trên trường đua có đua độ hội, ngựa về nhứt lãnh phần thưởng tới hai ngàn đồng. Tôi đã đăng con ngựa Xài Quế của tôi đặng chạy độ đó. Tôi lo quá, hổm nay tôi dượt thì nó chạy hay lắm, song không biết ông bà có cho tôi lãnh thưởng hay không. Đêm nay tôi phải coi dầm sương nó và cho nó uống thuốc đặng mai nó chạy. Tôi đi chơi để bầy trẻ ở nhà, nó làm bậy bạ không được.

- Con ngựa anh mua 700 hồi năm ngoái đó phải hôn?

- Phải. Con Xài-Quế đó.

- Dữ hôn! Ngựa mua giá có 700, mà đua lãnh thưởng gì tới 2 ngàn lận?

- Chớ sao. Độ hội ngựa lai mà. Phần thưởng Hội định là 3.200$, chia ra con nhứt 2.000$, còn con nhì 800$, con ba 400$.

Ba Có xen vô hỏi rằng:

- Dữ hôn! Như con ngựa của mình về nhứt mình lãnh tiền thưởng tới 2.000$ lận sao?

- Chớ sao.

- Chà chà! Nếu vậy thì nên nuôi ngựa đua lắm. Làm giàu được, chớ phải chơi đâu.

- Phải. Mà ngựa mình phải về nhứt thì mới khá, chớ mất hạng thì không được lãnh thưởng, mà mình còn phải tốn tiền đặng trả nài, như mình đánh cá thì còn thua thêm tiền nhà nữa.

- Hết thảy mấy con ngựa chạy với ngựa mình?

- Độ hội chạy tới 11 con.

- Trời ơi! Chạy đông qúa, làm sao mình chắc ăn cho được.

- Tuy đông vậy, chớ phần nhiều ngựa không ra gì. Con Sài-Quế của tôi hay lắm. Nó kỵ có hai con là con Dương Tiễn với con Tái Hưng mà thôi. Song con Dương Tiễn hay đâm, còn con Tái Hưng nó què mới hết, bởi vậy con Sài Quế có hy vọng nhiều.

- Tôi muốn đi coi chơi quá. Mai hai chị em tôi lên trường đua coi được hôn?

- Được lắm chớ.

- Làm sao vô cửa được mà coi? Thầy đem hai chị em tôi vô được hôn?

- Tôi phải đem ngựa vô trước đặng sắp đặt. Mình với con Hai lên đó rồi mua giấy mà vô như họ, không khó gì đâu.

- Tôi muốn đi với thầy đặng thầy chỉ con ngựa của thầy cho tôi coi và cắc nghĩa ăn thua cho tôi hiểu, chớ tôi không hiểu gì hết.

- Tôi mắc lo ngựa lộn xộn lắm. Mình cứ vô đó thì có tôi. May cũng có má bày trẻ đi nữa.

- Có chỉ đi nữa sao? Cha chả, chỉ gặp tôi chắc chỉ ghét tôi lắm.

- Có biết mình đâu mà ghét.

- Nói chơi vậy chớ ghét hay là thương cũng vậy, có hại gì đâu. Mai đi nghen hôn, em hai.

Cô Hai Phục cười và đáp rằng: “Đi chớ. Xưa rày em nghe nói trên trường đua vui, em muốn đi lắm, ngặt không ai dắt đi. Để mai hai chị em mình lên đó đánh cá chơi”.

Trưa bữa sau, cô Hai Phục với Ba Có trang điểm rồi kêu xe kéo mà đi trường đua, Ba Có thì ăn mặc tuy sắc sảo, song dọn theo người nghiêm trang lớn tuổi, y phục không hoa hoè, mặt mày không son phấn. Còn cô Hai Phục thì cô chưng diện theo cái phẩm “hoa khôi sắc đẹp”, bận áo thiệt tốt, dồi phấn thiệt khéo, có bao nhiêu nữ trang cô đeo hết, nên cô ra đường chẳng ai thấy cô mà chẳng ngó, mà ngó rồi thì trong bụng phải khen thầm.

Lên tới trường đua, hai chị em mua giấy vô cửa rồi dắt nhau đi coi ngựa mà kiếm thầy Ba Khuyên, đi tới đâu thiên hạ đều ngó cô Hai Phục mà trầm trồ.

Cô Hai Phục dòm thấy trước một cái chuồng ngựa có một đám đông người đương đứng bàn luận, rồi cách đó một khúc lại có thầy Ba Khuyên đương đứng nói chuyện với một người mập-mạp, mặc bộ đồ tây bằng bố xám. Cô chỉ tay mà nói: “Anh Ba kia kìa!” rồi nắm tay dắt Ba Có đi riết lại chỗ thầy Ba Khuyên. Khi gần tới cô kêu mà hỏi rằng: “Anh Ba, con Sài-Quế của anh là con ngựa nào? Anh chỉ cho tôi coi thử tài tướng nó một chút đặng em đánh cá”.

Thầy Ba Khuyên chỉ một con ngựa hồng đứng trong chuồng. Cô Hai Phục với Ba Có đi lại gần mà coi.

Người mặc đồ tây xám ngó cô Hai Phục trân trân, rồi đi theo cô, miệng chúm chím cười.

Cô Hai Phục coi ngựa Sài Quế rồi nói với Ba Có rằng:"Con ngựa của anh Ba tốt quá, em chắc độ hội nó sẽ về nhứt. Có tiền bao nhiêu em cũng dám cá hết thảy”.

Người mặc đồ tây xám bước lại đứng khít một bên cô Hai Phục và nói nhỏ với cô rằng: “Xin cô biết thì để bụng, đừng có nói ra cho họ nghe”.

Cô Hai Phục day qua miệng cười mắt liếc rất có duyên và hỏi người ấy rằng:

- Tại sao mà không nên nói cho họ nghe?

- Để mình cá mình ăn tiền mới nhiều chớ.

- Ả! Vậy hả! Trời đất ơi! Tôi có dè đâu.

- Nãy giờ tôi dọ coi thì thấy thiên hạ phần đông họ mặn đánh con Dương-Tiễn với con Tái Hưng lắm. Cô không thấy hay sao? Kia kìa, họ áp coi hai con ngựa ấy chật nứt kia.

- Vậy hả? Đâu thầy làm ơn dắt tôi lại coi hai con ngựa ấy coi ra sao?

- Cô đi với tôi.

Cô Hai Phục đi vơi người ấy. Ba Có đứng lại hỏi thầy Ba Khuyên rằng:

- Người đó là ai mà quen với mình vậy?

- Mình không biết hay sao? Mai Ngân, kêu là mái-chín Ngánh đó đa. Y làm thầu khoán, ở trong chợ lớn, giàu lớn lắm, có tiệm cưa, có lò gạch, lại có hùn hãng tàu đi Nam-Vang nữa.

- Giàu sao ăn mặc lôi thôi dữ vậy?

- Cái chú nọ xín-xái(#7) vậy đó, chớ y có hai ba cái xe hơi ăn-xài đúng lắm.

- Coi bộ y thấy con Hai y trết theo nó.

- Sợ con Hai thấy y lớn tuổi nó chê, chớ nó đụng y nó no lắm sướng hơn ông Phủ, ông Huyện nào hết.

Cô Hai Phục với Mái Chín Ngánh trở lại. Cô Hai Phục vịn vai thầy Ba Khuyên và nói nhỏ rằng: “Em chắc anh no rồi. Nè, mà lát nữa mua giấy đánh cá chỗ nào? Nói làm sao mà mua? Anh phải dắt em, chớ em nhà quê trết, em có biết đâu”.

Mái Chín Ngánh nói rằng:

- Thầy Ba mắc lo ngựa, phải để cho thẩy thong-thả. Để lát nữa cô muốn đánh con nào, tôi mua giấy dùm cho. Tôi thay mặt cho thầy Ba được.

- Ờ, thầy làm ơn làm hoa-tiêu(#8) dùm cho tôi, chớ tôi nhà quê mới biết trường đua, tôi không hiểu chi hết.

Mai-Chín-Ngánh hỏi thầy Ba Khuyên rằng:

- Cô đây là em của thầy phải hôn thầy Ba?

- Phải. Em của tôi. Mai-Chín-Ngánh không biết nó hay sao? “Hoa-khôi-sắc-đẹp” là nó đó.

Mái-Chín-Ngánh chưng hửng day lại ngó cô Hai Phục rồi nói rằng:

-Té ra cô đây là cô Hai Phục hay sao?

-Phải.

-Xin lỗi cô, nãy giờ tôi không dè. Tôi thấy hình của cô trong nhựt trình. Tôi nghe đồn tên của cô lung lắm. Thuở nay tôi không có dịp gặp cô, nên tôi không biết. Bữa nay gặp cô, tôi cá ngựa chắc tôi trúng lớn.

- Tôi chỉ con nào, thầy cứ đánh con đó thì chắc trúng.

- Tôi sẽ nghe theo lời cô.

Chuông rung leng-keng, những ngựa chạy độ đầu đều dắt ra Ba-dốc đặng quầng cho công chúng xem. Mái-Chín-Ngánh rủ cô Hai Phục với Ba Có đi coi ngựa, rồi ba người dắt nhau mà đi, bộ Mai-Chín-Ngánh hân hoan lắm.

Cô Hai Phục với Ba Có đứng vịn tay trên hàng rào mà coi ngựa, Mái Chín Ngánh đứng sau lưng cô Hai Phục, y không thèm ngó mấy con ngựa, y chỉ ngó hai cái tay cô để chạm mái tóc cô dợn sóng, cái cổ của cô da trắng trong, tay cô vịn hàng rào coi dịu nhiễu, gió phất mùi hương của cô bát ngát thì y ngơ-ngẩn bàng hoàng như mê như say.

Thình-lình cô Hai Phục chỉ một con ngựa kim mà nói rằng: “Nè thầy, thầy đánh con ngựa nầy chắc nó về nhứt đa thầy”.

Mai-Chín-Ngánh bước tới đụng mình cô mà cô không tránh cô lại cười mà hỏi rằng:

- Con ngựa đó tên gì thầy biết hôn?

- Số 3, ngựa đó tên Kim Cúc. Cô coi ngựa giỏi quá. Con Kim Cúc hay lắm, tuần rồi chạy hai ngàn tư mà nó về nhứt. Tôi sẽ nghe lời cô, để tôi mua giấy đánh nó. Cô muốn đánh bao nhiêu, tôi mua giấy luôn cho cô?

- Không, thầy mua cho thầy đi, tôi đợi ngựa của anh Ba tôi chạy, tôi sẽ đánh.

Ba người dắt nhau đi mua giấy rồi dắt nhau lên lầu ngồi chờ coi ngựa chạy.

Thiệt quả độ đầu con Kim Cúc về nhứt. Mái Chín Ngánh đánh 50 nhứt 50 nhì, lãnh được nhứt 120 nhì 60, cộng 180, lời 80.

Qua độ thứ nhì, Mái Chín Ngánh cậy cô Hai Phục coi ngựa dùm đặng cho anh ta đánh nữa. Hai người dắt nhau mà đi. Ba Có dòm thấy chú Mái Chín Ngánh đã trết với “hoa khôi sắc đẹp”, bởi vậy chị ta lấy cớ không biết coi ngựa mà ngồi lại trên lầu, không chịu đi theo. Nhằm ngày hên thế nào không biết, mà cô Hai Phục chỉ một con ngựa ô cho Mái Chín Ngánh đánh trúng, lời được 50$ nữa.

Tới độ hội, người ta dắt đủ 11 con ngựa ra quầng. Mái Chín Ngánh dắt cô Hai Phục và Ba Có đi coi. Công chúng phần đông đều xầm-xì, quyết đánh con Dương Tiễn với con Tái Hưng.

Mái Chín Ngánh đi mua giấy, hỏi cô Hai Phục muốn đánh con ngựa nào và đánh bao nhiêu. Cô mở bóp lấy ra một tấm giấy hai chục mà đưa cho Mái Chín Ngánh và nói rằng: “Thầy làm ơn mua dùm con Sài Quế cho tôi, mua giấy nhứt hết, chớ đừng mua nhì”.

Mái Chín Ngánh đi mua một lát rồi đem lại đưa cho cô Hai Phục một xấp giấy. Cô lấy mà bỏ vào bóp, rồi đi lên lầu mà ngồi. Nài lên lưng ngựa mà cỡi vô vòng trường đua. Cô Hai Phục ngồi hồi hộp trong lòng không an, nên ngồi một bên Mái Chín Ngánh mà cô lặng thinh, không nói không cười như hồi nãy nữa.

Ngựa dàn ra sắp hàng. Mái Chín Ngánh đứng dậy mà ngó. Cô Hai Phục với Ba Có cũng đứng dậy. Phất cờ, ngựa phát chạy. Công chúng đều ngó mắt mà ngó. Mái Chín Ngánh nói :”Con Dương Tiễn dẫn đầu”.

Cô Hai Phục đứng khít một bên Mái Chín Ngánh mà hỏi rằng:

- Con Sài Quế chạy thứ 3... nó rút lên thứ nhì rồi..

- Hả? Nó chạy thứ nhì đó hả? Thầy coi nó rút lên nhứt được hôn?

- Cha chả! Con Dương-Tiễn dẫn đầu mà bộ nó còn khoẻ lắm.....nài còn nui....coi thế con Sài Quế khó qua quá...

- Còn con Tái Hưng?

- Nó chạy theo tốp sau đó........Ối! Không xong! Con Tái Hưng què nữa....nó giã gạo kìa..

- Cha chả! Con Dương Tiễn chạy quá, con Sài Quế chắc theo không kịp.

Ngựa về còn chừng 300 thước nữa thì tới mức. Thình lình con ngựa chạy đầu trở một cái rồi trở nhảy ngang qua rào mà chạy tấm-quấn, chớ không ở trong vòng nữa.

Mái Chín Ngánh vỗ tay la lớn rằng: “Con Dương-Tiễn đâm đường rồi! Con Sài Quế về nhứt, sướng lắm! Sướng lắm”.

Cô Hai Phục mừng quá, quên ké-né, tay vịn vai Mái Chín Ngánh và cười và nói : “Rút lên, Sài Quế! Rút riết đi, giỏi, giỏi lắm!”.

Sài Quế dẫn đầu chạy về ngang khán đài, công chúng vỗ tay lốp bốp, nhứt là Mái Chín Ngánh với hai chị em cô Hai Phục và vỗ tay và la inh ỏi.

Tới mức, con Sài Quế hạng nhứt, bỏ con Kim Than hạng nhì, tới 2 mình ngựa.

Mái Chín Ngánh ngó cô Hai Phục mà cười và nói rằng: “Mình trúng lớn lắm, một đồng chắc trúng 3 đồng rưỡi. Tôi nghe lời cô thiệt hên quá. Từ rày sắp lên hễ chúa nhựt thì tôi rước cô lên trường đua chỉ cho tôi đánh nghen hôn”.

Cô Phục gặc đầu và cười và nói:

- Được tôi chịu. Mà hễ thầy trúng thì phải chia cho tôi 10 phần trăm mới được chớ.

- Được mà. Cô lấy hết cũng được nữa, miễn là trúng thì thôi.

Ba Có mừng quýnh nên xen vô hỏi rằng:

- Mái Chín Ngánh vậy chớ thầy Ba được lãnh tiền thưởng hai ngàn hôn?

- Lãnh chớ. Tôi biết thầy Ba còn đánh cá, thầy còn trúng thêm mấy trăm nữa à. Còn phần cô Hai đây ngoài 7 trăm lận a.

Cô Hai Phục chưng hửng, cô ngó Mái Chín Ngánh mà hỏi rằng:

- Giống gì mà trúng nhiều dữ vậy? Tôi đánh có 20 mà trúng gì tới 700 ?

- Không phải 20 mà. Cô lấy giấy ra tính lại coi.

Cô Hai Phục mở bóp. Mái Chín Ngánh móc túi. Mái chín đếm 60 tấm giấy và nói : “Tôi đánh 300 vốn. Tôi đánh 300 vốn. Tôi chắc sẽ lãnh ít nữa là một ngàn, còn cô có bao nhiêu giấy đó?
Cô Hai Phục đếm rồi nói:
- Tôi có 40 tấm.
- Mỗi tấm 5 đồng, cô tính thử coi bao nhiêu?
- Hai trăm... Trời ơi!Hồi nãy tôi mượn thầy mua giấy có 20, mà sao bây giờ 200?
- Tôi cho cô mượn đánh thêm đó. Chắc trúng quá, cái gì lại đánh có 20.
Ba Có với cô Hai Phục nghe nói như vậy thì ngó nhau mà cười. Có người đi ngang qua, họ nói con Sài Quế nhứt ăn tới 4 đồng, còn nhì­ thì 2$20
Mái Chín Ngánh ngó cô Hai Phục mà nói: “Cô sẽ lãnh được 800 còn phần tôi thì 1.200. Tôi chắc thầy Ba lãnh 2.000$ tiền thưởng với ít nữa là 400$ tiền cá nữa.
Ba người đều vui mừng và rủ nhau đi kiếm thầy Ba Khuyên. Gặp nhau mừng rỡ không xiết kể. Thầy Khuyên nói thầy ít tiền nên ráng đánh có 100$, thầy ăn tiền cá có 400$ trừ
100$ vốn, thì lời có 300$.
Mái Chín Ngánh dắt mấy cô đi lãnh tiền. Anh ta giao cho cô Hai Phục 800$ và khuyên bỏ vô bóp.
Ba Có nói rằng: “Mái Chín Ngánh làm ơn cho em tôi, đưa hết tiền trúng cho nó thì nó cám ơn. Thôi để nó trả 180$ bạc vốn lại cho Mái Chín Ngánh chớ”.
Mái Chín Ngánh khoác tay nói rằng: “Xín xái mà! Tôi trúng nhiều, bữa nay tôi ăn hơn một ngàn. Cô hai hên lắm, số bạc đó để tôi tặng cô Hai mà làm kỷ niệm ngày quen nhau”.
Cô Hai Phục cười và cúi đầu nói: “Cám ơn”
Cô có 800$ thì cô no hơi, nên tỏ ý muốn về. Mái Chín Ngánh nói, như hai cô muốn về thì anh ta sẽ lấy xe hơi mà đưa về, vì anh ta cũng không ưng đánh mấy độ sau nữa.”
Lên xe-hơi, Cô Hai Phục ngồi giữa, Ba Có ngồi tay mặt, còn Mái Chín ngồi tay trái. Về tới nhà, Cô Hai Phục mời Mái Chín vô uống nước cho mát rồi sẽ về. Mái Chín được mời thì chịu liền. Ba Có say bồi lên xe hơi đi mua rượu la -ve với nước đá đem về mà đãi khách, ba người ngồi chung một bàn mà uống rượu vui cười, dường như thân thiết đã từ lâu rồi. Đến chiều, Mái Chín lại mời hai cô lên Xuân-Trường ăn cơm, đi với nhau tới 11 giờ khuya. Mái Chín mới đưa về.
Khi bước vô nhà thì Ba Có cười nói với Hai Phục rằng: “Chú Mái Chín, tuy là chệc khách, mà chú xài đúng hơn mấy ông lớn, mấy ông giàu của mình lắm. Chú gặp em coi bộ chú mết riết. Mai mốt chú lại đây nữa cho mà coi. Thầy kệ, em để đó cho qua lo. Nếu chú mở hơi muốn em, thì qua buộc chú phải sắm hột xoàn, phải mua xe hơi cho em thì em mới ưng. Như em không có mạng làm “Bà lớn”, thì em làm “Bà nhà giàu” cũng được vậy.
Cô Hai Phục cười vang nói:
- Thầy Mái Chín lớn tuổi quá.
- Chừng 40 tuổi, chớ bao lớn. Thiếu gì đứa nó còn nhỏ hơn em nữa, mà nó ưng tới ông già hay sao. Ối, đời nầy, miễn có tiền thì sang trọng.
Thiệt quả, tối bữa sau Mái Chín Ngánh đi xe hơi lại mời Ba Có và Hai Phục đi chơi nữa. Bữa nay anh ta tỏ thiệt anh ta thương cô Hai Phục và xin kết nghĩa cang thường với cô, tuy ai ở nhà nấy, song anh ta hứa sẽ bảo bọc mọi việc, tiền nhà, tiền chợ, tiền xài, anh ta sẽ bao chịu hết.
Ba Có dành mà trả lời. Chị ta kiếm chước mà làm khó, nói Phục đã có một ông Huyện Hàm muốn cưới, nói Phục còn nhỏ nếu ưng Mái chín sợ e thiên-hạ chê cười. Nói qua cãi lại một hồi rồi Ba Có buộc phải sắm một đôi bông xoàn lớn, với một cái xe hơi mới thì Phục mới ưng.
Mái Chín Ngánh chịu hết. Anh ta mua cho cô Hai Phục một đôi bông xoàn giá 1.200$. một cái xe mới giá 2.800$, lại còn đưa riêng 500$ cho hai cô sắm quần, sắm áo, mua phấn, mua dầu. Tiền nhà, tiền chợ, tiền bếp, tiền bồi, tiền sớp-phơ, tiền săn nhớt, anh ta lãnh chịu hết thảy, mà lại còn hứa mỗi tháng sẽ cho cô Hai 300$ để bỏ túi đi chơi.
Một đóa “hoa khôi sắc đẹp” mà làm vợ một người Mái Chín, lại vợ không có giấy tờ, thì uổng tài uổng sắc thiệt. Nhưng mà danh thì không thơm, chớ tiền bạc đủ đầy, cái nọ bù cái kia, nên Ba Có cũng mừng cho cái mục đích đoạt được hơn phân nửa.
Chú thích:
(1-) (tapis) thảm
(2-) đồ làm bằng sứ gọi là kiểu
(3-) (tiếng lóng): ké, chầu rìa, hưởng nhờ
(4-) nhỏ như hột đậu
(5-) khoe giàu
(6-) bở, được lợi nhiều mà không khó nhọc.
(7-) (tiếng Triều Châu): bỏ qua, tha thứ, ở đây: lôi thôi
(8-) người lái tàu hay lái máy bay, ở đây : người hướng dẫn.
CHƯƠNG 10 - NHIỀU TIỀN THÌ CAO
T
heo đời kim-tiền, thì tiền bạc là quí hơn các hạnh tốt, nằm trên các tánh cao hết thảy. Dẫu hồi trước mình làm những chuyện bất nhơn, bất nghĩa, hay là mình làm những điều xủ-tiết, ô-danh hễ mình có nhiều tiền rồi, mình ở nhà cao, mình ngồi xe tốt, thì thiên-hạ bái quị, bợ-đỡ, kính trọng, phục tùng, người ta không cần xét tra cái phương-chước của mình dùng mà làm ra tiền, mà người ta cũng không cần dòm ngó cái tâm tánh của mình coi cao hay là thấp.
Nhờ sanh nhằm cái đời như vậy, nhờ gặp dân-trí như vậy, nên cô Hai Phục làm bạn với Mái Chín Ngánh hơn một năm rồi, bây giờ cô có cà rá hột xoàn, cô có bông tai hột xoàn, cô có dây chuyền hột xoàn, cô có vòng nhận hột xoàn, trong nhà đồ đạc hực-hỡ, tủ sắt thường cất bạc ngàn, hễ bước ra khỏi cửa thì leo lên xe hơi, chẳng có cuộc vui nào mà cô thiếu mặt, tự nhiên hết thảy thiên-hạ từ sang chí hèn đều kính trọng cô, chẳng có người nào tính tìm lai lịch của cô, hay là dám xét coi cô làm thế nào mà cô có xe hơi, có hột xoàn, có bạc ngàn, có đồ tốt như vậy. Mà người ta sao không kính trọng cô cho được. Cô đã có tiền bạc nhiều, lại vì tiền bạc cô làm ra không mệt, bởi vậy cô xài tiền bạc rộng rãi lắm. Hễ ai đến quyên tiền đặng cúng hay giúp dân bị thủy thiên tai hay là hỏa hoạn, thì cô vui lòng đậu luôn luôn, khi cô giúp 5 đồng, khi cô giúp 10 đồng nếu có mấy “Bà lớn” bổn thân đi quyên, thì cô giúp năm bảy chục hoặc một trăm cô không tiếc. Cách cô cư xử như vậy tự nhiên kẻ nghèo hèn đều kính mến cô, còn người sang trọng thì khen ngợi cô, từ trên cho tới dưới, đồng cho cô Hai Phục là người nhơn đức.
Đã vậy mà cô còn mua tất cả các thứ nhựt-báo tuần báo đủ hết, mua mà bỏ đống, chớ không coi. Ba Có có cằn-rằn, thì cô nói mua đặng giúp cho nhà học-thức khai thông dân trí dần dần tốn hao chút ít cũng chẳng hại gì, mà cô lại có lợi nhiều, mỗi việc cô làm như vậy đều khen ngợi cô, phẩm-giá của cô càng thêm cao, lại được quen với bậc có học thức nữa.
Một đêm có Hội Tương Tế tổ chức cuộc hát tại Thành phố hí viện Saigon để lấy tiền cho hội mua đất làm nghĩa địa, Cô Hai Phục được thiệp mời đi coi hát, nên ăn cơm tối rồi, cô cùng Ba Có trang điểm hẳn hoi, mặc áo quần thiệt đẹp, đeo hột xoàn đủ thứ, rồi lên xe hơi mà đi xuống rạp hát.
Tuy còn hơn nửa giờ đồng hồ nữa mới khai diễn, nhưng mà trước rạp hát xe hơi, xe kéo chen nhau đậu chật, nam thanh nữ tú đua nhau mua giấy vô cữa dập-dều(#1) .
Xe hơi của cô Hai Phục vừa ngừng, sớp phơ nhảy xuống mở cửa xe, cô Hai Phục thủng thẳng leo xuống, ai thấy đi xe tốt, bận áo màu, hột xoàn nhiều, mặt có duyên, sắc thì đẹp thì cũng chong mắt, day đầu mà ngó. Ba Có mua hai cái giấy thượng hạng, rồi chị em dắt nhau vô cửa, đi tới đâu đàn ông con trai thảy đều ngó Cô Hai Phục mà trầm trồ. Chị em ngồi yên chỗ rồi mới ngó thiên-hạ chơi, người thì xấu-hoắc mà lại dồi phấn thoa son, kẻ thì già chát mà còn ăn mặc lòe-loẹt, coi bộ vúc-vắc tưởng ai cũng muốn mình, rà mắt láo liên dòm mấy chỗ phụ nữ.
Hai chị em đương coi thiên hạ mà bàn-luận thế tình, thình lình cô Hai Phục kéo tay Ba Có mà nói rằng: “Ý! Chị Ba, có thím tôi đi coi hát kìa”.
Ba Có hỏi “đâu? Thím nào?“
- Thím của tôi là bà Phủ đó.
- Đâu?
- Đó, thím đương đi vô kìa, thím đi với ba đứa con của thím đó.
Cô Hai lấy tay mà chỉ. Thiệt quả bà Phủ Hàm Phạm Gia Tăng thủng thẳng đi vô với ba đứa con, Liên Hoa đi trước, Gia Tường và Gia Trinh đi giữa, bà đi sau chót hết. Có một thầy xâm-xâm đi ngay lại chỗ cô Hai Phục ngồi, rồi kêu bà Phủ chỉ 3 cái ghế đó và nói rằng: “Thưa bà, ba cái ghế nầy của bà mua đây.”
Cô Hai Phục ngó Ba Có và cười mà rằng : “Mua giấy ngồi gần mình nữa chớ! Làm sao?” Ba Có đáp rằng: “Ngồi gần thì nói chuyện chơi, có sao đâu mà ngại”.
Liên Hoa tới trước, dòm thấy cô Hai Phục chưng hửng nên đứng khựng lại. Cô Hai Phục cười và nói rằng: “Chào cô Hai, cô đi coi hát nữa sao? Có chú đi hay không?” Bà Phủ Tăng đi tới. Cô Hai Phục đứng dậy, chấp tay xá bà mà chào rằng: “Bẩm, thím đi coi hát. Bẩm, có chú tôi đi hay không?”
Bà Phủ bị đèn khí chóa mắt, lại bị cô Hai Phục điểm trang theo bực sang trọng, nên bà không nhìn được, bà đứng dụ dự mà không biết ai mà trả lời.
Cô Hai Phục cười mà nói rằng: “Cháu là con Phục đây, thím quên cháu hay sao?”
Bà Phủ chưng-hửng, không kịp kiếm một lời khôn khéo mà đáp, lại nói rằng : “Trời ơi, vậy hay sao? Bây giờ coi lạ hoắc, có dè đâu”.
Cô Hai Phục cười mà nói rằng: “Mời thím ngồi. Mấy năm nay chú thím mạnh giỏi há? Năm nay cô hai lớn đại, hai cậu cũng vậy”. Cô lại vỗ vai Gia Trinh mà hỏi rằng: “Cậu nhớ tôi hôn, cậu ba?” Gia Trinh gặc đầu mà đáp: “Tôi nhớ lắm chớ. Hồi mới vô tôi thấy thì tôi biết liền”.
Bà Phủ ngồi cái ghế dựa bên cô Hai Phục, Liên Hoa ngồi kế đó, còn hai cậu nhỏ ngồi chung một cái kế đó nữa. Bây giờ bà Phủ đã định tâm lại được rồi, nên bà hỏi cô Hai Phục rằng:
- Bây giờ cháu ở đâu?
- Bẩm, ở Saigon đây, cháu ở miệt trên kho đạn.
- Ở nhà ai trển?
- Bẩm, cháu ở nhà cháu, chớ nhà ai.
- Cháu có chồng hay chưa?
- Bẩm, cháu có chồng hơn một năm rồi.
- Vậy hay sao, thím có hay đâu. Có chồng ở gần đây, sao không xuống thím mà chơi? Chồng của cháu làm việc ở sở nào vậy?
- Bẩm, chồng của cháu làm việc nhà, chớ không có làm sở nào hết. Thẩy có tiệm cưa, tiệm gỗ, có lò gạch, ảnh làm nghề thầu khóan, đi đấu giá lãnh cất nhà, hoặc bắt cầu vậy thôi.
- Cha chả, giàu lắm mới làm nghề thầu khóan được chớ.
- Bẩm, có vốn đủ làm ăn vậy thôi, chớ không giàu gì lắm.
- Có lò gạch, có tiệm cưa thì giàu rồi, còn đợi giống gì nữa. Bất nhơn quá, ở gần đây mà không xuống thăm chơi chớ. Quan Phủ ở nhà nhắc nhở cháu hoài. Bữa nào xuống chơi nghe hôn.
- Dạ, cháu xuống sợ chú rầy quá.
- Giống gì mà rầy?
- Hồi trước chú đánh chú đuổi cháu, nếu cháu léo hánh tới nữa, cháu sợ chú rầy chớ.
- Ối chuyện xưa nhắc lại làm gì. Hồi trước ổng giận ổng rầy vậy thôi, ổng không có cố chấp đâu.
- Bẩm thím, mấy năm nay chú tôi mạnh giỏi thể nào?
- Ờ, ổng mạnh.
- Sao, chú tôi không đi coi hát chơi?
- Ổng ít ưa hát xướng lắm. Cháu không biết ý ổng hay sao? Ổng vui với cái đèn mâm thuốc, chớ ổng không biết vui việc chi nữa hết.
Bà Phủ ngó đôi bông tai, ngó bộ cà rá, ngó cái mề đay đồng của cô Hai Phục, thấy xoàn hột nào hột nấy trưư-trứu nhứt là bộ hột nhận đôi bông tai lớn và chiếu hơn hột của bà thì bà kiêng nể trong lòng, nên bà muốn hỏi tại duyên cớ làm sao cô gặp chồng giàu như vậy, mà rồi bà không dám mở miệng.
Cô Hai Phục day qua hỏi Ba Có rằng:
- Người ta vô chật rạp rồi, mà họ còn đợi giống gì nữa, nên không chịu khởi sự hát, chị Ba há.
- Bộ chưa tới giờ, nên họ chưa hát chớ.
Có hai vợ chồng của ông Hội đồng Thành phố vô, gặp cô hai Phục thì chào hỏi mừng rỡ, bộ coi thân thiết lắm. Bà Phủ thấy cô Hai Phục quen biết với bực thân-hào, thì bà lại càng thêm kiêng nể hơn nữa, Bà Phủ hỏi nhỏ cô Hai rằng:
- Cháu có quen với bà Hội đồng đó hay sao?
- Bẩm, bà hội đồng đó là chị em bạn của cháu, đi hội với nhau hoài.
- Hội gì?
- Bẩm, mấy hội phước thiện.
- Cha! Cháu có vô mấy hội đó hay sao?
- Bẩm, mấy bà theo rủ hoài, nên cháu vô hội đặng lo giúp mấy kẻ nghèo nàn, tàn tật, làm phước chút đỉnh vậy mà.
- Nếu vậy thì bây giờ cháu sang trọng lắm.
- Bẩm, thiên hạ làm sao, mình cũng làm bậy theo với họ cho vui, chớ không sang trọng gì.
- Còn cô nào ngồi một bên cháu đó, mà nãy giờ cháu nói chuyện hoài vậy?
- Thím hỏi chị Ba cháu đây phải hôn? Bẩm, chị của cháu?
- Hả? Chị của cháu hay sao? Cháu không có chị mà.
- Chị em bạn dì.
- Cổ ở đâu?
- Cũng ở Saigon đây. Hồi chú thím đuổi cháu đó, nhờ chỉ đem cháu về chỉ nuôi, rồi sau mới gả cháu lấy chồng. Cháu mang ơn chỉ lung lắm.
- Vậy hay sao?
Bà Phủ nghe chuyện như vậy, mà bà không hổ thẹn, bà lại muốn làm quen với Ba Có, nên ngó Ba Có mà chào rằng: “Chào cô. Té ra cô là chị của cháu tôi đây, mà tôi không biết chớ”.
Ba Có gặc đầu và cười, chớ không nói chi hết.
Cô Hai Phục nói với Ba Có rằng: “Bà đây là Bà Phủ ở trong Cầu Kho, thím dâu của em”.
Ba Có cười mà nói rằng: “Bẩm bà lớn, em có nghe danh tiếng của bà từ lâu, tiếc vì em không có dịp gặp được bà lớn, nên nãy giờ em không biết mà chào bà lớn. Vậy xin bà lớn tha lỗi cho em.”
Bà Phủ đáp rằng: “Không. Cô có lỗi gì đâu. Không biết mà chào hỏi sao được. Thôi, té ra cũng là bà con, chớ chẳng phải xa lạ chi. Bữa nào rảnh đi với con Hai đây vào nhà tôi chơi”.
Bà nói tới đó thì bạn hát kéo màn khai diễn.
Đêm nay hát tuồng Phụng Kiều-Lý Đáng, hát lớp mẹ con Phụng Kiều đùm đậu tại nhà Hồ-Phát gặp Lý Đáng bị đòn, hai bên tỏ tình cùng nhau rồi thề nguyền vàng đá. Cô Hai Phục thấy thân phận của Phụng Kiều hèn hạ chẳng khác nào thân phận của cô ngày trước, thì cô mủi lòng, nên rưng rưng nước mắt. Cô liếc coi thì thấy Bà Phủ, Liên Hoa với Gia Tường hớn hở như thường, duy có một mình Gia Trinh không vui, nó thấy vợ chồng Hồ Phát khinh bạc mẹ con Phụng Kiều thì nó kêu bà Phủ mà nói rằng: “Vợ chồng Hồ Phát xấu quá má há, Phụng Kiều là cháu mà coi bộ nó không thương chớ”. Bà Phủ đã không biết hổ mà bà lại nói rằng: “Ừ, hai vợ chồng thằng cha đó bậy quá. Sau con Phụng Kiều nó làm hoàng hậu đây rồi mới biết mắc cỡ chớ”.
Đến khuya vãn hát, cô Hai Phục với Ba Có đi với mấy mẹ con bà Phủ mà ra cửa một lượt. Bà Phủ kêu xe kéo mà về Cầu Kho. Cô Hai Phục bèn thấy vậy hỏi rằng:
- Ủa ! Thím không có xe hơi hay sao?
- Có xe ở nhà, mà không có sớp phơ. Hôm trước thằng sớp phơ phá xe, ổng giận ổng đuổi nó, rồi hổm nay chưa mướn đứa khác cầm bánh, nên đi đâu phải đi xe kéo bất tiện hết sức.
- Cháu có xe sẵn đây. Thôi thím với mấy cậu và cô lên xe cháu rồi cháu đưa về. Xe cháu lớn, tới 7 chỗ ngồi nên đi đủ.
- Cháu có xe hơi hay sao?
- Dạ có.
- Cháu đưa mất công cháu lắm.
Ba Có hớt mà đáp rằng: “Bẩm bà lớn có mất công đâu. Đưa bà một chút rồi chị em tôi về không trễ gì. Để bà lớn đi xe kéo bất tiện lắm”.
Chị ta và nói và ngoắc sớp phơ đem xe lại. Bà Phủ thấy cái xe thùng kiếng lớn đại mà lại mới tinh, thì bà khen thầm và càng kiêng nể cô Hai Phục thêm nữa. Sớp phơ nhảy xuống mở cửa, vặn đèn trong mui sáng trưng. Cô Hai Phục và Ba Có mời mẹ con bà Phủ lên xe, bốn người lớn ngồi phía sau, Hai đứa nhỏ ngồi phía trước.
Bà Phủ thấy niệm(#2) xe bao nỉ xám, chỗ để chưn lót nỉ đỏ, có bình cấm bông thường tươi, coi ra có vẻ sang trọng vô cùng thì bà hỏi cô Hai Phục rằng:
- Xe nầy của chồng cháu hay là của ai?
- Bẩm, không. Xe riêng của cháu đi chơi chớ. Chồng cháu đi làm công việc, thẩy có hai ba cái xe khác nữa.
- Cha chả! Sắm xe hơi nhiều dữ vậy hay sao?
- Phải sắm mà đi chớ sao.
- Nếu vậy thì chồng cháu giàu lớn lắm.
Cô Hai cười và chỉ chỗ cho sớp phơ ngừng.
Mấy mẹ con bà Phủ leo xuống, rồi bà mời chị em cô Hai Phục ghé uống nước chơi một chút rồi sẽ về. Cô Hai Phục đáp rằng:
- Bẩm khuya rồi; nếu cháu ghé sợ nói chuyện làm mất giấc ngủ của chú.
- Ổng chưa ngủ đâu. Bây giờ ổng thức ổng hút hà rầm, chớ phải ngủ sớm như hồi trước. Bữa nay tôi đi coi hát đây, ổng lại phải thức coi nhà mà chờ chớ.
Đương nói lan can(#3) thì thấy trong nhà phựt đèn khí sáng lòa, cửa mở rộng ra, ông phủ Tăng đi ra sân và hỏi rằng: “Chả! Xe hơi đâu mà về đó vậy!”
Bà Phủ không trả lời với ông, bà lại nói với Hai Phục và Ba Có rằng: “Kia kìa, ổng còn thức đó thấy hôn? Đi vô uống nước chơi một chút rồi sẻ về.”
Ba Có thấy bà ân cần, bèn nói với cô Hai Phục rằng: “Không nên để cho bà lớn biểu lâu. Sẵn có quan lớn thức kia, vậy em nên vô mà thăm quan lớn một chút”
Mấy người dắt nhau đi vô, gặp ông Phủ đi ra, ông hỏi rằng: “Xe của ai đưa bà về đó?”
Bà Phủ đáp rằng:
- Xe của con Hai.
- Con Hai nào?
- Con Hai Phục.
- Con Hai Phục nào?
- Con Hai Phục là cháu của mình, ông quên rồi hay sao?
Ông Phủ còn ú ớ, thì cô Hai bước tới chấp tay xá ông và nói rằng: “Bẩm chú mạnh giỏi. Cháu đây, chú quên hay sao?”
Ông Phủ chưng-hửng, không biết lời chi mà nói.
Bà Phủ mời vô nhà. Đèn khí chói sáng, ông Phủ thấy rõ cô Hai Phục, thấy cô y phục đàng hoàng, trang-điểm đẹp-đẽ, không phải như con Phục bần tiện hồi trước, thì ông ngẩn ngơ, chỉ lấy con mắt ngó cô, chớ không nói được.
Bà Phủ cười mà đáp rằng:
- Ông coi cháu bây giờ tử tế quá thấy hôn?
- Ờ…
- Nó có chồng giàu có lớn, có lò gạch, có tiệm cưa, có xe hơi năm ba cái, sung sướng biết chừng nào.
- Ờ… vậy hả.
- Chớ sao. Nó chơi bời với bà nầy bà kia, sang trọng đúng bực.
- Vậy hả?
Bà Phủ mời khách ngồi rồi kêu đứa ở biểu đem nước uống. Bây giờ ông Phủ định tâm lại, ông mới hỏi cô Hai Phục rằng:
- Cháu có chồng ở đâu bây giờ?
- Bẩm, cháu ở bên trên phía Kho đạn.
- Cháu có chồng giàu có tử tế, ấy là nhờ phước đức của ông bà. Vậy cháu phải tiện tặn, đừng có bắt chước thiên hạ lãng phí không tốt.
- Cháu cám ơn chú.
- Cháu có con hay chưa?
- Bẩm chưa.
Ông Phủ chau mày không dám hỏi thêm nữa.
Ba Có với Hai Phục uống nước rồi bèn từ giả mà về.
Vợ chồng ông Phủ đưa ra xe và căn dặn hễ có rảnh là chạy xuống thăm chơi.
Xe chạy rồi, vợ chồng ông Phủ trở vô nhà, bà nói rằng: “Ngày mình đánh đuổi nó đi, mình có dè bây giờ nó được như vầy đâu. Nó gặp tôi trong rạp hát, nó hỏi tôi, thiệt tôi mắc cỡ hết sức”.
Ông Phủ đáp rằng: “Mắc cỡ nỗi gì? Nếu nó biết suy xét thì nó mang ơn mình lắm. Nhờ mình đuổi nó nên ngày nay nó mới được như vậy đó”.
Bà gặc đầu nói rằng: “Ông nói phải lắm. Có lẽ nó nghĩ như vậy đó, nên coi bộ nó không phiền mình”.
Chú thích:
(1-) dập dìu
(2-) nệm
(3-) lang bang

19/52015
Hồ Biểu Chánh
Theo https://isach.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hắn 0000

Hắn 1. Hắn Hắn còn nhớ rõ cái ngày cha hắn bán bộ sách quý với giá ba chục nghìn bạc để lấy tiền cho hắn đi Pháp. Ngày ấy lòng hắn như nở ...