Thứ Hai, 4 tháng 12, 2023

Nhơn tình ấm lạnh 1

Nhơn tình ấm lạnh 1

CHƯƠNG 1
Huỳnh Tú Phan mới cất một nhà lầu, gần châu thành Bạc Liêu cửa ngó ra lộ đi Sóc Trăng. Nhà cất kinh dinh kiểu vẻ xinh đẹp, nền cao cửa rộng tường chắc, thang lài, tứ hướng đều có làm cửa sổ đặng ánh sáng lọt vào nhà. Hai từng đều lót gạch bông đặng lau chùi cho sạch, nóc lợp ngói móc đỏ lòm, cửa sổ sơn dầu xám láng bóng.
Trước có dọn một cái sân rộng lớn, chánh giữa đã xây hòn non trên hồ nước, trên đỉnh ông tiều lum khum gánh củi, dưới khe ngư ông thong thả ngồi câu, bên kia thằng mục cỡi trâu ãn, bên nọ chú cày đi ra ruộng.
Ở ngoài đi vô khỏi cửa ngỏ rồi tẻ ra hai đường vô nhà. Dọc theo hai đường ấy đã trồng bông đủ thứ, bông vàng xen bông trắng, lá đỏ lộn lá xanh, hai bên lại đương dọn hai cái bồn, tính để trồng cây coi cho đẹp. Phía sau có cất một cái nhà dài tám căn, rồi chia ra chỗ xây bếp, chỗ chứa đồ, chỗ để xe hơi, chỗ để xe ngựa, còn dư mấy căn dành để cho gia đinh ở.
Khoảng đất cất nhà nầy thật là rộng lớn, không còn bỏ trống, nhiều chỗ chưa thấy trồng cây gì. Tuy vậy mà mặt đất đã ban bằng phẳng, có lẽ chừng chủ nhà dọn nền nhà mới sẽ trồng mận, ương cam, hoặc trồng cau, đặt chuối chi đây chớ chẳng không.
Phía trước dọc theo mé lộ, đã xây tường rồi rào song sắt, còn ba phía kia xây trụ bạch cấm rào cây. Người đi đường, hễ đi ngang qua thấy nhà mới nguy nga thường hay nghị luận, kẻ khen nhà cất đúng kiểu, người tiếc xung quanh nhà chưa trồng cây, kẻ chê nhà cất xa châu thành, người lại nói muốn khoe của nên cất nhà tốt hơn thiên hạ.
Tú Phan cất nhà vừa xong đương lo đóng tủ, mua bàn, đặt giường, sắm ghế đặng ăn lễ tân gia, thình lình hay tin quan trên xét công làm hội đồng địa hạt gần hai khóa và mỗi kỳ nhà nước phóng trái đều sẵn lòng đem bạc cho vay nhiều, nên thưởng chức Huyện Hàm, đặng rở ràng trong hương xã.
Chữ phú đã được nay thêm chữ quý nữa, người đời phần nhiều hễ được như vậy thì toại chí phỉ nguyền. Tú Phan là người ở trong bậc thường dân xuất thân, nhờ vận hội may mắn được giàu, nay cũng nhờ vận hội may mắn được sang nữa, thầm nghĩ có tiền mà không có chức thì cũng không oai, từ rày mình có tiền mà lại có chức, giàu sang gồm đủ, sự mơ ước đã được rồi chẳng lo chi nữa. Tú Phan lật đật sắm sửa dọn dẹp nhà mới cho xong, Ðịnh chiều chúa nhựt 20 janvier (1) sẽ thiết tiệc lớn làm lễ tân gia với tân quan luôn một bữa. Hồng thiệp gởi đi rồi, từ bà con cho đến người quen biết, ai ai cũng đều nao nức lo sắm lễ vật đặng đi khánh hạ.
Ngày vui đã đến, sắp đặt cũng vừa xong. Sớm mai chúa nhựt, sắp tá điền, độ gần vài mươi người, chia nhau tốp bắc thang trèo lên mấy cửa treo cờ, tốp đóng nọc giăng dây cùng ngoài sân đặng treo đèn.
Huỳnh Tú Phan, vừa tròn năm mươi hai, mặt dài trán rộng, râu vuốt ngoẳng lên hai bên mép, tóc ít lại điểm bạc hoa râm, chân đi giày thêu cườm, mình mặc áo quần lụa trắng, mắt mang kiếng gọng vàng, miệng ngậm đót mã não (2), ra đứng trước sân coi tá điền treo đèn buộc cờ. Cửa ngỏ sắt sơn màu đỏ lòm, mà lại còn biểu cậm tàu dừa vòng nguyệt, rồi kết bông coi cho rực rỡ thêm. Trong nhà bàn cẩm ghế mây, cái nào cũng mới tinh, mà còn biểu lau chùi, đặng nhìn cho thấy mặt. Trên mỗi bàn đều để một bình bông, bông thiệt cắm xen bông giả nên mới thoáng ngó qua không biết bông nào là bông làm, bông nào là bông trồng. Dựa mấy gốc cột đều có một chậu kiểng, chỗ nầy để bùm sụm (3), chỗ kia để càng thăng (4), bên nầy để cau lá vàng, bên kia để đinh lăng (5) trắng. Mấy cửa sổ đều treo màn thêu bông giấy ngang dọc.
Trong buồng, vợ Tú Phan là Ðoàn Thị Xuân, tuổi vừa 45, nước da trắng; gương mặt tròn, đầu tóc bới thả đều, móng tay chuốc mũi viết, tay đeo cà rá; cổ vấn dây chuyền, đương ngồi trên ván ăn trầu mà nói chuyện với mấy người đàn bà dưới Cái Cùng lên cung hạ. Con gái Tú Phan là Huỳnh Phi Phụng, tay ôm hai tấm màn thêu, ở trên lầu lần từng nấc thang đi xuống. Cô tuổi mới 17, nước da trắng đỏ, đầu tóc đen huyền, hàm rãng trắng đều như hột bầu, ngón tay dài trông như da giấy, mình mặc áo lãnh màu bông phấn, quần lụa Bom Bay6 mới tinh, chân đi giày thêu cườm, bông tay cà rá dây chuyền đều nhận hột xoàn lóng lánh. Cô xuống hết thang rồi mới nói với mẹ:
- Con đã kết hai tấm màn rồi đây má. Ðể đưa cho ba đặng biểu họ treo hé.
Thị Xuân ngó hai tấm màn rồi gật đầu. Mấy người đàn bà đương nói chuyện, ai cũng day lại ngó Phi Phụng rồi nói với Thị Xuân: "Cô hai nay lớn dữ! Bà cũng gần làm sui rồi".
Phi Phụng nghe nói mắc cở nên ôm hai tấm màn lật đật đi ra ngoài trước, Thị Xuân tay xỉa thuốc, mắt ngó ra cửa sổ mà đáp: "Ôi! Họ muốn làm sui thiếu gì! Có hai ba chỗ gắm ghé, mà ba nó nói còn nhỏ nên chưa chịu gả. Tôi có một mình nó nên cưng lắm. Ba nó nói cực chẳng đã tôi phải để cho nó đi học trên Sài Gòn mấy nãm nay. Xưa rày tôi nói lắm mới chịu lên mà đem nó về đó đa".
Ở dưới bếp sắp (7) Triều Châu lãnh dọn tiệc, tốp xe đồ, tốp nhóm lửa. Nói chuyện xí xô xí xào, còn sắp gia đinh nấu cỗ Việt Nam đãi khách đàn bà, đứa xắt thịt, đứa lặt rau chộn rộn chàng ràng như nhóm chợ.
Phi Phụng đưa hai tấm màn cho cha rồi cha con đứng coi tá điền treo hai bên cửa buồng. Màn treo vừa rồi thì có một thầy, trạc chừng 19, 20 tuổi gương mặt sáng rỡ, tướng đi khoan thai, mình mặc quần trắng, áo nỉ đen, cổ thắt cà vạt màu tím; đầu đội nón trắng, chân mang giày vàng, ở ngoài cửa ngõ thủng thẳng đi vô nhà. Phi Phụng dòm thấy, miệng chúm chím cười rồi nói với cha:
- Anh ký Linh đến kìa ba. Cha chả bữa nay ảnh diện áo quần coi đẹp dữ.
Tú Phan dòm ra thấy Phan Duy Linh, con của người bạn thân thiết với mình hồi trước, đương làm ký lục trong Hương Sở Bạc Liêu, rồi cũng cười, chờ Duy Linh bước vô nhà mà hỏi:
- Bữa nay chúa nhựt cháu nghỉ hả?
- Dạ, bữa nay cháu nghỉ, nên lật đật đến cung hạ bác và ở giúp đãi khách hầu bác.
- Ô! Được đa! Sấp nhỏ ở nhà đây nó khờ lắm, vậy cháu ở chơi đặng coi sắp đặt dùm cho bác.
- Cô hai về hôm nào?
Phi Phụng nghe hỏi tới mình thì tay vịn ghế, mắt liếc Duy Linh đáp:
- Em về hôm thứ ba.
- Hổm rày tôi không hay, chớ tôi dè có cô về thì tôi ra thăm cô.
- Em muốn sai bầy trẻ cho anh hay, song em nghe ba em nói có mời anh đến nên không dám làm rộn anh.
Duy Linh đem nón móc trên đầu nai gần cửa sổ, Phi Phụng đi lần lại bàn cẩn để ở giữa nhà, thấy trong bình cắm ba bông huệ lộn xộn với bông vải, bèn thò tay kéo nhánh bông huệ để vô lổ mũi mà hửi, mắt ngó theo Duy Linh.
Lúc ấy Tú Phan mắc ở ngoài cửa, Duy Linh cất nón rồi day lại thấy Phi Phụng ngó mình liền hỏi:
- Cô học năm nay đã thi bằng cấp sơ học rồi hay chưa?
- Chưa, em còn ngồi lớp nhì, qua sang năm em đi thi mới đặng. Mà ba với má em tính bắt ở nhà, không cho đi học nữa, thế nên em không trông mong bằng cấp rồi.
- Bác Huyện tính như vậy cũng phải. Con nhà nghèo nàn phải học thi lấy cho được bằng sơ học đặng đi dạy học kiếm lương ăn. Cô là con nhà giàu sang, học để biết việc đời với người ta vậy thôi, cần gì phải có bằng cấp.
- Con người ở đời giàu nghèo mấy hồi. Nếu em học lỡ dở như vậy, rủi sau em nghèo biết làm nghề gì nuôi miệng?
- Làm sao nghèo được. Cô khéo lo viển vông quá.
- Húy, cuộc đời dời đổi không ngừng; ai dám chắc giàu ba họ cho được anh.
Tú Phan ngoài cửa bước vô, nghe con nói như vậy cười nói với Duy Linh: "Quan phủ gởi đi hạ một tấm biển tốt quá. Bầy trẻ đương khiêng vô nhà kìa".
Duy Linh với Phi Phụng ngó ra cửa thấy hai người khiêng vô một tấm biển sơn son chữ thiếp vàng coi lộng lẫy lắm. Vô tới nhà rồi hai người khiêng mới dựng tấm biển dựa cánh cửa rồi móc túi lấy đưa cho Tú Phan một phong thơ. Tú Phan xé thơ coi sơ qua rồi dạy khiêng tấm biển treo trên cửa giữa ngó vô nhà. Chừng treo rồi, ai nấy đương đứng nhắm, Phi Phụng mới hỏi cha:
- Bốn chữ lớn viết ngay giữa nói gì ba?
- Bốn chữ đó là:"phước lộc trùng lai"
- "Phước lộc trùng lai" nghĩa là gì?
- Nghĩa là phước lộc đến một lượt, ý quan Phủ muốn nói ba có phước cất được nhà mới mà lại được chức Huyện Hàm nữa.
- Chữ Việt Nam kỳ quá, có 4 chữ mà cắt nghĩa ra dài dữ, còn hai hàng chữ nhỏ mỗi bên đó nói giống gì vậy ba?
- Bên nầy " Huỳnh phủ đại nhơn huynh vinh thăng hàm tri huyện chi khánh" còn bên kia "Bạc Liêu nhứt hạng Tri Phủ Trần Bá Thiện cung hạ".
Duy Linh nghe Tú Phan đọc dứt lời liền hỏi:
- Quan Phủ mừng tân quan mà sao không mừng tân gia luôn một lượt vậy bác há?
Tú Phan cười đáp rằng:
- Ờ, cái đó cũng kỳ; trong thiếp mời ăn tân gia với tân quan mà không biết tại sao quan Phủ quên. Hay ổng cho nghĩa tân quan trọng hơn tân gia nên ổng để tân quan mà thôi.
Tú Phan nói chưa dứt lời thì lại thấy họ khiêng về một bộ tranh cẩn với một cặp lục bình lớn và đưa một phong thơ nữa. Tú Phan xé thơ coi rồi cười mà nói với mấy người kia:
- Mấy em về nói qua cảm ơn ông Bá hộ nhé!
Tú Phan day lại nói với Duy Linh rằng:
- Ðồ nầy của Bá hộ Siêu ở dưới Trà Nho. Duy Linh dở bộ tranh ra xem, đoạn ôm cặp lục bình để lên trên bàn. Tú Phan dạy gia đinh treo bộ tranh cẩn trên vách rồi đứng ngắm với Duy Linh, còn Phi Phụng vô trong buồng.
Tú Phan mới nói với Duy Linh:
- Ông Phủ Thiện với Bá hộ Siêu muốn làm sui với bác nên hai ông đi hạ đồ tốt quá?
Duy Linh nghe nói thì cúi mặt xuống đất một hồi mới nói:
- Bác có một mình cô hai, ông nào muốn làm sui thì một ông thôi, chớ hai ông đều muốn làm sui hết sao được.
- Họ thấy bác giàu lại chỉ có một đứa con nên họ chộn rộn; nếu bác đành chỗ nào mà gả một chỗ chớ con đâu có gả cho hết được. Mà hai nhà nầy bác coi chưa vừa con mắt, quan Phủ sang trọng sánh với bác xứng sui gia lắm, nhưng ngặt ông khắc bạc quá nên sợ con hết đức; thằng con ổng học không bằng ai hết. Còn Bá hộ Siêu giàu lớn, song ông quê mùa thô tục; thằng con ông lại dốt đặc không biết chi cả. Chắc bác không thể làm sui với ông được.
- Cô hai cũng đã trọng tuổi rồi, mà cô lại học cũng khá bởi vậy bác có gả chỗ nào cháu tưởng cũng nên dọ ý cổ.
- Chớ sao! Con gái đời nay gả bán như lớp trước sao được, huống chi nó có học, thuở nay đã tập quen theo tánh văn minh. Hễ bác chọn lựa xong rồi, bác phải hỏi dọ nó lại rồi mới nhận lời với người ta chớ. Tại hai chỗ nầy bác không ưng bụng nên bác chưa nói với nó... À hôm trước bác đi Sài Gòn về bác gặp cha con ông hội đồng Lâm Yên ở Trà Kha. Cháu biết thằng con ông hội đồng Lâm Yên không?
- Thưa biết.
- Ờ, nó tên gì vậy?
- Thưa tên Lâm Thủ Thiệp.
- Ông hội đồng xấu người mà ông có thằng con ngộ quá há? Ông nói nó đi Tây học mấy năm nay đã đậu Tú Tài, không biết có thiệt như vậy không?
- Thưa, nó đậu tú tài thiệt.
- Sao cháu biết?
- Hôm tháng trước cháu có đọc nhựt trình cháu có thấy nói việc ấy.
- Ờ, nếu vậy quý lắm. Chà chà! Ông hội đồng nầy có phước quá há? Trông ổng muốn làm sui với bác hay sao mà bữa gặp bác, ổng hỏi thăm tuổi con nọ. Rể như thằng đó bác đành bụng lắm a.
- Cháu nghe nói Lâm Yên bị thua quá nên trong nhà nghèo rồi.
- Hứ! Người ta giàu có, nát vỏ cũng còn bờ tre chớ, lẽ nào mà tới hại.
- Mấy người bài bạc chẳng chắc chắn gì đâu. Họ nóng mũi trong một sòng thì cũng đủ hết nhà.
- Phải, cháu sợ như vậy cũng phải. Mình làm sui với mấy người bài bạc ví như họ thua thì thế nhà họ cũng chẳng cần gì đến mình, sợ là sợ thằng rể nó giống tánh cha nó rồi nó đánh bài bạc nữa mới khổ cho mình đa.
Tú Phan nói dứt lời rồi đứng ngó Duy Linh rồi gục gặc đầu (8). Phi Phụng trong buồng bước ra thưa ba:
- Cơm dọn rồi vậy mời ba vô ăn đặng cho anh ký ảnh ăn với. Tú Phan dắt Duy Linh vô nhà sau ăn cơm. Duy Linh bước vô tới cửa buồng; liền chắp tay xá Thị Xuân với mấy người khách đàn bà. Thị Xuân gật đầu rồi hỏi Duy Linh:
- Cháu lại hồi nào?
- Dạ cháu tới hồi sớm.
- Vậy mà có hay đâu!
- Dạ, nãy giờ cháu ở ngoài với bác trai.
- Cháu còn ở căn phố chỗ bác ghé hồi đó, hay là đã dọn đi ở chỗ khác?
- Thưa, cháu còn ở đó.
Một người khách đàn bà mới hỏi Thị Xuân:
- Thầy nầy là ai mà kêu bằng cháu?
Thị Xuân cười đáp:
- Khổ dữ hôn! Mấy chị quên rồi hay sao? Nó là con chú Hương Chánh Hiển, anh em đồng hương với nhà tôi, hồi trước làm ruộng với nhau ở dưới Cái Cùng Ðó.
- Vậy hay sao? Trời ơi! Hồi đó còn nhỏ, bây giờ nó lớn lên coi lạ hẳn. Từ khi hai vợ chồng ông Hương mất rồi nó có về dưới nữa đâu mà biết. Bây giờ cháu làm việc gì ở đâu vậy cháu?
Duy Linh nghe hỏi liền đáp rằng:
- Thưa, cháu làm ký lục ngoài Sở Thương Chánh
- Cháu ăn lương bao nhiêu một tháng?
- Thưa, 30 đồng.
- Cháu có kiếm chác tiền ngoài được hay không?
Duy Linh nghe hỏi tới câu đó thì mắc cỡ nên cúi mặt xuống đất rồi nói nho nhỏ:
- Thưa, không.
Tú Phan mới mời mấy bà ngồi chung đặng nói chuyện chung cho vui. Tú Phan với Duy Linh ngồi trên đầu bàn, còn mấy bà với Phi Phụng ngồi dài hai bên. Ăn cơm rồi Tú Phan dắt Duy Linh lên lầu coi cách dọn dẹp.
Trên lầu còn rực rở hơn từng dưới nữa. Kiểng để dài theo lan can ngoài trước. Chiều đứng chơi mát mẽ vô cùng. Trên cửa giữa có treo một khuôn biển lớn, để hai chữ "Huỳnh Phủ ", đi ngoài đường ai cũng thấy, giữa nhà treo 20 ngọn đèn, bình sầu, bong bóng, tòng tuội (9) toàn bằng pha lê. Hai bên vách lót hai bộ ván gõ dầy hơn một gang, giữa để một bàn cẩn mặt tròn, cốt tiện lớn hai tay ôm không giáp. Phía trong hai bên lập hai bàn thờ, ghề chạm, lý to, tranh sơn thủy màu tươi, hình bá huê đa dạng. Phía sau dóng hai buồng, mỗi buồng đều có hai cửa sổ, lại để giường đồng, mùng lưới, tủ đá ty, nệm ruột gà (10). Duy Linh xem vật nào cũng trầm trồ, đi đến đâu cũng khen ngợi. Tú Phan nghe Duy Linh khen thì khoái chí, nên dắt đi coi cùng hết, đi từ ngoài cửa tới trong buồng. Coi hết rồi Tú Phan ra ngồi ngoài ghế giữa vuốt râu hỏi Duy Linh:
- Bác cất nhà như vậy, cháu có nghe ai chê không?
- Trong xứ nầy có cái nhà nào bằng nhà bác đâu mà họ dám chê.
- Bác cất nhà rồi, tính lại tốn gần bốn muôn đồng, còn tiền mua cuộc đất bác không kể đa.
- Nhà bác cất đồ sộ thiệt, mà điều tốn tiền nhiều quá.
- Ôi! Bác không có con trai, để dành tiền làm gì. Ruộng bác đã nhiều rồi mua làm gì nữa. Tuy cất nhà tốn hao nhiều, mà hễ ruộng bác trúng đều, bác thâu huê lợi chừng một mùa thì đủ, có hại chi mà sợ. Hồi bác tính cất nhà, bác gái cháu theo cằn nhằn hoài. May mà bác làm bướng nên bây giờ mới có cái nhà xứng đáng, chớ phải bác nghe lời bác gái cháu thì bây giờ làm Huyện hàm mà ở cái nhà cũ ở dưới Cái Cùng, khó coi quá.
- Bác thiệt có phước lắm, nên bây giờ mới được như vầy.
- Ờ, đó cũng là cái mạng, đa cháu. Hồi bác 28 tuổi, con vợ trước của bác sanh dị tâm, bác buồn rầu bỏ nó đi xuống đây, trong lưng bác có bảy tám chục đồng, chớ nhiều nhõi gì đâu. Mà bác xuống đây cũng nhờ ông già cháu, chớ bác sanh trưởng ở Chợ Lớn, bác có quen lớn với ai ở dưới nầy đâu. Hai vợ chồng chú làm ăn ở Chợ Lớn không mấy khá nên mới dắt nhau xuống trước dưới nầy mướn ruộng làm. Cách ít tháng chú về Chợ Lớn thăm bà con, chú thấy gia đạo của bác lộn xộn chú rủ bác đi với chú. Bác xuống ở đậu với chú rồi mướn ruộng làm. Cách vài năm bác có dư ít trăm, rồi cưới bác gái cháu bây giờ đó, lần lần lớp bác mua ruộng thuộc, lớp bác khẩn đất hoang, vợ chồng bác cố chí gắng công nên mới làm giàu được.
- Bác nói tại số mạng, thiệt phải. Cũng một thời đi làm ruộng với nhau, mà bây giờ bác giàu sang còn ông thân cháu buồn rầu đến vong mạng.
- Tại số mạng chớ biết làm sao bây giờ! Hồi đó hai anh em đứng khẩn đất mà khai phá. Ông già cháu khẩn cho tới 400 mẫu, chú khai phá gần xong rủi bị người ta tranh, chú đi kiện mấy năm mất tiền mà đất cũng mất luôn, vợ chồng chú sầu não đến nỗi bỏ mình chớ phải mà chú dành được 400 mẫu đất đó thì bây giờ chú cũng giàu lớn. Ðất đó tốt quá, năm nay họ cho mướn đến 4 giạ một công.
Tú Phan với Duy Linh đương nói chuyện bỗng nghe từng dưới có tiếng người lao xao rồi Phi Phụng lại lên nói: "Thưa ba, có thầy Cai với hương chức dưới Cái Cùng lên, nên má biểu lên mời ba xuống nói chuyện với khách". Tú Phan nghe nói lật đật mang giày xuống thang. Phi Phụng với Duy Linh cũng đi xuống theo một lượt.
Tú Phan xuống lầu vừa ra tới cửa buồng, ngó thấy thầy Cai tổng Trường với hơn mười ông hương chức ở miệt Cái Cùng thì mừng rỡ chào hỏi lăng xăng. Tú Phan vời Cai tổng Trường ngồi tại ghế giữa, còn mời hương chức ngồi mấy bàn hai bên. Duy Linh xuống sau cũng bước ra chào hỏi, rồi kêu gia đinh biểu đem trầu thuốc và nước ra đãi khách. Thầy Cai uống nước rồi mới ngó hương chức và gục gật đầu, hương chức hội ý, rồi sắp trà rượu để lên trên bàn, lại có một tấm hoành tròng tố đỏ, chữ thêu vàng, một đôi liễn cùng chữ thêu với hai nồi pháo. Thầy cai liếc thấy hương chức dọn rồi, thầy mới đứng dậy chắp tay nói với Tú Phan: "Thưa ông, tôi với hương chức hay tin ông cất nhà mới đã hoàn thành rồi mà ông lại được vinh thăng hàm Tri Huyện anh em tôi mừng quá. Hôm nay, ông làm lễ tân quan, anh em tôi ở dưới ruộng chẳng có vật chi quý, đáng đem làm lễ vật cung hạ ông, vậy tạm đỡ ít chục chai rượu, một tấm hoành, một đôi liễn và ít nồi pháo đến làm lễ mừng ông với bà huyện phú quý vinh hoa trùng trùng phúc lộc.
Tú Phan cũng chắp tay đáp: " Thầy với hương chức có lòng tưởng đến tôi, đến uống rượu chơi với tôi cũng đủ rồi, cần gì phải đem lễ vật". Có một ông hương chức râu dài bạc hoa râm thưa: " Bẩm quan huyện, theo phong tục của mình thì phải có vậy mới đủ lễ". Tú Phan cười rồi biểu gia đinh đem tấm hoành và đôi liễn đem treo lên trên vách, còn pháo với rượu đem vô trong buồng.
Tú Phan dắt hương chức với thầy Cai đi coi nhà mới. Lên trên lầu thầy Cai Trường thấy hai bên dọn hai bàn thờ còn chánh giữa để trống thầy mới nói rằng: " Nếu ông mua thêm một cái tủ áo ông để chỗ nầy chắc đẹp lắm".
Tú Phan đáp rằng: "Tôi muốn biểu đem cái tủ sắt lên để đó, ngặt bà nó cản hoài, nên tôi phải bỏ trống. Tôi tính thôi để rồi đám nầy, rồi tôi sẽ mướn thợ đóng một cái trang thờ ông Quan Đế (11). Có một ông hương chức thưa rằng: "Bẩm ông, ông tính như vậy thì phải lắm. Chánh giữa thờ ông Quan Ðế, hai bên thờ ông bà trúng cách biết chừng nào". Duy Linh đứng trong nghe mấy lời tức cười nôn ruột, song sợ thất lễ nên lấy tay bụm miệng không dám cười. Một ông hương chức khác lại nói: "Đóng trang cũng được, bằng không để trống như vầy coi cũng đẹp". Duy Linh lại càng tức cười hơn nữa, song cũng không dám cười. Dắt đi coi cùng trong ngoài rồi, Tú Phan mới xuống dạy gia đinh đem rượu cỏ-nhác (12) rót mời thầy Cai với hương chức uống.
Đồng hồ gõ 3 giờ Tú Phan thấy thầy cai đang nói chuyện với Duy Linh, mới cáo lỗi đặng thay áo bịt khăn, bởi vì đã gần chiều rồi nên phải sửa soạn tiếp khách. Cách một hồi Tú Phan trở ra, mình mặc một cái áo tố xanh, bông thêu bằng chỉ bạc, lót lãnh màu hường, trong lại mặc áo trắng dài, bâu ủi cứng mà lại cài chặt, nên cổ day qua day lại coi không được thong thả, quần nhiễu bắc thảo mới may chưa mặc lần nào, mà bởi tại không ủi nên có mấy lằn ngang coi không được thẳng thắn. Giầy bót chinh vàng cũng còn mới chưa mang lần nào, nên đi trên gạch bông muốn trợt lại kêu tiếng trèo trẹo. Khăn đen bịt thật khéo, song vì lớp nhiều quá nên chần vần một đống trên đầu coi không được thanh bai lắm.
Tú Phan lại ngồi ngang với thầy Cai rồi lấy một điếu thuốc cắm vào ống điếu hút. Hương chức thấy ăn mặc đàng hoàng thì trong ý kính phục lắm nên cứ ngó Tú Phan hoài. Trong nhà chủ khách nói chuyện, còn ngoài sân khách Triều Châu dọn 5 cái bàn tròn lớn mỗi cái đều phủ vải đỏ, rồi sắp ghế mây vòng xung quanh. Lối 4 giờ rưỡi nghe có tiếng xe hơi ngừng ngay cửa ngõ, Tú Phan dòm ra thấy thầy hội đồng Lâm Yên đang mở cửa xe leo xuống với con trai thầy là Lâm Thủ Hiệp, rồi đứng nói chuyện với thằng coi máy xe hơi. Thầy Cai Trường không biết là ai, mới hỏi Tú Phan rằng:
- Ai đó, coi bộ khi cũng ở xa như tôi hay sao nên mới tới sớm dữ vậy?

- Anh Hội Ðồng Yên ở dưới Trà Kha.

Duy Linh nghe nói tên Hội Ðồng Yên lật đật bước ra cửa mà dòm. Hội Ðồng Yên bịt khăn Ðen, áo sa-ten (13) lót màu trứng diệt, mặc quần Châu xá trắng, đi giày bót chinh đen, đi trước còn Thủ Hiệp mặc bộ đồ Tây nỉ xám, mỏng, trong áo lá cũng nỉ xám, ngực lòi áo lót mồ hôi trắng có thêu bông nho nhỏ, bâu áo cứng mà lại láng ngời, cổ thắt nơ đen. Ðầu đội nón rơm, chân mang giày su-đê (14) lòi vớ lụa màu tím thủng thẳng đi theo sau.

Hai cha con ông hội Ðồng Yên vừa bước tới thang trước cửa thì Tú Phan chạy ra tiếp rước vô nhà, rồi mời chung một bàn với thầy Cai, Thủ Hiệp vừa muốn ngồi thì hội đồng Yên lay láy chỉ một bàn trống bên kia, ý muốn biểu con qua bên đó mà ngồi, Tú Phan thấy vậy mới nói rằng:

- Ðể ông tú ổng ngồi bên nầy với mình mà. Ngồi, ngồi đó ông tú.

Lâm Yên đáp rằng:

- Nó là con cháu đâu dám đến thế.

- Không hại gì mà. Tuy còn nhỏ tuổi, song cũng là một ông tú tài chớ, ngồi đó ông tú, ngồi mà.

- Không nên đâu, con qua bàn bên kia ngồi chơi con. Thu Hiệp nghe lời cha biểu như vậy liền đi qua bàn bên tay mặt. Tú Phan bất đắc dĩ phải kêu Duy Linh cậy ngồi nói chuyện chơi với Thủ Hiệp cho vui.

Thằng coi máy xe hơi của Lâm Yên lần lần bưng đồ vô. Ai cũng ngó coi lễ vật khinh trọng thế nào, thì thấy có 4 tấm tranh thêu, tròng bằng tơ vàng với một bộ ly rượu cỗ với bầu bằng bạc, còn ly thì ở trong xi vàng coi thiệt là đẹp. Lâm Yên trình lễ vật rồi ngồi uống nước với ông Cai tổng Trường và chủ nhà.

Bên nầy Duy Linh ngồi cầm khách với Thủ Hiệp, nên phải kiếm chuyện mà nói; với mở ra hỏi đi học bên Tây đã về hồi nào, còn tính trở qua học nữa hay thôi. Duy Linh hỏi câu nào thì Thủ Hiệp trả lời theo câu ấy; nhưng Duy Linh xem ý Thủ Hiệp không vui nói chuyện, cứ ngó ngoài sân, chớ không thèm ngó mình, thì anh ta không dám hỏi nữa nên ngồi lặng thinh mà xem áo tốt của Thủ Hiệp mà thôi.

Lần lần khách tựu tới thêm, kẻ đem rượu, người đem hoành (15), kẻ đem pháo, người đem liễn đến mà cung hạ. Gần 6 giờ quan Phủ Trần Bá Thiên mới đến với thầy Cai tổng sở tại, ba bốn nhị viên hội đồng địa hạt, và mấy thầy thông ngôn ký lục. Quan Phủ lại có dắt con trai của ngài là Trần Bá Kính theo nữa. Tú Phan và mấy người khách tới trước vừa thấy quan Phủ xuống xe lật đật đứng dậy ra cửa đón rước. Quan Phủ mặc áo tơ thêu bông bạc, đeo mề đay một dề phủ giáp ngực, tay cầm ba ton (16) miệng ngậm xì gà coi oai nghi lẫm liệt. Còn Bá Kính đầu bịt khăn đen, mình mặc áo sa-ten lót, chân đi giày vàng mới, vừa đi vô vừa cười coi bộ hớn hở lắm. Quan Phủ bước vô ai nấy đều chắp tay xá dài sát rạt. Ngài đi ngay lại bàn giữa mà ngồi cái ghế lớn để ở trong, mặt ghế có lót nệm bông còn sau lưng cũng có để gối thêu mà dựa. Ngài dòm thấy thầy Cai dạt ra ngồi mấy bàn hai bên để có một mình ngài ngồi bàn giữa, còn mấy thầy hội đồng với mấy thầy thông ký tản lạc, kẻ ngồi người đứng, kẻ ở trong nhà, người ra ngoài sân, ngài mới kêu thầy cai và ông Phán được qua bàn giữa mà ngồi với ngài. Tú Phan với Duy Linh chộn rộn, đi mời khách ngồi, rồi hối gia đinh đem rượu khai vị ra mà đãi.

Quan phủ đương ngồi uống rượu, bỗng thấy mặt xã trưởng Cái Cùng ngài kêu mà nói:

- Xã, sao mầy không lo thâu thuế mà đóng cho kho cho tất số, lại để bê trễ dữ vậy? Quan Chánh Lớn biểu tao viết trác quở làng, mầy được trác hay chưa?

Xã Chọn nghe quan Phủ kêu lật đật chạy lại chắp tay xá, chừng nghe quan Phủ nói tới chuyện quan Chánh quở làng thì mặt biến sắc và nói:

- Bẩm quan lớn, xin quan lớn thương dùm làng chúng tôi.

- Thương nỗi gì? Tháng nầy mà sắc thuế còn thiếu cho tới 2 ngàn đồng!

- Bẩm quan lớn, làng tôi còn thiếu thuế nhiều là vì mấy ông điền chủ ở xa họ không chịu đem bạc đến mà đóng! Làng chúng tôi có phúc bẩm ba bốn lần xin quan lớn Chánh thâu dùm mà họ cũng trơ trơ, chớ phải chúng tôi dám bê trễ đâu.

- Tưởng là còn thiếu có một sắc thuế đó mà hay sao? Thuế đinh, thuế thoàn (17), cắc nào cũng còn thiếu hết thảy chớ.

- Bẩm quan lớn, làng tôi có thiếu thuế đinh là tại có mấy chục dân đào (trốn) nên thâu không được.

- Thì thâu trước đi, ai biểu để trễ làm chi cho chúng nó đào?

- Bẩm quan lớn.......

- Thôi, thôi đừng bẩm chi nữa.

Xã Chọn xá quan Phủ rồi đi lại bàn ngồi coi bộ xẻn lẻn và buồn bực lắm. Quan Phủ không thèm ngó Xã Chọn cứ bưng ly rượu mà uống, rồi day qua nói với thầy Cai sở tại:

- Hôm thứ năm quan Chánh đi với tôi xuống Hưng Hội ngài thấy đường xá sạch sẽ ngài khen làng ta. Nầy, sao mà thầy không coi mà biểu làng trồng bông trước nhà hội, để bỏ đất trống cho cỏ mọc coi xấu quá vậy?

Thầy Cai thưa rằng:

- Bẩm quan lớn, hôm trước tôi có biểu làng một lần rồi mà họ lôi thôi nên chưa chịu làm. Bẩm, để mai tôi xuống tôi biểu nữa.

- Ừ! Biểu họ làm đi. Nếu họ còn lôi thôi, thầy phúc bẩm cho tôi đặng tôi nói với quan Chánh phạt cho họ biết chừng.

Quan Phủ vừa nói dứt lời bá hộ Siêu bước vô nhà. Tú Phan bước lại chào hỏi. Bá hộ Siêu chắp tay xá quan Phủ, quan Phủ lật đật đứng dậy bắt tay. Bá hộ Siêu bở ngỡ sợ nắm tay quan Phủ thất lễ; mà ngài đã đưa tay nếu mình không chịu nắm tay thì càng lỗi hơn nữa, nên đưa hết hai tay ra nắm tay quan Phủ còn đầu thì lại gục gặc ba bốn cái. Quan Phủ ngó ra phía sau biểu:

- Bầy trẻ trong nhà có đứa nào đó, bây nhắc thêm lại đây một cái ghế cho ông bá hộ Siêu ngồi chút coi bây.

Sấp trai dọn dạ rân và nhắc ghế đem lại. Bá Hộ Siêu bước lui ít bước rồi thưa:

- Bẩm quan lớn, để tôi ngồi bàn bên nầy cũng được.

Quan Phủ nói lớn:

- Không ông ngồi bên nầy nói chuyện chơi mà... Thầy cai, thầy ngồi nới ra một chút đặng trẻ để ghế vô cho ông bá hộ ngồi với.

Bá hộ Siêu ngồi rồi trai dọn bưng lại một ly rượu để ngay trước mặt. Tú Phan bước lại mời bá hộ uống rượu. Quan phủ nói tiếp:

- Uống đi ông bá hộ, uống đi. Nghe nói mấy năm nay ông trúng (18) lắm phải không?

- Dạ bẩm kha khá chớ không trúng lắm.

- Hứ! Ai chia với ông mà ông sợ nói dấu.

- Bẩm, tôi đâu dám nói dấu quan lớn.

- Theo như mùa nầy ông góp được chừng bao nhiêu?

- Dạ, chừng 80 ngàn thùng.

- Dữ hông! Hôm trước tôi nói chuyện với quan Chánh, ngài hỏi trong tỉnh nầy ai giàu, tôi có chỉ ông. Bữa nào ông có dịp đến tòa Bố lại bàn tôi, tôi dắt trình diện với quan Chánh nghe.

- Dạ.

- Mấy tháng nay tôi không có đi dưới miệt Trà Nho. Ðể bữa nào rảnh tôi đi xuống dưới rồi ghé nhà ông chơi.

- Dạ.

Trời tối lần lần, đèn từ trong nhà ra tới ngoài sân đều đốt đỏ. Lại thêm trăng rằm mới mọc rọi vào cửa sáng trưng. Mấy thầy ngồi ngoài sân uống rượu cười giỡn vang rần còn phía ngoài hàng rào người ta tụ lại đứng coi chen nhau chật nức. Ðã vậy còn thêm xe hơi, xe ngựa, xe kéo đậu bít hết đường, còn sau bếp sấp khách Triều Châu nấu cổ sửa soạn dọn ăn chạy tới lui lộn xộn.

Ðúng 7 giờ rượu khai vị uống xong rồi, chủ nhà dạy dọn cỗ và mời khách nhập tiệc. Hai thầy Cai, mấy thầy Hội Ðồng, ông Phán Lược, bá hộ Siêu với chủ nhà đều ngồi chung tại bàn giữa với quan Phủ, còn bao nhiêu khách ngồi bàn nào tùy khách, gởi vậy kẻ ở trong nhà, người ngồi ngoài sân không biết sao mà sắp được.

Duy Linh mắc chạy đi mời khách lăng xăng, chừng khách ngồi xong rồi, anh ta mới đi kiếm một chỗ trống mà ngồi. Ra ngoài sân thấy có một cái bàn có mười thầy nhỏ nhỏ ngồi còn trống tới 2 chỗ, anh ta mới lại đó ngồi ngó vòng thấy Lâm Thủ Hiệp ngồi nghiễm nhiên ít hay nói chuyện còn Bá Kính nói cười không dứt, nói thì chau mày vác mặc, cười há miệng vỗ bàn, khi kêu với người ngồi xa mà hỏi, khi thúc vai người không ngồi gần mà rầy, Duy Linh cứ ngồi coi chơi không nói chi hết.

Mãn tiệc rồi, đến lúc trai dọn rót rượu sam-banh (19) ai nấy đều lẳng lặng trông coi quan Phủ ngài chúc mừng cho ông Huyện Hàm như thế nào. Cách một hồi lâu, quan Phủ đứng dậy tay bưng ly rượu mắt ngó ông chủ nhà nói:

- Quan Huyện, ông đã cất được ngôi nhà tốt, mà quan trên còn ban thưởng cho ông chức Huyện Hàm. Tôi và mấy thầy thiệt mừng vui cho ông lắm. Vậy nên tôi thay mặt cho mấy thầy dự tiệc nầy vừa mừng ông, vừa chúc ông Khương Ninh Phú Quý.

Quan Phủ ngừng một chút, mặt mày coi tái xanh tay bưng ly rượu rung rung, đằng hắng một tiếng rồi nói tiếp:

- Tôi xin uống cạn ly rượu nầy để chúc mừng ông.

Quan Phủ nói dứt lời liền bưng rượu uống cạn. Hai thầy cai vỗ tay rồi mấy bàn khác cũng vỗ tay đôm đốp.

Lúc quan Phủ tỏ lời chúc mừng thì Duy Linh với mấy thầy ngồi ãn bàn ngoài sân chạy vào đứng dựa theo mấy cửa nghe. Chừng vỗ tay rồi Duy Linh ngó chủ nhà trân trân, tưởng chủ nhà sẽ nói ít lời tạ ơn quan khách. Nào dè Tú Phan không nói chi hết, bưng ly sâm-banh uống hết phân nửa, rồi day lại ngó dáo dác, thấy Duy Linh bèn kêu mà biễu rằng: "Ký, cháu biểu bầy trẻ đi đốt pháo đi cháu".

Duy Linh lật đật bước ra sân hô lên một tiếng rồi hơn 10 dây pháo treo ngoài hàng rào nổ vang tai, lửa nháng đất sáng lòa, khói xông trời mù mịt. Chủ nhà và quan khách thảy đều ra sân đứng hứng mát và xem pháo. Thủ Hiệp chắp tay đi qua đi lại một lát ngoái đầu dòm vào nhà một cái, còn Bá Kính dắt một thầy nhỏ nhỏ đi dọc theo chái nhà, ra phía sau rồi đứng ngoài cửa sổ nhón chân ngó vào.

Quan khách tụ tập chỗ 5 người, chỗ 3 người mà nói chuyện, không ai thấy cử chỉ của Thủ Hiệp với Bá Kính, chỉ một mình Duy Linh liếc thấy, miệng chúm chím mà lòng lạnh ngắt như đồng. Duy Linh bỏ đi ra xa rồi đứng ngó vào nhà, bỗng thấy trên lầu có hai người đứng núp mấy chậu kiểng mà xem pháo.

Bóng trăng tỏ rạng lại thêm đèn trước sân sáng lòa. Duy Linh thấy một người mặc áo đen, một người mặc áo màu bông phấn, biết chắc người mặc áo màu bông phấn ấy là Phi Phụng càng tức cười thầm, cười mình không tầm hoa mà lại gặp hoa còn họ mong ngó nguyệt mà không thấy nguyệt.

Mười mấy dây pháo nổ dứt rồi, quan phủ mới từ chủ nhà về. Quan khách cũng lần lần lui hết, chỉ còn mình Duy Linh ở lại chơi gần 11 giờ mới về.

-------------------------------------

1 tháng giêng

2 đốt: ống điếu, mã não: loại đá ngọc quý (ambre). Ống hút thuốc điếu bằng mã não

3 loại cây kiểng có lá độ bằng đầu ngón tay, trái ngọt, thích ứng để cắt tỉa

4 cần thăng, càn thăng, cần lăng, cằn thăn: loại kiểng tương tợ như cây bùm sụm nhưng có gai, cần thăng và bùm sụm là hai loại kiểng thích ứng cho cắt tỉa

5 loại cây thuốc họ nhơn sâm, thường trồng làm kiểng.

6 thành phố của Ấn Ðộ, nổi tiếng về lụa tốt

7 một nhóm người

8 gật đầu nhiều lần tỏ ý ưng thuận

9 dãy chuỗi, girlande, guirlande

10 nệm nhún có lò so.

11 Quan công hay Quan Vân Trường trong nhóm đào viên kết nghĩa Lưu Quan Trường thời lập Hán

12 (Cognac), rượu mạnh.

13 Satin

14 (soulier), giày hay dép

15 bức hoành, tranh

16 gậy

17 thuyền

18 trúng mùa, được mùa

19 ruợu bọt nổi tiếng của Pháp ở vùng Champagne

CHƯƠNG 2 -

Ðường từ nhà huyện hàm Tú Phan vào chợ Bạc Liêu dài chừng 1000 thước. Hai bên lề trồng cây hàng thẳng băng, nhành giao du, gốc trồi trọc, trên lá ngữa ngang trời, dưới cỏ mọc che kín đất. Trong lòng đường đổ đá trải kín cát, rồi cán đằng trang (20).

Ðêm đã khuya nên trên đường không còn ai đi nữa, trăng thiệt tỏ mà mấy nhà ở dọc theo đường lại kín cửa ngủ hết. Duy Linh ra khỏi cửa ngõ nhà ông Huyện Hàm rồi, thủng thẳn khoan bước về nhà. Ði vài chục bước ngó ngoái lại một lần, thấy vách tường trắng toát, nóc lầu hồng hồng, trước cửa lầu ngọn đèn sáng trưng. Sau nhà bếp dạng người còn náo nức. Bóng trăng vì nhành áng nên chỗ mờ chỗ tỏ, cây cỏ bị gió đằng lên ngọn lắc qua lắc lại. Giọng ngâm nga nghe tiếng dế khóc, bên chân bay sập sận (21) thấy cánh chim quơ trước mặt. Ðêm thanh, cảnh tĩnh dầu người dũng phu tục tử cũng phải suy nghĩ bâng khuâng huống chi Duy Linh là người học hỏi tuy tầm thường, tuổi tác tuy xung ấu (22) song chút đỉnh đã nếm mùi trần cay đắng ít nhiều, đã thấy thế đạo gay go, nay gặp cảnh thanh tịnh như vầy, không thể nào không cảm xúc được. Anh ta đi được một khúc xa rồi lấy nón cặp nách và móc thuốc ra đốt hút, tay chắp sau lưng, mắt ngó xuống đất bộ coi suy nghĩ lắm. Suy việc chi? Nghĩ việc gì? Dầu không nói ra người ta cũng biết rồi.

Ông thân của Duy Linh là Hương Chánh Hiển vốn là người đồng hương và là bạn thân thiết của ông Huyện Tú Phan. Ông Tú Phan gặp cảnh gia đình biến loạn, thất chí ngã lòng rồi đi theo ông Chánh Hiển xuống dưới Cái Cùng, anh em nương đở nhau làm ăn, nhà ở gần nhau. Hương Chánh Hiển sanh Duy Linh được vài ba năm kế Tú Phan sanh Phi Phụng. Lúc Duy Linh với Phi Phụng còn thơ ấu thì chơi với nhau, ra bờ kinh coi ghe chạy bườm; khi dắt nhau vô vườn chuối xé lá che trại. Ði chơi rủi gặp mương sâu rãnh lớn Duy Linh vo quần xắn áo cõng Phi Phụng cho khỏi lấm chân, mà gặp ổi chín me ngon Duy Linh cũng để dành cho Phi Phụng nếm thử. Ðến chừng hai trẻ được chín mười tuổi Tú Phan với Hương Chánh Hiển cũng đem gởi hết ở chung tại nhà thầy giáo Kỉnh trên Bạc Liêu đặng cho đứa học trường con gái, đứa học trường con trai. Năm Duy Linh đúng 15 tuổi thi đậu vào trường lớn nên hai đứa mới cách nhau, trai thẳng bước lên Mỹ Tho, gái lui chân về quê quán. Trót hơn mười năm bầu bạn há chẳng yêu, chẳng mến, chẳng tưởng nhau sao? Ðã biết cách vài năm sau Duy Linh gặp việc nhà bối rối, mẹ cha cỡi hạc, sự nghiệp điêu tàn, phải bỏ học trở về lo tính, còn Phi Phụng phải lên Sài Gòn vào nữ học đường, nên hai trẻ ít gặp nhau, nhưng tình dan díu vẫn còn đầm ấm như xưa. Tuy nay lớn lên đứng ngồi ăn nói đều phải kiêng dè, song trong sự kiêng dè ấy cũng không phai được vẻ dan díu thuở xưa.

Duy Linh thường trọng Phi Phụng như đóa hao thơm vừa mới nở, sợ mưa sa nắng táp đổ nhụy xuống màu, thường kính Phi Phụng như cục ngọc quý đã được trao dồi, sợ bụi đóng bùn pha mặt lì nước đục. Hôm nay, Duy Linh gặp được Phi Phụng lòng mừng chưa thỏa, kế nghe Tú Phan kể những chuyện nhiều nơi gấm ghé muốn kết tóc se tơ, làm Duy Linh chưng hửng sượng mặt lạnh lùng, bởi vậy khi về một mình có thể nào suy nghĩ việc chi khác hơn là việc ấy được.

Trăng thanh gió mát mà Duy Linh nhớ tới Phi Phụng có chồng mồ hôi rịnh hai bên màng tang ướt dầm, lật đật thúc bước về nhà, không dám nghểu nghển một mình ngoài đường vắng. Anh ta lầm lũi đi vô tới Châu Thành, tiếng giày khua dưới đá nghe lốp bốp, chó ngủ trước cửa nhà ở dựa đường giựt mình ra đứng sủa om sòm. Anh ta cứ ngó xuống đất mà đi, không thèm kể đến. Lúc đi ngang qua truờng học gặp một người đàn bà chân đi giày thêu, mình mặc áo lụa trắng, đầu choàng khăn trắng, thấy Duy Linh mắt chăm chỉ ngó, miệng chúm chím cười mà đi. Duy Linh không lưu tâm, cứ ngay đường đi riết.

Qua khỏi cầu, tới một dãy phố bên tay mặt Duy Linh ghé vô căn đầu thấy trong nhà đèn còn chong trên bàn giữa. Duy Linh mới gõ cửa kêu rằng: "Cử a! Cử, dậy mở cửa". Nghe trong nhà có tiếng "Dạ", rồi kế cửa mở có một đứa trai chừng 15, 16 tuổi tay nắm cánh cửa, mắt leo nheo, đứng nép một bên cho Duy Linh vào mà miệng thưa: "Thầy mới về", tiếng nghe nhựa (23) lắm. Duy Linh không trả lời, đi thẳng lại kệ mà móc nón rồi thay áo cởi giày.

Thằng Cử đứng sớ rớ một bên đó đặng coi thầy nó sai khiến việc chi chăng. Duy Linh thay đồ rồi đi thẳng ra nhà sau rửa mặt; lại nói với thằng Cử: "Thôi mầy đóng cửa rồi đi ngủ đi". Thằng Cử vâng lời ra đóng cửa, chừng trở vô nó gặp Duy Linh rồi thưa: "Thưa thầy, tôi có nấu nước trà nóng để trên kệ đó. Thầy có khát uống vài chén rồi sẽ nghỉ". Duy Linh đáp rằng: "Ừ, để đó mặc tao. Mầy đi ngủ đi, đặng sáng dậy sớm đi chợ".

Thằng Cử đi ngủ, còn Duy Linh lau mặt trở ra ngoài trước xách bình nước trà để trên kệ rót một tách. Trà nóng uống không được, bởi vậy Duy Linh bưng tách mà đợi cho nguội mắt ngó cùng nhà, thấy bàn gỗ, mặt hột xoài để phía trước bàn tuy nhỏ mà lau chùi sạch trơn không có chút bợn, thấy bốn cái ghế mây để xung quanh, ghế tuy cũ mà mặt còn bằng, chân còn chắc, thấy bộ ván gõ mỏng để dựa vách quét cũng sạch, lại thêm có để một cái gối để cho mình nằm, thấy bàn thờ phía trong, bàn cao mà lư lại nhỏ nên coi không tương xứng. Duy Linh để tách nước xuống, đi lại rút một cây nhang kê vào đèn đốt rồi cắm trên bàn thờ. Anh trở lại bưng tách nước đem để trên bàn hột xoài rồi kéo ghế ngồi chống tay ngó hai bên vách cây, ngó bên nầy thấy giấy nhựt trình dán theo vách đã cũ rồi nên đổi màu vàng khè, day bên kia nghe tiếng ngáy khò khò, ấy là người lân cận đương ngon giấc điệp. Tách nước nguội, Duy Linh uống xong mới vặn đèn cho thấp ngọn rồi đi lại bộ ván nằm. Anh ta nằm ngửa, mắt nhắm lim dim, tay gác ngang trán và nghĩ thầm: "Con Phi Phụng nãm nay đã 17 tuổi rồi chừng ấy có chồng thì vừa, chớ còn đợi đến chừng nào nữa? Con gái như cái hoa, lúc đương nở người ta yêu chớ lúc tàn người ta ai thèm chuộng? Lâm Thủ Hiệp học giỏi, đẹp trai đứng ngồi tề chỉnh, văn nói nho nhã. Phi Phụng mà được một người như thế làm chồng coi mới xứng đáng. Mà ông Tú Tài nầy coi tánh nết chắc kiêu ngạo, đã vậy ông hội Ðồng Yên bài bạc quá lớn, sợ chẳng khỏi hết nhà. Phi Phụng thuở nay ăn ở sung sướng, hay nói hay cười nếu nhà chồng nghèo và ông chồng nghiêm khắc chắc Phi Phụng không vui được. Còn Trần Bá Kỉnh là con quan, ở trong nhà tôi tớ bẩm thưa, ra ngoài tổng làng kiêng nể. Phi Phụng được một người chồng như thế, nghĩ cũng nên mừng. Cha chả! Mà quan phủ ngài khắc bạc quá, ý muốn làm giàu cho lớn mà không cực trí nhọc công, còn cậu con học hỏi dở dang, bộ tích lất khất, ngày sau quan phủ hết thời, rồi cha con ắt bị chúng khi, con chẳng khỏi người ghét. Không được, Phi Phụng không nên vào nhà ấy. Còn bá hộ Siêu, Ối! Cái thằng cha đó kể làm gì? Giàu lớn thiệt, coi bộ cà khù quá; còn thằng con là Ba Quận ăn mặc như du côn, giàu thì giàu chớ, ai chịu chồng như vậy? Phi Phụng nghèo lắm hay sao mà ham tiền ưng nó?

Duy Linh nghĩ tới đó tức giận nằm không được, nên lồm cồm ngồi dậy vấn thuốc đốt hút. Gà lối xóm tiếp nhau gáy nghe vang tai, cách xa lại nghe có tiếng chó sủa văng vẳng. Anh ta ngồi hút thuốc mà nói thầm: "Không được, ba chỗ đó tôi coi không được chỗ nào hết. Ðể bữa nào tôi gặp Phi Phụng tôi biểu đừng thèm ưng thì bác Huyện gả sao được?"

Duy Linh tắt đèn rồi đi vào trong buồn tính ngủ đặng sáng đi làm việc, chẳng dè vô nằm cứ thao thức hoài, hễ nhắm mắt thấy Phi Phụng đứng ngay trước mặt, hễ nhớ tới Thủ Hiệp, Bá Kỉnh và Ba Quận thì nổi giận dường như kẻ thù. Ðêm ấy Duy Linh thao thức đến 4 giờ sáng, mòn mỏi quá mới ngủ được. Mấy bữa sau, nếu anh ta đi làm việc thì thôi, chớ hễ về nhà nhớ việc Phi Phụng sẽ có chồng, mà nhớ rồi thì bức rức, ăn không ngon, ngủ không an. Một đêm nọ canh khuya vắng vẻ, Duy Linh nằm trong buồng nghe tiếng đồng hồ nhỏ để ngoài bàn thờ kêu tích tắc, anh ta nhớ Phi Phụng rồi nước mắt chảy đầm đìa, nghĩ thầm rằng nếu mình được ở chung với Phi Phụng một nhà mà Phi Phụng đừng có chồng, thật chẳng còn gì vui vẽ hơn nữa.

Lại một đêm khác Duy Linh cũng nằm nhớ Phi Phụng rồi nghĩ: "Chớ chi bác Huyện gả Phi Phụng cho mình, chắc vợ chồng ăn ở với nhau hòa thuận lắm. Ngặt mình nghèo nàn côi cút, học ít mà của không có. Bác Huyện đã giàu mà bây giờ lại thêm sang, đời nào bác chịu gả cho mình, Ðể gả cho Tú Tài ngồi nghiêm nhiễm, làm màu thần thánh, gả cho con quan bộ vúc vắc như Bát Hợi (24) tái sanh, gả cho nhà giàu trí hạ để con ăn mặc như đàng điếm.

Tuy nói thì nói vậy, chớ thuở nay vợ chồng bác thương mình như con trong nhà, hồi chưa cất nhà mới về trên nầy vợ chồng ở dưới Cái Cùng bác gái đi chợ lần nào cũng ghé thăm mình, chớ phải là bác phụ mình sao? Mà ngày nay bác được giàu đó cũng nhờ cha mẹ mình dẫn đường giúp bác mới được vậy? Nếu bác gả Phi Phụng cho mình cũng được, chớ có chi nhục đâu. Mà Phi Phụng ưng mình hay không? Có lý nào nó không ưng? Anh em gần nhau hơn 10 năm trường, mình thương yêu nó, nó trìu mến mình, nay nếu bác gả chắc nó mừng lắm. Cha chả! Nếu mình cưới Phi Phụng được, đừng thèm làm việc nữa làm chi, lương một tháng đôi ba chục đồng đáng bao nhiêu, mình xin đi xuống ở dưới Cái Cùng coi ruộng đặng làm giàu thêm cho bác nữa. Mà có đi thì đi một mình, chớ đem Phi Phụng theo muỗi mòng cắn nó cực khổ tội nghiệp, để nó ở nhà cho sung sướng, nửa tháng hoặc là một tháng mình về thăm nó một lần cũng được, vợ chồng là nghĩa trăm năm, ở xa cũng vậy mà ở gần cũng vậy, chớ phải ở gần mới thương nhau sao". Duy Linh nghĩ tới đó mặt mày hớn hở, dường như Tú Phan đã chịu gả Phi Phụng cho anh ta rồi như vậy.

Ngày giờ thắm thoát, mới chúa nhựt đó rồi kế đến chúa nhựt nữa. Sớm mai Duy Linh thức dậy ngồi trên ghế hút thuốc, ngó ra ngoài đường thấy thiên hạ đi chợ dập dìu, nào đàn bà bưng rổ có đứa con nhỏ nắm vạt áo chạy theo, nào con gái gánh lúa, tay trái đánh đòn xa coi dịu hoặc. Mặt trời tỏa sáng, dọi mấy hột sương trên ngọn cỏ lấp loáng đỏ xanh. Gió bấc thổi hơi phất vào mình lành lạnh. Duy Linh nhớ gần tới Tết rồi nên tính phải mua hồng cam quýt, quét dọn bàn thờ đặng cúng quảy ông bà cha mẹ. Mà rồi anh ta lại nghĩ bữa nay mới 22, để chừng 28, 29 đi mua cũng chẳng muộn gì, nhà có một tớ miễn là mua đồ cúng thôi, chớ cần gì mua nhiều nên phải lo trước.

Bảy giờ rưởi thằng Cử đi chợ về. Duy Linh nhớ lại bữa chúa nhựt trước lối giờ nầy mình đương thay áo đổi quần đi cung hạ bác Huyện. Anh ta nhớ tới việc đó lại nhớ tới Phi Phụng. Mà nhớ tới Phi Phụng thì trong lòng thắc mắc khó chịu, nên bỏ ra trước cửa, đứng ngó ngoài đường một hồi rồi lại trở vào nhà đi tới đi lui, ngồi không yên mà nằm cũng không tiện. Cách một hồi anh ta thay áo mang giày, tính đi thăm ông Huyện Hàm Tú Phan đặng lập thế dò lòng Phi Phụng coi trong ba chỗ đương gấm ghé trao tơ, cô đành chỗ nào hay là cô chê luôn cả ba, không ưng chỗ nào hết.

Mặt trời đã lên tới mái nhà, ngoài đường kẻ lại người qua lại càng đông hơn nữa. Duy Linh thủng thẳng mà đi, ai dòm thấy cũng tưởng người vô sự ngao du, chớ không dè Duy Linh mang mối tình riêng nặng trĩu trong lòng. Ở nhà không được nên phải ra đi, mà đi đây một rủi một may, nếu may thì toại chí vui lòng, còn nếu rủi thì ngậm cay nuốt đắng. Duy Linh ra khỏi châu thành thấy nóc nhà lầu của Tú Phan nắng dọi đỏ lòm trong lòng khoan khoái nên xăm xăm đi riết. Bên tay mặt nông phu đang gặt lúa xa xa, kẻ bịt trùm khăn, kẻ đội nón lá, người mặc áo, kẻ ở trần, kẻ khum bưng, người ngóc cổ. Bên tay trái mấy nhà lá đương dọn dẹp ăn Tết, chỗ trồng bông đỏ vàng trước cửa, chỗ phát cỏ sạch sẽ sau hè. Khúc nầy sắp con nít tóc chớp phất phới, đứa ở truồng dông dổng đương xúm nhau chơi dưới gốc cây. Trước kia chị đàn bà tay xách gói, tay bồng em bộ đi xăng xái (25). Cảnh thú dường ấy nếu một người thợ khéo vẽ, hoặc một ông làm thi hay trông thấy thì được cảm xúc rồi chắc sẽ có một bức tranh thủy mặc (26), hoặc một bài thi ngụ ngôn chớ chẳng không. Ngặt Duy Linh không phải là thợ vẽ, cũng không phải là thi nhân, lại bị một niềm riêng châm chích trong lòng, bởi vậy anh ta chỉ thấy có cái nóc lầu của thành phố chớ không thấy cảnh nào nữa hết.

Duy Linh bước vô sân bụng khoan khoái mừng, song rờ ngực hồi hộp nhảy, khi ở nhà trí tính lăng xăng nhiều chuyện, chừng đến đây lòng bối rối không biết đến làm chi. Anh ta bước lên thang rồi vào cửa giửa, thấy nhà trước vắng teo không có ai hết. Anh ta để nón trên bàn, vừa ngó vô cửa buồng thấy Phi Phụng ở trong giở màn ngó ra rồi nói rằng:

- Ô kìa anh Ký!

Duy Linh miệng cười, chân phăng phăng đi lại, Phi Phụng mình mặc áo nhiễu màu hột gà, quần hàng Bom-Bay trắng, chân mang dép trắng có kết bông màu hường, cũng giở màn bước ra vừa cười vừa nói:

- Anh ngồi trên ghế đó anh Ký. Ngồi đó chơi.

Phi Phụng lại day mặt vô buồng kêu gia dịch biểu lên lầu lấy thuốc đem xuống để cho Duy Linh hút. Duy Linh kéo ghế ngồi. Phi Phụng cũng ngồi tại bộ ván dựa cửa sổ gần đó rồi nói:

- Thuốc hút đó anh Ký. Hổm nay sao anh không ra chơi?

- Ngày thường tôi mắc làm việc nên đi chơi đâu có được.

- Ô! Phải a, tôi quên nữa chớ! Mà anh làm việc ban ngày chớ ban đêm làm việc gì? Sao chiều làm việc rồi, anh không đi thẳng ra ngoài nầy ăn cơm ở chơi, chín mười giờ rồi về ngủ?

- Ngày thường đi chơi sao được?

- Trong chợ ra đây mà xa xôi gì?

- Bác đi đâu vắng vậy cô hai?

- Ba với má tôi đi khỏi hết.

- Hứ, đi hồi nào?

- Ba tôi đi Sài Gòn hôm qua, còn má tôi đi xuống ruộng hồi khuya. Duy Linh trước khi ra đi tính đến đây lập thế dò thử lòng Phi Phụng coi trong ba chỗ đương gấm ghé kết duyên với cô đó, vậy cô đành chỗ nào. Nay vô nhà rồi, lại nghe nói vợ chồng ông Huyện Hàm đi khỏi hết ấy là một dịp rất may mắn cho anh ta giáp mặt với Phi Phụng, thế mà trong lòng bợ ngợ, ngoài mặt sượng sùng, không còn tính hỏi han chi hết. Duy Linh ngồi lặng thinh một hồi lâu rồi hỏi:

- Bác Huyện đi Sài Gòn chơi hay là có chuyện chi?

- Hôm qua thầy Hội Ðồng Lâm Yên đem xe hơi lại rồi rủ ba tôi đi Sài Gòn chơi với thầy và người con thầy. Ở nhà không việc chi nên ba tôi đi chơi.

- Hổm nay thầy Hội Ðồng Lâm Yên ra đây thường lắm hay sao?

- Hôm đãi tiệc rồi cho tới bữa nay thẩy có ghé đây hai ba lần, lần nào thẩy cũng dắt người con thẩy theo hết. Anh có biết người con thẩy không?

- Biết.

- Nghe nói hôm đãi tiệc cũng có người đó nữa mà, phải không anh Ký?

- Phải.

- Họ nói người đó thi đậu Tú Tài bên Tây rồi, biết phải thiệt hay không?

- Thiệt chớ!

- À, anh Ký, anh có hay hai ba chỗ cậy mai đi nói tôi hay không?

- Hay.

- Ai nói cho anh hay?

- Bác Huyện nói bữa hổm.

- Nói hôm nào?

- Hôm bữa sửa soạn rồi chiêu đãi tiệc đó.

- Ba tôi nói với anh làm sao đâu, anh thuật lại nghe thử coi.

- Bác nói quan Phủ, thầy Hội Ðồng Lâm Yên, với Bá hộ Siêu, ba người đều ngắm nghé làm sui với bác.

- Hôm tối thứ tư má tôi cũng có nói với tôi như vậy. Con quan phủ là cậu Bá Kỉnh tôi có biết, con thầy hội đồng Lâm Yên tôi cũng ngó thấy, còn con ông Bá hộ Siêu tôi chưa biết. Anh biết người đó hôn?

- Biết, người đó đi chợ hoài.

- Người đó ra thế nào, học trường nào vậy anh?

- Con nhà giàu, mà không có học hỏi chi hết.

- Húy! Cha chả! Có chồng mà dốt đặc ai chịu cho được.

Duy Linh nghe Phi Phụng nói như vậy cười rồi đáp:

- Người ta dốt nhưng người ta có tiền nhiều. Ðời nầy hễ có tiền nhiều thì dại cũng hóa ra khôn, còn nghèo sát khô, dầu khôn cũng hóa ra dại, miễn giàu cho lớn thôi cần gì hay chữ?

- Anh nói nghe kỳ quá! Giàu mà dốt đặc họ khinh bỉ lắm chớ.

- Họ khinh lén sau lưng, chớ trước mặt ai dám khinh? Vậy chớ cô không thấy hôm đãi tiệc đó sao.

- Thấy giống gì?

- Bá hộ Siêu dốt đặc, mà ông vừa bước vô nhà quan Phủ lật đật bước dậy nắm tay chào hỏi rồi mời ngồi chung một bàn đó sao.

Phi Phụng tức cười, Duy Linh thấy vậy cũng cười theo rồi Duy Linh mới tiếp hỏi:

- Cô chê con ông bá hộ Siêu, còn hai người kia cô đành người nào?

- Tại ba với má tôi liệu thế nào liệu lấy, chớ tôi có biết đâu mà nói.

- Phải, phận con gái hễ việc vợ chồng phải để cho cha mẹ định. Song cô là người có học, cô cũng phải suy sét mà lựa chọn, chớ nếu cô phú cho cha mẹ, rủi cha mẹ định không vừa ý cô rồi cô mang khổ trọn đời chắc là cô ăn năn lắm. Ví như bác Huyện biểu, cô lựa chọn người nào đâu cô nói nghe thử chơi.

Phi Phụng cúi mặt xuống, tay cạy móng cắn, Duy Linh trong lòng bâng khuâng, ngó Phi Phụng hỏi riết, túng quá Phi Phụng mới nói: "Tôi coi trong ba người đó, duy chỉ có con thầy hội Ðồng Lâm Yên được hơn hết".

Phận con gái hễ ai hỏi tới việc vợ chồng tự nhiên mắc cở, Phi Phụng tuy là có học chữ Tây nên không nhút nhác như con gái thường, lại yêu mến Duy Linh cũng như anh ruột, song cô cũng bợ ngợ không muốn bày tỏ thiệt tình.

Tại Duy Linh hỏi hoài, cực chẳng đã cô phải phát biểu cái thiệt tình của cô ra. Chẳng dè Duy Linh nghe cô nói cặp mắt chói lòa, mồ hôi nhỏ giọt, bao nhiêu lòng mơ ước đều tan rã như sương bị nắng khói lên trời, bởi vậy ngồi trân trân, muốn khóc mà khóc không được, muốn cười mà cười cũng không kham. Anh lấy làm khó chịu rồi bỏ ra ngoài. Phi Phụng thấy Duy Linh đứng dậy mà đi thì ngó theo, song không hiểu chi hết. Duy Linh ngó ngoài đường một hồi không khóc mà hai con mắt ướt rượt. Anh lật đật lấy khăn lau nước mắt rồi trở vô nhà. Phi Phụng thấy Duy Linh bèn nói:

- Anh ở ăn cơm chơi anh Ký.

- Không được. Tôi thăm một chút thôi. Tôi mắc về đặng đi qua Vĩnh Trạch có việc. Duy Linh nghĩ tới đó giọt lệ chứa chan đau lòng đòi đoạn, không dám giận, không dám phiền ai chi hết, chỉ phiền mình nghèo, học dở, bởi vậy mà thua sút người chớ chi mình giàu lớn như Bá Hộ Siêu quyền to như quan Phủ Thiện, học giỏi lại đẹp trai như Lâm Thủ Thiệp, mình đủ tài, đủ trí, đủ sức, đủ lực, mà làm cho Phi Phụng được sang giàu vinh hiển, được sung sướng trọn đời, mà Phi Phụng chê mình để kết duyên cùng người khác mình giận mới đáng. Mà bây giờ mình làm sao cho trở nên giàu, trở nên sang, cái thứ làm ký lục mỗi tháng được 30 đồng bạc lương rồi tiêu xài hết 28 đồng làm sao mà giàu sang cho được? Ðã biết cha mẹ mình có để lại cho mình 12 mẫu ruộng, huê lợi của mình mỗi nãm có 350 thùng lúa, còn của người ta kể đến 50.000 thùng, nếu mình sánh với người ta sức của mình như con muỗi còn sức người ta như con voi mình sánh sao cho kịp.

Duy Linh hết buồn rồi tính, hết tính rồi giận, hết giận rồi lo, bởi vậy nằm trăn trở hoài cho đến gần 4 giờ khuya mới ngủ. Ngày Nguyên Ðán đã đến gần Duy Linh dạy thằng Cử dọn dẹp nhà cửa lau chùi bàn thờ, rồi mấy đêm sau anh ta mới đi mua sắm lễ, đặng cúng cha mẹ ông bà trong lúc xuân nhựt. Duy Linh thất trí nên nhứt định ba ngày Tết đóng cửa ở nhà, không viếng thăm ai hết. Chiều mùng một, Duy Linh nghe tiếng pháo nổ vang rân, ở chợ thấy người đi hớn hở ngoài đường, dòm trong nhà hiu quạnh một tớ một thầy, nghĩ thân phận nghèo hèn thua người sút bạn, anh ta lại càng buồn hơn nữa.Tuy buồn song anh ta nghĩ rằng thiên hạ chẳng có ai có tình nghĩa chi với mình, dẫu vậy nếu mình không chúc mừng năm mới họ cũng không trách mình được. Chí như ông Huyện Tú Phan là bạn chí thân của cha mình thuở trước lại đãi mình rất trọng, mấy năm nay mình ở xa nên ngày Tết mình không viếng thì ông dung chế, chớ năm nay ông về ông ở (thiếu)

Trong mấy ngày Tết anh ta đã không đi chơi mà chừng hết Tết rồi anh ta cũng ở nhà rất ảo nảo.

Một buổi chiều thứ bảy, anh ta buồn quá nằm nhà không được nên bận đồ mát lên chợ, tính kiếm chỗ giải khuây. Ði vừa tới chợ may gặp thầy ký Hòa cũng đi chơi, hai người dắt nhau thủng thẳng đi dài theo mấy tiệm mà coi hàng hóa. Ði tới nhà hàng chú Tửng, hai thầy thấy trong tủ kiếng trưng hàng hóa rực rỡ, mới bước vào rồi lại đứng ngay cái tủ đựng cá mòi hộp đủ thứ xem, Ký Hòa chỉ một hộp mà nói:

- Thứ đó ngon hơn hết.

Duy Linh cãi lẽ nói thứ đó không tốt, rồi chỉ một hộp khác khen quý. Hai thầy đương cãi với nhau, bỗng đâu Bá Kỉnh bước vô nghe cãi lại xen vô mà cãi. Bá Kỉnh chê hai thầy nói bậy cả hai rồi chỉ một thứ cá khác mà nói thứ đó mới thiệt ngon hơn hết. Duy Linh không chịu thua cứ theo cãi hoài. Bá Kỉnh nói rằng:

- Từ thuở nhỏ chí lớn ta đã ăn đủ thứ cá mòi, ta lại không biết thứ nào ngon hay sao? Chú mầy nghèo mạt, tiền đâu mà có ăn tới cá mòi hộp nên biết thứ nào ngon thứ nào dở.

Duy Linh đã có bụng ghét Bá Kỉnh, nay nhục mạ mình như vậy nên giận run, dằn không được, nên xốc lại bộp tai Bá Kỉnh. Bá Kỉnh không chịu nhịn nên nhảy tới thoi Duy Linh lại, may nhờ Ký Hòa với chú Tửng ra can, chớ không còn đánh lộn với nhau nữa.

Bá Kỉnh về thuật lại cho quan Phủ nghe. Quan Phủ nổi giận rồi biểu con làm đơn đem đến cò thưa, sang bữa sau ông cò đòi Duy Linh và Bá Kỉnh, gạn hỏi đầu đuôi rồi dạy Duy Linh phải xin lỗi Bá Kỉnh, bằng không thì ông cò phúc bẩm xin tòa phạt. Duy Linh yếu thế nên phải xin lỗi kẻ thua, đã bị Bá Kỉnh nhục mạ trước, mà còn phải xin lỗi Bá Kỉnh nữa bởi vậy về nhà tức tưởi ngủ không được.

Duy Linh nằm đêm nghĩ lại vì tại mình nghèo nên người ta không yêu thương mình mà cũng tại mình nghèo hèn nên người ta hiếp đáp, nếu mình muốn cho kẻ yêu người trọng mình thì phải giàu sang mới được. Mà làm sao giàu sang cho được bây giờ? Làm vịêc quan như mình bây giờ biết chừng nào mới giàu? Mà nếu mình xin thôi, rồi trở xuống Cái Cùng lo cày cấy 12 mẫu đất của cha mẹ để lại dẫu mình có chịu cực cho lắm đi nữa thì bất quá đủ ăn hoặc dư dả mà thôi, chớ cũng không giàu bằng họ đựơc. Có lẽ mình ra buôn bán họa may năm mười năm mình mới giàu lớn được chăng. Ngặt buôn bán bây giờ không có vốn thì làm sao khai tiệm cho được, nếu mình cậy bác Huyện Hàm giúp sức có lẽ bác sẵn lòng, mà thà là mình chết phức đi cho rồi, chớ Phi Phụng nó đã không nghĩ tới mình, lẽ nào mình lại còn cầu lụy tới cha mẹ nó giúp đỡ?

Bởi Duy Linh lao tâm thất chí, nên lờ đờ, lững đững, đi làm việc mà không cố đến việc làm. Bữa nọ gần cuối tháng ông Phán Tàu giao cho Duy Linh một cuốn sổ bán muối biểu cộng riết đặng ông lấy sổ mà ông phúc bẩm cho quan trên. Duy Linh lòng khô héo trí lảng lơ, bởi vậy cộng xong đưa sổ cho ông Phán Tàu gởi đi rồi chừng ông Thán dò lại thì trật hơn 5 ngàn tạ muối.

Ông Thán nổi giận rầy Duy Linh một hồi rồi lại còn vào méc với ông chủ, làm cho ông chủ phạt Duy Linh hết nữa tháng lương.

Duy Linh nỗi lòng đã uất ức, ở đời đã bị hiếp đáp, nay làm việc lại còn bị quở phạt nữa nên ăn hết ngon nằm hết ngủ, cứ lo mưu kiếm kế đặng làm cho trở nên giàu sang, chắc rằng mình trở nên giàu sang tự nhiên thiên hạ yêu thương, kính trọng hết quở trách. Anh ta tính trọn nửa tháng rồi nhứt định thục (27) ruộng lấy bạc đặng làm vốn mua bán.

Một bữa chúa nhựt Duy Linh đi xuống Cái Cùng nói với Hương Cả Mai mà thục ruộng. Vì 12 mẫu ruộng của Duy Linh đất tốt mà lại còn hượt lắm, bởi vậy Duy Linh xin thục 1500 mà Hương Cả Mai lại nài biểu 2000 đồng, thầm tính rằng Duy Linh thục quá mắc tự nhiên bán luôn chớ chẳng bao giờ chuộc lại. Duy Linh không hiểu ý riêng của Hương Cả Mai, nên cũng chịu thục 2000 lại có bụng mừng thầm, nghĩ rằng hễ có vốn thêm nhiều chừng nào thì mình mua bán dễ hơn chừng ấy.

Hương Cả Mai hẹn tuần sau Duy Linh xuống làm tờ rồi ổng sẽ chồng bạc (28), Duy Linh về nhà lo tính bán đồ đạc rồi xin thôi làm việc đặng lên Sài Gòn buôn bán. Ðến tối thứ tư, Duy Linh đương nằm tính coi bây giờ phải bán vật gì bỗng nghe tiếng xe hõi đậu trước cửa nhà có một gia dịch của Tú Phan bước vô thưa rằng ông Huyện Hàm mời Duy Linh ra nhà cho ông nói chuyện chi. Duy Linh muốn kiếm cớ khiếu từ, ngặt tên gia dịch đã thấy mình nằm không, lại sẵn có xe hõi rước nữa, không thế nào cáo từ được, nên phải thay đồ rồi lên xe đi tưởng có việc chi quan hệ, chẳng dè Duy Linh vừa bước vô nhà Tú Phan hỏi:

- Bác nghe cháu tính bán ruộng cho Hương Cả Mai vậy chớ có thiệt như vậy hay không?

Duy Linh đứng chưng hửng một hồi, thầm nghĩ nếu mình nói thật cũng không ích gì, nên hỏi lại:

- Thưa, ai nói với bác rằng cháu bán ruộng?

- Ở dưới Cái Cùng họ lên họ nói.

- Có lẽ Hương Cả Mai muốn mua nên bày chuyện như vậy, chớ cháu đâu có bán.

- Ôi, họ nói mà bác không tin, nên bác mới kêu cháu hỏi cho chắc, có lẽ nào cháu bán ruộng mà không báo cho bác hay. Mà cháu có cần dùng tiền làm việc chi nói với bác giúp cho, cần gì phải bán. Còn như bán ruộng đó giáp ranh với ruộng bác, thà cháu bán cho bác còn có nghĩa hơn chớ bán cho họ uổng lắm.

- Duy Linh nghe Tú Phan nói mấy lời trong lòng ăn năn, muốn tỏ thiệt với Tú Phan, rồi hồi việc Hương Cả Mai, để thục cho Tú Phan song anh ta nghĩ rằng nếu nói thiệt sợ Tú Phan ngăn trở hoặc hỏi phăng tới khó tỏ chân tình được, nên nói dối luôn:

- Họ ðặt chuyện xin bác đừng tin. Cháu có cần dùng tiền làm việc chi đâu mà phải bán ruộng.

Duy Linh về nhà nằm tính rằng phải làm cho mau, nếu để trì hoãn sợ bại lộ, nên chúa nhựt sau xuống Cái Cùng làm tờ thì dặn Hương cả Mai với ba Hương chức đứng thị phải kín miệng dùm đừng cho ai biết, lấy hai ngàn đồng bạc rồi trở về Bạc Liêu, sang bữa sau làm đơn xin thôi việc liền. Ông chủ dụt dặt không chịu cho thôi, ông Phán Tàu có đứa cháu không có vịêc làm, đã mấy tháng nay muốn đem nó vào sở thương chánh, song không có dịp, nay thấy Duy Linh xin thôi lòng lấy làm đắc ý, bởi vậy ở ngoài làm mặt nhân nghĩa theo an ủi Duy Linh, mà vô trong lại kẽ vạch với ông chủ nói rằng Duy Linh biếng nhác, bởi vậy ông chủ mới nhận lời để Duy Linh thôi việc.

Trai vừa mới lớn lên, hễ có bạc ngàn trong lưng hay tự đắc, Duy Linh không giống người thường, bởi vậy có bạc rồi lại càng lo tính ăn ngủ không được. Anh ta đem bàn thờ gởi ký Hòa còn đồ đạc trong nhà bán hết, rồi trả phố cho chủ; thằng Cử là con mồ côi muốn trọn nghĩa tớ trung, nên quyết theo giúp đở Duy Linh, chớ không chịu về xứ. Duy Linh sắp đặt việc nhà, thâu xếp hành lý xong rồi, bèn định sáng bửa sau xuống tàu ra Sóc Trăng rồi lên Sài Gòn. Tớ thầy đem đồ đạc ở đậu nhà ký Hòa. Chiều bữa ấy anh ta buồn lắm nên ra nhà Tú Phan, tính thấy mặt Phi Phụng một lần chót rồi vĩnh biệt. Duy Linh bước vô vợ chồng Tú Phan ra mừng, còn Phi Phụng niềm nở lắm. Trong nhà dọn cơm vừa rồi, vợ chồng Tú Phan mời Duy Linh vào ăn cơm cho nó vui. Duy Linh thấy Phi Phụng ruột đau như cắt, mắt tức quáng gà (29) bởi vậy biểu ăn cơm thì đi, sang ngồi ăn không nói chuyện như mấy lần trước nữa. Ăn cơm rồi, bà Huyện Hàm mắc đi xuống nhà bếp, còn ông Huyện lại đi lên lầu, để cho Phi Phụng ngồi đó nói chuyện với Duy Linh. Duy Linh buồn bực lại ái ngại quá, nên đứng dậy bỏ đi ra trước sân. Trăng mới mọc, chiếu trời một góc đỏ lòm, gió thổi lao xao, lay động mấy nhành lúc lắc. Duy Linh đương đứng suy nghĩ việc riêng của mình, bỗng nghe sau lưng có tiếng giày đi nhè nhẹ, lật đật day lại thấy Phi Phụng vừa đi tới vừa hỏi nho nhỏ:

- Anh có việc chi, mà coi bộ anh buồn dữ vậy anh Ký? Hồi nhỏ anh có việc chi vui, hoặc có việc gì buồn, anh cũng có đều nói cho em biết. Sao bây giờ anh buồn mà anh không nói cho em hay?

Giọng nói đã thanh tao, mà lời lẽ pha bi thảm làm Duy Linh cảm xúc nên nghẹn ngào, không biết sao trả lời chỉ ứa nước mắt rồi day mặt qua chỗ khác đáp:

- Tôi có buồn về việc chi đâu.

Duy Linh nói có mấy tiếng bỗng nghe Tú Phan ở trong nhà kêu:

- Ký a, cháu vô coi chiếc cà rá bác mới mua đây.

Phi Phụng nghe tiếng cha nên day gót trở vô nhà, Duy Linh ngẩn ngơ lén lấy khãn lau nước mắt rồi cũng vô theo.

Duy Linh ở chơi tới chín giờ tối rồi cáo từ ôm ấp việc riêng trong lòng, không tỏ cho ai biết hết. Ra vừa khỏi cửa nước mắt tuôn dầm dề, đi một khúc đường suy nghĩ một hồi, ban đầu nhớ tới mấy lời Phi Phụng hỏi khi nãy đau đớn không chịu được, nên muốn trở lại tỏ thật cho Tú Phan nghe hoặc may ra Tú Phan có niệm tình cũ nghĩa xưa cầm ở lại gả Phi Phụng cho mình hay tỏ riêng cho một mình Phi Phụng biết hoặc may Phi Phụng có cảm nghĩa động tình rồi trao tơ kết tóc với mình không thèm ưng nơi nào khác. Bởi tình nặng đau lòng riêng lẽ, nên nghĩ như vậy, nhưng yêu thương nhau phải biết tôn trọng nhau. Duy Linh thương Phi Phụng chẳng phải vì sắc như ai, hoặc yêu vì tiền như ai, yêu là vì gần gụi nhau đã mười mấy năm trường, thương là bởi tâm tánh đều giống nhau cũng như ruột thịt. Bởi cái tình cao thượng như vậy, nên vừa tính trở lại tỏ thiệt nỗi niềm, lại nghĩ rằng ví như Phi Phụng cảm nghĩa động tình chịu kết hôn với mình, mà với cái thân phận nghèo nàn và tài hèn mọn nầy có đủ làm cho Phi Phụng vui vẻ sang trọng trọn đời chăng? Duy Linh lắc đầu, day lại ngó nóc nhà lầu của Tú Phan một hồi, rồi lau nước mắt đi về nhà của ký Hòa.

Sáng hôm sau, Duy Linh với thằng Cử gởi đồ xuống tàu đi Sài Gòn, ký Hòa xuống tàu đưa, chừng tàu sửa soạn chạy Duy Linh dặn: "Anh cho tôi gởi đồ thờ tại nhà anh trong ít ngày, chừng nào tôi có chỗ ở yên rồi tôi sẽ cho thằng Cử về nhà chở lên. Xin anh đừng phiền cũng đừng nói cho ai biết tôi lên Sài Gòn nghe". Ký Hòa gật đầu rồi tàu mở dây, súp lê (30) chạy tuốt.

Duy Linh đứng trên boong (31) tàu ngó lại chợ, tấm lòng chua xót, nét mặt dàu dàu, sóng khỏa hai bên bờ ghe xuồng nhàu lộn thấy mà thương, chưn vịt quạt ầm ầm lấp tiếng người nói chuyện nghe càng ảo não. Tàu chạy một lát chẳng còn thấy nhà cửa chi hết, bên nầy là lá dừa lóng sóng gió thổi ngọn cúi xuống rồi ngóc lên bên kia đồng ruộng minh mông, trời nhuộm mặt chỗ xanh chỗ đỏ. Duy Linh trông thấy rưng rưng giọt lệ.

Ly hương giở bước đau lòng.

Tình ngao ngán tủi,

Phận long đong buồn.

Xót vì mỏng manh cánh chuồn.

-----------------------------------------

20 bằng phẳng

21 lên cao xuống thấp theo nhịp cánh: bay không giỏi

22 thơ ấu

23 kéo dài dài ngáy ngủ

24 Bát Giới, người theo Tam Tạng đi thỉnh kinh trong Tây Du Ký

25 hăng hái

26 mực tàu hòa với nước, một bộ môn của hội họa

27 chuộc, chữ nầy sai: đã không tiền mà chuộc ruộng nữa thì làm sao có vốn, ở đây phải có nghĩa là cầm hay cố, vì trong câu sau đã có chữ chuộc.

28 giao tiền mặt

29 một chứng bịnh mắt, hễ tối là không thấy đường

30 soufler=thổi gió như thụt ống bễ của thợ rèn: ở ðây là thổi còi tàu.

31 (Pont): sàn nóc tàu

CHƯƠNG 3 -

T

hường nghe thiên hạ họ dạy nhau rằng: "Người chân chánh thì đáng yêu, còn kẻ giả dối thì đáng ghét". Chẳng hiểu vì cớ nào họ đã dạy như vậy, mà ở đời thói giả dối ngày càng tràn lan khắp cả quan dân, còn điều chân chánh coi ngày càng tiêu mất hết. Cha dạy con, ấy là vì sợ con dốt thiên hạ cười, nên cần mẫn đó thôi. Con thương cha, ấy là sợ thất hiếu thiên hạ khinh nên cực chẳng đã phải làm màu cung kính. Chồng yêu vợ, ấy là vì tiền bạc, vợ kính chồng ấy bởi thế thần, bạn bè thân nhau, vì có ý muốn nhờ nhau, kẻ một xóm giúp nhau, ấy là lưu tâm trông người trả. Lòng người giả dối đến nỗi người nầy muốn nói chuyện với người khác, khi mới mở miệng phải nói trước: "Tôi nói thiệt với anh", nhưng cũng chưa ắt những lời nói ra đó là những lời nói thiệt.

Quan Phủ Trần Bá Thiện cậy mai tới cầu Tú Phan gả Phi Phụng cho Bá Kỉnh, tuy quan Phủ thấy ông Huyện Hàm với bà Huyện Hàm là người hiền đức muốn kết nghĩa sui gia, nhưng kỳ thật quan Phủ thấy Tú Phan có một đứa con gái mà nhà tốt ruộng nhiều, nên tính kế làm giàu cho con khỏi mệt nhọc. Hội Ðồng Lâm Yên muốn làm sui với Tú Phan, tuy nói rằng thấy Phi Phụng nết na đằm thắm mà thương, nhưng kỳ thiệt gia thế suy đồi, tính đem bằng cấp tú tài của con đặng phục hồi sự sản. Bá Hộ Siêu cũng vậy muốn làm sui với Tú Phan là ý muốn cho con sau nầy được hưởng hai cái gia tài, mà ngoài môi rộn ràng dường như trọng người hơn trọng của.

Tú Phan là người đã có nghèo trước rồi ngày nay mới được giàu, vốn xuất thân hèn hạ, may gặp thời mà cũng nhờ tiền, nên mới được vinh hiển, nhưng ông ít hay suy thế thái nhân tình, bởi vậy không hiểu thấu lời nói ngoài môi không giống việc tính trong bụng, ông thấy quan Phủ quyền cao chức lớn thì đẹp ý, ông thấy Thủ Hiệp đẹp trai học giỏi ông rất ưng lòng, mà thấy bá hộ Siêu là đệ nhứt phú ông trong tỉnh ông cũng không muốn phụ. Ra giêng rồi, mai mối đến hoài mà Tú Phan cứ nói rằng để thủng thẳng rồi sẽ tính; chẳng phải là Tú Phan chê hết ba chỗ mà dụt dặt, ấy là tại ba chỗ đều xứng đáng nên không biết gả chỗ nào. Vợ chồng Tú Phan bàn tính nhau hoài đến 3, 4 tháng cũng chưa nhứt định. Còn ba chỗ làm sui trông đợi bao lâu cũng không mỏi trí.

Bữa nọ Tú Phan đi xuống dưới Cái Cùng đặng thăm ruộng. Bà Huyện Hàm ở nhà thừa lúc canh khuya vắng vẻ, lại thêm giọt mưa rả rít quanh thềm bà mới tỏ nhỏ hỏi lòng con coi trong ba chỗ, ý nó đành chỗ nào. Bà hỏi ba Quận thì nó trề môi, hỏi Bá Kỉnh thì Phi Phụng lắc đầu, còn hỏi tới Thủ Hiệp thì làm thinh mà nét mặt lại có vẻ mắc cở. Bà Huyện biết ý con nên không hỏi nữa. Chừng Tú Phan về bà tỏ lại, Tú Phan ngồi một hồi suy nghĩ mà nói rằng: "Tôi cũng muốn gả nó chỗ đó, chỉ sợ quan Phủ ngài hờn".

Bước qua đầu tháng 5 vợ chồng Tú Phan cũng chưa xác định việc hôn nhơn cho con. Bữa nọ Tú Phan đi xuống ruộng, khi trở về gặp một đám mưa to lớn giữa đường. Về đến nhà Tú Phan cảm mạo nằm mê man, trán nóng hầm, chân lạnh ngắt. Bà Huyện Hàm lo sợ nên rước thầy chạy thuốc lăng xăng. Thầy thuốc Phùng chẩn bạch rồi nói rằng: "Ông Huyện cảm nặng nhưng chẳng có chi đáng sợ, để thầy hốt vài thang ông sẽ trổi dậy ăn cơm. Bà Huyện nghe nói vậy có bụng mừng. Thiệt quả ông Hàm uống hai thang thuốc rồi tỉnh táo, bớt nóng, ngồi dậy nói chuyện được, lại biết đói đòi ăn cháo nào dè uống thang thứ ba bịnh trở nặng, lại nóng mê sảng không biết chi hết. Bà Huyện với Phi Phụng lo sợ nên vừa tảng sáng sai gia dịch đem xe hơi đi rước ông thầy thuốc.

Ông thầy thuốc đầu bịt khãn nhiễu đen mặc áo xuyến dài, chân đi giày hàm ếch, mắt đeo kiếng trắng, râu le the không mấy sợi, đầu bạc hoa râm, xe tới cửa bước xuống thủng thẳng đi vô nhà, dường như đi chơi chớ không phải đi cứu người bịnh nặng. Vô nhà rồi ông ngồi tại ghế giữa lấy thuốc lá vấn hút, chừng thấy Bà Huyện ra chào, ông mới hỏi hưỡn đãi:

- Thưa bà, nghe bầy trẻ nó nói quan Huyện mê sảng nữa hay sao?

Bà Huyện đáp:

- Thưa phải, không biết tại sao uống thang thuốc đêm nay nóng vùi, nằm mê man không biết chi hết. Vậy xin thầy hút thuốc rồi lên lầu tuần mạch lại đặng hốt thang khác thử coi.

Ông thầy gục gật đầu, song cũng ngồi hút thuốc như thường không lật đật chi hết, bà Huyện thấy vậy bỏ vô buồng, cách một hồi lâu sai Phi Phụng ra mời ông ra coi mạch một lần nữa, chừng ấy ông mới chịu đứng dậy theo Phi Phụng chớ không ông cũng còn ngồi đó hoài, làm cho người ta tưởng đâu ông ngồi được bàn tốt ghế êm nên ông không đành bỏ chỗ. Coi mạch rồi ông thầy trở xuống cũng ngồi chỗ đó mà nói:

- Tôi đã nói ông đã cảm nặng, tuy vậy mà không hại gì, xin bà với cô hai đừng lo, để thủng thẳng tôi trị. Tôi có gặp nhiều người bịnh nặng hơn nữa, mà tôi cứu sống như chơi, bịnh của quan Huyện có chi khó lắm đâu mà sợ.

Bà Huyện hối gia dịch đem xe ra đưa ông thầy thuốc về rồi đợi lấy thuốc luôn một thể. Uống thang thứ tư vô, tưởng là nhẹ được, chẳng dè bịnh cũng như cũ, ông Huyện Hàm cũng nằm mê man hoài. Đêm ấy bà Huyện xẩn bẩn một bên chồng, không dám ngủ, còn Phi Phụng cũng ngồi tại ghế dựa trên giường, mặt mày buồn nghiến cặp mắt ướt dầm. Canh khuya gió thổi ngoài sân nghe vùn vụt, ngọn đèn trên án chớp nhoáng, khi tỏ rạng khi lờ mờ. Phi Phụng bước ra ngoài rồi mở cửa sổ sau ngó xuống bếp, gia dịch đều ngủ hết, trên trời mây giăng mù mịt, không thấy một ngôi sao lại lúc chớp, lúc gầm làm cho người buồn lại càng thêm tủi. Phi Phụng khép cửa sổ trở vào phòng, vừa bước tới cửa, bỗng nghe tiếng con chim kêu trên nóc nhà làm cho cô giựt mình, Đứng ngó mẹ rồi mẹ con nhìn nhau sửng sốt.

Phi Phụng muốn kiếm chuyện nói cho quên phức cái điềm chẳng lành vừa mới nghe đó nên thưa mẹ:

- Thôi, mẹ đi nghỉ một chút đi, để con ngồi đây với ba.

Bà Huyện lắc đầu đáp:

- Ðể má thức, con đi nghỉ vài giờ rồi thức dậy thay cho má đi nghỉ. Phi Phụng vâng lời rồi trở về phòng mình ngang đó. Cô ta thấy cha bịnh nặng lo sợ quá nên nằm gát tay qua trán thao thức trằn trọc hoài. Cô lo gần rồi tính xa, việc nầy chưa xong kế qua lo việc nọ. Cô đương ảo nảo thì bỗng nhớ tới Duy Linh, cô mới nghĩ rằng hồi nhỏ hễ có việc chi buồn mình nói cho Duy Linh thì Duy Linh lo cho hết. Nay việc buồn của mình lớn quá mà Duy Linh không có mặt, nghĩ thiệt rủi không biết chừng nào. Không biết bây giờ ảnh ở đâu! Họ nói ảnh bị con quan Phủ khinh bỉ rồi lại bị ông Phán Tàu hiếp đáp; ảnh tức chí nên mới bỏ xứ mà đi. Họ lại nói hôm tháng ba ảnh sai thằng ở về chở đồ thờ nhưng ảnh dặn nó, nên nó không chịu nói ảnh ở xứ nào. Có tội gì mà phải sợ dữ như vậy? Mà ví dầu ảnh có giận họ nên ảnh không muốn cho biết chỗ ở, còn nhà mình ảnh giận hờn điều chi sao lúc ảnh đi, ảnh không cho hay, rồi mấy tháng chẳng có thơ từ chi của ảnh? Hay mình có làm điều chi chẳng phải ảnh giận luôn tới mình? Phải rồi, chắc ảnh phiền cha mẹ mình giàu có mà không giúp đở cho ảnh làm ăn, để ảnh nghèo nàn nên mới bị kẻ khinh bỉ, người hiếp đáp. Bậy quá, mấy năm nay mình không nghĩ tới việc đó. Chớ chi mình nói với cha mẹ mình hoặc giúp vốn cho ảnh làm ăn buôn bán, hoặc giao ruộng cho ảnh cai quản chắc ảnh có đi đâu làm chi. Mà nếu ảnh ở gần lúc nầy chắc hẳn ảnh giúp ích cho nhà mình biết chừng nào.

Phi Phụng vừa suy nghĩ tới đó, bỗng nghe tiếng mẹ nói nhỏ bên kia rồi lại nghe tiếng giày, nên lật đật ngồi dậy chạy qua, thấy mẹ đương bưng nước cho cha uống. Phi Phụng lấy tay rờ trán cha rồi hỏi: "Ba bớt không ba?" Tú Phan gật đầu rồi nằm xuống đắp mền lại. Phi Phụng không chịu đi ngủ nữa, cứ ngồi đó với mẹ cho tới sáng.

Những người quen biết nghe nói ông Huyện Hàm đau cũng đều đến thăm viếng nhứt là quan Phủ Thiện với hội Ðồng Yên đến thãm ngày một. Quan Phủ nói với bà Huyện Hàm để cho ngài rước thầy thuốc Tây ra cho coi mạch rồi trị bịnh cho ông Huyện, bởi vì ngài sợ thầy thuốc Việt Nam không thông mạch lạc, rủi phạm thuốc rồi gỡ không ra. Bà Huyện không bằng lòng nên đáp: "Bẩm quan lớn, ông thầy thuốc Việt Nam nầy giỏi lắm, để ổng trị thêm ít bữa nữa coi". Quan Phủ muốn cãi nhưng nghĩ mình muốn cầu thân không nên trái ý bà chủ nhà; bởi vậy ngài lặng thinh, không đốc rước thầy thuốc Tây nữa. Hội Ðồng Yên đến thăm lại chỉ thầy ba Hớn dưới Cái Hưu và thầy Hương Sư Phi bên Phú Lộc nói rằng hai người ấy có danh và hỏi bà Huyện nếu bà bằng lòng thầy sẽ cho xe rước. Bà Huyện cũng không chịu cứ theo uống thuốc của thầy Phùng mà thôi.

Chẳng phải thuốc của thầy Phùng thiệt hay, hay là bịnh của ông Huyện không phải là bịnh nặng, mà đau trót mười bữa rồi, ông Huyện thủng thẳng bớt lần, miệng hôi cơm nên chưa ăn đặng, song đã hết nóng lạnh nên trổi dậy rồi đi trong nhà như thường. Quan Phủ Thiện, hội Ðồng Lâm Yên, và bá hộ Siêu nghe nói ông Huyện bịnh giảm áp tới thăm nữa. Duy bá hộ Siêu thấy ông Huyện chưa thiệt mạnh nên không dám nói việc hôn nhơn, còn hai người kia lanh lợi nhắc khéo ông Huyện. Ông Huyện cũng chưa nhứt định, nên ông phải thừa cái bịnh của ông mà khuyên hai người kia hoãn hoãn, đợi chừng ông thiệt mạnh hẳn hay.

Con người làm việc nhiều khi coi chơn chánh lắm, nhưng kỳ trung xảo trá vô cùng. Có lẽ ông trời thấy vậy nên dối người chơi, nên có nhiều khi đương vui lại khiến cho người ta buồn, vừa mừng lại khiến cho sợ. Ông Huyện Hàm bịnh giảm cả nhà đều mừng, nào dè ông ra vô được có năm bảy bữa rồi ổng nằm lại, lần nầy coi bịnh nặng hơn lần trước nữa. Ông thầy Phùng hốt thuốc, nhưng uống thuốc cũng như không, bịnh chẳng giảm chút nào, lại ông Huyện hễ thấy mặt vợ con ông lắc đầu hoài rồi rưng rưng nước mắt, làm cho vợ con lo sợ không biết chừng nào.

Một đêm nọ bịnh ổng nặng quá, ổng biết không thể sống được nữa, nên ổng kêu vợ con lại đứng một bên rồi ổng gắng gượng mà trối: "Ông trời biểu tôi phải theo ông theo bà thì phải chịu... Vậy nếu tôi chẳng may nhắm mắt rồi thì mẹ nó đừng có buồn lắm, phải làm khuây khỏa mà coi sóc việc nhà, nhứt là phải lo cho con, kẻo sau nó cực khổ tội nghiệp". Ông Huyện mới nói mấy lới mệt quá nói không được nữa, nên ổng phải nghỉ một hồi rồi mới nói tiếp: "Tôi đã tính gả con Phi Phụng cho Thủ Hiệp, chẳng dè trời khiến tôi chết không kịp thấy con có chồng. Vậy hễ tôi chết rồi mẹ nó cứ gả cho Thủ Hiệp chẳng cần phải đợi mãn tang, bởi để trì hoãn sợ quan Phủ ngài oán, rồi khổ cho mẹ nó. Song phải đợi chôn cất tôi rồi mới nói chuyện đó, chớ không nên nói trước. Nếu quan Phủ có trách cứ đổ thừa cho tôi, nói rằng tôi trối như vậy nên không dám cãi. Thủ Hiệp tôi coi nó xứng với con mình lắm, bởi vậy thế nào mẹ nó cũng phải gả cho Thủ Hiệp, chớ đừng có gả cho người khác. Thôi hai mẹ con đi nghỉ đi. Ðể cho tôi nghỉ một chút".

Bà Huyện với Phi Phụng nước mắt chảy dầm dề, mẹ nắm tay con khóc rấm rứt, không nói chi được hết. Ðến 5 giờ sáng ông Huyện Hàm mệt quá, bà Huyện phải choàng tay qua cổ đở ông ngồi dốc dốc, còn Phi Phụng đứng quạt. Cách chẳng bao lâu ông Huyện Hàm tắt thở trên tay bà, mẹ con than khóc om sòm, tôi tớ trong nhà đều chạy vô, đứa nào xem thấy cũng đều rơi lụy.

Bà Huyện Hàm lo đám tang cho chồng thật là trọng thể. Bà xin phép để quan tài trong nhà 8 bữa đặng cho thợ xuống Cái Cùng đắp nền bông, xây kim tĩnh rồi cư tang chồng trong đất của mình. Bà sai người nhà đi Sài Gòn mua đồ đạc về lo cho đám tang chẳng thua đám nào hết. Hai vợ chồng quan Phủ ra thị sự luôn luôn, cũng như đám tang của người trong thân. Thầy hội đồng Lâm Yên cũng dắt con lên coi sóc dùm, duy có Bá hộ Siêu đến thăm rồi về lo cổ bàn đi phúng điếu. Bà Huyện thấy vợ chồng quan Phủ đoái tưởng làm cho đám tang rất rỡ ràng, bà ái ngại vô cùng, nên bà không dám nói đến lời di chúc. Chừng tống táng xong ít ngày rồi bà sẽ mời quan Phủ với thầy hội đồng đến một lượt đặng bà thuật di ngôn của quan Huyện cho rõ ràng, để khỏi mích lòng. Bà tính như vậy là bà thật tình, song bà sợ cũng chẳng khỏi quan Phủ phiền trách nên do dự hoài.

Ở đời có nhiều vận hội lạ lùng có khi việc đã nên, thấy trước rồi lại hóa ra hư, việc quấy đã bày ra tỏ tường mà ai cũng cho là phải. Mà việc quấy thiên hạ cho là phải, ấy là tại bụng người ta dua bợ chẳng luận làm gì, chí ý việc gần mà hóa nên hư, nghĩ thiệt không biết làm sao mà liệu trước. Phi Phụng là gái dung nhan tuấn tú, lại thêm phú quý phi phong nếu cha mẹ tính gả chồng có lẽ nào lại gặp chồng không xứng đáng? Khiến chi có Thủ Hiệp là trai học giỏi, khôi ngô, rồi lại thêm có Bá Kỉnh là con nhà quyền quý nữa làm cho vợ chồng Tú Phan do dự không biết gả cho người nào. Bữa Tú Phan tắt hơi, ông có trối gả Phi Phụng cho Thủ Hiệp, lời người chết nỡ lòng nào dám trái, mối tơ điều đã buột Phi Phụng với Thủ Hiệp rồi, còn ai bứt nữa được. Rủi khiến Tú Phan tuy thương con, song cũng trọng thân mình, muốn cho con có chồng xứng tài, lại muốn cho đám tang mình được trọng thể, nên dặn vợ phải gả con cho Thủ Hiệp, nhưng lại biểu đợi chôn cất xong rồi thì hãy nói, làm cho quan Phủ có dịp ra ơn, rồi bà Huyện Hàm khó mà mở miệng.

Bà Huyện Hàm đợi đến đám cúng tuần 21 ngày, bà mới mời vợ chồng quan Phủ với hội đồng Lâm Yên đến. Bà dọn cơm đãi khách xong rồi dở chuyện chồng di ngôn phải gả Phi Phụng cho Thủ Hiệp nói lại cho khách nghe. Hội đồng Lâm Yên nghe nói mừng thầm, nên ngồi nghiêm cẩn (32) còn miệng chum chím mà nói rằng:

- Hồi quan Huyện còn sanh tiền tôi có xin làm sui, nay dầu chẳng may quan Huyện mất rồi, tôi chẳng dám quên lời. Vậy bà tính thế nào tôi cũng xin vâng, chớ tôi đâu dám cãi!

Quan Phủ ngồi dựa trên ghế giữa, mặt giận coi tái xanh, không thèm nói chi hết. Bà Phủ ngồi trên ván ăn trầu, tay mặt xĩa thuốc sống, đưa bộ cà rá hột xoàn ra chiếu màu xanh đỏ, bà tằng hắng nói:

- Bà Huyện nói chơi hay sao, chớ có lẽ nào ông Huyện trối như vậy, mà hổm nay không nghe ai nói hết. Lấy cái lý ra mà nói, vợ chồng tôi cậy mai đến trước, vậy bà phải làm sui với chồng tôi mới phải chớ. Hay là bà chê vợ chồng tôi không xứng đáng nên bà đặt chuyện gả chỗ khác cho dễ?

Bà Huyện Hàm là người ít nói, nghe mấy lời gay gắt bà khó chịu không biết nói sao được. Cách một hồi bà mới đáp:

- Bẩm bà lớn, tôi đâu dám chê quan lớn với bà lớn. Tôi sợ phận tôi nhỏ nhoi không dám làm sui với bà lớn chớ, nếu bà lớn thương, tôi đội ơn biết chừng nào. Ngặt ông Huyện ổng trối như vậy nếu tôi cãi lời thì tội lỗi lắm.

Bà Huyện vừa nói dứt lời bà Phủ muốn đáp, bỗng nghe có tiếng xe hơi ngừng ngoài ngõ, rồi lại thấy có một người trai bước xuống xe, bước vô cửa ngõ xâm xâm đi riết vào nhà, tay lại cầm cái khăn chấm hai con mắt. Ai thấy người lạ cũng đều ngó. Người trai ấy trạc chừng 24 hoặc 25 tuổi, nước da trắng, gương mặt tròn, đầu cúp tóc (33), lại bịt khăn tang, mình mặc áo xuyến đen, bận quần bố trắng mà sổ lai, chân đi đôi giày Tây đen, gió thổi bay ống quần thấy lòi đôi vớ trắng. Người ấy bước vô cửa, thấy hội đồng Lâm Yên ngồi đó bèn chắp tay xá rồi hỏi:

- Bẩm ông, không biết nhà nầy của ông Huyện Hàm Huỳnh Tú Phan hay chăng?

Lâm Yên nghe bà Huyện Hàm thuật lời Tú Phan trối phải gả Phi Phụng cho con của mình trong bụng vui mừng không xiết kể; đến chừng bà Phủ nói gay, có ý lóng tay nghe coi bà Huyện đối đáp như thế nào, lại đương tính thầm trong bụng đặng chừng nào bà Phủ nói động tới mình có sẵn lời đáp lại.

Bởi đương lo liệu nên có người lạ bước vô hỏi như vậy, không vui mà trả lời; song không lẽ người ta hỏi mà làm thinh, nên liếc ngó người trai ấy rồi đáp:

- Phải, nhà ông Huyện Hàm là nhà nầy, thầy ở đâu xa hay sao mà hỏi vậy? Người trai gật đầu đáp:

- Thưa phải, tôi ở xa, trên Chợ Lớn.

Người trai ấy ngước mắt ngó vô trong thấy bà Phủ với bà Huyện Hàm đương ngồi trên bộ ván dựa cửa sổ, liền cúi đầu hỏi nhỏ Lâm Yên rằng:

- Bẩm ông, hai bà ngồi đó bà nào là dì Huyện của tôi đâu, xin ông làm ơn chỉ giùm.

Lâm Yên chúm chím cười, ngó vô trong nhà một cái rồi mới day lại hỏi:

- Thầy không biết hay sao? bà Huyện ngồi phía trong mặc quần đen áo trắng đó.

Người trai đó nghe nói liền bước vô; đi ngang quan Phủ không biết ai, song cúi đầu xá ngài một cái, rồi mới đi ngay lại bộ ván xá hai bà. Bà Huyện Hàm thấy người lạ, không biết là ai nên ngồi ngó xửng; bà vừa muốn hỏi thì người trai ấy thưa rằng:

- Thưa dì, cha tôi đau bịnh gì mà mất, mà cha tôi mất hôm nào, sao dì không đánh dây thép cho tôi hay, làm cho tôi không thấy mặt cha tôi như vậy, nghĩ thật là tức tủi quá.

Người trai ấy nói mấy lời rồi đứng khóc rống lên nghe rất thảm thiết. Cả nhà ai nấy đều chưng hửng, mà người chưng hửng nhiều hơn hết là bà Huyện Hàm, bởi vì vợ chồng ăn ở với nhau trót 22 năm trời, biết rằng hồi trước chồng mình có người vợ trên Chợ Lớn, nhân vì người vợ ấy trắc nết, nên chồng mình giận bỏ xứ đi xuống Cái Cùng làm ruộng rồi sau mới gặp mình, song không nghe nói ở với người vợ đó có con, mà sao bây giờ tên trai nầy lại đến nói như vậy? Bà Huyện ngồi suy nghĩ không biết nói sao được. Quan Phủ bà Phủ và hội Ðồng Lâm Yên đều chong mắt ngó bà, có ý đợi bà trả lời đặng cho biết người trai ấy là ai.

Cách một hồi người trai ấy mới bớt khóc, bà Huyện mới hỏi rằng:

- Thầy là ai ở đâu, thuở nay tôi không biết mà sao thầy lại đến đây mà chuyện gì lạ dữ vậy?

Người trai ấy vòng tay đáp:

- Thưa dì, tôi tên là Huỳnh Tú Cẩm, trưởng nam của cha tôi, dì không biết mặt mà dì cũng không nghe cha tôi nói nữa sao?

- Không mà, ổng cưới tôi đã 22 năm nay, có một đứa con gái mà thôi chớ ổng có con tí con riêng nào ở đâu.

- Thưa dì, tôi là con dòng chánh, má tôi là Lưu Mỹ Lệ. Sanh tôi rồi cha mẹ tôi cắn đắng với nhau, cha tôi buồn rầu rồi mới giao tôi cho ông ngoại và bà ngoại tôi nuôi, đặng rảnh chân rảnh tay đi làm ăn, vậy thuở nay cha tôi không nói cho dì biết hay sao?

- Không. Tôi biết ổng có một người vợ trước, nhưng mà người vợ đó không có con mà.

- Thưa có chớ! Con là tôi đây.

Bà Huyện ngồi ngẩn ngơ, liếc ngó bà Phủ rồi ngó quan Phủ với hội đồng Lâm Yên có ý muốn hỏi coi phải làm sao mà phân giải. Bà Phủ chúm chím cười rồi têm trầu ăn, không nói chi hết. Quan Phủ thì nhịp giày dưới gạch, day mặt ngó ngoài sân, gục gặc đầu, coi bộ không muốn can dự tới. Còn Lâm Yên ngó Huỳnh Tú Cẩm trân trân ý muốn bà Huyện đuổi phứt đi cho rồi, song không biết kế chi mà bày cho được. Tú Cẩm lấy khăn lau nước mắt rồi bệu bạo nói:

- Cha tôi không muốn cho tôi về ở chung một nhà, hồi tôi còn nhỏ biểu tôi phải ở trên Chợ Lớn đặng học, chừng tôi khôn lớn rồi lại biểu tôi ở trển làm việc đừng có xuống dưới nầy muỗi mòng cực khổ. Lần nào về Sài Gòn cũng cho tiền, năm ngoái lại mua đất rồi cất nhà cho tôi ở. Phải tôi dè cha tôi mạng vắn như vầy, thì cha đâu con đó, đặng chết sống thấy mặt nhau chớ tôi có chịu ở tư ở riêng làm chi đâu.

Tú Cẩm nói rồi lại khóc rống lên nữa. Bà Huyện ngồi lặng thinh, mà sắc mặt coi lo lắm. Hai vợ chồng quan Phủ đứng dậy cáo từ ra về. Khi ra tới cửa bà Phủ day lại nói với Bà Huyện:

- Chuyện bầy trẻ nhỏ đó, bà Huyện phải liệu lại, chớ nói như vậy tôi không nghe đa.

Bà Huyện đáp rằng:

- Thưa bà lớn, tại ổng trối như vậy, bây giờ tôi cãi lời sao được.

Bà Phủ nói với:

- Không biết bà liệu sao thì liệu lấy.

Bà Huyện trở vô nhà, khi đi ngang qua bàn giữa, hội đồng Lâm Yên đứng dậy thưa:

- Thưa chị, tôi với quan Huyện thuở nay anh em thương nhau lắm, vì biết tâm trí của nhau nên quan Huyện trối như vậy. Chị nghĩ đó mà coi, phận tôi đâu dám sánh với quan Phủ, vì quan Huyện thương tôi nên phú thác việc nhà cho tôi. Hồi nãy chị cũng đã thấy, vợ chồng quan Phủ giận lắm. Nhưng chị đừng ngại chi hết. Việc nhà có chi uất trắc, chị chịu khó kêu trẻ kêu tôi lên tôi tính cho, không sao đâu mà sợ. Quan Huyện đã trối như vậy mà bà Phủ hăm dọa nỗi gì. Cha chả, có lẽ nào phải ép chị vị lòng quan Phủ mà quên lời trối của quan Huyện được hay sao?

Bà Huyện gật đầu đáp:

- Việc đó rảnh rang để vài bữa tôi sẽ tính. Vợ chồng quan Phủ có giận thì giận chớ tôi đâu dám cãi lời chồng tôi.

Lâm Yên nghe nói rất mừng nên cáo từ rồi cũng lên xe hơi ra về. Bà Huyện vừa muốn xây lưng lại muốn trở vô buồng Tú Cẩm bước tới đón mà hỏi:

- Thưa dì, dì thờ cha tôi chỗ nào đâu, xin dì cho phép tôi đến trước bàn thờ tôi lạy cha tôi?

Bà Huyện nghe nói đứng khựng, không biết sao trả lời nên bỏ lại ván ngồi ăn trầu không nói chi hết, một lát liếc ngó Tú Cẩm một cái nhưng sắc mặt lo lắng lắm.

Tú Cẩm thấy vậy bèn kéo ghế ra ngồi, rồi nói bệu bạo rằng:

- Sớm mai hôm qua người quen ở Sóc Trăng đi Sài Gòn gặp tôi họ nói cha tôi mất rồi tôi mới hay. Tôi nghe tin chẳng khác nào sét đánh bên tai. Tôi khóc gần hết nước mắt, lật đật về nấu cơm cúng rồi xé khăn tang bịt. Tôi nóng nảy quá, tưởng là mới mất, dì còn quàng để một đôi tháng nên đêm hồi hôm tôi mướn xe hơi đi riết xuống đây. Tôi không dè dì chôn gấp quá, thiệt tôi nghĩ chừng nào tôi càng thêm tủi chừng ấy.

Tú Cẩm nói tới đó rồi khóc tấm tức tấm tửi, Phi Phụng ở trong buồng lén dòm thấy khách về hết, nhưng sao lại thấy có một người trai lạ ngồi khóc, không hiểu người ấy là ai nên đứng dựa vào cửa buồng, đứng lóng tai nghe.

Cách một hồi bà Huyện mới tằng hắng rồi nói:

- Thầy nói nghe kỳ quá, tôi không biết sao mà nói với thầy. Tôi biết ông Huyện của tôi hồi sanh tiền không có con riêng nào hết. Vợ chồng ở với nhau đã 20 năm trường lẽ nào ổng có con riêng mà tôi không biết. Thầy nói sao chớ!

Tú Cẩm đáp rằng:

- Thưa dì, trong ý dì tưởng tôi giả mạo đến đây đặng tranh gia tài hay sao?... Thưa dì, đời nầy luật pháp hẳn hòi, nếu ai có quyền hưởng gia tài thì mới hưởng được, chớ dễ gì mà giả mạo. Tôi là con, có khai sanh, rành rẽ chớ tôi đâu có giả mạo.

Tú Cẩm nói tới đó rồi liếc ngó bà Huyện, có ý muốn xem coi sắc mặt bà thế nào, bà Huyện nghe nói có khai sanh rành rẽ, thì bà biến sắc trong trí lo sợ không biết Tú Cẩm đến đây là để tranh gia tài, hay là đến có ý khác. Vã lại không biết Tú Cẩm có quyền tranh gia tài hay không, nên bà ngồi suy nghĩ một hồi lâu rồi bà mới nói:

- Không được, thuở nay tôi không biết thầy là ai, bây giờ ông Huyện mất rồi thầy đến nói như vậy tôi tin sao được.

- Thưa dì, tôi là con ở xa, nghe cha chết lật đật xin phép dì đặng tôi lạy cha tôi, mà dì không cho thiệt dì hẹp quá.

- Tôi không biết mà sao cho thầy lạy cho được.

- Thưa dì, rất đổi là người dưng nghe cha tôi chết đến điếu bái dì còn cho lạy thay, huống chi tôi là con trong nhà?

- Phải, họ là người dưng nhưng tôi biết họ, chớ thầy tôi không biết mà lại xưng là con tôi khó liệu quá.

- Nếu dì không cho tôi lạy cha tôi cũng không dám trách dì. Nhưng xin dì thương phận tôi, chớ dì làm như vậy cũng tội nghiệp cho phận tôi lắm chớ.

- Nếu thầy thiệt là con, thầy phải làm sao cho ra thiệt lẽ chớ thầy nói ngang như vậy không được.

- Thưa dì, tôi cũng biết xét phận tôi. Dầu dì không thương dì đuổi tôi về chớ. Ðâu tôi dám kiện thưa dì.

- Như thầy thật là con, thầy có thương thầy để bụng, chớ tôi đâu có biết thầy là ai đâu mà nhìn thầy.

- Thôi, dì không cho tôi lạy cha thì thôi. Song dì làm phước chỉ dùm mộ của cha tôi đặng tôi đến đó thăm một chút cũng được.

Bà Huyện ngồi suy nghĩ một hồi rồi mới đáp:

- Tôi tang ổng ở dưới ruộng; thầy biết ở đâu mà chỉ cho thầy.

- Xin dì cho người nhà dắt tôi đi.

- Không được. Dưới Cái Cùng xa lắm, chớ phải ở gần đây hay sao?

(thiếu)

- Không phải là tôi không cho. Tôi không biết thầy là ai, tôi làm sao dám chỉ mồ mã cho thầy.

Tú Cẩm xụ mặt coi sắc giận dữ lắm, vùng đứng dậy nói:

- Thôi, nếu muốn biết rồi sẽ biết. Thưa dì tôi về.

Tú Cẩm xá bà Huyện rồi bước ra về. Ra tới cửa anh ta đứng suy nghĩ rồi lại trở vô nói:

- Thưa dì, con em tôi nó có ở nhà hay không. Xin dì cho tôi thấy mặt nó một chút, kẻo xưa nay nghe cha tôi nói hoài song tôi không được biết mặt nó.

Bà Huyện nói rằng:

- Nó đi khỏi.

Tú Cẩm mới xá nữa rồi ra đi. Bà Huyện dòm theo cho đến chừng Tú Cẩm lên xe hơi chạy đi rồi, bà mới ngồi khoanh tay thở dài. Phi Phụng ở trong buồng bước ra hỏi thăm coi ai lạ mặt mà xưng con như vậy, bà Huyện đem hết tình hình thuật lại cho Phi Phụng nghe. Phi Phụng ngồi suy nghĩ giây lâu rồi mới hỏi mẹ rằng:

- Mà thiệt má có nghe ba nói có con riêng hay không?

- Không

- Nếu không có, chắc thầy nầy thầy giả mạo chớ gì.

- Má cũng nghi lắm, nên má không cho thầy lạy và cũng không chỉ mộ.

- Họ thấy nhà mình giàu, họ mạo xưng con cháu đặng xin tiền chớ gì? Má đừng có tin

- Con tưởng má dại lắm sao?

- Nầy, mà người đó xưng là con của ba vậy má coi gương mặt có giống ba chút nào hay không?

- Má coi kỹ lắm, ba con mặt dài, còn thầy nầy mặt tròn như vậy giống nỗi gì, chân tóc, cánh tay, chân mày, bàn tay không có chỗ nào giống hết và tướng đi giọng nói cũng khác nữa.

- Má nhìn thiệt kỹ hay không?

- Kỹ lắm chớ.

- Nếu không giống mà xưng con nỗi gì!

-Bà Huyện cười xong trong trí cũng không được yên nên đứng dậy đi vô buồng nằm liền.

------------------------------

32 trang nghiêm, cẩn thận

33 (couper), cắt, hớt tóc

CHƯƠNG 4 -

Ở Tòa bố đi lại tòa án, đi chừng nửa đường, thấy bên tay trái có một cái nhà trệt năm căn, nền xây, nóc cũ, trước sân có mấy cây gáo lớn, sau hè có một dãy nhà nhỏ, hai bên có trồng mấy hàng lan trổ bông đỏ, đó là dinh của quan Phủ Trần Bá Thiện.

Trời vừa đứng bóng, trong nhà Bá Kỉnh xếp tay sau lưng, đi qua đi lại miệng hút gió. Ngoài thềm có một tên lính đương ngồi, trước cửa ngõ con chó cò (chó trắng) nằm dưới bóng lim; con chó cò thấy Bá Kỉnh đứng dậy ngoắc đuôi chạy theo mừng, tên lính lật đật chạy ra xá còn Bá Kỉnh mon men đứng ra trước thềm miệng cười ngỏn ngoẻn, mắt liếc cha mẹ, tuy không hỏi, song ý muốn biết coi cha mẹ ra nhà bà Huyện Hàm, vậy đã tính việc hôn nhơn của mình xong hay chưa.

Quan Phủ về nhà lột khăn để trên bàn rồi đi thẳng lại ghế giữa ngồi. Bà Phủ đi lại bộ ván lót dựa cửa sổ và lấy trầu têm và nói:

- Con mẹ mới học mặt làm giọng sang, giọng nó nói nghe phát ghét. Nó lại dám khinh thị mình nữa chớ! Tôi đã nói với ông rồi đa, tôi không thèm làm sui với con mẹ nhà Huyện Phán đâu.

- Cha chả! Mình như vầy mà nó dám chê để gả nó cho quân cờ bạc! Thôi, đừng thèm, thiếu gì con nhà giàu sang bằng mười nó, nó tưởng mình cầu nó hay sao? Nầy ông phải tính sao đặng rửa hờn, chớ để nó khinh dể mình như vậy xấu hổ lắm, nói cho ông biết.

Quan Phủ vuốt râu nói:

- Ðể đó cho tôi mà, để tôi làm cho nó biết sức tôi. Bếp, ra biểu đây! Tên lính nghe kêu dạ rân lật đật chạy ra. Quan Phủ mới dạy:

- Lát nữa mầy đi lên trên nhà khách hoặc đi ra ngoài chợ kiếm coi có cái xe hơi số G.C208 đậu đâu hay không. Như mầy kiếm được mầy mời người đi xe đó tên là Huỳnh Tú Cẩm vô đây cho tao nói chuyện, nhớ không?

Tên lính dạ, đoạn xá quan Phủ ra đi. Tới ba giờ chiều Tú Cẩm ngừng xe hơi ngay cửa quan Phủ và vội vàng đi vô nhà. Quan Phủ ngồi trong ngó thấy lật đật ra cửa tiếp rước niềm nở lắm. Quan Phủ mời ngồi rồi hỏi:

- Sao? Bà Huyện tính dắt thầy xuống thăm mộ ông Huyện hay không?

- Thưa, không.

- Hứ, sao vậy?

- Thưa, dì tôi không muốn nhìn biết tôi. Rất đỗi là tôi xin lạy cha tôi còn không cho thay, huống chi là dắt đi thăm mộ.

- Tình cha con người ta, có lý nào bà Huyện lại không nghĩ đến.

- Thưa, tôi nãn nỉ hết sức mà dì tôi không cho tôi lạy. Bà Phủ đương ngủ trưa trong buồng, nghe nói chuyện giựt mình thức dậy đi ra, không kịp rửa mặt nên tóc xụ hai bên lổ tai, mặt còn sật sừ. Bà chào Tú Cẩm và kêu đứa ở lấy khăn nước đem ra cho bà lau mặt. Bà vén tóc lên để lau, và nói với Tú Cẩm:

- Bà Huyện ở ác thiệt! Cha người ta mất đã không chịu đánh dây thép, hoặc sai người đi nói cho người ta hay, bây giờ người ta tìm đến, lại không chịu cho người ta lạy, coi còn ai nhẫn tâm như thế hay không?

Quan Phủ tiếp nói:

- Tôi là anh em bạn thiết của ông Huyện. Thuở nay ông Huyện có việc gì cũng đều nhờ tôi hết thảy. Có tôi giúp nên mới được chức Huyện Hàm đó đa. Hồi trước ông Huyện thường nói với tôi rằng ổng có một người con trai đầu lòng ở trên Chợ Lớn. Tôi có khuyên ổng đem về nhà mà nuôi. Ông nói bà Huyện khó lắm nên ổng không dám. Thiệt bây giờ tôi mới biết bụng của bà Huyện. Hèn chi ông Huyện không dám nhìn thầy cũng phải lắm mà!

Tú Cẩm ngồi ngó quan Phủ, bộ coi ra lo lắm.

Bà Phủ lại nói:

- Tình cha con người ta mà ở vậy coi tức quá! Hay là bà Huyện sợ thầy giành gia tài?

Tú Cẩm ngó bà Phủ trân trân, song cũng không trả lời. Quan Phủ lại tiếp nói:

- Bà Huyện sợ liệu khỏi hay sao? Sự nghiệp của cha người ta tự nhiên phải chia cho người ta hưởng với, chớ bả giành ăn hết một mình được hay sao? Ôi! Mà hồi trước ông Huyện có làm khai sanh cho thầy đủ phép hay không?

- Thưa, có.

- À! Nếu thầy có khai sanh tự nhiên phải chia gia tài cho thầy chớ. Nếu bà Huyện không chịu thầy làm đơn kiện đi. Tôi chỉ dùm cho, không hại chi đâu mà sợ, tức người ta quá mà!.

Tú Cẩm nhớ tới những lời hội đồng Lâm Yên nói với bà Huyện Tú Phan hồi sớm mai thì biết quan Phủ xúi kiện ấy là vì bà Huyện không chịu làm sui với ngài, để làm sui với Lâm Yên ngài giận. Tú Cẩm muốn thừa cơ hội đặng lập thêm vi kiến (vây cánh), song lại nghĩ rằng quan Phủ tử tế với mình đây là ngài muốn cậy tay trả oán riêng dùm ngài, chớ không phải ngài động tâm vì nghĩa, người dường ấy dù thế lực bao lớn, dẫu trí thức bao nhiêu cũng chẳng nên tin cậy lắm. Vã lại, người ta là người quyền thế trong tỉnh, lại có tính hẹp lượng, hễ ai làm sai ý thì giận dữ, ai làm mất lợi thì thù hằn nay ngài nói theo mình coi dễ lắm, sợ mai ngài nói theo bà Huyện cũng chẳng khó gì, người dường ấy mình cũng chẳng nên làm mích bụng. Tú Cẩm nghĩ như vậy rồi thưa:

- Thưa, tôi đến đây tứ cố vô thân, quan lớn có lòng thương tôi đội ơn hằng ngày. Ngặt là vì tôi phận làm con! Cha tôi mới mất, nấm mồ chưa khô, dầu dì tôi không thương tôi cũng phải chịu chớ tôi đâu dám sanh sự thưa kiện. Ðể thủng thẳng tôi cậy quan lớn với bà lớn làm ơn nói dùm, có lẽ lần lần hoặc may dì tôi hồi tâm mà thương tôi chăng.

Bà Phủ gật đầu đáp:

- Nói như thầy vậy phải đa. Ði kiện bây giờ đã hao tốn lại còn mang tiếng không tốt. Thôi, để ít ngày rồi vợ chồng tôi nói giúp cho, nhưng bây giờ thầy tính đi về hay còn ở dưới nầy chơi?

- Thưa bà lớn, tôi xuống Cái Cùng tìm viếng mộ của cha tôi vài bữa rồi tôi sẽ

về.

- Ồ, nếu thầy còn ở dưới nầy, vậy để chiều hoặc mai tôi ra nói dùm với bà Huyện thử coi. Thôi, chừng thầy ở Cái Cùng về, thầy ghé đây tôi trả lời cho.

- Dạ, nếu quan lớn với bà lớn nói giúp dùm cho tôi, tôi đội ơn ngàn ngày. Tú Cẩm ra đi rồi, vợ chồng quan Phủ mới bàn với nhau tính dùng Tú Cẩm đặng hăm dọa Huyện Phan, nếu bà sợ Tú Cẩm dành gia tài bà khứng làm sui với mình đặng cậy thế mình sẽ hăm dọa Tú Cẩm lại rồi biểu bà Huyện cho nó năm ba trăm đồng bạc thôi, còn như bà Huyện không chịu làm sui thì dầu bà có nhìn Tú Cẩm hay không nhìn mình cũng xúi Tú Cẩm đi kiện đặng bà Huyện bái xái chơi cho bỏ ghét.

Sáng bữa sau, bà Phủ ra nhà bà Huyện Hàm vừa mới bước vô cửa bà làm bộ bơ lơ bãi bãi nói rằng:

- Bà Huyện chu chã! Việc đã tùm lum mà sao bà ngồi ở nhà đó? Bà Huyện lật đật đứng dậy chào và hỏi rằng:

- Thưa có việc chi mà tùm lum?

Bà Phủ ngồi rồi đáp:

- Vậy chớ bà tính với người trai hôm đó làm sao bây giờ nó cậy đến ông Phủ đặng làm đơn dùm đặng nó đến tòa kiện bà xin tòa giao gia tài hết cho nó.

- Thưa, nó muốn kiện tự nó, chớ tôi có tính việc gì với nó đâu.

- Bà nói như vậy sao được.

- Thưa, chớ tôi biết nói sao bây giờ? Thuở nay tôi không biết nó là ai, nay ổng mất rồi nó đến xưng là con riêng của ổng, tôi có biết nó thiệt hay giả mà nhìn.

Bà Phủ lết lại ngồi gần bà Huyện và nói nhỏ:

- Nầy, nó có khai sanh và thơ từ của ông Huyện cho ông Phủ coi đủ hết. Thiệt nó là con riêng của ông Huyện chớ đâu phải là giả mạo đâu. Ông Phủ thấy nó khóc lóc năn nỉ thì động lòng nên coi ý ổng muốn giúp nó để kiện bà. Vậy phải liệu thế nào, chớ để nếu nó vào đơn rồi khó gở lắm đa.

- Nó muốn kiện thì kiện, tôi có sợ chi đâu. Ai cũng biết vợ chồng tôi làm cháy da phỏng trán mới có được gia sản chút đỉnh nầy. Nay rủi ổng qua đời rồi mẹ con tôi tưởng; dầu có thiệt là con riêng của ổng đi nữa, có công lao gì mà bây giờ lại tranh? Quan tòa công bình lắm, nó có kiện thì kiện chớ có lý nào tòa lại dạy tôi phải giao gia tài cho nó được.

- Bà không hiểu lề luật, bà nói ngang quá! Theo luật bây giờ hễ của cha là con hưởng, nếu bà có giỏi lắm bất quá bà dành lại chừng phân nửa là phần thật con hai đó thôi, bề nào bà cũng phải chia cho nó nửa.

- Có được đâu.

- Theo luật bà cãi sao được?

- Ruộng đất của tôi, nhà cửa cũng của tôi, ai làm sao dành được?

- Ô, thôi, bà để rồi bà coi.

- Thưa, tôi không sợ chi hết.

- Bà Phủ hăm dọa quá song vẫn thấy bà Huyện không nao núng, không biết tính sao, nên suy nghĩ một hồi rồi nói ngọt:

- Nầy, Bà Huyện, bà nói như vậy tôi nghĩ cũng phải đôi chút. Nhưng bà phải xét lại, chớ theo ý tôi hễ kiện thưa đã thất công lại hao tốn của bà lắm chớ không phải dễ. Vậy là thà bà liệu kế nào tính cho êm chẳng hay hơn sao.

- Người ta muốn kiện, tôi biết làm sao cản được.

- Tôi biết bây giờ có một mình ông Phủ ổng cản được? Ngặt hôm qua bà nói chuyện đó ông Phủ ổng phiền quá, bây giờ tôi có dám nói với ổng đâu.

- Thưa, hồi ông Huyện tôi còn sanh tiền quan Phủ ăn ở tử tế với quan Huyện tôi quá? Có lý nào ông Huyện tôi mới mất quan Phủ lại đành giúp thiên hạ đoạt sự nghiệp của tôi sao?

- Ừ, tôi cũng có nói với ổng như bà mới nói đó. Song ổng trả lời rằng bà là chị em còn thằng kia là con cháu nó cũng là máu thịt của ông Huyện; nay bà giàu có, bà không chịu nhìn nhận nó, để nó nghèo cực cũng tủi bụng của ông Huyện dưới cữu tuyền, bởi vậy nếu bà muốn hòa, bà nên chịu khó vô nói phải trái với ổng đôi lời rồi hứa làm sui tôi chắc ổng hết phiền bà nữa, mà hễ ổng không dự thì thằng kia không dám kiện. Bà tính lại đi.

- Thưa, sự làm sui ông Huyện đã có trối như vậy, tôi đâu dám cãi lời.

- Ối, lúc hấp hối ông Huyện ổng nói càn, hơi nào bà nghe theo.

- Thưa không được. Lời trối của chồng nếu mình cải đi, ngày sau mình chết xuống cữu tuyền còn mặt mũi nào thấy chồng nữa.

- Nếu vậy bà nhứt định làm sui với thằng hội đồng Lâm Yên thật hay sao?

- Thưa, tôi phải làm theo lời chồng tôi dặn.

- À, nếu vậy thì tại bà, ngày sau chị em khỏi trách nhau. Bà Phủ biết nói không được nữa, nên làm giận đứng dậy cáo từ ra về. Một vị tri Phủ trong tỉnh, quan trên ngó xuống thì yêu chuộng, dân dưới dòm lên thì kính sợ, muốn việc gì cũng được hết, chẳng ai dám ngăn trở, tính việc gì cũng được hết chẳng ai dám cãi lẽ. Thuở nay được ngôn tính kế tùng đó quen rồi, nên tưởng mình cũng như thần thánh ai có món ngon vật quý đều phải đem nộp dâng; tưởng bạc vàng ruộng đất của dân sự ấy là của mình hễ chừng nào mình muốn họ phải sớt chia cho. Tâm tính của vợ chồng quan Phủ như vậy, nên tính làm sui với Huyện Hàm Tú Phan mà tính không xong, tự nhiên tức giận, không thể nào nguôi ngoai được. Tưởng lại trong lúc ấy nếu có một nhà giàu nào giàu hơn nhà Tú Phan và con gái lại dung nhan đẹp đẽ hơn Phi Phụng, Ðến xin làm sui với quan Phủ đi nữa, chắc vợ chồng quan Phủ chịu liền, chẳng hề tiếc Phi Phụng một chút nào hết, nhưng dầu kết được thông gia với nhà khác, giàu hơn, sang hơn tuy vui mừng thật, song trong lòng vẫn chẳng hết giận bà Huyện Phan được.

Tức! Tức lắm! Cách vài năm trước dòm thấy Tú Phan giàu lớn mà có một đứa con gái thôi, vợ chồng quan Phủ tính kết sui gia đặng cho con mình ngày sau được sung sướng. Muốn sui gia đồng bực, khỏi ai cười dưới trèo lên, trên với xuống, nên bày mưu thiết kế đặng làm cho Tú Phan được chức Huyện Hàm, theo người khác cái công ắt có lợi nhiều, nhưng với ông Phủ, vì muốn bắt cá lớn nên chẳng nệ công ngồi câu, bởi

vậy cho nên không có lợi gì, mà trong bụng mừng thầm chắc rằng cái nghĩa ấy ngày sau sẽ có lợi lớn. Nào dè công ngồi câu mệt nhọc cá vẫn vơ không chịu táp mồi lại còn nhảy vào rổ của người câu khác.

Cái giận mất oai, tuy cũng giận, song giận bề ngoài, chớ cái giận mất lợi thì giận thấu xương, vậy giận rồi sanh oán. Tánh tình người thiếu đức dục đều giống như vậy hết, duy người biết liêm sĩ, trọng danh dự mới không vì danh lợi mà giận, có giận là giận người làm cho mình phạm nghĩa hoặc động đến danh giá của mình thôi. Vợ chồng quan Phủ hầm hầm, trông cho Tú Cẩm trở về đặng xúi Tú Cẩm đi kiện để làm hại bà Huyện Hàm chơi cho bỏ ghét.

Cách hai bữa Tú Cẩm đi Cái Cùng ghé ý muốn dọ coi bà Huyện liệu lẽ thế nào. Bà Phủ nói rằng bà đã nói giúp hết lời, nhưng bà Huyện Hàm nằng nặc quyết không chịu nhìn biết Tú Cẩm. Bà nhắc tới chuyện đó bà giận thiệt, nên luôn dịp ấy bà mới xúi Tú Cẩm đi kiện. Tuy Tú Cẩm biết bà giận đó không chắc giận dùm việc của mình, song cũng dạ dạ cầm chừng, nói rằng để về Chợ Lớn ít bữa sắp đặt viêc nhà xong sẽ tính việc thưa kiện.

Tú Cẩm qua Sóc Trăng giao tờ khai sanh cho trạng sư, rồi mướn làm đơn kiện bà Huyện Tú Phan, xin tòa phải dạy niêm yết hết tài sản và lên án giao lại cho mình hưởng. Bà Huyện Hàm ỷ lại tài sản của chồng để lại là tài sản của vợ chồng làm ra, bà chắc ý không ai tranh được, nên bà chẳng sợ chi hết. Bà vâng theo lời trối của chồng nên bà định ngày rồi cho hội đồng Lâm Yên đi hỏi, song vì trong nhà có tang, bà không muốn làm rình rang nên bà xin họ đàng trai đi ít người trong thân thôi, chớ đừng có mời đông người.

Còn 5 ngày nữa mới tới đám hỏi, bỗng đâu trưởng tòa đến trình án rồi làm sổ biên hết gia tài đồ vật trong nhà. Bà Huyện Hàm bối rối vô cùng, muốn chạy cậy quan Phủ lo tính dùm song nhớ lại quan Phủ đã nghịch rồi làm sao cậy được? Bà sai người xuống Trà Kha mời hội đồng Lâm Yên lên, rồi bà thuật lại việc nhà lại cho ông sui nghe. Lâm Yên làm mặt lạnh khuyên bà đừng lo, có mình bao bọc cho, ai làm gì cũng không được đâu mà sợ. Lâm Yên thiệt hết lòng bảo bọc, bởi vì quyền lợi bà Huyện bây giờ là quyền lợi của mình, nên lên Cần Thơ mướn trạng sư chống trả với Tú Cẩm.

Tú Cẩm không thèm qua Bạc Liêu nữa, vì sợ quan Phủ kể công ơn, nên cứ ở bên Sóc Trăng, để cho trạng sư đi hầu. Tuy vậy vợ chồng quan Phủ đi đâu cũng đều khoe khoang, nói tại bà Huyện không nghe lời mình nên mới sanh sự như vậy, chớ nếu bà Huyện nghe lời thì Tú Cẩm đâu dám thưa kiện. Bà Huyện không phiền quan Phủ và chẳng hề ăn năn về sự bà tự hôn bao giờ. Tuy vậy bà lo quá nên bà xin với Lâm Yên đình đám hỏi lại, đợi việc nhà xong rồi bà sẽ định ngày khác. Lâm Yên thấy cá đã vào giỏ rồi, trước sau gì mình cũng ăn, chớ không ai giành được, cũng chịu đình đám hỏi.

Việc kiện dây dưa đến 5, 6 tháng tòa Bạc Liêu cũng chưa xử được. Trạng sư của bà Huyện cãi lẽ, nói rằng Tú Cẩm mạo tên chớ không phải là con, dầu con thiệt đi nữa gia sản của Tú Phan là gia sản của bà Huyện hưởng trọn đời, chừng nào bà trăm tuổi già thì Phi Phụng hưởng, chớ Tú Cẩm không có quyền gì giành được. Tòa dạy bà Huyện phải sao lục nộp một tờ hôn thú của bà và một tờ khai sanh của Phi Phụng.

Bà mướn lục hết sức song trong bộ đời không có hôn thú của bà và không có khai sanh của con. Hởi ôi! Chừng ấy bà mới biết khi trước nhà nghèo không dè ngày sau có sự lớn đến nỗi chúng thèm, nên ngày nay bà mới thất lý như vậy. Bà tính cậy làng tổng chứng nhận dùm rằng bà là vợ, còn Phi Phụng là con của Tú Phan, quan Phủ hay tin liền kêu làng tổng dặn trước, nên không ai dám đứng ra làm chứng hết.

Bà Huyện thất lý nên bà lo sợ quá; bà tính cùng thế rồi mới cậy Lâm Yên đi kiếm Tú Cẩm năn nỉ dùm cho bà. Bà nhứt định nếu Tú Cẩm bãi nại dù Tú Cẩm đòi ăn năm ngàn đồng bà cũng chịu. Lâm Yên chịu đi nói dùm, nhưng vì tiếc 5 ngàn đồng bạc nên không chịu nói, đi chơi vài ngày rồi về nói dối rằng Tú Cẩm không chịu. đến ngày tòa xữ, tòa xét ra Tú Cẩm là con của Tú Phan có khai sanh đủ phép, còn bà Huyện xưng là vợ song không có hôn thú, Phi Phụng xưng là con lại không có khai sanh, nên tòa xử gia tài của Tú Phan chỉ một mình Tú Cẩm được hưởng thôi, song trong án có buộc Tú Cẩm phải cấp dưỡng cho mẹ con Phi Phụng nếu không đem về nuôi thì mỗi tháng đóng tiền cơm một trăm đồng bạc.

Bà Huyện về nói lại cho con hay. Phi Phụng tức giận nên không chịu thua, khuyên mẹ đừng có buồn phải kiếm cớ đặng chống cự cho đến cùng, ví như thiệt thất lý thì giao hết tài sản cho Tú Cẩm và ra tay không, chớ chẳng chịu ở cho Tú Cẩm nuôi, mà cũng không thèm lãnh tiền cấp dưỡng. Bà Huyện nằm khóc hoài, tính hết sức cũng không ra kế chi hết.

Vợ chồng quan Phủ lấy làm đắc ý, ông nói: "Không nghe lời tôi tự nhiên tán gia tại sản, có gì lạ đâu". Còn bà cũng nói: "Đáng đời lắm, có vậy đó con mẹ đó mới hết phách lối".

Hội đồng Lâm Yên nghe bà Huyện thất kiện song không đến thãm, đợi chừng bà Huyện sai người đi mời mới chịu đến, nói dối rằng mấy bữa nay khó ở nên nghe thất kiện không đến được, bà Huyện hỏi ý Lâm Yên coi bây giờ phải liệu thế nào? Lâm Yên khuyên bà Huyện phải chống án lên tòa trên, rồi mướn trạng sư giỏi hơn cãi lẻ chắc phá án được. Bà Huyện nghe lời liền mở tủ lấy một ngàn đồng bạc giao cho Lâm Yên và cậy đi Sài Gòn mướn dùm trạng sư đi chống án.

Qua bữa sau, lúc mặt trời mới mọc bà Huyện đương ngồi uống nước, còn Phi Phụng đương d8ứng gần đó cắt cuống trầu, mẹ buồn xo không nói, không cười, con cũng buồn lơ lững như sầu như não. Tuy ánh mặt trời dọi vào cửa sáng lòa gạch đỏ, tiếng chim sâu kêu bên chái réo tắt giọng đồng, nhưng nhà có việc buồn nên cảnh đẹp cũng chẳng vui, lòng có việc lo rầu dịp vui cũng không muốn. Cách một hồi lâu Phi Phụng mới nói:

- Không biết anh Duy Linh bây giờ ảnh ở đâu? Chớ chi mấy lúc như vầy có ảnh ở gần cậy mượn ảnh tiện quá. Chừng má d8i hầu tòa trên Sài Gòn, má kiếm thử coi gặp ảnh không nghe má.

Bà Huyện gật đầu, bỗng nghe tiếng xe hơi ngừng ngoài ngõ, thấy Tú Cẩm thủng thẳng bước vô nhà. Lần nầy Tú Cẩm mặc bộ đồ Tây trắng, song trên nón và dưới cánh tay có quấn nỉ đen. Bà Huyện vừa ngó thấy thì nói:

- Thằng đó nó còn đến đây làm chi nữa!

Phi Phụng ngó ra cửa và hỏi:

- Ai đó má?

- Tú Cẩm chớ ai.

- À, vậy hay sao?

Phi Phụng nghe nói tới tên Tú Cẩm giận dữ, nên lại đầu ván dựa cửa sổ ngồi, có ý muốn biết coi anh ta đến nói việc chi. Tú Cẩm bước vô nhà, thấy bà Huyện đương ngồi ăn trầu nên đi lại đứng ngay trước mặt chào hỏi, thấy Phi Phụng ngồi phía sau liếc ngó một cái, mới lại kéo ghế ngồi, tuy cặp mắt ngó trong ngó ngoài, song ngó đâu rồi cũng ngó Phi Phụng. Bà Huyện không chào Tú Cẩm song Tú Cẩm chào bà, bà cũng không ừ, cách một hồi lâu bà mới hỏi:

- Thầy đã đi kiện mẹ con tôi, bây giờ thầy đến đây làm chi nữa?

Tú Cẩm nghe nói mặt buồn xo, ngồi ngẫm nghĩ một hồi rồi mới đáp:

- Thưa dì, phận con khờ dại, cha con mới mất, nấm mã chưa khô nay con sanh lòng bất hiếu ra thưa kiện dì, cái tội của con đó dì quở trách rầy la bao nhiêu con cũng phải chịu, chớ con không dám chối cãi. Song dì xét lại cho con nhờ. Con mà đi kiện đó chẳng phải là con có ý muốn tranh gia tài, bởi vì con cũng có cơm đủ ăn, áo đủ mặc, chớ không phải đói rách sanh tâm tà quấy. Số là hôm mới nghe tin cha con mất, con đương buồn rầu đau đớn, xuống đến đây dì giận không cho con lạy, lại dì cũng không chỉ mồ mã, con lấy làm phiền lòng, rồi lại bị thiên hạ xúi vô nữa, nên con mới đi kiện lỡ. Nay con xuống đây là để nãn nỉ tạ lỗi với dì, xin dì thương phận con đừng chấp tội nghiệp. Tuy con không ở gần, song con cũng biết cha được giàu lớn như vầy là nhờ công dì cực khổ. Nếu cha con vô phước không sống trăm tuổi để hưởng phú quý vinh hoa, gia tài nầy tự nhiên phải để dì và em con hưởng, nếu dì có lòng thương con, dì cho chút đỉnh ấy là may, còn ví như dì không thương đi nữa không cho con đồng nào hết con cũng phải chịu chớ con đâu dám trách? Con lỡ làm quấy đi kiện dì bây giờ con ăn năn quá, vậy xin dì thứ lỗi cho con. Con ngồi giữa nhà nầy con thề với dì rằng tuy con đặng kiện mặc dầu, mà nếu dì thương, con cũng để hết gia tài lại cho dì và em con hưởng, chớ con đâu dám lãnh.

Bà Huyện thấy Tú Cẩm đến nhà tưởng đặng kiện rồi nên dành gia sản sự nghiệp, chẳng dè Tú Cẩm lại như vậy, làm bà ngạc nhiên không biết trả lời sao. Phi Phụng thấy mẹ lặng thinh nên rước lời đáp với Tú Cẩm:

- Tôi sợ miệng thầy nói thủy chung như vậy chớ bụng thầy không phải như vậy. Nếu thiệt thầy không cố ý tranh gia tài thầy kiện làm gì?

- Thuở nay anh em không gặp nhau lần nào, không biết tánh nhau, nên em mới nghĩ bụng qua như vậy. Nhưng em nên nghĩ lại, nếu qua chủ ý quyết tranh gia tài của cha nay qua đặng kiện rồi qua cần gì xuống đây năn nỉ dì?

- Thầy đặng kiện là đặng kiện tòa sơ, chớ nếu lên tòa trên thầy chắc gì đặng nữa?

Tú Cẩm ngó ngay Phi Phụng miệng chúm chím cười và nói:

- Hễ qua có ý tới đâu qua cũng đặng hết thảy, em đừng nghe lời người ta chống án tốn hao. Nhưng bây giờ qua đã biết lỗi nên qua tới đây xin lỗi dì và xin để nguyên gia tài cho dì và em hưởng trọn, vậy em còn tính chống cự nữa làm chi? Qua nói thiệt với em, dẫu dì có chống án qua cũng chẵng thèm đi hầu.

Bà Huyện nghe Tú Cẩm nói tới chừng nào bà càng ngạc nhiên chừng ấy. Khá thương người chất thiệt vì lòng ngay thẳng nên tưởng mọi người đều ngay thẳng như mình không dè thiên hạ ở đời phần nhiều đều xảo trá, việc phải họ nói ra quấy, việc quấy họ xoay ra phải, họ tính một đường nhưng nói một ngả, người nầy gạt người nọ, hễ nghe hơi tiền là dẹp liêm sĩ, bỏ nghĩa nhân dành giựt nhau, đến nát thân thế, nhục danh dự, mà họ cũng vui làm, bởi hễ ai giành được là hay, ai gạt giỏi là khôn nên đua nhau gạt gẫm dành giựt. Bà Huyện tuy nay đã giàu sang, song bà dốc ở ruộng rẫy. Không nếm trải nhân tình thế thái cho lắm, bà có biết ai gian ai ngay, ai chân thật, ai giả dối. Bà nghe Tú Cẩm nói nhỏ nhẹ dịu ngọt, bà tưởng những lời nói đó là thiệt, bà tưởng giọng dịu ngọt ấy là giọng ăn năn, nên lửa giận của bà nguôi lạnh dần dần, đến chừng Tú Cẩm nói bà chống án anh ta cũng không đi hầu thì bà mừng quá, nên bà vùng nói:

- Nếu thầy biết lỗi thầy không tranh gia tài nầy nữa thì lẽ nào tôi đành để thầy nghèo khổ hay sao?

Tú Cẩm thò tay vào túi lấy khăn lau cặp mắt rồi bệu bạo nói:

- Thưa dì, nếu dì thương con như vậy con kính phục dì biết chừng nào. Từ nhỏ chí lớn con không có mẹ, cha con lại ở xa, lâu lâu mới về thăm giây lát, xưa nay hễ con nhớ tới thân phụ của con, con ngậm ngùi khóc tủi hoài. Ngày nay con đã lớn khôn mà cha con lại lìa trần về âm cảnh. Trên đời bây giờ con chỉ còn có một mình em con, đây là máu thịt với dì là thân thuộc thôi. Vậy nếu dì thương con, con chẳng dám xin dì vật chi hết, chỉ xin dì cho con ở dưới nầy trước là hương khói cho cha con, sau hủ hỉ với dì và gần gụi với em, đặng cho cha yên lòng nơi cửu tuyền và thân con đỡ bơ vơ trên dương thế.

Bà Huyện động lòng quá, không nói chi được hết. Tú Cẩm thừa lúc bà đương bối rối như vầy mới nói riết tới và tính để về nhà bán hết ruộng đất rồi sẽ trở xuống ở.

Tú Cẩm về rồi bà Huyện lộ sắc mừng và tỏ ý muốn sai người đi mời hội đồng Lâm Yên đặng cậy lên Sài Gòn xin trạng sư rút đơn đừng chống án nữa. Phi Phụng cản mẹ, nói rằng không biết chừng Tú Cẩm nghe mình chống án, sợ lên tòa trên mình đặng kiện nên giả mưu lập chước làm vậy, đặng mình bãi nại. Anh ta đã được tòa án sơ rồi nếu mình không chống án, tự nhiên anh ta có lý rồi cách ít ngày anh ta thi hành án ấy để lấy hết gia tài mình mới nói sao được? Bà Huyện nghe có lý nên bà không tính chuyện bãi nại nữa.

Tòa trên cho hay đến rằm tháng chạp sẽ xử. Bữa mùng 8 Tú Cẩm xuống nữa nói với bà Huyện và Phi Phụng rằng có người chịu mua đất, mua nhà rồi, song hẹn ra giêng sẽ làm giấy chồng bạc. Tú Cẩm ở đó ăn cơm và xông pha trong nhà, lên trên lầu, xuống dưới bếp không ngại chi hết mà bà Huyện cũng không ngăn trở. Tú Cẩm cứ kiếm Phi Phụng đặng nói chuyện, hễ nói thì ngon ngọt, giọng thâm trầm, miệng chúm chím cười, mắt láo liên ngó. Ðến tối Tú Cẩm mới nhắc đến chuyện tòa trên đòi hầu, và mớm lời xin bà Huyện đi với mình lên Sài Gòn đặng biểu trạng sư làm bãi nại. Bà Huyện không chịu đi, lại nói nếu Tú Cẩm không cần đắc thất (34) mặc tòa xử thế nào cũng được bề gì cũng đã tốn hao rồi, vậy không bãi nại.

Tú Cẩm biết ý bà Huyện không chịu bãi nại mới tính làm cho bà giải đãi (35) vội nói:

- Dì muốn để tòa xử cũng được. Con nói thiệt bữa đó con không đi hầu, vái cho tòa xử cho con thất đặng con khỏi mang lỗi với dì.

Bà Huyện nghe nói càng mừng, bởi vậy đêm ấy bà nói chuyện với Tú Cẩm cho với 1 giờ khuya mới đi ngủ.

Sáng bữa sau Tú Cẩm trở về Chợ Lớn. Bà Huyện xuống nhà Lâm Yên thuật chuyện Tú Cẩm không thèm đi hầu cho Lâm Yên nghe và cậy Lâm Yên thay mặt đi hầu thế cho bà, Lâm Yên bị nóng lạnh mấy bữa, trong mình không được khỏe, lại nghe Tú Cẩm nói không đi hầu không lo sợ chi nữa, nên nói với bà Huyện cho Thủ Hiệp đi hầu thế, bởi việc kiện của mình đã có trạng sư lo liệu nên đi cũng được, không đi cũng được. Bà Huyện thì giải đãi như vậy, còn Tú Cẩm hễ xuống Bạc Liêu là nói không đi hầu, mà chuồn về Chợ Lớn có ý lo lắng lắm, đến ngày tòa xử, hai bên trạng sư cãi sơ một hồi, rồi tòa trên bác đơn của tiên cáo và xử y án tòa sơ.

Thủ Hiệp về nói lại cho Lâm Yên hay, cha con dắt nhau lên nói cho bà Huyện nghe làm bà thất sắc. Bà hỏi bữa đó có Tú Cẩm đi hầu hay không, Thủ Hiệp nói thấy có ba người vô nghe tòa xử, và có một người theo nói chuyện với trạng sư của Tú Cẩm hoài. Bà biểu tả sơ hình dạng người ấy té ra quả là Tú Cẩm.

Hai cha con Lâm Yên về rồi bà huyện với Phi Phụng đều lo lắng, bàn tính với nhau hoài không biết Tú Cẩm thiệt giả lẽ nào. Mùng một Tết Tú Cẩm đi xe hơi xuống mừng tuổi, bộ cũng thân thiết, nói cũng nhỏ nhoi như lần trước, nhưng không nói tới chuyện kiện thưa nữa, đến tối cáo từ ra về, nói rằng đợi làm giấy bán nhà xong sẽ xuống ở chung luôn.

Mẹ con bà Huyện nửa tin nửa nghi, nên ăn không ngon ngủ không yên. Qua rằm tháng giêng Tú Cẩm chở hai rương quần áo và dắt một đứa nhỏ tên thằng Su xuống rồi lạy bà Huyện xin ở. Bà Huyện đã thất thế nên không dám chống cự, lại thấy Tú Cẩm nhỏ nhoi thật tình cũng đem lòng thương, bà dạy dọn phòng trên lầu cho Tú Cẩm ở, còn mẹ con bà ở dưới.

Trong hai tháng đầu Tú Cẩm ăn ở mềm mỏng dễ thương lắm, cung kính bà Huyện, bợ đỡ Phi Phụng coi sóc việc nhà, tử tế với tôi tớ. Lần lần anh ta nhân dịp bà Huyện xuống ruộng mới xin phép đi theo. Xuống dưới Cái Cùng anh ta mượn tá điền dắt đi chơi, hễ ra khỏi nhà thì biểu dắt đi xem cho giáp hết mấy sở ruộng của Tú Phan.

Bà Huyện thấy Tú Cẩm ăn ở như vậy, trong lòng bớt nghi, nhứt là thấy Tú Cẩm nhứt định không chịu vô chợ Bạc Liêu chơi, lại quan Phủ gởi thơ mời ba lần song anh ta cứ cáo từ không chịu đến, bà Huyện càng thêm tin nữa. Tôi tớ trong nhà ai cũng kính trọng Tú Cẩm, duy có Phi Phụng hễ thấy mặt Tú Cẩm trong lòng không yên, mặc dầu Tú Cẩm nói với Phi Phụng rất mềm mỏng ngọt ngào, song không hiểu vì cớ nào cô ta không ưa, ở một nhà lại cứ lánh mặt hoài, thậm chí ăn cơm cô cũng ăn riêng, chớ không chịu ngồi ăn chung.

Qua tháng tư Tú Cẩm tính đi Sài Gòn chơi nên xin bà Huyện một ngàn đồng bạc đặng mua đồ. Bà Huyện đưa có hai trăm anh ta lấy nhưng sắc mặt không vui và ra xe hơi đi Sài Gòn liền. Từ ấy về sau anh ta đi chơi thường, hễ đi thì xa hoặc Sóc Trăng, Cần Thơ hoặc Mỹ Tho, Sài Gòn chớ chẳng hề nào chịu chơi trong Bạc Liêu. Mỗi lần đi đều xin tiền nhiều, và lấy xe hơi nhà đi. Bà Huyện than túng anh ta nói hôm tháng giêng góp mấy chục ngàn giạ lúa thiếu gì tiền mà sợ hết.

Bữa nọ có khách ở dưới Trà Kha ghé thăm, thấy Phi Phụng bèn thử hỏi bà Huyện tính chừng nào mới cho Thủ Hiệp đi lễ hỏi. Bà Huyện ngồi ngẫm nghĩ một rồi rồi đáp rằng bà có ý trông thầy hội đồng Yên, bây giờ bà đã rãnh rang việc nhà rồi vậy nên tự ý thầy muốn định ngày nào cũng được. Tú Cẩm ngồi lóng tai nghe, chừng khách về rồi anh ta mới nói với bà Huyện: "Hồi nãy con nghe chuyện dì gả em con cho Thủ Hiệp phải hay không? Xin dì đừng thèm sui với chỗ đó, con không bằng Ðâu. Lâm Yên tính làm sui với dì là vì nó thấy dì giàu còn Thủ Hiệp tính cưới em của con là nó muốn bán cái bằng cấp của nó. Quân đó ra gì mà gả? Ðể thủng thẳng con kiếm chỗ sang trọng bằng mười nó nữa, chớ quân đó mà sang trọng gì?"

Bà Huyện ngồi ngó Tú Cẩm trên bàn, cách một hồi bà mới đáp: "Khi ổng gần tắt hơi ổng có trối phải gả chỗ đó, bởi vậy tao phải nghe lời. Thế nào tao cũng phải gả cho Thủ Hiệp chớ chỗ nào giàu sang cho mấy đi nữa tao cũng không ham".

- Không được đâu! Gả chỗ đó con không vừa lòng chút nào hết.

- Con của ổng thì ổng gả, ai dám cãi? Ông muốn gả chỗ nào tùy ổng chớ.

- Người ta nói: "Quyền huynh thế trưởng". Cha chết rồi, bây giờ con cầm quyền trong nhà, vậy dì phải để con định.

- Hả! Bây giờ mầy nói nghe trái tai quá! Phi Phụng là con tao, nay ổng mất rồi tao gả nó sao mầy lại cản?

- Không phải con cản không cho dì gả em. Tuy con là trưởng nam nên quyền trong nhà bây giờ thuộc về tay con, song dì muốn gả em thì gả. Con cản là cản không cho gả chỗ đó chớ.

Bà Huyện bỏ đi vô mùng không thèm nói chuyện nữa. Phi Phụng đã không ưa Tú Cẩm, nay nghe Tú Cẩm cãi với mẹ về sự ấy cô giận lắm, một là Tú Cẩm sao dám thị nhục người cha đã hứa hôn, mà mình cũng trộm ước gởi phận trăm năm, hai là giận Tú Cẩm đã ló ngón bất lương, mới ở có mấy tháng mà đã muốn cầm quyền, nếu ở lâu chắc chẳng khỏi đoạt hết sự nghiệp. Cô ta không lẽ nói ra, song trong bụng thầm vái Lâm Yên chọn ngày đi hỏi cho mau, đặng coi Tú Cẩm làm sao cản cho được. Ðêm ấy cô nằm suy nghĩ tới suy nghĩ lui, tính dầu cô ta ưng Thủ Hiệp, Tú Cẩm có giận, chiếu án tòa ra để dành hết gia tài đi nữa, cô ta cũng không cần, bởi vì người còn thì của còn, miễn là đừng phụ lời trối của cha và miễn là có chồng xứng ý thì thôi, dầu nghèo cũng được.

Sáng hôm sau bà Huyện nằm trên ván gác tay qua trán mắt ngó ra cửa sổ. Phi Phụng ngồi thêu dựa bên giường mặt sáng trưng, bàn tay dịu nhiểu. Tú Cẩm ở trên lầu đi xuống, Phi Phụng thấy dạng, xụ mặt coi bộ ghét lắm. Tú Cẩm thấy vậy cười hỏi:

- Tại qua không chịu gả em cho con Lâm Yên nên từ hôm qua đến nay em ghét qua phải hôn? Em đừng giận. Thứ đồ chưng bằng cấp đặng kiếm vợ giàu có nên thân gì. Để thủng thẳng qua chọn chỗ xứng đáng rồi qua sẽ chỉ cho dì gả em.

Phi Phụng giận quá dằn không được, nên buông cây kim đáp sẵn:

- Phận tôi là gái, cha mẹ định chỗ nào phải ưng chỗ ấy, anh không được phép cản trở.

- Qua là anh cả, sao qua không được phép cản? Nếu qua không xem xét để cho dì gả em nhằm chỗ không biết điều, ngày sau em buồn rầu cực khổ trọn đời, há qua không có lỗi hay sao?

- Tôi không cần anh lo cho tôi.

- Qua là anh qua phải lo, chớ qua phải đợi em cầu nữa hay sao?

- Anh ở đây miễn no cơm ấm áo là đủ rồin anh đừng có đèo bồng, anh không được phép xía vô chuyện nhà của tôi.

- À há! Em tưởng qua bần cùng đói cơm thiếu áo nên tới đây ở nhờ ăn bám hay sao?

- Nếu anh giàu sang anh tới đây làm gì?

- Ô hay, nhà của cha qua ở, của của qua qua ăn, chớ em biểu bỏ hết cho em ăn một mình hay sao?

- Tôi không muốn cho anh ở đây nữa.

- Dầu không muốn cũng không được. Có lý nào nhà của qua, qua lại dành cho thằng Thủ Hiệp hay sao? Là thằng điếm cho nó về đây ở, còn qua lại ở chỗ khác.

- Anh lỗ mảng quá, tôi nói trước cho anh biết, người ta không có mặt anh không được mắng lén người ta như vậy đa.

- Tại sao em binh thằng đó dữ vậy?

- Tôi không binh ai hết, song tôi không muốn ai nói lén ai.

- Chừng qua nói dẫu qua nói trước mặt nó qua cũng nói, chớ sợ hay sao qua phải nói lén?

- Nếu có giỏi hãy đến nhà người ta nói đi.

- Thôi, em đừng có giận, để qua hỏi em một điều nầy: Vì cớ nào em ưng Thủ Hiệp, còn không chịu ưng chỗ khác?

- Anh không được phép hỏi chuyện đó.

- Tại sao?

Bà Huyện nằm nghe hai đằng gây gổ với nhau bà đã hiểu ý Tú Cẩm muốn ỷ thế chuyên quyền; bà chắc lần lần rồi đây Tú Cẩm chẳng khỏi dành thâu huê lợi, dành giữ chìa khóa. Bà lấy làm buồn hết sức song vì thất thế bà không biết tính sao, nên bà mới dịu ngọt trả lời thế cho Phi Phụng:

- Tại cha nó đã gả nó cho Thủ Hiệp, bây giờ nó ưng chỗ khác sao được?

- Tôi không chịu chỗ đó.

- Mà tao cũng đã hứa lời với người ta rồi nữa.

- Tự ý dì, nếu dì gả cho Thủ Hiệp tôi không cho đồng tiền nào hết. Chừng nào đám cưới thì dì làm chỗ khác chớ tôi không cho làm trong nhà nầy.

- Mầy nói sao vậy? Tao có xin tiền mầy đâu, mầy lại hăm dọa không cho tiền, còn nhà của tao tao làm đám cưới cho con tao, mà mầy cản nổi gì?

- À, dì đi vay để làm đám cưới thì được, chớ tôi không cho xuất tiền trong tủ. Còn nhà nầy là của tôi, chớ không phải nhà của ai hết.

- Ủa! Bây giờ mầy tính giựt hết gia tài sự sản của tao hay sao?

- Tôi có giựt của ai đâu? Gia tài sự sản nầy của tôi tôi làm chủ có giấy tờ đủ phép, chớ!

Bà Huyện nghe tới đó bà nghẹn cổ, nước mắt tuôn đầm đìa, không nói chi được nữa, Phi Phụng giận run đứng dậy lại chỉ mặt Tú Cẩm nói lớn:

- Mầy là thằng điếm chó! Mầy là quân ăn cướp! Bây giờ mầy tính đuổi mẹ con tao phải không? Trời ơi! Ngó xuống mà coi đây nè! Cha mẹ tôi làm đổ mồ hôi xót con dắt mới có ruộng vườn nhà cửa, bây giờ quân bá vơ ở đâu nó đến giựt, trời ngó xuống mà coi!

Phi Phụng dậm chân than khóc nghe rất thảm thiết. Tú Cẩm ngồi tỉnh như thường và nói huỡn đãi:

- Qua có đuổi em hồi nào đâu? Quan tòa dạy phải nuôi em với dì. Nếu em ở đây qua nuôi đầy đủ chớ! Em ở đây em ăn mặc bao nhiêu qua cũng chịu hết. Song qua không muốn cho em ưng thằng Thủ Hiệp. Em liệu lấy.

Tú Cẩm nói dứt lời rồi bỏ lên lầu. Bà Huyện ngồi khóc không nói chi được. Phi Phụng tức giận mặt mày tái xanh, cô lau nước mắt rồi nói với mẹ:

- Má, thôi má vô tủ lấy quần áo đi chỗ khác mà ở, con không bằng lòng ở đây nữa. Trời đã khiến cho mẹ con mình lao đao lận đận, thì mình phải chịu chớ không nên phiền trách. Mình đã mắc mưu quân khốn khiếp rồi bây giờ còn ở đây làm gì? Đi má, đi cho khuất con mắt, ở đây con thấy mặt nó con khó chịu lắm. Tại má thấy nó khóc lóc nên má tin nên bây giờ đến nỗi nầy. Thôi để nhà nầy cho nó ở.

Bà Huyện nghe con nói bà đau đớn chịu không được, bà cứ ngồi lắc đầu hoài. Cách một hồi bà kêu đứa ở đem xe hơi ra cho bà đi xóm. Phi Phụng không chịu ở nhà nên lên xe cùng đi với bà.

Bà Huyện xuống Trà Kha ghé nhà Lâm Yên thuật lại chuyện đầu đuôi mọi việc cho Lâm Yên và cậy Lâm Yên tính dùm. Phi Phụng ngồi ngoài xe không chịu vô nhà. Lâm Yên nghe nói thì gật đầu ngồi ngẫm nghĩ hồi lâu mới đáp:

- Nó kiện đặng án tòa dưới rồi tòa trên nó cũng đặng nữa, bây giờ làm sao được? Nhà là nhà của nó, nên nó ở bà không phép đuổi, còn nếu nó làm gắt bà còn phải giao hết tiền bạc ruộng đất cho nó nữa.

Bà Huyện tức ấm ức nên nói cho hả hơi bớt thôi, chớ Lâm Yên cũng tính không ra kế chi. Bà trở về đánh liều chạy vô nhà quan Phủ khóc lóc và xin vợ chồng quan Phủ làm phước cứu dùm. Quan phủ lơ láo không muốn nghe còn bà Phủ giọng thấp giọng cao, nói nói cười cười, những lời bà nói ra đều là những lời cay chua chớ không được một lời nào gọi là thương tưởng.

Mẹ con bà Huyện dắt nhau về đến nhà trời đã gần tối. Ðêm ấy bà ngủ không được cứ ngồi khóc hoài. Tú Cẩm không hỏi thăm coi ngày ấy bà đi đâu, lại theo nói dã lã, làm như không có chuyện gì mích nhau. Phi Phụng thấy mặt Tú Cẩm thì giận, nghe tiếng Tú Cẩm thì ghét nên đêm ấy cứ dục mẹ xuống ruộng cất nhà lá ở đừng thèm ở chung với Tú Cẩm nữa. Bà nghe lời con, nên sáng bữa sau bà tom góp áo quần mở tủ lấy bốn ngàn đồng bạc và đồ nữ trang của bà và đồ của Phi Phụng rồi biểu gia đinh dọn ghe cho bà đi ruộng. Tú Cẩm năn nỉ xin bà ở lại nhà, nói rằng lúc ấy trời mưa gió bà xuống ruộng muỗi mòng cực khổ. Mẹ con bà Huyện không thèm trả lời, ăn cơm sớm mai rồi dắt nhau xuống ghe đi tuốt.

--------------------------------------

34 được thua

35 dây dưa, làm lôi thôi để kéo thời giờ

CHƯƠNG 5 -

N

gười trẻ tuổi tính thường nóng nảy, nếu muốn làm việc chi hễ ai ngăn cản buồn rầu không thể khuây được, nếu đã ưa vật nào ai cắt cớ chê vật ấy tức giận không thể dằn được. Có người chê tánh ấy là tánh xấu, còn có kẻ lại khen tánh ấy là tánh tốt. Lời chê không được đúng và lời khen cũng không được nhầm, bởi vì nếu mình muốn làm việc phải, song người ta theo ngăn cản, dường ấy há chẳng đáng hay sao? Còn như việc quấy, mình muốn làm nếu người ta cản sao mình lại buồn. Cái quấy mình lại yêu, nếu người ta chê sao mình lại giận?

Như những người khen chê là người ngoài, mấy việc họ ngó thấy là việc của thiên hạ, không quan hệ chi đến họ nên họ mới thơ thới trong lòng mà nghị luận phải quấy được, thản như họ muốn người ta cản, họ yêu, lại người ta chê, sợ e họ không khỏi tối mắt nóng lòng, rồi họ quyết định chỗ họ muốn là phải, chỗ họ yêu là hay, dầu ai cằn nhằn họ cũng buồn, dầu ai chê trúng họ cũng giận.

Phi Phụng là gái mới lớn lên, tuy tánh tình chơn chánh không chịu nghe lời hoa nguyệt, không ưa thấy dạng bướm ong, song khi cô còn tại trường hay là lúc cô về đến nhà, hễ đêm khuya vắng vẻ, bóng trăng man mát, tiếng dế chắc chiu, cô nằm nhớ việc quá vãng, suy việc tương lai, lắm lúc cô tưởng đến sự trăm năm tơ tóc. Cô thôi học về ở nhà không được mấy ngày, kế cô nghe có ba chỗ gấm ghé muốn vầy duyên cầm sắc. Gái quê mùa dốt nát, coi bạc tiền là trọng, biết ruộng đất mà thôi, chắc ưng ba Quận là con bá hộ Siêu đặng là dâu phú hộ. Gái ham quyền mê tước, muốn kẻ bẩm người thưa, thì chắc ưng Bá Kỉnh là con quan Phủ Thiện, Phi Phụng không phải là không muốn giàu lại cũng không phải là không muốn sang, nhưng tại vì có học mấy năm nên chỗ kiến thức rộng rãi, sự ao ước thanh nhã, bởi vậy tự nhiên cô đành Thủ Hiệp hơn hai người kia, cô không thèm biết Lâm Yên nghèo hay giàu, cô không thèm xét Thủ Hiệp tốt hay xấu.

Cô đã chủ tâm rồi, lại thêm lúc cha gần tắc hơi, là lúc cô đau đớn buồn thảm hơn hết trong đời, cha lại trối phải gả cô cho Thủ Hiệp, làm cho ý muốn của cô càng thêm chắc, lòng yêu của cô càng thêm sâu. Tuy cô không tỏ tâm sự của cô cho ai biết nhưng cô đã thầm nguyện se tơ kết tóc với Thủ Hiệp thôi, dầu ai hiển vinh phú quý hơn cô cũng không màng, dầu nước biển cạn đá núi mòn, cô cũng không đổi. Thình lình Tú Cẩm cản không gả cô cho Thủ Hiệp mà không nói duyên cớ, gieo tiếng xấu cho Thủ Hiệp mà không chỉ xấu chỗ nào, nhè chỗ muốn của cô mà ngăn, nhè chỗ yêu của cô mà chiết, bởi vậy cô buồn rồi tức, cô giận nói sanh rầy, cô không chịu suy xét coi Tú Cẩm cản cô nhầm hay không, chê có đúng hay không, cô quyết thà bỏ gia tài cho phỉ dạ ước mơ, chớ không chịu trái ý muốn đặng tấm thân yên ổn.

Mẹ con dắt nhau xuống Cái Cùng, bà Huyện tính đi chơi một đôi tháng cho giải khuây phiền nảo và nom coi Tú Cẩm xử sự như thế nào còn Phi Phụng giận quá

không chịu thấy mặt Tú Cẩm, còn ra đi thì quyết định đi luôn, nếu Tú Cẩm còn ở trong nhà cô thề không bao giờ trở về đó nữa. Bởi chí cô như vậy, nên xuống ở đậu nhà hương Cả Mai, là người hóa ruộng của bà Huyện vừa mới hai ngày thì cô cứ theo xúi giục mẹ cất nhà ở. Ban đầu bà còn dục dặc, Phi Phụng nói riết bà cũng xiêu lòng, nên bà xuất cậy người mua cây ngói rồi cất một cái nhà ba căn trỏ cửa ra bờ kinh, vách đóng ván bổ kho, nóc lợp ngói không phong tô (36), ai đi ngang qua cũng tưởng cất một cái lẫm lúa nhỏ.

Nhà cất xong rồi bà Huyện mua ván giường bàn ghế sơ sài dọn về nhà đó. Tuy vật dụng không đủ, nhưng chánh giữa nhà bà cũng có dọn một bàn để tối sớm thờ chồng, có người thấy mẹ con bà bỏ nhà lầu xuống ở nhà nhỏ như vậy lấy làm lạ, nên theo hỏi bà hoài. Bà không muốn tỏ việc nhà cho ai biết nên bà nói ở Bạc Liêu nóng cực bởi vậy bà trở về ruộng đặng dưởng nhàn, có con trai lớn coi nhà bà không còn muốn trên nhà nữa.

Từ ngày xuống ở Cái Cùng tuy bà Huyện và Phi Phụng không nói ra, song hai mẹ con đều có ý trông Lâm Yên định ngày nào đặng tính cuộc hôn nhơn phứt cho rồi. Nào dè Lâm Yên không vãng lai lại cũng không có tin tức chi hết. Bởi hứa làm sui với nhau không có mai dong (37), nên bây giờ bà Huyện không biết mượn ai đi nhắc. Mẹ con trông đợi hoài cho tới gần Tết bà Huyện mới tính trở về Bạc Liêu thăm nhà, sau mở tủ lấy thêm bạc. Bà biểu Phi Phụng đi với bà, Phi Phụng nói: "Con cũng muốn về thăm nhà lắm, ngặt sợ về gặp mặt người đó con không chịu được, vậy thôi má đi một mình, để con ở lại coi nhà.".

Bà Huyện về tới nhà, Tú Cẩm dòm thấy liền chạy ra mừng rỡ, chừng nghe nói Phi Phụng không về anh ta lộ sắc buồn. Bà Huyện đi cùng từ trước ra sau, từ trên xuống dưới, thấy tài vật còn nguyên như cũ, không dời đổi món nào hết. Bà hỏi riêng mấy đứa ở chúng nó nói Tú Cẩm mỗi tháng đều lấy xe hơi đi Sài Gòn, khi ở năm bữa, khi ở mười bữa, mà hễ ở nhà buồn bực nhắc nhở bà với cô hai hoài. Ðến chiều bà Huyện mở tủ sắt, tính lấy bạc đi chợ mua ít cây lãnh, ít vóc nhiễu rồi khuya trở xuống ruộng. Nào dè mở ra thấy tủ trống trơn, không còn một đồng bạc nào hết. Bà nghẹn ngào không biết nói sao được, muốn hỏi Tú Cẩm ngặt chìa khóa bà cầm, lại rồi ra đi bà không giao, bây giờ mất bà nói sao được?

Bà tức giận nên đi xuống ghe đi liền Tú Cẩm năn nỉ bà ở lại ít ngày và xin cho trẻ ở xuống rước Phi Phụng bà không thèm nghe, quyết trở về Cái Cùng. Ðêm ấy lối bốn giờ đêm bà về tới. Ghe vừa ghé bến bà dòm lên bà thấy đèn đuốc sáng lòa, lại người ta vào ra lộn xộn, bà không hiểu có việc chi nên lật đật nhẩy lên bờ kinh. Hương tuần Bộn đương đứng ngoài cửa dòm thấy bà liền chạy ra nói:

- Thưa bà hại quá lớn quá, bà đi vắng ăn cướp đánh dọn nhà sạch trơn rồi.

Bà Huyện nghe nói thất kinh liền hỏi vội:

- Cha chả! Vậy còn con nhỏ tôi có hại gì hay không?

- Thưa cô hai chạy ra khỏi nhà, không bị đánh đập chi hết!

- Trời ôi! Ác nghiệt chi lắm vậy!

Bà Huyện vào nhà, Hương chức và dân đương ngồi đầy nhà liền đứng dậy, kẻ thuật người hỏi lăng xăng, Phi Phụng thấy mẹ thì khóc chớ không nói chi được hết. Bà Huyện xem xét bạc vàng để trong tủ đều bị ăn cướp lấy hết, mẹ con bây giờ mỗi người chỉ còn một cái quần với cái áo mặc đó thôi. Hương chức và dân nói chuyện vang tai, kẻ tức chạy tới trễ, người khen rượt theo xa làm bà Huyện đã bị ăn cướp còn tốn thêm trầu nước chớ không ít chi cả. Sáng ngày sau, những người quen biết ở trong làng tới thăm lại còn làm cho bà phải tiếp rước mệt nhọc nữa.

Chừng khách vãng bà mới thuật lại chuyện bạc để trong tủ sắt mất hết lại cho Phi Phụng nghe. Phi Phụng ngồi khóc nói:

- Quân đó nó lấy, chớ ai vô đó được.

- Mẹ khóa kỹ lưỡng, chìa khóa mẹ giữ nó làm sao lấy được, con đừng có nói như vậy không nên.

- Trời ơi! Má tưởng tủ sắt đó chắc lắm hay sao? Vậy chớ nó không biết kêu thợ làm khóa giả đặng nó mở hay sao?

Bà Huyện nghe nói rồi suy nghĩ một hồi thở ra, bỏ đi vô buồng nằm. Bà nghĩ là mẹ con bây giờ áo quần mất hết, đồ nữ trang còn có một chiếc đồng hồ mắt tre, Phi Phụng còn một sợi dây chuyền nhỏ, một chiếc đồng hồ với một đôi bông hột xoàn, còn bạc thì trong túi bà, bà còn 17 đồng đem theo đó thôi. Bà mới mượn của hương cả Mai 100 đồng bạc đặng may áo quần thêm ít cái và mua đồ ăn Tết luôn thể, nghĩ rằng ra giêng góp lúa không thiếu chi tiền mà lo.

Năm ấy được mùa, từ điền chủ cho đến tá điền thảy đều vui vẽ. Ăn Tết rồi bài bạc nổi lên đánh rầm rầm, xóm nầy hốt me, xóm kia đánh phé, nay người nầy ăn năm bảy trăm, mai người nọ thua tám chín ngàn. Bà Huyện phải đi đến hương cả Mai, hội đồng Lễ, cựu Xã Cục, hương sư Thắng nhắc chừng, sợ thả lỏng họ bài bạc thua hết rồi khó mà đòi đủ huê lợi.

Lối rằm tháng giêng Tú Cẩm ngồi ghe đi xuống Cái Cùng, hỏi thăm bà Huyện rồi tìm đến, Phi Phụng thấy dạng rồi rút vô buồng, để một mình bà Huyện nói chuyện, Tú Cẩm nghe nói bà Huyện bị ăn cướp thì bứt rứt, trách bà sao không nghe lời bỏ nhà đi dưới ruộng làm chi đến nỗi bị cướp như vậy, rồi lại trách sao bà không cho hay đặng anh ta mua áo quần đem xuống cho bà và đi báo quan xin lính đi kiếm bắt quân gian ác.

Ðêm ấy anh ta cứ theo năn nỉ bà Huyện và Phi Phụng về Bạc Liêu ở, để anh ta coi góp lúa dùm cho, anh ta nói đến hai ba ngày nhưng bà Huyện cũng không xiêu lòng, túng thế anh ta ra về và nói: "Con nói đã hết lời song dì với em không chịu. vậy để con làm cho dì không góp được một hột lúa nào hết cho dì coi".

Tú Cẩm về Bạc Liêu mướn trưởng tòa xuống nhà mấy chủ đất rao cấm, phải đóng lúa ruộng cho Tú Cẩm chớ không được đóng cho bà Huyện. Mấy chủ hóa đất dục dặc sợ đóng cho bà Huyện rồi Tú Cẩm kiện phải đóng một lần nữa, nên ví lúa lại không đóng cho ai hết, rồi bà Huyện cầm tờ tá đến tòa kiện. Tòa đòi Tú Cẩm trình án tòa xử bà Huyện thất và dạy mấy chủ hóa đất phải đóng lúa cho Tú Cẩm.

Bà Huyện về nói lại cho Phi Phụng nghe. Phi Phụng tức giận khóc một hồi rồi nói: "Má thấy hay chưa? Hồi mới con đã nói nó làm bộ nhỏ nhoi đặng giựt của mình nay coi có quả như vậy hay không? Thôi trời đã khiến như vậy xin má chớ buồn, để cho nó ăn, đừng thèm tranh cản chi nữa."

Cách ít ngày Tú Cẩm xuống bán lúa, theo năn nỉ xin mẹ con bà Huyện trở về Bạc Liêu, Phi Phụng giận quá nên dằn không được nên mắng Tú Cẩm nhiều lời rất nặng nề tàn nhẫn. Tú Cẩm liệu nói không được nên phải từ ra về, trước khi xuống ghe lén để trong ô trầu 500 đồng bạc đặng cho bà Huyện dùng. Phi Phụng khuyên mẹ nên đem bạc ấy quăng xuống sông đi bởi sự sản nó giựt hết rồi bây giờ còn mặt mũi nào lấy tiền của nó? Bà Huyện cũng biết tức, biết giận, mà công bà làm cực khổ mới có sản nghiệp ấy, có lẽ bà tức giận nhiều hơn Phi Phụng bội phần song bà nghĩ bà còn thiếu hương cả Mai 100 đồng, đã mấy tháng nay chưa trả được, trong nhà bây giờ lại sạch trơn, bởi vậy bà phải dằn lòng để trả nợ và tiêu xài, chớ chi bà còn tiền, quăng xuống sông bà cũng không tiếc.

Bà Huyện hết của đêm buồn rầu ăn ngủ không được, lần lần hình vóc gầy mòn, da mặt sâu, tóc điểm bạc, mới 47 tuổi, mà coi như người 55 hay 60 tuổi. Cách chẳng bao lâu bà nhuốm bịnh. Ban đầu Phi Phụng tưởng mẹ cảm mạo phong sương sơ sài, chẳng dè bịnh ngày càng càng nặng, mới đau có nửa tháng mà thầy thuốc nào coi mạch cũng đều chạy hết. Phi Phụng lấy làm bối rối, nhưng vì có một mẹ một con nên đành phải gượng gạo làm khuây đặng nuôi mẹ cho vuông tròn. Ðến bữa mùng 5 tháng 5 bà Huyện thấy trong mình đã gần mòn hõi rồi nên bà kêu Phi Phụng lại gần một bên rồi nói: "Cha mẹ sanh con, coi con như ngọc, tính làm giàu đặng thân con ngày sau sung sướng, chẵng dè trời khiến số con cực khổ, không được hưởng của mẹ cha mà sợ duyên phận của con lại lỡ làng đi nữa. Má nghĩ muôn việc đều tại trời, vậy con chớ nên phiền trách cha mẹ, dầu có bề nào con cũng bền lòng vững chí, đừng buồn rầu thái quá không nên".

Bà nói tới đó rồi mệt nói không tiếp được nữa. Phi Phụng đã đau đớn trong lòng nay nghe mẹ dạy lại càng đau đớn hơn nữa, song cô ôm mẹ mà khóc nho nhỏ, chớ không khóc rống om sòm như lúc cha tắt hơi năm trước. Bà Huyện nằm thở hoi hóp đến 4 giờ chiều bà tắt hơi, những người ở lân cận chạy tới, ai thấy thân Phi Phụng cũng cảm động. Có người khuyên Phi Phụng sai đứa ở lên Bạc Liêu kêu Tú Cẩm. Phi Phụng không chịu và đáp: "Mẹ tôi chết tôi chôn; bà con trong làng có lòng thương đến giúp tôi đội ơn lắm, chớ tôi không cần cho ai hay hết".

Hương cả Mai lãnh phần đi Bạc Liêu mua hòm và đồ đạc dùng trong đám tang dùm cho Phi Phụng. Tuy Phi Phụng không chịu cho Tú Cẩm hay, song bây giờ ông đã hóa đất của Tú Cẩm sợ e Tú Cẩm không khỏi phiền trách, bởi vậy khi lên Bạc Liêu mua đồ xong rồi ông mới ra nhà báo tin cho Tú Cẩm hay. Tú Cẩm nghe nói lật đật mở tủ lấy 2000 đồng bạc rồi thay áo đổi quần tính đi theo ghe hương cả Mai mà đi xuống dưới Cái Cùng. Bước xuống ghe anh ta thấy hương cả Mai đã mua một cái hòm bằng cây Sao, anh ta không chịu biểu chèo ghe trở lại chạy bù thêm tiền đổi lấy một cái bằng cây Huỳnh Hương, và mua thêm hàng lụa để dùng tẩm liệm rồi mới đi.

Phi Phụng thấy Tú Cẩm tới thì trong lòng bất bình lắm, muốn đuổi phứt về cho rồi, ngặt mẹ chết chưa liệm, không lẽ làm rầy rà trong nhà, nên cô dằn lòng lo việc tống táng cho toàn vẹn, Tú Cẩm tới lo đám tang rất trọng, xin phép quan để cúng tế năm ngày, rước thợ hồ xây kim tĩnh gần mồ ông Huyện đặng ngày sau làm mã cho dễ. Những người quen biết tới điếu tang dập dìu; Lâm Yên ở trên Trà Kha cũng sai người đi điếu tang dùm và tỏ rằng Lâm Yên có bịnh nên bổn thân đến không được.

Tống táng xong rồi, tốn hao bao nhiêu Tú Cẩm chịu hết, không để cho Phi Phụng hao đồng nào. Tú Cẩm khuyên Phi Phụng trở về nhà lớn ở đặng anh em hủ hỉ với nhau, Phi Phụng đáp: "Vì anh nên mẹ tôi mới buồn rầu chết đó. Tôi nhứt định không thấy mặt anh nữa, thôi, của cải của cha mẹ tôi, tôi để trọn cho anh ăn, tôi không thèm hưởng đâu, anh đừng có nói thất công vô ích". Tú Cẩm cứ theo năn nỉ hoài, nói không được túng thế phải khóc lóc song Phi Phụng cũng không xiêu lòng, Tú Cẩm hỏi Phi Phụng có cần tiền bạc mấy ngàn anh ta sẽ đem cho. Phi Phụng lắc đầu đáp: "Một đồng bạc của anh tôi cũng không thèm lấy. Thà tôi đi làm mướn tôi ăn, chớ tôi không thèm lãnh của anh đâu". Tú Cẩm ra về nhưng coi sắc mặt buồn bực lắm.

Phi Phụng là mọt cô gái tánh tình cứng cỏi gặp nguy hiểm cô tỉnh táo như thường, hễ bất bình là dầu ai cô cũng không nể, hễ trái ý dầu bạc triệu cô cũng không ham.

Ví cái tánh cứng cỏi ấy nên thân cô mới lao đao lận đận như vậy, mà có lẽ cũng nhờ có cái tánh cứng cỏi đó nên gặp cảnh như vầy cô không buồn rầu, hết cơ nghiệp cô coi cũng như mất một cái hộp quẹt, mất mẹ yêu dấu tuy đau đớn trong lòng song cô nhứt định không đổi tánh, tưởng bậc nam nhi ít ai cũng được như cô. Những người trong làng ai thấy cử chỉ của cô cũng cho là kỳ. Tuy vậy ai cũng kính sợ chớ không ai dám chê cô. Mà họ cho là cô kỳ, song không ai chịu xét thử coi vì cớ gì mà cô lại khác hơn người ta, tại làm sao cô lại không chịu ở nhà lớn, lại đành hẩm hút nơi đồng ruộng cho cực khổ tấm thân?

Nếu ai chịu suy đoán tự nhiên ngó thấy tâm trí của cô rõ ràng, cô mất sự nghiệp không buồn, cô thà vùi tấm thân nơi đồng ruộng, chớ không chịu về chung chạ với Tú Cẩm, ấy chẳng qua vì chàng Thủ Hiệp mà thôi! Tú Cẩm đoạt hết gia tài cô giận, nhưng lòng giận của cô còn có ngày nguội, chớ Tú Cẩm trở hôn của cô, cô đã giận càng thêm oán, rồi oán với giận hòa hợp lại, dầu đến chừng nào cô cũng không tài nào quên được. Lòng của cô như thế làm sao trở về Bạc Liêu? Mà cô ở Cái Cùng, tuy cực khổ, song ngày như đêm cô cứ tưởng thầm trong bụng rằng cô ở đây là ở tạm, sớm muộn gì rồi Thủ Hiệp cũng cưới cô, bởi vậy cực cô không than, và nghèo cô cũng không sợ. Khối tình của cô ban đầu tại cha mẹ gây cho cô, mà lần lần cô lại nung đúc dài mãi thêm, cô làm cho nó cứng chắc vững bền rồi cô ôm ấp khối tình ấy hoài, cô vui với nó, cô buồn với nó, cô trông nó, cô giận nó, cô khóc nó, cô mừng nó, cô mê mẫn nên quên hết thế sự, không kể giàu nghèo, không màng sướng cực.

Có đêm cô nằm một mình cô nhớ khi mẹ cô khuất Lâm Yên không đến mà Thủ Hiệp cũng không đến thì cô buồn vừa nghĩ là Lâm Yên không đến vì có bịnh nên cậy người đến điếu tang dùm còn Thủ Hiệp không đến chắc là Thủ Hiệp không có ở trong nhà chớ không lẽ người có học mà vong hôn bội ước, Phi Phụng nặng tình rồi tưởng ai cũng nặng tình như mình nên mới trông đợi Thủ Hiệp hoài không nghi ngờ chi hết.

Bữa nọ trời chiều mát mẽ, cô lại nhà Hương cả Mai chơi. Cô đến đó không có ông Cả ở nhà, bà Cả tiếp rước mời ngồi, mới nói chuyện chợt thấy có một chú trùm đem nhựt trình đến cho ông Cả. Đã lâu rồi Phi Phụng không đọc sách và cũng không xem báo. Nay đi chơi cô thấy có tờ nhựt báo cô mừng lắm nên mở ra xem. Cô dòm chương đầu, thấy mấy bài luận dông dài làm cho cô buồn ý nên cô lật qua chương sau. Vừa mới liếc thấy một bài bằng chữ lớn tựa đề: "Trai tài gái sắc." Cô đương khoan khoái về duyên cầm sắc, lại gặp một bài như vậy, tự nhiên cô muốn đọc, thử coi gái nào có chồng trước mình, đọc thử coi trai nào học giỏi có bằng Thủ Hiệp hay không lại dám xưng trai tài. Hởi ôi! Cô mới đọc vài hàng thì cặp mắt chói lòa tay cầm tờ nhựt trình run run mặt tái xanh, chân lạnh ngắt, lưng mồ hôi ướt đẫm. Phi Phụng buông tờ nhựt trình đứng dậy liền từ bà cả về liền. Bà cả không hiểu tâm sự của Phi Phụng, song bà thấy cô xem nhựt trình rồi nghi, nên kêu con ra biểu đọc hết chương ấy cho bà nghe, té ra theo bài trai tài gái sắc đó nói, ngày rằm tháng 6 Lâm Thủ Hiệp, con của hội đồng Lâm Yên ở Trà Kha (Bạc Liêu) sang học bên Pháp đã học đậu tú tài. Lễ cưới cô Hà Thị Ngà, ái nữ ban biện Hà Xuân Vinh: nhà cự phú ở Phú Lộc (Sóc Trăng ).

Phi Phụng ra khỏi nhà bà cả Mai thì tối tăm mặt mày không thấy đường đi, cô ngó qua nghiêng lại như người say, một tay ôm áo, một tay xách giày, trẻ nhỏ ngó thấy kỳ quá, nên đứng ngó sững. Cô về đến nhà không kịp rửa chân, quăng giày dưới ván rồi đi thẳng vào buồng nằm khóc. Bấy nay cô mong đợi Thủ Hiệp bao nhiêu, bây giờ cô buồn rầu bấy nhiêu. Thôi, thân phận cô từ rày còn gì trông mong nữa! Mẹ cha vĩnh biệt, sự nghiệp điêu tàn, nhờ có một chút tình riêng nó làm đỡ buồn nay chút tình ấy cũng tan rã, thế thì sự sống của cô còn nghĩa gì! Cô nằm nhắm mắt mà giọt lụy đầm đìa, trong trí tối đen không biết đâu mà suy tưởng. Cách một rồi cô vùng dậy nói: "Không có lý nào Thủ Hiệp đành bỏ tôi đi cưới vợ khác. Mấy người làm nhựt trình họ nghe phong phanh rồi họ đặt điều nói bướng. Tôi vì ảnh mà thân ra cực khổ như vầy, lẽ nào ảnh không biết hay sao lại nở tâm đành lòng phụ bạc".

Cô bới đầu rồi bước ra rót nước uống như thường. Trời đã tối nên trẻ ở khép cửa đốt đèn. Cô đốt một cây nhang cắm trên bàn thờ rồi lại ván ngồi. Trẻ ở dọn cơm bưng lên cô lắc đầu khoát tay, tỏ ý cô không muốn ăn. Tứ bề vắng vẻ, bỗng nghe ngoài kinh có tiếng ghe chèo sạt sạt rồi lại có người cất giọng hát mấy câu lảnh lót:

Nghĩ tơ duyên quá bớ

Giận căn nợ bời rời

Đau lòng ai lắm bớ ai ơi

ơ xui chi gặp gỡ...

Chẳng trọn đời với nhau!

Phi Phụng nghe giọng hát rất bi thảm. Và câu hát lại giống tâm sự của cô, nên cô mủi lòng ngồi khóc sướt mướt. Cô buồn rầu ăn ngủ không được nhưng trong lòng cô cứ nói thầm rằng không lẽ nào Thủ Hiệp lại đành lòng bỏ cô đi cưới vợ. Cô đếm từng ngày, đến chiều 14 cô biểu đứa ở đi mượn ghe đặng khuya cô đi Bạc Liêu.

Cô xuống ghe hồi trời hừng sáng, lối 10 giờ cô lên tới Trà Kha, cô biểu ngừng ghe ngang cửa Lâm Yên, song đậu mé bên sông, rồi cô ở trong lén dòm. Thiệt quả,

nhà Lâm Yên trưng rực rỡ, trước sân cất một cái rạp, ngoài treo cờ, trong thắt bông, khách khứa đông đầy, trẻ nhỏ trửng (38) rần rật. Cô ngồi khoanh tay ngó hoài, không nói chi hết. Cách chừng nửa giờ đồng hồ, cô nghe con nít chạy la: "Rước dâu về" om sòm, rồi thấy xe hơi liên tiếp nhau tới, ngừng ngay trước cửa Lâm Yên.

Thủ Hiệp đầu bịt khăn nhiễu đen, áo rộng mình xanh lót đỏ, trên xe vén áo bước xuống đưa tay vịn cho nàng dâu xuống xe. Phi Phụng ngồi trong ghe ngó trân trân, song mắc ngó Thủ Hiệp nên không nhìn rõ nàng dâu, chừng sực nhớ lại muốn coi nàng dâu thì nàng dâu đã đi vô cửa nên thấy áo rộng xanh thôi, chớ không thấy chi nữa.

Hai người chèo ghe đã có nghe ông Huyện khi gần tắt hơi ngài có trối phải gả Phi Phụng cho con Lâm Yên, nay lên tới Trà Kha thấy Lâm Yên cưới vợ cho con, xe hơi rầm rộ, thiên hạ đông đầy thì biết rõ ý của Phi Phụng đau đớn là dường nào, nên nghe biểu nhổ sào chèo ghe về, họ vâng lời ngay, không hỏi thử coi sao cô nói đi Bạc Liêu lại không đi và cũng không dám hỏi coi sao Thủ Hiệp đã nói cô rồi bây giờ đi cưới vợ khác? Hai người chèo ghe tuy họ dốt nát quê hèn, nhưng họ thấy phận cô như vậy họ cũng động lòng, trông cho cô nói chuyện họ nói lời an ủi cho cô đở buồn. Chẳng dè cô nằm im lìm, cho đến chừng ghe về đến nhà, cô bước lên rồi ngó lại hai người chèo cười nói tỉnh táo: "Hai anh vô nhà bầy trẻ dọn cơm ăn rồi hãy về".

Cái khối tình thình lình ta ra nước, chảy cuồn cuộn không thể ngăn nổi, chỗ mơ ước thình lình hóa ra khói, rồi bay nghi ngút, không thể cầm lại nữa, người có tâm huyết gặp cảnh như vậy còn cười còn nói như thường nghĩ thiệt kỳ lạ. Phi Phụng xác không phải bằng cây, ruột gan không phải bằng đá, cách mấy ngày trước vừa nghe phong phanh chưa chắc Thủ Hiệp bỏ mình đi lấy vợ khác, sau lại buồn rầu ăn ngủ không được còn bữa nay đã thấy tận mắt rồi, chẳng còn nghi ngờ gì nữa, sao lại tỉnh táo như thường? Ấy là Phi Phụng cứng cỏi nay thấy chắc chắn Thủ Hiệp đã bội ước rồi, không thèm mơ tưởng nữa, rồi lại đâm ghét. Xưa trọng Thủ Hiệp bao nhiêu, giờ cũng chê thầm tánh tình bấy nhiêu. Vì mắc ghét, mắc chê cô quên buồn, quên rầu chớ có chi lạ.

Ở nhà, có tôi tớ lộn xộn, có lối xóm tới chơi, vẫn vui vẻ như thường, dường như chẳng có trắc trở tâm sự hết chi vậy, duy lúc ban đêm cô nằm một mình ngọn đèn leo lét bóng, luồng gió phất phơ màng, cô suy xét việc đời, nhớ việc cũ nghĩ việc mới, có bữa cô lạnh trong lòng rồi muốn bỏ nhà đi lên Sài Gòn, xin vào trường học nữa, học hoài; học cho thật giỏi, không thèm lấy chồng. Ban đầu cô tính sơ qua chớ chưa thiệt quyết định, chẳng dè từ ấy về sau đêm cô tính quanh quất rồi cũng nghĩ tới việc đó hoài. Cách chừng nửa tháng Tú Cẩm lại xuống Cái Cùng, vừa bước vô nhà liền nói với cô:

- Hồi trước qua có nói với em rằng Thủ Hiệp là thằng chó điếm, bây giờ em coi có quả như vậy không? Nó đã cưới vợ khác rồi? Nó thấy gia tài bây giờ về qua hết, em không có tiền nên nó bỏ em kiếm nhà giàu khác thấy chưa?

Phi Phụng nghe nói cúi đầu không nói chi hết. Tú Cẩm tưởng Phi Phụng chịu thua nên thừa dịp năn nỉ biểu Phi Phụng về Bạc Liêu mà ở. Phi Phụng không chịu đi.

Tú Cẩm nói rằng nếu Phi Phụng không chịu về Bạc Liêu anh ta cũng ở đây hoài không chịu về. Phi Phụng thấy vậy liền tom góp quần áo, bỏ vào giỏ mây, rồi nói:

- Về Bạc Liêu tôi về. Mà anh phải để tôi về trước hai bữa, rồi anh về sau, chớ tôi không chịu về chung một lượt.

Tú Cẩm gật đầu rồi biểu Phi Phụng lấy ghe của anh ta đi, chừng nào về tới nhà rồi cho ghe trở xuống rước anh ta. Phi Phụng đốt nhang cắm trên bàn thờ, nước mắt tuôn đầm đìa, song ráng lạy bốn lạy rồi xách gói xuống ghe ra đi.

Tú Cẩm thấy Phi Phụng bằng lòng trở về Bạc Liêu với mình, trong lòng mừng rỡ vô cùng, muốn mướn ghe khác về theo liền ngặt đã nói lỡ với Phi Phụng rằng mình ở chờ ghe xuống rước rồi sẽ về, nên cực chẳng đã phải ở dưới Cái Cùng, song nóng nảy nằm ngồi không yên, cứ ra vô trông ghe hoài.

Trông trọn một ngày đó thấy ghe không trở xuống, anh ta bức rức trong lòng, nghĩ thầm rằng chắc bị gió ngược nên ghe trở xuống không kịp. Chẵng dè trông,mãi cũng không thấy ghe. Qua bữa sau gần 12 giờ trưa ghe mới tới. Tú Cẩm rầy mấy tên bạn và hỏi cớ nào xuống trể nãi như vậy. Mấy người chèo ghe thưa:

- Hôm qua anh em tôi về tới nhà 3 giờ chiều. Anh em tôi muốn trở xuống liền để rước cậu. Ngặt cô hai không cho nói rằng anh em tôi chèo ghe trọn một ngày mệt hỏi, nên biểu ở nhà nghỉ một đêm đến hồi khuya nầy cô hai mới cho đi.

Tú Cẩm nghe nói gật đầu, rồi lặng thinh không rầy nữa. Anh ta hối bạn ăn cơm riết rồi nhổ sào chèo trở về Bạc Liêu liền. Lối 7 giờ tối anh ta trở về nhà; khi bước vô nhà trong lòng khấp khởi, ngó quanh quất không thấy dạng Phi Phụng bèn kêu gia dịch mà hỏi:

- Cô hai đâu bây? Từ hôm qua đến nay bây có lo cơm nước cho cô ăn tử tế không?

Thằng Su chạy ra thưa:

- Thưa cậu, hôm qua cô hai về tôi dọn cơm nước tử tế. Cô hai ngủ nhà đêm hồi hôm, đến khuya cô thức dậy sớm, biểu tôi coi nhà đặng cô vô chợ mua đồ ãn, không biết cô đi đâu, từ khuya cho đến bây giờ không thấy trở cô về.

Tú Cẩm nghe nói liến biến sắc, ngồi dựa ngữa trên ghế hỏi lớn:

- Hôm qua cô về có xách theo một gói quần áo; vậy chớ khi cô đi cô có đem cái xách ấy hay không?

- Thưa, hồi chiều nầy tôi thấy cô không trở về tôi mới coi lại thì cái xách ấy đâu mất, không có trong buồng.

Tú Cẩm ngồi thở ra, bộ mặt coi chẳng vui, biểu đem xe hơi ra đặng anh ta ra chợ. Xe hơi đậu trước thềm rồi anh ta đứng suy nghĩ, không chịu lên xe, lại biểu thằng Su với thằng Tự ngồi xe đi kiếm hỏi thăm coi có ai thấy Phi Phụng đi đâu hay không?

Cách vài giờ đồng hồ xe trở về. Tú Cẩm vừa nghe tiếng xe ra đứng trước cửa ngóng. Thằng Su thằng Tự xuống xe thưa:

- Cô hai đi Sài Gòn hồi sớm mai rồi.

Tú Cẩm hỏi rằng:

- Sao mầy biết? Ai nói với mầy?

- Tôi gặp anh lính gác cầu tàu, tôi hỏi thăm anh ta nói hồi sớm mai anh ta thấy cô hai xuống tàu "Hirondelle" đi rồi.

- Thưa cậu, tôi sợ cô ra Đại Ngãi rồi sang tàu "Pélican" đi Mỹ Tho, chớ có qua Đại Ngãi hoặc Rạch Lớp làm gì?

- Tú Cẩm chắp tay sau lưng đi qua đi lại trước sân không thèm nói nữa... Ði cho đến 12 giờ khuya mới chịu vô nhà ngủ.

----------------------------------

36 la phong, trần nhà

37 người làm mai mối

38 chơi giỡn một cách mạnh bạo

CHƯƠNG 6 -

P

hi Phụng đi đâu? Nào ai biết, còn Phạm Duy Linh một là tình, hai là chán đời, ba là muốn lập nghiệp nên bỏ xứ đi trước rồi.

Duy Linh một thầy một tớ chở đồ lên Sài Gòn, tuy bỏ xứ sở ra đi mà trong lòng đau đớn sắc mặt kém vui, song sự uất ức còn dồi dào trong trí, tình lở dở cứ theo đuổi trong lòng, bởi vậy đi dọc đường hăm hở quyết trong lòng cần mẫn làm cho trở nên giàu, quyết bươn chãi cho trở nên sang đặng ngày sau dầu không chắp được mối tơ duyên cũng ngó ngay bạn giàu sang không hổ.

Thảm thương thay người trẻ tuổi lại chán đời! Lòng nhiệt thành thì thiệt nhiệt thành, chí quảng đại thì thiệt quảng đại, nhưng vì chưa quen thuộc đường đời, chưa lịch lãm nhân sự, bởi vậy lòng nhiệt thành đã vô ích mà lại hại mình, còn chí quảng đại phát ra không hợp thời nên đã không được khen lại bị người khinh bỉ.

Duy Linh trong lưng có 2000 đồng bạc trí quyết làm trở nên giàu sang, đi dọc đường không tính trước coi phải làm việc gì trở nên giàu, phải dùng chước nào đặng trở nên sang, bởi vậy chừng xe lửa lên tới Sài Gòn rồi thầy trò khiêng rương ra khỏi ga, đứng ngó dáo dác không biết đâu đặng đi.

Có một xa phu tưởng Duy Linh là học trò nhập trường nên kê xe lại nói:

- Vô trường nào để tôi kéo đi cho.

Duy Linh còn đứng ngơ ngẩn không nghe lời tên xa phu nói, lại tên xa phu tưởng Duy Linh chịu nên để xe trước mặt chờ. Cách một hồi Duy Linh mới hỏi tên xa phu:

- Ở đây có khách sạn nào, anh làm ơn chở rương tôi lại đó rồi tôi trả tiền cho. Tên xa phu nghe nói biết là người không thạo Sài Gòn, mà cũng không từng dùng xe kéo, nên chúm chím cười mà nói:

- Có! Có, để tôi kéo lại Nam Ðồng Hương gần đây. Nhà ngủ Nam Ðồng Hương sạch sẽ lại rộng rãi lắm.

Vừa nói vừa bưng cái rương để lên xe. Thằng Cử xách theo cái gói quần áo của nó, thấy tên xa phu ốm yếu nó sợ bưng không nổi, nên nó để cái gói xuống đất rồi phụ để rương lên xe. Tên xa phu cản không cho tiếp, một mình để rương lên xe rồi biểu thằng Cử để luôn cái gói lên nữa rồi kéo xe đi trước, còn hai thầy trò Duy Linh đi theo sau.

Từ ga xe lửa tới Đại Đồng Nam khách sạn dầu đi ngã đường Schroeder hay là đi ngã đường Amiral Roze cũng chừng vài trăm thước, nhưng tên xa phu dòm thấy Duy Linh không biết đường nên kéo đi vòng vo theo đường Colonel Boudonnet, qua đường Chemin Des Dames, xuống đường Lagrandère, trở lại Amiral Rose rồi mới chịu vô đường Amiral Courbet.

Khi đến trước Nam Ðồng Hương tên xa phu để xe xuống đất rồi chạy vô tiệm. Cách chẳng bao lâu rồi thấy trong tiệm có hai thằng bồi chạy ra khiêng rương đem vô. Duy Linh móc bóp lấy hai cắc bạc. Tên xa phu trả lại nói:

- Trời ơi! đường xa mà cái rương lại quá nặng, trả như vậy sao được. Duy Linh không biết trả sao cho vừa, hỏi tên xa phu thì nó không chịu định giá, túng thế đưa thêm một cắc, trong bụng tính thầm nếu nó còn kêu nài thì sẽ thêm một cắc nữa là 4 cắc. Tên xa phu không dè Duy Linh đã tính sẵn trong trí như vậy, chớ không phải nó được 3 cắc rồi mà gọi rằng đủ, nên lấy tiền rồi kéo xe đi lại phía chợ Mới.

Duy Linh vô tiệm theo bồi lên phòng. Thằng bồi hỏi coi thầy trả tiền xe hay chưa, thầy nói rằng đã trả 3 cắc rồi. Thằng bồi chưng hửng hỏi thầy ở đâu đi lại đó mà trả 3 cắc. Thầy nói thầy mướn chở rương từ ga xe lửa lại đây. Thằng bồi lắc đầu nói:

- Ở ga lại đây trả một cắc đã mắc rồi, sao thầy trả tới 3 cắc. Duy Linh biết rằng mình lầm nhưng không thấy hổ, thầy chỉ giận bọn hạ lưu gian dối, nên thầy đáp:

- Thây kệ nó! Nó ăn gian vài cắc bạc không đủ cho nó làm giàu được. Ngoài miệng thầy nói mấy lời ấy, song trong trí thầy lại nói thầm "Nghèo thì nghèo chớ phải lập chi tính gian dối chi vậy? Bậy lắm, đừng thèm học cái thói đó, mình phải dùng nhân nghĩa đặng làm giàu, phải do chơn chánh đặng trở nên sang với hay, chớ giựt của người ta mà làm giàu, quỳ lại người ta cho mình sang thì đừng thèm."

Duy Linh rửa mặt chải đầu và thay quần áo và sai thằng Cử đi kiếm mua bánh mì về cho thầy trò ăn đở, chớ thầy không muốn đi kiếm tiệm cơm ăn.

Ăn uống xong rồi thằng Cử vì đi tàu xe hai ngày mệt mỏi nên nằm trên ván ngủ khò. Thầy đóng cửa phòng nằm bên giường hút thuốc, thấy trong phòng sạch sẽ, đèn khí sáng lòa lại nghe dưới đường Amiral Courbert rần rần luôn luôn, tiếng người nói, tiếng xe chạy, tiếng máy xe hơi quay, tiếng rao bán mì cháo, lộn nhau không dứt, làm thầy ta hồi hộp trong lòng, và thuở nay không quen cái cảnh rầm rộ ấy nên lấy làm khó chịu lắm.

Ðến khuya tiếng người rãn bớt, tiếng xe vắng dần. Duy Linh yên trí mới nghĩ đến việc của mình. Anh ta tính để rạng ngày đi dạo các nẻo đường coi thiên hạ buôn bán làm ăn thế nào rồi sẽ kiếm mướn một căn phố hàng để bán.

Qua bữa sau anh ta thức dậy vòng theo chợ, thấy phố phường một hai từng lầu, tiệm nào hàng hóa cũng chứa đầy dẫy, dọn rực rỡ, chẳng có một căn nào trống. Anh ta nghĩ vốn mình có 2000 đồng bạc, chắc không thể nào lập một tiệm lớn như họ được, mà dầu có phố trống cho mình mướn đi nữa, thì biết mua thứ chi và mua ở đâu mà bán.

Ði đến trưa trở về khách sạn trong lòng lấy làm buồn bực. Chiều mát anh ta đi nữa, đi vòng mấy đường khác thấy có một căn phố đóng, ngoài cửa đề bảng "cho mướn",. song coi lại thì thấy phố đó nhằm đường không có buôn bán, nếu có mướn thì mướn Ðặng ở, chớ không mua bán vật chi được.

Ðêm ấy Duy Linh nằm trong phòng lo tới tính lui thao thức hoài không ngủ được, lấy làm tức tối vì có vốn nhưng không biết làm sao buôn bán. Tuy trí quyết làm giàu của anh ta còn bền vững như hồi ở Bạc Liêu mới ra đi, song đến tận nơi dòm thấy buôn bán là một nghề không dễ gì, trong lòng lo sợ. Mà lo sợ là không làm giàu mau được, chớ không phải lo làm giàu không được.

Anh ta lại nghĩ dầu mình tính buôn bán vật chi cũng phải sắp đặt một đôi tháng rồi dọn tiệm mới xong. Mình ở khách sạn mỗi ngày và một đêm bị trả tiền phòng hết 2 đồng, hai thầy trò ăn uống dầu có tằn tiện cho lắm đi nữa cũng phải tốn hết 1 đồng, cộng sở phí mỗi ngày là 3 đồng tính ra mỗi tháng tới 90 đồng. Anh ta nhớ tới số 90 đồng thì giựt mình, nên tính đi kiếm nhà quen xin ở đậu bớt tốn tiền, rồi sẽ liệu bề làm ăn.

Sáng hôm sau Duy Linh đi vô Cầu Kho, tính kiếm nhà người chú họ là Phạm Phước Ðằng để nương náo, Phạm Phước Ðằng gốc ở Chợ Lớn, bà con một đầu ông cố với Phạm Duy Hiển. Khi Phạm Duy Hiển còn sanh tiền, mỗi lần đi Sài Gòn đều ghé thăm và anh em mỗi năm đều có gởi thơ cho nhau vài lần. Tuy bà con đã xa xôi song anh em một họ không còn ai, nên tình thương nhau cũng như anh em ruột. Ngày Phạm Duy Hiển mất, Phạm Duy Linh có đánh dây thép cho Phạm Phước Ðằng hay. Vì đường xa xôi Phước Ðằng không xuống điếu bái được, song cũng có gởi thơ phân ưu tới mẹ con Duy Linh.

Duy Linh vô tới chợ Cầu Kho hỏi thăm họ chỉ nhà đường nhà thờ, nên tìm được. Vì thuở nay Duy Linh không gặp mặt Phước Ðằng lần nào, không hiểu tánh tình, không rõ cách cư xử, nên Duy Linh tới cửa trong lòng lấy làm ái ngại. Anh ta đứng ngoài ngó vô thấy một tòa nhà ngói vách gạch ba căn, sạch sẽ, cao ráo, chung quanh nhà trồng bông bụp tụi (39) mà làm rào, trước có một cái sân nhỏ mà trồng bông chơi, còn hai bên có hai khoảng đất trống, bề ngang chừng năm ba thước. Duy Linh đương đứng ngó, bỗng đâu có một tên gia dịch của Phước Ðằng đi chợ về, xách giỏ xăm xăm đi vô cửa. Duy Linh kêu lại hỏi thãm: "Họ nói nhà nầy của ông Phạm Phước Ðằng, có phải như vậy hay không anh".

Tên gia dịch gật đầu nói phải rồi bỏ đi vô. Duy Linh đi theo vô sân rồi bước lên thềm đứng ngó vô nhà, thấy bàn ghế láng bóng, chưng dọn lộng lẫy nhưng không thấy ai phía trước hết. Duy Linh đứng đợi hồi lâu, làm bộ ho coi có ai ra hay không, té ra ho hai ba tiếng mà cũng không thấy ai ra.

Anh ta bước xuống thềm và đi vòng lại góc tường, dòm theo đường của tên gia dịch đi vô hồi nãy cũng chẳng thấy ai, song nghe tiếng nói chuyện nho nhỏ ở phía sau nhà bếp. Duy Linh đứng ngó một hồi nữa, bỗng nghe trong nhà có tiếng giày. Anh ta lật đật trở lại bước lên thềm mà tằng hắng, nghe trong buồng có tiếng đàn bà kêu:

- Sảnh à! Có ai ở ngoài trước kìa, sao mầy không ra ngoài coi nhà, lại rút vô bếp làm giống gì đó vậy?

Tức thì có một đứa con gái trạc 16, 17 tuổi, bận quần vải đen, cặp mắt lộ lại lớn, miệng rộng, môi mỏng, mặt có thẹo hai ba đường, coi bộ hung ác lắm, ở trong buồng sốc sốc đi ra hỏi:

- Thầy đi đâu?

Duy Linh lột nón cầm trong tay, bước vô cửa rồi đáp:

- Tôi ở dưới Bạc Liêu, sẵn có dịp lên Sài Gòn ghé đây thăm chú thím tôi. Có chú thím tôi ở nhà không?

Con tên là Sảnh ấy liền đáp:

- Có, mà ông tôi còn ngủ; còn bà tôi đã thức dậy rồi còn rữa mặt. Thầy ngồi chơi một chút, để tôi vô thưa lại với bà tôi.

Duy Linh bước vô, không dám kéo ghế giữa ngồi, song đứng lâu đã mỏi chân, nên lại ngồi ghé nơi đầu ván bên tay mặt. Anh ta dòm coi trong nhà dọn dẹp thật đẹp, cửa buồng cửa sổ đều có treo màn, hai bên hai bàn thờ, chánh giữa để một tủ sắt lớn, trên đầu tủ lại có thờ bức tượng Quan Âm. Anh ta liếc thấy trong cửa buồng có một người đàn bà đứng núp tấm mành mành mà dòm, song người ấy không chịu ra, nên anh phải ngó lơ ra ngoài sân, làm bộ như không thấy.

Duy Linh nghi Phước Ðằng đã thức dậy nên nghe có tiếng nói chuyện với vợ, thiệt quả cách chẳng bao lâu thì thấy có một người đàn ông độ chừng 50 tuổi đầu cúp kiểu ma ninh, tóc đã bạc hoa râm, mép có râu vuốt ngoảnh lên hai bên, bận áo lục soạn trắng quần lãnh đen, chân đi giày hàm ếch ở trong buồng bước ra ngó Duy Linh hỏi:

- Thầy là ai tôi không biết, đến có việc chi hay chăng?

Duy Linh đoán chắc người ấy là chủ nhà nên lật đật đứng dậy thưa:

- Thưa chú, cháu là con của Hương Chánh Hiển dưới Bạc Liêu.

Người ấy quả thật là Phạm Phước Ðằng, vừa mới nghe Duy Linh xưng là con của Hương Chánh Hiển liền nói:

- Vậy hay sao! Té ra cháu là con của anh hai sao? Bất nhơn dữ hôn! Bà con mà thuở nay không gặp nhau, chừng gặp nhau ngó nhau như người dưng.

Phước Ðằng day mặt vô buồng kêu vợ:

- Má nó a! Con của anh hai ở Bạc Liệu đây nè! Vậy mà nãy giờ má nó không biết, tưởng là thầy nào đến vay hỏi tiền bạc chớ. Cháu năm nay mấy tuổi, có vợ con gì hay chưa? Nãm trước chú hay anh hai chị hai mất nhưng mắc bận việc nhà quá nên không xuống được. Anh hai có một mình cháu thôi, chớ có đứa nào nữa đâu há? Cháu qua bên ghế đây ngồi, cháu.

Phước Ðằng hỏi nói lăng xăng làm cho Duy Linh không biết đâu mà trả lời. Kế đó lại người vợ bước ra nữa. Duy Linh đứng dậy chắp tay chào, liếc coi người đã gần 50 tuổi, bới tóc vén vung, mặt dồi phấn, bận áo lụa trắng, áo màu tro, lại có đeo bông tai, cà rá, dây chuyền, nhẫn hột xoàn chiếu xanh xanh đỏ đỏ. Vợ Phước Ðằng đứng ngó Duy Linh tay xỉa thuốc sống, cách lâu dài và nói:

- Vậy mà con nhỏ ở nó vô nó nói có thầy nào lạ, nên có dè là cháu đến đâu. Tội nghiệp cháu vô phước quá! Chẳng bao lớn mà mồ côi hết cả cha lẫn mẹ. Cháu có vợ rồi hay chưa....

Duy Linh nghe hỏi lấy làm buồn, nên đứng dậy rón rén thưa:

- Cha với má cháu mất mấy năm nay, phần cháu buồn rầu lo việc nhà, phần cháu ăn ở không yên nên cháu chưa dám tính tới việc đôi bạn.

Phước Ðằng nói:

- Năm trước anh hai có ghé một lần, ảnh nói chuyện kiện ruộng đất dành với ai đó, vậy ảnh kiện đặng hay thất?

- Thưa chú! Thất. Cha cháu bị thất vụ kiện ấy nên buồn rầu mang bịnh đến chết đó đa.

- Té ra thất kiện hay sao? Ảnh còn sở ðất nào khác nữa hay không? - Thýa, cha Cha cháu thất kiện hết mấy trăm mẫu ruộng. Bây giờ để lại cho cháu còn có 12 mẫu.

- Bất nhân dữ hôn! Ảnh có mắc nợ ai nữa không?

- Thưa không.

- Thôi, vậy cũng may cho cháu. Chớ nếu ảnh để nợ lại càng khổ cho cháu.

Ba người ngồi ngó nhau, chẳng còn biết việc chi hỏi nữa. Cách một hồi vợ chồng Phước Ðằng mới nói.

- Cháu lên Sài Gòn chơi hay là đi có việc chi?

- Thưa chú thím, chẳng dấu chi. Cháu lên Sài Gòn tính lập tiệm buôn bán.

- Cháu có vốn liếng gì hay không mà tính buôn bán.

- Thưa, cháu có vài ngàn đồng bạc.

Phýớc Ðằng suy nghĩ một hồi rồi nói:

- Ở Sài Gòn tuy buôn bán thịnh thật, song tiệm nhiều phố xá lại mắc quá, nên coi buôn bán cũng chẳng có lợi bao nhiêu. Mà thuở nay cháu có tập buôn bán rồi hay chưa?

- Thưa, chưa.

- Húy! Nếu cháu chưa thạo nghề buôn mà xướng ra lập tiệm thì lỗ chết còn gì. Không được đâu. Ðể chú nói cho cháu nghe: Phàm làm một người buôn bán, cần nhứt phải biết tính toán cho giỏi, rồi cũng phải giao hảo với người ta nhiều, bởi vì nếu không biết tính toán vác tiền đi mua thứ hàng người ta ít dùng đem về bán không chạy, vốn đã mắc kẹt không sanh lợi được, mà hàng để lâu rồi hư mục sau rồi phải chịu bán lỗ rẻ, còn không quen biết người ta cho nhiều tự nhiên ít mối hàng; mà ít mối hàng sợ lỗ sở phí chớ đâu có lời được. Cháu thuở nay chưa quen buôn bán có biết thứ nào họ dùng nhiều để mua, thứ hàng nào họ ít dùng mà chừa. Còn cháu lên đây còn xứ lạ không quen biết với ai làm sao có mối hàng đông cho được? Chú coi cháu buôn bán không xong đâu, sợ cháu làm ít tháng rồi lỗ hết vốn.

Duy Linh suy nghĩ biết những lời của Phước Ðằng mới nói đó đều có lý nhưng vì trong lòng còn đang sốt sắng về việc thương mãi nên tính thầm rằng nếu mình chưa biết thứ hàng nào họ cần dùng nhiều thì mình đi chơi đặng dọ một ít lâu cho biết rõ rồi sẽ làm, còn như mình chưa quen với ai rồi thủng thẳng mình sẽ làm quen, có khó gì; ở đời có nghề nào dễ, hễ muốn ăn phải lăn vào bếp, nếu mình thấy khó rồi do dự thì làm sao làm giàu cho được. Duy Linh nghĩ như vậy rồi thưa:

- Chú thương cháu nên chú chỉ đường phải nẻo quấy cho cháu như vậy cháu lấy làm cảm ơn chú lắm. Song cháu đã quyết chí và cháu đã biết cháu có đủ trí buôn bán được.

- Cháu học đã có bằng cấp tài năng rồi hay chưa?

- Thưa cháu học trường Mỹ Tho có vài năm kế cha mẹ cháu qua đời, cháu phải thôi, không học nữa được.

- Học Mỹ Tho đã được vài năm, cũng khá rồi. Nầy, cháu để chú nói cho cháu nghe; đời nầy khó làm ăn lắm, phải khôn lanh quỷ quyệt lắm mới làm ra tiền, chớ chân chất thật thà dầu có tiền họ cũng ăn hết. Cháu còn nhỏ tuổi, chưa lịch lãm việc đời, bây giờ trong kiến họ mình còn mình chú là lớn, không lẽ chú không dìu dắt cháu. Chú tính như vầy: Cháu hãy làm một lá đơn xin vào sở Trường Tiền làm việc. Mấy thầy ngoài Trường Tiền họ hỏi tiền chú hoài nên chú quen thiếu gì. Chú dắt cháu ra chú gởi gấm cho họ, chắc họ đem cháu vô được. Cháu làm việc lãnh lương để tiêu xài, còn số bạc vốn của cháu đó để chú cho vay dùm cho. Cháu học đã khá chắc có lẽ làm không thua sút họ, còn số hai ngàn đồng bạc chú cho góp tháng góp ngày, bề nào mỗi tháng cũng sanh lợi được đôi ba chục đồng bạc tính ra một năm cũng lợi được đôi ba trăm, tích tụ nhiều năm ắt cũng khá được. Cháu hãy nghe lời chú làm như vậy đi, chớ đừng có bắt chước họ bày đặt lập tiệm buôn bán, không khá đâu.

Duy Linh ngồi lặng thinh, không trả lời, thầm nghĩ mình đã không chịu làm việc quan, nên bỏ xứ lên đây lẽ nào bây giờ mình lại xin vào sở Trường Tiền mà làm. Trường Tiền thì lại hơn gì Thương Chánh? Còn cho tiền góp tuy lợi nhiều song nếu có lợi nhiều tất nhiên thất đức. Mình quyết làm trở nên người giàu sang, trước hết cần phải tu nhân tích đức, chớ mình làm việc thất đức bất nhân thì làm sao trở nên giàu sang được.

Vợ chồng Phước Ðằng thấy Duy Linh ngồi lặng thinh tưởng Duy Linh nghe lời nên ông chồng nói tiếp:

- Cháu còn nhỏ, cháu không hiểu, hồi trước chú đây với ông già cháu hai anh em ở trong Chợ Lớn mỗi người trong nhà có chừng đôi ba trăm đồng bạc vốn chớ đâu có nhiều. Khi anh với chị hai tính xuống Bạc Liêu khẩn đất làm ruộng, anh hai có rủ chú. Chú mới ra Sài Gòn tính vào hãng buôn làm. Chú học ít, tuy biết nói tiếng Pháp, song nói liều mạng trúng trật trối kệ, may gặp chủ tử tế nên ban đầu cho chú đứng bán rồi sau cho chú đi đòi tiền. Chú làm ít năm khôn lanh lắm nên dư được một ngàn. Chú đi làm, còn thím cháu ở nhà cho tiền góp, chẳng bao lâu chú trở nên giàu. Chẳng giấu cháu làm chi, bây giờ chú có mấy muôn rồi. Cái nhà với cuộc đất đây hồi trước chú mua có một ngàn rưởi mà bây giờ đáng năm sáu ngàn. Còn những hột xoàn của thím cháu và của con nhỏ đeo nếu tính hết cũng gần muôn. Mấy nãm nay chú không thèm làm việc chi hết, cứ ở nhà húng hính cho vay lấy lời xài. Ai vay lớn chú cũng cho, ai vay nhỏ chú cũng cho, song vay lớn phải thế giấy ruộng, còn vay nhỏ phải góp tháng hoặc góp ngày. Bây giờ huê lợi của chú một tháng xê xích hai ba trăm, cháu coi sung sướng hay không, chớ phải hồi trước chú nghe lời anh hai chú đi làm ruộng thì làm sao giàu được như vầy? Nghĩ lại mỗi người đều có số mạng riêng, chắc mạng của chú tốt nên trời mới để dành phần, còn anh hai tại mạng xấu nên làm cực khổ mà không ra cái cóc rác gì hết.

Duy Linh nghe nhắc tới việc cha mẹ thì buồn nên ngồi chim bỉm. Cách một hồi thấy dọn cơm, vợ chồng Phước Ðằng mời Duy Linh đi ăn cơm. Vợ chồng Phước Ðằng niềm nở tử tế, nên Duy Linh tuy lạ mà không bở ngở chút nào. Duy Linh có ý trông cho chủ nhà hỏi thăm chỗ ở, đặng mình thừa dịp xin ở đậu, song hai vợ chồng hỏi việc nầy, nhắc việc nọ, nói không dứt, nhưng không chịu hỏi tới chỗ ở của mình. Chừng ăn cơm rồi, Duy Linh không kể hiềm nghi nữa, nên nói phứt rằng mình lên Sài Gòn một thầy một tớ không quen biết ai, ở khách sạn hoài thì hao tốn nhiều, vậy xin cho đùm đậu ít ngày chừng kiếm thế làm ăn được rồi sẽ mướn phố ở.

Phước Ðằng nghe nói thì ngó vợ, người vợ liền đáp:

- Ở trong nầy đi làm việc thật có xa một chút. Song nếu cháu muốn ở thì được, có hại chi đâu.

Phước Ðằng tiếp mà nói:

- Con nhỏ ở trong trường cả tháng mới về một lần; nhà chú rộng rinh có hai vợ chồng ở trong buồng còn phía ngoài bỏ trống. Vậy cháu vô đây đặng ở cho khỏi tốn hao. Cháu có đem đồ đạc theo hay không? Thôi, ra lấy đồ vô đây mà ở.

Duy Linh tạ ơn rồi ra khách sạn trả tiền phòng và chở rương vô Cầu Kho mà ở đậu. Ðêm ấy Phước Ðằng nhắc Duy Linh, biểu làm đơn cho sẵn đặng sáng ngày anh ta dắt ra sở Trường Tiền xin dùm cho việc làm. Duy Linh nghe những lời Phước Ðằng khuyên dạy hồi sớm mai tuy không tỏ ý ra, song trong lòng đã quyết định rồi, bởi vậy vừa nghe tới việc xin làm việc quan liền đứng dậy thưa:

- Thưa chú, hồi sớm mai chú dạy cháu mấy lời cháu không dám cãi, song cháu lại nghĩ bụng cháu không muốn làm việc quan chút nào hết, nên cháu sợ làm không kham, rủi phận cháu đã lỡ dở, mà chú lại gởi gấm lại e mang tiếng. Vậy cháu xin chú thím làm phước cho cháu đùm đậu ít ngày đặng cháu lo làm ăn. Ơn chú thím giúp cho cháu bấy nhiêu đó cũng đã nặng bề rồi, cháu chưa ắt ngày sau đền đáp được không dám làm nhọc lòng thất công chú nữa.

Phước Ðằng nghe nói ngó vợ chưng hửng, không hiểu vì cớ nào mình sẵn lòng giúp đở cho cháu có sở làm, nay nó lại không chịu, nên hỏi:

- Sao cháu không chịu làm việc quan?

- Thưa chú, ý cháu muốn buôn bán, chớ làm việc khó lòng quá, nên cháu không ham chút nào hết.

- Nầy cháu, đời nầy học trò ra trường mỗi năm đều năm ba trăm, đứa nào cũng đi xin việc làm, bởi đông quá nên nhiều đứa có bằng cấp tốt nghiệp đủ hết mà cũng kiếm không được chỗ làm. Chú có thể làm cho cháu có chỗ việc làm được, ấy là may cho cháu lắm, sao cháu lại chê? Cháu phải tính lại, cháu phải đi làm việc quan cho có danh tiếng chút đỉnh, rồi thủng thẳng chú kiếm con gái tử tế nói vợ dùm cho cháu, chớ cháu không làm thầy nói vợ sao được?

- Thưa chú, chú thương cháu nên chú tính cho cháu như vậy, thiệt cháu cảm ơn vô cùng. Song phận cháu nghèo hèn, một mình cháu làm chưa chắc đủ ãn, đâu dám tính kết đôi bạn?

Vợ Phước Ðằng cười nói:

- Cháu sợ có vợ rồi phải nuôi nó hay sao? Nếu nói vợ dùm cho cháu ta lựa chỗ có ăn cho cháu nhờ cậy được, chớ ai khờ dại gì kiếm con nhà nghèo đặng cho cháu nuôi nó hay sao mà cháu lo sợ.

- Thưa thím, làm trai hễ có vợ phải nuôi vợ, chớ nhờ vợ sao phải. Nhưng vì bụng cháu chưa muốn cưới vợ, nên chưa tính chớ không phải sợ cưới vợ nghèo. Chẳng giấu chi chú thím, cháu ở dưới Bạc Liêu vì phận nghèo hèn bị người ta khinh dể, nên cháu mới lên đây quyết chí làm sao trở nên giàu sang cho được, cháu mới vừa lòng.

Phước Ðằng nghe nói vỗ tay cười ngất rồi đáp:

- Nếu cháu muốn giàu sang làm sao không chịu nghe lời chú? Cháu buôn bán biết có giàu được hay không, còn không chịu làm việc quan trở nên giàu sang sao được? Cháu phải đi làm việc quan rồi đi cưới vợ nhà giàu sang chớ. Cháu coi như ông Huyện Hàm Tấn đó bây giờ danh giá ông bay đi cùng sáu tỉnh, khi trước ổng là người gì? Ông học ít hơn cháu nữa. Họ nói hồi trước ổng học trường tỉnh Sa Ðéc vừa tới lớp ba hay lớp nhì gì đó, rồi ổng lên Sài Gòn xin việc mà làm. Ông làm sở Trường Tiền có mấy năm kế ổng đụng một người vợ ở Chợ Lớn giàu quá, ổng xin thôi làm việc quan, về ở theo bên vợ, nhờ gia tài ở bên vợ ổng trở nên giàu lớn, rồi sau ổng mua chức Huyện Hàm, vinh quang biết chừng nào. Hồi trước ổng lên Sài Gòn trong lưng không có tới 10 đồng bạc, mà cũng không có ai đỡ đần. Bây giờ cháu lên đây đã có vốn được vài ngàn, lại có chú giúp đỡ, nếu cháu có chí muốn trở nên giàu sang thế coi dễ hơn ổng nhiều lắm. Vậy cháu phải nghe lời chú, cháu xin vào sở Trường Tiền làm đi. Chú quen với nhà giàu Sài Gòn, Chợ Lớn thiếu gì, để chú coi chỗ nào cháu có thể nhờ cậy được chú sẽ làm mai dùm cho cháu. Mà như cháu không muốn lấy vợ thành thị chú sẽ kiếm vợ Lục Tỉnh cho, nhà giàu dưới Lục Tỉnh lắm ruộng đất cháu càng nhờ được nhiều.

Vợ Phước Ðằng xen vô nói:

- Nầy cha nó, con Kiềm là con ông bá hộ Bảy ở trong Chợ Lớn, nó ra chơi hoài với con nhỏ nhà mình đó, tôi coi nó xứng với cháu đây lắm. Con đó mềm mỏng dễ thương, có nết mà lại có sắc. Còn ông bá hộ Bảy, ổng giàu gia sản tới năm ba muôn, tại chỉ có hai đứa con, nếu cháu đụng vô chỗ đó chẳng khác nào chuột sa hũ nếp, sung sướng biết chừng nào.

Phước Ðằng đáp:

- Ta còn quen nhiều chỗ giàu hơn nữa, chớ như ông bá hộ Bảy mà kể làm gì. Nếu mình làm cho cháu ngày sau giàu sang hơn ông Huyện Hàm Tấn đó mới là quý chớ.

Duy Linh có sắc mắc cở nên ngồi chúm chím cười rồi thưa:

- Ông huyện hàm nào chú nói đó tại cái mạng của ổng như vậy nên ổng mới giàu sang được. Cháu không có cái mạng kỳ cục đó, nên chắc là cháu không làm như ổng được đâu.

- Sao vậy?

- Giàu do sức mình làm ra kia họ mới kiêng, chớ nhờ vợ nên làm giàu thì ai khen giỏi!

- Ủa! Thế nào miễn là giàu có thôi chớ! Người ta không thèm nhọc công làm, người ta dùng trí mà trở nên giàu, như vậy khôg phải giỏi giang sao?

- Xin chú tha tội cho phép cháu cạn tỏ. Cái trí đó không phải là trí quân tử.

- Hại gì! Bây giờ thiên hạ kính phục ổng quá, ai dám khi dể ổng đâu nào?

- Thưa phải, họ kính phục chớ đâu dám khi dể. Song kính phục ấy là họ bị quyền lợi câu thúc, hoặc sợ ổng giận không cho vay tiền hoặc sợ ổng ỷ thế hiếp đáp nên họ sợ chớ trong bụng họ khi dể thầm, ai làm sao mà cản được?

- Ôi! Hơi đâu lo việc đó cháu! Ở đời nầy hễ có tiền nhiều là sang, chớ tài đức cho lắm mà không tiền thì có ra gì? Cháu không thấy sao? Mấy ổng nhiều tiền chừng nào, càng sang trọng, thiên hạ càng kính phục chừng ấy, chớ ai dám chê cười. Nay mình cưới vợ giàu thiệt hại gì đến ai, mà dầu có hại thì hại một nhà thôi, chớ không hại chi đến dân trong tổng trong quận, hoặc trong tỉnh sao cháu lại sợ họ khi dể?

- Thưa chú, gạt dân ngu mà lấy tiền, hiếp dân yếu mà giựt của, theo như chú mới nói đó, lại càng bậy hơn kiếm vợ giàu mà ăn chực nữa. Người khờ dại họ không biết phân biệt chánh tà, hễ thấy tiền nhiều quyền lớn họ sợ nên họ kính phục, chớ kẻ biết điều họ coi ra gì?

- Ðời nầy được bao nhiêu người biết điều đâu, cháu kể cho chú nghe thử coi. Cháu đốt đuốc kiếm cùng trong nước mình sợ cũng không được tới trăm người. Mà dầu có tới trăm người biết điều đi nữa, cũng không ích gì, bởi vì hơn hai mươi triệu người khen còn 100 người chê thì sợ nỗi gì. Chú e 100 người biết điều đó bị thiên hạ nó ganh ghét nữa đó cháu. Sanh nhằm đời nào phải theo thói tục đời nấy hơi đâu câu chấp. Cháu hãy nghe lời chú xin vào sở Trường Tiền làm cho có danh tiếng chút đỉnh đi rồi chú giúp cho.

- Thưa chú, cháu không dám cãi với chú cho hết lời, chớ theo ý cháu nghĩ thứ làm thầy thông thầy ký mà danh tiếng gì. Như cháu đứng buôn bán, cháu làm chủ lấy cháu, bán không gạt ai, mua hàng tới kỳ trả tiền đủ, dường ấy cháu không sang hơn thầy thông thầy ký hay sao?

- Phải, chú hiểu ý cháu lắm. Mà tại thời nầy họ ưa thông ngôn, ký lục, chớ họ không chuộng nghề khác, nhân tâm như vậy cháu phải chìu theo, chớ trái làm chi.

Duy Linh không đáp nữa, ngồi thở dài, sắc mặt coi chẳng vui. Vợ Phước Đằng thấy vậy mới nói:

- Ý cháu nó không muốn làm việc quan thì thôi, ba nó ép làm chi, nó cũng có vốn chút đỉnh để nó buôn bán thử coi.

Duy Linh nghe lời vợ Phước Ðằng nói mấy lời, sợ bà ta giận nên cười dã lã đáp:

- Thưa thím, cháu lên đây muôn việc đều nhờ chú thím. Thiệt cháu cũng muốn buôn bán quá, nên cháu quả quyết, vậy để thủng thẳng ít ngày cho cháu suy nghĩ lại rồi sẽ hay.

Duy Linh móc túi lấy một gói 20 tấm giấy một trăm đưa cho Phước Ðằng và nói:

- Thưa chú, làm ơn cho cháu gởi hai ngàn đồng bạc đặng chú cất dùm, chớ cháu để trong mình hoài coi bất tiện quá.

Phước Ðằng thò tay cầm lấy xấm bạc, miệng hỏi:

- Cháu gởi đây là đặng cho chú cho vay dùm, hay là gởi cho chú cất.

- Thưa, chú cất dùm, chớ đừng cho vay!

- Cháu không chịu cho vay sao? để chú cho vay dùm đặng có lợi thêm cho cháu; ở đất nầy người ta không cho tiền bạc ở không, tiền bạc gì mà lại đem cất cho uổng.

- Thưa chú, cháu có chút vốn thiệt cháu cũng muốn sanh lợi lắm, song muốn sanh lợi phải làm thế nào kia, chớ cho vay tuy có lời mà cũng có hại nữa.

- Tại là sao? Ồ, cháu sợ họ giựt phải không? Cháu khờ quá! Chẳng hiểu họ cho vay thế nào, chớ thuở nay chú cho vay có lợi luôn luôn, đâu có hại mà sợ. Ðể chú nói cách chú cho vay cho cháu nghe: như có hai ngàn đồng bạc, chú lựa chỗ nào chắc chắn chú cho vay 1000. Ai muốn vay phải thế chấp bằng khoán đất, hoặc phải có người giàu đứng bảo đảm mới được. Muốn mãn năm trả vốn lời một lượt chú tính tiền nhẹ hơn hết là 300 đồng, còn nặng là 400 đồng. Như muốn góp mỗi tháng thì góp 120 đồng, góp 12 tháng tất số. Cháu tính lại coi một ngàn đồng mỗi tháng có lời ít nhứt cũng 25 đồng, còn 1000 nữa chú cho vay góp nhỏ, từ 50 đồng sắp xuống, nghĩa là cho 20 chỗ, như muốn góp 3 tháng mỗi tháng góp 20 đồng; như muốn góp 5 tháng mỗi tháng góp 13 đồng. Còn như muốn góp tiền ngày mỗi ngày phải góp 1đ,30, góp 50 ngày tất số. Mỗi người vay mình ăn lời 15 đồng, tính ra 20 người số lời được 300 đồng mà số lời ấy là lời từ 3 đến 5 tháng thế thì một năm mình lời 600 đồng. Ví như vài chỗ trốn mình mất vốn có trên 100 đồng thôi, có hại chỗ nào đâu. Nếu cháu để cho chú cho vay dùm một năm chú kiếm lợi cho cháu tám chín trãm đồng, cháu chịu hay không?

- Thưa chú, theo như chú tính đó cho vay lợi thiệt song cháu sợ thất đức quá, nên cháu không dám cho vay.

- Trời ơi! Ở đời nầy mà cháu lo nhân nghĩa đức hạnh quá như vậy, có làm ăn nghề gì được? Nếu chú sợ như cháu đó, làm sao ngày nay chú có sự nghiệp đến mấy muôn đây!

Vợ Phước Ðằng nãy giờ nằm dài trên ván cho con Sảnh quạt, chừng nghe chồng nói tới đó thì lồm cồm ngồi dậy nhổ trầu mà nói:

- Sao cho vay mà cháu gọi là thất đức? Mình cho vay là làm ơn cho người ta lắm chớ. Người ta nghèo rủi gặp tai vạ như cha mẹ chết, vợ con đau, người ta không sẵn tiền chôn cất cha mẹ, hoặc chạy thuốc cho vợ con. Mình cho người ta vay tức là mình giúp cho người ta trọn hiếu, mình cứu vợ con người ta; mình làm đó là làm nhơn, ai dám chê mình thất đức?

- Thưa thím, nếu mình giúp tiền mà không ăn lời thì mới gọi là ơn được, chớ giúp tiền còn ăn lời, nhứt là ăn lời nhiều, đã không ơn mà lại mang oán là khác.

- Thím cho vay từ thuở nay chưa thấy ai oán. Ai tới đây họ cũng năn nỉ, họ xin làm ơn cho họ, nếu họ oán sao họ còn năn nỉ?

Duy Linh muốn cãi, song sợ tỏ hết ý sanh mích lòng, nên cười rồi đứng dậy lấy thuốc hút.

Vợ chồng Phước Ðằng không hiểu ý Duy Linh, tưởng Duy Linh hồi nãy cải việc không làm việc cho quan rồi bây giờ cãi không chịu cho vay nữa, là cãi chơi vậy thôi, nên mở tủ cất bạc rồi đi ngủ, trong lòng cứ tính kiếm chỗ cho vay dùm, đặng Duy Linh có danh tịếng và có vốn thêm chút đỉnh.

Còn Duy Linh đã nhứt định rồi, nên đi ngủ trong trí cứ tính lập tiệm buôn bán hoài, quyết không chịu sang giàu theo kế của chú thím bày đó.

CHƯƠNG 7 -

M

ỗi ngày hễ Duy Linh thức dậy thay áo đổi quần rồi đi mất, cho tới 11 giờ mới về ăn cơm. Buổi chiều cũng vậy, từ 3 giờ đến 5 giờ chẳng có Duy Linh ở nhà. Duy Linh đi khắp các nẻo đường đặng coi có thế chi buôn bán được hay không.

Vợ chồng Phước Ðằng thấy cháu còn nhỏ, lại thuở nay chưa đến Sài Gòn lần nào, tưởng nó đi sở thú, đi xem nhà hàng, đi chơi cho biết cảnh xinh thú lịch đất kinh thành nên không hỏi nó đi đâu, và cũng không nhắc tới sự xin việc làm.

Bữa nào hễ chiều ăn cơm rồi Duy Linh cũng thấy có nhiều người đến nhà chú, đàn ông có, đàn bà cũng có, người mặc đồ tử tế vào cửa lớn, còn kẻ quần vắn áo cụt thì đi vòng cửa sau. Duy Linh thấy có khách thì bỏ ra ngoài, nên không biết khách đến có việc chi.

Duy Linh đi chơi ít bữa rồi biết rằng vốn của mình có hai ngàn đồng bạc, nếu mình muốn buôn bán thì bây giờ chỉ lập tiệm hớt tóc, tiệm may hay là lập quán bán cà-fê với tạp hóa chút đỉnh thôi, chớ không thể khai tiệm lớn được.

Mà mình không biết may, nếu lập tiệm may mình phải mướn thợ rồi phú thác hết cho họ, biết họ có tử tế hết lòng với mình hay không? Lập quán cà-fê coi cũng bất tiện, bởi mình không thạo nghề ấy nên làm chắc cũng khó lời được. Còn tiệm hớt tóc hoạ may mình làm được, bởi hồi còn đi học, mình hay hớt tóc dùm cho học trò nên quen tay rồi, bây giờ mình cầm bào cầm kéo không thua gì thợ, nếu mình làm chủ thợ khó ăn qua với mình được. Ví như mình lập tiệm hớt tóc mình sẽ mua dầu thơm, nước gội, phấn dồi mặt, phấn đánh răng mình bán, lần lần rồi mình sẽ bán tới giày, vớ, nón bâu, áo sơ mi, khăn hỉ mũi, có lẽ trong ít năm mình sẽ khá. Mà bây giờ căn phố nào trống cho mình mướn để khai tiệm?

Duy Linh đang suy nghĩ tới đó lấy làm buồn, bởi vậy nên mỗi ngày đi hoài, trông chỗ nào trống có thể lập tiệm đặng sẽ mướn liền.

Cách chẳng bao lâu tới cuối tháng, lại nhằm bữa chiều thứ bảy, Duy Linh ăn cơm rồi, lúc chạng vạng tối ra ngoài đường hóng mát. Hút chưa tàn điếu thuốc bỗng thấy một cái xe kéo ngừng ngay trước cửa, người ngồi trên xe bước xuống đi thẳng vào nhà. Duy Linh đứng tránh một bên cho người ấy đi, tuy không nhìn kỹ, song thấy đầu bịt khăn đóng, mắt mang kiếng, mình mặc áo dài đen chói láng láng, dưới bận quần (40) Tây rộng ống lại đi giày vàng, tay cầm ba ton huơi lên chống xuống, đi coi bộ khoan thai lắm. Khi người ấy qua khỏi, Duy Linh mới ngồi chồm hổm dựa cửa ngó ra đường, thấy tên xa phu ngồi thở dốc hai tay nắm hai vạt áo quạt lia quạt lịa, làm xe nhúng lên nhúng xuống còn lồng đèn treo phía sau lúc lắc như gió thổi đong đưa.

Duy Linh nghe trong nhà nói chuyện om sòm, nhưng vì không để ý đến, nên không hiểu nói chuyện gì. Cách một hồi mới nghe Phước Ðằng kêu nói lớn: "Cháu à cháu, vô đây biểu cháu. Có ông chủ bút lại đây, vậy vô nói chuyện chơi". Duy Linh ứng tiếng dạ, lật đật đứng dậy đi vô nhà.

Trong nhà đốt đèn sáng lòa, Duy Linh bước vô chắp tay cúi đầu chào khách, liếc coi người khách mà chú mình kêu là ông chủ bút đó, tuổi chừng 35, da trắng, miệng dài, mày thưa, càm nhọn, y phục sắc sảo, bộ tướng đoan trang. Duy Linh chào trọn lễ, nhưng người khách ngước mặt làm ngơ rồi gục gặt đầu mà thôi, chớ không thèm đứng dậy đáp lễ. Duy Linh thấy khách cao kỳ thì trong bụng không vui, song nghĩ thầm ông chủ bút là bực kiến thức cao minh, chẳng lẽ lại là người đồng bậc với mình, nên cũng không lấy đó làm hổ thẹn. Duy Linh đương bợ ngợ chưa kịp nói chi hết kế Phước Ðằng nói:

- Ðó, thằng cháu tôi đó, nó ở Bạc liêu mới lên ở mấy bữa nay. Nó học khá quá mà không chịu làm việc quan, y lại muốn buôn bán. Nầy cháu, ông đây là ông Cao Minh Chiếu biệt hiệu Đại Quang, chắc cháu có nghe danh ông rồi chớ?

Duy Linh đáp rằng:

- Dạ, thưa cháu có nghe danh ông lâu rồi, vì phận cháu quê mùa, nên không có duyên hội diện cùng ông. Nay may mắn cho cháu lắm.

Ông chánh chủ bút Cao Minh Chiếu thò tay vào túi lấy cặp kính ra kẹp ngang sóng mũi, rồi ngó Duy Linh rồi kéo tay áo cho lòi cặp măng séc (41) trắng mới ủi láng ngời, rồi nói:

- Thầy em ở dưới Lục Tỉnh mới lên Sài Gòn mà ứng đối nghe tao nhã quá! Ở đời nầy chẳng có chi buồn hơn là thấy người đồng bang của mình chủ hướng ngày càng thêm tệ. Mấy ông thanh niên tân học bây giờ họ gặp nhau cứ nói ròng tiếng Pháp, nói trúng cũng nói, nói trật cũng nói, họ bỏ tiếng mẹ đẻ của mình, trong ý của họ cho tiếng Việt nam quê mùa, phải tiếng Pháp mới ra người văn minh! Tôi đây nói tiếng Pháp dở lắm sao? nhưng gặp người Việt Nam tôi chỉ nói ròng tiếng Việt chừng nào gặp người Pháp tôi mới nói tiếng Pháp.

Phước Ðằng gật đầu cười và đáp:

- Luận như ông vậy tôi phục lắm. Người mình nói tiếng mình nghe không ngộ hay sao, cần gì phải dùng tiếng ngoại quốc.

Phước Ðằng day lại thấy Duy Linh còn đứng sớ rớ bèn biểu:

- Ngồi đó cháu, ngồi nghe ông chủ bút nói chuyện chơi. Ngồi ghế đây. Ông chủ bút đây là người cao kiến, từ ngày ông ra chấp bút viết báo Sài Gòn cho tới LụcTỉnh ai cũng khen ngợi, danh giá ông bay khắp ba kỳ, chẳng ai không nghe danh ông. Ngồi đó cháu, ngồi đi mà, đừng ké né chi hết.

Duy Linh thấy chú nài ép, nên kéo một cái ghế dang ra ngoài ngồi. Cao Minh Chiếu nghe lời khen ngợi coi bộ vui lòng ngó Phước Ðằng nói tiếp:

- Tôi cầm bút viết báo, tôi không phải như họ vậy đâu. Tờ báo là cái gì? Tờ báo là cơ quan để khai thông dân trí, bình phẩm nhân tình, cải lương phong tục, tỏ bày chánh ý, binh vực quyền lợi, cái nghĩa vụ của người bình bút trong tòa soạn quý hóa biết chừng nào, cái trách nhiệm của nhà ngôn luận nặng bề biết bao nhiêu! Tôi đứng trong làng báo hơn mười năm nay, bạn đồng nghiệp tôi ai cũng kiêng nể tôi, mà độc giả ai cũng yêu mến tôi, ấy là vì tôi chẳng hề khi nào rời tôn chỉ trên. Tôi không thèm làm quan, mà ông coi bây giờ có ông phủ ông huyện nào danh giá được như tôi vậy hay không?

Phước Ðằng gật đầu hoài, coi bộ vừa ý lắm. Duy Linh từ thuở nay ưa đọc báo Việt ngữ, song chưa được nghe một vị chủ bút nào nói chuyện, nay nghe Cao Minh Chiếu can đảm hùng biện trong lòng lấy làm kính phục nên ngồi im lóng tai nghe.

Cao Minh Chiếu hứng chí, lấy cặp kính cầm trên tay, rồi trợn mắt chau mày nói:

- Ông có coi kỹ mấy bài xã thuyết của tôi không? Khi thì ký tên Đại Quang, khi thì ký T. N. B mấy bài đó đều là của tôi hết thảy.

Phước Ðằng đáp:

- Mấy bài kuận của ông tôi coi kỹ lắm chớ.

Cao Minh Chiếu lại nói:

- Tôi luận trong mấy bài "Cải Lương Phong Tục» đó họ phục quá. Ôi, còn nói: tiểu thuyết " Bể Ái Thuyền Tình» tôi đăng mấy tuần nay ai đọc cũng mê mẩn. Nhứt là đọc giả Sài Gòn họ ưa tiểu thuyết của tôi lắm. Lúc nầy tôi đang khảo cứu về quốc văn, tôi tính cổ động làm sao cho nền văn minh của mình vững bền đẹp đẽ. Ông nghĩ coi, các nước bên Âu Mỹ nước nào nền quốc văn cũng rực rở, mình đứng vào bậc trí thức há làm lơ, không lo xây đắp nền quốc văn của mình hay sao?

Phước Ðằng nghe nói tới đó trong long càng thêm kính phục nên khen:

- Ông lo lắng cho xã hội quá như vậy, công của ông thiệt lớn không biết chừng nào.

Cao Minh Chiếu chúm chím cười và tính nói nữa bỗng nghe Duy Linh hỏi:

- Thưa ông, ông mới nói ông lo cổ động đặng làm cho quốc tự được bền vững đẹp đẽ. Ông tính việc đó hay lắm; nhưng không biết ông cổ động cách nào?

Minh Chiếu ngó Duy Linh đáp:

- Thầy không hiểu, nước mình không phải không có quốc văn. Mấy bộ truyện như Kim Vân Kiều, Nhị Ðộ Mai, Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm, Lục Vân Tiên là những bộ sách văn chương lỗi lạc, ý tứ thâm trầm, xét coi văn chương chẳng kém văn nước nào hết. Đồng bang ta không để ý đến, mấy ông cựu học trò giỏi chữ Hán, bây giờ mấy ông tân họ học giỏi chữ Pháp lại cứ dùng chữ Pháp, họ cũng không chịu dùng quốc văn, bởi vậy quốc văn của ta lu mờ hoài, nay tôi tính cổ động là cổ động cho người mình dùng chữ mình, đặng làm cho nền quốc văn vững bền đẹp đẽ.

- Thưa ông, ông là bậc cao minh trí trức, tôi kính phục ông lắm. Nhưng tôi muốn tỏ ý tôi chút đỉnh cùng ông chẳng hay ông có cho phép hay chăng?

- Không sao mà, thầy em muốn phô diễn điều chi xin cứ việc nói ngay đi, có chi đâu mà ngại. Tôi ưa cãi lẽ lắm, có cãi lẽ mới nảy ra ý chớ.

- Thưa thầy, ông tính cổ động khuyên lơn người mình phải dùng chữ mình là chữ quốc ngữ, đặng làm quốc văn thịnh phát, ý nghe hay thật ngặt cách làm coi có chỗ khó lắm.

- Sao thầy gọi là khó?

- Thưa, khó là vầy: Ở Việt nam bây giờ trong số một trăm người, một người biết chữ Tàu, vài người biết chữ Tây, 27 người biết chữ quốc ngữ mà thôi, còn lại 70 người dốt đặc không biết thứ chữ nào hết. Mà hai người biết chữ Tây ấy họ cũng biết chữ quốc ngữ, nên nếu họ muốn viết chữ quốc ngữ cũng được chớ chẳng phải không. Vậy bây giờ muốn cho mọi người đều dùng chữ quốc ngữ dầu cổ động cho mấy đi nữa sợ cũng không công hiệu được, bởi 70 người dốt đặc đó họ không có biết viết, biết đọc chữ quốc ngữ đâu mà dùng. Tôi tưởng hay hơn hết là ông yêu cầu chánh phủ lập trường học cho khắp mọi nơi, và cổ động cho các bậc trí thức hiệp lại với các nhà tư bổn lập thêm trường riêng nữa, làm như vậy trong năm mười năm người mình đều biết chữ quốc ngữ hết, chừng ấy ông không cần cổ động tự nhiên họ cũng dùng chữ quốc ngữ.

- Thầy nói nghe cũng có lý. Nhưng mình cầm viết mà viết báo mình phải cổ động chớ.

Duy Linh chúm chím cười rồi nói tiếp:

- Thưa ông, dầu hết thảy mọi người Việt Nam đều biết đọc biết viết chữ quốc ngữ, tôi sợ nền quốc văn của mình cũng không rực rỡ được.

- Sao vậy? Thầy nói cái đó mới kỳ đa!

- Thưa ông, theo ngu ý của tôi, trong các nước văn minh bên Âu hay bên Mỹ, ngày nay thấy nền quốc văn của họ nguy nga rực rỡ đó, là nhờ họ có văn nhân đông, có nhiều bác sĩ, mỗi vị đều gia tâm đặt sách vở truyện lưu truyền đời nầy sang đời kia nên mới được như vậy. Trong nước mình bây giờ mọi người đều biết quốc ngữ, mà biết là đọc cho xuôi câu, biết viết trúng vấn đề mà thôi, còn học thức không chi hết tôi sợ viết một bức thơ e cũng không xong. Có tài trí gì mà làm sách vở hay như truyện Kim Vân Kiều, trông gì giúp nền quốc văn cho rực rỡ được.

Cao Minh Chiếu ngồi lặng thinh một hồi rồi ngó Phước Ðằng mà nói:

- Thầy em đây nghị luận nghe được quá. Mà nói nghe cũng thanh nhã như lời nói của mấy người viết báo,

Minh Chiếu lại day qua hỏi Duy Linh.

- Thuở nay thầy có viết bài ấn hành vào tờ báo hay không?

- Thưa không, tôi học sơ thiển quá, nên đâu dám múa men nơi trường nghị luận.

- Hứ! Thầy biết nói tiếng đó, là viết báo được rồi, chớ còn đợi cho có tài làm chi nữa. Nãy giờ tôi nghe thầy dùng mấy tiếng "thạnh phát", "cao minh", "trí thức", "văn minh Âu Mỹ", "trường nghị luận" đó là giỏi quá.

- Thưa, tôi đọc báo tôi thấy mấy ông viết báo hay dùng mầy tiếng ấy nên tôi mới bắt chước nói, chớ có trau dồi quốc văn đâu mà giỏi.

- Mà thuở nay thầy có hay viết quốc văn hôn?

- Thưa, viết quốc văn là sao? Viết chữ quốc ngữ đó phải không?

- Ừ, chữ quốc ngữ đó là quốc văn chớ gì.

- Thưa, quốc ngữ tôi viết thường.

- Ờ, nếu thầy có rảnh viết thử ít bài luận rồi gởi cho tôi dượt (42) thử coi, như được thì tốt bằng có chỗ nào sai tôi sửa cho rồi đăng báo.

Phước Ðằng nghe Minh Chiếu khen Duy Linh trong bụng mừng thầm nên nói:

- Nếu ông vui lòng dạy bảo nó để tôi biểu nó tập viết. Ông liệu thử coi nếu nó viết được, ông có thể nào đem nó vô báo quán giúp đở bài vở cho ông được hay không?

Minh Chiếu đứng dậy bỏ cặp kiếng vào túi và đáp:

- Ðược, nếu thầy viết được tôi nói với ông tổng lý cho thầy vào làm ngay. Minh Chiếu móc bóp phơi lấy 20 đồng bạc giấy đưa cho Phước Ðằng và nói nho nhỏ:

- Tôi mới lãnh lương nên mới lật đật đem vô cho ông đây.

Phước Ðằng cười và cũng đáp nho nhỏ:

- Ông gấp quá mai mốt cũng được mà.

Minh Chiếu cáo từ ra về. Phước Ðằng đưa ra khỏi trước cửa, chừng Minh Chiếu lên xe đi rồi mới trở vô nhà.

Vợ Phước Ðằng ở sau mới bước ra hỏi chồng:

- Ông chủ bút có đưa tiền hay không?

- Có, ổng đưa rồi.

- Ông còn góp mấy tháng nữa mới hết?

- Ba tháng.

- Nghe nói ổng ăn lương trên một trăm đồng làm giống gì hết mà phải hỏi tiền góp như vậy.

- Má nó hỏi cái đó mới thiệt là kỳ đó: Người ta làm chánh chủ bút, giao thiệp rộng, quyền thế nhiều, bước ra khỏi nhà phải đi xe, mà đi xe cũng phải ngồi hạng nhứt. Ăn xài cho xứng danh giá của mình tự nhiên phải túng thốn, cái đó có lạ gì đâu.

- Tôi nói chuyện trong nhà nghe chơi vậy thôi, chớ tiền của ổng ổng xài, ổng vay bạc của mình mình ăn lời, chớ can chi đâu mà sợ.

- Ông có tánh khoe khoang, song ổng khá hỏi tiền hễ tới ngày thì đóng góp không để trễ như họ.

- Nầy tôi nói cho mình hay thầy Bảy Vàng thầy tính giựt mấy chục đồng bạc đó đa! Bạc đã tới kỳ năm sáu bữa rày rồi mà thẩy không chịu góp. Từ hôm qua tới nay tôi sai con Sảnh lại nhà thẩy đòi, thẩy trốn đi lỗ nào không biết. Vợ thẩy lại làm mặt lạnh nói không biết tiền bạc gì mà đòi, thẩy có thiếu thì kiếm thẩy mà lôi lưng thẩy. Ðể mai tôi sai con Sảnh ra sở thẩy làm kéo lưng thẩy cho thẩy biết chừng.

- Ừ, phải đòi thẩy chớ. Nếu thẩy lôi thôi tôi đưa giấy cho trưởng tòa kiện rồi bắt giam thâu mất chỗ làm đa, nói cho thẩy biết.

Duy Linh ngồi nghe hai vợ chồng Phước Ðằng nói những việc cho vay đòi nợ trong lòng không được vui nhưng vì mình ở đậu trong nhà, nên không dám chen vô nói chi hết.

Phước Ðằng day lại nói với Duy Linh:

- Nầy cháu, chú mới nghĩ một việc nầy hay lắm: cháu sợ ràng buột nên không chịu làm việc nhà nước, vậy thôi cháu ra viết báo đi. Làm nhựt trình bây giờ ăn lương đã rộng mà thiên hạ lại kêu mình là "ký giả", tên tuổi mình bay khắp sáu tỉnh, sang trọng biết chừng nào. Làm nghề đó có lợi mà cũng có danh; còn hai ngàn đồng bạc của cháu để đây chú cho vay dùm, trong ít năm cháu sẽ lại giàu lại sang nữa. Cháu làm đi.

Duy Linh suy nghĩ, nhớ khi mình còn ở dưới Bạc Liêu thiên hạ họ đọc nhựt trình kẻ khen ông ký giả nầy, người chê ông ký giả kia, tên mấy ông ký giả thiên hạ đều biết hết thảy. Anh ta lại nhớ ông Cao Minh Chiếu ngồi đàm luận hồi nãy, lời tuy suông sẽ, nhưng chí lại không cao, mà toàn bộ làm tướng coi quan trọng lắm. Nếu mình viết báo mình nghị luận cao sâu hơn ông tự nhiên mình sang trọng hơn ông, mà mình có tiền mình không đi vay hỏi ai mình càng quý hơn nhiều. Tuy vậy thuở nay mình chưa viết một bài nào trong nhựt trình, không biết mình có viết được hay không? Duy Linh suy tới nghĩ lui bụng muốn làm ký giả, song trí sợ không viết được bài nên trả lời lôi thôi:

- Thưa chú, thuở nay cháu không có tập viết báo, không biết cháu có viết được hay không, mà dám viết bướng.

- Thuở nay cháu có đọc nhựt trình thường hay không?

- Thưa chú, đọc thì cháu đọc hằng ngày, nhựt trình nào cũng đọc hết thảy.

- Nếu cháu có đọc nhựt trình, tự nhiên cháu viết được chớ có chi khó đâu. Cháu cứ viết như họ đó là được.

- Sợ cháu học ít quá, viết không bằng họ.

- Cháu không hiểu: cháu tưởng như ông chánh chủ bút Cao Minh Chiếu đó ổng học giỏi lắm hay sao? Chú biết ổng rõ lắm, ổng không biết một chữ Tàu nào hết. Ông viết dùng bậy cho xuôi câu mà thôi, trúng trật trối kệ. Còn chữ Tây ổng học lam nham chưa có bằng cấp sơ học. Cháu coi đó, ổng học lôi thôi quá, mà dám ra làm chánh chủ bút rồi bây giờ danh ổng nổi phao phao đó sao. Chú còn biết nhiều ông chủ bút khác cũng như vậy. Chú dám chắc cháu làm báo không thua họ đâu. Cháu làm đi. Thôi mai chiều viết thử một bài luận gì đó rồi đưa cho chú đưa cho ông Minh Chiếu coi thử, như được chú cậy ông đem cháu vô báo quán làm.

Duy Linh trong ý đã chịu rồi, song sợ không kham nỗi ngồi cười, chớ không dám tỏ lời vâng chịu.

Vợ chồng Phước Ðằng vào phòng nằm nghỉ. Duy Linh nằm ngoài thổn thức suy nghĩ coi bây giờ mình phải viết một bài chi. Bởi anh ta uất ức vì căn duyên nên trong trí vừa nghĩ tới chuyện con nhà giàu sang dành nhau mà cầu hôn với Phi Phụng. Anh ta ngồi dậy lồm cồm lại bàn, viết luận về "Gái phải biết kén chồng". Anh ta đọc đi đọc lại, bôi chỗ nầy thêm chỗ nọ, chừng coi vừa ý rồi mới chép lại bỏ túi và tắt đèn đi ngủ.

Đồng hồ gõ một giờ khuya mà Duy Linh hãy còn rộn trong trí nên chưa ngủ được. Anh ta nghĩ bài luận mình viết chắc hay lắm. Anh ta viết thêm một bài nữa, song chưa biết phải giải vấn đề gì. Anh ta suy nghĩ một hồi, nhớ tới Bá Kỉnh khinh bỉ mình trong lòng phát giận nên tính sáng mai sẽ viết thêm một bài nữa luận về " Ỷ thế cậy quyền".

Sáng bữa sau Duy Linh dậy sớm, thấy chú thím còn ngủ hết, mới lấy giấy viết thêm một bài nữa. Anh ta sửa và chép lại vừa rồi thì Phước Ðằng thức dậy. Vì Duy Linh lấy việc mình đương uất ức làm đề mục đem ra luận, nên hai bài văn chương hùng hồn, lý tưởng cao sâu, song bài trước ý hơi trách kẻ sắc tài, còn bài sau ý hơi khinh người quyền thế.

Phước Ðằng xem rồi khen nức khen nở, ăn cơm xong lại còn đọc cho vợ nghe nữa.

Tối hôm đó Phước Ðằng dắt Duy Linh ra nhà Cao Minh Chiếu. Ðọc rồi bụng ông khen thầm, nhưng sợ nếu mình khen Duy Linh tưởng giỏi nên không kiêng nể mình nên nói: "Thầy viết như vầy đăng báo cũng được. Vậy để mai tôi sửa lại rồi đăng báo dùm cho".

Phước Ðằng nghe Minh Chiếu nói bài của Duy Linh đăng báo được mừng rỡ hết sức, liền cậy Minh Chiếu đem Duy Linh vào phụ bút trong "Đại Đồng Nhựt Báo". Minh Chiếu thầm nghĩ Duy Linh còn trẻ tuổi nếu mình cho phụ bút dễ sai khiến; vã lại Duy Linh mới tập viết tự nhiên ham viết bài, hễ viết nhiều được mình càng khỏe bớt. Đã vậy Phước Ðằng cậy mình, nếu mình giúp dùm được có lẽ sau mình vay hỏi bạc tiền cũng dễ. Minh Chiếu nghĩ như vậy nên hứa để sáng mai sẽ nói với ông Tổng Lý chịu dùng Duy Linh làm phụ bút, định lương mỗi tháng 50 đồng và biểu Duy Linh mau mau ra lãnh việc.

Phước Ðằng lấy làm mừng rỡ, nên bữa sau dắt Duy Linh ra báo quán tạ ơn Cao Minh Chiếu, cậy Minh Chiếu tiến dẫn Duy Linh cho ông Tổng Lý và dạy dỗ dùm cho Duy Linh quen nghề nghiệp.

Duy Linh mới vào viết báo, chưa thông thạo, nên bỡ ngỡ mọi bề, nhưng vì anh đắc chí vui lòng, quyết làm cho nổi danh trong sáu tỉnh, nên ngồi tại báo quán không rời cây viết, mãn giờ về nhà trí cũng lo tính hoài. Vợ chồng Phước Ðằng thấy Duy Linh tánh nết mềm mỏng, lòng càng yêu mến, nên biểu Duy Linh cứ ở đậu nhà mình cho khỏi hao tốn. Tuy vợ chồng Phước Ðằng không nói tới chuyện tiền cơm, song Duy Linh thầm tính để tới tháng anh ta trả tiền cơm của mình và cũng trả luôn cho thằng Cử nữa.

Cách chẳng bao lâu tới lễ Phục Sanh (43). Ông Lý định ra số báo thứ bảy rồi nghỉ số thứ hai sau. Chiều thứ bảy báo ra rồi Duy Linh đi về trong bụng thầm tính dùng hai ngày nghĩ để viết bài thật nhiều, như có rảnh rang sẽ khởi thử một bổn tiểu thuyết tả tình riêng của mình chơi.

Xe lửa tới Cầu Kho, Duy Linh bước xuống đi bộ về nhà, vừa đi vừa tính coi phải luận việc gì, tay cầm tờ báo mới mực còn ướt, nên mấy đầu ngón tay lấm lem. Anh ta lầm lũi đi, khi tới cửa vùng quẹo vô, thấy có hai nàng con gái đương đứng tại cửa ngõ. Duy Linh bở ngở không biết là ai, bụng nghĩ thầm trong hai nàng ấy có lẽ một nàng là con của Phước Ðằng song không biết là nàng nào. Duy Linh không dám ngó chán chường, và cũng không dám chào hỏi, chỉ dở nón thôi. Hai nàng cúi đầu đáp lễ, đứng nép mỗi nàng mỗi bên để khoảng giữa trống cho Duy Linh vào nhà.

Duy Linh vào nhà thay áo đổi quần nghe tiếng vợ chồng Phước Ðằng đang nói chuyện dưới nhà sau, rồi lại nghe ngoài ngõ có tiếng lãnh lót kêu con Sảnh biểu đem ra hai cái ghế.

Trời xâm xẩm tối. Duy Linh vặn đèn lên và trải tờ báo mới đem về trên bàn đọc lại hai bài của mình. Phước Ðằng ở trong buồng bước ra ngó thấy Duy Linh bèn nói:

- Cháu về rồi đây mà. Con em cháu nó chơi ngoài trước cửa, nãy giờ cháu có gặp nó hay chưa?

Duy Linh đáp:

- Thưa hồi nãy cháu về cháu có thấy hai cô đứng chơi trước cửa. Té ra bữa nay có cô em về hay sao?

Phước Ðằng ngó ra ngoài cửa thấy hai nàng con gái đương ngồi mỗi người một cái ghế đương nói chuyện, bèn day lại nói với Duy Linh:

- Ờ. lễ Phục Sanh bãi trường được một tuần nên hồi chiều má nó vô rước về. Con em cháu nó mặc áo trắng đó, còn con mặc áo màu xanh kia là con ba Kiềm con ông bá hộ Bảy trong Chợ Lớn. Hai chị em nó học một trường thân thiết với nhau lắm, nên lần nào có lễ con nọ cũng theo con nhỏ ở nhà ra đây chơi một đêm rồi sáng hôm sau mới về.

Duy Linh nghe vậy hay vậy, thấy Phước Ðằng chỉ tay ngoài cửa cũng ngó theo, thấy hai nàng mỹ nữ ngồi cũng như thấy hai chậu bông đẹp, ngó thì trong lòng càng kính trọng, chớ chẳng sanh cảm tình chút nào hết.

Cơm dọn rồi, Phước Ðằng kêu Duy Linh vào ăn. Vợ Phước Ðằng với con gái là cô hai Thanh và con ông bá hộ Bảy là cô ba Kiềm cũng ngồi ăn chung một bàn.

Cô hai Thanh tuổi vừa 17 tuổi, da trắng, mặt tròn, cặp mắt sáng như gương, hàm răng trắng như phấn, má hồng. Còn cô ba Kiềm cũng 17 tuổi, dung nhan yểu điệu, lời nói dịu dàng, nước da trắng đỏ, gương mặt tươi cười, hai gò má núng đồng tiền, mái tóc đen huyền dợn sóng. Nếu sánh về sắc khó biết ai đẹp hơn ai. Tuy vậy, hai nàng có chỗ chẳng giống nhau: một là hai Thanh vóc vạc chắc chắn, còn ba Kiềm ốm yếu, hai là hai Thanh hay nói hay cười, còn ba Kiềm đứng ngồi tề chỉnh.
Duy Linh sợ thất lễ nên chim bỉm (44), ngồi ăn không dám liếc ngó hai nàng. Trong trí anh lại đang tính kiếm đề mục đặng tối viết bài, nên không để ý nghe hai nàng nói chuyện.
Phước Ðằng tưởng Duy Linh thấy con gái mắc cở, bèn kiếm lời hỏi Duy Linh coi hổm nay ông Tổng Lý có khen chê bài vở chi không.
Duy Linh đáp mấy bài luận của mình hổm nay ông chánh chủ bút đều dùng làm xã thuyết hết thảy, song không nghe khen chê chi hết.
Phước Ðằng nghe nói chưng hửng bèn hỏi:
- Té ra mấy xã thuyết hôm đó, cháu lại để tên là "Tân Nam Tú" nào đó?
- Thưa, ông chủ chánh bút nói phàm đã cầm viết viết báo phải đặt một cái hiệu riêng, vậy mới ra mặt văn nhân, chớ đừng có ký tên thật. Như cháu nghe lời ông nên đã lấy bút tự là "Tân Nam Tú".
- Phải, phải lắm. Làm báo phải có biệt hiệu mới được. Cháu đặt bút tự tên "Tân Nam Tú" đó cũng hay đa.
Lúc Duy Linh nói chuyện với Phước Ðằng hai nàng ngồi lóng tai nghe. Hai Thanh ngó ngay Duy Linh, không ái ngại chi hết, còn Ba Kiềm lâu lâu mới liếc ngó lên một cái, miệng chúm chím cười hoài.
Ăn cơm xong rồi Duy Linh đi ra ngoài đường, đi lên đi xuống hứng mát, có ý đợi trong nhà đi ngủ rồi vô viết bài. Phước Ðằng ra ghế ngoài ngồi hút thuốc. Người vợ nằm trên ván đó nói chuyện với hai cô con gái. Duy Linh đi nghểu nghểnh ngoài đường trót giờ chân hơi mỏi, nên vô nhắc ghế để ngoài sân ngồi một mình tính sắp ý đặng viết một bổn ái tình tiểu thuyết.
Vợ chồng Phước Ðằng có con về lòng mừng nên nói chuyện chơi với con cho tới 11 giờ khuya mới chịu đi ngủ. Nhà của Phước Ðằng phía sau dọn dẹp thứ lớp, chánh giữa lót bộ ván đôi để tiếp khách đàn bà, kế đó đặt bàn hột xoài để ăn cơm. Còn hai bên có hai buồng, trong mỗi buồng đều có giường sắt, tủ áo, ghế nhỏ đủ thứ hết. Vợ chồng Phước Ðằng vào ngủ trong buồng phía tay mặt. Còn hai cô ngủ buồng phía tay trái.
Duy Linh thấy khuya nên cũng đi ngủ, tính thức dậy sớm đặng viết cho thong thả trí. Anh ta nằm bộ ván ngoài cách giường của hai cô có một tấm vách thôi, bởi vậy nằm nghe hai cô nói chuyện rầm rì, một lát nghe cười nho nhỏ, song không rõ nói chuyện chi, mà cũng không hiểu cớ nào lại cười. Chưa được bao lâu anh ta ngủ quên, không nghe chi nữa hết.
Ðúng 6 giờ sáng Duy Linh thức dậy, biết chú thím quen ngủ tới chin, mười giờ, nên súc miệng rửa mặt chải đầu rồi lén mở một cánh cửa ngay bàn viết cho sáng đặng ngồi làm việc. Mặt trời mọc một lát, con Sảnh mở toang mấy cánh cửa hết thảy, thằng Cử quét nhà, chùi ghế lau bàn. Duy Linh mắc lo viết nên không hay con Sảnh với thằng Cử đang làm lộn xộn, đứa mở cửa, đứa quét nhà và cũng không dè cô Hai Thanh và cô Ba Kiềm đang ngồi dựa bàn hột xoài trong buồng, người thêu khăn, người đọc "Đại Đồng Nhựt Báo", một lát day mặt ra dòm ngoài trước một cái.
Thường khi có lễ Ba Kiềm theo Hai Thanh về nhà ở chơi một đêm, hễ sáng thức dậy là về Chợ Lớn. Lần nầy cô cứ ngồi đọc nhựt báo hoài, không nói tới chuyện về. Ðến 4 giờ chiều vợ chồng Phước Ðằng nói:
- Con ba sửa soạn về, kẻo trong nhà anh bá hộ ảnh trông. Còn nghỉ bảy tám ngày nữa, thôi con về thăm nhà, rồi bữa nào buồn nói trước cho anh bá hộ ảnh hay, rồi con sẽ ra ở chơi.
Ba Kiềm liền thay áo gỡ đầu, cô thấy cô Hai Thanh quyến luyến theo nói chuyện hoài, cô mới nói nhỏ:
- Sáng mai chị vô nhà tôi chơi. Chị vô chơi rồi tôi nói với ba tôi, tôi đi theo chị ra ngoài nầy nữa. Tôi ở nhà một mình buồn quá. Thế nào chị cũng vô chơi nhé.
Hai Thanh gật đầu. Ba Kiềm giã từ vợ chồng Phước Ðằng đội khăn ra về. Ra ngoài thấy Duy Linh đương ngồi viết, cô ta cúi đầu chào Duy Linh, Duy Linh đáp lễ rồi cúi xuống viết nữa, không ngó theo.
Qua bữa sau, ăn cơm trưa rồi, Hai Thanh xin phép mẹ cha vô Chợ Lớn thăm ông bá hộ Bảy với cô Ba Kiềm. Cha mẹ cho đi, song dặn đi chơi một chút rồi về chớ đừng có ở tối. Lối 3 giờ chiều Duy Linh thay đồ cũng thưa với chú thím đặng đi thăm ông chánh chủ bút Cao Minh Chiếu. Đến lúc Duy Linh về thấy cô Hai Thanh đi Chợ Lớn về rồi, lại có thêm cô Ba Kiềm theo trở ra nữa.
Người có ý ai thấy cử chỉ của cô Ba Kiềm như vậy ấy cũng sanh nghi. Lúc ăn cơm vợ chồng Phước Ðằng một lát ngó Duy Linh một cái rồi chúm chím cười. Duy Linh không để ý đến việc gì hết, nên ngồi ăn cơm nói chuyện như thường, khi nghe cô Ba Kiềm hoặc cô Hai Thanh nói cũng ngó, song ngó thì ngó ngay chớ không nghiêng tròng trộm liếc.
Ðến bữa thứ ba Duy Linh hết nghỉ nên sáng thức dậy sửa soạn đi ra báo quán làm việc. Trưa về cũng thấy cô Ba Kiềm còn ở tại nhà; kế mấy bữa sau cũng còn thấy cô ở đó hoài, cho tới chiều thứ sáu mới không thấy nữa. Chừng ngồi lại ăn cơm Duy Linh vùng hỏi trống:
- Còn cô Ba đi đâu, sao không thấy ăn cơm?
Cô Hai Thanh cúi mặt xuống bàn, miệng cười còn mắt liếc ngó mẹ.
Phước Ðằng thấy vợ con không trả lời bèn nói:
- Ờ, nó về trong Chợ Lớn, chiều chúa nhựt nó sẽ ra đây và sẽ đi cùng với con nhỏ ở vô trường.
Chiều chúa nhựt lối 3 giờ rưỡi Duy Linh thay đồ sửa soạn đi chơi. Vợ Phước Ðằng xem thấy liền hỏi:
- Cháu đi đâu sao không ở nhà chơi?
Duy Linh đáp:
- Thưa, cháu mắc đi coi đá banh đặng sáng mai viết bài tường thuật cho thiên hạ xem biết. Nghe có hội "Etoile de Gia-Định" (ngôi sao Gia Ðịnh) là hội Việt Nam năm nay lãnh chức vô địch. Ðể cháu đi xem thử xem đá hay bực nào mà thiên hạ khen quá.
Duy Linh nói rồi đội nón ra đi.
-------------------------------------------------
40 mặc quần
41 (manchette), cổ tay áo
42 duyệt
43 lễ chúa sống lại, Pâque, Easter.
44 Cách làm tỉnh như mím môi, nhìn thẳng
CHƯƠNG 8 -
T
rai khôn gái đẹp gặp nhau không ưa nhau thì lộ ra ngoài cho người ta thấy, còn nếu ưa nhau cũng lộ tình ra ngoài cho người ta thấy nữa. Cô Ba Kiềm gặp Duy Linh quyến luyến không muốn về nhà, chừng về rồi lại trở ra chơi bốn năm bữa nữa. Lúc không có Duy Linh ở nhà, cô đem những bài viết trong báo của Duy Linh ra mà bình luận, mà cách bình luận của cô cũng khác thường; cô kiếm lời bắt bẽ ý kiến của Duy Linh luôn luôn, tuy miệng chê, còn trí lại muốn cho cô Hai Thanh hoặc vợ chồng Phước Ðằng cãi lẽ đặng cô chịu thua, làm như vậy là ý cô muốn chỗ hay của Duy Linh càng hay hơn lên.
Chiều chúa nhựt cô trở ra Cầu Kho, tưởng gặp mặt Duy Linh rồi sẽ nhập trường, chẳng dè ra đó không thấy Duy Linh, bởi vậy cô dần dà ý muốn chờ, mà chờ không được, chừng cô lên xe đi với cô Hai Thanh mặt coi buồn thủi hẳn đi.
Vợ Phước Ðằng dòm thấy tình ý ấy lấy làm mừng, thầm tính để làm mai Ba Kiềm cho Duy Linh, đặng Duy Linh nhờ ngày sau, bởi vì ông bá hộ Bảy giàu lớn, vợ khuất sớm, con trai lớn là Hai Lập là thợ bạc mua may bán đắt nên vốn liếng cũng mấy muôn, còn con gái nhỏ là Ba Kiềm, vàng có nhiều, hột xoàn có đủ, chừng chia gia tài phần cô cũng được vài ba muôn, nếu để trai khác nó kết hôn nó ăn gia tài uổng lắm.
Vợ Phước Ðằng lại nhớ tới hôm nọ Duy Linh thấy vắng mặt Ba Kiềm thì hỏi, tình ý ấy đủ hiểu Duy Linh thấy sắc đẹp đã động lòng, chẳng dè Duy Linh không thấy Ba Kiềm không ăn cơm vùng hỏi thăm, chớ anh ta đương tính viết báo cho hay, nghị luận cho đúng, đặng bay danh trong sáu tỉnh, không có trí nào nghĩ đến việc khác.
Hai cô nhập trường rồi, một lát Duy Linh đi coi đá banh về. Lúc ăn cơm Duy Linh khen ngợi đội "Étoile de Gia- Định" không ngớt. Anh ta nói một hồi lâu, bộ vui vẻ lắm, chừng anh ta ngừng nói, vợ Phước Ðằng mới hỏi rằng:
- Cháu viết báo sao đó, mà sao hôm qua con Ba Kiềm nó đọc nó chê dữ quá? Duy Linh nghe nói mặt hết vui liền ngó sửng thím hỏi:
- Thưa thím, cô ba cổ chê chỗ nào?
- Ối! Nó chê nhiều chỗ lắm, mà nhứt là nó chê cái bài "Gái phải biết kén chồng" luận không được đúng.
Duy Linh ngồi ngẫm nghĩ rồi chúm chím cười nói:
- Bài ấy là bài luận đầu tiên của cháu. Tuy vậy, khi viết bài ấy cháu có suy xét kỹ lưỡng lắm. Những cái lý tưởng cháu tỏ trong bài ấy thấy đều chánh đáng, chẳng hiểu vì cớ nào cô ba không vừa ý lại chê bai. Ðể khi nào cháu gặp cổ cháu hỏi cổ chê chỗ nào rồi cháu bày giải hết ý của cháu cho cổ hiểu.
Vợ Phước Ðằng cười:
- Nói nhiều lắm, thím nhớ không hết nên không biết sao mà thuật lại cho được. Vậy nên bữa nào có lễ nó ra nữa thì cháu hỏi nó.
Phước Ðằng tiếp lời:
- Con Ba Kiềm nó nói như vậy chớ không phải chê: Nó nói trong bài ấy cháu có ý phiền trách bọn con gái nhà giàu sang có tài có sắc sao không chọn trai nghèo hèn hiền đức, lại kén trai giàu sang quỷ quyệt mà kết duyên. Nó nói cháu trách như vậy không nhằm, bởi vì con gái mới lớn lên trông mấy chỗ đến cầu hôn coi chỗ nào xứng sui xứng gia thì cha mẹ gả chớ biết ai hiền đức mà chọn, biết ai quỷ quyệt mà tránh. Theo ý nó thì con nhà giàu sang lại còn khó nhiều hơn nữa. Ðời nay con trai hễ thấy con gái giàu sang thì mong cưới cho được đặng ăn của. Trai giàu tự nhiên ít ham của hơn trai nghèo, bởi vì trai giàu nó cần gì tiền của nữa, duy có trai nghèo mới ham tiền của mà thôi, ấy vậy gái giàu thường ưng trai giàu hoặc có tài gì hay hơn mà gái giàu nó chê trai nghèo để đi ưng trai giàu chừng ấy cháu trách mới đáng.
Duy Linh chăm chỉ nghe chú nói dứt rồi thì ngồi lo ra; mặt buồn xo, không nói chi hết. Ăn cơm xong anh ta ra đứng ngoài đường ngẫm nghĩ thầm rằng: "Cô Ba Kiềm chê lý tưởng của mình cũng phải đôi chút. Mình viết bài luận ấy là một bài luận chung về tục cưới gả trong nước, mình không chánh lý mà luận lại để ý xuyên tạc, lấy tinh thần trong sự uất ức riêng của mình, thế thì luận sao cho chánh đáng được. Cô Ba Kiềm chê trúng lắm: ý mình trách Phi Phụng sao không ưng mình làm chồng, lại ưng bọn nhà giàu sang, vậy mình có tỏ cái tình gì cao hơn bọn ấy, mình có tài gì hay hơn, mình có đức gì quý hơn hay không? Phi Phụng là gái giàu, mình thương cô ấy là vì cái tình u uẩn theo đuổi trong lòng chớ không phải vì thấy cô nhà tốt ruộng nhiều mà thương, mà cái tình của mình ai biết được? Ai dám chắc mình không cưới ruộng đất không cưới nhà lầu? Mình trách đó là trách quấy, vậy mình phải làm sao cho cái tài của mình hay hơn, cho cái đức của mình quý hơn, chớ đừng có trách ai hết".
Duy Linh suy nghĩ tới đó bỗng nghe tiếng thím kêu nên lật đật bước vô nhà. Vợ Phước Ðằng thấy Duy Linh mặt còn buồn thì cười hỏi:
- Cháu nghe con Ba Kiềm chê cháu nên cháu buồn hay sao?
- Nãy giờ cháu suy nghĩ lời chê của cô Ba đó phải lắm. Cháu mang ơn cô chỉ đường chánh cho cháu, chớ có chi đâu mà buồn.
Vợ Phước Ðằng kéo ghế bảo Duy Linh ngồi. Thím ta cũng ngồi một cái ghế ngang đó, rồi day qua thấy ông chồng đang nằm trên ghế xích đu hút thuốc, thì cười ngỏn ngoẻn nói với Duy Linh:
- Nầy cháu, thím thấy một chuyện ngộ lắm, hổm nay muốn nói cho cháu nghe, mà bị trong nhà khách khứa tới lui lộn xộn hoài nên thím chưa nói chuyện được.
Duy Linh không hiểu chuyện chi nên ngồi ngó sững thím, có ý lóng tai nghe. Vợ Phước Ðằng tằng hắng rồi nói tiếp rằng:
- Cháu coi con Ba Kiềm đó có vừa ý cháu hay không? Hổm nay thím dò ý coi nó quyến luyến cháu lắm. Nếu cháu có bụng muốn nó, thì thím làm mai dùm cho. Nó mồ côi mẹ, mà chú với thím quen với ông già nó nhiều lắm, bởi nếu chú thím nói thì chắc ông già nó gả liền. Sao? Cháu chịu hay không? Ông già nó giàu lắm, ngày sau chia gia tài chắc nó có được vài muôn. Nếu cháu đụng nó thì cháu nhờ được.
Duy Linh vừa nghe thím nói mấy tiếng đầu thì chưng hửng, trong lòng hồi hộp, trong trí lộn xộn, nên không rõ mấy câu sau, chỉ nhớ có tiếng "nó giàu, nếu đụng nó thì nhờ được" mà thôi. Anh ta ngồi lặng thinh ngó xuống đất, bộ coi suy nghĩ lắm. vợ chồng Phước Ðằng nghĩ hễ mình nói ra thì chắc Duy Linh vui mừng thuận tình liền, chẳng dè Duy Linh lặng thinh, không biết trí Duy Linh nghĩ chuyện gì nên ngồi đợi.
Duy Linh suy nghĩ đây chẳng phải là thuận tình, hay là lo sợ việc không thành nên suy nghĩ. Anh ta suy nghĩ là vì nghe chú thím nói cái việc hổm nay mình không để ý, vì tình thương Phi Phụng đã tràn trề trong lòng không còn chỗ nào đem tình thương người khác vào được, lại trừ Phi Phụng ra thì không còn gái nào sắc đẹp, không còn gái nào tốt nết bằng, bởi vậy nghe nói chuyện Ba Kiềm mà anh ta lại tưởng dạng Phi Phụng.
Vợ Phước Ðằng thấy lâu mà anh ta không trả lời bèn nói tiếp:
- Cháu đừng lo, hễ cháu muốn thì thím làm mai được như chơi. Con đó đáng lắm cháu. Nó có sắc lại nết na, nhứt là có của nhiều, không cưới nó để người khác họ ăn uổng.
Duy Linh nghe mấy lời rõ ràng; khi ở Bạc Liêu thấy thiên hạ vì ruộng đất, vì tiền bạc, nên dành nhau tới cầu hôn với Phi Phụng thì ghét rồi; nay lên đây còn nghe chuyện như vầy nữa, nhứt là nghe xúi mình làm chuyện hư ấy thì lấy làm bất bình, song sợ nói ngay ra mất lòng chú thím, nên kiếm lời nói tránh rằng:
- Chú thím thương cháu nên tính việc ích cho cháu như vậy thiệt cháu cảm ơn lắm. Nhưng cháu nghĩ làm trai đi hỏi vợ đặng tính ăn gia tài thì xấu hổ quá, nên chắc là cháu làm không được.
Phước Ðằng lồm cồm ngồi dậy nói rằng:
- Cháu ra cầm viết báo, cháu không biết đời nầy là đời tiền bạc hay sao? Lại hiềm nghi câu chấp liêm sĩ như vậy? Thiên hạ làm nhiều việc tồi bại bằng mười việc đó đi nữa mà cũng không ai chê thay huống chi mình cưới vợ giàu, có của sẵn cho mình sang trọng, xấu hổ gì đó mà cháu sợ.
Duy Linh nghe lời luận hèn hạ như vậy thì bất bình lắm, muốn cãi lẽ cho rõ chỗ chánh chỗ tà, nhưng vừa mới mở miệng thì chú nói tiếp:
- Chú hiểu ý cháu rồi! Cháu sợ phận cháu mồ côi lưu lạc đi nói con Ba Kiềm anh bá hộ Bảy, ảnh không gả, nên cháu mới hơi ngại chớ gì?
Vợ Phước Ðằng tay mặt vuốt mái tóc, tay trái xĩa thuốc sống, vảnh mấy ngón tay cà rá thủy xoàn chói xanh xanh đỏ đỏ, nghe chồng nói như vậy liền đáp:
- Ba nó nói sao vậy? Cháu mình tuy nó mồ côi song có vốn liếng vài ngàn, lại nó làm nhà báo thiên hạ kêu nó bằng "ông" hư hèn gì đó hay sao mà sợ anh bá hộ Bảy ảnh không gả. Nói cùng lẽ mà nghe, nếu ảnh làm hơi bảnh, muốn cầu cao, mà như con Ba Kiềm nó thương lỡ thằng hai đây rồi thì ảnh bắt gả chỗ khác được hay sao? Tuởng đâu dể đa há?
Duy Linh nghe tính chuyện ăn gia tài tuy trái ý, song cũng ráng dằn lòng được, đến chừng nghe thím bày mưu tiền dâm hậu thú thì trong lòng ghê gớm quá chịu hông được, nên khẳng khái đáp:
- Thưa chú thím, nếu chú thím thiệt có lòng thương cháu, thì xin đừng có tính tới vịêc đó nữa, bởi vì tính tới việc đó đã hổ thẹn thân phận cháu, mà lại nhục tới danh tiết của một người con gái nhà tử tế nữa. Khi cha mẹ cháu qua đời cháu có lời thề nếu cháu chưa được giàu sang thì chẳng khi nào cháu chịu cưới vợ. Nay thân cháu còn linh đinh, không lẽ cháu dám nuốt lời thề.
Vợ chồng Phước Ðằng đứng dậy đi vô nhà trong, coi bộ không vui. Duy Linh cũng đứng dậy đi lại ván nằm coi sách là vì, một là sợ lời khẳng khái của mình làm mích lòng chú thím, hai là phiền nhân tình ở xứ nào cũng trọng tiền bạc, khinh liêm sĩ, nên trí lo ra, đọc sách mà không hiểu, còn dẹp sách đi ngủ cũng nằm thao thức hoài, ngủ không được.
Mấy bữa sau vợ chồng Phước Ðằng cũng vui vẻ như thường, tuy không nhắc đến chuyện Ba Kiềm nữa, song hay giểu cợt khi kêu Duy Linh là quân tử, khi nói Duy Linh là thằng khùng. Duy Linh bề ngoài cũng cung kính như thường, nhưng trong bụng thì khinh bỉ chú thím, cho chú thím là người không liêm sĩ.
Một người đa tình đương thất vì tình, lại bị giàu sang khinh thị, đương lập tâm trù chí quyết làm cho trở nên giàu sang, nếu gặp vận hội như Duy Linh đây chắc sao cũng nhân cái vận hội ấy mà kết mối tình khác đặng khuây lãng mối tình xưa, hoặc là tỏ cho người kia biết rằng ở đời còn nhiều gái đẹp yêu mình, chớ không phải người xưa phụ phàng rồi hết, thấy trong thiên hạ chẳng còn ai yêu trọng. Sánh nhan sắc thì cô Ba Kiềm không thua chi Phi Phụng mà cô Ba Kiềm nước da lại trắng hơn, đi đứng yểu điệu hơn, nếu hỏi bọn thanh niên trong hai nàng nàng nào thì chắc phần nhiều đều chọn cô Ba Kiềm, chớ ít ai đành Phi Phụng.
Đã vậy cô Ba Kiềm cũng là con nhà giàu, hễ kết duyên cùng cô thì chắc vài ba năm nữa lãnh gia tài rồi sẽ trở nên giàu có tự nhiên sang sẽ đến, bởi nếu thiên hạ chẳng kính chẳng yêu thì muốn chức gì mua cũng được.
Duy Linh học hỏi ít, nhưng vì mùi đời nếm nhiều lần đắng cay, nên suy xét nhiều, lại suy xét bao nhiêu lại càng ghét thế thái nhân tình bấy nhiêu, bởi vậy lập chí ở đời khác hơn người thường, quyết kính nghĩa trọng tình, dầu đất trời chẳng tưởng bắt thân hèn hạ trọn đời cũng cam lòng, chớ không chịu để nghĩa nhẹ nhàng, tình thấp kém.
Bởi tánh tình anh ta như vậy nên gặp vận hội như vậy mà không cảm động, ngó dung nhan tuấn tú của cô Ba Kiềm mà cũng như ngó cỏ cây, nghe gia tài của ông bá hộ Bảy cũng như nghe nước đổ, nghe gió đàn, trong trí khắc hình dạng của Phi Phụng rồi, không còn chỗ nào mà đem hình dạng người nào khác vô nữa được; trong lòng tự quyết dùng tài lực của mình đặng làm giàu sang, nên không thèm cậy sức ai hết.
Từ ngày Duy Linh lãnh phụ bút cho "Đại Đồng Nhựt Báo" thì anh ta đã chú ý làm trọn cái trách nhiệm nhà ngôn luận. Chừng nghe nói chú thím xúi làm việc bất nghĩa thì anh ta giận, nên ngày đêm lại càng lo trau dồi chức nghiệp, quyết làm sao cho nghề của mình được bổ ích cho đời, nhứt là phá hủy những thói hư, rồi sẽ mở đường chân chánh vạch lẽ cao sang cho người đồng thời bước tới.
Người cầm bút viết báo mà lập tâm quyết chí như vậy, nếu gặp chủ nhân hợp ý, và nếu có bạn đồng nghiệp một lòng, thì cái danh dự kiếm dễ như chơi, và người đọc báo cũng được nhờ biết mấy, thản (45) vì nỗi tâm trí cao thượng ấy thuở nay trong làng báo chưa biết; bởi vậy Duy Linh hễ luận tới nhân cách nhơ nhuốc, hoặc phẩm giá thấp hèn, hoặc thế tình suy bại của người nước mình thì ông Tổng Lý hoặc ông chánh chủ bút không chịu cho đăng báo, nói rằng bài nầy in ra thì mích lòng ông nầy, bài kia thấy thì tội nghiệp ông nọ.
Duy Linh viết báo thì cứ do chánh ý thôi chớ chẳng hề có ý xuyên tạc một người nào cả, lại bị bắt bẻ hoài nên trong lòng bất bình, nhưng vì bởi đương ái mộ nghề nên phiền mà không nói ra, cứ trách lấy mình, nghĩ thầm bởi tại mình viết chưa đúng đắn nên người ta mới chê được.
Tuy vậy anh ta để ý dòm coi các chủ bút và phụ viết thế nào, anh ta xem xét kỹ lưỡng bài của người và rình mò cử chỉ của mỗi người đối với ông Tổng Lý, đối với chánh chủ bút và đối với công chúng ra sao. Cách chẳng bao lâu anh ta thấy hễ chánh chủ bút gặp Tổng Lý thì khoe văn hay luận giỏi, còn phụ bút thì gặp chánh chủ bút thì bợ đở khen dồi. Anh ta đã nhớ lại mình không khoe khoang gì cũng không dua nịnh, tính không giống người đồng nghiệp coi cũng kỳ mà thà là kỳ chớ không quen làm, nên làm như họ không được.
Anh ta thấy cách cư xử trong làng báo thì trong lòng chẳng đặng vui, nhưng cũng dằn lòng quyết tìm đường ngay để đi còn ai đi quanh co thì mặc họ.
Một ngày nọ, lối chín giờ sớm mai, trong tòa báo kẻ đương lo viết, người lo đương sửa bài, bỗng có một ông chừng 45 tuổi, y phục đoan trang, khăn đen áo dài, giày Tây láng, kính gọng vàng, bước vào rồi đi ngay lại bàn của Cao Minh Chiếu và chào rằng:
- Chào tiên sanh, xưa rày tôi mắc bận việc ở nhà không đi Sài Gòn được, tiên sanh ở trên nầy mạnh giỏi như thế nào?
Chánh chủ bút Cao Minh Chiếu lật đật đứng dậy bắt tay, kéo ghế mời ngồi, bộ coi mừng rỡ lắm. Duy Linh đương viết lại bị khách vô làm lộn xộn, nên ngồi chống viết ngó ra cửa sổ, trí lo ra viết không được. Tuy anh ta không có ý lóng tai nghe, song chánh chủ bút với khách nói chuyện anh ta nghe không sót một câu nào hết.
Cao Minh Chiếu lấy thuốc ra mời khách rồi nói:
- Lâu ngày không gặp ông, nay gặp thật tôi mừng quá. Tuy vậy tôi cũng có chỗ phiền ông nhiều.
- Tôi làm sao mà tiên sanh phiền?
- Ông coi tờ báo của tôi bây giờ nghị luận đúng đắn, có tờ báo nào dám bì hay không? Chúng tôi trên nầy giữ lòng cung ích, cứ lo khêu đuốc văn minh, dóng chuông cảnh tỉnh hoài, mà mấy ông ở Lục Tỉnh không phụ giúp chúng tôi không ráng chế dầu dùm, để hết dầu rồi đèn tắt rồi còn gì để soi sáng nhơn quần xã hội nữa!
- Không biết họ làm sao, chớ tôi ở Long Xuyên hễ đi đâu tôi cũng cổ động dùm cho tờ báo của tiên sanh luôn luôn.
- Ờ, hôm trước tôi hay tin ông được thăng chức Bang Biện, tôi có viết bài tặng ông đó, ông coi có vừa ý hay không?
- Tôi đọc bài đó tôi cảm ơn tiên sanh quá, nên tôi lật đật viết thơ cho tiên sanh liền, tiên sanh có được thơ của tôi hay không?
- Có.
- Tôi không biết lấy lời gì để cảm ơn nên tôi mới gởi theo hai chục đồng bạc, tiên sanh có được cái măng-đa (46) nữa chớ?
- Có.
- Lâu lâu tiên sanh viết dùm cho một bài như vậy, tôi chẳng dám quên ơn đâu.
- Anh em mình, có chi đâu gọi ơn nghĩa. Ông ở trên nầy còn ở chơi hay là về
gấp?
- Tôi ở mua đồ đến sáng mai tôi mới về.
- Vậy sẵn dịp mời tiên sanh chiều nay đi ăn cơm với tôi chơi. Tôi ở nhà ngủ "Nam Hồng Phát" phòng số 12, chiều tiên sanh lại rồi anh em mình đi chơi.
- Ðược.
- Ở dưới Long Xuyên có việc chi lạ hay không? Nầy, hôm trước tôi nghe trên Biên Hòa có một ông đại phú gia lấy dâu, tôi đẩy trong một bài nhựt trình ông té ngữa.
- Ờ, tôi có đọc bài đó. Mà tiên sanh có hứa để sau dọ chắc rồi sẽ nói tên họ và quê quán người ấy, sao rồi mấy tuần nay lặng thinh không thấy nói nữa?
- Ông xuống tìm tôi nói phải quấy và tặng tôi năm chục đồng bạc, thấy mấy người biết điều nên tôi thôi, nếu không có vậy thì tôi nói hoài, chớ tôi dễ nín đâu.
Người khách cười rồi nói tiếp:
- Ờ, Long Xuyên có một chuyện ngộ lắm. Nếu tiên sanh mà nói trong nhựt trình chắc kiếm tiền được nhiều.
- Chuyện gì vậy? Ông nói cho tôi nghe thử coi.
- Có một nhà giàu đánh tôi tớ ổng chết, ổng sợ tòa hay có tội, nên xuất tiền bạc cho người đầy tớ ấy (47) rồi biểu làm khai nói trèo lên cây té chết chớ không phải bị đánh đập. Uổng quá, không phải ở trong phần tổng tôi, chớ phải ổng về tổng tôi thì nói làm gì....Nó đương sợ lắm. Vậy tiên sanh rao sơ sõ trong nhựt trình đi, hễ nó hay thì nó cho người lên năn nỉ với tiên sanh liền.
- Thằng cha đó giàu lung hay giàu ít?
- Ối! Giàu lớn lắm mà! Một năm góp lúa ruộng đến ba bốn chục ngàn giạ, còn bạc mặt thì nó biết bao nhiêu mà kể.
- Việc nầy tôi kiếm ước được chừng bao nhiêu?
- Cái đó tự ý tiên sanh liệu lấy chớ tôi biết đâu mà nói. Nó giàu lắm đừng thèm ăn ít, phải đòi cho được hai ba trăm, chớ ít đừng thèm. Tiên sanh dọa cho nó kinh tâm rồi muốn đòi bao nhiêu cũng được hết.
Chánh chủ bút gật đầu rồi hỏi thăm tên họ và quê quán của người giàu ấy và biên vào một miếng giấy nhỏ, lại cũng biên luôn tên tuổi của người tớ chết đó và tên vợ con nó nữa. Các việc xong rồi khách từ giã đứng dậy. Minh Chiếu đưa khách ra khỏi cửa rồi chúm chím cười và nói với người phụ bút ngồi gần đó rằng:
- Ông đó là Bang Biện ở dưới Long Xuyên, ổng tử tế và kính phục tôi lắm. Anh em mới ra viết báo không hiểu cái nghề soạn báo cao thượng thế nào. Trong nước ba cái cơ quan mạnh mẽ có đủ quyền để sửa trị dân chúng thứ nhứt là sở chánh trị, thứ nhì là sở đề hình, thứ ba là báo chương. Ấy vậy mà mình viết báo biết dùng cái quyền của mình thì nước mình mạnh mẽ biết chừng nào.
Duy Linh nãy giờ nghe chánh chủ bút nói chuyện với khách thì lấy làm hổ thẹn, đến chừng nghe dạy khôn, dạy dại như vậy nữa thì càng thêm tức giận, dằn lòng không được nên nói rằng:
- Phải! Báo chương thì mạnh mẽ thật, đã có thế lực mạnh mẽ mà lại có tôn chỉ cao thượng lắm nữa. Nhưng mà người chấp bút phải chủ hướng cao thượng phải công luận công chánh thì tờ báo mới xứng đáng với ý nghĩa cao thượng, công chánh, chớ cử chỉ người chấp bút mà hèn hạ thì tờ báo cũng như một tờ giấy lộn làm sao làm cho người trên trọng, kính mến cho được.
Cao Minh Chiếu ngước mặt trợn mắt ngó sững Duy Linh nói:
- Thầy mới tập viết báo chưa đầy một tháng, đã biết nghề làm báo ra làm sao mà cãi lẽ. Thầy viết thời sự chưa xong, có đâu nghị luận được mà nói tới tôn chỉ của nhà viết báo.
Duy Linh nghe lời khinh bỉ giận đỏ mặt, vừa muốn cãi lại, thì mấy người gần đó ó lên chê đè anh ta nói quấy, làm cho anh ta càng tức càng phiền, nên không thèm nói nữa.
Mãn giờ, Duy Linh ra về, lúc đi ra ngoài đường nhớ tới thói hèn hạ của bạn đồng nghiệp thì thối chí ngã lòng nên mặt mày buồn xo, nhưng khi bước vô nhà không muốn cho chú thím biết rõ ý riêng của mình nên làm bộ vui vẻ như thường, nghĩ rằng chú thím đã làm nghề cho vay ăn lời cắt họng, mà lại hôm nọ còn xúi mình tư tình với cô Ba Kiềm rồi cưới cô đặng ăn của nữa, người tánh tình dường ấy dù mình có thuật việc nầy lại cho nghe thì cũng vô ích chớ có biết tư cách của người cầm bút với tôn chỉ của tờ báo ra làm sao mà mình than phiền.
Thuở nay mình bước quen đường chánh, khi ở Bạc Liêu nếu mình tỏ thật tình riêng của mình với Phi Phụng thì có lẽ cô cũng động lòng nhưng vì chút hiềm nghi, mình sợ cô tưởng mình thương cô là thương đồng tiền nên thà mình chịu khổ tâm chớ không nỡ nói. Hôm nọ chú thím mình cũng vì chữ vô tình bất nghĩa mà kháng cự nữa. Nay mình đã thấy rõ cái đường mình đi là cái đường nhơ nhuốc, nếu mình nhắm mắt bịt tai đi hoài thì mình cũng chẳng khác gì mấy người đi chung với mình đó, thế là mình kiếm danh thơm lại hóa ra tiếng nhơ. Tuy lời tục có nói: "Mía sâu có đốt, nhà dột có nơii". Trong làng báo có kẻ quấy song cũng có kẻ phải, chớ không phải là quấy hết, nhưng cái phải ở đâu mình chưa thấy, chớ cái quấy đã lòi ra rõ ràng, nhứt là mình ở chung với những người làm một đằng nói một lẽ, không có chút gì thành thật, không biết phận sự ra làm sao, đường ấy sợ khỏi lây tiếng xấu chung, té ra mình cầu vinh lại bị nhục.
Duy Linh quyết bỏ nghề viết báo, và tính kiếm nghề khác làm ăn. Tuy anh ta không tỏ ý cho ai hết, song mỗi buổi chiều hễ bước ra tòa báo rồi thì anh ta theo mấy đường có tiệm Việt Nam buôn bán đặng coi chơi. Chiều thứ bảy anh ta đi đường D'Espagne, vừa tới một tiệm hớt tóc, bỗng trước cửa tiệm có treo một tấm bảng đề hàng chữ: "Vì có việc riêng nên tính sang tiệm. Ai muốn lãnh xin vào thương nghị".
Duy Linh đứng ngắm nhìn một hồi, ngó từ trong ra ngoài, thấy người ngoài đường đông, mà trong tiệm thì vắng hoe, chủ tiệm ngồi khoanh tay, còn hai người hớt tóc thì đứng soi kiếng gỡ đầu. Anh ta bước vào hớt tóc và thừa dịp ấy mới hỏi thăm chủ tiệm vì cớ nào không muốn làm ăn nữa và tính sang tiệm chừng bao nhiêu. Chủ tiệm nói rằng mình có việc nhà phải trở về Rạch Giá và nếu có ai chịu 700 đồng thì mình sang tiệm liền. Duy Linh dòm coi tủ, bàn, kiếng, quạt, mọi vật trong tiệm cũng đáng 600, 700 đồng, song nói rằng:
- Thầy đòi quá nhiều, sợ không ai dám lãnh.
Chủ tiệm trợn mắt châu mày đáp:
- Thầy coi đồ tôi sắm món nào cũng tốt hết chớ phải sắm đồ bậy bạ như mấy tiệm khác hay sao. Nội Đồ đạc đó tôi sắm hết 1000 đồng, nay tôi bán lại bảy trăm có chi đâu thầy gọi rằng mắc. Còn tiền tôi tửng (48) căn phố nầy nữa tôi không kể vào.
Duy Linh trả tiền hớt tóc rồi đứng dậy ra đi, tính để về nhà sẽ suy nghĩ lại. Chẳng dè vừa ra tới cửa chủ tiệm mời lại nói rằng:
- Thầy có biết ai muốn sang tiệm tôi, xin làm ơn chỉ dùm lại đây. Không hại gì, như họ chê mắc tôi sụt bớt chút đỉnh cho.
Duy Linh về biết rằng nếu mình trả năm trăm rưỡi hoặc sáu trăm thì chắc chủ tiệm chịu sang, nên tính để về nhà nói lại cho chú thím hay rồi lấy tiền ra sang tiệm ấy. Ði dọc đường trong trí thầm tính chừng mình làm chủ tiệm mình sẽ dọn dẹp cách nào, mình tiếp khách làm sao, mua vật gì để bán, thì mặt mày hớn hở, dường như đã làm chủ tiệm lớn rồi. Chẳng dè vô tới cửa, thấy cô Ba Kiềm với cô Hai Thanh đang đứng đó, anh ta chưng hửng, quên hết những việc mình tính lúc nãy, xẻn lẻn giở nón mà chào rồi đi thẳng vào nhà.
Lúc ăn cơm nhớ mấy lời chú thím xúi hôm nọ nên hổ thẹn nên không muốn đem sự sang tiệm ra nói. Qua ngày chúa nhựt anh ta thấy cô Ba Kiềm ở đó hoài, lấy làm nhột nhạt nên bỏ ra Sài Gòn đặng trả giá sang tiệm cho chắc chắn. Chủ tiệm dứt giá sáu trăm. Duy Linh liệu không bớt được nữa, nên chịu giá đó, song để hẹn chiều thứ hai rồi sẽ trả lời.
Đến tối Duy Linh trở về thì cô Ba Kiềm và cô Hai Thanh đã vô trường rồi. Ăn cơm rồi anh ta mới đem chuyện bất bình về nghề viết báo và thuật lại cho chú thím nghe, và luôn dịp nói tới sự mình định sang tiệm hớt tóc nữa.
Phước Ðằng thấy Duy Linh thuật chuyện Minh Chiếu với khách mà bộ giận dữ thì cười ngất rồi nói:
- Cháu thật thà quá! Ở đời nầy phải khôn lanh quỷ quyệt mới có tiền chớ. Ông Cao Minh Chiếu xử trí như vậy cháu phải coi đó để bắt chước, chớ sao cháu lại chê?
Duy Linh liệu cãi với chú không lợi ích gì, lại còn bị tiếng chê khờ dại, nên xin lãnh hai ngàn đồng bạc đặng sang tiệm hớt tóc, không thèm nói tới nghề viết báo nữa.
Vợ Phước Ðằng nói:
- Tuởng là cháu muốn gởi bạc cho vay thì chú thím kiếm chỗ chắc chắn cho vay dùm cho. Như cháu muốn lấy lại thì tự ý cháu. Song thím không hiểu vì cớ nào làm " ông viết báo" mà cháu không chịu, để đi làm thợ hớt tóc.
Duy Linh cười đáp:
- Theo ý cháu làm ông gì cũng vậy, hễ mình biết trọng cái phẩm giá của mình, hễ mình làm việc phải, tránh việc quấy là vinh, chớ không phải làm ông quan to, hoặc ông chủ bút mới sang, còn làm thằng hớt tóc thì nhục.
Vợ Phước Ðằng thở ra và nói:
- Con Ba Kiềm nó quyến luyến cháu quá! Một ngày nay cháu bỏ đi chơi, ở nhà nó ngồi không yên cứ ra vô dòm chừng cháu hoài. Thím sợ cháu thôi làm ký giả để ra làm hớt tóc nó chê cháu chớ!
Duy Linh nghe mấy lời rất mắc cở và giận nên đáp xẵng xớm:
- Xin thím đừng nói tới việc đó nữa, vì thím nói cháu lấy làm hổ thẹn quá. Dầu cô.......ta....
Anh ta nói tới đó rồi hồi tâm, sợ mình giận quá nói lỡ lầm, nên nín thinh rồi bỏ ra ngoài sân đứng.
Anh ta vừa mới lấy thuốc ra hút, bỗng thấy thằng Cử là đứa ở của anh ta đi lại đứng một bên và đưa một gói giấy và nói nho nhỏ:
- Hồi chiều cổ đưa gói nầy cho tôi và dặn phải lén mà trao cho tới tay của thầy. Đâu thầy dở ra coi thử xem cổ gói vật gì ở trỏng.
Tuy thằng Cử không nói rõ đồ của cô ba nào, nhưng Duy Linh đã hiểu là của cô Ba Kiềm nên sượng sùng không nói được tiếng chi hết. Anh ta day ngó vào trong nhà một cái rồi lấy gói giấy, giở ra thì chỉ thấy một chiếc khăn lụa trắng viền với phong thơ. Anh ta lật đật gói lại rồi trả cho thằng Cử mà nói rằng:
- Tao không lãnh đâu? Ai gởi cho mầy thì mầy trả lại cho họ.
Thằng Cử liếc thấy chủ có sắc giận nên không dám nói trớ trêu, cứ lấy cái gói gói lại rồi đi dọc theo vách tường tính đi vô nhà bếp đặng ngủ. Duy Linh hồi tâm nghĩ rằng nếu phong thơ nầy lọt vào tay kẻ bất lương thì còn gì danh tiết của cô Ba Kiềm, dẫu mình vô tình thì thôi, chớ không nên để tiếng bất nghĩa. Duy Linh nghĩ như vậy liền kêu thằng Cử lại lấy cái gói ấy bỏ vào túi rồi bước vào nhà. Anh ta muốn trao cho chú thím và cậy trả dùm mình cho cô Ba Kiềm, song sợ đưa ra chú thím lấy cớ ấy đặng khuyến dụ việc mình không ưa chỗ đó nữa, nên nín luôn, để có khi nào gặp cô ta mình trả lại tới tay cô, làm như vậy cô mới khỏi mang tiếng xấu.
Bữa sau Duy Linh lấy bạc ra sang tiệm hớt tóc và xin thôi không viết báo nữa. Anh ta đặt hiệu tiệm là "Văn Minh Tiến Phát", mướn hai người thợ hớt tóc, mua giày nón, vớ, khăn, dầu thơm, phấn hộp, cùng nhiều món khác nữa để bán. Anh ta lại có mua ba thứ báo để sẵn trong tiệm đặng cho khách vào hớt tóc trong tiệm đọc mà chờ phiên, song vì anh ta đã chán nghề viết báo, hễ nhớ tới là chạnh lòng, bởi vậy anh ta chẳng bao giờ chịu đọc nhựt báo nữa.
Cách chừng một tháng dọn dẹp xong rồi, trong tiệm khách vào ra nhộn nhịp, kẻ mua đồ, người hớt tóc. Duy Linh thấy cuộc buôn bán ngày càng tấn phát thì vui thầm mới sai thằng Cử về Bạc Liêu chở bàn ghế lên dọn trên lầu để thờ cúng cha mẹ, song căn dặn nó kỹ lưỡng, biểu đừng cho ai biết mình ở xứ nào.
Bữa nọ, nhơn trời trong gió mát, vợ chồng Phước Ðằng dắt nhau ra Sài Gòn, tính đến tiệm coi Duy Linh buôn bán thế nào. Duy Linh đang đắc ý nên thấy chú thím đến nên mừng rỡ hết sức, lật đật mời vào tiệm và hối thằng Cử dọn trầu thuốc và chế trà ngon để đãi vợ chồng Phước Ðằng. Vợ Phước Ðằng xem trước ngó sau, thấy tiệm vén khéo sạch sẽ, mát mẽ thì trong lòng khen thầm lại nói: "Lời thím nói với cháu quả thiệt như vậy, không sai không chạy chút nào hết. Hôm chúa nhựt con Ba Kiềm ra chơi, thím nói cháu thôi viết nhựt trình và đi lập tiệm hớt tóc thì nó trề môi, coi bộ khinh thị cháu lắm. Thím biểu con Hai ở nhà dọ thử ý nó coi nếu chú thím nói cho cháu, nó ưng hay không, thì nó giận nói rằng nó là con nhà giàu sang nếu lấy ông không được thì lấy thầy, chớ có lý nào mà nó lại khứng (49) làm vợ thằng hớt tóc. Cháu nghĩ lại coi, tại cháu tính quấy, nên mất vợ giàu sang có phải là uổng quá hay không?".
Duy Linh nghe nói giận đỏ mặt song nghĩ rằng cô Ba Kiềm chê mình bao nhiêu thì mình cũng chê cô ấy bấy nhiêu nên bỏ giận làm vui nói rằng: "Tưởng là cô không chê tôi thì tôi cảm ơn cô lắm".
Vợ chồng Phước Ðằng không rõ ý Duy Linh nên không hiểu nghĩa mấy lời ấy, bởi vậy không nói tới chuyện Ba Kiềm nữa, ở chơi một lát rồi dắt nhau về.
Duy Linh nghe lời khinh bỉ của cô Ba Kiềm, càng nhớ càng giận, nên ráng ra buôn bán, quyết làm cho kẻ giàu sang họ biết mặt "thằng hớt tóc" nầy, tuy bây giờ bạc tiền thua họ, song trí não và tánh tình họ không dễ mà hơn được đâu.
-----------------------------
45 dĩ nhiên, đương nhiên
46 mandat: bưu phiếu
47 chết rồi làm sao cho?
48 sang lại, khẩn lại
49 vừa ý

2/9/2017
Hồ Biểu Chánh
Theo https://isach.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hắn 0000

Hắn 1. Hắn Hắn còn nhớ rõ cái ngày cha hắn bán bộ sách quý với giá ba chục nghìn bạc để lấy tiền cho hắn đi Pháp. Ngày ấy lòng hắn như nở ...