Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2024

Bồng bềnh trên đỉnh Cát Chùa Sì

Bồng bềnh trên đỉnh Cát Chùa Sì

Chờ nắng về ngang lưng trời ngày giao mùa mới thấy quý những ngày nắng nhẹ cuối thu làm cành lá hanh hao, chao đảo trước gió mùa. Tôi mang cảm giác như thế khi đến Cát Chùa Sì vào ngày đầu đông, khi giọt sương còn ngon giấc trên cành lá và búp chè non vừa kịp mở mắt trong lu cở của các sơn nữ đang tuổi trăng trăng tròn.
Ai đã từng đứng ở đỉnh Cát Chùa Sì của Sà Dề Phìn, Lai Châu mới hiểu cảm giác bồng bềnh như mây, lâng lâng như sương khi được bao bọc quanh mình bởi mênh mông đồi núi và sắc màu tín ngưỡng của đồng bào H’Mông ở Sà Dề Phìn.
Cát Chùa Sì (Qab tsuas tshig) là phiên âm tên gọi theo chữ viết của người H’Mông có nghĩa là Thác Vái Dê mà ngày nay nhân dân gọi là Thác Suối Thần. Tôi hỏi đồng bào địa phương về tên gọi Cát Chùa Sì nhưng dường như chẳng có sự lí giải nào cụ thể. Người ta truyền tai nhau về một vùng đồi núi ngang lưng trời thuận lợi cho bà con chăn thả dê và tên gọi ấy là do những người chăn dê gọi với nhau tự bao giờ. Tôi mang sự tò mò đi tìm người được xem là linh hồn của đồng bào nơi đây để hỏi cho rõ về cái tên Cát Chùa Sì nhưng cũng không thể có câu trả lời mới hơn. Có phải vì thế mà một địa điểm thưởng cảnh rất gần trung tâm xã nhưng vẫn giữ được nét hoang sơ như chính cái tên của nó vậy? Già Tho – người có uy tín nhất của đồng bào và cũng là người kết nối linh hồn dân tộc mình đã nói về Cát Chùa Sì như là sự ban ơn của trời với vùng đất linh thiêng này. Con thác ấy là dòng nước chính để nuôi sống người dân bao đời ở Sà Dề Phìn, là dòng chảy từ mạch nguồn để hình thành khu rừng thiêng, rừng chè cổ bây giờ. Và cũng chính con thác ấy đã đổ nước về Nậm Cậy, Chăn Nưa để cung cấp nước cho đồng bào dân tộc Thái sống dưới chân các ngọn núi cao.
Quê hương tươi đẹp là thế, thơ mộng đến thế mà dường như ai cũng muốn giữ Cát Chùa Sì như bí mật của riêng mình trong khi ở ngoài kia hàng ngàn dịch vụ quảng bá du lịch vẫn hoạt động không ngừng nghỉ nhưng tuyệt nhiên không có tên Cát Chùa Sì?
Già Tho cười móm mém trả lời những thắc mắc của tôi:
– Cát Chùa Sì của trời, của đất có riêng gì của người H’Mông đâu. Đây không phải chốn thâm sơn cùng cốc nhưng là nơi đất trời của nhiều vùng hội tụ cần gì phải khoa trương rồi có khi lại không giữ được cái bình yên của đồi núi.
Nằm cách trung tâm xã khoảng 1km, đường đi vào không quá đèo dốc mà gập gềnh theo những bậc thang vì thế chỉ có thể đi bộ qua các bờ ruộng để được hít hà mùi thơm của hương nếp chín vàng quyện lẫn hương chè tươi mát của vườn chè cổ tạt qua rồi đọng lại ở khóe môi vị ngọt của quê hương. Để được ngắm sắc trắng tinh khôi cuối mùa của hoa Xuyến Chi dịu dàng nép vào nhau như cảm thấy cái rét đã về trên núi cao. Để được lạc vào miền cổ tích với những bờ lau san sát, hoang dại từ thời tiền sử. Để được hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp giữa chập trùng đồi núi và mênh mông rừng chè.
Gọi là đỉnh nhưng sẽ chẳng có ngọn đồi, ngọn núi nào lại có khoảng bằng phẳng rộng như đỉnh Cát Chùa Sì. Phải chăng từ ngàn năm trước người H’mông đã thấy Cát Cát Chùa Sì là chốn sơn thủy hữu tình để thần linh tứ phương về hội tụ trong Lễ Gẩu Tò (Gầu Tào) mà ngày này họ chọn đó là nơi hạ cây Nêu tiễn thần phật khi Lễ hội kết thúc? Phải chăng vì muốn giữ vẻ hoang dại của Cát Chùa Sì mà người ta từ chối cơ hội quảng bá theo xu hướng hội nhập? Cũng chẳng thế lí giải vì sao một Cát Chùa Sì sừng sững suốt bao đời ở đó nhưng người ta lại dè dặt khi nói về nó? Hoặc có thể đó là chốn tâm linh của đồng bào nên giữ Cát Chùa Sì là sự tôn kính với trời, với đất của Sà Dề Phìn chăng?
Từ đỉnh Cát Chùa Sì có thể quăng dao là chạm đến Làng Mô, Chăn Nưa, Lê Lợi. Đứng ở đỉnh Cát Chùa Sì có thể thu vào tầm mắt con thác quanh năm đổ nước vào lòng suối Thần để nuôi sống mạch nguồn văn hóa từ thời lập địa mà nhìn từ xa như dải lụa trắng ngần vắt ngang lưng đồi xanh ngát. Và nếu muốn một điểm tựa cho tâm hồn thanh sạch thì bạn cứ ngả lưng vào lòng đất để hứng gió trời mơn man, để được đất mẹ vỗ về trong tâm thức. Cảm giác như gối đầu lên mỗi gốc chè cổ đợi nắng lách mình qua lá chè để tiếp sinh khí của cây cho con người dạt dào sức sống. Nhưng có khi thèm cảm giác ấm êm trong tâm hồn thì đất mẹ lại vỗ về trái tim ta bằng bếp lửa ấm cúng bên trong ngôi nhà trình tường cổ kính mà giản dị với bắp ngô non trên than củi hay bát mèn mén còn thơm mùi khói và cốc rượu ngô nấu bằng men lá rừng thơm nức mũi đang sộc hơi cay ngay đầu lưỡi tê tê.
Gió đông về, Cát Chùa Sì ẩn mờ trong sương cho đến lúc nắng rọi thẳng đỉnh đầu thì sương mới lảng bảng đi về phía sông Đà để cho thác Vái Dê bạc đầu gọi nỗi nhớ từ quá khứ, nhắc nhở hiện tại và gửi niềm tin vào tương lai về nỗi niềm của người Chủ tế mong muốn phục giữ được Lễ hội Gẩu Tò trước khi người cùng thần linh đi về cõi vĩnh hằng. Sẽ còn mãi một Cát Chùa Sì của thiên nhiên gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bào H’Mông ở Sà Dề Phìn như là sự hài hòa của tự nhiên với cuộc đời trong tâm thức của người dân cũng như thực khách ghé thăm.
10/6/2021
Châm Võ
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chương XIII thuyền-trưởng bất đắc dĩ TÔI yên trí tôi chỉ xuống trình-diện tại một chiếc tàu nào là được tuyển-mộ ngay. Vì thế, sau khi tới...