Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2024

Cha tôi, Văn Sĩ Tương - Người chiến sĩ cầm bút

Cha tôi, Văn Sĩ Tương
Người chiến sĩ cầm bút!

Ba về! Mạ khóc. Bầy con ngỡ ngàng. Ba nở nụ cười sảng khoái như chưa hề đi qua trận mạc rồi lại hòa nhập vào đời sống của nhân dân, giúp đỡ bà con với cương vị trưởng thôn. Tưởng rằng đã gác bút để sống cuộc sống nông nhàn bên vợ con sau những ngày tháng xa cách nhưng những kỷ niệm cứ dấy lên trong ba và nó lại thôi thúc ba cầm bút viết tiếp những trang nhật ký, làm đầy lên cả một thùng nhật ký chiến trường…
Là một nhà thơ, nhà báo – chiến sĩ, do vậy ngay từ nhỏ hình ảnh người lính trong tôi thật thân thiết và gần gũi. Sống bên cạnh ba tôi học được rất nhiều điều từ ông, đó là sự khiêm tốn, giản dị, lòng trung thực và nhân ái. Mỗi lần nhắc đến ông là bạn bè, đồng đội cũ và những người dân trong thôn xóm lại thưa thứa nước mắt, tất cả họ đều tiếc thương ông và có chung cảm nhận về một con người sống “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Từ năm 1965, ba tôi là phóng viên Báo Tiền Tuyến của Mặt trận Đường 9, Bắc Quảng Trị. Hợp nhất Mặt trận Đường 9 với Quân khu Trị – Thiên. Đất nước thống nhất, ba tôi về Bộ Chỉ huy quân sự Bình – Trị -Thiên phụ trách chuyên mục Quốc phòng trên Báo Dân và Đài Phát thanh truyền hình Huế.
Là một cây bút tiêu biểu giàu tâm huyết – tài năng của Báo Quân Giải phóng Trị Thiên, ba tôi được Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị vinh danh là “cánh tay nối dài” của Báo Quân Đội Nhân Dân, Phát thanh Quân đội nhân dân trên mảnh đất hẹp miền Trung này.
Đằng sau cái danh xưng “Phóng viên chiến trường” nghe có vẻ oách lắm, hoành tráng lắm nhưng có biết bao gian lao và mất mát, là sự chịu đựng vô biên, là máu, là mồ hôi và nước mắt. Đặc biệt ở chiến trường Trị – Thiên nơi quân Mỹ đóng chốt ở đường 9 – Khe Sanh, thì sự ác liệt càng bội phần, do vậy những phóng viên chiến trường như ba tôi không chỉ cầm bút, cầm máy ảnh mà còn cầm súng để chiến đấu với kẻ thù. Nhưng chưa đủ, ngoài việc luôn bám sát và hành quân cùng với đơn vị, có mặt ở các chiến dịch, các trận đánh lớn, ở nơi nóng bỏng nhất của cuộc chiến đấu… để ghi lại những sự kiện như những nhân chứng lịch sử thì các phóng viên chiến trường còn không ngừng tập luyện, leo núi, vượt sông, lăn, lê bò toài, ném lựu đạn, hái củi, nấu ăn không khói, đào hầm, tăng gia sản xuất… Đúng như Bác  Hồ nói “Nhà báo cũng là chiến sĩ”
Nếu không có yếu tố đó, thì phóng viên ở chiến trường sẽ có nhiều lý do để ở lại hậu cứ hoặc có đi đơn vị thì cũng tìm cho mình một nơi an toàn nhất.
Hồi nhỏ tôi nghe mạ kể: Khi ấy mạ theo đường giao liên vào thăm ba ở Huế, vừa đúng thời điểm của cuộc chiến dịch tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Một cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt. Mạ khóc ôm lấy chân của ba khi ba bật ra khỏi hầm để nhìn hướng máy bay trên bầu trời rồi sau đó bám sát đơn vị tiến vào thành nội. Tại đây ba gặp gỡ một số chiến sĩ ở mũi chủ công, biệt động và nhân dân lấy được nhiều tư liệu về cuộc tiến công và nổi dậy của quân – dân ở Đại nội Huế. Sau đó một loạt bài báo về viết về Tiểu đội 11 cô gái Sông Hương bị vây ở thành nội Huế và Đồn Mang cá, đói không có gì ăn và những bài báo nói về cuộc càn quét khủng khiếp trên Đồi thịt băm. Những bài viết của ba ở chiến trường được đăng ở Báo Dân, Tiền Tuyến, Báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân và được Đài Tiếng nói Việt Nam phát trên sóng là một niềm động viên cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân ở chiến trường. Và đối với ba tôi khi đó là cả một niềm vui, niềm tự hào lớn lao nhất.
Có! Đó là mệnh lệnh trái tim của nhà báo chiến sĩ cũng như tinh thần ý chí của những người lính trong kháng chiến. “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”. Những nhà báo chiến sĩ không ngại khó khăn gian khổ, tự nguyện xông pha mặt trận, bám sát bộ đội nơi chiến hào bom rơi đạn nổ để mong muốn có được những tin tức nơi chiến trường nhằm phục vụ động viên tinh thần bộ đội và nhân dân. Ở đâu có bộ đội là ở đó có nhà báo chiến sĩ. Cứ thế ba tôi hết bám mặt trận này sang mặt trận khác. Còn ở quê nhà mạ tôi một mình vừa tham gia dân quân du kích vừa chăm sóc cho bà mẹ chồng già yếu, ba đứa con nhỏ dại cộng thêm với mấy đứa cháu nữa vì ba mẹ chúng đã hy sinh.
Hiếm hoi lắm ba tôi mới được về thăm gia đình, còn lại là những dịp đi công tác rồi tranh thủ ghé qua. Sau gần 30 năm cầm bút lăn lộn ở chiến trường, năm 1986 ba tôi quyết định xin trở về quê hương để chào đón đứa con thứ tư của mình ra đời, và để kỷ niệm một thời cầm bút ông đã đặt cho tôi tên “ Văn”. Dường như trong suốt 30 năm đó, nếm trải đủ mọi gian khổ hy sinh của nghề làm văn làm báo nên ba tôi không muốn trong số các con của ông theo cái nghề này. Bởi “Nghiệp văn nghiệp chướng! Nhưng dẫu có cố tình tránh cũng không tránh khỏi cái nghiệp mà ông trời đã vận vào thân. Tôi, đứa con thứ tư trong tổng số sáu người con tất cả của ông đã trở thành một người viết văn “Thứ thiệt” công tác tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh sau khi trải qua vài công việc đúng chuyên ngành rồi đùng cái rẽ ngoặt sang viết văn lúc nào không hay.
Chính nhờ ở môi trường văn chương báo chí này mà tôi có dịp được gặp lại những người đồng đội cũ của ba, họ kể cho tôi nghe về những kỷ niệm của một thời trận mạc mà rưng rức nước mắt vì quá đỗi xúc động.
Tác phẩm của Văn Sĩ Tương
Đại tá Nguyễn Khắc Thuần nhắc lại kỷ niệm ngày ba tôi đi học sĩ quan lục quân 2 ở Đồng Nông, Yên Thành: Đó là những năm tháng đói đến tột cùng, ba gầy đen như củ súng, anh em gặp nhau quá đỗi vui mừng, thèm ngọt quá bèn kéo nhau đi chiêu đãi chầu kẹo lạc xa xỉ và không quên cất lại mấy cái cho những “con ma đói”.
Đại tá Khắc Thuần ngưng một lúc rồi kể tiếp: Ngày ấy có chuyện vui thế này, mấy anh em tổ chức “Cuộc thi nói phét” mà Báo Tiền Tuyến của Mặt trận B5 chỉ có hai người là Vũ Thuộc và Văn Sĩ Tương nên Quân khu 4 thường chi viện thêm phóng viên. Một lần Cao Tiến Lê, Đậu Kỷ Luật, Hồ Khải Đại, Trọng Lượng… được cử vào B5 vừa chi viện cho Tiền Tuyến vừa chuẩn bị thêm bài vở cho ấn phẩm “Sóc Đường 9”. Văn Sĩ Tương ra tận Bãi Hà đón đồng nghiệp. Màn chào hỏi tay bắt mặt mừng chưa xong thì một trận bom như vãi cát trùm lên họ. Chạy bán sống bán chết may mà an toàn nhưng ba lô thì chẳng ai còn. Họ lại lên đường, Văn Sĩ Tương xung phong đi trước phòng có mìn để cho những phóng viên lớn tuổi hơn theo sau, đi một lúc thì chiếc dép cao su của Văn Sĩ Tương bị sút quai nên xoay ngược ra sau. Văn Sĩ Tương hoảng hồn hét lên: “Dép tau mô rồi bay? Dép tau mất rồi!” Mọi người cười ồ lên bảo: “Dép úp sau gót”! Chuyện lại vui như ngô rang nhưng rồi cơn thèm thuốc lá, thuốc lào ập đến. Chuyện vui chùng xuống. Bỗng Hồ Khải Đại người duy nhất không hút thuốc lên tiếng :
– Tao vẫn còn bao Tam Đảo. Bây giờ mở cuộc thi nói phét thằng nào thắng tao tặng bao thuốc đó.
Thế là lại râm ran. Ông nào ông nấy trợn mắt phùng mang thi nhau kể chuyện phét lác. Đủ một người hai chuyện, bắt đầu chấm giải. Văn Sĩ Tương được giải nhất. Lúc này Hồ Khải Đại mới lên tiếng:
– Chuyện bay kể ai cũng biết nói phét, chỉ có tao nói phét mà bay tưởng thật. Tao làm gì có thuốc lá. Giải thưởng nói phét là câu chuyện nói phét.
Biết bị lỡm mà ai cũng vui vì cũng sắp đến sở chỉ huy. Đến đó thế nào Vũ Thuộc cũng đãi chầu thuốc rê Vân Kiều.
Kể đến đây Đại tá Khắc Thuần bỗng như chùng giọng xuống khi nhắc đến Tử Mạch một phóng viên tài hoa bạn của ba đã hy sinh lúc 22 tuổi và mãi đến năm 2020 mới tìm được để đưa về quê của bạn.
Rồi chuyện trong một đợt đi công tác vì không quen ngủ nhà lầu nên ba đã kéo bạn đi trải chiếu tầng dưới nằm, nửa đêm ba dậy viết bài “Bộ đội ở nhà lầu”. Trong lúc cao hứng đọc ầm ầm khiến cả cơ quan mất ngủ phản ứng. Một lần năm 1974 ba ra Quân khu 4 họp, bắt nhà báo Khăc Thuần chở xuống ga Vinh 40km để biết thế nào là tàu hỏa. Gió lào, nắng 39 độ xe đạp hết hơi 3h sáng mới về đc đơn vị. Ôi bao kỷ niệm cháy lòng…
Ngày ấy nhà văn Xuân Thiều đùa rằng: Văn sĩ chi mô, hắn họ Trần. Thơ, văn, báo chí cứ lên gân. Khua môi, bẻm mép trên Tiền Tuyến. Gạo ăn một bữa hết 2 cân.
Ôi mới đó mà thành cổ tích. Nhà văn Xuân Thiều, phóng viên Tử Mạch, phóng viên Huyền Dân… đã ra đi. Một thời trận mạc bao kích đạn dày, ngày buồn nghĩ lại thấy vui, ngày vui nghĩ lại se lòng.
Để khép lại bài viết những kỷ niệm về ba tôi, tôi xin biên ra nốt câu chuyện vui của anh em văn nghệ một thời qua lời kể của nhà báo – Đại tá Khắc Thuần.
Tháng 4 năm 1975 Quân khu Trị Thiên – Huế chuyển từ Mướng Nòng về Mang Cá. Gần như 100% cán bộ quê miền Bắc đều thi nhau mua, lắp xe đạp. Thuở ấy xe đạp miền Bắc đang phải đăng ký, mỗi xe có biển số ghi kí hiệu tỉnh, số xe. Tỷ lệ người dân có xe đạp khoẳng 30-40%. Chiếc xe đạp là cả một gia tài, một giấc mơ đổi đời. Vì thế nhà báo Văn Sĩ Tương cũng không phải ngoại lệ, là người mê say lắp xe đạp. Ngày chủ nhật anh cùng bạn bè dạo thành Huế mua phụ tùng, đêm về hí hoáy lắp đến tận canh khuya.
Trong số mười mấy chiếc xe đạp mới lắp của Phòng Tuyên huấn thì chiếc Peuro của Văn Sĩ Tương được xem là đẹp nhất. Đẹp đến mức nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm phát ghen mà nói:
– Xe đẹp hay bị kẻ cắp dòm ngó!
Nghe câu đó Tương không vui. Xe đã đẹp lại hết sức chăm chút lau chùi nên xe Văn Sĩ Tương bao giờ cũng bóng lộn .
Một lần Văn Sĩ Tương đi công tác Phú Bài, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm phát hiện:
– Tay Tương cho xe đạp lên giường, rồi thả màn che kín. Hắn sợ muỗi đốt hỏng sơn.
Thấy Hoàng Nhuận Cầm nói như đinh đóng cột chuyện Văn Sĩ Tương mắc màn cho xe đạp, anh em bán tin bán ngờ. Nhân có anh Huyền Dân mở phòng Tương tìm tài liệu vội nhào vào xem. Quả đúng thiệt. Chiếc xe được mắc chiếc màn tuyn.
Chuyện Văn Sĩ Tương đi công tác mắc màn tuyn cho xe râm ran khắp đồn Mang Cá.
Ngày đi công tác về bị chế nhạo, Tương chửi đổng:
– Ra đi miềng giặt chiếc màn, không biết phơi đâu miềng mắc lên để phơi tiện thể cho xe vào trong cho gọn, ai ngờ tay Hoàng Nhuận Cầm lại xuyên tạc miềng mắc màn cho xe đạp. Hắn ác khẩu thiệt, bây giờ đến đâu cũng bị chọc.
Vốn nhát như thỏ đế, thấy Tương hùng hổ Hoàng Nhuận Cầm im như thóc. Rồi một trưa khi anh em đang chuẩn bị đi ăn thì Văn Sĩ Tương hớt hãi chạy về kêu rống lên:
– Mẹ thằng Hoàng Nhuận Cầm miệng độc như l.., miềng mất xe rồi!
Trưa ấy Văn Sĩ Tương bỏ cơm.
Ngày ấy mà mất chiếc xe đạp còn đau hơn nông dân mất con trâu.
Anh em động viên mãi Tương mới nguôi ngoai. Nhưng cũng từ đó hễ mờ sáng là mất Văn Sĩ Tương. Anh dậy sớm ra khỏi cổng thành lặng lẽ. Ba tháng sau, Văn Sĩ Tương ung dung đạp chiếc xe mình về, giọng ào ào như thác:
– Miềng đi mật phục 3 tháng nay mới tóm được thằng ăn trộm trước cổng trường Quốc học. Dẫu hắn đã thay ghi đông, gác đơbu nhưg miềng vẫn nhận ra xe miềng. Miềng đưa hắn vô đồn, hắn cãi hung lắm. Bây giờ miềng mới nói trong cọc yên có viết tên miềng là xe của miềng. Mấy anh công an mở ra đúng vậy. Hắn bị tra tay vào còng. Xe miềng lại về với miềng.
Rồi chuyện nhà biên kịch Đào Hồng Cẩm vì quá quý Tương, thương Tương nên mỗi lần tới thăm cứ rủ ăn cơm cùng. Tương tiếc nồi cơm độn nên không chịu đi ăn cơm trắng với nhà biên kịch Đào Hồng Cẩm thế là ông đổ quách nồi cơm độn xuống đất, Tương mới chịu đi.
Bao nhiêu kỷ niệm vui buồn đến ứa nước mắt, một thời trận mạc lẫy lừng như thế cho đến khi về quê hương ba mang theo 7 bộ rương tồn mua ở chợ Đông Ba khiến cả xóm nháo nhào lên: Nhà báo Tương về với cơ man nào là lụa là, của cải nhưng hỡi ôi khi mở ra thì chỉ toàn sách báo và thập cẩm các hộp huân huy chương, vài bộ quân phục đã sờn bạc và một đôi giày cũ nát.
Ba về! Mạ khóc. Bầy con ngỡ ngàng. Ba nở nụ cười sảng khoái như chưa hề đi qua trận mạc rồi lại hòa nhập vào đời sống của nhân dân, giúp đỡ bà con với cương vị trưởng thôn. Tưởng rằng đã gác bút để sống cuộc sống nông nhàn bên vợ con sau những ngày tháng xa cách nhưng những kỷ niệm cứ dấy lên trong ba và nó lại thôi thúc ba cầm bút viết tiếp những trang nhật ký, làm đầy lên cả một thùng nhật ký chiến trường, ba lại làm thơ viết báo như để tri ân những đồng đội cũ, và viết để giải tỏa những cảm xúc trong mình. Chính những cảm xúc đó đã không đưa được máu về tim nên ba tôi đã ngã xuống, nhắm mắt bay về cùng đồng đội.
Tôi không quên được một ngày rất đẹp, 19 tháng 5, cả nước tưng bừng mừng sinh nhật Bác và cũng ngày ấy đất mẹ đã ôm ba vào lòng, từ nay tôi không còn nghe thấy giọng cười sảng khoái của ba, nét mặt thâm trầm và cả cái dáng ngồi nghiêng nghiêng bên cửa sổ tay cầm tờ báo đọc chăm chú. Ba nói “Bản thân cuộc sống đã là văn nghệ. Thông qua người nghệ sĩ điển hình và văn nghệ hoá lên một bước, càng làm cho cuộc sống phong phú và đa dạng biết chừng nào. Cũng vậy đấy, nên chúng ta đã vượt qua mọi mất mát, đau thương để sống một cuộc sống vô cùng ý nghĩa”.
Sinh ly tử biệt, quy luật đó làm sao tránh khỏi. Ai rồi cũng sẽ về với đất nhưng với ba tôi ông đã để lại một vết cào trên cỏ!.
2/5/2021
Trác Diễm
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chương XIII thuyền-trưởng bất đắc dĩ TÔI yên trí tôi chỉ xuống trình-diện tại một chiếc tàu nào là được tuyển-mộ ngay. Vì thế, sau khi tới...