Thứ Hai, 4 tháng 12, 2023

Người vợ hiền 2

Người vợ hiền 2

CHƯƠNG 6 - NGƯỜI ĐÂU GẶP GỠ LÀM CHI
Hôm ấy nhằm ngày chúa nhựt.
Cô Dung thay mặt cho Ðoàn Hữu Minh đi thăm cha mẹ chồng chưa về.
Thầy trao tiền dặn người tớ già mua vật thực và đồ dùng đặng về vườn chơi trọn ngày.
Cây cỏ xanh rì. Trời thanh, gió mát. Trên nhành chim hót, ve đờn. Ấy ai ở nơi đô hội phiền ba "nắng hạ thui mình, bụi hồng táp mặt", sao không tìm nơi thanh khoảng như vầy mà nghỉ xác, dưỡng thân?
Trong nhà, thợ lo sơn cửa, Ðoàn Hữu Minh điểm tâm xong dạo bước ra đi chơi trong vườn.
Hai bên lề trồng cỏ chi, cỏ lan [1], lại có những cây ngâu [2], cây liễu, và nguyệt quới [3], bạch mai, mọc đối nhau, phe phẩy phất phơ nhành; đọt non, lập lòe xanh, đỏ, trắng, tím, lại điểm mấy hột sương khoe đẹp với vầng thái dương hé mọc.
Thầy tinh thần khoan khoái; khi ghé xem khóm đào trổ trái; khi ngừng nhắm hàng lựu đơm bông; dạo quanh dạo quẩn, lội dọc, lội ngang; đến chừng ra tận phía sau vườn tới mé sông, mới dừng chơn lại mà ngắm cảnh nước dờn, mây bay...
Thình lình nghe tiếng "ý!". thầy dòm qua, thấy một cô đương chớ vớ [4] trên chiếc xuồng, kế té ùm xuống nước.
Thầy mau chân nhảy xuống vớt người bị rủi đem vô bờ; rồi lật đật vớt cần câu và mấy tấm ván bị nước chảy mạnh đưa đi xa. Chiếc xuồng có cắm sào nên còn tại nơi, song bị chìm phân nửa.
Lên bờ chàng hỏi người lạ mặt:
- Cô giựt mình không? Cô làm sao mà đến nỗi rủi ro như vậy?
Cô cúi đầu cười và đáp:
- Rất cám ơn thầy. May không, mạng tôi đã trôi theo dòng nước. Tôi câu được con cá ngác [5]; khi đem lên xuồng, nó sút lưỡi câu lại nhảy vào mình tôi. Tôi sợ nó đâm nên tôi né, nhưng xuồng nhỏ lắc quá, tôi gượng không lại, phải té xuống sông.
- Cô ở cách đây gần xa mà đi chơi không bảo ai theo với?
- Tôi ở nhà dì tôi, cái nhà ngói phía trên kia. Buồn, nên tôi thường đi câu giải trí. Tánh thích vắng vẻ nên tôi không cho trẻ nhỏ theo. Thưa, tôi đi câu ở bến nầy thường; không dè hôm nay có việc rủi như vầy, rủi mà may vì có thầy cứu vớt. Dạ, có khi thầy là chủ vườn nầy?
- Thưa phải. Té ra cô cũng người lối xóm mà tôi không đặng biết mặt.
- Thầy không biết cũng phải, vì tôi ở Sài Gòn mới về ít tháng nay.
Hai người đứng nói chuyện mà nhầm [6] lẫn nhau. Cô thì trắng đẹp như loài hoa chi tử [7] buổi lác đác mưa xuân, gót đỏ môi son, răng trắng trong, tay mềm mại. Cái áo đen ướt dính sát vào mình làm cho rõ cái vóc dịu dàng, đầy đặn, nở nang... Chàng thì có ý thẹn thùa vì đi chơn, đầu trần, lại thêm áo mỏng quần thưa, ướt mèm, lấy làm khó chịu.
Làm thinh ngó nhau cũng ngượng, mà nói nữa không biết chuyện gì. Sau cùng, Ðoàn Hữu Minh chỉ nói:
- Cô ướt mình có khi lạnh lắm. Nếu cô còn hoảng hốt không bơi đặng, tôi xin vô phép đưa giúp cô về.
Cô vẫn tự nhiên:
- Thưa không hề chi; tôi không lạnh. Nhưng phải về thay áo, khi khác tôi đến thăm tạ ơn thầy luôn thể.
- Có ơn chi mà kể đó cô! Thôi để tôi đem xuồng dùm tận bến cho cô dễ xuống.
Cô kia coi bộ ái ngại không dám bằng lòng.
Nhưng Ðoàn Hữu Minh cứ lội xuống tát nước xuồng lót ván tử tế rồi mời người bước xuống.
Nhưng mà cô còn huỡn đãi;
- Làm nhọc lòng thầy quá! Thôi thầy mau lên đi thầy, thì tôi mới an lòng. Ơn trọng quá tôi biết đền đáp sao cho xứng.
- Có chi đâu, cô cứ bước xuống, tôi kềm cho.
Rồi từ giã nhau về. Ðoàn Hữu Minh đứng trên bờ ngó theo coi người bơi có vững không. Cô nọ bơi ít mái, còn ngoảnh đầu dòm lại, rồi mới chịu đi thẳng. Thầy ngó quanh rồi cười, hỏi lấy mình:
- Thấy người ta bắt nhớ vợ hiền hết sức! À mà không biết bữa nay đã về chưa?
Qua bữa chiều sau, Ðoàn Hữu Minh đạp xe đến xem công việc thợ làm, còn sớm, thầy dạo vườn. Không biết vui chơn đi hay tại cái hấp lực gì u ám kéo chàng ra tới mé sông, chỗ kỳ ngộ hôm qua; vừa ngước mặt lên đã thấy thuyền tình đậu đó... Thầy dừng chơn lại dường như bắt suy nghĩ, rồi sẽ lén quày trở về. Nhưng không kịp mỹ nhân đàng kia đã cúi đầu chào. Thế là thầy phải đáp lễ.
- Chào cô! Cô cũng còn đi câu?
- Dạ!
Thầy tưởng cô kia muốn hỏi điều chi; nhưng ai cũng làm thinh, rồi thì cũng ngượng ngập:
- Thưa cô, tôi về.
- Dạ... Thầy về sao?
- Tôi về kẻo trễ!
Thầy đi xa rồi, biết rằng sau lưng có kẻ dòm theo. Chẳng sai. Người kia dòm theo, và trề môi cách hữu duyên mà nhái lại nho nhỏ:
- Tôi về kẻo trễ!
"... Cái người làm sao!... "
Chàng nọ vừa đi vừa nghĩ vẩn nghĩ vơ, cũng nói thầm:
- Cái người làm sao!
Nhưng chàng liền trách lấy mình:
- Người làm sao cũng không thế nào hơn được vợ yêu dấu của mình mà!
Thật không người đàn bà nào hơn cô Dung của Ðoàn Hữu Minh; cái tình nó là thế; nó có trăm ngàn cách làm cho người yêu là mặn mà hơn hết; phương chi một người vợ có vẻ thanh tân yểu điệu, vừa được đức hạnh vẹn toàn, thì còn chi là quí bằng.
Mấy ngày sau Ðoàn Hữu Minh không ra vườn, hoặc có đi thì không ra phía sau.
Vợ chàng vẫn chưa về.
Thằng con trai biếng chơi, nên buộc mẹ phải nán lại nhà ông nội.
Chúa nhựt kế đó, thầy tính ở vườn trọn ngày nữa, thề rằng không đến mé sông, chỉ dùng bữa rảnh ấy mà nhắm xem chỗ nào trồng cây thêm, chỗ nào để kiểng, chỗ nào dưỡng hoa có vẻ ngoạn mục.
Thầy đương điểm tâm như mọi bữa bỗng có người nhà quê vào nói:
- Bẩm ông. Ông dặn tôi săn sóc mấy cây xoài, nay nó đã trộng rồi nên tôi đem cho ông trồng.
Mà xoài thì phải mọc sau ranh, thầy vốn ham trồng trặt [8], bèn lật đật uống cạn tách cà phê rồi cùng người tớ già đem cây ra phía sau vườn.
Sớm mai trời mát mẻ. Quạt gió hiu hiu thổi. Ðờn ve lải rải kêu. Ðoàn vui lo việc trồng cây; phân lỗ nầy, nhắm đằng kia, xem chừng thích ý lắm.
Thình lình thầy giật mình...
Kìa, nơi bờ sông ai ngồi câu, có phải người hôm nọ?
Người đứng dậy chào, nhưng nét mặt không tươi cười như mấy lần trước kia, mà lại lộ ra cái vẻ tủi phận buồn duyên, coi đáng tội nghiệp.
Bất đắc dĩ ông Trường tiền thật thà ta phải kiếm lời:
- Mỗi ngày cô đều câu sao cô?
Chừng đó người mới gượng cười:
- Dạ, mỗi ngày, nhưng chẳng biết sao cá nó cũng buồn chẳng có một con dính lưỡi.
Thầy cười:
- Cũng buồn?
Thầy không dám hỏi nữa, lại có ý ăn năn vì lỡ hỏi như sợ người ta biết mình hiểu ý.
Cô kia cũng làm thinh, chỉ ngó thầy một cách hữu tình.
Ngượng ngập vài câu vô vị rồi cũng từ giã nhau mà về.
Trưa lại. Khi bữa cơm xong rồi, người tớ già đau bụng, Ðoàn Hữu Minh đưa chìa khóa cho về phố lấy rượu măng [9] mà uống, để mình ở lại vườn nghỉ ngơi.
Công việc gần xong nên nhơn công về, chỉ có thợ già ở lại sơn cửa bếp.
Trong căn phòng gần bên cửa sổ ngó ra vườn, có lót một bộ ngựa [10], có nệm gối, mùng mền, để mấy khi Ðoàn Hữu Minh ra vườn chơi có chỗ nằm nghỉ. Dựa vách, gần bên đó có vài cái ghế tô-nê kiểu đẹp; có cái kệ nhỏ, trên ấy để bình trà ngon và ít tờ báo nam, tây.

Thầy khép cửa phòng, mở hoác cửa sổ ra, với lấy một số nhựt trình rồi nằm xem. Một chập lâu, không đọc nữa, toan nghỉ môt giấc thật ngon; ở Châu Thành [11] không mấy khi được cái trưa êm thấm mát mẻ như vầy. Khách an nhàn thiu thiu ngủ, bỗng nghe ai gõ cửa phòng:

- Ai?

- Bẩm, tôi.

Chàng mở cửa ra, thấy chú thợ:

- Chú thợ đến tôi có việc gì?

- Bẩm, tôi mới đi ngang đây, thấy ông còn thức nên tôi mới dám kêu.

- Mà chú kêu chi chớ?

- Có cô nào lạ mặt đến muốn nói chuyện với ông.

Chàng suy mghĩ không định được là ai.

- Chú biết vợ tôi không?

- Ôi Trời! Sao không biết? Bẩm tôi có thấy bà hôm nào kia mà!

- Thôi chú cứ mời người vô.

Ðoạn thầy lấy áo bà ba mà mặc vào, ngồi dòm tờ báo mà chờ khách.

Trừ ra cái căn ấy có bàn ghế ít cái, còn đâu đó vẫn trống trơn, cho nên phải dùng tạm chỗ này làm phòng thiếp khách.

Chú thợ già bước vào có bưng một mâm trái cây, bánh và trà. Chú để đồ trên cái ghế rồi ngoảnh đầu dòm lại coi người theo sau đã đến chưa. Ðoàn Hữu Minh cũng dòm ra, thì là vị mỹ nhân mình đã cứu hôm nọ!

Bữa nay cô ăn mặc đẹp lắm; quấn khăn màu cánh chấu nó bao cái khuôn mặt tròn trịa trắng đỏ tươi cười; bận áo dài màu lá vang đã ôm lại eo; trên dung dung tòn ten sợi dây chuyền có nhận hột xoàn lấp loáng. Quần lãnh đen nó khắc [12] với bàn cẳng trắng gót son nõn nà, thêm duyên đôi dày nhung đỏ mảnh mai; tay quấn chuỗi tròn vo, xách cây dù thêu màu trứng gà rất khéo.

Khi ngồi xong, cô mới tỏ như vầy:

- Trước hết tôi xin lỗi ông vì hổm rày tôi không biết, nên xưng hô một cách thất lễ, và hôm nay tự do vào viếng nhằm lúc ông nghỉ. Phận rủi ro nhờ ơn cứu tử, thật cảm đức trọn đời. Xin ông vui lòng chớ từ nan chút đỉnh lễ vật của tôi mới mua về. Ðã hay rằng người quân tử thi ân không cầu báo, nhưng nếu thọ ân mà chẳng chút đền bồi, thì tôi không an dạ được. Thật bấy nhiêu đó không phải lấy gì làm xứng đáng song tôi ước ao rằng không lẽ ông chẳng hạ cố lòng thành.

Giọng cô nói trong trẻo hữu duyên, cái miệng vẫn mỉm cười xinh như đoá hoa tường vi vừa nở.

Ðoàn Hữu Minh khiêm nhường từ chối, nhưng rốt lại cũng phải nhận. Xem ý khách không vội về, quan Trường tiền phải kiếm điều nói qua loa cho đỡ bực:

- Thưa cô, cô có bà con ở đây chăng?

- Bẩm chỉ có người dì tôi mà thôi. Tôi sanh trưởng ở Sài Gòn, ông thân tôi buôn bán tại đó.

Cô lại tiếp:

- Buồn vì cảnh đời lỡ dở, nên thà về vườn hưởng thú thanh nhàn, ngày nào hay ngày ấy. Thật, tuổi vừa hai mươi như tôi đây không nên chán nản thế tình: nhưng phận mình gặp phải cảnh ngộ chẳng hay ho gì, càng ở đô hội phiền ba [13], trông người xét mình, càng lắm nỗi ngán cho phần số. Ðứa em kế tôi, con Tư, nó chê thú vườn; chớ tôi ẩn thân vào cái hoàn cảnh êm đềm nầy rất lấy làm thích. Chê rằng ở vườn là buồn bã thật là lầm. Có trải qua rồi mới biết nơi nước đục đất bùn có lắm cảnh nên thơ, đáng làm chỗ ẩn cho bậc hiền nhơn quân tử.

Ðến đó nàng liếc thấy Ðoàn Hữu Minh cười và nói rằng:

- Thưa cô. Phải cô thứ ba chăng? Bởi em cô là thứ tư.

- Dạ phải. Bẩm ông, nhà nầy mới cất lại, có khi ông để gia quyến ở tạm nơi nào chớ?

- Tôi có mướn phố ở chợ.

Bỗng chú thợ già vào châm dùm bình nước, rồi nói:

- Bẩm ông, tôi đi chợ mua đồ, chừng bốn giờ tôi trở lại. Và tôi cũng có việc cần.

Chàng gật đầu nghĩ thầm: "Ai nấy đi hết, để một mình cô nầy với tôi sao kia!"

Ðoạn tiếp chuyện:

- Thưa, khi cô có đi học chớ?

- Có. Tôi đi học đến năm thứ nhì ở nữ học đường kế mẹ tôi mất, tôi phải cam phế học đã ba năm rồi.

Im lìm...

Bây giờ chỉ nghe vài con chim líu lo bên hè như bạn đồng tâm thừa lúc nhàn mà luận bàn thế sự. Mấy con ve càng to giọng hát; tưởng chừng lũ côn trùng nhỏ nhen ấy đối với cảnh sanh tình mà hát, càng lâu, càng tha thiết, quên sự mệt mỏi.

Chòm tre thỉnh thoảng kò ke véo vắt, như cám dỗ, như rủ ren người hãy tạm nguôi cái trí nghĩ quẩn lo quanh...

Ai có cảm giác thì không tránh khỏi cái ảnh hưởng của hoàn cảnh, nhứt là cái hoàn cảnh ấy nó hạp với cái tánh tình của mình.

Ðoàn Hữu Minh vừa bị cái ảnh hưởng của hoàn cảnh vừa bị cái sức quyễn rũ của nhan sắc, khiến cho trái tim bỗng nhiên mà nhảy thình thịch, hơi sung sướng mà nhiều bực bội; nếu chẳng sợ vô lễ thì thầy đã để khách ngồi đó mà đi ra ngoài hóng mát cho tâm thần hết phải xôn xao.

Mà, mấy lúc vậy thì không gì khó khăn bằng phải ngồi êm, bụng vẫn ngờ rằng có cặp mắt tinh ma của ai dòm thấu cái nội cảm của mình, và ngắm xem cái ngoại dung biến đổi của mình.

Thầy đứng dậy rót nước mời; tay run rẩy làm cho đổ tháo: rõ là một kẻ sợ gái thật! Khách dòm thấy thì có mừng thầm.

Thầy hết sức gắng gượng làm cách tự nhiên;

- Mời cô uống nước.

Khách không uống, ngồi liếc ra ngoài, ra dáng nghĩ ngợi rồi dường như muốn đứng dậy khiếu từ. Nhưng vẫn nán ngồi, lấy khăn mùi soa nhiễu ra lau miệng, mùi thơm bay nực nồng, khiến cho chủ nhà hửi lấy như lỡ tỉnh lỡ say. Rồi cô nói: "Dạ, tôi xin cáo từ". Ðoạn tiếp nho nhỏ dường như bảo lấy mình: "Ở lâu sợ con nhỏ nó kiếm, thấy vầy nó nghi..." Kế to lên "Ðã vậy, tôi sợ làm nhọc lòng ông lâu."

Ngó quanh không thấy đứa tớ nào; cô bổn thân lại sắp mâm đồ ăn lên kệ. Lễ vật chia ra những trái bom, xá lỵ cam tàu, quít đường, bánh mì Jacob, trà Trung Quốc kỳ chưởng, món nào cũng quí, cũng ngon, ngon hơn nữa khi nằm trong bàn tay trắng trẻo dịu dàng, in như bột nắn.

Ðoàn Hữu Minh không dám dòm, lại sượng sùng, như muốn cầm khách mà không thể tỏ.

- Cô về sao? Tôi lấy làm hân hạnh mà được cô đến viếng. Thật... nhọc lòng cô quá; tôi không an tâm.

Cô không đáp. Sắp xong mới nói:

- Bẩm ông tôi về.

- Dạ, cảm ơn cô!

Cái nét thanh tân yểu điệu của khách đi lượn theo bóng cây, khiến cho người nom lén phải khen thầm, mà dường như thương, như tiếc, mới dòm lại chỗ ai ngồi khi nãy mà hình dung ra cái nét "oanh ăn nói, liễu đứng ngồi". Thoạt nhiên Ðoàn Hữu Minh lấy làm mừng: trên bàn gió thổi phất phơ cái khăn lụa hường của người bỏ sót. Chàng cầm lên kê vào mũi, rồi sè ra nhắm nhía mà cười. Ðoạn chàng bước ra khép cửa lại, mau gót theo mỹ nhân:

- Cô Ba! Cô bỏ quên cái khăn đây.

Lúc trao hoặc bởi gió thổi, hoặc vì e lệ hay sao nên cái khăn thoát bay. Thầy vói chụp, không dè trúng tay của khách, nên mắc cỡ:

- Ý!...

Song cô nọ chỉ mỉm cười, cái mỉm cười có thế in ngay vào trí não người ta không bôi xóa được...

Chú thích

[1] chi, lan: hai loại cỏ thơm, hương hai loại hòa hợp nhau thành một mùi khoang khoái, nghỉa bóng: đôi bạn thiết

[2] (perilla ocimoides), loại cây cùng họ với cây xoan, lá nhỏ, hoa lấm tấm từng chùm, có hương thơm, thường dùng để ướp trà

[3] hay nguyệt quế, rose canelle, một loại trong họ tường vi, cành có gai, mỗi tháng trổ bông

[4] chới với

[5] loại cá có râu, có ngạnh mang và ngạnh lưng, không vảy, sống ở đáy sông, có thể lớn quãng 6-7 kg

[6] ngắm, nhìn

[7] bông dành dành, hoa trà

[8] trọt

[9] (menthe), rượu làm bằng rau hún tây

[10] bộ ván ngựa, ván dày lót trên cặp chân chân ngựa.

[11] châu, trấn: đơn vị hành chánh thời Nguyễn.Các thị trấn Vĩnh Long, Bạc Liêu... là châu thành, Gia Ðịnh là trấn thành.

[12] nghịch, trái ngược

[13] phìên ba đô hội: nơi tụ tập của nhiều tinh hoa, cùng nghĩa với phồn hoa đô hội.

CHƯƠNG 7 - DÂY TÌNH VƯỚNG CẲNG

H

ôm nọ, nhơn buổi chiều tối, Cô Dung cùng chồng, con, ngồi xe song mã dạo trên con đường nằm dài theo bờ sông. Cỏ sậm sậm xanh. Trời ưng ửng đỏ. Cây hiệp đoàn chạy ngược; nước nổi lượn trèo ngang; xa xa có chiếc tàu thung dung trong cái cảnh bình bồng êm ái.

Cô se sẽ hỏi chồng:

- Thường khi gặp mấy cảnh đẹp, mình vui lắm sao bữa nay ít nói chuyện quá, hoặc có việc chi buồn chăng mình?

Ðoàn Hữu Minh sững sờ, ngồi đó mà trí vẩn ở đâu, nghe vợ chàng nói mới định thần, hỏi lại:

- Mình nói chi?

- Cơ khổ thôi! Không nghe? Tôi hỏi mình buồn lắm sao?

- Có chi buồn, chàng đáp mà gượng cười, có chi buồn! Tôi nghĩ cách sắp đặt trong nhà mới thế nào cho vừa ý, chớ có điều gì đâu.

Ðoạn lộ ra vẻ vui, lấy thuốc hút.

Cô dung không lấy làm tin; cô biết chắc lang quân có điều buồn lo đây. Thường khi thầy muốn tính việc gì đều bàn bạc với cô cả thảy. Cô có ý xem chồng mấy bữa rày ít nói ít cười. Khi ngồi xem sách, con mắt chỉ ngó đăm đăm vào vách trắng. Ðến bữa ăn cũng hối hả, không chờ thôi một lượt với cô. Ngày nghỉ thì ở trọn nơi vườn. Mấy buổi chiều lại về trễ. Thầy không năng xem bài vở của thằng bé San.

Tại làm sao?

Hay là thầy nhiều công việc phải lo? Không lẽ? Vì thầy bặt thiệp siêng năng, làm giỏi lắm. Hay là thầy có ngoại tình? Không! Một trăm lần không! Cô thương chồng hết dạ, hết lòng; vả lại cô còn nhớ những hồi chồng nói: "Tôi thương mình vô tận vô biên! Tôi được vợ như vầy, hạnh phước hơn được làm vua giàu sang trên thế."

Hay mấy bữa rày trong mình cô chẳng khoẻ trí không vui, nên có chỗ thất xuất chi với chồng? Cô nhớ không có khi nào ăn nói sỗ sàng, hay là làm tuồng hờ hững. Cô tưởng chắc tại mình có điều chi chẳng hạp ý chồng mà chồng không nỡ nói. Trong sự chung chạ thường hay có thế, thân cận quá rồi có khi đối nhau không được dè dặt, thành thử lâu ngày kém cái vẻ lịch sự, không như buổi ban đầu. Cho hay gừng càng già càng cay tình càng lâu càng thấm; nhưng há chẳng nên kính nhau hoài cho được trọn cái mỹ ý, được đúng với câu "thủy chung như nhứt" kia sao?

Không lấy sự tước lộc vinh hoa mà cái lạc thú ở đời, thì chỉ nhờ cái tình thôi. Người tâm tính như thế, khi thấy cái tình thương của ai đối với mình có hơi lợt lạt thì đạ khổ hơn người khác bị giáng cấp, bị thất lợi nhiều.

Cái nghĩa chữ "sống" của cô Dung là trong chữ "thương" cho nên có thể hiểu ái tình quan hệ cho cái đời cô là dường nào.

Chồng không vui, cô buồn, chồng buồn cô thảm tình là nợ đời đời kiếp kiếp, vốn đâu mà cứ đẻ mãi lời ra!

Cô nắm tay chồng:

- Mình ôi! Tôi có lầm lỗi điều chi xin mình cứ dạy bảo. Nếu mình bớt thương tôi là khổ cho tôi lắm, nghe mình?

Thầy vội vàng hôn tay vợ, mơn trớn mà nói:

- Làm sao tôi hết thương mình được! Không có chi đâu, đừng ngại; cũng đừng nói vậy nữa, nghe? Nhờ ai mà tôi được sống vui?

Chồng nói thế nhưng cô vẫn lo, nếu vì tôi mà chồng tôi buồn thì khốn nạn phần tôi lắm, chồng thương tôi đáo để kia mà!

Từ đó cô càng ráng lo cho vui lòng chồng. Bổn thân sắp đặt bàn viết cho chồng: sách để có thứ tự, cuốn nào cũ thì bồi, sửa. Mua cái bình nhỏ để hằng ngày chưng bông tươi cho ngoạn mục. Trong nhà món nào cũ, xấu, đều thay, sửa coi sạch sẽ trang hoàng. Cô lựa mấy món ăn ngon mà nấu cho chồng ăn, và hay hỏi: "đẹp miệng mình không?" Tối lại, dầu buồn ngủ thế mấy cô cũng ráng thức, hoặc xem sách, hoặc thêu thùa, chờ chồng vào phòng một lượt. Cô may nhiều cái mu soa kiểu đẹp; cái nào ở góc cũng có hình trái tim bao vòng hai chữ NÐ xỏ tréo. Cô kiếm đủ cách tỏ dấu ân cần với chồng. Ðoàn Hữu Minh không còn ra dáng bãng lãng nữa, mà lại càng yêu vợ bội phần. Thầy hiểu ý vợ lắm nên hằng kiếm dịp tỏ lại rằng mình không hề lạt tình thương yêu. Thật, chàng vẫn nói thầm: "Mình tài đức chi mà được vợ đến thế? Bổn phận mình là phải yêu kính lại hết bực. Nầy Ðoàn Hữu Minh ơi! Nếu mi để cho người hết lòng hết dạ thương mi phải vì mi mà rầu thì mi là kẻ khốn nạn đê tiện lắm. Phải nhớ rằng ở thế gian nầykhông có người đàn bà nào hơn vợ yêu dấu của mi".

Mấy hôm sau nầy thầy vẫn trơ ở nhà, không siêng đi coi sóc công việc làm tại vườn nữa. Thầy nói:

- Còn không mấy chút nữa là xong.

Vợ hỏi: "chừng nào về nhà mới?" Chẳng dè một câu hỏi ấy mà làm cho chàng một cái vấn đề khó giải. "À! Chừng nào về nhà mới?" Thầy cũng nghĩ... "về khúc [1] nầy cũng được, nhưng hay hơn là chờ hết mùa mưa; vì vách mới sơn còn hôi; bàn ghế mua chưa kịp đủ".

Rồi thầy cũng hỏi thầm lấy mình: "Về lúc nầy cũng được mà sao không về? Khốn nạn! Ta thuở nay không hề dụ dự, không hề khi nào... À! mà vì sao ta phải kiếm lời lần lựa thế kia? Ai xui khiến?... "

Thầy muốn thú thiệt với vợ và năn nỉ rằng: "Mình ôi! Có một người đàn bà lịch sự lắm, hết lòng thương tôi, nhưng tôi không thương lại được, bởi tôi nguyện trọn đời thương một vợ hiền rất quí hóa của tôi thôi. Tôi cũng có lúc động niệm thật, nhưng tôi tỉnh ngộ rồi: tôi thương là tôi bạc bẽo với mình, tôi là kẻ xấu xa nhứt trong xã hội. Tôi thề với mình rằng tôi không ở hai lòng".

Nhưng thầy lại cười thầm: "Ngu! Rõ tôi là đứa ngu: chỉ có cái can đảm đánh đổ nổi cái lòng hiếu sắc thì phải khoe làm chi cho rườm? Vả lại cũng chẳng hay ho gì. Còn lâu nữa, là "người ta" thương mình mà không được thỏa vọng, ấy là khổ tâm rồi; mình đã không đoái hoài mà còn khoe ra, lấy làm điều tự đắc, há chẳng ác, chẳng hèn lắm ru".

Vì ai mà "người" khổ tâm?

Thầy buồn!... Trong trí bỗng hiện ra cái nét âu sầu, khiến cho thầy phải nao nao, nghĩ vơ nghĩ vẩn... Cái người ở đâu mà khéo đa tình! Ða tình lại mặn mà, tưởng dùng hai câu thơ cũ mà khen cho, cũng không là quá đáng:

Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn,

Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa.

Nhưng thầy vẫn là người chín chắn, thầy dặn lấy mình: "không nên đi vườn!"...

Thật, từ đó về sau thầy không đi vườn. Ngoài giờ làm, rảnh thì xem sách, vẽ tranh hoặc chụp ảnh chơi; buổi nhàn hạ thì lấy sự vui vầy với vợ con làm thú vị.

Hạnh phước nào hơn hạnh phước gia đình!

... Ngày kia cô Thường đến thăm. Cô Dung niềm nở, tiếp đón ân cần. Ðoàn Hữu Minh hỏi chuyện qua loa rồi sang phòng sách. Bỗng có người đi thơ cầm vào một cái dây thép, chàng mở ra xem thấy như vầy:

Ðến Sài Gòn nhà hàng Nam Việt. Tội nghiệp.

JOSIANE

Thầy lật đật xếp mảnh giấy xanh ấy lại, run rẩy, bồi hồi, nằm xuống ghế bố... Vì sao có hai tiếng tội nghiệp? thương hại dữ chưa!

Nhưng mà không!

Không thể nào đi! Mảnh giấy xanh nầy là lá bùa quỷ quái yêu ma xô dục người vào nẻo khổ! Mặt mũi như vầy... Lòng dạ thế sao?... Em Dung! Anh không đi đến người gái lẳng lơ kia đâu!

Mà... Mà sao lại không đi, nếu mình có lòng chơn chánh?!

Mình sẽ khuyên ai, sẽ dẫn dùm ai vào nẻo phải...

Tội nghịêp! Tội nghiệp thật!...Ôi! mà thà đừng đi!...

Không biết đừng đi hay nên đi, chàng khoanh tay ngó xuống, lui, tới, trong phòng; rồi mang vớ, bận áo, rồi thắt nơ, rồi lại muốn cởi ném bỏ!..

Không đi!

Người tớ già bước vào.

- Bẩm, ông sửa soạn đi?

- À! Ði Sài Gòn.

Quái! Ai xúi thầy trả lời đi Sài Gòn? Thầy nằm xuống ghế để định tâm lại.

Người lão bộ sách giày đem vô:

- Bẩm, ông tôi đánh giày rồi.

Thầy mang giày!...

- Bẩm ông tôi đã kêu xe lại chực rước ông ngoài ngõ.

- Xe lại rồi sao? Thôi, chú bước ra để tôi sửa soạn.

Thầy không sửa soạn, chỉ nằm nghĩ...

- Bẩm ông xe chờ đã lâu!

Ðoàn Hữu Minh vội vàng đứng dậy thay y phục.

- Ði!...

Thầy chậm rãi - nói cho đúng là rụt rè - bước qua phòng khách mà cho vợ hay rằng mình đi Sài Gòn chơi, mai sẽ về. Lại căn dặn vợ ở nhà tối dẫn chị Hai xem hát.

Xe chạy...

Thầy trong mình lần lần nhẹ nhàng, lại có ý trông mau tới.

Khi đến phòng khách sạn, thầy gõ cửa, không chút ngại ngùng.

Cô ba Josiane coi vẫn tươi tắn như bữa gặp Ðoàn Hữu Minh ở vườn. Cô ngồi gần chàng mà hỏi, hình như vợ chồng thiệt.

- Nhớ không?

Thầy tái xanh nét mặt, đứng dậy, không biết sao lại trả lời ngùi ngẩm:

- Sao không nhớ!

Rồi dòm mỹ nhơn một cách yêu đương.

Cô: "Làm cài gì không dám ngồi gần tôi vậy? "

Thầy: "Muốn ngồi gần lắm chứ! Nhưng mà... Tôi xin cô vui lòng nghe tôi tỏ đôi lời. Tôi xin cô vui lòng, không phải tôi nói cho ngon ngọt đâu, là tôi sợ tỏ ý ra cô buồn lắm."

Cô: "Nói gì nói; đừng ghét tôi thôi!"

Thầy: "Nếu ghét thì ai đến đây làm chi!"

Cô: "Làm sao lại thở dài!"

Thầy: "Tôi không thế nào gần cô được!"

Cô: "Sao vậy? Trời ôi!"

Cô Josiane nằm ôm lấy đầu, nét hoa bỗng nhiên rầu héo một cách thương xót vô cùng.

Thầy xít lại dòm. Cô đeo lấy cánh tay mà kéo ghì riết vào ngực: "Nỡ nào không thương tôi cho đành... mình?" Tiếng "mình" nói nhỏ nhỏ.

Thầy đứng phắt dậy, kéo ghế ngồi gần mà an ủi:

- Ðừng gọi tôi bằng tiếng ấy cô ơi! Tôi khốn nạn lắm cô à! Tôi thương cô, nhưng không thế nào thương bằng nghĩa vợ chồng, vì tôi có vợ rồi, chắc cô đã rõ. Tôi biết nói ra thì buồn lắm; song le [2] thương mà khổ, thương mà hại, thì thà là đừng thương. Cô ôi! Có lòng đoái tưởng xin kết nghĩa đệ huynh. Biết dùng lời chi mà tỏ nỗi xót xa nầy: người như cô, cây cỏ thấy cũng phải xiêu lòng, huống chi tôi là kẻ đa cảm. Bởi thương lắm nên ban sơ tôi không có cái can đảm mà tỏ rằng tôi đã có đôi. Nhưng vậy có trời chứng tri: tuy quá thương chớ sự tiết trinh của cô tôi vẫn vẹn toàn kính trọng. Ngày nay tôi đến đây đặng an ủi cô. Dầu cô oán ghét thế mấy, quí hồ cô đừng buồn rầu là đủ cho tôi khỏi xốn xang. Cô xét lại mà coi: ở thế gian nầy trang anh tuấn chẳng thiếu chi, huống nữa cô là đoá hoa khôi giá ngàn vàng, lo gì chẳng đặng gặp người xứng đáng. Xin cô đừng quá nặng lòng cho tôi khỏi bứt rứt lương tâm.

Cô Josiane ngó thầy, cái ngó vừa có nghĩa đau đớn tủi phiền, vừa như khinh như ngạo:

- Ðã trể rồi! Không cho tôi thương thì nói phứt một lời. Văn hoa mà chi! Chuốt ngót [3] mà chi! Rồi về đi kẻo vợ trông, con đợi! Còn, ai có thất tình mà chết, trối kệ họ mà!

Cô nói rồi, cắn móng tay, ngó mặt vào trong, thỉnh thoảng lấy mui soa lau nước mắt.

Thầy nói:

- Tội nghiệp mà cô! Ðừng buồn mà!

Ðàng kia không trả lời; đàng nọ càng xót xa không thể mở miệng.

Im lìm!... Cái im lìm gớm ghê hơn lúc ở vườn ngày nọ.

Ðồng hồ ở đâu chậm rãi gõ "bon...bon" như bi sầu oán trách. Thằn lằn chắt lưởi, thở than.

Thầy bước lại ngồi kề, lau nước mắt không còn chảy nữa!

........

Ở nhà cô Dung cùng chị dâu vui chuyện. Cô Trường tiền đem món ngon, vật lạ ra đãi khách thân. Ðến bữa ăn dọn toàn mỹ vị. Cô Thường thật tình ăn, thật tình cười nói. Ðứa con bụng binh rĩnh, đầu chờ vờ, đòi bánh trái liền liền.

Ðờn bà ngu dốt ngồi lâu tất đem chuyện thiên hạ mà phanh phui chớ biết khoa học gì mà bàn, công hạnh gì mà luận. Thôi thì khen chê thím nầy khôn còn mẹ kia dại; hết gia đạo người, rồi tới gia đạo mình.

"Thiệt, cô gặp dượng Ba đây có phước hết sức. Cảnh nhà cô vui vẻ, còn gia thế tôi, ối thôi! Buồn biết bao nhiêu. Anh Hai của cô bây giờ sanh tật cằn nhằn tối ngày. Hồi nào sao, bây giờ hở ra mỗi chút là mỗi bắt lỗi. Ðàn ông nhỏ mọn, thật khó chịu. Tôi giận bỏ đi chơi cho ở nhà mặc sức nói hành."

Cô Dung làm thinh, lấy làm chua cay lắm. Cô trách thầm chị dâu bứt mây chẳng ngại động rừng, lại thương hại cho anh về nỗi nồi tròn, vung méo. Thật, đờn ông dầu tốt thế mấy cũng không sao tránh khỏi cái tiếng ác của đờn bà thất giáo. Ai là vợ khôn có bao giờ đi than phiền, trách móc chồng với người nào. Ðờn bà hiền là người nào biết tô điểm cho cái danh giá ông chồng; nhưng khổ thay! Ðó chỉ là thiểu số. Phần nhiều phụ nữ, khi thương thì coi chồng như tượng vàng, vóc ngọc, đi đâu cũng khoe khoang - khoe khoang cho đến mình nghe mà mắc cỡ - lắm khi trong câu chuyện lại thêm nhưn, thêm nhị cho cái hương danh của chồng quá ư nồng nàn! Trái lại, khi có chút chi nghịch ý thì làm xấu cho chồng, điều mà nghịch ý, thường chỉ do sự nghi lầm tưởng bậy. Có khi sanh ra ác cảm nhau quá hơn kẻ nghịch thù.

Hạng chí ngu là vậy. Còn một hạng ngu pha chè nữa, là hạng có chút ít học thức, cái học thức vô lương tâm, tai hại cho linh hồn. Hạng nầy khi nào có điều chi trái nghịch mà chồng cấm ngăn, hoặc phong tục cấm ngăn, thì ong óng la lên: nào đờn ông áp chế, phong tục hủ lậu, nào cần có tự do cho đờn bà, cần cho họ bình quyền với chồng!...

Cái chức vụ của đờn bà là gì?

Giúp cho bạn chung thân của mình được yên vui đặng đởm đương những công việc lớn lao; có giỏi nữa là giúp cho chồng vững chí trong đường phải mà làm nên nghiệp cả. Có thể nói rằng người hiền phụ là thuốc tiên để chữa những đau khổ của đờn ông, là cái bùa tiên để biến hóa sự chán ngán làm sự hy vọng.

Chẳng quí lắm sao?

Nhưng, than ôi! Lại có thứ đờn bà như cô Thường!

Nào có biết cho rằng lời bất nhã trước kia là không hạp ý em chồng, cho nên chị dâu cứ cười cười nói nói.

- Thôi đi chị Hai! Ðừng phiền; thôi đi! Tôi không phải binh, nghe chị Hai; song tôi biết ý anh Hai không chịu bậy bạ, sợ chị nghi lầm chớ. Thường thường có lắm việc mình thấy tận mắt, nghe tận tai, mà còn không chắc đã là quả thật chưa; huống chi những chỗ nghi ngờ của chị không có bằng cớ gì hết.

Cô Thường lại lên giọng cao:

- Cô nói vậy chớ đợi có bằng cớ thì còn gì! Theo ý tôi "có tích mới dịch ra tuồng". Thế gian chẳng ít thời nhiều, bỗng không ai có đặt điều cho ai. Anh Hai cô chẳng có con nầy con kia, làm sao dám nói? À, tôi nghe phong phanh dượng Ba cũng có mèo nữa mà!

Cô Dung cười:

- Ai ở đâu, chị?

- Người nào ở Sài Gòn, bảnh lắm. Mèo của dượng mà dễ lôi thôi như mấy con gà vườn kia đa. Cô không hay sao?

- Không!

- Ngày tới tối có đi đâu hay! Mỗi tháng dượng đưa tiền lương cho cô đủ không?

- Có đủ.

- Có ghen không?

- Ghen lắm chớ! Nhưng tôi không hề nghi quấy cho chồng tôi, còn rủi như tôi không khéo cách ăn ở cho chồng vừa lòng chồng có thương ai tự ý. Mà thôi, chiều rồi, chị Hai sắm sửa đi dạo với tôi?

- Ði thì đi! Nè, cô nói giỏi chớ cô gặp thử coi. Thương chồng thì thương, chớ hễ tôi gặp với con nào, tôi cắt cổ cũng đặng: Họ nói họ thấy dượng Ba với cô đó thường chuyện vãn với nhau tại vườn, Cô coi chừng kẻo dưởng mê rồi dưởng xin đổi đi chỗ khác dẫn người đó theo, bỏ cô ở lại đa! Mà, cô đừng học lại dưởng oán tôi nghe? Chị em tôi mới nói.

Cô Dung cười lạt, chỉ gặt đầu, rồi sai trẻ múc nước cho chị dâu rửa mặt đặng sửa soạn đi chơi.

Giả dạng làm vui, chớ cô Ba lấy làm buồn. Ban đầu, nghe lời mét thót quả quyết kia, cô hơi nghi chồng; nhưng tự bảo: "mình chơn chánh mà bị nghi ngờ có buồn chăng? Nghi như vậy có lỗi chăng, phu quân không phải như bọn tầm thường kia; nghi chàng cũng bằng làm khổ cho chàng vậy. Trái lại, nếu mình thanh bạch mà bị chàng nghi có thảm chăng? Không! Cô không nên nghi: Càng nhớ lời nhau lại càng không nên nghi nữa". Nhưng cô không sao khỏi buồn của kẻ phải buộc lòng nghe lời thô tục phi lý.

Buồn rồi trông cho mau đến lúc chồng về, tựa hồ kẻ bị ngộp trong cảnh tối tăm, mong mỏi ánh sáng mặt trời. Bây giờ nàng lại thấy rằng chồng nàng rất cần thiết cho sự an ổn của nàng; đến cái linh hồn của nàng cũng nhờ cái đức ông chồng mà được bình tĩnh, cứng cáp. Bao giờ thấy chồng nằm gác tay lên trán, nàng lấy làm ái ngại mà tự hỏi có điều chi chàng chẳng vui. Cô biết, con nguời ai có tính đa cảm thì thể nào không khỏi phải buồn vì những điều trái ý thường xảy ra ở đời. Người hữu tâm là người hay chịu sầu, không than thở, không phiền hà vì có ai là kẻ tri âm hiểu cho thì xem bằng được uống huờn thuốc bổ lao, bao nhiêu chán ngán nhọc nhằn cũng có thể tiêu hết.

Khi nào thầy lộ vẻ chẳng vui thì có vợ chúm chím cười "mời anh uống nước", hoặc anh "Ăn dùm dĩa bánh đỡ buồn", thành thử ông Trường tiền ta dẫu buồn cũng không dám buồn lại phải kiếm lời phân cho an lòng vợ.

- Tôi không có buồn điều chi mà mình phải nhọc công chăm chỉ đến tôi. Ðộ nầy có nhiều việc lo nên phải suy nghĩ đó thôi.

Chú thích

[1] lúc

[2] nhưng mà

[3] chải chuốt

CHƯƠNG 8 - QUẢ TANG BẮT ĐƯỢC

T

àu sắp mở đỏi [1].

Cô Dung hối hả mua ít trái cây, ít bánh đem theo dùng dọc đường. Cô cùng thằng San bước xuống tàu lựa chỗ ngồi, thình lình có tiếng gọi:

- Cô Ba! Cô Ba! Ði đâu đó?

Nghe kêu, má thằng San dòm ngó thấy cô Thường. Cô vui vẻ hỏi:

- Ủa, chị Hai! Chị đi đâu mà tình cờ gặp nhau đây?

- Tôi đi Sài Gòn rước má tôi.

- Bác đi Sài Gòn đã bao lâu?

- Ðã sáu bữa rồi; đi Ðiện Bà [2] có hẹn khi về ghé Sài Gòn chờ tôi. Còn cô đi đâu?

- Tôi về thăm ba má tôi. Thằng San nó nhớ ông nội, đòi đi hổm rày; nay tôi mới ra đi, thời may lại gặp chị, tôi mừng quá.

- Hai bác đâu có ở nhà; mới đi Sài Gòn hôm kia đây mà. Tôi có gặp. Bác đi coi chưng cộ chà [3] với mua hàng. Theo như lời bác nói thì mốt bác mới về một lượt với tôi vậy thì có về nhà cũng không có bác; thôi, đi Sài Gòn với tôi chơi?

Cô Dung không đi; còn thằng San hỏi má cho nó đi với mợ, đặng sẵn dịp theo bà nội mua cho cái túi da để cặp sách đi học và hộp màu, hai món đó nó ao ước hổm rày.

Hôm ấy cả trời mây toả, cái nhiệt lực của vầng thái dương không thẳng nét như mấy ngày trước kia. Hình như cả vỏ trụ có cái nhà kiếng cực to che ở trên, làm ánh sáng không chói lòa, cái khí hậu không nồng nực.

Gió lai rai thổi, phất phơ vạt áo của kẻ đi đường.

Cô Dung thong dong trở lại nhà, trong mình nghe như được chút hân hoan. Cô vừa đến ngõ gặp chú lão bộc:

- Bẩm cô mới về, sao cô trở lại. Còn cậu San đâu?

Cô cắt nghĩa sơ rồi bước thẳng vào. Lão lại tiếp:

- Bẩm, ông tôi không có ở nhà.

- Ði đâu.

- Ði vườn.

- Vậy được lắm. Ðã lâu rồi tôi không có đi vườn. Sẵn bữa nay mát mẻ tôi đi dạo một phen; tôi đến tình cờ, chắc ở nhà tôi vui lắm.

Ðoạn cô đi thẳng vào phòng. Khi ngang qua tấm gương cô ngó vào ngắm hình dung của mình, rồi chúm chím cười. Tuy trộng tuổi mặc dầu chớ vẻ đẹp của cô còn mặn mà, nhứt là cặp mắt tỉnh táo sáng suốt của cô làm cho mình cô coi cô như vẫn còn con gái thật thà, vẫn còn cái sức luyến ái của người đồng trinh chưa biết ái tình là gì mà có thể làm ra tình ái trong lòng thiên hạ.

Cô vào mở tủ lựa cái áo dài, cái áo mà chồng vẫn ưa nhứt. Thay đổi xong cô đi ngang tấm kiếng ghé mắt vào lần nữa rồi mới bước thẳng bước.

Hai bên đường mọc những cây me suông đuột giao đầu liên tiếp nhau, thỉnh thoảng gió lay làm cho rải rác cánh hoa trên mình hành khách.

Cô đi đến khúc quẹo, trong nhà kia có vài người đàn bà dòm ra chào và mời cô ghé chơi, cô cám ơn xin để ngày khác. Ðợi cô đi một đỗi rồi đám đàn bà ấy xì xào:

- Thiệt cô đó lịch sự đúng bực, lại tử tế quá. Không biết làm sao tôi cản đường cho cô đi vườn.

- Sao vậy?

- Chị không rõ sao?

- Không!

- Cơ khổ thì thôi! Ai nấy đều hay ông Trường tiền tư tình với cô Ba - tên tây, tên u gì đó tôi quên rồi.

- À cô Ba Josiane. Người ta biết chắc họ ở tại nhà vườn của ông Trường tiền.

- Cô Trường tiền đến đây rủi gặp thì khốn nạn cho cô lắm vậy.

- À! Vậy sao? Chị em mình nom theo coi chơi nè!

- Xí! Cái chị nầy kỳ. Tôi không bao giờ muốn coi cái khổ, cái nhục của ai hết; tôi muốn ngừa dùm họ thôi.

- Còn cô Trường tiền không hay sao?

- Chắc là không. Nhưng vậy, dầu cô có hay thì chỉ buồn rầu thôi chớ không làm cách thô bỉ như bọn mình đâu. Thiệt trong đời, có một đôi vợ chồng đó biết kính nhau, biết yêu nhau vậy.

- Ðờn ông tệ quá há! Vợ như vậy mà còn....

- Tệ thiệt; nhưng tưởng ông Trường tiền dấu vợ lắm tôi lại chắc rằng nếu vợ rõ điều nầy ông sẽ vĩnh biệt tình nhơn.

- Làm sao chắc? Cái thứ đờn ông mê gái mà...

- Tôi chắc. Ðể chị coi.

Kế có ba bốn người đàn bà nữa bước vào: thím giáo với thím thông dẹp chuyện cô Dung mà ra nghinh tiếp:

- Chào mấy chị, mấy cô. Thôi đủ tay rồi, vô gầy sòng kẻo trễ.

Nơi vườn, trong căn phòng mà ta đã rõ hình trạng rồi, nghĩa là cái căn phòng Ðoàn Hữu Minh dọn tạm để nghỉ trưa và nơi ấy cô Ba Josiane đem đồ cho ngày nọ, có đôi tình nhơn đương mơn trớn nhỏ to...

Nói thật ra thì mỗi lần Ðoàn Hữu Minh đến chỗ hẹn thì lòng chàng có hơi ngao ngán, không vui, nhưng cái quyến rũ của cô Josiane cũng có thế làm cho chàng tạm quên lỗi mình, tạm quên lời ước thệ đinh ninh mà vui lúc trăng tình gió nghĩa.

Thầy đang cùng cô Josiane chuyện vãn, âu yếm.

Cô ta ngó thầy một cách mặn mà và thỏ thẻ hỏi:

- Thương tôi không mình?

Thầy cười:

- Thương.

- Nhiều không mình?

- Nhiều.

- Nhiều bằng vợ nhà không mình?

Thầy không đáp chỉ cười một cách bông lông, rồi bước đến kéo ngăn tủ lấy điếu thuốc đốt hút.

Cô Josiane đổi sắc, buồn bực mà nói rằng:

- Tôi biết, thế nào mình thương tôi cho bằng, dẫu rằng tôi thương mình hết dạ hết lòng. Tôi là người vô duyên vô phước quá mình!

Ðoàn Hữu Minh se sẽ vỗ gò má tình nhơn mà trả lời:

- Sao lại khờ đến thế, hỡi em? Chẳng nên hỏi những gì mà khó thể cho người ta tỏ thật với mình; là vì mình được nghe những lời dối trá, vả lại là một điều buộc người ta phải cực lòng vì phải chịu vô phép làm thinh, phải kiếm lời nói dối. Nên biết em thương tôi, tôi thương em là đủ. Chớ so sánh mà chi? Em còn nhớ trước kia tôi không dám thương em, vì biết sau nầy có điều ân hận. Nay đã thương nhau rồi; thương nhau thương lỡ, thương liều; thương vô mục đích, thương thẹn với lương tâm, thiết tưởng em cũng có lúc bất an trong lòng như tôi vậy. Thẹn với lương tâm hạng nhứt là những hồi hoan lạc bỗng nhớ đến vợ nhà; cho nên tôi đã xin với em bao giờ đôi ta hội ngộ, đừng có nói điều gì cho tôi phải nghĩ đến. Tôi cũng có nhiều điều làm cho ngứa lưỡi, song tôi biết hỏi ra em khó trả lời, lại có lẽ là điều làm cho tôi bớt quí bớt yêu em nữa. Giả như tôi hỏi: "Em thương tôi quyết vẹn thủy chung không? Trước khi thương tôi em có thương ai không? Vì đâu khiến cho em thương tôi?" Thì khó cho em trả lời phải không? Mà cũng vô ích cho tôi thấu rõ. Lắm lúc nghĩ tôi lấy làm thương hại cho thân em, nhứt là nghĩ đến cái tương lai của em, chúng ta không chắc rằng sẽ được cùng nhau kết niềm phu phụ mà cộng hưởng an lạc đến già. Thương núp, thương lén, thương điên, thương cuồng; than ôi, đã hiểu tình là kẻ cường đạo đui điếc mà chúng ta vẫn chìa mũi cho nó xỏ, dẫn đi đâu tự ý! Hại là dường nào! Nguy hiểm là dường nào!

Cô Josiane nắm tay tình nhơn mà bóp một cái mạnh.

- Tôi hiểu! Tôi hiểu nghe mình! Tôi biết rằng cái tình thương của tôi hại cho tôi nhiều bề; nhưng đã thấy hại mà tôi dám thương, thì mình hãy lượng dùm cái tình của tôi đối với mình thấm thía biết bao nhiêu.

- Tôi thương mình đáo để, mình phải rõ điều ấy. Bởi tôi thương, nên tôi tưởng cho tôi có cái quyền được hỏi người ta thương tôi bằng như vậy hay không. Ngày giờ nào tôi còn thương mình tôi muốn mình phải thương tôi y như vậy.

- Ngày nay tôi mới biết! Bao giờ mình thương tôi nhiều! Một cái chứng như vậy cũng đủ hiểu rõ ràng: tôi gọi tình lang tôi là mình: người chỉ đành kêu lại là em, cái tiếng em nghe thiệt là vô vị.

- Theo ý ngu của tôi, khi nào tôi chỉ được thương ai trong cái thời kỳ ngắn ngủi, thì tôi tăng cái mãnh lực của tình lên gấp hai gấp ba.

- Tôi nghe mình, tôi không muốn cho ai tội nghiệp đến phần tôi, vì tôi xử theo ý tôi muốn: tôi chỉ tội nghiệp dùm cho ai kia, đờn tiên muốn khẩy, rượu tiên muốn uống, mà chỉ vì e tiếng hét, gầm nên phải nhút nhát, rụt rè!

- Tình là tình, đạo đức là đạo đức; nguời muốn giữ toàn đạo đức thì đừng theo đuổi với tình làm gì, bởi không kiên tâm được đến cùng, rồi ném bỏ đạo đức đi, thì là điều buồn cười, thì là điều đáng tội nghiệp.

- Tôi chán mấy trang [4] "giả đạo đức" cùng là những kẻ "đạo đức dở mùa" như chán cơm nếp; tôi cũng chán đời, nên tôi kiếm kẻ khác thiên hạ để làm bạn tri âm. Tôi là gái lẳng lơ, nhưng chẳng hề nhận chìm ai nơi bể ái. Ôi mà chơi hoa hồ dễ mấy người biết hoa!

Cô không nói nữa. Ðoàn Hữu Minh ngồi nghĩ suy. Cô Josiane là gái phong tình, cái tật ấy làm cho cô là nguời đáng tiếc, đáng uổng vậy. Nếu cô là nam nhi thì có thể quí, vì được phần lịch duyệt, trong giá trắng ngần. Tưởng chừng cô cũng có cái tâm sự đáng thương cô cũng có trải qua một khoảng đường đời khe khắt. Buồn đời, chán đời, mà thành ra chẳng tiếc thân, than ôi, lại chẳng tiếc thân trong vòng hoa nguyệt!

Nhưng tóm lại, cô là con người hư rồi; thiên kiều bá vịnh, vạn chưởng phong lưu [5], chẳng qua cũng là món đồ cho người chuyền tay trong lúc còn hương nồng, sắc đượm.

Rồi thì thôi...

Tại mình tầm nẻo đoạn trường mà đi, bụng làm dạ chịu đã đành. Nhưng nghĩ rộng ra, nếu cả thảy đờn ông ở thế gian nầy là tốt hết thì nàng không ra cớ đổi.

Nàng hư, tất nhiên có tại ai xô nàng vào nẻo chông gai. Nàng hư tất nhiên có nguời tham cái nhan sắc của nàng mà cám dỗ nàng để cho chìm đắm trong vòng hắc ám.

Trong đám nguời háo sắc ấy lại có mình là Ðoàn Hữu Minh, là kẻ đã tự xưng là nguời biết hoa. Thầy cũng là một tội nhơn đối với tiết giá cô Josiane!

Lại vì đó mà lỗi thầy đối với cô Dung càng thêm nặng!

Nghĩ đến đó, thầy xốn xang bứt rứt.

Cô Josiane thì xây mặt vào trong, như vui, như buồn, khó tả.

Cửa phòng khóa chặt, chỉ còn cửa sổ không gài. Cảnh trưa vắng vẻ. Thình lình cô Josiane mở bừng mắt ra, rồi vội vàng kéo mền đắp ngực lại, nét mặt xám xanh.

Cô thấy gì vậy?

Cái cửa sổ bỗng nhiên mở hé, ánh sáng chói làm cho cô phải mở mắt ra, thấy có nguời chường mặt ngó vào. Nhưng vẫn êm ru, không chút đá động.

Cô dụi mắt dòm lại thì cửa kia vẫn còn khép. Cô ngồi dậy; đánh thức Ðoàn Hữu Minh:

- Dậy! Dậy!

- Có việc gì?

- Vợ mình! Tôi thấy vợ mình!

Cái tiếng cô run với bộ hơ hải làm cho Ðoàn hoảng và bối rối.

- Ðâu?

- Kia, ở chỗ cửa sổ, mới ló đầu vào!

Thầy chạy lại toan mở cửa ra. Cô níu áo:

- Chết tôi mình ơi! Ðừng, đừng mở!

- Không sao mà! Em chiêm bao, chớ vợ tôi đi khỏi.

- Thiệt mà! Tôi có ngủ đâu mà chiêm bao. Rõ ràng, tôi thấy. Mình ơi! Chết tôi!

Hữu Minh mở cửa ra xem thì chẳng thấy một người. Thầy đánh bạo toan mở khoá bước ra ngoài. Cô Josiane lại kéo tay cản trở. Thầy phải kiếm lời nói cho cô bớt kinh khủng, rồi mới ra được khỏi phòng.

Có gì đâu!

Nom trước, dòm sau, chẳng một bóng ai thấp thoáng.

Xung quanh nhà đổ toàn đá sạn, kiếm chẳng thấy dấu giày.

Thật không có! Huống chi đã chắc ý rằng cô Dung vắng mặt từ ban mai.

Thầy trở vào:

- Có gì đâu mà em sợ! Tôi đã nói vợ tôi đi khỏi, đi chính mắt nầy thấy mà. Chẳng qua là bữa nay trong mình em yếu nên mơ màng thấy những điều lo sợ trong lúc còn thức. Em còn nhớ khi nãy em hỏi tôi: "Mình đi như vậy vợ không nghi sao?" cái ý lo ngại vẫn còn ẩn núp trong đầu, nhơn đó biến ra cái ảo trạng làm cho em thấy mà ngờ rằng thiệt. Không sao đâu!

Cô Josiane có hơi yên tâm, nhưng lại thở dài:

- Tôi sợ quá!... Chiều lại, Ðoàn trở về nhà, lấy làm lạ mà thấy đèn đốt sáng choang, mấy cửa mở hoác, lại có nghe hát máy nữa.

Ai?

Cô Dung với thằng San đi khỏi. Không lẽ tôi tớ ở nhà dám tự do. Không lẽ có người thân thích nào?

Thầy vào. Vừa ngó thấy vợ thì trong châu thân dường như xuống nhầm luồng điện.

Vợ thầy không đi! Chắc cô Dung đã thấy thầy với cô Josiane rồi. Chết nỗi! Rồi đây thầy biết bao nhiêu xấu hổ với vợ hiền rồi đây thầy có lời chi mà tỏ cho vợ tin rằng thầy vẫn yêu vợ, vẫn một lòng thủy chung như nhứt!

Cô Dung giả lờ không thấy sự bối rối ấy, bước lại tiếp chồng và chúm chím cười:

- Mình đi mới về!... Tôi giới thiệu với mình cô Năm đây vốn bạn đồng môn của tôi ngày xưa.

Thầy cúi đầu chào khách. Cô dung tiếp:

- Ba với má mắc đi Sài Gòn nên tôi không qua. Tôi cho phép thằng San đi với chị Hai, hồi sớm mơi nầy chỉ đi lên đó đặng đón hai bác; rồi thằng San sẽ về với ba má luôn thể. Tôi ở lại may quá! Nếu đi thì đã không được hân hạnh gặp cô Năm đây rồi.

Thầy ngồi tiếp giây lâu, rồi vào trong tắm rửa ăn cơm.

Thầy hỏi nhỏ người lão bộc:

- Nầy! Chú Tư. Người khách đàn bà ấy đến đây hồi nào?

- Bẩm, chừng độ lối ba giờ rưỡi, bốn giờ.

- Người cho vợ tôi hay trước mà đón rước không?

- Chắc không. Bởi hồi trưa cô tính đi vườn đặng chiều về với ông; té ra cô gặp bạn cũ nên trở lại.

- Chà! Vợ tôi bữa nay sao giỏi vậy! Chú có nghe nói má thằng San đi đến đâu mà trở về không?

- Bẩm tôi có hỏi; cô tôi có nói đi vừa khỏi nhà thiếm giáo Hai thì trở lại.

Theo lời lão bộc thì cô Dung không có đến vườn. Cô thấy chồng về, lại tiếp rước một cách tự nhiên. Cô không lộ một vẻ nào buồn. Thế là cái sự thấy của cô Josiane chẳng qua là cái ảo tưởng.

Chú thích

[1] đỏi: dây to để buộc tàu, mở đỏi: tách bến, tàu chạy

[2] điện thờ Bà trên núi Bà Ðen, Tây Ninh

[3] xe hoa của người Chà Và, tức người Ấn Ðộ

[4] loại người

[5] thiên: ngàn, kiều: cầu, bá: trăm, vịnh chỗ sâu, người miền Nam còn gọi bờ sâu của một khúc quanh trên dòng sông là vịnh. Thành ngữ nầy có nghĩa đã qua nhiều cuộc thay đổi cam go (qua nhiều nhịp cầu, nhiều khúc sông), tương đương như ba chìm bảy nổi), vạn chưởng phong lưu (hay vạn chủng phong lưu. vạn: muôn; chủng: gót chân hay lối đi; phong: gió hay trôi; lưu: chảy. Vạn chủng nghĩa là nhiều lối, nhiều cách; phong lưu nguyên nghĩa là đức độ cao, một nghĩa khác là dáng vấp hoặc thái độ. Về sau chữ phong lưu dùng để chỉ chơi bời, đàng điếm, đỉ thỏa. Ở đây vạn chưởng phong lưu= đủ mọi cách chơi bời.

CHƯƠNG 9 - ĂN NÓI LÀM SAO BÂY GIỜ

T

ội nghiệp cô Josiane!

Nhưng mà. Nhưng mà đã trót tháng trường, cô ba Dung chẳng chung gối với chồng, lấy cớ rằng trong mình chẳng an, cần phải tịnh dưỡng. Nét mặt nàng kém tươi, càng ngày càng rầu héo, hai mắt có hơi hóm vô, môi khô, miệng biếng cười, có cười cũng như hoa ráng nở mùa hạ.

Cô buồn!

Cảnh gia đình bấy giờ cũng kém vẻ vui. Ðến bữa ăn lặng lẽ như tờ. Hai vợ chồng ít bàn luận với nhau. Phần nhiều ngày giờ là nàng ở trong phòng. Thầy thì xem dường như bận việc. Ai cũng thấy cái vẻ bãng lãng [1] của nhau. Ai cũng nặng nặng trong lòng.

Thét rồi dường như muốn tránh mặt nhau, đặng tìm nơi quạnh quẽ, mà để cho sầu tuông lai láng.

Nếu chẳng có cái vui nào đầm ấm bằng cái vui ở gia đình, thì cũng không có cái buồn nào bực bội bằng cái buồn ở gia đình.

Vì đâu? Tại ai? Ðoàn Hữu Minh có thấu cho chăng?

Ðoàn Hữu Minh có biết rằng vợ đã thấu cái lỗi của mình chăng?

Cái thấy của tình như thầy, không phải là ảo trạng đâu. Quả thật vợ thấy. Vợ thầy thấy người mình yêu kính trọn đời, ngửa nghiêng giữa trận ong lơi bướm lã! Não nồng [2] thay!

Giết nhau bằng cái lưu cầu.

Giết nhau bằng cái âu sầu độc chưa?

Cô rầu vì cô cạn xét hết rồi, muốn nguôi nào biết phương chi. Cô hiểu: "trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng" là cái tục thuở nay ở nước mình dầu xấu, tốt, cũng không chi lạ. Chẳng phải nội cái trời Nam này là thế: khắp trên mặt đất, nếu ở nước nào phong tục cấm cưới hầu, cưới lẽ, thì đờn ông họ lại lén lút trăng hoa, có người dám phí cả tiền ngàn bạc muôn mà mua cái hoa đã tan tác giữa đường, mà nâng niu chút phấn thừa hương thải. Tài nào cấm ngăn cái bọn đờn ông! Huống chi đờn bà ta đã nghe câu "chồng chúa vợ tôi" thì phải xét hiểu quyền chồng, phận vợ.

Vì cái tệ tục cổ lai nên đàn bà phải chịu: người trai muốn đuợc vợ, trước phải tốn công, hao của. Vì công ấy mà xem ra cưới vợ, bề ngoài nói rằng kết bạn, chớ kỳ trung [3] là mua một người vừa ý để lợi dụng mà thôi. Vì vậy mà buộc cái chữ tùng cho phụ nhơn, chữ tùng đủ các phương diện!

Mua được móm nầy, tất có quyền mua món khác. Huống nữa là chúa! Chúa muốn dùng mấy tôi cũng đặng còn tôi chẳng phép hai lòng!

Chồng trung tín ấy là phước, có đày đoạ cũng phần "trong nhờ đục chịu", chồng tự do hành động, quí hồ lo sao cho vợ no con ấm là đủ rồi, chừng nào để cho thiếu kém, khốn nạn, mới trách được.

Ðoàn Hữu Minh là chồng được lắm, cách đối đãi của thầy không có chi cho vợ trách, con phiền.

Nếu thầy có ngoại tình, chẳng qua là một công việc hữu hạn đó thôi. Ðờn ông như chim trong trời rộng, cá trong biển sâu, người nội trợ phải tùng quyền kia, có thế nào khuấy rối cái lạc thú của chồng, cho hay cái lạc thú ấy khéo giữ thì không nhiểu hại đến gia đình hạnh phước!

Thật Ðoàn Hữu Minh không dại cho đến mê-sa nhan sắc mà bỏ phế việc nhà.

Cô Dung nghĩ rồi mấy điều ấy, song vẫn buồn hoài. Tại làm sao?

Hay là cô ghen?

Người như cô không có ghen. Thuở giờ thiên hạ hằng nói: Người đàn bà nào máu trắng mới không ghen. Thế là lầm. Thế là không hiểu nghĩa tiếng ghen vậy.

Ghen là gì?

Ghen tức là ghanh. Nói chung, kẻ nào thấy ai hơn mình mà đem lòng ghét buồn, là ghanh, ném về tình, kêu là ghen đó.

So sánh thì cô Dung mười, cô Josiane kém năm sáu. Cô Dung đã mặn mà nhan sắc, đủ cả nữ công nữ hạnh lại thêm có học thức; cô Josiane cũng đẹp thật, nhưng vẫn là cái trái không ruột, cái hoa không hương, lại trải qua bụi trần vùi lấm thì còn quí gì.

Cho nên đối với người lạc bùn nê kia, cô Dung chỉ thương hại mà thôi. Phản lại nếu cô dở mà thấy cao thượng, tài trí hơn cô, thì cô đem lòng kính phục, muốn ráng sao cho được bằng. Cô thường nói: «Ghen là tánh xấu hạng nhứt nó là cái dấu hư tệ của con người, lại làm cho con người hư tệ thêm mãi».

Phải lắm vậy! Mình hư tệ thế nào người mới giảm sự yêu chuộng mình, để yêu chuộng kẻ khác, người đã yêu chuộng kẻ khác mà mình ghen thì đã làm cho sự yêu chuộng kia càng tăng lên còn cái gớm ghét thì trở lại mình.

Nếu có hạng đàn bà xét xa hiểu rộng như thế thì tiếng nói bao hàm rằng ghen là bịnh chung của phụ nữ có phải lầm chăng?

Ai nói rằng cô Dung ghen, tức là không hiểu, không hiểu cái tánh nhơn từ, cái độ lượng rộng rãi của người cao thượng.

Vợ chồng như bầu bạn, nhưng cô chung thủy hơn; mình đối với người hết đạo, người đối với mình sai dạ trung thành, chán ngán thật! Não nề thật! Mà cũng buồn cười thật! Cười cho mình là giống đa tình, cười cho trong thế gian nầy người ta biết vui vì tình, biết muốn sống vì tình, mà đành hại kẻ khác phải thất tình, chịu bi ai, thảm thiết.

Chẳng hay vì cái luồng lỏi, tưng bợ; chẳng vì cách cưỡng bách, hăm doạ cho người ta yêu quí mình.

Chi! Chi!... Cái tình như thế có thú vị nào!

Cho hay, ta đã thấy, cái nghĩa sống của cô Dung là thương; cái lòng thương của cô rất quan hệ cho đời cô: không được thương như ý, là kiếp sanh tồn không trọn đời, còn thương mà bị sự bạc bẽo của ai là nuốt nhầm thuốc độc; thuốc độc gớm ghê vừa làm cho tiều tuỵ hình vóc vừa hại cho điên đảo linh hồn!

Cô đã hiểu trước cho mình như thế, nên lúc chưa trao tơ kết tóc, cô cẩn thận lọc lừa.

Không ham giàu sang, không ham tước lộc, cô dùng hết sự sáng suốt của cặp mắt xanh mà tìm cho đặng người biết yêu cô trọng giá trị cô, hạp tánh tình cô; cho cô hết lòng yêu lại không miễn cưỡng, không ăn năn không uổng cái hình vóc trong ngọc trắng ngà, bấy lâu gìn giữ.

Bán thân cho người đàn ông là sự hèn hạ, đau đớn!

Ðám cưới cô không có lễ lạc. Thành vợ chồng rồi, Ðoàn Hữu Minh ở nhà cha mẹ cô đặng mọi lẽ yên vui. Khi đi học ở Hà Thành, cô chu cấp tiền cho, trông nom gia thế cho. Tóm lại, cô vì nghĩa mà ưng chồng, cái tình thương của cô làm cho Ðoàn Hữu Minh là người hữu hạnh trên thế.

Ấy là người ơn của chàng. Ấy là người bạn quí nhứt, tốt nhứt của đời chàng, chỉ thua chàng về phương diện học thức, chớ tâm lý không kém.

Ðối với vợ như thế, chàng chẳng những phải xem là bằng đẳng lại phải hết lòng yêu kính mới vừa.

Ðối với vợ như thế, thầy không có quyền nói: «Chồng chúa vợ tôi». Thầy không được bắt chước ai kia vì câu: «trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng» mà sanh sứa chơi lê, giỡn lựu!

Cần gì phải rằng cô Dung là một người vợ vẹn toàn?

- Mình! Tôi được làm chồng mình, quí hồ được làm vua giàu sang bốn biển.

Ấy là lời của mình, thường nói. Thầy đã quên rồi sao?

Thầy cũng quên buổi chiều rất cảm động kia vợ thầy nỉ non lời chi sao?

- Mình ôi! Tôi có lầm lỗi điều chi, xin mình dạy bảo. Nếu mình bớt thương tôi, là khổ cho tôi lắm, nghe mình!

À! Cái lòng đờn ông!

Cũng một cái tay mơn trớn hiền thê mà dùng ấp ôm phường hoa tường liễu ngõ!

Cũng một cái mũi hửi hương vị tinh vi của gương mặt ngọc thốt, hoa cười, mà dùng khắng khít bên mình trần khấu [4]!

Thật đáng phàn nàn.

Nhưng cô Dung chẳng muốn phàn nàn: cô chỉ chịu riêng tủi, trộm sầu. Sầu cho đến chết!.

Cô chẳng bao giờ nghĩ đến sự rình rập, bắt bớ là cái cách làm cho đôi tình nhơn kia càng dan díu nhau, càng đề phòng cho được kín nhẹm. Ấy là sự đê tiện, vả lại xấu chàng có tốt chi mình? Còn thoảng buộc chàng phải dùng đủ chước giả dối để tỏ dấu yêu mình thì có ích gì đâu. Quí không ở tại tấm lòng mà thôi?

Lại rủi cho cô gặp!... Giá cô biết hôm ấy mà nơi vườn có cuộc trăng tình gió nghĩa, thì cô không đến mà làm chi.

Tội nghiệp cho cô, một ngày một vàng vỏ, xanh xao vì trót bị ép mình trong lũy cảm, thành sầu, gan thắt ruột bào, mà chẳng một lời ta thán.

Ðoàn Hữu Minh thấy vợ ốm cũng sót xa lo sợ. Thầy kêu lương y đến, song cô Dung vẫn cười mà hoà huỡn trả lời:

- Tôi không có đau đâu mình lo. Chẳng qua là mấy bữa rày biếng ngủ, biếng ăn, nên trong mình có hơi yếu. Trong ít bữa thì hết chớ gì.

Song cô vẫn ốm hoài, ăn rồi dã dượi, biếng đứng biếng ngồi, cứ nằm thiêm thiếp nơi tịnh phòng như người liệt nhược.

Ðoàn vào thăm, nắm tay vợ mà than thở:

- Tôi coi mình càng ngày càng ốm. Mình không chịu thuốc men gì hết; mình bất an như vậy làm sao tôi vui.

Vợ gượng cười, giả đò đập muỗi, rút tay ra để chỗ khác; ngó lơ mà đáp:

- Không sao đâu mình.

- Tôi lấy làm lạ vì sự mình không chịu uống thuốc.

Nàng vẫn cười:

- Tôi sợ thuốc lắm. Uống vô chắc đau thêm. Sự mạnh giỏi của tôi, tôi biết, không sao đâu mình lo.

Tuy vợ phân như vậy, chớ Ðoàn Hữu Minh không an lòng. Thình lình chàng giật mình.

Hay là?...

Không! Không lẽ cô Dung rõ «chuyện ở vườn».

Không lẽ cô Josiane thấy thiệt. Lời lão bộc là bằng chứng. Còn, thoảng vợ hay, sao chẳng có lời chi?
Song thầy hiểu ngấm ngầm như có ai mách bảo cho rằng cô Dung có thấy. Chỉ có thế nàng mới rầu. Thế là vì lầm lỗi mà chàng giết vợ! Thiệt chàng là kẻ tội ác thái thậm.
Thầy muốn xưng tội nhưng hở môi ra khó làm sao!
Mà không! Không lẽ biết mà!
- Mình phiền tôi chăng?
- Sao mình hỏi thế? Tôi có phiền chi?
- Mình ôi! Tôi một lòng yêu kính mình hoài. Tôi có lỡ lầm lỗi chi xin mình miễn chấp, nghe? Nều mình vì tôi mà buồn rầu cho đến chết, thì tôi là kẻ thủ phạm rất đáng khinh bỉ vậy.
- Xin chớ nhọc lòng. Nếu mình có điều chi phải xin tôi miễn chấp, tôi đã miễn chấp ngay trước khi mình nói.
- Nếu vậy thì có lẽ tại khí hậu nơi nầy bực bội nên mình khó ở đó chăng? Thôi để chúng ta sớm dọn về vườn.
- Tôi nói không sao, mình chớ lo. Tôi buồn ngủ quá. Tôi nghe như đã đúng giờ mình đi làm việc rồi.
Nói đoạn kéo mền trùm lại. Thầy bước ra có ý phiền.
Ðoàn Hữu Minh lựa ngày về vườn. Chiều lại, mãn phần việc rồi, chàng đạp xe gắn máy về nhà mới xem xét coi đâu đó có an bài và mướn nhơn công luôn thể.
Miếng đất chỗ nhà ấy có ngọn nước bao quanh như cái cùi chõ: phía hậu là sông Ranh, bên hữu là rạch Ðào. Thầy muốn qua rạch đặng đến xóm bên kia, phải nhờ đứa nhỏ bơi xuồng đưa giúp. Khi lãnh tiền thưởng, thằng nhỏ ấy vui cười nói rằng:
- Hồi đó tới giờ tôi thấy có hai người rộng rãi mà thôi, đưa qua rạch một chút thưởng công một cắc!
Ðoàn hỏi:
- Người thứ nhứt là ai?
- Người thứ nhứt là vợ của ông.
- Em biết vợ của qua. Chẳng hay đi ngang đây hồi nào?
- Bẩm ông, người như ông với cô, tôi phải biết mới được. Ðể coi, cô đi qua rạch nầy cách nay có hơn một tháng rồi, tôi nhớ ngày đó là mùng sáu chắc vậy.
- Cô đi ngang đây lối mấy giờ?
- Lối hai giờ chiều. Cô cho tiền rồi dặn tôi đừng cho ai biết. Chắc là cô trở về ngã cầu Cống, nên từ đó đến chiều tôi có ý đón đưa mà không thấy.
Thầy bây giờ mới hiểu. Vợ chàng có đến vườn thiệt. Khổ dữ chưa!
Cách hơn một tháng nay. Lối hai giờ chiều.
Cách hơn một tháng nay. Thầy làm khổ cho vợ hiền mà vẫn an vui như người vô tội!
Hối hận biết bao nhiêu! Hối hận mà cái lỗi khó chuộc. Thầy nhớ lời vợ:
- Nếu mình có điều chi phải xin tôi miễn chấp, tôi đã miễn chấp ngay trước khi mình nói.
Cô không chấp mà cô rầu, cái rầu nặng nề, khốc hại!
Giá bây giờ phải chịu cái hình phạt nào khổ sở cho vợ vui vẻ như xưa, thầy cũng cam tâm. Khi thầy lững thững trở về, gặp người đi thơ trao cho một cái. Ấy là tin của tình nhơn gởi thăm và hẹn hò bữa lễ đến Cần Thơ hội ngộ. Thầy coi rồi xé bỏ, thở dài.
Từ đó thầy đeo đẳng theo cô Dung như khách tình bấy lâu hoài vọng ý trung nhơn, bây giờ mới gặp. Nhưng, ân cần thế mấy, muốn làm vui thế mấy, thấy vợ cũng mòn mỏi, u sầu.
Một trăm lần thầy muốn hở môi để xưng tội, đặng năn nỉ ỉ ôi, nhưng môt trăm lần vẫn nghẹn ngùng, hoặc muốn hở môi thì vợ đã đánh lờ mà bắt qua chuyện khác. Thành ra lúc gần nhau, vợ chồng chỉ nói chuyện trẻ ranh vô vị, mà vắng nhau thì lại thèm cho được gần.
Ðã hai tháng rồi, chàng quạnh hiu gối chiếc, thiếp lạnh lẽo nệm nghiêng; ở cùng một nhà, ăn cùng một mâm, mà ví bằng ngàn trùng xa cách.
Phải, thầy là con người đê tiện, vợ có khinh bỉ, gớm ghê, cũng chẳng phép phiền hà!
Tội nghiệp cho cô, đêm thao thức năm canh lụy sầu ướt gối! Ngồi dựa cửa trông cảnh trăng thanh gió mát mà nhớ những hồi vai sánh vai, lững thững nơi nào. Cô khóc duyên, khóc nợ, khóc đời; cô thấy rằng bao giờ cô còn sống ở thế gian là chỉ giam thân trong vòng thống khổ.
Nằm thiu thỉu thì là chiêm bao vẫn: Cô thấy hoặc những cảnh vui vầy thuở trước, hoặc những điều bạc ác của chồng; lắm khi bấn loạn, đổ mồ hôi, khóc hoảng, cười mê, ngồi phắt dậy vỗ tay lên trán:
- Trời ơi! Nếu tôi bạc phước thì cho tôi sớm lìa trần thế, đừng để tôi điên cuồng mà làm khổ cho chồng con.
Nói đến tiếng con, nàng nhớ thằng San, nhớ xót xa, nhớ lạ thường, muốn qua phòng con, hun trán con cho thỏa. Cô nằm xuống khóc, hết khóc thì những trò mộng mị ở đâu lại tuôn ra cho rối rắm tinh thần.
Cô thấy mình chết rồi. Cô Josiane về chủ trương gia thế, thằng San đầu đội nón tang, bận quần cũ, áo vải, đi đến trường. Chúng bạn ăn bánh, nó thấy thèm, ẩn vô hóc mà lau nước mắt. Tan học về, nó đi thất thơ sau chót, bạn ác tâm đứa chửi, đứa thoi. Tới nhà mẹ ghẻ gắt gao, cho dùng chén đá, đũa tre, ngồi trên ván bẩn thỉu mà ăn cá thừa cơm nguội. Rủi nó làm rớt bể chén, dì ghẻ tưng bừng đánh chửi. Nó chạy trốn, ba nó rượt theo bắt. Cô nằm dưới mồ ngó thấy hết, tức vì không biết làm sao cứu khổ cho con. Chồng cô thấy cô, giả bộ thương yêu, lại gần mơn trớn.
Ngay lúc ấy Ðoàn Hữu Minh bên kia cũng xốn xang trăn trở, trách mình, thương vợ, nhớ những hồi...
Thầy chỗi dậy nhẹ bước qua phòng hiền thê, nhìn cô ngủ coi như người đã chết. Thầy thương hết sức, sẽ lén nằm kề, tay gát qua mình...
Chẳng dè cô giãy giụa, mồ hôi dầm dề, ngồi dậy, ngó chồng hơ hải. Cô chấp tay năn nỉ:
- Tôi nghiệp con tôi mình ôi! Còn thân thể của tôi hôi tanh, mình đừng rờ đến!
Thầy sững sờ không hiểu gì cả. Cô dáo dác ngó quanh lần lần định tĩnh lại, hỏi chồng:
- Mình qua đây hồi nào? Tôi có nói xàm điều chi không?
- Có! Sao mình thốt ra những lời ghê gớm như vậy?
- Lời chi đâu?
- Tội nghiệp con tôi... Thân tôi hôi tanh...
Cô cười:
- Ðó là tại tôi xấu chứng giựt mình chớ không có chi. Tại nghe tôi mớ nên mình qua phải không?
- Không. Mình mới nói sảng sau khi tôi vừa nằm kế. Xa nhau khổ quá mình ôi!
Chồng vừa nói vừa xáp lại gần, toan kéo vợ vào mình, vuốt ve, an ủi. Nhưng cô Dung thất sắc, dang ra, hai tay tréo lại trên ngực như tuồng che chở lấy thân mà năn nỉ, giọng tha thiết, não nồng:
- Tội nghiệp! Tội nghiệp tôi mình! Mình lui ra không tôi chết mất!
Ðoàn Hữu Minh nghẹn ngào.
Than ôi! Vợ chồng trước kia dan díu đường bao, khắng khít dường sao, ngày nay như thế nầy, khổ tâm biết mấy.
Thầy hiểu hết rồi.
Riú riú lui ra, nhẹ nhẹ đóng cửa phòng, trở về nằm dài, tứ chi rủ riệt, xót xa phần vợ, bứt rứt nỗi mình. Xa xa trống canh hết trở rồi sang, như hối thúc thầy phải sớm lo làm sao, liệu làm sao mà cổi thảm cho bạn vàng vì một ngày vợ chịu khổ là một thêm nặng lỗi của chồng là một bước của cô lướt đến gần cái chết.
Chết vì tình nặng, nghĩa dài!
Tình nặng nghĩ dài đối với kẻ phi ân bội nghĩa.
Chú thích
[1] bẽn lẽn
[2] nùng
[3] thật ra
[4] trần: bụi bặm, dơ bẩn; khấu: kẻ cướp: kẻ cướp dơ bẩn.
CHƯƠNG 10 - NGHĨA CŨ TÌNH XƯA
G
ia quyến Ðoàn Hữu Minh đã dời ở nơi vườn.
Thầy có viết thơ tuyệt giao với cô Josiane, cô ấy hồi âm tỏ lời tiếc thương và cho hay rằng mình mới kết nghĩa châu trần với một ông chủ hát xiếc.
Cái tình của hai nguời, có bao nhiêu đó mà thôi; mà cái khổ của cô Dung lại vô giới hạn. Săn sóc cách nào, ân cần thế nào, Ðoàn Hữu Minh vẫn thấy vợ ủ dột, héo hon hoài. Thầy rầu, xem kỹ lại thì thấy thầy có ốm, nét mặt kém tươi, chỉ nghĩ rằng hổm rày vì sự đau đớn linh hồn rỉa vậy.
Hôm kia, mặt trời đã lặn rồi, cảnh vật lần khuất trong cái ánh sáng mờ mờ, còn một chút nữa là cái màn tối tăm của ban đêm nó che lấp đi mất. Ðoàn Hữu Minh thấy vợ còn đứng tần ngần ở vườn hoa, bèn lại gần, hỏi:
- Bữa nay thứ bông nào nở đẹp nhứt?
Cô Dung giựt mình, lộ vẻ ái ngại:
- Bữa nào tôi cũng thấy có một thứ hoa hường là đẹp mãi thôi.
- Hồi chiều mình ăn cơm ngon không?
- Ngon.
- Có uống thuốc chưa?
- Rồi.
- Mình...
Thầy muốn nói điều chi lại nín đi, mà vợ cũng giả như không nghe cái tiếng gọi sau ấy. Hai người đứng im như hình gỗ. Giây lát, cô Dung nghe chồng thở dài, bèn nói, và toan trở gót.
- Thôi vô.
Chẳng dè Ðoàn Hữu Minh nắm lấy vạt áo, năn nỉ.
- Khoan đã mình! Hãy ngồi đây với tôi một chút.
Nàng cùng ngồi với chàng trên cái kệ.
Im lìm! Chỉ nghe hơi thở của Ðoàn Hữu Minh cái hơi thở tỏ rằng trong tâm có sự cảm giác nôn nao, mạnh mẽ. Thầy nắm tay vợ, tay lạnh như đồng. Tay mấy tháng trường mới được rớ đến mà không thối thác.
- Mình lạnh sao?
- Lạnh! Thôi vô!
- Khoan! Tội nghiệp mà! Mình! Tôi lỗi với mình, lỗi nặng vô cùng, tôi biết rằng dầu tôi phải đau đớn, phải khổ sở bao nhiêu cũng không chuộc đặng. Cái lỗi tôi, mình đã biết rồi, biết mà làm thinh, để ôm đau khổ dù cho đến chết. Mình chết, tôi sống được sao mình? Mình cho phép tôi hôn bàn tay mình nghe, đặng rồi tôi xưng tội.
Thầy sụp quỳ gối, úp mặt lên tay vợ. Cô Dung nghe trên bàn tay mình có nước mắt chảy, bất giác cũng tầm tả châu rơi.
- Thôi, mình ôi! Thiệt vậy, tôi đã thấy, đã biết hết rồi. Mình ngồi dậy đi, tôi thề quên lỗi của mình mà cũng không hề bao giờ chịu nghe mình nhắc lại với tôi rằng mình có lỗi đó nữa. Tôi sống với mình.
Thế là thầy được tha lỗi rồi. Từ đây chàng phải ở thế nào hầu gầy dựng cái hạnh phước ngày xưa, cái hạnh phước độc nhứt vô nhị mà thiếu chút nữa đã tan tành, đổi ra sự thất vọng vô biên vô tận.

17/11/2015
Hồ Biểu Chánh
Theo https://isach.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hắn 0000

Hắn 1. Hắn Hắn còn nhớ rõ cái ngày cha hắn bán bộ sách quý với giá ba chục nghìn bạc để lấy tiền cho hắn đi Pháp. Ngày ấy lòng hắn như nở ...