Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2024

Ai về cầu ngói Thanh Toàn

Ai về cầu ngói Thanh Toàn

Ai đã một lần đến Huế sẽ chưa thật sự biết hết Huế nếu không tìm về cầu ngói Thanh Toàn một lần để hòa lòng mình vào câu ca dao xưa: Ai về cầu ngói Thanh Toàn/ Cho em về với một đoàn cho vui.
Như một chiếc lược điệu đà của nàng con gái cầu uốn mình nhẹ nhàng bắc ngang một đoạn cuối của dòng sông Như Ý – một con sông đẹp mềm mại uốn lượn chảy xuyên suốt từ đầu làng đến cuối làng Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là cây cầu được mệnh danh là cổ và có giá trị nghệ thuật cao nhất ở Việt Nam được xây dựng từ năm 1776, được Bộ Văn Hoá cấp bằng Di Tích cấp quốc gia năm 1990.
Tương truyền xưa có bà Trần Thị Đạo là vợ một vị quan thuộc triều vua Trần Hiển Tông, vì không có con nên muốn xây cây cầu này cho dân để cầu tự, cầu phước. Cây cầu này tiện bề cho dân đi lại, làm chỗ nghỉ chân hóng mát mỗi lần dừng ngang đây. Năm 1925 bà được vua Khải Định ban sắc phong cho bà là Dực Bảo Trung Hưng Linh phò và ban lệnh cho dân làng lập bàn thờ bà để ghi nhớ công lao người dựng cầu. Đó là điều lý giải về chiếc bàn thờ ngay giữa cầu luôn được dân làng hương khói trang nghiêm mà du khách vẫn thấy khi đến đây. Không quá đồ sộ, cây cầu với những hoạ tiết tinh xảo, chiều dài 18 m, rộng 5 m được xây dựng theo lối “thượng gia hạ kiều”, (trên cầu dưới nhà).
Khi đến đây, du khách không những để chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính mang dấu ấn thời gian mà còn cảm nhận một nét yên bình nhẹ nhàng của thôn trang, những sinh hoạt và con người bình dị ở nơi này.
Bên cạnh những câu ca dao được nhiều người biết đến như:
– Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui.
– Ai về cầu ngói, Dạ Lê
Cho em về với thăm quê bên chồng
Thắng cảnh cầu ngói Thanh Toàn còn là đề tài cho các văn nhân thi sĩ làm thơ ngợi ca. Năm 2000, Nhà xuất bản Thuận Hóa đã in tuyển thơ Ai về Cầu Ngói, tập hợp tác phẩm của trên 30 tác giả, rồi tập Nẻo về của Đặng Văn Thân. Nhân dịp giới thiệu trước công chúng tuyển thơ Ai về Cầu Ngói, Huyện Hương Thủy đã giúp xã Thủy Thanh tổ chức đêm thơ Ai về cầu ngói vào tối 16 tháng Ba âm lịch và chương trình này sau đó được duy trì hàng năm, phù hợp với lòng dân. Trong những đêm này các nghệ nhân dân gian của làng như Trần Thị Chanh, Trần Duy Chựa, Nguyễn Thị Kình… cũng tham gia nhiều tiết mục diễn xướng dân gian như ngâm thơ, nói vè, hò giã gạo, chầu văn… rất sinh động, sôi nổi. Dưới ánh trăng mười sáu, trong hương lúa quê nhà, đêm thơ đã thu hút đông đảo công chúng yêu thơ, thích sinh hoạt cộng đồng đến tham dự. Rất tiếc đêm thơ Ai về cầu ngói chỉ thực hiện định kỳ được 5 năm thì ngưng hoạt động, thay vào đó là chương trình Chợ quê ngày hội tổ chức hai năm một lần theo hệ thống Festival Huê.
Vào những mùa lễ hội Festival Huế, nơi đây thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế về tham gia không gian Chợ quê ngày hội. Những ngày này cầu ngói Thanh Toàn lại rực rỡ cờ hoa, chốn quê như bừng sáng bởi những chiếc đèn lồng khoe sắc màu, những khung cảnh sinh hoạt quê kiểng một thời được tái hiện qua sinh hoạt chơi bài chòi, đua ghe…, các ngành nghề liên quan đến làng quê như chằm nón, đan lát, những công việc nông, ngư… Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức những hương vị rất riêng đậm đà của ẩm thực xứ Huế như bánh bèo nậm lọc, bánh canh Nam Phổ, bánh canh cá lóc Thủy Dương, cơm hến Vĩ Dạ, những gánh đậu hũ các o gánh trên vai hay những mớ khoai bắp nướng cũng thu hút bước chân của du khách không kém.
Cầu ngói Thanh Toàn không chỉ quyến rũ bước chân người tứ xứ trong các kì lễ hội mà ngày thường cũng thường xuyên tiếp đón rất nhiều những du khách đến thăm quan. Những trưa hè dù nóng oi bức, nhưng khi đã bước chân đến đây bạn sẽ thấy thật thư thái nhẹ nhàng khi dừng chân trên chiếc cầu gỗ, mái ngói lưu ly làm cho cầu luôn mát rượi, cái nắng oi bức của miền Trung dường như không hề hiện diện nơi đây.
Ở trung tâm của làng Thanh Thủy Chánh, bên cạnh Cầu Ngói Thanh Toàn là một Nhà trưng bày nông cụ được xây dựng từ cuối năm 2014, giới thiệu về lịch sử và văn hóa; nghề nông; đánh bắt cá và đời sống thường ngày của người dân làng Thanh Thủy Chánh nhiều thế hệ. Trong quá trình hoạt động Nhà trưng bày nông cụ thu hút nhiều du khách đến tham quan.
Tại Nhà trưng bày nông cụ có khoảng 200 hiện vật và gần 100 bức ảnh đã được chọn ra để trưng bày theo các chủ đề. Qua đó cho thấy khung cảnh làng quê Thanh Thủy Chánh và đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây được tái hiện qua những đồ vật được dân làng lưu giữ và hiến tặng như cối xay bằng đá, bát đĩa sứ, nồi đất, chõng tre… đến những nông cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như xe đạp nước, quang gánh, xe quạt lúa, những ngư cụ đánh bắt cá như lưới, nơm, lừ, chơm… Tại mỗi không gian giới thiệu chủ đề sinh hoạt nông thôn xưa và các hiện vật đều được chú thích rất rành mach, chi tiết để người xem hiểu tường tận ngọn ngành.
Tôi vẫn thường ghé nơi này vào những hôm rảnh rỗi, và nhiều lúc ngồi trên cầu nhìn xuống dòng nước êm đềm của dòng sông Như Ý. Giữa khung cảnh thanh bình như thế, tôi tự nhủ mình thật sự có phúc khi được sinh ra và lớn lên ở đất Thần kinh này.
Nhưng với tôi, cầu ngói Thanh Toàn đẹp nhất là vào những đêm trăng. Ánh trăng mùa thu vằng vặc, chiếu rọi xuống những ngọn tre, những con thuyền úp mái đợi chờ những dấu chân hò hẹn. Ánh trăng dịu dàng hôn lên tóc thôn nữ, ánh trăng làm chứng nhân cho những ước hẹn ngọt lành.
Và cũng vào một mùa trăng, tôi được gặp gỡ một nữ nhà thơ dân gian sinh sống tại mảnh đất này, đó là o Nguyễn Thị Kình như đã nhắc ở trên. O Kình với dáng người đậm chất thôn quê, chút ngại ngùng cố hữu của người Huế nhanh chóng biến mất rồi o Kình hồn nhiên đọc cho tôi nghe những bài thơ do o sáng tác. Những bài thơ mộc mạc mà sâu sắc nói lên cảnh đẹp của cầu ngói Thanh Toàn, niềm tự hào và tình yêu quê hương đất nước thiết tha:
Quê em có khóm trúc vàng
Chiếc cầu gió mát Thanh Toàn gọi tên
Xin anh nhớ mãi đừng quên
Dòng sông Như Ý nối liền sông Hương
Xa nhau em nhớ, anh thương
Nhủ lòng hai chữ chung đường chờ nhau
Quê anh có chiếc cầu xinh
Chiếc cầu rất đẹp uốn mình bắc ngang
Tên gọi cầu ngói Thanh Toàn
Về cầu gió mát ngắm bảo tàng cây xanh
Em về cầu ngói quê anh
Nếu em không biết anh xin đưa về.
Quán hàng o bán ngay chân cầu với những món quà quê bình dị, có lần tôi về vào dịp những ngày cận Tết hàng o còn trang trí thêm một cành mai nhỏ nhắn xinh xinh vàng rực, bất giác lòng tôi dâng lên một niềm cảm xúc khó tả. Thế mới biết, Huế vẫn luôn luôn mới và có những điều rất đáng tự hào ẩn sâu bên trong những giá trị văn hoá hiện diện trước mắt là những giá trị tinh thần văn hoá rất riêng.
Và chính nhờ những giá trị tinh thần văn hóa rất riêng ấy mà một Huế thâm trầm, sâu lắng đã vươn xa, đi vào lòng người trong nước và hải ngoại. Huế với những nét đằm sâu, những con người thầm lặng vẫn đang ngày ngày làm đẹp cho Huế, tô điểm cho Huế không chỉ là chiếc áo dài nón lá, không chỉ là mái tóc thề bên dòng sông Hương mà còn là những con người giản dị, những vần thơ mộc mạc chân chất, cùng lời Ca Huế vẫn hàng ngày hoà thanh, đưa Huế đến với bạn bè khắp châu lục bằng nét độc đáo của mình.
Tôi yêu Huế, yêu cầu ngói Thanh Toàn và tất cả những gì thuộc về Huế, Huế ơi!.
Huế, 20/4/2020
Trang Thùy
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nguyễn Khải - Vui buồn một đời văn Xuất phát điểm từ một nhà báo cơ sở ở địa phương đã in đậm dấu ấn trong văn nghiệp của Nguyễn Khải: M...