Thứ Hai, 4 tháng 12, 2023

Nặng gánh cang thường 1

Nặng gánh cang thường 1

CHƯƠNG 1
Vua Thánh Tôn lâm triều phong Tướng quốc
Ông Lê Nhiệm đón cửa đánh thông gia
Trung Hoa có sử rồi còn có truyện nữa, Việt Nam cũng có sử, há lại không có truyện hay sao? Ấy vậy viết một bộ truyện An Nam ví dầu không giúp vui cho độc giả được đi nữa, thì cũng biên chép được một đoạn sự tích của nước mình, làm như thế tưởng có lẽ không phải là một việc vô ích.
Bộ truyện nầy thuộc về nhà Lê, nhằm triều vua Thánh Tôn, trong khoảng hai ba năm trước khi vua thăng hà. Vua Thánh Tôn là con thứ của Thái Tôn. Ngài tên là Tư Thành. Ngài có hai người anh: một Nghi Dân, hai Bang Cơ. Vì bà Hoàng hậu là mẹ của Nghi Dân bị tội nên vua Thái Tôn lập Bang Cơ lên làm Thái tử rồi phong Nghi Dân làm Lạng Sơn Vương, và Tư Thành làm Bình Nguyên Vương. Khi vua Thái Tôn băng, triều đình tôn Thái tử Bang Cơ lên nối ngôi đặng 17 năm, rồi bị anh là Lạng Sơn Vương giết mà dành ngôi. Ðến năm Canh Thìn (1460) các quan đại thần thấy Lạng Sơn Vương tàn bạo, mới hiệp nhau mà giết đi, rồi tôn Bình Nguyên Vương, tức là vua Thánh Tôn.
Vua Thánh Tôn là một đứng hiền lương minh triết. Khi ngài mới lên ngôi, thì ngài đặt niên hiệu là Quan Thuận. Ðến năm Canh Dần (1470) ngài mới đổi niên hiệu lại là Hồng Ðức. Ngài làm vua trong 36 năm đầu, thì ngài hằng lo kế chí vua Thái Tổ, vua Thái Tôn và vua Nhơn Tôn mà giữ gìn biên giới, khai hóa thần dân, bởi vậy ngoài ải thì lân quốc kỉnh đức kiêng oai, trong nước thì sĩ thứ an cư lạc nghiệp. Nước Việt Nam hồi đời ấy cũng đáng gọi là đời thạnh trị.
Năm Hồng Ðức thứ 26 (1495), mùa xuân, vua Thánh Tôn lâm triều, cho bá quan văn võ vào chầu. Những đại thần bên văn cân đai rỡ rỡ thì có:
Lễ bộ Thượng thơ, Thân Nhơn Trung tự Thanh Tuyền.
Lại bộ Thượng thơ, Ðỗ Nhuận.
Hình bộ Thượng thơ, Trịnh Công Lộ.
Hộ bộ Thượng thơ, Lê Nhơn Hiệu.
Còn bên võ oai phương lẫm lẫm thì có:
Thái úy, Lê Niệm tự Nhị Lôi.
Binh bộ Thượng thơ, Lê Thọ Vực.
Công bộ Thượng thơ, Lê Ðình Ngạn.
Tướng quân, Lê Lộng.
Vua định lập Hoàng tử Tăng lên làm Thái tử và định gia phong Lễ bộ Thượng thơ Thân Nhơn Trung lên chức Tả Tướng quốc[1], lãnh dạy Thái tử học văn chương lễ phép. Bá quan thảy đều khấu đầu khâm phục vương mạng, duy có một mình Thái úy Lê Niệm nghe lịnh Phán tuy không dám cãi, song trợn mắt dửng râu, xem sắc diện dường như không vừa ý.
Vả quan Thái úy Lê Niệm là Phò mã, chồng của Công chúa Ngọc Hoa tức là em rể của vua Thánh Tôn. Bà Công chúa Ngọc Hoa mất hồi năm Hồng Ðức thứ 20, có để lại cho ngài một người con gái tên là Lệ Bích, năm nầy đã được 16 tưổi. Nàng Lệ Bích là một gái dung nhan tuyệt thế, cốt cách phi phàm, mà lại thêm văn võ toàn tài, tánh tình khả ái. Năm trước Công tử Thanh Tòng là con của quan Lễ bộ Thượng thơ Thân Nhơn Trung, đi chơi gặp nàng trên đền bà Trung Nữ Vương, rồi lại được thấy tám câu thi nàng đề trên vách, thì mộ tài gái sắc nên về nhà xin với cha mẹ nói mà cưới nàng cho chàng. Quan Thái úy nghe Thanh Tòng nức tiếng thần đồng, văn tao võ cứng, ông rất ưng lòng, nên ông hứa lời chịu gả, hai bên đã có trao của tin cho nhau rồi, nhưng còn đợi ít năm cho đôi trẻ lớn khôn rồi sẽ cho làm lễ cưới. Ấy vậy quan Thái úy Lê Niệm với quan Lễ bộ Thượng thơ Thân Nhơn Trung đã là bạn đồng liêu, mà trong lại có tư thông gia nữa.
Khi vua phán giữa triều, định lập Hoàng tử Trung làm Thái tử và định phong Thân Nhơn Trung làm Tả Tướng quốc, bá quan dòm thấy Lê Niệm khí sắc bất bình, nhưng không ai hiểu ông bất bình về sự lập Thái tử hay là bất bình về sự phong Tướng quốc.
Chừng bãi chầu, vua phản giá hồi cung, Hình bộ Thượng thơ Trịnh Công Lộ bước ra nói nhỏ với Lê Niệm ít tiếng rồi hai người dắt nhau đi ra trước. Bá quan lần lượt kẻ trước người sau, tiếp nhau mà đi theo. Quan Lại bộ Thượng thơ Ðỗ Nhuận, vốn là bạn tao đàn của ông Thân Nhơn Trung, thấy ông Thân Nhơn Trung được gia phong quyền tước thì mừng rỡ trong lòng nên đón ông mà cung hạ. Bá quan văn võ thấy vậy mới bắt chước áp lại kẻ xưng tụng tài đức, người mừng được cao thăng. Ông Thân Nhơn Trung dùng lời khiêm nhượng mà tạ ơn mỗi người rồi ông kề vai với ông Ðỗ Nhuận huỡn bước lui ra, và đi và đàm đạo. Ra tới ngọ môn, thì thấy quan Thái úy Lê Niệm, tay chống nạnh, tay vuốt râu, đương đứng chần ngần giữa cửa, lại có quan Hình bộ Thượng thơ Trịnh Công Lộ đứng gần đó nữa.
Ông Thân Nhơn Trung lật đật chào ông Lê Niệm. Ông Lê Niệm đã không đáp lễ, mà lại còn hỏi xộn xàng rằng: Quan Tả Tướng quốc, tôi hỏi ông vậy chớ ông có công cán gì mà ông được thăng trật phẩm ông nói cho tôi nghe thử? Ông Thân Nhơn Trung đứng chưng hửng.
Ông Trịnh Công Lộ nheo mắt mà ngó, chằn miệng mà cười lại đứng lóng tai mà nghe. Ông Thân Nhơn Trung nghe lời ông Lê Niệm hỏi và thấy sắc ông Lê Niệm giận thì biết ông bất bình về sự vua phong mình chức Tướng quốc nhưng vì ông nghĩ nghĩa đồng liêu, ông vị tình thông gia, ông không muốn tranh hơn thưa, nên ông trả lời nhỏ nhẹ rằng:
- Tôi đâu dám khoe công cán với ông. Tôi vẫn biết tôi bất tài, còn chức Tướng quốc là một chức trọng yếu của triều đình. Ngặt vì lịnh Bệ hạ đã phán, tôi không dám từ thối, nên tôi phải lãnh đó mà thôi chớ.
- Ông là bọn rung đùi ngâm thi, gãi vế vịnh phú, hễ nghe có giặc thì xui râu rút cổ; ông tài năng gì mà làm Tướng quốc? Ông phải vào tâu với lịnh Bệ hạ mà nhường chức Tả Tướng quốc lại cho tôi. Ông phải đi bây giờ, nếu ông không nghe lời tôi thì tôi nguyện không cho ông ra khỏi ngọ môn.
Ông Thân Nhơn Trung, tuy ôn hòa nho nhã nhưng mà ông nghe mấy lời lỗ mãng như vậy ông cũng tức giận, nên ông hỏi rằng:
- Ví như tôi không nhường chức cho ông rồi ông giết tôi hay sao? Tôi khuyên ông đừng có nóng nảy. Ông là một vị đại thần, ông chẳng nên nói những lời phi lễ phi nghĩa như vậy, các quan hạ ty người ta dòm thấy người ta cười. Tôi với ông là thông gia, tôi được gia quan tấn tước, lẽ thì ông mừng giùm cho tôi mới phải, chớ sao ông lại trở lòng ganh ghét. Tôi cũng vậy mà ông cũng vậy, làm chức nào cũng phải tận tâm báo quốc, nỗ lực cần vương chớ phải Tướng quốc mới sang, còn làm chức khác thì hèn hay sao? Vậy thì ông với tôi phải hiệp nhau, kẻ đem văn tài, người lấy võ lực mà khuôn phò xã tắc, bồi đấp giang san, làm làm sao cho Hoàng triều bền vững muôn năm, làm sao cho Nam Việt nổi danh bốn biển mới là quí, chớ tranh công tranh chức với nhau mà hay gì.
- Tình thông gia là tình riêng, còn quyền tước của triều đình là việc chung. Ông đã già cả mà lại không tài cán gì; nếu tôi để cho ông làm Tướng quốc thì cơ nghiệp nhà Lê chắc là phải suy bại. Ông phải giao chức đó lại cho tôi mới được. Ông chịu giao hay không thì ông nói phứt đi?
- Chức Tướng quốc là chức của Bệ hạ phong, tôi làm sao mà giao cho ông được. Ông có muốn thì ông vào cung mà tâu với Bệ hạ; chừng nào có lịnh Bệ hạ dạy thì tôi nhường lại cho ông.
- Lão già hủ nho nầy thiệt thách ta hay sao?
- Không phải là thách.
- Ta nói cho ngươi biết, nếu ngươi thách ta thì ta cho ngươi một cây giản nầy ngươi tán mạng đa.
- Ông có giỏi thì ông giết tôi đi rồi ông làm Tướng quốc.
Ông Lê Niệm là quan võ quen tánh cang cường, ông nghe mấy lời xốc ý ông dằn không được, nên ông nhảy tới đá một đá, ông Thân Nhơn Trung té lăn cù. Ông Ðỗ Nhuận lật đật nhảy vô can, ông ôm ông Lê Niệm và ông kêu ông Trịnh Công Lộ mà cậy đỡ ông Thân Nhơn Trung dậy. Ông kéo riết ông Lê Niệm ra, ông an ủi rồi dắt ông Lê Niệm về dinh. Còn ông Trịnh Công Lộ đỡ ông Thân Nhơn Trung đứng dậy, thì thấy ông Thân Nhơn Trung gãy hết một cái răng. Ông Thân Nhơn Trung đã bị nhục mạ rồi còn bị đánh đập nữa, bởi vậy ông lấy làm tức giận, ông muốn trở vào chánh điện rồi xin phép nhập cung mà tâu với vua. Ông Trịnh Công Lộ can rằng: Việc quần thần gây gổ với nhau, ông chẳng nên vào cung mà làm cho Bệ hạ kinh khủng. Việc đâu còn đó, để bữa đại triều rồi ông sẽ tâu, nghĩ chẳng muộn gì. Có tôi với quan Thượng Bộ Lại làm chứng cho, không sao đâu mà sợ. Thôi để tôi đưa ông về dinh mà nghỉ.
Ông Thân Nhơn Trung nghe lời can hữu lý, nên ông lần bước trở về dinh. ông Trịnh Công Lộ đi theo, và đi và nói rằng:
- Quan Thái úy ổng ỷ là em rể của Bệ hạ rồi ổng ngang quá! Ông đừng nhịn. Chuyến nầy ông phải ăn thua với ổng một lần cho ổng tởn.
- Tôi nhịn đã hết sức rồi, có thế nào mà nhịn nữa được.
- Ổng thiệt là lỗ mãng. Ông nói phải hết sức mà ổng không biết nghe, ỷ võ nghệ cao cường rồi nhảy đánh đại người ta. May là có tôi với quan Thượng Bộ Lại can kịp, chớ không thì ổng đánh chết ông còn gì.
- Tức tôi lắm! Ổng không nghĩ tới tôi, ổng muốn làm nhục tôi trước mặt bá quan, việc nầy tôi phải báo thù mới được. Tôi với ổng phải một chết một sống tôi mới nghe.
Ông nghĩ như vậy phải lắm chớ. Ông bị nhục mà ông không rửa, thì quần thần ai còn coi ông ra gì, ông làm Tướng quốc ông nói ai nghe.
Ông Trịnh Công Lộ đưa ông Thân Nhơn Trung tới cửa dinh, rồi từ mà về, và đi và chúm chúm cười một mình. Ông Ðỗ Nhuận đưa ông Lê Niệm về dinh rồi ông lật đật sang qua Lễ Bộ mà thăm ông Thân Nhơn Trung. Ông kiếm lời khuyên giải ông nọ, xin để thủng thẳng mà tâu với vua chớ đừng nóng nảy. ông Thân Nhơn Trung bị nhục rồi bị ông Trịnh Công Lộ đốc vô nữa, nên lửa giận phừng phừng trong lòng, ông cứ nói việc báo thù hoài. Ông Ðỗ Nhuận liệu thế khuyên không được, ông bèn từ mà về, thầm tính để bữa sau ông nọ bớt giận rồi sẽ trở qua mà can gián nữa.
CHƯƠNG 2 -
Ô
ng Thân Nhơn Trung giải y cân rồi vào thơ phòng đóng cửa lại, dặn quân hầu hễ có khách nào đến thì cứ thưa rằng ông đi khỏi. Ông lục đục trong thơ phòng cho đến chiều mà cũng không chịu ra ăn cơm.
Thân phu nhơn không hay việc chi hết, tưởng ông có bịnh nên mở cửa vào thăm. Bà thấy ông đương ngồi chống tay trên ghế châu mày ủ mặt, thì bà hỏi ông có việc chi mà buồn lo như vậy. Ông bèn thuật đầu đuôi mọi việc lại cho bà nghe, sau rốt ông lại nói rằng: Tôi tiếc thằng Thanh Tòng nó mắc đi du học, chớ nếu có nó ở nhà thì ai mà dám nhục tôi. Ðể nó về đây rồi sẽ coi.
Bà vừa nghe nói như vậy thì bà giựt mình nên bà hỏi rằng:
- Ông đợi thằng Thanh Tòng về mà chi? Quan Thái úy lỗ mãng đánh ông, thì ông cứ vào tâu với Thánh thượng, xin Thánh thượng làm tội ổng. Mình có chứng cớ ổng chối sao được.
- Tâu Thánh thượng mà làm gì? Ví dầu Thánh thượng có làm tội Lê Niệm đi nữa, cái nhục của tôi lại rửa được hay sao? Huống chi người là em rể của vua, người làm quan tới chức Thái úy, bất quá Thánh thượng quở trách lôi thôi rồi can gián hai bên hòa với nhau, chớ không lẽ Thánh thượng chém giết gì. Tâu với Thánh thượng thì tôi tâu, mà tôi cũng đợi thằng Thanh Tòng về đây tôi biểu nó đánh Lê Niệm mà trả thù cho được tôi mới nghe.
- Ông không nên tính như vậy. Ðã biết Thanh Tòng với Lệ Bích chưa phối hiệp với nhau, nhưng mà hai trẻ đã hứa hôn, ông đã cho phép con mình kêu quan Thái úy bằng cha rồi, có lẽ nào bây giờ ông lại xúi nó đánh lộn với cha vợ nó.
- É! còn cha con gì nữa mà kể. Cha chả! Cha vợ lại bằng cha ruột hay sao? Nếu thằng Thanh Tòng là con thảo, thì nó phải lo rửa nhục cho cha nó, nó phải trọng cha nó hơn thiên hạ hết thảy.
Thân phu nhơn ngồi trầm ngâm một hồi rồi bà đáp rằng:
- Tôi biết con tôi lắm: thà là nó dứt tình phu thê, chớ nó không đành để lỗi niềm phụ tử, thà là nó chết, chớ chẳng bao giờ nó chịu ai nhục tông môn nó. Nếu chừng nó về đây mà ông biểu, thì chắc nó đi báo thù cho ông liền. Cha chả! Mà con mình còn nhỏ dại quá, tôi sợ lắm ông!
- Bà sợ nỗi gì? Sợ nó đánh không lại lão Lê Niệm phải hôn? Hứ! Khéo lo dữ! Như nó đánh không lại thì nó chết cho tròn danh tiết. Chớ sợ chết rồi nhịn thua người ta, sống mà chịu nhục thì sống làm gì?
- Tôi nghe quan Thái úy võ nghệ cao cường lắm ông.
- Vậy chớ con mình nó dở lắm hay sao?
- Dầu nó có giỏi đi nữa, nó cũng là con nít nó sánh với quan Thái úy sao được, mà ông muốn cho nó tranh đấu.
- Bà không hiểu, bà đừng có cãi...
Ông Thân Nhơn Trung nói chưa dứt lời, bỗng có một tên quân hầu bước vào bẩm rằng Công tử Thanh Tòng du học đã về, nên xin vào bái kiến cha mẹ. Ông đổi buồn làm vui, hối quân ra đòi Công tử vào. Bà ngó ông và nói rằng: Việc nhà để thủng thẳng rồi sẽ tính, xin ông đừng có vội lắm. Ông gặc đầu đáp rằng: Bà đừng lo. Ðể mặc tôi liệu lượng.
Thanh Tòng bước vô, sau lưng lại có tên gia thần là Tô Hộ với hai người lạ mặt, tướng mạo đường đường, oai phong lẫm lẫm, đi theo nữa. Bốn người bái kiến ông bà. Ông Thân Nhơn Trung thấy hai người lạ, không biết là ai, nên hỏi con. Thanh Tòng vòng tay thưa rằng: Thưa cha mẹ, hai người nầy là anh em ruột với nhau, người lớn tên Ðinh Long, người nhỏ tên Ðinh Hổ. Cha mẹ khuất sớm, anh em dắt nhau rảo bước giang hồ, tìm thầy chọn bạn mà luyện tập nghiệp võ nghe văn, chờ cơ hội ra phò vua giúp nước. Khi con vào tới Hoành Sơn con gặp anh em họ Ðinh, con thấy người có khiếu anh hùng, có tài hào kiệt, con kết làm bằng hữu. Nay con trở về, con dắt về bái kiến cha mẹ. Xin cha mẹ vui lòng cho anh em họ Ðinh ở trong dinh với con, đặng ba anh em con ôn nhuần kinh sử, rèn tập kiếm cung, chờ lịnh trên mở hội cầu hiền, con sẽ lập công danh mà đền nợ nước.
Ông Thân Nhơn Trung nghe nói như vậy thì ông lấy làm mừng. Ông hỏi thăm căn nguyên quê quán, mới hay anh em họ Ðinh gốc ở Thuận Hóa; Ðinh Long đã được 25 tưổi, còn Ðinh Hổ mới có 22 tuổi. Bà Thân phu nhơn mừng con, nhưng bà sợ chồng tỏ việc thù oán cho con nghe, nên bà lật đật hối con dắt anh em họ Ðinh ra nhà khách coi biểu gia đinh quét phòng dọn chỗ cho anh em họ Ðinh nghỉ. Bà lại dặn dò Tô Hộ hãy coi cơn nước mà đãi khách cho tử tế. Ðinh Long với Ðinh Hổ tạ ơn ông bà rồi theo Thanh Tòng và Tô Hộ mà đi ra khách đường, Thanh Tòng thấy cha mẹ vui lòng cho anh em họ Ðinh tá ngụ, thì chàng mừng rỡ, nên biểu gia đinh đứa lo dọn phòng, đứa lo dọn cơm lăng xăng.
Ðến tối Thanh Tòng đương ngồi đàm luận với khách bỗng có một tên gia đinh ra mời Công tử vào hậu đường cho ông dạy việc. Thanh Tòng lật đật kiếu khách rồi theo tên gia đinh mà vào trong. Khi chàng bước vào thì thấy cha ngồi tại ghế giữa khí sắc nghiêm trang, còn mẹ ngồi bên tả nhìn chàng trân trân, mà coi buồn bực lắm. Chàng khoanh tay đứng trước mặt cha mà chờ lịnh.
Ông Thân Nhơn Trung ngó con hỏi rằng:
- Cha cho con đi du học gần một năm nay, con đi đâu tài học của con bây giờ ra thể nào, đâu con thưa cho cha nghe thử coi.
- Thưa cha, con nhờ ơn cha mẹ rộng lượng cho phép con rảo khắp giang hồ đặng tìm thầy kết bạn mà học thêm cho quảng kiến đa văn, trót mấy tháng nay chẳng có giây phút nào mà con dám lãng chí xao lòng, ngày con luyện võ, đêm con tập văn, con quyết khoa sẽ tới đây thế nào con cũng đề danh bảng hổ. Con dạo non sông gần khắp hết, con kết bằng hữu cũng nhiều. Vô tới Hoành Sơn may con lại gặp ông Trần Kim, ông dạy thao lược binh thơ rành rẽ. Không lẽ con dám khoe với cha mẹ, chớ thiệt con tưởng nghề văn nghiệp võ của con bây giờ từ trong triều ra khắp châu quận ít ai mà hơn con nổi.
- Cha mẹ sanh có một mình con, mà con học được như vậy thì cha mẹ mừng cho con đó. Nầy con, mà làm con người ở đời chẳng phải tập văn hay luyện sức mạnh đó là đủ. Ðứng làm trai trong võ trụ con phải biết trung, biết hiếu, biết lễ, biết nghĩa nữa mới được. Cha còn lo sợ điều đó lắm; nếu con văn hay võ giỏi, mà con bất trung bất hiếu, thì cái tài của con đó cũng không ích gì.
- Thưa cha, mấy lời cha nói đó con cảm phục lắm. Làm người mà không biết trọng hiếu, trung nếu có tài cao sức mạnh, thì càng hại cho nước nhà, càng nhục cho tổ tông chớ có ích gì. Tuy con còn nhỏ dại, song con cũng hiểu trong sự học phải lấy hiếu, trung, nhơn, nghĩa làm gốc; con học là học đặng phò vua giúp nước, học đặng trả ơn mẹ nghĩa cha, học đặng lấy chút công danh mà làm cho hiển vinh tông tổ.
- Con lập chí như vậy thì phải lắm. Ðạo làm trai phải phơi gan trải mật mà phò vua giúp nước, phải khắc yết[1] ghi tâm mà trả thảo đền ơn. Mà cha thấy thế thường người ta gọi rằng hiếu là do nuôi dưỡng cha mẹ, cung kính cha mẹ, thương yêu cha mẹ, chẳng dám để cha mẹ phiền não, chẳng dám làm cha mẹ mang nhục. Cha nghĩ cái hiếu như vậy đó chưa đủ đa con.
- Dạ, thưa cha, ơn sanh thành dưỡng dục minh mông như trời như biển, chất ngất như núi như non, phận làm con phải lo đền đáp, làm được điều nào thì mừng điều nấy, chớ có biết sao mà dám gọi là đủ được.
- Ờ con nói như vậy thì hiệp ý cha lắm. Nhưng mà để cha hỏi thử con điều nấy: làm con muốn cho trọn thảo cùng cha mẹ thì chẳng nên làm điều chi nhục nhã đến cha mẹ. Còn như cha mẹ làm điều chi mà bị sỉ nhục, thì phận làm con phải liệu làm sao hử con?
- Thưa cha, sách thánh hiền dạy rằng: ví như cha mẹ làm điều chẳng phải. mà bị sỉ nhục, thì đạo làm con phải theo mà can gián. Như can mà cha mẹ không nghe thì phải khóc lóc theo mà can hoài chằng nên mỏi chí, can cho đến chừng nào cha mẹ động lòng, tránh đường quấy trở vào nẻo phải, chừng ấy mới thôi. Con là đứa có học, tự nhiên con phải noi theo đạo thánh hiền, chớ có lẽ nào con dám để sai sót.
- Con nói đó là nói khi nào cha mẹ làm quấy nên bị nhục. Còn như cha mẹ làm phải, mà đứa tiểu nhơn nó ghen hiền ghét ngõ[2], nó kiếm chuyện mà làm nhục cha mẹ, dường ấy phận làm con phải liệu làm sao kia chớ.
Thân phu nhơn nghe chồng hỏi tới đó thì bà lo sợ, nên bà xăng văng xéo véo ngồi không yên, bà đứng dậy mà thưa rằng: Thưa ông, con nó đi đường xa mới về, nó mệt mỏi chưa nghỉ ngơi được, mà ông theo hỏi dần lân hoài, nhọc trí nó tội nghiệp lắm ông. Ông trợn mắt đáp rằng: Bà có mệt thì vào trong mà nghỉ, để cho tôi nói chuyện với con, sao bà lại cản tôi? Bà sợ nên bà lặng thinh ngồi xuống, không dám nói nữa.
Thanh Tòng bèn thưa với cha rằng:
- Thưa cha, ở đời nếu con làm xấu, thì tự nhiên mẹ cha cũng xấu; còn cha mang nhơ thì con cái đều nhơ. Danh giá trong nhà là danh giá chung, mỗi người đều phải lo giữ gìn cho toàn vẹn. Nếu người nào ghen hiền ghét ngõ, họ làm nhục cha mà cha không thể trả thù được phận làm con thì con phải thay thế cho cha mà lấy máu rửa hờn, dầu con có chết con cũng cam lòng, chớ sống mà để nhục danh giá cha mẹ, thì sống làm sao được.
- Phải. Con nói phải lắm. Ðược như vậy mới phải trang hiếu tử, mới đáng mặt anh hùng. Nếu cơn mà biết trọng danh giá thì cái nhục của cha mới có thể rửa được.
Thanh Tòng nghe cha nói câu sau đó, thì chàng chưng hửng, đứng ngó cha trân trân, ý muốn hỏi coi có việc chi mà cha nói như vậy. Ông Thân Nhơn Trung ngồi nhắm con một hồi rồi ông mới nói rằng: Ớ nầy con, để cha phân cho con rõ. Số là hồi sớm mơi nầy, có đại triều, lịnh Thánh thượng xét cha công dày tuổi lớn, nên gia phong cha làm chức Tả Tướng quốc, lại giao cho cha phải lãnh dạy dỗ Ðông cung Thái tử. Trong bạn đồng liêu có người thấy cha được Thánh thượng yêu dùng thì sanh lòng ganh ghét; lúc bãi chầu, đón cha tại ngọ môn mà sỉ nhục cha, rồi còn đánh cha gãy hết một cái răng nữa....
Thanh Tòng vừa mới nghe cha nói bấy nhiêu đó thì lửa giận phừng phừng, nên hét lớn lên rằng: Cha chả? Thằng nào mà to gan dữ vậy? Xin cha nói tên nó cho con biết, con sẽ đi báo thù cho cha liền bây giờ đây.
Bà Thân phu nhơn ngồi biến sắc. Ông gặc đầu rồi chậm rãi đáp rằng:
- Nói tên người đó, không phải là khó chi lắm. Nhưng vì cha sợ e hễ cha nói rồi, cái lòng báo oán, cái khí anh hùng của con nó giảm bớt đi chăng, nên cha không muốn nói chớ.
- Thưa cha, cha phân như vậy thì tội nghiệp cho con lắm. Chữ phụ thù bất cộng đái thiên, thà là con chết, chớ con nhịn người ta sao được mà cha nghi ngại. Xin cha nói tên người đó cho con biết.
- Ờ nếu con muốn biết thì cha nói cho con biết. Người nhục cha hồi sớm mơi đó là Thái úy Lê Niệm là cha vợ của con, chớ không phải ai đâu lạ.
Thanh Tòng nghe rõ rồi thì chết điếng trong lòng nên rưng rưng nước mắt mà nói rằng: Té ra cha vợ của con!... Cha vợ con đánh cha gãy răng.... Chàng sửng sốt một chút rồi chàng châu mày trợn mắt mà thưa rằng: Thưa cha, xin cha hãy an nghỉ cho khỏe. Việc thù oán nầy để mặc con liệu cho. Con nói thiệt, thà là con chết, chớ con không thể để cho cha mang nhục được.
Ông Thân Nhơn Trung nói rằng: Vì căn duyên của con nên hồi sớm mơi cha nhịn nhục hết sức; mà quan Thái úy người không nghĩ, đã mắng cha rồi còn đánh cha nữa. Vậy con hãy liệu đánh[3] lấy; bên thì hiếu, bên thì tình, con phải cân phân cho kỹ.
Thanh Tòng đáp rằng: Xin cha an nghỉ, cha để mặc con lo cho. Ông bèn đứng dậy đi vào phòng mà nằm. Bà thấy Thanh Tòng đứng trơ trơ, bà mới bước lại vỗ vai con mà nói rằng:
- Nầy con, việc nầy phải đề thủng thẳng mà tính, con đừng có hốt tốc, nghe hôn con. Cha con giận, ổng nói như vậy, chớ con cũng phải nhớ quan Thái úy là cha vợ của con, đa nghé.
- Thưa mẹ, xin mẹ an lòng, không có sao đâu mà sợ.
- Quan Thái úy không phải là người tầm thường; ổng có tánh nóng nảy, chắc là có ai xúi ổng, hoặc là tại cha con nói xốc ý ổng sao đó, nên mới sanh sự như vậy. Từ hồi trưa cho đến bây giờ mẹ cứ khuyên cha con hãy dằn lòng đợi đến ngày đại triều làm sớ mà tâu với lịnh Thiên Tử. Vậy con phải chậm chậm mà chờ lịnh Thiên Tử phân xử thì hay hơn.
- Mẹ dạy như vậy thì phải lắm. Ngặt vì dầu Thánh thượng có làm tội quan Thái úy, cái răng của cha con cũng không thường được, sự nhục của cha con, con cũng nhớ hoài.
- Phải, mẹ cũng biết thù cha là trọng, nhưng mà một câu nhịn bằng chín câu lành, vậy con phải dằn lòng, chẳng nên hốt tốc rồi sau con tự hối. Thôi, con mới về mệt mỏi, con ra trước mà nghỉ, để mai rồi mẹ sẽ nói nữa.

Thân phu nhơn đi vào phòng. Thanh Tòng đứng ngẩn ngơ một hồi rồi chàng lần đi ra nhà ngoài.
Trong đêm ấy Thanh Tòng lấy cớ mệt mà khuyên anh em họ Ðinh phải nghỉ, rồi chàng vào thơ phòng chấp tay sau đít đi qua đi lại mà suy nghĩ hoài. Cha chả là khó liệu! Phận làm con thì phải báo thù cho cha. Cha mình sanh mình ra, nuôi mình cho nên vai nên vóc, lại còn cho mình ăn học cho thông nghề văn, giỏi nghiệp võ, dạy mình đêm ngày cho mình biết luân lý cang thường. Nay cha mình bị người ta làm nhục, mà vì niên cao kỷ trưởng lưng mỏi gối dùn, không có sức rửa hờn đặng. Mình là đạo làm con, không lẽ mình điềm nhiên tọa thị; mình là đứng anh hùng, không lẽ mình nhịn thua để đợi cha mình làm sớ mà kiện với Thánh Hoàng. Thế nào mình cũng phải báo thù, trước trả thảo cho cha, sau giữ danh giá cho tông tổ. Làm như vậy mới đáng mặt trượng phu, làm như vậy mới trọn niềm hiếu tử... Mà báo thù làm sao cho được! Người thù là cha vợ của mình. Nếu mình vì thù cha, vì danh giá, mà đối địch cùng cha vợ mình, ví như mình dở mình chết, thì là trọn thảo cùng cha, rạng danh nam tử, dầu có chết mình cũng cam lòng. Còn như rủi mình thắng cha vợ mình, thì còn gì là nghĩa châu trần, còn gì là niềm phu phụ. Thanh Tòng nghĩ tới đó chàng ứa nước mắt. Một bên thì là hiếu, một bên thì là tình, tình đã thâm, mà hiếu cũng trọng. Nếu được tình thì mất hiếu, nếu được hiếu thì mất tình. Biết làm sao cho tình hiếu vẹn toàn, biết làm sao cho hai bên hòa thuận? Niềm chồng vợ tuy chưa chung chăn gối, nhưng mà từ ngày đã hứa hôn rồi thì lòng dặn lòng sanh tử giữ đồng. Duyên nợ gì mà chưa hiệp lại muốn tan, ai xui khiến nỗi đất bằng sóng dậy.
Chàng tư lự suốt đêm, khi thì giận cái nhục của cha, quyết đi báo cừu, không thèm kể ai hết; khi thì rầu nỗi tóc tơ bối rối, sợ lỡ tay rồi phải ăn năn, bởi vậy chàng đi ra đi vô hoài, nằm ngồi không được.
Ðến sáng, yến sáng mặt trời dọi vào cửa sổ, tiếng chim quyên kêu inh ỏi trên nhành. Thanh Tòng đứng chống tay dựa cửa mà ngó ra vườn, chàng nghĩ rằng: phụ thù là chí trọng, danh dự là chí tôn, tại sao mà mình dụ dự. Mình phải báo phụ thù mình phải báo danh dự chớ. Nàng Lệ Bích dung nhan thiệt là đẹp, văn chương thiệt là hay, mà trong triều ngoài quận không có gái nào sắc đẹp bằng, văn hay bằng hay sao, mà ta đi mê nàng, đến nỗi quên phụ thù, bỏ danh dự. Huống chi mình mới hứa hôn mà thôi, chớ chưa chung chăn gối, thì có nghĩa chi đâu mà mình sợ phạm, có tình chi đâu mà mình sợ bạc. Thà là mình chết vì cha, chớ sống vì vợ, sống càng thêm nhục sống mà làm chi? Dầu thế nào mình cũng phải giáp mặt kẻ thù của cha mình; nếu mình dụ dự thì mình mang lỗi với cha mình lắm.
Thanh Tòng liền kêu một tên gia đinh mà biểu bắc ngựa thắng yên rồi dắt ra trước cửa mà chờ. Chàng rửa mặt, thay áo, buộc dây đai, mang độc kiếm, rồi lén cha mẹ ra cửa thót lên lưng ngựa, nhằm dinh quan Thái úy Lê Niệm mà thẳng tới.
CHƯƠNG 3
Dinh của quan Thái úy Lê Niệm ở ngoài thành độ chừng một dặm. Dinh tuy không nguy nga cho lắm, nhưng mà chung quanh có lập một cảnh lâm viên đẹp đẽ vô song. Phía trước ông trồng cây ngay hàng, nhành sum sê, lá rậm rạp. Dưới gốc cây ông trồng những kỳ hoa dị thảo, trải bốn mùa đều thấy đơm bông. Phía sau, ông cũng trồng cây, nhưng mà ông còn dọn một ao hồ để nuôi cá trồng sen, đặng lúc buồn ông ra đó ngồi xem chơi mà uống rượu. Gần cái ao hồ ấy, ông lại có dọn một chỗ võ trường để mỗi buổi sớm mai ông ra đó tháo luyện nghề cung kiếm. Sớm mai nầy quan Thái úy thức dậy, ông thấy trời thanh bạch, chim trên nhành kêu lảnh lót, hoa trước ngõ trổ tốt tươi, ông mới xách cây giản đi ra võ trường mà tháo luyện. Ông dượt được vài đường giản, trong mình có hơi mệt, ông mới bước lại cái thạch bàn để dựa ao Hồ mà ngồi. Dưới hồ vởn vơ cá lội, trên bờ phưởng phất mùi hoa, ông nhắm cảnh cảm tình, nên kêu tên quân hầu biểu đem rượu cho ông uống giải muộn.
Ông ngồi uống rượn, ông nhớ tới việc vua phong cho ông Thân Nhơn Trung làm Tả Tướng quốc thì ông còn ấm ức trong lòng, ông hờn vua phong thưởng bất công, ông giận ông Thân thọ chức không biết hổ. Vì ông quen tánh khí ngang tàng cường bạo, ông tưởng dầu ông mắng ai, ông đánh ai thì cũng phải ôm đầu mà chịu, không được phép chống cự với ông, bởi vậy sự ông làm nhục cho thông gia hôm qua ông không thèm kể tới.
Ông vừa uống được vài chung rượn, thì có một tên quân chạy về thưa tằng có Công tử Thanh Tòng đến xin ra mắt ông. Ông gặc đầu biểu cho Công tử vào. Tên quân đi trở ra, thì ông ngồi suy nghĩ rằng: Thanh Tòng đi du học gần một năm nay nó về bao giờ mà qua đây thăm mình? Mà mình mới đánh cha nó hôm qua, bữa nay nó đến đây nói chuyện gì? Chắc là nó sợ mình giận cha nó rồi mình giận luôn tới nó, nên nó lật đật qua đây năn nỉ mà tạ tội chớ. gì?
Ông nghĩ như vậy rồi ông gặc đầu mà cười. Thanh Tòng bước vô khoanh tay cúi đầu làm lễ rồi khép nép thưa rằng: Thưa nhạc phụ, con đi du học mới về, nên con lật đật qua đây kính dưng cho nhạc phụ bốn chữ: „khương ninh phước thọ.
Ông ngồi nhắm tướng Thanh Tòng rồi ông hỏi rằng:
- Công tử đi tìm thầy mà tập văn luyện võ thì phải lắm, sao lại về? Về bao giờ đó vậy?
- Thưa nhạc phụ, con mới về hồi chiều hôm qua. Vì cha mẹ con già yếu, con đi lâu ngày không biết ở nhà mạnh giỏi thể nào, con xốn xang trong lòng, nên con trở về mà thăm như cha mẹ con cho phép thì con mới dám đi nữa.
- Ờ, Công tử ở như vậy thì phải lắm. Ðạo làm con trước phải lo cho cha mẹ rồi sau sẽ lo cuộc công danh, chớ ham công danh mà bỏ cha mẹ thì ai gọi là có hiếu. Công tử qua thăm lão mà thôi, hay là còn muốn thưa việc chi nữa?
- Thưa nhạc phụ, con về đây trước là thăm nhạc phụ, sau con có một việc riêng muốn thưa với nhạc phụ nữa.
- Công tử muốn thưa việc chi?
- Dạ thưa, con về đến nhà, con nghe nói hôm qua đại triều, lịnh Bệ hạ xét công rồi gia phong quyền tước cho nghiêm đường con. Lúc bãi chầu nhạc phụ đã không khánh hạ như hàng bá quan, mà nhạc phụ lại còn đón đường mắng nhiếc đánh đập nghiêm đường con nữa. Dạ, thưa nhạc phụ, con nghĩ nhạc phụ với nghiêm đường của con có tình thông gia, nếu nghiêm đường của con may mà được Thánh thượng gia phong quyền tước, thì nhạc phụ mừng giùm lắm, chớ có lẽ nào lại ganh ghét. Huống chi nhạc phụ là nhà cung kiếm, còn nghiêm đường của con là đứng văn thần, có lẽ nào nhạc phụ lại dùng võ lực mà lấn lướt. Con sợ e người ta muốn hai họ chia lìa, người ta thêu dệt như vậy, nên con qua đây mà hỏi thăm lại cho chắc.
Quan Thái úy nghe hỏi thì ông và cười và biểu quân rót rượu. Ông uống một chung rồi ông đáp rằng:
- Những lời người ta học lại với công tử đó thì trúng hết chớ có thêu dệt thêm chút nào đâu. Nhưng mà gây sự ra cũng bởi có duyên cớ, chớ nào phải lão ỷ sức mạnh mà đánh quan lớn Bộ Lễ đâu.
- Dạ, bởi con mới về con nghe thấp thố, con không rõ nguyên nhơn làm sao: con nghĩ nhạc phụ không lẽ ỷ sức mạnh mà hiếp một nhà nho yếu đuối, bởi vậy con mới lật đật chạy qua đây mà hỏi thăm lại cho tỏ.
- Ớ công tử, nếu công tử muốn biết nguyên nhơn làm sao, thì để lão phân cho công tử nghe. Từ xưa đến nay, ở đời nào cũng vậy, quần thần ai có công lao nhiều thì mới được gia phong trật phẩm. Trong nước ta, đương buổi nầy đây, nếu kể công lao thì có ông quan nào mà hơn lão được. Công tử còn thơ ấu, công tử không hiểu, vậy để lão nói cho nhà nghe: Hồi năm... ờ ờ hồi năm Canh Dần, lúc ấy Tướng quốc Lê Lộng trấn thủ Lạng Sơn, người dưng sớ về triều mà tâu rằng nhà Minh sai đại tướng thống lãnh thập vạn hùng binh kéo qua quyết phá ải Nam Quan đặng tóm thâu đất Việt. Lịnh Bệ hạ được sớ liền ngự ra Cần Chánh điện, hội bá quan văn võ đủ mặt rồi lịnh Bệ hạ hỏi hàng văn ban có ông mô biết kế chi thối giặc được thì tâu cho lịnh Bệ hạ nghe. Ha hả! Nói tới đây lão bắt tức cười. Hàng văn ban ông nào râu cũng dài, vóc cũng tốt, áo cũng đẹp, mạo cũng cao, mà nghe lịnh Bệ hạ phán như vậy thì co đầu rút cổ gục mặt xuống đất, không có ai tâu một lời hết. Lúc ấy cũng có lão Thân Nhơn Trung, mà lão cũng nín khe, không biết kế chi mà dưng lên. Lịnh Bệ hạ thấy vậy bèn day qua hỏi hàng võ tướng có ai dám cầm binh ra đối địch với tướng nhà Minh giải cứu Nam Quan ải hay không?
Lão có ý chờ coi có ai dám phụng mạng hay không, té ra chư tướng ai nghe giặc nhà Minh cũng đều sợ, nên không ai dám xin đi hết. Lão lấy làm hổ thẹn giùm cho những kẻ râu mày ngôi cao lộc trọng, lão mới qùy trước bệ rồng mà xin cấp cho lão 5 muôn binh đặng lão ra Nam Quan mà diệt trừ Minh tướng. Bệ hạ khen lão rồi hạ chiếu cấp cho lão 5 muôn binh. Lão dẫn binh ra tới Nam Quan, thấy binh giặc đương vây quan ải rất ngặt. Lão xông vào trận, đánh phá binh giặc vỡ tan, lão lại giết được tướng soái nhà Minh nữa. Lão giải vây cho Nam Quan ải rồi mới kéo binh về triều phục lịnh. Từ ấy đến nay tướng Trung Quốc hết dám ló qua mà xâm lấn biên cương nữa. Công tử xét coi tài của lão cao, công của lão lớn là dường nào.
- Dạ, thưa nhạc phụ, tuy cơn thơ ấu, song con cũng có nghe tài của nhạc phụ cao, công của nhạc phụ lớn, chớ có lẽ nào con lại không biết.
Quan Thái úy rót thêm một chén rượn nữa mà uống rồi ông mới nói tiếp rằng:
- Công của lão có phải bao nhiêu đó mà thôi đâu, nếu lão ngồi lão kể tối ngày, sợ e cũng chưa hết được. Thôi, để lão nói sơ một việc nầy nữa cho công tử nghe: Giặc Bắc dẹp vừa xong, kế phía Nam, chúa Chiêm Thành là Trà Toàn khởi binh đánh phá đất Hóa Châu. Lịnh Bệ hạ hỏi bá quan ai biết kế chi mà chiêu phục Chiêm Thành Bọn văn thần, ông thì xin sai sứ đem lễ vật nghị ước cầu hòa, ông lại tâu rằng quân Chiêm Thành đói khát nên cướp giựt bậy bạ vậy thôi không thế lực bao nhiêu mà đến nỗi Bệ hạ lo sợ. Nghĩ đó mà coi, Việt Nam là nước đủ văn hiến, còn Chiêm Thành là quân còn thói dã man, sao lại khiến hạ mình mà cầu hòa với nó? Còn nói Chiêm Thành thế lực không đủ sợ, nó đã lấy hết xứ Thuận Hóa, kéo binh ra tới Nghệ An rồi, sao mà gọi rằng không có thế lực. Lão thấy bá quan vô tài vô trí lão nổi giận, lão mới xin lịnh Bệ hạ cấp binh cho lão đi bắt chúa Chiêm Thành, lịnh Bệ hạ bèn ngự giá thân chinh, cử lão làm tiên phuông đại tướng quân, kéo 20 vạn binh vào Thuận Hóa quét sạch quân Chiêm Thành, một lần cho tuyệt hậu hoạn. Trà Toàn liệu thế chống cự không nổi với binh ta, mới rút về nước mà giữ. Lịnh Bệ hạ đồn binh tại Thuận Hóa, sai lão đem 2 vạn quân đi đánh. Lão đánh lấy cửa Thị Nại. Trà Toàn kinh khủng rút quân về giữ kinh thành Ðồ Bàn. Lão kéo binh đuổi theo vây đánh, lão phá được thành Ðồ Bàn mà lại bắt được Trà Toàn nữa. Dẹp yên giặc Chiêm Thành rồi, qua năm Kỷ Hợi, Cầm Công là Tù trưởng xứ Bồn Man lại làm phản. Cũng một mình lão cầm binh đánh giết Cầm Công, rồi thâu pục xứ Bồn Man. Xét đó mà coi ngày nay lương dân an lạc, Bắc tịnh Nam thanh, có phải là nhờ sức lão hay không hứ?
- Thưa nhạc phụ, thiệt là nhờ sức nhạc phụ lắm chớ. Mà nhạc phụ có công lớn thì Thánh thượng đã phong cho nhạc phụ đến chức Thái úy con nghĩ cũng vừa rồi, không lẽ nhạc phụ còn trách Thánh thượng được.
- Hứ! Công cán như vậy mà phẩm tước như vầy. Vừa nỗi gì mà gọi rằng vừa. Mà mấy năm nay Bệ hạ im lìm, chẳng nói làm chi. Nay lịnh Bệ hạ xét công phong thưởng, lẽ thì bọn văn thần phải biết hổ mình vô dụng mà từ chối, phải nhớ công người cao dày mà khiêm nhường chớ có đâu loạn ly thì rút cổ co đầu, rồi khi phong thưởng lại dành quyền dành tước.
- Thưa nhạc phụ, nhạc phụ giận nên nhạc phụ nói cho đã nư giận đó mà thôi, chớ con nghĩ nước mà được Nam Bắc thái bình, trong ngoài yên ổn, tuy nhờ sức võ tướng nhưng mà cũng có công văn thần nữa chớ.
- Bọn văn thần làm việc gì mà gọi rằng có công? Hứ! Ðừng có nói công của văn thần, nói đến lão càng thêm giận nữa. Như thằng cha già Thân Nhơn Trung thuở nay nó giỏi có cái tài rung đùi ngâm thi, chớ giỏi gì?
- Thưa nhạc phụ nhẹ nhẹ một chút, kẻo tội nghiệp con!
- É, nhẹ nặng mà làm gì? Thằng cha già đó có tài gì mà dám lãnh chức Tả Tướng quốc? Ðã không biết hổ mà lại còn nói hơi cầu cao. Lão cho một đá hôm qua đó là dạy cho nó biết khôn, đặng nó hết đánh phách nữa.
Thanh Tòng nghe mấy lời ấy thì mặt đỏ phừng phừng, lại hai hàng nước mắt tuôn có giọt. Quan Thái úy liếc thấy ông tưởng chàng lo sợ về nỗi tơ duyên rời rã, chớ ông không dè chàng tức giận bởi vậy ông hỏi rằng:

- Công tử thấy lão giận, công tử sợ lão không gả con cho công tử phải hay không?

- Thưa nhạc phụ, việc đã gây ra đến thế nầy thì còn gì mà con dám mong mỏi tơ duyên nữa.

- Không. Lão giận là giận cha của công tử không biết điều chớ công tử có sao đâu mà sợ. Công tử đừng có buồn nếu công tử mà biết giữ cho trọn đạo rể con, thì có lẽ nào lão lại quên lời hẹn ước hay sao mà con sợ.

- Thưa nhạc phụ, nhạc phụ thương con, nhạc phụ nói như vậy, chớ con nghĩ nếu nhạc phụ với nghiêm đường của con mà không hòa, thì hai trẻ có thế nào hiệp được. Xin nhạc phụ xét lại giùm cho con.

- Lão đã nói gả con thì lão gả, còn biểu lão xét việc gì nữa?

- Thưa nhạc phụ, nếu nhạc phụ thiệt có lòng thương con muốn cho Tấn Tần hòa hiệp, thì con xin nhạc phụ phải làm sao cho bề trên đừng có hờn giận nhau nữa kìa, chớ hai cha thù nhau thì hai con có thế nào mà hiệp nhau được.

- Lão giận cha của công tử vô công mà đắc thưởng, nên lão nói như vậy đó mà thôi, chớ lão có thù oán chi đâu.

- Thưa nhạc phụ, dầu nhạc phụ không kết thù kết oán nhưng mà nghiêm đường của con bị nhục, thì có thế nào mà phui pha cho được. Con xin nhạc phụ, như muốn giải hòa, thì nhạc phụ chịu phiền qua dinh nghiêm đường của con mà dã lã cáo lỗi ít lời, cho nghiêm đường của con hết giận, được như vậy thì con đội ơn nhạc phụ lắm!

Quan Thái úy vừa nghe tới đó thì ông nổi giận, nên ông trợn mắt, vỗ bàn mà nạt rằng: Bớ Thanh Tòng, mi biểu lão như muốn gả con cho mi, thì phải qua mà xin lỗi cha mi hay sao? Cha. chả, sao mi dám khi lão đến thế vậy hứ? Thử mi về mi biểu thằng cha mi qua đây mà lạy lão coi lão có hết giận hay chưa mà, sao mi lại dám thêu đòi như vậy?“.

Thanh Tòng lắc đầu đáp rằng:

- Thưa nhạc phụ, con phân như vậy, là con muốn cho Tần Tấn một nhà, chớ nào phải con dám khinh khi nhạc phụ. Nhạc phụ đã không khứng thuận hòa, mà nhạc phụ còn nhục mạ nghiêm đường con thêm nữa,thế thì... con xin lỗi cùng nhạc phụ... con dằn nữa sao cho được?

- Mi không dằn được rồi mi làm sao ta?

- Thưa nhạc phụ, nhạc phụ cũng biết thảo thân là đạo trọng có lẽ nào con bít lỗ tai mà để cho người ta đánh chửi nghiêm đường con hay sao? Nghiêm đường con bị nhục, thì tự nhiên con phải lo báo thù. Thà là con chết, chớ sống mà thất hiếu với cha, sống làm sao được?

- Chà chà! Mi tính báo thù cho cha mi! Mi muốn tranh hơn thua với lão phải không? Hứ! Rất đỗi thằng cha mi, lão còn đánh gãy răng; mi là đồ con nít, tài cán gì mà nói phách?

- Con người có phải hễ lớn tuổi là hay đâu. Vậy chớ nhạc phụ quên câu tục ngữ Khôn từ thuở nên ba, dại già đời cũng dại hay sao?

Quan thái úy nghe mấy lời thất kỉnh ấy thì ông giận run. Ông vùng đứng đậy chụp lấy cây giản rồi nhắm ngay đầu Thanh Tòng mà đập. Thanh Tòng vừa rút cây độc kiếm mà đỡ vừa nhảy tránh một bên. Vì quan Thái úy đập mạnh quá, mà Thanh Tòng đỡ cũng cứng, nên cây giản bạt một bên rồi xàng xuống trúng thạch bàn, gãy làm hai đoạn. Quan Thái úy buông cán giản, nhảy lại muốn nắm cổ Thanh Tòng. Thanh Tòng gạt tay ông, rồi hai người đánh quyền với nhau, kẻ qua người lại như rồng bay phụng múa, già đánh trẻ đỡ, như lưỡng hổ giao Phong. Hai người đánh với nhau một hồi, quan Thái úy thấy Thanh Tòng càng đánh sức càng tráng kiện, ông khó hơn được, bởi vậy ông vừa giận vừa quyết giết cho được chàng, nên ông thừa dịp chàng xoàn qua gần gốc cây đại thọ, ông mới nhảy tới đá chàng. Nếu chàng dở, thì chắc cái chưn của ông sẽ đưa chàng vào cây đại thọ mà chết.

May chàng lanh lẹ, chàng thấy chỗ hiểm nghèo ấy, nên chàng trớ khỏi, rồi chàng bắt chưn của ông, chàng đẩy ra một cái, ông té ngửa, đập đầu vào thạch bàn, chàng vừa thấy ông té thì lật đật chạy lại đỡ ông, chẳng dè ông đụng thạch bàn bể đầu chết ngắt. Chàng kinh hãi, bèn ôm ông mà để nằm ngay trên thạch bàn.

Buổi sớm mai ấy, nàng Lệ Bích xẩn bẩn ở trong Phòng. Nàng đứng dựa cửa sổ ngó ra hoa viên, thấy trăm hoa đua nở dường như chào khách thuyền quyên, rồi lại thấy cặp se sẻ chéo chét trên nhành, dường như tỏ bày tâm sự, nàng sanh cảm hứng trong lòng, nên lấy viết mực tính làm một bài phú, trước tả tình chơi, sau thưởng cảnh luôn thể. Nàng vừa mới ngồi lại sửa soạn mà viết thì con thể nữ, tên Xuân Lan, hơ hải chạy vào báo rằng: Bẩm công nương chẳng biết có việc chi bất bình, mà cụ lớn với Thân công tử đánh nhau sau lâm viên.

Nàng Lệ Bích nghe mấy lời thì biến sắc, quăng viết đứng dậy rồi chạy theo Xuân Lan mà ra lâm viên. Vừa ra tới võ trường, nàng thấy cha nằm trên thạch bàn thì sợ hãi, lật đật chạy riết lại ôm cha. Chừng nàng biết cha đã chết rồi, thì nàng đau đớn quá, nên đồng khóc nghe rất thảm thiết.

Thanh Tòng đứng nép dựa vào gốc cây, tay còn cầm cây độc kiếm, nhưng mà vì lỡ tay rồi chàng ăn năn quá nên hai hàng nước mắt chảy ròng ròng.

Lệ Bích ôm cha mà khóc một hồi, rồi nàng tức giận đứng dậy kêu quân hầu mà hỏi rằng: Công tử Thanh Tòng đến đây mà giết cha ta phải không? Sao bây không bắt nó cho ta, bây lại thả cho nó chạy đi?

Thanh Tòng bước ra quì trước mặt Lệ Bích, hai tay nắm cây kiếm mà đưa lên và nói rằng: Tội tôi đáng chết. Xin nàng lấy cây kiếm nầy mà báo thù cho cha.

Lệ Bích thấy Thanh Tòng thì giận run, quyết giết kẻ thù mà rửa hờn, nên nàng giựt cây kiếm rồi đưa lên muốn chém đầu Thanh Tòng. Mà đưa cây kiếm lên rồi, nàng thấy Thanh Tòng quỳ trơ trơ chịu chết, nàng lại bất nhẫn, không đành hạ thủ, nàng đứng ngó chàng trân trân, hai người nhìn nhau, cả hai đều rơi lụy, song không nói được một tiếng chi hết. Nàng ngó chàng một hồi rồi xui xị, quăng cây kiếm và kêu quân mà biểu đuổi Thanh Tòng ra khỏi cửa cho mau.

Thanh Tòng và khóc và lượm cây kiếm mà đi ra.

Lệ Bích hiệp với thể nữ mà đem thây cha vào dinh.

CHƯƠNG 4 -

B

à Thân phu nhơn có một chút con trai, mà con trai của bà lại đích đáng, bởi vậy bà cưng hơn vàng hơn ngọc. Con đi du học gần một năm, bà ở nhà mỏi lòng trông đợi. Nay con trở về, bà mừng hết sức, ngặt vì bà vừa mừng, thì ông lại khiến con phải toan liệu mà trả thù cho ông; mà coi bộ con cũng hâm hở về sự rửa hờn, nó đã nói thà nó chết chớ nó không thể để cho người ta nhục tông môn nó được, nó làm cho bà lo sợ đêm ấy không ngủ an giấc.

Ðã biết bà cũng trọng danh dự của chồng, nghe người ta nhục chồng bà cũng nhục lắm. Ðã biết bà cũng nghe con bà võ nghệ siêu quần, dầu có tranh đấu với ai bà cũng không mấy gì sợ. Ngặt vì người thù là quan Thái úy Lê Niệm, là cha của nàng Lệ Bích, mà lại là một vị đường đường danh tướng tại triều. Ví như con của bà tranh đấu mà thắng được người thì việc oán thù càng thêm lớn nữa, tình thông gia chắc phải đứt, duyên con trẻ chắc là phải rã rời. Mà thắng làm sao cho nổi! Con của bà dầu có tài cao sức giỏi cho mấy đi nữa nó cũng là con nít, đường thương mũi kiếm sánh sao cho lại bực đại tướng của triều đinh. Ví như nó có sa cơ bị giết đi rồi, thì cái họa càng to, bao nhiêu sự vui vẻ của bà thuở nay, trong giây phút hóa ra sầu thảm hết thảy.

Bà nằm trằn trọc lo sợ như vậy nên bà ngủ không được. Ðến sáng bà có ý đợi Thanh Tòng vào hậu đường bái kiến đặng bà kiếm lời mà khuyên giải nữa. Bà ngồi đợi đến trưa mà cũng không thấy chàng vào. Bà bèn dạy một đứa thị tì ra đòi công tử vào nghe bà dạy việc. Cách một hồi thị tì trở vào bẩm rằng công tử cỡi ngựa đi chơi từ hồi sớm mai, nên không có ở ngoài tiền đường.

Thân phu nhơn nghe nói, bà sửng sốt. Bà hỏi:

- Con ta đi với ai, hay là đi một mình.

- Bẩm bà, chú Tô Hộ nói công tử đi có một mình.

- Úy! Còn hai anh em họ Ðinh ở đâu?

- Bẩm bà, hai người khách ngồi ngoài trước.

Bà chắc lưỡi lắc đầu, đứng dậy đi vào phòng kêu quan Tả Tướng mà nói rằng: „Con mình nó qua dinh Thái úy rồi ông à. Ông thấy chưa? Tại ông xúi nó, nên mới sanh chuyện như vậy đó! Làm sao bây giờ?“

Quan Tướng quốc bị té gãy răng nên miệng ông đau, song ông nghe bà kêu mà nói như vậy thì ông vội vã ngồi dậy mà bước ra ngoài. Ông thấy bộ bà kinh khủng khóc lóc thì ông nói rằng: Bà rộn ràng quá! Con nó đi thì đi chớ sao. Nó chết rồi hay sao mà bà khóc?

Thân phu nhơn đã lo sợ hết sức mà bà còn nghe lời quở nữa, bởi vậy bà lấy làm phiền lòng. Bà không thèm đáp với ông; bà ngồi ra ghế rồi hối thị tì ra đòi Tô Hộ vào cho và dạy việc. Tô Hộ bước vào bà liền hỏi rằng:

- Cậu của con đi đâu?

- Bẩm bà, cậu con đi chơi, mà không có nói đi đâu.

- Con phải mau mau bắt ngựa cỡi qua dinh Thái úy mà kiếm cậu con. Hễ gặp thì thưa với cậu con phải lập tức trở về cho bà biểu. Ði cho mau đi con.

Tô Hộ vừa mới xá mà lui ra, thì công tử Thanh Tòng bước vô, lưng còn đai cây độc kiếm. Thân phu nhơn ngó thấy con thì bà mừng quýnh, nên bà la lên một tiếng rồi lật đật chạy lại nắm tay con. Thanh Tòng thấy cha mẹ thì chàng nói rằng: Thưa cha con đã báo thù... cho cha rồi! Tiếng nói rất nhỏ, mà giọng lại buồn thảm lắm. Quan Tướng quốc ngước mặt nhìn con rồi ông gặt đầu nói rằng: Con như vậy mới phải là con nhà tướng.

Còn Thân phu nhơn nghe con nói mấy lời thì bà sửng sốt, bà ngó con trân trân mà hỏi nhỏ nhỏ rằng: Té ra con đã giết quan Thái úy rồi hay sao? Thanh Tòng cuối đầu lặng lẽ, hai hàng nước mắt nhễu giọt.

Quan Tướng quốc biết con vì trọng chữ hiếu mà phải khổ nỗi tình, bởi vậy ông không dám hỏi cho con cặn kẽ việc đấu tranh, ông liền khuyên con ra tiền đường mà hầu chuyện với khách.

Thanh Tòng bái cha mẹ mà lui ra rồi, thì Thân phu nhơn bèn hỏi quan Tướng quốc rằng: Nó trả thù nhà được rồi, bây giờ căn duyên nó mới liệu làm sao đây?

Ông ngồi lặng thinh không trả lời. Bà hỏi tiếp rằng: Quan Thái úy là một vị trụ quốc công thần. Con mình nó giết đi, thì làm sao mà khỏi tội? Quan Tướng quốc nghe phu nhơn hỏi tới câu đó thì ông đã không đáp mà ông lại đứng dậy bỏ đi vào phòng mà nằm.

Chiều có chiếu vua đòi ngày mai các quan văn võ phải vào chầu vua trước An Thái điện. Quan Tướng quốc biết vua đòi chầu đây chẳng có việc chi khác hơn là việc quan Thái úy Lê Niệm. Nhưng mà ông không lo sợ chi hết, ông cứ tịnh dưỡng tinh thần, nghỉ an thân thể đặng dầu vua có bắt tội, thì ông sẽ kể hết mọi việc cho vua nghe.

Sáng bữa sau, trời mới vừa mờ mờ đất thì quan Tướng quốc mặc triều phục mà đi chầu vua. Ðến trước An Thái điện thì thấy bá quan văn võ đã tề tựu đủ mặt, ai cũng chào ông, nhưng mà không ai dám hỏi thăm việc của ông với Lê Niệm.

Mặt trời ló mọc, hướng đông một vùng đỏ lòm. Vua Thánh Tôn ở trong cung chậm rãi bước ra, leo lên ngai vàng, bá quan thảy đều quì trước điện mà tung hô vạn tuế.

Vua bèn phán rằng: Trẫm nghe hôm qua quan Tả tướng Quốc Thân Nhơn Trung xúi con là Thanh Tòng lén vào hoa viên mà thích tử quan Thái úy Lê Niệm. Việc đó quả thiệt như vậy hay không? Quan Hình bộ Thượng thơ hãy tấu cho trẫm nghe tường tất thử coi.

Quan Hình bộ Thượng thơ Trịnh Công l.ộ liền tâu rằng: Muôn tâu Bệ hạ, số là hôm bữa tại triều Bệ hạ gia phong cho ông Thân Nhơn Trung làm Tả Tướng quốc. Khi bãi chầu, bá quan lui ra tới Ngọ Môn, ông Lê Niệm cung hạ ông Thân Nhơn Trung, song ông có nói chơi một hai tiếng mà ghẹo nhau, chớ ông không có ý kiêu ngạo hay là ganh ghét chi. Ông Thân Nhơn Trung nhột nhạt nên ông đáp lại có nặng lời một chút, rồi hai ông gây với nhau. Kẻ hạ thần với quan Thượng thơ Bộ Lại xúm lại can gián, rồi chúng tôi chia nhau mà đưa hai ông về dinh. Quan Thái úy đã êm rồi, không hờn giận chi hết. Quan Tướng quốc lại cố oán, ông về nhà xui công tử, là Thanh Tòng, xách gươm qua dinh Thái úy lén chun vào hoa viên mà núp, đợi quan Thai úy thừa nhàn đi xem hoa, Thanh Tòng trong bụi bèn nhảy ra thình lình mà thích quan Thái úy

Vua Thánh Tôn nghe tâu như vậy thì châu mày, liền hô hộ vệ quân phải đi bắt Thanh Tòng dẫn đem trước bệ rồng đặng vấn tội. Mấy mươi hộ vệ quân đồng dạ một tiếng rồi rần rần kéo nhau đi ra.

Quan Tả Tướng quốc thung dung quì ngay trước điện mà tâu rằng: Muôn tâu Bệ hạ, cái tội giết quan đại thần, thì lão phu cam chịu dầu Bệ hạ dạy chết cách nào thì lão phu cũng vưng hết thảy. Nhưng mà trước khi chết, lão phu mong ơn Thánh thượng cho phép lão phu tâu hết mọi việc cho Thánh thượng tường, chớ lấy lời của quan Hình Bộ mới tâu đó thì không thiệt chút nào hết. Vả lão phu với quan Thái úy có tình thông gia, có lẽ nào khi không mà lão phu lại xúi con giết cha vợ nó. Vả lại con của lão phu tuy niên thiếu, nhưng mà nó cũng là con nhà tướng, có lẽ nào nó lại rình mò mà giết người.

“Số là quan Thái úy có tánh lỗ mãng mà lại háo thắng nữa. Người thấy lão phu được Thánh thượng gia phong quyền tước thì người ganh, nên khi bãi chầu, người đón lão phu nơi Ngọ Môn mà nhục mạ lão phu, có trước mặt quan Lại Bộ và Hình Bộ đều nghe thấy. Lão phu nhịn nhục hết sức mà người cũng không nghĩ tình, cứ mắng nhiếc hoài, rồi ỷ sức mạnh lại đánh đạp lão phu té gãy hết một cái răng. Tang còn đây, chứng có đó, xin Thánh thượng thẩm xét lại cho lão phu nhờ. Ở đời ai cũng có danh dự nấy. Lão phu là văn thần mà lại già yếu, lão phu bị nhục mà không thể rửa nhục được. Con của lão phu tự nhiên nó phải thay thế cho lão phu mà báo cừu đặng giữ danh dự cho tông môn nó. Nó đến ra mắt quan Thái úy, cha vợ chàng rể phân phải trái với nhau minh bạch; tại quan Thái úy không biết lỗi nên tự nhiên con của lão phu nó phải tranh đấu. Sự đánh nhau, ai giỏi thì sống, ai dở thì thác. Tại quan Thái úy dở nên chết thì chịu. Nếu con của lão phu nó dở nó chết thì nó cũng chịu. Theo luật nước hễ giết quan đại thần thì có tội, vậy lão phu xin chịu cái tội ấy, bởi vì Thanh Tòng nó là con nít, nó không thông phép luật triều đình. Lão Phu là cha, lão phu đã không biết dạy con, mà lại còn xúi con phạm luật nước, ấy vậy lão phu chết thế cho con thì là phải. Mong Thánh thượng thẩm xét lại cho trẻ thơ nhờ “

Quan Tướng quốc tâu vừa dứt lời, kế có hai con thể nữ dắt nàng Lệ Bích vào trước sân chầu, Lệ Bích đến trước điện nằm lăn mà khóc và xin vua lấy luật nước mà trị tội quan Tướng quốc, là người không biết dạy con và xúi con loạn luân tranh đấu với nhạc phụ. Vua dạy Lệ Bích ngồi dậy, lấy lời chánh đáng mà an ủi rồi khuyên nàng hãy về dinh mà lo báo hiếu. Lệ Bích vung lịnh vua, nàng vừa đứng dậy mà trở ra, thì hộ vệ quân dắt Thanh Tòng về tới. Nàng thấy Thanh Tòng thì châu mày rồi dần dà đứng lại, có ý lóng tai nghe thử coi vua phân đoán lẽ nào.

Quân dắt Thanh Tòng đến qùy trước điện. Vua phát nộ, quở trách Thanh Tòng sao cả gan dám giết một vị trụ quốc công thần, không kể mạng vua, không tuân phép nước. Vua khoát nạt một hồi rồi truyền lịnh cho hộ vệ quân dẫn Thanh Tòng ra ngoài thành mà chém.

Hộ vệ quân rút đao áp lại bắt Thanh Tòng mà dẫn đi. Lệ Bích dòm thấy thì biến sắc; chừng quân dẫn Thanh Tòng đi ngang qua trước mặt, thì nàng té xỉu, hai thể nữ phụ đỡ nàng rồi để ngồi dựa cửa cho nàng nghỉ.

Quan Binh bộ Thượng thơ Lê Thọ Vực chạy theo kêu hộ vệ quân mà nói rằng: Quân bây đừng có tháo thứ. Thánh thượng nóng giận ngài phán như vậy đó thôi. Bây đem ra cửa thành rồi chờ ta tâu đi tâu lại một đôi lời đã chớ đùng có hạ sát. Nếu bây bất tuân lịnh ta thì ta chém đầu hết thảy. Binh bộ Thượng thơ dặn như vậy rồi, ông bèn trở vô qùy mà tâu với vua rằng: Muôn tâu bệ hạ, luật của triều đình lập ra thì để mà chế trị muôn dân. Ai phạm luật thì phải thọ tội theo luật. Thanh Tòng giết quan đại thần, theo luật thì phải chém đầu mà đền tội. Nhưng mà kẻ hạ thần xem trong buổi nầy người Trung Quốc đương chống gươm mà ngó, hầm hầm muốn nuốt nước ta; dân Chiêm Thành chưa chịu qui hàng, nghe tin đã xâm lăng bờ cõi. Thanh Tòng tuy nhỏ tuổi nhưng thiệt là đệ nhứt anh hùng. Cái tài nầy là tài hữu dụng của nước nhà; nếu Thánh thượng gia hình, thì uổng mất một trang hào kiệt. Ngửa mong Thánh thượng vì giang san xã tắc mà rộng suy xét lại, dầu cho Thánh thượng có chém Thanh Tòng đi nữa, thì quan Thái úy cũng đã mất rồi.

Vua nghe tâu thì châu mày, còn đương bàng hoàng thì quan Tả Tướng quốc quỳ mà tâu rằng: Muôn tâu Thánh thượng lời tâu của quan Binh bộ thiệt rất phải. Quan Thái úy là một đứng đại anh hùng trong nước, Thanh Tòng nó thắng được, thì tài của nó là tài hữu dụng có ngày. Người ta thường nói gà già nuôi tốn thóc, phụng con quí nhờ lông. Lão phu đây là một con gà già, còn Thanh Tòng đó là một con phụng nhỏ. Vậy lão phu xin thọ tội thế cho con, đặng lưu cái tài hữu dụng mà bồi đấp xã tắc giang san. Ngửa mong Thánh thượng nhận lời nếu được như vậy thì lão phu hạnh thậm[1], mà nước nhà cũng hạnh thậm.

Thánh Tôn còn dụ dự, bỗng có người dưng biểu của quan Ðô Tổng binh đạo Thuận Hóa tâu rằng: Trà Phi với Trà Na là con của vua Chiêm Thành Trà Toàn, dẫn hơn hai vạn binh ròng đánh phá đạo Thuận Hóa. Vì binh ít, quan Ðô Tổng binh Thuận Hóa chống cự không nổi, nên phải rút chạy về Nghệ An, và xin triều đình chọn tướng phát binh xuống Nghệ An cho gấp mà bình giặc.

Vua xem biểu xong rồi, liền trao cho quan Binh bộ Thượng thơ Lê Thọ Vực mà hỏi bây giờ phải sai tướng nào đi bình giặc Chiêm Thành.

Ông Lê Thọ Vực tâu rằng: Quan Thái úy Lê Niệm khi còn sanh tiền thì tài đã cao mà danh lại lớn, bởi vậy khi ông cầm binh đi đến đâu thì giặc khiếp oai bỏ giáo qui hàng. Nay ông đã mất lộc rồi, trong triều coi chẳng còn ai đủ tài cầm binh dẹp loạn được. Vả Thanh Tòng tuy nhỏ tuổi và có tội song người ấy vẫn có lược thao gồm đủ, văn võ toàn tài. Vậy xin Thánh thượng rộng lượng lấy nghĩa làm oai, miễn tử cho chàng và sai chàng cầm binh dẹp giặc mà đái công thục tội.

Vua Thánh Tôn khen phải, liền hạ lịnh đòi Thanh Tòng trở vào chầu vua. Khi Thanh Tòng vào quì trước điện rồi, vua mới phán rằng: Thanh Tòng, tội của ngươi là tội trọng, lẽ thì trẫm phải chém bêu đầu, mà răn chúng. Nghĩ vì quan Binh bộ Thượng thơ kiệt lực can gián, lại trong lúc có giặc nếu chém tướng thì bất lợi, nên trẫm thứ tha cho ngươi một phen. Vậy ngươi phải thống lãnh hai vạn quân vào Thuận Hóa mà dẹp giặc Chiêm Thành. Nếu ngươi thắng trận trở về thì trẫm sẽ xá tội và cho phép ngươi kết duyên cùng Lệ Bích. Còn nếu ngươi thất bại, thì trẫm sẽ chiếu luật thi hành, không dung thứ nữa. Ngươi phải thân ý trẫm.

Thanh Tòng khấu đầu lạy tạ và nguyện sẽ bắt Trà Phi và Trà Na đem về chuộc tội. Vua phát ấn lịnh rồi bãi chầu. Bá quan lật đật lui ra ai cũng vui mừng, duy có quan Hình bộ Trịnh Công Lộ một mình đi đằng sau, lòng bất bình lộ ra ngoài sắc mặt.

Bá quan về hết rồi mà nàng Lệ Bích hãy còn ngồi trân trân dựa cửa. Hai con thể nữ của nàng là Xuân Lan và Thu Cúc bèn đỡ nàng đứng dậy và mời nàng về, Lệ Bích đứng ngó dáo dác rồi hỏi Xuân Lan rằng:

- Bãi chầu rồi hay sao con?

- Thưa, đã bãi chầu rồi.

- Bệ hạ dạy chém Thân công tử vậy mà đã chém rồi chưa?

- Thưa công nương, có chém giết chi đâu mà công nương hỏi. Lịnh Bệ hạ đã tha Thân công tử rồi, vậy chớ công nương ngồi đây mà công nương không thấy sao?

- Hả? Bệ hạ tha công tử rồi. Ðã dạy chém mà sao lại tha đi? Té ra bệ hạ tha Thân công tử mà chém quan Tướng quốc phải hôn con?

- Thưa, không có chém ai hết. Quan Tướng quốc nài xin thế mạng mà Bệ hạ không chịu.

- Ủa? Vậy chớ giết người ta rồi bây giờ cha con đều khỏi tội hết sao. Cha chả là ức nầy! Cái thù của cha tôi, tôi biết làm sao mà trả đặng...

Lệ Bích nói tới đó rồi ngồi xuống ôm mặt mà khóc. Thu Cúc lật đật lấy khăn lau nước mắt cho nàng, khĩ khằm nói rằng:

- Hôm qua sao công nương không chém phứt Thân công tử cho rồi, ai biểu công nương tha làm chi. Người thù mà vị tình nỗi gì.

- Nầy con, Thân công tử đành lòng thích tử phụ thân ta, người như vậy thì còn tình gì mà vị. Hôm qua ta muốn giết phứt cho rồi, ngặt vì lúc đưa gươm lên ta thấy người đã biết lỗi nên quì mà chịu chết, trong lòng ta bất nhẫn, nên ta không nỡ hạ thủ chớ phải ta vị tình vị nghĩa chi đâu.

- Nếu công nương không vị tố sao công nương đến đây không xin với Bệ hạ chém Thân công tử mà lại nài xin làm tội quan Tướng quốc, rồi chừng Bệ hạ truyền chém công tử, thì công nương lại bất tỉnh nhơn sự té xỉu trong mình con?

- Không phải ta vị tình. Ta đến đây, ta không muốn buộc tội Thân công tử ấy là tại ý ta muốn cho Thánh thượng thấy cái lý mà phân đoán. Thân công tử với phụ thân ta có thù oán chi nhau đâu. Tại quan Tướng quốc xúi con nên mới sanh sự. Vì vậy nên ta mới xin Thánh thượng làm tội Tướng quốc chớ. Còn sự ta nghe xử tử Thân công tử mà ta kinh tâm đó, là tại ta có lòng nhơn từ ta thấy quân rút đao áp bắt một người thì ta động lòng đó mà thôi. Con nói Bệ hạ tha Thân công tử, thiệt như vậy hay không con?

- Thưa công nương, tha mà chưa tha thiệt.

- Sao vậy?

- Số là khi bệ hạ dạy chém Thân công tử, thì có quân ngoài ải đem biểu về dưng lên nói rằng: ChiêmThành cử đại đội hùng binh đánh lấy châu quận nhiều lắm. Quan Binh bộ Thượng thơ tâu sao đó không biết, mà lịnh Bệ hạ bắt Thân công tử trở lại, rồi Bệ hạ truyền cho công tử phải đem binh đi dẹp giặc, nếu thắng thì Bệ hạ sẽ xá tội và cho kết duyên tơ tóc với công nương, còn như thua thì Bệ hạ sẽ trảm quyết về cái tội giết đại thần và tội cầm binh để thất bại.

Lệ Bích vừa nghe nói nàng vừa đứng dậy, rồi vịn vai hai thể nữ lần bước về dinh. Nàng và đi và nói rằng: Giặc Chiêm Thành là giặc dữ, Thân công tử còn nhỏ tuổi quá không biết có đủ tài mà dẹp nổi hay không?

Xuân Lan bèn đáp rằng:

- Thân công tử là người bạc tình bội nghĩa, đi đánh giặc có chết cũng đáng, công nương lo mà làm chi?

- Ðã biết Thân công tử bây giờ là người thù của ta. Nhưng mà không lẽ ta vì cái thù riêng mà trù cho người bị hại. Huống chi cái thù của phụ thân ta, ta chưa trả đặng nếu người ra trận mà chết thì còn đâu ta báo thù...

- Công nương có lòng nhơn, công nương không nỡ cầm gươm mà giết. Ví như giặc nó giết giùm cho công nương thì là may, chớ có hại gì?

- Con đừng có nói dại như vậy. Thân công tử là người thù riêng của ta, còn quân Chiêm Thành là bọn nghịch với triều đình. Thà ta giết công tử, chớ lẽ nào ta lại ước mong quân ấy giết thế cho ta.

Hai thế nữ không còn lời mà cãi nữa. Ra tới ngọ môn bèn đỡ Lệ Bích lên kiệu mà về.

CHƯƠNG 5 -

Q

uan Tả Tướng quốc đi chầu vua, phu nhơn ở nhà lo sợ hết sức. Ðến chừng hộ vệ quân áp tới bắt Thanh Tòng mà dẫn đi, thì bà ngã lăn mà khóc, hết trông thấy mặt con nữa!

Ðinh Long và Ðinh Hổ không hiểu việc chi hết, thình lình thấy quân bắt người bằng hữu của mình thì nóng lòng, nên biểu Tô Hộ dắt đường đặng đi theo coi lành dữ thế nào. Ði tới ngọ môn, quân không cho hai anh em họ Ðinh với Tô Hộ vào, nên ba người phải đứng ngoài mà ngóng: Ðinh Hổ tánh nóng nảy, bị quân cản chàng lấy làm tức giận, nên đứng không yên chỗ, cứ đi tới đi lui, mà cặp mắt coi lườn lườn.

Cách một hồi quân dẫn Thanh Tòng trở ra. Anh em họ Ðinh nghi việc chẳng lành, nên dắt nhau đi theo, còn Tô Hộ thì chạy riết về dinh mà báo tin cho Thân phu nhơn hay.

Ra khỏi cửa thành, thiên hạ chạy theo coi đông nức. Quân hộ vệ để Thanh Tòng đứng giữa, còn chúng nó bao chung quanh, để đứa nào cũng cầm dao trần sáng dới. Ðinh Long và Ðinh Hổ chen với những người đi coi mà đứng vô vòng trong, mắt ngó quân hộ vệ lườm lườm, coi bộ hễ quân mà động đến Thanh Tòng thì ắt chẳng khỏi để hai người làm dữ. Té ra quân không chém mà một hồi lâu rồi lại có người đem lịnh ra dắt Thanh Tòng trở vô. Anh em họ Ðinh cũng đi theo vô trước ngọ môn đứng lóng ngóng chờ nữa.

Ðinh Hổ bước lại hỏi nhỏ Ðinh Long rằng: Nó đem vô trong nó chém, mình ở ngoài nầy làm sao mà hay đặng. Ði nhấu[1] vô trong coi nào. Ðinh Long khoát tay lắc đầu, Ðinh Hổ châu mày trợn mắt coi bộ hầm hầm muốn móc họng mấy tên quân giữ cửa.

Cách một hồi lâu, các cơ quan ở trong rùng rùng kéo nhau đi ra. Anh em họ Ðinh ngó lom lom, chừng thấy dạng Thanh Tòng thì trong lòng hớn hở, bởi vậy Thanh Tòng vừa ra khỏi ngọ môn thì Ðinh Hổ chạy lại nắm tay mà nói om sòm rằng: Chớ phải hồi nãy mà mấy thằng quân đó nó động đến công tử thì chúng nó chết hết. Thanh Tòng trợn mắt nạt rằng: Hai anh đừng có nói quấy.

Kiệu của Tướng quốc ra tới, ba anh em đứng nép lại bên đường mà thi lễ, rồi dắt nhau đi theo kiệu mà đi về. Ðinh Hổ cứ theo hỏi duyên cớ làm sao mà quân bắt rồi lại dẫn ra dẫn vô như vậy. Thanh Tòng phải thuật hết mọi việc cho anh em họ Ðinh hiểu. Ðinh Hổ nghe nói Thanh Tòng lãnh cầm binh đi dẹp giặc Chiêm Thành chàng mừng quá, nên theo hỏi chừng nào đi, vua cấp bao nhiêu binh, có cho tướng nào theo giúp sức hay không?

Thanh Tòng mắc trò chuyện với anh em họ Ðinh nên về tới dinh mà không hay. Thân phu nhơn chạy ra mừng chồng mừng con, mà nước mắt nước mũi chàm ngoàm.

Quan Tướng quốc vào dinh thuật sơ lịnh của vua lại cho phu nhơn nghe, rồi dạy con phải lo sắp đặt mà xuất binh cho chóng. Anh em họ Ðinh nhơn dịp ấy mới xin lãnh tiền đạo tiên phong. Thanh Tòng nhận lời và khuyên hai chàng phải tận tâm, trước giúp anh em sau giúp nước. Quan Tướng quốc căn dặn mọi việc rồi lại cho Tô Hộ tùng chinh nữa.

Thanh Tòng làm lễ tế cờ rồi hiệp với anh em họ Ðinh mà tháo luyện quân sĩ. Trong ba ngày đội ngũ sắp đặt an bài. Thanh Tòng dắt Ðinh Long và Ðinh Hổ trở về phủ mà từ biệt cha mẹ đặng xuất binh. Quan Tướng quốc dặn rằng: Nầy con, Thánh hoàng dạy con cầm binh xuất trận đây, song kỳ trung thì cũng là một dịp cho con vực nước cứu dân. Sanh mạng của 2 vạn quân ở trong tay con, mà hạnh phước của nhân dân trong mấy châu hướng nam cũng ở trong tay con. Cái trách nhiệm của con trong buổi nầy thật nặng nề to tát. Vậy xuất binh con phải thận trọng, con phải làm sao cho khỏi uổng công ăn học bấy lâu nay, cho rỡ ràng danh dự của kiến họ Thân, cho quan Binh bộ Thượng thơ khỏi phải bị tội về sự tiến dẫn con giữa triều đình. Con xuất binh, cha mẹ ở nhà trông tin lắm. Con phải gắng lấy.

Thanh Tòng vưng lời nghiêm huấn rồi bái biệt cha mẹ mà lên ngựa đi đến võ đài, đầu bịt một cái khăn màu lục, mình mặc một cái áo võ bào màu huỳnh, lưng thắt một sợi dây đai bạc, tay cầm một cây hoa kích, cỡi ngựa tía, mang giầy lông, mắt sáng như sao, mặt trắng như phấn, coi đã có tướng anh hùng mà lại có vẻ thanh nhã. Hai anh em họ Ðinh mỗi người cỡi một con ngựa kim đi theo sau, người cầm búa, người cầm siêu, oai nghi lẫm liệt.

Ra đến võ trường, Thanh Tòng bước lên đài mà truyền lịnh. Quân mấy đội đều phất cờ gióng trống. Bỗng nghe trên võ đài nổ ba tiếng pháo, rồi quân mấy đội sắp hàng kéo ra đi, hai đạo đi trước có hai cây cờ đề chữ: Ðinh tiên phong còn đại đội đi sau thì cờ đề “Bình Nam Thân Tướng quân.

Quân đi trót 10 ngày vào tới địa giới đạo Thuận Hóa, thì gặp binh Chiêm Thành ở miền trong kéo ra.

Thân Tướng quân bèn truyền lịnh dừng binh, hiệp với Ðinh Long đi xem địa giới thế rồi mới định hạ trại dựa mé núi Kỳ Sơn, đối với binh Chiêm Thành đương đóng tại tràng Thiên Lịch. Tối lại Thân Tướng quân sai Ðinh Hổ đi do thám thế lực của giặc và dặn Ðinh Long phải đi khắp các trại mà tuần phòng.

Vừa bước đầu canh ba, Ðinh Hổ trở về Trung quân báo tin rằng tướng Chiêm Thành đồn binh không có thứ tự không trúng binh pháp. Ðã vậy mà thế giặc coi ơ hờ lắm, dường như chúng nó không dè đã có binh triều đến rồi; nếu nhơn chúng nó không phòng bị mà sai một đạo binh qua cướp trại, thì chắc là toàn thắng. Thanh Tòng lắc đầu đáp rằng: Không nên. Theo binh pháp không nên làm việc cầu may. Sự ơ hờ mà Ðinh huynh xem thấy đó, không biết chừng là cái kế của giặc. Huống chi binh của ta đi trót mười bữa rày, người ngựa đều mệt mỏi. Vậy nên để cho binh nghỉ một đêm nay cho khỏe, rồi mai chúng ta sẽ liệu kế mà phá giặc. Tôi khuyên Nhị huynh phải gia tâm quan phòng thì hơn. Ðinh Hổ nghe nói như vậy, coi bộ chàng không vừa ý nên chàng đáp rằng:

- Chiêm Thành là quân dã man, chúng nó có tài trí gì mà sợ trúng kế. Ngu đệ chắc nếu Nguyên soái cho ngu đệ dẫn bổn bộ binh qua cướp trại, thì ngu đệ sẽ phá giặc nội đêm nay.

- Ðinh huynh chẳng nên nóng nảy. Chúng ta chưa rõ binh giặc bao nhiêu, phân làm mấy đạo. Nếu chúng ta cướp trại, rủi có đạo binh nào khác úng tiếp rồi đoạn đường về thì chúng ta làm sao? Xin hưỡn để sáng mai chúng ta giáp chiến mà thử tài lực rồi sẽ hay.

Ðinh Hổ lui về trại mà trong lòng muốn xuất trận quá, nên ngủ không được. Hướng đông mặt trăng đã ló mọc, dọi cây cỏ vàng vàng. Gió bấc phát thổi lao rao, lay ngọn cờ lúc lắc. Ðinh Hổ ngồi trên lưng ngựa thủng thẳng đi tuần các trại trước. Chàng đi mới qua khỏi hai trại, xảy gặp Thanh Tòng dắt Tô Hộ cũng đi tuần. Hai đàng chào nhau rồi hiệp nhau đi lần qua trảng Thiên Lịch đặng thừa trăng tỏ mà ngó xem trại giặc coi tình hình thế nào.

Trống ở trung quân vừa tỏ canh năm, bỗng thấy bên trại Chiêm Thành quân mã lao xao, mà bên hướng tây lại có một đạo binh đương kéo tới nữa. Thanh Tòng thấy giặc động binh, lật đật hối Ðinh Hổ với Tô Hộ trở về trại, đòi Ðinh Long đến hội diện, rồi phân phát binh mà phòng bị.

Trời vừa mới hừng sáng thì quả thấy Trà Na với Trà Phi dẫn hai đạo binh đến trước trại mà khiêu chiến.

Thanh Tòng truyền lịnh cho Ðinh Long và Ðinh Hồ ra đối địch. Hai bên hỗn chiến từ hồi tảng sáng cho tới mặt trời gần đứng đầu mà chưa phân thắng bại. Thanh Tòng lấy làm lo, vừa muốn kéo đại binh ra tiếp chiến thì bỗng thấy đạo binh của Ðinh Long vỡ chạy rồi đạo binh của Ðinh Hổ cũng chạy theo. Thanh Tòng nổi giận hét lên một tiếng rồi kéo binh xông ra gặp Trà Na đương rượt Ðinh Long, thì chận đường mà giao chiến, Ðinh Long trở lại muốn tiếp chiến với Nguyên soái, Thanh Tòng dòm thấy bèn hô lớn lên rằng: Ðinh huynh hãy theo mà cứu nhị lộ tiên phong, để thằng nầy đây cho tôi.

Thanh Tòng với Trà Na đánh nhau dư trăm hiệp, thương qua kích lại sáng ngời như sao xẹt, kẻ đỡ người đâm mau lẹ như tơ chùm bay. Thanh Tòng thấy Trà Na võ nghệ cao cường liệu thế dùng tài mà đối địch thì khó thắng nổi, bởi vậy chàng trá bại quày ngựa nhắm núi Kỳ Sơn mà chạy. Trà Na huơi thương giục ngựa đuổi theo, Thanh Tòng bèn dùng cái tài phi kiếm là tài riêng của chàng, đợi Trà Na theo gần kịp, chàng mới rút cây kiếm ra rồi nhắm ngay mặt Trà Na mà phóng. Trà Na ơ hờ, cứ lo mà rượt thôi, chớ không dè nguy hiểm, bởi vậy chừng ngó thấy cây kiếm gần tới mặt thì lật đật né mình mà tránh, làm cho con ngựa giựt mình trở qua một bên, Trà Na trật yên té lăn xuống đất. Thanh Tòng quay ngựa trở lại, huơi kích muốn đâm, song thấy kẻ địch còn ngồi dưới đất mà trong tay lại không có khí giới, bởi vậy chàng bất nhẫn không nỡ giết, bèn hô cho quân bắt trói.

Thanh Tòng bắt Trà Na xong rồi chàng dạy Tô Hộ coi cho quân dẫn về trại, còn chàng kéo binh đi tiếp hai anh em họ Ðinh. Binh vừa mới quày đầu, bỗng nghe phía sau núi có tiếng người tiếng trống vang vầy. Thanh Tòng nóng lòng, nên giục ngựa riết tới mà ứng tiếp. Ðại binh tới nơi thì thấy quân Chiêm Thành vỡ tan. Thanh Tòng lấy làm mừng, bèn truyền lịnh các đội xua binh vô mà rượt giặc. Ðến mặt trời chen lặn, Thanh Tòng gióng chiêng thâu quân.

Thanh Tòng vào trướng viết một tờ sớ báo tin cho vua hay rằng mình bắt Trà Na, đã giết Trà Phi và đã đánh tan binh Chiêm Thành, còn đợi chiêu an ít ngày rồi sẽ ban sư[2]. Viết sớ xong rồi chàng bèn cho đòi Tô Hộ vào đưa cái sớ mà dạy rằng: “Tô Hộ ngươi phải mau bắt ngựa cỡi về Kinh, giao cho phụ thân ta, đặng phụ thân ta dưng lên cho Bệ hạ xem. Như phụ thân ta có hỏi thăm việc chinh chiến, thì ngươi bẩm các việc lại cho Phụ thân ta rõ nghé.

Tô Hộ lãnh sớ rồi bái mà lui ra. Thanh Tòng kêu lại và nói rằng:

- Ði đâu mà vội lắm vậy?

- Nguyên nhung dạy tôi phải đi cho mau.

- Có đi mau thì cũng phải chờ cho ta dặn đủ mọi việc rồi sẽ đi chớ.

- Nguyên nhung còn dặn điều chi nữa hay sao?

- Còn... Nầy Tô Hộ việc ta đã dạy người đó là việc công. Bây giờ ta có việc tư, ta muốn cậy ngươi, không biết ngươi có hết lòng làm giùm cho ta hay không?

- Thưa công tử... ủa! Thưa Nguyên nhung, tôi là đạo thần tử, dầu Nguyên nhung dạy chết tôi cũng phải chết, có lẽ nào Nguyên nhung có việc, Nguyên nhung sai mà tôi lại không làm, nên Nguyên nhung ngại.

- Ta muốn gởi một bức thơ riêng về Kinh.

- Tưởng việc chi khó kia, chớ gởi thêm một bức thơ mà Nguyên nhung ngại nỗi gì. Nguyên nhung gởi một trăm bức thơ cũng được, chẳng luận là một bức.

- Nếu vậy thì ngươi chờ ta một chút.

Thanh Tòng cằm bút mà viết thơ viết ít hàng rồi ngồi suy nghĩ, suy nghĩ một hồi rồi rơi nước mắt. Viết xong rồi mới niêm lại mà trao cho Tô Hộ mà nói răng: „Ðây bức thơ nằm đây, hễ ngươi về tới Kinh rồi thì cứ coi chữ đề ngoài bao đó mà giao thơ. Phải giao cho tới tay, chớ đừng có giao chuyền cho người khác mà lạc mất nghé“.

Tô Hộ lãnh thơ rồi bái mà bước ra. Lúc ra gần tới cửa, anh ta đưa thơ lên mà xem, thì thấy ngoài bao đề mấy chữ Lệ Bích quí công nương niệm tình khai khán“.

Anh ta đọc rồi vùng trở vô và nói răng:

- Úy! Cha chả! Việc nầy không được đâu. Bẩm Nguyên nhung, Nguyên nhung không thương tôi nên Nguyên nhung muốn hại tôi. Thà Nguyên nhung dạy tôi đem một trăm bức thơ cho ai tôi cũng đem hết thảy, chớ thiệt bức thơ nầy tôi không dám lãnh.

- Tô Hộ, sao mà ngươi không dám lãnh?

- Bẩm Nguyên nhung, thà là Nguyên nhung dạy đem chém tôi thì tôi chịu, chớ dạy đem thơ cho công nương Lệ Bích thì khó quá!

- Sao mà khó?

- Dạ bẩm Nguyên nhung, từ nhỏ chí lớn tôi không thạo cái nghề đem thơ từ cho đàn bà con gái. Vả Nguyên nhung giết quan Thái úy, công nương Lệ Bích thù oán Nguyên nhung lắm. Tôi láng cháng đem thơ qua phủ đây mang khốn chớ...

- Không có hại chi đâu mà sợ.

- Có hại thì tôi bị hại không sợ sao được?

- Ngươi cứ vưng lời ta. Có chuyện chi ta chịu cho.

- Chịu giống gì! Nguyên nhung còn ở trong nầy, nếu có chuyện chi thì chết tôi, Nguyên nhung đâu có đó mà chịu?

- Ngươi cứ đi đi. Ta đã nói không có sao đâu mà.

Tô Hộ dụ dự, muốn bước ra, mà rồi không đi, lại nói rằng:

- Dạ, xin Nguyên nhung cho phép tôi bẩm vài lời cho Nguyên nhung nghe thử coi có phải hay không.

- Ngươi nói chi thì nói đi.

- Xin Nguyên nhung đuổi quân hầu ra ngoài rồi tôi nói mới được.

Thanh Tòng liền dạy quân hầu lui ra ngoài hết. Tô Hộ bước lại gần mà hỏi rằng:

- Bẩm Nguyên nhung, vậy chớ Nguyên nhung gởi thơ cho công nương Lệ Bích! Nguyên nhung nói việc chi đó? Người ta giận Nguyên nhung nhiều lắm đa, nói lôi thôi đây người ta bắt thơ người ta đem tâu lịnh Bệ hạ không dễ gì đâu.

- Ta không có nói việc chi quan hệ đâu mà ngươi sợ.

- Nếu không có việc chi, thì gởi thơ làm chi? Bẩm Nguyên nhung, tôi trộng tuổi rồi, tuy tôi khôn ngoan không bằng thiên hạ, song cũng biết việc đời chút đỉnh. Phàm con trai muốn nói việc chi với con gái thì nói miệng tốt hơn là gởi thơ. Mình nói miệng, nếu họ không vừa lòng họ rầy thì mình chối được, chớ gởi thơ nếu họ không chịu họ nắm cái thơ họ thưa kiện thì hết chối. Thôi Nguyên nhung muốn nói sự chi thì Nguyên nhung nói với tôi, rồi về tới Kinh tôi ghé tôi nói lại tiện hơn. Tôi lanh lợi lắm mà, Nguyên nhung dạy sao tôi nói y như vậy, không sai sót đâu mà sợ.

- É! Chuyện riêng của ta, mà nhắn với ngươi sao được.

- Ðó vậy mà hồi nãy Nguyên nhung nói rằng không có chuyện chi quan hệ chớ! Còn giấu nữa thôi?... Bẩm Nguyên nhung tôi nghe nói công nương Lệ Bích còn giận Nguyên nhung lắm. Tôi sợ Nguyên nhung có năn nỉ cũng thất công, không có ích chi đâu mà gởi thơ.

- Thì cũng bởi ta sợ Lệ Bích không hết oán ta, nên ta mới gởi thơ chớ.

- Tôi hỏi thiệt Nguyên nhung, vậy chớ bây giờ Nguyên nhung muốn lẽ nào. Nguyên nhung giết quan Thái úy rồi mà Nguyên nhung cũng còn muốn kết duyên Châu Trần với công nương phải hay không?

- Chớ sao.

- Việc đó thì chắc rồi, cần gì Nguyên nhung còn phải lo. Bệ hạ có hứa hễ Nguyên nhung thắng trận thì Bệ hạ xá tội lại tứ hôn nữa. Nay Nguyên nhung thắng trận rồi thì tự nhiên cưới vợ được, có lo gì.

- Tuy lịnh Bệ hạ phán như vậy, mà nếu Lệ Bích hờn ta, nàng không khứng rồi làm sao? Bởi vậy ta mới viết thơ mà phân trần phải quấy với nàng.

- Phải, Nguyên nhung tính như vậy thì phải lắm. Thôi để tôi về trao thơ rồi tôi làm mai luôn. Tôi làm mai giỏi lắm!

- Tô Hộ, vả công nương còn giận ta lắm. Vậy ngươi về tới đó công nương có hỏi về việc chi, ngươi phải lựa lời mà đáp, đừng có nói bậy bạ không nên đa nghé.

- Nguyên nhung tưởng tôi dại sao. Tôi đưa thơ rồi tôi nhắm dèo[3] chớ, hễ coi bộ chịu thì tôi nói dồi[4] vô, còn coi như bộ giận thì tôi mở bét ra, tôi cứ kiếm chuyện xấu của Nguyên nhung tôi nói riết ắt phải được chớ gì?

- È! Người ta giận thì phải kiếm lời mà khuyên giải chớ ngươi kiếm chuyện xấu của ta ngươi nói dồi vô, thì người càng ghét hơn nữa, chớ được nỗi gì?

- Ấy! Nguyên nhung không thạo cách làm mai thì đừng có cãi mà. Người ta giận, tôi kiếm chuyện xấu tôi dồi vô, người ta tưởng tôi một phe, người ta tin, rồi lần lần tôi nói mới được chớ.

- Giỏi! Thôi, hãy đi đi.

Tô Hộ bước ra miệng cười ngón ngoẻn...

Cách hai ngày sau, quan Thủ ngự Kinh lược đạo Thuận Hóa đến khao quân và ra mắt Nguyên soái. Thanh Tòng dặn dò hết lòng lo chiêu an, rồi mới truyền lịnh bạt trại ban sư.

CHƯƠNG 6 -

M

ột buổi sớm mơi, trời trong gió mát, trước thềm hoa cười chúm chím, trên nhành chim hót líu lo. Tuy mùa xuân đã gần tàn, song giai cảnh cũng còn sót chút đỉnh màu xinh đẹp.

Lệ Bích đi với hai con thể nữ ra vườn, nàng đến mấy nơi mà cha hay ngồi xem hoa hứng cảnh, thì nàng nhớ cha nên bồi hồi dạ ngọc bát ngát lòng son. Nàng đi vòng khắp trong vườn rồi trở vô nhà, đốt mấy cây hương cặm trên bàn thờ và rót một chung trà để mà cúng.

Trên bàn thờ ngọn đèn leo lét, khói hương phất phơ, ngoài giá bạc cây cung dây dùn, lưỡi gươm bụi đóng. Phủ rộng lớn, cảnh coi càng hiu quạnh, người đương buồn thấy cảnh lại thêm đau. Lệ Bích muốn khuây lãng, nên dạy thể nữ lấy đồ đem ra cho nàng thêu. Nàng ngồi trên cái ghế dựa cửa sổ, tay với lấy kim chỉ, mà mắt ngó ra ngoài vườn giọt lụy tuôn dầm dề.

Thể nữ Xuân Lan thấy công nương ảo não thì động lòng, nên thỏ thẻ khuyên rằng:

- Thưa công nương, người ở đời ai cũng có cái số phận nấy. Công nương mà gặp cuộc gia biến đây, ấy là tại số trời định như vậy. Xin công nương rán làm khuây mà tịnh dưỡng tinh thần. Nếu công nương buồn rầu hoài, con sợ công nương phải mang bịnh.

- Làm khuây sao được, mà con khuyên làm khuây con? Ta nhớ phụ thân ta chừng nào, ta càng giận công tử Thanh Tòng chừng nấy. Con nghĩ lại đó mà coi, người mần răng mà tệ cha chả là tệ, dầu không nghĩ chút tình, thì cũng phải vì chút nghĩa, chớ có đâu lại đành giết Phụ thân ta đi...

- Thưa công nương, Thân công tử thiệt là tệ lắm mà. Con nói ra sợ công nương buồn thêm, chớ theo ý con thì con chắc Thân công tử không có thương công nương chút nào hết.

- Xuân Lan, sao con chắc Thân công tử không thương ta!

- Nếu công tử mà thương công nương thì có lẽ nào đành thích tử tôn ông bao giờ. Công nương xét lại đó mà coi, có người ở đời ai thương vợ mà giết cha vợ cho được. Mà ví dầu có rủi tay giết lỡ đi rồi, thì cũng phải tính làm sao, chớ có đâu không được một lời phải quấy chi hết.

Lệ Bích ngồi lặng thinh suy nghĩ một hồi rồi gặc đầu nói rằng:

- Ta nghĩ công tử ở bất nghĩa, thiệt ta phiền lắm. Ai mà dè người văn chương như vậy, võ nghệ như vậy mà tánh tình lại như vậy? Ta xét lại thì ta ăn năn mấy lời hẹn ước ngày xưa không biết chừng nào.

- Ối thôi, thứ người bạc bẽo như vậy công nương quên phứt đi cho rồi, còn phiền trách làm chi cho nhọc lòng.

- Ta nói phải quấy mà nghe vậy thôi, chớ ta có thèm phiền trách chi đâu.

Lệ Bích nói tới đó, rồi nàng chống tay vào gò má, ngó sững ra ngoài cửa sổ một hồi lâu rồi day vô mà nói rằng: “Mà nghĩ cho kỹ, nếu mình trách người ta quá như vậy thì cũng không nhằm. Người ta lỡ tay rồi, người ta biết trước lỗi nên người ta quỳ mà chịu tội. Tại mình không chém người ta mà báo cừu cho cha thì thôi, bây giờ còn trách người ta nỗi gì? Còn mình phiền mình nói sao người ta không đến đây mà phân phải trái. Người ta đã lỡ tay giết cha mình rồi, mình hầm hầm đương giận người ta, làm sao người ta dám bước chơn tới đây mà trách.

Xuân Lan chúm chím cười mà đáp rằng:

- Thưa công nương, nếu Thân công tử mà còn nghĩ đến công nương, dầu không dám tới đây, thì cậy mượn người khác đến nói giùm, hoặc gởi thơ mà năn nỉ cũng được, chớ có đâu lại im lìm như vậy?

- Xuân Lan, mình cố chấp quá như vậy thì cũng tội nghiệp cho người ta.

- Công nương còn thương nữa hay sao mà nói tội nghiệp?

- Người ta không thương ta rồi, ta thương làm sao cho được mà hỏi. Ta nói tội nghiệp là vì ta nghĩ khi người lầm lỗi rồi thì kế lịnh bệ hạ sai cầm binh dẹp giặc, người mắc lo chinh chiến, có rảnh rang chi đâu mà lo việc riêng, nên mình trách.

- Trước khi xuất chinh, thì ghé lại đây mà phân phải quấy một đôi lời lại không được hay sao. Mà như có sợ không dám ghé, thì lúc đi đường viết thơ sai người đem trở về cũng được chớ.

Lệ Bích bỏ kim chỉ, đứng dậy đi ra cửa mà ngó mông. Nàng thấy trên nhành một con quạ đương đút mồi cho con ăn, trước thềm một con mèo đực đương giỡn chơi với một con mèo cái. Cái quang cảnh ấy làm cho nàng càng thêm bát ngát, bởi vậy nàng bỏ đi vô, ngồi ngơ ngẩn một hồi rồi hỏi thể nữ rằng: Thân công tử cầm binh dẹp giặc, tính ra đã gần một tháng rồi. Hai con có nghe người thắng bại lẽ nào hay không con?

Xuân Lan bước lại đáp rằng:

- Thưa công nương, hai chị em con mắc hầu hạ công nương có đi đâu ra ngoài được mà nghe. Mà con nghĩ công tử may thắng được, khỏi chết thì nhờ, còn có dở để thất cơ binh, bị chết thì chịu lấy, công nương còn phải hỏi làm gì?

- Chớ chi sự thắng bại mà không can thiệp đến ta, thì ta có hỏi thăm mà làm chi. Ngặt vì ta với Thân công tử đã thệ ước cùng nhau đồng sanh đồng tử, nếu chàng thất bại, Bệ hạ bắt tội chém đi rồi ta mới làm sao!...

- Thưa công nương, việc ấy có can chi mà công nương ngại. Tuy công nương với công tử có thệ ước với nhau, song công tử thích tôn ông, tức thị đã bội ước rồi, còn tình nghĩa chi nữa mà lo thủ ước. Mà thiên hạ ai cũng đều khen Thân công tử văn hay võ giỏi, con chắc công tử đi dẹp giặc không thế nào thất bại đâu.

- Con chắc thế nào Thân công tử cũng không thất bại. Cha chả! Nếu công tử thắng trận khải hoàn, Bệ hạ xá tội rồi dạy ta kết duyên cùng chàng, chữ phụ thù còn đó ta mới liệu làm sao...

Lệ Bích vừa nói tới đó, bỗng thấy có dáng người lấp ló trước thềm. Thể nữ Thu Cúc bước ra hỏi người ấy rồi trở vô thưa rằng: Thưa công nương, có một người chiến sĩ xin ra mắt công nương. Người nói rằng người có một việc cần muốn tỏ với công nương. Lệ Bích gặc đầu rồi dạy Thu Cúc ra mời khách vào. Người khách bước vào bái Lệ Bích và nói rằng mình tên Tô Hộ vốn là chiến sĩ đi theo Bình Nam Tướng quân mà dẹp giặc Chiêm Thành. Nhơn vì có lịnh sai hồi trào, nên mới ghé lại đây.

Lệ Bích châu mày rồi hỏi rằng:

- Té ra tráng sĩ là người tùng chinh, nhơn vì có lịnh sai nên mới trở về Kinh. Thưa tráng sĩ, chẳng hay binh triều bình Nam mà thắng hay là bại vậy người?

Tô Hộ bợ ngợ một chút rồi mới đáp rằng:

- Thưa công nương, không thắng mà cũng không bại.

- Ủa! Phàm đánh giặc, nếu không thắng thì là bại, còn nếu không bại thì là thắng, chớ sao không thắng mà cũng không bại?

- Dạ, bởi vì lịnh Nguyên nhung tôi chưa nhứt định. Tôi nghe Nguyên nhung tôi nói sự thắng bại đều tại công nương, hễ công nương muốn thắng thì thắng, còn nếu công nương muốn bại thì bại.

- Phận thiếp là gái khuê phòng, còn Nguyên nhung của người cầm binh xuất trận. Nơi chiến trường thắng bại là tại Nguyên nhung, cớ sao lại nói tại thiếp.

- Dạ, không biết tại sao mà Nguyên nhung tôi nói kỳ cục như vậy.

- Người nói có lịnh sai người hồi trào, vậy thì người vào yết kiến Thánh thượng, chớ ghé dinh thiếp làm chi?

- Thưa công nương tôi đã nhập trào rồi. Nay tôi ghé đây là vì có một việc riêng:

- Việc chi vậy?

- Dạ, thưa công nương, vả chăng quân Chiêm Thành thuở nay nó sợ cái oai võ của lịnh tôn ông lắm. Chúng nó nghe lịnh tôn ông mất lộc, chúng nó tưởng chẳng còn ai đủ tài cầm binh đối địch, nên chúng nó hành hung nhiễu loạn. Nay lịnh Bệ hạ sai Nguyên nhung tôi cầm binh dẹp giặc, Nguyên nhung tôi hằng hoài vọng tài cao đức trọng của tôn ông, nên sẵn dịp sai tôi hồi trào, Nguyên nhung tôi mới dạy tôi tạm ghé lại đây...

Tô Hộ nói tới đó rồi liếc mắt ngó chúng Lệ Bích. Lệ Bích cũng liếc mắt ngó Tô Hộ rồi hỏi rằng:

- Ghé chi vậy?

- Thưa, ghé xin phép công nương đặng phàn hương cầu nguyện cho linh hồn lịnh tôn ông siêu thăng, gọi là tỏ chút tình kỉnh mến của Nguyên nhung tôi vậy mà.

- Chẳng biết Nguyên nhung là ai, mà có lòng kính mến phụ thân tôi dữ vậy người?

- Công nương không biết hay sao?

- Không.

- Thân công tử Thanh Tòng chớ ai.

Nãy giờ Lệ Bích dằn lòng mà đối đáp với Tô Hộ. Ðến chừng nghe tới tên Thanh Tòng thì nàng không thể dằn nữa được, bởi vậy nàng vùng đứng dậy nói lớn lên rằng: Cha chả! Công tử Thanh Tòng cả gan dữ a! Ðã không kể tự nghĩa, giết phụ thân thiếp đặng mà đoạt quyền cao tước trọng, chưa vừa lòng hay sao, nên còn sai người đến đây mà nhục thiếp nữa! Lệ Bích nói mà coi bộ giận lắm, làm cho Tô Hộ sợ nên lật đật đứng dậy.

Lệ Bích nói tiếp rằng: Tráng sĩ có trở vào Thuận Hóa, xin tráng sĩ nhớ mà nói lại với công tử Thanh Tòng rằng chữ phụ thù thiếp thề chẳng chịu đội trời chung, đã bội nghĩa rồi thì đừng có làm bộ nhơn nghĩa.

Lệ Bích nói mấy lời rồi bỏ đi vô phía trong. Tô Hộ ngơ ngẩn, kiếm không ra lời mà nói, túng thế phải bái Lệ Bích rồi lần lần bước ra cửa.

Chừng chàng ra khỏi cửa, Lệ Bích dạy Thu Cúc kêu trở lại mà nói rằng: Thiếp nói chưa hết lời, tráng sĩ đi đâu mà vội vậy!

Tô Hộ trở vô đứng còm róm và hỏi rằng:

- Dạ, thưa công nương, còn muốn nhắn việc chi nữa hay sao?

- Vậy chớ công tử Thanh Tòng dặn tráng sĩ ghé đây mà nói chuyện chi nữa?

- Nguyên nhung tôi dặn lăng xăng thiếu gì chuyện...

- Nếu có dặn nhiều chuyện khác nữa sao người không tỏ hết cho thiếp nghe, lại lật đật đi về.

- Thưa, tôi mới tỏ có một chuyện mà coi bộ công nương giận lung quá. Nếu tôi kể thêm nữa, thì công nương càng giận thêm, rồi giận lây tới tôi, thêm hại cho tôi chớ ích gì. Thôi, tôi xin phép công nương để cho tôi về.

- Khoan đã, Nguyên nhung của người ở quấy, tôi giận là giận họ chớ người có chuyện chi mà tôi giận. Mời người ngồi nói cho tôi nghe coi họ còn dặn việc chi nữa.

Tô Hộ kéo ghế mà ngồi rồi cười ngón ngoẻn và nói rằng: Thưa công nương, tôi muốn thử ý công nương nên tôi nói chơi vậy thôi, chớ Nguyên nhung tôi có dặn việc chi nữa đâu“.

Lệ Bích châu mày thở ra rồi nói rằng:

- Công tử Thanh Tòng thiệt là tệ. Tráng sĩ nghĩ lại mà coi, người đã hứa hôn cùng thiếp, tuy chưa chung chăn gối nhưng mà lời thệ ước đã nặng nề. Người chẳng vì tình nghĩa, đánh sát tử phụ thân thiếp đi; giết rồi biết thiếp thảm sầu ảo não lắm chớ, song người chẳng có chút đoái hoài, không thèm tới mà nói phải quấy chi hết. Thiếp nghĩ tình đời bạc bẽo, thiệt thiếp ngán ngẩm.

- Công nương trách Nguyên nhung tôi thiệt là đáng lắm! Nguyên nhung tôi đã hứa hôn với công nương, tuy chưa có lễ cưới mặc dầu chớ cũng là nghĩa vợ chồng. Hai ông ở trên có rầy rà với nhau, hai ông làm sao thì làm, mình là phận con rể sao lại nhảy ra binh cha ruột mà giết cha vợ đi. Nguyên nhung tôi làm cái đó thiệt là quấy, tôi không chịu như vậy. Còn việc công nương trách Nguyên nhung tôi từ ngày phạm tội rồi thì bặt âm tín, không có được một lời phải quấy. Việc đó tại sao vậy tôi không hiểu. Nhưng mà tôi có thấy cái nầy, là từ ngày xuất binh đến nay, Nguyên nhung tôi thân thể gầy mòn, khí sắc buồn rầu lắm.

- Buồn lắm hay sao?

- Dạ, buồn quá. Ðể tôi nói hết cho công nương nghe: Khi ở tại Kinh kéo binh ra đi, thì Nguyên nhung tôi coi bộ không vui vẻ chút nào; mà đi dọc đường cũng chẳng thèm nói chuyện với ai, cứ cỡi ngựa đi lục thục đàng sau một mình luôn luôn. Tôi lén dòm coi thì tôi thấy nhiều lúc hai hàng nước mắt nhỏ giọt. Nguyên nhung thấy tôi ngó thì lấy khăn lau nước mắt rồi rầy tôi biểu tôi đi dang ra, không cho tôi đi gần. Ban đêm đồn binh mà nghỉ, quân sĩ đi mệt mỏi, nên ai cũng lo kiếm chỗ mà ngủ, duy có một mình Nguyên nhung tôi lọ mọ thức hoài, cứ ra thở vào than; tôi rình coi thì không thấy làm việc gì, cứ ngồi khóc và kêu „công nương ôi, công nương“. Thức đêm nào sáng đêm nấy, thiệt tội nghiệp quá. Mà phải ngủ không được mà thôi đâu, đã không ngủ mà cũng không ăn nữa mới là khổ cho chớ. Bởi vậy Nguyên nhung tôi bây giờ ốm nhách, còn da bọc xương. Tôi tưởng nếu sầu não hoài như vậy thì ít ngày nữa chắc phải chết. Tội nghiệp quá!

Lệ Bích ngồi rưng rưng nước mắt. Tô Hộ liếc thấy, chàng bèn nói tiếp rằng:

- Thưa công nương, hôm tôi sửa soạn đi đây, Nguyên nhung tôi có kêu mà nói rằng: Tô Hộ, ngươi về Kinh, ta muốn cậy ngươi một việc riêng, không biết ngươi có vui lòng mà giúp cho ta hay không? Tôi nói: Nguyên nhung muốn biểu việc chi cũng được mà“. „Ậy“. Nguyên nhung tôi mới nói: Ta muốn cậy ngươi đem giùm một phong thơ. Tôi hỏi: Ðem cho ai? Nguyên nhung tôi nói Ðem qua dinh quan Thái úy mà trao cho công nương. Tôi nói: Không được, thơ đó tôi không dám lãnh.

- Tại sao mà không dám lãnh?“

- Công nương đương hờn Nguyên nhung tôi; tôi đem thơ từ, như công nương không thương, công nương mắng luôn tới tôi, thì tôi làm sao?

- Thiếp hờn là hờn Thân Nguyên nhung chớ người vô can, thiếp đâu dám vô lễ với người mà người ngại, nên không dám lãnh thơ.

- Lời công nương nói thiệt giống y như lời của Nguyên nhung tôi. Nguyên nhung tôi cũng nói như công nương vậy đó; lại cứ theo năn nỉ cậy tôi hoài, cực chẳng đã tôi phải chịu lãnh.

- Té ra người có lãnh thơ hay sao?

- Dạ, thưa có.

- Vậy xin người trao cho thiếp xem thử coi.

Tô Hộ lật đật thò tay vô áo móc một phong thơ ra mà trao cho Lệ Bích. Lệ Bích lấy phong thơ, coi ngoài bao rồi hỏi vậy chớ Thân Nguyên nhung có nhắn điều chi nữa hay không. Tô Hộ nói không có, rồi lại hỏi Lệ Bích như có hồi âm thì mình sẽ lãnh mà đem về cho Nguyên nhung, Lệ Bích cười gượng mà đáp rằng:

- Thiếp chưa xem thơ, thiếp có biết Nguyên nhung của người nói việc chi đâu mà trả lời.

- Nếu công nương chưa trả lời được, thôi thì công nương nhắn miệng, công nương muốn nói việc chi cũng được mà. Tôi là gia thần cua Thân Nguyên nhung, công nương đừng ngại chi hết.

Lệ Bích để phong thơ trên bàn, bước lại gần bình bông ngắt một cái bông héo mà đưa cho Tô Hộ và nói rằng: Thiếp không có lời chi mà nói với Thân Nguyên nhung hết. Thiếp chỉ xin người làm ơn đem cái bông héo nầy về mà trao cho người, và thưa lại với người rằng: thiếp vì người mà phải khô héo, chẳng khác nào cái bông nầy.

Tô Hộ thấy Lệ Bích và nói và rơi lụy thì chàng lấy làm cảm xúc, nên lãnh cái bông rồi lật đật cáo từ mà lui ra.

Lệ Bích đợi Tô Hộ ra khỏi thềm rồi mới dạy Thu Cúc đóng cửa lại, và dạy Xuân Lan bỏ tấm cháng[1] trước bàn thờ xuống. Nàng vào thơ phòng mở thơ ra thì thấy thơ nói như vầy:

Gái thục nữ đức tài thơm ngát,

Trao anh hùng tình nghĩa nặng nề.

Một nhà dầu loan phụng được dựa kề,

Trăm năm nhắm tóc tơ coi phát lứa.

Ðền Thánh mẫu tình cờ xuôi gặp gỡ,

Chốn thơ phòng trằn trọc luống ai hoài.

Ba sinh dốc kết duyên kết nợ, nối xích thằng[2] cậy mối cậy mai,

Sáu lễ làm theo tiết theo nghi, vào tứ các[3] nạp trưng nạp lễ

Những tưởng vầy duyên cang lệ,

Dè đâu gây cuộc tang thương.

Lang thảo thân nên nguội lửa lạnh hương,

Tiếng bội nghĩa rất buồn tình xót dạ.

Thấy đó oán thù không nỡ trả,

Khiến đây kính mến lại càng thêm.

Vai mang sao than thở chạnh nỗi niềm,

Ðầu đội nguyệt chứa chan dầm giọt lụy.

Hỡi ai là tri kỷ?

Có thấy chút tình chăng?

Nặng chữ đồng nên phải cắn răng,

Nhớ lời hẹn càng thêm hổ mặt.

Ra tài mọn chốn chiến trường đà yên giặc,

Ân tình dài nơi Kinh địa sắp dời chơn,

Công cán thành thì khỏi tội sát nhơn,

Duyên nợ cũ biết có đành xe chỉ.

Xin thục nữ nghĩ tình chung thỉ[4],

Thương anh hùng gánh nặng cang thường

Chốn dương trần dầu phân rẽ hai phương,

Nên âm phủ cũng chung cùng một mộ.

Ngửa xin chiếu cố,

Dung thứ tình si.

Trọn nghĩa tương tri,

Trăm năm hòa hiệp.

Lệ Bích xem thơ rồi thì nước mắt tuôn dầm dề, Xuân Lan muốn kiếm lời khuyên giải, nên bước lại gần mà hỏi rằng: Thưa công nương, Thân công tử gởi thơ nói chuyện chi đó, mà công nương xem rồi công nương lại sầu thảm như vậy?. Lệ Bích lắc đầu, thở ra rồi lau nước mắt mà đáp rằng:

- Thân công tử cho ta hay rằng người dẹp giặc đã yên rồi nay mai gì đây người sẽ về tới. Người năn nỉ xin ta đừng có hờn giận mà tan rã cuộc cang thường, người nói rằng phụ thân ta chết đó là sự rủi chớ không phải người cố ý giết.

- Cha chả kết duyên làm sao được?

- Ta cũng biết như vậy; mà hễ người về đây, Bệ hạ xá tội rồi dạy ta giao duyên, ta biết làm sao?

- À! Còn cái chuyện đó nữa! Khổ thiệt!

- Ta nghĩ thân phận ta thiệt là khổ. Thân công tử là người có thệ ước với ta. Bây giờ đã giết phụ thân ta rồi thì ta kết duyên sao được Mà coi thế không kết duyên cũng không được! Khổ lắm! Ta tưởng có lẽ tay phải chết thì cái khổ nầy mới dứt được.

Lệ Bích nói tới đó rồi nàng khóc. Hai con thể nữ dắt nàng vào phòng cho nàng nằm nghỉ. Ðến chiều dân trong kinh thành xôn xao. Thu Cúc mở cửa ra đường mà hỏi thăm rồi trở vào báo tin cho Lệ Bích hay rằng Thân công tử thắng trận khải hoàn, binh kéo về tới, nên dân sự mừng chen nhau đi coi. Lệ Bích nghe nói thì mừng, nên nàng cười song cười mà hai hàng nước mắt nhỏ giọt. Ðêm ấy nàng trằn trọc, nỗi tình nỗi hiếu ngổn ngang trong lòng, nên nàng than thở hoài, ngủ không được.

Ðến sáng nàng dạy hai con thể nữ sắm hương đăng trà quả đặng cho nàng đi viếng mộ cha. Thể nữ sắm xong rồi, nàng dạy chúng nó đi trước ra ngoài mộ cha, để nàng viết một bài văn tế rồi nàng sẽ theo sau.

Thể nữ đi rồi thì nàng bước lại đứng dựa bên bàn thờ của cha, hai tay vịn cái bàn mà than khóc nghe rất thảm thiết. Nàng khóc một hồi rồi nàng leo lên ghế mà buộc cái khăn chế trên cây kèo nhà; cái mối khăn lòng thòng thì nàng thắt làm một cái vòng rồi đút đầu vô mà tự tử.

Hai con thể nữ ra tới mộ đợi lâu quá mà không thấy công nương, chúng nó mới trở vô mà rước. Khi chúng nó bước vô cửa thì ngó thấy Lệ Bích đương đút đầu vô vòng. Chúng nó kinh hãi, nên la lên: Úy? Trời ơi! Công nương chết! Bớ người ta, làm sao cứu công nương! Công nương ôi!,, Chúng nó và la và chạy vô, áp ôm chân Lệ Bích mà khóc, song không biết làm sao mà cứu.

Thanh Tòng kéo binh về Kinh, nhưng vì không nhằm ngày chầu vua, nên chàng bái mạng chưa được. Chàng về phủ Tướng quốc vấn an cha mẹ, nghe Tô Hộ nói đã trao thơ cho Lệ Bích rồi, lại coi ý nàng còn thương tưởng chàng lắm, bởi vậy sáng bữa ấy chàng tính qua dinh Thái úy mà phân phải trái với Lệ Bích.

Chàng vừa tới cửa thì nghe thể nữ la khóc cầu cứu. Chàng chạy riết vô, thấy Lệ Bích treo tòn ten trên rường, chàng liền nhảy lên ghế rồi rút gươm cắt đứt cái khăn chế mà ôm Lệ Bích xuống rồi đem để nằm trên giường. Nhờ cái vòng thắt không chặt lại cũng nhờ cái khăn chế mềm, nên Lệ Bích khỏi chết, hơi thở còn hoi hóp.

Thể nữ chôn rộn chung quanh, đứa đốt than mà hơ tay hơ chơn, đứa lấy khăn mà lau mồ hôi nước mắt.

Thanh Tòng đứng dựa bên đó, cứ ngó Lệ Bích mà khóc. Cách một hồi lâu, Lệ Bích định tĩnh tâm thần, nàng mở mắt ra ngó thấy Thanh Tòng đứng bên mình, thì nàng nổi giận, nên chỉ tay mà nói rằng: Cha chả! Sao ngươi cả gan dám tới đây? Ði ra cho mau. Ðã giết cha ta rồi, bây giờ còn tới mà giết ta nữa hay sao?

Thanh Tòng và khóc và đáp rằng:

- Công nương phân như vậy thì tội nghiệp cho tôi lắm. Ðôi ta đã nặng lời thệ ước, có lẽ nào tôi nỡ phụ phàng mà giết nhạc gia. Ấy cũng là tại trời khiến cho căn duyên đôi ta phải dở dang, nên mới gây cuộc biển dâu như vậy. Xin công nương bớt giận, để tôi phân hết đầu đuôi cho công nương nghe.

- À thôi. Chữ phụ thù bất cộng đái thiên, ta không thế nào mà thấy mặt ngươi nữa được. Ngươi phải ra khỏi cửa cho mau. Ta không thèm nghe đâu mà phân.

- Công nương ôi! Lời thệ ước...

- Ta biểu nín. Ðừng nhắc lời thệ ước nữa. Ði cho mau. Thể nữ đuổi người ra.

Lệ Bích khoát tay và day mặt vô vách. Hai thể nữ sợ công nương giận rồi làm xung[5] mà sanh họa, nên áp lại đuổi công tử Thanh Tòng đi về. Thanh Tòng không thể tỏ lời chi nữa được, nên chàng khóc và riu ríu bước ra cửa.
Lệ Bích thấy Thanh Tòng bước ra, nàng bèn ngồi dậy ngó theo mà khóc. Hai con thể nữ khuyên nàng hãy nằm xuống mà nghỉ và xin hãy khuây lãng, đừng có hờn giận thảm sầu mà sanh bịnh. Lệ Bích ngồi khóc một hồi rồi nói rằng: Ta khuây lãng làm sao cho được! Lời thệ ước tuy là nặng, nhưng mà oán giết cha thù lại càng sâu! Ta có thế nào mà kết duyên cùng Thân Thanh Tòng cho được. Nay Thân công tử đã thắng trận khải hoàn, chi cho khỏi lịnh Bệ hạ xá tội cho chàng và dạy ta giao duyên. Nếu ngay cùng chúa, thì trái nghĩa cha còn nếu trọn đạo cùng cha thì mất ngay cùng chúa, ta biết liệu làm sao bây giờ? Ta đã nghĩ, ta phải chết, thì mới vẹn toàn được mà thôi.
Thể nữ Xuân Lan bước tới thưa rằng:
- Công nương phân như vậy sao cho phải. Ông bà sanh ra có một mình công nương mà thôi. Nay ông bà mất lộc rồi vậy thì công nương phải sống mà phụng thờ, chớ nếu công nương hủy mình thì còn ai mà báo thù cho tôn ông, còn ai mà lo vùa[6] hương bát nước?
- Nếu ta sống thì lịnh Bệ hạ gả ta cho Thân công tử thì ta làm sao? Ta đã trả thù cho phụ thân ta không được mà ta lại còn phải kết duyên với kẻ thù.
- Nếu lịnh Bệ hạ dạy giao duyên thì công nương đừng chịu, có lẽ nào Bệ hạ nỡ ép công nương phối hiệp với người thù hay sao.
- Bệ hạ đã phán giữa triều rồi, Bệ hạ lấy lời lại sao được. Nếu ta kháng cự, không chịu tuân theo lịnh Bệ hạ thì ta phải bị chết chém còn gì. Vậy thà là ta chết phứt bây giờ, cho đặng ta trọn thảo với cha, mà cũng khỏi trái lịnh vua và khỏi mang tiếng bội ước.
Xuân Lan đứng ngẫm nghĩ một chút rồi thưa rằng:
- Con có một cái kế hay lắm; nếu công nương làm theo kế ấy thì đã khỏi chữ bất trung, mà lại khỏi chữ bất hiếu nữa.
- Kế của con thế nào, đâu con thưa cho ta nghe thử coi?
- Thưa công nương, theo như lời công nương mới nói đó, thì công nương chắc thế nào lịnh Bệ hạ cũng gả công nương cho Thân công tử. Nếu công nương vưng lịnh thì đặng trung mà mất hiếu, còn như trái lịnh thì đặng hiếu mà mất trung. Bây giờ con xin dưng kế như vầy: Công nương bỏ nhà đi lên chốn thâm sơn cùng cốc rồi cải danh diệc tánh mà lánh mặt một ít lâu, đợi chừng nào Thân công tử cưới vợ rồi công nương sẽ trở về mà lo phụng tự ông bà. Công nương đi liền bây giờ thì còn ai đâu mà Bệ hạ tứ hôn, thì công nương khỏi bất trung, ngày sau công nương trở về khỏi bị tội chi hết; chớ nếu công nương ở nhà, Bệ hạ dạy kết duyên mà công nương không chịu thì công nương bị tội nặng. Xin công nương xét coi lời con phân như vậy có phải hay không?
Lệ Bích khen kế của Xuân Lan hay, liền dạy sắm sẵn hành lý đặng trong đêm ấy nàng lánh thân. Nàng định đem Xuân Lan theo mà đỡ tay chân; còn Thu Cúc thì nàng dặn ở nhà phải thay thế cho nàng mà lo đốt nhang cúng nước, ai có hỏi nàng đi đâu thì phải kín miệng, đừng nói lậu cho ai biết.
Tối lại Lệ Bích thay đổi y phục, lấy một cây kiếm mà đeo vào lưng đặng hộ thân, rồi làm lễ bái biệt từ đường Nàng quỳ trước bàn thờ cha mẹ mà than khóc một hồi, rồi dắt Xuân Lan lên đường.
Thiệt là:
Dỡ chơn giọt lụy chứa chan
Nỗi tình nỗi hiếu ngổn ngang trong lòng
[1] bức vải thêu để đi mừng hay đi điếu, bức cháng (hay chướng) điếu dùng làm màn chắn trước bàn thờ
[2] dây đỏ, tơ hồng: mối duyên
[3] tứ=tía, các=gác: gác tía, ý nói nhà phú quí
[4] thủy
[5] những chứng bịnh xảy ra thình lình, do ảnh hưởng tinh thần
[6] dụng cụ đựng đồ làm bằng sọ dừa; nhiều gia đình khá giả, giàu có cũng dùng một cái vùa để cắm nhang trên bàn thờ thay cho lư hương, để tượng trương cho sự đạm bạc, khiêm nhường của chủ nhà
CHƯƠNG 7 -
N
gày rằm tháng hai nhằm ngày đại triều. Bá quan văn võ tề tựu trước điện Thái Hòa mà chầu vua.
Khi vua Thánh Tôn vừa ngự ra, thì quan Binh bộ Thượng thơ Lê Thọ Vực dẫn tướng quân Thanh Tòng vào bái mạng. Vì vua đã có xem cái sớ của Thanh Tòng trước rồi, nên thấy mặt chàng thì vua lộ sắc vui mừng và hỏi thăm việc chinh chiến.
Thanh Tòng quỳ trước điện tâu hết đầu đuôi mọi việc cho vua nghe, rồi dẫn Trà Na vào mà nạp. Trà Na vào tới trước mặt vua mà cũng không chịu quỳ. Vua lấy lời nhơn huệ mà dụ hàng, anh ta lại đối đáp rất vô lễ, làm cho vua nổi giận nên dạy đem ra ngoài thành mà chém đầu.
Trước mặt bá quan, vua tỏ lời khen ngợi tài lược của Thân Thanh Tòng. Y theo lời hứa, vua phán xả tội giết đại thần cho Thanh Tòng, lại phong cho chàng làm chức Kinh sư Ðô Tổng binh và dạy quan Hình bộ Thượng thơ Trịnh Công Lộ thay mặt cho vua mà sắm sửa lễ vật đặng đưa công nương Lệ Bích kết duyên cầm sắt với Thanh Tòng.
Quan Hình bộ Thượng thơ bước ra tâu rằng Muôn tâu Bệ hạ, từ khi Thân Thanh Tòng thích tử quan Thái úy thì công nương Lệ Bích ăn thảm uống hờn, mong cho triều đình lấy lẽ công mà trị tội kẻ vô đạo. Bệ hạ đã không chém Thanh Tòng, mà lại giao cho chàng cầm binh xuất trận. Hạ thần trộm nghe công nương thề quyết chẳng chịu thấy mặt người giết cha mình nữa. Mới đây công nương nghe Thanh Tòng thắng trận khải hoàn, công nương sợ Bệ hạ ép gả cho Thanh Tòng là người thù nên trong lúc ban đêm công nương đã bỏ phủ mà trốn đi mất. Hạ thần bây giờ có biết công nương ở đâu mà gả cho Thanh Tòng được.
Vua Thánh Tôn nghe nói Lệ Bích trốn thì ngài lấy làm bất bình, nên ngài phán rằng: Lệ Bích là cháu của trẫm sao nó dám nghịch ý trẫm. Tội nầy nghĩ khó dung. Vậy trẫm nhứt định thâu tước công nương, từ rày triều đình coi nó như con nhà lê thứ. Nó đi đâu mặc kệ nó.
Quan Hình bộ Thượng thơ liền quì mà tậu nữa rằng: “Muôn tâu Bệ hạ, xin Bệ hạ xét giùm lại cho Lệ Bích. Nàng mà trốn đây nào có phải ý nàng dám trái lịnh của Bệ hạ. Ðã biết Thanh Tòng trước đã có thệ ước với nàng, nhưng mà sau chàng lại trở lòng mà giết cha của nàng đi, thế thì xưa tuy là người nghĩa, song nay vốn thiệt là kè thù. Nếu Bệ hạ định cho nàng phải quên cha mà đi kết duyên cùng kẻ thù thì tội nghiệp cho phận nàng lắm. Ngửa xin Bệ hạ xét lại: Thanh Tòng có tội giết cha vợ, giết quan đại thần, mà nay chàng được lân la nơi bệ rồng, được phong quan tứ tước, còn Lệ Bích không báo oán cho cha được, nay đã lánh mặt ẩn thân, mà Bệ hạ còn thâu tước công nương nữa, thế thì chi cho khỏi người ta dị nghị triều đình không công bình, kẻ có tội lại được hiển vinh, người vô tội lại bị hình phạt.
Vua châu mày phán rằng: Khanh chẳng nên tâu nhiều lời, Trẫm đã thẩm xét tường tất rồi. Quan Thái úy mà chết đó, phần nhiều lỗi tại nơi người, chớ không phải tại cha con quan Thân Tướng quốc. Bởi người đố hiền tật năng[1], lại ỷ tài ỷ lực lắm, nên mới sanh họa như vậy. Ðã biết Thanh Tòng cũng có tội, nhưng mà cái công bình loạn Chiêm Thành đem chuộc tội ấy nghĩ cũng vừa.
Vua lại kêu Thanh Tòng mà phán rằng: Trước trẫm có hứa hễ tướng quân thắng trận thì trẫm sẽ thứ tội mà lại tứ hôn nữa. Chẳng dè con Lệ Bích là gái bất tiếu, nó cứ nê chấp thù cha, nó đã bội ước xưa, mà lại còn nghịch ý trẫm nữa. Nay nó đã bôn đào rồi, vậy thôi thì để trẫm chọn ngày tốt mà gả Công chúa Như Hòa cho Tướng quân sánh đôi loan phụng. Tướng quân khá quên ước cũ để vui cùng duyên mới, cho hiệp với ý trẫm muốn.
Thanh Tòng nghe vua phán như vậy thì sửng sốt trong lòng, nên vội vã quì mà tâu rằng: Muôn tâu Bệ hạ, tội thần đã nặng lời thệ ước cùng Lệ Bích. Vì trời khiến cuộc cồn dâu hóa vực[2], chớ nào phải tội thần toan đoạn nghĩa dứt tình. Nay Lệ Bích vì tội thần mà nàng phải trêu cay nuốt đắng, đạp sỏi dày sương, có lẽ nào tội thần đành vùi lấp tình xưa, mà vui vầy cùng duyên mới.
Vua mới nghe mấy lời thì lộ sắc chẳng vui. Quan Tả Tướng quốc sợ con từ hôn mà mắc tội, nên ngài lật đật bước ra quì mà tâu rằng: Muôn tâu Bệ hạ, nhục nhi là đứa có tội. Bệ hạ vì chút công lao nhỏ mọn mà xá tội tử hình, lại phong quyền tước nữa. Ân đức của Bệ hạ như trời cao, như biển rộng, cha con hạ thần dầu làm thân trâu ngựa trọn trời đi nữa, đền đáp cũng chưa vừa. Nay Bệ hạ lại còn định gả Công chúa cho nhục nhi, ân huệ nầy lại càng lớn hơn nữa, cha con hạ thần càng thêm vinh hiển, bởi vậy cha con hạ thần xin cúi đầu mà thọ mạng. Tuy vậy mà hạ thần ngửa mong Bệ hạ vui lòng cho phép hạ thần tâu thêm một vài lời. Vả Thanh Tòng với Lệ Bích đã có lời thệ ước, từ trong triều ra khắp châu quận ai ai cũng đều hay hết thảy. Nay Lệ Bích buồn rầu vì nỗi cha mất lộc, nên nàng bỏ phủ mà đi chơi. Trước khi nàng ra đi, chắc là nàng không dè Bệ hạ sẽ dạy nàng phải bỏ việc oán thù mà kết duyên cùng Thanh Tòng. Nếu Thanh Tòng mà cưới Công chúa, rồi trong đôi ba ngày Lệ Bích trở về, Thanh Tòng mới liệu làm sao; nó mang tiếng bội ước chẳng nói làm chi, sợ e Công chúa mang tiếng đoạt hôn thì hạ thần khó mà ngồi yên được. Ngửa mong Bệ hạ xét lại, chắc là Lệ Bích không hay Bệ hạ định gả nàng, chớ không lẽ nàng dám trái lịnh Bệ hạ.
Vua ngẫm nghĩ rồi phán rằng:
- Ngày trẫm sai Thanh Tòng cầm binh dẹp giặc, trẫm đã có phán giữa triều, hễ thắng trận khải hoàn thì trẫm sẽ xá tội lại gả Lệ Bích nữa. Lời phán giữa quần thằn, lẽ nào Lệ Bích không hay.
- Muôn tâu Bệ hạ, tuy Bệ hạ phán giữa triều đình, song Bệ hạ không có đòi Lệ Bích mà dạy sự ấy cho nàng biết.
- Dầu trẫm không có phán riêng cho Lệ Bích hay, thì một tháng nay các quan cũng có nói cho nó biết chớ.
- Muôn tâu Bệ hạ, Lệ Bích mắc lo hiếu sự nên không có đi đâu mà các quan cũng không có tới thăm nàng nữa, nên hạ thần chắc là nàng không hay ý Bệ hạ định hôn nhơn cho nàng.
- Khanh muốn thay mặt cho con mà từ hôn, nên kiếm lời mà tâu như vậy, chớ không lẽ Lệ Bích không hay lịnh trẫm phán. Nếu nó nói không dè, nên bỏ phủ mà đi chơi cho khuây lãng sự buồn thì trước kia sao nó không đi, lại đợi Thanh Tòng về tới Kinh đô rồi nó mới trốn. Rõ ràng là nó nghe Thanh Tòng thắng trận khải hoàn, nó sợ trẫm đòi nó mà gả, nên nó lánh mặt trước.
Tội nó nghịch ý trẫm, không thế trẫm dung được. Còn sự trẫm định gả Công chúa Như Hoa cho Thanh Tòng thì trẫm đã quyết rồi, vậy khanh hãy chọn ngày mà cho trẻ làm lễ giao bôi hiệp cẩn.
- Muôn tâu Bệ hạ, hạ thần xin vưng lịnh. Hạ thần dụ dự là vì hạ thần sợ e Công chúa hay rõ việc Lệ Bích rồi Công chúa không vui đó mà thôi.
- Lịnh trẫm đã phán ra rồi, dầu ai vui hay là không vui cũng phải vưng lịnh.
- Muôn tâu Bệ hạ, hạ thần không dám trái lịnh Bệ hạ. Nhưng mà theo trí ngu của hạ thần, thì Bệ hạ nên đình sự gả Công chúa lại một năm, đặng rao khắp các châu quận phải tìm kiếm Lệ Bích. Nếu mãn một năm rồi mà Lệ Bích còn biệt tích, chừng ấy sẽ cho Thanh Tòng giao duyên với Công chúa, làm như vậy thì Thanh Tòng mới khỏi tiếng bội ước và Công chúa mới khỏi tiếng đoạt hôn.
Vua ngồi suy nghĩ một hồi lâu rồi mới nhằm lời tâu của quan Tả Tướng quốc mà đình cuộc hôn nhơn của Thanh Tòng lại một năm, đặng truyền cho các châu các quận tìm kiếm Lệ Bích.
Khi bãi triều, Thanh Tòng về dinh, quan Tả Tướng quốc kêu vào hậu đường mà dạy rằng: Hồi nãy con muốn từ hôn phải hay không? Con đừng có dại như vậy. Nếu Bệ hạ tứ hôn mà con từ, thì con phải mắc tội khi quân. Vì cha sợ con phạm tội nên mới rước mà tâu thế cho con. Nếu trong một năm mà tìm Lệ Bích không được thì con phải kết duyên với Công chúa, chớ không nên cãi lịnh.
Thanh Tòng đứng buồn hiu, không nói tiếng chi hết.
Quan Tả Tướng quốc liếc ngó con, rồi ông hỏi nữa rằng:
- Sao hồi nãy con không tâu đặng Bệ hạ phong thưởng công cho anh em họ Ðinh?
- Thưa cha, con quên. Vì Bệ hạ phong chức cho con rồi ngài định gả Công chúa liền, làm cho con bối rối quá, không còn nhớ việc chi nữa hết.
- Thôi để ngày đại triều tháng sau, con phải nhớ mà xin với Bệ hạ nghe hôn.
Thanh Tòng cúi đầu lui ra, sắc mặt buồn xo, mới được phong quan, mà lại thất chí!
[1] ghen ghét người có hạnh, ganh tỵ người có tài
[2] cồn dâu biến thành vực thẳm.

1/1/2001
Hồ Biểu Chánh
Theo https://isach.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dây tơ đồng0000

Dây tơ đồng 1. Cún Ngày mới chào đời, tôi cũng có tên Tây tên Mỹ như ai, nếu tôi nhớ không lầm tên tôi là “Cool”, thế mà từ ngày ông chủ M...