Thứ Hai, 4 tháng 12, 2023

Nặng gánh cang thường 2

Nặng gánh cang thường 2

CHƯƠNG 8
Mặt trời gần đứng bóng. Trong cái đường rừng Hưng Hóa qua Thái Nguyên im lìm vắng vẻ, duy có tiếng chim trên nhành kêu chéo chét lộn với tiếng nước trong khe chảy ro re mà thôi.
Lệ Bích tuy còn nặng tình với chàng Thanh Tòng, nhưng vì cái thù của cha làm cho nàng không thể hiệp với chồng được, nên nàng phải bỏ nhà lánh thân cho trọn đạo làm con. Nàng cải tên là Hồng Hạnh, dắt thể nữ Xuân Lan đi kiếm chỗ mà dung thân. Nàng đi gần một tháng mới lên tới đạo Hưng Hóa, tính hỏi thăm đường qua Thái Nguyên là xứ tổ phụ hồi trước.
Xuân Lan mang gói đi trước, Lệ Bích thủng thẳng lần bước theo sau. Ðường xa, mà trời lại nắng, Xuân Lan thấy Công nương có sắc mệt mỏi, nên đi tới một gốc cây lớn tàn che mát mẻ, bèn để hành lý xuống mà thưa rằng:
- Trời nắng quá, xin công nương tạm ngồi dưới bóng cây đây mà nghỉ đợi mát mát một chút rồi sẽ đi nữa. Người ta nói từ đây qua tới huyện, chỉ còn có một dặm đường nữa mà thôi, nên chẳng cần gì phải lật đật cho lắm.
Lệ Bích gặc đầu, ngồi xề dựa gốc cây và nói rằng:
- Cô đã dặn con đừng có dùng tiếng công nương” mà xưng hô nữa, sao con cứ kêu cô bằng công nương hoài như vậy?
- Thưa con quên. Xin cô thứ tội. Con không dám phạm nữa.
- Con phải nhớ chớ, nếu con kêu như vậy người ngoài họ biết rồi lậu sự còn gì. Bệ hạ đã truyền rao cho các châu quận kiếm mà bắt cô. Nếu con không cẩn thận thì chắc cô phải bị hại.
- Vì ở chốn rừng xanh, có một mình cô với con, nên con mới sơ thất như vậy, chớ nếu có thiên hạ thì con phải cẩn thận, con đâu dám phạm cấm.
- Dầu có một mình cô đi nữa, con cũng phải tập mà kêu bằng “cô cho quen chớ. Nầy, con phải nhớ cô tên là Hồng Hạnh, cha mẹ khuất ở tại Kinh, nên đi tìm thân tộc ở trên Thái Nguyên, nghe hôn?
- Dạ.
Xuân Lan đúng ngó quanh quất, thấy trước mặt có một cái khe nước chảy trong veo, bèn mời Lệ Bích lại đó mà rửa mặt. Chủ tớ rửa mặt mát mẻ rồi mới trở lại gốc cây, Lệ Bích xổ tóc cho Xuân Lan chải gỡ.
Trẽn nhành chim hát, dưới suối nước đờn. Lệ Bích nhắm cảnh động tình nên vừa khóc vừa ca một bài như vầy:
Á hiu, hắt hiu gió thổi đầu nhành,
Nghĩ thôi đau đớn phận mình;
Nỗi hiếu tình tấc lòng xốn xang.
Rơi châu lã chã đôi hàng,
Chất chứa đầy mối sầu ngổn ngang,
Hỡi nầy tình lang,
Tệ làm chi bấy chàng!
Bận cho ta;
Hiếu nếu khinh, tình nếu trọng,
Còn mặt mũi nào,
Mà chen chúc chốn trần ai
À thay rất ngặt nghèo thay!
Giết cha mình phải là ai
Vẫn chồng mình cha chịu gả.
Việc thình lình sanh rời rã,
Bởi đâu xui khiến,
Xảy ra nỗi nầy,
À cậu thiếp, đức Thánh hoàng,
Ðã hạ lịnh cho chàng,
Ra tiễu trừ Chiêm bang.
Hễ thắng trận hồi loan,
Vua lấy công cho thục tội,
Rồi khiến gả mình,
Cho kẻ oán mà duyên.
Thương cho cái phận thuyền quyên.
Thảm não lòng điến điên
Hễ lấy chồng thì mất thảo.
Muốn trả cừu e lỗi đạo
Nỗi cha, nỗi chúa,
Nỗi căn duyên vợ chồng.
Tình, hiếu chịu gánh gồng.
Thà thiếp chịu cam lòng,
Nhắm mắt rồi cho xong.
Cắc cớ bấy thiên công,
Mối dây oan mới trao tới cổ,
Ðâu lại xui khiến chàng
Vừa tới gặp lại cứu mạng ta.
Duyên nợ khiến sao đây,
Người ôm mình mà mở dây,
Tấm lòng bồi hồi.
Nếu thương kẻ tài cao,
Tóc kết tơ trao,
Bỏ cừu cha, ai nỡ nào!
Thôi, thôi cam phụ với tình duyên,
Sự cừu lòng sao yên,
Cái kiếp nầy ta đành chẳng kể.
Ai làm Ta vầy?
Thương nghĩ giận, giận rồi thuơng
Trằn trọc tư lương,
Gịot quyên rơi lụy hường!
Muốn cho vẹn hiếu vẹn tình,
Phải toan đổi dạng ẩn mình,
Con với cô bơ bơ nơi rừng rậm,
Có thấu lòng ai chăng?
Bỏ thì thương, vương thì nặng,
Bứt rứt cho lòng,
Ối thà trọn thảo với cha.
Rậm rì suối chảy chim kêu,
Cảnh giục cho người sầu,
Chàng ôi! Hối hôn thà thiếp phụ lời,
Ai ở bạc,
Có Trời chứng tri.
Lệ Bích than chưa dứt lời, bỗng thấy xa xa có ba người xăm xăm đi lại, một ngươi đi trước, tuổi lối đôi mươi, đầu vấn khăn xanh, mình mặc áo điều, quần trắng, còn hai người đi sau, một người mang cung, một người vác kiếm, y phục tầm thường, xem tướng mạo thì ai cũng biết hai người đi sau đó là gia dịch của người đi trước.
Lệ Bích lật đật bới đầu rồi đứng nép dựa gốc cây. Xuân Lan mang gói lên vai rồi bước tới đứng trước mặt Lệ Bích.
Người trai đầu vấn khăn xanh đó thấy dạng hai nàng thì day lại nói nhỏ nhỏ với hai người kia mà cười rồi đi riết tới nữa. Khi tới gốc cây, chàng chống nạnh hai tay, đứng ngó sững hai nàng một hồi rồi cười ngất mà nói rằng: Ta đi săn từ hồi sớm mơi cho tới bây giờ, không gặp được một con thịt nào hết, ta tưởng là rủi, té ra may dữ a? Không gặp thịt, mà gặp được tiên nữ thì càng vui hơn nữa.
Chàng nói mấy lời rồi bước xê lại gần, miệng chúm chím cười, mắt láo liên ngó hai nàng mà nói rằng: Tiểu sanh xin chào hai quí nương. Thưa quí nương, xin quí nương bước ra đặng cho tiểu sanh vô phép hỏi thăm một đôi lời.
Xuân Lan nghiêm sắc mặt mà đáp rằng:
- Tiên sanh muốn hỏi điều chi thì hỏi, cần gì chị em tôi phải bước ra.
- Tôi chẳng hỏi điều chi lạ. Vả chăng phận gái phải giữ chốn khuê phòng. Chẳng hiểu vì cớ nào hai quí nương lại đi trong chốn non cao rùng rậm, vậy tôi muốn hỏi cho biết coi hai quí nương tên họ là chi, quê quán ở đâu, có việc chi mà đi bơ vơ như vầy?
- Tiên sanh là người đi đường. Hai chị em tôi cũng là người đi đường. Ðường của vua, ai cũng được đi hết thảy: tiên sanh có cần gì phải biết tánh danh quê quán của chị em tôi?
- Tôi cũng biết đường của vua ai đi cũng được. Tôi gạn hỏi đây là vì tôi nghĩ trong chốn non cao rừng rậm nầy thường có quân côn đồ, lại cũng thường có loài ác thú. Tôi thấy hai quí nương đi lôi thôi, tôi sợ e nếu chẳng gặp côn đồ thì cũng gặp ác thú, bởi vậy tôi lo giùm chớ phải tôi có ý chi khác hay sao mà quí nương ái ngại nên không muốn nói.
- Tiên sanh có lòng tốt, lo giùm cho chị em tôi như vậy, chị em tôi rất cảm ơn tiên sanh. Chị em tôi ở trong Kinh, vì cha mẹ tỵ trần, không có nơi nương dựa, nên dắt nhau về Thái Nguyên mà tìm ông chú. Trước khi ra đi chị em tôi vẫn biết trong chốn rừng núi thì tự nhiên phải có côn đồ với ác thú. Nghĩ vì chị em tôi đủ sức chống cự nên mới dám đi. Vậy xin tiên sanh đừng lo sự ấy.
- Té ra hai quí nương tính qua Thái Nguyên mà tìm chú. Vậy chớ chưa có chồng hay sao, nên đi một mình không có đàn ông đưa?
- Thưa tiên sanh hỏi câu đó nghe kỳ lắm. Nếu chị em tôi có chồng thì có đi làm chi như vầy.
- Úy! May dữ a!...
Người trai ấy bước lui lại nói nhỏ với hai tên gia dịch rồi mới nói tiếp với hai nàng: Thưa hai quí nương, có lẽ khi cũng là trời khiến nên hai quí nương mới gặp tôi như vầy. Vậy tôi xin mời hai quí nương theo tôi về tệ xá mà tạm nghỉ một đôi bữa, rồi như hai quí nương còn muốn qua Thái Nguyên, thì tôi sẽ đưa đi.
Xuân Lan cười gằn mà đáp rằng:
- Thưa tiên sanh, mấy lời tiên sanh mới mừng đó thiệt là sái lễ lắm. Ðã vậy mà cái sự mời hai chị em tôi về nhà lại còn sái lễ nhiều hơn nữa. Tôi khuyên tiên sanh từ rày sắp lên nếu có gặp gái giữa đường thì đừng có hỏi thăm chi hết, mà cũng đừng có mời về nhà, bởi vì làm như vậy thì ra tuồng người hoa nguyệt chớ không phải là con nhà học trò.
- Quí nương nói kỳ quá! Gặp con gái đi bơ vơ trong rừng một mình, mời về nhà nghỉ ngơi một đôi bữa rồi muốn đi đâu thì mình đưa giùm cho mà đi, làm như vậy là có nhơn, chớ sao gọi là vô lễ.
- Chị em tôi không có bà con quen biết chi với tiên sanh, mà mời về nhà nỗi gì.
- Cần gì phải quen biết! Con người ở đời ai mà biết hết cả thiên hạ cho được. Ban đầu phải lạ, rồi sau mới quý chớ. Hai quý nương ở tha hương, thuở nay chưa gặp tôi, tự nhiên phải lạ; mà hễ về ở nhà một một bữa rồi thì quen với tôi, có lạ nữa đâu. Hai quí nương đừng có ngại. Tôi chẳng phải là kẻ côn đồ cướp đảng chi đâu. Tôi đây là trưởng tử của quan Chuyển vận sứ ở huyện nầy. Công tử Trần Ngan là tôi đây. Hai quí nương ở xa không hiểu, chớ người ở xứ nầy ai cũng đều kính trọng tôi, đều biết thảy. Chẳng có việc gì tôi muốn mà không được. Tôi ưa phong lưu, nên tôi giữ thói thanh nhàn, tôi nhàm danh lợi, nên tôi không thèm thi cử, chớ nếu muốn đi thi, thì chắc tôi đậu đã lâu rồi.
Chẳng giấu hai quí nương làm chi. Tôi là con nhà quan, tôi sang trọng lắm, hiềm vì thuở nay tôi chưa gặp được khách tri âm, bởi vậy chốn loan phòng còn một mình hiu quạnh. Nay tôi tình cờ mà gặp hai quí nương đây, tôi nói may, là vì tôi trông thấy, hai quí nương dung mạo phi phàm, tôi chắc ba ta có duyên cớ chi đây, nên trời mới khiến gặp nhau như vầy. Vậy tôi xin tỏ thiệt với hai quí nương, nếu hai quí nương chẳng chê tôi là đứa bất tài thì tôi rước hết về dinh rồi tôi chọn ngày làm lễ động phòng, đặng ba ta kết tóc trăm năm cho tôi phỉ chí ước mơ, và cho hai quí nương hết hồi lưu lạc.
Xuân Lan nghe nói tới đó tai mặt đỏ phùng phừng, nàng đưa tay lên chỉ ngay mặt Trằn Ngan mà nói rằng: Té ra ngươi là Công tử Trần Ngan, con quan Chuyển vận sứ ở huyện nầy há! Hay cho Công tử dữ a! Thứ đồ yến tước mà dám trèo leo muốn đậu chung với hộc hồng! Bớ Công tử Trần Ngan, tôi xin hỏi người vậy chớ con nhà quan sao không học thói nhà quan, mà lại đi trêu hoa ghẹo nguyệt như phường du đãng vậy hả?”.
Trần Ngan bị mắng, chàng nổi giận, trợn mắt bước tới nạt rằng: Cha chả! Con tiện tì nầy dám mắng ta à!
Một tên gia dịch chạy lại nắm tay chàng mà kéo và nói rằng: Công tử đừng có nóng. Công tử đứng xê ra, để đó cho tôi. Nó can Trần Ngan rồi day lại ngó Xuân l.an và cười ngỏn ngoẻn và nói rằng: Thưa cô, xin cô chịu phiền tưới giùm cho nó nguội bớt cái lò lửa nóng của cô, đặng tôi phân một hai điều phải trái cho cô nghe. Có lẽ cô cũng có nghe người ta thường hay nói: Nam đại bất thú như liệt mã vô cương, nữ đại bất giá như tư viêm phạm thủ”. Cậu tôi đây là trai đã lớn rồi mà chưa có vợ, còn hai cô là gái cũng đã lớn rồi mà chưa có chồng. Hai đàng gặp nhau theo lẽ trời thì phải tèo tẹo, chớ nào phải cậu tôi nói chơi rồi bỏ qua hay sao mà cô giận. Cô nghĩ lại mà coi, cậu tôi là con nhà quan, cậu tôi ở trúng theo sách lắm. Sách có câu: Quân tử chi đạo tạo đoan hồ phu phụ. Vậy cậu tôi tỏ ý muốn kết duyên cùng hai cô, ấy là cậu tôi quyết làm theo lời thánh hiền dạy, sao cô lại trách cậu tôi vô lễ?
Xuân Lan nạt rằng: Thôi, dẹp đi mi. Ta khuyên cậu cháu mi hãy tránh đường cho chị em ta đi”
Tên gia đinh cản tay mà nói rằng: Khoan! Ði đâu được. Cô đừng có nóng nữa, thủng thẳng đợi tôi nói hết cho mà nghe. Hai cô ở xa nên không biết, chớ cậu tôi đây đúng đắn lắm, các công tử đời nay chưa có mặt nào dám bì đâu. Kia kìa, cô liếc mắt coi cậu tôi đó thử coi, bộ tướng oai nghiêm, diện mạo khôi ngô biết chừng nào. Cô coi có đáng hay không, hử? Ý! Mà tướng tốt chẳng nói làm chi, tài học giỏi lắm mới thiệt là sướng chớ. Vì vậy nên ông bà tôi cưng không biết chừng nào mà nói cho được. Cậu tôi muốn việc chi cũng được hết thảy. Hai cô mà ưng cậu tôi thì hai cô sung sướng cũng như tiên. Hai cô chịu đi đừng có dục dặc, cậu tôi giận thì khó lắm.
Xuân Lan cười mà đáp rằng: Cậu mi như vậy, sắm mi như vầy thiệt là xứng lắm. Ta khen đa. Nàng lại bước tới ngó Trần Ngan mà nói rằng: Bớ công tử, công tử là con nhà quan, công tử phải lo luyện tập kiếm cung, ôn nhuần kinh sử, đặng mà phò vua giúp nước, chẳng nên chận đường đón ngõ mà chọc gái như vậy nhơ nhuốc lắm. Công tử phải nhớ mấy lời tôi dạy đó mà sửa mình. Thôi, đi về đi cho mau, nếu cãi lời tôi ắt chẳng khỏi mang họa“.
Trần Ngan thuở nay chưa gặp ai dám nhục mạ mình như thế, bởi vậy chàng nghe mấy lời cao ngạo của Xuân Lan thì chàng chịu không được nên chàng xăn tay áo và nói rằng: Vì ta thấy hai nàng có sắc ta thương, nên nãy giờ ta dùng lời nhỏ nhoi mà nói. Nàng thấy vậy cứ theo nhục mạ ta hoài. Cái đó là tại hai nàng chớ không phải tại ta. Hai nàng cũng như chim ở trong lồng, cá ở trong rọ làm sao thoát khỏi ta được mà nói phách. Thuận tình đi theo ta về nhà thì tốt hơn, còn nếu không thuận ta thì ta cũng bắt đại, chớ ta có dung đâu.
Xuân Lan nạt lớn lên rằng: Cha chả! Ngươi đã vô lễ với chị em ta rồi, bây giờ lại muốn hành hung nữa à! Ta nói cho mà biết: cóc muốn trèo thang sao cho được, nhái bén[1] phình bụng đến nứt da đi nữa cũng không bằng con bò đâu. Người phải dẹp đường cho mau, nếu cãi lời, sợ e chừng biết ăn năn thì đã muộn.
Trằn Ngan giận run, ngoắt hai đứa tùy tùng mà chỉ biểu bắt Lệ Bích, còn chàng thì dợm[2] nhảy tới toan chụp bắt Xuân Lan. Vả Lệ Bích là con nhà tướng, nên võ nghệ chẳng kém tài trai. Còn Xuân Lan ở hầu nàng thuở nay, nên nàng cũng có truyền nghề chút đỉnh. Vì vậy nên khi Trần Ngan nhảy tới mà chụp, thì Xuân Lan trớ qua một bên, rồi đá chàng một đá, chàng té lăn cù dưới gốc cây. Lệ Bích rút gươm bước tới, hai tên gia đinh thấy vậy thất kinh, không dám áp lại làm ngang, chỉ xúm nhau đỡ công tử đứng dậy, rồi dắt nhau mà chạy.
Xuân Lan nói với Lệ Bích không muốn giết Trần Ngan, nên không thèm rượt theo, chỉ đứng mà ngó mà mắng nhiếc om sòm. Trong lúc ấy bỗng nghe sau lung có tiếng người hỏi rằng: Có việc chi mà lộn xộn đó vậy? Hai nàng day lại thì thấy có một ông già tóc râu bạc trắng, y phục đoan trang, tướng mạo ôn hòa, mặt mày nho nhã, cỡi một con ngựa kim có đứa tiểu đồng nắm cương mà dắt.
Hai nàng đứng nép bên đường, cúi đầu làm lễ. Ông già dừng ngựa, ngó chăm chỉ hai nàng một hồi rồi hỏi rằng: Hai tiểu thơ đi đường có gặp việc chi chẳng lành hay sao mà coi khí sắc bất an như vậy?“
Lệ Bích bước tới vòng tay thưa rằng: Thưa tôn ông, hai con đi đường mỏi mệt nên ngồi dưới gốc cổ thọ đây mà nghỉ. Có đứa bất lương đi ngang nó thấy hai con là gái, nên dùng lời thô lỗ mà ghẹo chọc, rồi lại toan làm dữ muốn bắt hai con đem về làm vợ nó. Hai con giận quá nên phải dụng võ với nó. Té ra miệng nó nói phách mà óc nó nhát hích. Hai con mới ra tay chống cự thì nó dắt bọn tùy tùng chạy mất.
Ông già châu mày hỏi rằng:
- Khúc đường nầy thuở nay không nghe có trộm cướp chi mà. Vậy chớ tiểu thơ có biết thằng bất lương đó tên chi hay không?
- Thưa con là người xứ lạ nên con không biết nó; song nó có khoe với con rằng nó tên là Trần Ngan, trưởng tử của quan Chuyển vận sứ ở huyện nầy.
- Ờ té ra hắn là con của Trần Hoài Châu mà. Thôi, tiểu thơ hãy an tâm. Ðể lão viết thơ biểu cha hắn trừng trị hắn. Con nhà quan mà không biết giữ lễ nghĩa, lại đi vào rừng đón gái mà bắt. Trần Hoài Châu thiệt là tệ, có con sao không biết dạy con! Còn hai tiểu thơ tướng mạo coi chẳng phải con nhà tầm thường, hai tiểu thơ là con của ai, quê quán ở xứ nào, đi đâu đây, hai tiểu thơ hãy tỏ thiệt cho lão nghe thử coi?
- Thưa con tên là Hồng Hạnh, tổ phụ ở Thái Nguyên. Từ khi con còn thơ ấu thì theo cha mẹ xuống Kinh ở mà buôn bán. Rủi hôm tháng trước cha mẹ của con khuất hết, con bơ vơ không có nơi nương dựa, nên con phải dắt thị tỳ, là con Xuân Lan đây, trở về Thái Nguyên mà tìm thân tộc.
- Tiểu thơ tính về Thái Nguyên mà tìm thân tộc. Vậy chớ tiểu thơ có biết thân tộc là ai, nhà cửa ở làng nào hay không?
Lệ Bích không dè người ta hỏi cặn kẽ như vậy mà tính trước, bởi vậy nàng dụ dự một hồi rồi mới đáp rằng:
- Thưa con nghe cha mẹ con nói thân tộc ở Thái Nguyên nên con đi tìm chớ thiệt con không rõ tên chi, mà cũng không biết ở làng nào.
- Úy nếu tiểu thơ không biết thì tìm làm sao được. Mà đường từ đây qua Thái Nguyên thì sơn khê nham hiểm, lộ trình gay go lắm, tiểu thơ là gái đi sao cho tiện. Vậy lão muốn tính như vầy, không biết ý tiểu thơ có chịu hay không?
- Thưa tôn ông, trẻ thơ đáng con cháu; tôn ông muốn dạy bảo điều chi thì tôn ông cứ nói ngay ra, cần chi phải ái ngại.
- Số là trong nhà lão có hai vợ chồng già mà thôi, chớ không có con cháu chi hết. Lão nghe phận tiểu thơ côi cút lão thương; lão muốn nhận tiểu thơ làm con, đặng ở trong nhà hôm sớm hủ hỉ với vợ chồng lão, cho lão bớt cơn phiền não, không biết tiểu thơ có vui lòng chịu làm con lão hay không?
Lệ Bích thấy ông già hiền lương song không biết ông là ai, nên nàng đứng dụ dự, chưa quyết định. Ông già bèn nói tiếp rằng: Tiểu thơ đừng có nghi. Lão đây là Ngô Sĩ Liên hồi trước làm quan chức Giám sát Ngự sử tại trào, cách hai năm nay, lão già yếu nên từ chức qui điền mà dưỡng chí. Lão thấy tiểu thơ dung mạo đoan trang mà lại gặp cơn gia biến, nên lão thương, lão mới xin nuôi làm con. Hễ tiểu thơ về ở với lão, thì lão sẽ sai người nhà qua Thái Nguyên mà dọ coi thân tộc của tiểu thơ còn ai, rồi như tiểu thơ muốn đi thăm, thì lão sẽ cho người đưa đi.
Lệ Bích vẫn có nghe danh quan Ngự sử Ngô Sĩ Liên là một nhà văn sĩ, làm bộ Ðại Việt sử ký rất có tiếng, bởi vậy nàng hết dụ dự nữa; ông nói dứt lời thì nàng ngồi xuống lạy và thưa rằng: Phận con côi cút lưu lạc bơ vơ. Nếu tôn ông đoái tưởng cho con nhờ chút cơm dư, thì con đâu dám nghịch ý. Ông Ngô Sẽ Liên lấy làm mừng, ông dạy Lệ Bích đứng dậy, nói phủ ủy[3] ít lời, rồi dắt Lệ Bích với Xuân Lan về nhà. Ngô phu nhơn không con, thình lình ông cho bà một đứa con gái vừa có tài, vừa có sắc, thì bà rất đẹp ý bởi vậy bà thầm tạ ơn Trời Phật nhểu phước cho bà hết hiu quạnh trong lúc tuổi cao.
[1] loại nhái nhỏ con
[2] bắt đầu
[3] vỗ về an ủi
CHƯƠNG 9 -
C
òn đương tuổi thanh niên mà đã trọn thảo với cha, lại cũng đền xong nợ nước, đã được cầm quyền lớn, mà lại sẵn có tài cao đứng làm trai được như chàng Thanh Tòng ai cũng cho là túc nguyện. Nhưng mà trót một năm nay chàng vì có một chữ tình mà hôm sớm lờ đờ lững đứng, vào ra than thở ưu sầu, được tiếng thơm không biết vui, cằm quyền lớn không mãn ý.
Tuy vua đã có truyền cho các châu các huyện phải kiếm mà bắt Lệ Bích, song chàng Thanh Tòng cũng không an lòng; chàng sai riêng người tâm phúc đi rảo khắp tứ phương mà dò la. Ðã mãn năm rồi, mà chưa biết được nàng Lệ Bích trú ngụ nơi nào, còn vua thì thôi thúc phải chọn ngày giao duyên với Công chúa.
Chàng Thanh Tòng lo gỡ rối tóc tơ chưa xong, kế phải buồn về nghiêm đường ngọa bịnh. Trong mấy tháng sau đây, quan Tướng quốc Thân Nhơn Trung, một là vì tuổi cao sức yếu, hai là vì việc nước đa đoan, bởi vậy ông đau càng ngày coi càng ốm càng gầy, chẳng những là ông không đi chầu vua được, mà cơm ông ăn cũng không chịu tiêu, đêm ông nằm cũng không muốn ngủ.
Vua sai các ngự y điều trị, nhưng mà dầu có thầy hay dầu dùng thuốc tốt, song bịnh cũng không thuyên giảm chút nào.
Một buổi sớm mơi, quan Tướng quốc đương nằm trên giường, coi bộ ông mệt hơn mấy ngày trước. Phu nhơn ngồi một bên, trong lòng lo sợ, nên sắc diện buồn hiu. Công tử thì dụm lửa đặng hâm thuốc cho cha uống. Phu nhơn ngồi ngó ông một hồi rồi hỏi rằng: Trong mình ông bây giờ ra thể nào mà bữa nay tôi coi bộ ông mệt hơn các bữa trước nhiều lắm. Ông lặng thinh một hồi rồi ráng nhướng mắt mà đáp rằng: Bữa nay tôi mệt lắm, nằm không yên. Tôi biết chắc là tôi ráng chịu chừng một đôi ngày nữa mà thôi, chớ không lâu đâu. Ông nói mấy lời rồi ông nhắm mắt nằm thiêm thiếp. Bà lấy làm đau đớn, nên ngồi chống tay lên trán mà khóc. Thanh Tòng bước lại đứng ngó cha rồi giọt lụy cũng tràn trề.
Cách một hồi lâu, quan Tướng quốc mở mắt ra nữa mà ngó vợ nhìn con rồi nói nhỏ nhỏ rằng: „Tới tuổi nầy thì chết đã vừa rồi; tiếc vì việc nước lăng xăng, triều đình lộn xộn, trung thần nhu nhược, gian thần lẫy lừng, nếu không có người chấp quyền bỉnh cáng cho hẳn hòi, thì làm sao...“ Ông ngừng lại mà nghĩ một hồi lâu, rồi ngoắt Thanh Tòng lại đứng khít một bên mà nói nữa rằng: Năm ngoái, Thánh thượng định gả Công chúa Như Hoa cho con. Lời phán giữa triều đình, nên con không phép trái lịnh. May nhờ Thánh thượng xét công lao của cha con mình, nên mới cho đình lại một năm đặng tìm kiếm Lệ Bích cho con hết ái ngại về tiếng bội ước. Kỳ hạn mãn đã lâu rồi, vậy chớ mấy lần đại triều sau đây, cha có bịnh nên đi chầu không được, mà con đã có phục chỉ rồi hay chưa vậy con?
Thanh Tòng dụ dự một chút rồi lau nước mắt mà đáp rằng: „Thưa cha, kỳ đại triều hôm rằm tháng nầy, Bệ hạ có nhắc sự ấy. Con có tâu mà xin đình thêm một năm nữa“.
Quan Tướng quốc châu mày ủ mặt mà hỏi rằng:
- Một năm đã nhiều lắm rồi, sao con dám cả gan mà tâu nữa?
- Thưa cha, con cùng nàng Lệ Bích đã nặng ước mà lại nặng tình. Có lẽ nào con đành bội ước đoạn tình mà ưng Công chúa Như Hoa cho được.
- Con Lệ Bích nó nghe con thắng trận hồi trào, nó sợ Bệ hạ gả nó cho con, nên lật đật bỏ nhà mà trốn. Nó làm như vậy thì nó bội ước đoạn tình rồi. Con với nó còn tình còn nghĩa chi nữa đâu mà chờ đợi?
- Thưa cha, nàng lánh con thì nàng quấy, nhưng mà con giết cha của nàng há con lại không quấy hay sao?
- Thì con quấy trước rồi nàng mới quấy sau.
- Mà cái quấy của con mười phần, cái quấy của nàng không được một. Xin cha xét lại mà coi.
- Phải. Con giết cha nàng thì con quấy. Mà tại cha nàng quấy trước, chớ nào phải tại con hay sao.
- Con xét lại thì phận con bây giờ là người thù của nàng, nên không thế nào nàng kết tóc xe tơ với con được. Tại cớ đó nên nàng phải lánh mặt. Mà cũng tại cái cớ đó nên con không thể bỏ nàng mà giao duyên với người khác.
- Té ra con nhứt định từ hôn với Công chúa hay sao?
Thanh Tòng lặng thinh không trả lời nữa. Quan Tướng quốc thở ra mà than rằng: Nhà tôi vô phước dữ a! Mà xã tắc cũng vô phước nữa!
Trong lúc ấy Tô Hộ ở ngoài bước vào thưa rằng có quan Hình bộ Thượng thơ Trịnh Công Lộ đến trước phủ nói rằng phụng mạng Bệ hạ đệ thánh chỉ đến cho quan Ðô Tổng binh và xin quan Ðô Tổng binh ra tiếp thánh chỉ.
Thanh Tòng cáo lỗi cùng cha mẹ rồi lật đật sửa áo bước ra tiền đường mà tiếp thánh chỉ. Chàng đi rồi thì quan Tướng quốc nói với phu nhơn rằng: Thanh Tòng trái lịnh của Bệ hạ, ắt chẳng khỏi mang họa. Hôm nay quan Thượng bộ hình đệ thánh chỉ đến dinh, tôi sợ e không phải là một điềm lành. Vậy bà hãy bước ra ngoài lóng tai nghe coi thánh chỉ dạy việc chi.
Phu nhơn vưng lời, liền dạy thể nữ thế mặt ở hầu ông, rồi bà thủng thẳng đi ra ngoài trước. Cách một hồi lâu bà bơ hơ bài hãi trở vào thưa cho ông hay rằng vua bắt tội Thanh Tòng khi quân, nên sai Hình bộ Thượng thơ đệ chiếu qua mà thâu quyền Kinh sư Ðô Tổng binh và lấy ấn phù đem về nạp cho vua.
Quan Tướng quốc hay sự ấy thì ông nghẹt cổ nghẹt hơi, tay chân lạnh ngắt. Phu nhơn với thể nữ kinh hãi, xúm nhau đốt lửa mà hơ một hồi rất lâu ông mới tỉnh lại.
Ông ngó phu nhơn mà nói rằng: Nhà mình vô phước nên mới sanh con ngỗ nghịch như vậy. Nó đã không biết làm cho tôi an lòng trong mấy ngày tôi còn sống thừa lại đây, mà tôi còn sợ e chừng tôi nhắm mắt rồi thì xã tắc vì nó mà phải khuynh nguy, giang san vì nó mà phải biến động. Cái tội của nó đối với cha mẹ thì nặng có một phần, chớ đối với nước nhà thì nặng đến mười phần.
Ông nói tới đó thì thấy Thanh Tòng trở vào, sắc diện tuy là buồn, song cũng không buồn hơn hồi lúc đi ra. Ông dạy chàng lại đứng gần một bên rồi ông hỏi rằng: Thánh chỉ dạy điều chi đó con?.
Thanh Tòng dụ dự một chút rồi giả bộ tự nhiên mà đáp rằng:
- Thưa cha, thánh chỉ dạy con phải ân cần quân vụ, chớ chẳng có việc chi lạ.
- Cha đã hay hết rồi, con còn giấu cha làm chi? Bệ hạ bắt tội con khi quân, nên đã thâu chức Kinh sư Ðô Tổng binh với ấn phù lại hết rồi, phải vậy hay không?
Thanh Tòng chưng hửng, liếc mắt ngó mẹ rồi quỳ xuống ôm tay cha và khóc và nói rằng: Cúi xin cha thứ tội cho con. Con thưa dối với cha, là vì con sợ cha buồn, chớ không phải con dám cố ý bất nghĩa với cha!“
Quan Tướng quốc lắc đầu thở ra rồi ông nhìn con trân trân, song không nói tiếng chi hết. Thanh Tòng lau nước mắt mà nói rằng: Bệ hạ không xét giùm cái tình của con, nên làm tội con, thì con vưng chịu, con đâu dám phiền trách. Mà mất quyền tước cũng không đủ làm cho con buồn. Con lo có một điều, là lo cha đương có bịnh mà không được vui lòng đó mà thôi.
Quan Tướng quốc khoát tay mà nói rằng: Mi là một đứa con bất hiếu, mi còn biết cha mi là ai mà mi nói lo. Thanh Tòng bị cha quở thì chàng khóc ròng. Ông nín một hồi rồi ông nói tiếp rằng: Mi là một đứa nghịch thần, mi còn kể vua là ai mà mi xưng hô Bệ hạ... Thiệt rõ ràng mi là thiên hạ đại tội nhơn, mi có biết chăng?
Thanh Tòng cứ khóc không dám đối đáp với cha. Ông nằm thở dốc, coi bộ ông mệt lắm. Cách một hồi ông gượng mà nói rằng: „Mi muốn ta chết cho mau, nên mi mới cãi lời ta. Ta biết ta phải chết bây giờ đây. Nhưng mà dầu còn một tấc hơi, ta tưởng cũng nên dùng mà coi cái tội của mi cho mi biết. Mi làm con mà không chịu vưng ý cha, thì mi phải cái tội bất hiếu. Mà cái tội bất hiếu còn khả dung, chớ cái tội bất trung không thế dung cho mi được. Mi là đứa có học, sao mi không thức thời vụ? Từ ngày ta ngọa bịnh đến nay, ta lóng nghe trong triều tiểu nhơn lẫy lừng, quân tử ly tán. Những đứng trung thần còn ai đâu? Bên văn thì ông Ðỗ Nhuận, bên võ thì ông Lê Lộng đã mất lộc rồi. Còn ông Lê Ðình Ngạn với ông Lê Nhơn Hiếu thì là bạc nhược, mà lại không có dõng lược chi hết, chẳng khác nào người chết mà chưa chôn. Ta coi trong quân thần bây giờ chỉ còn có một mình ông Lê Thọ Vực là lương đống của nước nhà, mà ông bị sàm thần châm chích làm cho Bệ hạ không vui với ông, nên đã sai ông lên Lạng Sơn mà lãnh chức Thủ ngự Kinh Lược Sứ. Thế thì trong triều bây giờ còn ai biết lo tá quốc cần vương nữa đâu. Mi cầm quyền Kinh sư Ðô Tổng binh thì kẻ nịnh thần mới không dám hơi động, chớ nếu quyền ấy mà giao cho bọn phản thì còn chi là giang san! Mi nghĩ đó mà coi cái tội của mi lớn là dường nào? Ta không dè công ta sanh thành mi, công ta giáo dục mi, mà ngày nay lại ung đúc mi ra một đứa mê sắc, không kể cha không kể chúa chi hết! Ta đến giờ chót mà thấy con bất trung bất hiếu thì ta lấy làm đau đớn vô hồi!
Thanh Tòng sụt sùi trong lòng, rất tức tối về những lời cha quở trách, nhưng vì sợ cha thêm giận nên không dám hở môi. Ông nói nhiều quá nên ông thêm mệt nhiều.
Chàng muốn giải cái nộ khí của ông nên thỏ thẻ nói rằng: „Con dẹp chữ tình mà báo oán cho cha, con liều tánh mạng mà đền ơn cho chúa, con làm như vậy là trọn nghĩa quân thần, trọn đạo phụ tử rồi. Vì con muốn trọn luôn niềm phu phụ nữa, nên mới hóa ra nghịch lịnh chúa, trái ý cha. Con cúi xin cha tha thứ cho con, và xin cha xét giùm lại cho phận con; nếu con bỏ Lệ Bích mà ưng Công chúa, thì chẳng những là con mang tiếng giết cha vợ đặng thay mái tóc đổi mối tơ, mà con lại đau lòng trọn đời về nỗi quên tình xưa, phụ ước cũ. Ðã biết ơn cha lắm nặng, nợ chúa lắm dày, nhưng mà mối tình con đã lỡ vấn vương, nên thà là chết, chớ thiệt con cũng khó gỡ ra cho được.
Ông nghe tới đó, ông trợn mắt nạt rằng: Quả thiệt mi coi ái tình trọng hơn gia đình, trọng hơn giang san, trọng hơn hết thảy! Thôi mi ráng mà sống, đặng giữ cho trọn chữ tình...
Ông đã yếu mà ông lại giận quá, nên nói tới đó rồi ông làm xung, trợn mắt tắt hơi. Phu nhơn và công tử áp ôm quan Tướng quốc mà khóc rống lên. Thế nữ lăng xăng đứa lo đổ thuốc đứa thử quạt hơi, làm hết sức mà không hồi dương cho ông được.
Quan Tả Tướng quốc Thân Nhơn Trung đã mất lộc!
Triều đình đã mất thêm một vị trung thần nữa!
Thanh Tòng lo việc cư tang báo hiếu. Các quan từ lớn chí nhỏ thảy đều đến phủ Tướng quốc mà điếu tang. Cách ba ngày, Thanh Tòng đương tế cha, bỗng có quan Hình bộ Thượng thơ Trịnh Công Lộ tới dinh lại có dắt theo 20 tên quân, Ðinh Long và Ðinh Hổ thay mặt cho Thanh Tòng mà tiếp khách.
Quan Hình bộ Thượng thơ bước vào nói lớn lên rằng: Có thánh chỉ, vậy phải mau đặt bàn hương án cho ta đọc. Tô Hộ lật đật phụng mạng đặt bàn hương án. Quan Hình bộ Thượng thơ quì xuống mà đọc thánh chỉ. Vua bắt tội Thân Thanh Tòng rằng: vua tứ hôn mà chàng dám từ hôn rồi cha đau chàng lại chọc giận cho cha chết nữa: quả là chàng phạm tội khi quân sát phụ, lẽ thì phải chém đầu mà răn kẻ bất trung bất hiếu. Xét vì chàng có công dẹp yên giặc Chiêm Thành, lại xét vì quan Tả Tướng quốc sanh có một mình chàng mà thôi, nếu chém chàng thì triều đình phụ kẻ công lao, mà quan Tả Tướng quốc lại không có người kế hậu. Vì vậy nên vua định đày Thanh Tòng đi xa ba ngàn dặm và dạy phải bắt mà giải chàng lên Cao Bằng lập tức.
Cả nhà ai nghe thánh chỉ cũng đều kinh khủng. Quan Hình bộ Thượng thơ đọc chỉ rồi ông đứng dậy, khí sắc hân hoan hiệu hiệu tự đắc, dường như ông đã hại được một người cừu địch vậy. Ông hô lên một tiếng, mấy mươi tên quân áp vào trước linh cữu của quan Tả Tướng quốc mà bắt trói Thanh Tòng. Thân phu nhân ngã lăn, bất tỉnh nhơn sự. Cả nhà ai thấy tình cảnh như thế cũng đều đau đớn trong lòng.
Quan Hình bộ Thượng thơ bước ra cửa rồi leo lên kiệu mà ngồi. Quân dẫn Thanh Tòng đi theo sau. Ðinh Long với Ðinh Hổ trợn mắt ngó theo lườm lườm, coi tức giận lắm.
Khi quân dẫn Thanh Tòng đi khuất rồi thì Ðinh Hổ nóng lòng quá chịu không được, nên đấm ngực ba cái rồi hét lớn lên rằng: „É! Ức lắm nào! Trung thần mà làm gì?
Anh ta nói rồi liền kéo Ðinh Long chạy theo. Tô Hộ thấy vậy cũng lau nước mắt mà theo anh em họ Ðinh.
CHƯƠNG 10 -
Ðứng làm trai như chàng Thanh Tòng, đã liều thân mà rửa nhục cho cha, đã trải mật mà đền ơn cho Chúa, tưởng làm bao nhiêu đó cũng đủ gọi là trung thần hiếu tử được rồi. Tiếc vì hồi đời xưa, triều đình thi hành lễ phép quá nghiêm khắc, quan niệm trung hiếu rất hẹp hòi. Chủ nhà là chúa của gia tộc, quốc vương là chúa của quốc dân. Lời của chủ nhà nói ra là luật trong nhà, lịnh của quốc vương phán ra là luật trong nước. Dầu lời hay là lịnh ấy bất từ bất chánh đi nữa, nếu làm con mà cãi lời cha thì là bất hiếu, nếu làm tôi mà trái lịnh vua thì là bất trung. Thấy câu: quân bất minh thần bất khả bất trung; phụ bất từ, tử bất khả bất hiếu với câu: Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu thì người đời nay, là đời tôn trọng nhơn quyền, ai cũng đều lắc đầu chắc lưỡi.
Thanh Tòng sanh trưởng trong vòng chế độ quân chủ ấy, học hỏi cũng trong nền giáo dục quân chủ ấy. Chẳng phải chàng không hiểu hễ từ hôn thì là khi quân; chẳng phải chàng không biết hễ cãi lời cha thì là nghịch tử. Chàng tự quyết thung dung để sa vào cái tội bất trung bất hiếu, ấy là vì chàng bị uất trong cái ái tình. Chớ chi bỗng nhiên mà Lệ Bích phụ chàng, thì dầu cái ái tình của chàng nặng nề cho mấy đi nữa, chàng cũng còn có thể lấp ngơ được. Chàng vì phải trọn thảo cùng cha, nên chàng phụ nàng trước. Bây giờ nàng lánh chàng thì cái tội bội ước đó là tội của chàng chớ không phải là tội của nàng, há chàng đành ưng Công chúa Như Hoa mà vui chữ cầm sắt hưởng mùi chung đảnh, còn để cho nàng dày bừa gió bụi, đau đớn đêm ngày hay sao?
Quân thần, phụ tử, phu phụ là tam cang, cang nào cũng đều trọng. Hai cang đầu chàng đã giữ vẹn toàn vì cớ nào lại không để cho chàng giữ luôn cho trọn cái cang sau nữa? Chết với vua được, chết với cha được, vợ chồng cũng chết với nhau được vậy, chớ có lý nào không. Ðã biết công chúa thì là cao sang mà có cái cao sang nào bằng lời thệ ước ngày xưa?

Ðã biết xã tắc thì quí báu, mà xã tắc chưa có mòi khuynh nguy, còn chén thề gần trút sạch trên tay ta nỡ đành khoanh tay đứng dòm xã tắc mà để cho chén thề đổ hết?

Thanh Tòng mang cái tội bất trung bất hiếu nên phải bị đày lên Cao Bằng, mình mặc tang phục, hai tay bị trói, đi với hai mươi tên quân, lòng vàng chua xót, giọt lụy tràn trề. Tuy chàng không dám trách Trời, nhưng mà nghĩ tới cha chết còn nằm tại nhà, mẹ già phải đeo mối thảm, thì chàng nát gan đứt ruột, nuốt đắng trêu cay.

Ði mấy ngày lên tới Bắc Giang, tứ bề rừng rậm, hai bên đường chim kêu vượn hú, trước mặt non núi chập chồng. Hai mươi tên quân đi giải Thanh Tòng, chúng nó một là vì tánh tình, hai là vì chức phận của chàng, nên không nỡ bó buộc nghiêm khắc. Chúng nó mở trói để cho chàng đi thong thả, và chia nhau phân nửa đi trước, phân nửa đi sau, còn chàng đi giữa, coi ra chẳng khác nào như một vị công tử dẫn quân đi chơi.

Mặt trời đã xế bóng, ngọn gió phất đầu nhành. Thanh Tòng với quân chậm rãi mà đi, chàng thì đau đớn niềm riêng, quân thì xót thương hoạn nạn. Thình lình nghe phía sau lưng có tiếng kêu rằng: „Xin Công tử chậm chậm chờ anh em tôi với.

Thanh Tòng ngừng bước ngó lại thì thấy Ðinh Hổ đương chạy theo, phía sau lại có Ðinh Long với Tô Hộ nữa. Chàng tưởng ở nhà còn xảy nguy biến chi khác, nên chàng đứng chờ mà trong trí không an.

Hai anh em họ Ðinh với Tô Hộ chạy tới, vòng tay mà thi lễ. Thanh Tòng và đáp lễ và hỏi rằng: Hai anh em theo tôi có việc chi? Còn Tô Hộ sao không ở nhà phục sự từ mẫu ta, lại đi theo làm chi đây?

Tô Hộ bước tới và khóc và thưa rằng: „Công tử bị đày tôi ở nhà làm sao cho được! Thà là tôi chết theo công tử, chớ sống mà thấy công tử bị áp chế như vậy thì khó sống được lắm“. Thanh Tòng ứa nước mắt mà nói rằng: Ta phạm tội triều đình, nên ta phải bị đày; tội ta đáng lắm, ta không phiền trách chi hết. Ta tủi là tủi cho phận ta thờ vua không trọn ngay, thờ cha không trọn thảo, đến ngày cha lâm chung, ta cũng không báo hiếu được, mà ta còn chút mẹ già ta cũng không thế dưỡng nuôi... Thanh Tòng nói tới đó rồi khóc ròng, nói không được nữa. Ðinh Long với Ðinh Hổ cảm động, nên cũng ngó Thanh Tòng mà khóc.

Cách một hồi, Thanh Tòng bước lại vịn vai hai anh em họ Ðinh mà nói rằng: Chúng ta kết bạn cùng nhau tưởng là ba mặt một lòng, trăm năm một dạ, đâu lưng giúp nước, đâu cật phò vua, nào dè đâu sum hiệp chưa được mấy ngày mà rồi phải anh nam em bắc. Trời khiến cái mạng em phải chịu lao đao lận đận, thôi thì hai anh cũng chẳng nên thương xót bận bịu mà làm chi. Cái thân của em từ đây dầu sống cũng như đã chết rồi, không còn kể chi nữa. Hai anh là đứng anh hùng hào kiệt, em khuyên hai anh chẳng nên thấy phận em như vầy mà thối chí ngã lòng. Hai anh phải tận tâm giúp nước phò vua, dầu tan xương nát thịt cũng đừng nao núng. Em đi đây em gởi giang san xã tắc và em cũng gởi luôn mẹ già của em lại cho hai anh. Hai anh phải thế cho em mà bảo thủ nước nhà, hễ có chút thì giờ dư xin tới lui thăm viếng giùm từ mẫu của em, nếu được như vậy thì em ở ngoài biên giới em mới an lòng chút đỉnh được.

Ðinh Long lau nước mắt mà đáp rằng: Ðến nông nỗi nầy mà công tử cũng còn khuyên anh em tôi phải tận tâm giúp nước phò vua nữa hay sao? Giúp nước phò vua mà làm gì? Ðặng bị đày như công tử vậy, phải hay không? Anh em tôi chẳng muốn giúp ai, chẳng chịu phò ai nữa hết. Anh em tôi có giúp thì giúp công tử, có phò thì phò công tử mà thôi. Tôi nói thiệt, anh em tôi theo công tử đến đây là quyết giết cho sạch sắp quân của nhà vua đây mà cứu công tử. Chúng ta làm cho triều đình hiểu rằng đứng anh hùng không dễ gì mà áp chế, đứng hào kiệt trong đời chẳng bao giờ biết sợ ai. Chúng ta lại không đủ sức lập một triều đình như họ vậy hay sao, mà phải uật lỵ họ, cho họ khinh khi mình hèn hạ?

Thanh Tòng nghe mấy lời bội quân nghịch chúa như vậy thì biến sắc, đứng ngó Ðinh Long trân trân, muốn trả lời, song kiếm không ra lời mà nói.

Ðinh Hổ rút gươm trợn mắt mà nói lớn rằng: Triều đình vô đạo, nghe lời đứa dua nịnh mà hãm hại kẻ hiền lương. Nay anh em ta quyết tôn công tử Thân Thanh Tòng lên ngôi Bắc Giang Vương đặng chiêu binh mãi mã kéo về kinh đô mà diệt tru bọn bất minh bất chánh. Mấy mươi quân sĩ đứa nào thuận tùng thì quì xuống cho mau, còn đứa nào nghịch ý thì ta chém đầu liền bây giờ.

Hai mươi tên quân đều quì mà xin theo phò công tử hết thảy. Thanh Tòng thấy vậy giận quá, nên chỉ mặt Ðinh Hổ mà nạt rằng: Chẳng nói nhũng tiếng vô đạo như vậy. Tôi đã mang tội bất trung bất hiếu, bây giờ hai anh còn muôn cho tôi mang thêm cái tội phản nghịch nữa hay sao hử?“

Ðinh Hổ quen tánh táo bạo, hễ bất bình thì nói ngay ra, chớ không thể dằn lòng mà nói dịu ngọt được, bởi vậy nghe Thanh Tòng vừa dứt lời thì anh ta liền đáp rằng:

- Còn gì nữa mà không phản nghịch? Năm trước quan Thái úy ỷ sức mạnh húng hiếp quan Tướng quốc. Công tử làm con, tự nhiên phải báo thù cho cha; hai đàng đấu với nhau, ai dở chết thì chịu. Quan Thái úy dở ổng chết, sao triều đình lại bắt tội đòi chém công tử. Có phải xử như vậy thì mất lẽ công bình hay không?

- Ðinh huynh là đạo làm tôi, không được phép bài bác lịnh của Thiên tử.

- Tôi không còn muốn làm tôi ai nữa hết. Ðể tôi phân hết cho công tử nghe. Có giặc Chiêm Thành cả trào không có một thằng nào dám cầm binh đi đánh. Công tử lãnh đi dẹp giặc, trong một trận đã thấy thành công. Tài của công tử như vậy, công của công tử như vậy đó, mà rồi triều đình có thưởng gì đâu? Tha tội chết chém. Tội gì mà tha? Phong chức Tổng binh. Chức đó quí dữ há. Gả công nương Lệ Bích. Việc đó là việc riêng của công tử với công nương, vua xen vô làm chi? Công nương đi mất rồi thì để cho công tử thong thả tìm kiếm. Sao lại buộc công tử phải bỏ công nương mà cưới Công chúa? Rõ ràng ỷ quyền làm vua mà đoạt hôn của người ta cho con mình. Công tử giữ lời thệ ước, nên từ hôn Công chúa, thì là đáng khen lắm; sao lại kiếm chuyện bắt tội mà đày công tử đi, không cho chôn cha, không cho nuôi mẹ? Tưởng phò vua giúp nước đặng làm việc chi vui lòng phỉ chí kìa, chớ phò vua giúp nước đặng chịu những điều bất công bất chánh như vậy thà là chiếm cứ một góc sơn hà, mình làm chủ lấy mình còn tốt hơn.

- Con người ở đời chẳng có chi trọng cho bằng đạo quân thần. Ðinh huynh đừng có nói như vậy mà mang lỗi. Thà là chết, chớ không nên sống mà mang chữ phản thần.

- Phản thần hay là trung thần cũng vậy. Theo ý tôi, bọn ta nên thờ cái công lý thì phải hơn. Ai giữ công lý thì mình kính phục, ai không giữ công lý thì mình chống cự, chẳng cần gì phải lo giữ lòng trung với ai, hay là phải sợ mang tiếng phản ai.

Thanh Tòng là con nhà đại thần, từ nhỏ chí lớn đã chạm cái lý thuyết trung quân vào trong não rồi, chàng coi cái niềm quân thần là trọng hơn hết trong tam cang ngũ thường, bởi vậy chàng nghe Ðinh Hổ nói chừng nào chàng càng đau đớn xốn xang thêm chừng nấy. Chàng châu mày đứng suy nghĩ một hồi rồi thở ra mà nói rằng:,,Tôi tưởng chúng ta đồng tâm đồng chí nên mới kết làm anh em, không dè ngày nay hai anh muốn hại tôi, nên xúi tôi tạo phản. Tôi xin hai anh, nếu muốn cho niềm bằng hữu được lâu dài, thì đừng có nói những lời vô quân vô đạo như vậy nữa. Nếu hai anh cãi lời tôi, thì tình bằng hữu phải dứt, bởi vì tôi không thể làm bạn với người phản chúa được.

Ðinh Long cười mà đáp rằng:

- Tuy anh em tôi xuất thân trong hàng lê thứ nhưng mà anh em tôi là con nhà An Nam, có lý nào không biết trọng luân thường. Anh em tôi kết bạn cùng công tử đặng phò vua giúp nước, ấy là vì anh em tôi tưởng thiên hạ cũng trọng luân thường như mình, nên mới đến chốn kinh thành, nào dè chữ cang thường” người ta đặt ra đặng gạt thiên hạ, người ta buộc thiên hạ phải giữ mà người ta khỏi giữ. Thế thì mình còn giữ luân lý cang thường nữa mà làm gì?

- Ðinh huynh cũng còn muốn báng sáng[1] nhà vua nữa sao? Thôi, hai anh muốn làm việc chi thì làm, từ nay về sau đừng có nhìn tôi là bằng hữu nữa.

Thanh Tòng nói dứt lời liền bỏ mà đi. Anh em họ Ðinh với Tô Hộ và mấy chục tên quân ngó theo, thảy đều ứa nước mắt. Ðinh Long không biết chước nào mà giải nguy cho Thanh Tòng được, nên phải dắt nội bọn đi theo và hỏi rằng:

- Vậy chớ bây giờ công tử đi đâu?

- Tôi bị đày lên Cao Bằng, thì tôi phải đi lên đó chớ đi đâu.

- Thôi anh em tôi cũng đi theo công tử.

- Bọn ngươi là đồ phản chúa, đi theo ta làm gì? Phải trở lại cho mau.

Hai anh em họ Ðinh không nỡ bỏ Thanh Tòng, nên năn nỉ xin theo, mà Thanh Tòng quyết một không chịu cho đi, biểu phải trở về kinh lo phò vua thì tình anh em mới bền, chớ nếu trái ý thì không còn biết nhau nữa.

Ðinh Hổ thấy Thanh Tòng tự cam chịu áp chế thì tức giận, bèn kêu nội bọn đúng lại, bỏ Thanh Tòng đi một mình. Anh ta bàn với Ðinh Long và Tô Hộ rằng: Công tử không chịu cho mình theo, mà còn biểu mình phải trở về Kinh. Bây giờ mình trở về Kinh mà làm giống gì? Gần đây có núi Ngưu Sơn. Người ta đồn núi ấy hiểm trở, có thế cho kẻ anh hùng dung thân được. Vậy thì chúng ta kéo nhau lên đó lập trại mà ở, rồi qui tụ hào kiệt đặng chờ thời. Ở đời mình làm chủ lấy mình thì tốt hơn, chớ uật lỵ người khác làm chi hổ mặt.

Ðinh Long khen phải song không đành bỏ Thanh Tòng đi một mình nên biểu Tô Hộ đi theo mà phục sự Thanh Tòng, lại dặn hễ có gặp việc gì nguy biến thì phải trở lại Ngưu Sơn mà tìm nhau. Tô Hộ y lời, bèn từ giã hai anh em họ Ðinh mà chạy theo Thanh Tòng. Còn Ðinh Long với Ðinh Hổ thì dắt hai mươi tên quân, tẻ đường đi qua núi Ngưu Sơn.

Thanh Tòng đương đi, trong trí thầm giận anh em họ Ðinh mang lòng phản chúa, thình lình nghe phía sau có tiếng động đất, chàng day lại thì thấy Tô Hộ chạy theo. Chàng bèn đứng lại mà hỏi rằng: Sao ngươi dám cãi lời mà chạy theo ta nữa?

Tô Hộ bước tới ứa nước mắt mà đáp rằng:

- Tôi không đành để cho công tử đi một mình. Trước khi ra đi tôi đã có bẩm cho phu nhơn hay. Phu nhơn ân cần dặn tôi dầu cực khổ cho mấy cũng phải ráng theo mà phục sự công tử. Nếu tôi vưng lời công tử mà trở về, thì tôi đã không an lòng, mà tôi còn sợ e phu nhơn quở tôi nữa.

- Khi ngươi ra đi đây, vậy chớ mẹ ta có trách ta hay không?

- Thưa không. Phu nhơn buồn lắm, chớ không có trách. Phu nhơn ta hễ an táng cụ lớn xong rồi, thì phu nhơn sẽ về quê mà dưỡng lão.

Thanh Tòng nghe việc nhà như vậy thì chàng động lòng, nên đứng ngẫm nghĩ một hồi rồi thở ra mà hỏi nữa rằng:

- Còn hai anh em họ Ðinh đã nghe lời ta mà trở về rồi phải hay không?

- Thưa không. Hai cậu dắt quân lên núi Ngưu Sơn chớ không chịu về Kinh.

- Lên núi Ngưu sơn làm chi?

- Hai cậu tính lên đó cất trại mà ở, rồi qui tụ anh hùng hào kiệt mà chờ thời, chớ không thèm làm quan nữa.

Thanh Tòng chắt lưỡi lắc đầu rỗi bỏ mà đi. Coi bộ chàng bất bình lắm. Tô Hộ nối gót theo sau, cứ lằm lủi mà đi, không dám nói tiếng chi hết.

Ði đến chiều, tới một cái xóm có ba bốn cái chòi tranh, Thanh Tòng với Tô Hộ dắt nhau vào đó xin nghỉ nhờ một đêm rồi sáng mai sẽ đi. Có một bà già, nhà tuy nghèo, song tánh ưa đãi khách lỡ đường, bà tiếp rước tử tế rồi lại cho cơm nước nữa.

Tối lại Thanh Tòng buồn bực trong lòng ngủ không được, nên chàng bước ra ngồi dựa mé một cái suối mà than thở. Dưới suối nước chảy ro re, trên trời mặt trăng lờ lệch, chàng ngồi mà nhớ nỗi cha khuất sớm, nỗi mẹ quạnh hiu, nỗi duyên nợ đảo điên nỗi công danh lỡ dở thì trong lòng bát ngát lụy ứa tràn trề. Tô Hộ đi ra thấy chủ đương sầu thảm thì bước lại gần mà hỏi rằng:

- Thưa công tử, không biết sáng mai công tử phải đi đâu?

- Ta bị đày lên Cao Bằng, thì ta phải đi tới đó chớ đi đâu.

- Công tử không dám nghịch mạng triều đình, thì phải lắm. Nhưng mà theo ý tôi nghĩ, thì công tử chẳng nên vội lên Cao Bằng mà làm chi, thủng thẳng rồi sẽ lên đó, tưởng cũng chẳng hại gì.

- Trước sau gì cũng phải tới đó, vậy thà là đi phứt cho rồi, chớ trì huởn mà làm chi?

- Tôi nghe nói quan Thái úy quê quán thái Nguyên. Tôi nghi công nương về ở đó quá. Vậy tôi xin công tử hãy qua Thái Nguyên mà tìm thử coi có công nương trốn về ở đó hay không. Như không có thì mình sẽ lên Cao Bằng, có muộn gì.

Thanh Tòng suy nghĩ một chút rồi gặc đầu khen phải. Sáng bữa sau thầy trò từ tạ chủ nhà rồi dắt nhau qua Thái Nguyên. Thanh Tòng nghĩ phải giấu tên họ mới được, nên bàn tính với Tô Hộ rằng nếu ai hỏi thì mình sẽ xưng là Võ Sơn Tòng, gốc ở Sơn Tây, vì cha mẹ khuất sớm nên buồn, phải xuất thân du học.

Thầy trò khi phải qua truông vắng vẻ, khi phải trèo núi gay go, đi trót năm ngày nữa mới tới địa giới đạo Thái Nguyên. Một buổi trưa đi gần tới một cụm núi, không biết tên là núi gì, bỗng nghe phía dưới chơn núi tiếng trống, tiếng chiêng vang vầy. Thanh Tòng lấy làm lạ, bèn hối Tô Hộ đi riết tới đó coi việc chi cho biết. Thầy trò đi chưa được bao lâu, kế gặp một người độ chừng 58 tưổi, y phục đoan trang, cỡi một con ngựa ô, vài mươi tên quân cầm khí giới chạy theo sau. Thanh Tòng liền đứng nép bên đường, đợi ngươi ấy đi tới mới vòng tay thi lễ và hỏi rằng: „Thưa quan nhơn, chẳng biết trước kia có việc chi mà nghe tiếng trống tiếng chiêng inh ỏi đó vậy“

Người ấy ngó Thanh Tòng rồi gò cương cho ngựa đứng lại mà đáp rằng:

- Ngươi mau mau trở lại chẳng nên đi tới đó mà mang hại.

- Thưa ngài sao mà mang hại?

- Vì bọn cường sơn mấy tháng nay nó chiếm cứ núi nầy mà nhiễu hại lương dân. Ta dẫn binh đến vây bắt bọn nó, chẳng dè chúng nó có một thằng đầu đảng, tên là Lương Cáng mạnh bạo phi thường, quân sĩ không dám đối địch với nó. Ta coi thế quân ta đã muốn vỡ chạy rồi, nên ta chạy trước về phủ kiếm binh thêm nữa mới được.

- Thưa ngài, té ra ngài làm quan cai trị đạo nầy hay sao?

- Phải. Ta là Hành khiển Tuyên phủ Chánh sứ đạo Thái Nguyên nầy đây.

- Thưa ngài, vì tôi không biết, nên không giữ trọn lễ vậy xin ngài thứ tội. Ngài chẳng cần phải nhọc công về phủ mà viện binh thêm nữa. Xin ngài chịu phiền dắt tôi trở lại đó; tôi sẽ bắt bọn cường khấu mà nạp cho ngài.

Thiệt quả người nầy tên là Huỳnh Như Hào, đương ngồi chức Hành khiển Tuyên phủ Chánh sứ đạo Thái Nguyên. Người nghe Thanh Tòng nói khẳng khái như vậy thì ngó chàng trân trân rồi hỏi nữa rằng:

- Người có tài gì một mình mà trừ bọn cường khấu ấy nổi?

- Thưa ngài, có binh của ngài đó chi.

- Binh của ta một trăm, mà lớp bị thương, lớp bỏ chạy đã gần phân nửa rồi. Còn bọn nó đông lắm, cự không nổi đâu.

- Thưa ngài, không hại gì mà ngài sợ. Tôi trừ nổi.

- Người là ai, gốc ở đâu?

- Thưa, tôi là một tên học trò khó, gốc ở Sơn Tây.

- Nếu người thiệt có tài, thì giúp với ta, đặng trừ bọn đó, kẻo chúng nó hại lương dân lung lắm.

Hai người nói tới đó, bỗng thấy quân hào hển kéo nhau chạy tới, lại la lớn rằng cường khấu rượt theo gay lắm. Thanh Tòng mời quan Chánh sứ đứng lại một bên đường rồi chàng giựt một cây côn của một tên quân và xốc tới đứng trước chờ quân cường khấu đến mà giao chiến. Quan Chánh sứ sắp đặt quân đứng hờ phía sau mà trợ chiến với Thanh Tòng.

Cách chẳng bao lâu, có một đám cường khấu ước chừng vài trăm, hăm hở kéo tới, thấy Thanh Tòng trẻ tuổi; lại có mấy mươi tên quân mà thôi, trong ý chúng nó không kiêng nể, nên la ó vang vầy rồi áp vào mà đánh. Thanh Tòng huơi côn đối địch, cây côn bay qua luyện lại như sao xẹo huơi một cái thì cường khấu ngã lăn hai ba thằng. Bọn đi trước đều ngã hết, bọn sau thấy vậy kinh tâm, không dám tới nữa.

Ðầu đảng là Lương Cáng thấy vậy bèn hét lên một tiếng rất lớn, rồi cầm búa lướt tới mà chém Thanh Tòng, Thanh Tòng đỡ vẹt lưỡi búa rồi đánh trả lại. Lương Cáng hình tích cao lớn, mặt mày đen sì, râu ria xồm xoàm, ở trần trùi trụi, coi bộ mạnh bạo hung ác lắm. Quan Chánh sứ thấy Thanh Tòng nhỏ vóc, sợ cự không lại, nên ngài quày ngựa thối lui ra xa mà coi, chớ không dám đứng gần.

Hai đàng đánh đỡ cùng nhau chưa được mấy cái, thì thấy Thanh Tòng bỏ cây côn trên vai rồi rút mà chạy. Lương Cáng hăm hở tốc theo, hai tay đưa búa lên nhắm Thanh Tòng mà chém. Thanh Tòng trớ qua phía tay trái lẹ như nháy mắt, rồi vụt cây côn nghe một cái vù thì liền thấy Lương Cáng té sấp không cựa quậy. Thanh Tòng bước lại đạp trên lưng. Quan Chánh sứ cùng quân sĩ cũng áp lại, thì thấy Lương Cáng bể đầu chết ngắt.

Bọn cường khấu thấy đầu đảng đã chết rồi thì vỡ tan, vẹt cây chun vô rừng mà trốn. Quan Chánh sứ đốc quân rượt theo mà bắt. Ngài ngó Thanh Tòng và cười nói rằng: “Tráng sĩ thiệt có tài, có lẽ cũng tại trời khiến, nên tôi mới gặp tráng sĩ hôm nay đây. Nếu không có tráng sĩ thì không biết làm sao mà trừ bọn cường khấu nầy được. Vậy tôi xin mời tráng sĩ theo tôi về phủ đặng tôi đền đáp cái ơn giúp tôi bình khấu thành công đây.

Thanh Tòng dụ dự rồi đáp rằng:

- Tôi là một tên học trò ở trong nước, tôi đi đường gặp kẻ hung dữ làm rối loạn lương dân, tự nhiên tôi phải ra tay giúp với thượng quan mà tảo trừ, tôi đâu dám kể công với thượng quan.

- Tráng sĩ tên chi? Nhà cửa ở đâu?

- Dạ, tôi tên là Võ Sơn Tòng, quê quán ở Sơn Tây.

- Tráng sĩ đi đâu đây?

- Thưa vì bởi cha mẹ tôi khuất hết, tôi buồn rầu, nên mới dắt một tên gia đinh đi du học.

- Tráng sĩ được mấy tuổi?

- Thưa, tôi 19 tuổi.

- Nhỏ mà giỏi quá! Tôi khen lắm. Cha mẹ chết mà có anh em hay không?

- Thưa, không.

- Té ra tráng sĩ có một mình. Thôi đi với tôi mà về phủ, tráng sĩ muốn ở luôn với tôi mà học cũng được, chẳng cần đi đâu làm chi. Ðể quân sĩ rượt bắt cường khấu rồi chúng nó giải về sau, mình thủng thẳng đi lần về trước mà nghỉ.

Thanh Tòng bị quan Chánh sứ mời ân cần quá, chàng không thể chối từ được, nên phải dắt Tô Hộ đi theo ngài mà về phủ.

[1] báng=khích báng; sáng=sự lầm lỗi: chỉ trích, kết án

CHƯƠNG 11 -

Ô

ng Huỳnh Như Hào là một nhà văn sĩ xuất thân. Ông đã trên 50 tuổi rồi, vợ chồng không có con trai, chỉ có một đứa con gái gả cho một quan Chuyển vận sứ tên là Lữ Nhạc. Ông thấy Thanh Tòng nhỏ tuổi tướng mạo khôi ngô, văn nói lễ nghĩa, mà lại có tài đối địch với một đôi trăm người, giữa trận giết chánh tướng lẹ như nháy mắt, thì ông đem lòng ái mộ vô cùng.

Khi về tới phủ, ông dắt Thanh Tòng vào hậu đường cho chàng ra mắt phu nhơn. Ông thuật chuyện Thanh Tòng giết Lương Cáng lại cho phu nhơn nghe, thì phu nhơn khen ngợi hết sức.

Ông dạy phu nhơn bày yến tiệc mà đãi Thanh Tòng rất hậu. Trong lúc ăn uống ông nói với Thanh Tòng rằng: “Tráng sĩ mồ côi, mà lại không có anh em chi hết. Còn vợ chồng tôi đây thì không có con trai. Tôi muốn tráng sĩ ở đây mà học đặng chờ cơ hội ra lập chữ công danh. Tôi nuôi tráng sĩ cũng như con trong nhà, không biết tráng sĩ có vui lòng mà làm con tôi hay không? Thanh Tòng lặng thinh suy nghĩ một chút rồi đáp rằng:

- Thượng quan đem lòng thương tôi, thiệt tôi cảm ân đức lắm. Xét vì phận tôi hèn hạ, lẽ đâu tôi dám đèo bòng.

- Tráng sĩ chẳng nên khiêm nhượng. Cái tài của tráng sĩ đó một ngày kia tế thế an bang được, chớ không phải tầm thường. Tôi e tráng sĩ chê tôi bất tài, không đáng kêu bằng cha đó thôi.

- Bẩm thượng quan, tôi đâu dám vậy.

- Tôi biết rồi, tráng sĩ dục dặc, ấy là vì tráng sĩ không có anh em, tráng sĩ sợ làm con nuôi tôi, phải đổi họ lại, thì không còn ai mà nối tông môn của tráng sĩ, có phải như vậy hay không? Xin tráng sĩ đừng ngại điều ấy. Tôi không nỡ ép như vậy đâu. Dầu tráng sĩ chịu làm con nuôi tôi, tôi cũng không dám biểu đổi họ đâu mà sợ.

- Bẩm thượng quan, việc thượng quan tính đây là việc quan hệ lắm. Vả tôi quê quán ở Sơn Tây, mồ mả ông bà đều ở đó, nếu tôi làm con nuôi thượng quan thì tôi làm sao mà viếng thăm mồ mả cho được.

- Ôi! Việc ấy có chi mà gọi là quan hệ. Tráng sĩ ở đây, ngày nào muốn viếng mồ mả thì tôi cho quân đưa đi. Ði ít ngày rồi trở lại có can chi mà sợ.

- Xin thượng quan cho phép tôi suy nghĩ rồi ngày mai tôi sẽ trả lời.

- Ðược!

Mãn tiệc rồi quan Chánh sứ dạy quân hầu dọn thơ phòng để cho Thanh Tòng nghỉ ngơi.

Ðêm ấy Thanh Tòng nằm suy nghĩ, nếu mình ham sung sướng, cứ ở đây làm con nuôi người ta, thì làm sao lên Cao Bằng thọ hình theo như chiếu của vua cho được. Mà mình qua Thái Nguyên là có ý tìm nàng Lệ Bích. Nếu mình không ở đây thì làm sao mà tìm. Chàng suy tới nghĩ lui hoài, đến sáng bữa sau chàng mới nhứt định chịu ở làm con nuôi quan Chánh sứ Huỳnh Như Hào, đặng có sai Tô Hộ đi khắp đạo Thái Nguyên mà tìm Lệ Bích. Chàng tính nếu tìm không được, thì chàng sẽ giả chước về Sơn Tây thăm mồ mả, rồi chàng thoát thân mà lên Cao Bằng, có lẽ cũng không khó gì.

Chàng kêu Tô Hộ vào thơ phòng mà tỏ ý ấy cho nó nghe. Tô Hộ khen chước hay và khuyên Thanh Tòng nên ở đây đặng cho nó đi dạo chơi mà thám do tin tức trong đạo. Huỳnh Như Hào hay Thanh Tòng khứng ở làm con nuôi, thì ông bà đều mừng rỡ, dạy phải kêu bằng cha mẹ và truyền hết thảy trong nhà phải xưng hô Thanh Tòng là công tử.

Ông đàm luận văn chương chơi với chàng, ông thấy học thức của chàng rộng rãi, câu văn của chàng tao nhã thì ông lấy làm kỳ, không dè con nhà lê thứ tưổi chưa đầy hai mươi mà lại có tài văn võ lưỡng toàn như thế, bởi vậy ông càng thêm ái mộ, coi như vàng như ngọc.

Thanh Tòng ở yên rồi, bèn xúi Tô Hộ giả chước đi chơi đặng rảo khắp thôn lân mà tìm nàng Lệ Bích. Chàng thường bữa cũng hay đi săn bắn, đặng dò la coi hoặc may có nghe tin tức chi không. Ở đã trót một năm, tìm đã khắp hết thôn xã mà không thấy dạng, lại cũng không nghe tin lệ Bích chút nào. Thanh Tòng thất chí ngã lòng, phần thì nhớ mẹ thương cha, phần thì uất tình ức dạ, bởi vậy ngoài mặt chàng giả làm vui, mà trong trí thì như dại như ngây, không còn kể chi cái thân nữa.

Một buổi trưa, Thanh Tòng đi săn bắn về, chàng bước vào phủ thì thấy cha nuôi đương ngồi nói chuyện với một người khách, tóc râu bạc trắng, y phục đoan trang, nhắm tướng mạo không phải là một ngươi tầm thường, Thanh Tòng làm lễ cha nuôi rồi làm lễ luôn người khách nữa. Quan Chánh sứ thung dung nói với Thanh Tòng rằng: “Cụ lớn đây quí danh là Ngô Sĩ Liên hồi trước làm quan Giám sát Ngự sử. Vì cụ lớn muốn dưỡng nhàn, nên mấy năm nay xin hưu trí về ở bên đạo Hưng Hóa. Cụ lớn qua đây thăm cha.

Ông Ngô Sĩ Liên ngày trước vẫn là bạn tao đàn của ông Thân Nhơn Trung. Ông Thân Nhơn Trung nói chuyện với con, thường hay khen ông Sĩ Liên văn hay học rộng. Thanh Tòng tuy chưa gặp mặt ông Ngô Sĩ Liên lần nào, nhưng mà chàng đã có biết danh ông lâu rồi, bởi vậy vừa nghe nói tên ông thì chàng lật đật vòng tay thi lễ một lần nữa và nói rằng: Tiểu sanh vì không biết, nên không trọn lễ với thượng quan; vậy ngửa mong thượng quan xá tội!”.

Ông Ngô Sĩ Liên gặt đầu đáp lễ, mà mắt ngó Thanh Tòng trân trân, làm cho chàng ái ngại hết sức. Ông ngó một hồi rồi mới day mặt qua mà hỏi ông Huỳnh Như Hào rằng:

- Thơ sanh đây là ai?

- Con của tôi.

- Tôi nghe ông có một người con gái mà thôi, sao bây giờ lại có con trai bây lớn vậy lận?

- Nó là con nuôi.

- Ờ có vậy chăng, chớ năm trước ông qua thăm tôi, thì ông nói ông có một chút con gái mà thôi, sao bây giờ lại có con trai nữa. Công tử tên chi, năm nay được bao nhiêu tuổi?

- Nó tên là Sơn Tòng, năm nay mới được 20 tuổi.

- Ông đã định đôi bạn rồi chưa?

- Chưa. Tôi cũng tính kiếm đôi bạn cho nó, nhung mà chưa biết ai có con gái mà cầu hôn.

Ông Ngô Sĩ Liên ngó Thanh Tòng một hồi nữa rồi mới nói rằng: Tôi cho phép công tử vào thơ phòng mà nghỉ; để tôi đàm luận chơi với quan Chánh sứ, công tử chẳng cần phải hầu hạ làm chi”. Thanh Tòng bái hai ông rồi đi vào thơ phòng. Ông Ngô Sĩ Liên cứ liếc mắt ngó theo. Chừng Thanh Tòng đi khuất rồi, ông mới hỏi ông Huỳnh Như Hào rằng:,,Công tử tướng mạo thiệt là khôi ngô, coi ra chẳng phải là người tầm thường. Người ở đâu mà ông nuôi đó vậy? Ông nuôi bao lâu rồi?.

Ông Huỳnh Như Hào bèn thuật việc ông gặp Thanh Tòng lại cho ông bạn nghe. Ông kể chuyện Thanh Tòng giúp ông mà đánh phá cường khấu. Ông tán tụng võ nghệ rồi ông lại ngợi khen văn tài của Thanh Tòng nữa. Ông Ngô Sĩ Liên nghe rõ ngọn nguồn rồi ông ngồi lặng thinh, mà coi bộ ông suy nghĩ lung lắm. Cách một hồi, ông nói rằng:

- Chuyện nầy thiệt là kỳ. Tôi nhìn gương mặt của công tử sao giống quan Tướng quốc Thân Nhơn Trung quá, ông có biết ông Thân Nhơn Trung hay không?

- Hồi trước tôi quen biết, nhưng mà hai mươi năm rồi tôi không gặp ổng nữa.

- Tôi quen với ổng nhiều. Lúc tôi còn làm quan tại triều, anh em thường tới lui ngâm thi vịnh phú với nhau chơi. Tôi nghe ổng có một công tử tên là Thanh Tòng. Hồi đó công tử còn nhỏ, nên tôi không thấy mặt. Khi tôi trí sĩ qui điền tôi có nghe công tử Thanh Tòng nổi danh hào kiệt, nức tiếng văn nhơn. Mới đây tôi lại nghe triều đình lộn xộn, quan Thái úy Lê Niệm với quan Tướng quốc Thân Nhơn Trung chết hết, Trịnh Công Lộ bỉnh quyền nên kiếm thế hại những tôi trung liệt. Quan Binh bộ Thượng thơ Lê Thọ Vực thì bị sai lên trấn Lạng Sơn. Công tử Thanh Tòng có công dẹp giặc Chiêm Thành mà lại bị đày. Tôi nghi dưỡng tử của ông đây là Thanh Tòng, vì bị tội nên cải danh diệc tánh mà mai danh ẩn tích đó ông.

- Nếu thiệt như vậy thì càng quí hơn nữa. Dầu con của tôi mà phải là Thanh Tòng đi nữa, tôi cũng nuôi. Ở xứ nầy núi cao rừng rậm ai biết được mà tôi sợ.

- Thanh Tòng phạm tội triều đình, nếu ông dung dưỡng thì ông mắc tội chớ.

- Tội gì? Thanh Tòng phạm tội triều đình có cho tôi hay đâu mà tôi biết. Mà con của tôi tên Sơn Tòng, chớ không phải Thanh Tòng.

- Ông cãi giỏi thì để chừng nào có đổ bể rồi ông cãi.

- Chuyện nầy anh em mình nghi mà thôi, chớ không có bằng cớ chi mà dám đoán chắc. Vậy xin ông để bụng, đừng nói ra cho ai biết.

- Ai nói làm chi. Nếu mà thiệt là Thanh Tòng thì mình cần phải giấu mà nuôi chớ, bởi vì lúc nầy triều đình lộn xộn sàm nịnh chuyên quyền, mình phải nuôi hào kiệt anh hùng, đặng gặp cơn nguy biến, mình sẵn có người mà cậy cần vương tá quốc. Nãy giờ tôi nói chuyện với ông đó, là tôi muốn tỏ việc triều đình cho ông nghe mà thôi chớ.

Ông Ngô Sĩ Liên ngồi suy nghĩ một hồi nữa rồi ông cười mà nói tiếp rằng: Chuyện tình cờ, mà nghĩ ra thiệt là kỳ. Cách hai năm trước tôi đi chơi tôi gặp một nàng dung mạo phi phàm, đương đi bơ vơ trong rừng với một con thể nữ. Chủ tớ bị một công tử chọc ghẹo vô lễ, nên giận rượt đánh công tử chạy te. Tôi hỏi thăm thì nàng ấy xưng là Hồng Hạnh vì cha mẹ chết hết không nơi nương dựa, nên tính trở về Thái Nguyên mà tìm thân tộc. Tôi thấy vậy tôi đem về nuôi làm con hai năm nay, tôi dọ tình ý thì tôi nghi lời nói với tôi đó là nói dối chớ không phải nói thiệt. Con gái tôi năm nay mới 18 tưổi, mà học thiệt là hay. Võ thì tức dụng, còn văn thì tao nhã lắm.

Bên nây ông có một đứa con nuôi, bên tôi cũng có một đứa con nuôi, thôi hai anh em mình làm sui với nhau chơi. Hai đứa nhỏ xứng đôi vừa lứa lắm, mà cũng xứng tài với nhau nữa. Tôi có đem tập thi của con nhỏ tôi nó làm đây. Ðể tôi đưa cho ông coi thử văn của nó chơi.

Ông Ngô Sĩ Liên nói dứt lời liền lấy một tập thi trong túi ra mà trao cho Huỳnh Như Hào xem. Ông Huỳnh Như Hào giở ra mà đọc. Ông đọc bài nào ông khen nức khen nở bài nấy, không có câu nào ông chê được. Ông đọc xong rồi ông mới nói rằng:

- Tôi được một nàng dâu văn học như vậy thì quí lắm.

- Ông chịu rồi phải hay không?

- Chịu liền.

- Nè, mà tôi giao như vầy: tôi gả con thì tôi bắt rể đa, bởi vì mẹ nó cưng nó lắm, bả không chịu rời nó.

- Ông giao như vậy sao cho phải. Tôi cưới dâu thì tôi phải đem về nhà tôi nuôi, chớ để ở bên ông sao được, bởi vì tôi cũng cưng thằng con tôi lắm, tôi chịu rời nó đâu.

- Nếu vậy thì tôi không gả.

- Ủa! Hồi nãy đã chịu gả rồi bây giờ ông hồi sao được.

- Nếu gả thì ông rước về bên nây, rồi vợ chồng tôi đâu mà hủ hỉ.

- Có con gái thì phải chịu thiệt thòi như vậy chớ sao.

- Không được. Hễ gả con thì tôi bắt rể.

- Không được. Hễ cưới dâu thì tôi rước dâu.

Hai ông cãi lẽ với nhau một hồi, rồi muốn cho hòa thuận nên nhứt định hễ cưới rồi thì để ở bên đàng gái 6 tháng rồi về ở đàng trai 6 tháng, hai bên thay phiên nhau mà nuôi. Hai đàng thuận rồi, liền định luôn ngày cưới nữa.

Ông Ngô Sĩ Liên ở chơi hai ba bữa rồi ông mới về.

Ông Huỳnh Như Hào bèn cho đòi Thanh Tòng vào hậu đường mà nói rằng: “Con nay đã trộng tưổi rồi, cha phải lo đôi bạn cho con. Cha đã hứa làm sui với ông Ngô Sĩ Liên. Con gái ông tên là Hồng Hạnh, năm nay đã được 18 tưổi, đã có sắc mà lại có tài nữa. Con hãy lo sửa soạn đặng 10 ngày nữa đem lễ vật qua Hưng Hóa mà nghinh hôn.

Thanh Tòng nghe nói nghinh hôn thì chàng biến sắc, tay chưn bủn rủn, tán loạn tâm thần. Chàng ngó cha nuôi mà nói rằng:

- Thưa cha, con cưới vợ chưa được.

- Sao vậy?

- Con có lời thề hễ con chưa lập được công danh thì con không cưới vợ.

- Không được. Cha đã hứa lời với quan Ngự sử rồi, thế nào con cũng phải cưới, không nên từ chối. Lo lập công danh thì lo, còn cưới vợ thì cưới, hai sự đó có ngăn trở với nhau đâu mà ngại.

- Thưa cha, con vẫn biết không phải có vợ rồi lo lập công danh không được. Con không khứng cưới vợ là vì con nghĩ phận nam tử phải lấy chữ cần vương tá quốc làm đầu. Con chưa có chút công gì với nước với vua, mà con lo cưới vợ, thì con thẹn với non sông lắm.

- Nếu con đợi lập cho được công danh rồi sẽ cưới vợ, thì con già còn gì? Con gái của quan Ngự sử đúng đắn lắm. Nè, cha chưa biết ra thể nào, chớ văn thiệt là có tài lắm. Quan Ngự sử có đưa tập thi của nàng làm đây. Con coi đó thì biết văn học nàng ra thể nào. Ðàn ông, con trai ít ai mà bì kịp.

Ông trao tập thi cho Thanh Tòng. Chàng phải gắng gượng mà lấy, song đã chết điếng trong lòng. Ông dạy chàng đem về thơ phòng mà đọc và căn dặn phải sửa soạn đặng 10 ngày nữa đi nghinh hôn.

Thanh Tòng vì nàng Lệ Bích đến nỗi phải từ hôn Công chúa, rồi mang tội bất hiếu bất trung, có lý nào ngày nay lại đi cưới vợ khác cho được. Mà biết dùng chước nào cho khỏi cưới vợ bây giờ. Chàng về thơ phòng, chàng quăng tập thi trên bàn, không thèm ngó tới. Chàng bối rối trong trí nằm ngồi không an, cứ vào thở ra than hoài. Tô Hộ thấy chủ có sắc buồn, không biết có chuyện chi, nên lật đật hỏi thăm. Thanh Tòng bèn thuật chuyện quan Chánh sứ tỏ cưới nàng Hồng Hạnh là con quan Ngự sử Ngô Sĩ Liên cho chàng và dạy phải sửa soạn đặng 10 ngày nữa qua Hưng Hóa mà nghinh hôn, Tô Hộ nghe nói cũng giựt mình lo sợ cho phận chủ.

Thanh Tòng suy tới tính lui, chàng tiếc vì trót một năm nay tìm không được Lệ Bích thì đi phứt lên Cao Bằng mà thọ tội cho rồi, còn dần dà ở đây làm chi bây giờ phải mang việc khó lòng như vậy. Chàng muốn vào tỏ thiệt tâm sự của chàng cho quan Chánh sứ nghe, đặng xin ngài bãi việc hôn nhơn ấy. Mà rồi chàng sợ nỗi tỏ thiệt, có lẽ quan Chánh sứ càng yêu, rồi ngài càng ép hơn nữa thì việc lại càng thêm rối.

Chàng kiếm đã hết kế rồi, mà kế nào coi cũng không tiện, chàng mới nhất định viết một bức thơ để lại cho quan Chánh sứ rồi trốn mà đi lên Cao Bằng. Chàng ngồi lại và lấy một tờ giấy mà viết.

Trời chuyển mưa, giông gió phát lên, lướt nhành cây ngoài vườn nghe ồ ồ, lại chun cửa sổ mà vào thơ phòng nữa. Cái tập thi của quan Chánh sứ trao hồi nãy, còn nằm trước mặt Thanh Tòng bị gió thổi mạnh nên nó lật banh ra.

Thanh Tòng đương chống viết mà suy nghĩ, bỗng thấy tập thi lật ra, chàng mới liếc mắt ngó vào. Chàng ngó một chút rỗi chàng bỏ cây viết, vói tay lấy tập thi để trước mặt, lật từ trương đầu mà đọc, đọc chùng nào coi bộ chàng chăm chỉ chừng nấy, trợn mắt châu mày thở dài nhăn mặt, chàng đọc tới trương chót rồi chàng đứng dậy gãi đầu mà nói rằng: Chuyện nầy dễ nghi quá! Không biết chừng hay là Lệ Bích, nhưng vì sợ lậu nên cải tên là Hồng Hạnh đây chớ gì. Mà Lệ Bích sao lại con ông Ngô Sĩ Liên?

Thanh Tòng day lại ngó thấy Tô Hộ bèn nói tiếp rằng:

- Tô Hộ, hồi nãy dưỡng phụ ta trao cái tập nầy cho ta mà biểu ta đọc thử, nói rằng tập thi của nàng Hồng Hạnh. Ta xem tuồng chữ giống như tuồng chữ của nàng Lệ Bích quá mà cái điệu thi, cái ý hoài cảm, cũng giống nữa, làm cho ta sanh nghi trong lòng quá.

- Không biết chừng hay là công nương Lệ Bích trốn ở đó, mà sợ người ta biết nên cải tên.

- Ta cũng nghĩ như vậy, ngặt vì quan Ngự sử nói Hồng Hạnh là con gái của ngài nên ta không dám chắc.

- Không biết chừng con nuôi của ngài, cũng như công tử là con nuôi của quan Chánh sứ đây vậy.

- Nếu con nuôi thì dưỡng phụ ta đã nói cho ta biết rồi chớ.

- Mà công tử coi thi ấy thiệt giống thi của công nương Lệ Bích lắm hay sao?

- Giống lắm.

- Thi làm hay hôn?

- Hay lắm.

- Ý tứ cao hôn?

- Cao lắm, ý tứ đã cao mà lại có hơi trách tạo hóa, ao mà lại có hơi trách tạo hóa/phiền duyên phận nữa.

- Nếu vậy thì chắc rồi chớ gì.

- Nghi mà thôi, chớ đâu dám chắc.

- Công tử có đọc thi của công nương thường lắm hay sao mà nhớ tuồng chữ?

- Có chớ.

- Ðọc thi làm trên chùa Trưng Nữ Vương đó phải hôn?

- Sau ta có thấy nhiều bài thi khác nữa chớ.

- Nếu vậy thì công tử chịu đi cuới đại đi.

- Nếu cưới mà không phải Lệ Bích rồi làm sao?

- Có hệ gì? Công tử nói rằng nàng ấy thi hay, học giỏi tài cao, thế thì không phải là người tầm thường. Ðã vậy mà lại ở trong nhà của quan Ngự sử, là một đứng danh nho trung liệt nữa. Nếu Công tử nghi lầm, chừng động phòng coi không phải công nương Lệ Bích, thì công tử tỏ thiệt tâm sự cho nàng ấy biết rồi từ biệt nhau. Một nàng tiểu thơ ý cao, học giỏi, hễ rõ tâm sự của công tử rồi thì không nỡ lòng nào mà oán hận công tử, hoặc kiếm chước làm cho công tử phạm nghĩa đâu mà công tử sợ.

- Mình làm như vậy thì được phần mình, còn người ta lỡ duyên thì tội nghiệp cho người ta lắm!

- Công tử bỏ hay sao mà sợ lỡ duyên. Công tử hứa chừng nào tìm được công nương Lệ Bích rồi thì sẽ thành hôn chớ.

Thanh Tòng suy nghĩ một hồi lâu rồi chàng muốn chịu, mà còn dụ dự chút đỉnh, song không tính trốn nữa.

Qua ngày sau, quan Chánh sứ bàn việc nghinh hôn nữa. Thanh Tòng nhơn dịp ấy mới hỏi thăm coi nàng Hồng Hạnh là con hay là cháu quan Ngự sử. Chừng chàng nghe rõ nàng là con nuôi thì chàng hết dụ dự nữa, vì chàng đoán quyết là nàng Lệ Bích. Chàng trông cho mau tới ngày nghinh hôn đặng giải cái lòng nghi phứt cho rồi.

CHƯƠNG 12 -

T

ừ ngày nàng Lệ Bích về ở làm con nuôi ông ngô Sĩ Liên nàng thấy đã được an thân rồi nên nàng không tính đi đâu nữa. Nàng có ý muốn lóng nghe coi dưới kinh thành động tịnh thể nào, vua có bắt tội nàng hay không, còn Thanh Tòng xử trí làm sao, ngặt vì Hưng Hóa là chốn sơn khê nham hiểm, không ai lên xuống Kinh đô. Ðã vậy mà thân nàng là gái khuê môn dầu ông Ngô Ngự sử có nghe việc triều đình, ông cũng chẳng hề tỏ cho nàng biết.

Nàng cùng thế phải khoanh tay mà chờ thời vận, ngày đêm chỉ trau dồi thi phú, ôn thuần sử kinh mà thôi.

Vợ chồng quan Ngự sử thấy nàng có đủ công, ngôn, dung, hạnh mà văn học lại thêm có tài nữa, nên tưng tiu như ngọc như ngà, nhứt là Ngô phu nhơn đêm ngày chẳng muốn rời nàng, bà thương yêu chẳng khác nào như con của bà đẻ.

Nuôi Lệ Bích trót 2 năm trường, quan Ngự sử vì chưa thấy nơi nào xứng đáng nên ông chưa tính sự gả nàng lấy chồng. Ông qua Thái Nguyên thăm ông Huỳnh Như Hào, thình lình ông gặp Thanh Tòng, ông nghe nói chàng văn võ toàn tài, ông thấy chàng tướng mạo khôi ngô, mà lại ông nghi chàng là con quan Thân Tướng quốc nữa, ông nghĩ trai nầy rất xứng đôi với gái nọ, bởi vậy ông liền tính chuyện làm sui. Khi về đến nhà, ông thừa lúc đêm khuya canh vắng, ông mới thuật chuyện ông hứa gả con cho con quan Chánh sứ Thái Nguyên lại cho bà nghe và ông khuyên bà sửa soạn cho sẵn sàng đặng tới ngày cho hai họ giao bôi hiệp cẩn.

Ngô phu nhơn nghe nói thì chưng hửng. Bà ngó ông mà trách rằng:

- Sao ông gả con, ông không nói trước cho tôi hay?

- Con nó đã lớn rồi; tôi thấy chỗ xứng đáng thì tôi gả rồi về sẽ nói lại với bà, chớ đường sá xa xôi, phải trở về hỏi bà rồi mới trở qua mà gả thì thất công quá.

- Tôi có một mình nó, tôi cưng nó lắm, tôi không chịu gả.

- Bà không chịu sao được, tôi hẹn ngày lỡ rồi, bữa đó họ qua làm lễ hiệp cẩn đa.

- Ông hứa với họ, ông làm sao đó ông làm, tôi không biết. Tôi không chịu gả.

- Bà đừng có nói như vậy. Ai có con lại không thương song có con gái hễ nó khôn lớn thì phải lo đôi bạn cho nó. Tôi gả chỗ nầy xứng đáng lắm. Ðể chàng rể qua đây rồi bà coi. Tôi cũng biết vợ chồng mình không có con, nhờ nuôi con Hồng Hạnh mấy năm nay, nó hủ hỉ với bà, nên bà hết buồn rầu, bởi vậy tôi gả mà tôi có giao bắt rể. Hễ cưới rồi thì vợ chỏng nó ở bên nây 6 tháng rồi về bển ở 6 tháng. Vì quan Chánh sứ có một đứa trai đó mà thôi, ổng cũng cưng nó lắm; tôi muốn bắt luôn nó bên nây, mà thấy ổng nói quá nên tôi mới chịu thay phiên như vậy.

- Ông có gả thì ông bắt ai ông thế vô đó tự ý ông, chớ tôi nói thiệt con của tôi, tôi không chịu gả.

- Con của tôi kiếm đem về đó, chớ phải con của bà kiếm hay sao mà bà nói con của bà?

- Con của ông kiếm, mà công của tôi nuôi, thì là con của tôi.

- Bà nói ngang ngược quá! Nếu bà không thuận, rồi bữa đó người ta đem lễ vật qua nghinh hôn, tôi mới nói làm sao với người ta?

- Ông nói tôi không chịu gả, hoặc là con mà nó không ưng, thì họ về chớ gì.?

- Sao được. Thôi bà đừng có cãi. Bà kêu con Hồng Hạnh ra đây đặng tôi nói cho nó hay rồi tôi hỏi thử nó coi, tôi gả đó phải hay là bà cản đó phải.

- Không được. Nó sợ ông, tự nhiên nó nghe theo lời ông chớ gì... Nầy, mà như ông hỏi nó rồi nó nói nó chưa muốn lấy chồng thì ông đừng gả nghe hôn?

- Không gả sao được. Bà cứ biểu thể nữ đòi nó ra đây mà.

Ngô phu nhơn kêu thể nữ mà dạy mời tiểu thơ. Lệ Bích đương chong đèn ngồi xem sách, bỗng nghe có lịnh cha mẹ đòi, nàng bèn sửa áo cài trâm mà đi ra, sau lưng có Xuân Lan theo hầu. Nàng bước tới làm lễ quan Ngự sử và phu nhơn rồi khép nép đứng một bên. Quan Ngự sử chưa kịp nói thì phu nhơn đã hớt mà nói rằng: Cha con tính gả con lấy chồng, con đừng có chịu nghe con. Quan Ngự sử trợn mắt ngó bà mà quở rằng: Bà đừng có lộn xộn để cho tôi phân phải quấy cho con nó nghe chớ

Ông day qua nói với Lệ Bích rằng Cha chơi bên Thái Nguyên, cha thấy con trai của quan Chánh sứ Huỳnh Như Hào, tưổi chàng vừa mới 20 mà văn võ toàn tài, kinh luân gồm đủ, rõ ràng là một đứng thanh niên hào kiệt. Cha nhắm coi thiệt là xứng tài vừa lứa với con lắm, nên cha đã hứa làm sui với quan Chánh sứ Hùynh Như Hào rồi hẹn trong năm ba bữa nữa đây sẽ cho làm lễ nghinh hôn. Mẹ con vì thương con nên nãy giờ mẹ con gàn trở không chịu gả. Cha khuyên con hãy nghe lời cha, vì con đã lớn rồi, mà chỗ nầy thiệt là xứng đáng lắm, vậy con hãy sửa soạn lo bề xuất giá.

Nàng Lệ Bích ở đây nàng tưởng đã an thân rồi, trong hai năm nay nàng chẳng hề để ý đến sự cha mẹ nuôi sẽ gả nàng lấy chồng, bởi vậy nàng nghe quan Ngự sử nói tới việc ấy thì nàng biến sắc tán loạn tâm thần rồi té xỉu, bất tỉnh nhơn sự. Ngô phu nhơn kinh khủng, hối thể nữ xúm lại khiêng Lệ Bích vào phòng. Bà ôm nàng mà than khóc om sòm, bà trách ông sao bày chuyện mà hại con bà, bà đau lòng rối trí nên bà nói vấy vá làm cho ông lính quýnh không biết liệu làm sao cho yên việc.

Lệ Bích tỉnh lại, nhưng mà nàng cứ nằm thiêm thiếp không nóí tiếng chi hết, mà chừng nàng nói thì là nói bậy, nói bạ, trông ra như tuồng đã mất trí khôn rồi vậy.

Vợ chồng quan Ngự sử đều lo sợ, rước thầy hốt thuốc lăng xăng, ông đổ tội cho bà, bà đổ tội cho ông, vì sự nầy mà trong nhà mất niềm hòa thuận.

Thể nữ đứa nào cũng đều buồn rầu, nhưng mà trong bọn ấy duy có một mình Xuân Lan cứ ràng một bên mà săn sóc, chẳng chút nào chịu rời chủ mà đi ra ngoài.

Qua ngày sau, nhơn lúc quan Ngự sử và phu ăn cơm, trong phòng chỉ có một mình Xuân Lan mà thôi, Lệ Bích bèn kêu Xuân Lan lại gần mà nói nhỏ rằng: Cô muốn thoát nạn, nên cô giả cuồng trí, chớ thiệt cô không có bịnh chi hết. Con phải lập thế đặng đêm nay cô thoát thân!“

Xuân Lan hiểu ý thì nó vững bụng, nên lật đật đáp rằng: Vậy thì Công nương cứ việc giả điên. Trong đêm nay đợi trong nhà ngủ hết rồi con sẽ lén mở cửa mà dắt công nương đi.

Ngô phu nhơn vì thương Lệ Bích mà lại lo sợ nữa, nên bà không chịu rời nàng. Ðêm ấy bà biểu thể nữ nhắc giường đem để trong phòng đặng cho bà ngủ mà thăm chừng con. Mà nằm trong phòng thì bà cứ thức sáng đêm, dường như bà canh nàng, làm cho nàng không thể thoát thân được.

Còn một bữa nữa thì tới ngày nghinh hôn. Quan Ngự sử thấy Lệ Bích còn đau hoài thì ông lấy làm bối rối, không biết liệu lẽ nào. Ông cho mời bà ra ngoài mà bàn tính. Bà khuyên ông hãy lấy cớ con đau mà xin hồi hôn. Ông đã tiếc tài chàng rể, mà ông lại sợ mích lòng ông sui, nên ông không chịu, ông tính xin đính hôn mà thôi đợi, chừng nào con mạnh rồi ông sẽ cho hay mà làm lễ cưới. Bà nghĩ đình lại rồi sau cũng phải cho cưới, nên bà không chịu, cứ nài phải bãi sự hôn nhơn mà thôi.

Vợ chồng cãi lẽ với nhau cho tới tối rồi bà muốn cho vừa ý bà, nên bà bày cho ông cái chước trá hôn. Bà khuyên ông hãy dùng Xuân Lan thay làm Hồng Hạnh mà gả, làm như vậy ông đã khỏi thất ước, mà cũng khỏi lìa con nữa.

Quan Ngự sử một là lo sợ nỗi con bịnh, hai là bối rối về nỗi vợ phiền, ông nghĩ cái chước của bà bày đó là vẹn toàn hơn hết, bởi vậy ông cho kêu Xuân Lan ra mà dạy rằng: „Nầy con, ông đã hứa gả tiểu thơ cho con quan Chánh sứ Thái Nguyên. Ngày mai nầy người ta qua làm lễ nghinh hôn. Rủi tiểu thơ nhuốm bịnh thình lình không thể nào cho cưới được; mà nếu không cho cưới thì ông thất ước với người ta. Ông bà muốn cho vẹn vẻ mọi bề, vậy ông bà cậy con hãy thuận tình thay thế cho tiểu thơ mà kết tóc trăm năm với con quan Chánh sứ. Con hãy lấy tên Hồng Hạnh mà xuất giá, con kêu ông bà bằng cha mẹ. Nếu con thuận tùng thì từ rày ông bà đãi con theo bực tiểu thơ. Con hãy hết lòng mà giúp ông bà một phen nầy, cái nghĩa ấy ông bà chẳng hề quên đâu“.

Xuân Lan chưng hửng, chưa kịp trả lời, thì phu nhơn bước lại nắm tay mà nói rằng: „Con vô đây cho bà sửa soạn thay đổi áo quần cho. Tại duyên nợ của con như vậy, nên trời mới khiến như vậy. Phu nhơn và nói và kéo Xuân Lan đi. Xuân Lan ngơ ngẩn, cứ đi theo bà không kiếm được lời chi mà từ chối.

Ðêm ấy phu nhân lo dọn phòng đặng qua bữa sau làm lễ giao bôi. Bà sửa soạn trang điểm cho Xuân Lan và dạy dỗ mọi bề đặng cho sự trá hôn khỏi dấy lậu.

Phu nhơn lại tưởng Lệ Bích thiệt cuồng trí loạn tâm, sợ để nàng ở trong nhà lậu sự, bà mới dọn cái tịnh thất của ông cất riêng trong giữa vườn để khi nhàn hạ ông ra đó mà xem sách, rồi bà dời nàng ra đó mà nằm. Nàng hay sự trá hôn thì nàng không nói xàm nữa, nàng lại tỏ thiệt với bà rằng vì nàng sợ cưới chồng nên nàng sanh bịnh, bây giờ khỏi cái ciệc ấy rồi nàng vui mừng tự nhiên hết bịnh, xin bà chớ lo. Bà lấy làm mừng, bèn khuyên nàng dầu hết bịnh cũng ở lại tịnh thất, chớ đừng vô nhà mà lậu sự.

Qua ngày sau là ngày nghinh hôn, quan Chánh sứ Huỳnh Như Hào dắt Thanh Thòng qua tới, có Tô Hộ điếu đãi tùy tùng, lại có vài chục tên quân, khiêng lễ vật cầu hôn nữa.

Quan Ngự sử với Ngô phu nhơn ra tiếp rước. Phu nhơn xem thấy Thanh Tòng diện mạo khôi ngộ thì bà khen thầm, bà liếc ngó loài, thiệt là xứng tài sắc với Lệ Bích lắm.

Ông dạy bà cho đòi tiểu thơ ra đặng cho hai trẻ làm lễ từ đường rồi có động phòng hoa chúc. Vả Xuân Lan với Thanh Tòng thuở nay đã gặp mặt nhau nhiều lần, Xuân Lan hễ ngó thấy Thanh Tòng thì biết liền, duy có Thanh Tòng vô ý nên không biết Xuân Lan được. Xuân Lan nghe lịnh thì bước ra làm lễ hai họ. Nàng vùa liếc ngó chàng rể thì nàng biến sắc, nên ngơ ngẩn trong lòng, không hiểu Thanh Tòng ở đâu mà lọt vào đây. Còn Thanh Tòng có ý trông cho thấy mặt nàng dâu đặng coi có phải Lệ Bích hay không, chừng chàng thấy không phải, thì chàng thất vọng, nên trong lòng bối rối, ngoài mặt buồn hiu, lúc ấy trong trí chỉ tính kế thoát thân mà thôi, chớ không tính vợ chồng chi hết.

Chàng rể bối rối, nàng dâu ngẩn ngơ, nhưng mà phải gắng gượng kề vai với nhau mà làm lễ từ đường rồi dắt nhau vào phòng đặng làm lễ giao bôi hiệp cẩn.

Khi vô phòng rồi thì Xuân Lan và khép cửa và hỏi rằng: Công tử vì cớ nào mà ngày nay lại làm con quan Chánh sứ Thái Nguyên? Tôi không dè công tử đành phụ công nương tôi mà đi cưới vợ như vậy.

Thanh Tòng nghe nói thì thất kinh, ngó Xuân Lan trân trân và hỏi rằng:

- Nàng là ai mà biết tôi?

- Công tử quên tôi hay sao?

- Tôi không biết nàng, thiệt tội lỗi quá. Xin nàng tỏ thiệt coi nàng là ai.

- Tôi là thể nữ của công nương Lệ Bích đây.

- Trời ơi! Té ra tôi nghi trúng rốt mà! Công nương ở đâu bây giờ?

- Công tủ còn hỏi tới làm chi? Ðã cưới tôi rồi! Bây giờ còn mặt mũi nào mà hỏi thăm công nương tôi nữa?

Thanh Tòng rơi lụy mà đáp rằng: Tâm sự của tôi dài lắm không thể nói cho hết được. Tôi vì công nương mà phải ra nông nỗi nầy. Tôi xem tập thi của quan Ngự sử trao, tôi chắc là công nương nên tôi mới đi cưới đây. Vậy công nương ở đâu xin nàng mau mau cho tôi biết đặng tôi tới đó mà tỏ hết tâm sự của tôi cho công nương nghe.

Xuân Lan liếc mắt ngó Thanh Tòng và chúm chím cười mà đáp rằng: “Công nương bây giờ ở tại nhà đây, vì muốn thủ ước với công tử nên giả cuồng trí, rồi ông bà mới dạy tôi trá luôn. Việc nầy chẳng nên lậu ra cho người ngoài biết. Công tư giả động phòng hoa chúc với tôi như thường. Ðể tôi tỏ lại cho công nương tôi hay rồi như công nương tôi muốn gặp mặt công tử thì tôi sẽ lập thế cho mà gặp nhau”.

Thanh tòng nghe nói như vậy thì mừng rỡ tạ ơn Xuân Lan lăng xăng.

Hai người ở trong phòng một hồi lâu cho người ta tưởng đã làm lễ giao bôi rồi, chừng ấy Xuân Lan mới bước ra mà đi đến tịnh thất đặng thông tin cho Lệ Bích hay. Lệ Bích đương nằm một mình trong tịnh thất mà suy nghĩ cuộc đời. Thình lình Xuân Lan xô cửa chạy vô hơ hải nói rằng: Công nương ôi! Kỳ lắm!. Lệ Bích tưởng có việc nguy biến nào nữa, nên lồm cồm chỗi dậy và hỏi rằng:

- Việc gì mà kỳ?

- Tân lang đó là Thân công tử.

- Hả! Thân công tử nào? Con nói cái gì vậy?

- Thân Thanh Tòng chớ Thân công tử nào.

- Húy! Thân công tử sao lại đến đây? Con coi chắc hay không?

- Công tử đã vào làm lễ động phòng hoa chúc với con, đã có nói chuyện với con, còn không chắc gì nữa.

- Công tử làm lễ động phòng với con hay sao?

Xuân Lan mắc cỡ nên cúi mặt ngó xông đất rồi mới đáp rằng:

- Phải làm đỡ cho người trong nhà khỏi nghi chớ.

Lệ Bích lặng thinh ngồi ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi thở ra mà hỏi tiếp rằng:

- Tại sao mà Thân công tử lại đi cưới vợ đây?

- Thưa con không hiểu. Ðể con thuật việc con gặp công tử cho công nương nghe. Khi con bước ra làm lễ từ đường, con thấy Thân công tử thì con chưng hửng. Công tử ngó con rồi coi bộ buồn hiu. Công tử không biết con. Khi kề vai vào phòng làm lễ hiệp cẩn, con khép cửa lại rồi con hỏi rằng: “Thân công tử sao lại làm con quan Chánh sứ mà đi cưới vợ đây? Thân công tử đành Phụ công nương hay sao? Thân công tử biến sắc, day ngó con trân trân và hỏi con là ai. Con giận người bạc tình, nên con nói thiệt. Công tử mừng quýnh, hối con dắt đến cho gặp mặt công nương. Con nói không được để con thưa lại cho công nương hay trước đã.

- Mà Thân công tử có nói với con tại làm sao mà đi đến xứ nầy cưới vợ hay không?

- Con hỏi thì Thân công tử nói rằng công chuyện dài lắm, để giáp mặt công nương rồi sẽ tỏ hết cho công nương nghe.

- Người đã phụ ta mà đi cưới vợ, bây giờ còn gặp ta làm chi nữa?

- Công tử có nói tại thấy tập thi nào đó, đoán chắc công nương ở đây, nên mới đi cưới vợ đó.

- Tưởng là cưới ta, té ra cưới nhằm thể nữ của ta! Ðáng dữ.

Lệ Bích và nói câu chót đó và cười ngất. Xuân Lan hỏi nàng vậy chớ muốn chừng nào cho công tử gặp, đặng có sắp đặt. Lệ Bích ngẫm nghĩ một hồi rồi nói: Ta nghĩ giáp mặt công tử, ta càng thêm giận chớ không ích gì. Mà cũng nên gặp đặng ta kể cái thói bội bạc của chàng cho chàng hổ thẹn chơi, vậy con hãy liệu coi có thể dắt chàng đến đây mà người ta không thấy được, thì con lén mời chàng ra đây. Con phải cẩn thận đa nghé“.

Xuân Lan vưng lời và dặn Lệ Bích phải đi vô đi ra cho Ngô phu nhơn tin hết bịnh, bà không thăm chừng nữa, đặng nàng nhơn lúc đêm vắng mà dắt Thanh Tòng ra tịnh thất. Chủ tớ sắp đặt xong rồi, Lệ Bích mới dạy Xuân Lan rằng: Thôi con vào nhà đi, kẻo ở lâu tân lang trông...“ Lệ Bích và nói và cười, làm cho Xuân Lan thẹn thùa, cúi đầu bước ra cửa mà không dám ngó nàng.

Ðến chiều Ngô phu nhơn ra tịnh thất thăm Lệ Bích, thấy nàng mặt mày hớn hở, ăn nói vui cười, thì bà hết lo nữa. Bà ở chơi với con cho đến tối mò, bà mới trở vô nhà, mà khi vô rồi bà lại sai hai con thị tỳ ra ngủ đặng hầu hạ săn sóc lệ Bích.

Hết canh một, nơi hướng đông mặt trăng mọc lên một vừng đỏ lòm, dọi cây cỏ sáng lòa. Mấy đám bông trồng chung quanh tịnh thất lấp ló khoe màu, rồi nhờ ngọn gió lao rao đưa mùi thơm bát ngát. Ngọn cây day qua oặt lại, nhành cây oằn xuống ngóc lên, làm cho yến sáng bóng trăng dọi mấy cái đường nhỏ trong vườn chạy tới chạy lui, coi lao xao trên mặt đất. Ngoài vườn im lìm, trong nhà lặng lẽ, duy có bóng trăng vằng vặc, lá khua lào xào, tiếng dế rầm rì, với cánh chim sập sận mà thôi.

Lệ Bích thấy hai con thị tỳ buồn ngủ, nàng bèn bãi hầu cho chúng nó và dạy chúng nó lén vào nhà sau mà nghỉ. Nàng chong đèn ngồi một mình trong tịnh thất, mắt thì ngó ngọn đèn, mà trí tưởng tượng việc ở đâu. Hễ nàng nghe rục rịch trước thềm, thì nàng tưởng Thanh Tòng đến, nên lật đật dòm ra cửa, hễ dòm không thấy ai, thì nàng châu mày, coi sắc mặt không vui.

Nàng chờ lâu chừng nào thì trong lòng càng xốn xang khó chịu chừng nấy. Nàng ngồi không được nữa, nên lần bước lại cửa đứng ngó mông. Thình lình nàng thấy dạng hai người đương núp theo bóng cây mà đi ra tịnh thất, nàng lật đật bước vô khép cửa lại rồi ngồi mà chờ.

Cách chẳng bao lâu, Xuân Lan hé cửa bước vô, ngó quanh quất thấy có một mình Lệ Bích, bèn nói rằng:,,Thưa công nương, con đã dắt Thân công tử ra tới rồi. Người còn đứng ngoài đây, chẳng biết công nương cho người vô hay chưa?

Lệ Bích gặc đầu, Xuân Lan bước ra vừa khỏi cửa, thì Thanh Tòng bước vô liền. Thanh Tòng ngó thấy Lệ Bích thì chàng té ngồi trên một cái ghế gằn đó, rồi hai tay ôm mặt mà khóc. Lệ Bích thấy vậy lấy làm chua xót trong lòng, song nàng gắng gượng lập nghiêm, nàng ngó chàng một cách rất vững vàng mà hỏi rằng: Thiếp với công tử là người thù. Công tử còn xin gặp mặt thiếp làm chi?

Thanh Tòng và khóc và đáp rằng:

- Xin công nương xét dùm lại mà dung tình cho tôi, chớ nếu công nương nghiêm khắc hoài thì tội nghiệp thân phận tôi lắm.

- Công tử có tình gì với thiếp đâu mà xin thiếp dung tình?

- Nếu tôi không có tình với công nương thì có đâu thân tôi đến nông nỗi nay.

- Công tử đã giết phụ thân của thiếp rồi bây giờ lại còn bội ước mà đi cưới vợ khác, làm như vậy đó sao công tử còn dám xưng là có tình? Công tử nói ra công tử không hổ thẹn hay sao?

- Tôi lỡ tay mà giết nhạc phụ, tội ấy tôi cam chịu, tôi không dám cãi. Khi ấy tôi xin công nương giết phứt tôi cho rồi, công nương không chịu giết, để cho tôi sống làm chi mà mấy năm nay tôi lao tâm khổ trí không biết dường nào mà kể cho xiết. Còn sự tôi cưới vợ đây là vì tôi quyết gặp công nương nên tôi mới mạo hiểm mà làm như vậy, chớ nào phải tôi phụ tình công nương mà thay tơ đổi tóc hay sao.

Lệ Bích thấy bộ chàng rất buồn thảm, lại nghe giọng chàng có vẻ thiệt tình, bởi vậy nàng bớt giận mà hỏi dịu ngọt rằng: Tại sao công tử biết thiếp ở đây mà đi cưới? Mà tại sao công tử lại làm con quan Chánh sứ Thái Nguyên?

Thanh Tòng lau nước mắt rồi thủng thẳng kể hết tâm sự của chàng cho Lệ Bích nghe. Chàng nói rằng khi chàng thắng trận hồi trào vua xả tội tử hình, phong cho chàng làm chức Kinh sư Ðô Tổng binh và hạ chỉ cho chàng phối hiệp với nàng. Vua hay nàng đã bôn đào, vua phát nộ, nên nhứt định gả Công chúa Như Hoa cho chàng. Chàng vì cựu ước nên quyết từ hôn. Quan tướng quốc sợ chàng mắc tội khi quân, mới tâu mà xin đình lại một năm đặng cho chàng tìm kiếm nàng, ví như mãn hạn rồi mà tìm không được thì sẽ thành hôn với Công chúa. Trót một năm trường chàng sai người rảo khắp phương mà tìm không ra mối. Quan Tướng quốc sợ chàng phạm tội khi quân nên mãn hạn rồi ông khuyên chàng phải ưng Công chúa. Vì chàng đã nặng lời thệ ước với nàng, chàng không thể dứt tình phụ nghĩa cho được, bởi vậy chàng tâu với vua xin thêm một năm nữa mà tìm nàng. Vua nghe lời sàm tấu, bèn bắt tội chàng khi quân, rồi thâu chức Ðô tổng binh lại. Quan Tướng quốc đương ngọa bịnh, ông hay việc ấy, ông hờn chàng không vưng lời ông, nên bịnh phát làm xung mà tạ thế. Chàng chưa kịp chôn cha thì lại có chiếu vua bắt tội chàng bất trung bất hiếu mà đày chàng lên Cao Bằng; chàng phải cam tâm ngó linh cữu của cha mà rơi lụy rồi đưa tay cho quân trói dắt đi. Ðinh Long với Ðinh Hổ nóng lòng chạy theo, lên tới Bắc Giang gặp nhau, hai tướng khuyên chàng phản nghịch, chàng không chịu; hai tướng bèn dắt hết quân sĩ lên núi trú ngụ, còn chàng với Tô Hộ thì quyết lên Cao Bằng mà thọ hình. Ði dọc đường chàng nhớ quan Thái úy tổ quán ở Thái Nguyên chàng nghi nàng ẩn tích nơi đó nên chàng cải tên là Võ Sơn Tòng đặng qua Thái Nguyên mà tìm nàng.

Qua đến đó chàng giết cường khấu mà giải nguy cho quan Chánh sứ. Quan Chánh sứ thương tài nên bắt chàng ở làm con nuôi. Chàng tìm nàng không được thì thất chí, vừa muốn trốn lên Cao Bằng thọ tội, kế quan Ngự sử qua chơi, ông thấy chàng ông mới tính chuyện làm sui với quan Chánh sứ. Khi quan Ngự sử về rồi quan Chánh sứ tỏ việc ông đã hứa hôn cho chàng hay, lại trao tập thi của nàng cho chàng xem thử. Chàng bối rối không thèm xem thi, chỉ lo thoát thân mà thôi. Chàng ngồi viết thơ để lại đặng đêm ấy trốn đi, may nhờ ngọn gió lật tập thi ra, chàng ngó thấy tuồng chữ, trong lòng sanh nghi. Chàng hỏi gạn lại mới hay người làm thi đó là con nuôi chớ không phải con ruột quan Ngự sử. Chàng đoán chắc là nàng, nên không tính trốn nữa, thầm tính rằng nếu qua cưới mà không phải nàng thì lúc động phòng chàng sẽ tỏ rõ thiệt tâm sự cho nàng dâu biết, rồi xin để cho chàng thoát thân, hoặc đi tìm nàng nữa, hoặc lên Cao Bằng thọ tội.

Lúc Thanh Tòng thuật chuyện thì Lệ Bích ngồi chăm chỉ mà nghe, nàng hay chàng từ hôn mà phải bị tội, thì nàng cảm tình, nên rơi nước mắt. Chàng thuật xong rồi, chàng thấy nàng ngồi im lìm mà sắc mặt buồn hiu thì chàng thở ra mà nói rằng: Công nương nghĩ lại đó mà coi nào tôi có dám phụ công nương bao giờ đâu; nếu mà tôi phụ công nương, thì năm trước tôi đã ưng Công chúa Như Hoa rồi, chớ có lẽ nào tôi từ hôn Công chúa cho đến nỗi bị tội rồi bây giờ lại chịu cưới vợ khác. Còn công nương vì sao mà lại vào làm con quan Ngự sử đây, xin công nương phân cho tôi biết với?“

Lệ Bích bèn thì thầm nói cho chàng rõ vì sao mà nàng dắt Xuân Lan đi trốn, lên tới Hưng Hóa gặp quan Ngự sử đem về thế nào, nàng thuật rõ đầu đuôi không sót chỗ nào hết.

Nàng thuật chuyện của nàng rồi thì nàng ngó chàng và cười và nói rằng:

- Tại thiếp ơ hờ, thiếp làm thi đó, nên công tử mới biết được. Nếu không có tập thi, thì có đâu gặp nhau nữa.

- Ấy cũng là tại ý trời khiến như vậy. Xin công nương quên cái hờn cũ đặng sum hiệp với nhau.

Lệ Bích đương vui, mà nghe chàng xin quên hờn cũ đặng sum hiệp, thì nàng châu mày ủ mặt ngồi ngẫm nghĩ một hỏi rồi nói rằng: Ðã biết lời thệ ước thì nặng nề, mà chữ phụ thù càng nặng nhiều hơn nữa. Thiếp làm sao mà kết duyên cùng công tử cho được. Thiếp xin công tử như còn tưởng tình thiếp thì cho phép thiếp mượn Xuân Lan thay mặt cho thiếp mà lo bề sửa trấp nưng khăn, được như vậy thì thiếp đã khỏi lỗi với chén thề, mà cũng khỏi lỗi cùng thân phụ chớ công tử muốn sum hiệp cùng thiếp thì sum hiệp sao được.

Lệ Bích tỏ mấy lời can phế thì nước mắt tuôn dầm dề. Thanh Tòng vừa thấy sắc mặt, vừa nghe giọng nói, thì chàng hiểu nàng đau đớn về niềm cha con, bởi vậy chàng đứng dậy đấm ngực mà nói răng: Ðôi ta chết với nhau một lượt thì mới dứt cái khổ não được! Trời ôi! Ðã sanh tài sắc, sao lại nỡ khiến chi cho cái cảnh thê thảm như vậy!“

Chàng nói vừa dứt lời, thì ngoài vườn giông gió phát lên nghe ồ ồ, mặt trăng đương tỏ rạng bỗng mây giăng ngang, cây cỏ tối mò, lại sấm sét nổi lên tiếng gầm tiếng nổ nghe rền tai. Ngọn đèn chong để trên bàn bị gió thổi nên cũng tắt mất. Lệ Bích kinh hãi, lật đật đứng dậy. Lúc ấy một tiếng nổ cái rầm ngay trên nóc nhà rồi lại yến chớp xẹt một đường ngay vào cửa. Thình lình nghe có tiếng nói lớn như vầy: Hai con, cha là Thái úy Lê Niệm đây. Năm trước tại số mạng của cha tới chừng đó mà dứt, nên cha phải chết, chớ không phải Thanh Tòng cố ý giết cha. Vậy Lệ Bích chẳng nên vì cha mà rã rời tơ tóc. Hai con phải thuận với nhau đặng lo mưu phò vua giúp nước cho mau. Triều đình đã loạn rồi, phải toan trở về kinh mà cứu hiền trừ nịnh đặng khuôn phò xã tắc Hai con phải vưng lời cha.

Thanh Tòng với Lệ Bích nghe rõ ràng là tiếng của quan Thái úy, bởi vậy cả hai đều thất sắc kinh tâm, nắm tay nhau đứng trân trân, không nói được một tiếng.

Sấm êm, gió dịu, trăng sáng, trời trong, Thanh Tòng với Lệ Bích định tĩnh lại rồi kề vai quỳ xuống và lạy và nói rằng: „Hai con xin vưng lời cha dạy. Mong linh hồn cha theo ủng hộ hai con, đặng hai con cứu nước phò vua cho toàn danh nghĩa.

Hai người còn đương quỳ, bỗng đâu Xuân Lan chạy ào vô hơ hãi kêu rằng: Công tử, công nương ôi? Nguy lắm! Hai ông hiểu hết công chuyện rồi. Vậy công tử hãy ra cho mau.

Thanh Tòng với Lệ Bích đứng dậy bước ra thì thấy quan Chánh sứ, quan Ngự sử với Ngô Phu nhơn đã tới trước cửa rồi.

CHƯƠNG 13 -

X

uân Lan đưa Thanh Tòng ra đến tịnh thất rồi thì nàng lật đật trở về phòng đặng nghe động tịnh. Trong nhà ngủ hết, sau trước im lìm. Nàng tính nằm đợi đến khuya rồi sẽ ra rước Thanh Tòng về cho khỏi lậu sự.

Nàng đương suy nghĩ không biết bây giờ Thanh Tòng với Lệ Bích xử trí ra sao. Lệ Bích chịu dẹp bỏ phụ thù, mà sánh duyên cùng Thanh Tòng theo như lời ước hẹn hay là còn kháng cự nữa? Ví như chịu sánh duyên, bây giờ mới dụng chước nào mà ra mặt cho được? Còn như kháng cự nữa, thì Thanh Tòng làm sao? Xuân Lan còn nghĩ tới xét lui mấy điều đó, thình lình nghe có tiếng người kêu cửa phía trước. Nàng lén bước ra lóng tai nghe coi có việc chi. Quan Ngự sử với quan Chánh sứ đều thức dậy mở cửa, rồi có một người râu ria xồm xoàm, mặc đồ võ phục, ở ngoài bước vô đưa một bức thơ cho quan Chánh sứ mà nói rằng: Bẩm thượng quan, có một cái tin cần yếu lắm nên phu nhơn sai tôi cỡi ngựa đi riết qua đây mà trình cho thượng quan xem.

Quan Chánh sứ đem lại đèn mà coi. Ông đọc riết rồi ông trao cho quan Ngự sử mà nói rằng: Triều đình nguy rồi! Thánh thượng thăng hà; nịnh thần phản loạn, bắt Ðông cung mà hạ ngục. Quan Thủ ngự Kinh lược sứ Lạng Sơn kéo binh về bình loạn, đánh không lại tướng của Trịnh Công Lộ, bị giặc vây tại Bắc Giang, nên rải tờ Hịch khuyên các đạo ra binh cứu viện.

Quan Ngự sử và nghe và xem thơ, ông chắc lưỡi lắc đầu mà kêu trời rồi hỏi rằng:

- Bây giờ ông phải tính làm sao mà giải vây cho ông Lê Thọ Vực rồi kéo binh về trào mà trừ lũ nịnh đặng tôn Thái tử lên ngôi, chớ không lẽ ngồi khoanh tay mà ngó.

- Tôi già yếu, mà dở về sự dụng binh nữa. Tôi lo sao cho kham.

- Trong đạo góp binh hết thảy được chừng bao nhiêu?

- Gom góp hết thảy được chừng năm trăm.

Quan Ngự sử đứng ngẫm nghĩ giây lâu rồi ông nói rằng:

- Ông có nói với tôi rằng Sơn Tòng võ nghệ siêu quần, ngày trước chàng giết đầu đảng lâu la lẹ như nháy mắt. Vậy thì sai chàng cầm binh đi cứu ông Lê Thọ Vực, được hay không?

- Con của tôi còn nhỏ tuổi quá: tuy nó giỏi, song tôi sợ cầm binh xuất trận không lại người ta.

- Không, ông đừng lo. Sơn Tòng tuy trẻ tuổi, nhưng mà tôi xem tướng mạo không phải tầm thường đâu. Ông để tôi kêu chàng ra đây tôi tính với chàng. Thế nào cũng phải lo cứu chúa an dân, chớ không lẽ ngồi ngó cho được.

- Ông liệu thế nào tôi cũng nghe theo hết thảy. Ông tính đi.

Quan Ngự sử sai gia đinh mời phu nhơn ra cho ông dạy việc. Phu nhơn vừa tới thì ông liền dạy trở vào phòng kêu tân lang Sơn Tòng. Xuân Lan nghe biểu kêu Sơn Tòng thì nàng thất kinh. Nàng mở cửa thì ngoài vườn gió giông ồ ồ, trên trời sấm sét vang nổ. Nàng kinh khủng không dám bước ra, nên cứ lính quýnh tại cửa đó hoài. Ngô phu nhơn vô phòng, thấy phòng trống trơn, không có Thanh Tòng mà cũng không có Xuân Lan, bà lấy làm kỳ, bèn đi thẳng vào nhà sau kiếm thị tỳ mà hỏi. Bà đi tới cửa ra vườn, bà thấy Xuân Lan đứng đó, bà kêu mà hỏi rằng: Con làm gì mà đứng đây? Còn tân lang con đi đâu mất rồi?.

Xuân Lan thấy việc mình giấu muốn bại lộ rồi, nàng sợ Thanh Tòng với Lệ Bích mang tiếng bởi vậy nàng bối rối trong trí, cứ đứng ú ớ, nói không ra lời. Phu nhơn thấy bộ nàng như vậy thì bà nghi, nên bà nắm tay dắt nàng đi thẳng ra tiền đường.

Quan Ngự sử dạy kêu Thanh Tòng, mà phu nhơn lại dắt Xuân Lan ra, ông thấy vậy thì thấy làm kỳ nên hỏi rằng: Tôi dạy kêu tân lang kìa. Vậy chớ tân lang đâu? Phu nhơn đáp rằng: Không có tân lang trong phòng. Quan Ngự sử bèn hỏi Xuân Lan vậy chớ Thanh Tòng đi đâu. Ban đầu Xuân Lan nói không biết. Ông hỏi riết nàng phải quỳ mà thưa thiệt mọi việc, không giấu giếm chút nào nữa hết.

Quan Chánh sứ, quan Ngự sử và phu nhơn nghe rõ rồi thì nhìn nhau chung hửng. Quan Ngự sử cười và nói với với quan chánh sứ rằng: Té ra bấy lâu nay tôi với ông trữ vàng ngọc trong nhà mà không hay. Thiệt may cho mình mà cũng may cho nước lắm. Nếu thiệt quả là Thanh Tòng thì có lo gì dẹp loạn trừ gian không đặng. Vậy chúng ta phải ra tịnh thất mà báo tin cho công tử Thanh Tòng hay liền bây giờ đây. Xuân Lan, con hãy mở cửa cho ông đi.

Tại duyên cớ như vậy, nên Xuân Lan mới dắt quan Chánh sứ, quan Ngự sử và Ngô phu nhơn ra tịnh thất, gặp Thanh Tòng với Lệ Bích đương kề vai quỳ lạy, nàng hơ hải mà kêu đó. Thanh Tòng với Lệ Bích khép nép đứng dựa cửa, trong lòng không an.

Hai ông bước lại nói một lượt rằng: “Chào công tử với công nương. Ấy cũng là nhờ ý trời định, nên công tử với công nương được sum hiệp như vầy, mà sum hiệp nhằm lúc quốc gia hữu sự thì thiệt là may mắn. Thành Tòng vừa muốn mở miệng mà tạ tội, thì quan Ngự sử khoát tay mà nói rằng: Nhờ con Xuân Lan nó thuật rõ công chuyện, nên chúng tôi đã hiểu tâm sự của công tử với công nương rồi. Công tử chẳng cần phải nói nữa làm chi.

Thanh Tòng với Lệ Bích day lại ngó Xuân Lan trong trí thầm trách sao đi tỏ thiệt làm chi vậy.

Quan Ngự sử thấy vậy thì ông cười và nói tiếp rằng: “Chúng tôi biết được công tử với công nương thì càng tốt chớ có hại chi mà công tử ái ngại. Chúng tôi tới đây chẳng phải chúng tôi trách công tử với công nương. Vì chúng tôi mới hay tin quốc gia nguy biến, nên lật đật đi kiếm công tử mà lo tính việc giải cứu. Vậy công tử với công nương hãy theo chúng tôi mà về nhà cho mau, rồi tôi sẽ tỏ việc lớn cho công tử nghe. Thôi đi, mời công tử với công nương đi. Việc gấp lắm. Tôi nóng lòng như lửa đốt.“

Thanh Tòng nghe quan Ngự sử nói quốc gia nguy biến, chàng nhớ tới lời quan Thái úy mách bảo hồi nãy, thì chàng giựt mình, nên lật đật đi theo hai ông mà nghe coi có việc chi. Ngô phu nhơn với Lệ Bích cũng tiếp đi theo sau.

Về tới thính đường, quan Chánh sứ trao tờ Hịch của ông Lê Thọ Vực cho Thanh Tòng và Lệ Bích xem, rồi quan Ngự sử hỏi rằng: Công tử bây giờ tính làm sao?

Thanh Tòng đứng dậy thưa rằng: Xã tắc khuynh nguy, phận con làm trai, tuy con bất tài, song cũng muốn đem thân ra mà nưng đỡ. Vậy con xin hai cha cho phép con đi bây giờ đây. Trước hết con phải qua Bắc Giang mà giải vây cho ông Lê Thọ Vực là ân nhơn của con, rồi con hiệp cùng ngài mà phá giặc. Hễ dẹp binh ở ngoài yên rồi thì thẳng về kinh đô, trong một trận ắt thành công.
Hai ông khen phải, và khuyên Thanh Tòng sửa soạn mà đi cho gấp. Lệ Bích bước ra xin đi với Thanh Tòng. Hai ông với Ngô phu nhơn đều cản, nói rằng nàng đi càng thêm bận cho chàng chớ không ích gì. Thanh Tòng cũng can rằng: “Tôi vẫn biết công nương tuy là phận gái nhưng có tài phá trận công thành, chớ chẳng phải như gái khác. Công nương nghe lũ nịnh phản loạn, muốn soán ngôi trời, công nương cũng nóng nảy, ngồi nhà không an. Ngặt vì đường xá xa xuôi, quân gia không có; thà để một mình tôi bay nhảy lo mưu lập thế, ứng biến thừa cơ, chớ công nương đi theo thì không tiện. Xin công nương an lòng ở lại đây, đừng có đi theo mà khó cho tôi, lại thêm làm lo cho hai cha mẹ nữa.
Lệ Bích nghe lời, không đòi đi nữa.
Quan Ngự sử tính để sáng ông sẽ qua dinh quan Chánh sứ Hưng Hóa mà mượn binh cho Thanh Tòng, có nhiều càng tốt, bằng có ít thì cho năm ba trăm cũng được. Quanh Chánh sứ cũng nhứt định sáng bữa sau ông đi riết về Thái Nguyên mà gom hết binh của ông rồi sai người dắt đón đường mà cấp cho Thanh Tòng, đặng chàng khỏi thất công trở qua Thái Nguyên.
Hai ông đương bàn soạn, Thành Tòng sực nhớ ngày nọ anh em Ðinh Long và Ðinh Hổ giận mình không cho theo, nên dắt nhau lên núi Ngưu Sơn, tính quy tựu anh hùng hào kiệt mà sanh sự. Chàng chắc anh em họ Ðinh còn ở tại đó. Chàng mới viết một bức thơ tỏ việc triều đình nguy biến cho Ðinh Long, Ðinh Hổ hay và xin hai anh em vui lòng đem binh tiếp ứng với chàng.
Bàn tính xong rồi trời đã hừng sáng. Quan Chánh sứ Huỳnh Như Hào từ biệt mà về Thái Nguyên và hẹn sẽ cho người dẫn binh ra đón tại Bạch Hổ Khê, đặng đón mà giao cho Thanh Tòng. Thanh Tòng sai Tô Hộ lãnh thơ đi xuống Bắc Giang tìm anh em họ Ðinh mà cậy xuất binh ứng tiếp.
Quan Ngự sử qua dinh quan Chánh sứ Hưng Hóa mà mượn binh. Ông vừa nói ra thì quan Chánh sứ liền tỏ rằng người cũng có tiếp được tờ Hịch của ông Lê Thọ Vực, người muốn ra sức dẹp loạn, ngặt vì binh quả thế cô nên người không biết làm sao được. Người nghe nói có công tử Thanh Tòng sẵn lòng cầm nghĩa binh đi dẹp loạn, thì người hết sức vui mừng, lật đật góp binh trong đạo được 500 đem qua cấp cho Thanh Tòng liền nội ngày ấy.
Thảnh Tòng được binh Hưng Hóa thì chàng rất đẹp ý vừa lòng. Chàng lo cụ bị khí giới, kiển điểm quân sĩ, đặng ngày sau khởi hành.
Gần đến giờ xuất binh, chàng mặc võ phục vào bái biệt quan Ngự sử và Ngô phu nhơn. Lệ Bích và Xuân Lan đứng một bên Ngô phu nhơn, Thanh Tòng ngó Lệ Bích mà nói rằng: Xin công nương an lòng ở lại đây ít ngày. Tôi thề quyết sẽ trải mật phơi gan mà phò vua giúp nước. Có lâu lắm là vài ba tháng, tôi sẽ trở lên đây, trước là rước cha mẹ sau là rước công nương.
Xuân Lan đứng ngó Thanh Tòng mà chàng không ngó tới, nên mặt nàng buồn xo!
Lệ Bích ứa nước mắt mà nói rằng: Mạng vận của Lê triều, thiếp xin gởi cho công tử. Vậy xin công tử hãy gắng lấy. Phận thiếp chẳng sá gì. Thiếp chỉ cầu chúc cho công tử ra đi đây được chữ công thành danh toại.
Thanh Tòng từ biệt lui ra, rồi leo lên ngựa dẫn binh đi.
Quan Ngự sử, phu nhơn, Lệ Bích, Xuân Lan đứng dựa cửa ngó theo, thấy chàng diện mạo khôi ngô, oai phong lẫm liệt, thì ai cũng khen thầm. Quan Ngự sử thở ra mà nói rằng: Tướng đó không thể nào không có tài.
Lệ Bích nghe ông khen như vậy, nàng mới nói rằng: „Con không sợ thiếu tài, con chỉ lo ít binh mà thôi.
CHƯƠNG 14 -
Ðây tưởng phải thuật sơ việc biến loạn xảy ra tại triều, thì độc giả mới hiểu tại làm sao mà có tờ Hịch của quan Thủ ngự Kinh lược sứ Lạng Sơn gởi cho các đạo.
Số là ông Thân Nhơn Trung cầm quyền Tướng quốc, ông lấy nhơn nghĩa chánh trực mà chế trị bá quan, bởi vậy ở tại triều những đứng trung thần như ông Ðỗ Nhuận, ông Lê Thọ Vực tận tâm khâm phục đã đành, thậm chí mấy mặt sàm nịnh như Trịnh Công Lộ cũng phải kiêng nể, không dám rục rịch. Ðến khi ông thọ bịnh, không dự vào việc triều chánh nữa được, Trịnh Công Lộ lần lần chuyên quyền, rồi toan ám hại mấy đứng hiền lương, toan kết phe với kẻ gian ác.
Trịnh Công Lộ dòm thấy trong hàng đại thần, ông Ðỗ Nhuận với ông Lê Lộng đã chết rồi, ông Lê Ðình Ngạn với ông Lê Nhơn Hiếu thì suy nhược, duy còn có một mình ông Lê Thọ Vực là rường cột của nhà vua mà thôi. Anh ta muốn ám hại ông Lê Thọ Vực, nên nhơn dịp có tin binh Trung Nguyên rục rịch muốn xâm lấn biên cương, bèn tâu với vua xin phong cho ông Lê Thọ Vực làm chức Thủ ngự Kinh lược sứ để trấn Lạng Sơn mà ngăn ngừa bắc địch. Vua Lê Thánh Tôn nhậm lời hạ chỉ sai ông Lê Thọ Vực đi.
Từ ấy quốc chánh đã trọn vào tay Trịnh Công Lộ.Tuy vậy mà anh ta cũng chưa mãn ý, nghĩ vì có quyền mà không có binh, thì cái quyền khó mà mạnh được. Anh ta nhơn dịp Thanh Tòng từ hôn công chúa, anh ta tâu vô tâu ra, làm cho vua phát nộ thâu chức Ðô Tổng binh của Thanh Tòng rồi dạy đày chàng lên Cao Bằng.
Từ ấy Trịnh Công Lộ hoành hành giữa triều, binh quyền một tay, muốn làm việc chi không ai dám ngăn trở hết thảy. Lê Ðắc Ninh với Trần Lăng là hai tướng ngày trước giúp Lạng Sơn Vương Nghi Dân mà thí vua Nhân Tông đặng soán ngôi. Khi vua Thánh Tôn tức vị ngài không nạp dụng, hai tướng ấy phải trở về quê quán.
Trịnh Công Lộ muốn cho có phe đảng nên sai người tìm Lê Ðắc Ninh và Trần Lăng mà rước về nuôi trong dinh để làm nha trão[1].
Qua năm Hồng Ðức thứ 28 (1497) vua Thánh Tôn băng hà. Triều đình đại hội tính tôn thái tử Tăng lên ngôi. Trịnh Công Lộ không thuận, tìm tỏ ý tôn Nghi Thoại, là trưởng tử của Nghi Dân. Nhưng đại thần là Lê Ðình Ngạn và Lê Nhơn Hiếu phản kháng, nói rằng Tăng đã lập làm Thái tử, triều đình không cho phép phế mà tôn người khác; Trịnh Công Lộ quyết không chịu, dạy bộ tướng Trần Lăng dẫn binh loạn cung bắt Thái tử Tăng giam vào ngục rồi truyền cho bá quan hay rằng nếu thuận để tôn Nghi Thoại, thì sẽ tha Thái tử Tăng còn nếu nghịch ý thì Thái tử Tăng sẽ bị giết.
Lê Ðình Nạn và Lê Nhơn Hiếu lấy làm bất bình, nhưng vì hai ông thấy Trịnh Công Lộ quyền thế mạnh, nha trão đông, hai ông không dám dụng binh mà xung đột mới bàn cùng nhau rồi lén sai người đem mật thơ ra Lạng Sơn mà khuyên ông Lê Thọ Vực mau mau đem binh về triều trừ tà phạt nịnh.
Ông Lê Thọ Vực được tin, lật đật kéo đại binh về kinh. Trịnh Công Lộ hay sự ấy, anh ta sợ Lê Thọ Vực về triều thì sanh biến, bèn sai Trần Lăng dẫn một muôn binh đi chận đường mà đánh. Lê Thọ Vực mới về tới Bắc Giang thì gặp binh Trần Lăng. Hai bên giao chiến! Lê Thọ Vực binh thiểu thế cô, đã không phá giặc nổi mà lại còn bị giặc cản lộ, lui không kham mà tới cũng không được, nên phải sai người đem tờ Hịch đi rải khắp các đạo mà cầu cứu.
Tại như vậy đó nên mới có tờ Hịch đến Hưng Hóa và Thái Nguyên làm cho Thân Thanh Tòng phải bươn bả cử nghĩa binh về trợ hiền lương, dẹp gian nịnh, mà tài bồi xã tắc, chống vững giang san.
Thanh Tòng dẫn năm trăm binh Hưng Hóa, độ qua sông Nhị Hà, thẳng đến Bạch Hổ Khê, lãnh thêm năm trăm binh Thái Nguyên nữa, rồi kéo đi riết xuống Bắc Giang.
Ði trót năm ngày năm đêm mới tới sông Bình Lộ, thấy mé nam mé bắc đều có binh đóng, không biết binh ngụy đóng mé nào. Thanh Tòng đồn binh dựa triền núi, rồi sai ít tên quân tâm phúc đi do thám. Ðến tối quân về báo rằng binh ngụy kể hơn một muôn, có Trần Lăng làm đô đốc, thì đóng ở mé nam, còn binh của quan Kinh lược sứ Lạng Sơn, không được năm ngàn, thì đóng ở phía bắc.
Thanh Tòng liền viết một bức thơ rồi sai quân lập thế lén qua sông mà trao cho ông Lê Thọ Vực. Trong thơ chàng nói rằng chàng hay ông bị vây nên lật đật đến mà giải cứu. Tiếc vì chàng có một ngàn binh mà thôi, không thể chiến được. Vậy chàng tính đêm nay, nhơn Trần Lăng không phòng bị, chàng sẽ dẫn binh xuống áp xuống công phá dinh trại. Chàng xin ông đêm nay hễ hay mé sông bên nây có mòi náo nhiệt, hoặc thấy lửa đốt, hoặc nghe trống rung, thì mau mau độ binh qua tiếp với chàng mà phá giặc.
Chàng gởi thơ đi rồi thì lo kiểm điểm quân sĩ, sắp đặt hỏa hổ đặng có cướp trại đốt lương của ngụy tặc.
Vừa được nửa canh hai, Thanh Tòng dẫn binh ra, sắp hàng sắp ngũ, hễ một tốp cằm khí giới thì một tốp ôm bổi với hỏa hổ, dặn rằng khi đến trại giặc tốp cầm hỏa hổ thì cứ phóng bổi đốt trại, còn tốp cầm khí giới thì giao chiến cho tận tâm, phải la ó cho hung đặng binh ngụy tưởng mình đông người, nhứt là phải hô rằng: Có công tử Thân Thanh Tòng đến đây. Ngụy tặc phải bó tay quy hàng cho mau“.
Sắp đặt xong rồi, Thanh Tòng mình mặc quần đen áo đen, đầu vấn khăn xanh ngồi trên lưng một con ngựa tía, một tay cầm đoản kiếm, một tay cầm trường thương nhắm trại giặc dẫn binh xông tới.
Trần Lăng chận đường ông Lê Thọ vực không cho độ binh qua sông. Anh ta thấy giặc án binh bất động, trong bụng khinh khi, nên không cần phòng bị chi hết.
Thanh Tòng lén kéo binh tới, rồi phân ra tốp lo đốt trại tốp lo chém giết, la ó vang vậy. Binh giặc đương ngủ, bỗng thấy các trại đều phát hỏa, lại nghe binh của Thân công tử đến, bởi vậy người người đều khủng khiếp, chen nhau dành đường mà chạy, không chống cự chi hết. Thanh Tòng giục ngựa xông vào trung ương, chàng tới đâu thì quân giặc đều ngã lăn hết thảy, chàng lui tới, lại qua dường như đi trong chỗ không người.
Trần Lăng ở trong trại trung ương nghe tin trại cháy quân loạn, không kịp bận giáp, lật đật mang cung tên và vác đao lên ngựa chạy ra. Vừa ra khỏi cửa liền gặp Thanh Tòng. Hai tướng đánh nhau mới được vài hiệp thì Trần Lăng rút chạy. Thanh Tòng giục ngựa đuổi theo cản lại. Trằn Lăng thấy binh tán loạn, chỉ lo gom binh mà thôi chớ không có lòng muốn giao chiến, bởi vậy hễ bị Thanh Tòng cản lộ thì đánh cầm chừng rồi chạy, chớ không quyết chiến.
Thanh Tòng giết không đặng Trần Lăng thì nổi giận, nên cứ rượt theo hoài. Chàng rượt giặc cho đến sáng, coi lại không có một tên quân nào của chàng mà theo tiếp chàng, còn trước mặt thì có đạo binh ngụy, kể chừng ba bốn ngàn quân, xông ra mà tiếp Trần Lăng. Chàng thấy thế đã nguy rồi, song nghĩ mình đã lỡ leo lên lung cọp không dễ gì mà xuống được, bởi vậy chàng hét lên một tiếng rồi xốc tới đâm bừa Trần Lăng.
Hai bên giao chiến rất kịch kiệt. Binh ngụy thấy Trần Lăng thắng Thanh Tòng không nổi, bèn áp vô trợ chiến. Thanh Tòng một mình tả đột hữu xông, tay chém tay đâm mà binh giặc cứ ào tới hoài như nước bể bờ, không thế ngăn nổi. Chàng bèn quày ngựa mà chạy. Trần Lăng xua binh giục ngựa đuổi theo. Thanh Tòng bị đi đường xa trọn năm ngày đêm, rồi lại bị chiến đấu từ hồi nửa đêm cho đến chừng đó nữa, bởi vậy chàng mệt đuối, huơi thương hết muốn nổi.
Trần Lăng rượt theo riết gần kịp rồi trương cung lắp tên muốn bắn Thanh Tòng. Anh ta đương nhắm bỗng nghe sau lưng có tiếng nạt lớn rằng: „Thằng kia mi không được hại anh ta! Ta sẽ lấy đầu mi. Trần Lăng lật đật ngó ngoái lại thì thấy có một trang râu ria xồm xoàm đương huơi búa mà chém. Anh ta đỡ không kịp, mà tránh cũng không kịp, nên bị lưỡi búa chặt văng đầu xuống đất.
Thanh Tòng day lại thấy đầu của Trần Lăng bay, mà người chém Trần Lăng đó là Ðinh Hổ, bởi vậy chàng mừng rỡ không xiết kể, lật đật quày ngựa trở lại. Vừa tới nơi thì chàng đã đuối hơi rồi, nên leo xuống ngựa ngồi dựa gốc cây mà thở dốc và nói rằng: „Nếu không có nhơn huynh tiếp kịp thì em đã chết rồi.
Ðinh Hổ lật đật hỏi rằng:
- Công tử có bị thương hay không?
- Không. Vì tôi có một mình mà phải đánh với mấy ngàn người; tôi đâm chém riết rồi đuối tay, cử động không nổi nữa, nên tôi phải tìm đường mà chạy. Chớ chi quan Kinh lược sứ độ binh qua tiếp chiến với tôi, thì có đâu tôi bị hại như vầy, Ðinh huynh sao biết tôi ở đây nên đến cứu tôi?
- Anh em tôi ở trên Ngưu Sơn. Hôm qua Tô Hộ đem thơ đến, anh em tôi kéo binh đi liền. Anh em tôi nghe nói giặc đóng tại sông Bình Lộ nên tính đi qua đó. Anh em tôi đạp đường rừng trọn một đêm nay. Ðến sáng nghe có tiếng trống ở phía nầy, anh tôi nghi giặc đương đánh tại đây, nên kéo binh qua. Binh đi lâu quá, tôi bỏ binh mà đi trước. Khi còn xa xa, tôi thấy một người đương rượt một người, tôi không biết là ai, nên quất ngựa riết theo. Chừng lại gần tôi thấy rõ công tử lại thấy thằng khốn ấy đương trương cung bắn công tử, nên tôi xốc tới mà chém nó đó.
- Thiệt là may quá!
Thanh Tòng ngồi nghỉ một chút thì hết mệt, nên đứng dậy leo lên ngựa. Lúc ấy Ðinh Long với Tô Hộ dẫn một đạo binh cũng vừa tới. Anh em gặp nhau nỗi mừng tả không hết được.
Thanh Tòng dạy Ðinh Long dẫn phân nửa binh đi kiếm quân giặc mà dụ hàng, còn Ðinh Hổ dẫn phân nửa binh đi với chàng trở lại sông Bình Lộ dặng ra mắt quan Kinh lược sứ.
Hồi hôm ông Lê Thọ Vực có tiếp được thơ của Thanh Tòng khắc kỳ phá giặc, nhưng vì ông sợ cái thơ ấy là quỷ kế của Trần Lăng, bởi vậy nên ông không dám động binh. Ðến sáng ông nghe chắc Thanh Tòng một mình đã phá giặc được rồi, ông mới bạt trại độ binh qua sông.
Thanh Tòng trở lại nửa đường thì gặp binh Thái Nguyên và Hưng Hóa đương bơ vơ kiếm chàng. Chàng dạy nhập với binh Ðinh Hổ rồi trở lại Bình Lộ Giang. Ðinh Long đi đường khác mà cũng tới đó một lượt.
Thanh Tòng dắt Ðinh Long, Ðinh Hổ vào yết kiến quan Kinh lược sứ và thuật việc phá giặc cho ông nghe. Ông Lê Thọ Vực khen ngợi vô cùng rồi bàn việc tấn binh hồi triều mà cứu chúa. Thanh Tòng xin cho chàng với hai anh em họ Ðinh dẫn ba ngàn binh làm tiền đạo, đi luôn ngày đêm riết vào kinh đô, chớ nếu diên trì sợ e Thái tử thọ hại. Ông Lê Thọ Vực khen phải và chọn ba ngàn binh tráng kiện mà cấp cho ba tướng đi liền, còn ông thì kéo đại đội theo sau phòng hờ ứng tiếp. Trần Lăng đã bị giết, binh ngụy đã vỡ tan, ở ngoài không còn đạo binh nào ngăn cản nữa, bởi vậy Thanh Tòng với anh em họ Ðinh thong thả, thôi thúc quân sĩ đi riết, nên có ba ngày ba đêm thì về tới kinh thành.
Trịnh Công Lộ tuy ỷ quyền bắt Thái tử hạ ngục, song anh ta thấy quần thần thảy đều nghịch ý, lại chưa có tin bắt Lê Thọ Vực được, bởi vậy anh ta đã không dám làm ngang tôn Nghi Thoại, mà cũng không dám làm dữ giết Thái tử. Anh ta còn đương trông tin Trần Lăng, thình lình quân vào báo rằng công tử Thân Thanh Tòng kéo một đạo binh vây hết bốn cửa thành và kêu phải mở cửa mà nạp Trịnh Công Lộ lập tức.
Trịnh Công Lộ nghe nói tới tên Thanh Tòng thì kinh tâm biến sắc, liền cho đòi lão tướng Lê Ðắc Ninh mà thương nghị. Anh ta vừa thấy Lê Ðắc Ninh bước vô thì nói rằng: „Không xong rồi, tướng quân ôi! Thân Thanh Tòng kéo binh về vây thành rồi, chắc là bọn ta phải bị hại. Vậy tướng quân liệu kế đặng chúng ta thoát thân.
Lê Ðắc Ninh trợn mắt vinh râu đáp rằng: Thanh Tòng số nó phải chết tại tay tôi, nên nó mới về đây. Xin tướng công chớ lo, để tôi bắt nó mà nạp cho tướng công liền bây giờ đây“. Anh ta nói dứt lời liền thót lên ngựa dẫn binh mở cửa thành xông ra.
Thanh Tòng thấy Lê Ðắc Ninh không biết là ai, nên đứng ngó trân trân. Lê Ðắc Ninh xốc ra trước mặt trận kêu lớn lên rằng: Tiểu tử phải hạ mã nạp mình cho mau, kẻo nhọc công ông chém đầu“. Thanh Tòng giận quá, không thèm đối đáp, liền thúc ngựa nhảy tới mà đâm. Lê Ðắc Ninh đỡ khỏi rồi hai đàng giao chiến với nhau.
Lê Ðắc Ninh lớn tuổi, lại không phải là người đối thủ với Thanh Tòng, bởi vậy mới đánh nhau được ít hiệp thì bị Thanh Tòng phi kiếm, làm cho anh ta thọ thương té nhào xuống đất, Thanh Tòng cắt đầu rồi xua quân nhập thành.
Trong lúc Thanh Tòng đánh với Lê Ðắc Ninh tại Bắc Môn, thì Ðinh Long với Ðinh Hổ ở Nam Môn, nhờ có Lê Ðình Ngạn và Lê Nhơn Hiếu xúi quân mở cửa nên hai tướng dẫn binh tràn vô thành. Lê Ðình Ngạn dắt Ðinh Hổ đi thẳng vào ngục thất mà giải cứu Thái tử, còn Lê Nhơn Hiếu thì dẫn Ðinh Long đến vây chặt phủ của Trịnh Công Lộ mà bắt loạn thần và bắt hết thảy gia quyến không sót một người. Chừng Thanh Tòng nhập thành thì đâu đó đã an hết rồi. Thái tử ra chánh điện, bá quan văn võ thảy đều tề tựu trước điện mà bái yết, Thanh Tòng với Ðinh Long, Ðinh Hổ quỳ mà tâu rằng: Tội thần về trễ, để cho Ðiện hạ thọ khổn lâu ngày, thiệt là lỗi của tội thần rất lớn. Ngửa xin Ðiện hạ rộng lượng dung thứ.
Thái tử tạ ơn Thanh Tòng và anh em họ Ðinh, phủ ủy bá quan, rồi dạy đem Trịnh Công Lộ và gia quyến giam hết vào ngục, đợi triều đình hội nghị rồi sẽ định tội. Quần thần tung hô rồi lui ra.
Cách hai ngày sau ông Lê Thọ Vực mới kéo đại binh về tới. Ông vào bái yết Thái tử, tôi chúa ôm nhau mà khóc. Ông dắt Thanh Tòng đi viếng lăng Thánh Tôn rồi mới hội văn võ bá quan mà chọn ngày tôn Thái tử lên ngôi cửu ngũ.
Thái tử Tăng tức vị, xưng hiệu là Cảnh Thống, phong cho Lê Thọ Vực làm chức Tả Tướng quốc, còn các quan văn võ đều được thăng lên một cấp hết thảy. Vua lại dạy Thân Thanh Tòng làm một cái biểu dựng lên mà kể tội kể công cho vua xem và dạy Lê Thọ Vực nhóm đại thần mà nghị tội Trịnh Công Lộ.
Triều đình hội cộng đồng, nghĩ vì Trịnh Công Lộ lộng quyền ỷ thế phản chúa khi quân, ngoài gây cuộc binh đao trong bày điều ly loạn, nên nghị án Trịnh Công Lộ thì chịu lăng trì, còn gia quyến và đồng lõa thì bị trảm quyết.
Vua Cảnh Thống bổn tính nhơn từ quảng đại lại mới lên ngôi bủa đức rưới ân, nên chế giảm cho phạm nhơn, định trảm quyết một mình thủ phạm Trịnh Công Lộ mà thôi còn bao nhiêu thì ân xá đuổi về quê quán nhập vào hạng lê thứ.
Thân Thanh Tòng vưng lịnh làm biểu mà kể hết những chuyện: từ hôn Công chúa mà phải bị thâu chức lại bị đày, tới Bắc Giang phân rẽ anh em họ Ðinh, qua Thái Nguyên làm con nuôi Huỳnh Như Hào, đi cưới vợ lại cưới nhầm thế nữ Xuân Lan, nhờ Xuân Lan mới gặp Lệ Bích, lúc sấm sét, nghe quan Thái úy mách bảo, nhờ Ngô Sĩ Liên và Chánh sứ Hưng Hóa Thái Nguyên giúp binh nên mới đi xuống Bắc Giang, gặp Ðinh Hổ cứu mới khỏi nguy, hiệp với Ðinh Long, Ðinh Hổ về triều bình loạn, đầu đuôi kể hết không sót chút nào.
Vua xem biểu rồi mới phán rằng: Ngày nay trẫm được nối Tiên vương mà tài bồi xã tắc bá tánh được an cư lạc nghiệp, khỏi nạn loạn ly, phần nhiều nhờ sức Thân Thanh Tòng là một đứng nam nhi đã giữ vẹn can thường, mà lại còn có chí cần vương cứu quốc nữa. Vậy trẫm do theo tờ biểu mà phong thưởng như vầy:
Thân Thanh Tòng: Tài cao, công lớn, nên trẫm phong chức Nam quốc đại tướng quân“, chấp chưởng trọn binh quyền trong nước.
Lệ Bích: Trọng hiếu, trọng tứ nên trẫm cho phục phẩm Công nương, lại cho sánh duyên cùng Thân Thanh Tòng cho khỏi trái ý cha, và khỏi lỗi thệ ước.
Công chúa Nhị Hoa: Vì tiên đế đã tứ hôn cho Thanh Tòng nên trẫm cũng vưng theo ý ấy mà đưa về Thân phủ để làm đệ nhị phòng.
Thế nữ Xuân lan: Tuy là phận thấp hèn, nhưng mà có công cực với Lệ Bích, lại đã động phòng hoa chúc với Thân Thanh Tòng rồi, ấy là ý trời định vậy, nên trẩm phong tam phẩm phu nhơn, cho vào Thân phủ để làm đệ tam phòng.
Ðinh Hổ: Tuy tánh ngang tàng, song có khiếu trung trực, có công cứu Thanh Tòng, mà lại có công vào ngục thất giải thoát cho trẫm trước hết, nên trẫm phong chức „Nam phương chư đạo Ðô tổng binh.
Ðinh Long: Sẵn lòng dẹp loạn, lại có công bắt hết bọn phản thần nên trẫm phong chức Bắc phương chư đạo Ðô Tổng binh.
Hành khiển Tuyên phủ Chánh sứ Thái Nguyên và Hưng Hóa: Có công giúp binh cho Thanh Tòng dẹp loạn, nên trẫm thăng lên một cấp và ban thưởng cho mỗi người 10 cây lụa với một trăm nén bạc.
Nguyên Giám sát Ngự sử Ngô Sĩ Liên: Ðã trí sĩ rồi mà cũng có lòng trung quân ái quốc, nên trẫm ban thưởng 10 cây lụa và 100 nén bạc.
Tô Hộ: Ở trọn niềm với chủ, lại có công cực khổ đem thơ qua Ngưu Sơn, nên trẫm thưởng cho 10 nén bạc và hai chữ Nghĩa bộc.
Thanh Tòng, Ðinh Long, Ðinh Hổ đồng quỳ trước điện mà tạ ơn. Bá quan văn võ thảy đều vui mừng cho minh quân hổ tướng tao phùng, tài tử giai nhân tế ngộ.
Thanh Tòng về tổ quán mà rước mẹ. Chàng lại viết thơ rồi cậy Ðinh Hổ với Tô Hộ đem đi rước Lệ Bích, Xuân Lan, Ngô Sĩ Liên và Huỳnh Như Hào về triều đặng bái mạng.
Khi sum họp đủ rồi, vua mới chọn ngày đưa Công chúa Như Hoa về Thân phủ, đặng Lệ Bích, Như Hoa và Xuân Lan chung nhau làm lễ giao bôi với Thanh Tòng một lượt.
Cang thường nặng gánh hai vai,
Nghĩa sâu hơn biển, tình dài hơn sông.

1/1/2001
Hồ Biểu Chánh
Theo https://isach.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CÂU CHUYỆN BÊN ĐỐNG LỬA Ánh lửa bập bùng soi lung linh trước sân căn chòi lá. Ngọn lửa nhảy múa, soi lên gương mặt từng người lúc sáng l...