Thứ Ba, 5 tháng 12, 2023

Tơ hồng vương vấn 2

Tơ hồng vương vấn 2

PHẦN III - CHƯƠNG 14
Nhà văn gặp hồi cảm hứng nên nói: "Ngày vui ngắn chẳng đầy gang". Tại vui nên nói bướng cho xuôi câu vậy thôi, chớ ngày trời nếu có vắn hay dài thì vắn dài chút đỉnh, đâu có văn quá như vậy.
Trong xứ mình có câu tục ngữ: Tháng 5 chưa nằm thì sáng, tháng 10 chưa cười thì tối. Nói như vậy thì trúng, chớ không phải nói bướng. Trái đất vừa lăn tròn, vừa xây xung quanh ngặt trời, rồi có tháng nằm ngay, có tháng nằm xéo. Tháng 5 xứ mình nằm ngay, được mặt trời giọi lâu, nên ngày dài hơn đêm. Mà sự dài hay là vắn đó bất quá khác nhau lối một giờ đồng hồ, chớ không lâu hơn, nhứt là không thế thâu ngắn còn không đầy một gang được.
Tuy vậy mà thiệt khi mình được thạnh thời đắc thế, sao mình thấy ngày tháng đi qua mau lẹ vô cùng, mới đầu tháng đó rồi tới cuối tháng, mới ăn Tết đó rồi lại thấy gần tới Tết nữa.
Mẹ con Vĩnh Xuân sum hiệp an vui cùng nhau trong một căn phố nhỏ mà không chật, không tốt mà cũng sạch hơn cái chòi lá ở dưới chợ Giồng Ông Huê. Mẹ vui mà gói bánh bán lấy lời để cung cấp cho gia đình. Con vui mà làm việc mỗi tháng lãnh lương phụ thêm cho mẹ. Mẹ con an thân khoẻ trí mà sống với chuỗi ngày thảnh thơi, sung sướng, vô tư, vô lự, bất hoặc, bất cụ (không nghi, không sợ), ngày làm tối ngủ, không trông mau tối mà cũng không muốn mau sáng làm chi, thì ngày tháng lại trôi qua, mà qua rồi kế lại nữa, lẹ làng hết sức, mới đó mà đã được 5 năm rồi.
Bà Hương văn rèn tập cho thím Tư Cam gói bánh ú, bánh tét khéo và ngon cũng như bà. Đã lâu rồi bà chỉ ra tiền cho thím mua nếp, mua đậu mua củi, mua lá chuối với dây lác rồi thím làm một mình, bà coi chừng vậy thôi, khi nào vui hay gấp bà mới ra tay mà tiếp với thím. Thấy bán bánh lời mỗi tháng trên 50 đồng luôn luôn, bà tăng tiền công lần lần cho thím lên tới 10 đồng, thím khoái chí vui lòng nên cần mẫn công việc, lo lắng như việc của thím mà hứa sẽ ở giúp bà đền mãn đời cho tròn ân nghĩa.
Bà Hương văn đã có trở về chợ Giồng hai lần, lần đầu Vĩnh Xuân cậy về thăm Hai Tỷ với vợ chồng Ông Giáo Huân, luôn dịp thăm mồ mả của ông Hương văn với Cúc Hương và trả 30 đồng bạc lại cho bà Giáo.
Bà có tiền dư rồi, bà cậy bà Kinh dắt bà vô nhà ông chủ phố mà nài phứt tủ, giường, ván, ghế của ông cho mượn năm trước. Ông chủ phố nói đồ chút đỉnh, không đáng giá bao nhiều, nên ông xin biếu luôn cho thầy thông dùng, ông không lấy tiền, mà cũng không đòi lại. Bà không biết nói thế nào mà trả tiền cho được, nên phải thay mặt cho con tỏ lời cám ơn rồi đi về với bà Kinh.
Bà nghĩ con bây giờ đã có chức phận với người ta, mấy ông, mấy thầy hay tới nhà thăm, vậy sửa dọn trong nhà đặng cho khách tới rước tử tế.
Không thèm nói cho Vĩnh Xuân hay, bà đặt đóng một cái tủ thờ bằng cây gõ để thay cho cái bàn thờ cây dầu cũ kỷ khó coi. Bà mua lư với chưn dèn thau mà chưng coi cho đẹp.
Bà mua một cái đèn treo đặng ban đêm đốt cho sáng. Mỗi tháng bà mua thêm lột món, thành thử trong mấy năm thì trong nhà có đồng hồ treo gõ giờ nghe bon bon, có tủ kiếng cho Vĩnh Xuân đựng sách, có bàn gõ với 6 cái ghế để cho khách ngồi, có thêm một bộ ván gõ lớn lót trong buồng để nằm chơi cho mát.
Còn Vĩnh Xuân làm việc mãn năm đầu thì được thăng chức, lương lên mỗi tháng 30 đồng. Cách hai nãm sau được thăng chức lần thứ nhì, lương thêm 5 đồng nữa là 35 đồng, trừ tiền hưu trí hết 1$75, còn lãnh lỗi tháng được 33$25, dầu mẹ bỏ nghề bán bánh đi nữa cũng có đủ tiền cho mẹ con sống thong thả.
Đã vậy mà năm sau thầy Sử, đứng thông ngôn cho quan Chánh Tham Biện, bị đổi về Sàigòn. Quan Tham Biện chọn Vĩnh xuân làm thông ngôn thế cho thầy Sử.
Từ đó Vĩnh Xuân ít có tiếp xúc với hạng bình dân nữa, người hầu mỗi ngày là làng, tổng với điền chủ, còn làm việc thì phần nhiều làm công việc hành chánh của tổng với của làng.
Một đêm Vĩnh Xuân hòa đờn với ông Kinh Lương một hồi rồi hai người uống trà nói chuyện chơi. Ông Kinh Lương nói:
-Thầy đứng thông ngôn cho quan lớn Chánh xưa nay làng tổng họ chịu.quá. Họ nói thầy vui vẻ, không có dọa nạt làng, chuyện gì thầy cũng cắt nghĩa rành rẽ nên dễ làm việc lắm.
-Lên đó tôi buồn quá. Ở dưới ông Phó tôi chịu hơn.
-Sao vậy ? Được đứng thông ngôn cho quan lớn Chánh danh vọng lớn quá, ai cũng muốn, sao thầy lại buồn ?.
-Ở dưới Ông Phó, tôi được tiếp xúc với hạng tay lấm chưn bùn, tôi có thể dạy dỗ họ, nên có ích hơn nhiều.
-Thì lên trên thầy dạy dỗ làng, tổng.
-Tôi nhận thấy hạng đó khó giáo hoá lắm. Làng thì cứ nghe lời tổng, tổng biểu sao họ làm vậy, không dám cãi. Mà tổng thì cứ dạ dạ vâng vâng, muốn cho làng và dân cứ ngu dại hoài đặng dễ sai khiến. Tình thế như máy làm sao mà giáo hoá được.
-Ai làm sao mặc họ, thầy đã giữ được thanh cao chánh trực, ai cũng quí trọng thầy chớ có ai nói xấu thầy đâu.
-Tôi nghe có người chê tôi dại chớ.
-Ôi ! Thứ chim yến chìm tước xẩn bẩn theo hàng rào, giống đó làm sao mà biết nổi tâm chí của chim hồng, chim hộc bay liệng trên mây xanh. Thầy quên câu: "Thiên nhơn chi nặc nặc bất như nhất sĩ chi ngạc ngạc" hay sao ? Một cái gật đầu của một người quân tử quí hơn lòng dạ của một ngàn đứa tiểu nhơn, thầy cứ thủ phận chánh trực thanh cao của thầy mà vui thú phong lưu, đừng thèm ngó việc đời làm chi mà bực tức.
Năm nay Vĩnh Xuân đã đờn được đủ bản, nhịp chắc, ngón tươi. Còn thi thì thầy làm đã tao mà lại lẹ, bởi vậy ban đêm như không hòa đờn thì cũng họa thi với ông Kinh hoặc xem truyện rồi nghị luận nhơn vật xưa mà uống trà.
Lúc ấy có cụ Huấn Trai, người Gò Công có danh xuy tiêu réo rắc hơn hết trong đất Việt Nam, cụ mới sang làm chủ một khách sạn tại Mỹ Tho để ở dưỡng nhàn. Cụ nghe ông Kinh Lương với thầy Xuân thi hay đờn giỏi, cụ đến làm quen. Ba người hòa đờn họa thi với nhau nuột bữa, tặng nhau là đồng chí tri âm, rồi lâu lâu mời nhau hội ẩm luận đàm kim cổ.
Cụ Năm Diệm, ở Chợ Giữa, cụ hay về cây tỳ bà, có khi cụ cũng được ông Kinh mời xuống hòa chơi. Mà có cụ Mộng Liêm, một danh nho ở Sa Đéc, cụ cũng lui tới đặng đàm tâm, ngôn chí.
Năm đó, đêm Trung Thu, lại nhằm tối thứ bảy. Cụ Huấn Trai tính qui tụ mấy cây đờn hay trong đất Gia Định đặng xuống thuyền dạ du trong sông Cửu Long một đêm để hòa đờn và ngâm thi chơi. Cụ viết thơ mời: cụ Ký Hiệp Bà Chiểu hay về cây độc huyền, ông Từ Thức ở Rạch Lá hay về cấy đờn tranh, ông Tư Khôi ở Chợ Giồng hay về cây đờn cò, cụ Năm Diệm ở Chợ Giữa hay về cây tỳ bà, cụ Ký Quờn ở Long Hồ hay về cây đờn kìm. Mấy nhạc sư đều trả lời chịu hết.
Cu Huấn Trai mới mời ông Kinh Lương với thầy thông Xuân, chiều rằm ra khách sạn đặng dự tiệc với khách xa, rồi xuống thuyền đi du hồ sáng đêm mà thưởng nguyệt.
Tối bữa đó bà Hương văn coi thím Tư Cam hấp bánh rồi bà biết ông Kinh đã đi ăn tiệc với Xuân, bà mới lại nhà bà Kinh nằm nói chuyện chơi. Hai bà tánh ý giống nhau nên 5 năm nay ở gần nhau thì hòa thuận với nhau luôn luôn.
Nói chuyện dông dài một hồi rồi bà Kinh sực nhớ chuyện bà gặp gỡ tình cờ hồi sớm mơi, bà liền ngồi dậy mà nói:
-Hồi sớm mơi tôi đi chợ tôi gặp bà Chủ Thiệu. Bà nói để bữa nào bà rãnh qua nhà tôi rồi cậy tôi dắt lại thăm chị.
-Bà Chủ Thiệu là ai ở đâu, tôi không biết.
-Bà ở bên Chợ Cũ, góa chồng mà giàu lắm.
-Thuở nay tôi không quen.
-Nếu chị không quen mà bả muốn đến thăm thì chắc là hoặc bả muốn làm sui, hoặc bả có việc rắc rối sao đó, bả muốn cậy chị nói với thầy thông giúp bả.
-Hai chuyện đó mà nói với tôi thì chắc ăn trét hết. Nói chuyện làm sui sao được. Mấy năm nay bà thấy cháo chan. Xuân có tỏ ý muốn cưới vợ đâu. Nó đã khôn lớn rồi chớ đâu phải còn nhỏ hay sao mà tôi ép được. Còn nếu muốn cậy nó giúp việc gì thì nói ngay với nó. Thiệt tình tôi không dám xen vô việc của nó.
-Vì thầy thông có tiếng thanh liêm, bà Chủ sợ nói không được nên mới cậy chị. Mà việc đó chị không chịu giúp là phải, bởi vì người ta cậy giúp chắc là việc không được ngay ngắn, mình giúp mình mang tiếng. Còn việc làm sui, cái đó tôi nghĩ mà thôi, chớ không chắc. Bà Chủ Thiệu có bốn năm người con, nghe nói đã có vợ, có chồng rồi, không biết bả còn con gái nhỏ hay không. Hồi sớm mơi gặp giữa chợ, lại tình cờ quá, nên tôi bất ý tôi không có hỏi.
-Bả muốn thăm tôi thì để cho bả thăm có hại chi đâu. Bả có cậy việc chi, nếu mình liệu phải thì mình sẽ giúp, còn không phải thì thôi.
-Ừ, để bả qua thăm coi bả muốn việc gì. Mà nhắc tới việc trăm năm của thầy thông, tôi nghĩ cô nọ chết đã lâu rồi, có lẽ sự thương nhớ đã nguôi ngoai rồi chớ. Sao chị không ướm thử lòng thầy coi. Chị đã già rồi thầy phải cưới vợ đặng chị có cháu nội nựng nịu chơi cho vui. Người chết rồi thì thôi. Sống lại sao được mà chờ.
-Mấy năm nay tôi có nói với nó mấy lần. Tôi nói có thương con Cúc Hương thì để bụng, bề nào cũng phải lo lập gia thất với người ta. Mỗi lần tôi nói thì nó ngồi lặng thinh rồi buồn hiu, vì vậy nên tôi ít muốn nói tới việc đó.
-Để có dịp tôi sẽ gợi ra tôi nói. Mà tôi nói thì chị phải tiếp với tôi nghe hôn.
-Đâu, bà có giỏi thì bữa nào bà nói thử coi. Bà nói rồi tôi tiếp với. Tôi cũng muốn nó có đôi bạn đặng tôi biết con dâu một chút.
Rồi đó hai bà bàn với nhau về sự cưới dâu giàu hay nghèo, lớn tuổi hay nhỏ tuổi, lanh lợi hay thiệt thà, nói chuyện đến l l giờ khuya mới phân tay đi ngủ.
Vĩnh Xuân với ông Kinh thưởng nguyệt Trung Thu đến gần sáng mớí về. Hai người rất vui lòng mà được hòa đờn với nhạc sĩ trứ đanh, được xướng họa với văn nhơn thi bá, uống trà nói chuyện coi bô thức cả đêm mà không biết mệt.
Sớm mơi thứ hai, bà Kinh đi chợ mới về, bà chưa kịp thay áo thì thấy bà Chủ Thiệu ngồi chiếc xe ngựa hai bánh bọc cao su ngừng ngay cửa, rồi bà leo uống đi vô nhà.
Bà Kinh mừng rở, ra cửa tiếp rước mời ngồi, kêu chị bếp đem trầu nước đãi khách. Anh xa phu xách vô một giỏ xoài. Bà Chủ Thiệu nói:
-Ở vườn đi thăm chị đem, không có vật gì mà cho. May hồi chiều hôm qua thấy có cây xoài voi trái vừa mới chín, tôi biểu bầy trẻ lựa hái vài chục đặng đem cho ông bà nuột chục và cho bà già thầy không một chục đặng làm quen. Cây xoài nầy ngon lắm, để bà ăn thử mà coi.
-Vườn của bà xoài nhiều lắm mà.
-Dừa với cau thì nhiều, còn xoài có năm sáu cây mà thôi. Bà cho tôi mượn vài cái dĩa bàn đặng tôi sắp ra cho bà một chục.
Bà Kinh kêu chị bếp biểu đem ra hai dĩa bàn. Bà chủ sắp mỗi dĩa 6 trái xoài voi, trái nào cũng nương nưởng no tròn và chín đỏ.
Bà Kinh ngó hai dĩa xoài mà nói:
-Xoài đầu mùa mà tốt trái quá.
-Nhờ đất tốt. Lại hồi trước ông Chủ tôi ổng lựa giống xoài ngon ổng ương mà trồng nên mới tốt trái như vậy đó.
-Bữa hổm bà nói bà muốn đi thăm bà già thầy thông Xuân. Tôi về tôi có nói chuyện lại với bả.
-Không biết bữa nay có bả ở nhà hay không.
-Có lẽ có mà. Để tôi biểu con bếp lại hỏi coi.

Bà Kinh kêu chị bếp biểu lại coi có bà Hương văn ở nhà hay không. Chị đi coi rồi về nói bà Hương văn đương nằm.

Bà Kinh nói: "Chị đó sớm mơi hay đi chợ lắm. Như bà Chủ muốn thăm đặng làm quen thì đi liền, sợ dần dà chỉ đi khỏi. Chỉ cũng vui vẻ lắm. Bà gặp chắc bà ưa liền".

Bà Chủ Thiệu xách giỏ xoài đi theo bà Kinh mà lại nhà bà Hương văn.

Hồi nãy bà Hương văn thấy xe ngừng ngay nhà bà Kinh rồi một bà ăn mặc sang trọng đi vô thì bà phát nghi. Chừng chị bếp lại hỏi coi có bà ở nhà hay không đặng khách lại mà thăm thì bà biết chắc bà Chủ bên Chô Cũ muốn đến làm quen, bởi vậy bà quét bàn, quét ván, sửa soạn tiếp khách.

Bà Kinh bước vô tiến dẫn: "Có bà Chủ bên Chợ Cũ qua thăm tôi. Nghe chị ở gần đây nên cậy tối dắt lại thăm chị đặng chị em biết nhau, vì chị lên ở đây mấy năm rồi mà không có dịp gặp nhau".

Bà Hương văn cười và nói: "Tôi. kinh chào bà Chủ, chị em tưởng tình đến thăm nhau, thiệt tôi cảm ơn hết sức. Mời bà Chủ với bà Kinh ngồi bên ván đây, ngồi ăn trầu. Tôi ít đi đâu, nên về ở đây đã 5 năm rồi mà chưa quen với mấy bà".

Thím Tư Cam bưng chén với bình trà ra. Bà Chủ nói nhỏ biểu cho mượn vài cái dĩa rồi sắp chục xoài voi mà biếu bà Hương văn, nói xoài nhà mới chín được mấy cây, nên đem cho bà Kinh với bà Hương văn mỗi nhà một chục ăn lấy thảo.

Bà Hương văn cám ơn, khen xoài tốt trái, mời khách uống nước rồi hỏi:

-Bà chủ ở bên Chợ Cũ mà ở lối nào ?

-Nhà tôi ở dựa đường đi Bến Tranh, từ ngã tư lại đó chừng vài trăm thước, bên phía tay trái.

-Chắc có vườn lớn, vì phía đó là phía vườn.

-Thưa phải. Vườn tôi phía sau giáp với mé sông.

-Vậy thì vườn lớn lắm. Bà Chủ có con cháu đông hay ít ?

-Tôi được hai trai hai gái. Con gái lớn tôi gả nó lấy chồng làm thầy giáo trên Sài gòn. Thằng con trai kế đó tôi cưới vợ cho nó rồi bắt nó ở với tôi mấy năm nay. Thằng con trai nhỏ tôi cũng lo vợ cho nó hồi nãm ngoái rồi cất nhà cho nó ra riêng ở bên Bến Tranh đặng nó coi miếng vườn và sở ruộng của tôi ở bển. Còn con gái út tôi cho nó lên ở với chị nó trên Saigon đi học ba năm rồi tôi mới đem về đặng tập cho nó biết công việc trong nhà. Con gái học chữ cho biết vậy thôi, không cần phải học nhiều.

Bà Kinh hỏi:

-Cô út năm nay được bao nhiêu tuổi ?

-Nó mới 19 tuổi.

-Tuổi đó đã gả lấy chồng được rồi.

-Nó còn khờ quá bà à. Phải tập cho nó biết nấu nướng vá may rồi mới dám gả nó chớ.

-Đời nay nhà có tiền thì mướn bếp nấu ăn, áo quần thì có thợ may, cần gì mà phải biết nấu, biết may.

-Dầu không giỏi, mình cũng phải biết đặng bày biểu cho người ta làm chớ.

Bà Chủ Thiệu lại day qua hỏi bà Hương văn:

-Không biết bà chị đây được mấy người em ?

-Tôi có một đứa chen ngoẻn đó.

-Té ra bà chị có một mình thầy thông ?

-Tôi sanh có một mình nó, chừng nó được 13 tuổi ổng mất rồi thôi.

-Bà chị có một người con mà người con đích đáng quá. Vậy cũng là có phước, cần gì phải có con đông. Mấy năm nay ở đây từ nhơn dân đến làng tổng ai cũng khen cũng kính hết sức, học giỏi, bặt thiệp, mà lại vui ẻ thanh liêm, quí không biết chừng nào.

-Nhờ hồi nhỏ nó học chữ nho rồi thầy nó tập tánh cho nó như vậy đó. Lên đây nó gần ông Kinh. Ông dạy thêm nó học đờn học làm thi, nó mê mết rồi không muốn gì nữa.

-Tôi xin mời bà chị với bà Kinh khi nào rảnh đi qua nhà tôi chơi cho biết nhà.

-Có bà Kinh đi thì tôi đi theo, chớ tôi có biết nhà đâu.

-Như chắc bữa nào đi được thì nói cho tôi biết rồi tôi biểu trẻ đem xe qua rước.

Bà Kinh nói:

-Chưa chắc bữa nào đi được, nên không dám hẹn. Thôi, xe rước làm chi. Hễ bữa vào đi thì chị em tôi kêu xe kéo mà đi cũng được.

Nói chuyện dông dài một hồi nữa rồi bà Chủ Thiệu từ mà về. Bà xách cái giỏ không đi trước. Bà Kinh với bà Hương văn đưa ra tới xe. Bà Chủ ân cần mời qua nhà nữa rồi mới lên xe mà đi.

Hai bà trở vô, bà Kinh mới nói với bà Hương văn:

-Không có cậy việc chi hết, thì chắc là muốn làm sui chớ gì.

-Không có đâu bà. Hồi nãy bà mở hơi nói con út đã gả được, thì bà Chủ nói nó còn khờ, rồi nói qua thằng Xuân, thì bả không động tới chuyện vợ con thằng nọ. Thế thì bả không để ý tới việc làm sui đâu.

-Ừ, để rồi chị coi mà. Tôi nói vậy mà có đa. Người khôn lanh họ có mưu kế đủ kiểu. Mới nói chuyện với chị lần đầu, bả chưa dám ló mòi cho chị hiểu ý sâu của bả, bả mời chị qua nhà chơi, bả bẹo con bả cho chị thấy rồi đợi coi ý chị thế nào bả mới nói chớ.

-Xuân tôi năm nay tới 27 tuổi. Còn con nhỏ của bả mới 19, nhỏ hơn Xuân tới 8 tuổi, có lẽ nào bả muốn gả. Chị không tin lời tôi, thôi mai mốt tôi với chị qua nhà thăm bà Chủ chủ một lần coi. Mình đi chơi một lát, coi con nhỏ ra làm sao. Đừng nói cho thầy thông biết chuyện gì hết. Người ta thăm mình thì mình thăm lại mà trừ cho khỏi thất lễ.

-Được Bữa nào rảnh bà đi được thì tôi đi với bà. Đi chơi cho biết vậy thôi, có hại gì.

Cách vài bữa sau, sớm mơi ông Kinh với Vĩnh Xuân đi làm việc rồi, bà Kinh lại rủ bà Hương văn đi qua Chợ Cũ chơi. Hai bà thay đồ rồi kêu hai chiếc xe kéo mà đi.

Bà Kinh biết nhà nên tới cửa ngỏ bà biểu xa phu quẹo vô sân.

Một ngôi nhà nguy nga hiện ra trước mắt bà Hương văn Thanh, nhà lớn, nhà cầu, nhà dưới, lẫm lúa, kho chứa dừa khô; chung quanh thì vườn tược sum sê, trong sân thì bông hoa đủ màu, đủ thứ.

Hai bà xuống xe và biểu xa phu chờ. Hai bà bước lên thềm. Có một cậu trai từ 25 tới 30 tuổi, bước ra chào và nói: "Cháu xin mời hai bà vô. Má cháu ở đằng sau. Xin hai bà ngồi tạm đây đặng cháu vô thưa cho má cháu hay".

Bà Hương văn đứng ngó quanh quất trong nhà thì thấy đồ đạc hực hở, ghế bàn tủ ván thứ gì cũng lộng lẫy. Thiệt là một nhà giàu có sang trọng, thuở nay bà chưa hề bước chân vào cái nhà nào tốt đẹp như vậy.

Hai bà đương đứng coi đồ đạc thì bà Chủ Thiệu, mặc áo cụt lụa trắng, ở dưới nhà cầu đi lên. Bà thấy hai bà khách quen thì bà mừng rỡ, hối người con trai lấy áo dài cho bà, mời khách vô bộ ván lớn phía trong mà ngồi, kêu người nhà đem trầu nước.

Bà chủ đứng và mặc áo dài cho đủ lễ. Bà Kinh bước lại coi cá lia thia tàu nuôi trong cái thùng kiếng nó lội vởn vơ. Bà Hương văn rờ rẫm bộ ván gõ lớn, dày cui, mà thành chung quanh lại cẩn ốc xa cừ coi thiệt đẹp.

Một cô thiếu nữ mặc quần lụa trắng, áo tím dài, tóc bới vén héo, chưn mang giày thêu, cô bưng một mâm đem ra, có ba cái tách với một bình trà; cô để trên ván rồi chấp tay xá hai bà khách. Cô trở vô trong bưng ra một ô đồng đựng trầu cau với bình vôi và hộp thuốc xỉa, cau tươi bửa sẵn, ruột trắng non thấy muốn ăn.

Hai bà khách ngồi ngó trân cô nọ, mặt mày sáng rỡ, tướng đi dịu dàng môi đỏ như thoa son, mặt trắng như giồi phấn.

Bà Kinh hỏi bà Chủ:

-Phải cháu út đây hay không ?.

-Nó đó.

-Bà nói 19 tuổi mà vóc cháu đã trộng đến.

-Nó giống ổng hồi trước. Ổng cao lớn người dữ.

-Còn cậu hồi nãy, phải con lớn của bà hôn ?.

-Phải. Vợ chồng nó ở với tôi.

Bà Chủ thấy có người đi qua đi lại ngoài vườn hoa, bà kêu con bà nói: "Cẩm Nhung à, con ra coi ai đằng trước kia con".

Bà Kinh ngó ra rồi nói: "Hai ngứời kéo xe của hai chị em tôi".

Bà Chủ nói: "Té ra hai bà đi xe kéo. Cẩm Nhung a. Con ra trả tiền xe rồi biểu họ về đi con, để hai bà ở đây chơi lâu lâu, chừng. về bầy trẻ đưa xe nhà cho hai bà về".

Bà Kinh cản không được. Cẩm Nhung cứ vâng lời mẹ mà trả tiền xe cho xe đi.

Bà Hương văn thấy nhà cửa kinh đinh, đẹp đẽ quá, bà ái ngại nên ít nói chuyện. Uống nước ăn trầu rồi bà Kinh tỏ ý muốn đi xem vườn chơi. Bà Chủ mời khách đi xuống nhà cầu rồi băng qua nhà bếp mà ra vườn. Cẩm Nhung với người anh trai đi theo sau.

Lúc đi ngang qua nhà bếp, bà Hương văn thấy nhà cửa minh mông, mà từ trên xuống dưới đều sạch sẽ thì bà kính phục vô cùng. Chừng ra vườn bà thấy dừa trồng ngay hàng, có cau chen lộn, mà cau hay dừa cũng đều có trái sai oằn, lại vườn lớn ngó mút con mắt. Còn chung quanh nhà thì trồng xoài, mít, mận, quít, cam có một cây xoài thanh ca trái chín đỏ, còn mấy cây mít thì trái lòng thòng từ trên xuống dưới.

Bà Chủ kêu người con trai mà nóí: "Cây xoài thanh ca chín rồi kia con. Con biểu bầy trẻ lựa mấy trái chín đều bẻ vài chục đặng cho hai bà đem về ăn thử. Mít coi bộ cũng có chín. Con lựa đốn vài trái nghe hôn con".

Bà dắt khách đi vòng ra trước sân mà xem bông, xem kiểng. Bà Hương văn mê mết, thầm nghĩ nhà giàu họ ăn ở sung sướng như thần tiên, mình nghèo phải chịu dơ dáy cực, khổ làm sao mà bì với họ cho được.

Chừng trở vô nhà, bà Chủ mời hai bà khách ở ăn cơm rồi xe sẽ đưa về. Bà Kinh từ chối, nói đi không có dặn trước ở nhà, sợ ông Kinh chờ về ăn cơm. Bà Chủ nói để bà sai người cỡi xe máy cho hai nhà hay. Hai bà khách đều cãn, nói để khi khác, vì đi không có sắp đặt trước ở nhà.

Bà Chủ mới nói: "Thôi, để bữa nào tôi qua tôi mời trước rồi tôi cho xe qua rước hai bà qua ăn cơm ở chơi với tôi một ngày nghe hôn. Tôi ở bên nầy buồn quá, muốn có chị em tới lui nói chuyện chơi cho vui".

Bà Kinh đòi về đặng lo cơm nước cho ổng.

Bà Chủ kêu con biểu người đánh xe bắt kế xe ngựa đem ra đặng đưa khách về, trên xe đã có để sẵn một giỏ xoài với hai trái mít lớn,

Khách từ giã lên xe. Bà Chủ với hai con đưa khách ra xe. Bà thấy xoài với mít thì nói hai bà về chia với nhau, đi vườn về phải có trái cây chút đỉnh coi mới được. Bà sực nhớ nhánh cau ăn hồi nãy bà Kinh khen ngon, bà hối Cẩm Nhung vô cắt ít chục trái mà gởi cho hai bà.

Có xoài, mít và cau đủ hết rồi xe mưới chạy.

Xe ngừng ngay cửa thì hai bà thấy ông Kinh với Vĩnh Xuân đã về trước rồi, đương đứng trong nhà mà ngó. Hai bà leo xuống phụ với anh đánh xe đem đồ vô. Ông Kinh bước ra hỏi đi đâu mà có xoài, mít đủ thứ như vậy. Bà Kinh nói bữa hổm bà Chủ, bên Chợ Cũ, qua thăm cho xoài voi. Bữa nay hai chị em qua thăm bà lại. Bà cứ cầm ở nói chuyện biểu con hái xoài mít mà cho, rồi mới cho xe đưa về.

Bà Hương văn lấy thúng sang xoài qua đặng trả cái giỏ cho anh đánh xe đem về.

Ông Kinh với Vĩnh Xuân khen xoài tươi và lớn trái. Hai bà chia hai ra, rồi ai đem phần nấy vô nhà.

Trong lúc ăn cơn trưa, bà Hương văn thuật chuyện đi thăm nhà bà Chủ Thiệu cho con nghe, bà khen nhà cửa nguy nga, đồ đạc lộng lẫy, vườn tược rộng lớn, bề ăn ở sung sướng giàu sang. Bà khen đủ điều nhưng không nói bà Chủ Thiệu có đứa con gái út mới 19 tuổi, tên Cẩm Nhung, đẹp đẽ lại bãi buôi, ăn nói dễ thương, đi đứng yểu điệu.

Còn đằng nhà bà Kinh thì bà nói chuyện với ông, bà khen bà Chủ Thiệu giàu sang, khen Cẩm Nhung có sắc đẹp. Bà nói có lẽ bà Chủ Thiệu muốn làm sui với bà Hương văn, nhưng chưa dám nói ra, tuy Vĩnh Xuân lớn hơn Cầm Nhung tới 8 tuổi, song cặp đó xứng lắm, trai học cao, gái có sắc, trai có danh dự, gái có bạc tiền, không ai thua kém ai, có tiền biết trọng tài danh, có đức được hưởng hạnh phúc. Ông Kinh nghe nói nhằm lý thì ông xuôi theo, nhưng ông khuyên, bà phải dè dặt., thủng thẳng bàn với bà Hương văn, xúi bà lấy chữ hiếu mà khêu gợi lòng thảo thuận của Vĩnh Xuân, nói chữ hiếu trọng hơn chữ tình, mà cũng đứng trước chữ nghĩa. Phải nói thế nào cho Vĩnh Xuân chịu cưới vợ, rồi đó để ông sắp đặt cho.

Cách ít bữa, bà chủ Thiệu qua thărn bà Kinh vơi bà Hương văn nữa. Lần nầy bà nói đến mốt là ngày giỗ ông Chủ. Bà xin thỉnh hai bà qua ăn cơm với bà một bữa. Sớm mơi bà cho xe qua rước ăn cơn rồi chơi tới chiều trời mát xe sẽ đưa về. Vì bà góa bụa, con thì khờ khạo, nên đám giỗ chỉ có con cháu trong nhà mà thôi, chớ không có người ngoài, bởi vậy bà không dám mời ông Kinh với thầy Thông, sợ không có người xứng đáng tiếp đãi khách.

Bà Hương văn cũng như bà Kinh thấy bà Chủ càng ngày càng muốn nhen nhúm tình thân thiết, hai bà tính đi thẳng tới đặng dò xét thâm tâm của bà Chủ, nên cả hai đều chấp thuận lời mời, không làm bộ ngại ngùng, không mại hơi từ chối.

Đến bữa hẹn, mới 8 giờ thì có xe qua rước. Hai bà dặn hai chị bếp ở nhà lo cơm nước rồi thay đồ lên xe mà đi.

Thiệt quả không có khách nào lạ, trừ ra vợ chồng người con trai tên là Ba Khai, với Cẩm Nhung ở trong nhà, chỉ thêm có cô Hai Bình là con gái đầu lòng, cô có chồng làm thầy giáo trên Sài gòn, cô về cúng cha, có vợ chồng người con trai nhỏ, là Tư Thông, ở bên Bến Tranh về và có người em trai của ông Chủ là Hương Thân Huế ở dưới Chợ Gạo lên mà thôi.

Bà Chủ tiếp rước hai bà khách rất niềm nở. Bà dặn Cẩm Nhung phải xẩn bẩn ở gần bà đặng hầu trà nước để cho mấy chị coi nấu nướng và mấy anh lo cúng quải.

Cẩm Nhung đã trắng sẵn bữa nay lại mặc một bồ đồ hàng trắng, hàng tốt, may khéo, cổ đeo một cây kiềng vàng chạm với một sợi dây chuyền, một tay đeo một chiếc vàng, một tay đeo một chiếc neo, nên sắc càng tăng vẻ đẹp, bộ đúng bực sang giàu.

Bà Hương văn tuy không co ý phụ bạc Cúc Hương, song bà ngó Cẩm Nhung, ngó nhà cửa, rồi bà chẳng khỏi so sánh, nghĩ đi xét lại thiệt Cẩm Nhung đẹp hơn Cúc Hương nhiều mà nhà bà Chủ cũng giàu có sang trọng hơn Hia Mỹ thập bội. Nếu Vĩnh Xuân cưới được Cẩm Nhung rồi dắt nhau về Chợ Giồng mà thăm Ông Giáo Huân với Hai Tỷ thì thiên hạ mới thấy rõ nhà nghèo học giỏi quí hơn nhà giàu, lại vợ chồng Hia Mỹ mới tiếc con mà thêm hổ thẹn nửa.

Làm mẹ ai cũng muốn cho con được giàu sang vinh hiển. Bà Hương văn nghĩ con bà đứng thông ngôn cho quan Chánh Tham Biện, vinh vang ở đất Mỹ Tho, nếu nó cưới Cẩm Nhung, đã có sắc đẹp lại có tiền nhiều, thì danh nó càng nổi lên cao, thân nó càng được sung sướng. Muốn khoe khoang với người xứ sở, nhứt là muốn làm bỉ mặt kẻ khinh khi con nhà nghèo, hai cái muốn đó cứ trạo trực trong lòng bà, khiến cho bà thầm vái vong linh Cúc Hương xúi giục bà Chủ gả Cẩm Nhung cho Vĩnh Xuân đặng kiếp nầy Vĩnh Xuân được hưởng một chút mùi đời, rồi kiếp sau sẽ cùng Cúc Hương sum hiệp.

Cúng rồi bà Chủ biểu dọn một mâm trên ván ở nhà trên cho bà đãi hai bà khách, còn mấy mâm thì dọn trên bàn ở nhà cầu cho con bà đãi ông chú và ăn chung với nhau cho vui.

Lúc ăn cơm bà Chủ ép khách mỗi bà uống hết nửa ly rượu chát trắng, nên mặt đỏ phừng phừng. Ăn rồi người nhà bưng dọn hết, ba bà mới nằm chung trên bộ ván nói chuyện chơi. Bà Hương văn có chén nên nằm một chút thì bà ngủ khò, không nói được chuyện gì hết.

Bà Hương văn ngủ môt giấc thiệt dài hơi rượu đã tan hết, bà mở mắt đòm trên văn phòng không có bà chủ nhà mà cũng không có bà Kinh. Trong nhà vắng hoe, chỉ nghe phía nhà dưới có tiếng nói chuyện nho nhỏ. Bà khát nước nên ngồi dậy rót một tách nước mà uống.

Cẩm Nhung ở nhà cầu đi lên, thấy khách uống thì lật đật đi riết lại mà nói: "Thưa, để con chế nước nóng cho bà uống ".

Bà đưa tay mà cãn, vừa cười, vừa nói:

-Thôi con. Nước còn nóng. Bà uống đủ rồi. Nằm ngủ quên một chút, hai bà dậy đi đâu mất.

-Má con với bà Kinh đi chơi sau vườn.

-Vườn lớn mà lại ở gần chợ. Quí quá. Huê lợi chắc nhiều lắm.

-Thưa, con không hiểu được bao nhiêu. Má con với anh Ba con biết.

Bà Chủ với bà Kinh trở vô, thấy bà Hương văn đã thức dậy, bà chủ biểu Cẩm Nhung chế bình trà mới vá bưng bánh ra đặng ăn uống nước.

Bà Hương văn nói uống chút rượu nên buồn ngủ nằm ngủ quên. Bà Kinh nói: "Thấy chị ngủ, hai chi em tôi đi coi vườn chơi".

Ba bà ăn bánh uống nước, nói chuyện ruộng đất, vườn tược, đến xế mát rồi bà Kinh xin cho cáo từ mà về.

Bà Chủ biểu Cẩm Nhung kêu thắng xe rồi hai mẹ con đưa khách lên xe mà đi. Xe về tới nhà, người đánh xe bưng vô một quả bánh, nói bà Chủ gởi kiếng hai bà. Bà Kinh cười, cứ lấy hai cái dĩa lớn mà sắp ra hai phần, rồi trả quả cho người đánh xe đem về.

Bà Kinh thay đồ rồi bà thấy còn sớm mới bưng dĩa bánh lại cho bà Hương văn. Bà ngồi một bên bà Hương văn mà nói nhỏ: "Rõ ràng rồi chị à. Bà Chủ muốn làm sui với chị. Hồi trưa chị ngủ đó, bả mời tôi ra sau vườn chơi, rồi bả tỏ thiệt người con trai lớn của bả yêu tánh nết của thầy thông, nên cứ theo nói bả nên gả Cẩm Nhung cho thầy thông. Bả cậy tôi dọ ý chị, như chịu thì vợ chồng tôi đứng làm mai giùm, bả sẽ gả liền".

Bà Hương văn lộ sắc mừng mà nói:

-Con nhỏ thiệt dễ thưng quá bà há ? Lần trước qua chơi, tôi không để ý cho lắm. Lần nầy nó xẩn bẩn một bên hoài, tôi ngó nó kỹ lưỡng, tôi nói chuyện với nó rồi tôi động lòng thương nó. Nếu bà chủ muốn gả mà Cẩm Nhung không chê Xuân lớn tuổt, thì tôi ưng bụng lắm. Được dâu như vậy thì quí lắm rồi, còn kén chọn ở đâu cho hơn nữa được. Ngặt nhà bà Chủ giàu có, còn phận mẹ con tôi thì không có tiền. Làm sui với bả phải sắm lễ vật cho xứng đáng, phải làm đám cưới cho hẳn hòi, tôi theo bả tôi sợ mệt lắm.

-Chị đừng lo. Tôi đã nói trước với bả rồi. Tôi nói thầy thông thanh liêm không chịu bốc lột làng tổng, không thèm vơ vét của dân, bởi vậy thầy vui mà chịu nghèo, làm việc lãnh lương đủ nuôi mẹ mà thôi, chớ không có sức nuôi vợ nữa được, vì vậy nên thuở nay thầy không tính cưới vợ. Bà Chủ nghe tôi nói như vậy thì bả cười ngất. Bả nói mấy năm nay bả kính phục thầy thông là vì bả nghe tánh thanh liêm đó nên bả mởi gả. Bả nói bả gả dễ lắm, bả không đòi nữ trang hay bạc tiền chi hết.

-Bả nói như vậy, nhưng Xuân cưới vơ nó cung phải sắm lễ vật coi cho được chớ.

-Bả nói tận tình như vầy: trước bữa cưới bả trao bông tai với vòng vàng cho mình đem qua trình giữa hai họ cho người ta ngó thấy. Bả sẽ đưa tiền cho chị mua áo. Còn thầy thông muốn đặt tiệc ngoài nhà hàng mà đãi mấy ông mấy thầy thì bả chịu tiền cho. Bả không muốn để cho thầy thông tốn hao chi hết. Còn việc thầy thông sợ không đủ tiền nuôi vợ, việc ấy thầy cũng khỏi lo. Bả sẽ cho con gái bả mỗi tháng đôi ba trăm đặng nó phụ với thẩy về việc ăn xài trong nhà. Bả còn nói ý bả muốn thầy thông hễ cưới rồi thì vợ chồng về nhà lớn ở, mỗi buổi hầu có xe đưa thầy đi, rước thầy về. Nếu thầy chê ở bển xa thì bà Chủ sẽ kiếm mua bên nây một cái nhà hoặc một căn phố lầu để cho vợ chồng thầy ở cũng được.

-Nếu bả gả con mà bả làm dễ cho mình như vậy thì khoẻ cho mình lắm. Mà tại sao bả dễ quá như vậy.

-Tạ bả ái mộ tánh nết thầy thông chớ sao.

-Bả làm như mua rể tôi sợ Xuân nó không chịu.

-Chuyện tôi nói vơi chị nãy giờ đó mình để bụng, hai chị em mình biết mà thôi, nói cho thầy thông hay làm chi. Làm đám cưới thì tôi với chị lo, biểu thẩy đừng lo gì hết.

-Việc đó để sau rồi chị em mình sẽ liệu làm cho kín đáo cho Xuân không biết, mà người ngoài cũng không hay gì hết. Bây giờ điều mình phải lo trước hết là nói làm sao cho Xuân chịu cưới vợ đã. Bà muốn nó cưới Cấm Nhung, tôi củng đành bụng rồi, nếu Xuân cứ từ chối, không khứng cưới vợ, thì mình làm sao được.

-Khó là tại chỗ đó. Tôi tính như vầy: Để tối thứ bảy tới đây tôi mời chị với thầy thông lại nhà tôi chơi. Tôi nói trước cho ông Kinh biết rồi vợ chồng tôi khởi đầu nói chuyện trăm năm của thẩy. Chị thừa dịp nói tìếp với vợ chồng tôi. Như thẩy thối thác, không chịu tính đôi bạn thì chị làm giận làm buồn, chị bắt tội không thương mẹ cha, tính bỏ cho tông môn tuyệt hậu, chị lựa lơi kiếm thế mà nói cho thầy động lòng. Chừng thầy nghe lời chị thầy chịu cưới vợ, chừng đó tôi mới chỉ chọc con gái bà Chủ rồi vợ chồng tôi lãnh làm mai dông.

-Bà tính như vậy thì được lắm. Để thứ bảy làm thử coi. Tôi nói thiệt với bà, lần nầy tôi sẽ làm dữ, nếu nó không chịu thì tôi sẽ lấy quyền bà mẹ mà rúng ép cho được tôi mới nghe.

-Ừ, chị phải nói cho gắt, thẩy mới sợ mà nghe lời chớ. Huống chi cô gì đó cổ chết đã lâu rồi, chớ phải còn sống hay sao mà chờ cổ.

-Năm đó thi đậu, con nọ có cho nó chiêm bao mà dặn nó phải cưới vợ đặng nuôi mẹ. Vây mà chờ giống gì nữa.

-Ừ, còn việc đó nửa. Chị nhắc lại cho thẩy nhớ.

-Tôi sẽ nhắc. Đó là một cớ nó hết cãi được.

Bà Kinh thấy dạng ông Kinh mới Vĩnh Xuân đi làm về gần tới, bà lật đật đi vô nhà.

PHẦN III - CHƯƠNG 15 -

T

huở ấy, những nhà nho học có bày nhiều cách chơi phong lưu như bắn giàng hay đánh hồ, hay gát cu đất, để vui chơi đặng giải trí.

Cụ Huấn Trai, chủ khách sạn ở ngang nhà ga xe lửa Mỹ Tho, cụ xuy tiêu réo rắt vô song, mà cụ còn có tài đánh hồ cũng thiệt giỏi. Cụ có một bộ đồ đánh hồ của ông bà lưu hạ, gồm một cái bình, một con cóc với năm cây đũa toàn bằng cẩm lai, nhờ chơi nhiều đời nên láng nhuốt, xem đẹp lắm. Cách đánh hồ là cầm nắm đũa gõ từng cây vào con cóc và buông cho đũa nhảy vọt vào bình. Ai đánh vô bình được năm cây là giỏi nhứt.

Trong vài năm sau đây, hễ tới thứ bảy thì ông Kinh Lương với Vĩnh Xuân thường lại khách sạn đặng đánh hồ chơi với cụ Huấn Trai rồi uống trà, hòa đờn hoặc ngâm thi đến 11 hoặc l2 giờ mới về ngủ.

Thế mà tối thứ bảy nầy ăn cơm rồi, Kinh Lương ra lộ đi qua đi lại mà hứng mát, coi bộ không tính đi chơi.

Vĩnh Xuân đứng trong nhà ngó thấy mới bước ra hỏi ông Kinh :

-Tuần nầy không đi đánh hồ chơi hay sao ông Kinh ?

-Cụ Huấn Trai đi Sài gòn không có ở nhà.

-Vậy hay sao ?

-Ừ, hôm tuần trước cụ có nói với tôi.

-Thế thì đêm nay mình phải nằm nhà đọc sách.

-Vô nhà tôi rồi uống trà nói chuyện đời chơi.

Hai người dắt nhau vào nhà ông Kinh.

Bà Kinh lấy bình trà đem súc đặng bỏ trà mới chế cho ông uống.

Bà Hương văn y theo lời hẹn, bà men men đi lại nhà ông Kinh rồi đi thẳng vô trong nói chuyện với bà Kinh.

Một lát bà Kinh vừa đi ra ngoài trước vừa nói: “Mời chị ra đây ăn trầu. Đêm nay hai người khôngđi chơi, họ uống trà rồi chắc họ hòa đờn với nhau chớ gì. Ra nằm rồi nghe đờn chơi”.

Hai bà ra ván mà ngồi.

Ông Kinh uống hết chung trà rồi day mặt ngó ra đường mà nói với Vĩnh Xuân:

-Người ta mà được cái địa vị của thầy thì trong nhà rần rộ vui lắm. Nhà thầy buồn hiu. Thầy không tính làm sao cho vui vui một chút vậy thầy thông ?

-Nhà tôi vui lắm, có buồn hồi nào đâu.

-Có hai mẹ con chanh ngoảnh mà vui nỗi gì.

-Đằng nầy cũng có hai ông bà chanh ngoảnh mà cũng vui vậy.

-Tôi có con trai con gái đủ, lại có cháu ngoại nữa. Tuy chúng nó không ở chung với tôi, song trong trí tôi vẫn biết có con cháu nên vui được. Thầy chỉ có bà mẹ, không có ai nữa hết, thế thì làm sao mà vui.

-Thiệt hồi mới đi làm việc năm đầu tôi không vui, mà lại thối chí nữa, bởi vì lương ít quá, mà tôi phải cực, lại thấy thế tục suy đồi lòng tôi chán nản. Mấy năm sau đây lương tôi tăng thêm đủ xài, má tôi bớt cực, tôi theo ông mà hưởng thú thanh cao, để cho thiên hạ làm sao mặc họ, thì lòng tôi thơ thới lắm, tôi có buồn nữa đâu.

-Thầy không buồn nhưng tôi có ý dòm coi, tôi thấy chị Hương văn buồn lắm.

-Má tôi cũng vậy, có buồn việc chi đâu.

Bà Kinh tiếp với ông mà nói:

-Thầy thông tối ngày mắc đi làm việc, hễ về nhà thì mê mết vơi mấy cuốn sách, mấy cây đờn, cứ vịnh phú ngâm thi, thầy không để ý tới việc trong nhà, trong cửa. Tôi ở nhà, tôi gần gũi với bà chị hàng ngày, hằng giờ, tôi thấy bà chị buồn lắm, thầy thông à. Thầy nghĩ lại mà coi, bà chị tuổi đã gần lục tuần rồi, mà chưa có cháu ngoại hay cháu nội để bồng ẵm, nựng nịu chơi với người ta thì làm sao mà vui đươc. Nhiều khi tôi thấy có bà già nào bồng cháu nhỏ lại mấy nhà gần đây chơi thì bà chị nhìn đứa nhỏ trân trân rồi ứa nước măt. Thầy làm con, thầy ở với mẹ thiệt là chí hiếu, thầy lo cho mẹ từ chút, tôi với ông Kinh khen thầy hoài. Thầy vốn con nhà nghèo mà thầy có chí, học hay, làm lớn nhưng ôm ấp nhơn nghĩa, giữ gìn thanh liêm, làm rỡ ràng cho tông môn, ở với mẹ thảo thuận. Thầy tập được tánh thanh cao như vậy nên ai cũng kính trọng thầy. Nhưng tôi cũng như bà con trong nhà, tôi phải nói thiệt thầy còn thiếu sót một việc, thầy phải bồi bổ cái thiếu sót đó thì danh gíá thầy mới vẹn toàn.

-Tôi thiếu sót chỗ nào ?.

-Thầy có hiếu với mẹ, thầy kính mến mẹ, rnà thầy để cho mẹ buồn bực hoài, không chịu làm vui lòng mẹ. Con có hiếu chẳng những lo cho mẹ no ấm mà thôi, còn phải làm cho mẹ vui lòng nữa mới đươc.

Vĩnh Xuân ngồi lặng thinh.

Ông Kinh nói: “Thầy có học Tứ Thơ, thầy thấy cái hiếu của Ông Tăng Sâm là thế nào. Mỗi bữa dâng cơm cho cha ăn, ông đứng hầu một bên coi cha ăn được hay không. Chừng cha ăn rồi có món nào còn dư thì ông hỏi ý cha muốn cho ai món đó đặng làm theo ý cha. Người xưa giữ chữ hiếu chẳng những là nuôi cha mẹ cho no đủ mà thôi, mà còn tưởng tâm chí của cha mẹ nửa. Vậy thầy thông phải làm sao cho chị Hương văn được vui lòng thì chữ hiếu của thầy mới viên mãn”.

Vĩnh Xuân thở ra một hơi dài mà nói: “Ông bà nói tôi không biết làm cho má tôi vui, chắc bà trách tôi không chịu cưới vợ chớ gì. Tôi vì một việc đại ân, đại nghĩa nên tôi không cưới vợ được. Việc đó má tôi hiểu rõ, bởi vậy không nỡ ép tôi cưới vợ bao giờ. Nếu má tôi có buồn là buồn về việc nào khác, chớ không phải việc đó”.

Bà Kinh cười mà nói: “Bà chị có than với tôi. Bà chị buồn vì việc đó, chớ không phải việc nào khác đâu”.

Vĩnh Xuân châu mày, gật đầu không cãi nữa.

Bà Kinh ngó bà Hương văn mà ra đấu, tỏ ý xin bà tiếp mà nói vô.

Bà Hương văn mới tằng hắng rồi chậm rãi nói: “Nầy con, bữa nay tình cờ ông Kinh bà Kinh thương mẹ con mình, nên dở chuyện nhà của mình ra mà nói phải, nói trái với con. Sẵn dịp đây má tưởng nên tỏ ý cua má một lần cho con biết. Con với Cúc Hương hồi nhỏ núp lén thề thốt trăm năm với nhau, chớ má không có cầm trầu, cầm cau mà nói nó cho con. Tuy vậy mà nó nặng tình nặng nghĩa với con, đến đỗi với má nó cũng trọn đạo dâu con trong nhà. Nó lo cho con ăn học mà nó còn lo cho má ấm no. Con thương nó, má cũng tiếc nó lắm. Má thường có than thở với con không thể nào má kiếm một con dâu thảo thuận cho bằng Cúc Hương được. Vì thương con nó dám quyên sanh đặng giữ trọn nghĩa với con. Mà sửa soạn đặng chết nó còn sắp đặt cho con ăn học đến cùng và cho má khỏi lang thang rách rưới”.

Nghe nhắc chuyện cũ, Vĩnh Xuân xúc động nên nước mắt chảy ròng ròng. Bà Hương văn thấy con ủ dột bà cũng khóc.

Vợ chồng ông Kinh ngó nhau, trong lòng ai truất nên khó chịu, không biết có nên sấn tới mà phá tan tình sâu, nghĩa nặng của người hay không.

Bà Hương văn lau nước mắt rồi tiếp: “Vì tình nghĩa của Cúc Hương như vậy nên từ khi con học xong rồi má đánh chữ làm thinh, không nỡ khuyên con cưới vợ đặng lập gia thất với người ta”.

Vĩnh Xuân nói: “Hễ ai hỏi con sao không tính cưới vợ, thì con đau lòng quá má à”.

Bà Hương văn nói: “Bởi biết như vậy nên má không dám nhắc con. Bữa nay nhơn có ông Kinh bà Kinh nhắc nên má mới nói: Má một ngày một thêm già không biết sống chết bữa nào, má nhớ tới việc về sau rồi má buồn quá. Chớ chi má có được vài đứa con trai, nếu con không có vợ có con, thì đứa khác có, ngày sau cũng còn con cháu, cúng quải ông bà. Má có một mình con mà con không cưới vợ thì mãn đời con rồi có ai mà cúng quải ông bà và thờ phượng cha con với má. Má nhớ tới mồ hoang, hương lạnh thì má buồn quá, nên có khi má than thở với bà Kinh là tại vậy đó”.

Vĩnh Xuân nói: “Tôi cưới vợ còn cái khó nầy nữa, ông Kinh à. Cưới người ta theo lẽ tự nhiên, lôi phải thương người ta. Tôi biết cái lòng tôi ngoài cô Cúc Hương, tôi không còn thương yêu ai hết. Nếu tôi cưới vợ khác đem về rồi tôi không thương, tôi lơ lãng nguội lạnh với người ta, thì tôi có tội lớn lắm: tội gạt gẫm một người thiếu nữ có lẽ sẵn lòng yêu tôi nên mới ưng trao thân gởi phận cho lôi.

Ông Kinh nói:

-Việc riêng của thầy thuở nay tôi không dám tọc mạch hỏi tới. Nãy giờ tôi nghe nói tại thầy nặng tình nặng nghĩa với cô Cúc Hương, ngoài cô thì thầy không biết thương ai khác, vậy tôi xin vô phép mà hỏi thầy: phải cô Cúc Hương là người viết câu: “Xả sanh nhi thủ nghĩa” mà để lại cho thầy nên thầy lộng khuôn kiếng treo tại bàn viết mấy năm nay đó hay không?”.

-Thưa, phải.

-Năm thầy mới dọn nhà, tôi thấy khuôn kiếng đó tôi hỏi, thầy nói mấy chữ đó là di bút của người bạn học mất rồi. Thầy nói như vậy mà tôi có ý nghi, vì tuồng chữ viết không được cứng như con trai, lại ở dưới ký hai chữ Cúc Hương, tên đó là tên đàn bà con gái. Tôi nghi thầy đau khổ vì tình, vì nghĩa nên thầy không chịu cưới vợ.

-Chánh tại vậy đó.

Bà Hương văn tiếp nói: “Để tôi nói luôn hết cho ông Kinh bà Kinh nghe. Tôi nghèo không đủ sức cho Xuân đi học thêm bốn năm ở trường trên. Cúc Hương buôn bán kiếm lời đặng bao cho xuân ăn học. Xuân học mới được một năm thì cha mẹ Cúc Hương gả nó 1ấy chồng. Cúc hương phải thú thiệt là nó đã hứa hẹn trăm năm với Xuân rồi. Chà mẹ nó chê Xuân nghèo, ép gả bướng con nọ cho nhà giàu. Con nọ giận mới uống giấm với á phiện mà chết. Trước khi tự vẫn nó có gởi một số tiền lại cho một người quen dặn trao cho Xuân đặng ăn học đủ bố năm. Nhờ vậy Xuân học mới thành công”.

Ông Kinh gải đầu mà nói:

-Người như vậy hèn chi thầy thông tưởng nhớ hoài cũng phải.

-Còn vầy nữa ông à. Năm Xuân thi đậu ký lục rồi đó, nó có vô mộ con nọ mà tạ ơn. Tối nó lại nằm chiêm bao thấy con nọ từ giã nó đặng đi đầu thai. Con nọ căn dặn nó biểu phải cưới vợ đặng nuôi mẹ già và lo cơm nước cho chớ đừng có bắt mẹ cực khổ nửa.

-Ồ! Cô Cúc Hương có dặn rõ ràng như vậy, đã muốn thầy trọng hiếu hơn tình sao thầy lại trái ý cô vậy thầy thông ?.

Vĩnh Xuân nói:

-Người ta biết thủ nghĩa với tôi thì tôi phải biết thủ tiết với người ta chớ.

-Tôi nghe mấy người tân học họ nói: “Không nên bảo hoàng hơn ông vua”. Cô Cúc Hương biểu thầy cưới vợ đặng báo hiếu nghĩa là không muốn thầy thủ tiết, mà thầy thủ tiết làm chi. Thủ tiết thì trái ý của bạn, lại thất hiếu với cha mẹ nữa.

-Ngặt tôi không có tình gì với ai hết, tôi sợ cưới người ta rồi tôi không thương, té ra tôi báo hại người ta.

-Người mình cưới vợ thuở nay có ai thương trước bao giờ. Cha mẹ đành người nào thì cậy mai nói cưới cho mình. Nhiều khi đến bữa cưới mình mới thấy mặt vợ chán chường. Vợ chồng ăn ở với nhau bắt đầu gây nghĩa rồi lần lần gây tình. Vậy mà hết thảy đều ở đời với nhau tới già sanh con đẻ cháu cả bầy, có sao đâu.

-Bây giờ má tôi với ông bà đều muốn tôi cưới vợ. Tôi biết ai đâu mà cưới.

Bà Kinh nghe câu đó, biết Vĩnh Xuân đã xiêu lòng rồi, nên bà chụp mà nói: “Nếu thầy chịu thì tôi với ông Kinh mới dọ dẫm hỏi thăm coi ai có con gái. Nếu liệu phải chỗ thì tôi dắt bà chị đi coi mắt. Như coi được ông Kinh sẽ dắt thầy đi coi chánh thức. Chừng nào thầy chịu rồi vợ chồng tôi mới khởi đầu làm mai. Tôi làm mai hay lắm. Bất luận chỗ nào, hễ thầy đành thì tôi nói được hết. Tôi nói thiệt a”.

Vĩnh Xuân dụ dự một chút rồi nói:

-Để thủng thẳng cho tôi suy nghĩ lại coi.

-Suy nghĩ đã mấy năm nay còn suy nghĩ gì nưa ? Thầy đã 27 tuổi rồi, phải làm riết, chớ trì huởn thầy già, rồi cưới con gái sạo được… Ừ, thầy thông, bà Chủ Thiệu bên chợ Cũ, bả có một con gái út dễ thương quá. Để tôi dọ ý bả coi như bả tính gả con nhỏ lấy chồng thì ông Kinh dắt thầy qua chơi đặng coi mắt.

-Để thủng thẳng coi. Phải bà chủ cho xoài hai lần, rồi mời ăn giổ đó hôn ?.

-Phải a.

-Nếu vậy thì bả có ẩn ý, nên bả mới đến làm quen với má tôi, rồi mời ăn giỗ đó chớ gì.

-Không có ý gì đâu thầy thông. Tôi quen với bả lâu rồi, mà tôi không dè bả có con gái út. Lần đầu tôi với bà chị qua thăm, tôi không thấy con nhỏ đó. Bữa đám giổ nó ra hầu trầu nước tôi mới hay.

Bà Hương văn thấy bà Kinh tráo trở lanh lẹ quá thì bà chúm chiếm cười.

Vĩnh Xuân lơ lửng vói lấy cây kìm mà đờn, không nói đến chuyện cưới vợ nữa. Tuy vậy mà bà Kinh với bà Hương văn thấy mưu kế của mình mười phần đã có mòi thắng lợi tới sáu bảy phần rồi, nên hai bà vui lòng nằm nghe đờn, thầm tính mỗi bữa nói thêm nuột chút, chẳng sớm thì muộn thế nào cũng thành công.

Còn ông Kinh thì làm bộ như người trung lập, ông lý luận theo sách mà thôi, chớ ông không nài ép, để cho Vĩnh Xuân tin bụng ông thành thật, không dè ông cũng a ý với hai bà rù quến Xuân lập gia thất đặng nếm mùi phú quí vinh hoa với thiên hạ.

Mấy bữa sau Xuân đi làm về ăn cơm rồi không khảy đờn, không làm thi, cứ ngồi tại bàn viết ngó bút tích của Cúc Hương rồi buồn hiu. Mà hễ thầy thấy mẹ vô ra, tóc bạc hết phân nửa, răng rụng đã bộn rồi, thầy nhớ lời mẹ than hễ tuyệt tự thì mồ hoang hương lạnh, thì trong lòng thầy chua xót ngậm ngùi.

Chữ hiếu nặng hơn chữ tình. Thiệt quả như vậy. Đến bữa thứ năm tuần đó, lúc ngồi ăn cơm trưa với mẹ, Vĩnh Xuân thấy mẹ buồn, thầy xốn xang khó chịu, nên thình lình thầy vụt nói: “Má muốn cưới vợ cho con thì má kiếm đi. Má đành đâu con chịu đó. Con không chọn lựa chi hết”.

Bà Hương văn đương kiếm chước mà dụ dỗ con, tình cờ nghe con xuôi thuận dễ dàng như vậy thì bà hớn hở, nên mắt nhìn con rất thân yêu, vừa cười vừa nói: “Con bằng lòng cưới vợ thì má vui lắm. Trong đời má chỉ còn mong ước có bấy nhiêu đó, con cưới vợ đặng kiếm cho má vài đứa cháu nội. Con chịu thì để má cậy bà Kinh dọ hỏi coi có chỗ nào rồi má sẽ coi. Con thủ tiết với Cúc Hương đã tám năm rồi, vậy cũng đủ. Huống chi khi con thi đậu, nó từ biệt con, nó có biểu con phải cưới vợ. Con dụ dự cho tới năm năm, không nỡ phụ tình bội nghĩa với nó, thì nó đã biết lòng dạ của con rồi, có gì đâu mà ngại”.

Vĩnh Xuân vì kính yêu mẹ nên chịu cưới vợ, nhưng trong lòng không ham muốn chút nào, bởi vậy thầy lặng thinh. Dường như chữ hiếu ép buộc thầy phải đành liều nhắm mắt đưa chưn, thầy không cần nói nhiều nữa.

Đến xế, Vĩnh Xuân với ông Kinh đi làm việc rồi, thì bà Hương văn lật đật đi thông tin cho bà Kinh hay. Hai bà mừng rỡ hết sức. Bà Kinh nói để bà cho ông Kinh hay đặng chúa nhựt ông rủ Vĩnh Xuân đi qua Chợ Cũ chơi mà coi mắt con gáí út của bà Chủ Thiệu.

Chều thứ sáu đi làm về dọc đường, ông Kinh rủ Vĩnh Xuân sáng chúa nhựt đi qua phía Chợ Cũ xem vườn tược chơi.

Vĩnh Xuân nghi Ông Kinh có ý muốn thầy đi coi vợ, nhưng đã quyết đánh liều nhắm mắt đưa chưn cho mẹ vui lòng, nên thầy chịu liền, không ái ngại chi hết.

Bà Kinh ngồi xe kéo qua thông tin cho bà chủ Thiệu hay trước.

Sáng chúa nhựt, ăn lót lòng rồi, ông Kinh với Vĩnh Xuân thay y phục, kêu hai chiếc xe kéo lại rồi mỗi người ngồi một chiêc mà đi. Tới nhà bà chủ Thiệu, ông Kinh biểu xa phu quẹo vô sân.

Ba Khai, con trai lớn của bà Chủ Thiệu, mặc áo dài chực sẵn trong nhà, nên vừa thấy hai chiếc xe kéo ngừng thì cậu vội vã bước ra chào khách và mời vào ngồi cái bàn mặt tròn cẩn ốc xa cừ, chưn tiện thiệt khéo, bàn để giữa nhà có sáu cái ghế sắp chung quanh.

Bà Chủ Thiệu đang ngồi bộ ván phía trong, bà thủng thẳng bước ra chào khách, hỏi thăm sức khỏe của bà Kinh với bà Hương văn, nghe nói danh thầy thông đã lâu rồi, bữa nay mới biết, rồi bà kêu người nhà mau mau bưng trà ra đãi khách. Bà vui vẻ nói nói cười cười, bước lại cái ghế để dựa góc cột mà ngồi đặng hầu chuyện với khách.

Ba Khai đi vô trong một lát, thì Cẩm Nhung mặc một bộ đồ lụa trắng, bưng một kỷ trà ra để trên bàn, chắp y xá ông Kinh và Vĩnh Xuân rồi trở vô trong. Ba Khai xách bình ra rót. Bà Chủ mời khách giải khát.

Ông Kinh hỏi bà Chủ được mấy người con, vườn bà được bao nhiêu sào, mẫu và lúc nầy dừa có giá hay không.

Vĩnh Xuân ngồi ngó trong nhà, không nói chi hết.

Ông Kinh tỏ ý muốn đi xem vườn. Ba Khai mới dắt hai người khách ra sân xem hoa, xem kiểng rồi đi thẳng vô phía sau cho thấy vườn. Xem chơi một chút rồi khách trở vô nhà từ giã bà Chủ mà về.

Tuy Vĩnh Xuân đã có nghe mẹ trầm trồ khen nhà bà Chủ Thiệu lớn, đồ đạc tốt, vườn tược minh mông, song thầy không dè bà Chủ giàu có đến mức vậy, bởi vậy về đọc đường thầy chúm chím cười, thầm nghĩ thầy không thế nào làm con rể một nhà cự phú được.

Về tới nhà thay đồ rồi, vợ chồng Ông Kinh lại nói chuyện chơi với mẹ con Vĩnh Xuân.

Bà pha lửng hỏi Vĩnh Xuân;

-Ông Kinh dắt thầy qua nhà bà Chủ Thiệu chơi, nghe nói bà Chủ có cho con gái bả ra chào phải hôn thầy không ?

-Thưa có.

-Nếu vậy thì bả muốn gả con chớ gì. Thầy đi chơi mà bả muốn thầy coi con bả, nên bả mới cho ra chào. Sao ? Thầy coi cô đó được hay không ? Bả đã cho coi, nếu thầy chịu thì tôi làm mai chắc bả gả.

Vĩnh Xuân suy nghĩ rồi nói cụt ngủn:

-Tôi coi không được bà à.

Bà Hương văn với vợ chồng ông Kinh ngó nhau ngạc nhiên lại bối rối.

Hà Kinh chưa chịu thua nên bà hỏi:

-Thầy thông coi không được về chỗ nào ? Đâu thầy nói nghe thử một chút.

-Cô đó có sắc đẹp quá, lại nhỏ tuổi hơn tôi nhiều.

-Trời Phật ơi ! Người ta đi coi vợ, nếu có chê là chê xấu. Thầy coi vợ, thầy thấy đẹp mà thầy lại chê, cái đó thiệt là lạ đời. Còn nhỏ tuổi hơn thầy, cái đó có chê thì đàng gái họ chê, chớ thầy chê nỗi gì. Tại thuở nay thầy không tính cưới vợ, nên thầy chưa nghĩ tới chuyện vợ chồng. Đàn bà mau già hơn đàn ông lắm. Nếu cưới vợ mà tuổi chồng vợ xấp xỉ với nhau, người vợ đẻ vài lứa rồi coi già hơn chồng nhiều lắm. Vậy con Cẩm Nhung nhỏ hơn thầy tám tuổi, trong ít năm đây vợ chồng. sẽ vừa với nhau, nó khỏi già rước thầy chớ có hại gì đâu.

-Má tôi muốn cưới vợ đặng má tôi có cháu nội. Vậy thì tôi cần gì phải cưới vợ đẹp. Người ta nói : “Hữu nhan sắc, hữu ác đức”. Tồi sợ “sắc năng bại đức” nên tôi ngán. Còn một điều nầy nữa: nhà bà Chủ giàu sang quá, còn nhà tôi nghèo. Hai bên không xứng nhau.

-Nếu họ biết thầy nghèo mà họ chịu gả, thì thầy sợ gì mà không đám cưới ?

-Người giàu họ hay kiêu lắm. Họ kể ruộng vườn tiền bạc chớ họ có kể đạo đức tài năng là gì đâu. Mà dầu họ không dám khinh khi tôi, thì họ cũng khinh khi má tôi. Tôi nói thiệt nếu họ cũng khi má tôi thì không thế nào tôi chịu được.

Bà Hương văn nói: “Bà Chủ biết điều lắm con à. Má qua nhà chơi hai lần, bả kính trọng má chớ có khi đâu. Mấy người con bả cũng vậy. Nhà đó là nhà chơn chất lễ nghĩa mà !”.

Ông Kinh nói: “Cưới vợ nên lựa nhà phúc đức. Ở đây ai cũng biết nhà bà Chủ Thiệu là nhà giàu xưa, giàu từ lớp ông bà, chớ không phải mới giàu đây mà mình sợ “vi phú bất nhơn”. Mà vợ chồng là cái đạo của ng quân tử. Cưới chủ ý nối nghiệp tông môn, chớ không phải cố tâm chia ruộng vườn vàng bạc. Bởi vậy cưới vợ nhà giàu hay nhà nghèo không phải là vấn đề. Có khi nghèo mà tử tế còn giàu lại không ra gì. Nhiều khi trái ngược lại cũng có. Vậy thầy thông đừng vội khen chê, nên để chị Hương văn với bà nó dọ dẫm lại coi như thiệt bà Chủ mến tài, mến đức của thầy nên bà muốn gả con thì thầy nên chịu chớ không nên chê giàu, chê đẹp. Lại nếu gả thì phải để cho mình tuỳ tiện làm lễ cưới không nên eo xách quá, đòi đủ lục lễ, đòi trâu khiêng, rượu ché, heo cũi, tiền đồng. Nếu bà làm khó thì để bả gả cho người khác, mình đừng thèm bước tới”.

Vĩnh Xuân nói: “Thệt vậy, nếu làm khó thì tôi xin kiếu”.

Bà Hương văn nói: “Nhà tôi chật hẹp quá. Nếu làm rình rang thì có chỗ đâu cho khách ngồi”.

Bà Kinh nói: “Không gả thì thôi, còn thương nên chịu gả thì phải chế giảm chớ. Chị đừng lo, tôi biết làm mai mà. Bữa nào chị qua nói chuyện làm sui công khai đi: Hễ bà Chủ chịu gả thì cứ để cho lôi nói chuyện với bả. Tôi sẽ làm dễ đàng cho cả đôi bên”.

Công việc bàn tính xong rồi ai cũng an lòng. Ông Kinh rủ Vĩnh Xuân lại nhà hòa đờn chơi.

Hai bà con ngồi to nhỏ bàn tiếp câu chuyện hôn nhơn, cả hai đều vui thấy Vĩnh Xuân chịu cưới vợ, lại được vợ giàu và đẹp.

Xế bữa sau, hai bà kêu xe qua nhà bà Chủ Thiệu. Bà Kinh mở đầu cho bà Hương văn chánh thức cầu hôn. Bà Chủ chịu gả. Bà Hương văn nói nhà đơn chiếc chật hẹp, xin bà Chủ thương giảm bớt hôn lễ, làm cho giản tiện. Bà Chủ nói bà gả Cẩm Nhung cho Vĩnh Xuân là vì mẹ con bà ái mộ tài đức của Xuân, bởi vậy bà không tính đi nhiều lễ, mà cũng không muốn đòi nữ trang.

Nếu đàng trai cậy vợ chồng ông Kinh làm mai, đàng trai muốn làm cách nào cho thuận tiện thì cứ tỏ thiệt với bà mai đặng bà mai trao lời rồi bà sẽ bàn tính với bà mai.

Chiều ông Kinh với Vĩnh Xuân đi làm về, bà Kinh liền cho hay hồi xế hai bà qua nói chuyện làm sui thì bà Chủ đã chịu gả rồi và hứa hôn lễ bà làm cho giản tiện, đàng trai muốn thế nào cứ nói cho bà mai biết đặng bà bàn với đàng gái.

Ăn cơm tối rồi, vợ chồng ông Kinh mời mẹ con Vĩnh Xuân lại uống trà mà bàn việc hỏi cưới.

Ông Kinh nói theo xưa, nhà tử tế cưới gả phải đi đủ sáu lễ, bây giờ người ta chế giảm còn lễ hỏi và lễ cưới mà thôi. Mà ông nghĩ lễ hỏi cũng không ích gì. Bây giờ nên đi một lễ cầu thân. Họ đàng trai đi năm ba người vậy thôi. Ấy là lễ cáo báo trai với gái đã hứa hôn nhơn rồi đặng người khác hết gấm ghé cầu hôn nữa. Lễ ấy đi trầu mâm, rượu ve vậy thôi, mà đàng gái lo sắm dùm trầu rượu sẵn trong nhà cũng được. Nhưng đàng trai phải đi rượu trà; bánh trái, ít nhứt là bốn mâm với một đôi hoa tai như mua cái hoa con gái. Lễ nầy rồi dâu với rể được phép gọi cha mẹ hai bên là cha mẹ. Từ đó cho tới đám cưới chàng rể phải đến viếng bên vợ, gọi là “làm rể” mấy ngày đến một lần tuỳ cha mẹ vợ định.

Vĩnh Xuân hỏi đi một đôi hoa tai phải tốn bao nhiêu tiền.

Bà Kinh nói việc đó để cho bà với bà Hương văn liệu mà mua, Xuân chẳng cần phải lo.

Còn lễ cưới thì ông Kinh nói cũng phải đi bánh trái, trà rượu với mâm trầu đàng gái xây giùm trước cũng được. Nhưng phải đi cho cô dâu một mớ áo với một đôi vàng.

Bà Kinh rước nói lễ vật, vàng và áo cũng để cho bà với bà Hương văn lo.

Bây giờ ông Kinh hỏi Vĩnh Xuân đám cưới phải mời khách nhóm họ đãi ăn bữa trước hay là rước dâu về rồi tối mới đãi tiệc.

Vĩnh Xuân nói ở một căn phố nhỏ, chật hẹp, nhóm họ và đãi tiệc có chỗ đâu cho khách nghỉ. Nếu lựa mời nhóm năm ba người thì người khác phiền. Còn mời đãi ngoài hành lang thì làm rùm beng quá, sợ người ta dị nghị. Huống chi đám cưới là cái lễ gia đình. Vậy lễ cầu thân cũng như lễ cưới, chỉ mời ít người thân thiết đi họ giùm vậy thôi, không nhóm họ, không đãi tiệc. Thầy sẽ mướn in tbiệp gởi báo tin cho mấy ông, mấy thầy các sở hay ngày nào thầy kết hôn với ai ở đâu vậy thôi chớ không mời.

Ông Kinh hiểu ý Vĩnh Xuân, mới tính gọn như vầy: lễ cầu thân thì đi sáu người: chàng rể, bà sui trai, vợ chồng ông mai, mời thêm ông với bà Huấn Trai nữa thì đủ. Họ qua đàng gái làm lễ rồi ăn bánh uống nước về cũng được. Vả hai nhà ở gần thau quá, nhà nào đãi cơm thì đãi một nhà mà thôi, chớ mời ăn bên kia không lẽ về bên nầy ăn nữa được. Vậy bà mai nên nói với sui gái sẵn có nhà rộng thì đàng gái lãnh đãi hai họ, chừng rước dâu về đàng trai thì ăn bánh uống nước trà, hoặc rượu vậy thôi.

Vĩnh Xuân khen cách ông Kinh bày gọn gàng lại êm thấm, nên thầy chịu làm như vậy.

Bà Kinh lãnh thương thuyết với bà sui gái đặng hai bên thỏa thuận với nhau.

Bà Chủ Thiệu ái mộ Vĩnh Xuân, quyết gả Cẩm Nhung cho thầy, nên bà Kinh làm mai bày cách nào bà cũng vui lòng mà chịu hết.

Tháng sau đi lễ cầu thân, bà Hương văn sắm bốn quả rượu và bánh trái mà thôi. Bà Chủ lãnh xây mâm trầu và lén đưa cho bà Kinh một đôi bông tai nhận hột xoàn đặng đi lễ, khỏi mua tốn tiền. Bà lại xin họ đàng trai qua làm lễ xong, bà đãi ăn một tiệc rồi sẽ về.

Trước khi lên xe ngựa mà đi, Vĩnh Xuân không quên Cúc Hương. Thầy lại đứng trước khuôn kiếng lộng di bút của nàng mà vái lầm thầm rằng vì chữ hiếu nên thầy không thủ tiết với nàng đươc, chớ không phải thầy phụ bạc.

Cách ba tháng sau, ngày cưới định rồi, Vĩnh Xuân in thiệp để tới bữa cưới sẽ gởi cho mấy ông, mấy thầy trong tỉnh mà báo tin. Thầy có gởi thơ xuống Chợ Giồng mời vợ chồng Ông Giáo Huân với Hai Tỷ, nhưng hai nhà đều trả lời chúc mừng, vì xa xuôi đi không tiện.

Đi rước dâu thì thầy có mời thêm vợ chồng thầy Giáo Thôi, là bạn học cũ mới đổi lại dạy lớp nhứt trường tỉnh Mỹ Tho.

Bà Chủ Thiệu nói nhà bà rộng rãi nên bữa cưới bà xin đãi hai họ; chừng đưa dâu qua đàng trai làm lễ rồi họ đàng gái uống trà vậy thôi. Bà chịu lãnh xây mâm trầu và chịu miễn lộng. Bà lại lén đưa cho bà Kinh một mớ áo, một đôi neo, một đôi vàng chạm, đặng bữa cưới trình lễ vật cho dễ coi.

Có một việc rắc rối xảy ra thình lình là quan Huyện Lê Thành Kiên hay Vĩnh Xuân sửa soạn cưới vợ, nhưng vì nhà nghèo lo sắm lễ vật đã mệt rồi, không dám đãi tiệc, chỉ báo tin cho mấy ông, mấy thầy hay vậy thôi. Quan Huyện hảo tâm mới viết giấy nói rằng thầy thông Vĩnh Xuân sắp cưới vợ, nhưng vì nhà cửa chật hẹp nên không dám mời mấy thầy. Ông nghĩ Vĩnh Xuân là anh em, thầy làm lễ thành hôn mấy ông mấy thầy không lẽ làm lơ, không chúc mừng cho thầy. Vậy ông muốn hùn với nhau mà đặt một tiệc tại nhà hàng đặng chiều bữa cưới mời vợ chồng Vĩnh Xuân đến dự tiệc mà tỏ lời chúc mừng cho thầy long phụng hòa minh, sắt cầm hảo hiệp. Quan Huyện dặn thầy nào chiu hùn đãi tiệc thì ghi tên vào tờ đặng biết số mà đặt tiệc.

Mấy thầy trong Toà Bố đều biên tên hết. Có nhiều thầy làm sở khác, Giáo huấn, Ngân khố, Công chánh và Tòa Án cũng xin ghi tên chịu đãi tiệc, thành thử số người chung đậu mà chúc mừng cho Vĩnh Xuân lên tới 60 thầy. Quan Huyện lấy làm mừng mà thấy mấy thầy hoan nghinh ý kiến của ông. Ông mới đặt cho thợ làm một tấm hoành thêu kim tuyến bốn chữ lớn: “Sắt cần hảo hiệp” để bữa tiệc trao cho vợ chồng Vĩnh Xuân kỷ mệm ngày vui.

Vĩnh Xuân hay chuyện ấy thầy rất ái ngại.

Ông Kinh Lương nói quan Huyện thương, nên bày làm như vậy, mà làm đó là phải lắm, anh em chung đậu mà ăn mừng với nhau một bữa, chớ phải người ta hùn tiền mà đi cho mình hay sao nên ái ngại. Bữa đó, anh em chúc mừng cho mình thì mình tỏ lời cám ơn thạnh tình của mấy ông, mấy thầy vậy thôi.

Vĩnh Xuân nghe như vậy mới an lòng.

Đám cưới làm y theo chương trình đã định trước. Sửa soạn đi rước đâu, Vĩnh Xuân cũng vái Cúc Hương rồi mới lên xe mà đi. Mớ áo với vòng vàng thì bà Kinh cùng bà Hương văn sắp đặt làm êm, Vĩnh Xuân không hay gì hết. Cô dâu về nhà chồng đeo vàng đỏ tay, cổ đeo kiềng, ngực đeo hột xoàn, đầu giắt trâm rung, coi thiệt đẹp.

Bà Chủ Thiệu hay tối bữa đó mấy ông, mấy thầy đặt tiệc đãi vợ chồng Vĩnh Xuân tại nhà hàng thì bà đắc chí hết sức. Chừng họ đàng gái về bà nói cho vợ chồng Vĩnh Xuân hay chiều bà sẽ cho xe cao su qua trước đặng đưa vợ chồng đi dự tiệc và chờ đặng rước về.

Đám cưới thì xuôi thuận. Còn tiệc đãi thiệt là vui. Mấy thầy ai cũng xầm xì Vĩnh Xuân có phước nên cưới vợ giàu lại đẹp.

Tiệc mãn rồi, quan Huyện đứng lên thay mặt cho mấy thầy chúc mừng vợ chồng Vĩnh Xuân trăm năn bền chặt tóc tơ, một cửa dẫy đầy hạnh phúc. Ông biểu giăng tấm hoành thêu bốn chữ: “Sắt cầm hảo hiệp” cho vợ chồng Vĩnh Xuân xem rồi giao cho thầy treo trong nhà để làm vật kỹ niệm.

Vĩnh Xuân cảm động đứng dậy tạ ơn quan Huyện với tất cả bằng bối. Thầy cáo lỗi vì nhà chật, nên không dám mời mấy ông mấy thầy. Sau hết thầy nói thạnh tình của mấy ông mấy thầy đây không bao giờ thầy quên.

Mấy ông mấy thầy ai cũng lại bắt tay Vĩnh Xuân và cúi đầu chào Cẩm Nhung mà từ giã.

Vợ chồng Vĩnh Xuân đứng chờ khách đi hết rồi mới ôm tấm hoành lên xe mà về.

PHẦN IV - CHƯƠNG 16 -

T

rong sách nho có câu: "Thơ trung hữu kim ngọc“ nghĩa là trong sách có vàng có ngọc.

Người dụng tâm khuyến khích bạn trẻ phải ráng đọc sách nên mới viết ra một câu như vậy, họ không dè ý tứ câu trái ngược với nho giáo mà cũng không hạp với luân lý.

Môn đệ của Khổng Phu Tử kể đến số ba ngàn, cả thảy vì ham đạo đức, nghĩa nhân nên theo nghe giảng dạy, chớ đâu phải vì ham ngọc ngà, vàng bạc. Người đi học cứ mong hưởng giàu sang thì hèn quá, thấp quá. Nếu muốn có vàng ngọc cho nhiều thì ăn trộm, ăn cướp cũng có được cần gì phải học.

Ấy vậy khuyên bạn trẻ phải ham đọc sách, lại lấy vàng ngọc mà nhẹm thèm thì không hay ho chút nào hết.

Xúi bạn trẻ học giỏi cho đặng:

-Làm quan rồi bốc lột mà làm giàu chăng ?

-Hay là làm quan đặng cưới vợ giàu mà nhờ chăng ?

Không bao giờ ông Giáo Huân dạy Vĩnh Xuân mà nói đến câu „thơ trung hữu kim ngọc“ hay là câu „thơ trung hữu mỹ nữ“. Vĩnh Xuân ham học là vì nhà nghèo muốn thoát khỏi cảnh đói rách, và vì thấy mẹ cực nên muốn làm mà nuôi mẹ cho sung sướng tấm thân. Chỉ vì hai mục đích đó, sau lại còn bị Hia Mỹ khinh rẻ nữa, nên Vĩnh Xuân mới gia công mà học cho thành danh, chớ không phải học cho cao đặng để bốc lột, hoặc cưới vợ giàu.

Học thành công rồi, Vĩnh Xuân phải làm thông ngôn là bất đắc dĩ, rồi sau nầy còn phải cưới vợ giàu và đẹp đó cũng là bất đắc dĩ nữa. Vĩnh Xuân thất tình rồi ố tục, nên có muốn tiền nhiều, vợ đẹp là chi đâu. Làm tiệc thì thầy lập chí chánh trực thanh cao, ở nhà thì thầy cố tâm nuôi mẹ trọn đạo.

Vì muốn cho mẹ được vui lòng nên thầy phải vâng lời để mẹ lo vợ cho thầy, bởi vậy được vợ có sắc đẹp coi bộ thầy không biết vui mà thấy vợ đeo vàng nhiều dường như thầy hổ thẹn.

Đêm ấy vợ chồng Vĩnh Xuân đi ra nhà hàng dự tiệc của mấy ông mấy thầy đãi, chừng trở về nhà, Xuân để tấm hoành thêu trên bàn viết, thấy mẹ đương nằm trên bộ ván nhỏ thì bước lại hỏi:

-Má mệt hay không má ?

-Ối làm gì đâu mà mệt. Má dọn cái giường trong buồng để cho vợ chồng con ngủ. Má ngủ ngoài nầy.

-Làm vậy sao được má. Để con ngủ ngoài nầy mới phải chớ.

-Vợ chồng mới cưới phải ở trong buồng. Con thay đồ mà nghỉ đừng có cãi má.

Vĩnh Xuân không dám trái ý mẹ, vô trong thay đồ mát rồi để vợ nằm nghỉ, thầy trở ra bàn viết mở tấm hoành trình cho mẹ xem. Thầy ngồi ngó trân trân di bút của cúc Hương ngùi tưởng tình xưa, quên lửng duyên mới.

Bà Hương văn sợ con dâu mới nó buồn, bà phải nhắc Vĩnh Xuân đến hai lần, bà nói khuya rồi, thầy mới chịu đi nghỉ.

Sáng bữa sau, Vĩnh Xuân đi làm việc liền. Bữa phản bái, thầy nói để tan hầu về rồi sẽ đi chớ thầy cũng không chịu xin nghỉ.

Ông Kinh lại chơi, ông thấy tấm hoành ông dở ra mà xem. Ông đốc Vĩnh Xuân phải đóng đinh mà treo trên vách, vì của mấy ông, mấy thầy chúc tặng, nếu không treo thì người ta buồn. Ông kiếm trúc làm nuông rồi phụ với Xuân đóng đinh mà treo lên vách. Ông đọc bốn chữ „Sắt cam hảo hiệp“, Vĩnh Xuân day mặt chỗ khác, miệng chúm chím cười.

Con sen mà thím Tư Cam mướn dùm năm trước bây giờ nó đã hai mươi tuổi rồi, nhờ có bà Hương văn tập rèn nên nó đi chợ nấu ăn được. Bà Hương văn đã tăng tiền công cho nó lên bốn đồng.

Phản bái lại rồi, thím Tư Cam xin để cho thím gói bánh lại mà đếm cho bạn hàng. Bà Hương văn thường phụ gói bánh với thím. Cẩm Nhung thấy bánh ú gói cả đống, cô hỏi gói làm chi mà nhiều dữ vậy. Thím Tư Cam nói gói đặng đếm cho bạn hàng đem đi bán. Cẩm Nhung cười. Bà Hương văn nói: „Xuân làm việc lương không đủ ăn mà nó không thèm của hối lộ. Má với thím Tư phải chịu cực một chút, nhờ vậy nên mấy năm nay trong nhà khỏi thiếu hụt, mà Xuân cũng giữ được tánh thanh liêm“.

Nếu Cẩm Nhung là gái khôn ngoan, cao kiến, nghe mẹ chồng nói vậy cô hăng hái phụ công, như xếp lá hoặc trao dây, thì đờn ăn nhịp, nước xuôi dòng. Té ra nghe như vậy cô lại ngó lơ bỏ lên giường mà nằm. Thím Tư Cam liếc mà ngó bà Hương văn, thấy bà buồn thì thím nói: „Bà đi lên nhà trên nằm nghỉ để thủng thẳng tôi gói, có gấp gi đâu“. Bà Hương văn lặng thinh cứ ngồi tiếp gói.

Vĩnh Xuân đi làm thì Cẩm Nhung ở nhà ra vô buồn hiu. Bà Hương văn thấy vậy mới biểu Cẩm Nhung hễ nhớ nhà hay nhớ chị sui thì kêu xe kéo về thăm. Cẩm Nhung thừa ý mẹ chồng rộng rãi, cô về Chợ Cũ mỗi ngày, khi đi sớm mơi khi đi buổi chiều, có bữa cô xin về ăn cơm với mẹ.

Vĩnh Xuân hay mẹ cho vợ về thăm nhà hằng ngày, thầy không cản trở. Còn về phận thầy thì chúa nhựt mẹ thầy có nhắc thầy mới đi thăm mẹ vợ, mà qua thăm một chút rồi về, chớ không ở lại. Đêm nào cũng như đêm nấy, thầy cứ đeo theo ông Kinh làm thi hoặc đờn. Thứ bảy thì dắt nhau xuống khách sạn uống trà, đàm luận với cụ Huấn Trai.

Một bữa Cẩm Nhung thấy chồng ngồi nhìn di bút của Cúc Hương, cô cầm mà coi rồi hỏi lộng kiếng mấy chữ nho đó làm chi vậy.

Vĩnh Xuân nói mấy chữ nho đó có ý nghĩa nhiều lắm. Cô không tìm hiểu thêm, mà cô lại chỉ hai chậu môn để trước thềm mà hỏi:

-Sao anh không trồng bông, để trồng chi hai bụi môn xấu hoắc vậy ?

-Qua trồng môn đặng ra vô ngó thấy mà nhớ tư cách của người quân tử.

-Tư cách quân tử là cái gì ?

-Tư cách quân tử là thanh cao chánh trực kín đáo, được ở trên phải che chở cho dưới, ưa làm ơn mà cũng phải có oai, khi nên mềm thì mềm, khi phải cứng thì cứng.

-Em không hiểu. Mà những chuyện như vậy ở đâu trong bụi môn mà anh trồng đặng ngó.

-Em không có học, em hiểu sao nổi mà cắt nghĩa.

Thiệt vậy, một trắng với một đen khác nhau nhiều quá, một trời với một vực cách nhau xa quá, làm sao hiểu nhau được mà nói chuyện.

Vĩnh Xuân học nhiều mà bị thất tình chán nản nên thầy khinh thế ngạo vật, không ưa lòe lẹt, không ham bạc tiền, thầy thích bài văn cứng, ngón đờn tươi, thầy yêu cụm mây xanh, vừng trăng tỏ.

Chồng mang chứng bịnh chán đời, nếu vợ khôn ngoan sáng suốt dọ dẫm cho hiểu tâm hồn của chồng, biết đau khổ chỗ nào, rồi cậy sắc đẹp thiên nhiên, tỏ tình yêu thành thiệt lần lần chữa bịnh cho chồng, thủng thẳng khuyến dỗ chồng nếm thử lạc thú của thế gian, lâu ngày chầy tháng có lẽ chồng sẽ yêu thích mùi trần rồi khuây lãng chuyện xa xuôi mà vui sống với cảnh đời trước mắt.

Cẩm Nhung có sắc đẹp hơn Cúc Hương bội phần, mà tiền cô cũng có nhiều hơn. Nếu cô biết dùng nhân nghĩa mà gieo cảm tình cho Vĩnh Xuân thì chắc cô sẽ làm cho Vĩnh Xuân quên Cúc Hương mà dan díu với cô được.

Tiếc vì Cầm Nhung có sắc, có tiền mà không có trí. Ưng Vĩnh Xuân cô tưởng sắc với tiền của cô đủ dẫn Vĩnh xuân, cô chẳng cần lo cho mệt. Đã vậy mà học lực của cô chỉ biết đọc và biết viết chữ quốc ngứ mà thồi. Cô chưa nghe nói giáo dục gia đình, cô cũng chưa hiểu được luân lý xã hội. Từ bữa bà Chủ gả cô cho Vĩnh Xuân thì cả nhà từ bà mẹ xuống tới anh chị ai cùng nói cô sẽ làm „cô thông“ mà không cắt nghĩa cách làm cô thông là thể nào, cũng không ai dạy cho cô hiểu đạo làm dâu, đạo làm vợ, đạo làm mẹ đặng khi về nhà chồng biết thảo thuận, chừng sanh con biết chăm nom nuôi con, có lẽ tại cả nhà đều tưởng gái có sắc, có tiền thì chồng yêu, mẹ chồng chuộng, chẳng cần đạo nghĩa gì hết.

Khi bái từ đường đặng lên xe mà về nhà chồng, Cầm Nhung thầm tưởng cô sắp bước vào cảnh thiên đàng hoặc tịnh độ, cô sẽ vui như thần nữ, như tiên nga, vật gì cũng tươi cười, người nào cũng chiều chuộng. Té ra bước vô nhà cô thấy lúng túng chật hẹp, đồ đạc xấu xa, ván giường tệ lậu. Cô bắt đầu thất vọng. Mà chừng dòm thấy ông chồng nguội lạnh chớ không hăng hái, còn mẹ chồng phải gói bánh ú, bánh chưng mà bán mới có đủ cơm gạo để nuôi sống hằng ngày thì cô hết vui, lại có mòi hối hận. Làm cô thông là vầy đây hay sao ? Có vui sướng sang trọng gì đâu mà mẹ mình nong nả muốn cho mình làm cô thông, cô ký.

Vợ chồng Vĩnh Xuân khác nhau từ tâm hồn cho đến tham vọng. Trong vài mgày đầu thì Vĩnh Xuân đã nhận thấy rõ ràng. Vì sợ mẹ buồn nên thầy không nói ra, tính để thủng thẳng quen rồi thây sẽ tập cho vợ biết cái thiệt cao, thiệt quí, kẻo vợ còn lầm lộn cái thấp lại cho là cao, cái hay lại tưởng là dở.

Một đêm Vĩnh Xuân lại nói chuyện chơi với ông Kinh. Bà Kinh nói: „Bữa nay tôi có qua Chợ Cũ thăm bà chủ. Bà chủ nói cô thông về bển cô than bên nầy ngày đêm nằm tiu hiu, nên cô buồn quá. Sao ban đêm thầy không đắt cô đi chơi cho cô vui chút đỉnh vậy thầy thông?“

Vĩnh Xuân chau mày hỏi lại.

-Ở đây có chỗ nào vui đâu mà chơi ?

-Đi coi hát, hoặc đi thăm mấy thầy, hoặc đi xuống cầu tàu hứng gió.

-Bà thấy mấy năm nay tôi có đi chơi như vậy hồi nào đâu ? Thú vui của tôi là hòa đờn đàm luận, họa thi chơi với ông Kinh và ông Huấn Trai, hoặc nằm nhà đọc sách. Vợ tôi nó có biết vui với mấy thú đó đâu. Thú vui của nó có lẽ khêu gợi mối sầu cho tôi. nếu tôi dắt nó đi chơi cho vui, mà tôi phải ôm sầu ngồi chừ bự một bên, thì tội nghiệp cho tôi quá.

-Thôi thì thứ bảy, chúa nhựt vợ chồng đi lên Sài Gòn chơi.

-Tôi không có quen ai ở trên Sài Gòn, lên trển rồi chỗ đâu là nghỉ ?

-Nhà hàng thiếu gì. Cô thông có người chị thứ hai có chồng làm thầy giáo trên Sài Gòn. Thầy lên thăm rồi ở nhà chị vợ được chớ.

-Người ta ở phố chật hẹp. Mình tới làm nhọc lòng người ta.

-Nghe nói nhà cô hai Bình rộng rãi lắm. Vợ chồng ở tới hai căn phố lận. Đồ đạc tốt lắm.

-Theo ý tôi, nhà nào cũng không bằng nhà của mình, mặc dầu nhà họ tốt, nhà mình xấu. Ở nhà mình thì thong thả khỏi bị kềm chế.

-Nói như thầy vậy, thôi có ai đi chơi đâu; ai ở nhà nấy, không ai tới lui thăm ai hết.

-Phải đồng tâm, đồng chí với nhau thì tới lui mới có chuyện mà nói, chớ tới chơi với nhau mà mỗi người một thế, không hòa hiệp với nhau, tôi sợ sanh cuộc cãi lẫy, có vui gì mà tới. Tôi tưởng nên tránh trước thì tốt hơn.

-Nầy, bà Chủ còn trách thầy, bà nói sao thầy ít qua Chợ Cũ quá.

-Má tôi cho vợ tôi về thăm hằng ngày, tôi còn qua nữa làn chi. Tôi mắc làm việc, tôi đi với vợ tôi sao được. Chúa nhựt nào rảnh tôi mới đi thăm. Tôi tưởng xử như vậy cũng đủ lễ. Theo cách xã giao, không nên thiếu, là cũng không nên dư. Thiếu thì lỗi, còn dư thì nhục. Làm sao cho vừa trúng lễ.

Ông Kinh xen vô khen: “Thầy nói như vậy tôi chịu lắm. Ai hay thầy cưới con bà Chủ cũng khen thầy có phước, nghèo mà học giỏi nên được nhà giàu kêu gả con. Nếu thầy tới lui thường quá, thì chẳng khỏi người ta nói bợ đỡ đặng nhờ nhõi. Tôi biết tánh ý thầy. Thầy cưới vợ là vì hiếu chớ không phải vì tiền. Nhưng thiên hạ họ có hiểu như tôi vậy đâu. Họ mê tiền rồi họ tưởng ai cũng như họ vậy hết”.

Vĩnh Xuân cười mà nói: “Xin lỗi ông bà, tôi không dám nói phách với ông bà, ở đời tôi đã lập chí vững vàng, tôi cứ theo đó mà xử sự. Tôi không sợ ai chê, mà cũng không cầu ai khen, vì lời chê khen đời nầy không đúng chánh nghĩa. Họ hay tôi cưới vợ giàu, họ cho tôi có phước, họ có hiểu phước là gì đâu. Họ tưởng tiền nhiều đó là phước, họ không dè lắm khi tiền nhiều là họa. Ông bà lớn tuổi lịch lãm việc đời, tôi chắc ông bà đã từng thấy họa phước vần xây, ông bà không cho tôi nói điên”.

Ông Kinh nói: “Thầy nói đúng lắm chớ. Lợi danh như mây nổi, mới thấy đó rồi mất đó, có chắc chắn gì đâu. Duy nhơn nghĩa, duy đạo đức mới bền dai, mới đáng kể”.

Bà Hương văn với Cẩn Nhung bước vô. Bà Kinh vui vẻ tiếp mừng và mời đi thẳng lại ván ngồi chơi. Bà nói: “Tôi cằn nhằn thầy thông nãy giờ. Có vợ mà không chịu dắt vợ đi chơi, cứ bó rọ ở nhà, coi bộ cô thông cổ buồn”.

Bà Hương văn nói: “Thiệt nó như con gái, đi làm về cứ lục đục ở nhà, hoặc đi lại đằng nầy chơi với ông Kinh, không chịu đi đâu hết.

Ông Kinh cười và nói: “Tôi thấy có thầy ham đi chơi quá, đêm nào cũng đi, có khi đi tới hai ba giờ khuya mới về, thì vợ cằn nhằn. Thầy thông không đi đâu hết nên thẩy cũng bị trách sao không đi, thì thẩy mới biết làm sào cho vừa lòng được. Tôi tưởng cô thông mà gặp người chồng không chịu đi chơi đó là may mắn lắm, cô thông không nên buồn”.

Bà Kinh cãi:

-Đi chơi với vợ có hại gì đâu, chớ phải đi một mình, đi ta bà hay sao mà vợ cằn nhằn.

-Ban đầu đi với vợ; đi quen chưn rồi bữa nào vợ bận việc thì đi một mình, đi riết rồi tự nhiên sanh chuyện.

-Đi chơi đàng hoàng thì thôi, tại đi bậy ba mới sanh chuyện.

-Ai đi chơi cũng nói chơi phải, có ai chịu nhận mình chơi bậy đâu. Chừng đổ bể rồi mới té nghiêng, té ngửa.

-Ông khéo kiếm chuyện binh thầy thông.

-Không phải tôi binh. Tôi sợ hậu quả của sự ham đi chơi nên tôi nói ngay ra chớ. Theo tôi hễ có vợ thì ở nhà vui thú gia đình tốt hơn là kiếm thú vui khác.

-Đàn ông biết đờn, biết làm thi, biết đọc sách thì ở nhà chơi với mấy thú đó khỏi buồn. Còn đàn bà không biết mấy việc đó, ăn rồi nằm co buồn thúi ruột.

-Đàn bà không biết hòa đờn làm thi, thì thêu giày, thêu gối, may áo, may quần, làm mứt, làm bánh cũng vui vậy cần gì phải đi chơi.

Bà Hương văn hiểu ý ông Kinh muốn dạy dâu bà về nữ công, nữ hạnh, nên bà hưởng ứng tiếp nói: “Ý tôi giống ông Kinh. Đàn ông hay đàn bà cũng vậy, đi chơi vô ích mà có khi lại sanh hại. Nếu mệt trí, mệt xác lắm thì mới đi chơi một chút đặng giải khuây vậy thôi. Đi thường quá, đi đặng bẹo hình, bẹo dạng, khoe áo khoe quần, làm như vậy thì không nên”.

Vĩnh Xuân bước lại lấy cây đờn kìm ngồi đờn. Ông Kinh nghe một hồi, ông ngứa nghề nên lấy ống tiêu thổi hòa theo, tiếng kìm thanh tao, tiếng tiêu giéo giắt, làm cho hai người bộ sung sướng như ngồi trên mây bay theo gió, giũ sạch cả hồng trần, trút hết bầu tục lụy.

Hai người hòa đờn với nhau một hồi rồi uống nước trà mà luận việc đời.

Bà Hương văn thấy Cẩm Nhung buồn ngủ, bà mới dắt dâu mà về để Vĩnh Xuân ở lại nói chuyện với ông Kinh.

Nhờ cơ hội thuận tiện, bà Kinh nới nói với Vĩnh Xuân:

-Thầy thông thấy hôn ? Cô thông buồn quá. Hồi cô chưa có chồng, tôi với chị Hương văn qua thăm bà Chủ thì cô vui vẻ, nhặm lẹ lắm, chớ có phải ngồi bí sị như bây giờ đâu. Thầy phải làm cho cô vui mới được.

-Tôi biết làm sao bây giờ ? Vợ chồng tôi không giống nhau ở chỗ nào hết, tâm chí bất đồng, học thức bất đồng, giáo dục cũng bất đồng, bởi vậy cái tôi vui thì vợ tôi không thể thích. Có lẽ tại vậy nên vợ tôi buồn. Mà lại còn nhiều cớ khác nữa làm cho nó chán nản, không thể nào vui được. Thuở nay nó sanh sống trong một tòa nhà nguy nga lộng lẫy, nó quen hưởng sung sướng cao sang. Về nhà tôi nó thấy cái cảnh chật hẹp bần hàn, chỗ ngủ không được ấm êm, bữa ăn không có mỹ vị, má tôi phải gói bánh là bán mới đủ nuôi sống trong gia đình. Hồi ông Kinh dắt lôi đi coi vợ rồi về, bà hỏi tôi đành hay không. Tôi trả lời liền, tôi nói không được, một là vì cô đẹp quá lại nhỏ tuổi hơn tôi nhiều, hai là vì cô là con nhà cự phú, không thể vợ chồng hiệp hòa với nhau được. Ông bà viện đủ lý lẽ mà bác hai cái thuyết của tôi. Ông bà cứ nói người ta đẹp và nhỏ mà người ta ưng mình, người ta giàu có mà người ta chịu gả, thì mình sợ gì mà không dám cưới. Tôi sợ hai điều: một là vợ tôi thất vọng rồi nó buồn, hai là vợ tôi khinh rẻ mẹ con tôi. Điều thứ nhứt tôi sợ đó đã phát hiện rồi. Vợ tôi thấy nhà tôi nghèo nên nó buồn. Còn điều thứ nhì nữa, nếu điều đó mà phát hiện thì chắc chắn hết mong sum hiệp, bởi vì tôi không thể để cho ai được khinh rẻ tôi hoặc má tôi.

Bà Kinh nghe lời Vĩnh Xuân nói chí lý, giọng thầy cương quyết bộ thầy nghiêm trang, bà kính nể lại thêm bối rối, nên không dám cãi đùa.

Ông Kinh thấy vậy mới nói: „Hồi bà nó nói chuyện con gái út của bà Chủ, vợ chồng tôi có thể làm mai cho thầy được, tôi xuôi thuận tôi còn đốc vô, tôi dắt thầy đi coi, là vì tôi tưởng bà Chủ có qua nhà thầy mà thăm chị Hương văn, bà biết gia đạo của thầy. Nếu bà chịu gả con cho thầy thì chắc bà ái mộ tài đức của thầy, bà không kể sự giàu nghèo, Trước khi cho cưới, bà phải nói trước bề ăn ở của thầy cho con bà biết, rồi bà đặn dò con, bà dạy con về nhà chồng phải làm sao cho chồng cảm, mẹ chồng yêu. Nếu bà chủ có dạy trước, hoặc nếu cô Cẩm Nhung là gái khôn ngoan thì cô dễ làm cho bên chồng mến đức, cảm tình quá. Tại tôi nghĩ như vậy nên tôi mới hăng hái làm mai đốc cưới. Bây giờ cô Cẩm Nhung buồn, chắc tại bà Chủ không có dạy khôn cho con. Cô Cẩm Nhung ưng có lẽ cô tính cô sẽ làm cô thông, vợ của thầy thông ngôn đứng bàn quan lớn. Cô sẽ sang trọng, được tổng làng kính nể. Té ra về nhà chồng, cô không thấy ai kính nể gì hết, chỉ thấy nhà cửa lôi thôi, bạc tiền eo hẹp, làm sao mà cô không buồn. Tôi với bà nó đứng làm mai, vợ chồng mình có trách nhậm. Vậy mình phải lo bồi bổ chỗ thiếu sót, sửa chữa chỗ lầm lạc, soi sáng chỗ tối tăm. Tôi mắc làm việc, lại đàn ông khó nói chuyện với đàn bà. Bà nói dễ hơn tôi. Bữa nào tôi với thầy thông đi làm việc, bà nó ở nhà mời cô thông lại, rồi thì thầm cắt nghĩ việc đời cho cô hiểu. Phải nói tánh tình của thầy thông là tánh tình thanh cao, hiếu nghĩa, ngay thẳng, nhơn từ, không ai bì kịp, vì vậy nên thầy mới được mọi người kính mến. Cái nghèo của thầy thông thơm tho quí báu, ai muốn đem cái giàu mà đổi thầy cũng không thèm đổi đâu. Có được người chồng học giỏi, khôn ngoan, thanh liêm, chánh trực như thầy, thì cô có phước lớn, chớ không phải thầy cưới được người vợ nhà cao, vườn rộng, nhiều lúa, nhiều tiền như cô mà thầy có phước đâu. Cô phải dụng tình dụng nghĩa mà chinh phục mến yêu của thầy, không nên thấy nhà chồng nghèo mà buồn rầu, khinh rẻ. Bà nó cũng qua Chợ Cũ mà cắt nghĩa cho bà Chủ nghe, khuyên bà hễ cô thông có về thăm thì bà dạy dỗ cô, dạy cho cô quí trọng, chiều chuộng chồng với mẹ chồng cho trọn đạo người vợ hiền, con dâu thảo“.

Bà Kinh hứa bà sẽ gia công cắt nghĩa chỗ cao chỗ thấp cho cô Cẩm Nhung với bà chủ Thiệu hiểu, bà sẽ gắn cho khít mấy chỗ hở, hâm cho ấm tâm tình của đôi bên.

Vĩnh Xuân nói: „Hổm nay nằm ngó tấm hoành của mấy ông, mấy thầy chúc tặng tôi thì tôi bắt tức cười. Thêu bốn chữ „Sắt cần hảo hiệp“ coi như thế không trúng. Phải mướn thêu „Sắt cầm lỗi nhịp“ thì trúng ngay“.

Ống Kinh cười mà cãi.: „Chúc tặng thì phải chúc việc tốt, chớ lẽ nào mà chúc việc xấu cho được. Mà dầu có lỗi nhịp thì mình sửa chữa, mình gia công tập luyện một ít lâu rồi nó sẽ ăn nhịp chớ có khó gì đâu. Ban đầu chưa quen tự nhiên kèn trống phải chinh lịch. Chừng quen rồi sẽ ăn rập chớ gì“.

Bà Kinh nói: „Tôi sẽ rán làm cho ăn rập“.

Vĩnh Xuân nói: „Nhạc sư rán tập luyện mà người cầm đờn cũng phải quyết chí, thì có lẽ mới thành công. Chớ bà sốt sắng dạy mà môn đệ không sốt sắng tập, thì không có hiệu quả chi hết“.

Ông Kinh nói: "Để thủng thẳng coi. Không nên bi quan”.

Vĩnh Xuân về nghỉ.

PHẦN IV - CHƯƠNG 17 -

B

à Kinh Lương tuy không có học, song bà gần ông Kinh đã mười mấy năm, bà đã cảm nhiễm tâm hồn tánh ý của ông, nên bà biết quí trọng nghĩa nhân đạo đức. Ông rước Vĩnh Xuân về chứa trong nhà, bà thấy người trẻ tuổi học cao, mà lại thanh liêm chánh trực, thì bà yêu mến kính phục.

Nhưng đã thọ khí phách đàn bà, bà Kinh không rứt bỏ được tánh ý thiên nhiên của nữ lưu thất học. Yêu mến tánh nết Vĩnh Xuân, kính phục tài đức Vĩnh Xuân, bà càng muốn Vĩnh Xuân được cao sang sung sướng, sung sướng hơn mấy thầy khác họ vúc vắc, quơ quào, họ không có tài đức bằng Vĩnh Xuân, mà họ có tiền nhiều, ở nhà tốt, rồi họ lên mặt lớn tiếng, làm gai mắt chát tai, khó chịu hết sức.

Ban đầu bà chịu khó vận động cho Vĩnh Xuân có một căn nhà mà ở cho đàng hoàng là tại vậy.

Mà mấy năm nay bà cứ theo òn ỷ khuyên Vĩnh Xuân chịu cưới vợ đặng bà kiếm nhà giàu có mà làm mai thì cũng tại vậy.

Không phải bà muốn Vĩnh Xuân có nhà tốt, có vợ giàu, đặng bà có lợi. Bà không có ý đó, bà không tính kiếm lợi cho bà. Bà chỉ nong nả giúp cho Vĩnh Xuân hơn người ta đặng bà thỏa mãn tình mến yêu kính phục mà thôi.

Khuyên giải cho Vĩnh Xuân chịu cưới vợ rồi làm mai cho Vĩnh Xuân cưới được Cẩm Nhung, bà Kinh hổm nay hớn hở vui mừng, mừng xây dựng được cho Vĩnh xuân một cảnh đời vừa rực rỡ vừa ấm êm, cũng như vui làm được một âm đức để cho con cháu đời sau an hưởng.

Hồi hôm nghe Vĩnh Xuân than thở về sự vợ chồng không được đồng tâm hiệp ý, thì bà Kinh giựt mình. Cái nhà bà xây dựng xong rồi sao lại nó cứ rung rinh ? Vậy bà phải chống chỏi, sửa chữa cho mau đặng nó bền vững trăm năm, không thể sụp đổ được.

Sáng bữa sau ông Kinh với Vĩnh Xuân đi làm việc, bà Kinh men men lại nhà bà Hương văn, thấy cô Cẩm Nhung ngồi buồn hiu, bà nói.

-Có má cháu nhà hay không ?

-Thưa, không có. Má cháu mới đi ra ngoài chợ.

-Vậy thì cháu lại nhà dì chơi. Ngồi chi có một mình buồn xo đó. Đi cháu, lại đẳng cho dì nới chuyện một chút.

Bà kêu thím Tư Cam mà dặn, nếu bà Hương văn đi chợ về có hỏi cô thông thì nói lại nhà bà.

Bà Kinh dắt Cẩm Nhung về nhà, bà biểu đi thẳng vô trong, chỉ bộ ván nhỏ mà mời ngồi, bà ngồi một bên mà hỏi nhỏ nhỏ.

-Hổm nay dì thấy cháu có sắc buồn. Tại sao vậy ?

-Thưa, cháu có buồn đâu.

-Hứ ! sắc mặt buồn hiu, dì thấy rõ ràng. Sao cháu lại giấu dì ? Có việc chi không vừa lòng cháu thì cháu phải nói thiệt cho dì biết, đặng dì liệu mà làm cho cháu an vui chớ.

Cẩm Nhung cắn móng tay, ngồi lặng thinh.

Bà Kinh nói tếp:

-Dì làm mai, lại ở gần. Bà Chủ gởi gắm cháu cho dì. Có việc chi khó khăn, cháu cứ tỏ cho dì hiểu đặng dì khuyên giải cho vợ chồng hòa thuận. Thầy thông có nói nặng nhẹ gì hay sao mà cháu buồn ?

-Thưa, không có.

-Chị Hương văn có nói gì hay không ?

-Thưa, kkông.

-Vậy chớ sao mà buồn ?

-Tại cháu về ở bên nầy lạ nhà, lại không quen với ai hết nên cháu không vui.

-Chị Hương văn dễ quá, dì thấy bữa nào chỉ cũng có cho cháu về bên nhà mà chơi. Vậy thì còn buồn gì nữa ?

Cẩm Nhung trả lời không được.

Bà Kinh hỏi nữa: “Hay là về bên nây cháu thấy nhà cửa chật hẹp, bề ăn ở không được sung sướng như bên nhà, nên cháu buồn, Phải vậy hay không ?”

Cẩm Nhung cứ lặng thinh.

Bà Kinh ngó Cẩm Nhung rồi bà nói: “Nầy cháu, thầy thông là con nhà nghèo. Có lễ hồi gả cháu, bà Chủ có nói trước cho cháu biết chớ. Thẩy nghèo mà thẩy có thanh danh lớn lắm cháu à, người giàu sang đều kiêng nể thầy chớ không phải chơi đâu. Thẩy học giỏi, đứng thông ngôn cho quan lớn, thẩy có oai quyền thế lực, thẩy muốn ai sống thì sống, muốn ai chết thì chết, bởi vậy tổng làng sợ thẩy khiếp vía. Nhưng thẩy là người có đạo đức, ham nhơn nghĩa, thẩy cứu người, chớ không bao giờ hại người. Thẩy lại ngay thẳng, nên không vị ai, mà thẩy còn thanh liêm, nên không thèm thọ của ai một đồng xu, một cắc bạc. Ai tới nhà tính lo lót thẩy đuổi đi không kịp, nếu đứng nói rán thẩy hăm kêu lính bắt. Tại như vậy nên hổm nay cháu về bên nây, cháu không thấy ai dám tới nhà hết. Mà cũng tại như vậy nên thẩy chịu nghèo, thẩy ở nhà xấu, chị Hương văn gói bánh ú mà bán. Cái nghèo của thầy thông quí giá lắm đa cháu. Giàu mấy mươi muốn đổi thẩy không thèm đổi đâu. Tại cái nghèo đó nên thiên hạ mới thương yêu, kính phục. Vây cháu đừng thấy chồng nghèo mà buồn, vì chồng cháu không thèm dùng cách nhuốc nhơ tàn bạo mà làm giàu, chớ không phải bất tài hay là khờ dại nên phải chịu nghèo đâu. Tại cái nghèo đó nên bà Chủ ái mộ mới gả cháu. Cháu được người chồng như vậy dì tưởng cháu có phước lắm. Cháu đi ra, cháu xưng là vợ của thầy thông Xuân, thì trẻ già đều kỉnh mến, kỉnh mến thật tình, chớ không phải trước mặt làm bộ kỉnh mến rồi sau lưng họ xì xào, họ rủa lén.

Bà Kinh thấy Cẩm Nhung chăm chỉ lóng tai mà nghe, bà bèn nói thêm : “Vì dì thương cháu, lại bà Chủ có gởi gầm, nên dì phải thổ lộ gia đạo của thầy thông cho cháu rõ. Như cháu không tin thì cháu về bển hỏi má cháu coi phải như vậy hay không. Mấy năm nay thầy thông ở một bên dì, đêm nào thẩy cũng hòa đờn, làm thi chơi với ông Kinh. Dì biết rõ tánh tình thẩy lắm. Thuở nay thẩy không chịu ngó đàn bà con gái. Thẩy lo học thêm không muốn cưới vợ. Thấy bà già thẩy lớn tuổi rồi, bà than thở không biết làm sao có chút cháu nội mà nựng như người ta, dì với ông Kinh nói đủ cách, thẩy mới xiêu lòng mà chịu cưới vợ đó. Còn một điều nầy nữa, dì phải nói cho cháu biết. Thầy thông ở với mẹ chí hiếu. Vậy cháu phải lưu tâm chiều chuộng chị Hương văn, đừng có thất lễ với chỉ mà thầy thông thẩy phiền. Dì ước mong cháu hiểu rõ mọi việc rồi thì cháu vui chớ đừng buồn nữa”.

Cô Cẩm Nhung nói:

-Nhà má cháu rộng rãi, mà chỉ có má cháu với hai vợ chồng anh Ba cháu ở. Ý má cháu muốn vợ chồng cháu về bển mà ở cho vui. Má cháu biểu cháu hỏi thử thầy thông coi thẩy bằng lòng hay không.

-Cháu hỏi hay chưa ?

-Thưa, chưa.

-Cháu đừng hỏi. Nếu má cháu muốn như vậy thì để cho má cháu nói.

-Dì nhắm coi thẩy chịu về bển mà ở hay không ?

-Dì dám gói chắc không bao giờ thẩy chịu rời mẹ mà đi ở chỗ khác.

-Đây đó cũng gần mà.

-Áy, mà không khi nào thẩy chiu đi đâu. Cháu không tin thì xin với má cháu hỏi thử thẩy mà coi. Rể nào chớ rể đó không phải thấy nhà tốt mà ham đâu cháu.

-Thưa bà, vậy chớ ham giống gì ?

-Ham nhàn, ham nghĩa.

Cô Cẩm Nhung cười.

Bà Hương văn đi chợ về, bà lại nhà bà Kinh mà kiếm dâu. Nói chuyện chơi một chút rồi mẹ con dắt nhau về.

Buổi chiều bà Kinh sửa soạn, tính đi qua Chợ Cũ đặng thăm bà Chủ Thiệu và nói chuyện như lời ông Kinh đặn. Bà mới lấy áo ra thì thấy cô Cẩm Nhung kêu xe kéo mà đi. Bà biết cô thăm mẹ, nên bà đình lại, ý muốn để cho cô Cẩm Nhung học những lời bà nói hồi sớm mơi cho ba già cô nghe rồi bà sẽ qua sau.

Thiệt quả, sáng bữa sau bà Kinh qua thăm bà Chủ, bà vừa ngồi, thì bà Chủ liền cám ơn những lời dạy đỗ Cẩm Nhung.

Bà Kinh cười mà hỏi:

-Cháu về bên nây nó có thuật cho bà nghe những chuyện tôi nói với nó hay sao ?

-Nó có thuật đủ hết. Bà ở gần, bà chỉ dẫn cho nó hiểu mọi việc bên nhà chồng như vậy, tôi cám ơn hết sức.

-Tôi làm mai, tôi phải chăm nom cho vợ chồng hòa thuận với nhau. Hổm nay tôi thầy cháu có sắc buồn. Tôi hỏi nó tại sao mà buồn. Nó không chịu nói thiệt với tôi. Tôi nghi nó thấy nhà chồng nghèo nên nó không vui. Tôi mới nói cho nó hiểu cái nghèo của thầy thông Xuân quí lắm chớ không phải hèn. Tại cái nghèo đó mà được thiên hạ kính trọng. Mà cũng vì ái mộ cái nghèo đó nên bà mới gả cháu.

-Thiệt con Cẩm Nhung còn khờ quá, nó không thấy xa như mình. Nó thuở nay ăn ở sung sướng quen rồi. Nay vợ chồng nó không còn sung sướng như vậy nữa, rên nó buồn chớ có gì đâu. Hổm nay nó nói với tôi mấy lần, nó muốn vợ chồng nó về bên nây mà ở. Tôi nói không được. Chồng nó không chịu đâu nhà nói thất công.

-Nói không được đâu. Cháu có về thăm, bà rán cắt nghĩa cho cháu hiểu. Có chồng như vậy, mỗi ngày được về bên nây chơi hoài, vậy thì thôi còn buồn giống gì.

-Bữa nào nó về tôi cũng khuyên nó luôn luôn, tôi biểu đừng thấy người nghèo mà khinh khi phải chiều chuộng, phải cung kính mẹ chồng, phải giữ cho trọn đạo làm dâu.

-Chị Hương văn dễ lắm, chớ có gắt gao gì đâu. Hễ thầy thông đi làm việc, chỉ thấy bộ cháu buồn, thì chỉ biểu chạy về bên nây chơi. Mẹ chồng dễ như vậy còn buồn gì nữa. Có thầy thông thì hơi khó một chút. Thẩy khó là khó cái nầy: cái nào phải, cái nào quấy, thẩy nghe thoảng qua thì thẩy biết liền. Nhưng thẩy tập tánh trầm tịnh, ôn hòa, nên biết thì thẩy để bụng, không chịu nói ra. Mà sẵn tánh ngay thẳng, hễ quá bụng thẩy, nên thẩy phải nói, thì thẩy nó hẳn hòi, không vị ai hết. Người ta sợ thẩy tại cái đó.

-Nó khó như vậy hay sao ?

-Khó như vậy. Hồi mới đổi lại đây thẩy ở đậu trong nhà tôi, thẩy nói với ông Kinh rằng ở đời thấy quyết lấy bốn chữ “Thanh cao chánh trực” mà xử sự. Thiệt trót năm sáu năm nay thẩy ở một bên tôi, vợ chồng tôi thấy thẩy nghinh nhơn tiếp vật không bao giờ thẩy xa bốn chữ đó. Thanh liêm ngay thẳng luôn luôn, không nhơ bợn, không thấp hèn, không sợ ai, không bợ ai. Bởi vậy người nào không đúng đắn thì kiêng nể thẩy lắm, mặc dầu ai làm quấy mặc ai, thẩy không thèm nói tới.

-Ở đời phải vị tình nhau mới vui, chớ gắt quá không kể ai hết, thì làm sao mà thân thiết với nhau cho được.

-Thẩy thường nói làm việc gì hay đối với ai thẩy cũng do lẽ phải mà cư xử. Ai thương thẩy không cần, mà ai giận thẩy cũng không kể.

-Nói như vậy sao được. Ví như bà con trong thân rủi ro bị chuyện gì, nó cũng không vị tình mà giúp đỡ nữa sao.

-Trường hợp đó tôi chưa nghe thẩy nói tới, bởi vì thẩy mới cưới vợ ở đây chớ thẩy gốc gác ở Gò Công, thẩy có bà con ở xứ nầy đâu.

-Đâu cũng vậy, hễ lâu rồi thì gieo tình gây nghĩa, tự nhiên phải vì tình, vì nghĩa, chớ bình thường thì tử tế, chừng người có chuyện thì trở mặt ngó lơ, ăn ở như vậy coi sao được.

-Thẩy thường nói thẩy giúp người, chớ không bao giờ thẩy hại người. Nếu ai phải mà rủi ro bị tai nạn thì thẩy cứu chớ, người dưng thầy còn cứu huống chi là bà con.

-Còn như bà con lỡ làm quấy rồi bị họa nó cứu hay không ?

-Cái đó tôi không hiểu. Tôi chưa nghe thẩy nói chuyện như vậy.

-Phận tôi góa bụa, lại nhà có ruộng, có vườn, nên hay có chuyện nầy, chuyện kia với tá điền, tá thổ. Hai thằng con trai tôi không biết nói tiếng Tây. Con Hai tôi có chồng thầy giáo, nó không hiểu pháp luật, lại ở trên Sai gòn. Tôi nong nả gả con Cẩm Nhung cho Vĩnh Xuân thiệt tôi có ý nhờ cậy thầy thông học giỏi, có oai, có thế, đặng trong nhà có việc chi thì lo lắng giùm cho tôi. Nếu tôi hoặc bà con trong dòng họ có việc chi mà chồng con Cẩm Nhung cũng ngó lơ không chịu giúp, thì còn gì đâu mà kể.

Bà Kinh thấy thâm tâm của bà Chủ rồi thì bà không được vui, nhưng bề ngoài bà phải rán làm vui, nên bà cười ngã ngớn mà nói: “Nói chuyện mà chơi, chớ nếu nhà bà có chuyện mà thầy thông làm lơ, thầy không tiếp giúp, thì sập trời lở đất còn gì. Bà lo chuyện đó làm chi”.

Bà Chủ cũng cười rồi bắt qua chuyện khác mà nói.

Bà Kinh về, bà sợ Vĩnh Xuân buồn, nên không dám đem câu chuyện của bà Chủ mà thuật lại cho Vĩnh Xuân nghe. Nhưng bà thỏ thẻ học với ông Kinh, nói Cẩm Nhung buồn là vì thấy nhà chồng nghèo, nên cô muốn vợ chồng về bên nhà bà Chủ mà ở cho sung sướng; còn bà Chủ đã ló đuôi bà nong nả gả Cẩm Nhung cho Vĩnh Xuân, cố tâm lợi dụng tài học với quyền thế của thầy, chớ không phải ái mộ đạo đức, tánh tình chi hết.

Ông Kinh nghe như vậy thì ông châu mày mà nói: “Nhà giàu đầu óc của họ giống nhau hết thảy, làm việc gì cũng vậy, ngoài miệng thì họ nói nhân nghĩa nghe êm tai lắm, mà trong bụng thì họ tính phải có lợi cho họ, họ yêu tiền bạc, chớ có biết yêu thứ gì khác đâu. Tâm chí hai bên khác nhau xa quá, tôi sợ không bền. Mà thôi, mấy vỉệc đó không nên cho thầy thông biết làm chi. Mình biết thì để bụng, đợi có xảy ra việc chi bất hòa rồi mình sẽ khuyên giải”.

Chiều thứ bảy Cẩm Nhung đi bên Chợ Cũ về, cô thưa cho bà Hương văn hay và nói trước mặt Vĩnh Xuân rằng bà Chủ nhắn sáng chúa nhựt cả hai vợ chồng cô qua bển chơi và ở ăn cơm trưa tới xế mát sẽ về.

Bà Hương văn nghe như vậy thì nói: “Chúa nhựt rảnh, hai con qua bển chơi và ở ăn cơn cho chị vui”.

Vĩnh Xuân không có lý gì mà từ chối, nên sáng chúa nhựt thay đồ rồi thì có xe cao xu qua: vợ chồng lên xe mà đi qua Chợ Cũ.

Bước vô nhà, Vĩnh Xuân thấy anh vợ là Ba Khai, đương ngồi tại phòng tiếp khách mà nói chuyện với chú vợ là Hương Thân Quế, cùng một người nữa, Vĩnh Xuân không biết là ai. Cả ba người đều đứng dậy mà chào. Vành Xuân đáp lễ, rồi đi thẳng vô trong nhà mà trình diện với má vợ.

Bà Chủ mừng rỡ hỏi thăm sức khỏe của chị sui rồi nói: May quá, bữa nay có chú Mười con đi chợ, chú ghé thăm má, rồi lại có thằng Hai Thăng bên Bến Tranh nó qua thăm nữa. Má nói bữa nay chúa nhựt có vợ chồng con về chơi. Má cầm hai người ở lạí ăn cơm cho vui, Thằng thông ra nói chuyện chơi với chú Mười đi con. Không mấy khi có chú cháu được gặp nhau. Còn thằng Hai bên Bến Tranh đó, nó là cháu của má, vườn của nó giáp ranh với vườn thằng Tư ở bển.

Vĩnh Xuân trở ra phòng khách.

Ba Khai mời ngồi một bên, cậu rót nước trà ép uống, hỏi thăm lúc nầy làm việc khó mệt thế nào.

Vĩnh Xuân hỏi Hương Thân Quế mùa nầy vùng Chợ Gạo năm nay trúng mùa hay thất, lúa bán có giá hay không, rồi lại hỏi Hai Thăng đi qua đây bằng cách nào, đi thuyền hay là đi xe, đường bộ tốt hay xấu.

Ba bà con thấy thầy thông Vĩnh Xuân vui vẻ, chiếu cố đến mỗi người thì hết sụt sè ái ngại như hồi mới gặp.

Thừa tình cảm đương nồng nàn, cậu Ba Khai mới nói với Vĩnh Xuân:

-Theo lời chú Mười nói chuyện hồi nãy, thì làng Bình Phan lần nào cử Hương chức họ cũng cử phe đảng của họ, không kể luật phép gì hết dượng Năm à. Như hồi trước chú Mười làm Hương Hào đủ hai năm rồi, khuyết chức Thôn Trưởng, tự nhỉên nhắc chú lên chức đó mới phải. Họ vị ông Cả, họ cử con ổng làm Thôn Trưởng mặc dầu chưa làm chức Hương Hào. Còn chú Mười thì họ đưa chú lên chức Hương Thân. Mãn ba năm rồi, sắp cử Thôn Trưởng nữa, chú Mười muốn trở lại chức đó, coi bộ Hội Tề không chịu, họ bàn soạn cử con Hương Sư, bỏ rơi chú Mười nữa. Họ làm như vậy thì ức chú Mười quá. Dượng Năm nghĩ coi phải làm sao, chớ để họ hiếp bà con mình quá.

-Theo Tổng lý qui điều thì vô Hội Tề phải làm Hương hào đủ hai năm rồi lên Thôn Trưởng. Nhưng Thôn Trưởng có thâu xuất, tự nhiên phảỉ giữ công nho trong tủ, bởi vậy phải lựa thổ hào vật lực mới cử làm Thôn Tưởng. Chú Mười có vườn ruộng hay không ?

-Chú đứng bộ điền chút đỉnh, không tới hai mẫu.

-Có lẽ Hội Tề sợ chú rủi ro thâm thủng chú không đủ sức thường, nên không dám cử chú.

-Con ông Cả có đứng bộ điền mẫu nào đâu. Bây giờ con Hương Sư cũng vậy.

-Chắc ông cả với Huơng Sư có làm tờ bảo kiết, hễ con có thâm thủng thì cha thường.

-Nếu muốn có người bảo kiết thì chú mười có ông già chú cũng đủ sức bảo kiết cho chú làm Thôn Trưởng vây. Dượng phải giúp giùm, chớ để người ta hỉếp chú hoài thì tội nghiệp chú quá.

-Cử Hương chức thuộc quyền của Hội Tề, tôi làm sao mà giúp được.

-Dượng kêu thầy Cai dượng dặn phải cử chú làm Thôn Trưởng thì họ hết dám lộn xộn.

-Làm như vậy gọi là lộng quyền. Phạm luật hình, chớ không phải dễ đâu.

-Họ kiêng dượng quá, ai dám nói gì mà sợ. Dượng làm ơn giùm cho chú Mười, kẻo họ khi chú quá.

-Đề coi. Nếu họ hiếp thì tôi can thiệp. Còn như họ làm theo luật thì tôi không thể nói được.

-Còn anh Hai đây, ảnh bị người ta lấn ranh đất, ảnh cũng muốn hỏi thăm dượng coi bây giờ phải làm sao. Chuyện của anh sao đâu anh nói cho dượng Năm nghe rồi dượng dạy cho.

Hai Thăng mới nói: “Vườn của tôi một bên thì giáp với vườn của dì đây, bây giờ chú Tư Thông ở đó, còn bên kia thì giáp với vườn của tên Điều. Ranh hai bên đều có khai mương rành rẽ. Thuở nay vườn ai nấy ăn, không ai cãi lẩy ranh rấp gì hết. Năm ngoái tên Điều Chết. Vợ tên Điều bán sở vườn cho tên Thân. Tên Thân về ở đó mấy tháng rồi quỉ thần gì xúi giục nó không biết, mà khi không nó làm đơn thưa với làng, nó nói tôi lấn ranh vườn của nó. Anh nó làm Hương Quản trong làng, nên chấp đơn đặng tra xét. Hương Quản đến đo mặt tiền vườn tên Thân, cũng đo luôn mặt tiền vườn của tôi nữa, rồi nói tôi lấn qua vườn của tên thân hơn hai thước, xử tôi phải trả lại cho tên Thân và giao một hàng dừa của tôi trồng trên phần đất tôi lấn đó. Làng xử như vậy thì ức tôi quá. Dừa tôi trồng đã chín, mười năm rồi, còn tên Thân mới mua vườn hồi năm ngoái đây. Tôi lấn ranh của tên Thân làm sao được. Tôi không chịu giao gì hết. Hương Quản hăm giải Tòa cho tôi ở tù. Tôi sợ quá, không biết chuyện như vậy tôi có tội hay không ? Nghe nói dượng Năm giỏi lắm, dượng thông pháp luật hết thảy. Vậy xin dượng làm ơn dạy cho tôi biết coi tôi phải giao hàng dừa cho tên Thân theo lời Hương Quản xử, hay là không nên giao ?”.

Vĩnh Xuân hỏi:

-Thuở nay ruộng vườn trong làng có quan Kinh Lý của nhà nước sai xuống đo hay chưa ?

-Chưa có, thuở nay tôi không thấy ai đo đất hết.

-Hồi tên Thân mua sở vườn của tên Điều, tên Thân có mướn Kinh lý đo rồi mới làm giấy mua hay không ?

-Thưa, không có.

-Vậy thì anh đừng giao gì hết.

-Tôi sợ Hương Quản nói tôi không tuân lịnh làng rồi bắt tôi mà giải tòa.

-Không phép. Lấn ranh đất thuộc về hộ chớ không phải việc hình mà giải Tòa. Việc lặt vặt trong làng, Hương Chức cho phép xử, nhưng xử theo cách hòa giải vậy thôi. Nếu tiên cáo hoặc bị cáo, đàng nào không bằng lòng lời của làng phân thì đàng kia phải vào đơn tại Tòa Hộ mà kiện. Làng không còn quyền hòa giải nữa, phải đợi Tòa Hộ lên án phân đàng nào phải, đàng nào quấy rồi Hương Hào tuân theo án đó mà thi hành.

-Nhưng Hương Quản rúng ép bắt tôi mà giam rồi làm sao ?

-Anh cười mà để cho Hương Quản giam. Chừng họ thả anh ra, anh làm đơn đưa ra quan Biện Lý mà kiện về tội giam trái pháp luật.

-Kiện lên quan Tham Biện được hôn ?

-Không được, vì tội giam trái phép thuộc về luật hình, phải Tòa Án lên án phạt tù, hoặc phạt vạ rồi bên Tòa Bố mới chiếu án đó mà cách chức.

Cậu Ba Khai nghe cắt nghĩa rành rẽ, cậu khoái quá. Cậu khuyên Hai Thăng về biểu tên Thân muốn nói Thăng lấn ranh thì ra Tòa mà kiện, chừng nào có án Tòa rồi sẽ giao. Nếu Hương Quản làm ngang bắt giam thì ra cho hay rồi Vĩnh Xuân chỉ cách cho mà kiện Hương Quản.

Vĩnh Xuân bước ra vườn hoa ở thước sân, đi thủng thẳng xem hoa chơi.

Vĩnh Xuân đi dạo một hồi trở vô nhà thấy bà mẹ vợ đương ngồi tại phòng khách nói chuyện với Ba Khai, Hai Thăng và Hương Thân Quế, chủ khách thảy đều hớn hở, vui cười.

Bà Chủ Thiệu biểu Vĩnh Xuân ngồi và bà hỏi:

-Thằng Ba nó sửa soạn vườn hoa như vậy, con coi được hay không ?

-Thưa vườn hoa trồng đủ thứ hoa trong xứ vậy thôi. Xứ mình nóng nực, mỗi năm mưa dầm dề đến 6 tháng, rồi nắng chang chang đến 6 tháng, bởi vạy hoa không thể tốt được. Phải ở xứ ôn đới hoa mới tốt được, bởi vậy có thứ hoa trồng ở mình thì nó còi cọc, trổ bông nhỏ xíu. Có thứ hường phải trời lạnh nó nới trổ bông, trồng xứ mình vun phân tưới nước thì nó sống, nhánh lá sum sê, góc bằng cẳng cái, mà không ra bông được.

-Nó trồng bông trang, bông bụp, nở ngày, tý ngọ, là bông trong xứ, chớ làm sao mà có thứ lạ. Gần Tết nó mới ương vạn thọ, móng tay, mồng gà.

-Thưa, trồng hoa sửa kiểng, đấp hòn non, là những thú chơi của người xưa chơi đặng giải trí. Mỗi thứ chơi đó đều có một điệu riêng. Con nghe nói như vậy mà con mắc làm việc đặng nuôi sống, con không rảnh mà nếm mấy thứ giải trí đó.

-Phải con về ở bên nây con coi trồng hoa, sửa kiểng mà chơi cho vui. Anh Ba con nó không hiểu cách trồng hoa phải trồng thứ gì xem cho đẹp. Còn mấy chậu kiểng đó là đồ của cha con hồi trước để lại. Anh Ba con tưới nước vô phân cho sống vậy thôi, nó không biết uốn, không biết sửa, nên cây lên lùm tùm, coi không được. Con về bên nây thì anh Ba con nó giao vườn hoa đó cho con. Con muốn sửa thế nào tự ý con.

-Thưa con về bên nây không được. Đi làm việc xa quá.

-Nhà có xe. Đi làm thì xe đưa đi. Gần tan hầu thì xe qua rước về. Má mua thêm một con ngựa nữa để thay đổi mà đi. Hay là con muốn đi xe kéo, thì má sẽ mua cho một chiếc, rồi mướn một đứa để nó đưa rước con.

-Thưa, không được đâu, có lẽ nào con bỏ má con ở bển một mình mà về ở bên nây được.

-Có bỏ bê gì đâu. Mỗi bữa đi tàm việc, con ghé thăm chị một lát. Con ở bên đó chị phải to cơm nước, cực chị quá. Con về ở bên nây thì chị khỏe hơn.

-Thưa, không thế được. Con không phép rời má con.

-Con Cẩm Nhung nó nói ở bển buồn quá, nên nó muốn về bên nây ở. Nhà bên nây rộng minh mông. Nếu con chịu về ở bên nây thì dồn anh Ba, chị Ba con ở khúc bên tay trái, má ở giữa, để hết khúc tay mặt cho vợ chồng con. Má dọn cho một phòng ngủ, một phòng tiếp khách và nằm chơi. Có khách đông thì tiếp phòng khách lớn đây, thiếu gì chỗ.

Vĩnh Xuân không trả lởi nữa.

Bà Chủ nhận thấy bà càng khuyên dụ thì Vĩnh Xuân càng buồn thêm, bà không muốn nói nữa, tính để thủng thẳng rồi sẽ lập thế khác mà dụ.

Bà đi vô trong.

Ba Khai hỏi: “Dượng Năm học đờn với ông Kinh phải hôn Dượng Nãm ?”.

-Phải.

-Dượng mới học có mấy năm mà người ta đồn dượng đờn hay lắm, đờn đủ bản, chắc nhịp, ngón tươi.

-Họ nói quá đáng. Tôi đờn vừa được, sao dám sánh với mấy tay nhà nghề.

-Người ta khen dượng giỏi lắm, chơi hay là làm thứ gì cũng hơn thiên hạ.

-Anh chẳng nên nói như vậy. Tôi cũng như người ta, có giỏi hơn ai đâu.

Cẩm Nhung ra mời vô ăn cơm, bà Chủ mới nói với Vĩnh Xuân:

-Chị Hai con gởi thơ nó nói nó bịnh. Má tính mai má đi Sài Gòn thăm nó và ở chơi vài bữa. Má muốn đem Cẩm Nhung theo. Con cho Cẩm Nhung đi với má hay không con ?

-Thưa, được chớ. Ở nhà có làm gì. Chừng nào má đi thì vợ con qua đi với má.

-Đi xe khuya lụp chụp lắm. Để đi chuyến 4 giờ mấy tiện hơn, vậy Cẩm Nhung sửa soạn rồi trưa mai qua đây đi với má nghe hôn con.

Ăn cơm rồi, Hương Thân Quế với Hái Thăng từ mà về trước.

Vợ chồng Vĩnh Xuân ở chơi đến xế mát xe mới đưa về.

PHẦN IV - CHƯƠNG 18 -

C

hiều thứ hai, cô Cẩm Nhung đi Sài gòn với bà Chủ đi thăm chị là cô Hai Bình.

Tối ăn cơm rồi, Vĩnh Xuân lại nhà ông Kinh Lương chơi.

Thầy bước vô thì bà Kinh hỏi:

-Nghe nói cô thông đi Sài gòn phải hôn thầy thông ?

-Thưa phải. Đi với bà gia tôi lên thăm chị Hai tôi bịnh.

-Đi chừng nào về ?

-Bà gia tôi nói ở chơi vài bữa.

-Ngồi uống nước thầy thông. Hôm qua hai ông bà qua Chợ Cũ ở chơi tới chiều mới về, chắc bà Chủ vui lắm hả ?

-Thưa, vui. Mà về bển bộ vợ tôi cũng vui nữa.

-Tôi dọ ý dường như bà Chủ muốn vợ chồng thầy về bển mà ở.

-Bà gia tôi muốn là tại vợ tôi bày đặt. Bây giờ tôi hiểu ở bên vợ tôi buồn là tại tôi nghèo, nhà cửa không sang trọng, ăn ở không sung sướng.

Ông Kinh trợn mắt là hỏi:

-Tại sao thầy hiểu được ?

Hôm qua về bển, bà gia tôi mở đầu nói chuyện đó. Ban đầu bà nói tôi ưa thú phong lưu, chớ chi tôi về bển mà ở, rồi tôi coi tổ chức vườn hoa lại cho đẹp và uốn sửa kiểng cho trúng điệu đặng thưởng thức cho vui. Tôi nói ở bển đi làm việc xa. Bà nói có xe đưa rước. Tôi phải thưa thiệt tôi không thế bỏ mẹ mà đi ở chỗ khác được. Tôi nói ngay ra như vậy mà bà gia tôi không hiểu, cứ theo nài nỉ hoài. Bà nói mỗi bữa đi làm việc tôi ghé thăm được, chớ đâu có bỏ bê. Huống chi về ở bên Chợ Cũ má tôi khỏi lo cơm nước cho vợ chồng tôi, thì mẹ tôi được khỏe. Nghe lý luận như vậy, tôi buồn tôi không thèm cãi nữa. Bà gia tôi mới nói cho tôi nghe cách bà sắp đặt chỗ cho vợ chồng tôi ở rộng rãi thong thả, sung sướng. Bà nói thiệt rằng vợ tôi ở bên nây nó buồn vì chất hẹp khó chịu, nên nó mới muốn về ở với bà gia tôi. Tại như vây nên tôi mới biết vợ tôi buồn là vì nhà tôi nghèo nên nó chê. nó không muốn ở, nó xúi bà gia tôi xay chuyển mà phân rẻ mẹ con tôi. Vợ tôi thiếu hiếu hạnh nên mới xúi như vậy. Còn mẹ vợ tôi thiếu thông minh nên mới nói với tôi; tôi muốn cho cả mẹ con đều không dè bày chuyện đó nếu tôi chịu thì tôi mất hết danh dự mà lại lỗi đạo làm con nữa. Hôm qua tôi dằn lòng, tôi không nỡ nói hoạch toẹt ra cho mẹ con hiểu; nhưng tôi buồn quá, buồn thấy nhà giàu có, không hiểu sao là thấp, sao là cao, họ chỉ biết cái vui vật chất, họ không dè có cái vui tinh thần, có cái vui đạo nghĩa, dầu họ có bạc triệu, bạc ức, họ cũng không mua được.

Bà Kinh hỏi:

-Vậy mà bữa hổm cô nói với tôi rằng bà Chủ muốn cho vợ chồng thầy về bển ở, nên xúi cô nói với thầy, nhưng cô không dám nói. Tôi cản, tôi biểu cô đừng nói. Vì tôi biết không bao giờ thầy chịu. Tôi có nói nếu bà Chủ muốn như vậy thì nên để cho bà nói với thầy. Hôm tôi qua thăm, bà Chủ có dở chuyện đó nói với tôi. Tôi lặng thinh, tôi tưởng bả hiểu ý tôi không muốn nghe chuyện đó là chuyện không nên nói. Ai dè hôm qua bà lại nói với thầy.

-Người có tiền họ tưởng ai cũng mê đồng tiền của họ hết. Hễ họ đem tiền ra mà nhem them thì họ mua được tất cả mọi người, ho xỏ mũi dắt đi đâu, người ta cũng phảỉ đi thco họ. Tôi càng thấy nhơn tình, tôi càng chán mùi đời. Bây giờ tôi hiểu rõ rồi. Mấy năm. nay ông bà thường nói nhà giàu nào cũng muốn gả con cho tôi. Họ muốn gả con, họ bày đặt nói ái mộ tài đức, ham muốn nghĩa nhân, kỉnh phục thanh khiết của tôi. Họ nói dóc. Họ muốn gả con cho tôi là vì họ thấy tôi biết nói tiếng Tây, tôi đứng thông ngôn cho quan lớn, họ tin cậy oai thế của tôi mà làm lợi ích cho họ, họ muốn tôi binh vực, lo lắng mọi việc trơng nhà và trong vòng bà con của họ. Rõ ràng hôm qua mời tôi ăn cơm, tôi qua đến nhà thì đã có hai người bà con chực sẵn, một ngưòì cậy tôi nói vớỉ Cai Tổng đặng cho làm Thôn Trưởng, còn một người đương kiện thưa về tranh đất nên cậy tôi chỉ giùm cho họ biết phải làm sao cho đặng kiện. Tôi không hối lộ, mà bữa nay biểu tôi giúp việc nầy, ngày mai xin tôi lo việc kia, thì cực trí tôi quá, lại tệ hơn hối lộ nữa.

-Hôm qua thầy có chịu giúp hai người đó hay là thầy kháng cự ?

Tôi để mỗi người thuật chuyện cho tôi nghc. Tôi nhận thấy hai người dường như bị hiếp đáp, nên tôi nói để tôi coi lại, chớ không hứa gì hết. Nếu thỉệt hai người bị hiếp, thì tôi sẽ binh vực, binh vực người thiệt thà bị hiếp, chớ không phải binh vực người bà con bên vợ, Còn như họ không có lý mà mốn cậy tôi làm cho họ đươc việc, tôi nói thiệt dầu bà gia tôi đi nữa, tôi cũng không thể binh được, chẳng luận là bà con bên vợ.

Ông Kinh thở dài mà nói:

-Thế tình vậy chớ sao. Họ được rể có oai quyền thì họ cậy thế mà thủ lợi, hoặc húng hiếp.

-Vậy thì họ khinh rẻ chú rể quá.

-Không phải khinh rẻ. Họ quí trọng, họ chiều chuộng lắm chớ, chiều chuộng đặng họ sai khiến cho dễ, đặng họ bắt làm mọi cho họ.

-Tôi nói thiệt, dầu họ khinh rẻ tôi cũng ít giận. Tôi phiền là phiền vợ tôi muốn rồi bà già vợ tôi biểu tôi về bển mà ở đó. Sao lại dám xúi tôi phải thất hiếu với má tôi? Sao lại nỡ biểu tôi phải bỏ mẹ đi theo vợ đặng ăn ở cho cao sang, sung sướng ? Người hèn quá, có tiền bạc mà không có nhân nghĩa. Tôi không thể thương yêu kính trọng được.

-Tại thiếu học nên không hiểu đạo nghĩa, không biết quấy phải. Để thủng thẳng thầy dạy dỗ cô thông, chỉ cao thấp cho cô biết, giận làm chi.

-Từ hôm qua đến nay tôi giấu biệt, tôi không dám nói cbo má tôi hay.

-Nói làm chi. Thầy không chịu thì thôi. Chớ chi thầy chịu về bển mà ở thì mới nói chớ.

-Tôi không dám nói, là vì tôi biết má tôi hay má tôi buồn lắm. Má tôi chẳng khỏi nhớ cô Cúc Hương hồi trước, rồi so sánh với nàng dâu sang trọng bây giờ Cúc Hương hồi trước ngồi bán hàng ngoài chợ, con nhà buôn bán, tuy có tiền song không phải giàu sang, xinh đẹp như Cẩm Nhung. Cô hứa hẹn cuộc trăm năm với tôi, lén nhà hứa hẹn, nên má tôi không hay chi hết. Tôi đi học. Má tôi ở trong một chòi lá làm bánh mỗi bữa bưng ra chợ ngồi bán đặng kiếm lời mà độ nhựt. Thế mà Cúc Hương chưa phải là dâu chánh thức, cô thương tôi rồi cô cũng thương luôn má tôi. Tôi đi học, cô ở nhà thấy má tôi rách rưới, cô động lòng, cô mua một vóc xuyến rồi cậy chị Hai Tỷ đem cho má tôi, dặn chỉ nói của chỉ mua cho chớ đừng nói của cô, vì cô sợ tiếng thị phi nhiều chuyện.

Vĩnh Xuân nhắc chuyện cách tám chín năm trước, mà nhắc lại đây thầy xúc động quá nên chảy trước mắt.

Thầy ngập ngừng lau nước mắt rồi nói tiếp: “Một vóc xuyến giá đáng mấy đồng bạc, không phải là nhiều nhưng cách dụng tâm quí báu vô giá, nó làm cho người ta phải cảm tình ơn nghĩa cả đời không thể quên được. Đã vậy mà cái ngày Cúc Hương phải quyên sanh cho trọn nghĩa với tôi, cô lo cho tôi về sau, mà cô cũng không quên má tôi. Cô mua mà gởi lại cho má tôi một quần lãnh với một áo xuyến nữa, cô còn cậy chi Hai Tỷ giúp đỡ giùm má tôi trong lúc tôi mắc đi học. Chừng Cúc Hương chết rồi, má tôi hay việc ấy, má tôi cảm xúc quá nên khóc mà than như vầy: “Cúc Hương chưa được làm dâu má, mà đối với má nó biết hiếu nghĩa, đã biết kính mến má, đã lo cho má. Nó lại chết mất. Thôi, ngày sau má có cưới con dâu nào khác, má cững không chắc nó biết thương má như con Cúc Hương”. Đã vậy mà còn việc nầy làm cho má tôi cảm nghĩa không thể quên cô Cúc Hương được. Năm tôi học xong rồi, tôi thi đậu ký lục, Cúc Hương cho tôi chiêm bao thấy cô về từ giã tôi đặng đi đầu thai. Cô nói Diêm Vương cho phép cô huỡn đầu thai ba năm đặng vong hồn cô theo phò hộ cho tôi học đến cùng. Hạn kỳ đã mãn rồi. Cô không được phép thco tôi nữa. Vợ chồng nếu thiệt có căn duyên với nhau thì kiếp khác sẽ sum hiệp. Cô căn dặn tôi hễ đi làm việc thì phải cưới vợ đặng có người lo cơm nước, áo quần cho tôi và phục sự má tôi. Tôi chẳng nên tlương nhớ, chờ đợi cô mà không chịu cưới vợ, bởi vì thuở nay mẹ cực khổ lung lắm, bây giờ mẹ đã già rồi, nên mệt mỏi. Tôi phải nuôi lại mẹ tôi để cho mẹ nghỉ, không nên bắt mẹ lo cơm nước cho tôi nữa. Ông bà nghĩ coi, hồn ma mà còn biết thương má tôi, biết lo cho má tôi từng chút như vậy. Bây giờ má tôi có con dâu giàu có, sang trọng, má tôi lo cơm nước cho tôi và cho nó; nó ăn rồi nằm chơi hoặc về thăm nhà, mà nó chưa vừa lòng, còn muốn tôi phải bỏ mẹ theo ở với nó cho sung sướng, má tôi cực khổ, quạnh hiu mặc kệ. Nếu tôi nói việc nầy cho má tôi hay, má tôi nhớ lại tánh tình của Cúc Hương, rồi nghĩ tới ý tứ của con dâu bây giờ, thì làm sao mà yêu cô Cẩm Nhung nầy cho được. Con dâu đã không kể đến mẹ chồng rồi mẹ chồng không thương con dâu, thì còn gì tình mẹ con. Mà nếu tình mẹ con đã không nồng nàn thì tình vợ chồng làm sao mà bền vững cho được, phải rời rã, hoặc sớm, hoặc muộn, hoặc âm thầm, hoặc tưng bừng”.

Ông Kinh chận nói: “Cô thông muốn thầy về bển mà ở, thầy không chịu thì thôi. Thầy chẳng nên cho bà chị hay. Cho hay thì buồn, chớ không có ích gì”.

Bà Kinh tiếp nói: “Bữa tôi mời cô Cẩm Nhung lại đây, tôi có cắt nghĩa phải quấy cho cô nghe, đặng cô hết buồn. Tôi nói dài lắm. Tôi nói cho cô biết thầy thông là người thờ mẹ chí hiếu. Tôi đặn phải cung kính chị Hương văn, phải chiều chuộng, phải phục sự chị, đừng có làm cho chị buồn. Tôi dặn trước mà vì cô Cẩm Nhung khờ quá, lại thêm bà Chủ vô ý, nên thầy thông mới phiền. Thôi, xin thầy thông đừng buồn. Để cô cẩm Nhung về rồi tôi sẽ chỉ cái quấy của cô cho cô hiểu. Cô còn nhỏ, thủng thẳng mình dạy cô, một ít lâu chắc cô sẽ hiểu đạo nghĩa rồi không làm lỗi như vậy nữa”.

Vĩnh Xuân nói: “Tôi biết tôi không thể cưới vợ nào mà nó biết thương má tôi như Cúc Hương, bởi vậy mấy năm nay tôi không chịu cưới vợ, mặc dầu Cúc Hương có căn dặn. Mà má tôi cũng biết như vậy nên không muốn ép tôi. Năm nay má tôi già nên lo ngày sau không người phụng tự. Tôi thấy má tôi buồn nên tôi phải vâng lời cưới vợ cho má tôi vui lòng. Có lẽ ông bà còn nhớ. Bữa ông Kinh dắt tôi đi coi vợ, chừng về bà hỏi tôi đành hay không. Tôi dụ dự rồi nói không muốn là vì nhà giàu mà cô nọ đẹp lại nhỏ tuổi. Tôi kỵ mấy điêu đó là vì nó không hạp với đạo vợ hiền, dâu thảo. Bây giờ rõ ràng không hạp đó. Ông bà thấy chưa ? Theo ý tôi hễ thấy mòi không hiệp ý đồng tâm thì rã trước đặng ai đi đường nấy tốt hơn là đeo đuổi rồi phải chịu cái buồn sau nặng nề, có khi đau đớn”.

Ông Kinh nói: “Ý ! Thầy nghĩ chuyện gì kỳ cục vậy ? Mới khác ý nhau chút đỉnh, chưa cãi lẫy, rầy rà, có gì đâu mà tính việc rời rã. Thầy đừng nghĩ như vậy không nên. Thầy để vợ chồng tôi cắt nghĩa cho bà Chủ với cô Cẩm Nhung hiểu, đặng đừng có muốn chuyện quấy như vậy nữa thì thôi. Cẩm Nhung nhỏ tuổi nên còn khờ. Thủng thẳng dạy dỗ cô, rồi cô cũng có thể trở nên người vợ hiền, người dâu thảo như ngườí ta vậy chớ”.

Vĩnh Xuân mỉm miệng, rùn vai, tỏ ý không tin rồi bước lại lấy cây đờn kìm vừa lên dây vừa ngâm:

Đời đáng chán hay không đáng chán ?

Gióng dây đờn xin hỏi bạn tri âm.

Ông Kinh cười. Ông cũng lấy cây tranh lên dây mà hòa với Vĩnh Xuân.

Bà Kinh bưng bình vô trong mà chế một bình trà mới cho hai người đờn rồi có sẵn trà mà giải khát.

Cụ Huấn Trai đi hứng mát, tình cờ cụ nghe có tiếng đờn hòa réo rắt, cụ ghé vô. Ông Kinh với Vĩnh Xuân mừng rỡ mời ngồi cùng nhau uống vài chung trà ngon, rồi cụ Huấn Trai xuy tiêu họa thêm với hai bạn, gây ra một dạ hội âm nhạc du dương mà tao nhã, nhàn lạc mà hùng hào, năng cang năng nhu, càng nghe càng say sưa mê mẫn. Cuộc hòa đờn kéo dài đến 11 giờ khuya, chủ khách ăn mứt uống trà một hiệp nữa rồi phân tay mà nghỉ.

Bà chủ Thiệu nói đi Sài gòn thăm cô hai Bình và ở chơi vài bữa mà đến năm bữa cô Cẩm Nhung mới về bên chồng. Tuy bà Hương văn với Vĩnh Xuân hỏi tại sao cô ở chơi lâu dữ vậy, song vừa bước vô nhà thì tự nhiên cô nói tưởng chị Hai cô đau sơ sịa, ai dè chị đau ban nặng quá, lên tới thấy chị nằm mê man, không ăn uống được. Hai mẹ con cô phải ở đặng kiếm thầy hốt thuốc cho cô Hai Bình uống, nên ở tới năm bữa, bịnh giảm nhiều nên mới về được.

Bà Kinh nghe như vậy bèn rủ bà Hương văn đi thăm bà Chủ, bà nói rằng làm sui một nhà biết ra cả họ, nghe con gái lớn của bà Chủ đau nhiều mà mình không đi thăm thì té ra mình vô tình. Bà Hương văn sốt sắng chịu đi.

Sáng bữa sau, đợi ông Kinh với Vĩnh Xuân đi làm rồi, bà Kinh với bà Hương văn sửa soạn đi Chợ Cũ, Hai bà biểu cô Cẩm Nhung đi theo cho vui.

Bà Chủ Thiệu nừng rỡ tiếp khách. Bà Kinh mau mắn nói:

-Nghe cháu đi Sài gòn với bà về nói cô Hai bịnh lên hai chị em tôi qua thăm một chút đặng hỏi coi bữa nay cô Hai thiệt mạnh hay chưa ?

-Cám ơn hai bà. Bữa nay nó khá nhiều rồi. Ăn cơm được. Ra vô trong nhà cũng được. Hôm mới lên thấy nó mê man tôi sợ quá. May có ông thầy “các chú” giỏi quá, thằng Giáo rước ông coi mạch uống ba thang thuốc nó mới chỏi hỏi. Tôi tính lên thăm chơi vài bữa, té ra con Hai như vậy, chồng nó mắc đi dạy học, tôi bỏ mà về không đành, phải rán ở với nó tới năm bữa. Tôi còn muốn ở thêm vài bữa nữa. Con Cẩm Nhung nó sợ thằng Thông ở nhà trông, không biết có chuyện chi hay sao mà không về, nên tôi phải về với nó.

Bà Hương văn nói: “Thiệt thằng Xuân có ý lo, vì hôm đi chị có nói cô Hai bịnh nên lên thăm. Chừng thấy ở lâu, nó sợ cô Hai bịnh nhiều. Nó lo là lo chỗ đó”.

Bà Kinh nói: “Thôi, eô Hai bịnh mà nay mạnh rồi. Vậy cũng nên mừng”.

Bà chủ nói: “Thiệt nó mạnh được tôi mừng hết sức. Mà có chuyện nầy nếu hai chị hay chắc hai chị còn mừng với tôi nữa”.

Bà Kinh hỏi: “Chuyện gì ?”.

Bà Chủ xít lại gần hai bà khách mà nói nhỏ: “Đêm hôm qua con Cẩm Nhung nằm với tôi, nó thỏ thẻ hỏi tôi tại sao từ hôm đầu tháng tới nay nó không có đường kinh nguyệt như hồi trước nữa.

Bà Hương văn mừng nói: “Vậy thì nó có nghén rồi chớ gì. Tôi có phước quá ! Tôi vái nó sanh cho tôi một đứa cháu nội trai thì tôi phỉ nguyện. Tôi ít con cháu. nên tôi ao ước có bấy nhiêu đó”.

Bà Kinh nói: “Chị ăn ở hiền lành, chị sẽ có cháu nội trai. Chị đừng lo”.

Bà Chủ nói: “Chị sui tôi chỉ có một mình thằng Thông nên chỉ cần phải có cháu nội trai, chớ tôi là bà ngoại, trai hay gái tôi cũng chịu hết”.

Rồi đó ba bà vui vẻ bàn luận về vụ Cẩm Nhung có nghén, bà biểu phải uống thuốc dưỡng thai, bà khuyên đừng đi xe ngựa, bà nói cần phải kiêng cữ ăn uống.

Một lát bà Kinh thấy bà Chủ đi xuống nhà cầu, bà mới đi theo mà nói nhỏ: “Hôm chúa nhựt thầy thông qua bên nây chơi. Bà biểu vợ chồng thẩy về bên nây ở cho rộng. Hổm nay thẩy buồn lắm. Tôi cho bà biết thẩy ở với mẹ chí hiếu, không bao giờ thẩy chịu rời mẹ đâu. Xin bà đừng nói với thẩy về chuyện đó nữa. Thẩy nghe thẩy phiền lắm”.

Bà Chủ ngạc nhiên hỏi:

-Ở bên nây sung sướng lắm. Sao lại phiền ?

-Ấy ! Ý thẩy nghi bà biểu như vậy là xúi thẩy bỏ mẹ mà theo vợ, làm cho thẩy mang tội thất hiếu, lại bị thiên hạ chê cười, nên thẩy buồn chớ sao. Ông Kinh biểu tôi dặn bà đừng nói tới chuyện đó nữa. Để tối hoặc mai tôi cũng dặn cháu Cẩm Nhung nữa.

Ba Chủ không nói nữa nhưng bà hết vui.

Hai bà khách nói chuyện chơi một chút nữa rồi kêu Cẩm Nhung biểu sửa soạn về. Bà chủ biểu thắng xe ngựa đưa ba người về, có gởi theo một nhánh cau giầy với một quày dừa xiêm.

Trưa bữa đó, ông Kinh thì nhờ vợ, Vĩnh Xuân thì nhờ mẹ, nên cả hai người đều hay Cẩm Nhung có thai.

Vĩnh Xuân thấy mẹ hớn hở vui mừng về cái tin vợ thầy có thai đó quá, lần lần thầy bớt phiền vợ và mẹ vợ. Mà bà Chủ cũng như cô Cẩm Nhung, cả hai đều nghe theo lời bà Kinh dặn, không dám nói lới việc Vĩnh Xuân qua Chợ Cũ ở nhà của bà Chủ nữa, bởi vậy câu chuyện lâu rồi nguôi ngoai, chồng vợ hiệp hòa, mẹ con thuận thảo.

Vĩnh Xuân thấy vợ có chửa, bụng mỗi ngày một thêm lớn, bèn thưa với mẹ để cho vợ thầy thong thả về Chợ Cũ ở chơi, có nhà rộng rãi, khoảng khoát, có sân để xem hoa, có vườn để ngắm cảnh, mai chiều có chỗ an nhàn thanh tịnh mà giải trí dưỡng thai.

Bà Hương văn làm theo ý con, mới cho dâu về Chợ Cũ ở với bà Chủ, năm bảy bữa trở qua chơi một đêm hoặc một buổi rồi về. Bà Hương văn cũng đi thăm dâu thường. Còn Vĩnh Xuân hễ chúa nhựt thì thầy qua thăm vợ hoặc qua sớm mơi, hoặc qua buổi chiều, mà hễ thầy qua thì thầy ở ăn cơm rồi mới về.

Qua tháng 6 năm sau, cô Cẩm Nhung sanh được một đứa con trai, y theo lời bà Hương văn cầu nguyện.

Bà hương văn mừng hơn ai hết. Bà cứ ngồi một bên cháu nội mà nhìn trót giờ, không thèm đi ăn trầu hay đi uống nước.

Bà Chủ tính từ ngày cưới cho tới ngày sanh được mười tháng rưỡi nên bà nói như vậy thì gọi là mau con.

Vĩnh Xuân sai mời Chánh Lục bộ đặng khai sanh cho con: thầy đặt tên là Phan Vĩnh Tân.

Bà Chủ cưng con, sợ để con cho em bú thì cực nhọc nó. Bà mới nói với chị sui:

-Con Cẩm Nhung khờ quá, tôi sợ nó không biết nuôi con. Để tôi hỏi coi trong xóm, trong làng có đứa nào sanh con so, và sữa tốt tôi mướn nó ở vú, đặng nó cho em bú cho mau lớn.

-Về bển có tôi chăm non. Xin chị đừng lo. Mướn vú mà chi cho tốn tiền.

-Thưa chị, tốn hao chút đỉnh không hại gì. Tội cho nó tiền mướn vú. Một năm chừng năm sáu chục, có mắc lắm là 80 chớ bao nhiêu mà lo.

-Họ nói con nít mà mướn vú cho bú, để nó cho vú bồng ẵm, săn sóc, nó quen theo tánh nết con vú, sau khó sửa.

-Không có vậy đâu chị. Tôi có bốn đứa con, hai đứa sau tôi mướn vú nuôi nó cũng giống tôi như hai đứa lớn, có giống vú đâu.

May lúc ấy trong đất của bà Chủ có một thiếu phụ tên Đê, 25 tuổi, cao lớn, manh mẽ mới sanh một đứa con so được vài tháng. Nhà nghèo, cha chồng bịnh, sắp em chồng còn nhỏ mấy năm nay Đê phải làm mướn, đào mương, cuốc đất, đốn chuối, gánh cau, phụ với chồng để nuôi sống cả gia đình. Bây giờ có con mắc giữ con, không làm mướn được nên cơm tiền thiếu hụt, vợ chồng Đê mới bàn tính cho đứa con nhỏ đặng Đê rảnh tay đi làm mà kiếm thêm tiền.

Người bà Chủ sai đi kiếm vú, hay gia đạo của Đê như vậy, mới nói lại với bà Chủ. Bà Chủ cho kêu mẹ chồng của Đê vô nhà, lại dặn Đê phải bồng con đến cho bà coi. Bà thấy Đê mạnh mẽ, sữa nhiều, đứa nhỏ cứng quành, thì bà vừa lòng lắm. Bà nói với mẹ chồng của Đê nếu Đê cho con đặng người khác nuôi, Đê ở vú nưôi con Cẩm Nhung, thì bà cho mỗi năm 60$00 với quần áo, muốn trước phân nửa số tiền hay là lãnh luôn trọn năm cũng được. Mẹ con Đê xin cho về bàn tính.

Cách hai ngày sau, Đê trở vô nhà bà Chủ cho hay rằng đã cho người ta con rồi và chịu ở vú nuôi con cho cô Năm Cẩm Nhung, xin cho lãnh tiền trước sáu tháng. Bà Chủ cho kêu chồng của Đê vô làm giấy lãnh tiền, rồi Đê ở luôn cho em bú.

Trọn tuần đầu bà Hương văn qua Chợ Cũ thăm dâu với cháu nội hằng ngày, có bữa đi với bà Kinh, có bữa đi một mình. Tuy bà không muốn mướn vú nuôi cháu, song chị sui ra tiền mà mướn, lại sữa của Đê nhiều, Vĩnh Tân bú không hết nên bà cũng xuôi thuận cho êm.

Bữa cúng đầy tháng, nhằm chúa nhựt nên Vĩnh Xuân qua dự lễ được. Bà Hương văn với bà Kinh đã qua trước rồi, chừng thấy Vĩnh Xuân tới, bà Kinh mới bồng Vĩnh Tân ra khoe với thầy mà nói cha con giống hịt, hễ thấy thì biết liền.

Trưa ăn cơm rồi, Vĩnh Xuân thưa với bà Chủ mà xin phép rước vợ con về. Bà ngạc nhiên vì bà tưởng Vĩnh Xuân để vợ con ở luôn bên nây, nên bà có tính lâu lâu bà sẽ lập thế mà dụ cho Vĩnh Xuân qua ở nữa. Nghe Xuân xin rước vợ con, nghĩa là phá tan mưu chước của bà, thì bà bối rối nói: “Có rước cũng để thủng thẳng cho mẹ con nó cứng cáp đã chớ. Lại phải coi ngày cho sạch sẽ rồi sẽ rước, con đừng có làm ngang như vậy không nên”.

Vĩnh Xuân nói: “Để về con cậy ông Kinh coi ngày rồi con thưa cho má hay”.

Tối lại, ông Kinh giở lịch mà coi. Ông nói trong ba bữa nữa, nhằm ngày 28, hạp với sự dời chỗ và nuôi con, nên ông khuyên, nếu có rước thì rước bữa đó.

Vĩnh Xuân tính bữa đó mắc làm tiệc không đi rước vợ con được. Thầy cậy bà Kinh làm ơn bữa đó đi với bà già thầy qua nói mà rước giùm. Thầy nói chiều mai thầy sẽ qua thăm trước, cho me vợ hay đặng biểu vợ sửa soạn cho sẵn.

Bà Kinh cười mà nói:

-Cha chả, rước mẹ con cô thông về bên nây chắc bà Chủ phiền lắm. Hồi trưa thầy xin rước thì tôi dòm thấy sắc bà hết vui.

-Tại sao mà phiền ?

-Ý bà muốn níu luôn mẹ con cô thông ở bển chớ sao.

-Đâu được. Bà già vợ tôi có lý gì mà phiền tôi. Đàn bà hễ xuất giá thì tùng phu. Hễ ưng làm vợ người ta thì dầu chồng ở trong cái chòi rách cũng phải theo mà ở. Nếu đế ở luôn bên Chợ Cũ thì má tôi với tôi phiền. Bà già vợ tôi muốn cho má tôi với tôi phiền hay sao. Hôm gần ngày sanh tôi cho vợ tôi về ở bển cho rộng rãi, mát mẻ mà dưỡng thai. Má tôi lại nói ai cũng vậy có con gái sanh lứa đầu thường đem con về sanh tại nhà đặng có mẹ một bên cho con vững bụng. Nghe như vậy tôi mới để ở bển mà sanh. Bây giờ đầy tháng rồi, nên tôi phải rước về. Má tôi mong mỏi có một chút cháu nội. Vì muốn làm vui lòng má tôi nên tôi mới chịu cưới vợ. Nay má tôi nhờ phước đức ông bà nên có được một đứa cháu nội, có lý gì má tôi nhượng cho bên ngoại nuôi. Không thế được. Nếu muốn xin để vợ tôi ở bển thì đươc, ở tới chừng nào tôi cũng chịu hết, nhưng con của tôt thì bữa 28 phải để chị vú ẵm về bên nây cho tôi nuôi, có má tôi chăm nom đêm ngày, không có sao đâu mà sợ.

-Thầy nóí gắt quá, bà Chủ hết dám cự nự.

-Bữa rước nếu bà già vợ tôi có cãi lẫy mà cầm lại thì bà cứ nói ngay các lời tôi mới nói đó cho bà già vợ tôi nghe. Nếu bà không chịu thì sẽ liệu định.

Chiều bữa sau, tan hầu, Vĩnh Xuân đi luôn qua Chợ Cũ thưa cho bà Chủ hay, ông Kinh coi ngày 28 hạp lắm nên bữa đó thầy sẽ cậy bà Kinh đi với bà già thầy qua rước vợ con thầy, vì thầy mắc làm việc nên đi không tiện.

Bà Chủ than rước gấp quá.

Vĩnh Xuân nói theo lẽ thì sanh chừng mười bữa hoặc nửa tháng đã rước rồi. Thầy để tới giáp tháng lâu quá, thầy không dám làm nhọc lòng mẹ vợ nhiều hơn nữa.

Bà Chủ buồn, nhưng nhớ lời bà Kinh dặn nên bà không dám kiếm lý mà cầm con với cháu.

Bữa 28, bà Hương văn với bà Kinh qua rước. Bà chủ hối Cẩm Nhung sửa soạn đi sớm cho khỏi nắng em. Chừng đưa ra xe, bà xin chị sui cho Cẩm Nhung về chơi thương thường, vì cô còn non ngày, không nên để cho cô buồn, lại cần phải cho hưởng thanh khí đặng bồi bổ sức khỏe.

Bà Hương văn nói em có vú nuôi, thì cô Cẩm Nhung thong thả, cô muốn về chơi hằng ngày cũng được, mà ở đêm bên nây cũng không sao, vì có bà chăm nom với con vú.

PHẦN IV - CHƯƠNG 19 -

B

à Hương văn Thanh có một đứa cháu nội ở trong nhà cho bà ẵm bồng nựng nịu thì bà mãn nguyện. Bà cứ đeo theo cháu nội, phú tất cả việc thà cho thím Tư Cam, gói bánh bán hay là đi chợ nấu ăn đều giao hết cho thím.

Bà vui, bà muốn cho mọi người cũng vui như bà. Bà mua vải trắng may áo bà ba cho con vú bận đặng bồng em cho sạch sẽ. Bà cứ nhắc Cẩm Nhung hễ có buồn thì kêu xe về Chợ Cũ mà chơi, để em cho con vú với bà chăm nom, không có sao đâu mà sợ.

Cô Cẩm Nhung thấy mẹ chồng cho phép cô thong thả, thì cô không còn phải ngại ngùng, bởi vậy cô về Chợ Cũ hằng ngày có bữa đi sớm mơi ở chơi tới chỉều tối cô mới về, có bữa gặp mưa gió cô ở luôn mà ngủ với mẹ.

Vĩnh Xuân thấy mẹ được phỉ tình mãn nguyện được vui say hạnh phước gia đình, thầy nghĩ thầy đã làm tròn hiếu đao, mẹ nong nả khuyên thầy cưới vợ đặng sanh cho mẹ một chút cháu nội cho mẹ hết lo hương lửa về sau, thầy đã làm y theo ý mẹ ao ước, bởi vậy thầy cũng hài lòng, không còn phải lo lắng việc gì nữa.

Cũng như mẹ, Vĩnh Xuân được vui, thầy không muốn để cho ai phải buồn, bởi vậy mẹ vui mà cho phép Cẩm Nhung thong thả, mà Cẩm Nhung cũng vui được gần mẹ hằng ngày thì thầy không phiền trách, lại cũng không ngăn ngừa chi hết.

Trái lại đối tới vợ thầy cũng rộng dung hơn hồi trước, thầm nghĩ vợ có công giúp thầy báo hiếu cho mẹ già, công ấy thầy phải đền đáp; nếu vợ chịu để con ở bên nây cho vú cho bú và cho mẹ chăm nom, vợ xin về ở nhà lớn bên Chợ Cũ chung hưởng giàu sang sung sướng với mẹ và anh chị, thầy cũng sẵn lòng xuôi thuận.

Thừa trí ý của chồng dễ dàng như vậy, cô Cẩm Nhung, sanh trưởng trong đống bạc tiền, cô đã quen thói vui chơi cho sung sướng ngoã nguê, cô xê xít mỗi ngày thêm một chút, lần bước mà mở rộng vòng cương tỏa từ hồi còn thơ bé. Thiệt cô không có tính bỏ chồng con đặng trở về ở với mẹ. Mà bà Chủ Thiệu với vợ chồng Ba Khaỉ cũng không muốn như vậy bao giờ. Nếu vợ chồng Cẩm Nhung về ở hết thì ai cũng vui, chớ Cẩm Nhung rời chồng về ở một mình thì không ai chịu.

Tuy vậy mà cô Cẩm Nhung được thong thả một chút rồi lần lần cô muốn được thêm nhiều hơn. Ban đầu cô qua thăm mẹ một buổi hoặc một ngày rồi cô về. Lần lần cô ở luôn tới ban đêm. Riết rồi cô nói trước với mẹ chồng mà ở tới hai ba ngày, nhiều khi đi Sài gòn ở trót tuần mới về, nói chị Hai cầm ở lại chơi với chị.

Vĩnh Xuân không để ý tới cách đi ở tự do của vợ, thầy chỉ dòm chừng sức khỏe của con mà thôi. Hễ bữa nào con ấm đầu, lừ đừ làm cho bà Hương ăn có hơi buồn lo, thì thầy chạy qua cậy thầy thuốc Hoàng một bên coi giùm đặng cho thuốc thoa hoặc uống.

Hễ con vui chơi, bú thiệt no, ngủ thẳng giấc, bà Hương văn hớn hở tươi cười, thì thầy an lòng, ban ngày sốt sắng đi làm, ban đêm hoặc hòa đờn, hoặc họa thi với ông Kinh, làm không phiền, chơi không chán.

Một bữa đương ngồi ăn cơm, bà Kinh thỏ thẻ nói với ông Kinh:

-Từ ngày chị Hương văn có cháu nội đến giờ sao chỉ dễ quá.

-Dễ cái gì ?

-Chỉ cưng dâu rồi chỉ thả lỏng để cho cô thông thong thả quá.

-Bà nó không hiểu tại cớ nào mà chỉ dễ như vây hay sao ? Chỉ khấn vái cho được một chút cháu nội. Nay chỉ được cháu nội, lại cháu nội trai bữa, chỉ thỏa mãn nguyện vọng. Chỉ vui mừng rồi chỉ không nuốn làm buồn cho ai hết, nên chỉ cho dâu thong thả, muốn về bên nhà chừng nào cũng được, và về ở bao lâu, cũng được. Tại vậy chớ có gì đâu.

-Cô thông còn nhỏ quá, không nên để thong thả như vậy. Mà thầy thông cũng kỳ. Mới cưới vợ trong mấy tháng đầu, bà Chủ biểu vợ chồng về bển mà ở. Thẩy không chịu mà thẩy còn giận vợ và phiền bà Chủ nữa. Sao bây giờ thẩy lại để cho vợ đi về bển luôn luôn, có khi tới đôi ba bữa mà thẩy không nói gi hết.

-Tôi hiểu tại sao thẩy không nói. Biểu thầy về bển mà ở thì không được, chớ còn vợ thẩy dầu về ở luôn có lẽ thẩy cũng không thèm nói.

-Vợ chồng mà ở riêng mỗi người một nhà như vậy sao được.

-Theo ngươi thường thì không được, chớ còn thầy thông thì thẩy kể gì. Thẩy cưới vợ là tại thẩy muốn làm cho vui lòng mẹ. Nay thẩy làm cho mẹ có cháu nội mà tưng tiu rồi, vợ thẩy dẩu về bển mà ở luôn, có lẽ thẩy cũng không cãn.

-Có con thì có, chớ có con rồi bỏ vợ hay sao. Huống chi có vợ như vây, đã giàu mà lại đẹp, ta cần phải giữ gìn chớ.

-Bà nó không nhớ hay sao ? Hồi trước mình xủi thẩycưới vợ. Thẩy có nói cưới vợ tốn thêm miệng ăn chớ không ích gì. Tình thẩy đã cạn khô rồi, thẩy không còn biết thương ai nữa. Cưới vợ thẩy làm buồn cho vợ thì tội nghiệp, bởi vậy thẩy không tính cưới.

-Thẩy cưới cô Cẩm Nhung, ăn ở với nhau gần hai năm rồi, có sanh được một mặt con, thì dầu tình không gây được, nghĩa đã kết rồi, lẽ nào bây giờ lại lãng lơ mà để cho rời rã.

-Giống gì mà tới rời rã. Đây với Chợ Cũ có cách nhau bao xa. Mà hai đàng đều ở với mẹ, chớ phải đi ở đâu hay sao.

-Thầy thông thì tôi không lo. Thầy là người đứng đắn, không bao giờ thầy lãng tình nghĩa. Ngặt cô Cẩm Nhung còn nhỏ, mà cô lại có sắc, có tiền. Đời nầy họ yêu ma lắm, tôi sợ họ dụ dỗ chớ.

-Cô Cẩm Nhung có chồng là thầy thông Vĩnh Xuân mà bà nó còn sợ người ta dụ đến cô mê mà bỏ Vĩnh Xuân được hay sao ?

-Biết chừng đâu.

-Nếu người ta dụ được thì tức thị cô ngu quá, bỏ cho rồi, còn tiếc làm chi.

-Để bữa nào thầy thông vui, tôi sẽ khuyên thầy phải giữ gìn cho khỏi mang tiếng.

Về khoản nầy thì trí ý của vợ chồng ông Kinh không hợp nhau. Mà ai phải, ai quấy ? Bà lo sợ có lý, mà ông cãi lại cũng có lý.

Người ta đã bắt đầu đàm luận gia đạo của Vĩnh Xuân. Thế mà Vĩnh Xuân cũng như bà Hương văn, mẹ con tự nhiên vui chơi với em bé Vĩnh Tân, không để ý tới sự đi hay về của cô Cẩm Nhung chút nào hết.

Ba tháng rồi Vĩnh Tân biết cười, biết ọ ẹ làm bọt ngoài môi, thì mẹ con cứ theo chọc ghẹo cho em cười và nói giỡn cho em ọ ẹ.

Mỗi buỗi Vĩnh Xuân đi làm về thế nào thầy cũng bồng con chơi một lát. Còn bà Hương văn hễ em ngủ thì thôi, chớ em thức mà bú rồi, thì bà giành vú mà bồng hoặc ngồi một bên mà nói chuyện.

Nhờ sữa tốt nên Vĩnh Tân sổ sữa, tay chưn cứng quành. Lần lần biết lật, biết trườn, rồi biết ngồi, mỗi cái biết của em giúp thêm một cuộc vui mừng cho bà Hương văn, nhứt là khi em nứt được vài cái răng thì bà đi khoe cùng xóm.

Vĩnh Tân càng lớn càng lộ nhiều nét giống cha càng rõ. Nhiều khi bà Chủ qua thăm cháu ngoại, bà ở chơi đến một hai giờ. Có bữa trời tối bà Hương văn cũng cho vú bồng em đi chơi theo mấy đường mát mẻ.

Ngày ăn thôi nôi tự nhiện có cô Cẩm Nhung ở nhà. Bà chủ, bà Kinh cũng tụ lại mà mừng cho cháu và vui thấy cháu hăng hái a lại ôm cuốn sách. Ai cũng đoán chắc chừng khôn lớn, Vĩnh Tân sê ham học như cha.

Ngày qua tháng lại, Vĩnh Tân lần làn tập đứng chựng, rồi đi, tập nói. Hễ thấy cha đi làm về thì chạy ra cửa mà mừng rồi sẩn bẩn theo một bên cha, đỏ đẻ hỏi chuyện nầy, nói chuyện nọ. Bà Hương văn ngồi ngó, bà sung sướng cực điểm, sự vui của bà dầu ai đem bạc ngàn, bạc muôn mà đổi bà cũng không thèm. Công bà cực khổ với chồng con mấy mươi năm, bây giờ bà được một phần thưởng tinh thần quí báu vô giá.

Cô Cầm Nhung vẫn đi đi về về, cô ít ở nhà, bởi vậy Vĩnh Tân thấy mẹ thì lạt lẽo chớ không trìu mến như đối với cha. Mà cô Cẩm Nhung không để ý tới việc đó, thành thử tình mẹ con mỗi ngày một thêm lợt, nếu không lo trước chẳng khỏi nó sẽ dứt.

Lúc con vú ở gần đủ năm, bà Hương văn có biểu nó nhắn chồng nó qua rồi bà nói mà mướn nó ở giùm thêm một năm nữa. Vợ chồng nó chịu, nên lãnh tiền rồi ở luôn mà săn sóc em.

Một đêm, Vĩnh Xuân lại nhà ông Kinh ngồi nói chuyện chơi. Bà Kinh nhơn dịp không có ai, bà mới hỏi thầy:

-Hổm nay sao không thấy cô thông về bên nây chơi vậy thầy thông ?

-Mắc đi Sài gòn với bà gia tôi.

-Đi chi mà ở lâu dữ vậy ?

-Nghe nói bà gia tôi không được mạnh, nên lên trên chị hai tôi đặng uống thuốc.

-Có bịnh thì lên cho thầy coi mạch cho toa, rồi về dưới nầy hốt thuốc mà uống, cần gì phải ở trển lâu.

-Có lẽ cần phải ở gần thầy đặng đổi toa cho dễ, khỏi lên xuống thất công.

-Tôi nhớ cô thông không có về bên nây trót cả tuần rồi.

-Lâu hơn chớ. Nhưng tôi không nhớ đi bữa nào.

-Cô bỏ đi và (hoài, mãi) như vậy cháu Vĩnh Tân không nhớ cô sao ?

-Có gần gũi thằng nhỏ đâu mà nó nhớ. Đi nó không hỏi mà về nó cũng không mừng.

-Có con đầu lòng mà bỏ đi và được thiệt giỏi quá. Mà thầy có vợ, thầy để vợ về bển mà ở, rồi muốn đi đâu tự ý, thầy cũng dễ quá.

-Vợ tôi nó vui như vậy, tôi nỡ lòng nào mà cấm cản làm cho nó mất vui. Huống chi bà già vợ tôi cũng muốn cho vợ chồng tôi hưởng thú giàu sang, tôi không chịu hưởng thì thôi, chớ nếu tôi không cho vợ tôi hưởng thì tôi hẹp lượng, lại áp chế quá. Tiền bạc của người ta mà mình ngăn cãn không cho người ta xài, uất ức rồi sanh oán hận.

-Tôi sợ thầy thấy người ta đương xun xăn đi xuống dốc, thầy biết sẽ rớt xuống hố, mà thầy không làm ơn kêu trở lại, chừng người ta sa xuống hố rồi, người ta bẽ oán hận thầy chớ, oán hận về sự ác độc của thầy.

Nghe nói tới câu đó, Vĩnh Xuân châu mày suy nghĩ, mặt có nét lo.

Chừng Vĩnh Xuân về rồi, ông Kinh mới nói:

-Bà nó cắt nghĩa coi bộ thầy thông thấy ăn năn.

-Không ăn năn sao được. Có vợ giàu lại đẹp, mà để cho nó thong thả, ta bà quá, rủi nó sa chưn sẩy bước, nhơ đanh ố tiết rồi làm sao.

-Không phải thẩy sợ mất con vợ giàu, vợ đẹp nên thẩy ăn năn đâu bà. Thẩy là người biết nhân nghĩa. Thẩy giựt mình là vì thẩy sợ lỗi đạo làm chồng, có vợ mà lơ lãng không ngó ngàng đến vợ, để cho vợ phải hư thân, nên thầy ăn năn đó chớ.

-Thiệt Cẩm Nhung thiệt thà, chớ không phải là gái xảnh xe, nếu chồng biết chiều chuộng làm cho cô vui lòng, thì cô có thể làm người vợ trung thành, làm người mẹ thân ái như gái khác. Tại gặp thầy thông thẩy không thương, thành ra cô buồn, rồi cô mmói lợt lạt với chồng con.

-Thôi, để thủng thẳng coi rồi lập thế làm cho vợ chồng sum hiệp lại, cho khỏi uổng công vợ chồng mình mai mối.

Cách vài bữa, cô Cẩm Nhung về thăm chồng con. Cô ôm Vĩnh Tân mà hun, cô nói lăng xăng, cô đi Sài gòn chuyến nầy cô phải ở lâu là vì bà Chủ bịnh nên phải ở mà săn sóc bà. Bà Hương văn với bà Kinh hỏi thăm bịnh bà Chủ thì Cẩm Nhung nói cả tháng nay bà Chủ xây xẩm hoài ăn ngủ không được. Lên Sài gòn ban đầu nghe lời cô Hai Bình rước thầy thuốc các chú coi mạch hốt thuốc. Uống đến năm sáu thang thấy bịnh không giảm chút nào hết, thầy giáo là chồng Hai Bình mới đem bà Chủ đến cho Đốc tơ Tây coi mạch. Đốc tơ nói bà Chủ dư máu, phái tiêm thuốc cho lâu, lại phải cữ ăn, ăn rau, ăn cá, chớ đừng ăn thịt. Ông Đốc tơ tiêm đến 10 mũi thuốc và bà Chủ phải cữ ăn, nên mới hết chóng mặt. Ông Đốc tơ cho về và mua thuốc đem về uống, song ông dặn mỗi tuần phải đến cho ông cân máu và coi chừng.

Bà Hương văn nghe chị sui đau nhiều, lại chưa thiệt mạnh, thì rủ bà Kinh đến xế qua thăm một lát.

Vĩnh Tân đã được 20 tháng rồi, biết đi biết nói, lại cũng bỏ bú rồi nữa. Nó thấy má thì lơ láo chớ không mừng rỡ như thấy cha.

Cô Cẩm Nhung ở chơi, đợi tan hầu Vĩnh Xuân về đặng gặp chồng. Cô cũng thuật bịnh dư máu của mẹ cho chồng nghe. Ăn cơm rồi cô xin về liền, đặng rót thuốc cho mẹ uống, vì Đốc tơ cho tới hai thứ thuốc, thứ thuốc nước uống trưa, thứ thuốc viên uống tối, cô phải chăm nom coi giờ mà cho uống, không dám giao cho người khác.

Đến xế bà Hương văn biểu kêu hai chiếc xe kéo đặng bà đi với bà Kinh. Bà biểu con vú ở nhà, bà dắt Vinh Tân đi với bà đặng cho nó thăm bà ngoại nó.

Bà Chủ mừng khách, mừng cháu ngoại, rồi bà cũng thuật chứng bịnh của bà như lời Cẩm Nhung đã nói. Bà còn nói thêm rằng theo lời Đốc tơ thì chứng bịnh của bà nguy hiểm lắm. Nếu không trị, để máu tràn lên óc, làm đứt mấy gân máu thì mê man rồi chết. Vậy nên bà sợ quá, phải cho Đốc tơ tiêm tới 10 mũi thuốc, bà hết chóng mặt nên bà nới dám về nhưng phải mua hai ba thứ thuốc đem về uống hàng ngày, rồi còn phải trở lên đặng tuần mạch lại.

Bà Kinh tính với ông Kinh bữa nay qua sẵn có mặt đủ hai sui gia, bà sẽ đem việc vợ chồng Vĩnh Xuân ra mà nói, đặng khuyên phải sum hiệp, không nên phân ly hoài nữa. Chừng nghe bà Chủ than bà mang chứng bịnh nguy hiểm thì bà Kinh dội, không biết phải nói cách nào cho được việc mà khỏi mích lòng. Bà suy nghĩ một hồi rồi mới têm trầu mà ăn và nói với bà Chủ:

-Từ năm ngoái đến giờ cô thông ở bên nây thường hơn ở bển. Tôi nhận thấy ý thầy thông tuy không nói ra, song thẩy không vui. Vợ chồng còn nhỏ mà phân cách với nhau, chồng ở một nơi, vợ ở môt chỗ, làm sao mà không buồn được.

-Tôi cũng biết như vậy. Năm ngoái con Cẩm Nhung về miết bên nây, tôi rầy nó, tôi biểu phải về ở với chồng con. Nó có nhớ tôi thì về thăm một ngày một buổi vậy thôi. Cẩm Nhung nói chồng nó muốn như vậy, biểu nó phải về ở bên nây cho thường đặng nhờ cỏ thanh khí khoản khoát, mát mẻ mà bồi bổ sức khỏe. Sau thằng thông qua thăm, tôi hỏi nó, thì nó cũng nói y như vậy, ý nó muốn cho vợ nó thong thả sung sướng, Tại như vậy nên tôi mới để Cẩm Nhung ở đó chớ. Mà tôi nghĩ đây với đó không xa xuôi gì; vợ chồng nó muốn gặp nhau hằng ngày cũng được, có sao đâu mà ngại.

-Tôi với ông Kinh sợ vợ chồng còn trẻ mà ở cách bức, mỗi người một nhà, lâu ngày rồi tình vợ chồng sẽ lợt lạt.

-Bà sợ như vậy cũng phải. Ngặt lúc nầy tôi bịnh. Tôi cần phải có nó ở một bên đặng cho tôi uống thuốc. Đã vậy mà từ đây mỗi tuần tôi phải đi Sài gòn một lần cho Đốc tơ tuần mạch và cân máu. Còn chị ba nó thì mắc con nhỏ, đi theo tôi không được. Anh Ba nó thì mắc giữ nhà. Còn con chị hai nó thì như ngỗng đực, lo cho chồng con nó mà cũng chưa xong, có biết gì nữa đâu. Duy có Cẩm Nhung rảnh rang, lai nhậm lẹ, nó phải theo tôi luôn luôn đặng săn sóc giùm tôi. Tôi xin với chị sui vui lòng để Cẩm Nhung ở với tôi thêm ít ngày; chừng tôi mạnh sẽ về bển.

Bà Hương văn không hiểu ý của vợ chồng ông Kinh, bà nghe bà Chủ nới như vậy thì bà vội vã đáp: “Được mà. Chị bịnh thì để nó ở bên nây đặng nó nuôi chị chớ. Nó về bển ăn rồi ngủ, chớ có làm gì đâu. Vĩnh Tân lớn rồi. Con vú chỉ theo coi chừng cho nó chơi. Ít tháng nữa con vú mãn hạn, chắc nó thôi ở. Vĩnh Tân chơi với tôi hoặc con Sen trong nhà cũng xong. Nó biết nói đủ rồi, nên dễ lắm”.

Nãy giờ Vĩnh Tân cứ xẩn bẩn theo bà nội. Hồi mới vô mẹ nó bồng đi lấy bánh cho nó ăn, nhưng hỏi việc gì nó cũng không chịu nói. Ăn rồi nó trở lại chỗ bà nội ngồi mà đòi uống rước. Bà ngoại nó kêu thì nó ngó bà trân trân, nhưng không chịu lại. Bà nội nó phải bồng mà để nó ngồi một bên bà ngoại nó cho bà rờ rẫm hun hít cho vui. Mà rồi nó cũng đi qua ngồi với bà nội.

Bà Kinh với bà Hương văn sửa soạn về. Bà Chủ kêu Cẩm Nhung biểu thắng xc ngựa đưa hai bà với Vĩnh Tân, cũng có gởi cau, dừa, chuối như mấy lần trước.

Chiều, tan hầu, Vĩnh Xuân kêu xe kéo đi luôn qua Chợ Cũ thăm mẹ vợ. Bà chủ nói với rể để Cẩm Nhung ở bên nây thêm ít ngày, đặng cô chăm nom thuốc men và dắt bà đi Đốc tơ. Vĩnh Xuân vui vẻ chịu liền, không lộ ý phàn nàn chút nào hết.

Mẹ chồng với chồng đều xuôi thuậm để cho Cẩm Nhung về ở với mẹ rõ ràng chớ có phiền trách chi đâu. Tại sao bà Kinh lại muốn cho Cẩm Nhung về nhà chồng mà ở đặng chịu chật hẹp, bực bội.

Nếu bà chủ sáng suốt thì nghe câu chuện của bà Kinh rồi hồi xế bà phải giựt mình hối hận rồi lo tìm phương thế mà sửa chữa hoặc ngăn ngừa. Tại bà có tiền mà bà mù quáng quá, bà không thấy xa, nên được nghe chị sui xuôi thuận để cho Cẩm Nhung ở luôn bên nây mà nuôi bịnh, tiếp theo lại thấy chàng rể cũng không làm khó, thì bà vui mừng rồi muốn trách bà Kinh vô can mà bày chuyện.

Bà Chủ mỗi tuần phải đi Sài gòn với Cẩm Nhung đặng Đốc tơ thăm mạch lại. Mà đi bữa trước thì phải ở một đêm rồi bữa sau mới về, vì sợ bà Chủ mệt nên không dám về liền. Phải đi như vậy đến gần ba tháng và phải uống thuốc ngày đêm thêm nữa, mới thấy huyết độ sụt xuống nhiều, hết lo nguy hiểm. Nhưng Đốc tơ còn căn dặn phải ăn rau, ăn cá, chớ đừng ăn thịt, và mỗi tháng cũng phải đến cho ông thăm mạch lại một lần cho vững bụng.

Cô Cẩm Nhung trong mấy tháng đi Sài gòn thường đó, hễ đi về thì qua thăm chồng con. Nhưng mắc lo coi cho mẹ uống thuốc, nên qua chơi một lát rồi về, dầu con vú ở mãn hai năm đã thôi rồi. Vĩnh Tân tối ngủ với bà nội, chớ cô cũng không ở đêm mà ngủ với con được.

Cách ít lâu, Vĩnh Xuân đương ngồi làm việc trong tòa Bố, một anh lính trạm của sở Dây Thép đem phát cho thầy một phong thơ, ngoài bao đề tên họ, chức nghệp và địa chỉ của thầy rõ ràng, lại có dán cò theo luật và có đóng con dấu của Sở Bưu Điện Sài gòn. Thầy lấy con dao rọc bao và rút cái thơ ra mà coi. Thơ viết như vầy:

Thưa thầy,

Em không có vinh hạnh được giáp mặt với thầy lần nào. Nhưng em từng nghe người ta tán tụng tài đức của thầy, khen thầy học giỏi mà thanh liêm, đáng mặt giai nhân quân tử.

Vì em quí trọng danh giá của thầy, em không để cho tiểu nhơn bôi lọ nên em phải đường đột thưa riêng cho thầy hay: cô Cẩm Nhung sắp đem danh giá cao quí của thầy mà bỏ vào đống rác hôi thúi. Thấy vậy em bất bình, nên đường đột mách tin cho thầy hay. Xin thầy cấm tuyệt đừng cho người vợ thầy lên Sài gòn nữa thì mới tránh tiếng xấu được.

Trân trọngg kính chào thầy.

Một phụ nữ biết kính trọng danh thơm của quân tử.

Thơ ký tên lằng quằng đọc không được, mà cũng không có biên địa chỉ của người gởi.

Vĩnh Xuân ngồi coi đi coi lại tới ba lần, rồi đút thơ vào bao, xếp để vào túi, mồ hôi rịn ướt trán, thầy ngẩn ngơ, cứ ngồi suy nghĩ, không làm việc nữa được.

Thầy là người sáng suốt, ngày xuất thân đi làm việc cho tới bây giờ gặp chuyện chi dầu rắc rối cho mấy đi nữa, thầy cũng phân đoán dễ dàng. Mà đến việc nầy thuộc về gia đạo, về danh dự của thầy, thì thầy lại bối rối, không biết thiệt hay giả, quấy hay phải.

Thầy nhớ cách mấy tháng trước bà Kinh có trách thầy để vợ thong thả quá. Phải vợ thầy xuống dốc đã gần rớt vào hố, nên người ta thương thầy mới cho thầy hay đặng thầy níu lại hay không ? Hay là người ta ghét thầy hoặc ghét vợ thầy, nên rơi thơ làm xào xáo trong gia đình của thầy ? Nửa tinh nửa nghi, thầy không dám quyết đoán, sợ đoán lầm mà mắc mưu kẻ gian. Thầy nghĩ ông Kinh lớn tuổi lại lịch lãm nhơn tình, vậy để tối bàn tính với ông rồi sẽ liệu.

Tuy đã nhứt định như vậy mà Vĩnh xuân cũng chưa an trí, trưa về ăn cơm không biết ngon, rồi nằm ngủ cũng không được, cứ nhớ đến bức thơ ác nghiệt đó hoài.

Có phải vì người ta thiệt thương mình, thấy vợ mình lên Sài gòn ta bà sanh chuyện tồi tệ sao đó, nên người ta lén cho mình hay riêng, đặng mình biết mà đề phòng hay không ? Hay là vì người ta ghét mình, mưốn phá rối gia đạo mình, nên bày chuyện mà làm cho chồng nghi vợ trắc nết, vợ phiền chồng nói gian, vợ chồng rầy rà rồi rời rã.

Thơ gởi tại nhà Dây Thép Sài gòn. Mình có người bạn. thân nào ở trên Saỉgon đâu, mà bạn thương nên đem việc quan hệ như vậy mà nói giùm cho minh biết.

Thinh đanh của mình có lớn lao gì đến nỗi người xa xuôi, ở tới trên Sài gòn cũng kính trọng nên gia công bào chữa ?

Bức thơ nầy có thể người ở Mỹ Tho viết rồi đem lên nhà Dây Thép Sài gòn mà bỏ vào thùng thơ cũng được vậy.

Vĩnh Xuân suy nghĩ đủ cách nhưng không dám chắc cách nào là phải, đành dằn lòng đợi tối rồi sẽ bàn với ông Kinh Lương.

Ăn cơm chiều rồi, Vĩnh Xuân ngồi tại bàn Viết, lấy thơ hồi sớm mơi ra mà xem lại nữa. Thầy đọc thơ rồi, ngó mấy chữ di bút của cúc Hương, thầm vái nàng giúp cho thầy sáng suốt mà gở rối cho khỏi lem luốc thinh danh, mà cũng không oan ức ai hết.

Đợi bà Hương văn đem Vĩnh tân vô trong mà dỗ ngủ, thầy Vĩnh xuân mới xếp bức thơ để vào túi rồi khép cửa đi lại nhà ông Kinh.

Vợ chồng ông Kinh đương nằm trên ván mà nói chuyện, ông ngồi dậy tiếp Vĩnh Xuân, bà vô trong biểu nấu nước đặng chế trà mới.

Vĩnh Xuân vừa ngồi liền rút phong thơ trong túi ra mà đưa ông Kinh, không nói chi hết.

Ông Kinh ơ hờ, không hiểu thơ của ai gởi, nói cbuyện gì. Ông xem sơ ngoài bao rồi rút bức thơ ra mà đọc. Vĩnh Xuân ngồi ngó ông trân trân, thấy ông nhíu chơn mày, xem thật kỹ, xem hết rồi xem lại một lần nữa. Ông mới để bức thơ trước mặt và bình tĩnh hỏi:

-Thầy thông được thơ nầy bao giờ ?

-Được trong buổi hầu sớm mơi.

-Thầy coi chữ ký tên đây, thầy biết ai gởi không?

-Ký bậy bạ, lăng quằng làm sao mà biết cho được. Họ rơi thơ, họ đâu dám ký tên thiệt, lại cũng không có biên địa chỉ cho tôi biết. Nếu tôi biết tên người gởi là ai ở chỗ nào, thì tôí sẽ tìm đến mà hỏi cặn kẽ. Tại không biết nên từ hồi sớm mơi tới giờ tôi rối trí quá, không biết nên tin hay là nên xé bỏ.

-Xin thầy đừng nóng, để thủng thẳng mà suy nghĩ cho kỹ.

-Tôi xét đủ mọi bề. Tôi dòm bề nào cũng tối đen. Tôi không biết thiệt hay giả. Tôi muốn hỏi ý kiến ông coi bây giờ tôi phải làm sao.

Ông Kinh suy nghĩ rồi cầm bức thơ xem nữa. Bà Kinh bưng bình trà ra rót bốn chén chung. Bà thấy ông đọc thơ, bà hỏi thơ của ai đâu mà lại ban đêm. Vĩnh Xuân mới thuật sơ câu chuyện cho bà nghe, thầy nói rằng thơ của ai trên Sài gòn gởi hồi sớm mơi cho thầy hay vợ thầy toan làm lem luốc danh dự của thầy và khuyên thầy đừng cho vợ thầy đi Sài gòn nữa.

Bà Kinh nghe nói như vậy, bà vừa kéo ghế mà ngồi vừa nói nho nhỏ :

-Thầy thông thấy chưa ? Cách mấy tháng trước tôi sợ sanh chuyện không tốt, nên tôi có khuyên thầy đừng để cô thông thong thả quá như vậy. Coi bộ thầy không tin tôi. Bây giờ có chuyện lôi thôi rồi đó.

-Vợ tôi vốn con nhà giàu sang, từ nhỏ chí lớn sung sướng quen rồi. Ở với tôi thì chật hẹp tù túng rên nó muốn về ở bên Chợ Cũ mà tiếp dưỡng sức khỏe. Phận tôi nghèo, tôi phải chịu cực đã đành. Vợ tôi có tội gì mà tôi buộc nó phải chịu cực khổ với tôi. Mấy tháng nay bà già tôi đau, bà xin để vợ tôi ở bển đặng chăm nom thuốc men cho bà và dắt bà đi coi mạch. Tôi nỡ lòng nào mà cấm cản không cho vợ tôi nuôi bà già nó đâu.

Ông Kinh cười mà nói:

-Nếu nói cho ngay thì thiệt thầy không màng gì đến vợ nên thầy mới dễ quá như vậy.

-Không, ông Kinh à. Thà tôi mất vợ, chớ tôi không chịu làm buồn cho vợ, mà cũng không chịu ở bất nghĩa với mẹ vợ. Tôi muốn vui có lẽ nào tôi lại ép người ta phải buồn. Tôi muốn ở có hiếu với mẹ tôi, có lẽ nào tôi ép người ta phải thất hiếu với mẹ người ta. Chỗ mình không muốn, mình chẳng nên buộc người ta phải muốn. Vậy mới công bình chơ.

-Thối, để bàn về bức thơ nầy coi. Bây giờ thầy tính làm sao đâu, thầy nói nghe thử coi.

-Tôi tính không ra, nên tôi mới đem lại mà cầu ông bà phân xử giùm.

Bà Kinh nóng nảy, nên bà nói: “Có gì đâu mà tính không ra. Thầy thông đem thơ đưa cho bà Chủ xem rồi bắt cô thông ở bên nây, và không cho cô đi Sài gòn nữa. Làm như vậy thì dứt chuyện. Nếu bà Chủ biết sợ xấu hổ thì bà chịu liền, chịu mà lại mừng nữa, Còn nếu bà cãi lẫy và binh con, tức thị bà có ý xúi con hư, thì thầy thông làm êm mà về, đừng thèm cắt nghĩa phải quấy gì hết. Có chửa thì phải đẻ. Sau có đổ bể tùm lùm thì bà Chủ lãnh trách nhậm. Nói thiệt mà nghe, nếu người ta có chê cười xấu hổ thì mẹ con bà Chủ mang xấu, chớ thầy thông với chị Hương bên nây không xấu gì”.

Ông Kinh nói: “Nóng quá như vậy không nên. Thơ viết mà không biên tên cho rõ ràng, lại cũng không biên địa chỉ, tức thị là thơ rơi. Thơ rơi không đáng tin. Không biết chừng người nào đó họ giận bà Chủ, hoặc ghét cô Cẩm Nhung, nên đặt chuyện mà phá đám. Mình không xét cho kỹ, đem thơ cho bà Chủ coi, làm lở vỡ, bà Chủ với cô Cẩm Nhung hổ thẹn với thầy thông, mà thầy thông cũng mang tiếng ghen tương, hai bên nghi kỵ nhau, mất hết niềm hòa khí. Té ra mình mắc mưu gian của thằng điếm nào đó”.

Vĩnh Xuân nói:

-Giọng nói trong thơ dường như giọng nói đàn bà.

-Người ta yêu ma lắm, tin làm sao được. Đàn ông mà họ giả giọng đàn bà không được hay sao ? Nhưng thơ tuy gởi tại Sài gòn, song tôi chắc người Mỹ Tho viết. Trên Saigon làm sao họ biết rõ tên họ của thầy với cô Cẩm Nhung, làm sao họ biết chức nghiệp với địa chỉ của thầy, làm sao ho biết Cẩm Nhung đi Sài gòn thường nên xin thầy cấm. Tôi nghĩ người viết thơ đó ở bên phía Chợ Cũ, Bến Tranh hoặc Chợ Gao, là mấy chỗ có bà cơn bên vợ thầy ở. Có lẽ mấy bà con đó mượn oai thế của thầy mà hống hách thiên hạ, nên người ta dùng kế ly gián làm cho thầy bỏ vợ đặng bà con bên vợ hỏng giò chơi.

-Ông nghi cái đó có lẽ đúng. Như lúc tôi mới cưới vợ được ít tháng, chú Hương thân Quế cậy tôi nói với thầy Cai cho chú làm thôn trưởng, còn anh hai Thăng bên Bến Tranh cậy tôi giúp về viêc ảnh tranh ranh vườn với người ta. Tôi có nói giúp gì đâu, mà cách ít ngày Hương Quản Bến Tranh xin lỗi tôi, ảnh nói ảnh không dè Hai Thăng bà con với vợ tôi, chừng ảnh hay thì ảnh xử êm rồi, không dám động tới ranh đất Hai Thăng nữa. Còn thầy Cai Chợ Gạo cách vài tháng sau thẩy cho tôi hay thẩy đã biểu cử Hương Thân Quế làm Thôn Trưởng xong rồi. Rõ ràng họ lợi dụng oai thế của tôi quá.

-Còn việc cái thơ nầy tôi muốn thầy cất để dành đặng dọ tánh tình cô thông lại rồi sẽ hay đừng nói cho ai biết gì hết. Nếu thiệt cô thông có ngoại tình, thầy dọ thầy biết được mà.

-Có ở bên nây đâu mà dọ. Chừng bốn tháng nay có về thì về chơi một lát rồi đi, không có ngủ bên nây đêm nào hết.

-Thôt thì bữa nào cô có về thầy nói cho cô biết thầy không bằng lòng cô đi Sàigòn nữa. Thầy nói mà phải liết mắt có sắc mặt cô thế nào. Người có tịt hễ nói động tới nhược điểm của họ thì họ biến sắc.

-Vợ tôi đi Sài gòn mới về hôm kia. Nó qua thăm nó nói khỏi đi Sài gòn mỗi tuần nữa. Đốc tơ biểu đợi đúng một tháng sẽ lên cho ổng thăm mạch lại.

-Thầy cứ cấm. Đừng cho đi, biểu kiếm người khác đi thế coi cô đám cãi hay không. Vậy chớ Ba Khai đi với bà Chủ không được hay sao.

-Được. Để tôi dọ thử coi. Chuyện nầy tôi với ông bà biết mà thôi. Tôi xin giấu má tôi, ông bà đừng nói chi hết. Má tôi hay má tôi buồn, chớ khống ích gì.

Vĩnh Xuân xếp thơ bỏ vàơ túi, uống ít chén nước rồi về.

Cách năm ngày sau cô Cẩm Nhung đi xe ngựa qua thăm chồng con. Vĩnh Xuân đi làm về thầy thấy vợ thì ngó ngay mặt vợ mà hỏi:

-Hổrn nay em có đi Sài gòn nữa hay không ?

-Không. Mà hổm nay mới được có một tuần lễ. Ông Đốc tơ dặn đúng một tháng rồi má sẽ lên đặng ổng coi mạch lại. Còn hơn ba tuần nữa em mới đi với má.

-Chừng má đi nữa, em cậy anh Ba hay là người nào khác đi với má. Em kiếm cớ má xin ở lại nhà, em đừng đi.

Cô Cẩm Nhung ngạc nhỉên. Cô ngó chồng, thấy chồng cũng ngó nhìn cô trân trân, thì cô biến sắc, và day mặt chỗ khác mà hỏi:

-Tại sao anh không cho cm đi với má nữa.

-Không phải qua không cho em đi với má. Qua kbông muốn cho em đi lên Sài gòn nữa chớ.

-Tại sao vậy ?

-Vì có tếng đồn nhiều chuyện lắm. Qua sợ em mang tiếng, nên qua khuyên cm tránh Sài gòn thì tốt hơn.

Cô Cẩm Nhung buồn hiu cúi mặt ngó xuống gạch nói nhỏ:

-Em có làm gì đâu mà họ đồn. Đi dọc đường thì đi với má, lên trển ở nhà anh Hai, chị Hai. Đi coi mạch thì có má rồi đi mua thuốc cũng vậy. Anh hỏi má coi, có phải vậy hay không?

-Hỏi làm chi ? Tiếng đồn thấu tai qua, nên qua dặn trước cho em tránh. Nếu cm không sợ tiếng đồn đó, thì em cứ đi.

-Anh đã nói như vậy em còn đi làm chi nữa, tháng sau má đi, em cậy anh Ba đi với má. Em ở nhà coi nhà thế cho ảnh.

Vĩnh Xuân vô trong thay đồ đặng ăn cơm.

Cô Cầm Nhung nói trước khi lên xe qua đây cô đã ăn cơm sớm bên nhà rồi, nên cô từ giã mà về đặng lấy thuốc cho mẹ uống. Vĩnh Xuân đứng trong nhà ngó theo vợ, thấy vợ lên xc mà ngồi, mặt buồn nghiến, như con chim bị tên.

Vĩnh Xuân biết đã bắn trúng chỗ nhược của vợ rồi thì thầy bất nhẫn, vì động lòng trắc ẩn nên ngồi ăn cơm với mẹ thầy cũng mất vui.

Đến tối thầy lại thuật chuyện thử lòng vợ cho ông Kinh và bà Kỉnh nghc, thầy nói bức thơ người ta gởi cho thầy đó không phải là thơ cáo gian, còn vợ thầy đã rớt xuống vũng sình lầy rồi, làm sao mà vớt lên được, mà vớt rồi để ngồi đâu.

Cả ba người đều bố rối, không biết phải xử trí cách nào cho cao mà cũng cho êm. Ông Kinh với Vĩnh Xuân thì ôn hòa nên muốn thỏa thuận. Còn bà Kinh thì nóng nảy nên muốn khuấy rối đặng bõ ghét. Ba người bàn tính gần nửa đêm mà chưa tính ra một giải pháp nào cho vừa ý.

Vĩnh Xuân mới nói: “Chuyện đó còn có đó. Không nên tính gấp rồi sau ăn năn. Vậy tôi xin huỡn ít bữa cho trí bình tĩnh, rồi sẽ lấy công tâm nhà xử. Huống chi vợ tôi đã có nói nó không đi Sài gòn nữa. Vậy thì nên đợi coi tháng tới bà già tôi đi tuần mạch, vợ tôi chịu ở nhà như lời tôi nói đó hay không”.

Qua tuần sau, bữa thứ năm, Vĩnh Xuân tiếp được một phong thơ nữa, thơ cũng có dán cò hẳn hòi và cũng đóng con dấu tại sở Bưu Điện Sài gòn. Thơ viết như vầy:

Thưa thầy,

Cách chừng 10 bữa rồi, em có gởi cho thầy một cái thơ yêu cầu thầy đừng cho cô Cẩm Nhung lên Sài gòn nữa. Em chắc thơ ấy không tới tay thầy, bởi vì sớm mơi thứ hai tuần nầy cô Cầm Nhung còn đi Sài gòn nữa, lần nầy cô đi một mình, chớ không có mẹ, cô ở đến sáng thứ ba cô mới về.

Một lần nữa, em trân trọng yêu cầu thầy đóng chuồng mà nhốt cô Cẩm Nhung lại, đặng cô hết phá gia cang của một cặp vợ chồng người bạn của em, đương thương yêu đầm ấm với hai đứa con thơ ngây khờ khạo.

Em thua thiệt, vì em kính phục danh giá của thầy lắm, nên sáng thứ ba em mới để đầu tóc cho Cẩm Nhung đi về. Nếu cô còn lên Sài gòn một lần nữa thì cô sẽ về với đầu trọc.

Trân trọng kính chào thầy.

Một phụ nữ kính trọng thầy.

Được bức thơ trước, Vĩnh Xuân còn nghi ngờ chưa chịu tin. Chừng gặp vợ, thầy dọ ý, thấy săc điện của vợ thất thần thì thầy hổi ôi quả quyết, không còn nghi gì nữa. Bây giờ được thêm bức thơ nầy thì thầy tỉnh quco, không bối rối chi hết, bởi vì lúc nầy thầy cũng như người bị cháy nhà. Thầy đã thấy ngọn lửa bốc lên cháy mái trước rồi, nếu người ta cho hay thêm lửa cháy luôn mái sau nữa thì thầy dư biết đó là sự dĩ nhiên, không có chi lạ.

Vĩnh Xuân bình tĩnh mlư thường. Đến tối mới lại đưa bức thơ thứ nhì nầy cho vợ chồng ông Kinh xem. Cẩm Nhung hứa không đi Saigon với mẹ nữa, mà người ta cho hay sáng thứ hai nầy cô lên Saigon một mình ở tới sáng thứ ba mới về. Thiệt cô có đi như lời người ta nói trong thơ đó hay không ? Bà Chủ có sai cô đi hay không ? Đi có chuyện gì ? Hay là cô kiếm cớ mà đi thông tin cho nhơn tình hay việc kín đã đổ bể, và hỏi coi bây giờ phải làm sao. Được biết tình nhơn của cô đã có vợ lại có tới hai đứa con. Ai đó ? Tên gì ? Làm nghề gì?

Có mấy câu chuyện đó mà Vĩnh Xuân bàn cãi với vợ chồng ông Kinh gần hai giờ đồng hồ. Rút cuộc ba người thỏa thuận với nhau như vầy: sáng bữa sau bà Kinh đi một mình qua nhà bà Chủ, nói dối rằng qua Chợ Cũ có việc, rồi sẵn dịp ghé thăm bà, nên không có rủ bà Hương văn đi. Nói chuyện rồi dọ dẫm coi thiệt thứ hai Cẩm Nhung có đi Sài gòn ở tới thứ ba mới về hay không ? Đi với ai ? Đi có việc chi ? Dọ việc đó cho chắc đặng thêm bằng cớ mới bắt tội Cẩm Nhung thất tiết với chồng được.

Bà Kinh tuy trọng tuổi, song bà vẫn còn lanh lẹ như lúc thanh xuân, làm việc chi bà cũng hăng hái tận tâm, nhứt là việc của Vĩnh Xuân, bà coi cũng như việc nhà của bà, bởi vì mấy năm nay vợ chồng bà yêu quí Vĩnh Xuân chẳng khác nào em cháu trong nhà. Vĩnh Xuân buồn thì bà không thể vui được.

Sáng bữa sau, ông Kinh đi làm việc rồi thì bà Kinh tuốt qua Chợ Cũ mà thăm bà Chủ Thiệu. Đi dọc đường bà suy nghĩ coi phải làm cách nào mà dọ dẫm đặng biết cô Cẩm Nhung có đi Sài gòn hôm thứ hai hay không. Việc tuy dễ mà khó, bởi vì nếu hỏi ngay sợ người ta nghi rồi họ giấu. Khi bước vô nhà, bà không chắc sự dọ dẫm của bà của bà sẽ được thành công. Chẳng dè ở cà rà nói chuyện minh mông chơi với bà Chủ, rồi lân la lại ngồi gần một bên Cẩm Nhung rnà thuật cách cháu Vĩnh Tân khôn ngoan, bà Kinh được nghe, được thấy nhiều điều quá sự mong mỏi. Sự nghe thấy đó làm cho bà ứa gan, xốn mắt, nên bà về tới nhà từ hồi 10 giờ, bực tức, phiền não, giận hờn, nằm ngủ không được, cứ ra mà ngóng trông ông Kinh vởi Vĩnh Xuân.

Bà Kinh dựa cửa đứng ngó ra đường, mặt mày khi giận, khi buồn. Không giận không buồn sao được. Nói cho Vĩnh Xuân chuyện cưới vợ, bà đã mệt trí hết sức. Mai mối cho Vĩnh Xuấn cưới được gái đẹp và giàu, bà còn phải phí công lao nhiều lắm nữa. Bà giúp cho Vĩnh Xuân cất được một tòa nhà đẹp đẽ, bà chắc Vĩnh Xuân sẽ được an vui trăm năm; nào dè cái nhà ấy tình cờ sụp đổ làm cho công phu của bà hoá ra vô ích, thế thì làm sao mà bà không buồn, không giận.

Thấy ông Kinh với Vĩnh Xuân về gần tới, bà Kinh bước ra nói: “Thầy đi thẳng vô đây, thầy thông, vô đặng tôi nói chuyện một chút”. Bà xây lưng đi liền vô nhà, đợi hai người vô rồi, bà lắc đầu mà nói: “Hư hết rồi, thầy thông ơi ! Còn gì nữa mà kể !”.

Vĩnh Xuân châu mày, vừa kéo ghế mà ngồi, vừa hỏi:

-Sao mà hư ? Hư cái gì ?

-Bữa thứ hai con Cẩm Nhung có đi Saigon, đi một mình.

-Ai nói với bà ?

-Bà Chủ. Tôi qua tôi thấy có để mấy ve thuốc. Có ve chưa khui mà uống. Tôi hỏi thuốc nầy Chợ Mỹ có bán hay không. Bà Chủ nói không có, phải lên Sài gòn mà mua, rồi bà vui miệng bà nói có hai thứ thuốc gần hết, nên hôm thứ hai bà phải sai Cẩm Nhung đi Sài gòn mua đem về đó.

Ông Kinh nói: “Nếu vậy thì bức thơ thứ nhì đáng tin rồi”.

Bà Kinh nói: “Còn việc nầy nữa. Tôi nhớ bốn năm tháng nay Cẩm Nhung không có ngủ bên nây đêm nào hết, phải hôn thầy thông.?

Vĩnh Xuân gặc đầu nói: “Phải. Ban ngày có qua thì cũng chơi giây lát rồi về, chớ không ở lâu”.

Bà Kinh nói: “Cha chả. Vậy mà Cẩm Nhung có nghén rồi thầy thông à !

Vĩnh Xuân trợn mắt mà hỏi:

-Thiệt hôn ?

-Thiệt chớ. Có chửa hơn ba tháng rồì. Tôi qua thì Cẩm Nhung bận áo vắn, nên chi thấy bụng. Tôi lại ngồi một bên. Thấy cặp mắt chao vao, còn chớn thủy nhay xoi xói. Đàn bà có thai thấy thì biết liền.

Vĩnh Xuân vụt đứng dậy đi vô, không nói gì nữa hết.

Ông Kinh đi vô trong thay đồ. Bà Kinh coi dọn cơm. Ông Kinh nói lầm bầm. ”Giàu sang ! Giàu sang! Vậy mà thiên hạ mê dữ ! Khốn nạn ! Khốn nạn cực điểm !” .

PHẦN IV - CHƯƠNG 21 -

B

ữa đó cũng như thường lệ, đến xế ông Kinh Lương thay đồ rồi ngồi chờ Vĩnh Xuân lại đặng đi làm việc với nhau một lượt cho vui. Gần tới giờ hầu mà chưa thấy Vĩnh Xuân, ông bèn bước lại kêu thầy. Vĩnh Xuân cũng đã thay đồ rồi, nhưng thầy ngồi tại bàn viết, đương chong mắt nhìn bút tích của Cúc Hương, dường như mặc niệm mà trông cậy bạn khuất mặt chỉ giùm đường lối đặng đi cho khỏi lầm, khỏi lạc. Thấy dạng ông Kinh ngoài cửa, thầy giựt mình nhớ lại cuộc đời cơm áo hằng ngày, thầy lật đật đứng dậy đi liền với ông Kinh, cứ ngó trước mặt mà đi, không nói chi hết.

Ông Kinh biết Vĩnh Xuân đương bối rối, ông không dám nhắc tới việc Cẩm Nhung. Chừng đi gần tới cửa Tòa Bố, thình lình Vĩnh Xuân nói: “Tối nay tôi sẽ cậy ông bà phân xử giùm việc nhà của tôi. Thiệt khó quá, tôi không biết phải xử trí cách nào cho thỏa thuận mà rẻ phân, tôi khỏi mang tiếng dại khờ, mà người ta cũng khỏi bị chê cười xấu hổ”.

Ông kinh nói: “Mình lo phận mình, còn chuyện của họ thì họ làm sao họ làm, hơi nào mà lo”.

Chiều ăn cơm rồi, vợ chồng ông kinh đợi tối một lát mới lại nhà Vĩnh Xuân. Ông Kinh thì bình tĩnh như thường, còn bà Kinh thì sắc mặt đầm đầm, không còn những nét bải buồi, vui vẻ như cũ.

Vợ Chồng ông Kinh bước vô thì thấy Vĩnh Xuân ngồi tại bàn viết, Vĩnh Tân đứng một bên, hai tay ôm bắp vế cha mà nói chuyện líu lo, còn bà Hương văn thì Ngồi trên ván ngó con ngó cháu vui cười, hí hởn.

Trông quang cảnh gia đình đầm ấm như vậy, ông Kinh bất nhẫn nên lạnh ngắt trong lòng, thầm tiếc hạnh phúc của người bạn tri âm rồi đây sẽ tiêu tan, chỉ để lại thêm một vết thương tâm phải mang trọn đời, cũng như vết thương cũ hàn không lành, chữa không dứt.

Vĩnh Xuân lật đật đứng dậy mời ông Kinh ngồi bàn giữa, Vĩnh Tân bỏ cha chạy lại đứng một bên bà nội. Bà Kinh vói bồng cháu để trên ván, rồi ngồi một bên vuốt ve.

Bà Hương văn biểu Vĩnh Tân nằm đặng bà quạt cho mà ngủ, rồi bà hỏi bà Kinh:

-Hồi sớm mơi thấy bà kêu xe đi đâu đó vậy ?

-Đi qua bên Chợ Cũ.

-Phải tôi hay bà qua Chợ Cũ tôi đi với bà đặng đem Tân qua thăm ngoại nó.

-Thôi, thăm viếng làm chi. Bà Chủ có nhớ cháu ngoại thì bả qua đây. Có luật gì buộc chị phải đem cháu đi thăm bả.

Ông Kinh hỏi Vĩnh Xuân:

-Hổm nay thầy thông có nói chuyện thơ từ đó cho chị Hương văn nghe hay chưa ?

-Chưa. Tôi sợ má tôi buồn nên tôi không dám nói.

-Nói phứt cho rồi, còn giấu làm chi lữa.

Bà Hương văn hỏi bà Kinh:

-Chuyện gì vậy ? Sao lại giấu tôi ?

-Để thầy thông thẩy nói cho chị nghe. Mổ phứt mục ghẻ đi thầy thông. Còn mong mỏi sự gì nữa mà dung dưỡng. Nó đã tầy uầy rồi.

Vĩnh Xuân buồn bực nó: “Thưa má, việc nhà rối lăm. Vì con sợ má buồn nên hổm nay con không dám nói cho má hay. Mà cũng vì hổm nay con nghe phong phanh chớ chưa dám chắc. Bữa nay con có đủ bằng cớ rồi, không sợ nghi lầm nữa. Vậy con phải tỏ thiệt cho má rõ. Mẹ thằng Tân lấy trai má à …”

Bà Hương văn la lớn:

-Úy ! Trời đất ơi ! Có thiệt như vậy hay không con ? Đừng nói oan cho nó, xấu hổ nó tội nghiệp lắm.

-Con sợ oan, nên con dò hỏi kỹ lưỡng lắm. Để con nói má nghe. Từ ngày vợ con sanh thằng Tân rồi thì nó lấy cớ cần dùng thanh khí đặng bồi bổ sức khỏe, nên ban đầu nó về ở bên nhà thường hơn bên nây. Trót năm sáu tháng đây bà gia con bịnh, nó xin ở luôn bên nhà đặng săn sóc và mỗi tuần đưa lên Sài gòn đặng đốc tơ tiêm thuốc. Cách chừng mười bữa rày con có tiếp được thơ, của một người nào trên Sài gòn không biết, gởi cho con hay vợ con lên trển làm việc tồi bại và khuyên con nếu muốn giữ danh giá cho vẹn toàn, thì đừng cho vợ con đi Sài gòn nữa. Vài bữa sau, vợ con qua thăm. Con dặn đừng đi Sài gòn nữa. Nó nghe dặn như vậy thì nó tái mặt, làm cho con phát nghi đã đụng chạm đến chỗ bí mật của nó rồi. Nó bối rối, nhưng nói bà gia con một tháng mới đi tiêm thuốc một lần, chớ khỏi đi mỗi tuần nữa. Nó lại hứa tháng tới bà gia con đi thì nó cậy anh Ba nó đưa đi, nó ở nhà coi nhà. Té ra hôm qua con có được cái thơ thứ nhì cũng ở trên Sài gòn gởi nói bữa thứ hai vợ con có lên, nó đi một mình, ở tới sáng thứ ba mới về. Trong thơ người ta nói vì sợ phạm danh giá của con nên người ta để cho nó về. Nếu nó còn lên nữa, thì thì người ta sẽ xởn đầu tóc của nó, không vị tình con nữa.

-Họ gởi thơ nói như vậy mà biết có đi hay không. Nó đã hứa với con rồi, cỏ lẽ nào nó dám đi.

Bà Kinh tức quá, bà dằn không được nữa, nên bà nói:

-Có đi thiệt chị à. Hồi sớm mơi tôi qua bển tôi dọ, bà Chủ nói với tôi đây không chắc hay sao. Tôi hỏi thăm thuốc men. Bả nói dưới nầy không có bán. Hễ hết thuốc thì phải lên Sài gòn mà mua. Cẩm Nhung mới đi hôm thứ hai, nó mua đem về đó.

-Như vậy thì chắc rồi.

-Còn gì nữa mà sợ oan ức ?

-Mà mẹ thằng Tân lấy ai trên Sài gòn ?

-Thơ không có nói lấy ai, chỉ nói phá gia cang của một người có hai đứa con thơ.

-Chuyện kỳ cục quá. Thiệt tôi nghe như sét đánh bên tai vậy.

-Cái nầy mới khổ lung nữa chớ. Cẩm Nhung có chửa chị à. Hồi sớm mơi qua bển tôi ngồi một bên nó, tôi thấy rõ ràng. Nó có chửa hơn ba tháng.

-Bà thấy vậy hay sao ? Hôm qua nó thăm lần chót đây, tôi thấy bộ tịch nó tôi cũng nghi có thai. Nhưng tôi nghĩ mấy tháng nay nó có gần gũi với chồng nó đâu mà có nghén được, nghĩ như vậy rồi tôi bỏ qua.

-Thầy thông nói bốn năm tháng nay Cẩm Nhung về thăm giây lát rồi đi về bển chớ ngủ bên nây đêm nào đâu. Vậy thì nó lấy trai nên có chửa đó chớ gì. Mà coi thế nó mê lắm, bởi vậy nghe thầy thông cấm không cho đi Sài gòn nữa, vậy mà cũng lén đi cho được, chắc đi đặng thông tin cho tình nhơn hay chồng đã nghi rồi không còn được thong thả nữa.

-Cha chả, việc rối rắm quá, bây giờ phải tính làm sao đây ?

-Chị là mẹ chồng. Quyền quyết định về phần chị, bởi vậy tôi với ông Kinh lại cho chị hay coi chị liệu lẽ nào.

Bà Hương văn bối rối, ngó xuống ván thấy Vĩnh Tân đã ngủ rồi, nằm coi thơ thới, vô ưu vô lự. Bà quạt cho cháu ít quạt rồi nói: “Thiệt khó liệu quá. Nhờ ông bà làm mai, tôi được Cẩm Nhung cho Xuân, tôi mừng hết sức. Tôi nghèo mà làm sui với nhà giàu có sang trọng. Chị sui tử tế, con dâu dễ thương, được như vậy đã có phước lắm rồi, còn ước mơ sự gì nữa. Không đầy một năm, dâu tôi nó sanh cho tôi một đứa cháu nội, phước nhà tôi càng thêm lớn, lòng tôi càng quí trọng con dâu. Tôi được vui, tôi không nỡ làm cho dâu buồn, bởi vậy đối với nó tôi cư xử hết sức dễ dàng, tôi cho nó thong thả, muốn về bên nhà chừng nào cũng được, về rồi muốn qua chừng nào cũng được. Tôi có dè sự dễ dàng của tôi mà sanh tai hại như vậy đâu. Tôi nói thiệt, mất con dâu quí tôi tiếc lắm, ngặt người đàn bà có chồng mà sanh ngoại tình, thì chồng làm sao dám lân la gần gũi nữa, gần gũi rồi thiên hạ coi ra gì. Hồi trước ông với bà thương con tôi, nên xe tơ kết tóc giùm cho nó. Bây giờ rủi có chuyện như vầy, xin ông bà cũng làm ơn gở rối giùm, cho Xuân tôi khỏi xấu hổ, khỏi buồn rầu. Nghĩ việc đời tôi dửng dừng dưng. Chồng con sờ sờ đó mà đành bỏ hết đi lấy người khác được. Lòng dạ như vậy không biết sao mà nói. Con nhà giàu sang mà còn vậy, đến hạng nghèo hèn mới sao ? Phong hoá biến đổi đến thế nầy thì cang thường luân lý còn gì đâu mà kể ?”.

Bà Kinh nóng nảy, bà rán bình tĩnh ngồi nghe, nhưng lửa phẩn uất hừng hực trong lòng, bởi vậy bà Hương văn vừa dứt lời thì bà không để cho ông Kinh trả lời, bà hớt mà nói: “Thứ đàn bà hư, đã có chồng, có con mà còn lấy trai thì cạo đầu mà trấn nước nó cho rồi, cần gì mà phải liệu. Hồi cựu trào, thứ đàn bà đó bị xử nặng lắm. Người ta buộc hai chưn vào hai con voi rồi đánh voi đi đặng xé thây làm hai. Đời nay dễ quá, nên mới sanh tồi bại. Theo ý tôi, thì con Cẩm Nhung đã hư, không biết thủ trinh, thủ tiết với chồng, thì thầy thông nên đạp đít nó cho rồi, còn nghĩ tình nghĩa vợ chồng làm chi nữa. Nhưng không lấy thì phải khuấy cho hôi. Phải làm cho cả dòng họ nó mang xấu rồi sẽ bỏ. Phải trị thói gian dâm cho thẳng tay đặng nêu gương cho người khác sợ mà phải giữ tiết trinh, giữ đạo làm vợ. Cẩm nhung là con nhà giàu, ngày sau nó hưởng một phần gia tài của cha mẹ. Gia tài đó có mất đâu mà sợ. Nó có con, thì ngày sau Vĩnh Tân cũng được hưởng gia tài của mẹ như mấy đứa con khác. Có mất phần đâu”.

Ông Kinh nói: “Người phải mới quí, chớ gia tài quí gì mà kể. Để thủng thẳng mà tính. Bà nó không nên nóng quá rồi sau phải ăn năn. Cẩm Nhung nó thất tiết với chồng, thì thầy thông phải ly dị đã đành. Vợ lấy trai, nó đã hết thương mình, nên nó mới thương người khác được, thế thì còn tình nghĩa gì mà ăn ở với nó. Dầu mình nó cẩn ngọc hay phết vàng đi nữa, cũng không ai thèm. Ngặt theo luật của mình từ đời Hồng Đức sau luật Gia Long cũng để y như vậy, người đàn bà có chồng, nếu phạm một tội nào trong bảy tội có định trong luật, thì chồng mới được để bỏ. Đã vậy mà nếu người vợ đã có chịu tang cho cha mẹ bên chồng, hoặc không còn cha mẹ, anh em đặng trở về mà nương dựa thì luật không cho người chồng để bỏ. Bây giờ tuy Tòa Tây xử hình, xử hộ hết thảy, song sự vợ chồng ly dị, Tòa cũng cứ chiếu luật thất xuất của mình mà phân xử. Cẩm Nhung lấy trai, thì phạm một tội trong luật thất xuất, chồng cũng có thể kiện mà phá hôn thú được. Nhưng trong vụ để bỏ, Tòa thường chăm nom số phận của người vợ, nên kiếm đủ cách mà hòa giải. Bởi vậy để vợ khó lắm, chớ không phải đễ đâu. Bà nó tưởng muốn để vợ thì làm đơn nói vợ lấy trai rồi Tòa cho để liền hay sao. Đâu mà được. Phải trưng bằng cớ vợ lấy trai mới được chớ”.

Bà Kinh tức giận nói :

-Thầy thông trình hai bức thơ đó cho Tòa xem. Nài tôi làm chứng, đặng ra giữa Tòa tôi khai bà Chủ có nói với tôi bữa thứ hai đó cẩm Nhung có đi Sài gòn.

-Bằng cớ và chứng khai như vậy chưa đủ cho Tòa tin. Người ta ghét Cẩm Nhung, người ta rơi thơ mà cáo gian, hoặc chồng muốn để vợ, nên viết thơ mượn người lên Sài gòn mà gởi cũng được vậy. Cẩm Nhung đi Sài gòn mua thuốc cho mẹ uống thì có lỗi gì ? Lấy trai mình phải bắt được quả tang, lại phải có nhà chức trách làm chứng, hoặc mình bắt được thơ tình của vợ gởi cho trai hay là của trai gởi cho vợ, mới thành bằng cớ được chớ.

-Nói như ông vậy, thì thầy thông phải khoanh tay để cho Cẩm Nhung lấy trai hoài hay sao ? Đây rồi nó sanh con, thẩy phải bồng mà nuôi nữa sao ? Để vậy mà xấu hổ quá chịu sao được. Lại nó có chửa nữa, phải làm sao cho thầy thông khỏi mang đứa con tội lỗi đó chớ.

Bà Hương văn nói: “Tôi nghĩ lại tôi tiếc con Cẩm Nhung quá. Thiệt ba năm nay, đối với tôi, nó không có làm điều chi cho tôi cảm tình hay cảm nghĩa như con Cúc Hương hồi trước. Về tình nghĩa thì nó không bằng Cúc Hương thiệt, nhưng nó không thất lễ với tôi, không dám tỏ ý khinh khi tôi chút nào. Mà nó lại sanh cho tôi được một đứa cháu nội, bao nhiêu đó đủ cho tôi cám ơn và yêu mến. Nếu nó khờ khạo, rủi quấy với chồng nó chút đỉnh, nó biết ăn năn qua xin lỗi với tôi và chồng nó, thì tôi có lẽ động lòng mà hỉ xả cho nó, bắt nó về ở bên nây vậy thôi, đặng chồng vợ hiệp hòa, mẹ con thân ái cho xong.

Bà Kinh cãi:

-Hỉ xả sao được chị ? Nó lấy trai đã có chửa rồi, chị bắt thầy thông phải rước về mà nuôi hay sạo ?

-Tôi dòm thằng Tân, tôi bất nhẫn quá bà à ! Nó có tội lỗi gì mà mới bây lớn mình bắt nó phải lìa xa mẹ, phải dứt tình mẫu tử ! Ngặt Cẩm Nhung đã mang bụng chửa, mình dung cho nó sao được.

-Tại vậy mới khó liệu.

Bà Hương văn lấy vạt áo lau nước mắt rồi quạt muỗi cho Vĩnh Tân.

Ông Kinh nói: “Cái hư cửa Cẩm Nhung đã đến cực điểm rồi, không thể nào rộng dung cho được. Dầu chị Hương có thương nó cho mấy đi nữa, thầy thông cũng phải phân rẽ. Nếu để nó lân la tới nhà nữa, thì thiên hạ chê cười. Họ sẽ nói thầy thông mê vợ giàu, đến vợ bỏ đi lấy trai mà thầy cũng còn đeo theo, không chịu đoạn tuyệt. Ấy vậy thế nào thầy thông cũng phải kiếm cớ mà để vợ cho toàn danh tiếng. Nhưng theo ý tôi không nên làm lở vỡ cho thiên hạ hay làm chi. Mình nên liệu thế nào rời nhau một cách êm thấm thì tốt hơn. Quậy tùm lum đặng cho người ta mang xấu có ích gì cho mình ? Mình lấy bùn mà bôi lên đầu, lên mặt người ta, mình cũng phải lấm tay chút đỉnh chớ khỏi áo được. Thầy thông nghĩ coi tôi nói như vậy có phải hay không ? Ý bà nói vậy nên muốn làm rùm beng cho cả dòng họ nó mang nhục. Làm chi vây ? Bà Chủ có con, dầu bả cưng con, có lẽ nào bả xúi dục cho con hư hay sao mà oán bả ? Bà con dòng họ cũng vậy, mấy năm nay ai cũng quí trọng thầy thông, tôi tưởng có ai muốn cho vợ thẩy hư làm chi, mà mình tính làm cho họ mang tiếng xấu. Ý thầy nghĩ sao đâu thầy nói nghe thử coi thầy thông ?”

Vĩnh Xuân nghiêm nghị, ôn hòa, thủng thẳng nói: “Tôi hiệp ý với ông Kinh lắm. Nãy giờ tôi ngồi nghe ông bà với má tôi bàn tính, tôi suy nghĩ kỹ rồi. Vợ tôi phạm tội lớn quá, tôi không thể nào còn mang cái danh chồng chánh thức của người đàn bà như vậy nữa được. Dầu má tôi có mang ơn Cẩm Nhung hay là có thương phận Vĩnh Tân cho mấy đi nữa, cũng không thể hỉ xả cái tội lớn của vợ tôi đó được. Còn ý bà Kinh muốn quậy cho xấu tất cả thân tộc của vợ tôi, cái đó tôi nghĩ không nên, bởi vì ở đời ai cũng muốn tốt, chớ ai muốn xấu làm chi. Vợ tôi sa ngã, tôi muốn cho đó là sự rủi ro, đó là tai họa xảy ra trong gia đình, cũng như tôi không tránh khỏi, mà bà già tôi, cũng như mấy anh mấy chị, không ai mổn hết. Bởi nghĩ như vậy nên tôi không giận vợ tôi mà tôi cũng không nỡ phiền ai hết”.

Vĩnh Xuân nói tới đó rồi ngừng lại, mắt ngó ngọn đèn, bộ tư lự dường như tìm nhớ việc dĩ vãng xa xuôi.

Vợ chồng ông Kinh với bà Hương văn đều chong mắt ngó thầy, có ý đợi coi thầy xử trí thể nào mà lại nói không giận, không phiền ai hết.

Vĩnh Xuân nín một chút rồi ngồi xõng lưng lên nói một cách mạnh mẽ: “Vợ tôi sanh trắc nết, nó thất tiết với chồng, là có lỗi nặng. Việc ấy đã đành như vậy. Nhưng nếu xử cho công bình, thì tôi phải nhận định lỗi ấy tại tôi gây ra, tại tôi xô đẩy cho vợ tôi té xuống hầm xuống hố. Trước khi chịu cưới vợ, tôi đã biểt lòng tôi đã khô, tình tôi đã cạn. Thế mà muốn cho mẹ vui, tôi cưới vợ về, tôi không lo nhen nhúm lại bếp lửa tình, tôi không biết dan díu, tôi không thèm ngó ngàng đến con vợ mới lớn lên, nó đương khao khát thương yêu; nó mong đợi ở tôi không được, tự nhiên nó phải đi tìm nơi khác. Nếu tôi ăn ở như muôn ngàn người chồng khác, cứ khắn khít với vợ, chăm nom, khêu gợi tình yên của vợ, thành tâm xây dựng hạnh phúc gia đình đặng vợ chồng chung hưởng với nhau, thì con vợ tôi nó sẽ là một người vợ hiền như ai, có lẽ nào nó đành phụ rãy người chồng thành thật thân yêu mà ôm cầm sang thuyền khác. Ấy vậy vợ tôi hư, tôí có lỗi trong đó ít lắm là phân nửa. Tôi không được phép giận hờn phiền trách con vợ tôi”.

Bà Kỉnh nghe Vĩnh Xuân nói xuôi xị, bà không thể nín được, nên bà chận mà hỏi:

-Thầy thông nói như vậy thì bây giờ bỏ qua chuyện nầy hay sao ?

-Không thế bỏ qua được. Tuy tôi nói vợ tôí hư, tôi có lỗi trong đó, song lỗi của vợ tôi cũng lớn quá, không thể dung được. Bề nào vợ chồng tôí cũng phải rã rời, còn mặt mũi nào mà thấy nhau nữa. Nhưng ý tôi muốn rã rời một chách êm thấm, chẳng cần hờn giận nhau, chẳng nên nói xấu cho nhau.

-Phải thưa kiện mới để bỏ được. Hễ thưa kiện thì phải kể tội lấy trai, chớ giấu sao được. Mà kể tội tức phải nói xấu, rồi tự nhiên phải giận hờn làm sao tính êm cho được.

-Tôi không muốn xướng ra mà kiện xin để. Tôi kiện, tôi phải hài tội của vợ tôi, tự nhiên nó phải mang tiếng xấu. Bỏ vợ, mình không nên nói xấu cho nó, phải để cho nó có thể lấy chồng khác. Tôi muốn vợ tôi nó vô đơn xin để tốt hơn tôi.

-Lấy cớ gì mà kiện thầy được ?

-Có vợ chồng khác tánh ý nên không thuận hòa làm cho gia đạo xào xáo. Vì vậy nên vợ chồng thỏa thuận phân rẽ đường ai nấy đi. Tòa đòi tôi mà hỏi, tôi cũng ưng thuận rẽ phân. Tuy tòa kiếm thế giải hòa nên phải dây dưa vài tháng, nhưng rốt cuộc tòa cũng cho để được.

-Như đàng gái họ không chịu xướng ra mà kiện thì làm sao ?

-Phải nói với họ, nếu họ không chịu kiện thì tôi phải kiện, nếu tôi kiện tự nhiên tôi phải hài tội lấy trai, mà tôi còn phải ngăn cấm chừng sanh đứa con đương mang trong bụng không được để tên tôi là cha. Tôi kiện thì tôi phải nói tùm lum, xấu hổ lắm. Họ muốn che đậy cái nhục, tự nhiên họ phải nghe lời mà kiện, đâu dám để cho tôi kiện …

-Bây giờ ai đi nói với Cẩm Nhung đây ?

-Tôi cậy bà chớ biết cậy ai.

Ông Kinh nói: “Thầy thông tính như vậy thì hạp với đạo quân tử. Thầy thông không lẽ mang mặt qua Chợ Cũ mà nói chuyện nầy được. Tôi cũng không thể đi thế cho thẩy. Chớ chi ông Chủ Thiệu còn sống thì tôi mới qua bàn tính với ổng được. Có một mình bà nó đi thì phải hơn hết. Hồi trước bà nó làm mai. Bây giờ cơm không lành, canh không ngon, thì bà nó phải hòa giải”.

Bà Kinh đáp:

-Ông nó muốn tôi đi thì tôi đi. Tôi có nệ gì đâu. Nhưng qua nói làm sao, phải dạy cho tôi biết đặng tôi nói cho trúng ý.

-Bà nó qua nói chuyện riêng với bà Chủ, đừng cho Cẩm Nhung hay là ai trong nhà nghe. Bà nó phải đem hờ hai cái thơ theo đặng nếu bà Chủ không tin, thì đọc cho bả nghc.

-Tôi có biết chữ quốc ngữ đâu mà đọc.

-À còn chuyện trắc trở đó nữa. Bà không biết đọc thì lấy ra lăm le cho bà Chủ thấy rồi thuật sơ mỗi bức thơ cho bà ấy nghe. Như bả muốn biết rõ thì bả kêu con bả đọc, mà thế nào cũng đừng cho bả lấy hai thơ đó, phải đem về trả lại cho thầy thông đặng chừng kiện ra tòa nếu có cần dùng thì thầy trình ra cho Tòa xem. Còn việc của Cẩm Nhung, bà biết cháo chang. Bà cứ thuật có đầu có đuôi cho bà Chủ nghc. Sau rốt bà nói ý thầy thông đã nhứt định phân rẽ, vì vợ thầy đã lấy trai có chửa, thầy không thể dung tha được. Song thầy không muốn làm tùm lum cho vợ thầy mang xấu, nên thầy khuyên vợ thầy vô đơn xin phá hôn thú. Bà nói y theo ý thầy thông nói hồi nãy đó.

-Nếu bà Chủ binh con, bà cái lẫy nói con bả chính chuyên, không có lấy ai hết, nó ăn ở với thầy nên có thai nghén đó, chớ không phải lấy trai, thì tôi phải làm sao thầy thông ?

Vĩnh Xuân châu mày đáp.

-Nếu có lỗi mà còn cượng lý, không chịu nhận lỗi, thì bà nói cho bà gia tôi biết, tôi sẽ vô đơn kiện liền. Mà tôi kiện thì tôi phải nói ngay vợ tôi lấy trai và tôi xin Tòa chứng nhận cái thai trong bụng không phải là con của tôi. Tôi khai tùm lum xấu hổ thì chịu lấy.

-Được tôi hiểu rồi. Như bà Chủ chịu cho Cẩm Nhung kiện xin phá hôn thú, thì thầy có buộc điều chi nữa không ?

-Tôi buộc hai điều nầy: thứ nhứt không được xin bắt con, phải để Vĩnh Tân cho má tôi nuôi, thứ nhì không bắt tôi phải chịu tiền cơm cho vợ tôi mỗi tháng trong lúc Tòa chưa lên án cho ly dị, bởi vì tôi nuôi cơm đặng ăn no rồi đi lấy trai thì kỳ quá.

-Giàu có mà đòi tiền cơm nỗi gì. Thầy giao hai phong thơ cho tôi đặng lát nửa tôi mượn ông Kinh đọc lại cho tôi nhớ rồi sáng mai tôi đi.

Vĩnh Xuân lại bàn viết mở tủ lấy hai phong thơ trao cho bà Kinh.

Bà Hương văn nói: “Miễn tôi được Vĩnh Tân ở với tôi thì thôi. Mất con dâu tuy buồn, song dâu hư không đáng tiếc. Có vầy mới thấy rõ dâu như con Cúc Hương hồi trước thiệt là khó kiếm. Xuân tôi không chịu kiếm vợ khác nghĩ cũng phải lắm. Nếu Cúc Hương còn sống, thì nó đâu có làm cực lòng như vậy.

Ông Kinh đứng dậy nói: “Thôi, để lôi về tôi chỉ cách cho bà nó biết, đặng sáng mai qua nói chuyện với bà Chủ cho hẳn hòi”.

Vợ chồng ông Kinh dắt nhau đi về.

Bà Hương văn bồng Vĩnh Tân đem vô mùng cho nó ngủ.

Vĩnh Xuân bưng đèn lại bàn viết, ngồi ngó di bút của Cúc Hương, ngó cả giờ rồi mới đóng cửa đi nghỉ.

Một luồn không khí buồn bực bao trùm từ dãy phố chỗ Vĩnh Xuân qua đến sở vườn của bà Chủ Thiệu.

Buổi sớm mơi đó, bà Kinh Lương ngồi xe kéo sang thăm bà chủ Thiệu với sứ nạng truyền một tin tức hư cửa, hại nhà. Bà biết lần đi thăm nầy bà sẽ xốc giận, gây buồn, chớ không phảí đem chuyện vui vẻ mà nói với bà bạn già như lấy lần trước. Tuy biết như vậy song bà đương giận Cẩm Nhung tràn trề trong lòng, nên bà hâm hở quyết trút phứt cái bầu phiền não đó cho rồi đặng xem coi cuộc tóc tơ của bà gây ra nó sụp đổ thế nào, nhứt là coi bà Chủ Thiệu sẽ che đậy thói hư thúi của con, hay là bà cũng biết ăn năn hối hận.

Xe dừng trước thềm, bà Kinh thấy ngoài sân im lìm, trong nhà vắng vẻ. Bà không dụ dự, mạnh bước lên thềm mà vô cửa.

Bà Chủ đương nằm một mình tại bộ ván lớn phía trong. Bà lồm cồm ngồi dậy, thấy bà Kinh thì bà nói: “Mời bà đi thẳng vô đây”. Bộ bà không mừng rỡ như trước, mà coi mòi ngạc nhiên và ái ngại.

Bà Kinh vô tới không đợi chủ nhà mời, bà cứ ngồi và hỏi: “Bữa nay bà mạnh ?”. Bà nói không được mạnh. Bà kéo giỏ bình rót một chén trà mời khách.

Bà Kinh ngó quanh quất, không thấy Cẩm Nhung, mà cũng không có ai hết. Bà hỏi:

-Cô thông đi Sài Gòn hay sao mà để bà nằm có một mình đây ?

-Không. Nó đi ra sau vườn.

-Thấy vắng tưởng cổ đi Sài gòn.

-Có việc chi đâu mà đi.

Bà Kinh muốn mở đầu nói chuyện, nhưng thấy bà Chủ buồn, nên bà không nỡ nói gắp có ý đợi coi bà Chủ có hỏi thăm tới rể hay cháu ngoại rồi bà sẽ chụp lấy đó mà truyền tin chẳng lành. Bà chờ lâu quá mà không thấy bà Chủ hỏi tới rể con, bà mới khởi đầu mà nói: „Bữa nay tôi qua đây trước thăm bà, sau nói chuyện nhà của thầy thông cho bà nghe“. Bà liếc mắt thấy bà Chủ biến sắc và ngó bà trân trân, không nói chi hết, dường như chờ nghe coi khách sẽ nói chuyện gì.

Bà Kinh khi ra đi thì hâm hở cương quyết, mà đến việc thì bà bất nhẫn, nên dụ dự, vói lấy lá trầu têm rồi nói: „Thầy thông cậy tôi qua đây thưa thiệt cho bà hay, vợ thẩy đi Sài Gòn mấy tháng nay làm việc tồi tệ thấu tới tai thẩy. Thẩy buồn quá, thẩy muốn qua bàn tính với bà, nhưng nói ra càng thêm đau lòng, thẩy không nỡ nói, bởi vậy thẩy cậy tôi thay mặt nói dùm“.

Bà Kinh ngừng, có ý dọ coi bà Chủ có biết việc con hư hay không. Bà Chủ hỏi: “Thầy thông nghe vợ thẩy làm việc chi tồi tệ mà thẩy cậy bà qua nói chuyện ?“

Cửa đã mở rồi, bà Kinh phải đi sấn vào, không còn dụ dự nữa được. Bà mới xích gần lại bà Chủ rồi to nhỏ kể chuyện của Vĩnh Xuân và Cẩm Nhung cho bà Chủ nghe. Bà nói bà Hương văn thương dâu, còn Vĩnh Xuân tin vợ, nên mấy năm nay mẹ con để cho Cẩm Nhung thong thả về ở với bà Chủ, trước bà vui lòng, sau cô sung sướng tấm thân. Mấy tháng nay vì bà Chủ bịnh nên để cho Cẩm Nhung theo săn sóc bà đặng đưa bà đi Đốc tơ và đêm ngày chăm nom thuốc men cho bà. Cách mười mấy bữa trước, Vĩnh Xuân có được thơ từ Sài gòn gởi xuống cho hay Cẩm Nhung lên trển làm điều tồi bại và khuyên đừng cho cô đi Sài Gòn nữa mà thầy phải mang tiếng xấu luôn với cô. Bữa sau cô qua thăm. Vĩnh Xuân không rầy la, hờn giận, chỉ êm thắm khuyên vợ chẳng nên đi Sài gòn nữa. Cô hứa chắc cô sẽ vâng lời. Thế mà tuần sau, Vĩnh Xuân được thơ nữa nói Cẩm Nhung còn lên trển nữa, lên sáng thứ hai tới thứ ba mới về. Người ta nói vì sợ động tới danh giá của Xuân; nên không nỡ xởn đầu Nhung, để cho cô về. Nhưng nếu còn mang bụng chửa léo lên một lần nữa, thì người ta không dung. Thơ lại nói tình nhơn của Nhung có vợ lại có tới hai con. Thế mà Nhung mê, ăn nằm đã có thai hơn ba tháng, Vĩnh Xuân nhớ đã gần năm tháng rồi vợ chồng không gần gủi nhau. Vậy thai ấy không phải là con của Xuân, nên thầy cậy bà Kinh qua cho bà Chủ hay và xin bà liệu định dùm cho gấp, đặng thầy khỏi bị thiên hạ cười chê xấu hổ.

Bà Kinh móc túi lấy hai phong thơ ra mà cho bà chủ coi. Bà Chủ ngồi khóc rấm rứt, không cần coi thơ, nên bà Kinh bỏ vô túi lại.

Bà Kinh thấy bà Chủ cứ khóc, không nói chi hết, bà phải nói: „Hồi hôm thầy thông mời vợ chồng tôi lại mà nói việc nhà, rồi cậy vợ chồng tôi tính dùm. Thầy nói đàn bà đã bỏ chồng lấy trai đến có chửa thì còn gì mà mong chồng tha thứ. Sự phân rẽ đã đành rồi. Nhưng thầy kính mến bà, thầy nghĩ tình mấy anh; mấy chị, lại tuy vợ có lỗi với thầy, song có sanh cho thầy một đứa con trai, bởi vậy thầy không nỡ quậy cái quấy của vợ ra tùm lum cho cả bà con anh chị bên vợ phải bị họ cười chê xấu hổ. Vợ chồng tôi có biết tính làm sao đâu. Vả lại hồi trước tôi làm mai cho vợ chồng kết tóc se tơ. Bây giờ dầu phải rã rời, tôi cũng lãnh qua bàn tính với bà. Thầy thông nói như vậy cũng dễ. Thẩy nói nếu thẩy vô đơn kiện xin phá hôn thú thì thẩy phải hài tội của vợ, làm như vậy bên vợ phải mang tiếng tội nghiệp. Thẩy muốn vợ thẩy vô đơn kiện thẩy mà xin để. Tòa đòi hầu thẩy chịu để liền thì xong chuyện. Vậy bà tính dùm cho êm thì tốt hơn. Thầy buộc có một điều là để Vĩnh Tân cho thẩy nuôi. Thẩy không làm khó gì hết“.

Bà Chủ Thiệu cũng vẫn khóc hoài. Nhưng bây giờ bà đã biết được ý tứ của Vĩnh Xuân, vợ hư thì bỏ vợ, chớ không phiền mẹ vợ, cũng không giận lây anh chị bên vợ, thì bà nhẹ bớt nỗi lòng, nên bà chậm rãi nói: „Tôi được rể biết điều, tôi tưởng tôi có phước lắm rồi. Tôi có dè con Cẩm Nhung ngu dại quá, nó sanh tâm tác tệ như vầy đâu. Tôi xin bà nói dùm lại với thầy thông, sanh con ai cũng muốn nó nên, chớ ai dại gì mà xúi nó hư. Thầy thông biết nghĩ, nên không giận tôi với mấy anh của Cẩm Nhung, thiệt tôi cảm đức, cảm tình lung lắm. Tôi thưa thiệt với bà, Cẩm Nhung là con út, nên tôi cưng hơn mấy đứa lớn. Gả nó lấy chồng, tôi muốn vợ chồng về ở với tôi cho sung sướng. Thầy thông không chịu tôi có ý buồn. Chừng nó sanh được một đứa con, chị sui tôi vui mừng, mà thầy thông cũng rộng rãi, để cho nó thong thả muốn về bên nây chừng nào cũng được. Về ở chơi mấy bữa cũng được. Nó thấy dễ nên ở bên nây thường hơn ở bển. Vì cưng con nên tôi mù quáng không thấy cái hại của đạo vợ chồng, tôi chứa nó trong nhà, không nỡ đuổi nó theo chồng, cho trọn nghĩa. Mấy tháng trước tôi bịnh nhiều phải đi Sài gòn mỗi tuần đặng tiêm thuốc. Thấy Cầm Nhung rảnh rang tôi mới xin để nó ở luôn bên nây đưa tôi lên xuống trên Sài gòn và đêm ngày chăm nom cho tôi uống thuốc. Nó đi với tôi lên Sài gòn ở nhà chị Hai nó. Thiệt nó ham coi cải lương, hát bội, hát bóng thứ nào cũng ưa hết. Lên trển ban đêm nó hay rủ con chị nó đi coi hát. Có khi con chị nó mắc, thì nó kêu xe đi một mình. Tôi tưởng nó ham vui nên không để ý“.

Bà Chủ nói tới đó, bà lấy khăn lau nước mắt, lộ sắc giận rõ ràng. Bà Kinh muốn để nghe coi bà Chủ xử trí cách nào, nên bà ngồi chờ không nói chi hết.

Bà Chủ têm trầu mà ăn rồi mới nói tiếp: „Con cháu đời nay bụng dạ nó kỳ lắm, chớ không như chị em mình hồi nhỏ. Nó ham vui chơi, ham loè loẹt, không kể đạo đức, nghĩa nhân gì hết. Tôi banh da xẻ thịt mà đẻ con Cẩm Nhung, tôi chắc tánh ý nó giống tôi nên tôi không lo ngại chi hết. Mà nghĩ nó đã có chồng, có con, chồng nó là người xứng đáng, ai cũng ngợi khen, kính phục, chớ phải người bậy bạ hay sao, bởi vậy tôi không có nghi nó sanh ngoại tình được. Hôm qua bà qua thăm, bà ngồi nói chuyện với nó một hồi, chừng bà về tôi với nó đưa bà ra cửa. Tôi dòm thấy cái bụng nó lùm lùm. Tôi trở vô và kêu nó lại gần mà hỏi nó có chửa hay sao. Nó đã bặt đường kinh nguyệt hai kỳ rồi. Tôi nhớ lại thì ngày tôi có bịnh nó ở luôn bên nây, gần năm tháng nay không có ngủ bên chồng nó đêm nào, mà sao nó lại có chửa. Tôi sợ quên, tôi kêu thằng anh Ba nó mà hỏi lại, thì thằng Khai cũng nói năm tháng nay con Nhung ngủ luôn bên nây. Tôi cạnh hỏi con Nhung không gần với chồng mà sao lại có chửa được. Nó cứ lặng thinh không chịu nói. Thằng Khai giận nên đánh nó một bạt tai, hỏi vậy chớ nó lấy ai. Con Nhung khóc, nhưng cũng không chịu nói thiệt. Tôi rũ riệt tay chưn, kêu van trời đất. Thằng Khai mắng nhiếc nó là đồ hư, có chồng con mà còn lấy trai, làm nhục nhã tông môn, nổi nóng giựt cây gài cửa muốn đập chết nó cho rồi. Tôi Can gián, tôi nói tai họa tới thì phải rán bình tĩnh mà lo, không nên nóng nảy mà gây thêm tai họa khác nữa. Thằng Khai giận bỏ nhà mà đi. Tôi dỗ con Nhung mà hỏi nó lấy ai. Nó chịu có lấy trai, nhưng không chịu chỉ tình nhơn của nó. Nó khóc mà nói nó lỡ dại làm xấu cho tông môn, vậy để nó tự vận mà chết đặng đền tội nó thất tiết với chồng và làm nhục cha mẹ“.

Bà Kinh biết được ý tứ của bà Chủ, con hư bà không chữa lỗi cho con, mà còn tỏ thiệt sự cho bà nghe. Bà mới hỏi:

-Nếu vạy cô Cẩm Nhung sa ngả, nên rồi bây giờ cô biết ăn năn hay sao ?

-Nó ăn năn, nên cứ đòi chết hoài. Bà nghĩ coi, làm mẹ nếu con có lỗi thì rầy la mắng nhiếc chớ nỡ lòng nào xúi nó chết cho đành. Tôi phải dịu bớt đặng cứu sanh mạng cho nó.

-Vậy chớ sao. Dầu cô tự vận, bất quá tỏ ý ăn năn, chớ có gỡ tiếng xấu đâu, bởi vậy để cho cô chết không ích gì.

-Thằng anh ba nó còn giận quá. Hồi hôm nó về ngủ, đến khuya nó thức dậy sớm mà đi nữa. Đêm nay tôi thức sáng đêm. Có ngủ nghê gì đâu. Rầu quá ngủ gì được. Hồi sáng tôi không thấy thằng Khai, tôi hỏi nó đi đâu, thì vợ nó nói thằng Khai đi Sài gòn đặng hỏi chị Hai nó coi có biết con Nhung lấy ai không.

-Tôi tưởng việc đã lỡ rồi dầu biết cổ trai gái với ai cũng không ích gì. Lo thâu xếp viêc chồng con của cô đây cho êm thì tốt hơn.

-Tôi cũng nghĩ như vậy. Đêm nay tôi lo việc đó quá. Không biết thầy thông thẩy hay rồi tôi nói làm sao với thẩy. Hồi nảy thấy bà qua, tôi có ý mừng, tính nói thiệt chuyện nhà cho bà nghe rồi cậy bà làm ơn năn nỉ dùm với thầy thông. Chuyện đã tùm lum tôi đâu dám xin thầy hỉ xả, tôi chỉ mong thầy thương tôi với anh chị nó mà tính êm cho đỡ xấu hổ mẹ con tôi vậy thôi. Thẩy muốn sao tôi cũng chịu vậy hết. Tôi nói thiệt, nếu thẩy đòi thường thể diện mấy ngàn đồng tôi cũng sẵn lòng chịu.

-Không có đâu bà, thầy thông trọng nhân nghĩa, khẩy có thèm tiền bạc đâu. Thẩy buộc có một điều là để Vĩnh Tân cho thẩy nuôi, dầu có để bỏ, cô Cẩm Nhung đừng nài xin bắt con.

-Thứ mẹ hư mà nài nỉ bắt con nỗi gì. Mà nếu thẩy không muốn tiền bạc, thôi thẩy coi có cái nhà nào họ bán thì tôi mua cho cháu Tân đứng bộ đặng cha con ở với nhau.

-Còn chuyện để bỏ, thẩy muốn tránh tiếng xấu cho bà nên thẩy biểu Cẩm Nhung vô đơn kiện phá hôn thú. Chuyện đó bà nghĩ sao xin cho tôi biết đặng cho tôi trả lời với thẩy. Thẩy nói nếu để thẩy kiện thì thẩy phải lấy cớ vợ có ngoại tình nên thẩy xin để. Làm như vậy thì thiên hạ hay hết.

-Bà nói dùm với thẩy, con tôi lỗi với thẩy, bởi vậy thẩy muốn cách nào tôi cũng chịu hết. Hổ thẹn quá nên tôi không thể qua nói chuyện phải quấy với thẩy được. Để thằng Ba tôi đi Sài gòn về, tôi sẽ biểu nó qua bàn tính với thẩy. Thẩy muốn làm sao thì thẩy chỉ cho nó làm.

Bà Kinh nghĩ câu chuyện nói đã đủ rồi, tưởng gặp phải khó khăn, té ra bà Chủ biết lỗi nên bà xuôi thuận hết. Bà Kinh đội khăn từ mà về.

Bà Chủ đưa khách ra cửa, tay bà vịn vai bà Kinh vừa khóc, vừa nói: “Bà về làm ơn nói lại với thầy thông rằng vợ đã hư thúi mà thẩy còn thương tình tôi với mấy đứa con tôi, thẩy không nỡ quậy cho xấu hổ, thiệt mẹ con tôi cảm ớn đức của thẩy lung lắm; thẩy bỏ con vợ hư thẩy không tiếc, chớ tôi mất chàng rể quí thiệt tôi buồn vô cùng, vậy dầu thế nào tôi cũng xin thẩy đừng quên câu sanh con há đễ sanh lòng. Còn về phần tôi thì bao giờ tôi cũng quí trọng thẩy. Mấy anh nó cũng vậy”.

Bà Kinh về, đến trưa bà thuật rõ tình cảnh ưu sầu, bực tức bên nhà bà Chủ cho mẹ con Vĩnh Xuân với ông Kinh nghe. Bà nói bà Chủ vô ý không đè con làm xấu như vậy. Hôm qua tình cờ bả thấy Nhung có bụng, bả cạch hỏi, thì Nhung khóc mà chịu có ngoại tình, nhưng không chịu chỉ tình nhơn. Bà Chủ mắng nhiếc, Ba Khai giận muốn đập chết, Nhung ăn năn đòi tự vận. Bà Chủ khóc quá, bà chịu lỗi với rể, chớ không binh con. Bà mến tiếc Vĩnh Xuân, cám ơn Xuân còn nghĩ tình nghĩa, không nỡ làm xấu cho nhà bà, Xuân buộc cách nào bà cũng chịu hết, muốn mấy ngàn bà thường danh giá bà cũng cho, hay muốn có nhà mà ở với Vĩnh Tân bà cũng mua để cho Tân đứng bộ. Còn việc để bỏ thì bà hổ thẹn với rể và chị sui nên bà không đám chường mặt qua mà nói chuyện, để Ba Khai đi Saigon về bà sẽ sai Khai qua xin lỗi, rồi Xuân muốn làm sao thì dạy cho Khai làm, miễn phân ly mà không oán hận.

Ai nghe nói thái độ của bà Chủ như vậy, thì cũng xúc động, nên không nỡ phiền trách gì nữa, đến bà Kinh hồi hôm bà nóng nảy quá, mà thấy tình cảnh nhà bà Chủ, nghe bà Chủ khóc và năn nỉ thì bây giờ bà cũng dịu rồi, không còn muốn gây gổ nữa.

Tối bữa sau, ăn cơm rồi, mới đỏ đèn một lát thì Vĩnh Xuân thấy xe ngựa ngừng trước nhà. Ba Khai bận đồ dài xuống xe đi vô. Vĩnh Xuân tiếp chào, mời ngồi. Thầy bình tĩnh, giữ đủ lễ, không mừng rỡ, mà cũng không lộ vẻ tự kiêu. Thầy kêu con sen biểu cho một bình trà rồi hỏi Ba Khai:

-Má bữa nay khỏe hôn anh Ba ?

-Hai đêm nay ngủ không được, nên không được khỏe.

Bà Hương văn dắt Vĩnh Tân ở trong đi ra. Bà chào Ba Khai, hỏi thăm sức khỏe của chị sui nữa, rồi biểu Vĩnh Tân lại xá cậu Ba.

Thấy bình trà đem lên, Vĩnh Xuân rót một tách mà mời anh Vợ. Bà Hương văn nuốn để cho hài ngtrời nói chuyện thong thả, nên bà dắt Vĩnh Tân ra trước rồi đi luôn lại nhà bà Kinh.

Ba Khai ké né, muốn khởi câu chuyện, nhưng bợ ngợ nên ngồi dụ dự một hồi lâu rồi mời nói: “Con Cẩm Nhung không nên nết, nó làm lỗi đạo cang thường, hai bữa rày má buồn rầu, xấu hổ, ăn ngủ không được, nên má muốn đau. Tôi với thằng Tư tức giận quá, muốn đập chết nó mà thả trôi sông cho khuất con mắt. Tai họa đến thình lình, cả nhà đương sầu thảm, bực tức, bà Kinh qua nói chuyện với má. Má hiểu được tánh ý của dượng, vợ hư mà dượng lo che đậy giùm cái xấu của vợ, dượng cũng không phiền trách má với anh em tôi. Má cảm nghĩa nên hai bữa rày má khóc hoài, càng mến đức dượng thì càng oán ghét con Cẩm Nhung. Má đi không được nên má biểu tôi thay mặt cho má qua trước cám ơn dượng, dầu phải xa vợ song dượng không quên tình mẹ con, anh em, sau xin dượng biết giùm bụng má và anh em tôi không bao giờ chịu cái thói bội nghĩa bạc tình của con Cẩm Nhung đó”.

Vĩnh Xuân nói: “Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi. Vợ tôi nó ở với tôi không trọn đạo, vì tội của nó nặng quá, tôi không thể tha thứ được, nên tôi phải tính phân tay rẽ tóc, ai đi đường nấy cho khỏi xào xáo trong gia đình. Nhưng tôi nghĩ vợ chồng ăn ở với nhau dầu không có tình cũng có nghĩa. Huống chi nó sanh cho tôi một đứa con trai, đó là một cái ơn hiển nhiên trước mắt. Thương con phải nhớ tới mẹ: Vợ tôi còn trẻ tuổi, dầu phân rẽ tôi cũng phải giúp phương tiện cho nó lập gia đình khác mà hưởng hạnh phúc trên đời, bởi vậy xa nhau tôi không nỡ bôi lọ trên mặt nó. Tôi muốn cho cuộc rời rã nầy do nơi mạng số. Vợ tôi gieo nhơn nào thì nó hái quả nấy. Việc ai làm nấy chịu, má với mấy anh có can cớ chi đâu mà tôi phiền. Xin anh Ba về thưa với má, dầu tôi phải xa vợ, mà đứa con tôi còn đó, nó chấm dấu khoảng đời vui vẻ của tôi. Ra vô tôi thấy nó, làm sao tôi quên má với mấy anh chị cho được, bao giờ tôi cũng kính cha mẹ luôn luôn”.

Ba Khai cảm động nên ứa nước mắt mà đáp:

-Đến nước nầy mà dượng còn giữ nhân nghĩa hoài, tôi nghĩ lại thiệt tôi giận con Cẩm Nhung hết sức. Tôi không muốn kể tội khốn nạn của nó cho dượng nghe…

-Thôi, anh Ba. Việc không tốt kể ra làm chi. Tôi coi như chuyện chiêm bao. Tôi muốn quên hết cho an trí.

-Dượng thiệt đáng mặt quân tử. Tôi xin tỏ thiệt với dượng, không còn cha thì tôi là con trai lớn trong nhà, tôi có quyền nghiêm trị các em. Tôi hứa chắc với dượng, Cẩm Nhung gây tội, nó phải đền tội.

-Anh Ba giận làm chi, nên xem đó là tai họa bất ngờ nên tránh khỏi vậy thôi. Lo giải hòa tốt hơn là hờn giận.

-Không được dượng à. Làm tội thì phải đền tội chớ. Hổm nay nó biết xấu hổ nên nó đòi tự vận cho rồi. Được đậu. Làm tội rồi chết, đó là trốn tránh, chớ đâu phải đền tội. Phải sống mà đền cho hết tội mới được. Mà việc đó là việc của tôi. Dượng để cho má với tôi xử trí. Bây giờ tôi xin nói việc của dượng. Má muốn qua cho giáp mặt đặng tỏ nỗi lòng của má cho bác với dượng nghe. Ngặt con Cẩm Nhung làm cho má buồn rầu lại thêm hổ thẹn quá, nên má đi không được. Má biểu tôi qua nói với dượng rằng Cẩm Nhung làm việc tồi tệ như vậy, dượng tính cuộc phân ly là phải. Vợ đã lấy trai có bằng cớ rõ ràng, còn gần gũi làm sao cho được nữa, bởi vậy má không dám xin dượng che chở giùm cho má với anh em tôi khỏi bị thiên hạ cười chê. Nghe lời bà Kinh nói hôm qua thì má cảm ơn đức của dượng lung lắm, bởi vậy dượng dạy lẽ nào má cũng chịu hết, dượng muốn thứ gì má cũng sẽ làm cho dượng vừa lòng.

-Tôi có muốn gì đâu. Tôi chỉ tính phá hôn thú cho vợ tôi thong thả, song phá một cách êm thấm cho nó khỏi mang tiếng xấu. Nếu tôi vô đơn mà kiện thì tôi phải hài tội của nó, nên tôi khống đành. Tôi muốn nó viện lý phu phụ hất hòa, nó vô đơn xin để. Nó vô đơn trước rồi tôi cũng vô đơn nói như nó mà ưng thuận để bỏ. Tòa sẽ đòi hai đàng, Tòa kiếm thế hòa giải, hai đàng cứ quyết rã rời. Tòa hòa giải ít lần không được tự nhiên Tòa sẽ lên án cho để, mà khỏi mang tiếng chi hết.

-Cha chả, phải làm đơn cách nào ? Cái đó thiệt tôi không hiểu.

-Về thủ tục theo pháp luật anh hiểu không nổi đâu. Phải chịu tốn ít trăm mướn Trạng sư làm cho mới được. Việc sẽ dây dưa ít tháng, phải có Trạng sư đi hầu đặng cãi lẽ cho.

-Tốn thì chịu tốn chớ sao.

-Anh ra mướn Trạng sư, anh cắt nghĩa cho ổng nghe như tôi mới nói đó, thì ổng hiểu liền.

-Để về tôi thưa cho má hay rồi mai tôi đi mướn Trạng sư. Mà dượng cũng phải vô đơn xin để, dượng cũng phải mướn Trạng sư. Để tôi đem tiền qua cho dượng trả tổn phí.

-Khỏi. Tôi không cần mướn Trạng sư. Tôi vô đơn, tôi xuôi thuận theo vợ tôi, tôi chịu để bỏ, tôi có chống cự gì đâu mà phái có Trạng sư cãi lẽ.

-Má có dặn tôi như vầy: dượng muốn cái gì, tôi cũng phải chịu hết, muốn có một số tiền để nuôi cháu Tân hay muốn có nhà cửa cho cháu ở rộng rãi cũng được. Dượng mua mấy ngàn má cũng cho, hay muốn nhà nào má sẽ mua để cháu Tân đứng bộ.

-Xin anh thưa lại với má, tôi cám ơn má lắm, nhưng tôi không muốn gì hết. Vĩnh Tân là con của tôi tự nhiên tôi phải nuôi nó. Cha con tôi ở phố như vầy cũng an rồi, cần gì phải có nhà cửa. Tôi chỉ xin một điều là vợ tôi vô đơn xin để, nó đừng nài bắt Vĩnh Tân về mà nuôi.

-Ối. Cái đó dượng khỏi buộc. Thứ mẹ hư mà nài bắt con nỗi gì. Tôi bảo lãnh việc đó. Dầu Tòa có dạy dượng phả giao con cho nó đi nữa, tôi cũng bắt cháu đem trả cho dượng nuôi. Thôi để tôi thưa lại cho má hay rồi mai tôi đi nói chuyện với Trạng sư.

-Hễ Trạng sư vô đơn rồi thì anh cho tôi hay đặng tôi vô đơn tiếp theo.

-Làm vtêc gì tôi cũng do nơi dượng. Tôi sẽ ghé thường.

Ba Khai cáo từ. Vĩnh xuân đưa anh vợ ra tới xe. Ba Khai nói: má có nói dầu vợ chồng dượng có rời rã đi nữa, má cũng vẫn coi dượng là rể quí của má. Còn phần tôi đối với dượng, tôi thề có Trời Đất chứng minh, tình anh em thủy chung như nhứt, không bao giờ phai lợt.

Vĩnh Xuân cảm động không nói được.

Ba Khai lau nước mắt lên xe mà đi.

Vĩnh Xuâu đi thẳng lại nhà ông Kinh mà thuật cuộc hội đàm đó cho mẹ và vợ chồng ông Kinh nghe. Ai cũng khen bà Chủ Thiệu với Ba Khai biết điều và tiếc mạng số khiến Cẩm Nhung gây tai họa đặng dứt tình thân ái.

Vĩnh Xuân buồn mà nói: “Tại mạng số của tôi khiến cho tôi không có vợ, chớ không phải tại ai hết. Trước kia Cúc Hương là con thà giàu, cô khắn khít với tôi, thì Trời khiến cha mẹ cô chê tôi nghèo làm cho cô phải tìm cái chết đặng trọn nghĩa với tôi. Sau tôi cưới Cẩm Nhung, cũng con nhà giàu, mà mẹ vợ với anh vợ quí trọng cái nghèo của tôi, thì Trời khiến cho cô hư, đặng vợ chồng tôi rời rã. Cuộc đời trớ trêu quá ! Ấy vậy muôn việc đều tại Trời. Mình cứ đường ngay thẳng mà đi, đừng ham muốn mà cũng đừng ưu phiền chi hết

Ông Kinh nói: “Lời đạo đức quá !”.

Bà Hương văn nói: “Giàu nghèo hay còn mất, tôi không cần. Tôi có chút cháu nội đây thì đủ cho tôi vui”. Bà dắt Vĩnh Tân về dỗ ngủ.

Ông Kinh với Vĩnh Xuân uống trà rồi đờn chơi. Việc vợ chồng Vĩnh Xuân vào đơn tại Tòa lấy cớ phu phụ bất hòa mà ly dị, Tòa giải hòa ba lần không được, nên cách vài tháng sau Tòa lên án cho phá hôn thú, giao Vĩnh Tân cho cha nuôi. Nhà bà Chủ Thiệu khỏi mang tiếng thiên hạ cười chê. Mẹ con bà cảm đức mến tình Vĩnh Xuân hết sức.

PHẦN IV - CHƯƠNG 21 -

B

ữa đó cũng như thường lệ, đến xế ông Kinh Lương thay đồ rồi ngồi chờ Vĩnh Xuân lại đặng đi làm việc với nhau một lượt cho vui. Gần tới giờ hầu mà chưa thấy Vĩnh Xuân, ông bèn bước lại kêu thầy. Vĩnh Xuân cũng đã thay đồ rồi, nhưng thầy ngồi tại bàn viết, đương chong mắt nhìn bút tích của Cúc Hương, dường như mặc niệm mà trông cậy bạn khuất mặt chỉ giùm đường lối đặng đi cho khỏi lầm, khỏi lạc. Thấy dạng ông Kinh ngoài cửa, thầy giựt mình nhớ lại cuộc đời cơm áo hằng ngày, thầy lật đật đứng dậy đi liền với ông Kinh, cứ ngó trước mặt mà đi, không nói chi hết.

Ông Kinh biết Vĩnh Xuân đương bối rối, ông không dám nhắc tới việc Cẩm Nhung. Chừng đi gần tới cửa Tòa Bố, thình lình Vĩnh Xuân nói: “Tối nay tôi sẽ cậy ông bà phân xử giùm việc nhà của tôi. Thiệt khó quá, tôi không biết phải xử trí cách nào cho thỏa thuận mà rẻ phân, tôi khỏi mang tiếng dại khờ, mà người ta cũng khỏi bị chê cười xấu hổ”.

Ông kinh nói: “Mình lo phận mình, còn chuyện của họ thì họ làm sao họ làm, hơi nào mà lo”.

Chiều ăn cơm rồi, vợ chồng ông kinh đợi tối một lát mới lại nhà Vĩnh Xuân. Ông Kinh thì bình tĩnh như thường, còn bà Kinh thì sắc mặt đầm đầm, không còn những nét bải buồi, vui vẻ như cũ.

Vợ Chồng ông Kinh bước vô thì thấy Vĩnh Xuân ngồi tại bàn viết, Vĩnh Tân đứng một bên, hai tay ôm bắp vế cha mà nói chuyện líu lo, còn bà Hương văn thì Ngồi trên ván ngó con ngó cháu vui cười, hí hởn.

Trông quang cảnh gia đình đầm ấm như vậy, ông Kinh bất nhẫn nên lạnh ngắt trong lòng, thầm tiếc hạnh phúc của người bạn tri âm rồi đây sẽ tiêu tan, chỉ để lại thêm một vết thương tâm phải mang trọn đời, cũng như vết thương cũ hàn không lành, chữa không dứt.

Vĩnh Xuân lật đật đứng dậy mời ông Kinh ngồi bàn giữa, Vĩnh Tân bỏ cha chạy lại đứng một bên bà nội. Bà Kinh vói bồng cháu để trên ván, rồi ngồi một bên vuốt ve.

Bà Hương văn biểu Vĩnh Tân nằm đặng bà quạt cho mà ngủ, rồi bà hỏi bà Kinh:

-Hồi sớm mơi thấy bà kêu xe đi đâu đó vậy ?

-Đi qua bên Chợ Cũ.

-Phải tôi hay bà qua Chợ Cũ tôi đi với bà đặng đem Tân qua thăm ngoại nó.

-Thôi, thăm viếng làm chi. Bà Chủ có nhớ cháu ngoại thì bả qua đây. Có luật gì buộc chị phải đem cháu đi thăm bả.

Ông Kinh hỏi Vĩnh Xuân:

-Hổm nay thầy thông có nói chuyện thơ từ đó cho chị Hương văn nghe hay chưa ?

-Chưa. Tôi sợ má tôi buồn nên tôi không dám nói.

-Nói phứt cho rồi, còn giấu làm chi lữa.

Bà Hương văn hỏi bà Kinh:

-Chuyện gì vậy ? Sao lại giấu tôi ?

-Để thầy thông thẩy nói cho chị nghe. Mổ phứt mục ghẻ đi thầy thông. Còn mong mỏi sự gì nữa mà dung dưỡng. Nó đã tầy uầy rồi.

Vĩnh Xuân buồn bực nó: “Thưa má, việc nhà rối lăm. Vì con sợ má buồn nên hổm nay con không dám nói cho má hay. Mà cũng vì hổm nay con nghe phong phanh chớ chưa dám chắc. Bữa nay con có đủ bằng cớ rồi, không sợ nghi lầm nữa. Vậy con phải tỏ thiệt cho má rõ. Mẹ thằng Tân lấy trai má à …”

Bà Hương văn la lớn:

-Úy ! Trời đất ơi ! Có thiệt như vậy hay không con ? Đừng nói oan cho nó, xấu hổ nó tội nghiệp lắm.

-Con sợ oan, nên con dò hỏi kỹ lưỡng lắm. Để con nói má nghe. Từ ngày vợ con sanh thằng Tân rồi thì nó lấy cớ cần dùng thanh khí đặng bồi bổ sức khỏe, nên ban đầu nó về ở bên nhà thường hơn bên nây. Trót năm sáu tháng đây bà gia con bịnh, nó xin ở luôn bên nhà đặng săn sóc và mỗi tuần đưa lên Sài gòn đặng đốc tơ tiêm thuốc. Cách chừng mười bữa rày con có tiếp được thơ, của một người nào trên Sài gòn không biết, gởi cho con hay vợ con lên trển làm việc tồi bại và khuyên con nếu muốn giữ danh giá cho vẹn toàn, thì đừng cho vợ con đi Sài gòn nữa. Vài bữa sau, vợ con qua thăm. Con dặn đừng đi Sài gòn nữa. Nó nghe dặn như vậy thì nó tái mặt, làm cho con phát nghi đã đụng chạm đến chỗ bí mật của nó rồi. Nó bối rối, nhưng nói bà gia con một tháng mới đi tiêm thuốc một lần, chớ khỏi đi mỗi tuần nữa. Nó lại hứa tháng tới bà gia con đi thì nó cậy anh Ba nó đưa đi, nó ở nhà coi nhà. Té ra hôm qua con có được cái thơ thứ nhì cũng ở trên Sài gòn gởi nói bữa thứ hai vợ con có lên, nó đi một mình, ở tới sáng thứ ba mới về. Trong thơ người ta nói vì sợ phạm danh giá của con nên người ta để cho nó về. Nếu nó còn lên nữa, thì thì người ta sẽ xởn đầu tóc của nó, không vị tình con nữa.

-Họ gởi thơ nói như vậy mà biết có đi hay không. Nó đã hứa với con rồi, cỏ lẽ nào nó dám đi.

Bà Kinh tức quá, bà dằn không được nữa, nên bà nói:

-Có đi thiệt chị à. Hồi sớm mơi tôi qua bển tôi dọ, bà Chủ nói với tôi đây không chắc hay sao. Tôi hỏi thăm thuốc men. Bả nói dưới nầy không có bán. Hễ hết thuốc thì phải lên Sài gòn mà mua. Cẩm Nhung mới đi hôm thứ hai, nó mua đem về đó.

-Như vậy thì chắc rồi.

-Còn gì nữa mà sợ oan ức ?

-Mà mẹ thằng Tân lấy ai trên Sài gòn ?

-Thơ không có nói lấy ai, chỉ nói phá gia cang của một người có hai đứa con thơ.

-Chuyện kỳ cục quá. Thiệt tôi nghe như sét đánh bên tai vậy.

-Cái nầy mới khổ lung nữa chớ. Cẩm Nhung có chửa chị à. Hồi sớm mơi qua bển tôi ngồi một bên nó, tôi thấy rõ ràng. Nó có chửa hơn ba tháng.

-Bà thấy vậy hay sao ? Hôm qua nó thăm lần chót đây, tôi thấy bộ tịch nó tôi cũng nghi có thai. Nhưng tôi nghĩ mấy tháng nay nó có gần gũi với chồng nó đâu mà có nghén được, nghĩ như vậy rồi tôi bỏ qua.

-Thầy thông nói bốn năm tháng nay Cẩm Nhung về thăm giây lát rồi đi về bển chớ ngủ bên nây đêm nào đâu. Vậy thì nó lấy trai nên có chửa đó chớ gì. Mà coi thế nó mê lắm, bởi vậy nghe thầy thông cấm không cho đi Sài gòn nữa, vậy mà cũng lén đi cho được, chắc đi đặng thông tin cho tình nhơn hay chồng đã nghi rồi không còn được thong thả nữa.

-Cha chả, việc rối rắm quá, bây giờ phải tính làm sao đây ?

-Chị là mẹ chồng. Quyền quyết định về phần chị, bởi vậy tôi với ông Kinh lại cho chị hay coi chị liệu lẽ nào.

Bà Hương văn bối rối, ngó xuống ván thấy Vĩnh Tân đã ngủ rồi, nằm coi thơ thới, vô ưu vô lự. Bà quạt cho cháu ít quạt rồi nói: “Thiệt khó liệu quá. Nhờ ông bà làm mai, tôi được Cẩm Nhung cho Xuân, tôi mừng hết sức. Tôi nghèo mà làm sui với nhà giàu có sang trọng. Chị sui tử tế, con dâu dễ thương, được như vậy đã có phước lắm rồi, còn ước mơ sự gì nữa. Không đầy một năm, dâu tôi nó sanh cho tôi một đứa cháu nội, phước nhà tôi càng thêm lớn, lòng tôi càng quí trọng con dâu. Tôi được vui, tôi không nỡ làm cho dâu buồn, bởi vậy đối với nó tôi cư xử hết sức dễ dàng, tôi cho nó thong thả, muốn về bên nhà chừng nào cũng được, về rồi muốn qua chừng nào cũng được. Tôi có dè sự dễ dàng của tôi mà sanh tai hại như vậy đâu. Tôi nói thiệt, mất con dâu quí tôi tiếc lắm, ngặt người đàn bà có chồng mà sanh ngoại tình, thì chồng làm sao dám lân la gần gũi nữa, gần gũi rồi thiên hạ coi ra gì. Hồi trước ông với bà thương con tôi, nên xe tơ kết tóc giùm cho nó. Bây giờ rủi có chuyện như vầy, xin ông bà cũng làm ơn gở rối giùm, cho Xuân tôi khỏi xấu hổ, khỏi buồn rầu. Nghĩ việc đời tôi dửng dừng dưng. Chồng con sờ sờ đó mà đành bỏ hết đi lấy người khác được. Lòng dạ như vậy không biết sao mà nói. Con nhà giàu sang mà còn vậy, đến hạng nghèo hèn mới sao ? Phong hoá biến đổi đến thế nầy thì cang thường luân lý còn gì đâu mà kể ?”.

Bà Kinh nóng nảy, bà rán bình tĩnh ngồi nghe, nhưng lửa phẩn uất hừng hực trong lòng, bởi vậy bà Hương văn vừa dứt lời thì bà không để cho ông Kinh trả lời, bà hớt mà nói: “Thứ đàn bà hư, đã có chồng, có con mà còn lấy trai thì cạo đầu mà trấn nước nó cho rồi, cần gì mà phải liệu. Hồi cựu trào, thứ đàn bà đó bị xử nặng lắm. Người ta buộc hai chưn vào hai con voi rồi đánh voi đi đặng xé thây làm hai. Đời nay dễ quá, nên mới sanh tồi bại. Theo ý tôi, thì con Cẩm Nhung đã hư, không biết thủ trinh, thủ tiết với chồng, thì thầy thông nên đạp đít nó cho rồi, còn nghĩ tình nghĩa vợ chồng làm chi nữa. Nhưng không lấy thì phải khuấy cho hôi. Phải làm cho cả dòng họ nó mang xấu rồi sẽ bỏ. Phải trị thói gian dâm cho thẳng tay đặng nêu gương cho người khác sợ mà phải giữ tiết trinh, giữ đạo làm vợ. Cẩm nhung là con nhà giàu, ngày sau nó hưởng một phần gia tài của cha mẹ. Gia tài đó có mất đâu mà sợ. Nó có con, thì ngày sau Vĩnh Tân cũng được hưởng gia tài của mẹ như mấy đứa con khác. Có mất phần đâu”.

Ông Kinh nói: “Người phải mới quí, chớ gia tài quí gì mà kể. Để thủng thẳng mà tính. Bà nó không nên nóng quá rồi sau phải ăn năn. Cẩm Nhung nó thất tiết với chồng, thì thầy thông phải ly dị đã đành. Vợ lấy trai, nó đã hết thương mình, nên nó mới thương người khác được, thế thì còn tình nghĩa gì mà ăn ở với nó. Dầu mình nó cẩn ngọc hay phết vàng đi nữa, cũng không ai thèm. Ngặt theo luật của mình từ đời Hồng Đức sau luật Gia Long cũng để y như vậy, người đàn bà có chồng, nếu phạm một tội nào trong bảy tội có định trong luật, thì chồng mới được để bỏ. Đã vậy mà nếu người vợ đã có chịu tang cho cha mẹ bên chồng, hoặc không còn cha mẹ, anh em đặng trở về mà nương dựa thì luật không cho người chồng để bỏ. Bây giờ tuy Tòa Tây xử hình, xử hộ hết thảy, song sự vợ chồng ly dị, Tòa cũng cứ chiếu luật thất xuất của mình mà phân xử. Cẩm Nhung lấy trai, thì phạm một tội trong luật thất xuất, chồng cũng có thể kiện mà phá hôn thú được. Nhưng trong vụ để bỏ, Tòa thường chăm nom số phận của người vợ, nên kiếm đủ cách mà hòa giải. Bởi vậy để vợ khó lắm, chớ không phải đễ đâu. Bà nó tưởng muốn để vợ thì làm đơn nói vợ lấy trai rồi Tòa cho để liền hay sao. Đâu mà được. Phải trưng bằng cớ vợ lấy trai mới được chớ”.

Bà Kinh tức giận nói :

-Thầy thông trình hai bức thơ đó cho Tòa xem. Nài tôi làm chứng, đặng ra giữa Tòa tôi khai bà Chủ có nói với tôi bữa thứ hai đó cẩm Nhung có đi Sài gòn.

-Bằng cớ và chứng khai như vậy chưa đủ cho Tòa tin. Người ta ghét Cẩm Nhung, người ta rơi thơ mà cáo gian, hoặc chồng muốn để vợ, nên viết thơ mượn người lên Sài gòn mà gởi cũng được vậy. Cẩm Nhung đi Sài gòn mua thuốc cho mẹ uống thì có lỗi gì ? Lấy trai mình phải bắt được quả tang, lại phải có nhà chức trách làm chứng, hoặc mình bắt được thơ tình của vợ gởi cho trai hay là của trai gởi cho vợ, mới thành bằng cớ được chớ.

-Nói như ông vậy, thì thầy thông phải khoanh tay để cho Cẩm Nhung lấy trai hoài hay sao ? Đây rồi nó sanh con, thẩy phải bồng mà nuôi nữa sao ? Để vậy mà xấu hổ quá chịu sao được. Lại nó có chửa nữa, phải làm sao cho thầy thông khỏi mang đứa con tội lỗi đó chớ.

Bà Hương văn nói: “Tôi nghĩ lại tôi tiếc con Cẩm Nhung quá. Thiệt ba năm nay, đối với tôi, nó không có làm điều chi cho tôi cảm tình hay cảm nghĩa như con Cúc Hương hồi trước. Về tình nghĩa thì nó không bằng Cúc Hương thiệt, nhưng nó không thất lễ với tôi, không dám tỏ ý khinh khi tôi chút nào. Mà nó lại sanh cho tôi được một đứa cháu nội, bao nhiêu đó đủ cho tôi cám ơn và yêu mến. Nếu nó khờ khạo, rủi quấy với chồng nó chút đỉnh, nó biết ăn năn qua xin lỗi với tôi và chồng nó, thì tôi có lẽ động lòng mà hỉ xả cho nó, bắt nó về ở bên nây vậy thôi, đặng chồng vợ hiệp hòa, mẹ con thân ái cho xong.

Bà Kinh cãi:

-Hỉ xả sao được chị ? Nó lấy trai đã có chửa rồi, chị bắt thầy thông phải rước về mà nuôi hay sạo ?

-Tôi dòm thằng Tân, tôi bất nhẫn quá bà à ! Nó có tội lỗi gì mà mới bây lớn mình bắt nó phải lìa xa mẹ, phải dứt tình mẫu tử ! Ngặt Cẩm Nhung đã mang bụng chửa, mình dung cho nó sao được.

-Tại vậy mới khó liệu.

Bà Hương văn lấy vạt áo lau nước mắt rồi quạt muỗi cho Vĩnh Tân.

Ông Kinh nói: “Cái hư cửa Cẩm Nhung đã đến cực điểm rồi, không thể nào rộng dung cho được. Dầu chị Hương có thương nó cho mấy đi nữa, thầy thông cũng phải phân rẽ. Nếu để nó lân la tới nhà nữa, thì thiên hạ chê cười. Họ sẽ nói thầy thông mê vợ giàu, đến vợ bỏ đi lấy trai mà thầy cũng còn đeo theo, không chịu đoạn tuyệt. Ấy vậy thế nào thầy thông cũng phải kiếm cớ mà để vợ cho toàn danh tiếng. Nhưng theo ý tôi không nên làm lở vỡ cho thiên hạ hay làm chi. Mình nên liệu thế nào rời nhau một cách êm thấm thì tốt hơn. Quậy tùm lum đặng cho người ta mang xấu có ích gì cho mình ? Mình lấy bùn mà bôi lên đầu, lên mặt người ta, mình cũng phải lấm tay chút đỉnh chớ khỏi áo được. Thầy thông nghĩ coi tôi nói như vậy có phải hay không ? Ý bà nói vậy nên muốn làm rùm beng cho cả dòng họ nó mang nhục. Làm chi vây ? Bà Chủ có con, dầu bả cưng con, có lẽ nào bả xúi dục cho con hư hay sao mà oán bả ? Bà con dòng họ cũng vậy, mấy năm nay ai cũng quí trọng thầy thông, tôi tưởng có ai muốn cho vợ thẩy hư làm chi, mà mình tính làm cho họ mang tiếng xấu. Ý thầy nghĩ sao đâu thầy nói nghe thử coi thầy thông ?”

Vĩnh Xuân nghiêm nghị, ôn hòa, thủng thẳng nói: “Tôi hiệp ý với ông Kinh lắm. Nãy giờ tôi ngồi nghe ông bà với má tôi bàn tính, tôi suy nghĩ kỹ rồi. Vợ tôi phạm tội lớn quá, tôi không thể nào còn mang cái danh chồng chánh thức của người đàn bà như vậy nữa được. Dầu má tôi có mang ơn Cẩm Nhung hay là có thương phận Vĩnh Tân cho mấy đi nữa, cũng không thể hỉ xả cái tội lớn của vợ tôi đó được. Còn ý bà Kinh muốn quậy cho xấu tất cả thân tộc của vợ tôi, cái đó tôi nghĩ không nên, bởi vì ở đời ai cũng muốn tốt, chớ ai muốn xấu làm chi. Vợ tôi sa ngã, tôi muốn cho đó là sự rủi ro, đó là tai họa xảy ra trong gia đình, cũng như tôi không tránh khỏi, mà bà già tôi, cũng như mấy anh mấy chị, không ai mổn hết. Bởi nghĩ như vậy nên tôi không giận vợ tôi mà tôi cũng không nỡ phiền ai hết”.

Vĩnh Xuân nói tới đó rồi ngừng lại, mắt ngó ngọn đèn, bộ tư lự dường như tìm nhớ việc dĩ vãng xa xuôi.

Vợ chồng ông Kinh với bà Hương văn đều chong mắt ngó thầy, có ý đợi coi thầy xử trí thể nào mà lại nói không giận, không phiền ai hết.

Vĩnh Xuân nín một chút rồi ngồi xõng lưng lên nói một cách mạnh mẽ: “Vợ tôi sanh trắc nết, nó thất tiết với chồng, là có lỗi nặng. Việc ấy đã đành như vậy. Nhưng nếu xử cho công bình, thì tôi phải nhận định lỗi ấy tại tôi gây ra, tại tôi xô đẩy cho vợ tôi té xuống hầm xuống hố. Trước khi chịu cưới vợ, tôi đã biểt lòng tôi đã khô, tình tôi đã cạn. Thế mà muốn cho mẹ vui, tôi cưới vợ về, tôi không lo nhen nhúm lại bếp lửa tình, tôi không biết dan díu, tôi không thèm ngó ngàng đến con vợ mới lớn lên, nó đương khao khát thương yêu; nó mong đợi ở tôi không được, tự nhiên nó phải đi tìm nơi khác. Nếu tôi ăn ở như muôn ngàn người chồng khác, cứ khắn khít với vợ, chăm nom, khêu gợi tình yên của vợ, thành tâm xây dựng hạnh phúc gia đình đặng vợ chồng chung hưởng với nhau, thì con vợ tôi nó sẽ là một người vợ hiền như ai, có lẽ nào nó đành phụ rãy người chồng thành thật thân yêu mà ôm cầm sang thuyền khác. Ấy vậy vợ tôi hư, tôí có lỗi trong đó ít lắm là phân nửa. Tôi không được phép giận hờn phiền trách con vợ tôi”.

Bà Kỉnh nghe Vĩnh Xuân nói xuôi xị, bà không thể nín được, nên bà chận mà hỏi:

-Thầy thông nói như vậy thì bây giờ bỏ qua chuyện nầy hay sao ?

-Không thế bỏ qua được. Tuy tôi nói vợ tôí hư, tôi có lỗi trong đó, song lỗi của vợ tôi cũng lớn quá, không thể dung được. Bề nào vợ chồng tôí cũng phải rã rời, còn mặt mũi nào mà thấy nhau nữa. Nhưng ý tôi muốn rã rời một chách êm thấm, chẳng cần hờn giận nhau, chẳng nên nói xấu cho nhau.

-Phải thưa kiện mới để bỏ được. Hễ thưa kiện thì phải kể tội lấy trai, chớ giấu sao được. Mà kể tội tức phải nói xấu, rồi tự nhiên phải giận hờn làm sao tính êm cho được.

-Tôi không muốn xướng ra mà kiện xin để. Tôi kiện, tôi phải hài tội của vợ tôi, tự nhiên nó phải mang tiếng xấu. Bỏ vợ, mình không nên nói xấu cho nó, phải để cho nó có thể lấy chồng khác. Tôi muốn vợ tôi nó vô đơn xin để tốt hơn tôi.

-Lấy cớ gì mà kiện thầy được ?

-Có vợ chồng khác tánh ý nên không thuận hòa làm cho gia đạo xào xáo. Vì vậy nên vợ chồng thỏa thuận phân rẽ đường ai nấy đi. Tòa đòi tôi mà hỏi, tôi cũng ưng thuận rẽ phân. Tuy tòa kiếm thế giải hòa nên phải dây dưa vài tháng, nhưng rốt cuộc tòa cũng cho để được.

-Như đàng gái họ không chịu xướng ra mà kiện thì làm sao ?

-Phải nói với họ, nếu họ không chịu kiện thì tôi phải kiện, nếu tôi kiện tự nhiên tôi phải hài tội lấy trai, mà tôi còn phải ngăn cấm chừng sanh đứa con đương mang trong bụng không được để tên tôi là cha. Tôi kiện thì tôi phải nói tùm lum, xấu hổ lắm. Họ muốn che đậy cái nhục, tự nhiên họ phải nghe lời mà kiện, đâu dám để cho tôi kiện …

-Bây giờ ai đi nói với Cẩm Nhung đây ?

-Tôi cậy bà chớ biết cậy ai.

Ông Kinh nói: “Thầy thông tính như vậy thì hạp với đạo quân tử. Thầy thông không lẽ mang mặt qua Chợ Cũ mà nói chuyện nầy được. Tôi cũng không thể đi thế cho thẩy. Chớ chi ông Chủ Thiệu còn sống thì tôi mới qua bàn tính với ổng được. Có một mình bà nó đi thì phải hơn hết. Hồi trước bà nó làm mai. Bây giờ cơm không lành, canh không ngon, thì bà nó phải hòa giải”.

Bà Kinh đáp:

-Ông nó muốn tôi đi thì tôi đi. Tôi có nệ gì đâu. Nhưng qua nói làm sao, phải dạy cho tôi biết đặng tôi nói cho trúng ý.

-Bà nó qua nói chuyện riêng với bà Chủ, đừng cho Cẩm Nhung hay là ai trong nhà nghe. Bà nó phải đem hờ hai cái thơ theo đặng nếu bà Chủ không tin, thì đọc cho bả nghc.

-Tôi có biết chữ quốc ngữ đâu mà đọc.

-À còn chuyện trắc trở đó nữa. Bà không biết đọc thì lấy ra lăm le cho bà Chủ thấy rồi thuật sơ mỗi bức thơ cho bà ấy nghe. Như bả muốn biết rõ thì bả kêu con bả đọc, mà thế nào cũng đừng cho bả lấy hai thơ đó, phải đem về trả lại cho thầy thông đặng chừng kiện ra tòa nếu có cần dùng thì thầy trình ra cho Tòa xem. Còn việc của Cẩm Nhung, bà biết cháo chang. Bà cứ thuật có đầu có đuôi cho bà Chủ nghc. Sau rốt bà nói ý thầy thông đã nhứt định phân rẽ, vì vợ thầy đã lấy trai có chửa, thầy không thể dung tha được. Song thầy không muốn làm tùm lum cho vợ thầy mang xấu, nên thầy khuyên vợ thầy vô đơn xin phá hôn thú. Bà nói y theo ý thầy thông nói hồi nãy đó.

-Nếu bà Chủ binh con, bà cái lẫy nói con bả chính chuyên, không có lấy ai hết, nó ăn ở với thầy nên có thai nghén đó, chớ không phải lấy trai, thì tôi phải làm sao thầy thông ?

Vĩnh Xuân châu mày đáp.

-Nếu có lỗi mà còn cượng lý, không chịu nhận lỗi, thì bà nói cho bà gia tôi biết, tôi sẽ vô đơn kiện liền. Mà tôi kiện thì tôi phải nói ngay vợ tôi lấy trai và tôi xin Tòa chứng nhận cái thai trong bụng không phải là con của tôi. Tôi khai tùm lum xấu hổ thì chịu lấy.

-Được tôi hiểu rồi. Như bà Chủ chịu cho Cẩm Nhung kiện xin phá hôn thú, thì thầy có buộc điều chi nữa không ?

-Tôi buộc hai điều nầy: thứ nhứt không được xin bắt con, phải để Vĩnh Tân cho má tôi nuôi, thứ nhì không bắt tôi phải chịu tiền cơm cho vợ tôi mỗi tháng trong lúc Tòa chưa lên án cho ly dị, bởi vì tôi nuôi cơm đặng ăn no rồi đi lấy trai thì kỳ quá.

-Giàu có mà đòi tiền cơm nỗi gì. Thầy giao hai phong thơ cho tôi đặng lát nửa tôi mượn ông Kinh đọc lại cho tôi nhớ rồi sáng mai tôi đi.

Vĩnh Xuân lại bàn viết mở tủ lấy hai phong thơ trao cho bà Kinh.

Bà Hương văn nói: “Miễn tôi được Vĩnh Tân ở với tôi thì thôi. Mất con dâu tuy buồn, song dâu hư không đáng tiếc. Có vầy mới thấy rõ dâu như con Cúc Hương hồi trước thiệt là khó kiếm. Xuân tôi không chịu kiếm vợ khác nghĩ cũng phải lắm. Nếu Cúc Hương còn sống, thì nó đâu có làm cực lòng như vậy.

Ông Kinh đứng dậy nói: “Thôi, để lôi về tôi chỉ cách cho bà nó biết, đặng sáng mai qua nói chuyện với bà Chủ cho hẳn hòi”.

Vợ chồng ông Kinh dắt nhau đi về.

Bà Hương văn bồng Vĩnh Tân đem vô mùng cho nó ngủ.

Vĩnh Xuân bưng đèn lại bàn viết, ngồi ngó di bút của Cúc Hương, ngó cả giờ rồi mới đóng cửa đi nghỉ.

Một luồn không khí buồn bực bao trùm từ dãy phố chỗ Vĩnh Xuân qua đến sở vườn của bà Chủ Thiệu.

Buổi sớm mơi đó, bà Kinh Lương ngồi xe kéo sang thăm bà chủ Thiệu với sứ nạng truyền một tin tức hư cửa, hại nhà. Bà biết lần đi thăm nầy bà sẽ xốc giận, gây buồn, chớ không phảí đem chuyện vui vẻ mà nói với bà bạn già như lấy lần trước. Tuy biết như vậy song bà đương giận Cẩm Nhung tràn trề trong lòng, nên bà hâm hở quyết trút phứt cái bầu phiền não đó cho rồi đặng xem coi cuộc tóc tơ của bà gây ra nó sụp đổ thế nào, nhứt là coi bà Chủ Thiệu sẽ che đậy thói hư thúi của con, hay là bà cũng biết ăn năn hối hận.

Xe dừng trước thềm, bà Kinh thấy ngoài sân im lìm, trong nhà vắng vẻ. Bà không dụ dự, mạnh bước lên thềm mà vô cửa.

Bà Chủ đương nằm một mình tại bộ ván lớn phía trong. Bà lồm cồm ngồi dậy, thấy bà Kinh thì bà nói: “Mời bà đi thẳng vô đây”. Bộ bà không mừng rỡ như trước, mà coi mòi ngạc nhiên và ái ngại.

Bà Kinh vô tới không đợi chủ nhà mời, bà cứ ngồi và hỏi: “Bữa nay bà mạnh ?”. Bà nói không được mạnh. Bà kéo giỏ bình rót một chén trà mời khách.

Bà Kinh ngó quanh quất, không thấy Cẩm Nhung, mà cũng không có ai hết. Bà hỏi:

-Cô thông đi Sài Gòn hay sao mà để bà nằm có một mình đây ?

-Không. Nó đi ra sau vườn.

-Thấy vắng tưởng cổ đi Sài gòn.

-Có việc chi đâu mà đi.

Bà Kinh muốn mở đầu nói chuyện, nhưng thấy bà Chủ buồn, nên bà không nỡ nói gắp có ý đợi coi bà Chủ có hỏi thăm tới rể hay cháu ngoại rồi bà sẽ chụp lấy đó mà truyền tin chẳng lành. Bà chờ lâu quá mà không thấy bà Chủ hỏi tới rể con, bà mới khởi đầu mà nói: „Bữa nay tôi qua đây trước thăm bà, sau nói chuyện nhà của thầy thông cho bà nghe“. Bà liếc mắt thấy bà Chủ biến sắc và ngó bà trân trân, không nói chi hết, dường như chờ nghe coi khách sẽ nói chuyện gì.

Bà Kinh khi ra đi thì hâm hở cương quyết, mà đến việc thì bà bất nhẫn, nên dụ dự, vói lấy lá trầu têm rồi nói: „Thầy thông cậy tôi qua đây thưa thiệt cho bà hay, vợ thẩy đi Sài Gòn mấy tháng nay làm việc tồi tệ thấu tới tai thẩy. Thẩy buồn quá, thẩy muốn qua bàn tính với bà, nhưng nói ra càng thêm đau lòng, thẩy không nỡ nói, bởi vậy thẩy cậy tôi thay mặt nói dùm“.

Bà Kinh ngừng, có ý dọ coi bà Chủ có biết việc con hư hay không. Bà Chủ hỏi: “Thầy thông nghe vợ thẩy làm việc chi tồi tệ mà thẩy cậy bà qua nói chuyện ?“

Cửa đã mở rồi, bà Kinh phải đi sấn vào, không còn dụ dự nữa được. Bà mới xích gần lại bà Chủ rồi to nhỏ kể chuyện của Vĩnh Xuân và Cẩm Nhung cho bà Chủ nghe. Bà nói bà Hương văn thương dâu, còn Vĩnh Xuân tin vợ, nên mấy năm nay mẹ con để cho Cẩm Nhung thong thả về ở với bà Chủ, trước bà vui lòng, sau cô sung sướng tấm thân. Mấy tháng nay vì bà Chủ bịnh nên để cho Cẩm Nhung theo săn sóc bà đặng đưa bà đi Đốc tơ và đêm ngày chăm nom thuốc men cho bà. Cách mười mấy bữa trước, Vĩnh Xuân có được thơ từ Sài gòn gởi xuống cho hay Cẩm Nhung lên trển làm điều tồi bại và khuyên đừng cho cô đi Sài Gòn nữa mà thầy phải mang tiếng xấu luôn với cô. Bữa sau cô qua thăm. Vĩnh Xuân không rầy la, hờn giận, chỉ êm thắm khuyên vợ chẳng nên đi Sài gòn nữa. Cô hứa chắc cô sẽ vâng lời. Thế mà tuần sau, Vĩnh Xuân được thơ nữa nói Cẩm Nhung còn lên trển nữa, lên sáng thứ hai tới thứ ba mới về. Người ta nói vì sợ động tới danh giá của Xuân; nên không nỡ xởn đầu Nhung, để cho cô về. Nhưng nếu còn mang bụng chửa léo lên một lần nữa, thì người ta không dung. Thơ lại nói tình nhơn của Nhung có vợ lại có tới hai con. Thế mà Nhung mê, ăn nằm đã có thai hơn ba tháng, Vĩnh Xuân nhớ đã gần năm tháng rồi vợ chồng không gần gủi nhau. Vậy thai ấy không phải là con của Xuân, nên thầy cậy bà Kinh qua cho bà Chủ hay và xin bà liệu định dùm cho gấp, đặng thầy khỏi bị thiên hạ cười chê xấu hổ.

Bà Kinh móc túi lấy hai phong thơ ra mà cho bà chủ coi. Bà Chủ ngồi khóc rấm rứt, không cần coi thơ, nên bà Kinh bỏ vô túi lại.

Bà Kinh thấy bà Chủ cứ khóc, không nói chi hết, bà phải nói: „Hồi hôm thầy thông mời vợ chồng tôi lại mà nói việc nhà, rồi cậy vợ chồng tôi tính dùm. Thầy nói đàn bà đã bỏ chồng lấy trai đến có chửa thì còn gì mà mong chồng tha thứ. Sự phân rẽ đã đành rồi. Nhưng thầy kính mến bà, thầy nghĩ tình mấy anh; mấy chị, lại tuy vợ có lỗi với thầy, song có sanh cho thầy một đứa con trai, bởi vậy thầy không nỡ quậy cái quấy của vợ ra tùm lum cho cả bà con anh chị bên vợ phải bị họ cười chê xấu hổ. Vợ chồng tôi có biết tính làm sao đâu. Vả lại hồi trước tôi làm mai cho vợ chồng kết tóc se tơ. Bây giờ dầu phải rã rời, tôi cũng lãnh qua bàn tính với bà. Thầy thông nói như vậy cũng dễ. Thẩy nói nếu thẩy vô đơn kiện xin phá hôn thú thì thẩy phải hài tội của vợ, làm như vậy bên vợ phải mang tiếng tội nghiệp. Thẩy muốn vợ thẩy vô đơn kiện thẩy mà xin để. Tòa đòi hầu thẩy chịu để liền thì xong chuyện. Vậy bà tính dùm cho êm thì tốt hơn. Thầy buộc có một điều là để Vĩnh Tân cho thẩy nuôi. Thẩy không làm khó gì hết“.

Bà Chủ Thiệu cũng vẫn khóc hoài. Nhưng bây giờ bà đã biết được ý tứ của Vĩnh Xuân, vợ hư thì bỏ vợ, chớ không phiền mẹ vợ, cũng không giận lây anh chị bên vợ, thì bà nhẹ bớt nỗi lòng, nên bà chậm rãi nói: „Tôi được rể biết điều, tôi tưởng tôi có phước lắm rồi. Tôi có dè con Cẩm Nhung ngu dại quá, nó sanh tâm tác tệ như vầy đâu. Tôi xin bà nói dùm lại với thầy thông, sanh con ai cũng muốn nó nên, chớ ai dại gì mà xúi nó hư. Thầy thông biết nghĩ, nên không giận tôi với mấy anh của Cẩm Nhung, thiệt tôi cảm đức, cảm tình lung lắm. Tôi thưa thiệt với bà, Cẩm Nhung là con út, nên tôi cưng hơn mấy đứa lớn. Gả nó lấy chồng, tôi muốn vợ chồng về ở với tôi cho sung sướng. Thầy thông không chịu tôi có ý buồn. Chừng nó sanh được một đứa con, chị sui tôi vui mừng, mà thầy thông cũng rộng rãi, để cho nó thong thả muốn về bên nây chừng nào cũng được. Về ở chơi mấy bữa cũng được. Nó thấy dễ nên ở bên nây thường hơn ở bển. Vì cưng con nên tôi mù quáng không thấy cái hại của đạo vợ chồng, tôi chứa nó trong nhà, không nỡ đuổi nó theo chồng, cho trọn nghĩa. Mấy tháng trước tôi bịnh nhiều phải đi Sài gòn mỗi tuần đặng tiêm thuốc. Thấy Cầm Nhung rảnh rang tôi mới xin để nó ở luôn bên nây đưa tôi lên xuống trên Sài gòn và đêm ngày chăm nom cho tôi uống thuốc. Nó đi với tôi lên Sài gòn ở nhà chị Hai nó. Thiệt nó ham coi cải lương, hát bội, hát bóng thứ nào cũng ưa hết. Lên trển ban đêm nó hay rủ con chị nó đi coi hát. Có khi con chị nó mắc, thì nó kêu xe đi một mình. Tôi tưởng nó ham vui nên không để ý“.

Bà Chủ nói tới đó, bà lấy khăn lau nước mắt, lộ sắc giận rõ ràng. Bà Kinh muốn để nghe coi bà Chủ xử trí cách nào, nên bà ngồi chờ không nói chi hết.

Bà Chủ têm trầu mà ăn rồi mới nói tiếp: „Con cháu đời nay bụng dạ nó kỳ lắm, chớ không như chị em mình hồi nhỏ. Nó ham vui chơi, ham loè loẹt, không kể đạo đức, nghĩa nhân gì hết. Tôi banh da xẻ thịt mà đẻ con Cẩm Nhung, tôi chắc tánh ý nó giống tôi nên tôi không lo ngại chi hết. Mà nghĩ nó đã có chồng, có con, chồng nó là người xứng đáng, ai cũng ngợi khen, kính phục, chớ phải người bậy bạ hay sao, bởi vậy tôi không có nghi nó sanh ngoại tình được. Hôm qua bà qua thăm, bà ngồi nói chuyện với nó một hồi, chừng bà về tôi với nó đưa bà ra cửa. Tôi dòm thấy cái bụng nó lùm lùm. Tôi trở vô và kêu nó lại gần mà hỏi nó có chửa hay sao. Nó đã bặt đường kinh nguyệt hai kỳ rồi. Tôi nhớ lại thì ngày tôi có bịnh nó ở luôn bên nây, gần năm tháng nay không có ngủ bên chồng nó đêm nào, mà sao nó lại có chửa. Tôi sợ quên, tôi kêu thằng anh Ba nó mà hỏi lại, thì thằng Khai cũng nói năm tháng nay con Nhung ngủ luôn bên nây. Tôi cạnh hỏi con Nhung không gần với chồng mà sao lại có chửa được. Nó cứ lặng thinh không chịu nói. Thằng Khai giận nên đánh nó một bạt tai, hỏi vậy chớ nó lấy ai. Con Nhung khóc, nhưng cũng không chịu nói thiệt. Tôi rũ riệt tay chưn, kêu van trời đất. Thằng Khai mắng nhiếc nó là đồ hư, có chồng con mà còn lấy trai, làm nhục nhã tông môn, nổi nóng giựt cây gài cửa muốn đập chết nó cho rồi. Tôi Can gián, tôi nói tai họa tới thì phải rán bình tĩnh mà lo, không nên nóng nảy mà gây thêm tai họa khác nữa. Thằng Khai giận bỏ nhà mà đi. Tôi dỗ con Nhung mà hỏi nó lấy ai. Nó chịu có lấy trai, nhưng không chịu chỉ tình nhơn của nó. Nó khóc mà nói nó lỡ dại làm xấu cho tông môn, vậy để nó tự vận mà chết đặng đền tội nó thất tiết với chồng và làm nhục cha mẹ“.

Bà Kinh biết được ý tứ của bà Chủ, con hư bà không chữa lỗi cho con, mà còn tỏ thiệt sự cho bà nghe. Bà mới hỏi:

-Nếu vạy cô Cẩm Nhung sa ngả, nên rồi bây giờ cô biết ăn năn hay sao ?

-Nó ăn năn, nên cứ đòi chết hoài. Bà nghĩ coi, làm mẹ nếu con có lỗi thì rầy la mắng nhiếc chớ nỡ lòng nào xúi nó chết cho đành. Tôi phải dịu bớt đặng cứu sanh mạng cho nó.

-Vậy chớ sao. Dầu cô tự vận, bất quá tỏ ý ăn năn, chớ có gỡ tiếng xấu đâu, bởi vậy để cho cô chết không ích gì.

-Thằng anh ba nó còn giận quá. Hồi hôm nó về ngủ, đến khuya nó thức dậy sớm mà đi nữa. Đêm nay tôi thức sáng đêm. Có ngủ nghê gì đâu. Rầu quá ngủ gì được. Hồi sáng tôi không thấy thằng Khai, tôi hỏi nó đi đâu, thì vợ nó nói thằng Khai đi Sài gòn đặng hỏi chị Hai nó coi có biết con Nhung lấy ai không.

-Tôi tưởng việc đã lỡ rồi dầu biết cổ trai gái với ai cũng không ích gì. Lo thâu xếp viêc chồng con của cô đây cho êm thì tốt hơn.

-Tôi cũng nghĩ như vậy. Đêm nay tôi lo việc đó quá. Không biết thầy thông thẩy hay rồi tôi nói làm sao với thẩy. Hồi nảy thấy bà qua, tôi có ý mừng, tính nói thiệt chuyện nhà cho bà nghe rồi cậy bà làm ơn năn nỉ dùm với thầy thông. Chuyện đã tùm lum tôi đâu dám xin thầy hỉ xả, tôi chỉ mong thầy thương tôi với anh chị nó mà tính êm cho đỡ xấu hổ mẹ con tôi vậy thôi. Thẩy muốn sao tôi cũng chịu vậy hết. Tôi nói thiệt, nếu thẩy đòi thường thể diện mấy ngàn đồng tôi cũng sẵn lòng chịu.

-Không có đâu bà, thầy thông trọng nhân nghĩa, khẩy có thèm tiền bạc đâu. Thẩy buộc có một điều là để Vĩnh Tân cho thẩy nuôi, dầu có để bỏ, cô Cẩm Nhung đừng nài xin bắt con.

-Thứ mẹ hư mà nài nỉ bắt con nỗi gì. Mà nếu thẩy không muốn tiền bạc, thôi thẩy coi có cái nhà nào họ bán thì tôi mua cho cháu Tân đứng bộ đặng cha con ở với nhau.

-Còn chuyện để bỏ, thẩy muốn tránh tiếng xấu cho bà nên thẩy biểu Cẩm Nhung vô đơn kiện phá hôn thú. Chuyện đó bà nghĩ sao xin cho tôi biết đặng cho tôi trả lời với thẩy. Thẩy nói nếu để thẩy kiện thì thẩy phải lấy cớ vợ có ngoại tình nên thẩy xin để. Làm như vậy thì thiên hạ hay hết.

-Bà nói dùm với thẩy, con tôi lỗi với thẩy, bởi vậy thẩy muốn cách nào tôi cũng chịu hết. Hổ thẹn quá nên tôi không thể qua nói chuyện phải quấy với thẩy được. Để thằng Ba tôi đi Sài gòn về, tôi sẽ biểu nó qua bàn tính với thẩy. Thẩy muốn làm sao thì thẩy chỉ cho nó làm.

Bà Kinh nghĩ câu chuyện nói đã đủ rồi, tưởng gặp phải khó khăn, té ra bà Chủ biết lỗi nên bà xuôi thuận hết. Bà Kinh đội khăn từ mà về.

Bà Chủ đưa khách ra cửa, tay bà vịn vai bà Kinh vừa khóc, vừa nói: “Bà về làm ơn nói lại với thầy thông rằng vợ đã hư thúi mà thẩy còn thương tình tôi với mấy đứa con tôi, thẩy không nỡ quậy cho xấu hổ, thiệt mẹ con tôi cảm ớn đức của thẩy lung lắm; thẩy bỏ con vợ hư thẩy không tiếc, chớ tôi mất chàng rể quí thiệt tôi buồn vô cùng, vậy dầu thế nào tôi cũng xin thẩy đừng quên câu sanh con há đễ sanh lòng. Còn về phần tôi thì bao giờ tôi cũng quí trọng thẩy. Mấy anh nó cũng vậy”.

Bà Kinh về, đến trưa bà thuật rõ tình cảnh ưu sầu, bực tức bên nhà bà Chủ cho mẹ con Vĩnh Xuân với ông Kinh nghe. Bà nói bà Chủ vô ý không đè con làm xấu như vậy. Hôm qua tình cờ bả thấy Nhung có bụng, bả cạch hỏi, thì Nhung khóc mà chịu có ngoại tình, nhưng không chịu chỉ tình nhơn. Bà Chủ mắng nhiếc, Ba Khai giận muốn đập chết, Nhung ăn năn đòi tự vận. Bà Chủ khóc quá, bà chịu lỗi với rể, chớ không binh con. Bà mến tiếc Vĩnh Xuân, cám ơn Xuân còn nghĩ tình nghĩa, không nỡ làm xấu cho nhà bà, Xuân buộc cách nào bà cũng chịu hết, muốn mấy ngàn bà thường danh giá bà cũng cho, hay muốn có nhà mà ở với Vĩnh Tân bà cũng mua để cho Tân đứng bộ. Còn việc để bỏ thì bà hổ thẹn với rể và chị sui nên bà không đám chường mặt qua mà nói chuyện, để Ba Khai đi Saigon về bà sẽ sai Khai qua xin lỗi, rồi Xuân muốn làm sao thì dạy cho Khai làm, miễn phân ly mà không oán hận.

Ai nghe nói thái độ của bà Chủ như vậy, thì cũng xúc động, nên không nỡ phiền trách gì nữa, đến bà Kinh hồi hôm bà nóng nảy quá, mà thấy tình cảnh nhà bà Chủ, nghe bà Chủ khóc và năn nỉ thì bây giờ bà cũng dịu rồi, không còn muốn gây gổ nữa.

Tối bữa sau, ăn cơm rồi, mới đỏ đèn một lát thì Vĩnh Xuân thấy xe ngựa ngừng trước nhà. Ba Khai bận đồ dài xuống xe đi vô. Vĩnh Xuân tiếp chào, mời ngồi. Thầy bình tĩnh, giữ đủ lễ, không mừng rỡ, mà cũng không lộ vẻ tự kiêu. Thầy kêu con sen biểu cho một bình trà rồi hỏi Ba Khai:

-Má bữa nay khỏe hôn anh Ba ?

-Hai đêm nay ngủ không được, nên không được khỏe.

Bà Hương văn dắt Vĩnh Tân ở trong đi ra. Bà chào Ba Khai, hỏi thăm sức khỏe của chị sui nữa, rồi biểu Vĩnh Tân lại xá cậu Ba.

Thấy bình trà đem lên, Vĩnh Xuân rót một tách mà mời anh Vợ. Bà Hương văn nuốn để cho hài ngtrời nói chuyện thong thả, nên bà dắt Vĩnh Tân ra trước rồi đi luôn lại nhà bà Kinh.

Ba Khai ké né, muốn khởi câu chuyện, nhưng bợ ngợ nên ngồi dụ dự một hồi lâu rồi mời nói: “Con Cẩm Nhung không nên nết, nó làm lỗi đạo cang thường, hai bữa rày má buồn rầu, xấu hổ, ăn ngủ không được, nên má muốn đau. Tôi với thằng Tư tức giận quá, muốn đập chết nó mà thả trôi sông cho khuất con mắt. Tai họa đến thình lình, cả nhà đương sầu thảm, bực tức, bà Kinh qua nói chuyện với má. Má hiểu được tánh ý của dượng, vợ hư mà dượng lo che đậy giùm cái xấu của vợ, dượng cũng không phiền trách má với anh em tôi. Má cảm nghĩa nên hai bữa rày má khóc hoài, càng mến đức dượng thì càng oán ghét con Cẩm Nhung. Má đi không được nên má biểu tôi thay mặt cho má qua trước cám ơn dượng, dầu phải xa vợ song dượng không quên tình mẹ con, anh em, sau xin dượng biết giùm bụng má và anh em tôi không bao giờ chịu cái thói bội nghĩa bạc tình của con Cẩm Nhung đó”.

Vĩnh Xuân nói: “Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi. Vợ tôi nó ở với tôi không trọn đạo, vì tội của nó nặng quá, tôi không thể tha thứ được, nên tôi phải tính phân tay rẽ tóc, ai đi đường nấy cho khỏi xào xáo trong gia đình. Nhưng tôi nghĩ vợ chồng ăn ở với nhau dầu không có tình cũng có nghĩa. Huống chi nó sanh cho tôi một đứa con trai, đó là một cái ơn hiển nhiên trước mắt. Thương con phải nhớ tới mẹ: Vợ tôi còn trẻ tuổi, dầu phân rẽ tôi cũng phải giúp phương tiện cho nó lập gia đình khác mà hưởng hạnh phúc trên đời, bởi vậy xa nhau tôi không nỡ bôi lọ trên mặt nó. Tôi muốn cho cuộc rời rã nầy do nơi mạng số. Vợ tôi gieo nhơn nào thì nó hái quả nấy. Việc ai làm nấy chịu, má với mấy anh có can cớ chi đâu mà tôi phiền. Xin anh Ba về thưa với má, dầu tôi phải xa vợ, mà đứa con tôi còn đó, nó chấm dấu khoảng đời vui vẻ của tôi. Ra vô tôi thấy nó, làm sao tôi quên má với mấy anh chị cho được, bao giờ tôi cũng kính cha mẹ luôn luôn”.

Ba Khai cảm động nên ứa nước mắt mà đáp:

-Đến nước nầy mà dượng còn giữ nhân nghĩa hoài, tôi nghĩ lại thiệt tôi giận con Cẩm Nhung hết sức. Tôi không muốn kể tội khốn nạn của nó cho dượng nghe…

-Thôi, anh Ba. Việc không tốt kể ra làm chi. Tôi coi như chuyện chiêm bao. Tôi muốn quên hết cho an trí.

-Dượng thiệt đáng mặt quân tử. Tôi xin tỏ thiệt với dượng, không còn cha thì tôi là con trai lớn trong nhà, tôi có quyền nghiêm trị các em. Tôi hứa chắc với dượng, Cẩm Nhung gây tội, nó phải đền tội.

-Anh Ba giận làm chi, nên xem đó là tai họa bất ngờ nên tránh khỏi vậy thôi. Lo giải hòa tốt hơn là hờn giận.

-Không được dượng à. Làm tội thì phải đền tội chớ. Hổm nay nó biết xấu hổ nên nó đòi tự vận cho rồi. Được đậu. Làm tội rồi chết, đó là trốn tránh, chớ đâu phải đền tội. Phải sống mà đền cho hết tội mới được. Mà việc đó là việc của tôi. Dượng để cho má với tôi xử trí. Bây giờ tôi xin nói việc của dượng. Má muốn qua cho giáp mặt đặng tỏ nỗi lòng của má cho bác với dượng nghe. Ngặt con Cẩm Nhung làm cho má buồn rầu lại thêm hổ thẹn quá, nên má đi không được. Má biểu tôi qua nói với dượng rằng Cẩm Nhung làm việc tồi tệ như vậy, dượng tính cuộc phân ly là phải. Vợ đã lấy trai có bằng cớ rõ ràng, còn gần gũi làm sao cho được nữa, bởi vậy má không dám xin dượng che chở giùm cho má với anh em tôi khỏi bị thiên hạ cười chê. Nghe lời bà Kinh nói hôm qua thì má cảm ơn đức của dượng lung lắm, bởi vậy dượng dạy lẽ nào má cũng chịu hết, dượng muốn thứ gì má cũng sẽ làm cho dượng vừa lòng.

-Tôi có muốn gì đâu. Tôi chỉ tính phá hôn thú cho vợ tôi thong thả, song phá một cách êm thấm cho nó khỏi mang tiếng xấu. Nếu tôi vô đơn mà kiện thì tôi phải hài tội của nó, nên tôi khống đành. Tôi muốn nó viện lý phu phụ hất hòa, nó vô đơn xin để. Nó vô đơn trước rồi tôi cũng vô đơn nói như nó mà ưng thuận để bỏ. Tòa sẽ đòi hai đàng, Tòa kiếm thế hòa giải, hai đàng cứ quyết rã rời. Tòa hòa giải ít lần không được tự nhiên Tòa sẽ lên án cho để, mà khỏi mang tiếng chi hết.

-Cha chả, phải làm đơn cách nào ? Cái đó thiệt tôi không hiểu.

-Về thủ tục theo pháp luật anh hiểu không nổi đâu. Phải chịu tốn ít trăm mướn Trạng sư làm cho mới được. Việc sẽ dây dưa ít tháng, phải có Trạng sư đi hầu đặng cãi lẽ cho.

-Tốn thì chịu tốn chớ sao.

-Anh ra mướn Trạng sư, anh cắt nghĩa cho ổng nghe như tôi mới nói đó, thì ổng hiểu liền.

-Để về tôi thưa cho má hay rồi mai tôi đi mướn Trạng sư. Mà dượng cũng phải vô đơn xin để, dượng cũng phải mướn Trạng sư. Để tôi đem tiền qua cho dượng trả tổn phí.

-Khỏi. Tôi không cần mướn Trạng sư. Tôi vô đơn, tôi xuôi thuận theo vợ tôi, tôi chịu để bỏ, tôi có chống cự gì đâu mà phái có Trạng sư cãi lẽ.

-Má có dặn tôi như vầy: dượng muốn cái gì, tôi cũng phải chịu hết, muốn có một số tiền để nuôi cháu Tân hay muốn có nhà cửa cho cháu ở rộng rãi cũng được. Dượng mua mấy ngàn má cũng cho, hay muốn nhà nào má sẽ mua để cháu Tân đứng bộ.

-Xin anh thưa lại với má, tôi cám ơn má lắm, nhưng tôi không muốn gì hết. Vĩnh Tân là con của tôi tự nhiên tôi phải nuôi nó. Cha con tôi ở phố như vầy cũng an rồi, cần gì phải có nhà cửa. Tôi chỉ xin một điều là vợ tôi vô đơn xin để, nó đừng nài bắt Vĩnh Tân về mà nuôi.

-Ối. Cái đó dượng khỏi buộc. Thứ mẹ hư mà nài bắt con nỗi gì. Tôi bảo lãnh việc đó. Dầu Tòa có dạy dượng phả giao con cho nó đi nữa, tôi cũng bắt cháu đem trả cho dượng nuôi. Thôi để tôi thưa lại cho má hay rồi mai tôi đi nói chuyện với Trạng sư.

-Hễ Trạng sư vô đơn rồi thì anh cho tôi hay đặng tôi vô đơn tiếp theo.

-Làm vtêc gì tôi cũng do nơi dượng. Tôi sẽ ghé thường.

Ba Khai cáo từ. Vĩnh xuân đưa anh vợ ra tới xe. Ba Khai nói: má có nói dầu vợ chồng dượng có rời rã đi nữa, má cũng vẫn coi dượng là rể quí của má. Còn phần tôi đối với dượng, tôi thề có Trời Đất chứng minh, tình anh em thủy chung như nhứt, không bao giờ phai lợt.

Vĩnh Xuân cảm động không nói được.

Ba Khai lau nước mắt lên xe mà đi.

Vĩnh Xuâu đi thẳng lại nhà ông Kinh mà thuật cuộc hội đàm đó cho mẹ và vợ chồng ông Kinh nghe. Ai cũng khen bà Chủ Thiệu với Ba Khai biết điều và tiếc mạng số khiến Cẩm Nhung gây tai họa đặng dứt tình thân ái.

Vĩnh Xuân buồn mà nói: “Tại mạng số của tôi khiến cho tôi không có vợ, chớ không phải tại ai hết. Trước kia Cúc Hương là con thà giàu, cô khắn khít với tôi, thì Trời khiến cha mẹ cô chê tôi nghèo làm cho cô phải tìm cái chết đặng trọn nghĩa với tôi. Sau tôi cưới Cẩm Nhung, cũng con nhà giàu, mà mẹ vợ với anh vợ quí trọng cái nghèo của tôi, thì Trời khiến cho cô hư, đặng vợ chồng tôi rời rã. Cuộc đời trớ trêu quá ! Ấy vậy muôn việc đều tại Trời. Mình cứ đường ngay thẳng mà đi, đừng ham muốn mà cũng đừng ưu phiền chi hết

Ông Kinh nói: “Lời đạo đức quá !”.

Bà Hương văn nói: “Giàu nghèo hay còn mất, tôi không cần. Tôi có chút cháu nội đây thì đủ cho tôi vui”. Bà dắt Vĩnh Tân về dỗ ngủ.

Ông Kinh với Vĩnh Xuân uống trà rồi đờn chơi. Việc vợ chồng Vĩnh Xuân vào đơn tại Tòa lấy cớ phu phụ bất hòa mà ly dị, Tòa giải hòa ba lần không được, nên cách vài tháng sau Tòa lên án cho phá hôn thú, giao Vĩnh Tân cho cha nuôi. Nhà bà Chủ Thiệu khỏi mang tiếng thiên hạ cười chê. Mẹ con bà cảm đức mến tình Vĩnh Xuân hết sức.

PHẦN V - CHƯƠNG 22 -

P

han Vĩnh Xuân từ chức ký lục, thông ngôn lần lần thăng tới chức Tri Phủ. Trót một khoảng đời gần 18 năm, luôn luôn ông tùng sự Tòa Bố Mỹ Tho. Từ chức nhỏ tới chức lớn, trong quan trường ông giữ một mực thanh liêm chánh trực, thương dân quê nên không nỡ hại dân quê, lo phận sự nên không lỗi về phận sự.

Còn về đời tư của ông, thì ông không ưa lòe lẹt, không ham bạc tiền, vui chơi với thú cầm thi, kết bạn với người quân tử. Ông tu tâm dưỡng tánh, không màng lợi danh, cứ ôm nhân nghĩa, không bợ ai mà cũng không sợ ai, không vị ai mà cũng không ghét ai.

Đối với người cũng như đối với ông, ông chỉ làm bao nhiêu đó mà thôi. Bền chí thanh cao lánh xa tục lụy.

Thế mà trong xóm đui mù, người nào còn được một con mắt thì người đó làm chúa tể. Vĩnh Xuân sáng suốt hơn người chút đỉnh, mà danh thơm bay khắp gần xa.

Ở Cần Thơ người ta đã nghe danh Vĩnh Xuân làm quan thanh liêm ngay thẳng, học giỏi, văn hay, đờn ngón tươi, thi tao nhã. Hay tin Vĩnh Xuân sắp đổi lại, đám quan trường cũng như hạng điền chủ ai cũng trông coi quan Phủ mới xử dân khắc kỷ thế nào mà được tiếng thiên hạ ngợi khen đến thế.

Quan Phủ Vĩnh Xuân đi tàu qua tới Cần Thơ mới 2 giờ chiều. Ông kêu hai chiếc xe kéo, một chiếc chở các hoa ly, còn một chiếc ông ngồi, tay cầm cây đờn kìm yêu quí thuở nay nên ông đem theo đặng lúc nào buồn thì có sẵn mà giải muộn. Ông biểu xe chạy lại nhà hàng bun-ga-lô, ông vô nói với chủ nhà hàng, người Pháp, cho ông mướn một cái phòng rộng rãi, mát mẻ, đặng ông ở đỡ năm ba bữa. Ông cũng cho hay ông sẽ ăn cơm tại nhà hàng, như bữa nào ông không ăn thì ông sẽ nói trước.

Chủ nhà hàng kêu bồi và đưa chìa khóa biểu dọn một phòng lớn trên lầu. Bồi đem hoa ly và đờn lên lầu. Quan Phủ trả tiền xe rồi đi lên sau với chủ nhà hàng.

Vĩnh Xuân coi phòng rồi ngó ra phía mé sông Hậu Giang, thấy sông rộng, nước mênh mông thì đắc chí nên cám ơn ông chủ. Ông chủ hỏi khách lại đây chơi hay có việc chi. Vĩnh Xuân nói ông là Tri phủ, đổi lại làm việc với quan Chủ Tỉnh. Chủ nhà hàng được biết khách là một công chức cao cấp thì niềm nở, dặn bồi phải chăm nom tử tế, khách cần dùng thứ chi thì phải làm cho khách vừa lòng luôn luôn.

Vĩnh Xuân thay đồ đi tắm cho mát, rồi biểu bồi cho một ly sữa nước đá. Ông nằm nghỉ gần 4 giờ mới thay đồ, bịt khăn đen đàng hoàng, kêu xe vô tòa Bố đặng trình diện với quan Chủ Tỉnh.

Quan Chủ Tỉnh tiếp quan Phủ Vĩnh Xuân rất vui vẻ, ông nói Cần Thơ chia ra năm quận, đã mấy răm rồi quận nào cũng có đặt quan Việt chăm nom làng tổng, nhưng tại tòa Bố cần phải có một viên quan Việt thông thạo, giỏi giắn để phụ trách với ông mà xem xét chung công việc của các quận, các tổng, các làng, đặng chỗ nào bê trễ thì thôi thúc cho mau, chỗ nào lầm lạc thì sửa đổi cho đúng đắn. Tại như vậy nên ông mới xin với quan trên bổ thêm một viên Tri Phủ trẻ tuổi và nhậm lẹ. Ông xin quan Phủ hết lòng phụ tá với ông ít năm đặng sắp đặt cơ quan hành chánh trong tỉnh được chu đáo. Ông lại nói ông đã định cấp cho quan Phủ cái nhà lầu nhỏ nhỏ nằm ở phía sau Toà Bố. Ông đã có dạy sở Công Chánh sơn phết lại sạch sẽ cho quan Phủ dọn ở, ông liền dùng dây thép nói mà hỏi quan Trường Tiền đã khởi công sửa soạn cái nhà lầu cho quan Phủ hay chưa. Quan Trường Tiền trả lời rằng thợ đã khởi công hai bữa rồi, trong ba ngày nữa thì dọn ở được.

Quan Chủ Tỉnh dắt quan Phủ xuống từng dưới mà giới thiệu với quan phó Chủ Tỉnh rồi luôn địp đem ông đi coi cái nhà định cấp cho ông.

Mấy thầy trong Tòa Bố thấy quan Phủ còn trẻ quá nên liền cãi với nhau, người nói tuổi chừng 30, kẻ đoán 35, không dè Vĩnh Xuân lại tới tứ tuần, nhưng nhờ ăn điều độ, không uống rượu, không hút thuốc, không ta bà sáng đêm, không sa mê ong bướm, nên sức khoẻ vẫn đầy đủ, tinh thần vẫn tráng cường, không già, không mỏi.

Chừng trở lại Tòa Bố, quan Phó mới dắt chỉ phòng làm việc của quan Phủ. Quan Chánh kêu thầy Đáng là thông ngôn của ông, biểu đem quan Phủ đi giới thiệu với mấy thầy rồi ông từ giã nói quan Phủ muốn bữa nào bắt tay vào việc cũng được. Quan Phó nói ngày mai ông biểu sở Công Chánh cho người dọn dẹp phòng giấy của quan Phủ cho đàng hoàng rồi mốt sẽ làm việc.

Tan hầu, Vĩnh Xuân trở về nhà hàng, lấy giấy viết một tin điển đặng sáng bữa sau đánh về Mỹ Tho cho ông Kinh Lương hay, nhà nước đã cấp cho một nhà lầu đương sơn phết trong ba ngày nữa thì ở được. Ông cậy ông Kinh cho Ba Khai hay và biểu dọn đồ chở qua liền, hễ đồ tới thì nhà cũng sơn xong.

Lúc nầy ở bun - ga - lô không có khách đông, chỉ có hai vợ chồng người Pháp với một người Pháp khác đã già, coi máy điện trong châu thành ăn cơm tháng tại nhà hàng. Ăn cơm tối rồi, ba người Pháp ngồi tại phòng khách đánh cờ uống rượu chơi để giải trí.

Vĩnh Xuân lên phòng thay đồ mát, thấy mặt trăng tỏ rạng đã lên cao được vài sào, dọi ánh sáng xuống vàm sông Cần Thơ làm rực rỡ mặt nước đương lao xao dưới gió. Ngoài vàm là sông Hậu Giang, rộng lớn mênh mông, nao nao dòng nước đỏ. Một chiếc tàu kéo một đoàn ghe đi ngược nước, thổi súp lê vang rân. Vài cánh buồm trắng thấy xa xa, nương theo chiều gió mà tiến.

Nhìn quang cảnh, Vĩnh Xuân cảm hứng ông mới kéo cái ghế xít đu ra để ngoài hành lang rồi lấy tây đờn kìm ra nằm ngó trăng, ngó nước mà đờn. Giọng to réo tắt, tiếng nhỏ rì rào, hiệp nhau làm mê mẩn tâm hồn của người nghe, rồi dường như đưa trí người ra biển cả xa xuôi, hoặc lên mây xanh vòi voi.

Vĩnh Xuân đương say sưa với cảnh thú, không hay có hai người lên thang lầu rồi nhẹ bước đi lại chỗ ông nằm đờn. Chừng ông nghe động, ông day mặt lại, thì thấy thầy Đáng, thông ngôn của quan Chánh Chủ Tỉnh, mặc âu phục đi với một người lớn tuổi bịt khăn đen mặc áo dài.

Ông buông đờn, đứng dậy tiếp chào. Thầy Đáng nói: „Thưa quan lớn, em ra thăm coi quan lớn ở đây có điều chi bất tiện hay không. Thầy Cai Tổng sở tại hay quan lớn mới lại nên theo em ra mừng quan lớn“.

Quan Phủ bắt tay cám ơn thầy Đáng với thầy Cai, mời khách vô phòng mà ngồi, kêu bồi biểu lấy ly với la de nước đá đặng đãi khách. Ông nói ở đỡ tại đây ít bữa, đợi đồ chở xuống rồi sẽ dọn nhà. Ở đây rất thanh tịnh, lại có cảnh nên thơ. Bởi vậy ông vừa lòng lắm. Thầy Cai nói nếu ở đây có điều chi bất tiện thì thầy xin mời quan Phủ vô nhà thầy mà ở đặng chờ sơn nhà. Quan Phủ cám ơn, nói ở đây tiện lắm. Rồi đó ông hỏi thăm những thân hào, chức sắc tại châu thành, hỏi cho biết dặng chừng sắp đặt bề ăn ở xong rồi, ông sẽ đi thăm cho biết nhau.

Thầy Đáng cưòi mà nói:

-Mấy năm rồi anh em tôi có nghe danh quan lớn ưa thú phong lưu, đờn tươi, thi cứng. Hồi nãy lên thang hai bà con tôi nghe tiếng đờn, có đứng lại lóng nghe nuột chút, thiệt quan lớn đờn hay quá.

-Ở Mỹ Tho buồn, tôi tập đờn để giải muộn. May ở đó nhằm đường qua lại của mấy ông nhạc sư. Tôi nhờ mấy ổng chỉ giùm, tôi tập nhiều năm rồi đờn nghe được. Không biết ở đây có ai học nho giỏi, đờn hay, thi tao nhã hay không thầy Cai ?

Thầy Cai Tồng đáp:

-Bấm, không có. Bên Trà Mơn có vài người học nho, nhưng khá khá vậy thôi, chớ chưa dám sánh với bực danh nho thi bá. Tôi nghe nói thuở xưa quan thanh liêm đi phó nhậm chỉ có một cây đờn cầm với một con hạc, thế mà tới đâu cũng bố đức cho dân lạc nghiệp an cư. Đời nay không có hạc thì quan lớn đi phó nhậm với một cây đờn, tôi tưởng cũng đủ rưới ân đức cho nhơn dân xứ Cần Thơ nhuần gội.

-Thầy Cai đem tôi mà sánh với quan đời xưa sao được. Nước đã mất chủ quyền, dân đã thành tôi mọi. Tôi làm quan, song cũng là một tay sai của người ta, lịnh trên dạy phải làm sao, tôi phải làm theo như vậy. Tôi cũng như anh đầu bếp nấu cơm, chủ nhà đưa mắm muối biểu phải nêm cho thiệt mặn. Tôi tráo trở làm cho lạt bớt đặng dễ ăn. Đó cũng đủ nát trí khôn rồi. Khỏi bị rầy, bị quở ấy là may, mong gì làm cho người ăn khen canh ngọt ngon được.

-Thuở nay mới được nghe lời đạo nghĩa. Quan lớn nói như vậy thì đủ biết tổng làng dân giả sẽ nhờ đức quan lớn nhiều. Hèn chi danh thơm của quan lớn bay khắp Lục Tỉnh thiệt phải lắm.

Thầy Cai Tổng với thầy Đáng nói chuyện một hồi nữa rồi cáo từ mà về để cho Vĩnh Xuân nghỉ.

Sáng bữa sau, Vĩnh Xuân kêu xe kéo lại sở Bưu Điện đánh dây thép cho ông Kinh Lương rồi đi dạo châu thành một vòng.

Trưa bữa đó, ông Kinh được dây thép. Ông biểu thằng Ca ở với bà Hương văn cầm qua Chợ Cũ đưa cho Ba Khai coi.

Ba Khai thắng xe qua liền. Cậu nói ghe bạn cậu đã sắp đặt sẵn sàng, ghe thì ghe nhà, còn bạn đều là tá đến, tá thổ của cậu. Cậu bàn tính với bà Hương văn và vợ chồng ông Kinh rồi định sáng bữa sau cậu cho ghe bạn qua dọn đồ mà chở, đến chiều ghe lui đi trước. Trong hai ngày ghe sẽ qua tới Cần Thơ, thì nhà đã sơn phết xong, bạn dọn đồ lên được. Bà Hương văn với cháu Tân ở bên nây đến bữa kia cậu sẽ đưa đi tàu đặng coi dọn nhà giùm cho quan Phủ. Bà Hương văn nói thím Tư Cam với thằng Ca đều chịu đi theo, vậy nên để Ca thco ghe chở đồ, còn thín Tư Cam thì đi tàu với bà.

Ba Khai về đặng gom bạn. Đến xế bà Chủ Thiệu qua mời bà Hương văn, hễ mai dọn đồ thì chị sui với cháu Tân qua nhà bà mà ở, rồi Ba Khai sẽ đưa đi sau. Bà hương văn từ chối xin để ở bên nây với bà Kinh, nhưng bà hứa trước bữa xuống tàu mà đi, bà sẽ qua chơi với chị sui một ngày đặng từ biệt.

Sáng bữa sau, Ba Khai qua coi dọn đồ. Đồ lặt vặt thì vô thùng đặng chở cho gọn. Đến xế đồ chở xong hết, Ba Khai đưa tiền cho đà công đem theo đặng mua ăn dọc đường, rồi cho lui ghe, có thằng Ca theo. Đà công nói trưa mốt ghe sẽ tới Cần Thơ.

Ba Khai mời bà Hương văn với vợ chồng ông Kinh sáng mai qua nhà ở chơi một ngày. Ông Kinh than già yếu, ngồi lâu không tiện, nên ông cáo từ, để bà Kinh đi với bà Hương văn.

Sáng một lát, xe qua rước hai bà với Vĩnh Tân. Bà Chủ Thiệu tiếp khách với tấm lòng thân ái, vui vẻ cực điểm.

Hai bà khách vừa ngồi, bà Chủ kéo Vĩnh Tân lại đứng một bên đặng vuốt ve cháu ngoại, thì cô Cẩm Nhung ở trong buồng bước ra, cô mặc quần lãnh đen với áo xuyến đen. Cô xá bà Hương văn với bà Kinh, nước mắt tuôn dầm dề, không mở miệng nói được. Cô đứng ngó Vĩnh Tân trân trân, rồi tức tủi rồi kéo con lại cái ghế gần đó, cô ngồi, để con đứng truớc mặt. Cô vừa khóc, vừa nói: „Dữ quá! Đã tám chín năm rồi, má mới được giáp mặt với con đây! Mà cũng nhờ có ba con xin xá tội cho má, nên hôm nay má được hưởng cái phước nầy !“.

Cẩm Nhung khóc quá, nói không được nữa.

Vĩnh Tân đứng trơ trơ nhìn mẹ, dường như nhìn người dưng, không hiểu chi hết.

Bà Hương văn với bà Kinh đều cảm động, thấy Cẩm Nhung năm nay ốm yếu, má cóp, sắc phai, chớ không phải đẹp đẽ phương phi như trước nữa.

Cẩm Nhung nắm tay con mà nói tiếp: „Má có lỗi với cha con, lỗi lớn lắm, không thể tha thứ được nhưng mà ba con quảng đại, ba con xin giảm hình phạt cho má. Con là máu thịt của má, má xin con nghĩ công má mang nặng đẻ đau, con đừng khinh rẻ má tội nghiệp nghe hôn con. Tám chín năm nay má đau khổ nhiều lắm rồi. Má vẫn biết, dầu ba con xá tội cho má, phận má thì cũng phải đền tội đến già, kiếp nầy má không được phép mong mỏi vui sướng nữa. Má chỉ xin con đừng phiền má, lâu lâu cho má gặp mặt đặng má thăm một chút vậy thôi. Tô nước đã đổ xuống đất rồi hốt lại làm sao cho đầy được. Má không dám ép con phải kính, phải thương má, má chỉ xin con đừng khinh rẻ, đừng giận hờn vậy thôi“.

Cô nói dứt lời liền kéo Vĩnh Tân mà ôm trong lòng, kề mặt hun hai gò má con, rồi buông ra, đứng dậy xá bà Hương văn và bà Kinh mà trở vô buồng.

Bà Hương văn thấy Cẩm Nhung bị hình phạt tinh thần còn nặng nề đau đớn hơn hình phạt của mẹ và anh gia cho cô nữa, bởi vậy bà động lòng quá, chịu không nổi, nên bà kêu cô mà nói : „Con đứng lại cho má nói một ehút. Ngày vợ chồng con phải xa nhau, thì thằng Tân mới dược có ba tuổi. Má nghĩ tình mẹ con của Tân, thì má bất nhẫn, nên má than vắn thở dài. Ngặt tai họa lớn quá ép buọc vợ chồng phải rời rã, nên phải chịu vậy, chớ má cũng như cha thằng Tân không nỡ hờn giận con. Bây giờ má biết con đau khổ nhiều lắm, mà con lại ăn năn hối hận. Vậy má với cha thằng Tân không dứt tình mẫu tử của con đâu. Mai nó đi với má qua Cần Thơ. Con ở lại mạnh giỏi, đừng buồn rầu nữa. Má hứa, má sẽ dạy dỗ Tân cho nó biết công ơn sanh thành, nó không phụ tình mẫu tử. Hễ có dịp trở lại đây, thì má sẽ dắt Tân theo đặng nó thăm bà ngoại, mẹ và mấy cậu mợ nó, con hãy an lòng“.

Cẩm Nhung cảm ơn mẹ chồng cũ và khóc mà đi vô buồng.

Tân theo chơi với Ba Khai. Bà Hương văn với bà Kinh ở chơi đến chiều xế mới đưa về. Bà chủ với Cẩm Nhung đưa khách ra xe. Bà Hương văn biểu Vĩnh Tân xá bà ngoại với mẹ mà từ giã. Bà Chủ cho Tân 200$,00, biểu để dành mua bánh ăn đi học. Cẩm Nhung ôm con hun hít một hồi rồi mới để cho con lên xe.

Ba Khai hứa sáng bữa sau cậu sẽ qua sớm.

Thiệt bữa sau mặt trời chưa mọc thì bà Chủ với Ba Khai đã ngồi xe qua tới.

Đồ đạc của bà Hương văn chỉ còn có hai cái rương nhỏ. Gần 7 giờ rưởi, Ba Khai với thím Tư Cam lấy xe chở đem trước xuống tàu Cần Thơ. Ba Khai để thím Tư Cam ngồi coi chừng đồ. Cậu lên mua giấy tàu rồi ngồi xe trở lại nhà ông Kinh. Ông Kinh trặt chưn đi đưa không được. Ông nhắn với bà Hương văn nói với quan Phủ ông có gởi lời cầu chúc hoạn lộ thanh bình, quan yêu dân chuộng.

Ba Khai kêu thêm một chiếc xe kéo đặng cậu đi với Vĩnh Tân, để xe ngựa cho ba bà đi. Bà Chủ với bà Kinh quyến luyến với bà Hương văn và Vĩnh Tân, đến lúc xe lửa lại, hai bà mới từ biệt trở lên cầu, để cho Ba Khai đưa qua tới Cần Thơ.

Hai giờ chiều tàu tới Cần Thơ thì ghe chở đồ cũng vừa mới tới. Ba Khai coi đem đồ lên cầu tàu, biểu thím Tư Cam ngồi đó coi chừng đồ. Cậu kêu xe kéo đi với bà Hương văn và Vĩnh Tân lại bun - ga - lô kiếm quan Phủ.

Vĩnh Xuân nghỉ trưa mới thức dậy, thấy mẹ, thấy con, thấy anh vợ bước vô thì mừng quá, hỏi đói bụng hay không đặng biểu bi dọn đồ ăn. Ai nấy nói có ăn dưới tàu nên không đói. Ông mới biểu bồi làm bốn ly cà phê sữa rồi uống với nhau mà nói chuyện.

Nghe nói ghe đồ cũng đã tới rồi và thím Tư Cam còn ngồi giữ rương đằng cầu tàu. Vĩnh Xuân nói nhà sửa soạn xong rồi từ hôm qua, để trống hầu đánh, ông sẽ xin tội đẩy xe đem đồ dọn liền. Ông biểu một người bồi lại cầu tàu hỏi thím Tư Cam rồi kêu xe kéo chở rương với thím lại nhà hàng. Ông lại dặn mở thêm một cái phòng nữa cho bà con ở đỡ tại đây, mai đồ dọn xong rồi sẽ về nhà mới.

Ông thay đồ đặng lại Tòa Bố mà xin tội dọn nhà, biểu Ba Khai đi theo cho biết nhà mới.

Xuống từng dưới, Vĩnh Xuân dặn chủ nhà hàng cho thêm một phòng nữa và chiều nay có thêm ba người ăn cơm.

Ông dắt Ba Khai lại coi cái nhà lầu cấp cho ông. Ba Khai khen nhà tốt, trước có sân trồng hoa, chung quanh nhà có cây sao lớn cho tàn mát mẻ. Ông dắt luôn lại Tòa Bố nói với quan Phó cho tội xuống mé sông xe đồ lên dọn nhà.

Ba Khai xin về đặng kiếm chỗ dời ghe đậu gần nhà mà đem đồ lên cho, mau.

Tội xe đồ lên, Ba Khai với ba người bạn chèo chực sẵn trên nhà mà sắp đặt thứ nào để trên lầu, thứ nào để từng dưới. Thằng Ca với thím Tự Cam cũng lại phụ coi dọn, thím Tư Cam đặc biệt lo dọn đồ trong nhà bếp, nhà chia ra nhiều căn, có chỗ nấu ăn, có chỗ bồi bếp ngủ, có kho chứa gạo, củi.

Đến chiều Vĩnh Xuân về, ghé coi thì đồ đạc đã dọn xong rồi hết. Thằng Ca lại nhà hàng chở rương và rước bà Hương văn với Vĩnh Tân lại coi nhà mới. Bà Hương văn thấy nhà cửa tốt, rộng rãi, mát mẻ thì bà mừng vô cùng. Từng dưới, phía ngoài, có phòng tiếp khách, một bên là phòng việc và đọc sách, phía trong một bên là phòng ăn, có phòng tiếp khách đàn bà, còn một bên là phòng ngủ.

Vĩnh xuân định ông sẽ ở từng dưới, để từng lầu thờ ông bà và bà Hương văn với Vĩnh Tân ngủ. Ba Khai do theo ý đó mà chỉ cho mấy người bạn khiêng dọn, đến tối đã xong xuôi hết.

Vặn đèn điện cháy các phòng từ nhà lầu xuống nhà bếp sáng trưng. Thím Tư Cam với thằng Ca vui lòng hết sức.

Vĩnh Xuân đưa tiền cho thím Tư Cam dặn thím sai thằng Ca ra chợ mua cơm và đồ ăn về hai người ăn và ở coi nhà. Ông nói ngày mai bà con còn phải ăn cơm ở nhà hàng trọn ngày đặng bà Hương văn có thì giờ mua gạo củi, nước mắm. Tối mai sẽ ngủ nhà mới rồi ngày mốt sẽ đi chợ nấu ăn tại nhà.

Vĩnh Xuân nói nhà đã dọn xong, ông hỏi tiền chở đồ tốn hao bao nhiêu đặng ông trả rồi cho ghe về. Ba Khai nói: “Ghe nhà, bạn nhà, không tốn chi hết. Mà tôi đã hứa chở đồ qua cho dượng, thì dượng còn nói làm chi“. Vĩnh Xuân nói thôi để ông thưởng công mấy anh em. Ba Khai nói cậu đã cho tiền đủ năm người rồi đặng khuya họ lui ghe mà về, khỏi cho nữa. Vĩnh Xuân không nghe cứ lấy 50 đồng đưa cho đà công biểu chia cho mấy anh em, nói đó là của ông thưởng riêng.

Mấy người bạn cám ơn rồi từ giã xuống ghe đặng khuya nhổ sào lui cho sớm.

Vĩnh Xuân mời mẹ với Ba Khai trở lại nhà hàng ăn cơm. Vĩnh Tân được ở nhà tốt thì vui mừng, nhưng cứ theo hỏi cha chừng nào mới đi học được và trường gần hay xa.

Ăn cơm tối rồi, bà Hương văn với Vĩnh Tân ngủ chung một phòng, còn Ba Khai ngủ chung với Vĩnh Xuân. Khai với Xuân kéo ghế xít đu ra hành lang nằm hứng gió, hưởng trăng, nhìn trời, xem nước, đàm đạo với nhau rất khuya.

Ba Khai cảm xúc nên nói: „Dượng lấy nhơn nghĩa mà ở đời, lấy quảng đại mà xử sự, nên ngày nay Trời, Phật mới ban cho dượng một phần thưởng rất xứng đáng, trên được quan yêu dưới được dân mến. Tôi thấy dượng hiển đạt, tôi vui mừng vô cùng. Bữa nay tôi tỏ thiệt với dượng vì tôi ái mộ thanh liêm ngay thẳng của dượng nên ngày trước tôi mới đốc má gả Cẩm Nhung cho dượng. Tại mạng số nó vô phước nên Trời, Phật khiến cho có tai họa đặng vợ chồng xa nhau và đặng nó không được chung hưởng vinh hoa với dượng. Nó có tội, tôi với má lấy gia pháp mà trị nó rất gắt gao. Năm dượng thi đậu Huyện, dượng xin tôi với má hỉ xả cho nó. Thể theo lòng quảng đại của dượng, mấy năm nay tôi dung chế nhiều, cho nó mặc hàng lụa và cho nó được lên nhà trên, nhưng không cho đi chơi đâu hết. Thiệt nó biết thân, mà lại ăn năn, nên chẳng muốn đi đâu, hết ham vui chơi. Hôm ghe chở đồ đi, má có mời bác đem Vĩnh Tân qua mà ở chơi một ngày. Cẩm Nhung xin má cho nó thấy mặt con nó một chút rồi mẹ con lìa nhau. Nó gặp con nó than khóc, làm cho bác với bà Kinh đều cảm động. Nó xin bác lâu lâu cho phép nó gặp con nó một lần, đặng nó bớt đau khổ. Bác cầm lòng không đậu, nên bác chịu cho. Vậy tôi xin dượng liệu coi có nên để cho Vĩnh Tân nhìn mẹ nó hay không. Đó là quyền của dượng. Tôi thấy rõ Vĩnh Tân thấy mẹ thì nó lơ lãng như thấy người dưng, còn Cẩm Nhung đau khổ nặng nề hơn là cách tôi với má phạt nó nữa“.

Vĩnh Xuân suy nghĩ rồi ngồi dậy mà nói: „Tình mẹ con là tình thiên nhiên, nếu mình dứt thì mang tiếng ác. Huống chi Vĩnh Tân là con trai lại lớn rồi, dầu gần mẹ cũng không hại gì. Vậy từ rày sắp tới hễ có bãi trường thì tôi xin má tôi đem nó qua ở chơi với bà ngoại nó ít bữa đặng nó gần mẹ nó“.

Hơn nữa, anh Ba về kêu thợ chụp hình, chụp chơn đung của cô Cẩm Nhung mà gởi cho tôi một tấm. Tôi sẽ cậy má tôi giao cho Vĩnh Tân cất, đặng nó nhớ hình dạng cua mẹ nó cho quen”.

Ba Khai cám ơn và hứa về sẽ làm y theo lời dặn.

Sáng bữa sau, bà Hương văn với Vĩnh Tân đòi về nhà mới mà ở, đến giờ ăn cơm thì lại nhà hàng ăn mà thôi. Ba Khai cũng đi theo đặng coi sắp đặt đồ đạc cho đàng hoàng.

Vĩnh Xuân trả bớt một cái phòng, chỉ để hờ một cái đặng nghỉ trưa với Ba Khai rồi chiều tối ăn cơm rồi sẽ trả luôn mà về nhà mới.

Quan Phủ đi làm việc. Bà Hương văn dắt thím tư Cam đi mua gạo, mua củi, lo mua đồ đặng bữa sau nấu ăn.

Ba Khai dặn thằng Ca coi nhà, cậu dắt Vĩnh Tân đi chợ chơi. Cậu thấy có bàn viết nhỏ coi đẹp lại vừa cho Vĩnh Tân ngồi học. Cậu mua liền cho cháu, lại mua một cái đèn điện đặng để trên bàn viết cho ban đêm cháu học. Cậu mướn xe chở về dọn trên lầu một chỗ yên tịnh cho cháu ngồi học thảnh thơi, gần cửa phòng ngủ của cháu.

Ăn cơm tối ngoài nhà hàng rồi, Vĩnh Xuân trả tiền cơm, tiền phòng mấy bữa rồi kêu xe chở hoa ly và cây đờn về nhà mà ngủ.

Ba Khai lục lạo hồi chiều kiếm mua được một hộp trà Thiếc Quan Âm, về nhà mới cậu biểu thằng Ca nấu nước, cậu bỏ trà mới mà chế một bình rồỉ ngồi tại phòng đọc sách uống với Vĩnh Xuân.

Vĩnh Xuân đắc ý lấy đờn mà đờn vài bài. Đêm ấy hai anh em thức nói chuyện chơi với nhau đến 11 giờ rồi phải nghỉ, đặng khuya Ba Khai dậy sớm xuống tàu mà về.

Bánh mì với cá hộp đã có mua sẵn hồi chiều. Nghe đồng hồ gõ 5 giờ, bà Hương văn kêu thím Tư Cam với thằng Ca thức dậy nấu nước chế cà phê và dọn đồ cho Ba Khai lót lòng.

Quan Phủ với Vĩnh Tân cũng thức dậy ăn uống với Ba Khai. Bà Hương văn thấy Khai thành thiệt lo lắng cho con cháu bà, nên bà quyến luyến theo nói với Khai. Bà có lời cầu chúc chị sui an vui, mạnh khoẻ và mời chị sui khi nào rảnh rang thì qua Cần Thơ ở chơi ít bữa với bà.

Cha con Vĩnh Xuân đưa Ba Khai xuống tàu. Lúc phân ly, Ba Khai cặp dang díu nắm tay Vĩnh Tân ráng noi gương cha mà học cho giỏi, ăn ở thanh cao, cuối năm nay phải thi đậu đặng trở qua học trường lớn Mỹ Tho có cậu với bà ngoại chăm nom, bảo bọc.

Vĩnh Xuân cũng gởi lời kính chúc bà Chủ cùng bà con lớn nhỏ mạnh khoẻ, rồi tàu súp lê mở đây chạy ra vàm.

Thấy còn sớm, Vĩnh Xuân dắt con đi dạo chơi một vòng, dắt đi ngang trường học chỉ cho con coi, rồi dắt trở về nhà, do những đường tắt cho gần đặng con biết mà đi học.

Đến sáng thứ hại, Vĩnh Xuân mới đem Vĩnh Tân lại tường xin ông đốc học ghi tên con vào sổ cho con học lớp nhứt tiếp theo trường Mỹ Tho.

Thế thì hai cha con đều nhập tịch theo người Cần Thơ, con đi học.

PHẦN V - CHƯƠNG 23 -

B

à Hương văn Thanh tuổiđã gần 70 mà sức khoẻ vẫn còn đầy đủ. Bà ưa hoạt động, lại quen cần lao, nay làm mẹ quan Phủ ở nhà lầu ăn rồi nằm co một mình, con mắc đi làm cháu mắc đi học, nên bà buồn bực khó chịu. Đi chợ chơi, đi dạo phố ít lần rồi bà chán, nên lục đục ở nhà kiếm chuyện nói với thím Tư Cam đặng giải khuây.

Thím Tư Cam ở lâu, thím mến chủ nhà, mà chủ nhà tử tế đãi thím như người trong thân, bởi vậy thím đi chợ nấu ăn, xem xét mọi việc cũng như người quản gia được chủ hoàn toàn tín nhiệm. Thấy bà Hương văn buồn, thím nhắc việc gói bánh ú, bánh tét mà bán như mấy năm ở Mỹ Tho.

Bà Hương văn để ý, nên lúc ăn cơm tối bà nói với con rằng thím Tư Cam muốn xin gói bánh mà bán. Vĩnh Xuân cười và nói: “Không phải con sợ làm việc đó xấu hổ. Nhà nghèo cả mẹ con đều phải ra công làm đặng có đủ tiền mà sống với cuộc sống trong sạch thẳng ngay, thì có xấu hổ chi đâu mà sợ. Vì hồi trước lương con còn ít nên má phải chịu cực đặng kiếm thêm tiền đủ cung cấp cho gia đình. Con phải bóp bụng để cho má cực. Hôm nay má đã già yếu mà lương của con cũng đủ nuôi sống cả nhà, vậy con xin má nghỉ để vui chơi với con cháu ít năm, đừng lo, đừng làm việc chi hết. Má có buồn thì kêu xe đi chơi hoặc đi sớm mơi hoặc đi buổi chiều, đặng hứng gió mát.

Bà Hương văn cùng lý không cãi được, nên bà cười mà bỏ dứt nghề cũ, không nói tới nữa.

Vĩnh Xuân sắp đặt văn phòng đàng hoàng, tủ sách chứa đủ sách chữ Tây, chữ Tàu và chữ quốc ngữ. Có bàn viết rộng lớn để ngồi làm thi. Có ván gõ để nằm đọc sách. Có ghế xích đu để nằm mà đờn. Có bàn nhỏ để ngồi uống nước.

Cái khuôn kiếng lộng bút tích của Cúc Hương ông vẫn treo ngay bàn viết để ông ngó thấy hằng ngày. Hai chậu môn ông cũng để trên thềm đặng ra vô nhớ lời thầy dặn mà giữ tư cách quân tử.

Trong mấy tuần đầu, công chức trong tỉnh đã thiết tiệc mừng quan Phủ mới rồi. Mấy nhà thân hào cũng đã có tới thăm rồi. Quan Phủ đã đi với quan Chánh Chủ Tỉnh viếng mấy quận rồi. Trong một tháng thì Vĩnh Xuân đã có việc tiếp xúc với Huơng chức mấy làng lớn như Tân an, Thường thạnh, Thới thạnh, Long tuyền. Vì làng Long tuyền có đơn kiện thưa về vụ cho mướn công điền, nên ông phải đòi Hương chức làng nầy hầu đã hai lần đặng ông tra xét. Vĩnh Xuân nghe nói làng Long tuyền có chợ Bình Thủy thạnh vượng, có rạch đẹp đẽ, dọc hai bên dân cư trù mật giàu có, nhà tốt, vườn nhiều.

Sớm mơi chúa nhật, ăn lót lòng rồi, Vĩnh Xuân muốn đem con đi thăm chợ Bình Thủy cho biết. Hai cha con mặc âu phục rồi kêu một chiếc xe kéo đặng ngồi chung mà đi.

Lên tới Bình Thủy nhằm giờ chợ đương nhóm đông, Vĩnh Xuân ngừng xe, biểu xa phu chờ, rồi đắt con đi vô chợ. Vì chúa nhật nên Hương chức không có ở trong nhà việc, lại vì quan Phủ mới đổi lại nên nhơn dân chưa biết mặt, bởi vậy Vĩnh Xuân đi thong thả, không cần ai biết làm chi.

Đi gần tới hàng rau cải, tình cờ Vĩnh Xuân thấy một cô thiếu nữ đứng dậy ngó ông trân trân, tay bưng cái thúng, mặc quần đen, áo đen, vóc dạc bằng cô Cúc Hương năm cô tự vận, mà mặt mày bộ tịch cũng giống hệt Cúc Hương không khác một mảy. Cô thiếu nữ đó ngó Vĩnh Xuân rồi chừng ông đi tới thì cô lại bưng thúng ngoe ngoảy sụt lui mà đi ra đường.

Vĩnh Xuân lấy làm lạ mà thấy cô nọ tướng đi cũng giống Cúc Hương. Ông biến sắc hồi hộp, dắt con đi theo coi cô đi đâu và lập thế hỏi cô tên chi.

Cô nọ xuống đường mé sông rồi quẹo qua phía tay mặt mà đi vô, đi theo con đường dựa mé sông. Cô day mặt lại mà ngó Vĩnh Xuân, miệng chúm chím cười.

Vĩnh Xuân mê mẩn tâm hồn, mơ màng tưởng Cúc Hương hiện hồn về mà ghẹo mình, nhưng ông nghĩ giữa ban ngày, lại giữa chợ đông, hồn ma làm sao mà hiện ra được, bởi vây ông cứ đi theo, cách năm bảy thước, tính kiếm cớ kêu hỏi cô nọ là ai. Ngặt bên tay mặt nhà ở liên tiếp, còn trên đường thì người ta đi không ngớt, ông liệu khó mà nói chuyện được. Ông nắm tay Vĩnh Tân, cứ dắt đi theo cô.

Đến cầu Rạch Cam, chỗ đó nhằm khoảng trống, không nhà, lại ngoài đường cũng không có người ta đi, Vĩnh Xuân mới kêu mà nói: „Em Cúc Hương ! Em Cúc Hương đứng lại cho qua nói chuyện một chút”.

Cô nọ chậm bước, day lại vừa cười, vừa nói: „Anh có thương em, thì nói với cha mẹ em rồi xin cưới, chớ có chuyện chi mà nói“.

Vĩnh Xuân ngạc nhiên vì tiếng nói cũng giống như tiếng của Cúc Hương. Ông liền hỏi: „Nhà cm ở đâu ?“

Cô đưa tay chỉ mà nói: „Ở trước kia“ rồi cô đi nữa. Vĩnh Xuân vẫn đi theo coi nhà cô ở chỗ nào.

Đi chừng một trăm thước thì tới một thớt vườn không lớn nhưng sạch sẽ, dựa lộ có hàng rào bằng cây trà, trong sân có trồng hoa, có chậu kiểng, rồi sau cái sân ấy có một nhà lá ba căn xông, vách ván, cửa ván, nền cao, hai bên nhà dừa với mận trồng sum sê, còn phía sau thì cau chuối tịch mịch.

Vĩnh Xuân thấy cô nọ mở cửa rào mà vô sân nhưng không khép cửa lại dường như có ý để cho ông vô. Ông ngơ ngẩn đứng ngoài lộ mà ngó theo cô, thấy cô vô nhà rồi mất dạng, lại trong nhà vắng hoe, không có ai hết.

Ông đứng ngó một hồi rồi đi tới nữa, tính kiếm người mà hỏi thăm coi nhà nầy là nhà của ai, cô mới vô đó tên gì, đã có chồng hay chưa.

Đi qua khỏi vuông rào nầy rồi, Vĩnh Xuân thấy một tòa nhà ngói lớn và cũ, cất theo kiểu xưa, ba căn hai chái bắt vần, nên rộng lớn, song thấp thỏi. Trước nhà chừa một sân lớn để trồng kiểng, hai bên trồng cây le the, nhưng phía sau có một vườn rậm rạp cũng trồng dừa chuối, cau trầu như các vườn trong rạch nầy. Một người ở trần, bận quần vải đen, đương lum khum vun đất trong chậu kiểng ở ngoài sân.

Vĩnh Xuân dắt con đi lần tới trước nhà ấy. Ông chưa kịp hỏi thì người đàn ông đó day qua ngó thấy, liền buông dao, chống lưng đứng dậy rồi đi ra cửa chấp tay xá Vĩnh Xuân và nói: „Bẩm quan lớn đi chơi tới trên nầy. Mời quan lớn vô uống nước”.

Vĩnh Xuân lấy làm lạ không hiểu người là ai mà biết mình nên cung kính chào mời như vậy. Ông hỏi:

-Anh là đi mà biết tôi ?

-Bầm quan lớn, tôi là Hương hào Thi làng Long tuyền, tôi có hầu quan lớn hai lần rồi. Chắc quan lớn quên ?

-Tôi mới đổi lai, còn Hương chức đi hầu thì nhiều người nên tôi nhớ không hết.

-Bầm, tôi mời quan lớn vô nhà đặng tôi biểu nấu nước uống.

Vĩnh Xuân bước vô sân. Hương hào Thi tránh cho ông với Vĩnh Tân đi trước. Anh ta theo sau mà hỏi:

-Bẩm, cậu đây phải là con quan lớn hay không ?

-Phải.

-Bẩm, quan lớn có mấy cậu, mấy cô ?

-Tôi có một thằng nầy mà thôi.

-Quan lớn lên trên nầy chơi hay có việc chi ?

-Chúa nhựt nên dắt thằng nhỏ đi chơi cho biết Bình Thủy, chớ không có chuyện chi hết.

Vô tới nhà, Hương hào lật đật kéo hai cái ghế mời quan Phủ với cậu Tân ngồi, rồi xin phép vô bận áo. Anh ta kêu nhà sau biểu nấu nước chế một bình trà mau mau. Anh ta đi lăn xăng, mở tủ lấy áo xuyến dài mà bận.

Vĩnh Tân đi ra cửa đứng xem bông.

Vĩnh Xuân thấy Hương hào đi rột rẹt muốn xuống nhà sau thôi thúc nấu nước, thì kêu mà nói: “Anh Hương hào, anh ra đây cho tôi hỏi thăm một chút. Tôi không khát nước, vậy chẳng cần lo trà nước làm chi”.

Vĩnh Xuân đưa tay chỉ mà hỏi:

-Cái nhà ở dựa bên rồi mới tới nhà anh đây là nhà của ai vậy ?

-Bẩm, nhà lá vách ván đó phải hôn ?

-Phải.

-Bẩm, nhà đó là nhà của chú Hương nhì Tồn.

-Ông Hương nhì đó được chừng bao nhiêu tuổi.

-Bẩm, chú già rồi, tuổi trên 60.

-Có vợ con gì hay không ?

-Bẩm, có. Thím hương nhì cũng già, nhưng còn mạnh giỏi, vợ chồng sanh có một đứa con gái mà thôi.

-Người con gái đó được bao lớn ?

-Bấm, lối 18 hay 19 tuổi, tôi không chớ chắc.

-Hồi nãy tôi thấy có một cô gái cỡ tuổi anh nói đó, ở ngoài chợ đi về. Cô đi trước tôi, tay cô bưng cái thúng, cô quẹo vô nhà đó. Không biết phải con gái của ông Hương nhì hay không ?

-Chắc là phải. Hồi tảng sáng tôi thấy con Hưởng bưng thúng rau ra chợ mà bán. Chắc nó bán hàng rồi nó về đó.

-Cô đó tên Hưởng hay sao ?

-Bấm, phải.

-Cô có chồng hay chưa.

-Bẩm, chưa, Còn nhỏ mà.

-Anh nói vợ chồng anh Hương nhì già, mà sao con còn nhỏ vậy ? Sanh muộn hay sao?

-Bẩm, sanh muộn. Tội nghiệp hai vợ chồng chơn chất, thiệt thà mà không có con. Rằm nào thím cũng đi chùa cầu Trời khẩn Phật đến ngoài 40 tuổi thím mới sanh được chút gái đó nên hai vợ chồng cưng dữ lắm. Mà con của Trời, Phật cho nên con nhỏ khôn ngoan dị thường. Mới bốn năm tuổi mà nó nói chuyện rành rẽ cũng như đứa 10 tuổi. Chú thấy vậy chú cho nó học trường Rạch Cam. Nó sáng láng, học giỏi quá. Chừng nó được 12 tuổi, nó đòi xuống Cần Thơ nó học. Chú mới gởi nó ở nhà ngươi em vợ học mấy năm. Nó thi đậu bằng sơ học rồi nó đòi lên Sài gòn mà học nữa. Vợ chồng cưng, không chịu cho đi xa, nên bắt về ở nhà chừng vài năm nay.

-Nếu vậy cô Hưởng đó có học.

-Bẩm, học giỏi. Nó muốn xin làm cô giáo. Vợ chồng chú Hương nhì thương con, sợ làm cô giáo phải đổi đi xa, nên không cho làm, bắt ở nhà đó.

-Có chuyện như vây nên tôi mới rõ. Tôi lên chợ Bình Thủy coi cuộc mua bán thế nào, tình cờ tôi thấy cô Hưởng giống hệt một cô quen với tôi bên tỉnh Gò Công, mặt mày giống, tướng đi đứng giống, đến tiếng nói cũng giống nữa. Vì vậy nên tôi đi theo cô mà hỏi thăm gốc tích của cô. Tôi muốn gặp ông Hương nhì Tồn đặng tôi hỏi. Anh Hương hào có thể dắt tôi qua nhà ổng và giới thiệu tôi cho ổng biết đặng tôi hỏi thăm một vài chuyện được hay không.

-Bấm, được ! Mà hồi sớm mơi tôi thấy chú Hương nhì vác dù đi ngang đây, không biết chú đi sớm đã về hay chưa. Đề tôi sai người nhà đi hỏi coi.

Một ông già bưng bình trà ở nhà sau đi ra. Hương hào xớt bưng, biểu ông già qua nhà Hương nhì hỏi coi có ổng ở nhà hay không rồi trở về cho hay liền. Ông già ra đi, Hương hào lấy hai cái tách lau sạch sẽ, bưng lại rót hai tách trà mời quan Phủ uống và ra cửa mời Vĩnh Tân vô giải khát. Quan Phủ uống một hớp trà cho vui lòng chủ nhà rồi hỏi thăm vườn tược mà chờ ông già.

Một lát ông già trở về nói ông Hương nhì đi qua Giai Xuân chiều mới về, còn bà Hương nhì thì đương coi bẻ cau ở sau vườn.

Vĩnh Xuân mới nói: “Thôi, việc không gấp gì, để chúa nhựt sau tôi lên hỏi cũng được”.

Hương hào nói: “Quan lớn muốn hỏi điều chi quan lớn cho tôi biết, chừng ổng về tôi hỏi và tôi xuống bẩm lại với quan lớn”.

Vĩnh Xuân, đứng dậy, suy nghĩ rồi nói:

-Tôi muốn biết chắc coi cô Hưởng sanh năm nào, tháng nào, ngày nào và vào giờ nào. Nếu biết ngày Tây và ngày mình càng thêm tốt.

-Bầm, được mà. Để tôi hỏi, tôi biên rõ tàng rồi tôi cầm xuống cho quan lớn coi.

-Nếu anh có việc đi Cần Thơ thì anh trả lời. Còn như mắc việc thì chúa nhựt sau tôi sẽ lên nữa. Bề nào tôi cũng phải lên cho gáp mặt ông và bà Hương nhì đặng tôi hỏi cho rành rẽ. Anh nhớ hỏi giờ sanh của cô Hưởng nữa nghe hôn.

-Dạ, tôi nhớ.

Vĩnh Xuân từ giã Hương hào Thi rồi dắt con đi về. Hương hào đưa ra lộ rồi đưa luôn tới nhà Hương nhì Tồn. Vĩnh Xuân thấy dạng cô Hưởng lấp ló sau cửa sổ mà dòm. Ông biểu Hương hào trở lại, nhưng anh ta rán đưa quan Phủ qua khỏi cầu Rạch Cam có nhà cửa liên tiếp rồi mới từ mà về.

Cha con Vĩnh Xuân đi theo mé sông coi người ta xúc ốc gạo chơi rồi mới ra chợ lên xe kéo mà về Cân Thơ.

Trưa ngốt ăn cơm với mẹ và con, Vĩnh Xuân lơ lửng cứ nhớ hình dạng của cô Hưởng hoài, không hiểu tại sao cô giống Cúc Hương từ mặt mày, cho đến tướng đi, tới tiếng nói, mà cô cũng mặc quần lãnh, áo xuyến nhục nhục như Cúc Hương hồi trước thường bận ra chợ ngồi buôn bán. Vĩnh Tân vui vẻ thuật việc họ xúc ốc gạo trên Bình Thủy cho bà nội nghe, thì bà nói bà sẽ lên coi cho biết.

Bà cháu ăn cơm rồi dắt nhau lên lầu. Vĩnh Xuân vào thơ phòng kéo ghế xít đu nằm ngó bút tích của Cúc Hương. Ông mơ màng thấy Cúc Hương trước mặt luôn luôn. Ông khoan khoái bồi hồi, khó chịu, mới lấy cây đờn mà đờn nho nhỏ, đờn ai oán để tỏ tình thương yêu mà bực tức về số phận của người xưa.

Ông muốn lên lầu thuật việc gặp gỡ hồi sớm mơi cho mẹ nghe, mà rồi ông nghĩ không nên vội lắm, tốt hơn là để dò hỏi ngày sanh tháng đẻ cho chắc chắn rồi sẽ nói chuyện. Ông đóng chặt cửa thơ phòng nằm một mình rồi lúc im lìm tưởng nhớ Cúc Hương, lúc rỉ rả để lãng khuây áo não.

Buổi chiều thứ hai, Vĩnh Xuân đương ngồi làm việc tại Tòa Bố, bỗng thấy Hương hào Thi đứng lựng khựng ngoài cửa phòng. Ông kêu vô mà hỏi:

-Anh có hỏi ông Hương nhì Tồn về vụ đó hay chưa ?

-Bẩm, hồi hôm tôi qua nhà, có đủ vợ chồng chú, tôi hỏi ắt chất rồi. Thím sanh con Hưởng năm 1906, tháng giêng, ngày 25 dương lịch tính ra thì nhằm ngày 27 tháng chạp năm Tỵ của mình. Chú Hương nhì có cho tôi mượn tờ khai sanh để trình cho quan lớn xem cho chắc.

Hương Hào dở túi, rút tờ khai sanh đưa cho quan Phủ.

Ông biến sắc, tán loạn tinh thần, nhưng gượng chỉ cái ghế mời Hương hào ngồi rồi thủng thắng trải khai sanh ngày 25 tháng Janvier năm 1906, không có biên ngày theo âm lịch. Nhưng ngày khai cho Chánh Lục bộ đem vào bộ sanh là ngày 28 Janvier 1906 có ngạnh ngày tháng theo âm lịch là ngày 30 tháng chạp năm Tỵ.

Quan Phủ ngồi suy nghĩ rồi nhớ lại thì ông thi ký lục ngày 18 Janvier 1906. Ông đậu rồi về tới nhà ngày 23 Janvier, nhằm ngày 25 tháng chạp. Bữa sau ông đi viếng mộ Cúc Hương. Đêm đó ông ngủ đến khuya chiêm bao thấy Cúc Hương dặn dò rồi từ giã mà đi đầu thai. Nếu bà Hương nhì Tồn sanh cô Hưởng trong đêm 24 Janvier mà quá 12 giờ rồi thì tức thị Cúc Hương đầu thai làm cô Hưởng đây. Ông suy nghĩ kỹ rồi mới hỏi Hương hào:

-Anh Hương hào có hỏi giùm coi bà Hương nhì sanh cô Hưởng ngày 27 tháng chạp năm Tỵ, mà sanh hồi giờ nào hay không ?

-Bẩm, có. Chú Hương nhì nói nhà không có đồng hồ nên chú không biết giờ, nhưng chú nhớ chắc sanh hồi hết canh tư bước qua đầu canh năm.

-Vậy thì lối 3 giờ khuya.

-Bẩm, phải.

-Anh về nói với ông Hương nhì để tờ khai sanh cho tôi mượn ít bữa rồi chúa nhựt tới đây tôi sẽ lên trả lại.

-Bẩm, quan lớn có cần dùng thì bao lâu cũng được. Năm con Hưởng đi thi nó xin khai sanh đặng nạp cho ông Đốc coi. Bây giờ có cần làm chi nữa đâu.

-Thế nào chúa nhựt tôi cũng lên. Có lẽ tôi sẽ mời bà già tôi đi với tôi lên coi họ xúc ốc gạo và coi vườn tược vùng Bình Thủy chơi. Anh Hương hào nói giùm với ông Hương nhì, chúa nhựt tới hai ông bà với con ở nhà đặng tôi ghé thăm và hỏi thêm chuyện một chút.

-Bẩm, quan lớn có cụ bà ở đây với quan lớn ?

-Ừ. Tôi có bà mẹ già nên tôi ở đâu cũng phải đem theo đặng tôi phụng sự.

-Bẩm, chúa nhựt tôi sẽ đón tiếp quan lớn.

-Khỏi mà. Đừng đón mất công. Tôi biết nhà anh rồi thì tôi đi ngay vô đó. Anh ở nhà chờ tôi đặng tiến dẫn tôi cho ông Hương nhì biết.

Hương hào Thi từ giã ra ngoài mở xe máy đạp đi về.

Quan Phủ cứ ngồi lật qua, lật lại tờ khai sanh của cô Hưởng mà xem, xem rồi lơ lửng suy nghĩ đến tan hầu mới xếp lại bỏ vào túi mà về.

Ăn cơm tôi rồi, Vĩnh Xuân thấy mẹ đương ngồi ngoáy trầu mà ăn, ông lại đứng một bên mà hỏi:

-Má nhớ năm, con thi đậu ký lục đó là năm nào hay không má ?

-Sao lại không nhớ. Con ra trường và thi ký lục năm Tỵ.

-Tháng nào, ngày nào, má nhớ hôn ?

-Con đi thi ký lục ngày 20 tháng chạp, con về tới nhà chiều 25. Mùng 10 tháng giêng năm Ngọ con đi làm việc.

-Phải rồi. Con cũng nhớ như vậy, nhưng sợ lầm lộn nên con hỏi má lại cho chắc.

-Phải giống gì ?

-Để ít bữa con dọ coi cho thiệt chắc rồi con sẽ nói cho má biết. Con muốn chúa nhựt tới má với con lên Bình Thủy chơi.

-Ừ, được. Lên coi họ xúc ốc gạo chơi. Nghe thằng Tân nó nói mà ham, ốc đâu ở dưới mé sông mà họ kê rổ họ xúc lên mỗi lần cả rổ họ giạu rửa rồi đổ vô ghe, coi dễ quá.

-Thiệt vậy a má, má lên coi cho biết. Mà hôm qua con có gặp một người sao giống người ở Chợ Giồng hồi trước quá. Để má lên coi má biết hay không ?

-Đàn ông hay đàn bà ?

-Thưa, đàn bà.

-Sao con không hỏi người ta coi phải gốc ở chợ Giồng hay không ?

-Mắc đàn bà nên con không hỏi.

-Đâu để má lên má coi.

Vĩnh xuân không chịu nói rõ vụ cô Hưởng cho mẹ nghe trước là vì ông cố ý để tình cờ mẹ thấy cô Hưởng coi mẹ có nhìn nhận cô giống Cúc Hương hay không. Tuy ông không nói ra, song ông rộn rực trong lòng, trông cho mau tới chúa nhựt đặng thử ý mẹ và luôn dịp hỏi vợ chồng Hương nhì Tồn coi sanh cô Hưởng trong trường hợp nào.

Sáng chúa nhựt, Vĩnh Xuân ăn lót lòng với mẹ và con thì ông sai thằng Ca đi kêu hai chiếc xe kéo lại chực sẵn. Ăn uống rồi bà Hương văn ngồi một chiếc, Vĩnh Xuân với con ngồi chung một chiếc mà đi lên Bình Thủy.

Tới đầu chợ, Vĩnh Xuân thấy Hương hào Thi vịn xe máy đứng chờ. Ông biểu xe kéo ngừng lại. Hương hào xá mẹ con quan Phủ rồi lên xe máy đạp chậm chậm theo hai xe kéo. Tới chỗ xúc ốc gạo, Vĩnh Xuân biểu xe ngừng cho mẹ coi chơi một chút rồi mới đi vô nhà Hương hào. Vì đã có cho hay trước nên bữa nay Hương hào sắp đặt cuộc tiếp rước quan Phủ với bà cụ hẳn hòi, nhà cửa dọn dẹp đàng hoàng, ván có trải chiếu bông, bàn có trải khảm. Trầu nước đã sắm sẵn. Vợ Hương hào mặc áo dài chực tại cửa chào khách và mời bà cụ lên ván mà ngồi, chị lăng xăng lo đãi bà cụ, để cho chồng lo hầu quan Phủ.

Vĩnh Xuân nói với Hương hào:

-Mới ăn uống rồi đi đây Anh Hương hào khỏi lo trà, anh đã có cho ông Hương nhì hay đặng ở nhà hay không ?

-Bẩm, có hai ông bà chờ bên nhà. Tôi có dặn cô Hưởng cũng ở nhà nữa.

Vĩnh Xuân muốn qua nhà Hương nhì liền, nhưng thấy mẹ đương uống trà và hỏi vợ Hương hào về vườn tược nên rán ngồi chờ mẹ ngoáy trầu ăn rồi ông mới đứng dậy mời mẹ đi qua nhà một bên đây đặng gặp người giống như người quen ở Chợ Giồng.

Quan Phủ cậy Hương hào đi trước, rồi mẹ con từ giã vợ Hương hào mà theo sau với Vĩnh Tân.

Hai anh xa phu ở ngoài lộ tưởng về nên lật đật đứng dậy sửa soạn xe. Hương hào nói: “Còn qua bên nhà nầy một chút. Hai anh kéo xe theo mà chờ”.

Bên nhà Hương nhì Tồn vợ chồng chú cũng sửa soạn sẵn chờ tiếp quan lớn. Vô tới giữa sân, Hương hào thấy vợ chồng Hương nhì ra cửa thì nép qua một bên để cho Vĩnh Xuân đi trước với bà Hương văn một bên và Vĩnh Tân một bên. Vợ chồng chủ nhà bước tới chào khách rất cung kỉnh rồi mời vô nhà.

Vĩnh Xuân thấy vợ chồng Hương nhì đều già, tóc bạc nhiều, răng rụng bộn, nhưng sức còn khỏe, bộ chơn chất thiệt thà. Ông muốn cho Hương nhì khỏi sụt sè e ngại, vừa bước lên thềm vừa nói: “Hôm chúa nhựt trước tôi lên đây chơi, tôi muốn qua thăm ông nhưng ông đi sớm không có ở nhà, nên tuần nầy tôi trở lên đặng hỏi thăm ông bà một chút chuyện”.

Hương nhì nói: “Dạ hôm trước tôi mắc đi qua bên Giai Xuân, chừng về nghe ông Hương hào nói quan lớn lên có hỏi tôi mà tôi không có ớ nhà đặng hầu quan lớn thiệt tôi lỗi quá”.

Vĩnh Xuân cười mà đáp: “Ông có lỗi chi đâu. Tôi đi tình cờ làm sao ông biết đặng ở nhà mà tiếp tôi. Thôi, hôm trước không gặp nhau thì bữa nay gặp, lại có bà già tôi càng thêm tốt”.

Vô khỏi cửa rồi, Hương nhì kéo hai cái ghế mời quan Phủ với Vĩnh Tân ngồi, còn bà Hương nhì thì bà mời bà cụ ngồi bên ván có trầu nước sẵn.

Bà Hương văn nói để bà ngồi chung tại bàn với quan Phủ, đặng nói chuyện chơi cho vui.

Hương hào lật đật nhắc ghế cho bà cụ ngồi ngang với quan Phủ. Bà cụ ngó vợ chồng chủ nhà rồi hỏi quan Phủ: “Con nói ai giống người ở Chợ Giồng đâu ? Sao má không thấy ?”

Vĩnh Xuân nói: “Xin má chờ lột chút”.

Bà Hương nhì kêu con biểu ra phụ bưng trầu bên ván đem qua bàn. Cô Hưởng bận bộ đồ đen ở phía sau bước ra, chắp tay xá quan Phủ, rồi xá bà cụ.

Vĩnh Xuân ngó mẹ mà hỏi: “Má coi cô em đây có giống ai hay không ?”.

Bà Hương văn ngó theo cô Hưởng đương đi lại bộ ván bưng bộ kỷ trà đem qua bàn. Bà vụt la lên: “Con Tư Cúc Hương là con của Hia Mỹ đây mà ! Thiệt vậy chớ !”

Lúc ấy cô Hưởng vừa để kỷ trà trước mặt bà, cô sắp trở qua bưng bình trà, thì bà níu tay cô đứng lại mà hỏi: “Cháu tên gì ? Năm nay mấy tuổi ?”.

Cô Hưởng bình tĩnh ngó bà mà đáp: “Thưa bà, cháu tên Hưởng, năm nay 18 tuổi”.

Bà buông cô ra và ngó Vĩnh Xuân mà nói: “Mười tám tuổi, thì là tuổi Tỵ sanh năm con thi đậu đó. Mặt mày bộ tịch đi đứng giống con Cúc Hương như khuôn đúc, mà tiếng nói cũng giống nữa, thiệt là kỳ !”

Cô Hưởng bưng bình trà lại nữa. Bà Hương văn kéo cô đứng sát một bên mà nhìn. Bà Hương nhì lấy bình trà mà rót ra chén chung đủ bốn chén rồi bà đi bưng ô trầu đem qua nữa.

Bà Hương văn nhìn rất lâu rồi hỏi bà Hương nhì:

-Cháu đây con của ai vậy bà Hương ?

-Dạ, nó là con của tôi. Vợ chồng tôi có chút đó. Tôi đến 42 tuổi mới sanh nó.

-Phải cháu tuổi Tỵ hay không ?

-Thưa, phải. Nó tuổi Tỵ, mà nó chịu oan một tuổi, bởi vì tôi sanh nó ngày 27 tháng chạp, hồi đau canh năm, sanh có ba bốn bữa mà phải chịu oan môt tuổi.

Vĩnh xuân nói: “Má nhớ hôn ? Con đi thi về chiều 25. Chiều 26 con đi viếng mộ. Khuya lại, tức thị là 27 con chiêm bao thấy Cúc Hương từ biệt con mà đi đầu thai. Má hiểu chưa ?”.

Bà Hương văn vội vã đáp: “Hiểu, hiểu, má hiểu rồi”. Bà nói mà bà nắm tay cô Hưởng, không chịu buông ra. Cô Hưởng ngó mẹ, bộ lơ lãng, dường như không hiểu gì mà rắc rối như vậy.

Vĩnh Xuân nghe hương hào với Hương nhì đứng sau lưng ông, hai người nói xầm xì, ông móc túi ra lấy tờ khai sanh của cô Hưởng mà trải lên bàn rồi kêu Hương nhì lại gần mà nói: “Có chuyện nầy kỳ quái quá lắm, để tôi nói cho hai ông bà hiểu. Má tôi có một người cháu gái tên là Lý thị Tư ở bên Gò Công. Cô học chữ nho giỏi nên thầy đặt tên riêng cho cô mà gọi là Cúc Hương. Năm cô được 17 tuổi, cô chết đi, chết vì uất ức việc riêng trong gia đình. Qua năm Tỵ, chánh đêm 26 rạng mặt, 27 tháng chạp, lúc gần sáng tôi nằm chiêm bao thấy cô về nói tôi mà từ giã đặng cô đi đầu thai. Từ ấy đến nay tôi không có chiêm bao mà thấy cô nữa. Hôm chúa nhựt trước tôi lên chợ Bình Thủy chơi, tình cờ tôi thấy cô Hưởng đây sao giống hệt cô Cúc Hương, giống từ mặt mày, hình dáng cho tới tiếng nói cái gì cũng giống hết. Tôi lấy làm lạ, đi theo coi cô ở đâu, con ai. May gặp anh Hương hào, tôi hỏi thăm được biết gốc tích của cô, tôi mới cậy hỏi ngày tháng đẻ. Nhờ anh Hương hào đem khai sanh cho tôi coi mới thấy rõ ngày giờ bà Hương nhì sanh cô Hưởng chánh là ngày giờ cô Cúc Hương cho tôi chiêm bao đặng cô từ giã mà đi đầu thai. Tôi chưa dám tin. Nên bữa nay tôi đem bà thân của tôi lên chơi coi bà có nhìn nhận sự giống đó hay không. Bà thân tôi cũng nhìn nhận như tôi. Thế thì cô Hưởng nầy tiền kiếp là cô Cúc Hương, không còn nghi ngờ gì nữa”.

Hương nhì ngó vợ mà nói: “Quan lớn nói như vậy thì té ra con Hưởng tôi nó kiếp trước là cháu của bà cụ. Vậy thì nó có phước lắm”.

Bà Hương văn nói: “Hồi trước tôi thương con Cúc Hương mà nó cũng thương tôi như mẹ nó vậy. Nó chết mà nó đầu thai làm con cháu đây. Lại bây giờ tôi được ở gần. Vậy thì Cúc Hương chết, tôi coi cũng như nỏ sống lại, Từ nay sắp lên hễ có buồn tôi lên đây thăm con cháu cũng như thăm Cúc Hương”.

Bà Hương nhì nói bà cụ có buồn thì lên trên nầy chơi. Ở vườn mát mẻ lắm.

Bà Hương văn buông cho cô Hưởng đi vô trong. Bà ngó theo rồi cười mà nói: “Thiệt giống hệt, đừng nhớ chuyện Cúc Hương chết, thì ngó thấy tôi nói nó là Cúc Hương. Bà Hương nhì bữa nào có dịp đi xuống Cần Thơ thì ghé nhà tôi chơi, có đi thì dắt cháu theo cho nó quen đặng hết bợ ngợ nữa”.

Bà Hương nhì hứa hễ có đi Cần Thơ thì bà ghé thăm.

Vĩnh Xuân trả tờ khai sanh của cô Hưởng lại cho ông Hương nhì.

Bây giờ bà Hương văn mới uống nước rồi têm trầu ngoáy mà ăn một miếng. Bà khen cau ngon. Bà Hương nhì kêu cô Hưởng biểu xách nhánh cau ngon mới bẻ hồi sớm mơi đó đem ra đặng kiếng cho bà cụ đem về ăn trầu. Bà Hương văn không chiu lãnh, nói rằng mới làm quen không lẽ bà làm tốn hao cho bà con. Hương nhì với Hương hào nói ở vườn một nhánh cau có đáng giá bao nhiêu mà sợ hao tốn.

Quan Phủ đứng dậy xin mẹ cáo từ mà về. Vợ chồng Hương nhì với Hương hào đồng đưa khách ra xe. Cô Hưởng xách nhánh cau đi theo sau. Chừng bà Hương văn lên xe, cô để nhánh cau dưới chưn bà rồi chắp tay xá. Bà níu cô mà nói: “Bà thương cháu lắm. Bữa nào cháu đi với má xuống nhà bà chơi”.

Cô Hưởng cúi đầu.

Vĩnh Tân bận về đòi ngồi chung với bà nội, nên bà phải buông cô Hưởng mà kéo Tân lên xe. Hai xa phu rút chạy, xe bà cụ đi trước, quan Phủ theo sau. Mấy người đứng ngó theo. Cô Hưởng cười, Vĩnh Xuân day lại cũng cười.

Bà Hương nhị Tồn nói: “Bà cụ tử tế quá”.

Ông Hương nhì nói: “Quan Phủ tuổi trẻ, nói chuyện nghe rành rẽ. Ông thuật chuyện về kiếp trước của con Hưởng thiệt là kỳ”.

Hương hào nói: “Nếu thiệt vậy thì em Hưởng được thân cận với nhà quan, chớ có hại gì mà lo”.

Hương hào đi về. Vợ chồng Hương nhì cùng con trở vô nhà, vui được hân hạnh tiếp quan mặc dầu nhà mình không giàu, mà mình cũng không được dự trong bàn Hội tề.

Còn quan Phủ với mẹ đi về, qua khỏi cầu Bình Thủy rồi, thấy đường trống, ông biểu xa phu xơm tới đặng hai xe chạy cặp kè vơi nhau.

Bà Hương văn cười mà nói:

-Chuyện nầy má nghĩ thiệt là kỳ. Con nhỏ giống Cúc Hương không sai một mảy mà ngày giờ nó sanh lại đúng với ngày giờ Cúc Hương từ giã con đặng đi đầu thai. Con làm sao mà tìm được như vậy thiệt cũng giỏi.

-Con đi chơi tình cờ con gặp, chớ biết đâu mà tìm. Một tuần nay con giấu má, là vì con muốn để cho má thấy thình lình coi má có nhận như con về sự cô Hưởng giống Cúc Hương hay không.

-Giống rồi đa. Chắc Cúc Hương đầu thai vào nhà Hương nhì đó, má không nghi gì hết. Bây giờ con tính làm sao đây ?

-Con rối trí quá. Để thủng thẳng con suy nghĩ coi.

-Bà Hương văn nói qua chuyện xúc ốc gạo, không nhắc chuyện cô Hưởng nữa.

PHẦN V - CHƯƠNG 24 -

L

uôn hai chúa nhựt quan Phủ Vĩnh Xuân lên nhà Hương hào Thi hai lần, là lần sau lại có qua nhà Hương nhì Tồn rnà chơi nữa. Hương hào muốn để một mình anh thân cận với quan mà thôi, nên không cho Hương chức biết việc đó, song lần trước anh có đưa ra tới chợ Rạch Cam, rồi lần sau anh lại ra tới chợ đón tiếp, sự ấy có nhiều người dòm thấy, rồi cả xóm, cả làng đều hay.

Có người hỏi Hương hào có bà con với quan Phủ hay sao nên quan Phủ đến thăm chơi vậy. Hương hào muốn lên mặt với người trong làng, nhứt là muốn được Hương chức lớn kiêng nể, nên anh giữ bí mật, ai hỏi thì anh chúm chím cười rồi nói theo điệu úp mở, không chịu bà con, mà để cho người ta tưởng bà con, không khoe thân thiết mà làm cho người ta nghi thân thiết.

Có người khác hỏi Hương nhì Tồn có việc chi mà quan Phủ đến nhà thì Hương nhì thiệt thà nên nói ngay ra tại cô Hưởng giống cháu của bà cụ mất hồi trước nên quan Phủ dắt bà cụ đến xem, chớ không có việc chi hết.

Trên Bình Thủy người ta hỏi đon ren như vậy mà quan Phủ Vĩnh Xuân về rồi êm ru, dường như không để ý đến việc cô Hưởng nữa. Mỗi ngày đi làm việc hăng hái như thường. Trưa về ăn rồi ông vào thơ phòng nằm đọc sách một chút đặng tìm giấc ngủ. Ban đêm ông lại thức khuya, khi ngồi ngó bút tích của Cúc Hương trót giờ, khi nằn đờn rỉ rả như than, như khóc.

Đã trót vài tuần, bà Hương văn không nghe con nhắc tới cô Hưởng. Đương lúc ăn cơm tối, bà mới hỏi con: “Việc cô Hưởng con đã tính lẽ nào hay chưa ?”.

Vĩnh Xuân thở dài, dụ dự nuột chút, rồi mới đáp:

-Việc khó tính quá. Con không biết tính làm sao cho phải.

-Có gì khó đâu. Con Cúc Hương cho con hay nó đi đầu thai, rồi nó sanh trong nhà Hương nhì Tồn đó chớ gì. Con Hưởng kiếp trước nó là Cúc Hương. Hổm nay má suy nghĩ kỹ rồi, má chắc như vậy. Nếu con thương Cúc Hương thì con cậy mai mối cưới con Hưởng cho duyên nợ vuông tròn, thủy chung vẹn vẻ.

-Đã biết đọ ngày giờ con chiêm bao với ngày cô Hưởng sanh thì ăn rập với nhau lắm, lại cô Hưởng giống hệt cô Cúc Hương ngày trước, nên mình đoán Cúc Hương kiếp trước hoán thân làm cô Hưởng kiếp nầy. Mà mình đoán đó do cái thuyết luân hồi của nhà Phật, không có căn cứ khoa học mà dám tin chắc. Ví như mình do thuyết huyền bí dị đoan mà đoán lầm rồi mới làm sao ? Khổ cho con lắm, đã hổ với vong linh của Cúc Hương, vì không biết “thủ tiết” đặng đến đáp với “thủ nghĩa”, mà còn hổ với người đời, vì lớn tuổi rồi mà bày chuyện đặng cưới con gái nhỏ.

-Má nhớ Cúc Hương có dặn con phải cưới vợ đặng có người nuôi má và lo cơm rước áo quần cho con; đợi kiếp sau rồi vợ chồng sẽ phối hiệp, vì Diêm chúa có nói thiệt, hai đàng có duyên nợ với nhau. Nếu con cưới con Hưởng mà có lầm đi nữa, con không trái ý của Cúc Hương thì có chi đâu mà hổ. Còn đối với người đời, con làm quan lại chưa già, con muốn cưới vợ giàu hay là vợ trẻ, hễ người ta ưng thì con cưới, có lỗi với ai đâu mà sợ hổ. Huống chi Cúc Hương có nói con với nó có duyên nợ, kiếp sau sẽ được sum hiệp. Nếu thiệt nó đầu thai làm con Hưởng đây là kiếp sau của nó chớ gì. Bởi có duyên nợ nên Trời Phật mới xui khiến cho con đi chơi mà gặp đó.

Vĩnh Xuân ngồi lơ lửng rồi nói:

-Khoan đã má, thủng thẳng để con suy nghĩ lại coi.

-Mình biết mặt mày, hình dạng và tiếng nói của Hưởng đều giống Cúc Hương rồi, bây giờ má còn muốn biết tánh nết của con Hưởng coi thể nào. Hồi trước con học chung với Cúc Hương tới mấy năm, con biết tánh nết nó sao đâu, con nói cho má nghe một chút.

-Cúc Hương có tánh nóng nảy thẳng ngay, cang cường, quyết đoán, gặp việc phải dám làm, không kiêng không sợ chi hết.

-Tánh như vậy nên cha mẹ áp bức nó mới tự tử đặng trọn nghĩa với con. Được, để má dọ coi con Hưởng có giống tánh nết đó hay không. Nếu tánh nết cũng vậy thì thiệt nó là hậu kiếp của Cúc Hương rõ ràng. Mốt nhằm thứ năm, Tân nghỉ học, má muốn đem nó lên Bình Thủy chơi.

-Được lắm. Má kêu xe kéo rồi bà cháu đi với nhau đặng hứng gió. Má biểu thằng Ca kiếm kêu một chiếc xe đã có đi rồi bữa hổm. Má đừng đi xe ngựa, vì rủi gặp ngựa có chứng thì nguy hiểm.

Sáng thứ năm bà Hương văn với Vĩnh Tân ngồi xe kéo đi lên Bình Thủy thăm cô Hưởng. Đến 11 giờ tan hầu Vĩnh Xuân về thay đồ rồi, hai bà cháu mới tới.

Vĩnh Tân xuống xe chạy riết vô nhà, hai tay có cầm hai gói. Vĩnh Xuân chận lại mà hỏi:

-Con cầm hai gói gì đo ?

-Thưa, một gói chuối phơi khô với một gói trái lu cu ma.

-Con mua ở đâu vậy ?

-Cô Hưởng cho con chớ không có mua.

Bà Hương văn bước vô tiếp nói: “Lên trển con Hưởng lấy chuối khô mời nó ăn. Nó khen ngon. Con nọ gói cho nó một gói đó. Bữa nay Tân đi theo Hưởng ra vườn chơi, coi bộ nó vui dữ. Nó thấy lu cu ma có trái nó tầm trồ. Con nọ lựa ít trái chín hái cho nó. Nó mừng quá, ca cụm nói đem về cho ba nó”.

Vĩnh Xuân chúm chím cười.

Bà Hương văn với Vĩnh Tân lên lầu thay đồ rồi xuống ăn cơm.

-Bữa nay má lên có hai vợ chồng ông Hương nhì ở nhà hay không ?

-Có đủ hết. Vợ chồng chơn chất thiệt thà dữ. Thấy má lên mừng quá. Con Hưởng cững vậy. Con nhỏ dạn dĩ. Nó dắt má với Tân đi ra sau vườn. Vườn không lớn nhưng sạch sẽ lắm. Nó nói huê lợi cau với dừa ăn xài không hết.

-Má coi tánh nết cô Hưởng thế nào ?

-Chưa biết được. Phải lâu lâu cho nó quen rồi mới thấy chơn tánh chớ. Má coi đi coi lại thiệt nó giống Cúc Hương quá.

-Má có qua nhà anh Hương hào hay không ?

-Không. Nghe Hương nhì nói thấy Hương hào đạp xe máy đi ra ngoài nhà việc hồi sớm mơi, nên má không qua.

Vĩnh Tân tiếp nói: “Hai bên nhà ông Hương nhì có mấy cây mận lớn hết sức ba à. Cô Hưởng nói mận đó ngọt lắm, lúc nầy đương trổ bông, chớ chưa có trái. Cô Hưởng hứa chừng nào có trái ăn được cô sẽ hái đem xuống cho con”.

Bà Hương văn nói: “Tân đã quen với Hưởng rồi, dắt nhau đi chơi cùng vườn, coi bộ thân thiện nhau dữ”.

Vĩnh tân nói: “Cô Hưởng biểu con chúa nhựt nghỉ học thì lên trển chơi. Lên vườn mát mẻ, chớ ở chợ nực nội lắm”.

Cách mười bữa Vĩnh Tân nhắc bà nội đi lên vườn chơi. Bà Hương văn sẵn lòng muốn đi, nên chúa nhựt hai bà cháu tới Bình Thủy nữa và cũng ở chơi cả buổi, mà chuyến nầy lại có mua bánh đem theo mà cho cô Hưởng.

Bà cháu về có chở một quày chuối cau với một quày dừa xiêm, mà lần nầy coi bộ vui vẻ hơn lần trước nữa. Tối lại bà Hương văn to nhỏ với con rằng bà có nói chuyện dài dài với Hưởng, bà nhận thấy cô nọ có tánh nóng nảy, lại cứng cỏi. Hai điểm đó đã lộ ra rồi, còn mấy điểm khác chưa thấy được. Tuy không nói hẳn, song bà nói xa gần làm cho con hiểu bà muốn cưới phứt cô Hưởng cho rồi, vì bà tin chắc cô nọ là hậu kiếp của Cúc Hương, mà Cúc Hương đã nói kiếp sau sẽ sum hiệp thì không còn cớ gì mà sợ lầm nữa.

Vĩnh Xuân không dám cãi với mẹ, song ông cứ lưỡng lự không xuôi thuận mà cũng không chối từ.

Cách ít ngày, bà Hương nhì Tồn nghĩ bà Hương văn đã lên thăm nấy lần rồi, mà lần nào cũng có mời mẹ con bà xuống nhà chơi, tuy bà thiệt thà, tới nhà quan Phủ bà có ý ái ngại, song nếu không đi thăm lại thì có tội vô lễ. Bà than thở với chồng thì ông Hương nhì thôi thúc bà phải đi thăm không nên thất lễ với người trên trước. Sẵn có mấy trái lu cu ma vừa chín, lại có một quày chuối cau đã chín bói, hai mẹ con nấu cơm ăn sớm, kêu lột chiếc xe ngựa rồi đốn chuối hái lu cu ma đi Cần Thơ thăm bà cụ mà trả lễ.

Mẹ con bà Hương nhì xuống tới thì đã gần 10 giờ rồi. Bà Hương văn niềm nỡ vui mừng, thấy cô Hưởng xách quày chuối với mấy trái lu cu ma vô thì bà nói: “Cha chả, thằng Tân tôi đi học về nó thấy mấy trái lu cu ma đây nó mừng lắm. Mười giờ rồi, nó gần về đa”.

Bà Hương nhì đứng dậy chấp tay nói: “Xuống thăm cụ bà mà vườn không có vật chi quí, nên đem quày chuối xuống cho cụ bà đề tỏ lòng thảo của em cháu và cho cậu Tân ít trái lu cu ma để cậu ăn chơi”.

Bà Hương văn cám ơn, nói rằng quí tại lòng, không phải tại lễ vật, bà coi quày chuối với mấy trái lu cu ma đó là quí lắm vậy.

Bà biểu thằng Ca đem quày chuối vô trong mà treo cho nó chín khỏi bầm giập rồi lấy đĩa sắp mấy trái lu cu ma để dành cho Tân.

Mời uống nước ăn trầu rồi bà mới dắt mẹ con bà Hương nhì lên lầu đặng coi chỗ bà ngủ và chỗ Vĩnh Tân học. Chủ khách còn nói chuyện trên lầu thì Vĩnh Tân đi học về. Cậu thấy mấy trái lu cu ma thì cậu mừng quá nên nói om. Nghe Ca nói trên Bình Thủy nới đem xuống cho, khách còn chơi trên lầu, thì cậu ôm cặp tuốt lên chào bà Hương nhì và mừng cô Hưởng. Cậu dắt cô Hưởng mà chỉ phòng cậu ngủ và chỉ bàn cậu ngồi học cho cô Hưỏng biết, hai trẻ trò chuyện vui vẻ với nhau như đã thân thiết lâu ngày rồi.

Bà Hương văn mời khách trở xuống xem từng dưới. Tân nắm tay Hưởng mà đi theo chỉ phòng cha ngủ, chỉ phòng cha đọc sách, chỉ tủ sách, rồi chỉ cây đờn kìm mà khoe: “Ba em đờn hay lắm, ai cũng khen. Ban đêm hễ buồn thì ba em đờn, đến 11, 12 giờ mới nghỉ”.

Cô Hưởng cười.

Vĩnh Tân dắt cô ra ngoài cửa đặng xem bông hoa trồng ngoài sân. Cậu nói không ngớt, vì không mấy khi có người quen đến chơi nên cậu nói hoài không biết mệt.

Bà Hương nhì kêu cô Hưởng vô đặng sửa soạn về. Bà Hương văn cản ngay. Bà nói không mấy khi xuống, phải ở ăn cơm với bà, không được phép về như vậy. Gần tới bữa cơm rồi, chờ một chút quan Phủ về rồi ăn cơm. Bề nào cũng phải chờ quan Phủ cho ổng thăm một chút.

Bà Hương nhì nói hai mẹ con ăn cơm rồi mới đi, nên không thể ăn nữa được. Bà Hương văn nói ăn sớm mơi là ăn lót lòng, nào phải ăn cơm trưa.

Hai bà đương nói dang ca thì quan Phủ Vĩnh Xuân về tới. Ông mừng bà Hương nhì với cô Hưởng, hỏi thăm ông Hương nhì mạnh khỏe thể nào, tỏ lời cám ơn mẹ con bà Hương nhì xuống thăm. Ông nói bà cụ mới lại đây không biết ai, cứ ở nhà hoài nên buồn lắm. Ông xin bà Hương nhì hễ rảnh thì xuống nói chuyện chơi cho bà cụ vui.

Nghe mẹ nói có mời mẹ con bà Hương nhì ở ăn cơm rồi về, mà bà cứ từ chối nói ăn cơm rồi. Vĩnh Xuân tiếp với mẹ mà mời nữa, cương quyết không cho về. Ông nói dầu có no cũng phải ăn với ông một chén rồi mới về được. Bà Hương nhì đã kiêng nể quan Phủ, mà lại thiệt thà, kiếm không ra lời mà cáo từ, nên phải vâng chịu, không dám cãi.

Vĩnh Xuân thay đồ mát đặng ăn cơm; ông ngồi ngoài đầu bàn rồi mời bà Hương nhì ngồi bên tay trái, đối diện với bà Hương văn bên tay mặt, tiếp theo đó thì cô Hưởng đối diện với Vĩnh Tân.

Vì bổn tánh thiệt thà, thấy đâu nói đó, nên bà Hương nhì vừa ngồi thì bà hỏi liền: “Bẩm quan lớn, bà lớn đi đâu vắng, mà nãy giờ tôi không được chào, rồi ăn cơm cũng không được thấy ?”

Vĩnh Xuân, cười mà đáp: “Tôi không có bà lởn, bà nhỏ nào hết. Tôi có một bà mẹ già với một thằng con nhỏ đây mà thôi”.

Bà Hương văn thấy bà Hương nhì day ngó Vĩnh Tân, thì bà tiếp mà nói thêm: “Hồi nó thi đậu làm việc tại Mỹ Tho được năm năm, tôi có lo vợ cho nó. Vợ chồng sanh được thằng Tân cho tôi đây rồi vợ chồng không hợp ý với nhau, nên vào đơn xin với Tòa cho phá hôn thú. Lúc ấy Tân mới được 3 tuổi. Vợ chồng nó để bỏ xong rồi, thì tôi nuôi cháu nội tôi chớ không có mẹ. Bỏi vậy nó tríu tôi với cha nó lăm, đi đâu nó cũng theo, không chịu rời xa”.

Bà Hương nhì hỏi: “Má của cậu Tân còn mạnh khỏe ? Thưa bà đã lấy chồng khác hay là ở vậy ?”

-Ở với mẹ bên Mỹ Tho. Không nghe nói có chồng khác. Chín năm hay tôi không có gặp dâu cũ, mà Tân cũng không thấy mặt mẹ nó. Lúc con tôi đổi qua bên nây, nó đi trước rồi hai bà cháu tôi ở lại sau mới gặp được. Mà Tân lơ lãng như gặp người dưng. Nó không có tình mẹ con chút nào hết.

-Quan Phủ năm nay được bao nhiêu tuổi ?

-Bốn mươi rồi.

-Vậy mà bên Bình Thủy họ nói quan lớn chưa với 35 tuổi.

Vĩnh Xuân cười mà nói: “Nhờ cha tôi hồi trước đặt tên là Vĩnh Xuân nên tôi lâu già. Tên của cha mẹ đặt nó có ảnh hưởng với cảnh đời của mình nhiều lắm, bởi vậy đặt tên con phải lựa chữ, không nên đặt tên xấu, vì tên xấu có thể làm suy đời sống của con. Ông bà có một người con gái mà đặt tên Hưởng, chắc là có ý mong con ngày sau được hưởng hạnh phúc gì đó”.

Bà Hương nhì cũng cười mà nói: “Cha nó đặt bất tử chớ có hiểu gì đâu.

Vĩnh Xuân ngó cô Hưởng rồi hỏi:

-Nghe anh Hương hào nói cô Hưởng học giỏi lắm. Phải vậy hay không cô Hưởng ?

-Dạ, con lọc cọt quẹt ít năm, có giỏi chi đâu.

-Nghe nói cô thi đậu bằng sơ học.

-Dạ, có.

-Cô biết chữ nho hay không ?

-Bẩm, không. Trường con học thì dạy chữ quốc ngữ rồi dạy chút đỉnh chữ Pháp chớ không có dạy chữ nho.

-Phải. Vài mươi năm nay trường nhà nước không có dạy chữ nho nữa. Mà ở đây cũng như bên Mỹ Tho, tôi không thấy trường tư dạy chữ nho. Văn hoá nước nhà đã bắt đầu xây hướng.

-Con thấy dầu xây hướng cũng không lợi gì. Hồi xưa học nho thì được nằn ngủ êm một chỗ. Bây giờ theo tân học thì biết hoạt động nhưng hoạt động như cái máy hát, người ta quây thì ca hát om sòm, chừng người ta ngừng thì im lìm, lặng lẽ.

Vĩnh Xuân nghe mấy lời ấy thì ngạc nhiên, châu mày ngó cô Hưởng. Ông thử trí thức của cô nên nói: “Cô nói học nho thì nằm ngủ êm một chỗ. Hiểu đạo nho như vậy là hiểu lầm. Đạo nho dạy: “Cẩu nhựt tấn, nhựt nhựt tấn, hựu nhựt tấn”. Thế thì học nho cho hoạt bát, ắt tấn hoá lắm, duy có mấy chú hủ nho mới nằm ngủ êm đươc. Lớp xưa ông bà ta cứ theo nho học, có biết âu học là gì đâu, nhưng cũng tấn bộ theo đời, cũng tổ chức quốc gia rỡ ràng, cũng chống cự xâm lăng rất hùng dõng vậy”.

Cô Hưởng cười mà nói: “Bẩm quan lớn theo đời bây giờ học nho có dùng vào đâu. Ai cũng phải đổi theo âu học mới có cơm mà ăn, có áo mà mặc”.

Vĩnh Xuân lộ sắc thẹn thùa, nhưng giặc đầu mà khen: “Cô biết tới như vây thì giỏi lắm. Anh Hương hào nói đúng, chớ không phải nói quá đáng đâu”.

Ăn cơm rồi, bà Hương văn mời bà Hương nhì lại ván ngồi uống nước ăn trầu.

Vĩnh Xuân muốn thử cô Hưởng nên ông vào thơ phòng rồi kêu Tân biểu ra mời cô Hưởng vào đặng cho ông hỏi thăm một việc. Ông đứng tại bàn viết mà chờ. Chừng thấy cô Hưởng vào, ông đưa tay chỉ khuôn kiếng lộng tấm lụa di bút của Cúc Hương, vừa nhìn cô Hưởng, vừa hỏi: “Cô biết đọc mấy chữ nầy hay không ?”

Cô Hưởng nhếch miệng cười mà đáp: “Bẩm con không biết chữ nho”.

Vĩnh Xuân cứ nhìn mặt cô mà nói: “Thôi, để tôi đọc cho cô nghc, rồi cắt nghĩa. Hàng chữ lớn đó là “Xả sanh nhi thủ nghĩa” còn hàng chữ nhỏ ở dưới đó là chữ ký tên “Cúc Hương”. Ông đọc hàng chữ “Xả sanh nhi thủ nghĩa” ông thấy nhãn quan của cô Hưởng dường như hựt sáng, rồi nghc tới hai tiếng “Cúc Hương” lại càng sáng thêm nữa. Ông nín êm để coi có phản ứng gì khác nữa hay không thì thấy cô Hưởng đứng ngó trân cái khuôn kiếng rồi day qua ngó ông, ngó như vậy đến ba bận, nhãn quan lưu lại lần lần rồi cô nói: “Theo con hiểu thì “Xả sanh nhi thủ nghĩa” ý nói một bên là sự sống còn một bên là cái nghĩa, thà bỏ sự sống mà giữ lấy nghĩa, bẩm quan lớn, phảỉ vậy hay không ?”

Vĩnh Xuân châu mày gặc đầu mà đáp: “Phải. Giỏi lắm. Thôi ra ngoài nầy chơi”.

Ông trở ra phòng khách. Tân nắm tay Hưởng đi theo sau.

Bà Hương nhì thấy Hưởng thì kêu cô lại rồi đứng dậy xin phép bà cụ mà về đặng cho quan lớn nghỉ. Bà cụ không cầm nữa, nên đưa khách ra cửa. Chừng mẹ con bà Hương nhì ra tới phòng khách thì Vĩnh Xuân đứng dậy nói: “Bà già tôi ở nhà có một mình buồn quá, vậy lâu lâu bà với cô xuống nói chuyện chơi cho bà già tôi vui. Xuống ở một ngày rồi chiều sẽ về”.

Vĩnh Xuân đưa khách ra tới cửa mà thôi, để cho bà Hương văn với Vĩnh Tân đi theo tới ngoài lộ.

Khách về rồi, ông vô thơ phòng mà nằm. Ông suy nghĩ cách ông thử cô Hưởng hồi nãy. Cô không có học chử nho trong kiếp nầy, nên cô không biết chữ nho thì đã đành. Mà sao ông đọc di bút của Cúc Hương cho cô nghe rồi, dường như cô giựt mình, mắt đổ hào quang muốn nhớ chuyện xưa mà rồi nhớ không nổi, lơ lửng ngó tấm lụa với hàng chữ, ngó qua ông, ngó đến mấy lần như vậy ? Không biết chữ nho mà sao cô lại cắt nghĩa câu “Xả sanh nhi thủ nghĩa” được rành mạch vậy ?

Mấy cái kỳ quái nầy đã chứng cho mình phải tin cô Cúc Hương đầu thai vào nhà bà Hương nhì Tồn đặng bà sanh cô Hưởng đây hay không ? Thiệt có phải Cúc Hương có căn duyên với mình nên khi cô Hưởng vừa đến tuổi có chồng được, Trời Phật khiến cho mình đổi qua Cần Thơ, lại tình cờ khiến cho mình gặp cô đặng tính cuộc trăm năm tơ tóc hay không ? Nếu tiền kiếp của cô Hưởng không phải là Cúc Hương sao cô giống Cúc Hương như khuôn đúc, giống hình dạng, giống mặt mày, giống đứng đi, giống tới tiếng nói ? Nếu không phải nhơn duyên sao găp mình giữa chợ cô ngó mình cô cười, rồi mình đi theo cô ới Rạch Cam mình kêu Cúc Hương mà cô day lại và biểu nếu có thương cô thì xin với cha mẹ cô mà cưới ?

Người có tánh dễ dàng mau mắn như bà Hương văn, thì nội hình sắc giống hệt với ngày giờ sanh phù hạp cũng đủ tin cô Hưởng là hậu kiếp của Cúc Hương. Tại Vĩnh Xuân quen trầm tịnh và thận trọng nên có nhiều điểm khác nữa mà ông cứ ngài ngại hoài, không dám quyết định. Có phải tại ông thường nói với vợ chồng ông Kinh Lương, rồi sau ông còn nói với bà Chủ Thiệu nửa, ông cứ tuyên bố ông không tính cưới vợ nên bây giờ ông ngỡ ngàng không dám bước tới chăng ? Hay là tại ông nhiễm đạo nho, ông không thích đạo Phật, nên ông không tin thuyết nhơn duyên với thuyết luân hồi mà ông lơ lãng đó chăng ?

Ở Cần Thơ, Vĩnh Xuân chưa gặp bạn tri kỷ, nên ông không tỏ tâm sự của ông với ai được, bởi vậy không ai hiểu thâm ý của ông.

Trót mấy tháng, bà Hương văn thôi thúc ông cậy mai nói với vợ chồng Hương nhì Tồn mà xin cưới cô Hưởng, thì ông cứ lặng thinh. Mà nhớ tới Cúc Hương tự nhiên ông nhớ cô Hưởng. Trong lòng ông bồi hồi, ông buông cây đờn đi lại bàn viết ngồi viết thơ thăm ông Kinh Lương. Trong thơ ông thuật rõ đầu đuôi sự ông gặp gỡ cô Hưởng, ông chỉ đủ các cớ làm cho bà Hương văn đoán chắc cô Hưởng là hậu kiếp của Cúc Hương nên cứ thôi thúc biểu ông phải cưới, nhưng vì ông sợ lầm rồi ông không thương mà làm đau khổ cho cô Hưởng nữa, nên ông dục dặc không dám bước tới.

Cách chừng một tuần, Vĩnh Xuân tiếp được thơ ông Kinh Lương khuyên cưới cô Hưởng, trước cho bà Hương văn vui lòng, sau khỏi lỗi hẹn về căn duyên. Ông Kinh lại nói nếu Hưởng mà giống hệt Cúc Hương thì không thể lầm mà ngại, nên cưới rồi dắt về Gò Công cho thấy lại cảnh cũ, gặp lại người quen hoặc may bựt trí sáng ra mà nhớ lại đời sống về kiếp trước. Mà dầu người đó không thể nhớ tiền kiếp đi nữa, thì hình dáng, mặt mày, tiếng nói, thảy đều là Cúc Hương thì làm sao không yêu được mà ngại.

Bức thơ của ông Kinh xúc động tâm hồn của Vĩnh Xuân lại thêm rọi sáng chỗ u ám cho ông thấy nữa.

Vĩnh Xuân đương tính coi bây giờ phải làm sao mà nói với vợ chồng Hương nhì Tồn đặng xin cưới cô Hưởng và nếu người ta chịu gả thì phải làm đám cưới cách nào.

Ông còn đương tính thì tới bãi trường nửa năm. Bà Hương văn muốn nói chuyện cô Hưởng cho vợ chồng ông Kinh nghe, nên bà đòi đi Mỹ Tho đặng bà thăm vợ chồng ông Kinh, còn Vĩnh Tân thăm bà ngoại.

Cần Thơ qua Mỹ Tho có tàu vững vàng, lại đường đi thuận tiện, nên Vĩnh Xuân bằng lòng để cho mẹ đem Vĩnh Tân đi chơi.

Qua Mỹ Tho, bà Hương văn thuật rõ việc cô Hưởng cho vợ chồng ông Kinh nghe nữa.

Bà Chủ Thiệu lấy làm vui mà được chị sui với cháu ngoại trở qua thăm. Ba Khai với Cẩm Nhung mừng quá, theo năn nỉ xin bà Hương văn ở bên nhà chơi ít bữa cho Vĩnh Tân quen bên ngoại. Vì tình, vì nghĩa, bà Hương văn không nỡ từ chối nên chịu ở.

Cẩm Nhung quyến luyến với con, dắt con vô buồng, mẹ con ru rì nói chuyện. Cô lấy hình cô mới chụp mà đưa cho con coi và nói chừng con về cô cho một tấm đặng con cất để dành cho nhớ mặt mẹ. Cô lại dặn con nếu có chụp hình thì gởi cho cô một tấm để lúc nhớ con cô lấy ra mà nhìn.

Tối lại Cẩm Nhung dọn bộ ván nhỏ trong phòng cô, rồi giăng mùng cho Vĩnh Tân ngủ đặng mẹ con gần nhau ít bữa.

Đêm ấy Ba Khai ra ngồi nói chuyện với bà Hương văn, hỏi thăm dân tình, hỏi cách làm việc. Bà Chủ thì hỏi Vĩnh Xuân đã có tính chấp tơ nối tóc hay không. Bà Hương văn đương uất về việc đó, nên nghe hỏi thì bà không thể giấu được. Bà mới ngồi kể sơ cho bà Chủ với ba Khai nghe chuyện Cúc Hương thệ ước rồi tự vận mà chết hồi trước. Bà kể luôn chuyện xuống Cần Thơ, đi xem chợ Bình Thủy tình cờ gặp cô Hưởng giống hệt Cúc Hương hồi trước. Xem xét khai sanh của cô Hưởng thì ngày giờ sanh đúng y ngày giờ Cúc Hương cho Vĩnh Xuân chiêm bao thấy cô về từ giã đặng đi đầu thai. Mấy tháng nay bà có khuyên con cậy mai mối mà cưới cô Hưởng là hậu kiếp của Cúc Hương, mà Vĩnh Xuân cứ dục dặc hoài không chịu cưới.

Bà Chủ, Ba Khai đều nói đã có duyên nợ, lại có lời thệ ước không nên làm lơ, thế nào cũng phải cưới. Hai người xin bà Hương văn rán khuyên quan Phủ phải làm cho tình nghĩa vuông tròn. Bà Hương văn nói bà đã khuyên hết sức mà không được. Bà đã có Cháu nội rồi vậy con muốn cưới vợ nữa hay là không cưới bà cũng không cần.

Bà Chủ biểu Ba Khai viết một bức thơ cho quan Phủ, nói bà hiệp ý với chị sui mà khuyên phải cưới cô Hưởng cho khỏi lỗi thệ ước, khỏi lỡ căn duyên, viết thơ rồi chừng chị sui về thì gởi cho chị cầm về. Bà dặn trong thơ phải nói cho gắt và hứa giúp nữ trang cho quan Phủ đi lễ cưới.

Ba Khai nói hễ quan Phủ chịu cưới và định ngày rồi thì biểu Vĩnh Tân viết thơ cho cậu hay đặng cậu xuống trước mà giúp sắp đặt đám cưới.

Bà Hương văn ở chơi với sui gia cũ đến ba bữa rồi mới cáo từ đi qua chợ chơi với bà Kinh một bữa nữa đặng có về Cần Thơ cho Vĩnh Xuân khỏi trông.

Ba Khai đưa một phong thơ cho bà Hương văn, cậy bà đem về cho quan Phủ. Cậu căn dặn bà, nếu quan Phủ chịu cưới vợ thì biểu Vĩnh Tân viết thơ cho cậu hay đặng cậu qua.

Bà Chủ cho Vĩnh, Tân 200$00 để ăn bánh mà đi học. Bà nói năm nay bà già yếu, nên dầu đám cưới thì có lẽ bà phải sai Ba Khai đi thế, chớ bà đi không được.

Cẩm Nhung gói một tấm hình mà giao cho con để kỷ niệm. Vĩnh Tân bây giờ lớn rồi, biết mẹ, biết cậu, biết bà ngoại, nên nói chuyên vui vẻ chớ không phải lợt lạt như hồi trước nữa, bởi vậy Cẩm Nhung bớt đau khổ nỗi lòng, nhận thầy người chồng cũ đại độ nên tha thứ, cô mới gây tình mẫu tử lại được.

Bà Hương văn dắt cháu nội trở qua ở chơi với bà Kinh một bữa nữa. Chừng bà sửa soạn xuống tàu về Cần Thơ, thì ông Kinh đưa cho bà một phong thơ cậy đem về cho quan Phủ. Ông nói thơ ấy khuyên quan Phủ cưới cô Hưởng nữa, để thí nghiệm thuyết nhơn duyên với thuyết luân hồi của nhà Phật.

Bà Kinh đưa bà cháu bà Hương văn xuống tàu, cứ căn dặn nếu quan Phủ chịu cưới vợ thì phải cho hay đặng ông Kinh qua, như ông đi không được thì bà đi thế.

Bà Hương văn về đưa hết hai phong thơ cho quan Phủ. Vĩnh Xuân đọc rồi thì cười mà nói: “Ai cũng muốn tôi cưới cô Hưởng để thí nghiệm mấy thuyết của đạo phật giáo; vậy tôi sẽ làm, mà tôi làm đây là vì trong giấc chiêm bao Cúc Hương có nói: “Kiếp sau sẽ sum hiệp” nên tôi phải tận tâm với nàng, như nàng đã tận tâm với tôi, chớ không phải tôi muốn thí nghiệm thuyết nào hết”.

Cách vài bữa, quan Phủ Vĩnh Xuân viết thơ mời Hương hào Thi chúa nhựt xuống nhà ông cho ông nói chuyện riêng. Ông tỏ thiệt với Hương hào rằng lúc còn đi học ông có thệ ước trăm năm với một thiếu nữ bên Gò Công tên Cúc Hương. Ông còn học thì ở nhà cha mẹ nàng ép gả nàng cho con của một vị điền chủ giàu. Nàng không chịu nên uống thuốc độc mà chết; lại hiện hồn lên nhà trường báo tin cho ông hay, hứa vong hồn sẽ theo phò hộ cho ông học thành công. Khi ông thi đậu rồi, nàng cho ông trong giấc chiêm bao thấy nàng đến từ giã đặng đi đầu thai, lại nói vì có d uyên nợ với nhau nên hẹn kiếp sau sum hiệp. Tình cờ đến chợ Bình Thủy ông gặp cô Hưởng giống hệt nàng Cúc Hương hồi trước. Xem xét khai sanh thì nhận thấy ngày giờ cô Hưởng sanh trong nhà ông Hương nhì Tồn phù hiệp với ngày giờ nàng Cúc Hương từ biệt đặng đi đầu thai. Mấy tháng nay bà Hương văn với mấy bà con thân thiết cứ theo thôi thúc cưới cô Hưởng là hậu kiếp của nàng Cúc Hương, phải cưới đặng khỏi phụ lời thệ ước và cho hiệp với duyên nợ nữa. Vậy ông cậy Hương hào về thuật chuyện của ông như vậy cho vợ chồng Hương nhì Tồn nghe và ướm thử coi nếu ông cậy mai nói xin cưới cô Hưởng thì vợ chồng Hương nhì bằng lòng gả hay không.

Hương hào Thi về rồi bữa sau trở xuống bẩm rằng vợ chồng Hương nhì đợi ít bữa đặng bàn tính với con coi ý con thế nào mới trả lời được. Té ra bữa chiều Hương hào xuống cho hay liền cô Hưởng ưng và vợ chồng Hương nhì cũng bằng lòng gả rồi.

Quan Phủ Vĩnh Xuân dắt Hương hào về nhà thưa việc đó cho mẹ hay. Bà Hương văn vui mừng, bà biểu phải cậy người tuổi tác đứng làm mai dong, để Hương hào làm mai tay trong. Vĩnh Xuân kêu xe kéo đi lên Bình Thủy cậy Hương cả Long Tuyền đứng làm mai. Hương cả chịu liền.

Làm quan mà cưới con dân thì dễ lắm, muốn thế nào cũng được hết. Vĩnh Xuân xin gộp một lễ cho tiện và định lễ cưới làm lễ thân mật trong gia đình, không nhóm họ, không mời khách rình rang. Mâm trầu xây đàng gái. Họ đàng trai đi năm ba người lên làm lễ rồi uống nước mà rước dâu về bên đàng trai sẽ đãi ăn. Họ đàng gái đưa dâu cũng đi năm bảy người cho đủ lễ vậy thôi.

Vợ chồng Hương nhì chấp thuận làm theo ý quan Phủ muốn.

Ngày cưới định chắc rồi.

Bà Hương văn biểu Vĩnh Tân viết hai bức thơ, để tên bà ký, đặng cho bà Chủ với Ba Khai và cho vợ chồng ông Kinh hay, mời hai nhà qua dự lễ cưới.

Vĩnh Tân biết cậu ba sắp qua đám cưới nên đi chụp hình đặng gởi cậu đem về cho bà ngoại.

Trước lễ cưới hai bữa, Ba Khai qua tới. Cậu nói bà Chủ không được khỏe nên biểu cậu thay mặt qua giúp quan Phủ.

Cậu đưa cho bà Hương văn một đôi bông nhận xoàn với một đôi vàng chạm, nói của mẹ gởi phụ cho quan Phủ đi lễ cưới.

Bữa sau bà Kinh Lương qua tới nữa, nói ông Kinh yếu chưn đi không tiện, nên sai bà đi môt mình đặng mừng cho quan Phủ gương bể lại lành, tơ đứt nối lại.

Đàng gái thiệt là dễ, không đòi nữ trang, áo mới, hoặc lễ vật chi hết, lại dành xây mâm trầu nữa. Nhưng cô dâu buộc gắt một điều là bên trai phải dọn phòng kín và trong phòng đặt bàn thờ tơ hồng đặng về hiệpcẩn dâu rể cúng mâm tơ hồng rồi mới bái yết từ đường.

Đám cưới thiệt thân mật. Họ đàng trai chỉ có bà Hương văn, bà Kinh Lương, Ba Khai với vợ chồng Cai Tổng sở tại mà thôi. Tuy đàng gái không đòi, song bà Hương văn cũng đi bốn mâm bánh trái, trà rượu đặng cúng ông bà và cho dâu môt đôi bông tai xoàn, một đôi vàng chạm với một mớ áo.

Bây giờ ở Cần Thơ đã có xe hơi cho mướn nhiều rồi, nên Vĩnh Xuân mướn ba chiếc đi rước dâu; hai chiếc để cho họ đi, còn một chiếc để cho dâu rể.

Họ đàng gái thì chỉ có ông sui, bà sui gái, vợ chồng hương cả với vợ chồng Hương hào, nên mướn hai xe hơi mà thôi.

Rước dâu về tới nhà, dâu rể đi thẳng vào phòng kín đặng cúng mâm Tơ hồng. Hương Cả Long Tuyền là người tuổi tác, lại làm mai dong nên ông đi theo vô phòng kín đặng lên đèn cho dâu rể lạy rồi ông trở ra ngoài liền.

Cô Hưởng lạy chậm mà chờ Vĩnh Xuân. Chừng vợ chồng đứng dậy xá bàn thờ Tơ Hồng, một lượt, thì cô Hưởng thấy ông đã ra ngoài rồi cô mới hỏi: “Bây giờ anh tin có ông Tơ, có duyên nợ hay chưa ?”.

Vĩnh Xuân ngạc nhiên, nhìn cô trân trân, tinh thần tán loạn, không nói được.

Cô Hưởng chúm chím cười rồi hỏi tiếp: “Sao anh không lấy cái khuôn kiếng lộng hàng chữ nho “Xả sanh nhi thủ nghĩa” mà treo trong phòng nầy ?”

Tới câu hỏi đó thì Vĩnh Xuân mừng quá, hết nghi ngờ gì nữa, nên lại ôm cô Hưởng mà nói: “Em Cúc Hương ? Té ra thiệt em mà qua có dè đâu mà được hạnh phúc như vầy ?”

Cô Hưởng cười mà nói: “Thôi, đi ra ngoài đặng làm lễ từ đường kẻo người ta chờ”.

Vĩnh Xuân vén màn, mở cửa rồi vợ chồng bước ra, cả hai đều có nét vui vẻ tươi cười trên mặt. Bà Hương văn dắt dâu rể lên lầu lạy bàn thờ. Ba Khai với vợ chồng Hương nhì đi theo sau.

Làm lễ xong rồi dâu rể vô phòng cởi áo rộng. Ba Khai đi coi khách trú dọn tiệc. Có đặt cao lầu nấu ba cỗ nên khi mời nhập tiệc thì mấy bà ngồi một bàn, còn mấy ông chia ngồi hai bàn rộng rãi.

Gần 2 giờ chiều tiệc mới mãn. Họ đàng gái về. Vợ chồng thầy Cai Tổng cũng về.

Ba Khai coi cho họ dọn dẹp bàn ghế lại như cũ.

Cô Hưởng xẩn bẩn chung quanh bộ ván, chỗ bà Hương văn với bà Kinh ngồi đặng coi trầu nước. Bà Kinh cứ ngó cô hoài. Bà Hương văn nói nhỏ: “Con kia hồi đó cũng bây lớn vậy, giống hệt, giống tới liếng nói nữa. Bởi vậy hôm tôi mới thấy lần đầu tôi tưởng con kia hiện hình về chớ”.

Vĩnh Xuân thay đồ mát rồi qua thơ phòng gỡ lấy khuôn kiếng có bút tích của Cúc Hương mà đem qua phòng ngủ, dựng đứng lên bàn thờ Tơ Hồng, rồi ông trở ra kéo một cái ghế ngồi gần mẹ mà uống nước. Thấy Ba Khai đi ngang ông kêu mà mời uống trà.

Ba Khai cũng kéo ghế mà ngồi. Bà Hương văn kêu thằng Ca biểu chế bình trà cho hai anh em uống.

Bà Kinh hỏi Ba Khai chừng nào về. Khai nói công việc xong hết rồi nên tính sáng bữa sau về, vì ở nhà không có ai. bà nói bà cũng về. Bà hỏi Vĩnh Xuân có nhắn chuyện chi với ông Kinh hay không.

Vĩnh Xuân suy nghĩ rồi đáp: “Bà về thưa với ông Kinh rằng tôi hết sợ lầm, bà nói như vậy thì ông hiểu”.

Bà Kinh với bà Hương văn ngó nhau mà cười.

Vĩnh Xuân nói tiếp: “Còn anh Ba thưa với má rằng tôi lấy làm cảm động mà được má nghĩ tình nên gởi nữ trang cho tôi cưới vợ. Cử chỉ ẩy không phải có thường được. Thuở nay tôi không thọ tiền bạc của ai. Nhưng đã của má gởi, tôi không dám từ. Vợ chồng tôi giữ để kỹ niệm tình nghĩa mẹ con. Sở dĩ hôm nay tôi cưới vợ đây là tại hai má với ông Kinh, bà Kinh tin tưởng giáo lý của nhà Phật rồi hiệp nhau thôi thúc tôi, nên tôi mới thí nghiệm. Nếu không ai đốc thì chắc tôi bỏ vuột. Sự thí nghiệm đã bắt đầu có hiệu quả. Trong 10 phần thôi đi trúng đường đã 8 hoặc 9 phần rồi. Nhưng phải đợi một thời gian ít tháng rồi mới dám quả quyết.

Mấy người đều vui.

Đến tối Vĩnh Tân lấy hai tấm hình của cậu mới chụp mà bỏ vào bao thơ rồi gởi cho Ba Khai đem về cho mẹ với bà ngoại.

Sáng bữa sau, vợ chồng Vĩnh Xuân với bà Hương văn và Vĩnh Tân đưa bà Kinh với Ba Khai xuống tàu mà về.

PHẦN V - CHƯƠNG 25 -

L

ễ phản bái đã xong.

Cô Hưởng đã thành bà Phủ Vĩnh Xuân. Nhưng vì cô còn trẻ quá, nên trong vùng Bình Thủy người ta gọi cô là cô Phủ, chớ không gọi là bà Phủ. Ấy cũng tại vợ chồng Hương nhì Tồn khiêm nhượng, sợ thất đức cho con lên không muốn để người ta gọi là bà, nói rằng bà gì mới 18 tuổi.

Ăn cơm tối rồi, Vĩnh Tân rút lên lầu mà học bài. Bà Hương văn muốn để cho cặp vợ chồng mới thong thả nói chuyện đặng quen nhau rồi gây tình thân ái nên bà cũng lên lầu nằm nghỉ.

Vĩnh Xuân kêu thằng Ca biểu chế cho một bình trà nhỏ để trong thơ phòng. Ông quyết bữa nay thử gạy (gợi) cô Hưởng lại coi cô còn nhớ đủ kiếp trước của cô hay không, chớ sao bữa nhập phòng cô nhắc chuyện ông Tơ rồi cô hỏi qua bút tích, nghĩa là cô có ý làm cho ông biết cô là hậu kiếp của Cúc Hương, mà hai bữa rày cô không làm cho ra vẻ Cúc Hương nữa, lại ông nhắc tới việc trước thì cô sững sờ, dường như không hiểu chi hết.

Thấy thằng Ca đem bình trà để trong thơ phòng rồi, Vĩnh Xuân mời cô hưởng đi với ông vào đó uống nước nói chuyện chơi. Vợ chồng vào rồi, ông khép cửa phòng lại cho kín, dắt vợ đi ngay lại tủ sách. Ông mở bét hai cánh cửa tủ ra vừa chỉ vừa nói: “Tủ sách của qua có ba từng riêng biệt. Từng dưới qua để sách nho, từng giữa sách quốc ngữ, còn từng trên hết thì sách chữ Tây. Tủ qua không khóa. Vậy qua đi làm việc, em ở nhà thì lấy sách đó mà đọc, muốn đọc thứ nào tuỳ ý. Trong lớp sách nho, có bộ Mạnh Tử qua để lên trên đây”.

Ông vói lấy bộ sách Mạnh Tử đưa cho cô Hưởng mà cặp mắt ngó cô trân trân, có ý muốn biết coi cô còn nhớ chuyện học Manh Tử hồi trước hay không.

Cô Hưởng cười và nói: “Em có biết chữ nho đâu mà đọc. Em có đọc thì đọc sách quốc ngữ đây. Tủ sách mà anh để sách theo thứ tự như vậy thì có ý nghĩa nhiều lắm. Ai xem qua cũng biết được trí ý của anh về văn hoá”.

Vĩnh Xuân nghe như vậy thì lấy làm kỳ, vì sắp sách vào tủ thì ông sắp mỗi thứ một từng khác nhau cho khỏi lộn xộn, chớ không có ý chi hết. Ông bèn hỏi cô:

-Tại sao người ta biết trí ý của qua về văn hoá ?

-Anh sắp sách nho ở từng dưới hết, tức thị anh muốn chỉ nho học là căn bản văn hoá của nước mình, nhờ căn bản đó mới nảy sanh quốc văn ở từng kế còn Âu học là cái ngọn nên ở trên cao mới sanh bông sanh trái được. Văn hoá của mình phải có gốc, có nhánh, rồi có ngọn như vậy, mỗi lớp đều vững bền, chắc chắn, mới có hưởng hoa quả muôn đời được, chớ trồng cây mà không có gốc anh chặt nhánh mà cặm, thì làm sao nhánh được mát mẻ tốt tươi mà đơm lá đơm chồi, hoặc anh đốn ngọn mà trồng, không có gốc rễ chi hết, thì dầu ngọn ấy trổ bông đi nữa, bông cũng không tươi, dầu có sanh trái đi nữa, trái cũng không ngon ngọt.

Vĩnh Xuân ngạc nhiên mà nói: “Việc qua làm mà em hiểu ý được, thế thì vợ chồng ta là bạn đồng tâm, đồng chí rõ ràng. Qua mừng lắm. Tuy em nói em không có học chữ nho, song qua thấy em có nho học trong trí. Vậy cũng đủ hiệp hòa với nhau được”.

Vĩnh Xuân để bộ Mạnh Tử từng dưới, rút một tập ở từng giữa đưa cho cô Hưởng mà nói: “Tập nầy là tập thi của qua làm trong mười mấy năm nay. Xem đó thì rõ tâm hồn của qua. Vậy có rảnh em lấy mà đọc, rồi em cho qua biết trí ý của em đối với thi văn của qua thể nào. Thôi, lại đây uống trà nói chuyện chơi”.

Vĩnh Xuân khép tủ sách rồi đi lại cái bàn nhỏ ngồi, vợ chồng đối diện nhau. Ông trót trà mời cô uống với ông, rồi ông nhìn cô mà nói: “Hồi nhỏ qua ở Chợ Giồng Ông Huê bên Gò Công… Qua học chữ nho với ông Giáo Huân… Nhà ông Giáo Huân nằm dựa bên đường vô Vĩnh Hựu… Trường học ở phía sau nhà… Em nhớ hôn ? … Em biết ông Giáo Huân mà...“.

Cô Hưởng ngồi lóng tai nghe. Cô ngó vách tường, bộ suy nghĩ lung lắm. Có lúc cô nhếch miệng dường như muốn nói, mà rồi cô bình tĩnh lại, nhíu chưn mày suy nghĩ nữa.

Vĩnh Xuân tiếp nữa: “Ông Giáo Huân ở chợ Giồng...Ông dạy ba bốn mươi lọc trò, phân ra ngồi ba bàn. Có bộ ván lót ngay đầu bàn giữa. Ông nói sách rồi ông ngồi đó. Có lúc ông lại võng mà nằm...“

Cô Hưởng lơ lửng một hồi, rồi cô lắc đầu; sè bàn tay ra bụm mắt và trán mà nói: „Em không biết ông Giáo Huân... Em không hiểu gì hết“

Vĩnh Xuân thất vọng. Ông rót một chung trà mà uống. Ông thấy bộ cô Hưởng mệt. Ông nắm tay cô dắt lại bộ ván biểu cô nằm nghe đờn chơi. Ông lấy cây đờn kìm đem lại ngồi trước mặt cô, lên dây đờn một bản nam xuân qua nam ai. Ông ngừng lại mà hỏi cô:

-Em thích nghe đờn hay không ?

-Thuở nay em nghe đờn trong máy hát, chưa nghe ai ngồi đờn như vầy mà sao em nghe đờn em buồn quá, buồn muốn khóc.

-Tại qua đờn dây nam nên buồn.

-Dây nam sao lại buồn ? Có dây gì vui hay không ?

-Âm nhạc của mình có ba giọng, người ta gọi là ba thứ dây: dây bắc lẹ làng, rột rạc nên nghe vui vui. Dây oán réo rắt giọng như thở than phiền trách còn dây nam thì sầu não giọng như đau khổ, như buồn rầu. Để qua đờn mỗi giọng một bản cho em thấy sự phân biệt khác nhau.

Vĩnh Xuân nói trước ông sắp đờn dây bắc, rồi ông đờn một bản Lưu Thủy. Ông ngừng một chút rồi ông đờn một bản Tứ đại. Ông nói đó là dây oán. Sau hết ông đờn một bản nam xuân rồi qua nam ai. Ông mới buông đờn mà hỏi cô:

-Đờn đủ ba giọng rồi, theo ý em thì em ưa giọng nào ?

-Giọng nào cũng yếu xịu, nghe buồn muốn chết nên em không ưa giọng nào hết.

Vĩnh Xuân nhăn mặt. Ông ngó cô mà hỏi thình lình: “À ! Em biết chị Hai Tỷ hay không? …Chị Hai Tỷ bán hàng ngoài chợ, vợ tài phú Sấm đó” Cô Hưởng lơ lững nói: “Chị Hai Tỷ…Chị Hai Tỷ … In là em có nghe tên người nầy… Để nhớ coi nghe hồi nào… Cha chả ! Nhớ không nổi rồi”.

Vĩnh Xuân lắc đầu, thất vọng cực điểm. Ông lấy đờn mà đờn nữa, ngồi đờn ở đây là trí tưởng ở đâu, đờn mà không hăng hái không vui vẻ chút nào hết.

Cách vài bữa sau, tan buổi hầu chiều rồi Vĩnh Xuân đi về nhà. Ông thấy cô Hưởng với Vĩnh Tân đương đứng ngoài sân coi thằng Ca trồng bông huệ. Ông vô nhà thấy mẹ ngồi một mình, ông mới lại gần mà nói: “Hổm nay con thử vợ con đủ cách hết. Kiếp trước nó là Cúc Hương, điều đó chắc chắn rồi không còn nghi ngại gì nữa. Hôm mới vô nhập phòng cúng bàn Tơ hồng rồi, thì nó sáng suốt, nó nhớ con hồi trước không tin có ông Tơ, cũng không tin có duyên nợ. Nó hỏi con bây giờ chịu tin hay chưa. Con mừng quá, con chắc kiếp nầy tuy nó đầu thai làm cô Hưởng, song nó cũng sẽ kể nỗi khổ tâm của Cúc Hương cho con nghe, nó sẽ tỏ tình nghĩa của nó đối với mẹ con mình. Té ra từ bữa cưới rồi tới nay nó không nói chuyện Cúc Hương chút nào hết. Nhiều lần con gạy ra mà nói, con nhắc ông Giáo Huân, con nhắc chị Hài Tỷ, thì nó lơ lững dường như nhớ mài mại nhưng rồi lại mờ mệt nói không được. Chắc là đầu thai đặng sống kiếp nầy nó không thể nhớ chuyện kiếp trước được. Nhưng con muốn làm sao cho nó nhớ chuyện kiếp truởc đặng nó làm Cúc Hương hoàn toàn thì con mới thiệt phỉ tình. Con tính con phải thử nó một cách nầy nữa. Bây giờ có đường giao thông khắp hết mọi nơi, xe hơi chạy được hết. Cần Thơ lên Sài gòn, Mỹ Tho qua Gò Công, mà Gò Công lên Sài gòn cũng được nữa, con muốn xin phép nghỉ ít bữa. Con mướn xe hơi đem vợ con về Chợ Giồng cho nó gặp ông Giáo Huân, gặp chị Hai Tỷ, nhứt là gặp cha mẹ hoặc anh em của Cúc Hương coi nó nhớ lại người xưa hay không. Con sẽ dắt nó lại chỗ nó ở, chỗ nó ngồi học, chỗ nó dọn bán hàng hồi trước, đặng mở trí coi nó biết hay không. Nhơn dịp ấy con thăm mộ cha luôn thể. Má muốn đi với con hay không ?

Bà Hương văn nói:

-Má muốn đi lắm chớ, về Chợ Giồng thăm người quen hồi trước chơi, ngặt từ hôm đi Mỹ Tho về đến nay má nghe trong mình không được khỏe, ngồi xe đi đường xa quá má sợ bịnh. Thôi hai vợ chồng con đi, để má ở nhà với thằng Tân.

-Con muốn đem Tân theo mà còn mấy tháng nữa tới thi, nó phải học rút. Vậy nếu má ở nhà, thì con để nó ở lại với má đặng nó đi học.

-Con coi tánh nết vợ con giống Cúc Hương hay không ?

-Giống, mà Hưởng lại thông minh hoạt bát hơn Cúc Hương nhiều. Cúc Hương học nho nên thiệt thà, Hưởng có tân học nên lanh lợi, tráo trở hơn. Hai người đều ham cãi lẽ, ưa tìm hiểu như nhau, nhưng Hưởng khôn ngoan hơn, nên cãi có lý lắm.

-Con muốn đi Chợ Giồng thì xin phép nghỉ mà đi ít bữa, về thăm mộ của cha con luôn thể. Mà đi ngang Mỹ Tho, con phải ghé thăm vợ chồng ông Kinh và thăm bà Chủ với Ba Khai một chút.

-Vợ chồng con phải thăm chớ. Nếu không thăm thì thất lễ.

Sáng bữa sau thầy Cai tổng sở tại có việc vào Tòa Bố, rồi ghé phòng quan Phủ mà thăm ông. Vĩnh Xuân nói ông tính mướn xe hơi đi về thăm mộ bên Gò Công ít bữa. Mà qua Mỹ Tho phải thăm anh em, chắc phải ở đó một ngày. Rồi xuống Gò Công, có lẽ phải ở vài ba ngày. Bận về không biết chừng đi ngã Sài gòn, đặng lên đó mua đồ chút đỉnh rồi mới về. Mắc đi không nhứt định mấy ngày được, lại không chắc nên lên Sài gòn hay không, bởi vậy không biết mướn xe cách nào. Ông cậy thầy Cai Tổng hỏi giùm mấy chủ có xe cho mướn coi họ có chịu cho nướn ngày hay không. Họ cho mướn xe vớỉ tài xế, mình đổ săng mà đi. Ngày nào xe đậu, vì mình không đi đâu, mình cũng trả tiền. Hỏi thử coi họ tính mỗi ngày mình phải trả tiền bao nhiêu.

Thầy Cai Tổng chịu lãnh đi mướn xe giùm.

Đến 4 giờ chiều, thầy Hội Đồng Đạo, là em của thầy Cai Tổng, vô Tòa Bố thăm quan Phủ Vĩnh Xuân. Thầy nói: “Tôi mới gặp anh tôi mướn xe giùm cho quan lớn đi chơi ít bữa. Không được đâu quan lớn. Xe cho mướn bọ mua xe cũ, máy móc lôi thôi lắm. Chạy cà rịt cà tang, gần gần như đây qua Vĩnh Long hoặc lên Long Xuyên, hoặc xuống Phụng Hiệp, Sóc Trăng thì được, chớ quan lớn đi xa quá, sợ nó ăn banh nó bỏ quan lớn nằm dọc đường bất tiện lắm. Tôi cản anh tôi đừng thèm mướn, để tôi cho quan lớn mượn xe tôi quan lớn đi, vậy cho vững bụng, lại ở chơi bao nhiêu cũng được. Xe tôi còn mới, vỏ ruột tốt, máy mới rà, tài xế giỏi, quan lớn khỏi lo gì hết. Quan lớn nhứt định chừng nào đi thì tôi đem xe lại cho quan lớn đi, đừng ngại chi hết”.

Vĩnh Xuân dụ dự không muốn mượn xe mà phải mang ơn. Hội Đồng Đạo thiệt tình muốn cho mượn, cứ theo nài ép, nói rằng lúc nầy xe nằm nhà thầy không cần dùng đi đâu hết, quan lớn đi mấy bữa cũng được, mỗi ngày quan lớn cho tài xế tiền ăn cơm, hết săng quan lớn đưa tiền cho tài xế đi đổ. Không mấy khi quan lớn về thăm quê quán, em út giúp xe đặng quan lớn đi cho tiện, chớ không có ơn gì lắm mà phải ngại. Vĩnh Xuân thấy nài nỉ quá, lại nghe đi xe mướn hay nằm đường, nên ông chịu mượn xe và nói để sắp đặt xong rồi sẽ cho thầy Hội Đồng biết đi ngày nào, giờ nào. Vĩnh Xuân xin nghỉ một tuần lễ, định sáng chúa nhựt đúng 7 giờ đi, mới cho thầy Hội Đồng hay. Thiệt đến bữa đó mới 6 giờ rưỡi, Hội Đồng Đạo ngồi xe lên giao cho quan Phủ mượn, thầy nói săng đổ đầy rồi, đi xuống tới Gò Công cũng còn dư nhiều. Thầy dặn tài xế đi với quan lớn phải chạy kỹ lưỡng, quan lớn muốn đi đâu và ở bao lâu cứ vâng lời, không được cãi.

Thằng Ca xách hoa ly áo quần ra xe. Vợ chồng Vĩnh Xuân từ giã mẹ với Vĩnh Tân, cám ơn thầy Hội Đồng rồi lên xe đi.

Vì phải qua tới hai cái đò nên gần 10 giờ xe mới tới Mỹ Tho. Vĩnh Xuân chỉ đường cho tài xế đậu trước nhà ông Kinh Lương. Vợ chồng ông Kinh Lương mừng quá, cầm vợ chồng quan Phủ ở ăn cơm trưa. Vĩnh Xuân muốn đi thăm cụ Huấn Trai thì ông Kinh nói cụ đi Sài gòn không có ở nhà. Vĩnh Xuân đưa tiền cho tài xế đi ăn cơm rồi đổ thêm săng cho đầy đặng xế đi Chợ Giồng, vì sợ chợ nhỏ không có bán săng.

Bà Kỉnh lo tiếp đãi cô Phủ, sai chị nấu ăn đi mua đồ thêm đặng đãi khách.

Ông Kinh mừng bạn tri âm thì lo chế trà ngon uống với nhau rồi hòa đờn chơi một chập. Vĩnh Xuân tỏ mục đích đi Gò Công cho ông Kinh nghe, nói rằng cô Hưởng chắc chắn là hậu kiếp của Cúc Hương, nhưng cô không nhớ chuyện kiếp trước được, nên phải đem cô xuống Chợ Giồng Ông Huê đặng cô thấy cảnh cũ người xưa coi cô có hồi tâm định trí mà nhớ lại chuyện cũ hay không.

Vĩnh Xuân cắt nghĩa cho vợ hiểu lúc mới xuất thân làm ký lục, lãnh lương mỗi tháng 19$00, vợ chông ông Kinh nuôi trong nhà hơn một tháng, không chịu lấy tiền cơm. Chừng mẹ ở Chợ Giồng lên thì mướn phố ở cách đây một căn, ông học đờn, học làm thi với ông Kinh, còn mẹ gói bánh ú, bánh chưng, bán kiếm lời mà phụ với lương mới đủ nuôi sống. Khi ly dị với mẹ thằng Tân rồi mướn thêm một căn nữa mà ở cho rộng, ở dãy phố nầy gần 18 năm.

Cô Hưởng nói: “Phải cực trước rồi sau mới sướng, phải có buồn thì mới biết vui”.

Ông Kinh cười mà nói: “Cô Phủ nói theo thuyết của Đạo giáo. Họa hề phúc sở ý”.

Ăn cơm rồi nói chuyện chơi đến 2 giờ. Vĩnh Xuân từ giã vợ chồng ông Kinh đặng qua thăm bà Chủ Thiệu với Ba Khai một chút rồi đi luôn xuống Chợ Giồng. Ông Kinh mời bận về ghé chơi. Vĩnh Xúấn nói như về ngả nầy thì ghé, còn như lên Sài gòn thì chắc về luôn.

Vợ chồng Vĩnh Xuân qua thăm bà con bên vợ cũ thì bà chủ Thiệu với Ba Khai mừng lắm, có vậy mới thấy rõ lòng thực thà của quan Phủ trước sao, sau vậy, tuy đã có vợ song tình nghĩa không phai.

Ba Khai muốn cầm ở chơi tới sáng bữa sau sẽ đi, nhưng nghĩ Xuân ở đây Cẩm Nhung phải đau khồ, mà sợ cô Hưởng cũng không vui, nên không dám cầm.

Đến 3 giờ rưởi, Vĩnh Xuân cáo từ rồi cùng cô Hưởng lên xe về thăm quê quán.

Gần 5 giờ chiều, xe đã xuống tới Chợ Giồng. Vĩnh Xuân muốn thử vợ liền, nên dặn tài xế chạy thiệt chậm để ông chỉ đường cho mà đi, xe lên cầu sắt ông dặn quanh qua tay mặt, có ý chạy ngang nhà Hia Mỹ. Chừng xe tới đó, Vĩnh Xuân một tay vỗ vai cô Hưởng, một tay chỉ nhà Hia Mỹ.

Cô Hưởng ngó trân rồi nói: “Ý ! In là em biết nhà nầy. Phải em có ở đây hay không ?”.

Vĩnh Xuân mừng nên cười mà đáp: “Phải, phải hồi trước em ở đó”.

Xe chạy luôn rồi quẹo qua mặt chợ, vẫn chạy chậm chậm. Tới nhà lồng chợ, Vĩnh Xuân chỉ chỗ cúc Hương với Hai Tỷ ngồi bán hàng hồi trước mà hỏi vợ: “Em biết chỗ nầy hay không ?”.

Cô Hưởng cười mà đáp: “Biết em nhớ rồi”.

Vĩnh Xuân nói: “Để rồi sẽ trở lại đó”.

Xe vô tới nhà việc làng. Vĩnh Xuân dặn tài xế hễ tới ngã ba chỗ góc nhà việc thì đi phía tay mặt. Xe vừa quanh thì cô Hưởng đưa tay chỉ và nói: “Nhà việc đây… Chùa ông bên nây đây… Em biết mà…”.

Vĩnh Xuân mừng nói: „Em giỏi quá !... qua vui lắm ...Để qua đem em thăm thầy mình hồi trước. Ông Giáo Huân...Em biết chớ ?...“.

Cô Hưởng nói: „ÔNG Giáo Huân ?...“.

Ông giáo Huân đã 70 tuổi rồi, tóc bạc trắng, răng rụng hết, mà nhờ có bà vợ lo tiếp dưỡng mấy năm nay, sợ ông mệt không cho ông dạy học nữa, nên sức khỏe của ông chưa suy lắm. Còn bà vợ, là thím Hằng, tuổi chưa tới lục tuần nên chưa thiệt già.

Buổi chiều nầy bà Giáo lo cơm nước trong nhà sau, còn ông Giáo một mình thơ thẩn trước sân, săm soi hai chậu môn còn tốt tươi, với hàng bông trồng dài theo hàng rào dựa tường.

Thình lình nghe xe hơi chạy rồi tới ngừng ngay trước cửa, ông Giáo Huân ngó ra thấy một người đàn ông với một người đàn bà đương mở cửa xe leo xuống, rồi cùng nhau song song đi vô cửa ngõ.

Ông Giáo ngó rồi la lớn: „Ai đó vậy ? Phải cháu Vĩnh Xuân hay không ?“

Vĩnh Xuân đáp: „Thưa phải. Con là Vĩnh Xuân đây“.

Ông Giáo nói: „Dữ quả. Gần 20 năm thầy trò mới gặp nhau được. Cháu đi với ai đây ? Ủa ! Con Cúc Hương mà… phải hôn ?”.

Vĩnh Xuân đáp: “Thưa phải. Trót 18 năm nay con đi tìm Cúc Hương hết sức. Con mới tìm được nên dắt nhau về thăm thầy thím”.

Bà Giáo ở phía sau, nghe nói lộn xộn trước sân, bà đi ra coi ông Giáo nói chuyện với ai. Bà vừa thấy vợ chồng Vĩnh Xuân thì bà biết liền, nên nói: “Cháu Xuân mà. Về bao giờ ? Ủa ! Mà có Cúc Hương nửa ! Sao mà kỳ vậy ? Sống lại hay sao ?”.

Vĩnh Xuân không trả lời với bà, xô lưng cô Hưởng bước đi và nói: “Thầy với thím của mình hồi trước đây. Em nhớ hôn ? Ông giáo dạy mình học chữ nho đó“.

Bây giờ Hưởng mới chắp tay xá vợ chồng ông Giáo nói: „Thưa thầy, con nhớ thầy rồi. Thầy già quá, tóc bạc hết. Thím chưa già lắm“.

Bà Giáo nói: “Mà từ đó tới giờ lâu quá, gần vài mươi năm, sao Cúc Hương còn nhỏ hoài vầy nè ?”.

Ông Giáo nói: “Thôi, vô nhà chớ, vô rồi sẽ nói chuyện. Cái gì mà quái lạ như vầy ? Chết rồi sao mà sống lại !”

Ông Giáo đi trước, vợ chồng Vĩnh Xuân bước lên thềm, thấy bà Giáo còn đứng đó mà ngó cô Hưởng trân trân, Vĩnh Xuân mới nói: “Hai con về đây thăm thầy với thím cho con ở đây vài bữa”.

Bà Giáo nói: “Về thì ở đây chớ sao. Hồi cháu đi làm việc thím có đặn như vậy. Mà năm chị Hương văn về thăm, thím cũng có dặn nữa. Nhà thầy thím rộng. Về thì ở đây chơi. Chị Hương văn mạnh hả cháu ? Có xe sao chị không về với cháu ?”

Vĩnh Xuân vừa vô nhà vừa nói: “Má con năm nay yếu, sợ đi xa mệt, nên con mời đi má con không chịu đi”.

Ông Giáo biểu:

-Ngồi cháu, ngồi cho thầy hỏi một chút. Cháu không còn ở Mỹ Tho nữa hay sao mà đi xa?

-Thưa, con đổi qua Cần Thơ mấy tháng nay, thăng chức Tri Phủ rồi đổi đi.

-Té ra cháu là Phủ rồi. Sướng quá. Năm trước có thầy thông ở dưới Gò Công lên chơi. Thẩy nói cháu làm ông Huyện ở trên Mỹ Tho, thanh liêm, ngay thẳng, nên được lòng dân lắm. Thầy nghe như vậy thầy mừng cho cháu. Cháu thăng Tri Phủ thầy không hay. Được vậy càng vinh vang cho thầy nhiều hơn nữa.

-Nếu con được người ta yêu, thì thiệt nhờ thầy dạy dỗ, bởi vậy con không bao giờ quên ơn thầy thím.

Ông Giáo biểu bà kêu người nhà bắt gà làm thịt đặng dọn cơm khách ăn.

Vĩnh Xuân kêu tài xế mượn xách giùm hoa ly đem vô nhà. Ông đắt cô Hưởng đi vô trong, ý muốn chỉ chỗ ngồi học hồi trước cho cô thấy. Ông Giáo nói mấy năm nay ông nghỉ dạy, nhưng cái nhà vẫn còn.

Bước vô nhà sau, cô Hưởng nhớ liền. Cô chỉ chỗ để bàn cô ngồi, chỗ lót bộ ván của thầy, chỗ giăng võng để thầy nằm nghỉ lưng, chỉ trúng hết.

Vợ chồng ông Giáo lấy làm lạ, hỏi Cúc Hương chết mà sao sống lại được và tại sao lại còn trẻ như hồi tự vận.

Vĩnh Xuân thuật sơ sự ông cặp cô Hưởng tại chợ Bình Thủy, thấy cô giống tạc Cúc Hương mới xin coi khai sanh, dọ chắc Cúc Hương đầu thai nên sanh cô Hưởng nhưng cô Hưởng cứ mờ mờ, không rõ chuyện kiếp trước, nên ông đem vô đây cho cô thấy lại cảnh cũ người xưa coi trí có sáng lại hay không. Hồi nãy đi ngang nhà Cúc Hương cô biết, tới chỗ Cúc Hương ngồi chợ bán hàng, tới nhà việc và chùa ông, cô cũng nhớ nữa. Bây giờ tới nhà ông Giáo, cô cũng nhớ lại việc xưa rồi. Vậy thì chắc chắn cô Hưởng là hậu kiếp của Cúc Hương rõ ràng, không còn nghi gì nữa.

Vĩnh Xuân hỏi thăm vợ chồng Hia Mỹ với Hai Tỷ thì bà giáo nói vợ chồng Hia Mỹ đều còn sống, nhưng thôi mua bán lúa gạo, vì đã già rồi. Còn Hai tỷ thì chồng là Tài phú Sấm về Tàu vài năm nay, không thấy trở qua, chị ta vẫn còn ở căn nhà hồi trước và vẫn bán hàng ngoài chợ.

Vĩnh Xuân nói riêng vơi bà giáo rằng sáng mai cần phải cho cô Hưởng thình lình găp Hai Tỷ tại chỗ bán hàng hồi trước coi cô còn nhớ chị ta hay không. Trời chưa tối lại còn làm thịt gà lâu, vậy Vĩnh Xuân tính để cô Hưởng ở đây, ông đi thăm chị Hai Tỷ đặng dặn trước chị Hai mà sắp đặt cuộc gặp gỡ sáng mai.

Vợ chồng ông Giáo biểu đi một chút rồi trở về ăn cơm.

Vĩnh Xuân biểu vợ thay đồ ở nhà chơi. Ông lên xe đi ra nhà Hai Tỷ.

Hai Tỷ nghe xe hơi ngừng trước cửa thì chị lật đật bước ra coi. Chị thấy Vĩnh Xuân trên xe bước xuống chị mừng quá, chị la lớn, chạy ra nắm tay ông mà dắt vô nhà.

Vĩnh Xuân đưa tiền cho anh tài xế biểu ra chợ ăn mì, cháo cho no, sợ chợ nhỏ không có bán cơm buổi chiều. Ông dặn ăn rồi đem xe lại đây đặng rước ông trở về nhà ông Giáo ăn cơm.

Vĩnh Xuân ngồi kể tất cả đầu đuôi mọi việc của ông trong 18 năm nay cho Hai Tỷ nghe, vì mẹ buồn nên 27 tuổi ông phải vâng lời mẹ mà cưới vợ; sanh được con trai 3 tuổi rồi vợ chồng không đồng tâm chí, nên phải để bỏ. Đầu năm nay được thăng chức Tri Phủ rồi đổi qua Cần Thơ, tình cờ ông gặp một thiếu nữ giống tạc Cúc Hương. Hỏi ra thì cô nầy tên Hưởng, sanh đúng ngày giờ cúc Hương hiện hình trong giấc chiêm bao mà từ giã ông đặng đi đầu thai. Vì nhớ lời Cúc Hương nói duyên nợ vẫn còn, kiếp sau sẽ sum hiệp, nên ông cưới cô Hưởng. Tiếc vì cô Hưởng khôn lanh mà trí nhớ lại mù mịt, hỏi chuyện kiếp trước, cô không nhớ được, bởi vậv đem cô về đây cho cô gặp người cũ, thấy cảnh xưa, hoặc may trí cô bựt lên sáng suốt thì nhớ lại việc kiếp trước. Vĩnh Xuân nghe Hai Tỷ còn bán hàng ngoài chợ nên ông đến cho chị hay trước đặng sáng bữa sau, lúc chợ nhóm đông, ông dắt cô Hưởng lại gian hàng coi cô nhìn chị được hay không ?

Hai Tỷ nghe rõ như vậy thì chị mừng quá, chị hẹn sáng mai dọn hàng và mặc đồ cũng như hồi trước. Chị vái cho cô Hưởng nhìn được, chỉ cho thiên hạ biết nhơn duyên trời định không nên phá rối, vì chỉ tơ vương vấn, dầu bứt đi nó cũng nối lại như xưa.

Xe hơi trở lại. Vĩnh Xuân từ mà về kẻo vợ chồng ông Giáo chờ ăn cơm. Hai Tỷ hỏi chừng nào mới về Cần Thơ. Vĩnh Xuân nói sáng mai thí nghiệm rồi đi thăm mộ cha, có lẽ còn đi Vàm Láng kiếm thăm ông cậu rồi mới về. Hai Tỷ ân cần mời chiều mai vợ chồng ăn một bữa cơm với chị cho chị vui mừng cuộc tái hiệp hôm nay.

Vĩnh Xuân không nỡ từ chối nên phải hứa chiều mai lại ăn cơm với chị.

Vĩnh Xuân mừng thấy vợ nhìn cảnh cũ mở trí được rồi, đã nhớ vợ chồng ông Giáo Huân thì chắc sáng mai cũng sẽ nhớ chị Hai Tỷ. Trở về nhà ông Giáo ăn cơm. Ông vui vẻ hết sức, vui nối lại duyên đưa, vui trả được nghĩa năng.

Ông Giáo kêu anh tài xế biểu đem xe vô sân đậu, rồi ở trong nhà mà chơi, lát nữa ăn cơm. Tài xế nói quan lớn có cho tiền ăn mì no rồi, và ngủ ngoài xe được. Ông Giáo không cho, nói chợ nhỏ không có tiệm cơm, mà quan lớn ở chơi tới năm ba ngày, anh ăn mì hoài chịu sao nổi. Xe đậu trong sân, không ai dám phá đâu mà phải ngủ giữ xe.

Bà Giáo nói có biểu trẻ dọn cơm ở trong. Vô chơi rồi ăn. Quan Phủ kêu biểu nữa, rên anh tài xế hết dám cãi, đem xc vô đậu dựa vách xong rồi vô nhà trong mà chơi.

Ăn cơm rồi vợ chồng ông Giáo với vợ chồng ông Phủ ngồi chung một bàn và nói chuyên.

Nhơn dịp nầy Vĩnh Xuân mới đem chuyện ông kết tình và thề thốt với Cúc Hương mà thuật rõ lại cho cô Hưởng với vợ chồng ông Giáo nghe, vì từ ngày cưới đến nay ông chưa hề nói chuyện đó cho vợ biết, mà trước kia ông cũng không nói rõ vợ chồng ông Giáo. Ông kể chuyện Cúc Hương lãnh bao tiền cho ông ăn học bốn năm, chuyện ở nhà cô mua áo cậy người cho mẹ, chuyện vợ chồng Hia Mỹ ham giàu ép Cúc Hương gả cho con Thôn Khoa, cô thú thiệt đã có thề nguyền với ông nên không thể ưng người khác được. Cha mẹ cô cho ông nghèo, cứ ép gả lấy chồng. Cô không dám chống cự. Gần ngày cưới cô gởi cho chị Hai Tỷ một gói, dặn chừng bãi trường thì giao lại cho ông. Hai Tỷ đem về cất trong tủ, tưởng cô gởi đồ cho lần chót đặng về nhà chồng nên không nghĩ chi.

Chẳng dè nhóm họ đặng sáng đưa dâu, đến khuya Cúc Hương uống dấm với á phiện mà chết. Đúng giờ cô tắt hơi thì ở trong trường Trung học Mỹ Tho ông chiêm bao thấy có cô kêu cho hay cô đã chết rồi, biểu về hỏi hai Tỷ sẽ biết tại sao cô chết và căn dặn đừng buồn rầu, phải học tiếp ba năm nữa cho thành thân, cô đã có gởi tiền lại cho ông ăn học theo lời cô đã hứa. Ông không tin điềm chiêm bao cho lắm, song trông mau bãi trường đặng về coi. Thiệt quả mười mấy bữa sau ông về nghe chết thiệt. Ông ra nhà Hai Tỷ hỏi thăm thì Hai Tỷ thuật rõ mọi việc cho ông nghe, nói ngày giờ chết thì đúng với ngày giờ chiêm bao. Hai Tỷ đưa gói của Cúc Hương gởi, Trong gói có một vóc xuyến với một vóc lãnh gởi cho mẹ, 50$00 để cho ông ăn học ba năm nữa, lại có mmột miếng lụa trắng chánh tay cô viết năm chữ: “Xả sanh nhi thủ nghĩa” rồi ký tên “Cúc Hương”.

Cô Hưởng hỏi phải tấm lụa ông lộng kiếng ông đọc cho cô nghe cách mấy tháng trước rồi bây gìờ ông treo trong phòng đó hay không ? Ông nói phải. Cô cười.

Ông Giáo nói: “Cúc Hương chết cho tròn nghĩa, đáng thương ! Sở hành phù hạp với sở học, vậy là phải”.

Vĩnh Xuân nói: “Mới có một chuyện làm cho con bối rối từ hồi chiều tới giờ. Hồì tới đây con chỉ cho tài xế chạy chậm chậm trước nhà Hia Mỹ. Con chỉ nhà cho vợ con thấy thì vợ con nhớ hồi trước có ở đó. Con không biết sáng mai con có nên đem vợ con đến thăm cha mẹ Cúc Hương hay không, vì vợ chồng Hia Mỹ là đấng sanh thành của vợ con kiếp trước”.

Cô Hưởng nói cứng cỏi: “Thưa anh, vợ chồng ta không nên đến thăm vì lẽ người ta đã khỉnh rẻ anh thì anh có tình nghĩa gì mà lui tới. Còn phận em, nếu em nhìn biết ông bà ấy thì em lỗi với cha mẹ em. Tốt hơn hết là anh đừng để cho em gặp. Vợ chồng người ấy không phải là đấng sanh thành dưỡng dục em”.

Ông Giáo Huân đã sẵn lòng không ưa vợ chồng Hia Mỹ, thuở nay thường trách tụi đó là trược phú, ham giàu giết chết Cúc Hương, uổng công ông dạy dỗ mấy năm trường, làrn cho cặp môn đệ cao quí của ông đau khổ không được phối hiệp. Hôm nay nghe cô Hưởng nói như vậy thì ông lấy làm hài lòng nên ông liền phụ theo mà nói: “Lời cô Phủ nói đó đúng lắm. Dầu Cúc Hương là tiền kiếp của cô, vợ chồng Hia Mỹ không phải là đấng sanh thành cô. Nếu cô gặp vợ chồng Hia Mỹ mà cô làm lơ, thì té ra cô phụ bạc nghĩa xưa, nếu cô nhìn biết thì cô lỗi với cha mẹ cô trong kiếp nầy. Vậy đừng cho cô Phủ gặp vợ chồng Hia Mỹ là phải”.

Bà Giáo tiếp nói: “Ối ! Sang kiếp nào thì biết cha mẹ về kiếp đó mà thôi. Nêu phải kể tới kiếp trước, ví như mình sống cả như mười kiếp rồi, mình phải có cả chục cha, cả chục mẹ hay sao. Huống chi vợ chồng Hia Mỹ đã không biết thương con, rúng ép làm cho Cúc Hương chết rồi thì thôi, đạo làm con đã chấm dứt, còn tình nghĩa gì mà kể”.

Vĩnh Xuân nghe cô Hưởng với vợ chồng ông Giáo đồng ý không muốn cho gặp vợ chồng Hia Mỹ thì ông xuôi theo, không quan tâm tới việc đó nữa.

Bà Giáo hỏi qua Chuyện Vĩnh Xuân năm trước cưới vợ tại Mỹ Tho rồi sao thôi đi. Vĩnh Xuân nói ông quyết thủ tiết để đáp nghĩa với Cúc Hương, mẹ buồn quá sợ ngày sau không có người lo hương lửa, nên ông phải để cho mẹ định đôi bạn. Vợ là con nhà giàu, vợ chồng ở với nhau sanh được một đứa con trai, mẹ vui mừng chẳng xiết. Chừng con được ba tuổi, vì tâm trí bất đồng nên vợ chồng làm đơn đến Tòa xin phá hôn thú, ai đi đường nấy từ đó đến giờ. Vĩnh Xuân giấu, không chịu nói vì mình không có tình với Cầm Nhung làm cô buồn mà thất tiết, nên vợ chồng phải rời rã.

Hôm nay cô Hưởng được biết tâm sự của chồng, cô mới hiểu tại sao khi gặp nhau thì gắn bó, mà cứ xem xét dục dặc đến mấy tháng mới chịu cậy mai nói mà cưới cô.

Bà Giáo sợ cô Phủ đi đường xa cô mệt nên kêu người nhà ra biểu dọn bộ ván lớn rồi giăng mùng và để mền gối cho cô nghỉ.

Ông Giáo với Vĩnh Xuân cứ ngồi nói chuyện. Vĩnh Xuân tỏ cách cư xử với thú vui chơi của mình cho ông Giáo nghe. Ông nói chẳng hề ông bỏ bốn chữ “Thanh cao chính trực” và ông cũng có nuôi hai bụi môn như thầy dặn. Làm quan cũng như làm người luôn luôn ông lấy đạo nhơn nghĩa làm gốc.

Ông giáo đắc chí, nên ông nói: “Thầy rất hài lòng mà un đúc được một môn đệ biết chọn con đường cao quí mà đi, không thèm chịu theo thế tục mà hiển đạt hơn thiên hạ”.

Nói chuyện đến khuya, thầy trò mới chịu phân tay đì nghỉ.

Sáng bữa sau, bà Giao dọn cháo ăn lót lòng rồi, Vĩnh Xuân biểu cô Hưởng thay đồ đặng ra chợ chơi rồi đi thăm mộ cha. Ông cho bà Giáo hay trưa ông sẽ về ăn cơm, còn chiều thì ông đã hứa lời ăn với chị Hai Tỷ nên bà khỏi lo bữa cơm tối. Vợ chồng Vĩnh Xuân lên xe đi, tới trước chùa Ông Quan Đế, biểu tài xế ngừng lại, rồi vợ chồng vô chùa đốt nhang mà xá. Chừng trở ra cửa Vĩnh Xuân hỏi vợ: “Em nhớ chỗ nầy hay không ?”. Cô Hưởng cười mà đáp: “Chỗ anh thề nguyền với Cúc Hương hồi trước”.

Vĩnh Xuân gặc đầu, vui thấy trí vợ đã bựt sáng hoàn toàn.

Vợ chồng lên xe rồi, Vĩnh Xuân biểu tài xế chạy ra chợ. Tới nhà lồng chợ ông biểu ngừng xe. Ông đưa tiền cho tài xế đi ăn lót lòng. Ông dắt cô Hưởng đi trong nhà lồng, bắt đầu trên đi xuống lầu dưới.

Chợ vừa nhóm đông. Trẻ nhỏ người lớn ai thấy xe hơi cũng ngó, vì thuở ấy ít có xe hơi nên ngó rồi thì bu lại mà coi.

Vĩnh Xuân với cô Hưởng song song đi thủng thẳng giữa nhà lồng, ngó hàng dọn bán hai bên. Ai thấy người lạ cũng liếc mắt ngó, nhưng ai ngó mặc ai, vợ chồng không đế ý. Đi gần tới chỗ Hai Tỷ ngồi bán hàng, cô Hưởng ra tay chỉ rồi day qua hỏi nhỏ chồng: “Phải chị Hai Tỷ ngồi kia hay không ?”

Vĩnh Xuân gặc đầu.

Cô Hưởng đi riết lại mà kêu: “Chị Hai !”

Hai Tỷ đứng dậy la: “Em Tư ! Em còn nhớ chị hay sao ? Giỏi quá ! Chị mừng lắm”.

Hai chị em ôm nhau, cảm xúc đến ứa nước mắt cả hai.

Vĩnh Xuân đứng ngó mà cười, trong lòng sung sướng cực điểm.

Hai Tỷ buông cô Hưởng ra rồi kêu Vĩnh Xuân mà nói: “Quan Phủ bước xê lại đây chơi thiệt giống hệt như hồi đó, không sai một mảy nào hết”.

Cô Hưởng nói:

-Chi già rồi.

-Hai mươi năm rồi, làm sao không già, phải làm như em mới khỏi già chớ.

-Sao chị biết ?

-Chiều hôm qua quan Phủ đã có nói hết cho chị nghe rồi.

-A ! Té ra hồi chiều hôm qua đi thăm chị đó hay sao ? Phải nói cho em biết, em cũng đi nữa.

-Để thử em, biết hôn ?

-Về đến đây, xe qua cầu rồi thì em nhớ hết cần gì phải thử. Chị còn ở chỗ cũ hay không ?

-Còn. Chi có mời chiều nay quan Phủ với em sẽ lại nhà ăn cơm với chị.

-Vậy à ? Thì để chiều rồi sẽ nói chuyện. Đứng giữa chợ đông họ ngó quá.

-Bây giờ chồng làm quan Phủ còn sợ ai nữa ?

Cô Hưởng chỉ chỗ Cúc Hương ngồi bán hồi trước. Vợ chồng ngó nhau mà cười, rồi từ giã Hai Tỷ mà đi.

Hai Tỷ kề miệng vào tai cô Hưởng mà hỏi nhỏ: “Em muốn chị cho đằng nhà hay hôn ?”

Cô Hưởng khoát tay nói: “Đừng, đừng, không nên”. Nói dứt lời liền kéo chồng đi.

Vợ chồng Vĩnh Xuân đi giáp một vòng chợ, đợi tài xế ăn lót lòng rồi mới lên xe đi thăm mộ ông Hương văn Thanh.

Vô đó thấy mả bỏ lâu năm không ai săn sóc, núm mả muốn lạng, nên Vĩnh Xuân vô xóm gần đó kiếm người mướn đấp lại cho cao. Có người chịu làm, Vĩnh Xuân dắt ra chỉ mả và tỏ ý muốn đắp núm lên tới cỡ nào. Người ấy xin cho 6$00 tiền công vì phải kêu thêm một người gánh đất.

Vĩnh Xuân lấy 6$OO đưa liền và nói đắp chừng nào rồi. Người ấy nói trưa mai thì xong hết. Vĩnh Xuân dặn đắp cho tử tế, chiều mai ông trở vô ông coi rồi ông sẽ cho tiền thêm.

Bận về Vĩnh Xuân ghé viếng mộ Cúc Hương, chỉ mộ chí khắc tên Lý Thị Tư cho cô Hưởng biết. Mộ đã lâu năm nhưng có lẽ vợ chồng Hia Mỹ chăm nom nên núm vẫn cao ráo sạch sẽ. Vĩnh Xuân khấn vái rồi vợ chồng ra xe mà về nhà ông Giáo Huân.

Còn ngoài chợ hồi sớm mơi vợ chồng Vĩnh Xuân từ giã Hai Tỷ mà đi rồi thì thiên hạ xôn xao xúm lại hỏi quan Phủ nào mà quen với Hai Tỷ như vậy. Hai Tỷ nói: “Quan Phủ đó là con của bà Hương Văn Thanh hồi trước ở trong xóm Cây Me lớn, bả bán bánh, bán trái tại chợ mình đó”.

Có người nói: “Té ra cậu hồi trước đi học mỹ Tho Sài gòn đó chớ gì. Cha chả, bây giờ làm tới ông Phủ đi xe hơi có phước quá há !”.

Một bà bán hàng ngồi ngang Hai Tỷ lại nói: “Quan Phủ có vợ còn nhỏ quá, mà sao cô đó giống hệt con Tư là con của Hia Mỹ hồi trước ngồi bán hàng gần con hai vậy ?”

Một người khác cãi: “Năm đó con Tư uống thuốc độc chết, chôn mất đất rồi, đâu phải con Tư mà nói”.

Một người khác nữa nói: “Phải mà. Con Tự rõ ràng. Tôi coi kỹ lắm. Hỏi thím Hai Tỷ con phải hôn. Hồi mới lại tôi nghe thím Hai Tỷ kêu “Em Tư”, còn cãi gì nữa”.

Hai ba người xúm lại hỏi Hai Tỷ, phải cô Phủ đó là cô Tư, con của Hia Mỹ phải không ?

Hai Tỷ chúm chím cười mà nói không biết, chớ không chịu nói phải hay là không phải. Thái độ ấy làm cho người ta nghi có việc bí mật nên Hai Tỷ dấu. Ai nấy cứ bàn luận cãi lẩy với nhau làm cả chợ đều hay hết, hay con Tư là con gái của Hia Mỹ, nó làm bộ chết cho con Thôn Khoa cưới không được, rồi bây giờ nó có chồng là ông Phủ con của bà Hương văn Thanh.

Người ta đồn rùm chuyện như vậy. Đến trưa có người thân thiết với nhà Hia Mỹ mới đem chuyện nầy mà thuật cho bà Phú là vợ Hia Mỹ nghe. Bà nói lại cho chồng hay rồỉ xế bà che dù vô nhà Hai Tỷ hỏi lại cho chắc coi có phải hồi sớm mơi có vợ chồng ông Phủ ra chợ thăm Hai Tỷ và người vợ là con Tư con gái của bà, phải vậy hay không ?

Hai Tỷ cười và nói: “Có. Hồi sơm mơi có quan Phủ Vĩnh Xuân, con của bà Hương văn Thanh, có lẽ bà biết bà Hương văn Thanh mà, hồi trước bả ở trong xóm Cây Me Lớn, bả bán xôi bán bánh, bán trái cây ở chợ mình đây. Ừ, con bả học giỏi nên bây giờ làm tới quan Phủ cũng đi xe hơi về thăm mồ mã, ổng bả về ở trên nhà ông Giáo Huân. Hồi sớm mơi vợ chồng ổng đi chơi ổng ghé thăm tôi vậy thôi, chớ có gì đâu. Bà vợ còn nhỏ, mặt mày giống con Tư hồi trước thiệt. Ông làm việc bên Cần Thơ. Ông cưới vợ là con ai bên đó tôi không biết”.

Vợ Hia Mỹ thất vọng suy nghĩ một chút rồi nói:

-Vậy mà họ đồn chắc chắn vợ ông Phủ đó là con Tư tôi. Họ nói tại hồi trước tôi gả con Tư lấy chồng, nó không chịu, nó làm bộ uống thuốc độc mà chết, rồi trốn theo con bà Hương văn.

-Chết thiệt chớ làm bộ nỗi gì. Nó chết trên tay tôi.

-Ừ chết thiệt mà. Hồi liệm có tôi. Đi chôn cũng có tôi. Vậy mà họ nói nó trốn theo con bà Hương văn, nên bây giờ nó được làm bà Phủ đó.

-Cái đó tôi không hiểu. Mà con Tư chết đã hơn 20 năm rồi. nếu nó làm bộ đặng trốn thì năm nay nó phải gần 40 tuổi. bà Phủ nầy còn nhỏ lắm. Tôi coi lối 17 tới 20 tuổi là nhiều.

-Nhỏ dữ vậy hay sao?

-Nhỏ thiệt mà. Song cô giống con Tư hồi nhỏ lắm. Tôi thấy thì tôi kêu con Tư liền.

-Có lẽ tại vậy nên họ đồn con Tư sống lại chớ gì. Thím nói vợ chồng ổng ở trên ông Giáo phải hôn ?

-Tôỉ hỏi thì nói ở trển.

-Thôi, để tôi về. Không biết chừng tôi lên coi thử xem.

-Ừ. Bà lên trển mà coi. Nầy, mà người ta làm tới bà Phủ chớ không phải chơi. Bà gặp thì ngó vậy thôi, chớ đừng nói đổ nùi người ta bắt lỗi.

-Ai dám nói giống gì.

Vợ Hia Mỹ về. Hai Tỷ vô trong dặn dò hai chị bếp rán nấu cho ngon đặng đãi vợ chồng quan Phủ một bữa cho xứng đáng. Hai Tỷ đương cười thầm vợ chồng Hia Mỹ dại, chớ chi đừng ham giàu ép gả con thì bây giờ con rể về chơi ở nhà mình rồi mình làm cha mẹ vợ quan Phủ vinh vang biết chừng nào.

Hai Tỷ đương suy nghĩ thì nghe tiếng xe hơi ngừng ngoài lộ. Chị bước ra thấy vợ chồng Vĩnh Xuân xuống xe. Chi tiếp mừng, mời vô nhà và nói bà mẹ Cúc Hương nghe người ta đồn hồi trước Cúc Hương làm bộ chết giả cho khỏi về nhà chồng đặng trốn theo Vĩnh Xuân, bây giờ làm bà Phủ, vợ chồng về thăm xứ sở.

Cô Hưởng cười ngất, khen ai bày cái thuyết giả chết đặng khỏi về nhà chồng thiệt là hay. Vĩnh Xuân nói: “Nếu họ bày thêm cái thuyết tôi biết thuốc cho uống đặng “phản lão hườn tráng” thì còn hay hơn nữa. Mấy chị em cười với nhau. Hai Tỷ nói bà Mỹ có lẽ sẽ lên nhà ông Giáo kiếm thăm vợ chồng quan phủ. Chị tiếc bà Hương văn không về chơi.

Vĩnh Xuân hỏi thăm Tài phú Sấm thì Hai Tỷ nói về Tàu gần hai năm rồi mà không biết tại sao bặt tin.

Hai Tỷ lấy làm lạ mà thấy cô Hưởng thiệt giống Cúc Hương không có một điểm nào khác, giống mặt mày tay chưn, giống bộ đi tướng đứng, giống tánh nết nhậm lẹ, giống giọng nói tiếng cười, giống ráo hết thảy.

Vĩnh Xuân nói:

-Người ta làm cúc Hương của tôi chết oan, thì phải trả lại nguyên cho tôi chớ sao chị.

-Lại thêm lời nữa chớ.

-Phải lắm. Làm mất của tôi hồi tuổi đó, phải trả lại cho lời cũng tuổi đó, tôi mới chịu chớ.

Cô Hưởng nói: “Làm như vậy thì đủ vốn chớ đâu có lời, Chị Hai nói anh lời là lời thêm Vĩnh Tân kia chớ!.

Vịnh Xuân cười mà nói: “À, à, phải”.

Ba người nói giễu đương cười với nhau thì vợ Hia Mỹ bước vô nói: “Tôi chào quan Phủ, cô Phủ. Nghe thím Hai đây nói có hai ông bà về chơi ở trên nhà ông Giáo. Tôi tưởng có chị Hương văn nên tôi lên kiếm mà thăm. Té ra bà Giáo nói không có chị Hương văn, còn hai ông bà mới đi chơi, đi phía dưới nầy. Tôi trở về, thấy có xe hơi đậu, tôi chắc ở đây nên ghé thăm một chút.

Vĩnh Xuân kéo ghế mời bà Mỹ ngồi. Bà ngó cô Hưởng trân trân, rồi lại ván mà ngồi, Hai Tỷ bưng trầu mời ăn. Cô Hưởng không quen, nên đứng dậy bước ba ngoài cửa. Bà Mỹ mắt cứ ngó theo cửa mà miệng thì hỏi Vĩnh Xuân.

-Quan Phủ về ở chơi chừng bao lâu ?

-Vài bữa. Mai tôi đi Vàm Láng kiếm thăm cậu ba tôi. Chiều tôi trở lại dây coi như họ đắp mồ mả xong rồi thì sáng mốt tôi về Cần Thơ.

-Sao không ở chơi lâu lâu ?

-Tôi còn làm việc, ở lâu sao dược.

-Quau Phủ cưới cô Phủ được bao lâu rồi ? Có con hay chưa ?

-Thưa chưa, mới cưới hơn một tháng nay.

-Cưới bên Cần Thơ, hay là ở đâu ?

-Bên Cần Thơ, con ông Hương nhì gần chợ Bình Thủy.

-Làm quan Phủ mà cưới con Hương nhì vậy thôi.

Cô Hưởng trở cô ngồi ngang Vĩnh Xuân, mặt có nét bất bình.

Vịnh Xuân nói: “Tôi là con Hương văn. Tôi cưới con Hương nhì vậy là đương môn đối hộ lắm chớ. Tôi nghèo mà…”

Vĩnh Xuân bứt ngang không nỡ nói cho hết câu. Hai Tỷ hiểu ý nên chị chúm chím cười. Bà Mỹ không thẹn, ái ngại, nên còn nói tiếp: “Cô Phủ năm nay được bao nhiêu tuổi ?”

Cô Hưởng giành đáp: “Tôi 18 tuổi. Bà có ý chi mà hỏi kỹ dữ vậy”.

Bà Mỹ thấy cô Hưởng có sắc giận, nên ú ớ nói: “Hỏi cho biết, chớ có ý chi đâu. Tôi muốn mời hai ông bà ra nhà tôi chơi”.

Vĩnh Xuân nói: “Cám ơn bà để khi khác. Lần nầy tôi không rảnh. Không thể thăm bà được, tôi tiếc lắm.

Cô Hưởng đứng dậy rủ Vĩnh Xuân đi vô mộ coi họ đã khởi công đắp hay chưa. Vợ chồng cáo từ bà Mỹ với Hai Tỷ ra xe mà đi. Hai Tỷ hiểu ý cô Hưởng muốn tránh bà Mỹ nên không nói gì hết.

Vợ chồng Vĩnh Xuân đi ra. Bà Mỹ công nhận cô Phủ sao giống con Tư, hai người như nuột. Bà tiếc không mời ra nhà được cho ông Mỹ thấy. Bà ăn trầu rồi từ mà về.

Cách một lát vợ chồng quan Phủ trở lại.

Hai Tỷ nói: “Hồi nãy cậu Phủ nói đương môn đối hộ nghe được quá. Cậu muốn nhắc sự người ta chê cậu nghèo, sao cậu mới mở ra rồi cậu lại ngừng đi ?”

Vĩnh Xuân nói: “Tôi bất nhẫn chị Hai à. Bà Mỹ hối hận nên nghe người ta nói, bà đi tìm coi phải con bà hay không. Bà gặp mà con rể bảng lảng, vậy cũng đủ phạt bà rồi, còn nói chi nữa”.

Cô Hưởng nói: “Cái thói ham giàu sang cũng chưa bỏ được. Anh phải nói đặng dạy người ta chớ”.

Vĩnh Xuân nói: “Phải lấy nhân nghĩa mà ở đời. Người ta đã ngã mà mình còn đạp thêm nữa thì mình bất nhân. Còn mẹ đẻ của Cúc Hương mà tôi nói nặng lời thì tôi bất nghĩa. Vì vậy nên tôi không nỡ”.

Đồ nấu xong rồi dọn lên bàn. Ba chi em ăn uống nói chuyện vui cười, rồi vợ chồng Vĩnh Xuân cáo từ trở về nhà ông Giáo mà nghỉ.

Sáng bữa sau, vợ chồng Vĩnh Xuân đi xuống vàm Láng kiếm thăm ông cậu là Ba Cao. Người ta nói vợ chồng Ba Cao thôi ở Vàm Láng đã lâu rồi, không biết bây giờ ở đâu.

Vợ chồng mua ít con cá chẻm, trở lên Gò Công ăn cơm, mua trà với bánh rồi về nhà ông Giáo cho bà Giáo cá với trà bánh.

Buổi chiều vô mộ coi thì họ đắp xong rồi, đắp thiệt tốt. Vĩnh Xuân cho người lãnh dắp thêm 4$00 và cho riêng 10$00 nữa cậy coi chừng dùm mộ.

Vĩnh Xuân rất vui mừng dược thấy cô Hưởng đã mở trí, nhớ cả người và chuyện hồi kiếp trước. Ông tính đem vợ lên Sài gòn ở chơi vài bữa rồi sẽ về.

Đến tối vợ chồng ông ra thăm Hai Tỷ đặng cáo biệt rồi tảng sáng từ giã vợ chồng ông Giáo Huân lên xe đi Sài gòn.

Ở Sài gòn tới hai bữa, vợ chồn đi kiếm sách cần mà mua, sách nho sách Tây và sách quốc ngữ, thứ nào cũng mua cả chục quyển. Vĩnh Xuân cũng có đem cô Hưởng đi xen khắp Sài gòn Chợ Lớn, xem lâu đài, xem thắng cảnh, xem cuộc buôn bán, xen bến tàu đò, xem đủ hết rồi mới về.

Về nhà, điều Vĩnh Xuân nói cho mẹ hay trước hết là có mướn đắp mộ cha rồi mới nói cô Hưởng qua Chợ Giồng cô thấy cảnh cũ, người xưa thì trí cô bừng sáng, nên cô biết hết, nhớ hết. Qua Mỹ Tho ăn bữa cơn trưa với ông Kinh, có ghé thăm bà Chủ rồi mới đi Gò Công Xuống Chợ Giồng ở nhà ông Giáo Huân. Hai Tỷ có mời ăn một bữa cơm. Vợ Hia Mỹ có lết lại làm quen, chủ ý xem cô Hưởng. Vì cô Hưởng không chịu nhìn nên hổ thầm mà đi về. Có xuống tới vàm Láng kiếm thăm cậu Ba Cao, nhưng vợ chồng cậu đã đi xứ khác không ai biết đi đâu, nên không tìm được.

Bà Hương văn nghe con thuật đủ chuyện bà vui vô cùng, nhứt là bà mừng biết cô Hưởng thiệt là hậu kiếp của Cúc Hương, bà tin chắc dâu bà sẽ ở với bà trọn đạo.

Chiều mát, Vĩnh Xuân lại thăm Hội Đồng Đạo mà tạ ơn cho mượn xe.

Tối lại ông viết thơ cho ông Kinh Lương với Ba Khai mỗi người một bức thơ mà cáo lỗi rằng ở Gò Công ông lên Sài gòn rồi thẳng đường ông về luôn, không ghé Mỹ Tho được. Thơ gởi cho ông Kinh, ông có viết thêm rằng cô Hưởng nhìn cảnh cũ cô biết, rồi gặp người xưa cô nhớ hết. Ấy vậy quả thiệt là căn duyên nên mới vương vấn sợi tơ hồng như vậy.

 

 

 

PHẦN V - CHƯƠNG 26 -

V

ợ chồng Vĩnh Xuân về Cần Thơ, chồng biết chắc kiếp trước của vợ, còn vợ hiểu được tình nghĩa của chồng, thì trong gia đình vui vẻ đạo xướng tuỳ, thảo thuận niêm mẫu tử. Nào có dè vợ chồng lên xe đi khỏi nhà ông Giáo Huân rồi, thì cả chợ Giồng Ông Huê thiên hạ xôn xao, nhứt là trong giới đàn bà, người ta bàn luận đủ cách về con gái của Hia Mỹ cũng tưởng chết. Té ra còn sống nhăn, sống mà lại được làm vợ ông Phủ, đi xe hơi, sang trọng hết sức. Người nầy nói vầy, người kia cãi khác, mỗi người một chuyện riêng không phù hiệp với nhau, bởi vậy mới gây ra một cuộc tranh biện sôi nổi.

Có người tính hòa giải nên nói vợ chồng Vĩnh Xuân về ở mấy bữa, ở tại nhà ông Giáo Huân, có lại thăm và ăn cơm nhà Hai Tỷ, lại có bà Mỹ, là mẹ con Tư, đến đó, mẹ con gặp nhau nữa. Vậy nếu muốn biết rõ sự thiệt thì phải hỏi: bà Mỹ, thím Hai Tỷ với bà Giáo Huân tự nhiên phải biết được.

Có người chụp cái thuyết đó mà cãi: “Mấy chị thấy rõ chưa ? Ta nói không phải con Tư mà. Nếu vợ ông Phủ đó là con Tư, thì sao vợ chồng về đây không ở nhà Hia Mỹ, lại ở trên ông Giáo Huân ? Bao nhiêu đó đủ biết rồi”.

Một người khác cãi: “Tại hồi trước ép gả nó cho con Thôn Khoa, nó giận, nên bây giờ nó không thèm tới nhà chớ sao. Bà Mỹ lại nhà hai Tỷ khóc lóc năn nỉ hết sức mà nó cũng không chịu về.

Năm ba người đi lại nhà bà Mỹ hỏi bà Phủ về đó có phải là con Tư của bà hay không. Bà Mỹ: “Tôi nghe người ta đồn con Tư hồi trước làm bộ uống giấm với á phiện giả chết đặng chôn nó rồi có người cạy hòm đem nó đi giấu, sau mới gả nó cho con bà Hương văn Thanh. Vì vậy, nên bây giờ vợ chồng nó mới về đó. Tôi đi kiếm tôi coi phải không. Tôi gặp đủ vợ chồng ở nhà Hai Tỷ. Thiệt cô Phủ giống hệt con Tư tôi năm nó chết đó, giống mặt mày, tay chưn, bộ đi, tiếng nói, cái gì cũng giống hết thảy, nhưng tuổi nhỏ quá. Tôi hỏi thì cô nói mới 18 tuổi. Nếu con Tư tôi còn sống thì năm nay nó 39 tuổi, chớ đâu mà nhỏ như vậy được. Cô không biết tôi. Tôi hỏi ông Phủ cưới vợ ở đâu thì ổng nói cưới con Hương nhì nào ở bên Cần Thơ, mới cưới hơn một tháng nay. Vậy thì đâu phải con Tư mà mấy chị hỏi”.

Mấy chị ra về mà không chịu tin, nói rằng bà Mỹ kiếm con năn nỉ biểu nó về nhà, nó giận nó không thèm nhìn mẹ con, rồi mắc cỡ nên bày chuyện nhỏ tuổi, con Hương nhì, Hương nhứt đâu bên Cần Thơ đặng đỡ xấu.

Có mọt tốp đàn bà lại nhà Hai Tỷ mà hỏi gốc tích cô Phủ đó. Hai Tỷ nghĩ vợ chồng ông Phủ Vĩnh Xuân đã đi lên Sài gòn rồi, không cần phải giấu nữa, nên chị nói thiệt: “Cô Phủ đó kiếp trước là con Tư, nhưng kiếp nầy không phải. Con Tư chết rồi nó đầu thai vào nhà ông Hương nhì bên Cần Thơ. Ông Phủ thấy giống con Tư hồi trước nên ổng xin cưới. Sự thiệt là vậy đó. Cô nầy tên Hưởng. Tiền kiếp là con Tư. Vì con Tư có duyên nợ với Vĩnh Xuân, kiếp trước bị vợ chồng Hia Mỹ ham giàu làm cho nó giận mà tự tử, nên Trời khiến kiếp nầy hai người gặp nhau đặng phối hiệp với nhau”.

Hai Tỷ cắt nghĩa rành, nhưng mấy chị đàn bà có biết nhân duyên, có hiểu luân hồi gì đâu mà mấy chỉ tin. Mấy chỉ mới đi hỏi vợ chồng ông Giáo Huân.

Ông Giáo sẵn ghét thói ham bạc tiền của vợ chồng Hia Mỹ, nên vừa nghe hỏi thì ông nói liền: “Cô Phủ Vmh Xuân, dâu cua bà Hương văn Thanh đó, là con gái của Hia Mỹ chớ ai. Tại hồi trước vợ chồng Hia Mỹ rúng ép con tầm bậy, nên bây giờ nó không thèm nhìn cha mẹ chớ có gì đâu”.

Ông Giáo là người kỳ lão, lại có danh học giỏi. Nghe ông nói như vậy thì những người quả quyết cô Phủ là con Tư, họ thỏa mãn, khoe mình không nói lầm, còn những người bên phe nghịch thì không dám cãi mạnh nữa.

Lần lần lời mạnh mẽ của ông giáo Huân nhờ phép truyền khẩu của quần chúng nên được lưu thông khắp trong chợ, ngoài đồng, làm cho mọi người đều khinh bỉ vợ chồng Hia Mỹ ngu muội, ham giàu bỏ mất đứa con gái, bây giờ nó có chồng làm tới quan Phủ rồi nó không thèm nhìn cha mẹ, trở về xứ nó không chịu bước chưn tới cửa.

Ở chợ Giồng ông Huê dư luận rộn rực rồi phê bình cử chỉ của vợ chồng Hia Mỹ rất nghiêm khắc như vậy, mà bà Hương văn Thanh với quan Phủ Vĩnh Xuân ở xa nên không hay gì hết.

Mà hay làm chỉ ?

Bà Hương văn Thanh đương vui sống mà thấy cô dâu mới của bà là Hưởng nầy khác hẳn với cô dâu trước là Cẩm Nhung; cô dâu mới biết chăm nom trầu cau, trà bánh cho bà, biết lo miếng ăn chỗ ngủ cho bà, ban ngày chồng mắc làm việc hễ thấy bà buồn thì lấy truyện đọc cho bà giải khuây, hễ thấy quần áo của Vĩnh Tân có dơ thì góp biểu thằng Ca giặt ủi sạch sẽ cho em bận đi học. Đã lo cho mẹ chồng, mà còn biết lo cho con chồng, cái đó làm cho bà cảm động hơn nữa.

Có đêm bà Hương văn nằm một mình trong phòng bà văng vẳng nghe tiếng Vĩnh Tân học bài phía bên kia, rồi nghe Vĩnh Xuân đờn réo rắt ở từng dưới, bà sung sướng mà nhận thấy cảnh đời lao khổ của bà hồi ở chợ Giồng bây giờ nó biến ra cảnh đời thần tiên. Bà hết ở chòi lá, tối gói bánh sáng ra chợ ngồi bán. Bây giờ bà được ở nhà lầu, ngủ nệm ấm, chung quanh có con thảo, có dâu hiền, lại có cháu nội thương yêu dan díu. Bà nhớ hồi trước hay Cúc Hương chết bà có than không thế nào bà cưới con dâu khác mà nó biết thương bà như Cúc Hương. Có lẽ lời than ấy thấu tới tai Cúc Hương nên nàng trở lại với bà cho bà hưởng hạnh phúc lúc già cả.

Còn Vĩnh Xuân từ ngày đi Gò Công về, ông biết chắc cô Hưởng là hậu kiếp của cúc Hương thì ông yêu quí cô không giới hạn, yêu quí người ơn mà cũng là người nghĩa vì Cúc Hương đã giúp cho ông lập thân danh, mà còn giữ nghĩa với ông toàn vẹn.

Được chồng yêu chuộng, cô Hưởng đã không nhõng nhẻo như hạng gái tầm thường, trái lại cô càng lo phụng sự chồng hết lòng, lo sắp đặt áo quần, lo tài bồi tâm trí. Ban đêm hễ Vĩnh Tân lên lầu mà học và bà Hương văn đi nghỉ, thì cô Hưởng bổn thân đi chế một bình trà ngon bưng để trong thơ phòng cho chồng.

Còn Vĩnh Xuân đêm nào ông cũng biểu vợ vô thơ phòng nằm chơi với ông. Ông lấy tập thi phú của ông làm, ông biểu vợ đọc lại cho ông nghe, rồi có lúc ông ngâm nga một bài, có lúc ông đờn chơi vài bản. Vợ chồng âu yếm, tình nghĩa mặn nồng, vợ chồng ông sống với chuỗi ngày đầm ấm, thuận hòa, sống với cảnh đời thung dung trong sạch.

Vì ở Cần Thơ, Vĩnh Xuân chưa gặp được bạn cầm thi mà đàm luận, nên ông xem người vợ cũng như tri âm.

Một đêm Vĩnh Xuân ngâm chơi một bài thi của cụ Phan Lương Khê rồi ông hỏi vợ:

-Mấy tháng nay em đã học hết tập thi của qua hay không ?

-Em đọc đi đọc lại đến mấy lần. Có nhiều bài em thuộc lòng nữa, chớ em ở nhà có làm gì đâu. Em đọc hoài tối ngày.

-Tâm hồn của qua phát hiện rõ ràng trong tập thi đó. Theo ý em thì tâm hồn của qua cao thấp thể nào. Qua muốn em phê bình cho qua nghe thử coi.

Cô Hưởng ngó chồng mà cười.

Vĩnh Xuân cứ theo nài nỉ vợ phải phê bình tâm chí của ông.

Cô Hưởng nói:

-Em không biết làm thi, em cũng không có học chữ nho. Còn chữ Pháp thì em đọc lem nhem chưa biết chỗ thâm thúy. Em đâu dám phê bình văn chương nhất là văn chương và tâm chí của anh đã được người ta yêu mến tán tụng lung lắm.

-Để qua nói tâm chí của qua cho em hiểu đặng em phê bình. Qua sanh trưởng trong nhà bần hàn. Nhờ Cúc Hương trưởng chí và giúp tiền cho qua nên qua mới ăn học được. Qua đi học với mục đích học cho giỏi, lập cho được thân danh đặng thoát khỏi cái khổ nghèo hèn, mà lên cái địa vi khá khá nuột chút. Thiệt hồi nhỏ qua muốn theo học nho học hơn tân học, ngặt ai cũng nói đời nay nho học vô dụng. Ai cũrg xúi qua phải đi đường mới, Cúc Hương cũng đồng ý đó. Chẳng dè qua học nửa chừng thì Cúc Hương chết đi. Qua chán nản muốn bỏ vì qua có mẹ già nghèo khổ, lại thêm Cúc Hương chết mà cứ theo căn dặn phải học cho đến cùng, gởi tiền lại đủ cho qua ăn học, nên qua phải rán. Khi học thành công rồi, qua lãnh chức thông ngôn, ký lục, qua quyết chí tu tâm dưỡng tánh, qua lấy “thanh cao chánh trực” làm căn bổn, làm thầy làm quan thì thẳng ngay, trong sạch, không hối lộ, không bóc lột, không hà hiếp, không dua bợ, không nịnh hót. Ai hung dữ tham lam mặc ai, qua cứ giữ hiền lương nhân nghĩa. Được làm quan mà qua không cần phải giàu tiền bạc như người ta, qua chỉ muốn vui thú phong lưu trong sạch, bởi vậy qua học đờn để dưỡng tâm, tập làm thi để ngôn chí. Qua ghi rõ tâm chí của qua trong tập thi đó. Qua muốn biết coi ý em có hiệp hòa với tâm chí của qua không ?

-Nếu em nói thì em phải nói ngay. Mà nói ngay thì sợ anh cho em không đồng tâm, đồng chí.

-Không phải vậy. Thuở nay qua tôn trọng lẽ phải. Nếu em nói đúng với lẽ phải thì qua phải kính phục em chớ.

-Anh tu tâm dưỡng tánh, anh lấy bốn chữ “thanh cao chánh trực” làm chủ đích thì hay lắm. Anh vui chơi thì anh học đờn, tập thi, đặng nếm thú phong lưu, cũng hay nữa. Còn làm thầy, làm ông thì anh ghét bốc lột, hống hách, anh không chịu làm như thiên hạ, anh muốn nghèo mà sạch sẽ, chớ không muốn giàu mà dơ dáy, cái đó đáng khen thiệt. Đọc hết thi vãn của anh, tuy em thiếu học, song em cũng như người khác, em nhận thấy tâm hồn ngược đời, thoát tục của anh phát hiện một cách rõ ràng. Nhận thấy rồi, tự nhiên em cũng ngợi khen kính trọng anh như người khác. Nhưng mà …

-Nhưng mà … sao nữa ? Em cứ nói ngay ra. Không hại gì đâu mà em ái ngại, nên không dám nói cho hết lý.

-Em nói thì anh đừng buồn nghe hôn. Có vậy thì em mới dám nói.

-Không. Qua không buồn đâu. Dầu tâm chí của qua có chỗ nào dở, em dòm thấy, em chỉ cho qua biết, đặng qua sửa đổi lại, thì qua suy nghĩ mà liệu định. Vợ chồng ta sẽ bàn luận mà tổ chức một cảnh đời hoàn toàn cao vọi để sống chung với nhau, vậy thì càng hay chớ có sao đâu mà buồn.

-Nghe giọng đờn của anh, rồi đọc thi văn của anh nữa, em nhận thấy mang tâm hồn bi quan nặng nề, nên anh giữ tánh khí thụ động vững chắc. Anh là người đa sầu, đa cảm, nên từ ngón đờn đến câu văn, thảy đều là giọng than khóc, tiếng ưu phiền. Nghe giọng đờn của anh thiệt em muốn chết cho rồi. Đọc bài văn của anh thiệt em thắt thẻo gan ruột. Anh nghĩ coi, đờn mà cứ “ai” cứ “oán” thì làm sao mà vui được, làm sao mà phấn khởi chí khí, để mạnh dạn cạnh tranh đặng tiến bước với thiên hạ. Còn tả cảnh thì anh tả “Trăng lu lờ”, “Đêm mưa rỉ rả”, “Tiếng dế ngoài hiên” thì như vậy, hễ đọc thì rũ riệt tinh thần, tiêu tan hăng hái hết.

Vĩnh Xuân ngồi chăm chỉ nghe. Thấy cô Hưởng ngừng thì ông biểu:

-Còn thấy gì nữa, em cứ nói hết đi mà.

-Em nhớ trong sách cũ có những câu văn như “Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo” như “Nắm tay nhau lên chốn võ đài cho rõ mặt anh hùng thế giới”. Văn phải mạnh mẽ như vậy, người ta đọc mới phấn khởi được chớ. Em dốt, em không biết chỗ cao xa, em thấy sao thì em nói vậy. Nếu em nói bậy thì anh dạy giùm cho em biết cái hay của âm nhạc cái cao của văn chương, đặng ern thưởng thức với anh.

-Không. Tuy ý của em khác với ý của thiên hạ, song em chỉ trích mấy điểm đó thì trúng lắm, chớ phải nói bậy đâu.

Cô Hưởng vô tâm hay là hữu ý không hiểu, mà cô đâm ngay cây dùi nhọn trúng cả gan ruột của Vĩnh Xuân, làm cho ông châu mày nhăn măt. Ông bước lại bàn ngồi rót uống vài chung trà rồi chống tay lên trán mà suy nghĩ.
Ông ngồi trầm ngâm một hồi rồi kêu cô Hưởng biểu lại ngồi cái ghế ngay mặt ông và ông nói:
- Thuở nay qua chưa hề nghĩ tới những điều em mới nói đó. Qua lấy làm đau khổ về non sông sụp đổ, quốc gia tiêu vong, nước mất dân nguy, hoa sầu cỏ héo. Vì qua có học chữ nho nên bước chân vào đường đời, qua đã buồn về việc đó, mà lại còn buồn thêm nỗi rời rã tình duyên nữa. Chắc là tại cái buồn dồn dập ấy un đúc tâm hồn qua đa cảm, đa sầu, coi cảnh đời tối đen, đường đời bít chịt, thành thử qua có đầu óc bi quan, rồi nó phát hiện ra câu văn, giọng đờn, nên em mới thấy được. Mà em thấy cái thuở nay các bạn cầm thi của qua chưa ai thấy, thiệt qua khen em lắm, khen trí sáng suốt đó.
Từ đây Vĩnh Xuân càng yêu quí cô Hưởng hơn nữa, yêu quý vì cô học ít mà thông minh.
Đêm nào cũng vậy, hễ ăn rồi vợ chồng đi ngoài sân chơi ít vòng rồi rút vô thơ phòng uống trà đọc sách, hoặc bàn luận việc đời, hiệp ý đồng tâm, trên hòa dưới thuận.
Vĩnh Tân học mãn niên khóa thi đậu bằng sơ học. Nhà nước đã có tính mở rộng trường Cần Thơ ra làm trường trung học, nhưng nhà cửa mới bắt đầu cất, có lẽ một năm nữa mới mở dạy được.
Không lẽ bắt Vĩnh Tân nằn không mà chờ, nên Vĩnh Xuân phải làm đơn xin cho con thi vào trường Trung học Mỹ Tho.
Năm nay bà Hương văn đã già yếu đi xa không tiện, nên Vĩnh Xuân viết một phong thơ cho anh vợ, là ba Khai, hay trước, cậy chăm nom giùm cho Vĩnh Tân thi, rồi sai thằng Ca cầm thơ đưa Vĩnh Tân qua mỹ Tho.
Vĩnh Tân thi đậu nữa.
Vĩnh Tân học trường Mỹ tho gần mãn năm thì cô Hưởng sanh được một đứa con trai. Bà Hương Văn mừng quá, Vĩnh Xuân đặt tên là Vĩnh Thái.
Tới bãi trường, Ba Khai bổn thân đưa Vĩnh Tân về, đặng thừa dịp qua thăm bà Hương văn và mừng cho vợ chồng ông Phủ mới được thêm con trai nữa.
Tối lại Ba Khai mới tỏ với bà Hương văn và Vĩnh Xuân rằng Vĩnh Tân thấy vài anh em bạn được cha mẹ cho qua Tây mà học. Nó nôn quá tỏ ý muốn đi. Ba Khai dòm thấy ý mẹ con bà Hương văn dụ dự, mới nói tiếp: “Má tôi thấy cháu ham học, lại nghĩ dượng Phủ mới được thêm một đứa cháu nữa, nên má tôi biểu tôi thưa với bác và dượng Phủ vui lòng cho cháu Tân xuất đương du học như chúng bạn. Má tôi nói cháu ngoại hay cháu nội cũng là cháu, vậy má tôi xin cho phép má tôi chịu các học phí của cháu, dượng Phủ khỏi lo việc đó. Phận tôi thì tôi có tới ba đứa con gái mà không có con trai. Vậy tôi cũng phụ nuôi cháu Tân ăn học cho đến cùng đặng ngày sau cháu khỏi thua sút thiên hạ”.
Vĩnh Xuân đã có ý muốn cho con qua Pháp mà học nên không phản kháng.
Bà hương văn đã có thêm một đứa cháu nội nữa trong nhà nên bà dục dặc rồi cũng để cho Vĩnh Tân đi.
Vì vậy nên trong lúc bãi trường nầy Vĩnh Tân được đi Tây mà học, qua cho kịp khai trường dạy về niên khóa mới.
Cách sáu năm sau, Vĩnh Tân có bằng tú tài rồi và đã thi đậu được vào học trường bách nghệ kỹ thuật.
Saigon, 24-6-1955

12/12/2014
Hồ Biểu Chánh
Theo https://isach.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXTrường đời 2

Trường đời 2 XVII- Buổi chiều hôm ấy, mãi quá ba giờ, Khánh Ngọc mới ra chỗ làm. Nàng đi thẳng ngay đến mỏm núi Sám Coọc mà nàng biết chắc...